Phụng Vụ Mùa Chay Và Đầu Tuần Thánh

0
2476


Lớp Thần IV, Học viện Đa Minh,

Niên học 2012 – 2013

 

Trong năm Phụng vụ, các mùa Phụng vụ có những tầm quan trọng khác nhau. Tam Nhật Vượt qua luôn là trung tâm điểm với cao điểm là lễ Phục sinh. Các mùa khác có những ý nghĩa cũng như tầm quan trọng nhất định, trong đó mùa Chay giữ một ý nghĩa đặc biệt. Mùa Chay kéo dài từ thứ tư lễ Tro và kết thúc trước thánh lễ chiều Tiệc Ly ngày thứ Năm Tuần Thánh. Mùa Chay là thời gian chuẩn bị mừng đại lễ Vượt qua, với lời kêu gọi các tín hữu hãy từ bỏ tội lỗi, hãy hoán cải, cầu nguyện, chay tịnh và thi hành bác ái.[1]

Do đó, mùa Chay là thời gian rất ý nghĩa đối với mỗi tín hữu khi tham dự vào các nghi thức Phụng vụ. Với tâm tình hoán cải của một người con tội lỗi, mùa Chay mời gọi mỗi người hãy hòa giải với Thiên Chúa qua việc từ bỏ đời sống tội lỗi của mình. Nhờ đó mỗi người cảm nhận được tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho mình. Với thời gian chuẩn bị trong mùa Chay, các tín hữu hân hoan bước vào việc cử hành mầu nhiệm cao đẹp nhất, mầu nhiệm Chúa Phục sinh.

I. Nguồn gốc của mùa Chay

1. Nguồn gốc và ý nghĩa mùa Chay

Chúng ta không biết một cách chắc chắn rằng mùa Chay do ai thiết lập và đã xuất hiện ở đâu trước tiên, nhưng chỉ biết vào khoảng cuối thế kỷ III đầu thế kỷ IV tại Ai Cập mùa Chay đã hình thành một cách rõ nét, còn tại Rôma vào cuối thế kỷ 4 đã có các quy định chặt chẽ về mùa Chay. Một trong những đặc tính nổi bật của mùa Chay là việc giữ chay tịnh. Khác với chay tịnh mừng lễ Phục sinh thường đi liền trước buổi cử hành Đêm vọng Phục sinh và là thành phần chính yếu của cử hành này, còn chay tịnh của mùa Chay lúc ban đầu vừa nhằm chuẩn bị xa cho Đại lễ Phục sinh, vừa theo gương Đức Giêsu giữ chay tịnh trong hoang địa 40 ngày trước khi bước vào cuộc đời công khai (Mt 4,1-11; Mc 1,12-13; Lc 4,1-13).

Ngoài chay tịnh, còn có cầu nguyện và thực hành bác ái là những đặc tính nổi bật của mùa Chay. Giáo hội luôn liên kết ba hành động này trong đời sống của dân Chúa, bởi vì đây chính là giáo huấn của Chúa Kitô (Mt 6,1-18). Tại Rôma vào cuối thế kỷ IV, các dự tòng chuẩn bị lãnh các bí tích khai tâm vào đêm vọng Phục sinh được mời gọi sống ba đặc tính mùa Chay này, họ phải tập luyện từ bỏ con người cũ, sống đời bác ái và chuyên chăm cầu nguyện. Cũng trong thời gian này các Kitô hữu cũng được mời gọi hoán cải và sám hối để chuẩn bị mừng lễ Phục sinh, cách riêng những người phạm tội nặng và công khai như bỏ đạo, giết người, ngoại tình… họ phải thật lòng sám hối và làm việc đền tội trong suốt mùa Chay, để cuối cùng được ơn tha thứ cũng như hoà giải với Thiên Chúa và Giáo hội trong ngày thứ Năm Tuần Thánh, trước lễ Phục sinh.

Như vậy mùa Chay mang ý nghĩa cho mọi người:

Đối với toàn thể dân Kitô giáo đây là thời gian mọi người chuyên chăm cầu nguyện, giữ chay tịnh và thực hành bác ái.

Đối với các dự tòng đó là thời kỳ chuẩn bị trực tiếp cho họ lãnh các bí tích khai tâm vào Đêm Phục sinh.

Đối với các hối nhân đây là thời kỳ đền tội và sám hối để xứng đáng lãnh nhận ơn tha thứ và hoà giải.

2. Cấu trúc mùa Chay

Khi nói đến mùa Chay người ta thường nghĩ đến 40 ngày chay tịnh; thực ra cách tính 40 ngày chỉ có vào khoảng giữa thế kỷ IV (từ năm 354 đến 384), vào thời đó mùa Chay bắt đầu từ Chúa nhật thứ nhất mùa Chay và kết thúc trước Tam Nhật Vượt qua và kéo dài đúng 40 ngày. Nhưng vào cuối thế kỷ VI đầu thế kỷ VII, thần học về ngày Chúa nhật phát triển, người ta không tính ngày Chúa nhật trong số 40 ngày chay tịnh nữa, và để bù vào những ngày Chúa nhật bị mất, người ta kéo dài mùa Chay thêm một số ngày trước Chúa nhật I mùa Chay để giữ ý nghĩa biểu tượng của con số 40. Cuối cùng ngày thứ Tư trước Chúa nhật I mùa Chay được chọn làm ngày khởi đầu mùa Chay. Nhưng dầu sao cách chọn ngày thứ Tư vẫn không đủ 40 ngày của mùa Chay, bởi vì mùa Chay có 6 Chúa nhật (5 Chúa nhật và Chúa nhật lễ Lá), và nếu muốn tính đủ 40 ngày thì phải chọn ngày thứ Hai chứ không phải thứ Tư. Thế nhưng Giáo hội lại chọn ngày thứ Tư vì hai lý do sau đây:

Truyền thống từ rất lâu trong Giáo hội vẫn coi ngày thứ Tư và thứ Sáu trong tuần là những ngày sám hối, vì vậy khi chọn thứ Tư điều đó sẽ phù hợp với ý nghĩa sám hối và hoán cải của mùa Chay.

