Khái Lược Về Bí Tích Giao Hòa: Quyền Tha Tội Của Hội Thánh (1)

0
736


Tác giả: LUDWIG OTT

 

QUAN NIỆM VỀ THỐNG HỐI

1. Bí Tích Thống Hối

BT THỐNG HỐI (poenitentia, métanoia) là BT, trong đó, tội nhân hối hận vì tội lỗi của mình, xưng nhân tỏ tường và có ý đền tội; qua lời xóa giải của linh mục, họ sẽ được tha thứ những tội lỗi đã phạm từ sau khi lãnh nhận BT Thánh Tẩy.

Thuật ngữ Thống Hối được sử dụng để chỉ một phần đặc biệt của BT Thống hối, của việc đền tội.

2. Nhân đức Thống Hối
Nhân đức Thống Hối mà Cựu Ước cũng như Tân Ước luôn mời gọi con người thực hành (so Ed 18,30tt ; 33,11 ; Gr 18,11 ; 25,5t ; Ge 2,12t ; Hc 2,22 ; 17,21tt ; Mt 3,2 ; 4,17 ; Cv 2,38) cũng như trong mọi thời là một điều kiện cần thiết để được ơn tha tội (D 894) là một nhân đức giúp cho ý chí quyết lánh xa tội lỗi và sẵn sàng đền tội trước mặt Chúa.

Nó bao gồm trong nổi khổ đau của linh hồn trước những tội lỗi đã phạm, vì thấy đó là một xúc phạm đối với Thiên Chúa, liên kết với một quyết tâm sẽ đền bù lại : dolor de peccato commissio, in quantum est offensa Dei, cum emendationis proposito (S. th. III 85,3) Những xác nhận bề ngoài của nhân đức thống hối là những việc : xưng thú tội lỗi, thực hiện những việc đền tội mọi loại tỉ như cầu nguyện, chay tịnh, bố thí, hãm mình và kiên nhẫn lãnh nhận những thử thách của Thiên Chúa.

Hội Thánh kết án thuyết của Luther là sai lầm khi ông bảo thống hối chỉ là canh tân đời sống thôi (optima poenitentia nova vita) D 747, 923. Thánh Kinh đòi buộc kẻ có tội phải thống hối trước những tội lỗi mình đã phạm, đòi buộc ý thức thống hối nội tâm và những hành động thống hối bên ngoài. So Ed 18,21tt; Ge 2,12t: “Hãy hoán cải trở về với Ta ngay từ trong tâm hồn của các ngươi với chay tịnh, khóc lóc và than thở ! Hãy xé tâm hồn chớ đừng xé áo và hãy trở về với Gia-vê, Thiên Chúa của các ngươi !” “Cuộc sống mới” là mục tiêu của thống hối chứ không phải là bản chất của thống hối. So Augustinô, Sermo 351,5,12.

Bí Tích và nhân đức thống hối liên kết với nhau chặt chẽ trong trật tự ân sủng của Giao Ước mới. Vì những hành động thống hối, xưng thú, đền tội hay ý muốn đền tội là những xác nhận của nhân đức thống hối, cho nên BT Thống hối chỉ có thể hiện thực được khi có nhân đức này mà thôi. Mặt khác theo trật tự ân sủng của Giao Ước Mới, nhân đức thống hối tự nó không đưa đến việc công chính hóa người phạm tội nặng sau khi lãnh nhân BT Thánh Tẩy, nếu như họ ít nhất là không khao khát được lãnh nhận BT Thống Hối.
 

 ****

ĐOẠN I

QUYỀN THA TỘI CỦA HỘI THÁNH 

****

CHƯƠNG MỘT

SỰ HIỆN HỮU QUYỀN THA TỘI CỦA HỘI THÁNH

 

I. TÍN ĐIỀU VÀ CÁC LẠC THUYẾT CHỐNG ĐỐI

1. Tín điều

HỘI THÁNH LÃNH NHẬN TỪ ĐỨC KITÔ QUYỀN THA THỨ MỌI TỘI LỖI MÀ NGƯỜI TÍN HỮU PHẠM TỪ SAU KHI NHẬN BT THÁNH TẨY (De fide).

Chống lại với nhóm Tin Lành, Công Đồng Tridentinô tuyên bố: Đức Kitô đã ban cho các Tông Đồ và những người kế vị họ hợp pháp quyền tha thứ các tội lỗi, để giao hòa những tín hữu sa ngã sau khi lãnh nhận BT Thánh Tẩy, trở về lại với Thiên Chúa. Quyền tha tội bao gồm không những quyền rao giảng Tin Mừng về ơn tha tội, như nhóm Tin Lành giải thích, nhưng còn nhận toàn quyền để thực sự tha thứ các tội lỗi. D 894, 913.

