Những Nẻo Đường Tâm Linh: Linh Đạo Tu Hội Con Đức Mẹ Phù Hộ

0
2822


G.B. Lưu Quốc Phương, OP.

Giuse Nguyễn Hữu Thập, OP.

Têrêsa Uông Thị Đoan Trang, FMA.

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH

“Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ.” (1Cor 12,28).

Thật vậy, Thiên Chúa ban cho con người những đặc sủng riêng để chương trình của Chúa được thực hiện. Và Thiên Chúa cũng ban cho các vị thánh tổ phụ những đặc ân để các ngài và các anh chị em của Hội dòng mà các ngài thành lập trở nên giống Đức Kitô hơn trong việc nên thánh và phục vụ con người. Các thánh tổ phụ, trong đặc ân riêng của mình, đã trở nên giống Đức Kitô hơn bằng việc hoạ lại một vài đặc điểm của Người trong đời sống của Hội dòng mình. Trong Phúc Âm, nếu chúng ta thấy một Đức Giêsu cầu nguyện chiêm niệm, Giáo hội đã xuất hiện các dòng tu chiêm niệm như Xitô, Biển Đức, Cát Minh…; một Đức Giêsu chữa bệnh, ta có dòng Bệnh Viện; Đức Giêusu an ủi người nghèo, ta có dòng Vinh Sơn; một Đức Giêsu giảng thuyết giữa hội đường hay nơi có dân chúng tụ họp, và dòng Anh Em Giảng Thuyết ra đời; một Đức Giêsu vui chơi và dạy dỗ trẻ em, Giáo hội vì thế có thêm sự trợ lực của dòng Phanxicô Salêsio chuyên trách trẻ nam, và tu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ ưu tiên cho trẻ nữ nhất là các thanh thiếu niên nghèo dưới nhiều dạng khác nhau.

Ngày hôm nay, khi nhắc đến thanh thiếu niên, người ta hình dung ngay ra trong giữa chúng có các Salêdiêng vui tươi, năng động, luôn sẵn sàng đồng hành với chúng bằng tất cả sự yêu thương. Salêdiêng, đó là những con người của thanh thiếu niên đã lấy chính việc dạy dỗ, phục vụ và đồng hành với các em làm con đường nên thánh. Đó chính là linh đạo Salêdiêng mà chính thánh Gioan Don Bosco, thánh nữ Maria Dominica Mazzarello và các anh chị em của các ngài đã chọn cho Hội dòng của mình. Tuy nhiên, với khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một nhánh trong linh đạo Salêdiêng mà thôi, đó là linh đạo tu hội Nữ Salêdiêng – tu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA: Figlie di Maria Ausiliatrice).

1. Bối cảnh lịch sử và anh em tu hội Phanxicô Salêsiô

Đến cuối thế kỷ 19, Giáo hội dần mất hết ảnh hưởng của mình trong trường học, bệnh viện, các công trình xã hội để nhường chỗ cho các thế lực chính trị xã hội. Trào lưu tục hoá đã tràn ngập khắp Châu Âu. Vì thế tình hình xã hội đang thay đổi một cách chóng mặt.

Tại Ý, vì bị nhà nước chiếm đất đai, Đức Giáo Hoàng nhất khoát không hoà hoãn với nhà nước bằng cách cấm Kitô hữu tham gia chính trị, cấm ứng cử lẫn bỏ phiếu. Vì vậy, thế sự càng căng thẳng và tồi tệ hơn trước. Đáp lại, họ cấm rước kiệu, cấm hành hương và tiếp tục tịch thu các cơ sở tôn giáo. Hơn nữa, nhà nước thì đang quá bận tâm vào các phong trào tự do và nền hoà bình dân tộc.[1] Vì thế, giới trẻ bị rơi vào cảnh bơ vơ, không ai quan tâm chăm sóc.

Có lẽ người của Chúa thì Chúa dành để thực hiện công việc của Ngài. Không như thường lệ, cha Gioan Bosco đã chối từ các nhiệm sở để tham gia nhập “nhóm giáo sĩ sống chung” chuyên chăm học hành và làm quen với thừa tác vụ. Tại nơi đây ngài giảng dạy, giải tội và rong ruổi khắp thành phố để nhìn thực tế. Cha Michel Rua kể lại: “Kết quả những tìm hiểu đó tỏ ra rất tiêu cực: khắp nơi cha thấy nhiều thanh thiếu niên trên các đường phố và công viên nói phạm thượng và làm những chuyện xâu xa…”[2] Không chỉ thảm hại về mặt đạo đức, các thanh thiếu niên đó còn rơi vào tình trạng tồi tệ về nhà ở, sinh sống và việc làm. Đó là hệ quả của ngàn ngày thanh niên bỏ ruộng đồng đổ xô vào thành thị công nghiệp Turinô 130.000 người với chỉ vỏn vẹn vài xưởng dệt! Như thế chúng ta dễ dàng hình dung cảnh bần cùng xô bồ, chui rúc của những người trẻ trong các nhà ổ chuột. Ngoài công trường thì đầy những trẻ em trong tuổi học hành mà đã phải chịu đựng nắng mưa cùng những công việc nặng nhọc. Một số khác thì bị cha mẹ đẩy đi ăn xin trên các nẻo đường. Một số khác chơi bời lêu lổng, nhập băng quậy phá, rồi bị dồn vào các trại lao tù khổ sở mà vô ích. Giới trẻ bị đẩy ra khỏi nhà mà không được nền giáo dục nào quan tâm ngoài những trò lưu manh, những lời chửi rủa thô tục… “Nhìn thấy một đám con trai từ mười hai đến mười tám tuổi, tất cả đều vạm vỡ, lanh lợi, thế mà bị dồn vào thế ngồi không, rận chấy đầy mình, thiếu lương thực tinh thần và vật chất: đó là cái làm tôi rùng mình.”[3]

Và thế là những kinh nghiệm đầu tiên đã thực sự hướng sự quan tâm và cuộc đời của Don Bosco (1815-1888) về với các thanh thiếu niên nghèo khổ và bị bỏ rơi này. Vâng, đây chính là những kinh nghiệm sống thực của vị linh mục trẻ 26 tuổi (ngài sinh 16.8.1815, thụ phong linh mục năm 1841) chứ không phải là một giấc mơ của thời niên thiếu (lúc 9 tuổi) nữa.[4] Với những băn khoăn và thao thức ấy, ngài đã biến chúng thành những công việc cụ thể là quy tụ các nam thiếu niên nghèo trong các công trường, xưởng sản xuất, và trên các nẻo đường để vui chơi, học giáo lý, học chữ, học cách làm người. Sau đó ngài còn cho lập nhà nội trú để dạy nghề và và tạo công ăn việc làm cho các em (năm 1853).[5] Dòng thánh Phanxicô Salesio được thành lập từ những nỗ lực ấy (Sắc lệnh phê chuẩn năm 1869).

