Tình Yêu Phong Nhiêu

0
2302


Lm. Louis Nguyễn Anh Tuấn

 

Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm vui yêu thương) vừa mới ban hành của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành, là thành quả đúc kết hai Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 2014 và 2015. Trong Tông huấn này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Vợ chồng yêu thương và sinh ra sự sống chính là hình ảnh đích thật và sống động – không phải là ngẫu tượng như các ngẫu tượng bằng đá hay bằng vàng mà Thập giới cấm – có khả năng mặc khải ra Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Cứu độ. Vì lý do này, tình yêu “phong nhiêu” (fruitful love) trở thành biểu tượng của sự sống nội tại của chính Thiên Chúa (số 11). Vậy tình yêu “phong nhiêu” là gì? Và được hiểu thế nào trong hôn nhân?

I. PHONG NHIỀU LÀ GÌ?

Phong nhiều là khả năng của một người tạo ra sự sống dồi dào, làm cho sự sống thêm phong phú, nảy nở. Nơi hôn nhân là sự truyền sinh, tạo ra sự sống của một con người mới. Không chỉ chú trọng đến chiều kích sinh học mà còn chú trọng đến chiều kích tinh thần, một sự kết hợp hài hòa thống nhất không thể tách lìa.

Con người không chỉ được được Thiên Chúa tạo dựng bằng bùn đất mà còn được thổi hơi của Ngài vào thân xác đó, làm cho sự sống được chào đời và đạt tới mức viên mãn.

Phong nhiêu trong hôn nhân có nghĩa là khả năng sinh con cái, không những thế phong nhiêu còn mang ý nghĩa sâu rộng hơn, nó ám chỉ một khả năng tạo ra hoa trái để rồi ban tặng cho chúng một cách quảng đại, khả năng tạo ra con người và đưa sự sống mới ấy vào cuộc sống. Một con người có một giá trị cuộc sống đích thực cả về khía cạnh sinh học lẫn tâm linh. Đây chính là một mầu nhiệm cao cả mà Thiên Chúa ban tặng cho con người.

Xét về mặt nhân bản: Một người cha sinh con, bỏ rơi đứa con, người khác nhận về nuôi dưỡng, giáo dục. Vậy ai xứng đáng là người cha?

Người cha nuôi hiếm muộn con cái nhưng có sự phong nhiêu, có Thánh Thần phát sinh sự sống trong tâm hồn, hy sinh cho con nuôi, hiến thân để nuôi con, lo lắng chăm sóc cho con lúc ốm đau bệnh hoạn, khi con trưởng thành lo âu cho tương lai của con và cả mối tương quan với con nữa. Người cha này mới thực sự đúng nghĩa là một người cha.

Người cha ruột sinh con, nuôi nấng, giáo dục con nên người, lo lắng hy sinh cho con thì đây chính là người cha phong nhiêu đúng nghĩa nhất.

Vậy sức mạnh nào, nguồn năng lượng ở đâu cho người cha múc lấy để vượt qua những thử thách trong việc sinh con và nuôi nấng, giáo dục con nên người?

Để hiểu được ý nghĩa rộng lớn của phong nhiêu chúng ta cần đi lên đến tận Nguồn của Sự Sống. Ở đó có Thiên Chúa, Thiên Chúa của sự sống. Mọi con người, mọi đôi bạn sẽ là hình ảnh của Thiên Chúa nếu như họ khơi dậy sự sống. sự phong nhiêu của con người được mời gọi trở nên là hình của sự sống không thể vơi cạn của Thiên Chúa: “Tôi đến để cho chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10); “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8).

Chính từ thượng nguồn Sự Sống nơi Thiên Chúa tuôn chảy, chính nơi đó con người mới kín múc được sức mạnh để chấp nhận gian khổ, giúp con người vượt qua mọi thử thách để nuôi dưỡng con cái.

Thiếu nguồn năng lượng này con người khó có thể chu toàn được bổn phận của mình. Có những bậc cha mẹ đã thất vọng từ bỏ những đứa con ngỗ nghịch.

Nguồn Sự Sống cần sự cộng tác, sự quan tâm của con người chăm lo cho sự sống phát triển.

Nếu con người không có trách nhiệm với thiên nhiên, hệ sinh thái thì hậu quả của nó sẽ tác động đến môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm, chính hậu quả đó sẽ ảnh hưởng đến con người.

Sự sống của con người cũng đòi hỏi sự quan tâm để phát triển đúng nghĩa.

