Tìm Kiếm Một Nền Đạo Đức Phổ Quát: Một Nhãn Quan Mới Về Luật Tự Nhiên – phần II

0
1073


Nguyên tác:
International Theological Commission.
In Search of a Universal Ethic: 
A New Look at the Natural Law (2009)

Chuyển ngữ:
Lm. Phaolô Cao Chu Vũ, OP.

 

Tìm Kiếm Một Nền Đạo Đức Phổ Quát: Một Nhãn Quan Mới Về Luật Tự Nhiên – phần I

 

 

 

CHƯƠNG II

SỰ NHẬN THỨC VỀ CÁC GIÁ TRỊ LUÂN LÝ CHUNG

********************

 

36. Việc nghiên cứu các truyền thống lớn về sự khôn ngoan luân lý được trình bày ở chương I cho thấy nơi phần lớn các nền văn hoá, có một số loại hành vi của con người được nhìn nhận như sự diễn tả về một điều gì đó trổi vượt, mà con người sống và thể hiện tính người của mình: đó là những hành vi can đảm, kiên nhẫn trong những thử thách và khó khăn của cuộc sống, trắc ẩn trước những người yếu đuối, điều độ trong việc sử dụng của cải vật chất, trách nhiệm đối với môi trường sống, cống hiến cho lợi ích chung, v. v.. Lối sống đạo đức này xác định những nét chính yếu của một quan niệm thực sự luân lý về một lẽ sống “theo tự nhiên”, tức là hoà hợp với một thực tại sâu xa nơi chủ thể người. Bên cạnh đó, cũng có một số loại hành vi mà hầu như chúng bị kết án: đó là giết người, trộm cắp, gian dối, giận dữ, tham lam, keo kiệt, v. v.. Những hành vi này biểu hiện như sự tấn công vào phẩm giá con người, những nhu cầu chính đáng của đời sống xã hội. Qua những đồng thuận như thế, chúng ta thấy có một điều gì đó được biểu lộ, trổi vượt những khác biệt về văn hoá, đó chính là tính người trong con người, tức là “bản tính con người”. Đồng thời, cũng phải nhìn nhận rằng sự đồng thuận như thế về phẩm chất luân lý của một số hành vi cùng tồn tại với sự đa dạng về những lý lẽ giải thích. Nếu nhìn vào những giáo lý nền tảng của Upanishads trong Ấn giáo, hoặc “tứ diệu đế” của Phật giáo, hoặc Đạo của Lão Tử, hoặc “lẽ tự nhiên” của phái Khắc kỷ, thì chúng ta thấy mỗi truyền thống khôn ngoan hoặc mỗi hệ thống triết học đều hiểu hành vi luân lý theo một khuôn giải thích tổng thể, nhờ đó hợp pháp hóa sự phân biệt giữa điều nào là tốt và điều nào là xấu. Sự đa dạng về những lý lẽ giải thích như thế gây trở ngại cho cuộc đối thoại và việc đặt nền móng cho các chuẩn mực luân lý.

37. Tuy nhiên, ngoài những lý lẽ biện minh mang tính lý thuyết về khái niệm luật tự nhiên, chúng ta có thể tìm ra những dữ kiện trực tiếp của sự nhận thức về luật tự nhiên mà khái niệm này muốn nói tới. Mục tiêu của chương này là chỉ ra rằng các giá trị luân lý chung, mà chúng tạo nên luật tự nhiên, được nhận biết như thế nào. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét làm thế nào khái niệm về luật tự nhiên, mà nó tùy thuộc vào một khuôn giải thích, vừa củng cố và vừa hợp pháp hóa các giá trị luân lý, theo cách mà nhiều người có thể cùng chia sẻ. Để thực hiện điều này, kiến giải của thánh Tôma Aquinô về luật tự nhiên có ý nghĩa đặc biệt, bởi vì, ngoài một số yếu tố khác, ngài đã nối kết luật tự nhiên với một nền luân lý tôn trọng phẩm giá con người và nhìn nhận khả năng của con người trong việc phân định[1].

2. 1. Vai trò của xã hội và văn hoá

38. Con người chỉ có thể tiếp cận kinh nghiệm luân lý một cách tiệm tiến và có thể tự đề ra cho mình các giới luật hướng dẫn hành vi của mình. Làm được điều đó là bởi vì ngay từ khi chào đời, con người đã được đặt vào trong một hệ thống các mối tương quan của con người, bắt đầu từ trong gia đình, các tương quan đó từng bước giúp con người nhận biết bản thân và những thực tại quanh mình. Việc này được thực hiện một cách đặc biệt qua việc học một ngôn ngữ – tiếng mẹ đẻ, nó dạy cho con người biết gọi tên các sự vật và giúp họ trở nên chủ thể nhận biết chính mình. Được định hướng nhờ những người thân cận và được dìm vào trong một nền văn hoá, con người nhận thức một số lối sống và tư tưởng nào đó như những giá trị phải theo đuổi, những luật lệ phải tuân giữ, những mẫu gương phải học đòi, những quan niệm về thế giới phải tiếp nhận. Vì vậy, bối cảnh xã hội và văn hoá có vai trò quyết định đối với việc giáo dục các giá trị luân lý. Tuy nhiên, những yếu tố điều kiện hoá như thế không nghịch với tự do của con người. Đúng hơn, các giá trị đó làm cho con người tự do hơn, bởi vì nhờ chúng, con người có thể tiếp cận kinh nghiệm luân lý, kinh nghiệm đó sẽ lại giúp họ nhìn lại những “điều hiển nhiên” mà họ đã tiếp nhận khi học hỏi về luân lý. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, các xã hội và các nền văn hoá chắc hẳn cần phải đối thoại và chân thành trao đổi với nhau, dựa trên sự đồng trách nhiệm của tất cả mọi người đối với lợi ích chung của hành tinh này: tất cả phải gác lại những lợi ích riêng tư để tiếp cận các giá trị luân lý mà tất cả mọi người được mời gọi chia sẻ với nhau.