Don Bosco rất thành công trong việc dạy dỗ và hướng nghiệp cho các em trai, nhưng ngài chưa làm gì giúp cho các thiếu nữ. Những lời nài nỉ cũng như trách móc của nhiều vị giám mục và mọi người vì việc lơ là không lo cho các em gái đã làm cho ngài phải đắn đo suy nghĩ. Điều ấy thúc ép ngài phải làm một điều gì đó tương tự cho các thiếu nữ như ngài đã từng làm cho các thiếu niên nam, nhưng ngài vần do dự vì ngài không thấy Chúa mời gọi ngài làm những việc như vậy. Dù chưa có thái độ dứt khoát, nhưng điều ấy đã chiếm lấy tâm hồn của Don Bosco trong cả những giấc chiêm bao. Một lần ngài mơ thấy một bầy trẻ nữ rất đông chơi đùa trên một quảng trường của thành phố Turinô mà chẳng được ai chăm sóc. Khi các em thấy ngài thì chạy lại năn nỉ ngài lo cho các em, nhưng ngài lại tìm cách xa các em vì ngài nói đã có sứ mạng khác rồi. Lúc đó ngài thấy một bà mặt mũi sáng láng hiện ra, lấy lời dịu dàng mà khuyến khích ngài hãy làm theo lời các trẻ nữ nguyện xin, rồi bà biến mất vào trong giữa đám trẻ mà tiếng bà vẫn vọng lại: Hãy lo cho các em này! Đó là các con gái của Ta![6] Và năm 1870, ngài tuyên bố thành lập một Hội dòng lo cho các em nữ như các tu sĩ Salêdiêng nam đã lo cho các em nam, nhưng việc xúc tiến vẫn còn rất trì trệ vì thời điểm chưa đến.

2. Maria Dominica Mazzarello, đồng sáng lập

Maria Dominica Mazzarello sinh ngày 9 tháng 5 năm 1837, tại Mornese, tỉnh Genes, giáo phận Acqui, nước Ý, trong một gia đình nông dân nghèo. Như phần lớn con gái nông dân trong làng, Maria không biết viết nhưng được ba dạy cho biết đọc! Maria rất đảm đang công việc nội trợ cũng như công việc vườn tược. Dù làm việc vất vả, nhà thờ lại xa, nhưng Maria vẫn cố gắng tham dự các thánh lễ và các lớp giáo lý một cách sốt sắng. Maria rất chăm chú, siêng năng, mau thuộc bài, hoạt bát, dạn dĩ và thường được cha sở nêu gương cho các em khác. Maria lớn lên trong bầu khí tràn ngập yêu thương và đạo đức của gia đình và họ đạo. Thánh nữ được rước lễ lần đầu lúc 10 tuổi và thêm sức ngày 30.9.1849. Hơn thế nữa, niềm tin của Maria thật nồng nàn và sống động qua việc rước lễ hằng ngày. Maria không ham chuộng những cuộc vui chơi thế tục và cố gắng đưa các bạn tránh những dịp tội đó. Maria đã cố gắng nhiều trong việc chế ngự tính nóng nảy của mình và với sự giúp đỡ của cha sở Pestarino và cũng là cha linh hướng, con đường nhân đức của thánh nữ ngày một hoàn trọn hơn.

Maria sớm nhận ra ý tưởng hiến dâng để thuộc trọn về Chúa, nhưng lời kẻ xấu nói “nghèo không đi tu được” lại là một thực tế phũ phàng nơi nhiều thiếu nữ đạo đức như Maria. May thay, ý tưởng dâng hiến của Maria đã được Chúa nhận lời một phần, khi Maria trở thành thành viên của hội đạo đức do chị Augela Maccagno khởi xướng với sự giúp đỡ của cha linh hướng Pestarino ngày Chúa nhật 9.12.1855. Hội mang tên Con Cái Đức Mẹ Vô Nhiễm với nội quy “hợp nhất với nhau trong Chúa Kitô, kết hợp bằng trái tim, tinh thần và ý chí, hoàn toàn vâng lời cha linh hướng giải tội trong mọi sự,”[7] các chị sẽ khấn giữ đức khiết tịnh trong thời gian nhiều nhất là một năm, tiếp tục sống trong gia đình, nhưng siêng năng lãnh nhận các bí tích, mến yêu và sùng kính Đức Maria, thực hành phục vụ bác ái một cách xả kỷ hơn, dâng hiến toàn vẹn con người và gắn con người mình cho Chúa. Dù ít tuổi nhất trong nhóm, nhưng nhờ nguồn ơn kín múc từ những việc thánh thiện ấy, Maria đã hăng say làm việc tông đồ và đã thu hút được rất nhiều thiếu nữ và các bà mẹ trong làng mà cha Morand Wirth ví von như “cục nam châm hút các miếng sắt!”.

Năm 1860, trận dịch đậu lào đã lấy đi bao sinh mạng của bao người và đã toan lấy mạng Maria khi ngài hăng say phục vụ bệnh nhân. Ngài qua khỏi bệnh dịch nhưng sức khoẻ đã không được như xưa. Sau khi bình phục, thánh nữ đã suy nghĩ thật nhiều, thật nhiều… sẽ làm thợ may để có thể tự lập, để thu hút, đào tạo và giúp ích cho các thiếu nữ nhiều điều khác về đức tin, cuộc sống. Ý tưởng ấy cứ nung nấu Maria cho đến một ngày kia khi đi dạo trên con đường làng gần Borgo Alto, Maria đã có một thị kiến, Maria thấy một dẫy nhà trường lớn, đẹp đẽ, ở đó có nhiều thiếu nữ cùng các nữ tu. Đang ngây ngất với quang cảnh kỳ lạ đó, thì trong thâm tâm Maria nghe có tiếng nói vang vọng như sau: “Ta trao phó những trẻ nữ này cho con.”[8]

Sau thời gian học nghề, Maria và người bạn thân Petronilla mở tiệm may riêng và công cuộc phục vụ các thiếu nữ của Maria bắt đầu từ đây. Dù bị áp lực rất nhiều về kinh tế và về phía gia đình, hai chị em vẫn kiên trì dạy may miễn phí, tìm việc để nuôi sống bản thân và các em, dạy các em biết sống theo tinh thần Phúc Âm,[9] tất cả vì mục đích không muốn các em phải hư đi mà trở thành những người phụ nữ đảm đang trong gia đình, người công giáo tốt biết phân biệt tốt xấu để chọn lựa cho mình những giá trị chân thực cho cuộc sống.

