Luân Lý Theo Tinh Thần Thánh Tôma Aquinô Và Linh Đạo Tôma Về Việc Học Hành

0
726


Ts. Gilles BERCEVILLE, OP.

 

“Kho tàng của bạn ở đâu thì lòng của bạn ở đó”

Tôi thấy dường như ngày nay người ta cảm thấy không thoải mái cho lắm khi tự nhận là một người chuyên môn về thánh Tôma. Nhận mình là người chuyên môn về thánh Tôma phải chăng đó chẳng phải là một điều gì khác hơn là một lời thú nhận khiêm tốn rằng mình được xếp – hy vọng là không có tinh thần phe nhóm – vào hàng ghế chót của một mái trường mà mình không phải là ông thầy, cùng với nhiều anh em bạn bè khác, tàm tạm cũng được, nhưng không nhất thiết là tệ hơn người đến sau rốt, muốn theo đuổi và sử dụng một lối tiếp cận về thế giới và về các mầu nhiệm đức tin mà một ngày nào đó thật bất ngờ dìm họ đắm chìm trong ánh sáng?

Ở đây, chúng tôi đề nghị đào sâu trong việc đọc tư tưởng của thánh Tôma Aquinô (1224-1274), và cách riêng là đào sâu phần bàn về luân lý trong bộ Summa Theologiae nhằm rút ra một vài nguyên tắc hữu ích cho những ai hôm nay đang muốn dấn thân vào các họat động tinh thần mà vẫn không quên (vì nguy cơ vẫn có đó) yêu cầu phải làm một con người lương thiện, và cho những ai muốn dùng cái sở học của mình để mưu cầu lợi ích lớn nhất cho phần hồn của mình, bởi vì mọi sự đều là có thể đối với Thiên Chúa. Sẽ là một điều quá lòng mong ước nếu như chỉ với mấy dòng suy nghĩ này, được gợi hứng từ học thuyết của thánh Tôma, mà lại được xem là được tặng ngay tước hiệu cao quí : người chuyên về tư tưởng của thánh Tôma.

TỪ VIỆC HỌC HÀNH XÉT NHƯ LÀ VIỆC KIẾM TÌM HẠNH PHÚC VÀ TỪ LỢI ÍCH CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU NHẰM ĐẠT MỤC ĐÍCH TRÊN

Vacans studio, intendebat Deo : “Khi miệt mài với việc học hành nghiên cứu, chính Thiên Chuá là Đấng mà thánh nhân hướng tới”. Chính công thức La-tinh rất hùng tráng này mà sắc phong thánh cho thánh Tôma Aquinô (18.7.1323) đã tặng cho một con người mà người ta đã từng gọi là “Tiến sĩ chung”, như khuôn mẫu của sự thánh thiện cho toàn thể Kitô giáo. Như thế, ra như thánh nhân được nêu lên rõ rệt như là vị bảo trợ cho những ai muốn dấn thân vào việc học hành nghiên cứu. Đàng khác, Hội Thánh cũng đã đặt thánh nhân làm “Bổn mạng các học hiệu công giáo” (04.8.1880), khi mời gọi các thầy, trò, và các nhà nghiên cứu chạy đến cầu xin sự chuyển cầu của thánh nhân, noi gương thánh nhân, học hỏi nghiên cứu giáo thuyết của thánh nhân. Phải chăng đây là một vị thánh cho các nhà trí thức ? Cũng có thể ! Nhưng còn hơn thế nữa, vì việc học hỏi nghiên cứu không dành riêng cho những người lấy nghiên cứu tìm tòi làm nghề nghiệp (quả thật đây là một nghề cao quý !). Nói cho cùng, điều này hàm ý rằng đối với ai học hành nghiên cứu, thì phải học cách sống xứng đáng như là con người. Ấy là nói theo các nhà chuyên môn về thánh Tôma : để cho các hành vi của con người luôn luôn là những hành vi nhân linh nhiều hơn. Việc học hành nghiên cứu, ít là trong nhãn quan của một Tôma Aquinô, không phải là hoạt động riêng biệt của một đoàn thể, nhưng là nét đặc trưng của bất kỳ mối quan tâm nào thực sự mang tính nhân loại, là sự ứng dụng sống động của tinh thần, là sự chú tâm vào cái đang hiện hữu, vehemens applicatio mentis ad aliquid (1), để sống và sống đẹp hơn, để lớn lên trong sự hiểu biết, trong tình yêu và niềm vui, cho đến khi đạt được hạnh phúc vĩnh cửu.