2. 2. Kinh nghiệm luân lý: “Phải làm điều tốt”

39. Tất cả mọi người từ khi biết nhận thức và sống có trách nhiệm, đều có kinh nghiệm về một lời mời gọi tự sâu xa rằng hãy làm điều tốt. Con người nhận ra rằng tự sâu xa họ là một hữu thể luân lý, có khả năng nhận biết và diễn tả lời mời gọi, mà như đã nói, nó có ở nơi tất cả các nền văn hoá: “Phải làm điều tốt và tránh điều xấu”. Tất cả các giới luật khác của luật tự nhiên đều dựa trên giới luật này[2]. Giới luật đầu tiên này được nhận biết một cách tự nhiên, tức khắc nhờ lý trí thực tiễn, tương tự như nguyên lý bất mâu thuẫn (trí khôn không thể đồng thời và cùng một cách thức vừa khẳng định vừa phủ định một điều gì đó nơi đối tượng), là nền tảng cho tất cả các suy luận thuần lý, được nhận biết một cách trực giác và tự nhiên nhờ lý trí thuần lý khi chủ thể lĩnh hội ý nghĩa của các hạn từ được sử dụng. Theo truyền thống, sự nhận biết như thế về nguyên lý đầu tiên của đời sống luân lý được gán cho một xu hướng nội tại của trí năng, được gọi là synderesis (lương tâm)[3].

40. Với nguyên lý này, ngay lập tức, chúng ta thấy mình ở trong một không gian luân lý. Thật vậy, một điều tốt mà tự thân nó cuốn hút con người thì đó là điều tốt luân lý; nó là một hành vi, trổi vượt những phạm trù của những gì là hữu dụng, hòa hợp với sự hiện thực hóa đích thực của hữu thể này, đồng nhất nhưng cũng khác biệt, đó chính là con người. Hoạt động của con người không thể bị giản lược thành một vấn đề đơn giản chỉ là sự thích nghi với “hệ sinh thái”: hữu thể người là hiện hữu và đặt mình trong một không gian rộng lớn mà nó xác định ý nghĩa, các giá trị và trách nhiệm. Bằng cách tìm kiếm điều tốt luân lý, con người góp phần hiện thực hoá bản tính của mình, vượt lên những xung lực của bản năng hoặc tìm kiếm khoái lạc đặc thù. Điều tốt luân lý này làm chứng cho chính nó và được hiểu từ chính nó[4].

41. Điều tốt luân lý tương ứng với khát vọng sâu xa của con người, là kẻ – như tất cả các hữu thể khác – một cách trực giác và tự nhiên, hướng tới sự hiện thực viên mãn chính mình, hướng tới điều giúp họ đạt tới sự thành toàn chính mình, tức là hạnh phúc. Đáng tiếc là chủ thể luôn có thể tự cho phép mình để cho những ham muốn riêng tư lôi kéo và lựa chọn những điều tốt hoặc thực hiện những hành vi chống lại điều tốt luân lý mà chủ thể đã nhận biết. Con người có thể từ chối để vượt qua chính mình. Đó là cái giá của sự tự do bị giới hạn nơi chính nó và bị suy yếu bởi tội, một sự tự do chỉ mong mỏi những điều tốt đặc thù, nhưng chẳng có điều tốt nào trong số đó có thể làm mãn nguyện tâm hồn con người. Đó là lý do vì sao chủ thể cần phải suy xét những điều tốt đặc thù đó có góp phần hiện thực hoá nhân vị một cách đích thực hay không: nếu có, thì chúng được kể là tốt một cách luân lý; còn ngược lại, là xấu một cách luân lý.

42. Khẳng định trên rất quan trọng. Nó là cơ sở để đối thoại với những người thuộc các nền văn hoá hoặc tôn giáo khác nhau. Nó nhìn nhận phẩm giá ưu việt của tất cả mọi người khi nhấn mạnh rằng con người có xu hướng tự nhiên là nhận biết điều tốt luân lý mà họ phải thực hiện. Như tất cả các thụ tạo khác, con người được định nghĩa như là sự kết hợp của các yếu tố năng động và có tính cứu cánh, có trước những chọn lựa tự do của ý chí. Nhưng khác với các loài thụ tạo không được ban cho lý trí, con người có khả năng nhận biết và nội tại hoá những mục tiêu này, và như thế, có thể đánh giá chức năng của chúng, xem cái nào tốt hoặc xấu đối với họ. Như thế, con người nhận ra luật vĩnh cửu, tức là kế hoạch của Thiên Chúa về tạo thành, và được dự phần vào sự quan phòng của Thiên Chúa một cách tuyệt hảo, dẫn dắt chính mình và các thụ tạo khác[5]. Sự nhấn mạnh này về phẩm giá của chủ thể luân lý và quyền tự trị tương đối của họ phát xuất từ việc nhìn nhận quyền tự trị của những thực tại được sáng tạo và phù hợp với xu hướng chính của văn hoá đương thời[6].

