ĐỨC MARIA: TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI
(MARIA UNO SPECCHIO PER LA CHIESA)
Tác giả: Raniro Cantalamessa
Chuyển ngữ: Nhóm linh mục DaLat
***
***
DẪN NHẬP: ÐỨC MARIA – BỨC THƯ VIẾT BỞI NGÓN TAY THIÊN CHÚA
PHẦN I: ÐỨC MARIA – TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI TRONG NHẬP THỂ
PHẦN II: ĐỨC MARIA – TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI TRONG MẦU NHIỆM VƯỢT QUA
***
CHƯƠNG IV: “NÀY BÀ, GIỮA TÔI VÀ BÀ CÓ VIỆC GÌ”
ÐỨC MARIA DẠY CHÚNG TA BIẾT TỪ BỎ CHÍNH MÌNH
Chúng ta phải nhìn nhận rằng: trong Tân Ước, Ðức Maria được nói đến không nhiều lắm. Ít ra là không được thường xuyên như người ta mong ước nếu tính đến sự phát triển sùng kính đối với Mẹ Thiên Chúa trong Giáo Hội. Thế nhưng, nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy Ðức Maria không hề vắng mặt trong ba thời điểm chính yếu cấu thành Mầu Nhiệm Cứu Ðộ. Thật vậy, ba thời điểm hết sức rõ rệt cũng đánh dấu Mầu Nhiệm Cứu Chuộc lớn lao: việc Nhập Thể của Ngôi Lời, Mầu Nhiệm Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần. Nhập Thể là lúc mà chính Con Người Ðấng Cứu Thế, là Thiên Chúa và là người được cấu thành, là Ðấng trong cương vị là người có thể đại diện cho chúng ta và chiến đấu cho chúng ta, và trong cương vị là Thiên Chúa, Ngài đem lại cho những điều Ngài thực hiện một giá trị vô tận và phổ quát, khiến Ngài có thể cứu độ tất cả những ai đến bên Ngài. Mầu Nhiệm Vượt Qua là thời điểm mà bản thân Ðấng Cứu Thế được cấu thành như trên, nghĩa là một ngôi vị vừa thần linh vừa nhân linh hoàn thành công trình cứu độ tối hậu qua việc phá hủy tội lỗi bằng cái chết của Ngài, và canh tân sự sống bằng sự Phục Sinh của Ngài. Cuối cùng Lễ Ngũ Tuần là lúc Chúa Thánh Thần đến trên Giáo Hội, và sau đó đến trên mọi kẻ tin nhờ Phép Rửa, chính Ngài làm cho ơn cứu chuộc do Ðức Kitô thực hiện được thể hiện trong hiện tại và luôn phát sinh hiệu lực trong dòng thời gian. Nếu thiếu dù chỉ một trong ba thời điểm này thì sẽ không có Mầu Nhiệm Kitô giáo hay nó sẽ là một điều gì đó hoàn toàn khác.
Suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy Ðức Maria không hề vắng mặt trong ba thì căn bản đó. Người chắc chắn không vắng mặt trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, là Mầu Nhiệm thành sự nơi Người, và như chúng ta đã thấy ở trên, khi nói về Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa, Người là “giường cưới”, là “máy dệt”, là “xưởng thợ”, nơi đó Mầu Nhiệm Nhập Thể được hoàn thành. Ðức Maria cũng không vắng mặt trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, vì như đã viết: “Ðứng bên khổ giá Ðức Giêsu có Mẹ Ngài” (x. Ga 19,25). Cuối cùng, Người đã không vắng mặt trong ngày lễ Ngũ Tuần, vì Kinh Thánh còn viết rằng, Thánh Thần xuống trên các tông đồ trong khi “hết thảy họ đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện cùng với Ðức Maria, Mẹ Ðức Giêsu” (x. Cv 1,14).
Ba lần hiện diện đó của Ðức Maria trong ba thời điểm chủ chốt của ơn cứu độ không thể là chuyện tình cờ. Chính điều này bảo đảm cho Người một vị trí độc nhất vô nhị bên Ðức Giêsu trong công trình cứu chuộc. Ðức Maria là người duy nhất trong mọi tạo vật làm chứng nhân, và là người tham dự vào ba biến cố đó.
Trong phần thứ hai này của hành trình, chúng ta muốn bước theo Ðức Maria trong Mầu Nhiệm Vượt Qua và để cho Người dẫn dắt chúng ta tới sự hiểu biết sâu xa hơn về Ðức Kitô và hướng chúng ta đến việc tham dự vào những đau khổ của Ðức Kitô, Ðức Maria cầm tay và khuyến khích chúng ta bước đi cùng với Người trên con đường đó, Người nói với chúng ta như một người mẹ nói với đoàn con đang xum họp: “Nào cả chúng ta nữa, chúng ta sẽ cùng chết với Ngài!” (Ga 11,16). Trong Tin Mừng, thánh Tôma là người nói ra lời đó, nhưng Ðức Maria mới là người đem ra thực hành.
I. NGƯỜI ĐÃ PHẢI ĐAU KHỔ DÃI DẦU MÀ HỌC CHO BIẾT VÂNG PHỤC
Mầu Nhiệm Vượt Qua, trong cuộc đời Ðức Giêsu, không phải chỉ khởi đầu lúc Ngài bị bắt trong vườn Dầu và thời gian không chỉ giới hạn trong Tuần Thánh. Tất cả cuộc đời của Ngài, từ khi Gioan Tẩy Giả chào Ngài là Chiên Thiên Chúa, là một chuẩn bị cho cuộc Vượt Qua. Theo Tin Mừng Luca, đời sống công khai của Ðức Giêsu là một cuộc “đi lên Giêrusalem” tiệm tiến, không ngừng nghỉ, tiến về nơi Ngài sẽ hoàn tất cuộc xuất hành của mình (x. Lc 9, 5tt). Việc Ngài chịu thanh tẩy bên sông Giordan đã là khúc dạo đầu cho cuộc Vượt Qua, vì lúc bấy giờ lời của Chúa Cha mặc khải cho Ðức Giêsu biết Ngài sẽ là Ðấng Mêsia đau khổ và bị ruồng bỏ như người Tôi Tớ Thiên Chúa mà Isaia đã nói tới.
Song song với con đuờng của Adam mới, sống trong sự vâng phục, là con đường Eva mới. Ðối với Ðức Maria, mầu nhiệm Vượt Qua đã khởi đầu rất sớm. Những lời của cụ Simêon về dấu gợi lên chống đối, về lưỡi gươm sẽ đam thâu tâm hồn Người, đã chứa đựng một triệu báo mà Ðức Maria giữ kỹ trong lòng cùng với tất cả những lời khác. “Bước” mà chúng ta muốn thực hiện ở trong phần suy niệm này là theo chân Ðức Maria trong cuộc đời công khai của Ðức Giêsu và phân biệt ra được những điều mà, trong giai đoạn sống này, Người là hình bóng và là khuôn mẫu.
