Thần Học Về Diaconatus – Chương III

0
1081


 

CHƯƠNG III

SỰ BIẾN MẤT CỦA DIACONATUS CỐ ĐỊNH

 

I. Những thay đổi trong tác vụ của diaconus

Tại Roma, từ thế kỷ III, mỗi diaconus đứng đầu một trong bảy khu vực mục vụ, trong khi các linh mục có một titulus (các giáo xứ trong tương lai) nhỏ hơn. Các diaconi có trách nhiệm quản trị tài sản và điều hành các công việc bác ái. Công Đồng Neo-Caesarea, vào đầu thế kỷ IV, đã yêu cầu rằng mỗi Giáo Hội, dù đông mấy đi nữa, không nên có nhiều hơn bảy diaconi, nhớ lại Cv 6,1-6.80 Quy định này, còn được thánh Isidorô Sevilla nhắc lại81 nhưng ít được tuân hành, đặc biệt là bên Đông phương-,82 làm nổi bật uy tín của hàng ngũ diaconus và khuyến khích các diaconi hãy nhường bớt những chức năng nguyên thủy của họ cho bậc khác của hàng giáo sĩ. Các diaconi tìm thấy vai trò của mình được xác định hơn qua các chức vụ phụng vụ, và dẫn đến xung đột với các linh mục.

Các chức năng của các diaconi dần dần được các thừa tác viên khác đảm nhận. Ngay từ sách Traditio Apostolica (13), các “subdiaconi” đã được chỉ định “để đi theo diaconus”. Những người “đi theo diaconus” nhanh chóng trở thành “giúp lễ” (acolythi).83 Các người giúp lễ được giao công việc mang fermentum (phần bẻ ra của bánh Thánh Thể được cử hành bởi Giám mục) đến các linh mục ở các nhà thờ tituli (giáo xứ) trong thành phố. Cũng các người giúp lễ mang Thánh Thể cho những kẻ vắng mặt. Những người mang chức “giữ cửa” (ostiarii)cũng thi hành một chức năng thời xưa giao cho diaconus. Người ta có thể kết luận rằng các tác vụ thấp (chức nhỏ) xuất phát từ việc tái phân phối các chức năng vốn thuộc về diaconus.

Cụ thể hơn, vị thế của subdiaconus gần sát vị thế của diaconus. Cho đến năm 400, ở Đông phương, Công Đồng Laodicea đã cố gắng ngăn chặn subdiaconus xâm lấn vào các chức năng phụng vụ của diaconus, bằng cách hạn chế họ vào việc canh cửa.84 Người ta thấy rằng các subdiaconi cũng giữ quy luật sống của các diaconus. Các công nghị châu Phi vào cuối thế kỷ IV đòi hỏi các giáo sĩ “phục vụ tại bàn thờ” phải tiết dục.85 Các Canones in causa Apiarii (419-425) nới rộng đòi hỏi này đến các subdiaconi, là những người “người chạm vào những mầu nhiệm thánh thiêng”86 . Đức Lêô Cả (440-461) xác nhận kỷ luật này đối với các subdiaconi.87 Ngài phân biệt rõ ràng giữa sacerdotes (các giám mục và linh mục), levitae (các diaconisubdiaconi), và clerici (các thừa tác viên khác).88

Thánh Cyprianô đã phải nhắc nhở rằng các diaconi được thiết lập bởi các Tông Đồ chứ không phải bởi chính Chúa.89 Tại một vài nơi, các diaconi bị cám dỗ thay thế các linh mục. Công Đồng Arles (314) nhắc nhở các diaconi rằng họ không thể cử hành Thánh Lễ (can. 15) và họ phải tỏ lòng tôn kính xứng hợp với các linh mục (can. 18). Công Đồng Nixêa cấm họ trao Mình Thánh cho các linh mục, hoặc rước lễ trước các giám mục: họ phải rước lễ từ giám mục hoặc từ một linh mục, và sau các linh mục. Họ không được ngồi trong hàng ngũ các linh mục. “Các diaconi hãy duy trì giới hạn thẩm quyền của mình, bởi vì họ là những người phục vụ của giám mục và ở một cấp thấp hơn các linh mục” (can. 19).90

