Tìm Kiếm Một Nền Đạo Đức Phổ Quát: Một Nhãn Quan Mới Về Luật Tự Nhiên – phần III

0
1488


Nguyên tác:
International Theological Commission.
In Search of a Universal Ethic: 
A New Look at the Natural Law (2009)

Chuyển ngữ:
Lm. Phaolô Cao Chu Vũ, OP.

 

Tìm Kiếm Một Nền Đạo Đức Phổ Quát: Một Nhãn Quan Mới Về Luật Tự Nhiên – phần I

Tìm Kiếm Một Nền Đạo Đức Phổ Quát: Một Nhãn Quan Mới Về Luật Tự Nhiên – phần II

 

 

CHƯƠNG III

NHỮNG NỀN TẢNG LÝ THUYẾT CỦA LUẬT TỰ NHIÊN
**********************

 

3. 1. Từ kinh nghiệm đến lý thuyết

60. Sự nhận thức trực giác về các giá trị đạo đức nền tảng, được diễn tả qua các giới luật của luật tự nhiên, là khởi điểm của một tiến trình dẫn chủ thể luân lý tới sự phán đoáncủa lương tâm; khi đó, chủ thể đề ra những đòi hỏi luân lý có tính bó buộc phải thực hiện chúng trong hoàn cảnh cụ thể của mình. Đây là nhiệm vụ của thần học gia và triết gia: suy tư về kinh nghiệm nhận thức các nguyên lý đạo đức đầu tiên này để thẩm định giá trị của nó và đặt nó trên nền móng của lý trí. Tuy nhiên, sự nhận thức về các nền tảng triết học hoặc thần học này không hẳn cần thiết cho mối liên hệ mật thiết tự nhiên với các giá trị chung. Thực vậy, chủ thể luân lý vẫn có thể thực hành những định hướng của luật tự nhiên, cho dù lý trí của họ, vì những yếu tố đặc thù điều kiện hóa trí năng, nên không thể hiểu rõ những nền tảng lý thuyết chính yếu của chúng.

61. Triết học giải thích về luật tự nhiên một cách mạch lạc và sâu sắc. Trước hết, quan niệm về luật tự nhiên được giải thích dựa trên sự quan sát mang tính suy tư về những hằng số nhân học: chúng mô tả sự nhân bản hóa con người một cách tốt đẹp và một đời sống xã hội hoà hợp. Kinh nghiệm được suy tư, rồi được lưu truyền qua các truyền thống khôn ngoan, các triết thuyết hoặc các khoa học nhân văn, giúp chúng ta xác định một số điều kiện cần thiết, nhờ đó mỗi người có thể bày tỏ một cách tốt nhất những khả năng của bản thân trong đời sống cá nhân và cộng đồng[1]. Theo cách này, một số cách cư xử nào đó được nhìn nhận như sự diễn tả một khuôn mẫu tuyệt hảo về một lối sống và cách thức hiện thực bản tính người. Những cách cư xử đó xác định những nét chính yếu của một quan niệm luân lý đúng đắn về một đời sống đức hạnh “theo lẽ tự nhiên”, tức là hoà hợp với bản tính sâu xa của chủ thể người[2].

62. Tuy nhiên, chỉ có sự nhận thức về chiều kích siêu hình của thực tại mới có thể cho luật tự nhiên một sự giải thích triết học đầy đủ và trọn vẹn. Thực vậy, siêu hình học giúp chúng ta hiểu rằng vũ trụ không có ý nghĩa hiện hữu tối hậu tự thân, và nó cho thấy một cấu trúc nền tảng về thực tại: sự phân biệt giữa Thiên Chúa, Đấng tự hữu và các hữu thể khác hiện hữu tuỳ thuộc vào Người. Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, là nguồn tự do và siêu việt của tất cả các hữu thể khác. Từ nơi Người, chúng nhận lấy, một cách “có chừng mực, đã tính toán và cân nhắc” (Kn 11, 9), một hiện hữu theo bản tính; bản tính đó xác định chúng. Vì vậy, các thụ tạo là sự hiển dung của Đấng khôn ngoan sáng tạo, của Logos khởi nguyên; nơi các thụ tạo, Logos bày tỏ và biểu lộ chính mình. Thánh Bônaventura viết: “Mọi thụ tạo đều là lời Thiên Chúa, bởi vì chúng nói về Thiên Chúa” (Verbum divinum est omnis creatura, quia Deum loquitur)[3].

63. Đấng Tạo Hóa không chỉ là khởi nguyên của các thụ tạo, mà còn là cứu cánh siêu việt mà chúng hướng về do tự bản tính. Như vậy, các thụ tạo được sống động là nhờ một nguồn lực; nó đưa các loài, theo cách của mình, tiến đến sự thành toàn của chúng trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Nguồn lực này siêu việt xét vì nó phát xuất từ luật vĩnh cửu, tức là từ kế hoạch do Thiên Chúa quan phòng, kế hoạch đó ở nơi thần trí của Đấng tạo hóa[4]. Và nguồn lực này cũng nội tại, bởi vì nó không cưỡng bức các thụ tạo từ bên ngoài, nhưng đã được ghi khắc nơi bản tính của chúng. Các thụ tạo thuần vật chất thi hành luật hiện hữu của chúng một cách tự phát, còn các thụ tạo tinh thần thi hành luật hiện hữu của mình theo cách thức ngôi vị. Thực vậy, các thụ tạo này có nơi mình các nguồn lực: các nguồn lực này xác định và định hướng một cách tự do các thụ tạo đó hướng tới sự thành toàn trọn vẹn của chúng. Các thụ tạo này diễn tả các nguồn lực đó như những chuẩn mực nền tảng cho hành vi luân lý của mình – đây là luật tự nhiên, như đã nói, và các thụ tạo này cố gắng thi hành các chuẩn mực đó một cách tự do. Vì thế, luật tự nhiên được định nghĩa như là sự tham phần vào luật vĩnh cửu[5]. Nó là sự trung gian giữa một đàng là những xu hướng tự nhiên, diễn tả sự khôn ngoan của Đấng sáng tạo, và đàng khác, là ánh sáng của lý trí con người, lý trí này giải thích những xu hướng đó và chính nó là sự tham phần vào ánh sáng của trí năng của Thiên Chúa. Vì vậy, nền đạo đức này được gọi là sự tham phần vào thần trị (participated theonomy)[6].

