Hành Vi Nhân Linh (1)

0
9364


Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang,
Giáo sư bộ môn Luân Lý: Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Trung Tâm Học Vấn Đaminh.

Viết theo:
1. “Luân lý thần học cơ bản” của Linh mục JB. Bùi Châu Thi, ĐCV Sàigòn, 1963-1964.
2. “Luân lý cơ bản Kitô giáo” của Linh mục Nguyễn Bình Tĩnh, Nxb, Thuận hóa, 1994.
3. “Christian Ethics”, Vol. I : General Moral Theology, của Karl H. Peschke, SVD,1986.
4. “Reason informed by Faith” Foundation of Catholic Morality của Richard M. Gula, SS, New York, PauliSt. Press, 1989, với hai chương:
a. “Freedom and Knowledge”, trg 75-88.
b. “The Morality of Human Action”, trg 256-282.
—————————-

Người Kitô hữu vẫn thường tự hỏi: khi đối diện với Thánh ý Chúa đang mời gọi mình, trong mức độ nào tôi có khả năng khẳng định lập trường hay có thái độ chọn lựa cách tự do thực sự? Rồi trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, về mặt luân lý, tôi có thể đánh giá việc làm, hành vi của tôi như thế nào? Đây là những vấn đề ta sẽ đề cập tới trong chương này.

I. HÀNH VI NHÂN LINH LÀ GÌ ?

Trước mặt Thiên Chúa là Đấng mời gọi họ, con người đứng trong tư thế là một hữu thể có tự do và trách nhiệm.  Chỉ có tự do và trách nhiệm mới làm cho hành vi của ta thành một hành vi nhân linh đích thực.

1. Người ta phân biệt trong cuộc sống của con người có:

a. Hành vi nhân sinh (actus hominis) là hành vi chung cho mọi người như ăn uống, ngủ nghỉ, hít thở chẳng hạn. Hành vi loại này bao gồm tất cả những quá trình cảm giác và sinh học tự nhiên, nó được thực hiện nơi con người, không cần có sự can thiệp của lý trí và tự do.

b. Hành vi nhân linh (actus humanus) là hành vi được con người thực hiện với tư cách là một chủ thể có ý thức và tự do.

2. Quan điểm của Thánh Tôma Aquino

a. Với sự phân biệt vừa nêu, quan điểm của thánh Toma định nghĩa hành vi nhân linh như sau: “Hành vi nhân linh là hành vi diễn xuất do trí khôn hiểu biết và lòng muốn thúc đẩy. Nói cách khác là hành vi trong đó con người là chủ thể” (Sum Theo I, II, q 1 , a. 1).

Nói vắn gọn lại, hành vi nhân linh là hành vi phát xuất từ sự nhận thức và ý muốn tự do.

b. Từ đó ta có thể đề cập đến hai yếu tố nền tảng làm nên hành vi nhân linh:

– Yếu tố lý trí. Theo tâm lý bình thường, ý chí con người chỉ quyết định theo một điều gì và tìm kiếm điều ấy một khi đã biết rõ. Đây là vấn đề nhận thức đối tượng. Cho nên trước khi hành vi nhân linh là hành vi của ý chí, thì đương sự đã biết những yếu tố khác nhau trong hành vi đó. Những yếu tố chủ yếu xét theo phương diện nhận thức trong hành vi nhân linh đó là:

+ Nhận biết đối tượng mình mong muốn.

+ Lưu ý tới hành vi mình phải làm để theo đuổi đối tượng ấy.

+ Phán đoán về giá trị của hành vi đó.

– Yếu tố ý chí. Thông thường mọi hành vi tự nguyện đều bao gồm hai yếu tố:

+ Trước tiên là yếu tố tất yếu: theo đuổi điều tốt. Đây được gọi là yếu tố mô thức (formel) của mọi ước muốn nơi con người.

+ Kế đến là yếu tố tự do giúp ta chọn lựa đối tượng cụ thể, qua đó ta có thể tìm được điều tốt. Ta gọi đây là yếu tố chất thể (matériel) của mọi ước muốn nơi con người. Chính yếu tố thứ hai này làm cho hành vi của ta mang tính tự nguyện. Nên một hành vi muốn mang tính chất nhân linh đều phải là một hành vi mang tính tự nguyện. Điều này ngụ ý cho ta thấy chủ thể của hành vi phải được tự do khỏi những áp lực bên ngoài lẫn bên trong.

II. PHÂN LOẠI HÀNH VI NHÂN LINH

1. Thần học luân lý truyền thống thường phân biệt hành vi nhân linh thành nhiều loại khác nhau.

a. – Hành vi trực khởi phát xuất trực tiếp từ lòng muốn và ở nơi lòng muốn như tình cảm thương hay ghét.

– Hành vi gián khởi không phát xuất trực tiếp từ lòng muốn, nhưng do lòng muốn tác động và được thực hiện bởi một quan năng khác như đọc sách, ăn trộm chẳng hạn.

b. – Hành vi nội giới được thực hiện do các quan năng nội tâm và không biểu lộ ra bên ngoài bằng những dấu chỉ khả giác như suy tư chẳng hạn.

– Hành vi ngoại giới được thực hiện bằng những cơ quan hữu hình của thân xác như tập đọc, tập viết.

