Hành Trình Giao Ước Giữa Thiên Chúa Và Con Người Qua Lịch Sử Cứu Độ

0
18137


Phêrô Đình Phương, OP.

 

Dẫn nhập

Lịch sử cứu độ là bản trường ca vô tận diễn tả tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Chính tình yêu của Ngài, Đấng tác tạo mọi sự, đã làm nên lịch sử thánh. Toàn bộ Kinh Thánh được tóm kết trong hai chữ “Tình Yêu”, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Trong bản trường ca ấy, tình yêu của Ngài tỏ lộ khi mờ, khi tỏ; khi lên cao, khi xuống thấp; khi êm đềm, khi dập dồn; khi du dương, khi sống động; nhưng cũng có khi là những “quãng lặng” đáng sợ.

Trong kế hoạch, Thiên Chúa từng bước dõi theo con người để đi vào lịch sử của họ. Trong mọi sự, hoàn cảnh, và thời đại, Thiên Chúa hằng chứng tỏ Ngài luôn đi bước trước. Ngài nắm giữ vận mạng lịch sử và hướng nó đi theo kế hoạch của Ngài. Lịch sử các giao ước là những lần Thiên Chúa cúi xuống, kề sát con người để ngỏ lời yêu thương, “mặc cả” với họ về tình yêu. Có thể nói, đó là những lần “mạo hiểm”, gay cấn, nhưng cũng đầy cảm động trong “câu chuyện” tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.

Tuy nhiên, khi nhìn lại và so sánh, ta sẽ thấy: lịch sử các giao ước là những mắt xích quan trọng trong lịch sử cứu độ; và nếu xét về tính chất, thì các giao ước được sắp xếp theo chiều từ thấp lên cao, mà đỉnh điểm tối hậu là Giao Ước Mới, giao ước được thiết lập trong máu Đức Giê-su Ki-tô. Những lời hứa phát xuất từ sáng kiến “nhưng không” của Thiên Chúa, là những điểm nhấn trong kế hoạch cứu độ của Ngài; và là những lần Thiên Chúa khẳng định sự trung tín vô điều kiện của Ngài. Để cuối cùng, trong Đức Giê-su, Thiên Chúa thực hiện một lần thay cho tất cả; nghĩa là nơi Con Một yêu dấu, Thiên Chúa thiết lập giao ước vĩnh viễn với con người. Qua đó, Thiên Chúa như thể hoàn toàn thuộc về con người, cũng như con người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Có thể nói: qua Giao Ước Thập Giá, “con tim tình yêu” Thiên Chúa hoàn toàn mở toang, mọi huyền nhiệm trong Thiên Chúa được tỏ lộ trước mắt con người. Như thế, xem ra cách tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa hoàn toàn “rất người”. Chỉ có điều, tình yêu Thiên Chúa không nhất thời nhưng vĩnh cửu, vượt mọi giới hạn không gian và thời gian, điều vượt quá mọi suy tưởng của con người.

Như vậy, lịch sử các giao ước là một tiến trình yêu thương trong kế đồ cứu độ của Thiên Chúa. Tiến trình đó vừa phản ánh mầu nhiệm mặc khải tiệm tiến của Thiên Chúa, vừa cho thấy tình yêu của Ngài đối với nhân loại, một tình yêu như “điên dại”. Và tiến trình ấy cũng cho thấy phương cách giáo dục của Thiên Chúa như một nhà sư phạm tuyệt vời.

Để có một tầm nhìn khái quát và xuyên suốt hành trình của các giao ước trong dòng lịch sử cứu độ, xin được khởi đi từ khái niệm về giao ước.

I. KHÁI NIỆM GIAO ƯỚC

1. Trong đời thường

Khái niệm giao ước mỗi thời, mỗi dân tộc luôn mang một hình thái khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là một cam kết, một sự ràng buộc mà hai bên thề ước buộc phải trung thành tuân giữ những gì đã hứa, đã kết ước.

Từ điển tiếng Việt định nghĩa từ giao ước như sau: giao ước hay giao kèo là “cam kết với nhau về những điều mà mỗi bên sẽ thực hiện”.[1] Như thế, giao ước hay giao kèo là những hiệp ước song phương mà hai bên đều phải có bổn phận trung thành chu toàn những điều khoản mà họ đã thuận tình ký kết, bằng văn bản hay bằng bất cứ hình thức nào. Và một khi đã ký kết, tức thì hiệp ước ấy có hiệu lực pháp lý, ai vi phạm hợp đồng, người ấy sẽ bị xét xử theo luật pháp.