2. Các lạc thuyết chống đối
Các giáo phái cổ kitô giáo và thời trung cổ hạn hẹp quyền tha tội của Hội Thánh và công nhận quyền này nơi cả giáo dân.

– Nhóm Montanisten (Tertullian) cho rằng ba tội đầu là chối đạo (thờ bụt thần), ngoại tình và sát nhân là không thể tha thứ được và họ cho chỉ có những người được Thần Hứng (Pneumatiker) mới là những người có quyền tha tội.

– Nhóm Novatianer từ chối việc đón nhận những kẻ chối đạo ăn năn trở lại, vào Giáo hội. Họ cho rằng Hội Thánh chỉ có những “người thanh sạch”, nên từ chối hòa giải với tất cả những kẻ phạm tội trọng.

– Dựa theo lý luận trên, nhóm Donatisten cho rằng những kẻ phạm tội trọng không có khả năng thống hối và từ chối việc hòa giải.

– Những giáo phái tinh thần của nhóm Waldenser, Katharer, Wiclifiten, Hussiten phủ nhận phẩm trật Hội Thánh, tự đó công nhận mọi người tín hữu tốt lành, thánh thiện không phân biệt ai cả, đều có quyền tha tội.

– Nhóm Tin Lành phủ nhận hoàn toàn quyền tha tội của Hội Thánh. Thực ra thuở ban đầu, họ còn cho việc thống hối hay việc xóa tội như là Bí tích thứ ba cận kề BT Thánh Tẩy và Thánh Thể (Apol. Conf. Aug Art 13), nhưng rồi sau đó quá trình phát triển của quan niệm công chính hóa của họ cần thiết phải phủ nhận một uy quyền thực sự để tha tội. Nếu như sự công chính hóa không thực sự là việc xóa đi những tội lỗi, nhưng chỉ là việc không xét đến ở bên ngoài hay chỉ là trùm lên các tội lỗi căn cứ vào đức tin phó thác trọn vẹn (fides fiducialis), thì lúc đó lời xóa giải (Absolutio) không còn phải là lời tháo cởi thật sự khỏi tội khiên, nhưng chỉ là lời công bố thuần túy (nuda declaratio) là căn cứ vào đức tin phó thác, tội đã được tha, có nghĩa là không tính đến hình phạt. (Đây là simul iustus, simul peccator của nhóm Tin Lành).

Theo quan niệm của nhóm Tin Lành, thống hối không phải là một BT độc lập khác với BT Thánh Tẩy, nhưng trong cơ bản chỉ là một. Nhờ qua BT này, tội nhân sẽ nhớ lại sự xác nhận được tha tội khi họ lãnh nhận BT Thánh Tẩy và canh tân lại đức tin phó thác được khơi lên nơi BT Thánh Tẩy, qua những việc đó mà các tội họ phạm sau khi lãnh nhận BT Thánh Tẩy sẽ được tha. Vì thế, thống hối chỉ là “sự trở lại với BT Thánh Tẩy” (regressus ad baptismum).

Theo bản Tuyên Tín Ausburg điều 12 (Conf. Aug. Art. 12), thống hối bao gồm hai phần, một phần là do sự ăn năn được xem như là sự sợ hãi xâm chiếm tâm hồn khi đối diện với tội (terrores incussi conscientiae agnito peccato) và một phần là niềm tin vào sự tha tội vì Chúa Kitô muốn như thế. Không cần phải thú tội gì cả, vì thừa tác viên tha tội không thi hành một quyền năng gì đối với hối nhân. Sự đền tội phải bị loại bỏ vì như thế sẽ làm giảm nhẹ giá trị đền tội của Chúa Kitô.

– Phái Duy Tân (Modernismus)(A.Loisy) cho rằng, Hội Thánh tiên khởi không công nhận bất cứ sự hòa giải nào với các tín hữu phạm tội qua uy quyền của Hội Thánh. Cho dù sự thống hối là một thiết đặt của Hội Thánh đi nữa, thì đấy cũng không thể là BT. Các lời trong đoạn Ga 20,22t về nội dung chỉ nói lên như đoạn Lc 24,47 (rao giảng sự sám hối để được ơn tha tội) và đoạn Mt 28,19 (mệnh lệnh rửa tội), vì thế chỉ được hiểu việc tha tội này gắn liền với Thánh Tẩy mà thôi. D 2046t.

