Thiên Chúa Trong Cựu Ước Là Thiên Chúa Của Tình Yêu, Nhân Hậu Và Trung Tín

0
4185


Matthew Vũ Lượng, OP.

 

Trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn là người đi bước trước thể hiện tình yêu đối với dân Người. Trong Cựu ước, tình yêu Thiên Chúa dành cho Dân Người lại càng mãnh liệt biết bao khi ngôn sứ Hô-sê miêu tả : Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành! Làm sao Ta xử với ngươi như với Át-ma, để ngươi nên giống như Xơ-vô-gim được? Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi (Hs11, 8). Chính vì yêu thương mà Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với Dân riêng của Người là Ít-ra-en. Giao ước này đã được Thiên Chúa chứng thực bằng lòng nhân hậu và sự tín trung của Người. Lòng nhân hậu của Thiên Chúa trong Cựu ước được diễn tả như thế giá để Dân Người kêu cầu Thiên Chúa tha thứ cho những lầm lỗi của dân Người, dù dân Người có bội phản : Họ giả điếc làm ngơ, cũng chẳng thèm ghi nhớ những kỳ công Chúa làm. Họ cứng đầu cứng cổ muốn phản loạn cùng Ngài, nuôi trong lòng ý định trở lại kiếp làm tôi. Nhưng Chúa là Thiên Chúa luôn sẵn sàng thứ tha, Ngài từ bi nhân hậu, chậm giận, giàu tình thương, đã không bỏ rơi họ (Nkm 9,17; x. St 32,10.13; Xh 34,6; 1V 3,6; 2Sb 1,8; 30,9; Nkm 9,25.31; Gđt 16,15; Tv 6,5; 23,6; 31,20; 51,3; 62,13; 68,11; 69,17). Lòng yêu thương và nhân hậu của Thiên Chúa lại được nối dài bằng lòng tín trung của Người trong suốt hành trình thể hiện giao ước Người đã ký kết với Dân Người : Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời (Tv 146,6; 69,14; St 24,27; 32,11; Xh 34,6; Tv 25,10; 30,10, 31,6; 36,6; 40,11; 54,7; 57,4.11; 71,22; 86,15).

Như vậy chúng ta đã thấy được Thiên Chúa của Cựu ước không phải là Thiên Chúa hay giáng phạt (Xh 32,14; Gn 3,9), nhưng là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ (Xh 34,6).

1. Tội lỗi và tình yêu

Con người được Thiên Chúa sáng tạo và ban tặng tình yêu ngay từ ban đầu, và con người đã được thưởng nếm đặc ân của tình yêu và sự sống nơi Thiên Chúa (St 2,16-17). Nhưng con người dần đi vào sự phản bội tình yêu của Thiên Chúa bằng sự bất tuân lời Thiên Chúa (St 3,11), con người phản bội lại tình yêu Thiên Chúa đã ban tặng cho mình. Và hậu quả đem đến cho con người là đau khổ, tội lỗi[1] và sự chết (St 3,17-19). Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi con người, Người thể hiện tình yêu đối với công trình sáng tạo của Người bằng nhiều phương thế khác nhau. Chính việc tạo dựng là công trình của lòng nhân hậu Thiên Chúa (St 1,4; x.Tv 136,1-9, Hc 16,26-30; 39,33). Người đã tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26tt; 9,6; Kn 2,23) và cho hưởng đặc ân trong vườn địa đàng (St 2,7tt; Kn 9,2tt; Hc 17,1-14).  Khi sa ngã, Thiên Chúa hứa ban ơn cứu độ để cứu con người thoát khỏi tình trạng diệt vong, để tiến đến sự sống bất diệt nơi Thiên Chúa : Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó (St 3,15). Người còn dùng các tổ phụ (St 26,3-6; 28,13tt; 35,11tt) và các ngôn sứ làm nhiệm vụ giải phóng dân thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập (Đnl 1,30tt). Hơn nữa, Người còn ký kết giao ước Xi-nai với dân Người để nói lên tình yêu chung thuỷ (Xh 19,4tt; 34,9tt; Đnl 4,31; 7,7tt).