* Nhưng đôi khi có những hành vi hỗn hợp được thực hiện bằng cả quan năng nội tâm lẫn những cơ quan thể xác bên ngoài như quì gối cầu nguyện.

c. – Hành vi tốt khi nó phù hợp với lẽ phải và với tiêu chuẩn luân lý.

– Hành vi xấu khi đi ngược lại với lẽ phải và tiêu chuẩn luân lý.

* Nhưng nó cũng có thể trở thành trung lập khi tự bản chất nó chẳng tốt và cũng chẳng xấu.

d. – Hành vi tự nhiên được thực hiện do khả năng tự nhiên như ăn, uống, ngủ, nghỉ.

– Hành vi siêu nhiên được thực hiện do những khả năng siêu nhiên như mến Chúa.

e. – Hành vi thành sự được thực hiện theo đúng điều kiện pháp lý và có giá trị pháp lý như kết hôn theo đúng luật Giáo hội hay Dân luật.

– Hành vi bất thành sự được thực hiện không đúng theo điều kiện pháp lý nên không có giá trị pháp lý.

2. Sự hiểu biết tính luân lý của sự việc

Ta vừa nói ở phần trên về yếu tố lý trí là một trong hai yếu tố nền tảng của hành vi nhân linh. Yếu tố lý trí tạo nên sự hiểu biết hay nhận thức là điều kiện trước tiên của hành vi nhân linh. Người ta có thể nói đến sự hiểu biết dưới hai phương diện: hiểu biết sự việc suông và hiểu biết tính luân lý của sự việc. Sự hiểu biết sau được gọi bằng một từ chuyên môn là Hữu thức (Advertance). Người ta có thể khảo sát vấn đề hữu thức dưới nhiều phương diện khác nhau:

a. Về phía chủ thể:

– Hữu thức đầy đủ: Khi trí khôn đương sự biết trọn vẹn công việc mình làm.

– Hữu thức không đầy đủ: Có thể vì một lý do nào đó, đương sự không hiểu biết trọn vẹn công việc mình làm

b. Về phía đối tượng:

– Hữu thức minh bạch: Khi chủ thể của hành vi biết rõ ràng hành vi và tính luân lý của hành vi đó.

– Hữu thức hỗn độn: Khi chủ thể của hành vi hiểu biết lờ mờ công việc mình làm cũng như luân lý tính của sự việc đó.

c. Về phía thời gian:

– Hữu thức hiện tại: Khi chủ thể đang ý thức về việc làm và tính luân lý của sự việc.

– Hữu thức tiềm năng: Khi chủ thể trước đó đã ý thức đầy đủ về việc làm và tính luân lý của sự việc, cho dù lúc đang làm họ không ý thức đầy đủ.

d. Về phía hành động:

– Hữu thức trừu tượng: Khi chủ thể của hành vi hiểu biết điều nào là tốt, điều nào là xấu theo lý thuyết thôi, chớ không xét sự việc đó có liên hệ đến những việc khác.

– Hữu thức thực tiễn: Khi chủ thể của hành vi hiểu biết điều nào là tốt hay xấu xét theo điều đó có liên hệ đến những việc khác.

3. Ý chí đưa đến lòng muốn

Còn yếu tố thứ hai được coi như một yếu tố quyết định trong hành vi nhân linh đó là yếu tố ý chí đưa đến lòng muốn. Các thần học gia luân lý truyền thống đề cập đến hiệu quả của lòng muốn trong phạm vi luân lý như sau:

a. Nhưng trước tiên ta cần phân biệt điều được ước muốn (volitum) được đặt làm đối tượng của ý chí, nhưng không phải lúc nào điều được ước muốn cũng là hậu quả của ý chí: td. tôi vui mừng khi thấy người tôi không ưa bị hại, nhưng chính tôi không đích thân ra tay hại họ.

b. Còn hành vi chủ ý (voluntarium) là hành vi xuất phát từ quyết định tự do của ý chí và là kết quả của ý chí: td tôi quyết ra tay giết người.

* Nhưng cũng có những hành vi không chủ ý khi chúng không xuất phát từ quyết định tự do của ý chí. Thí dụ như đi săn lỡ bắn chết người mà cứ ngỡ mình bắn hạ một con đười ươi chẳng hạn.

c. Cho nên vấn đề chủ ý có thể được khảo sát dưới nhiều phương diện khác nhau.

– Về phương diện phán đoán:

+ Chủ ý hoàn toàn: Khi hành vi được chủ thể thực hiện với đầy đủ sự nhận thức và sự ưng thuận của ý chí.

+ Chủ ý bất toàn: Khi hành vi được thực hiện nhưng đương sự không thấy rõ hết mục đích của việc làm và cũng không ưng thuận hẳn.

* Nhưng vẫn thường có trường hợp chủ thể nhận thức sự việc đầy đủ mà lại không ưng thuận hoàn toàn. Thí dụ như do ảnh hưởng của áp lực hay sợ hãi đương sự hành động với nhận thức đầy đủ nhưng trong lòng lại không ưng thuận hoàn toàn.

– Xét về phương diện biểu lộ:

+ Chủ ý minh nhiên: Khi ai bày tỏ ý muốn của mình bằng những dấu hiện bên ngoài và khả giác như lời nói, cử chỉ, hành động.