43. Vì vậy, sự bó buộc luân lý mà chủ thể nhìn nhận không đến từ một luật ngoại tại (heteronomy), nhưng phát xuất từ chính chủ thể. Thật vậy, như câu châm ngôn đã trích dẫn – “Phải làm điều tốt và tránh điều xấu”, điều tốt luân lý mà lý trí xác định “tự bó buộc” chủ thể. Nó phải được thực hiện. Điều đó nói lên tính chất của bổn phận và của luật. Nhưng, hạn từ “luật” ở đây không ám chỉ những định luật khoa học, tức là chúng tự giới hạn ở việc mô tả những hằng số có thực trong thế giới vật chất hoặc xã hội, cũng không phải là một mệnh lệnh tuỳ tiện, bó buộc chủ thể luân lý từ bên ngoài. Ở đây, luật ám chỉ một xu hướng của lý trí thực tiễn, nó cho chủ thể luân lý biết loại hành vi nào phù hợp với cấu trúc năng động căn bản và cần thiết cho hiện hữu của chủ thể, hướng đến sự thành toàn của hiện hữu đó. Luật này là chuẩn mực đúng đắn cho nhu cầu nội tại của tinh thần. Nó phát xuất từ chính tâm hồn chúng ta như một lời mời gọi hiện thực hóa và vượt lên chính mình. Vì vậy, vấn đề không phải là vâng phục luật của người khác, mà là chấp nhận luật về chính hiện hữu của mình.

2. 3. Khám phá các giới luật của luật tự nhiên: tính phổ quát của luật tự nhiên

44. Một khi chân nhận khẳng định nền tảng, mà nó dẫn chúng ta đến với trật tự luân lý – “Phải làm điều tốt và tránh điều xấu”, chúng ta xét xem sự nhìn nhận về các giới luật nền tảng mà chúng điều khiển hành vi của con người diễn ra như thế nào nơi chủ thể. Sự nhìn nhận đó không hệ tại ở việc xem xét một cách trừu tượng bản tính con người, cũng không hệ tại ở việc cố gắng khái niệm hóa, điều này tạo ra sự khác biệt giữa những lý lẽ của triết học và thần học. Sự nhận thức về các điều tốt luân lý nền tảng thì trực tiếp, sống động, dựa trên tính “đồng nhiên” (connaturality) của tinh thần với các giá trị, và chúng cuốn hút cảm xúc cũng như trí năng, tâm hồn cũng như tinh thần. Đó là một sự thủ đắc, thường bất toàn, còn mù mờ và chưa rõ ràng, nhưng nó có một trực giác sâu xa. Ở đây, nó liên quan đến những dữ kiện của một kinh nghiệm còn đơn giản và chung chung, chúng tiềm ẩn nơi hành vi cụ thể của con người.

45. Khi tìm kiếm điều tốt luân lý, con người lắng nghe họ là gì, rồi nhận biết những xu hướng nền tảng của bản tính mình, chúng là một điều gì đó khác với những xung lực đơn thuần mù quáng của ham muốn. Khi nhận ra những điều tốt mà bản tính hướng tới là cần thiết cho sự thành toàn luân lý của mình, thì con người tự đề ra cho mình, dưới hình thức những mệnh lệnh thực hành, một bổn phận luân lý cần phải thực hiện trong cuộc sống của mình. Con người diễn tả cho chính mình một số giới luật phổ quát nào đó mà họ cùng chia sẻ với tất cả những người khác, và những giới luật đó tạo nên nội dung của cái mà chúng ta gọi là luật tự nhiên.

46. Theo truyền thống, người ta phân biệt ba nguồn lực (dynamism) tự nhiên quan trọng hoạt động nơi con người[7]. Nguồn lực thứ nhất, con người có chung với tất cả các loài, về cơ bản, có xu hướng bảo tồn và phát triển hiện hữu của mình. Nguồn lực thứ hai, con người có chung với các loài sinh vật, có xu hướng sinh sản để bảo tồn nòi giống. Nguồn lực thứ ba, là thuộc tính riêng của con người như một hữu thể có lý trí, có xu hướng nhận biết chân lý về Thiên Chúa và sống trong xã hội. Từ những xu hướng này, những giới luật đầu tiên của luật tự nhiên, được nhận biết một cách tự nhiên, có thể được thiết lập. Những giới luật đó còn rất chung chung, nhưng chúng hình thành nền móng đầu tiên, là cơ sở cho tất cả những suy tư sau này về điều tốt phải làm và điều xấu phải tránh.

47. Để không còn chung chung và để làm rõ những chọn lựa cụ thể về việc phải làm, chúng ta cần đến lý trí suy luận, nó sẽ xác định đâu là những điều tốt luân lý cụ thể, giúp thành toàn nhân vị – và cả nhân loại, và sẽ đề ra nhiều giới luật cụ thể hơn có khả năng hướng dẫn con người hành động. Trong giai đoạn này, sự nhận thức về điều tốt luân lý có được là nhờ suy luận. Khởi đầu, sự suy luận này còn rất đơn giản: chỉ cần một kinh nghiệm giới hạn về cuộc sống là đủ, và nó còn ở nơi trí năng khả thể của mỗi người. Ở đây, người ta nói đến tới các “giới luật thứ cấp” (secondary precepts) của luật tự nhiên, được lẩy ra nhờ lý trí thực tiễn xem xét (ở những mức độ khác nhau), ngược lại là những giới luật nền tảng phổ quát do lý trí lẩy ra một cách trực giác và được gọi là những “giới luật đệ nhất cấp” (primary precepts)[8].