Trên con đường nên thánh, thường điều gì xảy ra khi một linh hồn đã được tràn đầy ân sủng, sau khi quảng đại đáp lại lời “xin vâng” của lòng tin và hết lòng hết sức thực hiện những việc lành và vun trồng các nhân đức? Ðiều gì sẽ xảy đến sau thời gian sống trong “ân sủng ban đầu” (gràce initiales), mà đôi lúc người ta có thể gần như chạm tới Thiên Chúa? Thời gian thanh tẩy và tự hủy sẽ tới. Ðêm tối đức tin sẽ đến. Chúng ta sẽ thấy Ðức Maria trong giai đoạn sống này, Người là dẫn đầu và là một khuôn mẫu cho chúng ta, Người chỉ cho chúng ta phải biết sống như thế nào khi đến “thời cắt tỉa”. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Thông điệp “Mẹ Ðấng Cứu Thế” (Mater Redemptoris) đã áp dụng cho cuộc đời Ðức Trinh Nữ Maria phạm trù “tự hủy” (kénose) một phạm trù quan trọng mà Thánh Phaolô đã dùng để minh giải cuộc sống tại thế của Ðức Giêsu: “Ðức Giêsu Kitô: Ngài, phận là phận của một Vị Thiên Chúa nhưng Ngài đã không nghĩ phải dành cho được chức vị ngang hàng cùng Thiên Chúa, song Ngài đã hủy mình ra không” (ekénosen) (Pr 2,6-7). Ðức Thánh Cha viết: “Với một lòng tin như thế, Ðức Maria đã kết hiệp hoàn toàn với Ðức Kitô trong sự tự hủy của Ngài. Dưới chân thập giá, Ðức Maria, bằng lòng tin, đã thông dự vào mầu nhiệm tự hủy đó, một mầu nhiệm khiến ta bị đảo lộn”.[1] Sự tự hủy này hoàn tất dưới chân thập giá nhưng đã khởi sự trước đó rất lâu. Ngay ở Nazareth và nhất là trong suốt cuộc đời công khai của Ðức Giêsu, Người đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin. Từ đó ta dễ dàng nhìn thấy được “một nỗi đau khổ nào đó trong tâm hồn kèm theo một thứ đêm tối đức tin”.[2]
Tất cả những điều đó khiến cuộc đời Ðức Maria hết sức có ý nghĩa đối với chúng ta, và khôi phục vị trí của Người trong Giáo Hội và trong nhân loại. Chúng ta phải vui mừng và ghi nhận rằng, đã có một tiến bộ lớn lao trong Giáo Hội Công Giáo về việc tôn sùng Ðức Maria. Ai sống thời gian trước và sau Công Ðồng Vatican II có thể dễ dàng nhận thấy điều đó. Trước Công Ðồng, phạm trù căn bản để giải thích sự cao trọng của Ðức Trinh Nữ Maria là phạm trù “đặc ân” (privilège) hoặc “miễn trừ”.[3] Người ta nói rằng, Ðức Maria không những được miễn khỏi tội nguyên tổ, khỏi sự hư hoại (là những đặc ân mà Giáo Hội định tín qua các tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội và Mông Triệu), người ta còn đi xa hơn nữa đến mức cho rằng người được miễn những đau đớn khi sinh con, được miễn khỏi đau khổ, hoài nghi, cám dỗ, vô tri và cuối cùng, quan trọng hơn hết, được miễn khỏi cái chết. Quả vậy, đối với một số người thì Ðức Maria được cất lên trời mà không phải ngang qua cái chết. Người ta nghĩ rằng vì là Ðấng không vương tội, nên Ðức Maria hẳn phải được miễn khỏi đau đớn, đau khổ đó vốn là những hậu quả của tội. Người ta đã không nhận thức được rằng, quan niệm như thế là đã tách lìa hoàn toàn thay vì “liên kết” Ðức Maria với Ðức Giêsu, vì Ðức Giêsu mặc dù không có tội, đã muốn sống lấy những thực tế đó vì chúng ta: đau khổ, đau đớn, xao xuyến, những cơn cám dỗ và cái chết. Các tranh ảnh về Ðức Mẹ, tượng, tranh hoặc hình cũng phản ảnh lối nhìn đó: thường trình bày một con người được lý tưởng hóa, xuất thế (désincarnée) với một vẻ đẹp đôi khi hoàn toàn là vẻ đẹp của một phàm nhân, một vẻ đẹp mà hẳn bất cứ phụ nữ nào cũng ao ước được như thế; nói chung là một Maria Trinh Nữ mà gót chân chỉ thoáng chạm hồng trần.
Sau Công Ðồng Vatican II, phạm trù căn bản hướng dẫn chúng ta trong việc giải thích sự thánh thiện vô song của Ðức Maria là phạm trù đức tin hơn là phạm trù đặc ân. Ðức Maria đã bước đi, thậm chí là “tiến bộ” trong đức tin. Ðiều này chẳng những không làm suy giảm mà còn tôn lên sự cao cả của Người đến tuyệt mức. Bởi chưng sự cao cả của một tạo vật trước mặt Thiên Chúa trên bình diện thiêng liêng được đo lường không phải theo những gì Thiên Chúa ban cho người đó cho bằng theo những gì mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi người đó. Chúng ta sẽ thấy chính Thiên Chúa đã đòi hỏi Ðức Maria rất nhiều, hơn mọi tạo vật khác, hơn cả Abraham.
Tân Ước đã cho chúng ta những lời hết sưc mạnh mẽ về Ðức Giêsu. Một trong những lời đó là “Quả thế, Thượng Tế ta có không phải là người không thể cảm thông với nỗi yếu hèn của ta, song là Ðấng đã dãi dầu thử thách, muôn sự đều tương tự trừ phi là tội” (Dt 4,15). Và một đoạn văn khác: “Dẫu là Con, Ngài đã phải đau khổ dãi dầu mà học cho biết vâng phục” (Dt 5,8).