+ Chủ ý mặc nhiên: Khi ai có ý định làm một điều gì đó nhưng lại không tỏ dấu hiệu gì ra bên ngoài.

– Xét về phương diện mục đích, đây là một vấn đề mang một tầm mức quan trọng cho việc lượng giá luân lý tính của hành vi nhân linh.

+ Chủ ý trực tiếp hay tự tại (directum hay in se): Khi người ta thực hiện một việc gì để trực tiếp đạt cho được chính mục đích mình nhắm tới. Thí dụ tôi uống thuốc để chữa bệnh.

+ Chủ ý gián tiếp, hay chủ ý trong nguyên nhân còn gọi là tại căn (in causa): Khi người ta thực hiện một việc gì, nhưng không nhắm chính mục đích mà chỉ nhắm những nguyên do hay những hoàn cảnh đưa tới mục đích đó. Thí dụ như giải phẫu tử cung bị ung thư dẫn đến hậu quả là phôi thai bị giết. Ta gọi việc phôi thai bị giết là hậu quả phụ hay hậu quả được muốn gián tiếp, điều này chỉ cho phép xảy ra như một hậu quả không thể tránh được của một hành vi ta đang làm, nhưng ta không trực tiếp muốn hậu quả phụ đó.

* Phân biệt này rất quan trọng trong ý hướng và được dùng làm nền tảng cho nguyên lý song hiệu.

– Xét về phương diện thể cách:

+ Chủ ý tích cực: Khi nó được thể hiện bằng những hành vi cụ thể.

+ Chủ ý tiên cực: Khi nó được thực hiện bằng hành động chối từ, hay bỏ qua không làm: td. như ta đứng nhìn nhà người hàng xóm bị cháy mà không chịu chữa cháy vì ta ghét người ấy.

4. Bây giờ ta nói qua đến định luật luân lý cơ bản về hữu thức và chủ ý gián tiếp.

a. Về hữu thức thì theo những nhà luân lý truyền thống, khi có hữu thức tiềm năng là phải kể như đã đủ để làm thành một hành vi nhân linh: td. có lòng khinh dễ một người dù chính lúc nói những lời khinh bỉ họ ta không hữu thức đầy đủ.

* Khi cử hành một bí tích ta chỉ cần hữu thức tiềm năng là đủ. Thí dụ linh mục có ý định truyền phép mọi bình thánh trên bàn thờ cho dù trong chính lúc truyền phép ngài không thể nhớ tới hết.

* Nhưng đặc biệt riêng bí tích Hôn phối thì lại buộc đôi tân hôn phải có ý hữu thức hiện tại.

b. Về chủ ý gián tiếp. Đây là sự kiện rất thường gặp trong đời sống luân lý, nên để xác định có được phép làm hay không, các nhà thần học luân lý đã chấp nhận những nguyên tắc sau đây: Ta được phép làm một việc có thể phát sinh hậu quả lúc tốt lúc xấu miễn là đủ 4 điều kiện sau đây:

– Bản chất của hành vi tự nó là tốt, hay ít ra là một hành vi trung lập, không tốt cũng không xấu.

– Hậu quả trực tiếp của hành vi đó phải là tốt.

– Mục đích của người thực hiện hành vi đó phải chính đáng

– Có lý do tương đối quan trọng để thực hiện hành vi đó (x. Sum Theo. II, II. Q 64, a.7).

* Nhưng nếu hành vi ấy dễ sinh hậu quả xấu thì người thực hiện hành vi đó càng phải có lý do thực quan trọng.

III. NHỮNG NGUYÊN NHÂN ẢNH HƯỞNG TỚI HÀNH VI NHÂN LINH

Theo cách phân loại hành vi nhân linh nêu trên, ta có thể thấy những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến sự hiểu biết hay đến ý chí tự do và cả những nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng đến hành vi nhân linh.

1. Những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới sự hiểu biết hay nhận thức

a. Vô tri hay không biết

Theo thánh Tôma, vô tri là sự thiếu hiểu biết nơi người có khả năng hiểu biết.

Sự vô tri có thể là tích cực khi đương sự không biết điều mình có phận sự phải hiểu biết, và có thể là tiêu cực khi đương sự không biết điều mình không buộc phải biết    (x. Sum. Theo. I,II, q. 76, a. 2).

Người ta có thể phân loại vấn đề vô tri theo hai phương diện sau đây:

– Xét theo phương diện đối tượng:

+ Vô tri pháp lý: Khi tôi không biết là có luật lệ đối với vấn đề liên hệ.

+ Vô tri sự kiện: Mặc dù biết có luật đối với vấn đề liên hệ, nhưng trong trường hợp cụ thể tôi không biết việc mình đang làm có phải là việc bị luật lệ truyền phải làm hay không.

– Xét về phương diện chủ thể:

+ Vô tri bất khả thắng: còn gọi là sự vô tri vô tội, nghĩa là khi đã vận dụng hết những phương thế thông thường như tra cứu, học hỏi (hoặc không có điều kiện tối thiểu để tra cứu hay học hỏi) mà vẫn không sao rõ được vấn đề cần biết. Theo Thánh Tôma, thì loại vô tri này bị mất đi tính chủ ý của hành vi, do đó cũng mất đi tính trách nhiệm của hành vi.