Luân lý của thánh Tôma khi bàn về việc học hỏi nghiên cứu, studium, theo nghĩa rộng nhất của từ này, không chỉ nhắm đến những người làm công việc suy tư và giảng dạy, những người dấn thân vào studium litterarum, nhưng còn có liên hệ đến những người, thậm chí giả thiết là không biết chữ, không có trí nhớ nhiều và không biết gì về tam đoạn luận, mà muốn được sống hạnh phúc. Vì luân lý – lại chẳng phải thế sao ? – và tất cả triết học cũng như thần học cuối cùng nhắm đến mục đích là sáng soi cho con người trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc của mình. Triết học và thần học là nhằm giúp cho con người “sắp đặt những ý hướng và hành động của mình hướng về mục đích của mình.” (2) Vậy phải làm cho trí năng hoạt động để đạt được hạnh phúc, vì chúng ta hiện vẫn chưa đạt được, điều này là rõ ràng, mà bản năng thì lại không đủ để đạt được, vì người ta thường rất dễ lạc đường. Hơi một chút là người ta mong hạnh phúc, vì vậy mà cần phải cách này hay cách khác dấn thân trong việc học hành nghiên cứu, trong mức độ là điều gì cần phải được hoàn tất một cách khổ công, thì yêu cầu phải được biết đến không nhiều thì ít. Thánh Tôma viết : “Ý hướng của người học hỏi nghiên cứu nhắm trước tiên là sự hiểu bỉết, và tiếp đến là tất cả những gì mà việc thực hiện điều mình đã biết đòi hỏi và được hướng dẫn bởi sự hiểu biết đó”. (3)

Như vậy, linh đạo học hành theo tinh thần Tôma không giới hạn vào những lời khuyên nhằm giúp cho các sinh viên có tương lai hứa hẹn trở thành những giáo sư giỏi. Đúng là linh đạo này cũng không quên những chuyện đó, vì linh đạo này muốn trân trọng bất cứ điều gì vốn hữu ích đối với hạnh phúc của con người (và một cách siêu hình, thì không gì là không thể đối với điều mà chính những giáo sư cũng muốn sử dụng để đạt đến mục đích tôn quý này). Thư gửi người anh em tên là Gioan, vốn được cho là do thánh Tôma soạn thảo, viết rằng “nhằm mục đích học cho biết thủ đắc tri thức, hoặc liên quan đến con người, hoặc thuộc về Thiên Chúa”. Nếu như bức thư ấy không phải là của chính thánh Tôma, thì ít ra cũng xứng đáng được gán cho thánh nhân, và mười sáu lời khuyên được nêu lên trong thư (đi xuống biển qua những con lạch nhỏ, chậm nói, giữ lương tâm cho tinh tuyền, đừng bao giờ ngơi cầu nguyện, yêu mến phòng riêng, tỏ ra thân ái với mọi người, không tò mò tọc mạch những việc làm của người khác, không thân mật quá đáng với ai, không dây mình vào những chuyện chẳng liên quan gì tới bạn, xa lánh những tìm tòi vô bổ, noi gương các thánh và những khuôn mẫu đẹp, tập không thiên tư tây vị, hiểu điều mình học, không để điều gì tồn đọng trong nghi ngờ, cố để nhớ, đừng tìm điều gì quá sức bạn) đã được những đồ đệ kiệt xuất của Thầy Tôma là Nazarius (1632) (4) và Sertillanges (1920) (5) bình chú. Nhưng viễn cảnh rộng mở về việc học trong Summa Theologiae còn lớn hơn nhiều. Trong phần đó, việc học hỏi nghiên cứu được xem như một chiều kích cốt yếu trong hoạt động của con người, và việc học hỏi được đặt trên con đường dẫn đến hạnh phúc toàn vẹn, đó là việc Diện kiến Thiên Chúa mà Tin Mừng hứa hẹn. Summa không cung cấp những phương sách trực tiếp bảo đảm cho sự thành công trong đại học, nhưng Bộ Tổng Luận chất vấn việc học về những lý do hiện hữu của nó, và chính bằng cách thế này cùng với ân sủng của Thiên Chúa, Summa có thể đem lại sức sống cho việc học hoặc giúp việc học lấy lại sức sống.

Đem lại cho việc học lý do hiện hữu và sức sống: đó lại chẳng phải là tham vọng của một linh đạo về việc học hành nghiên cứu hay sao? Chắc chắn là người ta chẳng thu được ích lợi gì lớn lao khi che giấu quá lâu sự việc là, vì mục đích sư phạm hoặc minh giáo, thánh Tôma, một người theo tinh thần Aristote, cũng đồng thời là một Kitô hữu. Vì thế, cần phải chú ý đến điểm này là, đối với vị tôn sư thần học của chúng ta, lý do của việc học hỏi nghiên cứu, đó chính là Đức Kitô, và ngồn sinh khí của thánh nhân, đó chính là Thánh Thần. “Permittebat divina ut roboraretur in scola”, sắc phong thánh nhắc đến trên kia còn nói như thế nữa : “Thánh nhân bắt đầu bằng những điều của Thiên Chúa, để càng nên uy thế hơn trong những điều thuộc về trường phái”. Thánh Tôma kín múc ánh sáng và sức mạnh của lao động vất vả của mình trong việc chiêm ngưỡng Đức Kitô, trong cái nhìn sâu lắng vào Đấng Chịu Đóng Đinh trên Thập Giá, cũng như việc cử hành đều đặn và sốt sắng mầu nhiệm Thánh Thể. Nếu ta muốn gặp gỡ thánh Tôma nơi các bài diễn luận của thánh nhân mang ý nghĩa chân thực, ở chỗ giáo huấn của thánh nhân hiện ra như là một điều hoàn toàn khác với một chuỗi khá hỗn độn những trích dẫn bị cắt xén, những khẳng định vu vơ và những tam đoạn luận ngụy biện, thì nên suy ngẫm những đoạn văn của cuộc đời thánh nhân như đoạn văn trong đó ta thấy thánh nhân giữa lúc gặp thử thách lại đang tìm cho mình những tín điều của đức tin : “Thiên Chúa đã đến trong xác phàm, Thiên Chúa đã chết vì chúng ta”. (6) Đúng là, khi lưu ý đến điểm này, tất cả những gì ta có thể quan niệm và nói lên sẽ đều như là “rơm rác” (7) so với những gì chúng ta được hứa ban cho nhìn thấy ở trên trời. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là những cố gắng học hỏi nghiên cứu ở dưới thế này đều là vô ích.

