Việc Tổ Chức Thánh Lễ Và Chọn Bài Đọc Trong Mùa Thường Niên

0
2285


 Lm. Giuse Nguyễn Văn Hiển, OP.


Dẫn vào

Ngoài những thời gian đặc biệt của chu kỳ phụng vụ, lịch phụng vụ Kitô giáo theo nghi thức Roma ghi nhận có hai chu kỳ phụng vụ mùa per annum : thường niên hay quanh năm[1]. Chu kỳ chung của Mùa Thường Niên bao gồm hoặc là 33 hoặc 34 tuần lễ. Chu kỳ thứ nhất của mùa này bắt đầu từ ngày liền sau lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Jordan cho đến đêm trước ngày thứ Tư lễ Tro. Chu kỳ này thường kéo dài trong 8 Chúa nhật. Chu kỳ thứ hai của per annum bắt đầu lại từ sau Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cho đến đêm trước của ngày bước vào Mùa Vọng, cuối vào tháng 11.

Trong phần này, chúng ta sẽ lược qua việc tổ chức Mùa Thường Niên và việc chọn lựa thánh lễ và bài đọc.

Bản viết này được trích dịch dựa trên : 1) Những hướng dẫn chung về Sách lễ Roma (SLRM); 2) Những giới thiệu chung về Sách Các Bài Đọc (SCBĐ) và phần Giới thiệu chung về Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGGKPV) trong phụng vụ theo nghi thức Roma.
 
I.- VIỆC TỔ CHÚC MÙA THƯỜNG NIÊN (TEMPUS “PER ANNUM”)

Theo hướng dẫn của phần Giới thiệu chung về Sách Bài Đọc theo nghi thức Roma, chúng ta biết :

Chúa nhật thứ nhất của Mùa Thường Niên bắt đầu với ngày thứ hai tiếp theo lễ Chúa chịu phép rửa (hoặc ngày thứ ba, nếu lễ Chúa chịu phép rửa được cử hành vào ngày thứ hai), vì thế nó không có ngày Chúa nhật, đến độ có thể hiểu rằng chuỗi những Chúa nhật của Mùa Thường Niên bắt đầu vào ngày Chúa nhật thứ 2 (nhằm tránh một khoảng cách của con số giữa những ngày thường trong tuần và các Chúa nhật). Khi bắt đầu Mùa Chay, những bài đọc của tuần lễ đang tiếp tục bị cắt ngang sau ngày thứ 3, và những bài đọc của Mùa Chay bắt đầu vào thứ 4 (SCBĐ, số 104).

Nếu Mùa Thường Niên có 34 tuần lễ, chúng ta lấy lại từ ngày thứ hai của lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tuần lễ mà đã bị gián đoạn[2].

Nếu có 33 tuần lễ, có một sự loại bỏ cần thiết được thực hiện trong đó là lấy lại thứ hai của tuần lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, để nhờ đó giữ lại vào phần cuối của năm phụng vụ những bài đọc về cánh chung của tuần lễ thứ 33 và thứ 34.

Khi lấy lại như vậy, những ngày trong tuần vẫn diễn ra cách bình thường, ngay cả ngày Chúa nhật. Chúng ta thấy, tuần lễ thứ nhất này được coi là riêng của Chúa nhật do bởi lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chúa nhật thứ hai do bởi lễ Chúa Ba Ngôi, và Chúa nhật thứ ba do bởi lễ Mình Máu Thánh Chúa trong những quốc gia mà lễ này được cử hành vào Chúa nhật, và không cử hành vào ngày thứ năm.
 
II.- VIỆC CHỌN LỰA THÁNH LỄ VÀ CÁC BÀI ĐỌC

1.- Đối ngày Chúa nhật

a.- Chọn lựa thánh lễ. “Để tạo sự thuận tiện cho việc thực hành mục vụ và lợi ích cho các tín hữu, chúng ta được phép, trong các Chúa nhật Mùa Thường Niên, chọn lựa các cử hành phụng vụ rơi vào trong tuần lễ mà ở đó liên quan đến các thực hành đạo đức của các tín hữu”.

Riêng về tuần lễ cầu cho sự Hiệp nhất các kitô hữu, số 58: Những quy định chung trong sách lễ Roma nói rằng : Chúa nhật trong tuần lễ cầu cho sự Hiệp nhất các tín hữu có thể cử hành về lễ cầu cho sự hiệp nhất hay trong Chúa nhật truyền giáo, lễ về việc truyền giáo.

b.- Kinh nguyện phụng vụ. Chúng ta cũng có thể thay thế thánh vịnh của mỗi Chúa nhật bởi một trong những thánh vịnh chung.