* Nói cách khác, tôi không thể ước muốn cách tự do điều mà tôi không thể nhận thức được, nên luân lý không thể qui trách nhiệm cho loại hành vi như thế.

+ Vô tri khả thắng: Còn gọi là vô tri tắc trách, nghĩa là nếu tôi vận dụng mọi phương thế thích hợp thông thường thì có thể tránh được sự vô tri (Người ta còn lưu ý là phải cẩn thận trong việc cân nhắc, điều này ngụ ý phải cân nhắc tùy theo người, tùy theo việc và tùy theo nơi) nhưng tôi đã không làm. Sự vô tri này chỉ làm suy giảm tính chủ ý chứ không có khả năng làm mất đi tính luân lý của hành vi.

* Nói cách khác, nó chỉ làm giảm khinh phần nào tính trách nhiệm của hành vi mà thôi.

– Chính vì thế, tính hữu trách luân lý nhiều hay ít, tội trạng thành nặng hay nhẹ, điều này còn tùy theo hoàn cảnh:

+ Do sơ suất: Nghĩa là bỏ sót không học hỏi để hiểu biết điều mình đáng lẽ phải biết.

+ Do lười biếng: Nghĩa là không chịu học hỏi điều mình phải học hỏi.

+ Do cố chấp: Nghĩa là cố tình không biết điều mình đáng lẽ phải biết, trong trường hợp này, tính hữu trách của hành vi không được giảm khinh.

b. Sự sai lầm

– Người ta có thể bị sai lầm do không được giáo dục đầy đủ, hay do bị ảnh hưởng của môi trường xấu ở chung quanh, như bạn bè xấu, sách báo phim ảnh xấu, hoặc do những phương tiện truyền thông đại chúng với quy mô rất lớn trên toàn thế giới như phát thanh truyền hình, mạng internet hiện đại ảnh hưởng, chính vì thế mà con người ngày nay thấy mình bị ảnh hưởng công khai hay ngấm ngầm, nhưng rất mạnh mẽ, đó là chưa kể đến mọi thủ thuật tuyên truyền và quảng cáo. Tất cả những điều nêu trên có thể dẫn người ta đến những thành kiến sai lạc hay sai lầm. Những nguồn tin sai lạc đó khiến ta bị cản trở cách nghiêm trọng không thể nhận thức đúng, hay không thể thấy rõ sự thật. Tình trạng này gây trở ngại cho ta trong việc thi hành bổn phận luân lý cách độc lập.

– Để tránh hết sức có thể tình trạng sai lầm, gia đình và cộng đoàn, Giáo hội cần nâng đỡ cá nhân những người Kitô hữu về mặt nhận thức cho thật tốt để giúp họ có ý thức chống lại bầu không khí nguy hại về mặt luân lý (nó thường xuất hiện dưới những vỏ bọc hào nhoáng, dễ chịu, thoải mái và đầy hấp dẫn).

c. Sự không chú ý

Sự không chú ý chỉ tình trạng thiếu hiểu biết một lúc. Nếu đương sự không chú ý tới toàn bộ hành vi mình đang làm, thì khi muốn thẩm định giá trị luân lý hành vi đó, ta cần lưu ý thêm một số những điều kiện sau đây:

– Nếu không chú ý gì hết đến việc mình đang làm, thì hành vi ấy không phải là hành vi nhân linh: td. khi thực hiện một hành vi trong tình trạng say khướt, thì hành vi đó chưa phải là hành vi nhân linh

* (Nhưng nó sẽ trở thành hành vi nhân linh nếu ta đoán trước được những hậu quả xấu do hành vi ấy gây ra, nhưng ta vẫn cứ làm).

– Nếu chỉ chú ý tới một phần hay một nửa những gì ta đang làm thì hành vi ấy sẽ chỉ là một hành vi nhân linh không đầy đủ.

2. Những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới ý chí tự do

Theo thánh Tôma, không có gì lọt vào trí khôn mà lại không qua giác quan. Ngoài lý trí và ý chí ra, tình cảm cũng ảnh hưởng nhiều đến hành vi nhân linh, vì trong thực tế của cuộc sống, ai trong chúng ta cũng cảm nhận được điều đó. Cho nên tình cảm có một mối tương quan chặt chẽ với luân lý tính. Khi khảo sát mối tương quan giữa luân lý và tình cảm, người ta dường như đi sâu vào đời sống luân lý cụ thể. (x. Lacroix, Les Sentiments et la Vie moral, trg 6). Sau đây ta sẽ khảo sát những tình cảm có thể gây trở ngại hay trực tiếp ảnh hưởng tới ý chí tự do.

a. Đam mê

–  Theo nghĩa thông thường: Người ta cho đam mê là một xu hướng thái quá và vô trật tự của ý chí, ta quen gọi là ham mê hay là say đắm. Theo nghĩa này, đam mê thường đồng nghĩa với dục vọng.