Đối với các em khác trong xứ không học may, Maria cũng quy tụ các em vào các ngày Chúa Nhật để linh hướng, để cùng vui chơi, cầu nguyện. Maria nổi lên như là một nhà giáo dục đại tài khi “chị biết cách khiển trách các em khi cần mà không bao giờ to tiếng. Chị không ngần ngại khuyên các bà mẹ lo giáo dục con em,”[10]biết dùng ngành truyền thông để trong việc giáo dục như một lần Petronilla kể: “Một lần chúng tôi dùng tiền của Hiệp Hội để mua 100 cuốn sách nhỏ (nhan đề là Một Thiếu Nữ Muốn Thuộc Trọn Về Chúa Giêsu), chúng tôi để cuốn sách này lúc chỗ nọ lúc chỗ kia, hoặc làm bộ như để quên với hy vọng rằng thiếu nữ nào nhặt được, chắc sẽ đọc, sẽ nhận được từ cuốn sách những hoa trái tốt lành.”[11]

Như vậy, từ một miền quê hẻo lành, Maria không hề biết Don Bosco, những sáng kiến rất hồn nhiên của Maria đã làm cho trẻ nữ, là một sự trùng hợp đến lạ lùng với những gì Don Bosco đã làm cho trẻ nam ở nguyện xá Valdocco. Con người Maria giống Don Bosco đến lạ kỳ, dù không biết đến anh em Salêdiêng, nhưng Maria đã là một Salêdiêng rồi! Vì vậy, khi cuộc hội ngộ thú vị của hai vị thánh này diễn ra rại Mornese năm 1864, Don Bosco biết ngay được đây là thời điểm thuận tiện cho việc thành lập một Hội dòng nữ để lo cho các thiếu nữ mà ngài đã từng ấp ủ lâu nay (xc. Chú thích số 6). Đây không chỉ là cuộc hội ngộ giữa hai con người, nhưng còn là cuộc hội ngộ giữa hai tư tưởng như hai nhánh sông nhập lại thành một để mưu ích cho người trẻ. Tu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ[12] ra đời năm 1872, và được kể vào trong tu hội Thánh Phanxicô Salêsiô, tức là “các nữ tu sẽ nhắm mục đích là giáo dục các trẻ nữ, cũng như các thành viên của tu hội Thánh Phanxico Salesio đang lo cho các trẻ nam. Các chị ấy phải thuộc quyền con và những vị kế nhiệm con, cũng như các Nữ Tử Bác Ai của thánh Vinh Sơn đệ Phaolô lệ thuộc vào các cha Lazarit.”[13] Maria Mazzarello được bầu làm Mẹ Đại Diện và đã hết mình với sứ vụ qua việc củng cố và phát triển tu hội. Mẹ qua đời ngày 14.5.1881 khi mới 44 tuổi, được Đức Pio XI phong chân phước 20.11.1938, Đức Piô phong hiển thánh 24.6.1954. Trong quãng thời gian đó, tu hội đã trở thành một trong những Hội dòng nữ lớn nhất thế giới.

Lúc đầu, Don Bosco được coi là Đấng sáng lập đích thực và duy nhất của tu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ nhưng với sự kiện Mẹ Mazzarello được phong Chân phước và Hiển thánh, sau 10 năm dài, Giáo hội không những thấy phù hợp mà còn là sự chuẩn xác về lịch sử để ban tặng danh hiệu Đồng sáng lập [14] (theo đúng qui định của giáo luật, lịch sử và thần học) cho Mẹ Maria Dominica Mazzarello, Mẹ Bề trên Tồng quyền đầu tiên của Tu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ. (Xc. Lịch sử Tu Hội FMA, tr. 12-23).

Trên bình diện sứ mệnh, Tu hội được chân nhận là sự tiếp nối chính sứ mệnh Salêdiêng: FMA làm cho trẻ nữ tất cả những gì Salêdiêng nam làm cho trẻ nam. Quả thực Thánh nữ Mazzarello là “Đấng sáng lập hay là người sáng tạo” kinh nghiệm Salêdiêng theo nữ tính (Mario Midali ghi nhận).

Don Bosco đặt tên cho Tu hội là Con Đức Mẹ Phù Hộ, đời sống của họ trở thành lời cảm ơn Mẹ Phù Hộ qua mọi thời đại. Họ là Đài kỷ niệm sống động tri ân Mẹ Maria, Đấng được cầu khẩn dưới tước hiệu Mẹ Phù Hộ. (Xc. Lịch sử Tu Hội FMA, tr. 32).

II. LINH ĐẠO TU HỘI CON ĐỨC MẸ PHÙ HỘ

Mọi tín hữu đều được mời gọi nên thánh,[15] “Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành”(Mt 5, 48), và tu sĩ, hơn ai hết, phải được thúc giục để yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn cùng hết sức lực (xc. Mc 12, 30) và yêu thương tha nhân như Chúa Kitô yêu thương họ (xc. Ga 13, 34; 15, 12), cụ thể hơn qua đời sống thánh hiến và hoạt động tông đồ. Các tu sĩ tu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ cũng cố gắng thể hiện sự thánh thiện của mình qua hai chiều kích ấy.

1. Chiều kích thánh hiến

a. Lời khuyên Phúc Âm

“Bằng việc tuyên khấn tu trì, là dâng hiến trọn vẹn cho Chúa, chúng ta hội nhập vào giao ước tình yêu mà Thiên Chúa đã ký kết với Don Bosco và mẹ Mazzarello, giao ước còn được kéo dài mãi nơi sự trung thành của tu hội chúng ta.”(HL số 9).

Việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm còn đưa dẫn các nữ tu FMA đến sự tự do đích thực, tăng cường mối dây hiệp thông giữa các chị với nhau và với giới trẻ, với môi trường và toàn thể tạo vật.[16]

– Thanh khiết

Thanh hiết vì Nước Trời là một hồng ân quý giá của Thiên Chúa giúp các chị dấn mình theo Chúa Kitô với con tim không chia sẻ, rộng mở cho tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, hoàn toàn sẵn sàng phục vụ sứ mạng của tu hội. (xc. HL 12)

Hơn nữa, thanh khiết còn là bí quyết thành công của hệ thống giáo dục của chị em FMA, qua đó các chị có khả năng hơn để đón nhận cũng như hướng dẫn thiếu nữ bằng chính thứ tình yêu mãnh liệt, chân thành và vô vị lợi. (xc. HL 14)

– Khó nghèo

Nhờ đức khó nghèo Phúc Âm, các chị FMA đã tham dự vào mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng đã trở nên nghèo khó để làm giàu cho mọi người nhờ sự nghèo khó của Ngài. FMA nghèo để trở nên đồng hội đồng thuyền với thiếu nữ nghèo và bị bỏ rơi, để đồng hành và hướng dẫn chúng tới một tương lai tươi sáng hơn. Họ khó nghèo để dễ dàng cho đi tất cả những gì mình có như sức lực, của cải tiền, thời gian vì sứ mạng giáo dục (HL 23). Họ giáo dục giới trẻ sống nền văn hóa của liên đới, phục vụ cách nhưng không, đánh giá quân bình về lao động và thời giờ, tương quan đúng đắn với các sự vật, mạnh dạn lên tiếng trước những hoàn cảnh bất công và phân biệt đối xử, nhất là đối với trẻ em và phụ nữ. Tự do và phẩm giá con người không phải là sở hữu của cải nhưng là hình ảnh của Thiên Chúa.

– Vâng phục

Lời khấn vâng phục đưa người FMA vào trong mầu nhiệm của sự sẵn sàng của Đức Kitô trước thánh ý của Chúa Cha cho đến chết trên thập giá.

Vâng phục trong linh đạo Salêdiêng gắn liền với sứ mệnh giáo dục được thể hiện qua việc kiên trì tìm kiếm chương trình của Thiên Chúa.

Vâng phục trở thành thực tại trong cộng đoàn khi người FMA sống sự tương thuộc lẫn nhau để cùng nhau thể hiện kế hoạch giáo dục. Quyền bính như là một sự phục vụ và sợi dây hiệp thông với một gia đình rộng lớn khắp thế giới (HL 33).

Trong một thế giới đầy mâu thuẫn và tranh giành quyền lực, người FMA tự giáo dục mình và giáo dục giới trẻ biết hợp tác trong tinh thần đồng trách nhiệm, nỗ lực làm cho trái đất này trở thành một đại gia đình rộng mở trước những biểu hiện đa dạng của con người.

b. Đời sống cộng thể

– Nền tảng

Cộng thể Salêdiêng được Chúa Cha quy tụ trong Đức Giêsu Kitô, là biểu hiện sâu xa sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, và vì thế phải thể hiện được sự đồng tâm nhất trí trong tinh thần gia đình, để nơi đó ơn gọi được tăng trưởng, niềm vui được gia tăng, tinh thần tông đồ được hun đúc (xc. HL 36; 49 – 51).

Cộng thể phải là nhà của niềm vui và yêu thương, nơi chị em có thể chân thành đối thoại với niềm kính trọng và cảm thông, nơi các thanh thiếu nữ cảm thấy được đón nhận như đang hoạ lại bản Magnificat của Mẹ Maria, và luôn lấy cộng thể đầu tiên ở Mornese làm cộng thể kiểu mẫu, nơi tinh thần gia đình là chất sống. (HL 62)[17]

“Cộng đoàn FMA, khi được biến đổi để trở thành ánh sáng và muối Phúc Âm (xc. M 5, 13-16) sẽ có thể linh động hoá cộng đoàn giáo dục và trở thành khung cảnh đào luyện cho giáo dân và giới trẻ chính trong khi nó sống và thực hành hệ thống dự phòng. Như thế nó diễn tả và truyền đạt linh đạo Salêdiêng, mời gọi sự tham gia của những nhà giáo dục khác và tất cả những ai quan tâm tới công việc giáo dục.”[18] (xc. HL 36)

– Vị thế của giới trẻ trong cộng thể Salêdiêng

Trong các cộng thể và trong sứ mệnh của người Salêdiêng, giới trẻ có một vị thế quan trọng. Đây chính là khía cạnh đặc trưng của tinh thần Salêdiêng, ơn gọi Salêdiêng không thể hiện hữu nếu thiếu vắng người trẻ. Rất nhiều khoản luật xác định cộng thể FMA hiện hữu vì giới trẻ:

Qua sự ràng buộc của lời khấn và trong sự hiệp thông với các chị em, FMA hiến dâng đời mình trọn vẹn hơn để làm cho tình yêu của Chúa Kitô được hiện diện giữa giới trẻ (Xc HL 11). Mỗi cộng thể FMA là cộng thể tông đồ, trong đó cùng chia sẻ những mối quan tâm, niềm hy vọng, kinh nguyện, mục tiêu hoạt động mục vụ, công việc và những của cải vật chất nhằm phục vụ sứ mạng tu hội. Mỗi FMA có trách nhiệm đóng góp phần mình để tạo nên môi trường giáo dục đích thực và sẵn sàng sống vì giới trẻ và giữa giới trẻ, nỗ lực lo về phần rỗi cho các em (Xc HL 51). Chia sẻ với giới trẻ những giờ phút đặc biệt của ngày lễ và đời sống gia đình tu sĩ (Xc HL 55). Mỗi cộng thể phải trở thành nhà của tình yêu, diễn tả được lòng ưu ái đối với giới trẻ, là dấu chỉ và trung gian của đức ái Chúa Kitô nơi mà giới trẻ được yêu và cảm thấy mình được yêu, được đón nhận (Xc HL 62; 63; 67).

Sự hiện diện của giới trẻ trong lòng cộng thể Salêdiêng mang một ý nghĩa đặc biệt. Khi giới trẻ được hòa mình trong cộng thể cầu nguyện, sẽ trở thành bài học cầu nguyện tốt hơn cả. (Qui chế 26).

Các cộng thể FMA phải luôn rộng mở và tiếp đón giới trẻ. Việc tiếp xúc trực tiếp với trẻ, đặc biệt ở sân chơi và trong những sinh hoạt khác giải trí khác giúp FMA am hiểu hơn những vấn đề và những giá trị của các em, để hướng dẫn các em sống Tin Mừng cách hữu hiệu hơn. (Qui chế 58).

Ơn gọi Salêdiêng không chỉ hiến thân cho giới trẻ nhưng còn phải đồng hành với chúng, góp phần tạo nên một dấu ấn trẻ trung nơi ngôi nhà Salêdiêng không lẫn vào đâu được, vì ngôi nhà đó được tạo nên bằng sự hồ hởi, niềm vui lành mạnh, sáng kiến tươi trẻ và sẽ hoàn toàn cô quạnh hoặc biến dạng nơi đâu không có sự hiện diện của giới trẻ.