3. Chứng cứ Thánh Kinh

a. Lời hứa về quyền năng của chìa khóa và quyền tháo cởi – ràng buộc
1/. Sau lời tuyên xưng của Phêrô ở Caesarea Philippi, Đức Giêsu nói với ông: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời” (Mt.16,19a). “Chìa khóa Nước Trời” có nghĩa là quyền tối thượng trên Nước Trời tại thế. Người nắm chìa khóa có toàn quyền để cho người này bước nào và có quyền để loại người kia ra ngoài khỏi Nước Trời. Và vì tội trọng là lý do để loại, thế nên người nắm chìa khóa cũng có quyền đón nhận người tội lỗi đã sám hối nhờ việc tha tội của mình. So Is 22,22 ; Kh 1,18 ; 3,7.

2/.  Tiếp theo lời hứa về quyền năng nhờ nắm chìa khóa, Đức Giêsu nói với PHÊRÔ: “Dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy ; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.” (Mt 16,19b). Theo cách nói của các Rabbi “Cầm buộc và tháo cởi” có ý nghĩa như có quyền giải thích chính thức Lề Luật và tiếp đó là quyền phân định một hành động được phép làm hay không. Hơn nữa cũng có ý nghĩa sử dụng quyền để loại người nào đó ra khỏi cộng đoàn bằng việc tuyên án tuyệt thông và quyền đón nhận trở lại cộng đoàn khi tháo cởi án tuyệt thông. Và vì lý do việc loại ra này là tội, thế nên quyền “cầm buộc và tháo cởi” cũng bao hàm quyền tha thứ tội lỗi.

Theo đoạn Mt 18,18 quyền “cầm buộc và tháo cởi” này được tuyên hứa cùng một ngôn từ cho tất cả các Tông Đồ. Vì quyền này chỉ thực hiện trong liên hệ với việc dạy dỗ tội nhân phải quay về đàng lành, thế nên cũng nhắm đến sự liên hệ trực tiếp đến cá nhân của tội nhân.

b. Việc chuyển giao quyền tha tội (Ga 20,21tt)
Vào chiều ngày Phục Sinh, Đức Giêsu hiện đến với các Tông Đồ trong một phòng cón đóng cửa kín, Người chào họ với lời chào bình an, cho họ thấy tay chân và cạnh sườn, đoạn nói với họ:

“Chúc anh em được bình an ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo:  “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga.20,21-23)

Với lời này, Đức Giêsu chuyển giao cho các Tông Đồ sứ vụ mà chính Người đã lãnh nhận nơi Chúa Cha và đã thực hiện trên thế giới. Sứ vụ đó bao gồm việc “đi tìm và cứu những gì đã mất” (Lc.19,10). Cũng như Người lúc còn sống trên trái đất này đã tha tội (Mt 9,2tt ; Mc 2,5tt ; Lc 5,20tt  chữa người bại liệt ; Lc 7,47t – người đàn bà tội lỗi công khai) thì giờ đây Người ban cho các Tông Đồ quyền tha tội. Quyền được thông ban có hai phần : quyền được hiện thực trong việc tháo gỡ hay cầm buộc tội lỗi và có hiệu quả là các tội này được chính Thiên Chúa tháo gỡ hay cầm buộc.

Thuật ngữ REMITTERE PECCATA , căn cứ theo ý nghĩa bình thường và theo nhiều đoạn Thánh Kinh tương ứng (so Tv 50,3; 1Sb.21,8; Tv 102,12; 50,4; 31,1; 1Ga 1,9; Cv 3,19) nói lên một sự tẩy xóa tội lỗi, chứ không phải chỉ là một việc bao trùm lấy các lỗi tội hay buông tha các hình phạt. Nếu giải thích thuật ngữ này theo việc rao giảng về ơn tha tội (Lc 24,47) hay theo việc tha tội trong BT Thánh Tẩy hay theo việc áp dụng kỷ luật công khai của Hội Thánh, thì không đáp ứng đúng với ý nghĩa tự nhiên của văn bản. Công Đồng Tridentinô công khai chống lại cách giải thích khác của nhóm Tin Lành và hiểu đây thực sự là việc tha tội trong BT Thống Hối. D 913 ; so D 2047.