2. 4. Những giới luật của luật tự nhiên

48. Chúng ta đã nhìn nhận rằng ở nơi con người, xu hướng đầu tiên mà họ có chung với tất cả các thụ tạo: là xu hướng bảo tồn và phát triển hiện hữu của mình. Ở nơi các sinh vật, có một tập quán phản xạ rất tự nhiên trước sự đe doạ cận kề của cái chết: là chạy trốn cái chết, bảo vệ toàn vẹn hiện hữu của mình, đấu tranh để sinh tồn. Một cách tự nhiên, sự sống thể lý biểu lộ như một điều tốt nền tảng, thiết yếu và căn bản. Từ đó phát sinh giới luật bảo vệ sự sống của chính mình. Với phạm trù bảo tồn sự sống, người ta đã bao hàm trong đó những xu hướng nhắm tới tất cả những gì mà chúng góp phần, theo cách của con người, bảo tồn và phát triển sự sống thể lý: sự toàn vẹn của thân thể; việc sử dụng những điều tốt ngoại tại cần thiết cho sự sinh tồn và toàn vẹn của sự sống, như đồ ăn thức uống, quần áo, vật dụng, công việc; chất lượng môi trường sống, v. v.. Từ những xu hướng này, con người xác định cho mình những mục tiêu cần phải thực hiện, mà chúng góp phần làm phát triển một cách hài hoà và có trách nhiệm hiện hữu của con người và như thế, chúng xuất hiện trước con người như những điều tốt luân lý, những giá trị cần tìm kiếm, những bổn phận phải thực hiện và thậm chí như những quyền lợi phải đòi hỏi. Thật vậy, bổn phận bảo tồn sự sống của bản thân tương đương với quyền đòi hỏi những gì cần thiết cho sự sinh tồn của bản thân trong một môi trường sống thuận lợi[9].

49. Xu hướng thứ hai, con người có chung với tất cả các loài sinh vật, liên quan đến việc bảo tồn giống loài, được thực hiện nhờ sinh sản. Sự sinh sản đã bao hàm trong đó sự nối dài của xu hướng bảo tồn hiện hữu. Nếu tính trường tồn của hiện hữu thể lý là điều không thể đối với mỗi cá nhân, thì lại là điều có thể đối với loài và như thế, ở một mức độ nào đó, vượt qua những giới hạn cố hữu ở nơi tất cả các hữu thể thể lý. Theo cách này, sự thiện hảo của loài biểu hiện như một trong những khát vọng nền tảng của con người. Chúng ta hiểu rõ điều này một cách đặc biệt trong thời đại chúng ta, khi mà một số vấn đề nào đó, như sự nóng lên của trái đất, khơi lên trong chúng ta ý thức trách nhiệm đối với hành tinh này, cũng như đối với loài người nói riêng. Sự rộng mở như thế trước một điều tốt chung nào đó của loài đã khẳng định về những khát vọng đích thực của con người. Nguồn lực năng động nhắm tới việc sinh sản được liên kết nội tại với một xu hướng tự nhiên, thôi thúc người nam tìm đến người nữ và người nữ tìm đến người nam, là một dữ kiện phổ quát được tất cả các xã hội nhìn nhận. Và cũng như thế đối với xu hướng chăm sóc và giáo dục con cái. Những xu hướng này ngụ ý rằng sự kết hợp bền vững giữa người nam và người nữ, cũng như sự trung tín của họ đối với nhau, là những giá trị phải theo đuổi, ngay cả khi những giá trị đó chỉ có thể triển nở viên mãn trên bình diện tinh thần của sự hiệp thông liên ngôi vị[10].

50. Xu hướng thứ ba là thuộc tính riêng của con người, một thụ tạo linh thiêng, được ban cho trí năng, có khả năng nhận biết chân lý, đối thoại với tha nhân và thiết lập các tương quan bằng hữu. Vì thế, xu hướng thứ ba này đặc biệt quan trọng. Xu hướng sống trong xã hội trước hết phát xuất từ thực tế: con người cần đến tha nhân để vượt qua những giới hạn cố hữu của bản thân và để trưởng thành trong nhiều lãnh vực khác nhau của cuộc sống. Nhưng để bản tính tinh thần của con người triển nở cách viên mãn, con người cần phải thiết lập các mối tương giao hữu hảo với đồng loại và cộng tác nhiệt thành với nhau trong cuộc tìm kiếm chân lý. Như thế, sự thiện hảo toàn vẹn của con người được liên kết mật thiết với đời sống cộng đồng, mà con người là một phần tử trong một xã hội có tính chính trị do xu hướng tự nhiên, chứ không do thỏa thuận đơn thuần[11]. Tính tương quan của con người còn được diễn tả qua xu hướng sống hiệp thông với Thiên Chúa hoặc với Tuyệt Đối. Nó được biểu lộ nơi cảm thức tôn giáo và trong khát vọng muốn hiểu biết Thiên Chúa. Chắc hẳn, nó có thể bị phủ nhận đối với những ai từ chối tin nhận sự hiện hữu của một Thiên Chúa ngôi vị, nhưng nó vẫn tiềm ẩn trong cuộc tìm kiếm chân lý và ý nghĩa mà tất cả mọi người đều đã trải nghiệm.