Dân Ít-ra-en hằng ca tụng lòng nhân hậu và tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ : Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông (Xh 34,6-7; x.Tv 86,15; 103,8; 111,4, v.v…). Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu thứ tha và dẫn đưa con người tội lỗi trở về đường ngay nẻo chính (Ds 14,17tt; Lv 26,40-45; Ds 14,20-25; Đnl 4,25-31; 30,1-10). Tình yêu Thiên Chúa còn được các ngôn sứ ví tựa khuôn mẫu của lòng trắc ẩn (compassion) (Hs 2,21; Is 54,8; 60,10; 63,7), luôn thứ tha (Is 55,7; Mk 7,19). Ngôn sứ Kha-ba-cúc còn đồng hoá cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chính là lòng trắc ẩn của Người : Trong cơn thịnh nộ, xin Ngài nhớ xót thuơng (Kb 3,2; Nk 1,2).

Tình yêu của Thiên Chúa còn được biểu lộ không chỉ là Đấng Sáng Tạo đối với công trình sáng tạo của Người (Is 43,1-7.21), mà căn bản còn là tình yêu của người Cha (Hs 11,1-4; Is 1,4; 30,1.9; Gr 3,19; 31,20) và mãnh liệt hơn nữa là tình yêu người Mẹ (Is 49,15; 66,13; Ml1,6). Ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng nói tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người : Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương (Gr 31,3). Hình ảnh tình yêu Thiên Chúa được ví như tình yêu người Mẹ lại được liên hệ đến mục tử Ít-ra-en (Hs 4,16; Mk 2,12; 4,6; 7,14), thầy thuốc (Is 30,26; Gr 3,22; Hs 6,1; 14,4) hay Đấng Cứu Độ (Is 43,3.11; 49,26; 54,5; Hs 11,3; 13,4, …). Tình yêu Thiên Chúa giống như người chồng vẫn mãi chạy theo để giữ lại người vợ không chung thuỷ (Gr 2; Hs 1,2; 2,4-15; 3,1-5; 4,12; Ed 16,23). Cao cả và sâu thẳm nhất của tình yêu Thiên Chúa là Đấng Mê-si-a chịu đau khổ, phó nộp và chết vì dân bất tín (Is 42,1-9; 50,53). Đây chính là tình yêu biểu hiện tính năng động nhất của lịch sử cứu độ.[2]

Con người sống trong tội, nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi, trái lại, Người biểu lộ tình yêu vĩ đại nhất chỉ có nơi Thiên Chúa và chỉ Thiên Chúa mới thể hiện trọn vẹn cho con người. Tình yêu đó nói lên phẩm giá cao trọng nhất của một Thiên Chúa Ki-tô giáo, một Thiên Chúa rất từ bi và nhân hậu.

2. Thiên Chúa nhân hậu[3]

Thánh vịnh 103,3 nói về Thiên Chúa như một người Cha : Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi, và ngôn sứ I-sai-a lại ví Thiên Chúa như một người Mẹ : Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy (Is 66,13). Lòng nhân hậu của Thiên Chúa vượt trổi trên lòng nhân của con người. Cũng chính vì thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người giống hình ảnh Người (St 1,26; 5,1-3). Lòng nhân hậu của Thiên Chúa thật vĩ đại (Đnl 9,18), bao la (Is 54,7; Br 2,27; Hc 51,3), vô tận (Tv 77,10; NKm 9,19-27.31), luôn thức tỉnh con người (Hs 11,8; Gr 31,20; Is 63,15), tín trung không đổi thay (Tv 25,6), tỏ lòng nhân hậu với mọi người không thiên tư tây vị (Hc 18,12; Tv 145,9), đặc biệt đối với những người nghèo khổ, kẻ mồ côi (Hs 14,4).

Ngôn sứ I-sai-a còn nói đến lòng nhân hậu của Thiên Chúa không ngừng biểu lộ qua mọi điều Người thực hiện cho nhà Ít-ra-en và mọi Người (Is 63,7). Lòng thương xót biểu lộ lòng nhân hậu của Thiên Chúa muốn con người được sống (Tv 119,77.156), được cứu độ, giải thoát (Đnl 30,3; Dcr 1,16) và có làm khổ, Người cũng xót thương, vì Người vốn từ bi cao cả (Ac 3,32).