Quyền tha tội được ban cho các Tông Đồ không phải như những đặc sủng (Charisma) cá nhân, nhưng trao ban cho Hội Thánh như một cơ cấu trường tồn. Hội Thánh thực hiện quyền qua việc rao giảng, Thánh Tẩy, cử hành BT Thánh Thể, và chuyển đạt quyền này cho các người kế nhiệm ; lý do việc chuyển giao là thực tại của tội lỗi, chính thực tại này đòi hỏi quyền tha tội phải được hành xử trong mọi thời gian. D 894 : APOSTOLIS ET EORUM LEGITIMIS SUCCESSORIBUS. So D 379.

4. Chứng cứ của Thánh Truyền

a. Chứng cứ của hai thế kỷ đầu
Các tác phẩm cổ của Kitô giáo ở ngoài Thánh Kinh chỉ hướng dẫn cách đại cương về việc cần thiết đến sự thống hối, đến việc xưng thú tội lỗi và sự tha tội, mà không xác định rõ ràng việc tha tội này là do Hội Thánh ban do quyền tha tội.

– Sách DIDACHE kêu gọi phải thống hối và xưng thú tội lỗi trước khi cử hành lễ Tạ Ơn. 14,1 : “Anh em hãy tụ họp vào Ngày của Chúa, hãy bẻ bánh và Tạ Ơn, sau khi anh em xưng thú tội lỗi của mình, để lễ vật của anh em được tinh tuyền.” (So 10,6). Việc xưng thú nên thực hiện nơi “cộng đoàn đang tụ họp”, có nghĩa là công khai (4,14). Có lẽ ở đây muốn nói đến việc xưng thú chung, như thường thực hiện ở các phụng vụ Do Thái, và tương tự sau này với kinh “Cáo Mình – Confiteor”.

– Thánh Clêmentê thành Rôma ( khoảng 96) cảnh cáo những người gây lộn xộn trong cộng đoàn Côrinthô, “hãy tùng phục các trưởng giáo và đón nhận kỹ luật thống hối với tâm hồn khiêm tốn” (Cr 57,1). Sự thống hối do các trưởng giáo chỉ định có lẽ là sự thống hối của Giáo Hội.

– Ignatius thành Antiochia (+ khoảng 107) tin rằng những người thực hành thống hối sẽ được Chúa tha tội : “Chúa tha tội cho những người thực hiện thống hối, khi họ hoán cải quay về hiệp thông với Thiên Chúa và với giám mục” (Philad. 8,1 ; so 3,2). Rõ ràng, trước khi được Chúa tha thứ tội lỗi, hối nhân phải thực hiện thống hối và giao hòa với Hội Thánh.

– Polykarp (+ 156) đòi buộc các trưởng lão “phải hiền dịu và nhân từ với hết mọi người, không quá khó khăn khi xử phạt, hãy biết rằng, chúng ta là những con nợ của các kẻ tội lỗi” (Phil. 6,1).

– Sách PASTOR HERMAE là một quyển sách ngụy thư thuộc loại khải huyền được trứ tác vào giữ thế kỷ thứ II tại Rôma ; sách này có nói về những thầy dạy đạo tuyên bố không co một sự tha tội nào khác ngoài Thánh Tẩy. Hermas chấp nhận điểm căn bản này như lý tưởng của kitô giáo, nhưng cũng nhấn mạnh rằng còn có sự thống hối cho những Kitô hữu sa ngã đàng tội lỗi sau khi lãnh nhận Thánh Tẩy. Sự thống hối này phổ quát – cũng được ban cho cả những tội nhân phạm thuần phong mỹ tục (Mand. IV 1)-, nhưng chỉ được ban có 1 lần mà thôi : “Nếu kẻ nào sau ơn gọi vĩ đại (= Thánh Tẩy) mà bị ma quỷ cám dỗ, phạm tội, họ chỉ nhận được 1 lần ơn thống hối; nếu như họ lại cứ tiếp tục phạm tội và lãnh nhận ơn thống hối, thì điều này không ích lợi gì cho con người này ; họ sẽ khó sống” có nghĩa là Hội Thánh sẽ không cho họ giao hòa lần thứ hai, và như thế họ khó mà đạt được ơn cứu độ (Mand. IV 3,6).

