Linh Đạo Tình Yêu Vợ Chồng

0
1498


Trần Văn Cảnh

 

 

“Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,

ăn ở theo đường lối của Người.

Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,

bạn quả là lắm phúc nhiều may.

Hiền thê bạn trong cửa trong nhà,

khác nào cây nho đầy hoa trái;

Và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,

xúm xít tại bàn ăn.

Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.

Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.

Ước chi trong suốt cả cuộc đời,

bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh,

được sống lâu bên đàn con cháu.

Nguyện chúc Israel vui hưởng thái bình!” (Tv 128,1-6).

Bài ca này cho thấy bên trong ngôi nhà có người chồng và người vợ đang ngồi tại bàn ăn, con cái quây quần bên họ như “những cây ô-liu mơn mởn” (Tv 128,3), tức là tràn đầy sinh lực. Nếu cha mẹ như là nền móng của ngôi nhà, thì con cái như là “những viên đá sống động” của gia đình.[1]

Đó là nền tảng của gia đình, một bí quyết của hạnh phúc, một linh đạo của tình yêu vợ chồng và của gia đình. Linh đạo này có gốc là Niềm Vui Tình Yêu vợ chồng và có ngọn là Niềm Vui Tình Yêu gia đình. Sợi dây nối kết hai niềm vui này là việc dạy bảo con cái của cha mẹ về và bằng tình yêu; và việc học tập của con cái về và bằng tình yêu, một tình yêu tinh khiết, hoàn hảo, an bình và vui vẻ, được biểu lộ và nhận diện bằng niềm vui, niềm vui của tình yêu.

Niềm vui của Tình yêu vợ chồng đã được biểu lộ một cách công khai qua nghi thức hôn phối. Nghi thức này nhắc nhớ và đòi buộc hai bạn đời những gì khi chính thức tuyên bố và nguyện hứa yêu nhau? Những điều tuyên bố và nguyện hứa yêu nhau nào? Những lời tuyên bố và nguyện hứa yêu nhau đã tạo thành một linh đạo tình yêu nào?

Ý thức rằng tình yêu là một phương pháp giáo dục con cái rất hiệu năng và xác tín rằng tình yêu là một lý lẽ, là một cùng đích, thậm chí là một bản chất của đời sống, mời bạn đọc nhìn lại nghi thức hôn phối, rồi phân tích để nhận ra những đặc tính thiết yếu của tình yêu vợ chồng, trước khi đi đến một tổng hợp trong “linh đạo tình yêu vợ chồng”.

I. BÍ TÍCH HÔN PHỐI[2]

1. Thẩm vấn

Chú rể và cô dâu, cùng hai người làm chứng, tiến lên đứng trước vị linh mục chủ sự. Linh mục chủ sự hỏi:

– Linh mục: Anh chị thân mến, anh chị cùng nhau đến nhà thờ để ý muốn kết hôn của anh chị được Thiên Chúa củng cố bằng một dấu ấn linh thánh trước mặt thừa tác viên của Hội Thánh và cộng đoàn dân Chúa. Đức Kitô dang rộng tay ban phúc lành cho tình yêu phu phụ của anh chị, và dùng bí tích đặc biệt mà làm cho các anh chị nên phong phú và vững mạnh, để anh chị mãi mãi chung thủy với nhau và đảm nhận những trách nhiệm khác của hôn nhân, như chính Người đã dùng bí tích Thánh Tẩy để thánh hiến anh chị. Bởi vậy, trước mặt Hội Thánh, tôi hỏi anh chị về ý định của anh chị:

– Linh mục: Anh T… và chị T…, anh chị đến đây để kết hôn với nhau, anh chị có bị ép buộc không?

* Chú rể và cô dâu: Thưa không. (chú rể và cô dâu lần lượt trả lời).

– Linh mục: Anh chị có hoàn toàn tự ý và tự do không?

* Chú rể và cô dâu: Thưa có. (chú rể và cô dâu lần lượt trả lời).

– Linh mục: Khi chọn đời sống hôn nhân, anh chị có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không?

* Chú rể và cô dâu: Thưa có. (chú rể và cô dâu lần lượt trả lời).

(Có thể bỏ câu hỏi sau đây, nếu thấy không thích hợp, thí dụ: trường hợp hai người đã quá tuổi).

– Linh mục: Anh chị có sẵn sàng yêu thương và đón nhận con cái Chúa sẽ ban, và giáo dục chúng theo luật Đức Kitô và Hội Thánh không?

* Chú rể và cô dâu: Thưa có. (chú rể và cô dâu lần lượt trả lời).

2. Lời ưng thuận

Chủ sự mời chú rể và cô dâu nói lên sự ưng thuận:

– Linh mục: Vậy, bởi vì anh chị đã quyết định thiết lập một giao ước hôn nhân thánh thiện, anh chị hãy nắm tay nhau và nói lên sự ưng thuận của anh chị trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh.

Chú rể và cô dâu nắm tay của nhau và nói:

* Chú rể: Anh là T… nhận em T… làm vợ của anh, và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh.

* Cô dâu: Em là T… nhận anh T… làm chồng của em, và hứa giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời em.

Sau khi nghe đôi bên nói lên sự ưng thuận, chủ sự nói:

– Linh mục: Xin Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu chuẩn y sự ưng thuận anh chị vừa tỏ bày trước mặt Hội Thánh, và xin Thiên Chúa tuôn đổ phúc lành của Ngài trên anh chị. Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly.

– Linh mục: Nào ta chúc tụng Chúa.

* Thưa: Tạ ơn Chúa.