– Kinh nguyện

Cầu nguyện chính là cách thức các nữ tu Salêdiêng sống trước nhan Chúa với niềm tín thác vào tình phụ tử của Ngài, đồng thời cũng kín múc từ đó những ân sủng và sức mạnh để phục vụ giới trẻ. “Kinh nguyện phụng vụ và việc cử hành các giờ kinh trải dọc suốt cả ngày cho phép cộng đoàn đi xâu vào mầu nhiệm từ đó trào vọt ra mọi hoạt động phong phú thực sự.”[19]

Kinh nguyện đơn sơ nhưng thiết yếu, sống động và có sức tác động vào đời sống thường ngày, đồng thời có sức lôi cuốn các thanh thiếu nữ vào niềm vui gặp gỡ Chúa Kitô. (xc. HL 38).

Hiến Luật số 47 cho chúng ta thấy rõ chiều kích cộng đoàn trong đời sống cầu nguyện của FMA: “Được lời Chúa Giêsu khích lệ: Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Ta, Ta ở giữa họ(Mt 18, 20), chúng ta hãy trung thành tham dự vào kinh nguyện cộng thể là thời gian thiết yếu để chúng ta cùng chung sống cho Thiên Chúa.”

Cuộc gặp gỡ chiều sâu của chị em với Chúa[20] qua việc tham gia trọn vẹn vào việc lắng nghe Lời Chúa (HL 39), lãnh nhận các bí tích (HL 40-41), hiệp nhất với Giáo hội trong lời kinh nhật tụng (HL 42), sùng kính Đức Maria và hiệp thông cùng các thánh, nhất là các thánh trong gia đình Salêdiêng. (HL 44-45).

Như vậy, đời sống cầu nguyện trong tu hội FMA luôn được đề cao và là nguồn sống của mọi hoạt động mục vụ giới trẻ. Cuộc sống ấy không dừng lại trong các giờ kinh, nhưng liên lỉ trong cộng đoàn là bầu khí Phúc Âm và tự hiến như mẫu nhà Mornese xưa.

2. Đời sống hoạt động

Từ đời sống cầu nguyện từ việc thường xuyên lắng nghe Lời Chúa, siêng năng tham dự và đón nhận các bí tích và những giờ khắc riêng tư kết hiệp với Chúa đến đời sống chia sẻ tình đệ huynh trong cộng thể yêu thương, cách chị em FMA đã kín múc từ đấy sức mạnh, lòng nhiệt huyết để sẵn sàng ra đi đem yêu thương giúp đời trong linh đạo và sứ vụ của mình.

a. Sứ mạng giáo dục – đến với giới trẻ, đặc biệt đối với các thiếu nữ

Sứ mạng này được nói rất rõ trong Hiến Luật số 65: “Đối tượng của sứ mạng chúng ta là các thanh thiếu nữ thuộc giới bình dân trong tất cả mọi giai đoạn tăng trưởng của tuổi tác.

Với tình ưu ái của Don Bosco và Mẹ Mazzarello chúng ta hiến thân cho những em nghèo nhất, có nghĩa là những em – vì nhiều lý do khác nhau – có ít khả năng thành đạt và dễ sa vòng nguy hiểm.”

Thật vậy, sứ mạng giáo dục là nét đặc trưng của đời sống Salêdiêng nói chung và của chị em FMA nói riêng. Nó làm nên một hướng đi, và quy hướng mọi sức lực của chị em về sứ mạng đó, sứ mạng khơi dậy lòng kháo khát Thiên Chúa trong tâm hồn trẻ và đồng hành với chúng trên tất cả mọi nẻo đường trong cuộc sống như chính khởi hứng của các vị sáng lập.

b. Phương pháp Dự Phòng

Sứ mạng của các Salêdiêng là giáo dục các thanh thiếu niên, và các ngài giáo dục các em theo phương pháp Dự Phòng. Đó là đặc điểm của ơn gọi Salêdiêng trong Giáo hội, là linh đạo chuyên biệt và là phương pháp mục vụ của tu hội. (xc. HL 7)

Đó không phải là phương pháp giáo dục cưỡng bức sửa trị, nhưng dùng duy sức mạnh của thuyết phục và tình yêu để cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc làm cho Đức Kitô lớn lên trong tâm hồn các thanh niên thiếu nữ. (xc. HL 7)

Thật vậy, phương pháp Dự Phòng quả là một gia sản quý báu mà Don Bosco để lại cho Giáo hội chúng ta nói chung và đặc biệt cho anh chị em Salêdiêng nói riêng.

c. Mục đích

“Việc đáp lại ý chí của Thiên Chúa nơi Don Bosco và Mẹ Mazzarello được tỏ hiện qua nỗ lực trở nên những Kitô hữu tốtnhững công nhân lương thiện. Vì thế kế hoạch mục vụ của chúng ta nhằm phát triển toàn diện người thanh thiếu nữ. Dần dần nó dẫn họ đến việc đảm nhiệm trách nhiệm phát huy chính mình và hình thành nơi mình một nhân vị có khả năng phán đoán đúng đắn, lựa chọn tự do và phục vụ tha nhân.”(HL 69)

d. Những yếu tố căn bản của Phương pháp giáo dục Dự phòng

Phương pháp Dự phòng không dừng lại ở việc canh chừng, kiểm soát nhưng là hiện diện, đồng hành, can thiệp, hướng dẫn, động viên những chọn lựa tốt, tạo môi trường thuận lợi để các em biết chọn đúng cách, đúng lúc với tinh thần trách nhiệm.

Trong sứ mạng giáo dục, phương pháp Dự Phòng đã trở thành một phương tiện hiệp thông giữa các tu sỹ FMA với nhau và với các thanh thiếu nữ trong bầu khí hồn nhiên, thân ái, tràn đầy niềm vui. Toàn thể hệ thống Dự Phòng này được đặt nền trên 3 yếu tố căn bản là: lý trí, tôn giáo và tình yêu. (HL 66).

– Lý trí

Nhà giáo dục phải biết vận dụng lý trí trong việc thuyết phục hay đề nghị trẻ làm hoặc không làm điều gì đó thay cho việc cưỡng chế, giáo điều và sử dụng hình phạt như hện thống giáo dục Cưỡng Bách chủ trương. “Khi người ta không doạ nạt nhưng trò chuyện, khi Thiên Chúa là chủ nhà, khi người ta không sợ hãi nhưng muốn điều tốt, gia đình sẽ nảy sinh.”[21] Và khi người ta là thành viên trong gia đình thì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn vì trong đó có tình yêu.