Thánh Tôma đưa ra ba biện minh cho việc thực hành học hỏi nghiên cứu, theo nghĩa chặt và có tính kinh viện của hạn từ (studium litterarum, chứ không phải đơn giản là studium), trong cuộc đời của một nhà tu hành. Vì có lẽ đặc nét riêng của nhà tu hành là phải “cởi bỏ một số những thiện hảo vốn có nguy cơ ngăn cản mình chạy cho khá nhanh đến Thiên Chúa”(8), nên có thể có lý mà nghĩ rằng nếu như việc học hành không gây phiền hà cho việc chạy đua của một nhà tu hành, thì nó sẽ càng không chất thêm gánh nặng cồng kềnh cho việc chạy đua của một người giáo dân là người rốt cuộc cũng được gọi đến cùng một mục đích là Thiên Chúa, cho dù đôi khi có thể xem ra họ có hành lý đồ đoàn nặng hơn. Điều thánh Tôma nói về một nhà tu hành liên quan đến việc học hành như vậy cũng sẽ được áp dụng mutatis mutandis cho người giáo dân. Những phúc lợi thánh Tôma nhận thấy trong việc học hỏi nghiên cứu là : soi sáng việc chiêm niệm bằng cách giúp cho việc chiêm niệm hiểu biết rõ hơn đối tượng của mình và tránh những lầm lạc vẫn luôn luôn rình rập việc chiêm niệm, giúp quen và thành thạo với việc phục vụ Lời Thiên Chúa, cổ võ một cách chắc chắn đức thanh khiết, thanh bần và tuân phục. (9)

BA CẤP ĐỘ CỦA LÒNG MẾN VÀ TÍNH NĂNG ĐỘNG CỦA VIỆC HỌC

Việc đọc các sách Tin Mừng khơi lên lòng ham muốn. Việc học là một hành vi nhân linh. Nguyên nhân của một hành vi nhân linh chính là cùng đích của nó. Cùng đích tối hậu của con người, theo Tin Mừng, là diện kiến Thiên Chúa. Khi một người môn đệ của Đức Giêsu học hỏi nghiên cứu, người ấy cố gắng dứt khoát làm cho mình sẵn sàng hơn để chiêm quan Thiên Chúa, như Thầy của mình đã mời gọi đạt tới điều đó, và cũng giúp người thân cận của mình cũng tới được đó, theo như phận vụ của mình trong Hội Thánh và trong xã hội. Ta có thể thấy nơi thánh Tôma một nhà nhân bản. Thánh nhân quả là như thế theo mức độ người xác tín và cũng muốn giúp người khác xác tín rằng những gì thực sự là của con người đều có thể dẫn đưa tới Thiên Chúa, và những gì đến từ Thiên Chúa đều có thể triển nở mà không làm biến chất những gì thực sự là của con người. Nhưng không có gì xa lạ hơn với thánh nhân cho bằng một sự tự mãn nào đó trong khoa học và các nghệ thuật, không có hướng đi tôn giáo chí ít là tiềm ẩn. Thánh nhân dạy điều ấy cách minh nhiên : hiển nhiên là một sự bại hoại của sự ham muốn hiểu biết khi “ao ước biết chân lý liên quan đến các thụ tạo mà không qui chiếu sự hiểu biết ấy về mục đích của nó, tức là hiểu biết Thiên Chúa”. (10) Nhất là thánh nhân chỉ cho thấy điều đó trong cách thức riêng của mình khi tìm kiếm và trình bày, theo văn phong không vẽ vời hoa lá vô ích, trong những bố cục chắc chắn và không chấp nhận có những ý tưởng tản mát, bằng việc cầu nguyện chuyên chăm khi thánh nhân muốn kéo dài liên tục việc học hỏi nghiên cứu của mình, như những người từng biết thánh nhân làm chứng.