Giáo hội kế thừa truyền thống Do Thái về biến cố xuất hành ra khỏi Ai Cập, mà theo truyền thống này Chúa đã giải thoát dân và giao ước với họ vào ngày thứ Tư trong tuần. Ngày thứ Tư được coi là mốc điểm của biến cố cứu độ, đó cũng chính là ý nghĩa của mùa Chay khi Giáo hội chuẩn bị mừng biến cố Vượt qua của Chúa Kitô.[2]

Vì những lý do này mà ngày nay chúng ta nên hiểu 40 ngày chay tịnh của mùa Chay chỉ mang nghĩa biểu tượng chứ không theo cách tính toán chính xác. Vì thế “Những quy luật tổng quát về năm phụng vụ và niên lịch” đã không xác định mùa Chay kéo dài bao nhiêu ngày mà chỉ nói cách chung: “Bắt đầu từ thứ Tư lễ Tro và kết thúc ngay trước thánh lễ Tiệc Ly”;[3] trong khi đó lại minh nhiên xác định mùa Phục sinh kéo dài 50 ngày.[4]

a. Thứ Tư lễ Tro – khởi đầu mùa Chay

Ban đầu ngày thứ Tư khởi đầu mùa Chay không có cử hành nào đặc biệt, nhưng vào thế kỷ X tại vùng Rhénan (Đức), người ta thấy việc xức tro được cử hành rộng rãi vào ngày thứ Tư. Quả thực, cử chỉ xức tro có trong văn hoá của nhân loại từ lâu nhưng mang nhiều ý nghĩa khác nhau: Người Yogi và người Sadđou bên Ấn Độ lấy tro xoa mình để biểu thị việc chối bỏ mọi vinh hoa trần thế; còn truyền thống Trung Hoa lại phân biệt tro khô với tro ẩm, theo Lieu-Tseu (Liệt Tử) thì tro ẩm là điềm báo tử.[5] Còn trong truyền thống Kinh thánh, tro là biểu tượng của sự mau qua, của tính bấp bênh đời người. Cuộc sống con người chỉ là tạm bợ, dù con người có là gì đi nữa thì không ai thoát cái chết, chính cái chết sẽ biến đổi tất cả ra tro bụi. Abraham trong cuộc mặc cả với Chúa về việc tiêu hủy thành Sodoma và Gomora (St 18,16-33) đã tự nhận mình chỉ là tro bụi (St 18,27). Trước mặt Chúa con người yếu đuối mỏng dòn, họ chỉ là tội nhân cần được thanh luyện. Lửa thịnh nộ của Thiên Chúa sẽ thiêu đốt tội lỗi và tính kiêu căng con người thành tro bụi (Ed 28,18). Vì thế, Tro còn là dấu chỉ của tâm tình sám hối và hoán cải (Gs 7,6; 2 Sm 13,19; Ed 27,30; G 2,12; 42,6 ), người rắc tro lên đầu hoặc ngồi trên tro biểu lộ sự buồn phiền, đau khổ và ăn năn.

Giáo hội ban đầu cũng duy trì ý nghĩa xức tro theo truyền thống Cựu ước. Các tín hữu thuở ban đầu thường xức tro để tỏ lòng sám hối; đặc biệt là đối với người có tội công khai thì cử chỉ này là cách biểu hiện bề ngoài của thái độ sám hối nội tâm. Vào thời đầu của Giáo hội, xức tro diễn tả hai ý nghĩa cơ bản sau:

Con người chỉ là thụ tạo, thân phận mau qua. Trước mặt Thiên Chúa con người không là gì để tự mãn, mỏng dòn và mau thay đổi.

Xức tro nhắc đến thái độ nội tâm của con người: vì là thụ tạo, mau qua, con người phải biết khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa. Loại bỏ tính tự mãn là cách thức tẩy trừ tội lỗi để đưa con người sống ân tình với Thiên Chúa, Đấng không thay đổi và bảo đảm sự hiện hữu của con người.

Cho đến năm 1091 (thế kỷ XI), Công đồng miền Bénévent (Ý) mới chỉ thị: “Ngày thứ Tư lễ Tro, tất cả mọi người, giáo sĩ và giáo dân, đàn ông và phụ nữ, đều phải nhận tro”. Và chỉ từ thế kỷ XIII, việc xức tro mới thực sự được cử hành trong phụng vụ của toàn Giáo hội.[6]

b. Các Chúa nhật dành cho dự tòng

Trong những thế kỷ đầu Giáo hội chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho các dự tòng trước khi cử hành thánh tẩy cho họ. Có ba giai đoạn trong tiến trình gia nhập Kitô giáo:

Giai đoạn khởi giảng Tin mừng là thời gian đầu tiên các dự tòng có thiện cảm và bước đầu tìm hiểu Kitô giáo.