Justin (Dial. 141), Dionysius thành Côrinthô (Eusubius, Hist. eccl. IV 23,6) và Ireneus dạy rằng, mọi kitô hữu sa ngã phạm tội đều có thể lãnh nhận ơn thống hối. Ireneus tường trình nhiều trường hợp, các tội nhậm phạm thuần phong mỹ tục và kẻ chối đạo, sau khi xưng thú công khai tội lỗi của mình và sau khi thực hiện sự thống hối thì được đón nhận lại vào cộng đoàn Hội Thánh (Adv. haer. I 6,3 ; I 13,5 và 7 ; IV 40,1).

b. Chứng cứ của thế kỷ thứ III và thứ IV
Eusebius (hist.eccl. V 28,8-12), tường trình rằng, Natalis, một thầy dạy đạo nổi tiếng của Rôma, lại rơi vào nhóm lạc thuyết Monarchianisme (Độc thần thuyết) và trở thành Giám mục của nhóm này; ông ta phải thực hành những việc thống hối thực nặng nề do “Hội Thánh luôn thông cảm của Đức Kitô đầy lòng nhân từ ” đề ra và cuối cùng mới được Đức Giáo Hoàng Zephyrin (199-217) đón nhận trở lại cộng đoàn Hội Thánh.

– Tertullian viết trong quyển sách De poenitentia vào thời ông còn ở trong Kitô giáo về hai thứ thống hối: thống hối thứ nhất như để chuẩn bị lãnh nhận Thánh Tẩy (chương 1-6) và thống hối thứ hai sau BT Thánh Tẩy (c. 7-12). Cùng với sách Pastor Hermae, ông dạy phải thực hành một thứ thống hối có hai phần này. Người thống hối phải làm trọn việc EXHOMOLOGESE (c. 9) có nghĩa là phải xưng thú công khai tội lỗi của mình và lãnh nhận những việc sám hối nặng nề ; sau khi thực hiện những việc sám hối này, họ được lãnh nhận lời tha thứ công khai (palam absolvi ; c. 10), rồi mới được thu nhận lại vào cộng đoàn Hội Thánh (restitui ; c. 8). Không có tội nào mà không tha thứ được, kể cả việc tội phạm thuần phong mỹ tục và thờ bụt thần.

Tác phẩm thứ hai của Tertullian được viết sau khi ông rơi vào nhóm lạc giáo Montanismus, với tựa đề DE PUDICITIA (VỀ TÔN TRỌNG DANH DỰ) lại chĩa mũi dùi gay gắt chống lại thực hành thống hối của Hội Thánh Công giáo. Mục tiêu của ông là cố chứng minh rằng hai tội: ngoại tình và hiếp dâm (fornicatio) là không thể tha thứ được. Khởi đầu tác phẩm này, Tertullian nhắc lại một bản công bố “edictum peremptorium” của một “Pontifex maximus, quod est episcopus episcoporum”, mà theo ý kiến của Tertullian bản công bố này xóa đi tất cả kỷ luật và phong tục kitô giáo. Trong bản này, tác giả viết: “Ego et moechiae ei fornicationis delicta poenitentia functis dimitto” (1,6). Ngày xưa, người ta đoán tác giả bản văn này là Đức Giáo Hoàng Callistus I (217-222) hay người tiền nhiệm là Đức Giáo Hoàng Zephyrinus (199-217). Ngày nay, qua tìm tòi học hỏi, người ta khẳng định đây là một giám mục Phi Châu. có lẽ Giám mục Agrippinus thành Carthago. Tertullian phân biệt có những tội có thể được tha thứ và những tội không thể tha thứ, và đáp ứng lại cũng có hai loại thống hối, một loại dành cho những tội có thể tha thứ, và một thứ dành cho những tội không thể tha thứ (c. 2). Về những tội không thể tha thứ được, ông ta liệt kê lần đầu tiên ba mối tội đầu: thờ ngẫu tượng, ngoại tình và giết người (c. 5). Ngượi lại, Hội Thánh Công giáo quả quyết, mọi thống hối đều dẫn đến việc tha tội. Vị giám mục vô danh này sử dụng quyền của Hội Thánh đã tha tội.

Cùng trong thời gian này, tại Rôma Hippolyt (Philosophumena IX 12) đang chống lại đường hướng mềm dẻo của Đức Giáo Hoàng Callistus. Cuộc tranh luận cho thấy, tại Rôma mọi tội nhân, sau khi thực hành thống hối, đều được đón nhận lại vào cộng đồng dân Chúa. Đức Giáo Hoàng Callistus giải thích “mọi người đều được ngài tha thứ tội lỗi.”