Một nét đặc biệt trong lối ứng xử của thánh Tôma, đã được các sử hạnh nhấn mạnh, đó là abstractio mentis, khả năng tập trung vào đối tượng mình đang suy nghĩ đến độ quên hết những gì ở chung quanh, cho dù đó đang là bàn tiệc của nhà vua. (11) Nếu như thánh Tôma tỏ ra rất ít tò mò tọc mạch đối với những gì thánh nhân thấy là vô ích cho sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng, đến nỗi thánh nhân được tập trung tâm trí, chìm đắm trong cầu nguyện, trong suy tư thần học và chiêm niệm, thì những việc này không phải chỉ đến từ một tinh thần nghiêm túc, một thứ học hỏi nghiên cứu nhà nghề, hoặc một chút giải trí của nhà thông thái, nhưng trước hết vì linh hồn thần bí của thánh nhân hoàn toàn được thu hút hướng về hạnh phúc hoàn hảo, sự hiểu biết trực tiếp và trong ánh sáng tròn đầy của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo và Đấng Cứu Chuộc của thánh nhân.

Như vậy, nói cho cùng, đối với người học hỏi nghiên cứu, đó là biết sử dụng tối đa, ở thế gian này, lý trí của mình với sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa, để mở rộng bản thân cho việc tiếp nhận sự Diện kiến mang lại hạnh phúc, và để phụng sự Thiên Chúa trong khi cũng làm trung gian (12) cho người khác biết đón nhận sự quan chiêm hạnh phúc này. Một đoạn văn trong Summa Theologiae cho thấy tất cả tầm mức bao la của hạn từ studium theo thánh Tôma, và như thế, nhờ việc xem xét tổng quát việc học hỏi nghiên cứu của con người, đoạn văn đó giúp chúng ta quy chiếu cho tất cả mọi hình thức học hỏi nghiên cứu một động lực sâu xa và chân thực của nó. Đó là mục thánh nhân dành để nói đến những sự tiến triển của lòng mến, và chính xác là trong cách phân biệt vốn rất quen thuộc : giữa những người mới khởi sự, những người đang có những tiến bộ và những người thành toàn (IIa-IIae, q. 24, a. 9). Ba cấp độ này của lòng mến được thánh Tôma xác định tùy theo cái mà nỗ lực của người yêu mến Thiên Chúa nhắm vào một cách chính yếu, tùy theo studium chính yếu của người ấy : người khởi sự thì lo nhiều hơn làm sao xa lánh tội lỗi hoặc giữ mình cho khỏi tội lỗi, người tiến triển thì lo sao cho mình được vững vàng trong nhân đức, và cuối cùng người thành toàn thì lo cho được kết hợp với Thiên Chúa và vui thích ở trong Người. Có mối tương quan nào giữa ba cấp độ của studium ấy trong sự tăng tiến của lòng mến và tính năng động của việc học không ? Sự thăng tiến của lòng yêu mến đức ái là trường hợp nổi bật nhất của một luật chung trong bất kỳ sự thăng tiến thiêng liêng nào nơi con người. Và cũng chính vì tình yêu bác ái đã được tôn vinh nhờ sự khôn ngoan của Thánh Thần dẫn đến đỉnh cao của đời sống thiêng liêng, nên nó có giá trị giải thích đối với các cấp độ sinh hoạt thấp hơn của tinh thần (theo nguyên tắc được thánh Tôma sử dụng nhiều, nói về maximum tale). Bất kỳ công việc trí thức nào đều đòi phải có sự tách ra ở bước khởi đầu, một sự tiếp cận kiên trì và một sự đồng hình tiệm tiến của lý trí với đối tượng được xem xét, và nhằm vào sự chiêm niệm điều chân thật trong an bình và vui tươi. Chấp nhận tính phiêu lưu của một cuộc tìm kiếm (đó là công việc của ý chí), kiên trì trong việc điều chỉnh mình cho hợp với sự chân thật (đó là công việc của ý chí và cũng của “lý trí” nữa, theo cách hiểu của Tôma đối với từ này), luôn luôn nhắm tới việc đón nhận người khác (đây là công việc của “trí năng” và của “sự khôn ngoan”, thánh Tôma nói như thế), tất cả những yếu tố đó hợp nhau tạo nên ba chiều kích của việc học hỏi, mỗi một trong ba chiều kích này huy động cách khác nhau các quan năng của chúng ta và tham dự vào chuyển động của toàn thể để đưa con người tiến về Thiên Chúa. “Hãy chuẩn bị sẵn sàng bước khởi đầu, điều khiển sự tiến triển, đội triều thiên cho mục đích”. Mới đây, Jean Guitton đã lấy cảm hứng từ lời kinh được gán cho thánh Tôma Aquinô (kinh Creator ineffabilis, đọc “ante studium”, trước khi học) để dẫn dắt một sinh viên thuộc thời đại chúng ta đi vào những giai đoạn khác nhau của công việc và với những yêu cầu liên quan.