Vào khoảng năm 378, tác phẩm ẩn danh Ambrosiaster, soạn thảo tại Roma, cho thấy sự căng thẳng dai dẳng giữa hàng ngũ diaconatus và presbyteratus (linh mục).91 Thánh Giêronimô còn nói mạnh hơn: các diaconi không ở trên các linh mục!92 Càng ngày các linh mục thực hiện nhiều hơn các chức năng vốn dành cho các diaconi, đồng thời, họ dần dần được thêm trách nhiệm tự trị tại các tituli ở đô thị và các giáo xứ thôn quê. Trước đây các diaconi muốn thực hiện những chức năng phụng vụ và giảng dạy dành cho các linh mục, bây giờ bị phản công lại: họ bị lệ thuộc các linh mục, và dây liên kết trực tiếp của họ với giám mục phai nhạt dần, và rốt cuộc họ chẳng còn chức năng đặc trưng nào. Các giáo sĩ của Giáo Hội trong Đế quốc dần dần quên đi chức năng phục vụ của họ và tăng cường quan niệm về sự thánh thiêng của chức tư tế; do đó tất cả tác vụ đều được quan niệm như các cấp bậc tiến lên chức tư tế. Các diaconi là những người đầu tiên hứng chịu những hệ luận của quan niệm ấy.

Khoảng cuối thế kỷ V, tư tưởng của một tác giả mạo Dionysius (Pseudo-Dionysius) bắt đầu gây ảnh hưởng lâu cả ở phương Đông và phương Tây. Theo quan điểm phẩm trật (trên trời cũng như trong Giáo hội) của Dionysius, các hữu thể nhận lãnh căn tính và chức năng do hàng ngũ mà mình thuộc về. Phẩm trật của Giáo Hội gồm hai bộ ba. Bộ ba thứ nhất gồm có hàng giám mục, hàng linh mục và hàng “liturges” hay các thừa tác viên. Hàng thừa tác viênbao gồm các hàng ngũ từ diaconus đến giữ cửa. Chức diaconatus không còn đặc trưng nào trong số những các cấp bậc khác ở dưới các linh mục.93

Cũng vào cuối thế kỷ V, con đường tiến chức của của bậc giáo sĩ đã được xác định dựa theo những phận sự phụng vụ, cũng như yêu sách sống tiết dục dành cho những ai phục vụ ở nơi thánh, hoặc tiến đến gần nơi thánh. Đối với đức Lêô Cả, lý tưởng trước khi tiến đến chức linh mục và giám mục là phải đi qua tất cả các cấp độ của bậc giáo sĩ với một khoảng thời gian thích hợp giữa các giai đoạn.94 Con số và các danh xưng của các cấp bậc (gradus) của hàng giáo sĩ dao động thất thường. Tại Roma vào thời của Đức Giáo Hoàng Cornelius có tám cấp độ.95 Trong thế kỷ V, không thấy nói đến chức giữ cửa và trừ tànữa.96 Tác giả quyển De Septem ordinibus vào đầu thế kỷ V nói đến những người đào mồ, giữ cửa, đọc sách, subdiaconus, diaconus, linh mục và Giám mục.97 Cuốn Statuta Ecclesiae Antiqua, cũng được biên soạn khoảng năm 480 ở nam xứ Gaule, trở lại với một danh sách tám officiales Ecclesiae được truyền chức (ordinatio): giám mục, linh mục và diaconus qua việc đặt tay lên đầu, [trong khi] các ứng viên cho các chức thấp hơn (subdiaconus, giúp lễ, trừ tà, đọc sách và giữ cửa) được cắt đặt qua nghi thức trao dụng cụ liên quan đến chức vụ.98 Do đó, những chức năng trước đây độc lập và thực tiễn trong quá khứ, nay trở thành các chặng trên con đường tiến tới chức linh mục. Sách Lễ Verona (khoảng 560-580) chứa đựng một lời nguyện “thánh hiến” cho các giám mục và linh mục, và một lời nguyện “chúc lành” cho diaconus. Điều này cho thấy rằng diaconus được truyền chức chủ yếu nhằm một tác vụ trong phụng vụ, và phải là một gương mẫu về khiết tịnh.99

Việc tiến chức vẫn thường diễn ra theo lối nhảy vọt (per saltum). Tại Roma vào thế kỷ IX, chức subdiaconatus là cấp độ duy nhất bắt buộc trước khi tiến lên các chức lớn hơn. Tất cả các giáo hoàng từ giữa năm 687 và 891 đều là những subdiaconi. Năm vị lên trở thành diaconi trước khi làm giám mục, và chín vị từ subdiaconi lên làm linh mục và sau đó lên làm giám mục.