Qua nghi thức của Bí Tích Hôn Phối mà ta vừa xem qua trên đây, đâu là những ý nghĩa căn bản có thể đưa ra một “Linh Đạo Tình Yêu Vợ Chồng”? Thưa có 3 ý nghĩa căn bản; và rõ rệt đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô liệt kê vào những yếu tố nền tảng của “Linh Đạo Tình Yêu Vợ Chồng” mà Ngài vừa đề xuất trong Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương.[3]

II. TÌNH YÊU VỢ CHỒNG LÀ TÌNH YÊU NHẬN VỊ BÌNH ĐẲNG VÀ TỰ DO

1. Tình yêu vợ chồng được công khai cử hành qua Bí tích Hôn Nhân là tình yêu giữa người nam và người nữ, cả hai đều là những nhân vị, hoàn toàn bình đẳng

Nhân vị con người, theo giảng dạy của Giáo Hội trong Hiến chế mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng, có cái gì khác với con vật. Đó là nó có trí khôn, có lý tính, có nhân vị. Con người, nam hay nữ, đều đã được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa. Đó là lời Kinh Thánh, “Thiên Chúa phán: “Chúng Ta hãy làm ra người theo hình ảnh chúng Ta, như họa ảnh của chúng Ta. Con người hãy làm bá chủ cá biển và chim trời, và trên súc vật và mọi loài mãnh thú và mọi thứ côn trùng nhung nhúc trên đất. Và Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh mình, theo hình ảnh của Thiên Chúa; Người đã dựng nên con người là nam là nữ (x. St 1,26-27).

Vì con người là nhân vị, có trí khôn, nên trong thái cử yêu thương, nó không chỉ tuân theo những thúc đẩy của xác thịt hay những áp đặt của văn hóa. Nhưng nơi con người, còn có một cái gì khác nữa, mà ta gọi là “tự do”. Có những hành động tự do, con người chọn lựa, quyết định, dấn thân, và tạo nên cá vị của mình. Và do đó, Tình yêu hôn nhân là một tình yêu tự do, có suy nghĩ, có chọn lựa, có quyết định, có dấn thân.

Giống hình ảnh Thiên Chúa, con người không chỉ bình đẳng với nhau, cũng không chỉ có trí khôn, có tự do, nhưng còn là một “hữu thể liên hệ” mà chỉ được hoàn thiện khi có một “hiện hữu hiệp thông”. Tự do của con người là tự do cho người khác, cho tha nhân. Sống không phải chỉ cho mình, vì mình, nhưng còn là cho tha nhân; sống cho tha nhân là hiệp thông với họ. Trong sự hiệp thông, không có sự hiệp thông nào chân thành, đích thực hơn là sự hiệp thông giữa những con người tự do dấn thân cho nhau, tự do trao tặng cho nhau, dâng hiến cho nhau. Chính vì vậy mà sự dâng hiến và sự hiệp thông, cùng với sự tự do, là biểu hiện bản chất nhân vị của hữu thể con người. Do đó, Tình yêu hôn nhân còn là tình yêu vị tha, hiệp thông, chia sẻ, đối thoại.

Tóm lại, có thân xác và có tinh thần, tình yêu hôn nhân của con người có những thúc đẩy của thân xác, những thèm muốn của tiềm thức và những bức xúc của xã hội; nhưng cũng có suy nghĩ, chọn lựa, quyết định, tự do, dấn thân, chung thủy, hiệp thông và dâng hiến. Tình yêu hôn nhân không chỉ là một định mệnh, mà là một huyền nhiệm sâu thẳm trong nhân vị con người; từ đó tuôn trào sự tự do và phát sinh tình yêu đích thực. Đó là tình yêu hôn nhân, vợ chồng.

2. Tình yêu vợ chồng có một “Linh đạo của tình yêu tự do và độc hữu”

Trong Tông huấn “Niềm Vui Yêu Thương”,[4] Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác quyết rằng: “Trong hôn nhân, người ta còn sống cảm thức hoàn toàn chỉ thuộc về một người duy nhất. Vợ chồng đảm nhận thách đố này và ước nguyện cùng nhau sống cho đến mãn đời, và như thế họ phản ánh lòng trung tín của Thiên Chúa. Xác quyết ấy, vốn định hình một lối sống, là một “đòi hỏi thâm sâu của giao ước tình yêu vợ chồng”,[5] bởi lẽ “người nào không nhất quyết yêu thương mãi mãi thì khó có thể yêu thật lòng dù chỉ một ngày”.[6] Thế nhưng, điều đó có lẽ chẳng có ý nghĩa gì về mặt thiêng liêng, nếu nó chỉ đơn thuần là vấn đề tuân giữ luật với thái độ cam chịu. Đây là chuyện của con tim, nơi chỉ có Thiên Chúa nhìn thấu (x. Mt 5,28). Mỗi sáng khi thức dậy, chúng ta hãy lặp lại trước mặt Chúa quyết định trung tín này của mình, cho dù có điều gì sẽ xảy ra trong ngày. Và mỗi người, khi đi ngủ, lại mong đợi đến lúc thức dậy để tiếp tục cuộc phiêu lưu này, nhờ tín thác vào sự giúp đỡ của Chúa. Như thế, giữa vợ chồng, người này đối với người kia sẽ là một dấu chỉ và khí cụ của sự gần gũi của Chúa, Đấng không bao giờ để chúng ta đơn độc: “Này đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Sẽ đến một lúc mà tình yêu vợ chồng đạt tới đỉnh cao của sự tự do và trở thành một không gian độc lập lành mạnh: khi đó người này khám phá ra người kia không thuộc về riêng mình, mà có một chủ nhân quan trọng hơn rất nhiều, đó là Chúa duy nhất của người ấy. Không ai có thể tham vọng chiếm được nơi thầm kín riêng tư và bí mật nhất của người mình yêu và chỉ có Chúa mới là trung tâm điểm của cuộc sống người ấy. Đồng thời, nguyên tắc duy thực luận thiêng liêng yêu cầu người này đừng đòi người kia phải hoàn toàn thỏa mãn các nhu cầu của mình. Hành trình tâm linh của mỗi người – như Dietrich Bonhoeffer đã diễn tả rất hay – cần giúp mình đạt được sự “vỡ mộng” nào đó liên quan tới người kia,[7] để ngừng kỳ vọng từ người kia một điều gì đó vốn chỉ thuộc về tình yêu Thiên Chúa mà thôi. Điều này đòi hỏi một sự tự hủy nội tâm. Không gian riêng mà mỗi người dành cho tương quan cá vị với Thiên Chúa không chỉ giúp chữa lành các thương tích của đời sống chung, mà còn giúp người ấy tìm ra ý nghĩa cuộc đời mình trong tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta cần khẩn cầu sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần mỗi ngày để có thể đạt được sự tự do nội tâm này”.