– Nhưng theo nghĩa rộng: Đam mê là tất cả những tình cảm của con người phát xuất ra bên ngoài hay tiềm ẩn bên trong. Cho nên ta có thể coi đam mê là tất cả mọi khuynh hướng cảm giác như yêu, ước ao, vui, hy vọng, can đảm khi đứng trước điều tốt; hoặc ghét, chán nản, buồn, thất vọng, sợ hãi khi đứng trước điều xấu. Hiểu như thế đam mê không có nghĩa xấu vì đó là điều Thiên Chúa ban tặng cho ta và nó bộc lộ nơi toàn bộ cuộc sống con người. Nên đam mê gắn liền với bản thân và cuộc sống của ta và giúp con người có khả năng tự vệ, phát triển và hoàn thiện chính mình. Các nhà tâm lý học cho rằng đam mê là một tình cảm có cường độ mạnh và mang tính chất thường xuyên. Nó còn mang tính bá chủ và chuyên nhất vì nó điều khiển mọi tình cảm khác và thu hút mọi ý hướng nơi bản thân qui tụ quanh nó (x. L. Foulquié, Traité élémentaire de Philosophie, I. Psychologie). Đam mê khác với cảm xúc, vì cảm xúc tuy có cường độ mạnh, nhưng lại mang tính chóng qua.

* Vì thế ta không nên hiểu đam mê ở đây theo nghĩa thông thường hay theo nghĩa hạn hẹp, khi nói tới đam mê ta thường liên tưởng đến phương diện tính dục. Cũng không nên hiểu đam mê theo nghĩa thần học với ý nghĩa đam mê là tất cả những khuynh hướng nơi con người chống lại ý muốn của Thiên Chúa.

– Với phân biệt như thế, ta nên lưu tâm đến vấn đề xử dụng đam mê.

+ Tự bản chất, đam mê không có gì là bất chính, nhưng nó còn là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy con người hành động. Thông thường người nào thiếu đam mê bị coi như thiếu nghị lực và hứng thú để phát triển và hoàn thiện chính bản thân mình.

+ Tuy nhiên nếu không được xử dụng cách chính đáng, đam mê sẽ trở thành yếu tố nguy hiểm cho con người, lúc ấy nó sẽ đồng nghĩa với dục vọng như thánh Giacôbê cảnh giác: “Mỗi người có bị cám dỗ là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt” (Gc. 1,14).

– Cuối cùng ta nói qua về việc phân loại đam mê và những nguyên tắc luân lý về đam mê:

+ Ta gọi là đam mê tiền kết là đam mê có trước khi ý chí hoạt động và đồng thời nó lôi kéo ý chí ưng theo. Loại đam mê này gia tăng cường độ của hành động khi ta bị cuốn hút vào hành động cách rất nhiệt tình, nhưng nó có nguy cơ làm suy giảm ý chí và vì thế làm giảm bớt, thậm chí có thể làm mất hẳn tự do (trong trường hợp này người ta có thể rơi vào trạng thái tuân theo đam mê cách mù quáng và tự động).

* Chính vì thế, để thẩm định tính hữu trách của hành vi, ta cần phải xem xét mọi nguyên cớ sinh ra đam mê và những hoàn cảnh trước cũng như sau của người có hành vi đó.

+ Còn ta gọi là đam mê hậu kết là đam mê có sau khi ý chí đã quyết định cách tự do, nên loại đam mê này không làm suy giảm sự tự do, trái lại nó còn chứng tỏ cường độ của ý muốn hành động. Trong trường hợp này chủ thể vẫn hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

* Nhưng một khi loại đam mê này trở nên quá mạnh đến độ ta không còn đủ tự do kiểm soát hành vi của mình nữa, thì tính hữu trách có thể được giảm khinh.

b. Sợ hãi

– Sợ hãi là một trạng thái trong đó tâm trí con người bị co rúm lại trước một sự dữ đang rình chực mình (hay do mình tưởng tượng ra).
Sợ hãi có thể tác động đến lý trí làm cho ta không còn đủ minh mẫn để phán đoán, hay có thể tác động đến ý chí và ảnh hưởng đến quyết định của mình. Cho nên có thể nói tùy theo mình sợ nhiều hay sợ ít mà ta có thể bị mất hẳn tự do hay mất một phần tự do.

– Ta có thể phân loại sợ hãi dưới nhiều góc độ khác nhau:

+ Sợ hãi từ bên trong: Khi nguyên nhân gây ra sợ hãi phát xuất từ nội tâm. Thí dụ thường khi nghĩ đến bệnh tật hay thất bại thì tâm lý ai cũng sợ, trong trường hợp này người sợ hãi vẫn còn tự do.

+ Sợ hãi từ bên ngoài: Khi nguyên nhân gây ra sợ hãi phát xuất bên ngoài và tác động trên con người. Thí dụ một tai nạn hay một lời đe dọa.

+ Sợ hãi trầm trọng: Khi phát xuất từ một nguyên nhân là một sự dữ nghiêm trọng mà ta không tài nào tránh khỏi (* Người ta có thể xếp loại sợ hãi do vị nể vào loại sợ hãi trầm trọng tương đối thôi).

+ Sợ hãi nhẹ nhàng: Do một sự dữ nghiêm trọng gây ra, nhưng ta có thể tránh được, hay do một sự dữ không nghiêm trọng gây ra.

+ Sợ hãi chính đáng: Do một nguyên nhân chính đáng gây ra. Thí dụ làm việc trong một bầu không khí tham nhũng, nhân viên sợ bị cấp trên cho nghỉ việc nếu mình cứ tiếp tục sống lương thiện trong khi làm việc.