2. Trong Kinh Thánh

Giao ước trong Kinh Thánh cũng không nằm ngoài những qui ước của định nghĩa trên. Từ beriyth” (‘ber-eeth”)[2] trong Kinh Thánh nói đến kinh nghiệm mang tính xã hội và pháp lý của con người. Con người là “sinh thể” mang tính xã hội. Vì vậy, ở đâu có người sống chung với nhau thành đơn vị hay bộ tộc, ở đó xuất hiện giao ước. Loại giao ước này hiểu theo nghĩa mặc nhiên, ta thấy trong đơn vị: gia đình, gia tộc, nhóm thân hữu, bộ tộc, dân tộc hay quốc gia.

Mặt khác, từ beriyth” trong Kinh Thánh còn chỉ về hiệp ước, giao kèo được diễn ra dưới hình thức công khai có thể kèm theo một nghi thức đơn giản hay phức tạp như: lời thề, bữa tiệc hay lễ tế,… Loại giao ước này có thể là giao ước giữa các phe nhóm hay cá nhân bình đẳng muốn tương trợ lẫn nhau (x. St 21,22-34; 26,28; 31, 44-45. 1V 5,26; 15,19), hay những giao ước huynh đệ (x. Am 1,9), hoặc cũng có thể là hiệp ước bằng hữu (x. 1Sm 23,18). Ngoài ra, cũng còn có những loại giao ước bất bình đẳng, trong đó kẻ mạnh hứa bảo vệ kẻ yếu, còn kẻ yếu cam kết phục vụ kẻ mạnh; loại này thường được gọi là hiệp ước chư hầu (x. Gs 9,11-15; 1Sm 11,1; 2Sm 3,12tt).[3] Bên Đông Phương cổ thời, nghi thức kết giao ước thường xảy ra dưới dạng lời thề, kèm theo bữa tiệc. Nhưng cũng có khi giao ước diễn ra bằng nghi thức long trọng, thường là xẻ đôi con vật ra, rồi hai bên ký kết đi qua các con vật được xẻ đôi ấy và lớn tiếng đọc lời nguyền rủa những ai vi phạm giao ước (x. Gr 34,18). Và để tưởng nhớ giao ước đã ký kết, họ thường trồng một cây, hay dựng một bia đá ở nơi đã ký kết giao ước với nhau để làm chứng từ (x. St 21,33; 31,48).

Ngoài ra, “beriyth” còn được hiểu là một giao ước với ý nghĩa đậm nét tôn giáo. Loại giao ước này vượt trên mọi ràng buộc xã hội và pháp lý để mang một chiều kích thánh thiêng; bởi giao ước không phải được ký kết giữa con người với nhau, nhưng được Thiên Chúa thiết lập với con người. Thiên Chúa, Đấng vô hình, như trở nên hữu hình; Đấng quyền năng vô hạn hạ mình trở thành “đối tác” của con người. Ở đây, tiếng “beriyth” không còn mang tính ràng buộc trong mối liên lạc giữa con người với nhau nữa, nhưng được dùng để nói lên mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Các giao ước mang chiều kích tôn giáo này cũng được chính Thiên Chúa thiết lập theo hình thức của con người (x. St 15,17; Xh 21,5-8).

II. SỰ HÌNH THÀNH GIAO ƯỚC QUA TỪNG GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ DÂN ÍT-RA-EN

A. Bối cảnh thiết lập và nội dung Giao ước

1. Lời hứa cứu độ

a. Lý do

Vũ trụ vạn vật được tạo dựng nhờ Thiên Chúa và cho Thiên Chúa (x. Cl 1,16). Dưới sự quan phòng của Ngài, vũ trụ vạn vật trở nên xinh tươi và tốt lành. Trong mọi thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên, con người là sinh thể toàn diện được dựng nên do bởi ý định và tình yêu Thiên Chúa; có lý trí và ý chí nhận biết và yêu mến Đấng tạo nên mình.[4] Con người được ban ân sủng và sống trong tình nghĩa với Thiên Chúa, được Ngài trao quyền làm chủ mọi loài tạo vật, cai trị và sử dụng chúng (x. St 1,28-30). Thế nhưng, con người đã sớm phản nghịch lại Thiên Chúa và chối bỏ những đặc ân Ngài dành cho bằng tội bất tuân phục; hậu quả: cắt đứt tương quan giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người và giữa con người với mọi loài thụ tạo. Dẫu vậy, Thiên Chúa không bỏ mặc kiệt tác của Ngài trong tay ác thần. Trong ý định, Ngài đã có kế hoạch giải thoát nhân loại; kế hoạch đó được Ngài thực hiện qua dòng lịch sử cứu độ bằng những lần thiết lập giao ước với con người; khởi đầu bằng lời hứa qua sách Sáng thế.

b. Nội dung

Lời hứa bắt đầu với việc Thiên Chúa tuyên án con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).