Nếu Ðức Maria đã bước theo Con của Người trong sự tự hủy thì, cho dù có tất cả những mức độ khác biệt giữa Ðức Giêsu và Ðức Maria, những lời đó cũng phù hợp với Ðức Maria, và là chìa khóa đích thực giúp chúng ta hiểu được cuộc đời của Người. Ðức Maria, dẫu là Mẹ Ðức Giêsu cũng đã phải đau khổ dãi dầu mà học cho biết vâng phục. Vậy phải chăng Ðức Giêsu trong thời thơ ấu đã không vâng phục đủ, hay phải chăng Ngài đã không biết thế nào là vâng phục, nên sau đó mới phải học cho biết vâng phục “những điều Người sẽ phải chịu?”. Không phải vậy! Học ở đây, như ta thường thấy trong Kinh Thánh, “có nghĩa là biết”, với tính chất cụ thể của kinh nghiệm, của sự nếm cảm. Ðức Giêsu thực thi vâng phục. Ngài lớn lên nhờ những đau khổ Ngài phải chịu. Cần phải có sự vâng phục càng lúc càng quyết liệt hơn để có thể vượt thắng được những trở ngại, những thử thách ngày càng dữ dội hơn, cho đến thử thách tột cùng là cái chết. Ðức Maria cũng đã học tin và vâng phục. Người đã lớn lên trong lòng tin, trong sự vâng phục nhờ tất cả những đau khổ Người phải chịu. Chúng ta có thể nói về Người với tất cả niềm xác tín: Người Mẹ chúng ta có không phải là người không thể cảm thông với những nỗi yếu hèn, những nỗi đau, những cám dỗ chúng ta phải chịu, vì Người đã dãi dầu thử thách, muôn sự đều tương tự như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.
II. ÐỨC MARIA TRONG CUỘC ĐỜI CÔNG KHAI CỦA ÐỨC GIÊSU
Trong quá khứ, với bầu khí bị chi phối bởi ý niệm đặc ân, người tín hữu cảm thấy khó chịu đối với một số đoạn Tin Mừng, nhưng đối với chúng ta ngày nay thì đó lại là những đoạn văn đánh dấu hành trình đức tin của Ðức Maria. Chúng ta chẳng có lý do gì để bỏ qua một bên hoặc giảm nhẹ ý nghĩa của các đoạn văn đó bằng những lối giải thích giả tạo, vặn vẹo. Chúng ta hãy xem qua các bản văn này.
Trong đoạn nói về lạc mất Ðức Giêsu nơi đền thờ (x. Lc 2,41tt), Luca làm nổi bật sự kiện tìm thấy Ðức Giêsu “sau ba ngày”: Ðây có thể đã là một ám chỉ về cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô, về Mầu Nhiệm Vượt Qua. Nhưng, chắc chắn đối với Mẹ Ngài, đây đã là sự tự hủy, khởi đầu mầu nhiệm Vượt Qua. Quả vậy, sau khi tìm được Ðức Giêsu, Người đã được nghe câu trả lời như thế nào? “Sao lại tìm con?”. Lại còn không biết là con phải ở nơi Nhà Cha Con sao? Một bà mẹ hẳn có thể hiểu được lòng Ðức Maria cảm thấy như thế nào trước những lời như vậy. Sao lại tìm con? Câu trả lời như thế cho thấy có một ý muốn khác xen vào giữa Ðức Giêsu và Ðức Maria, một ý muốn khác vô cùng quan trong hơn, đẩy mọi mối liên hệ khác xuống hàng thứ yếu, ngay cả mối liên hệ mẫu tử.
Chúng ta hãy đi xa hơn. Ðức Maria được nói đến torng tiệc cưới Cana, xứ Galileea, lúc Ðức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai. Chúng ta đã biết các sự kiện. Vậy Ðức Giêsu đã trả lời thế nào trước lời xin can thiệp kín đáo của Ðức Maria? “Này Bà, giữa tôi và Bà, nào có việc gì?” (Ga 2,4). Dù chúng ta có tìm cách giải thích những lời này thế nào đi nữa thì âm vang của chúng vẫn mang tính chất cứng cỏi, làm chết điếng; những lời đó dường như một lần nữa tạo ra khoảng cách giữa Ðức Giêsu và Mẹ của Ngài.
Các tác giả Nhất Lãm thuật lại một đoạn khác trong cuộc đời công khai. Ngày kia, khi Ðức Giêsu đang giảng thì Mẹ Ngài và một vài thân nhân đến muốn nói với Ngài. Có thể rằng, như là điều tự nhiên đối với một người mẹ, Ðức Maria lo lắng cho sức khoẻ của Con mình, vì trước đó một ít, có đoạn nói Ðức Giêsu, đã không có thì giờ mà ăn nữa, vì đám đông dân chúng (x. Mc 3,20). Chúng ta hãy lưu ý một chi tiết: Ðức Maria, Mẹ Ngài, đã phải xin cà cái quyền được gặp Con và nói với Con của mình. Người đã không xăm xăm vào giữa đám đông ra quyền mình là mẹ. Ngược lại, Người đứng ngoài xa để những người khác vào báo với Ðức Giêsu: “Này Mẹ Thầy và anh em Thầy đang tìm Thầy ở ngoài”. Ðiều quan trọng là lời của Ðức Giêsu vẫn luôn cùng một kiểu như thế: “Ai là Mẹ Ta và ai là anh em Ta?” (Mc 3,33). Phần tiếp theo chúng ta đã biết. Hãy thử đặt mình vào vị trí Ðức Maria – mẹ của một Linh Mục chẳng hạn, xem chúng ta sẽ hiểu được sự mất mặt và nỗi đau khổ ma những lời đó gây ra cho Người. Ngày nay chúng ta hiểu những lời đó thực ra hàm chứa sự khen ngợi hơn là việc không thừa nhận, nhưng lúc bấy giờ Ðức Maria đâu có biết là như thế. Chắc hẳn Người chỉ cảm thấy nỗi cay đắng vì bị chối từ. Câu chuyện không nói đến về việc sau đó Ðức Giêsu đi ra để nói chuyện với Người. Ðức Maria có lẽ đã phải ra đi mà không gặp được Con mình.
Một ngày khác, thánh Luca kể, từ giữa đám dân chúng, một bà cất tiếng nói với Ðức Giêsu: “Phúc cho lòng dạ cưu mang ông và vú ông đã bú”. Nhưng Ðức Maria, không biết Người có ở đó không hay có nghe biết lời đó không? Hẳn sẽ không thể dừng lâu ở lời đó để mà vui sướng, bởi lẽ Ðức Giêsu lập tức sửa lời bà ta ngay: “Phải hơn, phúc cho những ai nghe Lời Thiên Chúa và noi giữ” (Lc 11,27-28).