SỰ TỈNH THỨC CỦA TÂM HỒN VÀ VIỆC HỌC HỎI MANG TÍNH NHÂN ĐỨC

Ta còn đọc thấy trong những piae preces, các lời kinh được gán cho thánh Tôma (kinh Concede mihi, “ad vitam sapienter instituendam” : “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin ban cho con một tâm hồn thức tỉnh để không có tư tưởng tò mò nào có thể làm cho con xa Chúa”. Sự tỉnh thức của tâm hồn ở đây đối lại với nết xấu là sự tò mò tọc mạch, và nết xấu này được trình bày như là một điều kiện sẵn sàng làm cho tư tưởng ta xa rời Thiên Chúa. Lời cầu xin trong kinh Concede mihi ứng với giáo huấn của Summa Theologiae, ở chỗ trình bày đức “hiếu học” (studiositas) để đối lập với nết xấu là “tính tò mò” (curiositas) (IIa-IIae, q. 166 và q. 167).

“Hiếu học” : bạn đừng đi tìm từ này trong từ điển. Nó không được nhận vào trong tiếng Pháp. Từ studiositas lại hiếm thấy trong tiếng La-tinh : không có trong các từ điển chuyên môn của ngôn ngữ cổ điển, nó đã được thêm lại vào từ điển La-tinh thời Trung Cổ của De Cange do các thầy khổ tu Saint-Maur kèm theo ý nghĩa là ao ước hiểu biết, và chỉ có một chỗ tham chiếu để soi sáng cho ý nghĩa của từ này. Chính thánh Tôma cũng không năng sử dụng từ này mấy. Thật ra, tất cả những lần từ này được sử dụng trong thánh Tôma đều chỉ về những vấn đề trong Summa liên quan đến studiositas và curiositas, hơn ba lần khác nữa, hai lần trong các tập chú giải Kinh Thánh, để chỉ riêng tính cách khôn lanh (habilitas) của những người tội lỗi trong chuyện làm điều ác (“studiositas ad malum”), và một lần trong thư đề tặng Guillaume Berthout, một sinh viên trẻ đang học triết lý ở đại học Paris và phán quan ở Louvain. Bức thư này được đặt ở đầu tập chú giải Peri hermeneias của Aristote. Dịch bức thư ra đây cũng rất thú vị, vì nó là một minh họa phần nào có tính cách qui ước nhưng cũng đủ đẹp để cho thấy theo thánh Tôma, studiositas của một ông thầy và học trò của mình phải là thế nào.

“Người anh em Tôma Aquinô gửi phán quan ở Louvain thân mến lời chào và chúc thăng tiến trong sự khôn ngoan chân thực.

Cảm động vì nhiệt tâm và sự chăm chỉ bạn tỏ ra cho người tuổi trẻ của bạn không phải cho những chuyện vô bổ, nhưng cho sự khôn ngoan, và vì mong ước thỏa mãn ao ước của bạn, cho dầu có muôn vàn lo lắng do những trách vụ của tôi, tôi cũng cố gắng dành cho bạn một tập chú giải sách của Aristote tựa đề là Peri hermeneias, tác phẩm khó đọc do có đầy dẫy những chỗ tối tăm khó hiểu. Tôi đã thực hiện tập sách này với ý nghĩ trong đầu là nếu như, theo những phương tiện của tôi, lẽ ra tôi sẽ soạn những tác phẩm có tầm mức cao hơn nhằm vào những đầu óc hiểu biết hơn, nhưng tôi cũng không chối từ sự trợ giúp của tôi đối với những người trẻ hơn để họ cũng được thăng tiến. Vậy ước gì đức hiếu học của bạn nhận được món quà khiêm tốn là tập chú giải này : có thể tập sách này sẽ giúp bạn thăng tiến và khi đó cũng thúc đẩy tôi làm những công việc quan trọng hơn ?”

Trong bức thư đề tặng cũng như trong lời kinh Concede mihi, thánh Tôma cho thấy có hai cách xử sự đối lập nhau. Đức hiếu học của vị phán quan huy động tất cả nghị lực nhằm phục vụ sự khôn ngoan, còn tuổi trẻ “tò mò” thường hướng chiều về những việc chẳng có giá trị gì. Đức hiếu học của chàng sinh viên kích thích đức hiếu học của ông thầy. Nó thúc đẩy ông thầy ra tay giúp người vừa khởi sự, đành mất một ít thời gian để thực hiện tác phẩm khai tâm, mà lẽ ra lượng thời gian ây có thể được dành vào những việc học hỏi nghiên cứu ở cấp độ cao hơn. Ta biết là thánh Tôma đã xác nhận cùng một mối quan tâm sư phạm đó trong trang đầu tiên của bộ Summa Theologiae, thánh nhân viết : “Người giảng dạy chân lý công giáo không những phải giáo huấn những người đã tiến triển, nhưng cũng phải đào tạo cả những người mới bắt đầu, theo lời thánh Tông Đồ (1 Cr 3,1) : Anh em như những em bé trong Đức Kitô, tôi cho anh em uống sữa chứ không phải cho anh em ăn thịt”.