3. 2. Bản tính, ngôi vị và tự do

64. Khái niệm bản tính (nature) đặc biệt phức tạp và nó không đơn nghĩa. Trong triết học Hy-lạp, hạn từ physis có vai trò như một “ma trận” (matrix). Trong ma trận này, bản tính ám chỉ nguyên lý về căn tính hữu thể đặc thù của một chủ thể, nghĩa là yếu tính của chủ thể được xác định bởi một tập hợp của những đặc tính bền vững và khả tri. Yếu tính này được gọi là bản tính, đặc biệt khi nó được hiểu như nguyên lý nội tại của chuyển động hướng chủ thể tới sự thành toàn của nó. Khái niệm bản tính không nói đến một dữ kiện tĩnh, nhưng ám chỉ nguyên lý vận động thực sự về sự phát triển đồng nhất của chủ thể và những hoạt động đặc thù của nó. Khái niệm bản tính được thành hình, trước hết là để tìm hiểu các thực tại vật chất và khả giác, nhưng nó không bị giới hạn trong phạm vi vật chất, mà một cách loại suy nó còn được áp dụng cho các thực tại tinh thần.

65. Quan niệm cho rằng các hữu thể có một bản tính phải được nhìn nhận nếu muốn hiểu về tính cứu cánh nội tại của các hữu thể và tính chuẩn mực, được hiểu theo nghĩa chúng hành động (acting) và phản ứng lại (reacting)[7]. Việc xem xét các hữu thể như những bản tính có nghĩa là nhìn nhận rằng chúng có tính ổn định thực sự và khẳng định rằng chúng là những trung tâm tự trị tương đối trong trật tự hiện hữu và hoạt động, không phải là những cấu trúc ảo giác đơn thuần hoặc nhất thời của nhận thức. Tuy nhiên, các “bản tính” này không phải là những thực thể “khép kín”, co cụm nơi chính mình và đơn giản là ở cạnh nhau. Chúng tương tác lẫn nhau và có những tương quan nhân quả phức tạp. Trong lãnh vực tinh thần, các ngôi vị (persons) có những tương quan liên chủ thể gắn kết với nhau. Vì vậy, các bản tính tạo nên một mạng lưới, đúng hơn một trật tự, tức là một tập hợp được liên kết bởi một nguyên lý[8].

66. Với Kitô giáo, khái niệm physis của người xưa được xem xét lại và hội nhập vào trong một nhãn quan rộng lớn và sâu xa hơn về thực tại. Một đàng, Thiên Chúa của mặc khải Kitô giáo không phải là một phần đơn giản của vũ trụ, một yếu tố của một bản tính phổ quát. Ngược lại, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo vũ trụ, siêu việt và tự do. Thực vậy, vũ trụ hữu hạn không thể là nền tảng cho chính mình, nhưng hướng về mầu nhiệm Thiên Chúa vô cùng, là Đấng vì yêu nên đã tạo dựng vũ trụ ex nihilovà hoàn toàn tự do can thiệp vào tiến trình của bản tính bất cứ khi nào Người muốn. Đàng khác, mầu nhiệm siêu việt về Thiên Chúa được phản ánh nơi mầu nhiệm về con người, như hình ảnh Thiên Chúa. Con người có khả năng hiểu biết và yêu mến; họ được ban cho tự do, khả năng bước vào sự hiệp thông với tha nhân và được Thiên Chúa mời gọi tiến đến một định mệnh trổi vượt những cứu cánh của thế giới tự nhiên. Con người thành toàn chính mình trong tương quan tự do và tự nguyện của tình yêu với Thiên Chúa, được thực hiện trong một lịch sử.

67. Bằng cách nhấn mạnh đến tự do như điều kiện để con người đáp lại sáng kiến của tình yêu Thiên Chúa, Kitô giáo đã góp phần đáng kể trong việc đưa khái niệm ngôi vị vào một vị trí thích đáng trong khảo luận triết học, nhờ đó nó đã có một ảnh hưởng quyết định đối với các học thuyết về đạo đức. Hơn nữa, khảo cứu thần học về mầu nhiệm Đức Kitô còn giúp triết học đào sâu ý nghĩa của đề tài về ngôi vị. Một đàng, khái niệm ngôi vị giúp chỉ ra sự phân biệt giữa Cha, Con và Thánh Thần trong mầu nhiệm khôn dò về một bản tính Thiên Chúa duy nhất. Đàng khác, về sự phân biệt và tách biệt giữa hai bản tính, thiên tính và nhân tính, ngôi vị là “điểm” mà ở đó tính duy nhất hữu thể của Chúa-người, Đức Giêsu Kitô, được hình thành. Trong truyền thống thần học của Kitô giáo, ngôi vị cho thấy hai khía cạnh bổ túc cho nhau. Một đàng, theo định nghĩa của Boethius, và thần học Kinh viện đã lấy lại định nghĩa này, ngôi vị là một “bản thể cá biệt có bản tính biết suy lý”[9]. Nó nói đến tính độc nhất của một chủ thể có tính hữu thể, một hữu thể có bản tính linh thiêng, có một phẩm giá và quyền tự trị, được thể hiện qua việc biết chính mình và tự do làm chủ các hành vi của mình. Đàng khác, ngôi vị còn được biểu lộ nơi khả năng bước vào tương quan: ngôi vị bày tỏ hành vi của mình trong trật tự của tương quan liên chủ thể và của sự hiệp thông trong tình yêu.