Một trong những thẩm quyền cố hữu của các diaconi, tức là việc quản lý các tài sản của cộng đoàn, cũng bị rút lại. Công Đồng Chalcedonia (năm 451) phê chuẩn sự tiến triển này, khi tuyên bố rằng mỗi giám mục ủy thác trách vụ ấy cho một quản lý được lựa chọn từ “giữa hàng giáo sĩ của mình” (can. 26), không nhất thiếttrong số các diaconi. Việc trợ giúp người nghèo thường được đảm nhận bởi các đan viện. Dưới thời đức Grêgoriô Cả, “Gia sản của Thánh Phêrô” khổng lồ được quản lý bởi các defensores hoặc notarii, được đưa vào hàng giáo sĩ, nghĩa là tối thiểu là đã lãnh chức cắt tóc.

Bên Đông phương, Công Đồng byzantine ở Trullo vào năm 692 đã tìm hiểu nội dung của Cv 6,1-6. Công đồng này ghi nhận rằng Nhóm Bảy không phải là các diaconus cũng chẳng là linh mục hay giám mục. Họ là những người đã “được giao phó việc điều hành tài sản chung của cộng đoàn vào thời bấy giờ … Họ là tấm gương của lòng bác ái” (can. 7)100 Vào cuối thế kỷ IX ở Đông phương, các diaconi vẫn họp thành một hàng ngũ cố định của các giáo sĩ, nhưng chỉ lo các việc phụng vụ. Nghi điển Byzantine có hai cấp chuẩn bị cho thừa tác vụ thánh: những người đọc sách (hoặc ca viên) và subdiaconi, được trao ban qua chirothesia (nghi thức đặt tay), và bắt buộc trước khi làm diaconi.101 Nhưng chức subdiaconi thường được trao cùng lúc với chức đọc sách, hoặc ngay trước khi lãnh chức diaconatus. Theo nghi thức của cuốn Constitutiones Apostolorum, vẫn còn được áp dụng ở Đông phương, hai chức nhỏ subdiaconatus và đọc sách (lectoratus) được trao ban qua việc đặt tay và trao các dụng cụ của chức vụ. Bên Tây phương, trên thực tế, hoạt động của các diaconus chỉ còn giới hạn vào các công tác phụng vụ.102 Khi các giáo xứ nông thôn được hình thành, các Công Đồng nhấn mạnh rằng các giáo xứ này nên có một linh mục, nhưng không nghĩa tới sự cần thiết các diaconi.103

Từ thế kỷ X trở đi, ít là trong Đế chế Rôma, nguyên tắc đặt ra là truyền chức tiệm tiến theo cấp bậc per gradum. Văn kiện quy chiếu là Pontificale Romano-Germanique,104 được biên soạn tại Mainz, khoảng năm 950. Quyển sách này tiếp tục truyền thống của các cuốn Ordines Romani thuộc những thế kỷ trước,105 tuy được thêm vào nhiều yếu tố của nghi điển Germanic. Nghi lễ truyền chức diaconus bao gồm việc trao sách Tin Mừng, nhằm biểu thị chức năng công bố Tin Mừng trong phụng vụ. Ở đây, vị diaconus gần với subdiaconus hơn là linh mục. Linh mục là người của Thánh Thể; diaconus phụ giúp linh mục tại bàn thờ. Nghi lễ này đã được du nhập vào Rôma do ý định cải tổ của các hoàng đế nước Đức vào cuối thế kỷ X. Rôma chấp thuận theo con đường tiến chức theo cấp bậc per gradum vốn đã lưu hành trong Đế chế. Kể từ đó, lịch sử của các nghi thức truyền chức cho thấy sự liên tục hoàn hảo.106 Các Công Đồng Laterano I (1123) điều khoản số 7, và Công Đồng Laterano II (1139 ) điều khoản số 6, phạt truất chức những giáo sĩ nào kết hôn sau khi đã lãnh chức subdiaconatus. Điều khoản số 7 của Công Đồng Laterano II tuyên bố rằng một cuộc hôn nhân như vậy là vô hiệu.107 Kể từ đó, Giáo Hội Latinh thường chỉ truyền chức cho những người đàn ông độc thân.