2.- Những ngày lễ trong tuần

a. Đối với các thánh lễ.

Trong những ngày thường hoặc những ngày có lễ nhớ tự do, chúng ta có thể chọn :

– hoặc cử hành lễ theo ngày trong tuần (theo một trong những hình thức của ngày ấy hoặc lễ tự do hoặc trong các phần riêng).

– hoặc cử hành tưởng nhớ về một vị thánh được ghi trong lịch phụng vụ hay trong danh mục các thánh trong ngày đó.

– hoặc cử hành một lễ ngoại lịch: chẳng hạn ngày thứ bảy về Đức Maria.

– hoặc lễ cầu cho những người đã qua đời.

Trong những ngày có lễ nhớ bắt buộc, chúng ta cũng có thể chọn lựa ngày lễ nếu có một lý do mục vụ liên quan đặc biệt đến lợi ích giáo dân (xem Giới thiệu tổng quát về Sách lễ Roma, số 333). Cũng có thể chọn lựa một lời tiền tụng từ những lời tiền tụng khác nhau, nếu nó phù hợp với ngày lễ.

b.- Đối với Kinh nguyện Phụng vụ.

Vì một lý do chính đáng chúng ta cũng có thể chọn lựa cử hành một lễ nhớ tự do theo nghi thức của một lễ nhớ về một vị thánh được ghi trong ngày hay theo sổ các thánh (xem Giới thiệu tổng quát về Các Giờ Kinh Phụng vụ, số 244 và 245. Xem thêm các số 234-239. Cũng xem phần chỉ dẫn về Giờ Kinh Phụng vụ về Đức Maria vào ngày thứ bảy).
 

III.- VIỆC CHỌN LỰA CÁC BÀI ĐỌC

1.- Các bài đọc ngày Chúa nhật

a.- Các bài đọc Tin mừng (SCBĐ, số 105) :

Chúa nhật thứ hai của Mùa Thường Niên vẫn còn nằm trong sự nối dài của lễ Hiển Linh. Bài Tin mừng tường thuật về phép lạ tại tiệc cưới Cana và hai bản văn khác miêu tả về sự biểu tỏ của Chúa trong thánh Gioan.

Chúa nhật thứ 3 bắt đầu với một nửa tiếp theo của các Tin mừng nhất lãm: Tin mừng thánh Mattheu cho năm A; thánh Marcô cho năm B và thánh Luca cho năm C. Các nhà soạn thảo bản văn phụng vụ đã cố gắng làm xuất hiện những đặc tính riêng và cấu trúc của mỗi Tin mừng. Cũng trong một cách nào đó, họ đã không bỏ qua bất kỳ một yếu tố nào thuốc về ý nghĩa giáo lý của Tin mừng nhất lãm: những gì không được giữ lại trong một Tin mừng thì được đưa vào một năm khác trong một bản văn tương tự của một Tin mừng khác. Một vài yếu tố then chốt vốn được giới thiệu một cách rất khác nhau trong những Tin mừng khác nhau, thấy trở lại hai hoặc ba lần.

Chúng ta cũng nghi nhận sự tập trung về tiến trình nơi các Tin mừng với những gì của năm phụng vụ. Chúng ta đọc sau lễ Hiển Linh những khởi đầu của bài giảng của Đức Kitô, diễn ra trong những hiển tỏ đầu tiên được cử hành ở lễ Hiển Linh và lễ Chúa chịu phép rửa. Chúng ta dừng lại với bài giảng cánh chung được nối kết với chủ đề của thời gian cuối cùng của năm phụng vụ: sự chợ đợi những thời gian sau cùng. Những trích đoạn về cuộc Thương khó và sự Phục Sinh được giành cho Mùa Phục Sinh: vì thế, chúng ta không đặt vào trong thời gian Mùa Thường Niên.

Trong năm B, chúng ta đặt xen vào sau Chúa nhật 16 thường niên 5 bài đọc được lấy từ chương thứ 6 của Tin mừng thánh Gioan (bài giảng về Bánh trường sinh). Việc thêm vào này được thực hiện theo một cách tự nhiên, vì nhằm thay thế bài tường thuật hoá bánh ra nhiều trong Tin mừng Marcô bằng Tin mừng thánh Gioan.