Trong sách Macabê quyển 2, tường thuật lại chuyện người mẹ chứng kiến cuộc tử đạo của 7 người con (2Mcb 7,1-41). Người mẹ đã ý thức sự sống ấy không phát sinh từ chính bà, mà bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng tạo dựng con người theo hình ảnh của Người, bà chỉ là người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản sự sống. Sự sống do Thiên Chúa ban tặng và giao phó cho ta, đó là ân huệ cao quý của con người, là kẻ đồng sáng tạo nên sự sống, để sự sống được trở nên dồi dào. Sự cộng tác này rất cần thiết.

Ta nghe lại lời của người mẹ nói với các con: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ như thế nào, không phải mẹ ban cho các con Thần Khí và Sự Sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hóa càn khôn đã nắn đúc nên loài người và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con Thần Khí và Sự Sống, bởi vì bây giờ các con coi trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình” (2Mcb 7,22-23) và bà nói với người con út: “Con ơi! Hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng, dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này, nhưng hãy tỏ ra xứng đang với các anh con mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ” (2Mcb 7,27-29).

Ở nơi người mẹ này có sự phong nhiêu thiêng liêng nghĩa là có dự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban sự sống nhờ thần khí của Người. Ngôi Hai làm Người, Nhập Thể trong lòng Đức Maria nhờ “Thánh Thần phủ rợp bóng trên bà”, phép lạ này mãi mãi làm cho chúng ta thắc mắc, được các tác giả Tin Mừng khơi lên, nhắc ta về nguồn gốc của Chúa Giêsu. Thánh Thần là Đấng ban sự sống.

Phong nhiêu thiêng liêng phát xuát từ Thánh Thần. Con người có phong nhiêu đích thực là người có Thánh Thần, người tin có Thánh Thần hiện diện.

II. KINH THÁNH NÓI GÌ VỀ SỰ PHONG NHIÊU

A. Trong Cựu Ước

Đọc lại hai trình thuật của sách Sáng Thế (St 2,4b-25)(St 1,1-31; 2,1-4a) ta có thể thấy ý nghĩa của sự phong nhiêu mà Đấng Tạo Hóa ban cho người nam và người nữ.

Trong đoạn (St 2,4b- 5): Sự phong nhiêu Thiên Chúa ban tặng cho con người trước hết là tình yêu của Adam dành cho Eva, Adam đã reo vui, ngỡ ngàng, từ nay Adam thoát khỏi nỗi cô đơn, đối diện với mình là một người trợ tá tương xứng, từ nay Adam hết buồn, hết cô độc khi đứng trước muôn loài muôn vật. Adam đã diễn tả nỗi hân hoan mừng rỡ của mình: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Bản tình ca đầu tiên đó đã nói lên tình yêu đôi bạn. Trình thuật này không nói gì cả về sự phong nhiêu tính dục hay truyền sinh con cái nhưng hướng về chính đôi bạn, hướng tới khía cạnh nội tâm, thân mật và mang tính nhân vị và bản chất của mối tương quan nam nữ, hướng tới sự sống sung mãn và sự hiệp thông của đôi bạn.

Trong trình thuật thứ hai (St 1,1-31; 2,1-4a) đưa ra những chỉ dẫn về sự phong nhiêu, cả theo nghĩa đặc thù, tức là sự truyền sinh. Con người được tạo dựng “có nam có nữ”, “theo hình ảnh của Thiên Chúa”, được mời gọi nên “phong nhiêu”, được Thiên Chúa chúc lành: “Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất, làm bá chủ và thống trị mọi loài” (St 1,28).

Ý nghĩa nguyên thủy của của lời chúc lành là dấu chỉ sự quảng đại của Thiên Chúa, đó là, một ân huệ hứa ban khả năng truyền sinh, ước nguyện và lời hứa của Thiên Chúa được triển nở dồi dào nơi đôi bạn. Vì thế, sự chúc lành không phải là một mệnh lệnh mà trước hết đó là một lời hứa trao ban khả năng sinh sôi nảy nở và phồn vinh qua các thế hệ tiếp nối.

Như thế, qua sự chúc lành của Thiên Chúa. Con người trong tư cách lứa đôi, được tín thác một trách nhiệm làm đại diện Đấng Tạo Hóa, hợp tác với Người bằng cách tiếp tục công trình sáng tạo của Người, sinh sản, nâng đỡ và phát triển sự sống.

Qua 2 trình thuật của sách Sáng Thế, ta thấy:

– a/. St 2,4b-25: chú trọng đến vun xới tình yêu vợ chồng

– b/. St 1,1-31; 2,1-4a: chú trọng đến vun xới cho hoa trái của tình yêu theo kế hoạch của Đấng Tạo Hóa.