68. Ngôi vị (person) không đối nghịch với bản tính (nature). Ngược lại, ngôi vị và bản tính là hai khái niệm bổ túc cho nhau. Một đàng, mỗi nhân vị (human person) là sự hiện thực duy nhất của bản tính người (human person), được hiểu theo nghĩa siêu hình. Đàng khác, trong những chọn lựa tự do để đáp lại lời mời gọi duy nhất và siêu việt trong hoàn cảnh cụ thể “ở đây và lúc này”, nhân vị nhận lấy những định hướng mà bản tính chỉ ra. Thực vậy, bản tính đặt ra những điều kiện để sử dụng tự do và chỉ ra một định hướng cho những chọn lựa mà ngôi vị phải thực hiện. Vì vậy, khi xem xét bản tính khả tri của mình, ngôi vị khám phá ra những cách thức để thành toàn chính mình.

3. 3. Tự nhiên, con người và Thiên Chúa: từ hoà hợp đến đối lập

69. Khái niệm luật tự nhiên giả định quan niệm rằng bản tính mang một thông điệp đạo đức cho con người và là một chuẩn mực luân lý tiềm tàng mà lý trí con người có thể thực hiện. Vì vậy, vũ trụ quan này, theo đó giáo thuyết về luật tự nhiên đã được khai triển và có giá trị cho đến ngày nay, hàm ý một xác tín hợp lý rằng có ba thực tại- Thiên Chúa, con người và tự nhiên, hoà hợp với nhau. Theo nhãn quan này, thế giới được hiểu như một toàn thể khả tri, được hợp nhất bởi một điểm quy chiếu chung của các hữu thể, chúng tạo nên thế giới theo một nguyên lý có nguồn gốc thần linh, tức là theo Logos. Vượt qua một Logos phi ngôi vị và nội tại do phái Khắc kỷ khám phá và được các khoa học hiện đại về tự nhiên giả định, Kitô giáo khẳng định có một Logos ngôi vị siêu việt và là Đấng sáng tạo. “Không phải là các yếu tố của vũ trụ, các định luật của vật chất rốt cuộc điều khiển thế giới và loài người, nhưng là một Thiên Chúa ngôi vị điều khiển các vì tinh tú, tức là vũ trụ; không phải các định luật của vật chất và sự tiến hoá là tiếng nói sau cùng, mà là lý trí, ý muốn và tình yêu – một Ngôi vị”[10]. Logos ngôi vị thần linh, Đấng khôn ngoan và Lời Thiên Chúa, không chỉ là nguồn gốc và kiểu mẫu siêu việt khả tri của vũ trụ, mà còn là Đấng gìn giữ nó trong tính duy nhất hài hoà và dẫn dắt nó tới cùng đích của nó[11]. Nhờ các nguồn lực mà Đấng Lời sáng tạo đã ghi khắc nơi phần sâu xa nhất của các hữu thể, Người hướng chúng tới sự thành toàn của chúng. Sự định hướng năng động này không gì khác hơn là sự cai quản của Thiên Chúa, hiện thực trong thời gian kế hoạch mà Thiên Chúa đã quan phòng, tức là luật vĩnh cửu.

70. Theo cách của mình, mọi thụ tạo đều được dự phần vào Logos. Bởi vì con người được định nghĩa là có lý trí hoặc logos, nên họ được dự phần vào Logos một cách trổi vượt. Thực vậy, nhờ lý trí, con người có khả năng nội tâm hoá một cách tự do những ý định của Thiên Chúa, được biểu lộ nơi bản tính của các sự vật. Con người diễn tả chúng cho chính mình dưới hình thức luật luân lý; luật đó thôi thúc và định hướng hành vi của con người. Theo nhãn quan này, con người không phải là “kẻ xa lạ” với tự nhiên. Trái lại, con người duy trì mối liên hệ thân thuộc với vũ trụ, dựa trên sự tham phần chung vào Logos của Thiên Chúa.