Giai đoạn học đạo kéo dài nhiều năm, và thời gian cuối của giai đoàn này thường trùng vào mùa Chay.

Giai đoạn nhiệm huấn kéo dài trong suốt tuần Bát nhật Phục sinh sau khi đã chịu thánh tẩy.

Vì giai đoạn cuối để gia nhập đạo trùng vào mùa Chay nên Giáo hội cử hành một số nghi thức đặc biệt dành cho các dự tòng: Chúa nhật I mùa Chay cử hành nghi thức tuyển chọn, còn gọi là nghi thức ghi danh, qua nghi thức này, người dự tòng chính thức là ứng viên đón nhận các bí tích khai tâm vào Đêm Phục sinh. Sau đó vào Chúa nhật, thứ III, IV và V họ sẽ tham dự các nghi thức “khảo hạch”, tức giám mục sẽ giảng dạy và hỏi các dự tòng tổng quát về giáo lý Kitô giáo, kế đó ngài sẽ cử hành nghi thức trao kinh cho họ, nghĩa là trao cho họ hai kinh Tin Kính và Lạy Cha, họ sẽ học hai kinh này và đọc lại cho giám mục nghe mỗi khi ngài giảng dạy vào những Chúa nhật kế tiếp của mùa Chay trong thời gian học đạo.

II. Cử hành phụng vụ trong mùa Chay

1. Cử hành thứ Tư lễ Tro

Trước Công đồng Vaticanô II, vào ngày thứ Tư lễ Tro, nghi thức làm phép và xức tro được cử hành ngay đầu thánh lễ, còn trong Nghi thức hiện nay, việc xức tro được đặt trong phần Phụng vụ Lời Chúa sau bài Tin mừng, và người ta không nhất thiết phải cử hành Thánh Thể sau khi xức tro, bởi vì Nghi thức xức tro có thể cử hành trong thánh lễ hay ngoài thánh lễ.[7] Khi cử hành ngoài thánh lễ, sau phần xức tro cộng đoàn sẽ đọc lời nguyện chung để kết thúc buổi cử hành phụng vụ. Sách lễ Rôma hiện nay đặt nghi thức xức tro vào loại cử hành sám hối (celébration pénitentielle).

Trước đây, khi xức tro, chỉ có một công thức duy nhất: “Ta là thân cát bụi, sẽ trở về cát bụi” (St 3,19). Công thức này được trích từ Cựu ước, nhắc đến giá trị truyền thống của cử chỉ xức tro và ý nghĩa đích thực mỏng manh của đời người. Nhưng trong Nghi thức hiện nay, công thức này lại được bổ túc bằng công thức thứ hai trích từ Tân ước, lời của Đức Kitô: “Hãy sám hối và đón nhận Tin mừng” (Mc 1,15). Chính lời Đức Kitô soi sáng và mang cho cử chỉ xức tro ý nghĩa mới: xức tro không chỉ nhắc đến thân phận mỏng dòn yếu đuối của nhân loại, nhưng việc đón nhận Tin mừng sẽ làm cho con người thấy rõ hơn thân phận yếu đuối của mình, và như thế cử chỉ sám hối vừa là điều kiện đi trước vừa là kết quả theo sau của việc đón nhận Lời Chúa.

2. Các bài đọc Kinh thánh trong thánh lễ mùa Chay

Bài đọc ngày Chúa nhật: các bài đọc này xoay quanh hai bài Cựu ước và Tin mừng, còn bài thánh thư khi thì soi sáng cho bài Cựu ước, khi thì khai triển tư tưởng của bài Tin mừng. Đối với các bài Cựu ước, mỗi năm trong ba năm A, B, C đều nhắc đến các biến cố lớn trong lịch sử dân Chúa xưa để hướng đến mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô. Chẳng hạn chúng ta có các chủ đề của từng Chúa nhật như sau:

+ Giao ước – sa ngã, giao ước Nôê, dân được tuyển chọn tuyên xưng niềm tin (Chúa nhật I);

+ Abraham – ơn gọi, hiến tế Isaac, giao ước (Chúa nhật II);

+ Môsê – Nước chảy từ tảng đá, Chúa ban lề luật, Thiên Chúa mặc khải Danh của Người (Chúa nhật III).

+ Dân Chúa sống trong đất hứa – Vua Đavít, lưu đày và trở về, lễ Vượt qua trong đất hứa (Chúa nhật IV).

+ Các ngôn sứ – Ezekiel, Giêrêmia, Isaia (Chúa nhật V).

Còn đối với các bài Tin mừng, thì Chúa nhật I và II cả ba năm đều đọc như nhau trình thuật Chúa Kitô chịu cám dỗ (CN I) và biến hình (CN II) theo các Phúc âm nhất lãm. Ba Chúa nhật còn lại được gọi là các Chúa nhật “khảo hạch” dành cho dự tòng, và theo truyền thống người ta đọc ba trình thuật sau đây: mặc khải của Chúa cho người thiếu phụ Samaria (Ga 4,5-42), Chúa chữa người mù từ khi mới sinh (Ga 9,1-41) và sự phục sinh của Lazarô (Ga 11,1-45). Hiện nay, ba đoạn Tin mừng này được đọc trong ba Chúa nhật (III, IV, V) của năm A, nhưng theo luật phụng vụ vẫn có thể đọc trong năm B và C.