Tất cả các văn bản giáo phụ và phụng vụ thuộc thiên niên kỷ đầu tiên đều đề cập đến việc truyền chức giám mục, linh mục và diaconus, nhưng họ vẫn chưa minh thị đặt câu hỏi về bí tích tính của mỗi loại truyền chức.

Lịch sử các thừa tác vụ cho thấy rằng chức linh mục từng có khuynh hướng đảm nhận các công tác của các chức thấp hơn. Khi quá trình tiến chức đã trở nên ổn định, mỗi cấp độ lãnh thêm những thẩm quyền mà cấp dưới chưa có: nói khác đi, điều gì mà một diaconus có thể làm, thì một linh mục cũng có thể làm. Giám mục, là chóp đỉnh của hệ thống phẩm trật, có thể thực hiện tất cả các chức năng của Giáo Hội. Hiện tượng tập trung mọi thẩm quyền, cấp trên làm thay cho cấp dưới, sự phân tán các chức năng nguyên thủy của diaconus cho các giáo sĩ cấp dưới khác nhau, và hệ thống tiến chức lên các cấp cao hơn: tất cả những yếu tố đó giải thích tại sao chức diaconatus xét như một tác vụ cố định không còn lý do hiện hữu. Từ nay diaconus , với phận sự trong lãnh vực phụng vụ, chỉ còn là một cấp bậc tạm thời dành cho các ứng viên tiến lên chức linh mục.

II. Các diaconissa dần dần biến đi

Sau thế kỷ X, các diaconissa chỉ được nhắc đến khi đề cập đến các tổ chức từ thiện. Một tác giả thuộc giáo hội Giacobita vào thời ấy ghi nhận rằng: “Trong cổ thời, người ta truyền chức cho các diaconissa, với công tác chăm sóc các phụ nữ để những người này không cần phải tự cởi đồ trước mặt vị giám mục. Nhưng đến khi tôn giáo ngày càng phát triển rộng lớn hơn và Giáo Hội quyết định ban bí tích rửa tội cho trẻ sơ sinh, chức năng ấy bị bãi bỏ.”108 Chúng ta tìm thấy nhận xét tương tự trong sách Nghi điển của Đức Thượng Phụ Michael ở Antiochia (1166-1199).109 Khi bình luận về điều khoản số 15 của Công Đồng Chalcedonia, Theodore Balsamon, vào cuối thế kỷ XII, thấy rằng “điều mà luật này đề cập thì nay đã trở nên lỗi thời. Vì lẽ cho đến hiện nay, không còn truyền chức các diaconissa nữa, mặc dù các phần tử các nhà khổ hạn vẫn lạm dụng danh xưng diaconissa.”110 Diaconissa trở thành nữ đan sĩ, sống trong đan viện mà không còn thực hiện các công tác phục vụ diaconia trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc y tế, hay mục vụ giáo xứ.

Ở Rôma, có những chứng tích về sự hiện diện của các diaconissa cho đến cuối thế kỷ VIII. Trong khi các sách nghi thức Roma cổ thời không biết đến các diaconissa, thì cuốn sách Nghi thức bí tích Hadrianum,- được Đức Giáo Hoàng gởi đến hoàng đế Charlemagne và được ông truyền bá khắp vùng nói tiếng Pháp (franco)-, chứa đựng một lời nguyện đặt một diacona (Oratio ad diaconam faciendum). Thật ra, đó là một lời chúc lành, được đặt vào phụ lục trong số những nghi thức khác vừa mới thiết lập. Các văn bản thời Charlemagne thường được đặt chung các diaconissa và viện mẫu. Công Đồng Paris năm 829 có một lệnh chung cấm các phụ nữ không được thi hành bất kỳ chức năng phụng tự nào.111 Các sắc lệnh của Pseudo-Isidorô không đề cập đến nữ diaconus, và cũng như thế với sách Nghi thức giáo chủ Bavaria hồi tiền bán thế kỷ IX.112 Một thế kỷ sau, trong sách Nghi thức giáo chủ Romano-Germanique của Mainz, lời nguyện Ad diaconam faciendum được tìm thấy sau abbatissae ordinatio, giữa consecratio virginumviduarum consecratio. Một lần nữa, đây chỉ là một lời chúc lành đi kèm với việc trao dây stola và khăn trùm bởi giám mục, cũng như nhẫn cưới và vương miện. Tương tự như góa phụ, các diaconissa cam kết giữ khiết tịnh. Đây là lần cuối cùng trong các sách nghi thức Latinh đề cập đến “diaconissa”. Thực vậy, sách nghi thức giáo chủ của Guillaume Durand vào cuối thế kỷ XIII chỉ nhắc đến các diaconissae khi quy chiếu về quá khứ.113