Cả hai trình thuật này luôn luôn có sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa mở ra cho chúng ta một viễn tượng rất rộng lớn làm nổi bật trong bức tranh lớn của toàn thể tạo thành, cái vị trí và ơn gọi của con người, một thọ tạo cao cấp và mối tương quan của con người với Đấng Tạo Hóa.

Vì thế, đôi bạn sống khép kín không mở ngõ cho tình yêu phát triển thì không có sự phong nhiêu thiêng liêng, tình yêu của họ trở nên héo úa. Đôi bạn sống theo kế hoạch của Đấng Tạo Hóa thì sẽ có sự phong nhiêu đích thực, một sự phong nhiêu viên mãn.

Phần còn lại trong Cựu Ước nhấn mạnh đến sự phong nhiêu sinh học. Trong bối cảnh xã hội Do Thái, con cái là phần quan trọng cốt yếu, là ý nghĩa của cuộc sống, là lý lẽ của khả năng tiếp nối sự sống. thế nên, trong gia đình, tương quan nam nữ nhắm tới mục đích tiếp nối sự sống qua hậu duệ.

Con cái là hồng ân và là lời chúc lành của Thiên Chúa, nguồn mạch mọi sự phong nhiêu: “Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh ra là phần thưởng Chúa ban” (Tv 127,3). “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà, khác nào cây nho đầy hoa trái; Và bầy con tựa như cây ôliu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128,3-4).

Như Abraham đã tin vào Chúa ngay cả trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Ông đã tin, dẫu không thấy có một dấu chỉ bên ngoài nào, rằng Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một đứa con của lời hứa mà Thiên Chúa sẽ làm nơi người vợ hiếm muộn của ông, khi mà thân xác của ông và Sarah đã già cỗi về mặt sinh học.

Isaac chính là đứa con của lòng tin, hoa trái vượt quá sự kết hợp của hai thân xác. Nhưng sau đó Abraham đã phải đối mặt với một thử thách lớn, một sự khủng hoảng về tâm lý, khi phải dâng chính đứa con thừa tự mà mình yêu quí cho Thiên Chúa theo lời đề nghị của Người, Abraham đã tin và đã thực hiện theo ý muốn của Thiên Chúa, khi Isaac hỏi ông: “Củi có rồi còn lễ vật đâu, thưa cha?”. Câu hỏi của con trẻ xé lòng Abraham, ngay lúc ấy niềm tin của ông vẫn bừng sáng, khi ông trả lời con: “Chúa sẽ lo liệu con ạ”. Bởi chính lòng tin ấy, Abraham có được một sự phong nhiêu lớn hơn, sâu thẳm hơn, đó là sự phong nhiêu thiêng liêng.

Thử thách niềm tin là thể hiện sự phong nhiêu qua đức tin, chính dây nối kết của đức tin mới đáng giá, mới cần thiết cho Thiên Chúa.

Đức tin vượt trên lý trí của con người, đức tin rất cần thiết cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Ai sống theo Thánh ý Chúa như Abraham, người đó có sự phong nhiêu của đức tin, người đó mới quan trọng trước mặt Thiên Chúa.

Vì thế Abraham trở thành tổ phụ của một dân tộc đông đảo vô số và là cha của những kẻ tin (Rm 4,18-25).

Câu chuyện hiếm muộn con cái trong Cựu Ước có sự can thiệp của Thiên Chúa để cho đời sống gia đình được phong nhiêu, bộc lộ một cách rõ rệt có Thần khí của Thiên Chúa hiện diện còn có:

– Anna và Elkana sinh ra Samuel, thủ lãnh của Do Thái, trước Saolê.

– Elizabeth và Zakaria sinh ra Gioan tẩy giả.

B. Trong Tân Ước

Khái niệm phong nhiêu trong Tân Ước được khẳng định lại và đi xa hơn. Đó là sự phong nhiêu của sự sống toàn diện, được diễn tả trong tình yêu, là đỉnh cao của mọi giá trị. Giá trị của sự phong nhiêu thân xác bị vượt qua bởi cái mà người ta gọi là sự phong nhiêu tinh thần, không phải theo nghĩa phi nhập thể, nhưng theo nghĩa nguồn gốc của nó là ở trong Chúa Thánh Thần. Đấng là nguồn mạch mọi sự sống.

Vậy sự phong nhiêu hệ tại điều gì? Trong thực tế, Chúa Giêsu không sinh con về thể lý?

Đức Giêsu, Người là nguồn của sự phong nhiêu, là nguồn của sự sống và mang lại sự sống dồi dào, Người dự phần vào sự phong nhiêu, sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa Cha.