51. Tương ứng với các xu hướng này, là những nét đặc thù của con người, đó là nhu cầu, được lý trí nhìn nhận, hiện thực cách cụ thể cuộc sống này trong tương quan bằng hữu và kiến tạo đời sống xã hội dựa trên những nền tảng đúng đắn, phù hợp với luật tự nhiên. Điều này đòi hỏi phải nhìn nhận sự bình đẳng về phẩm giá của mọi cá nhân trong nhân loại, vượt lên những khác biệt về chủng tộc và văn hoá, và phải tôn trọng tất cả những gì là của con người, ở bất cứ nơi đây chúng hiện diện, ngay cả nơi những người bé mọn và những người bị khinh miệt nhất trong nhân loại. “Đừng làm cho người khác điều con không muốn người khác làm cho con”. Ở đây, chúng ta gặp thấy luật vàng, hiện nay nó được kể là một nguyên lý quan trọng cho nền luân lý của tình liên đới. Trong chương I của tài liệu này, chúng ta đã thấy sự hiện diện của luật này nơi phần lớn các truyền thống khôn ngoan, cũng như trong Tin Mừng. Thánh Giêrônimô đã cho thấy tính phổ quát của một số giới luật luân lý ám chỉ luật vàng này dưới hình thức phủ định. “Đó là lý do giải thích tại sao việc Thiên Chúa phán xét thì công bình, Người đã ghi khắc vào tâm hồn con người: ‘Điều con không muốn người khác làm cho con, thì đừng làm cho người khác’. Ai chẳng biết giết người, tà dâm, trộm cắp và mọi thứ tham lam khác là xấu, bởi vì chúng ta không muốn những điều đó xảyra cho mình? Giả như một ai đó không biết những điều đó là xấu, thì họ đã chẳng bao giờ than phiền khi họ bị những điều đó làm tổn thương”[12]. Luật vàng được nối kết với một số điều răn của Thập giới, với nhiều giới luật của Phật giáo, với nhiều quy tắc của Khổng giáo, cũng như với phần lớn những định hướng của đại hiến chương nước Anh (The Great Charters-12/06/1215), liệt kê các quyền của con người.

52. Sau khi đã trình bày vắn gọn các nguyên tắc luân lý, phát xuất từ việc lý trí xem xét những xu hướng nền tảng của con người, chúng ta thấy có một số giới luật và giá trị, ít là dưới hình thức phổ quát của chúng, được nhìn nhận là có tính phổ quát bởi vì chúng áp dụng cho toàn thể nhân loại. Hơn nữa, chúng còn có tính bất biến xét vì chúng phát xuất từ bản tính con người, mà những thành phần căn cốt của bản tính này bất biến xuyên suốt lịch sử. Nhưng chúng có thể bị lu mờ hoặc thậm chí bị tẩy xóa khỏi tâm hồn con người do tội và do những yếu tố văn hoá và lịch sử điều kiện hoá, những yếu tố này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống luân lý của con người: các ý thức hệ, những tuyên truyền dối trá, thuyết tương đối được phổ biến, những cấu trúc của tội[13]. Vì vậy, chúng ta phải chừng mực và cẩn trọng khi viện dẫn những “điều hiển nhiên” trong các giới luật của luật tự nhiên. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không nhìn nhận nơi các giới luật này có một nền tảng chung cho cuộc đối thoại tìm kiếm một nền đạo đức phổ quát. Tuy nhiên, những ai tham gia cuộc đối thoại này phải học cách gạt bỏ những lợi ích riêng tư để mở lòng trước những nhu cầu của tha nhân và để cho các giá trị luân lý chung chất vấn bản thân. Trong một xã hội đa nguyên, nơi mà người ta khó đồng thuận với nhau về các nền tảng triết học, thì một cuộc đối thoại như thế thật cần thiết. Giáo thuyết về luật tự nhiên có thể góp phần vào cuộc đối thoại này.

2. 5. Việc áp dụng các giới luật chung: lịch sử tính của luật tự nhiên

53. Không thể giữ nguyên ở mức độ phổ quát điều mà các nguyên lý đầu tiên của luật tự nhiên chỉ ra. Thật vậy, suy tư luân lý phải đi vào những hoàn cảnh cụ thể của hành vi để soi sáng cho hành vi. Nhưng khi càng đối diện với những hoàn cảnh cụ thể và bất ngờ bao nhiêu thì những kết luận của nó càng bị ảnh hưởng bởi tính thay đổi và tính bất tất bấy nhiêu. Vì thế, không lạ gì khi các giới luật của luật tự nhiên được áp dụng cụ thể thì có thể có nhiều hình thức khác nhau giữa các nền văn hoá, hoặc thậm chí ở những giai đoạn khác nhau trong cùng một nền văn hoá. Chỉ cần nhắc lại sự tiến triển trong suy tư luân lý về các vấn đề như: chế độ nô lệ, cho vay lấy lãi, đấu kiếm tay đôi hoặc án tử hình. Đôi khi, sự tiến triển đó giúp chúng ta hiểu hơn về những đòi hỏi luân lý. Bên cạnh đó, đôi khi sự tiến triển về hoàn cảnh chính trị hoặc kinh tế giúp chúng ta đánh giá lại những chuẩn mực đặc thù đã được đề ra trước đó. Thật vậy, luân lý liên quan đến những thực tại bất tất tiến triển theo thời gian. Mặc dù sống trong thời đại Kitô giới, thánh Tôma Aquinô, một thần học gia, đã nhận thức sâu sắc về điều này. Trong Summa Theologiae, ngài viết: “Lý trí thực tiễn quan tâm đến những thực tại bất tất, trong đó các hành vi của con người được thực hiện. Vì thế, mặc dù có một số điều tất yếu nơi các nguyên lý phổ quát, nhưng khi càng tiếp cận với những vấn đề đặc thù thì chúng ta càng đối diện với tính bất định bấy nhiêu […] Trong lãnh vực hoạt động, chân lý hoặc lẽ ngay thẳng thực hành không giống nhau trong những áp dụng đặc thù của nó, mà chỉ trong những nguyên lý phổ quát của nó: và ở đâu khi lẽ ngay thẳng giống nhau trong những hành vi đặc thù thì nó không được mọi người nhận biết như nhau […] Và ở đây, khi càng đi xuống những cái đặc thù thì tính bất định càng tăng”[14].