Một chi tiết cuối cùng mang nét tương tự. Thánh Luca bói đến “một phụ nữ đi theo Ðức Giêsu”, được kể tên và là những người đã được Ðức Giêsu chữa lành, họ đã “lấy của cải mình mà trợ giúp Ngài” (x. Lc 8,2-3), họ chăm lo các nhu cầu vật chất cho Ngài và các tông đồ, như dọn bữa ăn, giặt giũ hay khâu vá. Thế mà Mẹ Ngài lại không có mặt trong số phụ nữ đó. Và chúng ta cũng biết, có một người mẹ thèm muốn được đích thân chăm chút cho con những việc như vậy là thế nào, nhất nữa đó là đứa con đã được hiến thánh cho Thiên Chúa. Ðây quả là sự hy sinh trọn vẹn tâm hồn.
Tất cả những điều đó có nghĩa như thế nào? Một chuỗi những sự kiện lời nói quá rõ ràng, liên kết quá chặt chẽ, không thể là sự tình cờ. Ðức Maria cũng đã phải đi qua con đường tữ hủy của mình. Sự tự hủy của Ðức Kitô là ở chỗ thay vì giữ cho được các quyền, các đặc lợi của một vì Thiên Chúa, thì đã trút bỏ tất cả, lãnh lấy phận tôi đòi, trở nên giống phàm nhân. Sự tự hủy của Ðức Maria là ở chỗ thay vì giữ cho được các quyền của một người mẹ Ðấng Mêsia, Người đã chấp nhận bị tước bỏ, trước mặt mọi người, làm một phụ nữ như bao phụ nữ khác. Tư cách là Con Thiên Chúa không được dùng để miễn cho Ðức Kitô bất cứ sự tự hạ nào; cũng thế, tư cách là Mẹ Thiên Chúa đã không được dùng để miễn cho Ðức Maria sự hạ mình nào. Ðức Giêsu từng nói Lời là phương thế Thiên Chúa dùng để tỉa sạch: “Các ngươi đã được cắt tỉa bởi Lời” (Ga 15,3). Ðó chính là những Lời Ngài nói với Mẹ Ngài. Và đó lại không phải chính là Lời, là thanh gươm mà theo lời cụ Simêon, ngày kia sẽ đâm thâu tâm hồn Ðức Maria?
Mẫu tính của Ðức Maria còn là và tiên vàn là một mẫu tính nhân linh, mang khía cạnh “xác thịt” theo nghĩa tích cực của từ ngữ; như chúng ta vẫn nói hai đứa con sinh bởi cùng một mẹ là anh em ruột thịt với nhau. Ðứa con đó là con của Người, là kho tàng và chỗ nương dựa duy nhất của Người trong cuộc đời. Thế mà Người đã phải từ khước tất cả những gì đem lại niềm hứng khởi đối với một con người trong ơn gọi của mình. Người bị chính con mình đặt vào tình huống không thể tìm được bất cứ lợi ích trần thế nào do chức vụ làm Mẹ. Dẫu là mẹ, Người đã đi theo Ðức Giêsu “như thể Người không phải là” Mẹ của Ngài. Sau khi bắt đầu sứ vụ và rời khỏi Nazareth, Ðức Giêsu không còn chỗ tựa đầu và Ðức Maria không còn chỗ tựa lòng.
Ðức Maria đã rất nghèo về đời sống vật chất, Người lại còn sống sự nghèo khó tinh thần ở mức độ cao nhất. Nghèo khó tinh thần ở đây là chấp nhận từ bỏ mọi đặc quyền, không còn cậy dựa vào bất cứ điều gì dù là quá khứ, dù là tương lai, dù là những lời mạc khải hay các lời hứa, như thể tất cả những điều đó không thuộc về mình, như thể Chúa không hề có. Ðó là điều mà Thánh Gioan Thánh Giá gọi là “đêm tối ký ức”. Khi nói về điểm này, thánh nhân minh nhiên đề cập đến Ðức Maria.[4] Ðêm tối ký ức là quên đi, hay nói đúng hơn, không còn có thể nhớ lại quá khứ, muốn cũng không được, chỉ còn biết hướng về phía Chúa, chỉ còn sống trong niềm cậy trông. Ðây là nghèo khó trong lòng thật sự và triệt để, nếu có đầy dư là đầy dư Thiên Chúa nữa mà thôi, và sự đầy dư đó vẫn là trong hy vọng. Phaolô xác định rõ: sống “quên hẳn quá khứ” (Pr 3,13).
Ðức Giêsu sử sự với Mẹ của Ngài như một vị linh hướng sáng suốt và đòi hỏi, khi nhận ra một tâm hồn đặc biệt thì không để tâm hồn đó mất thời gian, lần chần bên dưới với những tình cảm, những an ủi tự nhiên. Bởi chính Ngài là Ðấng Thánh, Ngài lôi cuốn Người vào cuộc hành trình không ngưng nghỉ, đi tới sự từ bỏ trọn vẹn để kết hiệp với Thiên Chúa. Ðức Giêsu đã chỉ dạy cho Ðức Maria sự từ bỏ chính mình. Với những ai bước đi theo Ngài qua các thời đại, thì Ngài chỉ dẫn bằng Tin Mừng của Ngài, nhưng với Mẹ Ngài thì Ngài đích thân hướng dẫn bằng lời nói. Một bàn tay Ngài để Cha dùng Thần Khí dẫn dắt mình đến nơi nào Cha muốn: vào sa mạc để chịu cám dỗ, lên núi để biến hình, đến vướn Dầu để mướt mồ hôi máu, và Ngài nói: “Ta hằng làm những sự đẹp lòng Người” (Ga 8,29). Bàn tay kia Ngài dẫn Mẹ đi trên cùng một hành trình để chu toàn Thánh Ý Cha. Từ nay, được tôn vinh trên trời bên Con mình, Ðức Maria có thể giơ bàn tay từ mẫu của Người cho chúng ta và dẫn đưa chúng ta, những đứa con rất nhỏ bé, theo sau Người, và nói với chúng ta với lời hợp với Ðức Maria hơn cả thánh Tông Ðồ: “Anh em đã noi theo tôi như tôi đã noi theo Ðức Kitô” (1Cr 11,1).
III. NẾU HẠT LÚA KHÔNG CHẾT ĐI
Nghe lời này, chúng ta, những con người xác thịt, hẳn phải tự hỏi: tất cả những điều đó tại sao tất yếu phải như vậy? Ðức Maria chẳng lẽ đã không là thánh, đầy lòng tin và đầy thử thách sao? Thiên Chúa có thật là tình yêu, như lời đã viết không?
Ðức Giêsu đã làm như thế, đó là giải pháp đầu tiên cho câu hỏi đó. Và Ðức Maria phải gần với Ðức Giêsu để vẫn luôn là người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo nhất của Ngài. Chính Ðức Maria hẳn sẽ không đổi một “đặc quyền” như thế vì bất cứ điều gì.