III. TÌNH YÊU VỢ CHỒNG LÀ TÌNH YÊU GIAO ƯỚC

Sự hiệp thông tào khang hôn nhân nối kết hai người nam và nữ lại với nhau, vừa khác nhau, vừa bình đẳng với nhau. Sự nối kết này không tạo thành một hợp chất làm biến mất những cá tính riêng của mỗi người. Nhưng là một giao ước, mà vì tình yêu, vợ và chồng, mỗi người vẫn phát triển và xác định nhân cách của mình. Là một giao ước, tình yêu hôn nhân vợ chồng bao hàm những chọn lựa và từ bỏ, hầu cùng thực hiện tốt hơn mà sống vì và cho bạn mình và cùng xây dựng một lứa đôi, một nhà, một gia đình.

Giao ước hôn nhân, theo mạc khải của Kinh Thánh, không phải là một giao ước suông mà người ta có thể hủy bỏ khi không được thỏa mãn. Giao ước hôn nhân lấy nguồn và lấy mẫu từ sự nối kết giữa Đức Kitô và Giáo Hội, là một giao ước mới, trong đó, cả hai vợ chồng đều là những người ký kết và chứng tá. Lời thưa “Tôi bằng lòng” mà hai người vợ chồng đã hứa với nhau trong ngày cưới cũng tương đồng với lời “Xin vâng ý Cha” mà Chúa Kitô đã nói với Giáo Hội, một lời xin vâng cương quyết và không thể thay đổi.

Qua Chúa Kitô, tính chất của tình yêu mà hai vợ chồng Công Giáo gánh vác trên vai được tỏ hiện. Chúng ta nhấn mạnh đến chữ gánh vác trên vai, phải chịu đựng lẫn nhau. Nói như vậy để chúng ta thấy rõ hơn cố gắng hằng ngày mà chúng ta cần có, cũng như ơn Chúa mà chúng ta cần được để có thể đương đầu với những ảo tưởng, nghịch cảnh của cuộc sống.

Cuộc sống hằng ngày cho chúng ta nghe và thấy những cạm bẫy của tình yêu, ích kỷ, vụ lợi, cãi cọ, tranh chấp, bất đồng, ly thân, ly dị. Trước những cảnh huống này, chúng ta mới thấy giáo huấn của Giáo Hội đòi hỏi nơi tình yêu hôn nhân phải một vợ một chồng và bất khả ly, là một Tin Mừng. Giáo Hội chỉ ra cho chúng ta thấy tình yêu là có thể, một tình yêu chung thủy suốt đời, một giao ước làm đôi bên thỏa lòng, vì mỗi bên đều trước nhất tìm cách làm vừa lòng bạn đời của mình hơn là cho bản thân mình. Chúng ta không thể chối từ rằng, “con đường tình yêu là con đường có nhiều đòi hỏi, có nhiều khó khăn”; nhưng biết rằng, “vẫn luôn có thể có tình yêu chung thủy và bền vững”, há đó chẳng phải là một Tin Mừng sao?

Tình yêu vợ chồng đi theo một linh đạo “Hiệp thông siêu nhiên và Họp nhau cùng cầu nguyện trong ánh sáng Phục sinh”.[8]

Chúng ta vẫn thường nói: Thiên Chúa cư ngụ trong tâm hồn những ai sống trong ơn sủng của Ngài. Ngày nay, chúng ta cũng có thể nói: Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện trong đền thờ của mối hiệp thông hôn nhân. Như Thiên Chúa ở trong những lời tán tụng của dân Ngài (x. Tv 22,4) thế nào, thì Ngài cũng sống thâm sâu trong tình yêu vợ chồng đang tôn vinh Ngài thế ấy.

Sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình là sự hiện diện thực tế và cụ thể, cùng với mọi khổ đau, chiến đấu, niềm vui và những cố gắng hằng ngày của nó. Khi sống trong gia đình, chúng ta không thể mang một bộ mặt nạ vì khó mà giả vờ hay nói dối. Nếu như tình yêu linh hoạt sự chân thực ấy, thì đúng là Thiên Chúa đang ngự trị ở đó, bằng niềm vui và sự bình an của Người. Linh đạo tình yêu gia đình được cấu thành từ hàng ngàn cử chỉ thực tế và cụ thể. Trong tình hiệp thông được xây dựng từ bao nhiêu là dâng hiến và gặp gỡ, Thiên Chúa có chỗ ngự trị của Ngài. Sự dâng hiến cho nhau đó kết hợp “những giá trị nhân văn và thần linh”,[9] vì nó là sự tròn đầy của tình yêu Thiên Chúa. Cuối cùng, linh đạo hôn nhân là một linh đạo của mối dây ràng buộc, trong đó tình yêu Thiên Chúa cư ngụ.

Sống tốt đẹp tình hiệp thông gia đình là một hành trình đích thực để nên thánh trong đời sống hằng ngày và để được lớn lên trong kinh nghiệm thần bí, một phương thế để kết hợp thâm sâu với Thiên Chúa. Quả thật, những đòi hỏi của đời sống huynh đệ và cộng đoàn trong gia đình là một cơ hội để người ta không ngừng mở lòng ra hơn nữa, và nhờ đó có thể gặp gỡ Thiên Chúa ngày càng trọn vẹn hơn. Lời Chúa nói với chúng ta rằng: “ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối, và kẻ ấy bước đi trong bóng tối” (1Ga 2,11); người ấy “ở lại trong sự chết” (1Ga 3,14)“không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Vị tiền nhiệm của tôi, Đức Benedict XVI, đã nói rằng: “nhắm mắt trước tha nhân cũng sẽ làm ta đui mù trước Thiên Chúa”,[10] và tình yêu xét cho cùng là ánh sáng duy nhất “luôn luôn soi chiếu một thế giới tối tăm”.[11] Chỉ cần chúng ta “yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài sẽ nên hoàn hảo nơi chúng ta” (1Ga 4,12). Vì “nhân vị đã sẵn có một chiều kích xã hội trong cấu trúc tự nhiên của nó”,[12]“biểu hiệu đầu tiên và nguyên thủy của chiều kích xã hội ấy của nhân vị là đôi vợ chồng và gia đình”,[13] nên linh đạo nhập thể trong mối hiệp thông gia đình. Vì thế, những ai có niềm khao khát tâm linh sâu xa không nên nghĩ rằng gia đình tách biệt sự khát khao tâm linh khỏi đời sống trưởng thành trong Thánh Thần, nhưng hãy xem đó như một lối đường mà Thiên Chúa đang dùng để dẫn mình tới những tầm cao của sự nhiệm hiệp.

Nếu gia đình luôn qui hướng về Đức Kitô, Người sẽ hiệp nhất và soi sáng toàn thể đời sống của gia đình. Những khổ đau và những vấn đề của gia đình trải nghiệm trong sự thông hiệp với Thập Giá của Chúa Kitô, và được Người ôm lấy sẽ giúp gia đình chịu đựng được những thời khắc tồi tệ. Trong những ngày giờ cay đắng của gia đình, việc kết hợp với Đức Giêsu bị bỏ rơi có thể giúp tránh được sự đổ vỡ. Các gia đình dần dần, “đạt đến sự thánh thiện của mình qua đời sống hôn nhân, bằng ân sủng của Thánh Thần và bằng việc tham dự vào mầu nhiệm thập giá Đức Kitô, nhờ đó những khó khăn và đau khổ chuyển hóa thành một hiến lễ tình yêu”.[14] Mặt khác, những khoảnh khắc của niềm vui, thư giãn hay những dịp lễ mừng, và ngay cả tình dục cũng được xem như một sự tham dự vào sự viên mãn của Đấng Phục Sinh. Bằng những cử chỉ khác nhau trong đời sống hằng ngày, các đôi vợ chồng tạo nên một “không gian đối thần, trong đó họ có thể cảm nghiệm sự hiện diện bí nhiệm của Chúa Phục Sinh”.[15]

Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục sinh.[16] Gia đình có thể dành vài phút mỗi ngày để qui tụ với nhau trước Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài những về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cho một ai đó đang gặp khó khăn, xin Ngài trợ giúp ta biết sống yêu thương, tạ ơn Ngài về cuộc sống và về bao ơn lành khác, cầu xin Đức Trinh Nữ che chở chúng ta dưới tà áo của Mẹ. Với những lời đơn sơ như thế, giờ cầu nguyện này có thể đem lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình. Những diễn tả khác nhau của lòng đạo đức bình dân là một kho tàng linh đạo cho nhiều gia đình. Hành trình cầu nguyện chung của gia đình đạt tới đỉnh điểm trong việc tham dự Thánh lễ, nhất là trong khung cảnh ngày nghỉ lễ Chúa Nhật. Đức Giêsu gõ cửa các gia đình chia sẻ với họ bữa tiệc Thánh Thể (x. Kh 3,20). Ở đó, vợ chồng luôn luôn có thể ký kết lại giao ước Vượt Qua vốn là giao ước đã kết hợp họ và phản ảnh Giao ước mà Thiên Chúa đã kí kết với nhân loại trên thập giá.[17] Thánh Thể là bí tích của Giao Ước Mới, trong đó công trình cứu chuộc của Đức Kitô được thực hiện (x. Lc 22,20). Như thế, mối liên kết sâu xa giữa đời sống hôn nhân và Thánh Thể càng trở nên càng rõ nét hơn.[18] Lương thực Thánh Thể là sức mạnh và động lực cần thiết cho đôi vợ chồng để sống hôn ước mỗi ngày như một “Hội Thánh tại gia”.[19]

IV. TÌNH YÊU VỢ CHỒNG LÀ TÌNH YÊU CON NGƯỜI TOÀN DIỆN

Hiến chế mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng[20] xác định rằng: “Tình yêu hôn nhân vợ chồng bao gồm hạnh phúc của con người toàn diện, có xác, có hồn; với những khía cạnh: sinh lý cơ thể, cảm xúc tình cảm, suy tính lý trí, cương quyết ý chí, tâm tình con tim; và những chiều hướng thời gian và xã hội.