54. Nhãn quan này cho chúng ta thấy lịch sử tính của luật tự nhiên, mà những áp dụng cụ thể của nó có thể khác nhau tuỳ thời đại. Đồng thời, nó mở ra hướng suy tư cho các nhà luân lý, mời gọi họ đối thoại và tranh luận với nhau. Điều này thật cần thiết, bởi vì trong luân lý, chỉ thuần túy những suy luận từ tam đoạn luận thì không đủ. Khi càng đối diện với những tình huống cụ thể bao nhiêu thì nhà luân lý càng phải cần đến sự khôn ngoan của kinh nghiệm bấy nhiêu, một kinh nghiệm có được từ những đóng góp của các khoa học khác nhau và được nuôi dưỡng nhờ gặp gỡ với những người nam nữ có kinh nghiệm trong hành động. Chỉ có sự khôn ngoan của kinh nghiệm mới có thể giúp cho một ai đó xem xét tính đa dạng của các hoàn cảnh và có một định hướng về cách thức thực hiện điều tốt ở đây và lúc này. Nhà luân lý (đây là một việc khó đối với họ) còn phải biết kết hợp và sử dụng thần học, triết học và các ngành khoa học về kinh tế và sinh học, để nhận biết tốt hơn những dữ kiện của tình huống và chỉ ra một cách chính xác những đòi hỏi cụ thể của phẩm giá con người. Đồng thời, nhà luân lý phải đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ những dữ kiện nền tảng mà các giới luật của luật tự nhiên trình bày, chúng vẫn nguyên giá trị bất kể những khác biệt về văn hoá.

2. 6. Những xu hướng luân lý của con người và hành vi cụ thể của họ

55. Để có thể đánh giá đúng về những việc phải làm, chủ thể luân lý phải được ban cho một số những xu hướng nội tại nào đó giúp họ đáp ứng những đòi hỏi của luật tự nhiên, và đồng thời nắm bắt những dữ kiện của hoàn cảnh cụ thể. Trong bối cảnh đa nguyên, một đặc điểm của thời đại chúng ta, người ta ngày càng thấy rõ rằng không thể trình bày một nền luân lý dựa trên luật tự nhiên mà không kết hợp với suy tư về những xu hướng nội tại hoặc các nhân đức, nhờ đó nhà luân lý có thể đề ra một chuẩn mực hành động thích hợp. Điều này còn đúng hơn nữa đối với chủ thể trực tiếp hành động và họ phải đưa ra một phán đoán của lương tâm. Vì thế, không có gì lạ khi hiện nay người ta đang chứng kiến sự hồi sinh của “nền đạo đức của nhân đức” (virtue ethics), lấy cảm hứng từ truyền thống Aristotle. Vì thế, khi nhấn mạnh những phẩm chất luân lý cần thiết để có được những suy tư đúng đắn về luân lý, người ta nhận thấy vai trò quan trọng mà các nền văn hoá khác nhau gán cho hình ảnh của người khôn ngoan. Họ có một khả năng đặc biệt để phân định xét vì họ có những xu hướng luân lý nội tại giúp họ đưa ra một phán đoán luân lý đúng đắn. Một sự phân định như thế mô tả đặc điểm của nhà luân lý, khi họ cố gắng cụ thể hoá các giới luật của luật tự nhiên, cũng như của mọi chủ thể tự trị chịu trách nhiệm đưa ra một phán đoáncủa lương tâm và đề ra một chuẩn mực trực tiếp và cụ thể cho hành vi của mình.

56. Vì vậy, luân lý không thể bị giới hạn trong việc đề ra các chuẩn mực. Nó cần phải quan tâm tới việc đào tạo chủ thể, nhờ đó, khi dấn thân hành động, chủ thể có thể áp dụng các giới luật phổ quát của luật tự nhiên vào trong những điều kiện cụ thể của hiện hữu trong các bối cảnh văn hoá khác nhau. Có được khả năng này là nhờ các nhân đức luân lý, đặc biệt là đức khôn ngoan, nó điều khiển những cái đặc thù của một tình huống để hướng dẫn hành vi cụ thể. Người khôn ngoan cần phải có không chỉ tri thức về những cái phổ quát mà còn cả tri thức về những cái đặc thù. Để cho thấy rõ đặc điểm của nhân đức này, thánh Tôma Aquinô đã không ngần ngại nói: “Giả như người ta chỉ có một trong hai loại tri thức thì loại tốt hơn đó là tri thức về những cái đặc thù bởi vì chúng ảnh hưởng nhiều hơn đến hành động”[15]. Với đức khôn ngoan, chúng ta nắm bắt được cái bất tất, mà nó luôn là một huyền nhiệm đối với lý trí; định hình thực tại một cách chính xác nhất có thể; hợp nhất tính đa dạng của các hoàn cảnh; và ghi nhận một cách trung thực nhất có thể tình huống đầu tiên và không thể diễn tả. Một mục tiêu như thế đòi hỏi nhiều hoạt động và khả năng khác nhau mà đức khôn ngoan phải thực hiện.