Đức Giêsu không bao giờ nói trực tiếp đến sự phong nhiêu tự nhiên. Đối với Người sự phong nhiêu thiêng liêng là tiêu chuẩn cho giá trị của sự sống: “Yêu là ban tặng sự sống vì một ai đó” phát xuất từ một tình yêu vô cầu và vô hạn, mà sự phong nhiêu thể lý chỉ là một hình ảnh của sự phong nhiêu ấy.

Sự phong nhiêu thiêng liêng xuất phát từ sự lắng nghe Lời Chúa, cởi mở tâm hồn để Thánh Thần thúc đẩy ta đi theo Đức Giêsu. Như khi Người nói: “Ai là anh em ta, ai là mẹ ta?… Ai nghe và thực hiện Lời Thiên Chúa người đó là anh em Ta, là mẹ Ta” (Mt 12,48-50). Đức Giêsu đã đề cao những ai thực hiện thánh ý Thiên Chúa hơn mọi quan hệ khác. Đức Maria, người đã sinh hạ Đức Giêsu và cũng là người môn đệ đầu tiên đã tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa, các môn đệ, những người đã theo chân Đức Giêsu trong đời sống dâng hiến, các Giám mục, linh mục, tu sĩ trong niềm tin dấn thân vì Nước Trời, những người hy sinh cả đời mình để lo cho những đứa con của người khác được sự sống dồi dào theo ý muốn của Thiên Chúa. Như vậy, Đức Giêsu đã sinh ra tất cả những ai tin vào Người và giữ Lời Thiên Chúa.

Như vậy, sự phong nhiêu thiêng liêng thì trọn vẹn hơn và là hồng ân sự sống vì sự cứu độ của người khác, không phải là sự trừu tượng, xuất thế, mà là được sinh thành từ một nội tâm cởi mở đối với Thần Khí Chúa, Đấng trở nên hiện diện, trở nên hữu hình, chính nhờ tình yêu, con người mới có thể dâng hiến và trở nên dấu chỉ lịch sử của ơn cứu độ.

Vì thế, ta cần phải có một thái độ cởi mở, một tâm hồn quảng đại với người khác mà không chiếm hữu. Nuôi con mà còn muốn người con đó giới hạn trong vòng tay, trong ý muốn của mình là không có sự phong nhiêu đích thực.

Sự phong nhiêu thiêng liêng là sự phong nhiêu sinh ra vừa từ tình yêu và từ đức tin. Hai vợ chồng sống đời hôn nhân của mình trong tình yêu và trong đức tin, sẽ tìm thấy cội rễ hôn nhân của mình trong Thiên Chúa, trong Lời sáng tạo, và trong tình yêu vô hạn của Người.

III. MỘT SỐ ĐẶC TÍNH CỤ THỂ CỦA PHONG NHIÊU

A. Sự quảng đại với sự sống

Khi đôi bạn sống hiệp thông sâu xa và trọn vẹn, trong một niềm tin quảng đại và hiến dâng, họ mang trong tim một nỗi khát vọng là làm cho sự hiệp thông ấy trở nên hữu hình, mang nhịp đập hơi thở của tình yêu, đó chính là đứa con.

Sự hiệp thông trong tình yêu của đôi bạn đã tạo ra sự sung mãn hài hòa, hạnh phúc: “Đứa con đầu tiên mà đôi bạn được mời gọi cưu mang để hạ sinh trước hết là chính tình yêu của họ dành cho nhau”, đó chính là hoa trái đầu tiên của sự phong nhiêu của tình yêu được đơm hoa kết trái. Như thế, đôi bạn mới có thể thực sự lập nên một gia đình: nơi mà những hoa trái của sự sống mới tìm thấy được môi sinh thứ nhất, một tổ ấm hoan lạc, nơi đón nhận sự sống và phục vụ sự sống, nơi của tự do và cởi mở nhờ tình yêu tỏa sáng của đôi bạn. Ngay cả nơi những đôi bạn hiếm muộn đón nhận những đứa con do người khác sinh ra mà mình nhận nuôi dưỡng như con cái của mình.

Sự phong nhiêu nơi họ đạt tới sự viên mãn hơn, hoa trái thơm đẹp và chín mùi hơn khi họ trao ban sự sống cho con cái, họ hiến dâng chính mình để lo cho sự sống mới, họ hy sinh đời sống mình để lo cho con cái, tuy không được bảo đảm đầy đủ về vật chất tiện nghi, nhưng họ giáo dục đức tin cho con cái và lo cho con cái sự sống đời đời.

Vì những đứa con, đôi bạn giữ lòng trung thành với nhau và trung thành với Thiên Chúa.