Vào thời Trung cổ, các nữ tu chăm sóc bệnh nhân và giảng dạy đã thực sự thì hành các chức năng diaconia mà chẳng cần được truyền chức. Tước hiệu diaconissa vẫn còn được trao cho các phụ nữ được thiết lập làm góa phụ hoặc viện mẫu, tuy không thi hành một tác vụ nào. Mãi đến thế kỷ XIII, vài viện mẫu thỉnh thoảng được gọi là diaconissae.

 

 

—————————————–

80 Công nghị Neo-Caesarea (314 or 319), can. 15, in Mansi, Sacrorum conciliomm nova et amplissima collectio, vol. 2, new ed. (Paris-Leipzig, 1901), 539.

81 Isidorô Seville, De Eccl. Off. 2, 8.

82 Có một trăm diaconi ở Constantinopolis vào thời hoàng đế Giustiniano. xc. Justinian, Novellae 3, 1 (Corpus juris civilis, ed. Kriegel, vol. 3 [Leipzig, 1887], 20).

83 Xc. CA 2, 28, 6.

84 Xc. cann. 21, 22, 43, in P.-P. Joannou, Discipline générale antique IIe—IXe siècle, 1/2 (Rome, 1962), 139-48.

85 Công nghị Carthago sub Genethlio (390), can. 2, in C. Munier, Concilia Africae, CCSL 259 (Turnhout, 1974), 13.

86 Cf. can. 25 (ibid., 108-9).

87 Lêo Cả, Ep. 14, 4 gửi Anastasius Thessalonica; PL 54, 672-73.

88 Ibid.

89 Xc. chương II trên đây, chú thích 40.

90 Xc. G. Alberigo, Décrets, 54.

91 Khảo luận ngắn De jactantia Romanorum diaconum (CSEL 50, 193-98) khiển trách các diaconi vì muốn lên cấp linh mục, vì từ chối những công việc phục vụ và vì chỉ bận tâm đến việc ca hát phụng vụ mà thôi.

92Hieronimo, Thư 146 gửi Evangelus; PL 22, 1192-95.

93 Pseudo-Dionysius, Hierarchia ecclesiastica 5, 7; 5, 6; PG 3, 506-8.

94 Lêô Cả, Ep. 6, 6 gửi Anastasius Thessalonica; PL 54, 620. Chính Đức Lêô là một diaconus khi được bầu làm giám mục. Xem thêm L. Duchesne, Liber Pontificalis, vol. 1 (Paris: de Boccard, 1981), 238-39.

95 Xc. Eusebius Caesarea, Hist. Eccl. 6, 43.

96 Xc. Decretales của Siricius, PL 13, 1142-43; Decretales của Innocent I, PL 20, 604-5.

97 Pseudo-Jerome, Ep. XII de septem ordinibus ecclesiae, PL 30, 150-62.

98 Xc. C. Munier, Les Statuta Ecclesiae antiqua, éditions-études critiques (Paris, 1960), 95-99. Tác giả thêm người xướng vịnh trong danh sách này. Isidorô Sevilla, Etymologies 7, 12 (PL 82, 290) nói về chín cấp độ, bao gồm cả xướng vịnh. Theo cách dùng hạn từ của ông, tất cả chín ordines cũng được gọi là các sacramenta; cf. De Eccl. Off. 2, 21.