Các bài đọc trong tuần: Cũng theo các chủ đề chính yếu của ngày Chúa nhật, bài đọc I luôn luôn trích từ Cựu ước chứ không lấy từ các thư Tân ước, các bài Tin mừng nhắc đến tâm tình sám hối và hoán cải. Kể từ tuần IV mùa Chay, các bài Tin mừng lấy từ Phúc âm Gioan, đặc biệt vào tuần V các trình thuật xoay quanh những cuộc tranh luận căng thẳng giữa Chúa Giêsu và người Do Thái để chuẩn bị dẫn đến cuộc Thương khó và Phục sinh của Chúa.

3. Các lời nguyện trong thánh lễ

Các lời nguyện chia làm hai loại: Kinh Tạ ơn và các lời nguyện khác.

Kinh Tạ ơn có nội dung rất phong phú nhờ 12 lời tiền tụng khác nhau: 6 lời tiền tụng dành riêng theo từng Chúa nhật với các chủ đề như: cám dỗ, biến hình, thiếu phụ Samaria, người mù từ khi mới sinh, Lazarô sống lại và lễ Lá); 6 lời tiền tụng chung khác được dùng trong suốt mùa Chay, trong đó 2 lời tiền tụng cuối được dành cho tuần 5 và mấy ngày đầu của Tuần Thánh. Tất cả 12 lời tiền tụng này đều có nguồn gốc từ rất lâu trong truyền thống phụng vụ Rôma, chẳng hạn 4 lời tiền tụng chung được đọc trong suốt mùa Chay có từ thế kỷ V.[8]

Các lời nguyện khác cũng theo các chủ đề của từng Chúa nhật mùa Chay và được trích từ các nguồn phụng vụ cổ xưa. Chẳng hạn nhấn mạnh thân phận yếu đuối của con người và sức mạnh của ân sủng Thiên Chúa; ơn cứu độ được thực hiện nơi Chúa Kitô; niềm vui của những người được cứu độ; những đòi hỏi của Tin mừng và sự dấn thân của người tín hữu…

4. Chúa nhật lễ Lá

Trước cuộc canh tân Tuần Thánh của đức Piô XII (1955), Nghi thức làm phép và rước lá được cử hành trong nhà thờ và được đặt trong phần cử hành Lời Chúa: sau khi làm phép lá xong, chỉ mình chủ tế cùng với người giúp lễ cầm cành lá đi rước chung quanh nhà thờ, trong lúc đó, mọi người đứng đợi chủ tế rước xong rồi mới tham dự vào Thánh Thể. Tuy nhiên, cuộc canh tân Nghi thức Tuần Thánh của Đức Piô XII (1955) đã trả lại cho Nghi thức những giá trị và ý nghĩa mà Giáo hội thực hiện trong những thế kỷ đầu, đồng thời phục hồi sự tham dự tích cực của người tín hữu. Chẳng hạn mọi người được mời gọi tham dự vào nghi thức làm phép lá và đi rước. Nghi thức phải được cử hành ở một nơi thích hợp ngoài nhà thờ, từ nơi đó đoàn rước tiến về nơi cử hành thánh lễ, nghĩa là có cuộc rước lá thực sự của toàn thể dân chúng đi từ nơi này đến chỗ kia, chứ không phải cuộc rước chỉ gồm một vài người trong khi đó dân chúng đứng đợi. Nghi thức 1955 cũng lấy lại truyền thống đọc bài Tin mừng Chúa Kitô khải hoàn vào Giêrusalem để đọc trong nghi thức làm phép lá. Cuối cùng, Nghi thức Tuần Thánh hiện nay đã đón nhận Nghi thức 1955 gần như nguyên vẹn chỉ với một vài thích nghi nhỏ.

III. Một số quy luật cử hành phụng vụ trong mùa Chay

Quy luật cử hành phụng vụ trong mùa Chay khá chặt chẽ và được xếp thành ba loại sau đây: Chúa nhật, Tuần Thánh và ngày trong tuần.

1. Chúa nhật mùa Chay

Theo “Bảng ghi ngày phụng vụ” trong Sách lễ Rôma các Chúa nhật mùa Chay đứng hàng số 2, có bậc lễ ưu tiên trên các lễ trọng về Chúa, Đức Maria và các thánh. Vì thế khi các lễ trọng trùng vào bất cứ Chúa nhật mùa Chay nào, năm ấy phải dời lễ trọng sang ngày thứ Hai liền kế đó.[9] Ví dụ: Lễ Truyền tin (25/3) của năm 2001 trùng vào Chúa nhật IV mùa Chay năm C, thì ngày 25/3 của năm 2001 phải cử hành thánh lễ và đọc giờ kinh phụng vụ theo Chúa nhật IV mùa Chay, mọi cử hành của lễ Truyền tin phải dời sang ngày thứ Hai (26/3); cùng một trường hợp đối với lễ trọng mừng thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Maria 19/3/2000 trùng vào Chúa nhật II mùa Chay B.