Đối với năm C, chúng ta đặt lên đầu tiên của phần nửa tiếp theo Tin mừng theo thánh Luca (Chúa nhật thứ 3) phần giới thiệu của Tin mừng này, bởi nó diễn tả cách rõ ràng ý hướng của tác giả; vả lại, chúng ta không có cơ hội để đọc lại ở chỗ khác.

b.2.- Các bài đọc Cựu ước và Thánh thư[3] :

Những bài đọc Cựu ước được chọn lựa mỗi bài có sự liên hệ với Tin mừng của ngày lễ. Điều này nhằm trách những thiếu sót lớn trong mỗi thánh lễ và nhất là để nhấn mạnh đến sự hiệp nhất giữa hai bản Kinh Thánh. Những tước hiệu được soạn thảo theo cách nhằm ghi nhận mối liên hệ này.
Những bài đọc Thánh thư được trích dẫn trong các thư của thánh Phaolô và thánh Giacôbê (các thư của thánh Phêrô và Gioan được đọc trong Mùa Phục sinh).

Thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô là một thư dài, vì thế sẽ được sắp xếp theo những chủ đề khác nhau. Thư này được phân chia trong thời gian ba năm và được đọc vào đầu Mùa Thường Niên. Cũng vậy, thư gởi tín hữu Do Thái cũng được chia thành hai phần và được đọc trong năm B và C.

2.- Các bài đọc trong tuần

a.- Các bài đọc Tin mừng :

Các bài đọc Tin mừng được đọc theo một trật tự như sau : trước hết là thánh Marcô (từ tuần lễ 1-9); thánh Mattheu (từ tuần lễ 10-21) và thánh Luca (từ tuần lễ 22-34).

Các chương đầu từ 1 đến 12 của Tin mừng theo thánh Marcô được đọc cách bình thường, chỉ trừ hai trích đoạn ở chương thứ 6 mà chúng ta đã đọc sau lễ Hiển Linh. Từ thánh Mattheu và thánh Luca, chúng ta sẽ đọc tất cả những gì không trùng với thánh Marcô. Tuy nhiên, chúng ta đọc hai hoặc ba lần tất cả những trích đoạn vốn có một mầu sắc đặc biệt thực sự trong những bản văn Tin mừng khác nhau. Hoặc đôi khi cần thiết phải theo một tiến trình của bản văn trích dẫn. Bài giảng về ngày cánh chung được lấy cách không hoàn toàn trong thánh Luca phù hợp đặt vào cuối của năm phụng vụ (SCBĐ, số 109).

b.- Các bài đọc Cựu ước và Thánh thư:

Đối với bài đọc thứ nhất, trong mỗi một năm (bao gồm trong hai năm : lẻ và chẵn), sẽ được thực hiện theo sự tương tác giữa hai bản văn Kinh Thánh trong một thời gian dài giữa các tuần lễ (SCBĐ, số 110).

– Chúng ta đọc một phần lớn các sách Tân Ước theo cách làm nổi bật mỗi bản văn.

– Đối với những gì thuộc Cựu ước, chúng ta chỉ có thể trích dẫn những bản văn nhằm nêu ra sắc thái riêng của mỗi sách. Những sách lịch sử được chọn lựa theo cách để chỉ ra một cái nhìn chung về lịch sử về ơn cứu độ trước cuộc Nhập Thể của Thiên Chúa. Chúng ta không thể trích dẫn những bản văn quá dài. Chính vì điều này mà đôi khi các bản văn được chọn cho phép cung cấp một đường hướng để tiếp cận ý nghĩa lịch sử của hành động cứu độ của Thiên Chúa đối với Dân. Ngoài ra, ý nghĩa tôn giáo về các sự kiện đôi khi được chiếu sáng bởi những bản văn của những sách ngôn ngoan, được giới thiệu như một sự dẫn vào và kết luận của một chuỗi những bài đọc lịch sử (SCBĐ, số 110b).

– Kể từ Công đồng Vatican II, hầu hết những sách Cựu ước đã tìm được vị trí trong sách Các Bài Đọc trong tuần. Chỉ có một vài sách ngôn sứ rất ngắn (Sophonie) và sách Diệu Ca đã không được trích dẫn. (Đối với những bản văn rõ ràng mà sự thông hiểu về nó đòi hỏi một bản văn dễ hiểu, chúng ta đọc bản văn Tobia và Ruth và không đọc sách Judith, Esther). Một vài đoạn văn trong các sách bị loại bỏ, được đọc vào ngày Chúa nhật hay những ngày thường trong các Mùa khác.

– Vào cuối năm phụng vụ chúng ta đọc những sách có liên quan đến khía cạnh cánh chung : sách Daniel và Khải Huyền (SCBĐ, số 110c).