Bức thư tán dương đức hiếu học của viên phán quan trên có lẽ đã được viết vào lúc thánh Tôma biên soạn vấn đề nói về chính đức tính ấy trong Secunda Secundae Summae Theologiae (được biên soạn trong năm 1271). Đây là vấn đề độc đáo, trước đó không thấy có trong tác phẩm của thánh Tôma. Đức hiếu học không xuất hiện trong danh mục các nhân đức được Cicero và Macrobe liên kết với đức tiết độ (IIa-IIae, q. 143). Như vậy, ở đây thánh Tôma canh tân và biện chính cho việc đưa đức hiếu học vào trong cây các nhân đức theo cách thế như sau : “Cần phải có một nhân đức điều tiết sự ước ao những gì thuộc về hiểu biết : vai trò này được đức hiếu học đảm nhận, “đức hiếu học này đối lập với tính tò mò” (IIa-IIae, q. 160, a. 2). Chính vì thánh Tôma đã chọn phương thức kiến tạo khoa luân lý của mình xoay quanh các nhân đức, và vì thánh nhân phải chú ý đến nhu cầu điều hòa ham muốn hiểu biết, cho nên thánh nhân khám phá ra và phân tính đức tính hiếu học. Truyền thống tâm linh không thiếu những miêu tả trình bày về tính tò mò và cũng đưa ra nhiều lời khuyên phải đề phòng tính xấu ấy. (13) Đặc trưng của lối tiếp cận nơi thánh Tôma, chính là trước hết dừng lại ở sự tự chủ, một sự tự chủ có tính cách nhân đức, trong việc nghiên cứu học hỏi. Đó chính là “đức hiếu học”, studiositas.

Cần chú ý : đức hiếu học đối lập chính yếu không phải với tính lười biếng, như tên gọi của nó có thể thường gợi cho thấy, nhưng đối lập với tính tò mò tọc mạch. Đức hiếu học được liên kết với nhân đức trụ là đức tiết độ, tên gọi của nhân đức này muốn cho thấy là nhằm hãm bớt những đam mê, chứ không phải được liên kết với đức can đảm, như trong trường hợp của đức kiên nhẫn và đức bền bỉ.

Tự trong chính tâm hồn mình, con người có khuynh hướng ao ước sự hiểu biết. Chính vì thế, quả là điều cần thiết và đáng khen ngợi nếu con người hãm bớt được thứ ao ước này, để đừng khát khao hiểu biết mọi chuyện một cách vô kỷ luật. Nhưng về bản tính thể lý của mình, con người được hướng chiều về việc muốn tránh lánh nỗ lực cần phải có để tìm kiếm học hỏi. Xét theo quan điểm thứ nhất, đức hiếu học hệ tại ở chỗ biết tự kiềm chế, và chính vì thế đức hiếu học được kể như là một phần của đức tiết độ. Nhưng xét theo quan điểm thứ hai, sự thừa hưởng từ một nhân đức như thế hệ tại ở một vào nỗ lực nào đó cần có để nhờ đó mà thủ đắc được sự hiểu biết về các sự vật, và chính từ đó mà nhân đức này có được tên gọi của mình. Tuy nhiên, khía cạnh thứ nhất có tính cách cốt yếu hơn là khía cạnh thứ hai : chính đam mê hiểu biết nhắm vào việc hiểu biết, và đức hiếu học hướng về chính sự hiểu biết. Sự vất vả khó nhọc mà ta phải tập là một cản trở đối với sự hiểu biết. Vì thế, trong phần luận về nhân đức chúng ta đang nói ở đây, việc cứu xét này là thứ yếu, giống như việc cứu xét về sự cản trở nói trên có nguy cơ ngăn cản chúng ta đạt đến mục đích. (14)

Lập luận của thánh Tôma trước hết có tầm quan trọng về phương diện luận lý. Đức hiếu học cốt yếu điều tiết sự nhiệt tình vốn thúc đẩy chúng ta muốn biết nhiều, hơn là nâng đỡ nỗ lực cần thiết nhằm thỏa mãn sự nhiệt tình này. Nhưng ghi nhận về mặt luận lý này dựa trên chính bản tính của tinh thần con người, tinh thần vốn được sự khát khao hiểu biết chi phối cách sâu xa hơn là sự e ngại phải nỗ lực cố gắng. Nhận xét của thánh Tôma như vậy có một hệ quả thực hành. Ngay trước khi tìm phương thế để giữ cho niềm hăng say của chúng ta trong việc học hỏi nghiên cứu, để nâng đỡ nhịp độ làm việc (ám ảnh về hiệu năng ! … thiệt cho một sự phong phú đích thật), cần phải lưu ý đến động lực thúc đẩy chúng ta có theo ý hướng ngay thẳng hay không. Như thế, công việc sẽ được quy chiếu theo ánh sáng của một định hướng ngay lành, và làm sáng tỏ những ưu tiên vốn sẽ chi phối trật tự của hành vi cư xử. Nếu đó là cái nhìn của thánh Tôma, thì người ta hiểu được cách thức mà một lời nói của Đức Giêsu – mà vị tôn sư của chúng ta không ngại đặt lên mục thứ nhất của Vấn đề mà thánh nhân dành để nói về đức hiếu học – đem lại cho việc học hỏi nghiên cứu cũng như các việc học hỏi nghiên cứu khác tinh thần của Tin Mừng như thế nào : “Kho tàng của bạn ở đâu thì lòng của bạn ở đó” (Mt 6, 21). Nếu bạn muốn biết phải học hỏi nghiên cứu như thế nào, trước hết và luôn luôn bạn hãy hỏi về cái phần thưởng ở trước mắt bạn. Bấy giờ, điều bạn bỏ công vất vả để suy nghĩ hay để trình bày có thể sẽ là âm vang, cho dù yếu ớt, của Bài giảng mà Thầy Chí Thánh ngày xưa đã nói trên núi.