71. Vì những lý do lịch sử và văn hoá khác nhau, chúng có liên hệ cách đặc biệt với cuộc cách mạng tư tưởng vào cuối thời Trung cổ, vũ trụ quan này đã mất đi ưu thế văn hoá của nó. Bản tính của các sự vật không còn là luật hiện hữu cho con người hiện đại và không còn là điểm quy chiếu cho đạo đức học. Trên bình diện siêu hình, sự thay đổi từ quan niệm về tính đơn nghĩa của hữu thể (univocity of being: cho rằng những hạn từ dùng để mô tả những thuộc tính của Thiên Chúa thì có cùng một nghĩa khi chúng được sử dụng để mô tả về con người và các sự vật, ngay cả khi Thiên Chúa thì rất khác) thành quan niệm loại suy về hữu thể (analogy of being) và rồi thuyết duy danh (nominalism) đã làm suy yếu những nền tảng của giáo thuyết về tạo dựng như sự tham phần vào Logos, là giáo thuyết trình bày về tính duy nhất nào đó giữa con người và tự nhiên. Vì vậy, thuyết duy danh của William Ockham đã giản lược vũ trụ thành một sự sắp đặt cận kề nhau (juxtaposition) của những thực tại riêng lẻ mà không có độ sâu, bởi vì mọi vũ trụ thực hữu, tức là mọi nguyên lý liên hệ giữa các hữu thể, bị kết án là sự hư cấu của ngôn ngữ. Trên bình diện nhân học, sự phát triển của thuyết duy ý chí và việc đề cao tính chủ thể trong tương quan, được xác định bởi tự do “trung lập” trước mọi xu hướng tự nhiên, đã tạo nên hố phân cách giữa chủ thể người và tự nhiên. Từ đó trở đi, một số người cho rằng về cơ bản tự do của con người là tin rằng cái mà con người là do bản tính thì chẳng là gì cả. Vì vậy, chủ thể không nên quy gán bất cứ ý nghĩa nào cho cái mà họ không tự ý chọn và phải tự quyết về những gì con người là. Như thế, con người hiểu hơn về chính mình như một denatured animal”, một hữu thể “anti-natural”, càng khẳng định chính mình bao nhiêu thì càng chống lại bản tính bấy nhiêu. Theo đó, văn hoá, nét đặc trưng của con người, được định nghĩa không còn phải là sự nhân bản hóa hoặc sự hiển dung của bản tính nhờ tinh thần, mà như một sự phủ định thuần tuý và đơn thuần về bản tính. Những khai triển như trên về cơ bản đã khiến cho thực tại bị chia tách thành ba phần riêng biệt; đúng hơn thành những phần đối nghịch nhau: tự nhiên, con người và Thiên Chúa.

72. Với sự lu mờ của siêu hình học về hữu thể, mà chỉ mình nó mới có thể cung cấp một nền tảng của lý trí cho tính duy nhất phân biệt giữa những thực tại tinh thần và những thực tại vật chất, và với sự phát triển của thuyết duy ý chí, lãnh vực tinh thần đối nghịch một cách sâu xa với lãnh vực tự nhiên. Tự nhiên không còn được kể là sự hiển dung của Logos, mà như một “cái khác” với tinh thần. Tự nhiên bị giản lược thành lãnh vực của tính thể lý và tất yếu, và của tính thể lý không có độ sâu, bởi vì thế giới của các vật thể được đồng hóa với trương độ, tất nhiên nó được điều khiển bởi các định luật toán học khả tri, mà không hề có bất cứ một mục tiêu hay cứu cánh nội tại nào. Vật lý học của Descartes, sau đó là của Newton, đã phổ biến hình ảnh về một loại vật chất “thô”, thụ động tuân theo những định luật tất định phổ quát mà Tinh Thần thần linh áp đặt lên nó và lý trí con người có thể nhận biết và điều khiến nó một cách hoàn hảo[12]. Chỉ con người mới có thể cho khối vật chất vô định hình và vô nghĩa này một ý nghĩa, rồi thiết kế và nhào nặn nó theo những mục đích của mình nhờ kỹ thuật. Tự nhiên không còn là thầy dạy về cuộc sống và sự khôn ngoan, thay vào đó nó trở thành không gian nơi con người khẳng định sức mạnh Prômêtê của mình. Nhãn quan này dường như đề cao tự do của con người, nhưng thực chất, khi đặt tự do đối nghịch với tự nhiên, thì tự do của con người đã bị tước đi mọi chuẩn mực khách quan cho hiện hữu của mình. Điều này dẫn tới quan niệm về sự sáng tạo các giá trị của con người một cách hoàn toàn tuỳ tiện; đúng hơn dẫn đến chủ nghĩa hư vô, thuần tuý và đơn giản.

73. Trong bối cảnh này, khi tự nhiên không còn tiềm ẩn bất cứ sự hợp lý nội tại mang tính cứu cánh nào và dường như nó mất đi tất cả những nét gần gũi hoặc tương đồng với thế giới tinh thần, thì sự chyển tiếp từ tri thức về cấu trúc của hữu thể đến bổn phận luân lý, vốn phát xuất từ tri thức đó, trở nên điều hoàn toàn không thể và rơi vào sự chỉ trích về “naturalistic fallacy[13]David Hume đã chỉ ra, và sau đó là George Edward Moore trong tác phẩm Principia Ethica(1903). Điều thiện hảo đã bị tách khỏi hữu thể và khỏi chân lý. Đạo đức học bị tách khỏi siêu hình học.

74. Cuộc cách mạng trong cách hiểu về tương quan giữa con người và tự nhiên còn cho thấy sự hồi sinh của nhị nguyên thuyết về nhân học: đặt tinh thần đối nghịch với thân xác, bởi vì theo một nghĩa nào đó, thân xác là “tự nhiên” trong mỗi chúng ta[14]. Thuyết nhị nguyên này được biểu hiện qua việc từ chối nhìn nhận bất cứ ý nghĩa nhân học và đạo đức nào nơi những xu hướng tự nhiên, có trước những chọn lựa của lý trí mỗi người. Thân xác, bị coi là một thực tại ngoại tại đối với chủ thể, trở nên một “cái có” thuần tuý, một đối tượng được nhào nặn bởi kỹ thuật theo những lợi ích cá nhân của chủ thể[15].

75. Hơn nữa, do xuất hiện một quan niệm siêu hình cho rằng hành vi của con người và của Thiên Chúa cạnh tranh nhau – bởi vì hai loại hành vi này được hiểu một cách đơn nghĩa (univocal) và được đặt trên cùng một bình diện, thật sai lầm – sự khẳng định hợp pháp về quyền tự trị của con người dẫn đến việc loại Thiên Chúa ra khỏi phạm vi chủ thể tính của con người. Mọi quy chiếu vào một chuẩn mực nào đó phát xuất từ Thiên Chúa hoặc từ tự nhiên, biểu lộ sự khôn ngoan của Thiên Chúa, tức là mọi hình thức “ngoại trị” (heteronomy), được hiểu như đe doạ quyền tự trị của chủ thể. Vì vậy, khái niệm luật tự nhiên dường như không còn phù hợp với phẩm giá đích thực của chủ thể.