Vì Chúa nhật mùa Chay có vị trí quan trọng theo bảng xếp hạng thứ tự các ngày phụng vụ, nên vào Chúa nhật mùa Chay, cấm không được cử hành các thánh lễ có nghi thức riêng (RM 372), ví dụ: hôn phối, thêm sức, phong chức, khấn dòng… kể cả thánh lễ an táng. Điều này cho chúng ta hiểu rằng, vào ngày Chúa nhật mùa Chay không được phép dùng bản văn phụng vụ của các thánh lễ có nghi thức riêng, nhưng khi nhu cầu đòi hỏi và cần thiết, vẫn có thể cử hành các nghi thức bí tích vào những ngày này, miễn là phải tôn trọng toàn bộ bài đọc Kinh thánh và bản văn phụng vụ của Chúa nhật mùa Chay đó. Ví dụ: Chúa nhật III mùa Chay phải cử hành an táng cho một tín hữu, người ta sẽ không được phép cử hành thánh lễ cầu hồn, nhưng phải dùng mọi bản văn của Chúa nhật 3 mùa Chay, rồi sau thánh lễ, sẽ cử hành các nghi thức tiễn biệt cho người quá cố như thường lệ.

Cũng không được phép cử hành thánh lễ bổn mạng, tạ ơn, cầu mùa… vào các ngày Chúa nhật mùa Chay (RM 374). Ví dụ: thánh Vinh Sơn Phêriê mừng ngày 5/4, bổn mạng giáo xứ, theo luật phụng vụ được nâng lên hàng lễ trọng riêng,[10] hôm đó lại nhằm ngày Chúa nhật mùa Chay, thì năm ấy người ta không được phép dâng thánh lễ mừng bổn mạng giáo xứ đúng ngày, mà phải dời vào ngày nào đó thuận tiện trong tuần, vì theo luật, lễ trọng riêng đứng dưới bậc lễ của Chúa nhật mùa Chay nhưng trên bậc lễ của các ngày trong tuần.

2. Ngày trong tuần thuộc mùa Chay

Các ngày thường trong tuần thuộc mùa Chay có vị trí ưu tiên trên các lễ nhớ buộc,[11] vì thế khi các lễ nhớ buộc trùng vào những ngày thường trong mùa Chay, thì các lễ này trở thành các lễ nhớ tự do, người ta sẽ dùng bản văn phụng vụ của ngày trong tuần mùa Chay, mặc dù linh mục vẫn được phép đọc lời nguyện nhập lễ của vị thánh được nhớ (RM 355). Cũng vậy, trong những ngày này không được phép cử hành thánh lễ ngoại lịch hay nhu cầu do lòng sùng kính riêng (RM 375), ví dụ: thứ Tư đầu tháng kính thánh Giuse, thứ Sáu đầu thánh kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, thứ Bảy đầu tháng kính Đức Maria…

Tuy nhiên được phép cử hành các thánh lễ sau đây vào những ngày thường của mùa Chay: các lễ trọng chung và riêng, lễ an táng, lễ bổn mạng giáo xứ hay dòng tu, lễ có nghi thức riêng, lễ kính, lễ tuỳ nhu cầu theo lệnh của bản quyền địa phương, lễ cầu hồn khi vừa được tin một người qua đời (còn gọi là lễ phát tang).

IV. Những ngày đầu tuần thánh

Cuộc Thương khó và Phục sinh của Đức Kitô cùng với những biến cố liên quan đến sự kiện đó hợp thành một thời điểm cao trọng nhất trong năm phụng vụ gọi là Tuần Thánh. Vì thế, “Hội thánh Mẹ chúng ta, tưởng niệm Chúa đã phục sinh mỗi tuần vào ngày Chúa nhật, và còn lại họp mừng Chúa đã chịu khổ nạn và đã phục sinh mỗi năm một lần vào kỳ đại lễ Phục sinh”.[12]

Cao điểm của Tuần Thánh chính là Tam Nhật Vượt qua, cũng gọi là Tam Nhật Thánh hoặc Tam Nhật Phục sinh. Đó là trung tâm điểm của đức tin Kitô giáo nói về cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Tam Nhật Vượt qua – gồm thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy Tuần Thánh, và lễ Phục sinh. Đêm Vọng Phục sinh được xem là đỉnh cao của Tam Nhật Thánh, kỷ niệm biến cố Phục sinh của Đức Kitô. Mặc dù năm phụng vụ khởi đầu vào mùa Vọng nhưng vẫn đạt tới đỉnh cao trong Tam Nhật Thánh, đặc biệt vào lễ Phục sinh, lễ trọng của các lễ trọng. Giáo lý Công giáo mô tả tầm quan trọng của Tam Nhật Thánh như sau:

Bắt đầu bằng Tam Nhật Thánh như nguồn ánh sáng, thời đại mới của sự phục sinh đổ đầy cả năm phụng vụ bằng sự rực rỡ của ánh sáng. Dần dần, về phương diện khác của nguồn gốc này, năm được tôn lên bằng phụng vụ. Đây thực sự là “năm của ân sủng Thiên Chúa”. Sự cứu độ hoạt động trong khung thời gian, nhưng vì sự viên mãn trong cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu và sự tràn đầy Thánh Thần, đỉnh cao của lịch sử được tiên báo là “sự nếm trước” và Vương quốc của Thiên Chúa đến trong thời đại của chúng ta.[13]

Các Kitô hữu tưởng niệm cuộc Thương khó và sự Phục sinh của Chúa Giêsu từ thời các Tông đồ, vì sự chết và sự sống lại của Người là trung tâm ơn cứu độ Kitô giáo. Ít là vào thế kỷ II, các Kitô hữu đã cử hành Đêm Vọng Phục sinh, bắt đầu đêm thứ Bảy, tiếp tục đến sáng lễ Phục sinh. Trong Đêm Vọng Phục sinh, các Kitô hữu tưởng niệm lịch sử ơn cứu độ, chờ đợi sự trở lại của Chúa Giêsu, và cử hành sự phục sinh của Chúa Giêsu vào sáng sớm Chúa nhật Phục sinh. Trong Đêm Vọng Phục sinh, các tân tòng lãnh nhận bí tích Thánh tẩy và bí tích Thánh Thể lần đầu tiên.

