Kinh Thánh Và Ca Hát Trong Phụng Vụ

0
1395


Tác giả: Barbara E. Reid, OP. – Giáo Sư Kinh Thánh

Chuyển ngữ: Luke Khổng Kim Quang

 

 

“Phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ,

vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo”.

(Tv 100, 2)

Ca hát, dù bởi các nhạc sĩ chuyên nghiệp hay bởi cộng đoàn, đã luôn là một phần cấu thành của các nghi lễ của người Do Thái và các Kitô hữu. Có rất nhiều đoạn văn trong Kinh Thánh nói về ca hát và xử dụng các nhạc cụ, không chỉ nơi cử hành các nghi thức phụng vụ mà còn trong lễ kỷ niệm chiến thắng (Xh 15,1-21; Tp 5,1-21), về các bài thánh ca tạ ơn (1Sm 2,1-10), các lời tung hô các chiến binh (1Sm 18,6-7), và than khóc người quá cố (2Sm 1,19-20).

Các Thánh vịnh, mà phần lớn trong số đó đã được sáng tác để sử dụng trong việc phụng tự nơi Đền Thánh, là một phần cốt lõi của văn bản hiện vẫn được hát lên tại các cuộc họp mặt phụng vụ của cả người Do Thái lẫn Kitô hữu: Theo truyền thống, các Thánh Vịnh được cho là do vua Đavít sáng tác, vị vua này được biết đến như một nhạc sĩ giỏi chơi đàn lyre (1Sm 16,16-18; 18,10) và các nhạc cụ khác (Am 6,5). Vua Đavít đã có công thiết lập một nền âm nhạc chuyên nghiệp cho việc phụng tự nơi Đền Thánh (1Bn 15; Esd 3,10-11; Nhm 12,24& 36) và chỉ định những người thuộc chi tộc Lê-vi phụ trách chuyện đó (1Bn 15,16-25). Trong khi bộ sưu tập các Thánh Vịnh mang tên vua Đavít và sự thành lập nền âm nhạc phụng tự rõ ràng có nguồn gốc nơi thời sơ khai của chế độ quân chủ, tuy nhiên chúng ta đã không thể xác định được tác phẩm nào là của vua Đavít và tác phẩm nào do người khác sáng tác nhưng sau đó lại gán cho nhà vua.

Có nhiều câu trong Kinh Thánh đề cập đến việc các phụ nữ dẫn đầu việc ca hát và xử dụng nhạc cụ trước khi nhạc phụng vụ được giao phó cho những người thuộc chi tộc Lê-vi. Sau khi người Do Thái vượt qua Biển Đỏ, Nữ ngôn sứ Mi-ri-am “cầm lấy trống; mọi phụ nữ theo bà đi ra, đánh trống và nhảy múa”. Và sau đó Miriam lĩnh xướng hát lên rằng: “Hãy hát mừng Đức Chúa, Đấng cao cả uy hùng, kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương” (Xh 15,20-21). Bà Đơ-vô-ra hướng dẫn dân Ít-ra-en hát lên bài thánh ca chúc tụng Thiên Chúa sau khi họ đã chiến thắng dân Ca-na-an (Tp 5,1-31), và bà Giu-đi-tha cũng làm như thế sau khi quân Át-sua bị đánh bại (Gđt 15,14-16,7). Khi vua Đa-vít trở về sau khi đã giết Goliath “đàn bà con gái từ các thành Israel kéo nhau ra ca hát múa nhảy mà nghinh đón vua Saul, với trống, với tiếng reo vui, và não bạt” (1Sam 18,6). Sau khi những người thuộc chi tộc Lê-vi trở thành những nhạc sĩ phụng vụ chính thức, cộng đồng vẫn còn tham gia việc ca hát. Nhiều thánh vịnh có đoạn điệp khúc để toàn cộng đồng cùng hát, chẳng hạn như “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118 và 136); “Amen và amen!” (Tv 41,13; 72,19; 89,52; 106,48); và “Halleluja!” hoặc “Ngợi khen Chúa!” (Tv 111-113, 148-150).

Điệp khúc này cũng xuất hiện trong Tân Ước, nơi một số từ lời ca có gốc rễ nơi đạo Do Thái nay có thêm âm sắc Kitô giáo rất riêng: “Amen” (Gl 6,18; Kh 22,20), “Alleluia” (Kh 19:1), “Hosanna” (Mc 11,9), và “Maranatha” (1Cr 16:22). Các bài thánh ca được xử dụng nơi các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, chẳng hạn như bài Magnificat (Lc 1,46-55), các ca vịnh của Da-ca-ri-a (Lc 1,67-79), Si-mê-ôn (Lc 2,29-32), và các thiên thần (Lc 2:14) có hình thức giống các bài hát từ Cựu Ước, như những bài ca của Anna (1Sm 2,1-10) và Mô-sê và Mi-ri-am (Xh 15,1-21). Những thánh vịnh Tân Ước khác, ví dụ như những bài ca được tìm thấy trong thư Cô-lô-xê 1,15-20 và Phi-líp-phê 2,6-11, chứa nhiều câu chữ từ Cựu Ước và được áp dụng cho Đức Kitô.

Sự kiện Chúa Giêsu và các môn đệ đầu tiên của Ngài tiếp tục hát thánh vịnh và những bài thánh ca của người Do Thái được ngầm nhắc đến nhiều lần trong Tân Ước. Người ta cũng tìm thấy một số câu trong Tân Ước đề cập rõ ràng tới việc hát thánh vịnh. Bữa ăn tối cử hành Lễ Vượt Qua cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ kết thúc như sau: “hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu” (Mt 26,30 / Mc 4,26). Khi thánh Phao-lô và ông Xi-la bị bắt giam tại Phi-líp họ “hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát” (Cv 16,25). Thánh Phao-lô, khi viết cho các tín hữu Côrintô về những thực hành nơi cộng đoàn phụng vụ của họ, ngài đề cập đến việc ca hát ngợi khen với tấm lòng và trí khôn (1Cr 14,15). Các tác giả của Ê-phê-sô khuyên nhủ các cộng đoàn “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Eph 5: 18 -20).

Sách Khải Huyền vẽ ra cảnh thờ phượng trên trời bao gồm việc ca hát không ngưng, cả ngày lẫn đêm, bởi “bốn con vật” (Kh 4,8-11), kế đến hai mươi bốn trưởng lão , vô số trên vô số các thiên thần, và mọi sinh vật sống hát bài ca mới tôn vinh Chiên Con (Kh 5,9-13).Truyền thống lâu đời của ca hát trong phụng vụ, với những chứng cứ Kinh Thánh vững vàng, đã được khẳng định bởi Hiến chế của Công Đồng Vatican II về Phụng Vụ Thánh, Sacrosanctum Concilium, do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành năm 1963, Hiến chế này có đoạn viết: “Truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo Hội đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá, vượt hẳn mọi diễn tả nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời ca, góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong phụng vụ trọng thể” (Phần VI về Thánh nhạc, §112).

The Bible Today – Jan/Feb 2016