+ Sợ hãi vì áp lực xã hội: Đây là một hình thức tuy ngấm ngầm nhưng lại rất phổ biến và dưới những hình thức tinh tế vì sống trong xã hội con người ai cũng có nhu cầu được đón nhận, được che chở, được an toàn, nên nhiều khi bị trói buộc theo trào lưu xã hội, không làm không được.

– Bây giờ ta nói đến một vài nguyên tắc luân lý về sự sợ hãi để thẩm định giá trị của hành vi nhân linh.

+ Theo nguyên tắc chung, trước khi hành động mà đương sự bị rơi vào tình trạng sợ hãi quá độ khiến hành vi của họ mất hẳn tự do thì họ không bị quy trách nhiệm. về mặt luân lý.

* Ngoại trừ trường hợp bản chất nội tại của hành vi đó là hoàn toàn xấu. Thí dụ không được vịn cớ sợ chết mà chối đạo, vì chối đạo là một hành vi hoàn toàn xấu tự bản chất.

+ Sự sợ hãi thường làm giảm bớt trọng tính của tội, hoặc làm suy giảm công nghiệp của hành vi vì có phần không muốn trong đó (sự sợ hãi làm cho đương sự muốn một điều mà nếu ở trong tình trạng không sợ, hẳn người ấy sẽ không muốn): td. một người Kitô hữu bị tra tấn khủng khiếp, nên sợ quá độ mà chối đạo thì trọng tính của hành vi này được xét nhẹ hơn với tội chối đạo để thăng quan tiến chức. Hoặc phải tiếp tục chiến đấu tuy rất sợ hãi, vì nếu đào ngũ thì sẽ bị đưa ra toà án binh, trong trường hợp này, công nghiệp của người lính bị giảm đi rất nhiều.

+ Sự sợ hãi quá có thể miễn chuẩn cho ta khỏi thi hành những bổn phận của luật thiết định (luật Giáo hội, hay luật dân sự) và những nghĩa vụ của luật tự nhiên vì theo nguyên tắc sự sợ hãi làm mất khả năng luân lý nên đương sự không bị buộc phải thi hành những luật ấy: td. người Kitô hữu không bị buộc phải đi dâng lễ ngày Chúa nhật khi bị bệnh nặng vì sợ rằng nếu đi dâng lễ trong tình trạng đó thì sức khỏe mình sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Tuy nhiên sự sợ hãi không miễn chuẩn ta khỏi thi hành luật trong trường hợp nếu không thi hành luật thì điều đó sẽ gây thiệt hại cho công ích hay cho các linh hồn. td. có sợ hãi mấy đi chăng nữa, linh mục giải tội cũng không được phép tiết lộ bí mật tòa giải tội.

+ Riêng đối với những luật tự nhiên mang tính phủ định, nghĩa là mang tính cấm làm, thì theo nguyên tắc dù có sợ mấy đi chăng nữa, ta cũng không được miễn chuẩn khỏi thi hành (chỉ trừ trường hợp: khi sợ hãi một cách vô cùng nghiêm trọng đương sự có thể được miễn chuẩn khỏi phải tuân giữ những luật liên quan đến tài sản vật chất. Thí dụ khi bị uy hiếp bằng võ lực, nhân viên ngân hàng buộc phải trao chìa khóa tủ sắt đựng tiền để khỏi bị bọn cướp bắn chết).

+ Ta cũng cần lưu ý Giáo luật (cũng như dân luật) thường vô hiệu hóa những hành vi được đương sự khiếu nại là họ đã bị buộc phải làm trong khi sợ hãi, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến hôn nhân, chức thánh hay khấn hứa trong dòng tu. Cũng thế trong dân luật, mọi thứ giao kèo, khế ước, cam kết nếu được thực hiện trong tình trạng sợ hãi đều vô giá trị, không có giá trị pháp lý.

+ Ngày nay, một số các triết gia hiện sinh thường phân biệt cho rằng sự sợ hãi có lý do rõ rệt, nhưng còn sự xao xuyến thường là thiếu nguyên nhân, không có lý do rõ rệt mấy và gắn liền với bản thể của con người tự do (x. JP. Sartre, L”Etre et le Néant, trg 66 và 81; Jeanson, Le problème moral et la pensée de Sartre, 1974, trg 207). Do đó, để chống lại những quy tắc luân lý truyền thống mà họ cho là quá gò bó, họ đã viện lý do xao xuyến để bào chữa cho những sa đọa của con người, nghĩa là họ không muốn quy trách nhiệm luân lý cho hành vi sa đọa trong trường hợp đượng sự bị xao xuyến.

c. Cưỡng ép

– Cưỡng ép là dùng một nhân tố bên ngoài tác động, gây ảnh hưởng có tính cưỡng bách trên một người nào đó, trái ngược với ý muốn tự do của họ. Thông thường khi đứng trước sự cưỡng ép, ý chí con người chống đối lại bên trong, đây là thái độ cần thiết. Còn khi ý chí biểàu lộ sự chống đối ra bên ngoài, thì thái độ này không hẳn lúc nào cũng cần phải có (ngoại trừ trường hợp cần phải có với khi hy vọng đẩy lui được áp lực, hay ngăn chặn nguy cơ đương sự có thể tuân theo trong lòng, hoặc tránh cho người khác hiểu lầm là đương sự đã thuạân ưng theo áp lực vì không thấy phản ứng gì cả).