3. 4. Những cách thức hướng tới sự hoà giải

76. Để lấy lại tất cả ý nghĩa và sức mạnh cho khái niệm luật tự nhiên như nền tảng cho nền đạo đức phổ quát, cần phải có một nhãn quan khôn ngoan, thuộc trật tự siêu hình đích thực, có khả năng bao quát cả Thiên Chúa, vũ trụ và con người, để hoà giải ba thực tại đó trong tính duy nhất loại suy của hữu thể, nhờ quan niệm về tạo dựng như sự tham phần.

77. Trước hết, về cơ bản, cần phải phát triển khái niệm không-cạnh tranh trong mối liên hệ giữa tính nguyên nhân của Thiên Chúa và tính tự do hành động của chủ thể người. Con người đạt tới sự thành toàn bằng cách tự do đặt mình vào trong sự quan phòng của Thiên Chúa, và không chống lại hành động này. Con người có đặc quyền là nhờ lý trí, khám phá những nguồn lực tự sâu xa mà chúng xác định bản tính của mình, rồi đảm nhận và tự do điều khiển những nguồn lực này hướng tới sự thành toàn của chúng. Thực vậy, bản tính con người được xác định bởi một tập hợp gồm toàn thể các nguồn lực, các khunh hướng và các xu hướng nội tại, rồi từ đó, tự do phát sinh. Tự do (freedom) thực sự giả định rằng ý chí con người được “kích hoạt” bởi ước muốn tự nhiên về điều tốt và về cứu cánh tối hậu. Rồi khả năng chọn lựa (free will) được sử dụng để chọn lựa những mục tiêu hữu hạn giúp đạt tới cứu cánh. Trong tương quan với những điều tốt này, chúng cuốn hút chứ không định đoạt ý chí, con người vẫn có quyền chọn lựa của mình nhờ lý trí tự bẩm sinh rộng mở trước Sự Thiện Hảo tuyệt đối. Vì thế, tự do không phải là kẻ tuyệt đối tự-tạo dựng chính mình, đúng hơn nó là một phẩm chất tuyệt hảo của mọi chủ thể người.

78. Triết học về bản tính, lưu ý tới khả năng nhận thức về thế giới khả giác, và đặc biệt là siêu hình học về tạo dựng, giúp chúng ta vượt qua cám dỗ của nhị nguyên thuyết và ngộ đạo thuyết: loại bỏ bản tính rồi coi thường luân lý. Với nhãn quan này, điều quan trọng là cần phải vượt qua nhãn quan giản lược hóa tự nhiên, bị ảnh hưởng bởi sự thống trị của văn hoá kỹ thuật, để tái khám phá sứ điệp luân lý tiềm tàng nơi tự nhiên, như công trình của Logos.

79. Tuy nhiên, việc phục hồi tự nhiên và tính thể lý trong đạo đức không tương đương với bất cứ loại physicalism (cho rằng mọi sự vật đều là vật chất; không có gì khác hơn ngoài vật chất) nào. Thực vậy, một số lối trình bày hiện đại về luật tự nhiên đã quyết liệt phủ nhận sự hợp nhất cần thiết các xu hướng tự nhiên vào trong tính duy nhất của nhân vị. Bỏ qua việc xem xét tính duy nhất của nhân vị, họ tuyệt đối hoá các xu hướng tự nhiên của các “phần” khác nhau của bản tính con người, sắp đặt chúng cạnh nhau nhưng không theo một hệ trật và bỏ qua việc hòa nhập chúng vào trong tính duy nhất của toàn thể, kế hoạch riêng của chủ thể. Như Đức Gioan Phaolô II giải thích, “các xu hướng tự nhiên chỉ nhận được phẩm chất luân lý khi chúng liên hệ tới nhân vị và sự thành toàn đích thực của nhân vị”[16]. Vì vậy, hiện nay điều quan trọng là cần phải đồng thời nắm vững hai điều sau đây. Một đàng, chủ thể người không phải là một tập hợp hoặc sự cận kề của các xu hướng tự nhiên khác nhau và tự trị, mà là một toàn thể có tính bản thể và ngôi vị, được mời gọi đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và kết hiệp với Người nhờ chấp nhận định hướng của Người nhắm tới cùng đích tối hậu; cứu cánh này sắp đặt thành một hệ trật các điều tốt “thành phần”, được biểu hiện qua các xu hướng tự nhiên khác nhau. Sự hợp nhất các xu hướng tự nhiên này hoà hợp với những mục tiêu cao cả của tinh thần, tức là nhân bản hóa các nguồn lực được ghi khắc nơi bản tính con người, không hề biểu hiện một hành vi bạo lực nào đối với chúng dưới bất cứ hình thức nào. Trái lại, đó là sự thành toàn của một lời hứa đã được ghi khắc nơi chúng[17]. Chẳng hạn, giá trị tinh thần cao cả, được biểu hiện qua hành vi trao hiến bản thân trong tình yêu vợ chồng, đã được ghi khắc nơi chính bản tính của thân xác có giới tính; trong sự hiện thực hóa giá trị tinh thần này, chúng ta nhận ra ý nghĩa tối hậu của thân xác đối với hiện hữu. Đàng khác, nơi toàn thể cấu trúc này, mỗi phần có một ý nghĩa riêng và không thể bị giản lược, điều này cần phải được lưu ý khi đề ra một kế hoạch tổng thể của con người. Vì vậy, giáo thuyết về luật luân lý tự nhiên phải đồng thời khẳng định vai trò trung tâm của lý trí trong việc hiện thực hoá kế hoạch sống của con người, và cả tính bền vững và ý nghĩa riêng của các xu hướng tự nhiên tiền-lý tính[18].