3.- Những điểm cần lưu ý về các bài đọc[4]

Theo những hướng dẫn chung về việc chọn lựa các bài đọc trong tuần : “Nếu một bài đọc liên tục bị gián đoạn vì lý do của một lễ kính hay vì một cử hành đặc biệt, chúng ta có thể tiếp tục nối lại phần bản văn bị bỏ trong ngày khác…” (xem Giới thiệu chung về Sách bài đọc thánh lễ trong tuần, tr. 9, số 3).

“Trong những thánh lễ giành cho nhóm đặc biệt, chúng ta cũng có thể chọn những trích đoạn bài đọc trong bất cứ sách bài đọc nào được chứng nhận bởi bản quyền” (xem Sách bài đọc trong tuần, tr. 9, số 5), chẳng hạn, với một nhóm không thường xuất hiện trong những ngày lễ trong tuần, những bài đọc của một ngày khác của cùng tuần lễ.

Để cử hành lễ nhớ (bắt buộc hoặc không bắt buộc), những bài đọc được đề cập đến trong sách bài đọc về các thánh chẳng bao giờ bắt buộc (trừ trường hợp ngoại lệ, được đề cập đến trong nghi thức). Chúng ta luôn luôn có thể dùng bài đọc trong tuần hoặc bài đọc về các thánh (phần chung được chỉ định hoặc phần chung về các thánh nam, thánh nữ). Với một cuộc tụ họp tham dự thánh lễ hàng ngày, chúng ta nên chọn lựa những bài đọc của sách lễ trong tuần.

Đối với 4 lễ trọng trong Mùa Thường Niên : Chúa Ba Ngôi, Mình và Máu Thánh Chúa, Trái Tim Chúa, được cử hành sau ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và lễ Chúa Kitô, Vua vũ trụ, các bài đọc được trích dẫn khác nhau theo chu kỳ của năm phụng vụ. Các bài đọc này được soạn riêng cho từng ngày lễ.
 

 

Viết theo:

Giới thiệu chung về Sách lễ Roma, bản dịch tiếng Việt, 1992.

Giới thiệu chung về Sách Các Bài Đọc trong thánh lễ. Bản Pháp văn : “Présentation générale du lectionnaire de la messe », Paris, Desclée-Mame, 1995.

Giới thiệu chung về Sách Các Giờ Kinh Phụng vụ. Bản Pháp văn theo Centre national de pastorale liturgique, Présentation générale de la Liturgie des Heures, Paris, Cerf-Desclée- DDB-Mame, 1999.

Vogel Cyrille, Introduction aux sources de l’histoire du culte chrétien au Moyen Âge, Spoleto, Centro Italiano di studi sull’alto medioeve, 1966.


[1] Cụm từ « tempus ‘per annum’ » được dịch là « thời gian quanh năm, hoặc mùa quang năm » theo bản dịch tiếng Việt. Bản văn tiếng Pháp dùng cụm từ « temps ordinaire » và được chuyển dịch trong tiếng Việt là « thường niên ». Nhưng chúng ta thấy rằng, trước Công đồng Vatican II, các Chuá nhật trong chu kỳ per annum được gọi là : các Chúa nhật sau lễ Hiển Linh và các Chúa nhật sau lễ Hiện Xuống. Bản văn Sách lễ Roma tiếng latinh sau Vatican II vẫn dùng cụm từ tempus « per annum » để chỉ về những tuần lễ Mùa Thường Niên, nhưng để trong ngoặc kép : chẳng hạn « Chúa nhật thứ hai thường niên » được viết Dominica secunda « per annum ».
 
[2] Cũng vậy, chẳng hạn, nếu xảy ra trường hợp có 6 tuần lễ trước Mùa Chay, thì thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống bắt đầu với tuần thứ bảy. Việc cử hành trọng thể lễ kính Chúa Ba Ngôi được giữ trùng vào ngày Chúa nhật thường niên.
 
[3] Cũng cần ghi chú ở đây rằng, theo Cyrille Vogel : hạn từ « épître » có nghĩa là bài đọc, không phải là tin mừng, bài đọc này không hẳn nhiên được lấy ra từ các thư của thánh Phaolô hoặc những thư khác trong quy điển thư. Bài đọc này cũng có thể được mượn từ Cựu ước, từ các sách Tông đồ công vụ và sách Khải Huyền của thánh Gioan. Xem Cyrille Vogel, Introduction aux sources de l’histoire du culte chrétien au Moyen Âge, Spoleto, Centro Italiano di studi sull’alto medioeve, 1966, tr. 262.
 
[4] Xen đoc phần Giới thiệu tổng quát về Sách lễ Roma, bản dịch tiếng Việt 1992, chương 7, tr. 71-74.