Nơi Giáo Hội Đông Phương, Clêmentê thành Alexandria và Origenes làm chứng, người ta cũng sử dụng quyền được trao ban cho Hội Thánh để tha thứ mọi tội lỗi. Theo Clêmentê, “mọi cánh cửa đều mở rộng để đón chờ những ai thành tâm sám hối trở về với Thiên Chúa trong chân lý, và với niềm vui khôn tả Thiên Chúa sẽ đón nhận con cái nào chân thành thực hiện thống hối” (Quis dives salvetur 39,2 ; so 42). Theo Origenes, ngoài những con đường khác nhau để có thể đón nhận ơn tha thứ tội lỗi, ở vị trí thứ bảy, có thứ “tha thứ tội lỗi rất cứng rắn và cực nhọc bằng việc thống hối”; người ta đạt được ơn tha tội này qua việc xưng thú tội lỗi “trước vị linh mục của Chúa” và qua những thực hành thống hối nặng nề (In Lev. hom. 2,4). So với C. Celsum III 51.

Trong thời bách hại dưới trào hoàng đế Decius (249-251), có nhiều kẻ chối đạo ; vấn đề gây cấn được tranh luận gay gắt là phải đối xử với những người chối đạo này (LAPSI) như thế nào. Cyprian đã đưa chứng cứ trong tác phẩm DE LAPSIS cũng như trong nhiều lá thư, Hội Thánh có thẩm quyền để đón nhận những người chối đạo này cũng như những tội nhân khác trở về cộng đoàn, sau khi họ đã thực hành những việc thống hối được chỉ định. Để chống lại đường hướng dễ dãi trong hàng giáo sĩ của mình, Cyprian nhấn mạnh đến sự cần thiết của thống hối như điều kiện để đón nhận những người chối đạo (De lapsis 16). Để chống lại đường hướng cứng rắn của Novatian, Cyprian bảo vệ quyền tha thứ mọi tội lỗi của Hội Thánh, cả tội chối đạo (Ep 55,27).

Trong thời đại kế tiếp, càng ngày càng có nhiều chứng cứ xác nhận quyền tha thứ tội lỗi của Hội Thánh. Về giáo lý thống hối của Hội thánh, chúng ta thấy có thánh Pacianus (+ 390), giám mục thành Barcelona và thánh Ambrosius trong tác phẩm đặc biệt De poenitentia, bảo vệ quyền này để chống lại nhóm Novatian; thánh Augustinô chống với nhóm Donatisten. So Johannes Chryssostomos, De sacerd. III 5.

Qua những chứng cứ trên, chúng ta thấy được sự xác tín của thời Kitô giáo cổ làm nổi bật quyền tha thứ tội lỗi không bị hạn chế do chính Đức Kitô trao ban cho Hội Thánh. 

****

CHƯƠNG HAI

NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA QUYỀN THA TỘI CỦA HỘI THÁNH

 

1. Quyền tha tội của hội thánh là quyền xóa giải thật

QUA LỜI XÓA GIẢI CỦA HỘI THÁNH, TỘI LỖI ĐƯỢC THA CÁCH THỰC SỰ VÀ TRỰC TIẾP. De fide.

Theo cái nhìn của nhón Tin Lành, lời xóa giải chỉ là một lời tuyên bố rằng, tội lỗi đã được tha căn cứ vào đức tin phó thác: nudum ministerium pronuntiandi et declarandi, remissa esse peccata confitenti, modo tantum credat se esse absolutum (D 919). Ngược lại, Hội Thánh xác tín quyền xóa giải là quyền tháo cởi thực sự và có hiệu năng, qua đó, những tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa, đều được tha cách trực tiếp.

Đoạn Ga 20,23 cho chúng ta chứng cứ. Theo lời của Đức Giêsu, hành động tha thứ được các Tông Đồ và các vị kế nhiệm hoàn tất, sẽ đem lại hiệu quả là các tội lỗi được chính Thiên Chúa tha thứ. Giữa việc tha thứ cách chủ động và việc được tha cách thụ động có một liên hệ nhân quả.

Cách giải thích của anh em Tin Lành về đoạn trên không thể chấp nhận được, vì trong một câu họ đã giải thích thuật ngữ REMITTERE một ý nghĩa có hai mặt khác nhau :“Các anh giải thích, tội đã được tha cho những người được tha tội.”