Lòng quảng đại của đôi bạn kéo theo sự hy sinh vô bờ bến, họ không chiếm hữu con cái cho riêng mình, họ luôn ý thức rằng trước khi đứa con này là con của mình, thì nó đã là con của Chúa. Thiên Chúa mới là Người Cha tuyệt đối của đứa con này. Điều đó gần như là một sự thánh hiến hiệp thông của đôi bạn, con cái là dấu chỉ cụ thể nhất của sự phong nhiêu của tình yêu vợ chồng, nhưng dấu chỉ đó được tạo ra không phải để mà hưởng dùng trong gia đình một cách hẹp hòi, ích kỷ, nhưng là để trao hiến cách vô điều kiện trong tự do, vốn thuộc về mọi tình yêu đích thực.

Thiên Chúa là Tình Yêu, Người luôn tôn trọng quyền tự do của con người, khi con người tự do tin và tôn thờ Thiên Chúa thì Người mới cảm thấy hạnh phúc.

Tình yêu trong sự vô cầu của nó, đã làm sinh sôi nảy nở tự do của đôi bạn, và chỉ tình yêu của hai con người tự do mới có thể xây dựng một sự hiệp thông và trao ban tình yêu đích thực.

B. Tự do được triển nở

Đôi bạn, được tạo dựng bởi một hành vi vô cầu của Tạo Hóa, cũng được mời gọi chuyển thông cho người khác cách vô cầu, một tặng phẩm lớn lao mà mọi người đã lãnh nhận cách vô điều kiện từ tình yêu tự do: Tặng phẩm của sự sống và tự do của sự sống. Cha mẹ trao ban sự sống cho một ‘Tự do’ mới. Thụ tạo tự do ấy là đứa con, một ngôi vị hoàn toàn khác họ, vượt quá đôi tay muốn nắm bắt của họ, trong sự sống mới mẻ phong phú của đứa con.

Cha mẹ phải biết hướng dẫn con cái tự do trong sự thật, có khả năng biết chọn lựa sự thật.

Cha mẹ cần phải biết tôn trọng sự tự do của con cái, tự do chọn lựa, tự nguyện làm bất cứ điều gì, dẫu biết rằng điều này có nguy cơ con cái làm điều sai trái. Vì một khi đã chọn lựa sai lầm, con cái vẫn có khả năng làm lại cuộc đời. Cha mẹ nên giống Thiên Chúa là phải biết nhẫn nại như Thiên Chúa trước sự bất trung của con cái.

Cha mẹ đừng mong nơi con cái phải ngoan ngoãn, như thế mới là gia đình hạnh phúc, mà hãy mong rằng cha mẹ cần có một tình yêu quảng đại, một tình yêu nhẫn nại như Thiên Chúa trong việc xây dựng và vun xới hạnh phúc gia đình.

Hành động tự do của con người có sự hiện diện của Thiên Chúa, đó là hành động đáng giá trước mặt Thiên Chúa và đem lại sự cứu độ cho con người.

Nếu ta còn mê muội trong một nền công lý giả tạo, không có đức ái trọn hảo, thì mọi hành vi và cuộc sống của ta không đưa ta đến với Thiên Chúa.

Con người đang bước đi trong tình trạng tranh tối tranh sáng, không biết đâu là thần khí, đâu là sự dữ. Con người cần có khả năng phân định đâu là giả trá, đâu là sự thật.

Ta cần phải khiêm tốn cầu nguyện, gắn bó với Thiên Chúa, gắn bó với nguồn sự sống, xin ơn soi sáng, nỗ lực, quyết tâm đi tìm chân lý, chắc chắn ta sẽ gặp được nguồn sự sống đích thực, cuộc đời ta mới có sự phong nhiêu và trao ban sự phong nhiêu đó đến với mọi người.

Đời sống của một người biết tháp nhập vào Thiên Chúa, đâm rễ sâu vào trong Thiên Chúa, tương quan đậm sâu với Người, gắn bó với Người bằng cầu nguyện, bằng chiêm niệm, bóng của Thiên Chúa sẽ tỏa ra chung quanh người đó và những người khác cũng được hưởng nhờ. Từ nơi họ phát ra tình yêu tự hiến chính mình, tình yêu đó không xa bóng hình của Thập Giá.

Trong hôn nhân, để tình yêu vợ chồng được phong nhiêu theo ý muốn của Thiên Chúa. Đôi bạn cần phải có đời sống cầu nguyện, để hai người có khả năng yêu thương, chấp nhận hy sinh và mở rộng con tim yêu thương, để trong mọi hành vi trong đời sống gia đình đều diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa, đó là, một tình yêu phong nhiêu và dâng hiến.