80. Ý nghĩa luân lý của các nguồn lực tự nhiên tiền-lý tính được trình bày rõ ràng trong giáo huấn về những tội chống lại bản tính. Chắc chắn, mọi tội đều chống lại bản tính theo nghĩa chống lại lý trí ngay thẳng và cản trở sự tiến triển đích thực của nhân vị. Tuy nhiên, có một số hành vi được mô tả một cách đặc biệt như là những tội chống lại bản tính theo nghĩa chúng trực tiếp đối nghịch với ý nghĩa khách quan của các nguồn lực tự nhiên mà chủ thể phải đảm nhận trong tính duy nhất của đời sống luân lý[19]. Chẳng hạn, chủ ý tự tử là đi ngược lại xu hướng tự nhiên là bảo tồn và làm phong nhiêu hiện hữu. Một số thực hành tính dục trực tiếp chống lại những mục tiêu của việc sinh sản được ghi khắc nơi thân xác có giới tính của con người. Vì thế, chúng cũng chống lại những giá trị liên nhân vị; các giá trị này cổ võ một đời sống tính dục có trách nhiệm và đầy tính nhân văn.

81. Nguy cơ của việc tuyệt đối hoá tự nhiên, giản lược nó chỉ thuần tuý là một cấu trúc vật lý hoặc sinh học, và nguy cơ của việc gạt bỏ ơn gọi nội tại của tự nhiên, mà nó phải được hoà nhập vào kế hoạch của tinh thần, là một mối đe doạ đối với một số xu hướng căn bản của sự vận động của hệ sinh thái hiện nay. Việc con người khai thác tự nhiên một cách thiếu trách nhiệm, chỉ tìm kiếm lợi ích kinh tế, và những nguy cơ do sự khai thác này gây ra cho bầu khí quyển, thật chính đáng chất vấn lương tâm con người. Tuy nhiên, sinh thái học bề sâu (deep ecology)[20]lại là một phản ứng quá khích. Nó đề cao sự bình đẳng giữa các loài sinh vật, đến mức không còn nhìn nhận bất cứ vai trò đặc biệt nào của con người, và nghịch lý là, điều này làm suy giảm trách nhiệm của con người đối với hệ sinh thái mà con người là một thành phần. Quá khích hơn nữa, một số ý kiến ví con người như một loại virus phá hoại, đe dọa sự toàn vẹn của tự nhiên, và họ không nhìn nhận bất cứ ý nghĩa và giá trị nào của con người trong hệ sinh thái. Như vậy, người ta đi đến một hình thức độc tài mới, loại trừ hiện hữu của con người trong tính đặc thù của nó và kết án sự tiến bộ hợp pháp của nhân loại.

82. Không thể có câu trả lời thoả đáng cho những vấn đề phức tạp của sinh thái học nếu không đặt chúng vào trong khuôn khổ của sự hiểu biết sâu xa về luật tự nhiên, nó đặt giá trị vào trong mối liên hệ giữa con người, xã hội, văn hoá và sự cân bằng của lãnh vực sinh-vật lý học, nơi đây nhân vị trở nên cụ thể. Một sinh thái học toàn vẹn phải cổ võ những gì là đặc thù của con người và tất cả các giá trị của thế giới tự nhiên trong tính toàn vẹn vật lý và sinh học của nó. Thực vậy, con người, một hữu thể luân lý tìm kiếm chân lý tối hậu và điều thiện hảo tối hậu, trổi vượt môi trường họ đang sống, sở dĩ họ làm được như thế là vì họ chấp nhận một sứ vụ đặc biệt là cai quản thế giới tự nhiên, sống hoà hợp với nó, và bảo vệ các giá trị của sự sống mà nếu không có chúng thì con người và cũng như hệ sinh thái của hành tinh này không thể tồn tại (x. St 2, 15). Sinh thái học toàn vẹn này kêu gọi tất cả mọi người và mọi cộng đồng một trách nhiệm mới. Trách nhiệm đó không thể tách khỏi một định hướng chính trị toàn cầu là tôn trọng những đòi hỏi của luật tự nhiên.

***************

Tìm Kiếm Một Nền Đạo Đức Phổ Quát: Một Nhãn Quan Mới Về Luật Tự Nhiên – phần cuối

 

 

 


[1] Chẳng hạn, tâm lý học thực nghiệm nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện năng động của cả người cha và người mẹ đối với sự phát triển hài hoà tính cách của đứa trẻ, và vai trò quyết định của thẩm quyền của người cha đối với sự hình thành căn tính của đứa trẻ. Lịch sử chính trị đề nghị rằng tất cả mọi người được tham gia vào những quyết định liên quan đến toàn thể cộng đồng, cách chung là yếu tố tạo sự bình an trong xã hội và sự ổn định chính trị.

[2] Ở mức độ thứ nhất này, đôi khi sự diễn tả về luật tự nhiên tách khỏi sự quy chiếu rõ ràng về Thiên Chúa. Chắc chắn, rộng mở trước siêu việt là một phần của đời sống đức hạnh, là mong muốn của một người trưởng thành thực sự, nhưng Thiên Chúa chưa được nhìn nhận một cách thiết yếu như nền tảng và nguồn của luật tự nhiên, cũng như cứu cánh tối hậu, mà nó thúc đẩy và sắp đặt thành một hệ trật các loại hành vi đức hạnh khác nhau. Việc thiếu nhìn nhận rõ ràng về Thiên Chúa như chuẩn mực luân lý tối hậu dường như cản trở sự tiếp cận có tính “kinh nghiệm” về luật tự nhiên, để xây dựng một học thuyết luân lý đích thực.