– Ta có thể phân loại sự cưỡng ép thành những loại như sau:

+ Cưỡng ép tuyệt đối: Khi đương sự không đồng ý và kháng cự lại cách tối đa.

+ Cưỡng ép tương đối: Khi đương sự chỉ phản đối bình thường, chưa đến chỗ quyết liệt, có thể không kháng cự bên ngoài cách đầy đủ.

+ Cưỡng ép thể lý: Khi nhân tố tác động gây áp lực thể lý.

+ Cưỡng ép tâm lý: khi nhân tố tác động gây sức ép về tâm lý luân lý.

– Cuối cùng ta nói đến những nguyên tắc luân lý liên quan đến vấn đề cưỡng ép.

+ Cưỡng ép tuyệt đối làm cho hành vi bị cưỡng bách nên không còn tính tự nguyện nữa, và chủ thể của hành vi không bị quy trách nhiệm.

* Nếu đây là một hành vi có tính pháp lý thì Giáo hội sẽ tuyên bố là vô hiệu lực.

+ Cưỡng ép tương đối chỉ làm giảm bớt, chứ không làm mất hết tính tự nguyện của hành vi (khiến đương sự làm một việc mà cứ bình thường thì người ấy sẽ không làm), cho nên chủ thể của hành vi đó vẫn bị quy trách nhiệm luân lý một phần nào đó.

+ Cưỡng ép thể lý không thể tác động tới những hành vi trực khởi của ý chí. Thí dụ không một sức mạnh thể lý nào có thể làm lung lạc ý chí của người quả cảm nếu họ không ưng theo.

Nhưng loại cưỡng ép này có thể ảnh hưởng tới hoạt động của giác quan. Thí dụ khi một người bị ép uống rượu ngon, thì khứu giác và vị giác của họ cũng cảm thấy thích thú mùi vị ngon của rượu.

Nếu người bị cưỡng ép tuy bên trong không ưng thuận, nhưng bên ngoài lại thuận tình làm theo cách thụ động, thì đương sự vẫn phải chịu trách nhiệm luân lý. Thí dụ bị cưỡng ép phạm tội tà dâm, tuy trong lòng không ưng theo, nhưng bên ngoài không chống cự lại và làm theo, thì vẫn bị quy trách nhiệm luân lý.

3. Những nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng tới hành vi nhân linh

Một cách tổng quát ta có thể nói tới ba loại nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng tới đời sống tâm lý và luân lý của con người nói chung.

a. Tính khí

Tính khí chỉ toàn thể những xu hướng, tính tình bẩm sinh người ta có được do thể chất riêng của từng người. Đây có thể được coi là những tính tình tự nhiên trời phú cho (* Đang khi đó, tính tình chỉ những tư cách hay đức tính con người đã tập luyện được nhờ ý chí và môi trường giáo dục).

Tuy tính khí ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống luân lý và đạo đức, nhưng không bao giờ làm mất tự do trong hành vi nhân linh. Tính khí không vĩnh viễn cố định vì nó có thể được thay đổi để trở nên tốt hơn hay xấu hơn, như trường hợp thánh Phanxicô Salêsiô là một điển hình, bản chất ngài là một con người rất nóng nảy nhưng nhờ kiên trì tập luyện, sau này ngài đã trở thành con người rất dịu hiền.

b. Tính di truyền

– Theo một nghĩa rất rộng, di truyền chỉ sự chuyển thông những đặc tính thể lý, tâm lý và luân lý (gồm cả ưu lẫn khuyết điểm) giữa những người cùng một chủng tộc, cùng chung một vị trí địa dư và lịch sử với nhau. Ta gọi là truyền thống.

– Theo nghĩa thông thường, tính di truyền chỉ sự chuyển thông những đặc điểm vừa nêu, nhưng được giới hạn giữa những người cùng chung một huyết tộc và thân tộc với nhau. Các nhà khoa học đều đồng ý về đặc tính di truyền trong gia tộc, nhưng họ lại không đồng ý với nhau về mức độ di truyền giữa những người trong cùng một gia đình và dòng họ với nhau. Khoa tội phạm học tại nhiều nước tiên tiến rất chú trọng đến vai trò và ảnh hưởng của đặc tính di truyền trong phán quyết những tội của phạm nhân.

– Ta cũng cần biết qua những nguyên tắc căn bản theo quan niệm Kitô giáo về vấn đề này.

+ Cha mẹ thường truyền lại cho con cái những ưu khuyết điểm về thể chất lẫn tinh thần, nhưng việc lưu truyền này không luôn luôn mang tính tất yếu vì có sự di truyền nhảy đời từ đời ông bà sang con cháu (atavisme).

+ Trừ những khuyết điểm thể xác như bệnh tật di truyền, còn mọi đặc điểm tốt cũng như xấu con cháu hấp thụ từ ông bà cha mẹ đều không phải là những điều cố định. Những đặc điểm ấy chỉ là những xu hướng hay khả năng, chúng có thể được ta cải biến nên tốt hơn hay xấu hơn do môi trường giáo dục và ý chí của mỗi người.