99 Xc. L.C. Mohlberg, Sacramentarium Veronense, RED.F 1 (Rome, 1956), 120-21.

100 P.-P.Joannou, Discipline générale antique IIe-IXe siecle, vol. 1, pt. 1, Les canons des conciles oecuméniques (Rome, 1962), 132-34.

101 Xc. F. Mercenier và F. Paris, La prière des Eglises de rite byzantin, 2 vols. (Prieure d”Ainay sur Meuse, 1937). Từ thế kỷ thứ VIII trở đi, cách dùng trở nên cố định. Hạn từ cheirotonia từ nay chỉ dành riêng cho việc truyền chức Giám mục, linh mục và diaconus, trong khi cheirothesia là hạn từ được dùng cho các chức ở dưới. Xem canon 15 của Công đồng Nixea II(ed. G. Alberigo, vol. 2/1, 149). xc. C. Vogel, “Chirotonie et chirothésie”, in Irenikon 37 (1972): 7-21; 207-38.

102 Tác giả Pseudo-Hieronymo, De septem ordinibus, nói rằng các diaconi « đừng rời bỏ đền thờ của Đức Chúa… Họ là bàn thờ của Đức Kitô…. Nếu không có diaconus, linh mục không có danh xưng hay nguồn gốc hay chức năng” (PL 30, 153).

103 Xc. Công nghị Aix-la-Chapelle (817), can. 11 (C.J. Hefele and H. Leclercq,  Histoire des conciles, vol. 4 [Paris, 1910], 27).

104 C. Vogel, Le Pontifical romano-germanique du dixième siècle, 3 vols., Studi e testi 226, 227, 269 (Vaticanô, 1963-1972).

105 Xem M. Andrieu, Les Ordines Romani du haut Moyen Âge, SSL 24 (Louvain, 1951).

106 Những nghi thức giáo chủ Rôma khác nhau của thế kỷ thứ XII đều có một nền tảng chung là Pontificale Romano-Germanique ở thế kỷ thứ X. xc. M. Andrieu, Le Pontifical romain au moyen age, vol. 1 Le Pontifical du XIIe siecle, Studi e testi 86 (Vaticanô, 1938). Quyển sách này được sử dụng rộng rãi trong Giáo Hội La tinh và được đưa vào hiệu đính bởi Đức Giáo hoàng Innocent III. xc. M. Andrieu, ibid., vol. 2, Le Pontifical de la Curie romaine du XIIe siecle, Studi e testi 87 (Vaticanô, 1940). Rồi nó được tiếp nhận vào nghi thức giáo chủ được soạn thảo bởi, Guillaume Durand, Giám mục Mende ở cuối thế kỷ XIII. xc. M. Andrieu, ibid., vol. 3, Le Pontifical de Guillaume Durand, Studi e testi 88 (Vaticanô, 1940). Sách này được dùng làm bản mẫu cho ấn bản, được in bởi Burchard of Strasbourg năm 1485.

107 Xc. G. Alberigo, Decrets, bk. II/1, 419 and 435.

108 Xc. G. Khouri-Sarkis, “Le livre du guide de Yahya ibn Jarir”, Orient syrien 12 (1967): 303-18.

109 “Một thời gian dài, từ ngữ cheirotonia hay việc truyền chức cũng được thực hiện cho các diaconissae: và vì lý do này, nghi thức liên quan đến họ được chép lại trong những bản chép tay cổ. Trong quá khứ, các diaconissae cần thiết cho việc rửa tội các phụ nữ” (được trích dẫn bởi Martimort, Les diaconesses, 167).

110 Scholia in concilium Chalcedonense; PG 137, 441 (được trích dẫn bởi Martimort, Les diaconesses,171).

111 Cap. 45 (ed. A. Werminghoff, Concilia aevi Karolini, 1:639).

112 Xc. F. Unterkircher, Das Kollectar-Pontijikale des Bischofs Baturich von Regensburg (817-848), Spicilegium Friburgense 8 (Freiburg, 1962).

113 Giữa De ordinatione abbatissae và De benedictione et consecratione virginum, mục De ordinatione diaconissae chỉ có một vài dòng được diễn đạt như sau: “Diaconissa olim, non tamen ante annum quadragesimum, ordinabatur hoc modo.” x. M. Andrieu, Pontifical de Guillaume Durand, vol. 3 (1, 21-23), 411.