– Tôn giáo

Yếu tố này rất thuận lợi khi các em cũng là con cái của Giáo hội. Các nhà giáo dục dạy cho các em biết và tiếp cận với các giá trị của Tin Mừng, trang bị cho các em một lương tâm thánh thiện trong nhãn quan Kitô giáo, đồng thời giúp đỡ và khuyến khích các em siêng năng tham dự và lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Hoà giải và Thánh Thể. Tuy nhiên, các nhà giáo dục nên nhớ, phương pháp Dự Phòng không bao giờ áp dụng quy tắc bắt buộc, ngay cả việc xung tội hay rước lễ. Dần dần, những giáo trị tôn giáo và những ân thiêng kín múc từ các bí tích sẽ hướng dẫn các em trên đường trở thành những con người tốt. Vì vậy, “… nên nhớ rằng nơi nguồn ngọn và nơi tột đỉnh của việc giáo dục này là đức tin và đức ái siêu nhiên”[22]

– Tình yêu

Các nhà giáo dục phải trở nên nhân chứng của tình yêu Đức Kitô trong đời sống giáo dục của mình. Họ là mẫu gương của lòng thương yêu chân thành, kiên nhẫn, chịu đựng, bao dung, tha thứ, tin tưởng và không mất niềm cậy trông. Như vậy, các em không những chỉ được yêu thương, nhưng các em phải biết mình được yêu thương và vì thấy mình được chấp nhận. (xc. HL 67).

Các FMA sống căn tính giáo dục của mình theo phong cách của tình mẫu tử, tình bạn, “tình chị em”, thái độ biểu lộ những yêu cầu tiên liệu (dự phòng) của nền giáo dục salediêng. Nó diễn tả sự gần gũi, thân thiện theo cách Don Bosco đưa ra trong chương trình của Nguyện xá năm 1869, làm cho chúng yêu thương hơn là hãi sợ qua sự hiện diện liên tục và yêu thương giữa các thiếu nữ (Hồi Sử I 225).

Nền giáo dục tiên liệu này được liên kết với sự dịu dàng trong cách cư xử, với tình thương và sự nhắc nhở. Đó là những yếu tố giáo dục vốn khơi dậy các năng lực trong các thiếu nữ, cách riêng lý trí và tình cảm. Nó đòi hỏi các thiếu nữ một tiến trình tăng trưởng, khởi đi từ những đòi hỏi của của chúng, định hướng chúng qua việc đối thoại và sự thuyết phục trong một bầu khí của tình mến thương chân thành và sâu xa, ngược lại với áp lực cứng nhắc và nghiêm khắc.

e. Khoa sư phạm Hộ trực

Hộ trực là yếu tố sống động, là cách diễn tả độc đáo và rất cụ thể của hệ thống Dự Phòng, “là một nhu cầu giáo dục phát sinh từ sự hiệp thông của ta với Chúa Kitô, khiến ta lưu ý tới Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi mổi người. Nó hệ tại ở sự đón chờ ân cần, hiện diện sống động và chứng tá giữa các thanh thiếu nữ, tham dự chân tình vào đời sống và những ước vọng của chúng.(HL 67). Hộ trực Salêdiêng là một sự hiện diện được xây dựng bằng gương sáng và tình thương, một sự hiện diện bình thản, được làm bằng hy sinh. Một sự hiện diện đưa đến sự thánh thiện nhưng không xa lạ với đời sống cụ thể của mỗi đứa trẻ.

Từ lúc khởi đầu sự nghiệp giáo dục của mình, Don Bosco đã dùng đến hình thức hộ trực. Với phương pháp này, Don Bosco ngăn ngừa học sinh làm điều xấu. Từ sáng sớm cho đến khi đi ngủ, từ khi đi ngủ cho đến khi thức dậy, con mắt âu yếm của các hộ trực viên không rời xa các em. Con người Salêdiêng mang tư cách người anh cả, người chị cả và mối lo lắng của người anh cả, chị cả là che chở bênh vực, bảo ban, cổ võ nâng đỡ các em. Phương pháp này làm tắt ngấm các nguồn phát sinh điều xấu bằng cách tiêu diệt các cơ hội. Phương pháp cố ý đề phòng lỗi hơn là phạt sau khi đã phạm.

Mẹ Mazzarello cũng vậy, ngay trong khi bắt đầu sứ vụ giáo dục của mình tại tiệm may ở Mornese, Mẹ sợ các thiếu nữ của mình bị cuốn hút vào các điệu nhảy lả lướt của các trai làng trong các ngày hội để khỏi sa ngã vào các dịp tội, Mẹ đã “không khoá xưởng may, cũng không để các thiếu nữ nhập bọn với những người khiêu vũ ngoài đường phố mà chị đã tổ chức để các em được vui chơi như và hơn người ta nhưng không đi tới điều làm hư hại cho linh hồn.”[23]Mẹ luôn luôn ở bênh cạnh các em, cùng vui chơi, làm việc, chia sẻ chân tình những băn khoăn khó khăn của các em. Như vậy, ngoài giờ làm việc, cầu nguyện, vui chơi giải trí lành mạnh, các thiếu nữ không còn thời gian và cơ hội để có thể phạm tội. Mọi biểu hiện khác thường nơi trẻ đều được Mẹ kịp thời tìm hiểu, chia sẻ và giải quyết.

f. Khoa sư phạm môi trường

Môi trường mẫu là Vadocco (Salêdiêng nam) và Mornese (Salêdiêng nữ). Môi trường phù hợp với tâm lý giới trẻ, được thăng tiến về mặt tâm linh cũng như về mặt nhân bản. Ở đấy chúng được vui chơi, học hành, được gặp gỡ, trò chuyện, có sự thi đua để phấn khích nhau, có lễ hội và niềm vui, có các việc cử hành phụng vụ, ý thức sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng luôn yêu thương. Mối tương quan giữa nhà giáo dục (như cha mẹ, anh chị và người bạn.) và người thụ giáo, được bày tỏ nỗi niềm, được cảm thông chia sẻ. Mối tương quan như trong một gia đình, cùng chia sẻ trách nhiệm và nâng đỡ nhau trong tình thương mến.

Tóm lại, với phương pháp Dự Phòng, các em luôn cảm thấy đang được sống trong một bầu khí của một gia đình yêu thương ấm áp. Từ đó khởi đi nhiều sự tốt lành cho cuộc đời của các em.

III. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO CON ĐỨC MẸ PHÙ HỘ

1. Cho thế giới

Thành lập tu hội được 9 năm thì Mẹ Mazzarello qua đời (năm 1881), nhưng cũng mới chỉ ngần ấy năm, tu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ đã hiện diện ở 4 quốc gia Ý, Pháp, Uruguay, Argentina với 26 nhà và khoảng 200 thành viên nữ tu đã khấn và tập sinh. Và trong hơn kém 100 năm sau ngày Mẹ qua đời, tu hội đã phát triển thật nhanh và có mặt trên mọi lục địa: trên 80 quốc gia, 1.600 cộng thể với 17.000 thành viên.[24]

Chỉ với số liệu trên, chúng ta cũng có thể thấy được linh đạo FMA đã đáp ứng được nhu cầu cả xã hội, cũng như được mọi người đó nhận và đi theo. Sự triển nở của tu hội chắc chắn tỉ lệ thuận với những đóng góp của tu hội cho thế giới.

Thật vậy, sau khi trải qua thời kỳ thụ huấn, các nữ tu FMA coi như đều đã thấm nhuần tinh thần giáo dục theo phương pháp Dự Phòng. Và chính nhờ lối giáo dục này, các chị đã góp cho xã hội nhiều bạn trẻ trưởng thành cả về ý thức tôn giáo, nghề nghiệp lẫn nhân bản. Hồ chủ tịch nói:

“Lúc ngủ thì ai cũng lương thiện

Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền

Dữ hiền đâu phải là tính sẵn

Phần nhiều do giáo dục mà nên.”

Dù rất giỏi trong lãnh vự chuyên môn, bác sỹ Nguyễn Hiến Lê vẫn bỏ dở nghề nghiệp của mình mà đi theo con đường giáo dục con người. Thật là khó hiểu nhưng ngài giải thích: Là bác sỹ, tôi chỉ có thể chữa được một vài bệnh nhân, như khi là nhà tư tưởng, tôi có thể chữa được cả một thế hệ! Ngài quả là một con người sâu sắc và nhiệt huyết.

Với môi trường học đường, các nữ tu FMA ngày nay đã đáp lại được sự đòi hỏi của một nền giáo dục có hệ thống, một sự đào luyện biết phê phán và mở rộng cho tất cả các thiếu niên thuộc mọi thành phần xã hội. Những khoá hướng nghiệp được trình bày khác nhau ở các nước và các châu lục cho thấy tính nhạy cảm, uyển chuyển và thức thời của chị em. Cũng trong chiều hướng ấy, các chị đã biết và mau mắn hoà nhập vào cuộc đời khi bức tranh lịch sử xã hội thay đổi, bằng chứng là tu hội đã canh tân năm 1990 để tìm ra đường hướng mới hữu ích hơn cho giới trẻ của hoàn cảnh thời đại.

Domenico Agasso nói thêm: “Việc giáo dục các thiếu nữ là một lựa chọn ưu biệt được hoạch định trong nhiều nước khác nhau với những sự can thiệp ngày một xác đáng hơn: từ việc phát triển các hợp tác của nữ giới trong việt truyền giáo, tới việc giúp các thiếu nữ ở những vùng ngoại ô của những thành phố lớn, nơi họ dễ dàng trở thành những nạn nhân của nạn mãi dâm, tới việc lo cho họ công ăn việc làm, tới những sáng kiến văn hoá có tính cách nâng đỡ để các thiếu nữ biết tranh đấu với ý thức hơn cho địa vị của họ và để vun bối một nền văn hoá có tính cách nữ giới hơn.”[25]

2. Cho Việt Nam và những thách đố thời đại

Các nữ tu FMA hiện diện tại Việt Nam từ năm 1961, hiện Á Tỉnh có 102 nữ tu và 22 tập sinh trong 8 cộng thể, 2 điểm hiện diện. Trụ sở Tỉnh đặt ở Tam Hà, Thủ Đức.

Các FMA hoạt động trong những lĩnh vực giáo dục về đức tin, nhân bản, văn hoá và hướng nghiệp. “Ta trao phó tất cả những trẻ nữ này cho con”, Maria Mazzarello đã đảm nhận và hiến cả cuộc đời cho việc giáo dục thanh thiếu nữ. Hơn một thế kỷ qua, đoàn sủng giáo dục Salêdiêng ấy được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ châu lục này đến châu lục kia.

Cùng với 88 quốc gia khác trên thế giới, FMA Việt Nam được mời gọi đảm nhận sứ mạng giáo dục theo tinh thần của Don Bosco và Mẹ Mazzarello tại quê hương mình cho trẻ em, thiếu niên, những người trẻ, đặc biệt là thanh thiếu nữ nghèo và gặp nguy hiểm dưới nhiều hình thức. Hiện diện tại Việt Nam hơn bốn mươi năm qua (1961-2004), các chị em FMA vẫn ưu tiên cho những chọn lựa về giáo dục dù phải đối diện với đủ loại thách đố về kinh tế, văn hóa, tôn giáo, chính trị, xã hội, địa dư… Có những lúc thật âm thầm nhưng không gì có thể dập tắt được nơi họ niềm say mê giáo dục giới trẻ.

Thách đố thời đại

Những năm gần đây, nữ tu Salêdiêng đã lưu tâm đặc biệt đến hiện tượng di dân và đã nỗ lực đáp ứng bằng những hoạt động giáo dục cụ thể cho các nữ sinh viên từ các tỉnh lên thành phố trọ học, cho giới công nhân, nhất là nữ công nhân, cho trẻ em nghèo và trẻ em đường phố.

Khi tiếp xúc với các em, nỗi bức xúc, trăn trở và cũng là những vấn nạn, những thách đố lớn đối với FMA hôm nay đó là:

Vô số trẻ em cũng như người trẻ thiếu những nhu cầu căn bản nhất để sống, các em là nạn nhân của sự bất công, bị đe dọa phẩm giá, bị vi phạm sự sống.

Giới trẻ thời nay khó tìm thấy được nơi học đường những hệ tư tưởng rõ ràng, những quan điểm sống lành mạnh đặt nền trên sự tôn trọng quyền cơ bản của con người.

Nhiều người trẻ bị “cuốn theo chiều gió”, thụ động tiếp nhận mọi lối sống mà không biết gạn lọc, phê phán và đặt đúng nấc thang giá trị. Họ không dám và cũng không đủ nội lực để sống trung thực, chọn lựa những điều phù hợp với phẩm giá con người và với Tin Mừng.

Nhiều người trẻ (kể cả sinh viên) sống trong buồn chán, lãnh đạm, thiếu vắng những giá trị nền tảng về nhân bản cũng như tâm linh vốn đem lại cho họ ý nghĩa của cuộc sống.