Từ việc cải cách phụng vụ của Công đồng Vaticanô II, Đêm Vọng Phục sinh và Tam Nhật Thánh lại đạt được vị thế ưu tiên trong lịch Phụng vụ Công giáo Tây phương. Luật năm Phụng vụ và lịch Phụng vụ đã đặt Tam Nhật Thánh đi liền với mùa sau mùa Chay trong Giáo hội Công giáo.

 

 

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

1. Nguồn gốc

Phong trào chính trị có tên gọi “Nhiệt Thành” được khơi nguồn từ ông Mattatia, cha của anh em nhà Macabê. Vào thời đó, vua Antiôkô cưỡng bức người Do Thái phải chối đạo và tế thần trên bàn thờ, nhưng ông Mattatia tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh vua mà bỏ việc thờ phượng của chúng tôi để xiêu bên phải, vẹo bên trái” (1 Mac 2,22). Và khi có một người Do Thái tiến ra tế thần trên bàn thờ theo chỉ dụ của nhà vua, thì sách Macabê kể lại: “Ông Mattatia bừng lửa nhiệt thành… ông nhào tới hạ sát hắn ngay tại bàn thờ. Ông cũng giết luôn viên chức của vua có nhiệm vụ cưỡng bức người Do Thái tế thần, rồi ông phá đổ bàn thờ”. Sau đó sách Macabê kết luận: “Ông bừng lửa nhiệt thành đối với Lề Luật giống như ông Pinêát trong vụ Dimri, con của Xalu” (2,23-26). Kể từ lúc đó, từ ngữ “nhiệt thành-zelos” trở thành khẩu hiệu diễn tả quyết tâm dùng sức mạnh và bạo lực để bảo vệ đức tin, bảo vệ Lề Luật.

Vào thời Chúa Giêsu, không ít người Do Thái đi theo phong trào này, chủ trương dùng bạo lực để xua đuổi đế quốc Rôma, giành lại chủ quyền và độc lập của dân tộc. Dựa vào một số chi tiết trong các sách Tin mừng, người ta cũng nhìn Chúa Giêsu như một nhà cách mạng chủ trương dùng bạo lực để xây dựng một vương quốc chính trị. Đồng thời, dọc dài lịch sử Giáo hội, hình ảnh Chúa Giêsu như một nhà cách mạng cũng được vận dụng để biện minh cho việc sử dụng bạo lực nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Thế nhưng, đây có thực sự là ý hướng của Chúa Giêsu? Khi suy niệm về việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem cách trọng thể, đức Bênêđictô XVI trả lời: “Không. Làm cách mạng bằng bạo lực, nhân danh Thiên Chúa để giết người, đó không phải là đường lối của Chúa. Lòng nhiệt thành của Người đối với vương quốc Thiên Chúa được thể hiện bằng cách thức hoàn toàn khác”.

Trong ngày lễ Lá, hình ảnh Chúa Giêsu cỡi trên lưng lừa tiến vào Giêrusalem làm dội lại lời ngôn sứ Dacaria: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Người là Đấng chính trực, Đấng toàn thắng; khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (9,9). Vào thời ngôn sứ Dacaria cũng như vào thời Chúa Giêsu, con ngựa mới là biểu tượng của sức mạnh, còn lừa là phương tiện của người nghèo. Vì thế hình ảnh Vua Giêsu ngồi trên lưng lừa diễn tả một vị vua hoàn toàn khác. Người là vua của hòa bình, vua của người nghèo, vị vua đơn sơ và khiêm tốn.

Trước lễ Vượt qua của người Do Thái, Đức Giêsu đã vào thành Giêrusalem. Trên đường đi, dân chúng đã lũ lượt đón Người. Họ bẻ cành cây rải lên khắp đường cho Người đi qua, nhiều người mang theo những cành thiên tuế. Có người còn trải áo choàng lên đường cho Người đi. Dân chúng cùng nhau reo hò như trong một hợp xướng: “Vạn tuế Con Vua Đavít, chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến. Vạn tuế khắp cả trời cao” (Mt 21,9). Những tiếng hoan hô Đức Giêsu bộc lộ một niềm hy vọng vào Đấng Thiên Sai. Họ cũng không quên rằng Đấng sẽ tái lập ngôi báu Đavít, cũng là Đấng thực hiện công trình và kế hoạch Thiên Chúa.

Đây là lần đầu tiên Đức Giêsu công khai tỏ ra mình là Vua, là Đấng Thiên Sai. Người muốn làm trọn lời ngôn sứ Dacaria từng loan báo ngày Đức Vua ngự vào Giêrusalem một cách uy nghiêm nhưng khiêm tốn: “Người cỡi trên lưng lừa con… Đó là vị vua mang hòa bình đến cho mọi dân nước, sẽ thống trị đất biển sông núi cho đến tận cùng trái đất” (Dc 9,9-10).