Còn một chuyện không phải là ít đáng quan tâm, đó là sự thiếu nghị lực. Đây là một vấn đề gay go đối với một số đáng kể trong các sinh viên, và chẳng lẽ ta không thích thánh Tôma, một con người tìm tòi không biết mỏi mệt, chỉ cho chúng ta bí quyết ? Thứ nhất, con người lao động miệt mài này, và cũng là con người suy tư có tầm cỡ này, nhắc cho chúng ta nhớ rằng một trong những điều kiện cần thiết để giữ cho tinh thần lành mạnh, đó là biết cách tự giới hạn. “Đừng cố mà hiểu điều vượt quá sức bạn”, sách Huấn ca (3, 22) đã nói như thế. (15) Đừng tự hào là đã hiểu biết điều đó, nếu không phải thật sự là thế ; hoặc đừng bỏ cuộc nếu bạn không hiểu, bạn sẽ rơi vào sự sai lầm và thái độ không tin tưởng : Có nết xấu nào nặng hơn đối với đời sống của tinh thần không ? Nguy cơ lớn nhất của người không bao giờ biết lường được những giới hạn của lý trí con ngườ của mình, đó là phạm thượng. (16)

Ta cũng có thể có nhận xét thứ hai này liên can đến vấn đề động lực trong việc học hỏi nghiên cứu. Đối với thánh Tôma, con người chuyên chăm đọc các Giáo phụ sa mạc, thì không nên nghi ngờ sự lười biếng cũng như tính “dửng dưng”, sự băng hoại cực kỳ này hệ tại ở chỗ không còn biết vui vì Thiên Chúa nữa. (17) Phương thuốc để chữa sự băng hoại này là việc suy niệm những thiện ích thiêng liêng. Chúng ta càng nghĩ đến những thiện ích thiêng liêng này, thì những thiện ích thiêng liêng này càng làm cho chúng ta vui thích. Thánh Ignatiô Loyola, con người đầy nghị lực (liệu ngài có là nhà chuyên môn về thánh Tôma ? Về điểm này, có lẽ thánh nhân xứng đáng là như thế !), đã khám phá ra chân lý này khi đọc hạnh các thánh, cũng như khi so sánh những tâm tình vốn khơi dậy trong bản thân người từ việc đọc hạnh các thánh với những tâm tình do các tiểu thuyết phần đời đem lại : người ta nói rằng đó đã là khởi điểm của sự biết phân biệt các thần khí của thánh nhân. Những “con đẻ” của tính nguội lạnh, đã được thánh Grêgoriô Cả đề cập đến, đó là : mất niềm hy vọng, sự nhút nhát, tính ươn hèn trong việc chu toàn bổn phận, nhưng cũng còn cả sự oán hận và sự ma mãnh, không may là đôi khi những tính này cũng rất mạnh mẽ. Nếu việc học hỏi nghiên cứu được qui hướng về Thiên Chúa, nó sẽ được nâng đỡ bằng lòng “sùng mộ”, tức là “ao ước phục vụ Thiên Chúa”. (18) Muốn duy trì lòng sùng mộ này, thánh Tôma khuyên là cần phải nhớ rằng Thiên Chúa là Đấng tốt lành và chúng ta cần đến Người, và cách tốt nhất để không quên Người là tưởng nghĩ đến Đức Giêsu. (19)