Không thiếu người trẻ đang chờ đợi ai đó tháo cởi cho họ khỏi tình trạng nghèo khổ và bị loại trừ, đang chờ đợi ai đó cứu giúp, trả lại cho họ quyền được sống như một con người.

Mỗi FMA tự hỏi: tôi ở đâu khi chứng kiến những tình cảnh đó? Tôi đứng về phía nào? Can thiệp thế nào? Sống liên đới với họ ra sao? Trình bày Tin mừng của Chúa Giêsu cho họ thế nào?

Các chị em FMA xác tín rằng ý nghĩa của đời tu không hệ tại ở chỗ làm gì đó nhưng hệ tại ở phẩm chất Tin Mừng của đời sống và ở phẩm chất của sự hiện diện giáo dục. Những phẩm chất ấy cần được bén rễ sâu trong đức tin, liên kết với sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời thường với mọi cảnh huống của cuộc sống. Mục tiêu FMA nhắm tới là phát triển con người, đáp ứng cho người trẻ một nền giáo dục mang tính toàn diện, giúp các em gặp được Chúa Giêsu trong đời thường.

Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay” và phải khởi đi từ chính mình. Điều ở trong tầm tay là nỗ lực và không ngừng giáo dục chính mình, làm tốt bao có thể công tác giáo dục hiện được trao phó và luôn ở thế xuất hành để dấn thân nhiều hơn, sâu hơn và xa hơn cho người trẻ.

IV. KẾT LUẬN

Nếu so với lịch sử phát triển của các linh đạo khác, linh đạo Salêdiêng nói chung và linh đạo tu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ nói riêng chỉ xếp ở hàng em út, một linh đạo sinh sau đẻ muộn: cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, đẻ muộn không có nghĩa là yếu đuối, và sự phát triển rộng khắp của anh chị em Salêdiêng cho thấy sức mạnh và sức cuốn hút của linh đạo này. Linh đạo này quả là đặc biệt và hợp thời vì đáp ứng được nhu cầu của thời đại, thời đại vật chất mà giáo dục được đặt nền tảng trên lợi nhuận và luật lệ, thời đại mà xã hội không quan tâm đủ đến giới trẻ. Theo lẽ thường, xã hội càng tân tiến, xã hội càng phân chia giai cấp: kẻ giàu giàu quá, kẻ nghèo nghèo thêm! Lịch sử đã minh chứng đều đó khi tận mắt Don Bosco đã phải chứng kiến các em nhỏ bị đẩy ra ngoài đường lêu lổng hoặc chui rúc trong các căn nhà ổ chuột, kiếm sống trong các công trường, xí nghiệp mà chẳng một ai dạy dỗ hay chăm sóc, các chú bé còn non choẹt chôn quá khứ và tương lai của mình trong các xà lim nhơ nhuốc đầy chấy rận.[26] Linh đạo Salêdiêng ra đời như một liều thuốc hạ sốt, xoa dịu và dần chữa lành những nỗi đau ấy.

—————

Tài Liệu Tham Khảo

1. Morand Wirth, Don Bosco và các Salêdiêng, Turin 1970

2. Giuse Aubry, Canh tân đời sống Salêdiêng

3. Maria Pia Giudici, Một người phụ nữ của hôm qua & hôm nay

4. Tu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ, Hiến Luật và quy chế

5. Anita Deleidi, Maria Ko, FMA, In the footsteps of Mother Mazzarello – a wise woman, Rom 1992

6. FMA, Vun trồng giao ước

7. Carlo Ambrogio, Giáo dục theo gương Don Bosco

8. Domenico Agasso, Giới luật của niềm vui, Torino

9. FMA, Lịch sử tu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ


[1] Morand Wirth, Don Bosco và các Salêdiêng, Turin 1970, tr. 54.

[2] Morand Wirth, sđd, tr.35.

[3] Sđd, tr.36.

[4] Xc. Giuse Aubry, Canh tân đời sống Salêdiêng, tr.9: “Đột nhiên xuất hiện một nhân vật quan trọng, đáng kính mặc chiếc áo dài. Khuôn mặt ngài toả rạng ánh sáng đến nỗi tôi phải quay mặt đi. Ngài gọi đích danh tôi và bảo tôi hãy chịu trách nhiệm về những đứa trẻ này. Rồi ngài nói thêm những lời sau: không phải bằng cú đám cái tát, nhưng bằng sự hiền dịu và tình thương con sẽ làm chúng vâng phục con.” Và kìa cha lại thấy “những thiếu niên biến thành đủ mọi loài thú vật. Đây là cánh đồng của con, con hãy giúp làm sao cho điều xảy ra nơi các thú vật này cũng phải xảy ra cho các trẻ của Ta,” và ngay lúc ấy những thú vật biến thành những con chiên hiền lành.

Giấc mơ này quả đã tiên báo cho ơn gọi và sứ mệnh của cha Don Bosco sau này.

[5] Xc. Morand Wirth, sđd, tr.49-55.

[6] Xc. Sđd, tr.227.

[7] Sđd, tr. 216.

[8] Sđd, tr. 218-219.

[9] Xc. Maria Pia Giudici, Một người phụ nữ của hôm qua & hôm nay,tr. 104-105.

[10] Morand Wirth, SDB, sđd, tr. 220

[11] Maria Pia Giudici, sđd, tr. 149

[12] FMA: Figlie di Maria Ausiliatrice. Xc HL4 và Morand Wirth, SDB, sđd, tr 231

[13] Maria Pia Giudici, sđd, tr. 168

[14] Tu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ, Hiến Luật và quy chế, số 2.

Xc. Anita Deleidi, Maria Ko, FMA, In the footsteps of Mother Mazzarello – a wise woman, Rom 1992, tr. 64

[15] Xc. Vatican II, GH số 40

[16] Xc. FMA, Vun trồng giao ước, tr. 14

[17]Xc. FMA, sđd, tr. 23

[18]Xc. FMA, sđd, tr. 22; 44-45

[19] FMA, sđd, tr. 46

[20] Xc. Giuse Aubry, sđd, tr. 227-312.

[21] Carlo Ambrogio, Giáo dục theo gương Don Bosco, tr. 197.

[22] Morand Wirth, sđd, tr. 516.

[23] Maria Pia Giudici, sđd, tr. 120.

[24] Domenico Agasso, sđd, tr. 246.

[25] Domenico Agasso, sđd, tr. 248.

[26] Morand Wirth, SDB, sđd,tr. 35-36.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here