2. Ý nghĩa của thánh lễ

Trước tiên, Chúa nhật lễ Lá là việc tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem long trọng của Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ hình và chết. Biến cố đó cho chúng ta thấy Chúa Giêsu biết rằng giờ của Người đã đến, biết rằng Người phải làm gì và Người đã tự nguyện bước vào cái chết sinh ơn cứu độ, như hạt lúa miến đã chết đi để sinh sự sống mới. Người tự hiến mình để chu toàn thánh ý của Chúa Cha. Vì thế trước đó nhiều lần, những người Do Thái chống đối lập mưu để giết Người, như ném đá Người hoặc xô Người xuống vực thẳm, nhưng họ không làm được việc gì, vì giờ của Người chưa đến. Đã có lần dân chúng hợp lại định tôn phong Người lên làm vua, nhưng Người đã lẩn trốn sang nơi khác cũng chỉ vì giờ của Người chưa đến.

Ý hướng thứ hai của lễ Lá là ngày lễ để tôn kính Chúa Kitô là Vua. Đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc đời trần thế của Người, Chúa Giêsu đồng ý để cho dân chúng tung hô vạn tuế Người là Vua: “Hoan hô chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời”. Người vào Giêrusalem, thành của vua cả trong phong cách đế vương, và chính vì phong cách đế vương này mà Người đã bị kết án tử hình. Bản án của Người được viết bằng ba thứ tiếng, Do Thái, Latinh và Hy Lạp, “Giêsu Nadarét Vua dân Do Thái”. Vì thế, dầu cho Người bị kết án tử hình bằng một hình khổ dã man và nhục nhã, đóng đinh chân tay căng thây trần truồng trên Thập Giá, nhưng các sách Phúc âm đều ghi đậm nét vẻ vương giả của Người để khai mào một vương quốc mới. Vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc của yêu thương và an bình như Người đã nói trước mặt Philatô: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai tôn trọng sự thật thì nghe tiếng Tôi”. Vậy Chúa nhật lễ Lá cho chúng ta một cơ hội nữa để tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Vua các vua, Vua cả trời đất, nhất là Vua của mọi cõi lòng. Chúa nhật lễ Lá nhắc cho chúng ta biết sống trên đời là đối đầu với đau khổ, vì lễ Lá dẫn đưa chúng ta vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chuẩn bị chúng ta chiêm ngắm cái chết đau thương của Người trên đồi Canvê. Khi chấp nhận bằng lòng vác thập giá mình mà theo chân Chúa Giêsu, đó là chúng ta cũng chia sẻ gánh nặng của Người, noi gương Người để vác thập giá, nhưng điều quan trọng là không phải vác đi trong than khóc mà trong hy vọng. Vì với Chúa Giêsu, đau khổ và chết chóc không dồn con người vào ngõ bí, mà là dẫn đưa đến vinh quang của ngày sống lại. Hôm nay trong cái nghịch lý của lễ Lá, vị Vua của chúng ta tiến lên, vị Vua đã bênh vực nhân vị của con người, đã xoa dịu mọi đau khổ thể xác cũng như tinh thần của những ai đến cùng Người. Vị Vua đó đã thu, đã hút tất cả những đau khổ của thể xác và tinh thần của con người vào chính bản thân mình, để chết đi một lần cho tất cả và đã mở ra cánh cửa vào chốn trường sinh. Ðó là niềm hy vọng của chúng ta.

3. Ý nghĩa của nghi thức kiệu lá

Nghi lễ này không phải chỉ là nghi thức tưởng niệm, nhưng còn là để cử hành một mầu nhiệm, một hành động thánh của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo. Nghi thức rước là này là một sự tuyên xưng Đức Kitô, nhưng đồng thời cũng là để chúng ta tuyên xưng đức tin của chúng ta đối vào Chúa chúng ta. Những tiếng hoan hô nói lên tâm tình hiện tại của các Kitô hữu đó là lòng hoan hỉ và biết ơn sâu xa đối với tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Ngoài ra, nghi lễ này cũng còn mang một ý nghĩa khác, đó là hướng chúng ta về vinh quang của ngày chung thẩm. Đoàn rước tượng trưng cho cho bước đầu tiên của Giáo hội hành hương về Giêrusalem Thiên Quốc. Ý nghĩa đó còn rõ rệt hơn khi đoàn người từ từ tiến vào thánh đường, đi đầu là thánh giá. Với hình ảnh này, Giáo hội không những nhắc lại kỷ niệm Đức Giêsu vào Thành thánh Giêrusalem, mà còn gợi cho chúng ta về hình ảnh một bữa tiệc Thánh Thể trong đó mọi người cùng chia sẻ một tấm bánh sự sống đời đời, và thập giá Đức Kitô sẽ mở đường vào Giêrusalem Thiên Quốc cho đoàn người vô số đã được thánh Gioan miêu tả trong sách Khải Huyền (Kh 7,9-10).

4. Cử hành

Nghi thức đầu thánh lễ là kiệu lá. Mọi người cầm lá trong tay và tập họp tại một nơi thích hợp để làm phép lá. Linh mục và những người giúp lễ mặc phẩm phục đỏ tiến vào nơi giáo dân tụ họp để làm phép lá. Nghi thức làm phép lá kết thúc, đoàn rước tiến vào nhà thờ để cử hành thánh lễ như những thánh lễ Chúa nhật khác.

Cử hành thánh lễ: Điều khác trong thánh lễ hôm nay có đọc bài Thương Khó kể về những cực hình mà Đức Giêsu đã phải chịu trong những ngày cuối cùng của cuộc đời Người nơi trần gian này. Trên bàn thờ, các bình bông được thay bằng những bình lá.