2. Giao ước với Nô-ê

a. Hoàn cảnh

Cũng như giao ước với A-đam, giao ước này ra đời trong hoàn cảnh loài người đang chìm ngập trong cuộc sống sa đọa, sự dữ tràn lan trên mặt đất (x. St 6,5.11-12). Trong ý định, Thiên Chúa sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ngài đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, vì Ngài hối hận đã làm ra chúng (x. St 6,7). Tuy nhiên, dưới ánh mắt Thiên Chúa, Nô-ê là người đẹp lòng Ngài. Lòng nhân từ đã khiến Ngài quyết định ký kết với Nô-ê một giao ước, gọi là giao ước Nô-ê (x. St 6,18).

b. Nội dung

Giao ước bắt đầu bằng việc Thiên Chúa báo cho Nô-ê biết việc Ngài sẽ làm; đồng thời, Thiên Chúa chỉ cho ông biết cách làm thế nào để thoát khỏi tai họa Ngài sẽ giáng xuống mọi sinh vật sống trên mặt đất; và Nô-ê đã thực thi mọi điều Thiên Chúa phán với ông: đóng tàu, đưa vợ và các con cùng tất cả mọi sinh vật mỗi thứ một đôi vào tàu (x. St 6,14-22). Khi lụt hồng thủy chấm dứt, Nô-ê đưa vợ và các con cùng muông thú ra khỏi tàu. Ông liền xây một bàn thờ và hiến tế gia súc thanh sạch dâng kính Thiên Chúa; chính từ đây, Thiên Chúa đã chúc lành và thiết lập giao ước với nhân loại qua Nô-ê: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này, và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi: chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú. Ta lập giao ước của Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy hủy diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa”. Và Thiên Chúa phán: “Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau: Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây, Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ không còn trở thành hồng thuỷ để tiêu diệt mọi xác phàm nữa. Cây cung sẽ ở trong mây. Ta sẽ nhìn nó để nhớ lại giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ở trên mặt đất”. Và Thiên Chúa phán với Nô-ê: “Đó là dấu của giao ước Ta đã lập giữa Ta với mọi xác phàm ở trên mặt đất” (St 9,9-17).

3. Giao ước với Áp-ra-ham

a. Lý do

Với lời đã hứa với Nô-ê, Thiên Chúa chúc phúc cho mọi loài và làm cho mọi sinh vật trở nên đông đúc trên mặt đất; hậu duệ của Nô-ê đã trở thành nhiều dân tộc và phân tán ra nhiều nơi (x. St 10,1-32). Mặt khác, tội lỗi đã không biến mất khỏi trái đất cùng với lụt hồng thủy, nhưng vẫn đeo bám con người ở mọi nơi; và giờ đây, tội lỗi đã thống trị thế giới, đồng thời làm cho con người ngày càng xa lìa Thiên Chúa.

Trước những gì đang diễn ra với con người, Thiên Chúa động lòng yêu thương. Ngài quyết định thực hiện bước trước, giải thoát con người khỏi tay ác thần bằng việc thiết lập một dân riêng; và từ dân này, sứ điệp tình yêu sẽ được Ngài mặc khải rõ nét hơn; và cũng chính dân tộc này sẽ trở thành dấu chứng tình yêu cho Ngài.

b. Nội dung

Thiên Chúa tuyển chọn một gia đình tên Te-ra trong thành Ua của người Can-đê. Gia đình Te-ra đã rời khỏi Ua đi đến Ca-na-an; nhưng họ đã định cư tại Kha-ran. Tại đây, trong gia đình Te-ra, Thiên Chúa lại kêu gọi một người tên là Áp-ram, và truyền cho ông rời bỏ xứ sở, họ hàng đến nơi Ngài sẽ chỉ. Ngài hứa sẽ ban cho ông ba điều: một dân tộc, một đất nước và một lời chúc phúc cho muôn dân; và Áp-ram đã vâng theo cất bước ra đi như lời Thiên Chúa phán (x. St 12,1-7). Tuy những lời Thiên Chúa hứa với Áp-ram cho thấy một tương lai thật huy hoàng, nhưng khi nhìn vào thực tế, ba điều hứa đó dường như hoàn toàn trái ngược và không thể thực hiện được: Áp-ram là người du mục, còn Xa-rai vợ ông đã quá tuổi sinh con.