Luân lý theo tinh thần của thánh Tôma không xa lạ với kinh nghiệm thần bí. Việc học hỏi nghiên cứu vì thế mà lệ thuộc vào việc chiêm niệm cao nhất, đó là tỉnh thức đón nhận tự trong tâm hồn mình Ngôi Lời đến trong Thánh Thần. Ở đây, chúng ta cố gắng chứng minh rằng việc đọc các tác phẩm của thánh Tôma Aquinô giúp đem lại cho việc học hỏi nghiên cứu tất cả ý nghĩa của nó trong hành trình tâm linh, giúp suy nghĩ đến tính năng động của nó dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần tình yêu, giúp nhận biết trạng thái sẵn sàng nội tâm nào thích hợp cho việc đó. Việc khổ chế trí thức của một thái độ khách quan thiên về tư tưởng hoặc về chữ viết có thể khiến cho ta tin rằng, nơi thánh Tôma, chỉ có đời sống chiêm niệm sốt sắng là tiên quyết. Nhưng như thế là sẽ quên đi điều kiện phải hiểu biết đầy đủ các bản văn của thánh Tôma. Nếu các bản văn này ít sử dụng khoa hùng biện và nếu các bản văn này nhắm đến sự sáng ý tối đa, thì chúng còn giúp chúng ta nhiều trong việc tránh khỏi ảo tưởng là thay thế lòng hăng hái đã có bằng sự phát biểu và đón nhận lập luận khoa học và thần học, trong cuộc hội ngộ nhiệm mầu của linh hồn với Thiên Chúa. Nhưng khi ta đẩy cánh cửa để đi vào nghiên cứu các bản văn của thánh Tiến sĩ, ta cảm thấy sức nặng cũng như hương vị thần bí trong chiều kích là ta liên kết được với vị thánh trong đám mây sáng chói của bầu khí cầu nguyện liên lỉ. Chính thánh nhân cũng đã đắm mình trong đó và đã gói ghém tất cả công trình của mình trong đó. Ở đây, nguyên việc học hành nghiên cứu thì chưa đủ. Do đó, người ta có thể nói là trở thành nhà chuyên nghiên cứu thánh Tôma không phải chuyện dễ.

——————

1. Summa Theologiae, IIa-IIae, q. 166, a. 1.

2. Summa Theologiae, Ia, q. 1, a. 1.

3. Summa Theologiae, IIa-IIae, q. 166, a. 1.

4. Édité à Bologne et reproduit avec quelques modifications par T. Esser : D. Thomae Aquinatis monita et preces, 31 éd., Paderborn, 1980, p. 17-59.

5. A. – D. SERTILLANGES, La Vie intellectuelle, son esprit, ses conditions, ses méthodes, Paris, trois éditions successives : 1920, 1934, 1944. La réimpression de cet ouvrage a fourni le premier volume de la collection “Foi vivante”.

6. “ Người ta bảo rằng khi trở về Paris, thánh nhân đã gặp một trận bão dữ dội trên biển : các thủy thủ sợ chết. Còn thánh nhân thì vẫn tỏ ra vô cảm (…). Thánh nhân đối lại với nỗi kinh hòang của những cơn gió lốc, sấm chớp, bão tố bằng khiên thuẫn là dấu thánh giá, với lời kinh kèm theo: “Thiên Chúa đã đến trong xác phàm, Thiên Chúa đã chết cho chúng ta”. Guillaume de Tocco, Ystoria sancti Thome de Aquino, chap. 38 trong ấn bản Le Brun-Gouanvic, Toronto, 1996.

7. Lời chứng của Barthlémy de Capoue trong phiên điều tra ở Napoli.

8. Summa Theologiae, IIa-IIae, q. 186.

9. Summa Theologiae, IIa-IIae, q. 188, a. 5.

10. Summa Theologiae, IIa-IIae, q. 167, q. 1.

11. Xc. Hạnh của thánh nhân, do Guilaume de Tocco, chap. 43, cũng như chap. 29, 44, 47, 63 và Lời giới thiệu của Claire Le Brun-Gouanvic, op. cit., tr. 40-41.

12 Chẳng hạn đọc bài Rigas montes của thánh Tôma trong lần thánh nhân được đề cử làm vào bậc Thầy thần học (Maitre en théologie) năm 1256, trong đó khai triển đề tài thuộc Dyonisio rất quan trọng nơi tác giả của chúng ta về trật tự thông truyền (ordo communicandi) các ân huệ của sự quan phòng.

13 Xc. Bài của A. Cabassut, “Curiosité”, Dictionnaire de spiritualité, t. 2, 2ème partie, Paris, Beauchesne, 1953, col. 2654-2661.

14 Summa Theologiae, IIa-IIae, q. 166, a. 2, ad 3.

15 Altiora te ne quaesieris. xc, IIa-IIae, q. 167, a. 1. Bảng phân tích Tôma giúp lẩy ra mười trích dẫn sách Hc 3,22 trong thanh thoams. Câu này cũng là lời khuyên thứ mười sáu và là lời khuyên cuối cùng trong thư gửi cho người anh em tên là Gioan.

16 Chú giải sách Tin Mừng Mátthêu 28, 17 : “Họ muốn đưa về tất cả vào mức độ của trí tuệ của họ, bấy giờ tất cả những gì họ không hiểu, họ lấy nó làm đối tượng cho sự phạm thượng của họ”.

17 Summa Theologiae, IIa-IIae, q. 35.

18 Summa Theologiae, IIa-IIae, q. 82.

19 Summa Theologiae, IIa-IIae, q. 82, a. 3, Respondeo dicendum quod và ad