* Khi giải tội, các linh mục không bao giờ được vịn cớ vào tính di truyền để chỉ dựa vào đó mà phán quyết trọng tính của tội, nghĩa là để phán quyết tội đó nặng hay nhẹ. Nhưng các ngài được khuyên nên tỏ thái độ khoan dung và hiểu biết đối với trường hợp phạm tội (bị ảnh hưởng bởi di truyền). Cần chỉ dẫn những hối nhân loại này những phương thế thích hợp để cải thiện.

c. Tập quán

– Tập quán là khả năng ứng xử dễ dàng và mau mắn theo một hướng nào đó. Ta có được khả năng này là nhờ lập đi lập lại cách ứng xử đó nhiều lần. Con người chúng ta không phải là không có trách nhiệm đối với sự hình thành và tồn tại của tập quán tốt cũng như xấu nơi bản thân mình. Sự giáo dục của gia đình và môi trường sống cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành những tập quán ảnh hưởng mạnh tới cá nhân làm đôi khi người ta không dễ dàng thoát khỏi ảnh hưởng. Cho nên ta có thể nói: tập quán là một yếu tố đem lại cho đời sống luân lý của con người nhiều ảnh hưởng tốt cũng như xấu.

– Sau đây ta nói đến những nguyên tắc luân lý liên quan đến tập quán.

+ Một cách tổng quát, tập quán không làm mất hẳn, nhưng chỉ làm suy giảm tính tự do của hành vi nhân linh, vì trong trường hợp này ta vẫn còn sự hữu thức và hữu ý trong hành động. Nên khi ta có một hành vi phạm lỗi do tập quán, ta vẫn phải chịu trách nhiệm luân lý.

+ Những hành vi do tập quán cố ý đều là hành vi tự do và đương sự phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành động của mình. Dù có thể ta không được tự do ngay trong lúc hành động, do áp lực của tập quán, nhưng ta phải chịu trách nhiệm về những hành vi ấy vì đã tán thành thói quen ấy (đương nhiên phải hiểu là cũng tán thành những hậu quả mình biết là sẽ xảy ra do thói quen ấy gây ra).

Còn những hành vi do tập quán vô ý đều là những hành vi kém tự do và kém đi phần nào trách nhiệm. Thí dụ thói quen mở miệng là chửi thề của những thanh niên bình dân.

+ Khi hành động vì một tập quán xấu mà mình đã từng chống lại, trong trường hợp này tính tự nguyện của hành vi bị giảm đi. Sở dĩ như thế, vì thường những tập quán xấu sẽ làm cho lý trí và ý chí bị yếu đi mỗi khi vào cuộc cách cụ thể, bởi vì cho dù có chống lại, nhưng thường đương sự vẫn bị sức mạnh của tập quán xấu khống chế.

* Nhưng khi một người không thích các tập quán xấu của mình, mà lại không chịu phấn đấu để thoát khỏi những tập quán xấu đó, thì hành vi của họ vẫn bị quy trách nhiệm luân lý, cho dù có được giảm khinh phần nào.

+ Để phán quyết mức trọng tính của tội trong hành vi nhân linh khi người ta hành động vì tập quán xấu, ta cần phải cân nhắc và xét đến mức độ tự do trong hành vi đó. Ta cần lưu ý tập quán không phải là yếu tố quyết định của hành vi nhân linh, lý do là vì người hành động theo tập quán thường còn đủ lý trí và tự do để nhận định và quyết định về hành vi của mình.

4. Những bệnh tâm thần ảnh hưởng tới hành vi nhân linh

a. – Con người là một thực tại sống động gồm linh hồn và thể xác liên kết chặt chẽ với nhau, nên bệnh của thân xác có thể ảnh hưởng tới tâm linh hay ngược lại. Trong phạm vi luân lý có một số bệnh trạng có thể làm suy giảm hay làm mất hẳn ý thức và tự do khiến hành vi nhân linh bị tổn thương do hệ thống thần kinh bị hỏng hay trục trặc. Ngày nay do ảnh hưởng chiến tranh dưới mọi hình thức và với nhịp sống quá căng thẳng do nền văn minh kỹ thuật vật chất cao gây ra, ta thấy xuất hiện nhiều loại bệnh tâm thần mà khoa thần kinh bệnh học đúc kết thành ba loại chung sau đây:

– Trước tiên là tâm bệnh (Psychose) là bệnh trạng về tâm hồn. Kế đến là thần kinh bệnh (Névrophathie) là bệnh trạng làm lệch lạc hệ thần kinh của con người. Cuối cùng là tâm thần bệnh (Psychiatrie) là bệnh trạng liên quan đến cả tâm bệnh và thần kinh bệnh.

b. Khi thẩm định tình trạng luân lý của những hành vi có liên quan đến những bệnh kể trên, người hữu trách phải cứu xét những nguyên nhân đưa đến tình trạng đó, bản chất cơn bệnh và đặc biệt phải cân nhắc đến mức độ ý thức và tự do của đương sự.

Nếu bệnh hoạn do bẩm sinh hay di truyền, trọng tính của hành vi phạm tội được giảm khinh, còn khi hành vi được thực hiện trong tình trạng nửa ý thức, nửa vô ý thức, trách nhiệm luân lý cũng được giảm thiểu. Nhưng khi tỉnh táo, lúc đó ý thức rõ ràng tình trạng bệnh hoạn của mình mà không chịu chữa chạy, thì hành vi lỗi phạm sau đó vẫn bị quy trách nhiệm là cố ý trong nguyên nhân (in causa).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here