Trước nhất ở lãnh vực các khía cạnh, mà khía cạnh đầu tiên là sinh lý cơ thể. Tình yêu hôn nhân vơ chồng là tình yêu duy nhất bao gồm khía cạnh tính dục. Giáo Hội chấp nhận và dậy rằng khía cạnh tình dục sẽ đạt đầy giá trị nhân bản và luân lý nếu nó được hội nhập theo một cam kết tình yêu. Nó là một sự dâng hiến hỗ tương mà đôi vợ chồng ban tặng cho nhau. Nói là hội nhập, vì tình yêu vợ chồng có bao gồm tình dục. Nhưng tình dục suông thì không phải là tình yêu vợ chồng. Hội nhập còn hàm ý hội nhập, tốt hay xấu, vào liên hệ giữu người với người.

Nhưng con người còn có cảm xúc của tình cảm. Cảm xúc của tình yêu thì muôn mặt: khám phá, dò dẫm, thẹn thùng, ngất ngây, đam mê, điêu đứng, đau khổ,… Nhưng mặt nào thì tình yêu cũng là hạnh phúc. Đo đó để được hạnh phúc phải có tình yêu. Tình yêu đã trở thành thần thánh của thời đại này. Chỉ cưới khi yêu; và khi không yêu nữa thì phải ly thân, ly dị!

Công Đồng Vatican II đã xác định rõ rằng: Hôn nhân là một hiệp thông thân mật cho suốt đời và trong tình yêu. Bởi vậy, vợ chồng cần lưu tâm làm sao cải tiến liên tục và suốt đời liên lạc tình yêu và hiệp thông tình yêu để làm đẹp lòng bạn mình hơn, ngay từ trong những việc nhỏ, những dáng cử và ngôn từ hằng ngày.

Dưới khía cạnh lý trí và ý chí, ngày nay ít người còn cưới vợ gả chồng vì tính toán lời lỗ của lý trí nữa. Nhưng nhiều người lại dùng lý trí để tính toán thử nghiệm hay huỷ bỏ. Cam kết suốt đời thực là khó. Bởi vậy, muốn chắc có được hay không, nên sống thử trước. Thực ra, tình yêu vợ chồng không phải là việc thử, việc có được hay không. Nhưng tình yêu vợ chồng là một quyết định chung của vợ chồng để xây dựng một nối kết, một gia đình, để cùng nhau đương đầu với những khó khăn có thể xuất hiện trên đường đời. Tình yêu vợ chồng là một ý muốn làm tốt cho bạn mình, làm vừa lòng bạn mình. Nghĩa là chia vui, sẻ buồn, sống với, sống cùng, chấp nhận bạn như bạn là, chứ không phải như mình muốn bạn là, không chèn ép, hiếp đáp, lấn át, nhưng tiếp tay, hỗ trợ, lắng nghe, nâng đỡ, không làm phiền lòng, cũng không dạy luân lý,… Cưới là nhận một bạn đời. Để làm được những điều trên, ta cần phải vận dụng đến thông minh của lý trí và sức mạnh của ý chí. Mà nét độc đáo nhất là chữ nhẫn, chữ tha thứ, chữ nhịn nhục, và cả vâng lời làm theo ý bạn nữa.

Khía cạnh sau nữa là tâm tình của con tim. Trong túp lều tranh, hai trái tim vàng. Hai trái tim vàng là hai trái tim đập nhịp tôn trọng nhau và tìm hiểu, khám phá nhau thêm mỗi ngày, để thấy những sâu thẳm của con tim bạn mình, mà tôn trọng và quý mến hơn, hầu yêu thương hơn.

Còn về hai chiều hướng quan trọng trong tình yêu vợ chồng, thì ai cũng biết rằng, đó là chiều hướng thời gian và chiều hướng xã hội, là tình yêu chung một đời và mở ra với xã hội.

Chiều hướng thời gian, trong tình yêu vợ chồng, đi về hai hướng quá khứ và tương lai. Bạn ta là vợ hay chồng, hôm nay ta biết và yêu đã có một quá khứ. Cưới bạn là nhận quá khứ của bạn. Để cùng nhau viết ra một lịch sử chung, xây dựng một cuộc đời chung. Làm vợ làm chồng với nhau không phải là ngừng lại một chỗ, một thời, một nơi, nhưng là cùng nhau tiến về tương lai, tìm ra đường đi những khi mịt mù. Cưới nhau là tay đan tay trong tình yêu để tìm hiểu nhau mỗi ngày mà cùng xây dựng, cùng phục vụ và bổ khuyết cho nhau, chứ không phải ngồi đó mà chờ đợi được phục vụ hoặc soi bói tìm cái xấu để chỉ trích. Tình yêu vợ chồng không phải là hướng về những hối tiếc quá khứ, nhưng là một tình yêu tích cực mở ra về tương lai. Mà cái tương lai vui mừng nhất là sinh con. Sinh con là tiếp nối đời sống, là sống một “kinh nghiệm làm người”. Vui mừng nhưng bận rộn hơn nhiều, khó khăn hơn nhiều. Nhưng qua việc sinh con và dạy con, tình yêu hôn nhân đã biến vợ chồng thành những người tiếp tay với tình yêu tạo dựng của Thiên Chúa.