Vào thời cổ của Kitô giáo, người ta tranh cải về trương độ của quyền tha tội của Hội Thánh, nhưng phải nhận một thực tế là Hội Thánh đã tha tội thực sự và trực tiếp, chứ không phải chỉ hình phạt bị loại theo giáo luật mà thôi, điều này những người đại diện của đường hướng cứng rắn thuộc nhóm Montanisten và Novatian cũng như đại diện Hội Thánh đều công nhận. Tác giả của bản công bố về thống hối do Tertullian ghi chép lại, xác nhận :“Tôi tha các tội ngoại tình và hiếp dâm” (D 43). Cyprian nói về việc tha tội do một linh mục thực hành (remissio facta per sacerdotes ; De lapsis 29). Johannes Chrysostomos công khai phủ nhận lý thuyết “công bố” trong một đối chiếu giữa chức tư tế của Cựu Ước và Tân Ước :“Các tư tế Do Thái có toàn quyền thanh tẩy phong hủi về mặt thể xác, hay đúng hơn không phải thanh tẩy, nhưng chỉ công bố người hết bệnh là sạch…Ngược lại, linh mục chúng ta có quyền, không phải là thanh tẩy một thể xác bị phong, cũng không phải công bố một linh hồn không sạch đã được tẩy sạch, nhưng là có toàn quyền thanh tẩy linh hồn đó” (De sacerd. III 6).

2. Tính phổ quát nơi quyền tha tội của Hội Thánh

HỘI THÁNH CÓ QUYỀN THA HẾT MỌI TỘI LỖI, KHÔNG TRỪ TỘI NÀO (De fide).

Nhóm Montanisten và Novatian cố gắng hạn hẹp quyền tha tội của Hội Thánh. Hội Thánh đã công bố những ý kiến này là lạc đạo. Theo giáo lý của Công Đồng Tridentinô, BT Thống Hối được thiết lập để giao hòa người tín hữu lại với Thiên Chúa, “bao lần mà họ sa ngã vào tội sau khi đã lãnh nhận BT Thánh Tẩy” (QUOTIES POST BAPTIMUM IN PECCATA LABUNTUR). D 911 ; so 895, 430. Từ đó rút ra rằng, BT Thống Hối có thể lập lại nhiều lần tùy nghi và mọi tội lỗi sa phạm từ sau khi lãnh nhận BT Thánh Tẩy đều được Hội Thánh tha thứ không trừ một tội nào.

Đức Kitô đã hứa và trao ban cho Hội Thánh quyền tha tội hoàn toàn, không một hạn hẹp nào cả. Các thuật ngữ QUODCUMQUE SOLVERIS ở Mt 16,19, QUAECUMQUE SOLVERITIS ở Mt 18,18, QUORUM REMISERITIS PECCATA ở Ga 20,23, minh chứng rằng phải hiểu quyền này bao trùm tất cả và phổ quát. Thêm nữa chúng ta thấy Đức Kitô đã trao sứ vụ của Người cho Hội Thánh, trong sứ vụ đó có quyền tha tội không giới hạn (Ga.20,21). Chính Người cũng đã thực hiện quyền này qua việc tha những tội nặng nề. So Ga 7,53-8,11; Lc 7,36-50; Lc 23,43; Mt.26,75.

Vào thời các thánh Tông Đồ, thánh Phaolô đã sử dụng quyền tha tội do Đức Kitô trao ban, qua việc thu nhận lại một tội nhân ở Côrinthô, có lẽ đã gây một vấp phạm nặng nề, có thể là loạn luân (2Cr 2,10 ; so 1 Cr 5,1tt).

Những đoạn Thánh Kinh do các đối thủ của chúng ta trích dẫn là Mt 12,31t ; Mc 3,28t ; Lc 12,10 (tội nghịch cùng Chúa Thánh Thần) và Dt 6,4-6 đều hướng vào tội cứng lòng, vì thiếu sự chuẩn bị mà không được tha thứ. Đoạn 1 Ga 5,16 không nói về quyền tha tội, nhưng nói về việc người sa ngã tách rời khỏi Đức Kitô bị loại khỏi lời khẩn nguyện của cộng đoàn.

Vào thời cổ của Kitô giáo, các tác giả sau đây đã làm chứng về tính phổ quát của quyền tha tội của Hội Thánh : Pastoe Hermae, Dionysius thành Côrinthô, Irênêus thành Lyon, Clêmente thành Alexandria, Origenes, Tertullian trong tác phẩm De poenitentia, Cyprian, Pacian, Ambrosius và Augustinus. – Pacian căn cứ vào Thánh Kinh mà nói rằng :“Người nói, những gì anh em tháo cởi, Người cũng không cầm giữ lại. Người nói, tất cả dù lớn hay nhỏ.” (Ep 3,12) – Thánh Ambrosiô cũng tuyên bố tương tự như thế :“Thiên Chúa không phân biệt gì cả ; Người đã đoan hứa với tất cả mọi người lòng nhân từ của Người và trao ban toàn quyền tha tội cho các linh mục của mình không trừ một tội nào” (De poenit. I 3,10).