56. Tuy nhiên, chủ thể không thể bị đánh mất chính mình trong cái cụ thể và đặc thù, đây là sai lầm của “đạo đức hoàn cảnh” (situation ethics) đã bị kết án. Chủ thể cần phải khám phá “lý lẽ ngay thẳng của hành vi” và đề ra một chuẩn mực phù hợp cho hành vi. Lý lẽ này phát xuất từ những nguyên lý đầu tiên. Ở đây, người ta nghĩ đến các nguyên lý đầu tiên của lý trí thực tiễn, nhưng nó còn tùy thuộc vào các nhân đức luân lý để rộng mở và làm cho ý chí và cảm xúc hoà hợp với những điều tốt khác nhau của con người, và như thế chỉ ra cho người khôn ngoan những mục tiêu cần phải theo đuổi giữa dòng chảy của những biến cố thường nhật. Chỉ khi đó, chủ thể mới có thể đề ra một chuẩn mực cụ thể để áp dụng và để cho những tia sáng của đức công bình, can đảm hoặc tiết độ soi rọi hành vi. Ở đây, người ta nói đến việc rèn luyện một “trí tuệ cảm xúc” (emotional intelligence), nghĩa là những năng lực của trí tuệ, không đánh mất tính đặc thù của chúng, hoạt động trong lãnh vực cảm xúc, và như thế toàn thể nhân vị tham gia vào hành vi luân lý.

58. Đức khôn ngoan rất cần thiết cho chủ thể luân lý bởi vì tính linh động của nó đáp ứng nhu cầu đem các nguyên tắc luân lý phổ quát vào trong những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng tính linh động này không cho phép chúng ta hiểu đức khôn ngoan như một sự dễ dãi thoả hiệp trước các giá trị luân lý. Ngược lại, nhờ những quyết định của đức khôn ngoan, những đòi hỏi cụ thể của chân lý luân lý được bày ra trước chủ thể. Đức khôn ngoan là một yếu tố cần thiết giúp chu toàn bổn phận luân lý đích thực.

59. Trong một xã hội đa nguyên như thời đại chúng ta, đây là cách tiếp cận quan trọng, không thể xem nhẹ mà không gây thiệt hại đáng kể. Thực vậy, nó phát sinh từ thực tế tri thức luân lý không thể cung cấp cho chủ thể hành động một chuẩn mực có thể áp dụng tức thì và thích hợp trong một tình huống cụ thể; mà chỉ có lương tâm của chủ thể, sự phán đoán của lý trí thực tiễn của họ, mới có thể đề ra một chuẩn mực trực tiếp để hành động. Nhưng đồng thời, cách tiếp cận này không bỏ mặc lương tâm cho tính chủ quan: nó giúp cho chủ thể thủ đắc những xu hướng hiểu biết và sẵn sàng mở lòng trước chân lý luân lý, nhờ đó họ có thể phán đoán một cách thích đáng. Vì vậy, luật tự nhiên không thể được trình bày như một bộ quy tắc đã được thiết định sẵn, bó buộc a priori chủ thể luân lý; đúng hơn, nó là nguồn gợi hứng khách quan cho tiến trình chủ thể đưa ra một quyết định từ sâu xa.

*****************************

Tìm Kiếm Một Nền Đạo Đức Phổ Quát: Một Nhãn Quan Mới Về Luật Tự Nhiên – phần III
Tìm Kiếm Một Nền Đạo Đức Phổ Quát: Một Nhãn Quan Mới Về Luật Tự Nhiên – phần cuối

 

 


[1] x. Gioan Phaolô II, Thông điệpVeritatis splendor, số 44: “Giáo Hội thường tham chiếu học thuyết Tôma về luật tự nhiên và đưa học thuyết này vào trong giáo huấn luân lý của mình”.

[2]Tôma Aquinô, S. Th. I-II, q. 94, a. 2: “Giới luật đầu tiên của luật là hãy làm và theo đuổi điều tốt và tránh điều xấu. Giới luật này là nền tảng cho tất cả các giới luật khác của luật tự nhiên, tức là phải làm hoặc phải tránh tất cả những gì liên quan đến các giới luật của luật tự nhiên, mà lý trí thực tiễn nhận biết một cách tự nhiên là những điều tốt của con người”. (Hoc est primum praeceptum legis, quod bonum est faciendum et prosequendum, et malum vitandum. Et super hoc fundantur omnia alia praecepta legis naturae, ut scilicet omnia illa facienda vel vitanda pertineant ad praecepta legis naturae, quae ratio practica naturaliter apprehendit esse bona humana).

[3] x. Tôma Aquinô, S. Th. I, q. 79, a. 12; SGLHTCG, số 1780.