Chiều hướng xã hội là mạng lưới liên hệ xã hội. Khi yêu mà chưa ai biết, ta yêu một mình. Nhưng tình yêu chín mùi dần, ta dần dà khám phá ra gia dình, anh em, bố mẹ, họ hàng,… rồi bạn bè, đồng nghiệp,… của bạn. Rồi ngày cưới, ta sẻ gia nhập vào gia đình của bạn. Sự gia nhập này không phải không có khó khăn. Không thể bắt buộc vợ chồng đi đâu cũng phải có nhau. Đời sống xã hội của mỗi người có những lúc người bạn không thể dự cùng được. Không có một luật chung nào. Vợ chồng phải tự tìm ra cách dung hòa quân bình cho đời sống gia đình. Nhưng không chỉ có mạng lưới gia đình. Vì gia đình chỉ là một thành phần của xã hội. Tình yêu gia đình khi đạt mức trưởng thành sẽ khám phá ra mạng lưới xã hội, bao phủ chung quanh gia đình: xã hội tôn giáo, xã hội hành chánh, xã hội nghề nghiệp, xã hội làng xóm,… Nội việc cử hành lễ nghi hôn nhân, ta đã thấy mạng lưới xã hội tôn giáo, là cha sở, là Giáo Hội, là các giáo dân khác,… và mạng lưới hành chánh với đại diện xã, làng, hội, nhóm,… Một đôi tân hôn, một gia đình dù muốn dù không đều là thành phần của xã hội to nhỏ, Và phải mở ra với xã hội và thế giới bao quanh nó thì mới hội nhập và phát triển bền vững được. Sống cho vợ chồng mình, con cái mình, gia đình mình. Nhưng không quên xã hội và Giáo Hội, theo dõi những biến chuyển để thích ứng, những nhu cầu để đáp ứng và những thời cơ để hội nhập.

Vậy, tình yêu vợ chồng của một con người toàn diện là gì? Nó là một dâng hiến về thân xác, một hiệp thông về tình cảm, một tha thứ chịu đựng theo lý trí, một hòa thuận theo ý chí và một tâm tình kính yêu của con tim. Theo dòng thời gian, nó chấp nhận quá khứ của bạn đời, để cùng xây dựng một cuộc đời chung và mở ra với tương lai qua sự sinh sản con cái và giáo dục chúng. Nhập vào mạng lưới xã hội, trước nhất nó nhập vào mạng lưới gia đình của bạn đời và nhập vào mạng lưới Giáo Hội và Xã hội bao quanh, để thích ứng, đáp ứng và phát triển.

Tình yêu vợ chồng đi theo một linh đạo “chăm sóc, an ủi, khích lệ và mở ra”[21]

“Các đôi vợ chồng Kitô hữu là những cộng tác viên của ân sủng và là những chứng nhân đức tin cho nhau, cho con cái và cho các thành viên khác trong gia đình”.[22] Thiên Chúa mời gọi họ thông truyền và chăm sóc sự sống. Đó là lý do tại sao gia đình “bao giờ cũng là ‘bệnh viện’ gần nhất”.[23] Chúng ta hãy chăm sóc nhau, nâng đỡ nhau và khích lệ nhau, đồng thời hãy sống tất cả những điều này như thành phần linh đạo gia đình của chúng ta. Đời sống của vợ chồng là một sự thông dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, và mỗi người – đối với người kia – là một sự gợi ý thường xuyên từ Chúa Thánh Thần. Tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả “qua những ngôn từ sống động và cụ thể nhờ đó hai người nam và người nữ diễn tả tình yêu phu phụ của mình”.[24] Như thế, hai người phản ánh cho nhau tình yêu thần linh, tình yêu có sức an ủi bằng lời nói, ánh nhìn, bằng sự giúp đỡ, vuốt ve, một vòng tay ôm ấp. Do đó, “ý muốn xây dựng một gia đình là can đảm tham gia vào giấc mơ của Thiên Chúa, dám ước mơ với Ngài, dám xây dựng với Ngài, dám nhập cuộc chơi với Ngài trong lịch sử này, để xây dựng một thế giới trong đó không ai cảm thấy cô đơn”.[25]

Toàn bộ đời sống gia đình là một “mục vụ” với lòng thương xót. Mỗi chúng ta, bằng sự chăm sóc, đều khắc họa vào cuộc đời của người khác: “Thư giới thiệu chúng tôi chính là anh em, thư ấy được viết trong tâm hồn chúng tôi […] không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống” (2Cr 3,2-3). Mỗi chúng ta là một “ngư phủ chài lưới người” (Lc 5,10), nhân danh Đức Giêsu thả lưới (x. Lc 5,5) kéo những người khác, hay là một nông dân canh tác mảnh đất tươi tốt đó là những người thân, bằng việc khích lệ những gì tốt nhất trong họ. Sự phong nhiêu của đời sống hôn nhân bao hàm việc thăng tiến người khác, vì “yêu ai là mong đợi nơi người ấy một cái gì đó bất định mà cũng bất ngờ; đồng thời một cách nào đó, tạo điều kiện cho họ đáp lại sự mong đợi này”.[26] Đây là một cách thờ phượng Thiên Chúa, vì Ngài đã gieo rất nhiều điều tốt lành nơi người khác với hi vọng chúng ta sẽ làm cho nó triển nở.