BA NGÀY ĐẦU CỦA TUẦN THÁNH

1. Thứ Hai

Ca nhập lễ và Thánh thư của ngày hôm nay lấy lại lời ngôn sứ Isaia và các thánh vịnh 34, 142 nói lên tiếng thở than của người công chính trong khi bị bắt mà không tìm cách chống lại kẻ bắt bớ mình nhưng biết chạy đến kêu cầu cùng Thiên Chúa. Tiếng thở than đau thương đó là tiếng kêu thương của người bị bỏ rơi. Đây là hình ảnh của Đức Kitô, Chúa chúng ta. Người đã chịu bắt bớ và chết trên thập giá vì loài người chúng ta. Người vẫn còn hấp hối trong Giáo hội cho đến ngày sau hết. Bao lâu Giáo hội còn tội lỗi, bấy lâu còn phải chiến đấu không ngừng (xc. Ep 6,12). Những kẻ thù đó đang len lỏi trong mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ chiến thắng được nhờ vào giá máu của Đức Kitô. Điều cần thiết là chúng ta phải biết sống cuộc khổ nạn của Người bằng những hy sinh và từ bỏ những gì ngăn cản chúng ta đến với Người.

2. Thứ Ba

Hôm nay Giáo hội hướng tất cả ý chí, tình yêu và lòng biết ơn của Giáo hội vào thánh giá của Đức Kitô với niềm hy vọng lớn lao nhất là mong được cứu thoát khỏi tội lỗi và được sự sống bất diệt với Người. Ca nhập lễ hôm nay nói lên vinh dự và giá trị cứu độ của thập giá Đức Kitô. Nếu nhận thức được thế nào là cuộc sống với Đức Kitô và cho Đức Kitô, chúng ta sẽ không tìm được một vinh dự nào trong nhân loại ngoài thập giá của Người (Gl 6,14). Vì thế, trong lời nguyện thánh lễ, Giáo hội muốn chúng ta dứt khoát với dĩ vãng tội lỗi để mặc lấy con người mới nhờ vào giá trị thập giá của Đức Kitô. Muốn vậy, chúng ta nhất quyết đi vào con đường của Thầy Chí Thánh để cùng chết với tội lỗi.

3. Thứ Tư

Theo tập truyền của Giáo hội, ngày hôm nay là ngày khởi đầu cuộc thương khó của Đức Kitô. Vì thế, ngay từ thời các tông đồ, hôm nay là một ngày chay tịnh khắc khổ và ngày chuẩn bị gần nhất cho cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Phụng vụ ngày hôm nay mang một màu sắc trọng thể hơn những ngày trước và tất cả các kinh lễ đều nhắc tới những đau khổ của Người, báo trước ơn cứu chuộc nhờ vào cái chết của Người (xc. Is 53).[14]

Nhờ sự vâng lời tuyệt đối, Đức Kitô đã được tuyên phong là Chúa Tể, một danh hiệu tượng trưng cho uy quyền của Thiên Chúa mà chỉ dành riêng cho một mình Đức Chúa trong thời Cựu ước. Đặc quyền này được diễn tả trong bài đọc Thánh Thi của Isaia mô tả Đức Chúa báo thù những địch thù của Người qua hình ảnh người thợ ép nho từ guồng máy trở về, áo đẫm máu. Trong bài đọc này chúng ta thấy lý do áo Người bị hoen đỏ vì không có ai giúp đỡ mà chỉ một mình Người phải đẩy một khối nho khổng lồ vào guồng máy với tất cả sức lực của mình. Đây chính là hình ảnh vị Thẩm Phán tối cao đến xét xử trần gian và địch thủ của Người bị tiêu diệt. Nhưng trước khi xét xử, Người phải chiến đấu thực sự với sa tan, với tội lỗi của loài người, với những hèn nhát, lãnh đạm và khước từ của chúng ta.[15]

 

 

 

 


[1] Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Tổng quát (Tp. HCM: Đại Chủng Viện thánh Giuse, 2001), tr. 92.

[2] Michel Coirault, Pour connaitre les fêtes juives, chrétiennes et musulmanes, Cerf, 1991, tr. 12-13.

[3] Sách lễ Rôma, ‘Những quy luật tổng quát về năm phụng vụ và niên lịch’, Rôma 1975, số 28.

[4] Văn kiện vừa dẫn, số 22.

[5] Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, Từ điển văn hoá thế giới, Mục từ “Tro”, bản dịch Việt ngữ do nhà xuất bản Đà Nẵng, trường viết văn Nguyễn Du thực hiện, 1997, tr. 948.

[6] P. Jounel, Le cycle pascal, trong A.G. Martimort, l’Eglise en prière, tome IV “La liturgie et le temps”, Desclée, 1983, tr. 82.

[7] Sách lễ Rôma, việt ngữ 1992, tr. 186.

[8] A.G. Martimort, quyển IV “La liturgie et le temps” trong “L’Église en prière”, Deselée, 1983, tr. 87.

[9] Sách lễ Rôma, ‘Những quy luật tổng quát về năm phụng vụ và niên lịch’, Rôma 1975, số 5.

[10] Bảng ghi ngày phụng vụ, số 4.

[11] Ibid., từ số 2 đến số 9.

[12] SC, số 102.

[13] GLCG, số 1168.

[14]Xc. The Liturgy and Time, trang 37.

[15]Xc. Sđd, trang 38-39.