Lòng nhân hậu của Thiên Chúa lại được biểu tỏ cao độ qua sự thứ tha. Chính sự thứ tha mạc khải lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa (Is 55,7; Đnl 9,9). Ông Mô-sê kêu cầu Đức Chúa tha cho dân : Đức Chúa đáp : Ta tha thứ như lời ngươi xin (Ds 14,20). Lời kêu xin : xin Ngài lắng nghe và tha thứ hẳn cũng nói đến lòng nhân hậu của Thiên Chúa luôn tồn tại và bất biến. Thiên Chúa có tha thứ nên con người mới khẩn cầu lòng tha thứ của Thiên Chúa (Xh 34,9; 1V 8,30.36.39; 2V 5,18; 2Sb 6,21.27.30.39). Thiên Chúa càng tha thứ thì lòng thương xót của Người lại càng được tỏ lộ, đặc biệt trong sách Tô-bi-a : Người đánh phạt vì anh em làm điều gian ác, nhưng rồi lại thương xót anh em hết thảy, mà quy tụ anh em về từ giữa chư dân, nơi anh em đã bị phân tán (Tb 13,5; x.7,12; 8,17; 13,8; 14,5).

Lòng nhân hậu của Thiên Chúa còn được thể hiện bằng lòng quảng đại của Người : Chỉ mình Ngài quảng đại, chỉ mình Ngài công chính, toàn năng và vĩnh cửu (2Mcb 1,25; x.Tv 51,14; Hc 1,10) . Lòng quảng đại và nhân hậu của Thiên Chúa sẽ khoả lấp muôn ngàn tội lỗi của con người. Đây là vấn đề của ân sủng và tội lỗi, vấn đề này có câu trả lời trong Kinh thánh và liên quan đến một mình Thiên Chúa, Đấng luôn động lòng trắc ẩn trước khổ đau của con người và dẫn đưa chúng ta đến sự sống dù chúng ta lỗi tội.[4] Đây cũng chính là lời hứa cứu độ Thiên Chúa đã hứa ban cho con người (St 3,15). Và lời hứa ấy được khởi đi từ việc Thiên Chúa thiết lập giao ước với Dân Người (Br 2,35). Đấng thiết lập giao ước cũng chính là Đấng hằng tín trung với Dân Người.

3. Thiên Chúa luôn tín trung với Dân Người[5]

Lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với Dân Người qua giao ước chính là đặc tính của Thiên Chúa (Xh 34,6). Giao ước Thiên Chúa thiết lập với Dân Người được đặt trên sự tương hỗ giữa Thiên Chúa và con người : Thiên Chúa luôn giữ giao ước Người đã thề hứa với Dân Người, và như vậy Người là Đấng tín trung với Dân Người : Người là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó. Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời (Tv 146,6); còn dân cũng phải trung tín với Thiên Chúa, đó là tôn thờ một mình Thiên Chúa, Chúa Tể của họ và tuân giữ những huấn lệnh của Người, vì Thiên Chúa đã nói : Ta là khởi nguyên, Ta là cùng tận; chẳng có thần nào hết, ngoại trừ Ta (Is 44,6). Suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn là Đấng tín trung đối lại sự bất tín của con người.[6]

Sách Sáng thế ký 49,24 khẳng định Thiên Chúa chính là Tảng Đá của Ít-ra-en. Tảng Đá được gán cho Thiên Chúa chính là biểu tượng của sự vững chắc và chân thật của Thiên Chúa : vững chắc trong tín trung và chân thật trong lời nói. Thiên Chúa không dối gian cũng không rút lời Người đã hứa : Thiên Chúa không phải là phàm nhân mà gian ngoa được, cũng chẳng phải là con người mà phải hối hận (Ds 23,19). Chính vì trung tín mà lời Thiên Chúa không qua đi, nhưng vĩnh cửu (Is 40,8; Tb 14,4).

Một khi Thiên Chúa trung tín, con người mới nhận biết được Thiên Chúa, vì sự trung tín của Thiên Chúa bất biến được ngôn sứ Hô-sê ví tựa giao ước do hai vợ chồng ký kết một cách tín trung : Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong thành tín, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa (Hs 2,22). Đức trung tín của Thiên Chúa dành cho con người chỉ vì muốn cứu độ con người. Như vậy, con người, do hưởng nhờ lòng trung tín của Thiên Chúa, được biết Đức Chúa là được cứu độ. Ân huệ này cần được con người loan truyền cho muôn thế hệ, để muôn loài cũng được nhận biết và hưởng ơn cứu độ : Đức công chính của Ngài, con chẳng giữ riêng lòng mình biết; nhưng con đã nói lên đức trung tín và ơn cứu độ của Ngài, chẳng giấu giếm chi cùng đại hội rằng Ngài thành tín và yêu thương (Tv 40,11).