Còn một lý do khác mầu nhiệm hơn. Ðể hiểu được lý do này, thiết tưởng chúng ta phải khởi đi từ lời của Thánh Phaolô: “Máu thịt không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa, cũng như sự hủy hoại không thừa hưởng được sự bất hoại” (1Cr 15,50). Bình diện ân sủng khác với bình diện tự nhiên, điều vĩnh cửu khác với điều xảy ra trong thời gian. Ta không thể đi từ bình diện này sang bình diện khác thẳng một đường mà không phải chịu đau đớn, nhưng là bằng một bước nhảy mang tính chất vô hạn. Ðể đi từ bình diện này sang bình diện khác, đòi hỏi một sự đoạn tuyệt, một sự chết. Một điều gì đó của trật tự ban đầu phải bị đảo lộn để đạt tới một hiện hữu khác hơn và cao hơn. Mẫu tính của Ðức Maria như chúng ta đã nói, cũng là mẫu tính thuộc thời gian, rất chi là người, được thực hiện “trong máu và thịt”. Ðể có thể trở thành thực tại vĩnh cửu thần thiêng, một thực tại chỉ còn thuộc về Nước Trời mà thôi, thì mẫu tính đó cần phải trải qua cái chết, vả lại, đó cũng là điều mà nhân tính rất thánh của Chúa Con đã phải trải qua trước khi được tôn vinh và trở nên thần thiêng.
Ở đây tội có vai trò nào không? Tội đã có vai trò của nó như đã có với Ðức Giêsu, theo nghĩa Ðức Giêsu đã đến chiến thắng tội lỗi bằng cách mang vào mình những hậu quả của tội. Ðức Giêsu muốn Ðức Maria liên kết với Ngài trên con đường đó, nhờ ân sủng và bằng cách noi theo.
Tuy nhiên, lý do tối hậu có lẽ liên quan đến các mối liên hệ giữa tự nhiên và ân sủng, chứ không chỉ dừng lại ở bình diện tội lỗi: “Ngay cả đối với một bản tính thánh thiện và vô tội, việc vượt sang trật tự siêu nhiên không bao giờ có thể thực hiện được nếu không trải qua cái chết theo một nghĩa nào đó. Lý do là vì sự vô hạn của Thiên Chúa không phải là “vô hạn phức hợp” (l’infini composé), thứ vô hạn giả hiệu mà người ta có thể đạt tới bằng cách chỉ cần kéo dài cái hữu hạn! Ðối với hữu thể hữu hạn, vấn đề không phải chỉ là bằng lòng để cho một Ðấng khác ban cho tầm vóc của mình thêm “được vài phân”. Con người cần phải thuận lòng “tế hiến mình trọn vẹn hơn rất nhiều”.[5]
“Thần Khí ban sự sống”: đúng như vậy, nhưng trước tiên phải làm cho xác thịt chết đi đã: “Nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em đã giết chết việc xấu của thân xác, anh em sẽ sống” (Rm 8, 13). Ân sủng không đậu xuống trên bản tính tự nhiên cách nhẹ nhàng như một vương miện đẹp đẽ đặt trên đầu. Bản tính tự nhiên cần phải được khuôn đúc lại, cần phải được thần thiêng hóa để phục sinh trong ân sủng. Ðức Giêsu đã đưa ra ví dụ về hạt lúa (Ga 12,24). Hạt lúa đã phạm tội gì để phải chết trong lòng đất? Không có tội gì cả. Nó chết đi chỉ là để nó sai hoa lắm quả. Còn có một ví dụ khác trong thiên nhiên đáng kinh ngạc hơn nữa vì nó liên quan đến một sinh vật: đó là con tằm. Cuộc “phiêu lưu” của nó quả là một dụ ngôn tuyệt vời cho đời sống thiêng liêng. Khi đã chấm dứt công việc của mình, thu mình trong kén, con tằm khô quắt lại như để chết đi. Trước tiên, da nó nứt ra phía trên lưng, sau đó, qua những hồi run rẩy, con quặn, con tằm đã lột xác cách đau đớn, tất cả đều bị xé rách cùng với lớp da: mũ sọ cứng, các hàm răng, mắt, chân, dạ dày. Xác cũ lột ra, mềm nhũn trong một góc kén và, thay cho con tằm là một cơ thể hình quả hạnh đào, một đầu tròn, một đầu nhọn xuất hiện: đó là con nhộng, thể hiện tình trạng trung gian giữa con tằm ban đầu và con bướm, là tình trạng thay hình đổi dạng cuối cùng. Ðộ 20 ngày, con nhộng tự hé mở như một quả chín, và từ lớp vỏ cứng, con bướm cố thoát ra ánh sáng. Con tằm bé nhỏ đã phạm tội gì nên nỗi phải trải qua sự hủy mình đi? Không có tội gì cả. Trước kia nó bò sát mặt đất, giờ đây trong điều kiện sống mới, nó bay cao trong tự do chất ngất.
IV. ÐỨC MARIA: MÔN ĐỆ ÐỨC KITÔ
Giờ đây, chúng ta dừng lại ở điểm cần phải làm sáng tỏ hơn cả. Ðức Maria đã phản ứng như thế nào tước cách đối xử của Con mình và cũng là của chính Thiên Chúa đối với mình? Người đã trả lời như thế nào? Chúng ta hãy đọc lại các bản văn với chiếc kính lúp nếu cần. Chúng ta nhận thấy một điều hiển nhiên: nơi Ðức Maria, không hề có dấu hiệu có ý chống lại, bác bẻ hay tự biện minh cho mình. Không hề có chút toan tính làm thay đổi quyết định của Ðức Giêsu. Một sự ngoan ngùy tuyệt đối. Ở đây, Mẹ Thiên Chúa, kỳ công vĩ đại nhất của ân sủng, bộc lộ sự thánh thiện của chính con người Mẹ, một sự thánh thiện vô song. Chỉ cần một vài so sánh là chúng ta biết điều đó.
Chẳng hạn với thánh Phêrô. Khi Ðức Giêsu tỏ cho ông biết là sự ruồng bỏ, cuộc khổ nạn và cái chết đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem thì Phêrô đã “phản đối lại” và nói: không đâu, lạy Chúa, điều đó không thể xảy ra (x. Mt 16,22). Ông lo lắng cho Chúa Giêsu mà cũng lo cho chính mình. Nơi Ðức Maria không hề có như thế.