Chiêm ngắm từng người thân trong gia đình bằng đôi mắt của Thiên Chúa và nhận ra Đức Kitô nơi họ là một kinh nghiệm tâm linh sâu xa. Điều này đòi hỏi một sự sẵn sàng đáp ứng cách vô cầu giúp ta quý trọng phẩm giá của họ. Người ta chỉ có thể hiện diện trọn vẹn với một người nếu biết hiến thân không vì một lý do nào và quên đi mọi chuyện xảy ra xung quanh. Như thế người được yêu thương là người xứng đáng được quan tâm đầy đủ. Đức Giêsu là mẫu gương về điều này, bởi vì khi bất cứ người nào đến nói chuyện với Người, Người đều chăm chú nhìn và đem lòng yêu thương (x. Mc 10,21). Không ai cảm thấy bị mất hút khi hiện diện cùng Người, vì những lời nói và cử chỉ của Người thể hiện trong câu hỏi này: “Bạn muốn tôi làm gì cho bạn?” (Mc 10,51). Đây là điều chúng ta kinh nghiệm trong đời sống hằng ngày của gia đình. Trong đó chúng ta được nhắc nhở rằng mỗi người sống bên ta đều xứng đáng được ta lưu tâm cách tận tình, vì họ có phẩm giá vô hạn vì là đối tượng của tình yêu vô biên của Chúa Cha. Từ đó sẽ nảy sinh sự dịu dàng vốn có thể “khơi lên trong lòng người khác niềm vui cảm thấy mình được yêu thương. Sự dịu dàng được diễn tả một cách đặc biệt trong việc quan tâm cách tinh tế trước những hạn chế của người khác, nhất là khi chúng hiển lộ rõ ràng”.[27]

Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, gia đình không chỉ đón nhận sự sống bằng cách sinh sản trong phạm vi gia đình, nhưng còn mở ra, đi ra khỏi chính mình để tuôn ban những thiện ích của mình cho người khác và để quan tâm chăm sóc họ và tìm kiếm hạnh phúc cho họ. Sự cởi mở này được thể hiện đặc biệt nơi lòng hiếu khách,[28] như Lời Chúa khơi gợi và khích lệ: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Dt 13,2). Một khi gia đình rộng mở đón tiếp và đi đến gặp gỡ những người khác, nhất là người nghèo và người bị bỏ rơi, thì đó là “biểu hiệu, chứng từ và là sự tham dự vào thiên chức làm mẹ của Hội Thánh”.[29] Bác ái xã hội, một phản ảnh về Thiên Chúa Ba Ngôi, trong thực tế là điều hiệp nhất ý nghĩa thiêng liêng của gia đình và sứ mạng ra khỏi chính mình, vì nó làm cho lời rao giảng tiên khởi (kerygma) hiện diện với tất cả những đòi hỏi mang tính cộng đồng. Gia đình sống linh đạo đặc thù của mình nhờ, cùng lúc, vừa là một Hội Thánh tại gia, vừa là một tế bào sống động để biến đổi thế giới.[30]

Đọc lại “Nghi thức Hôn Phối, phần nghi thức Bí Tích”, chúng ta đã nhận ra 3 lời công bố và 1 lời nguyện hứa quan trọng mà mỗi người đã công khai nói ra trước sự chứng giám của gia đình, họ hàng và bạn bè đôi bên để công khai tình yêu vợ chồng của mình.

– 1. Lời công bố thật sự tự do kết hôn.

– 2. Lời công bố sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời.

– 3. Lời công bố sẵn sàng âu yếm đón nhận con cái Thiên Chúa ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh.

– 4. Lời nguyện hứa: Anh là T, nhận em T làm vợ, và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em suốt đời anh.

– 5. Lời nguyện hứa: Em là T, nhận anh T làm chồng, và hứa giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh suốt đời em.

Những lời công bố và nguyện hứa này rõ rệt chứa đựng một số những đặc tính thiết yếu của tình yêu vợ chồng:

– 1. Một tình yêu nhân vị, bình đẳng và tự do.

– 2. Một tình yêu giao ước.

– 3. Một tình yêu con người toàn diện.

Gom góp và tổng hợp những tính chất thiết yếu này của tình yêu vợ chồng lại, rồi tóm kết thành những nguyên tắc ứng xử sống hằng ngày trong đời sống cụ thể, là thiết kế được một linh đạo Công Giáo hôm nay về tình yêu vợ chồng. Linh đạo này, theo Đức Giáo Hoàng đương kim Phanxicô,[31] gồm những nguyên tắc chính yếu sau đây:

– 1. Một linh đạo của tình yêu tự do và độc hữu.[32]

– 2. Một linh đạo của tình yêu hợp thông siêu nhiên, và họp nhau cùng cầu nguyện trong ánh sáng phục sinh.[33]

– 3. Một linh đạo của tình yêu chăm sóc, an ủi khích lệ và mở ra.[34]

Giữa bài ca dao bình dân Việt Nam và bài Thánh Vịnh 128,1-6; giữa “một quan niệm bình dân cổ truyền Việt Nam về tình yêu vợ chồng”“một linh đạo Công Giáo hôm nay về tình yêu vợ chồng”, có những khác biệt về ngôn ngữ, về hình ảnh, về cách diễn đạt. Nhưng về nội dung, rõ rệt có những điểm chung, đồng thuận căn bản và nền tảng. Văn hóa tình yêu vợ chồng là nơi hội tụ của lương tri bình dân cổ truyền Việt Nam và linh đạo Công Giáo hôm nay: một tình yêu tào khang chung thủy, hòa hợp, một tình yêu xây dựng gia đình bền vững và phong nhiêu đón nhận con cái và giáo dục chúng.