[3] Bônaventura, Commentarius in Ecclesiasten, cap. 1 (“Opera omnia, VI”, ed. Quaracchi, 1893, p. 16): “Verbum divinum est omnis creatura, quia Deum loquitur”.

[4]x. Tôma Aquinô, S. Th. I-II, q. 91, a. 1: “Luật không gì khác hơn là một mệnh lệnh của lý trí thực tiễn nơi người lãnh đạo, quản trị một cộng đoàn tốt đẹp. Mà đây là điều hiển nhiên, nếu như thế giới được điều khiển bởi sự quan phòng Thiên Chúa […], rằng toàn thể cộng đồng vũ trụ được điều khiển bởi lý trí của Thiên Chúa. Vậy, kế hoạch cai quản muôn loài ở nơi Thiên Chúa, Đấng điều khiển vũ trụ, có khía cạnh của luật. Và bởi vì kế hoạch của Thiên Chúa không được quan niệm trong thời gian, mà từ vĩnh cửu […]; vì vậy, luật như thế phải được gọi là luật vĩnh cửu” (Nihil est aliud lex quam quoddam dictamen practicae rationis in principe qui gubernat aliquam communitatem perfectam. Manifestum est autem, supposito quod mundus divina providentia regatur […], quod tota communitas universi gubernatur ratione divina. Et ideo ipsa ratio gubernationis rerum in Deo sicut in principe universitatis existens, legis habet rationem. Et quia divina ratio nihil concipit ex tempore, sed habet aeternum conceptum […], inde est quod huiusmodi legem oportet dicere aeternam).

[5] x. Tôma Aquinô, S. Th. I-II, q. 91, a. 2: “Unde patet quod lex naturalis nihil aliud est quam participatio legis aeternae in rationali creatura”.

[6] x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor, số 41: “Giáo thuyết về luật tự nhiên như nền tảng của đạo đức có thể tiếp cận nhờ lý trí tự nhiên. Lịch sử chứng minh điều này. Nhưng thực tế, giáo thuyết này chỉ đạt tới mức độ trưởng thành đầy đủ dưới ảnh hưởng của mặc khải Kitô giáo. Đúng hơn, sự hiểu biết về luật tự nhiên như sự tham phần vào luật vĩnh cửu được nối kết mật thiết với siêu hình học về tạo dựng. Mà cuộc tạo dựng, mặc dù triết học có thể tiếp cận, chỉ có thể được trình bày và giải thích một cách đích thực dưới ảnh hưởng của thuyết độc thần của Kinh Thánh. Và bởi vì Mặc Khải, chẳng hạn qua Thập Giới, giải thích, khẳng định, thanh tẩy và kiện toàn những nguyên lý nền tảng của luật tự nhiên”.

[7] Chẳng phải là thuyết tiến hóa, muốn giản lược các loài thành một sự cân bằng bếp bênh và tạm thời trong dòng chảy tiến hóa, đã triệt để đặt vấn đề về khái niệm bản tính? Thực vậy, bất cứ giá trị nào của loài xét trên bình diện mô tả sinh học có tính thực nghiệm, thì khái niệm về loài đáp ứng đòi hỏi thường hằng của triết học khi giải thích về các sinh vật. Chỉ khi viện dẫn nét đặc trưng mô thể, không thể giản lược thành một tổng thể các thuộc tính chất thể, mới giúp chúng ta hiểu được chức năng nội tại của cơ thể sinh vật, được kể như một toàn thể chặt chẽ.

[8] Giáo thuyết thần học về tội nguyên tổ đặc biệt nhấn mạnh đến tính duy nhất thực sự của bản tính con người. Điều này không thể bị giản lược thành một sự trừu tượng đơn thuần hoặc thành một tổng thể các thực tại riêng lẻ. Đúng hơn, nó ám chỉ một toàn thể bao trùm tất cả mọi người có chung một vận mệnh. Một thực tế đơn giản là, khi được sinh ra, chúng ta được đặt vào trong những mối liên hệ lâu dài của sự liên đới với tất cả những người khác.

[9]Boethius, Contra Eutychen et Nestorium, c. 3 [PL 64, col. 1344]: “Persona est rationalis naturae individua substantia”. x. Bonaventura, Commentaria in librum I Sentantiarum, d. 25, a. 1, q. 2; Tôma Aquinô, S. Th. I, q. 29, a. 1.

[10] Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe salvi, số 5.

[11] x. Athanasiô Alessandria, Traité contre les païens, 42 [Sources chrétiennes, 18, 195]): “Như người nhạc sĩ kết hợp hài hoà đàn lia với tài nghệ của mình, kết hợp các nốt trầm bổng, các nốt chủ âm với các nốt khác, tạo nên một giai điệu duy nhất, thì cũng vậy, Sự Khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngôi Lời, ôm bên mình vũ trụ tựa như đàn lia, Người liên kết các hữu thể trong không trung với các hữu thể trên mặt đất, các hữu thể trên vòm trời với các hữu thể của trái đất, liên kết các phần lại với nhau, dẫn dắt tất cả theo mệnh lệnh và thánh ý của Người; như vậy, tạo nên chỉ một thế giới và chỉ một trật tự thế giới trong vẻ đẹp và hài hoà”.

[12] Physis của người xưa, nói đến sự hiện hữu của một cái không- hữu (non-being) nào đó (vật chất), bảo đảm cho tính thay đổi của các thực tại trần thế và chống lại tham vọng của lý trí con người muốn áp đặt lên toàn thể thực tại một trật tự tất định thuần tuý lý tính. Như thế, nó bỏ ngỏ cho khả thể con người tự do hành động một cách hữu hiệu trong thế giới.