Maria nín lặng. Lời đáp của Người là sự thinh lặng. Không phải là sự thinh lặng khép mình lại và buồn bã, bởi lẽ có một thứ thinh lặng mà ở bên trong, nơi chỉ mình Thiên Chúa nghe thấy, lại chỉ là tiếng ồn ào của con người cũ. Thinh lặng của Ðức Maria là thinh lặng đúng nghĩa. Chúng ta thấy điều đó tại Cana, xứ Galilee. Thay vì tỏ ra mình bị xúc phạm, Ðức Maria hiểu, trong lòng tin và có thể trong cái nhìn của Ðức Giêsu, mình có thể làm điều đó và Người nói với các người hầu: “Ngài có bảo gì hãy làm theo” (Ga 2,5).[6] Cũng thế, sau lời cứng cỏi của Ðức Giêsu được tìm thấy lại trong đền thờ, Kinh Thánh nói: Ðức Maria đã không hiểu, và còn thêm, Người thinh lặng và “giữ kỹ các điều dó trong lòng” (Lc 2,51).
Thinh lặng không có nghĩa là mọi sự dễ dàng đối với Ðức Maria, không có nghĩa là Người không phải Vượt Qua những chiến đấu, những nỗi đau khổ và bóng tối. Người được miễn khỏi tội nhưng không miễn khỏi chiến đấu và những “nỗi gian khổ của lòng tin”. Nếu Ðức Giêsu đã phải chiến đấu đến mướt mồ hôi máu để cho ý muốn nhân loại của mình hoàn toàn nên một với Thánh Ý Cha, thì việc Ðức Maria cũng phải “hấp hối” phải chiến đấu có gì đáng ngạc nhiên đâu? Có điều chắc chắn rằng Ðức Maria hẳn không khi nào muốn lùi bước, vì bất cứ lý do gì. Khi hỏi những tâm hồn được Thiên Chúa dẫn dắt qua những con đường tương tự, liệu họ có muốn người ta cầu nguyện để mọi sự được kết thúc và trở lại như trước không, thì họ vẫn trả lời ngay là không, mặc dầu họ đang sống trong tình trạng rối bời, đảo lộn và có lúc như đang đứng bên bờ tuyệt vọng.
Sau khi chiêm ngắm Mẹ Ðức Kitô trong phần suy niệm trước, giờ dây chúng ta chiêm ngắm người môn đệ Ðức Kitô. Về lời của Ðức Giêsu: “Ai là Mẹ Ta? Ai làm theo ý Thiên Chúa thì người ấy là anh chị em và là Mẹ Ta” (Mc 3,33-35), thánh Augustin chú giải: “Ðức Trinh Nữ Maria, kẻ đã tin bằng lòng tin, đã thụ thai bằng lòng tin, kẻ đã được tạo dựng bởi Ðức Kitô trước khi Ðức Kitô được tạo thành trong lòng Người, chẳng lẽ Người đã không thi hành Thánh Ý Chúa Cha sao? Ðức Maria rất thánh đã thi hành Thánh Ý Cha và đã thi hành cách trọn vẹn. Bởi đó, đối với Ðức Maria, so với việc làm Mẹ Ðức Kitô thì việc làm môn đệ Ðức Kitô là điều đáng yêu thích hơn nữa. Ðức Maria sung sướng hạnh phúc vì trước khi sinh hạ Con mình, Người đã được mang Vị Thầy trong lòng dạ. Chính vì thế mà Ðức Maria cũng diễm phúc như vậy, vì Người đã lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”. “Về mặt thể xác, Ðức Maria chính là Mẹ Ðức Kitô, nhưng về mặt tâm linh, Người là một người chị em và là một Người Mẹ của Ngài”.[7]
Một trong những ông tổ của phong trào cải cách cũng đưa ra lời giải thích như vậy. Dựa vào cùng một bản văn Tin Mừng trong đó Ðức Giêsu hỏi: “Ai là Mẹ Ta?”, ông viết: “Qua lời đó, Ngài không có ý chối bỏ Mẹ mình, nhưng chỉ cho thấy ý nghĩa sâu kín của những điều Người thực hiện. Người đã đón nhận Lời Chúa và cũng thế, kẻ lắng nghe Lời Ngài sẽ đón nhận Thần Khí Thiên Chúa. Người đã thụ thai trong tư cách là một trinh nữ tinh tuyền và cũng thế, kẻ gìn giữ Lời Chúa tuân giữ và sống bằng Lời Chúa, kẻ ấy sẽ sinh hoa trái tốt đẹp lạ lùng”.[8]
Như vậy, phải chăng chúng ta cần nghĩ rằng, cuộc đời Ðức Maria được dệt bằng những nỗi đau khổ triền miên, một cuộc đời đầy sầu muồn? Ngược lại là khác. Dựa vào kinh nghiệm các thánh mà suy xét thì chúng ta phải nói rằng, trên con đường từ bỏ mình, Ðức Maria ngày càng khám phá một niềm vui hoàn toàn mới lạ sánh với niềm vui làm mẹ ở Bethlem hay ở Nazareth, khi Giêsu nép sát vào lòng, còn Người thì ôm chặt lấy con. Niềm vui không làm theo ý riêng. Niềm vui của lòng tin. Niềm vui được hiến dâng cho Thiên Chúa điều quí giá nhất đối với mình, vì trong những quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, ta cũng thấy vui khi cho đi hơn là lãnh nhận. Niềm vui khám phá ra một Thiên Chúa mà những nẻo đường của Người là vô phương dò thấu và tư tưởng của Người không phải là tư tưởng của phàm nhân chúng ta. Nhưng chính qua đó ngài tỏ mình cho chúng ta biết Ngài là như thế nào: Thiên Chúa là Ðấng Thánh: “Quả thật, Ngài là Thiên Chúa ẩn thân, Thiên Chúa của Israel, Ðấng Cứu Ðộ!” (Is 45,15). Ngài là Thiên Chúa ẩn thân, huyền nhiệm: Ðức Maria hẳn thấy rõ điều đó và có lẽ Người đã gật đầu đồng ý khi nghe công bố lời tiên tri đó trong Hội đường hay nơi nhà của Người!
Một nhà thần bí vĩ đại, từng sống những kinh nghiệm tương tự đã nói đến một niềm vui đặc biệt trí óc con người không thể nào hiểu được, bà gọi đó là “niềm vui của sự không thể thấu hiểu”.[9] Niềm vui này nằm ở chỗ hiểu rằng, mình không thể thấu hiểu. Một Thiên Chúa mà ta thấu hiểu được sẽ không còn là Thiên Chúa. Việc không thể thấu hiểu được đó sinh ra niềm vui thay vì nỗi buồn, vì nó cho thấy rằng Thiên Chúa giàu có và vĩ đại hơn những gì bạn thấu hiểu được, và vì Thiên Chúa đó lại là “Thiên Chúa của bạn!”. Ðó là niềm vui của các thánh trên trời, niềm vui mà Ðức Thánh Trinh Nữ đã cảm nghiệm ngay từ đời này, tuy là một cách khác, chưa phải là kinh nghiệm Quê Trời.