Việc giáo dục con cái phải là sự cộng tác thống nhất của cha mẹ về đường hướng và nội dung giáo dục; hướng về con người toàn diện, có nội dung huấn luyện đạo đức cho chúng, truyền thông đức tin cho chúng; có uốn nắn, đào tạo, theo dõi, sửa phạt, thẩm lượng; có kích hoạt, khuyến khích, bày vẽ, chỉ dậy cách học tập.

Nhưng trong việc giáo dục con cái ở gia đình, quan trọng nhất là cha mẹ phải ý thức và thiết lập được một “đời sống gia đình như một khung cảnh giáo dục”. Đó là ý nghĩa của lời chia sẻ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng: “Gia đình là trường học đầu tiên dạy các giá trị nhân bản, nơi đây người ta học biết sử dụng tự do một cách tốt đẹp. Có những xu hướng đã được hình thành chín chắn trong thời thơ ấu bám rễ sâu trong con người và chúng vẫn còn tồn tại suốt cuộc đời, như một cảm xúc thuận lợi đối với một giá trị, hoặc như một sự chối bỏ tự phát những lối cư xử nhất định. Nhiều người hành động trong cả cuộc sống theo một cung cách nhất định nào đó vì họ xem như vậy là đáng giá, cái cung cách hành động như đã thấm sâu và trở thành con người của họ từ thời thơ ấu: “Tôi đã được dạy như thế”; “Đó là những gì tôi đã học””.[35]

 

 

 

 

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, số 14.

[2] Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích, Sách Nghi Lễ Roma: Nghi lễ cử hành Hôn Nhân, ấn bản mẫu II, ban hành ngày 19-03-1990. Bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã được Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích phê chuẩn (Imprimatur) ngày 20-02-2008 với sắc lệnh số 1407/06/L, và chính thức được ban hành ngày 24-03-2008.

[3] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, số 314-325.

[4] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, số 319-320.

[5] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio (Gia Đình Kitô Hữu), Ngày 22-11-1981, số 11: AAS 74 (1982), 93.

[6] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bài giảng trong Thánh Lễ với Các Gia Đình, Cordoba, Argentina (08-04-1987), 4: Insegnamenti X/1 (1987), pp. 1161-1162.

[7] Xc. Dietrich Bonhoeffer, Gemeinsames Leben, Munich, 1973, pp. 18.

[8] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, số 314-318.

[9] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), số 49.

[10] Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là tình yêu), Ngày 25-12-2005, số 16: AAS 98 (2006), pp. 230.

[11] Ibid., pp. 250.

[12] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles Laici (Sứ mệnh người giáo dân), Ngày 30-12-1988, số 40: AAS 81 (1989), pp. 468.

[13] Ibidem.

[14] Phúc Trình Cuối Cùng Thượng Hội Đồng Giám Mục Lần Thứ XIV, Relatio Finalis (24 tháng 10, 2015), số 87.

[15] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 42: AAS 88 (1996), pp. 416.

[16] Xc. Phúc Trình Cuối Cùng Thượng Hội Đồng Giám Mục Lần Thứ XIV, Relatio Finalis (24 tháng 10, 2015), số 87.

[17] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio (Gia Đình Kitô Hữu), Ngày 22-11-1981, số 57: AAS 74 (1982), pp. 150.

[18] Chúng ta cũng không được quên rằng, giao ước của Thiên Chúa với dân Ngài được diễn tả như một sự đính hôn (x. Ed 16,8.60; Is 62,5; Hs 2,21-22), và giao ước mới cũng được trình bày như một hôn ước (x. Kh 19,7; 21,2; Ep 5,25).

[19] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 11.

[20] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), số 49,1.

[21] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, số 321-325.

[22] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem (Phát động việc tông đồ), số 11.

[23] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài Giáo Lý trong buổi triều yết chung (10 tháng 6, 2015): L’Osservatore Romano (11 tháng 6, 2015), pp. 8.

[24] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio (Gia Đình Kitô Hữu), Ngày 22-11-1981, số 12: AAS 74 (1982), pp. 93.

[25] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn từ trong buổi Canh Thức tại Đại Hội Quốc Tế Các Gia Đình, Philadelphia (ngày 26-09-2015): L’Osservatore Romano, 28-29.9.2015, pp. 6.

[26] Gabriel Marcel, Homo Viator: prolégomènes à une métaphysique de l’espérance, Paris, 1944, pp. 66. Bản Anh ngữ: Homo Viator, Dẫn nhập vào một Siêu Hình Học về Hy Vọng, London, 1951, pp. 49.

[27] Phúc Trình Cuối Cùng Thượng Hội Đồng Giám Mục Lần Thứ XIV, Relatio Finalis (24 tháng 10, 2015), số 88.

[28] Xc. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio (Gia Đình Kitô Hữu), Ngày 22-11-1981, số 44: AAS 74 (1982), pp. 136.

[29] Xc. Ibid., số 49: AAS 74 (1982), pp. 141.

[30] Về những khía cạnh xã hội của gia đình, xin xem: Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý Và Hòa Bình, Toát yếu Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo, Năm 2004, số 248-254.

[31] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, Chương IX, số 314-325.

[32] Ibid., số 319-320.

[33] Ibid., số 314-318.

[34] Ibid., số 321-325.

[35] Ibid., Chương VII: Củng cố việc giáo dục con cái, số 274.