Có thể nói, trong Cựu ước, Thiên Chúa trung tín là đề tài nổi bật nhất được các tác giả đề cập đến. Lòng thành tín của Thiên Chúa như là thế giá chắc chắn để con người cầu cứu lòng yêu thương của Người (St 24,27; 32,11; 34,6; 2Sm 2,6; 15,20; Tv 30,10; 31,6; 36,6; 40,11; 54,7; 57,4; 57,11; 71,22; 86,15). Mặt khác, Thiên Chúa trung tín cũng muốn con người phải trung tín với Người : trung tín phụng thờ Đức Chúa (Gs 24,14; 1Sm 12,24) để được chiêm ngưỡng kỳ công vĩ đại Người đã thực hiện; trung tín để được Thiên Chúa thiết lập giao ước (Nkm 9,8), được dư đầy ơn phúc (Cn 28,20), được hưởng phần rất hậu nơi Đền Thờ Đức Chúa (Kn 3,14), được mọi thứ khi cần (Hc 29,3). Một khi thực hiện được những đòi hỏi của giao ước, con người sẽ giữ được lòng trung tín mãi mãi (Hc 40,12).

4. Kết

Thiên Chúa, dưới nhãn quan Cựu ước, là Thiên Chúa yêu thương, nhân hậu và trung tín (Xh 34,6). Người yêu thương qua việc tạo dựng con người, hứa ban ơn cứu độ con người (St 3,15). Người nhân hậu đối với con người : tha thứ khi con người lỗi tội, phản bội (Ac 3,32; Ds 14,20). Hơn nữa, Thiên Chúa còn tín trung với giao ước Người đã ký kết với Dân Người là Ít-ra-en : Người mãi mãi trung thành với lời Người cam kết (x.Tv 146,6) : là người thực thi và bảo vệ dân Người. Người mãi mãi là Cha tín trung dù dân Người có bất tín, bởi lời của Đức Chúa phán với ông Gia-cóp cũng là phán với Dân Người : Này Ta ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi, và Ta sẽ đưa ngươi về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi (St 28,15).

Theo Cựu ước, Thiên Chúa hằng sống và chân thật chính là Đấng Sáng Tạo và là Chúa Tể trời đất, duy nhất, toàn năng, vĩnh cửu, vô biên và đáng chúc tụng. Người là Đấng, vì muốn cứu độ toàn thể thế giới, đã chọn một dân làm của riêng mình, chuẩn bị cho họ qua nhiều cách thế là Đấng Cứu Độ, Đấng Mê-si-a hay Đấng được xức dầu.[7] Quả thực, Người chính là Thiên Chúa tình yêu, nhân hậu và trung tín đối với Dân Người đã chọn.

 

 


[1] Cf. J. Giblet et al, The God of Israel, The God of Christians, Translated by Kathryn Sullivan, R.S.C.J., Paulist Press, Glen Rock, New York, 1964, p. 149-161.

[2] Cf. Johannes B. Bauer, Encyclopedia of Biblical Theology, Vol. II, Sheed and Ward, London and Sydney, 1970, p. 518-522.

[3] Cf. Xavier Léon-Dufour et al, Vocabulaire de Théologie Biblique, Les Éditions du Cerf, Paris, 1970, p. 1284-1285.

[4] Cf. Joseph A. Komonchak, Mary Collins, Dermot A. Lane, The New Dictionary of Theology, Michael Glazier, Inc., Wilmington, Delaware, 1987, p. 435.

[5] Cf. Xavier Léon-Dufour et al, Ibid., p. 452-453 ; Cf. L. Monloubout P.S.S., F. M. Dubuit OP., Dictionnaire Biblique Universel, Descleé, Paris, 1985, p. 263.

[6] Cf. Richard McBrien, Catholicism, Geoffrey Chapman, Britain, 2000, p. 229

[7] Joseph A. Komonchak, Mary Collins, Permot A. Lane, The new dictionary of theology, Wilmington, Delaware, USA, 1987, p. 427-428 : According to the Old Testament, the living and true God is the Maker and Lord of heaven and earth, one, almighty, eternal, immense and unspeakably exalted, who for the salvation of the whole world chose a people as his own, and prepared them in many ways for coming of a savior, the messiah or anointed one.