V. NẾU AI MUỐN THEO TA
Như thường lệ, đã đến lúc chuyển từ Ðức Maria sang Giáo Hội. Việc áp dụng những điều chúng ta chiêm ngắm trong cuộc đời Ðức Maria cho đến đây được chính Ðức Giêsu làm trong Tin Mừng (chúng ta đã nói, Ðức Giêsu đích thân hướng dẫn Mẹ Ngài, còn chúng ta thì Ngài dẫn dắt bằng Tin Mừng). Trong Tin Mừng Marco, chúng ta đọc thấy việc, ngày kia “sau khi gọi dân chúng lại làm một với các môn đệ”, Ðức Giêsu như muốn làm cho khẳng định của mình thêm long trọng, Ngài tuyên bố: “Nếu ai muốn theo Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác thập giá mình mà theo Ta. Vì kẻ nào muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất, còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được nó” (Mc 8,34-55). Tôi cho đây là cốt lõi tu đức của Tin Mừng. Tin Mừng ngoài khía cạnh rao giảng (aspect kérygmatique) tức là việc công bố Nước Trời, còn hàm chứa một khía cạnh tu đức, chỉ ra con đường thực hiện hoàn hảo luân lý noi theo Ðức Kitô. Những lời chúng ta vừa nghe là bí quyết và là điểm mấu chốt của con đường đó.
Những lời đó có ý nghĩa như thế nào? Nếu muốn bước theo Ðức Kitô thì tôi không được đứng về phía mình, bào chữa cho mình hay cho bản tính tự nhiên của mình, không bám víu lấy mình để cố làm sao cho sự sống mình được bảo đảm. Ngược lại, phải biết nói không với chính mình, với những khuynh hướng tự nhiên của mình, chối bỏ mình trong sự sẵn sàng đối với Thiên Chúa, sẵn sàng đến mất mạng sống. Ðiều đáng chú ý là trong Tân Ước, cùng một động từ “chối” (arnéomai) được dùng đi dùng lại thường xuyên, trong hai văn mạch khác nhau: khi nói về việc chối bỏ chính mình và khi nói đến việc chối bỏ Ðức Kitô: “Ai chối bỏ Ta trước mặt người đời” (Mt 10,33). Theo Tin Mừng, hai nghĩa này có một mối tương liên rất chặt chẽ. Ngay cả phải lựa chọn một trong hai: hoặc chối bỏ chính mình, hoặc chối bỏ Ðức Kitô. Không thể theo bên này mà lại không chối từ bên kia, vì “hai bên xác thịt và Thần Khí” có những đam mê trái ngược nhau (x. Ga 5,17).
Việc chối bỏ tự nó không bao giờ là một cứu cánh, cũng không phải là một lý tưởng tự thân. Thực tại tích cực vẫn là điều quan trọng hơn cả: “Nếu ai muốn theo Ta”: theo Ðức Kitô. Nói không với chính mình là phương tiện, nói vâng với Ðức Kitô là mục đích. Thánh Phêrô trong Tin Mừng là một minh họa bi thảm cho điều đó: Ông bất ngờ (thực ra Ðức Giêsu đã tìm cách cảnh giác ông) rơi vào một tình thế phải lựa chọn lập tức giữa hai khả thể. Ðứng trước lựa chọn đó, Phêrô đã “chối Ngài”: “Ông lại thề mà chối: tôi không biết người ấy!” (Mt 26,70; Mc 14,68). Trong nguyên bản, cùng một động từ “chối” (arnéomai) trở đi trở lại trong tất cả đoạn văn này. Vì không chối chính mình, Phêrô đã chối Ðức Kitô. Vì muốn cứu lấy mạng sống mình, ông đã đánh mất nó, ông đã đánh mất cuộc sống thực của mình, cái tôi thực của mình, đánh mất những gì tốt đẹp mà ông có được, ngay cả lẽ sống của ông. Ðáng thương thay Phêrô! Khi vừa chối xong, ông nhận ra là đã mất đi chính mình, vì không có Thầy, từ nay Phêrô có là gì nữa đâu? Không là gì cả! Vì thế, ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Lời nói đó của Ðức Giêsu chạm đến trọng tâm của vấn đề. Vấn đề là phải biết chúng ta muốn đặt cuộc sống của mình lên nền tảng nào: cái tôi hay là Ðức Kitô; chúng ta muốn sống cho ai: cho chính mình hay cho Chúa? Lựa chọn đó đã xảy đến cách quyết liệt trong cuộc đời các vị tử đạo. Ðến một ngày họ đứng trước lựa chọn, hoặc chối chính mình, hoặc chối Ðức Kitô. Lựa chọn đó, dưới những hình thức khác nhau, mọi người môn đệ đều buộc phải đặt ra, đặt ra mỗi ngày và ngay cả mỗi giây phút của cuộc đời mình. Mỗi tiếng không nói với mình, bởi lòng mến, là một tiếng vâng nói với Ðức Kitô.
Thế nhưng khổ chế Kitô giáo trong bản chất là một cái gì hoàn toàn khác với sự từ khước, khác với việc biết nói “không” với điều này hay điều kia. Nó là cái gì hoàn toàn khác với sự tự hủy hoại (autodestruction). Nó là con đường giúp đạt tới một đời sống tràn đầy hơn. Một cuộc chuyển đổi thật tốt đẹp. Việc một người nghèo rời bỏ nơi anh sống, một túp lều tồi tàn, tối tăm, ẩm ướt để đến ở trong một cung điện tráng lệ, được trang hoàng bởi tất cả những thiện hảo của Thiên Chúa, đến ở một cách nhưng không, chẳng lẽ chúng ta gọi đó là sự từ bỏ đối với anh ta sao? Sự từ bỏ đúng hơn lại không phải là điều ngược lại hay sao: thích ở lại trong căn nhà tồi tàn với những bức tường nứt nẻ? Cái “tôi” phàm nhân chính là túp lều đó, hết sức tồi tàn, thảm hại, sánh với việc chiếm hữu cung điện là Ðức Kitô.
Niềm vui chúng ta đón nhận trong cuộc đời tương ứng với đối tượng chúng ta lựa chọn. Nếu chọn chính bản thân mình thì niềm vui của chúng ta sẽ được nuôi dưỡng bởi một nguồn suối cạn khốc, một bầu sữa cạn khô. Nếu chúng ta chọn Ðức Kitô thì Ngài sẽ là nguồn vui bất tuyệt, không bao giờ vơi cạn, bởi Ngài đã Phục Sinh.