[4] x. Romano Guardini, Freedom, Grace, and Destiny:Three Chapters on the Interpretation of Existence(translation by John Murray, S.J., [New York: Pantheon, 1961, p. 48):“Hành động tốt cũng có nghĩa là hành động sinh hoa trái và làm phong phú hiện hữu. Như vậy, việc tốt thì bảo tồn sự sống và làm cho nó viên mãn, nhưng chỉ khi nó được thực hiện vì chính nó”.

[5] x. Tôma Aquinô, S. Th. I-II, q. 91, a. 2: “Trong số các loài thụ tạo khác, thụ tạo có lý trí là đối tượng cho sự quan phòng của Thiên Chúa theo cách thức tuyệt hảo hơn tất cả mọi loài, bởi vì nó được dự phần vào sự quan phòng này, nó tiên liệu cho chính mình và các loài khác. Thế nên, vì được dự phần vào lý trí vĩnh cửu, nên nó có một xu hướng tự nhiên để hành động và để đạt tới cứu cánh của mình. Sự tham phần vào luật vĩnh cửu nơi thụ tạo có lý trí được gọi là luật tự nhiên”. Những lời này được Đức Gioan Phaolô II trích dẫn trong Thông điệp Veritatis splendor, số 43; x. Công đồng Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, số 3: “Chuẩn mực tối thượng cho cuộc sống con người là thiên luật – vĩnh cửu, khách quan và phổ quát; nhờ đó, Thiên Chúa sắp đặt, hướng dẫn và cai quản toàn thể vũ trụ và tất cả các hướng đi của cộng đồng nhân loại theo kế hoạch khôn ngoan và tình thương của Ngài. Và Thiên Chúa đã cho con người được dự phần vào luật này; nhờ đó, dưới sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, con người ngày càng có thể nhận biết chân lý bất biến”.

[6] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et spes, số 36.

[7] x. Tôma Aquinô, S. Th. I-II, q. 94, a. 2.

[8] x. Tôma Aquinô, S. Th. I-II, q. 94, a. 6.

[9] x. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, art. 3. 5. 17. 22.

[10] x. Ibid, art. 16.

[11] x. Aristotle, Politica, I, 2 (1253 a 2-3); Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et spes, số 12, § 4.

[12] Jerome,Epistola121, 8 (PL 22, col. 1025).

[13]x. Tôma Aquinô, S. Th. I-II, q. 94, a. 6: “Đối với các giới luật thứ cấp, luật tự nhiên có thể bị tẩy xoá khỏi tâm hồn con người, có thể do các xác tín sai lầm, cũng như trong các khoa học trừu tượng, chúng mắc sai lầm về những kết luận chính yếu, hoặc do lối sống sa đọa và thói quen xấu, chẳng hạn: một số người đã coi việc trộm cắp là tội hoặc các nết xấu nghịch với bản tính, như thánh Phaolô đã nói trong Rm 1, 24”. (Quantum vero ad alia praecepta secundaria, potest lex naturalis deleri de cordibus hominum, vel propter malas persuasiones, eo modo quo etiam in speculativis errores contingunt circa conclusiones necessarias; vel etiam propter pravas consuetudines et habitus corruptos; sicut apud quosdam non reputabantur latrocinia peccata, vel etiam vitia contra naturam, ut etiam apostolus dicit, ad Rom 1).

[14]Tôma Aquinô, S. Th. I-II, q. 94, a. 4: (Ratio practica negotiatur circa contingentia, in quibus sunt operationes humanae, et ideo, etsi in communibus sit aliqua necessitas, quanto magis ad propria descenditur, tanto magis invenitur defectus […] In operativis autern non est eadem veritas vel rectitudo practica apud omnes quantum al propria, sed solum quantum ad communia, et apud illos apud quod est eadem rectitudo in propriis, non est aequaliter omnibus nota. […] Et hoc tanto magis invenitur deficere, quanto magis ad particularia descenditur).

[15] x. Tôma Aquinô, Sententia libri Ethicorum, Lib. VI, 6 (ed. Leonina, t. XLVII, 353-354): “Đức khôn ngoan không chỉ xem xét những điều phổ quát, ở đó không có hành động, mà còn phải biết những cái đặc thù, bởi vì nó là cái năng động, tức là nguyên lý của hành động. Mà hành động thì liên quan đến những cái đặc thù. Vì thế, một số người không có tri thức phổ quát thì năng động về những cái đặc thù hơn người có tri thức phổ quát, bởi vì họ có kinh nghiệm về những thực tại đặc thù […]. Vậy, vì đức khôn ngoan là lý trí năng động nên người khôn ngoan cần phải có cả hai loại tri thức, tức là tri thức về những điều phổ quát và về những cái đặc thù; hoặc nếu như chỉ có một thì cái tốt hơn là tri thức về những cái đặc thù, chúng gần với hành động hơn”. (Prudentia enim non considerat solum universalia, in quibus non est actio; sed oportet quod cognoscat singularia, eo quod est activa, idest principium agendi. Actio autem est circa singularia. Et inde est, quod quidam non habentes scientiam universalium sunt magis activi circa aliqua particularia, quam illi qui habent universalem scientiam, eo quod sunt in aliis particularibus experti. […] Quia igitur prudentia est ratio activa, oportet quod prudens habeat utramque notitiam, scilicet et universalium et particularium; vel, si alteram solum contingat ipsum habere, magis debet habere hanc, scilicet notitiam particularium quae sunt propinquiora operationi).