Cho dù trên cơ bản mọi người đều công nhận tính phổ quát của quyền tha tội, nhưng vào thời cổ của Kitô giáo kỷ luật sám hối rất nghiêm nhặt. Sám hối công khai chỉ được thực hiện một lần mà thôi ; việc tha thứ các tội rất nặng chỉ dành cho những giây phút cuối đời và có những trường hợp lại cấm ban. Để chống lại đường hướng cứng rắn quá đáng, công đồng chung Nicêa (325) xác định trong điều khoản 13 “vì những người hấp hối, phải tuân giữ luật cổ của Hội Thánh, có nghĩa là phải trao ban cho tất cả những người sắp ly trần những hành trang BT cuối cùng và cần thiết nhất cho họ”. D 57. So D 95, 111, 147.

3. Tính thẩm phán nơi quyền tha tội của Hội Thánh

VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN THA TỘI CỦA HỘI THÁNH PHẢI LÀ MỘT HÀNH ĐỘNG THẨM PHÁN. (De fide).

Chống lại lý thuyết “công bố” của nhóm Tin lành, Công Đồng Tridentinô xác nhận, lời xóa giải của linh mục là hành động có tính thẩm phán : SI QUIS DIXERIT ABSOLUTIONEM SACRAMENTALEM SACERDOTIS NON ESSE ACTUM IUDICIALEM, ANATHEMA SIT. D 919. Như Công Đồng giải thích, Đức Kitô đã đặt linh mục “như người đứng đầu và thẩm phán (tamquam praesides et iudices) nhờ quyền chìa khóa đưa ra quyết định tha thứ hay cầm buộc tội lỗi”.D 899.

Trong một cuộc xứ án cần có 3 điều cần thiết : a) quyền thẩm phán (auctoritas iudicialis), b) nhận biết hành động cụ thể (cognitio causae), c) phán quyết chung thẩm (sententia iudicialis).

a) Đức Kitô đã ban cho các Tông Đồ và những người kế nhiệm họ cách hợp pháp quyền tha tội. Người nắm quyền sử dụng quyền này trong danh nghĩa và uy quyền của Người.

b) Quyền tha tội có thể chia làm hai, bao gồm việc tha và việc cầm giữ. Việc thực hiện quyền này không thể tùy tiện được, nhưng phải theo qui định khách quan của lề luật Thiên Chúa và xét đoán theo tình trạng lương tâm của tội nhân. Do đó, buộc người nắm quyền phải biết rõ hành động lỗi phạm cách khách quan và chủ quan, rồi phải cân nhắc theo lương tâm.

c) Sau khi nhận thức và xét đoán lỗi lần và tâm trạng của tội nhận, vị linh mục như người đại diện Thiên Chúa, đưa kết luận thẩm phán, nhờ đó tội được tha hay bị cầm buộc lại. Cũng như việc tháo cởi, sự cầm buộc tội lỗi cũng là một kết án thẩm phán tích cực (sententia retentionis ; D 899), chứ không phải là không sử dụng quyền xóa giải. Cả khi đưa ra việc đền tội, đó cũng là hành động có quyền thẩm phán.

Trong thực hành sám hối của Kitô giáo thời cổ, cũng nổi bật tính thẩm phán của quyền tha tội. Sau khi xưng thú tội lỗi và lãnh nhận việc sám hối, hối nhân bị dẫn ra khỏi nhà thờ và cửa đóng lại, như một hình thức bị loại ra khỏi cộng đoàn (exkommuniziert) và sau khi thực hành xong các việc đền tội, họ được đón nhận cách long trọng trở lại cộng đoàn. – Tertullian xem bản án mà tội nhân lãnh nhận, như “một tiền thẩm đầy đủ ý nghĩa cho cuộc thẩm phán tương lai” (apol. 39). So Johannes Chrysostomos, In Is. 6 hom. 5,1.

Sự tháo cởi như là tha thứ các vướng mắc của tội, nếu như chỉ suy nghĩ nguyên hành động này thôi, cũng phải công nhận nó có tính của một hành động mang lại hồng ân cao độ. ; nếu như nhìn tổng hợp lại các hành hộng diễn ra từ việc nhận lời xưng thú, việc đánh giá lỗi lầm của hối nhân và ra việc đền tội, những hành động này đều hướng vào việc tha tội, thì cả hành động phải mang tính thẩm phán.