[13]Thuật ngữ “naturalistic fallacy” do triết gia người Anh, George Edward Moore (1873-1958) trình bày trong tác phẩm Principia Ethica(1903), để phi bác quan niệm cho rằng điều phù hợp với tự nhiên thì luôn tốt/đúng, còn ngược lại, điều không phù hợp với tự nhiên thì xấu/sai. Thuật ngữ này liên quan đến vấn đề về “is-ought” của David Hume (1711-1776), một triết gia người Scotland. Ông đã phản bác quan niệm “is-ought”, nghĩa là luật đạo đức – cái phải làm, được lẩy ra từ tự nhiên – cái là. (Ctnd)

[14] x. Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình, số 19: “Triết gia phát biểu nguyên lý “cogito, ergo sum” (tôi suy tư, tôi hiện hữu), đã đóng ấn lên quan niệm hiện đại về con người tính nhị nguyên phân biệt. Nét đặc thù của thuyết duy lý (rationalism) là triệt để đặt đối lập giữa tinh thần và thân xác nơi con người. Trái lại, con người là một nhân vị trong tính duy nhất của thân xác và tinh thần. Thân xác không thể bị giản lược chỉ là vật chất thuần tuý: nó là một thân xác “được tinh thần hóa”; cũng thế, tinh thần của con người kết hợp sâu xa với thân xác nên con người được mô tả như là một tinh thần “được nhập thể”.

[15] Học thuyết về giới tính, nó từ chối mọi ý nghĩa nhân học và đạo đức đối với sự khác biệt tự nhiên về giới, được trình bày theo nhãn quan nhị nguyên này. x. Ủy ban Giáo lý đức tin, Thư gửi các giám mục Hội thánh Công giáo về sự cộng tác của người nam và người nữ trong Giáo Hội và thế giới, số 2: “Để tránh sự thống trị của giới này hoặc giới kia, sự khác biệt về giới đã bị phủ nhận, nó được kể như là những hệ quả của lịch sử và văn hoá điều kiện hóa. Theo sự bình đẳng này, sự khác biệt về thể lý, được gọi là giới tính, đã bị tối giản, trong khi đó yếu tố thuần túy văn hóa, được gọi là loài, lại được nhấn mạnh hết mức và được kể là yếu tố trên hết. […] Trong khi căn nguyên trực tiếp của xu hướng này phát xuất từ vấn đề về phụ nữ, thì động cơ sâu xa của nó là người ta muốn tìm cách thoát khỏi sự điều kiện hóa của sinh học. Theo nhãn quan nhân học này, bản tính con người tự nó không có những đặc tính bó buộc tuyệt đối: tất cả mọi người có thể và phải tự quyết về chính mình như họ muốn, bởi vì họ được tự do thoát khỏi mọi sự tiền định, liên quan đến thể trạng chính yếu của họ”.

[16] Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor, số 50.

[17] Trách nhiệm nhân bản hóa tự nhiên nơi con người không tách khỏi trách nhiệm nhân bản hóa tự nhiên ngoại ta. Trách nhiệm luân lý này biện hộ cho những nỗ lực của con người để thoát khỏi những ràng buộc của tự nhiên thể lý xét ở mức độ chúng cản trở sự phát triển các giá trị đích thực của con người. Cuộc chiến chống lại bệnh tật, đề phòng các tai ương tự nhiên, cải thiện điều kiện sống là những việc làm mà tự thân chúng làm chứng cho sự vĩ đại của con người, là được mời gọi làm đầy mặt đất và thống trị nó (x. St 1, 28). x. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et spes, số 57.

[18] Chống lại mối đe doạ của physicalism và khẳng định một cách đúng đắn vai trò quyết định của lý trí khi trình bày về luật tự nhiên, một số lý thuyết hiện nay về luật tự nhiên đã bỏ qua, đúng hơn từ chối, ý nghĩa luân lý của các nguồn lực tự nhiên tiền-lý tính. Luật tự nhiên chỉ được gọi là “tự nhiên” khi nó quy chiếu lý trí, lý trí sẽ xác định tất cả những gì thuộc bản tính con người. Vì thế, tuân theo luật tự nhiên bị giản lược thành hành động một cách hợp lý, tức là áp dụng cho toàn thể các hành vi một ý tưởng đơn nghĩa của sự hợp lý, phát xuất chỉ từ lý trí thực tiễn. Điều này có nghĩa là đồng hoá cách sai lầm tính hợp lý của luật tự nhiên với tính hợp lý của chỉ duy lý trí mà không kể đến tính hợp lý nội tại nơi tự nhiên.

[19]x. Tôma Aquinô, S. Th. II-II, q. 154, a. 11. Khi đánh giá tính luân lý của các tội chống lại bản tính thì không chỉ xét đến tính nghiêm trọng khách quan của chúng, mà còn phải xét đến các xu hướng chủ quan – thường hay bị giản lược – của những người đã thực hiện các tội đó.

[20]Nd: Triết gia A. Naiess đã đề xuất một lý thuyết đạo đức môi trường mới, được gọi là sinh thái học bề sâu (deep ecology) với mục đích: đòi một quyền cho thế giới tự nhiên vì phúc lợi của chính nó, chứ không phải vì lợi ích trước hết của con người; bảo vệ thế giới tự nhiên vì chính nó, chứ không phải bảo vệ nó tốt hơn để lợi ích của con người được nhiều hơn. A. Naiess gọi những quan niệm khác về môi trường và đạo đức môi trường là sinh thái học bề mặt (shallow ecology), vì chúng không tiếp cận được thực chất mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên. (x. www. tamly. com. vn/home/?act=News-Detail-s-11-767).