Chẳng cần cố gắng lắm cũng có thể thấy được rằng cuộc đời chúng ta trôi dần qua đi, tàn lụi như thế nào. Vậy tại sao lại không thực hiện bước nhảy đó khi đang còn thời gian. Hãy hình dung một kẻ đắm tàu giữa dòng sông đang cuộn dâng, bị giòng nước cuốn đi trên mảng gỗ. Anh trôi dần đến cửa sông, chỗ nước đổ ra biển và khi đã ra biển thì hết phương thoát nạn. Bỗng nhiên, tại một khúc quanh của giòng sông, mảng gỗ lướt chạm mặt đất vững chắc; cơ hội có lẽ là độc nhất vô nhị. Phúc cho kẻ đắm tàu đó nếu anh ta dám nhảy ngay, không một giây chần chờ. Anh thoát nạn. Anh đã “đặt chân trên đá tảng”. Cốt lõi khổ chế của Tin Mừng thoạt nhìn có lẽ khô khẳng, mà thực ra là tươi sáng và đẹp đẽ biết bao.
Tuy nhiên, khi bàn về việc từ bỏ mình, một nguy cơ nghiêm trọng đe dọa chúng ta: nguy cơ dừng lại trên bình diện lý thuyết. Vấn đề không phải là biết hết mọi lẽ về sự từ bỏ theo quan niệm Kitô giáo, về giá trị cũng như lợi ích của nó, điều quan trọng là từ bỏ mình thực sự. Một bậc thầy trong đời sống thiêng liêng cổ thời đã nói: “Có thể bỏ ý mình cả chục lần trong một khoảng thời gian rất ngắn, tôi sẽ giải thích cho anh em tại sao. Một người đi dạo, thấy vật gì đó, ý nghĩ bảo ông ta: “Hãy nhìn vật đó xem”, nhưng anh ta đáp lại: “Không, tôi không nhìn đâu”, và như thế người đó đã bỏ ý mình và không nhìn. Sau đó, anh gặp những người đang trò chuyện với nhau, ý nghĩ bảo anh: “Mình cũng hãy góp chuyện đi chứ”, anh bỏ ý mình và không nói gì. Ý nghĩ của anh một lần nữa lại gợi chuyện: “Phải đi hỏi ông thầy ở nhà bếp xem ông dọn những gì”, anh bỏ ý mình, không đi đến đó”.[10]
Những ví dụ này rút ra từ đời sống đan tu, nhưng có thể thích hợp với đời sống mỗi người. Trên truyền hình có cảnh bất nhã, con người cũ của bạn gợi ý: hãy xem cảnh đó đi, thực ra mình đã lớn chứ có phải con nít đâu: mình làm gì xấu nào? Bạn nói: Không! Thế là bạn đã từ bỏ chính mình. Người ta đưa tới cho bạn cơ hội kiếm được một mối lợi bất chính: bạn nói không, và thế là bạn đã từ bỏ mình. Bạn nghĩ mình là nạn nhân của một lầm lỗi: bạn muốn tỏ cho mọi người biết bằng cách sống lầm lỡ trong sự thinh lặng đầy trách móc. Bạn nói không, bạn phá vỡ thinh lặng và nối lại sự đối thoại. Bạn đã từ bỏ mình và đã cứu được đức ái. Và cứ thế.
Ðấy là một chương trình rất hay, nhưng để khỏi ru mình trong ảo tưởng, có lẽ cần phải thêm ngay rằng, chương trình đó cũng rất khó, hết sức khó thực hiện. Bản tính tự nhiên sẽ vận dụng hết mọi khả năng chống cự của nó trước khi chịu nhường bước; nó muốn cứu lấy sự sống mình chứ không muốn đánh mất. Nó bảo vệ không gian sống của mình từng bước một, nhằm làm sao giữ Thiên Chúa bên ngoài ranh giới của mình, bởi nó biết rằng Thiên Chúa đến gần có nghĩa là sự yên bình tự chủ của mình kết thúc. Bản tính tự nhiên xem chính giới hạn của con người mình như hàng rào bảo vệ, và vì thế nó đòi được yên thân trong những việc vụn vặt của con người, còn các việc của Thiên Chúa cứ để cho Thiên Chúa. Theo một số nhà thần học Trung Cổ, thì đó chính là bản chất của tội đã khiến Lucifer và Adam sa ngã, và phải nói thêm, đã làm cho bao đầu óc kiêu căng trong thời chúng ta sa ngã, những kẻ đã thực sự khinh thường sự từ bỏ.
Ðây là lúc chúng ta cần nhớ rằng chúng ta có một Người Mẹ không phải là Người không thể cảm thông với nỗi yếu hèn của chúng ta, bởi lẽ Người đã dãi dầu thử thách, muôn sự đều tương tự, trừ phi là tội. Hãy chạy đến với Mẹ. Hãy đơn sơ nói với Người: Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con đừng làm theo ý mình. Xin làm cho chúng con cùng khám phá ra niềm vui mới trong việc hiến dâng cho Thiên Chúa một điều gì đó, bao lâu chúng con còn sống trong cuộc đời này, thay vì cứ mãi xin Thiên Chúa tặng ban cho chúng con.
[1]Jean Paul II, Encyclique Redemptoris Mater, n. 18 : AAS 79, 1987, pp. 382s.
[2]Ibid., n. 17.
[3] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, n. 58.
[4]Saint Jean de la Croix, La montée du Carmel III, 2, 10.
[5]Henry de Lubac, Le mystère du surnaturel, Paris, 1965, pp. 52.
[6]Ở Cana, Ðức Maria được “Ơn hiểu biết” (don de science) là ơn trong số các đặc sủng dường như chỉ sự chắc chắn siêu nhiên rằng Thiên Chúa sắp hành động, Ngài sắp thực hiện một điều gì đó, một phép lạ, và do đó ta có thể loan báo điều đó.
[7]Saint Augustine, Sermon 72A: Denis 25, 7; Misc, Agost, 1, pp. 162; La sainte virginité 5-6: PL 40, pp. 399.
[8]H. Zwingli, Von Klarheit und Gewissheit des Wortes Gottes, dans Zwingli, Hauptschriften, I, Zurich, 1940, pp. 104.
[9]Le livre de la Bienheureuse Angèle de Foligno, Instruction III (éd, Quaracchi, Grottaferrata, 1985, pp. 468).
[10]Dorothée de Gaza, Oeuvres spirituelles I, 20: Sch 92, pp. 177.