Để Áp-ram vững tin, Thiên Chúa đã xác lập lại lời hứa của Ngài qua việc thiết lập giao ước với Áp-ram. Ngài phán với Áp-ram: “Đi kiếm cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non” (St 15,9). Sau đó, Áp-ram xẻ đôi con vật và đặt hai nửa đối diện với nhau, còn chim thì ông không xẻ (x. St 15,10). Khi mặt trời lặn và bóng đêm bao phủ, Thiên Chúa như ngọn đuốc đi qua giữa các con vật bị xẻ đôi; Ngài đã ký kết giao ước với Áp-ram. Trong lần ký kết này, Thiên Chúa xác nhận phần lãnh địa Ngài sẽ ban cho Áp-ram và hậu duệ của ông (x. St 15,17-21).

Sau một thời gian, Thiên Chúa tiếp tục hiện ra lập lại lời hứa với Áp-ram. Lần này, Ngài đổi tên Áp-ram thành Áp-ra-ham, nghĩa là thuộc quý tộc và là người cha vô số các dân tộc; điều này xác nhận ông sẽ trở thành tổ phụ của một dân tộc đông đúc không sao đếm xuể (x. St 17, 4-6). Song song với việc đổi tên, Ngài buộc Áp-ra-ham và những người đàn ông con trai thuộc dòng dõi ông sau này phải cắt bì – dấu hiệu giao ước Thiên Chúa ký kết với dân riêng của Ngài. Nhờ đó, họ sẽ được Thiên Chúa chúc phúc (x. St 17,10.13-14).

4. Giao ước Xi-nai

a. Lý do

Dòng dõi Áp-ra-ham được tiếp nối với I-xa-ác, rồi đến Gia-cóp cùng “mười hai người con” của ông. Qua biến cố tại Pơ-nu-ên, Thiên Chúa lần nữa nhắc lại giao ước với Gia-cóp, cùng chúc phúc cho ông và hậu duệ của ông. Đặc biệt, trong biến cố này, Thiên Chúa đổi tên Gia-cóp thành Ít-ra-en, đồng nghĩa dân Thiên Chúa cũng gọi là dân Ít-ra-en (x. St 32,23-33).

Giu-se, người con áp út của Gia-cóp bị anh em bán sang Ai-cập. Ở đây, Giu-se lập công trạng và được lòng Pha-ra-ô; ông trở thành quan lớn trong triều đình. Xảy ra thiên tai khắp vùng, nhưng do đã chuẩn bị, nên dân Ai-cập không chết đói. Nhờ Giu-se, gia đình Gia-cóp thoát khỏi cảnh đói và sau đó đã chuyển đến định cư tại Ai-cập (x. St 37,1-47,5).

Hơn kém bốn trăm năm sau khi Giu-se chết,[5] như lời giao ước với Áp-ra-ham, giờ đây dân Ít-ra-en trở thành một dân đông đảo định cư tại Ai-cập (x. Xh 1,1-7). Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử lúc này cho thấy dân Ít-ra-en đang chịu cảnh nô lệ, bị ngược đãi và bóc lột đủ bề (x. Xh 1,8-22). Thấy tình cảnh dân phải chịu khổ cực lầm than cộng với tiếng kêu cầu, Thiên Chúa đã chọn Mô-sê làm vị cứu tinh để giải phóng dân khỏi ách nô lệ (x. Xh 3,1-12). Được Thiên Chúa sai đi và bảo trợ, Mô-sê đến gặp và yêu cầu Pha-ra-ô cho dân Ít-ra-en ra đi (x. Xh 5,1). Sau khi giáng xuống những tai ương khủng khiếp (x. Xh 7,8-10), đặc biệt sau đại họa các con đầu lòng Ai-cập chết, Pha-ra-ô hối thúc người Do-thái ra khỏi đất Ai-cập (x. Xh 12,29-33). Dân Do-thái ra đi theo hướng đông tiến về Đất Hứa. Pha-ra-ô đổi ý, xua quân đuổi theo bắt lại, nhưng họ bị chết đuối trong biển Sậy (x. Xh 14,5-28). Dưới sự dẫn dắt của Mô-sê, sau mấy tháng đường, họ đến núi Xi-nai. Tại đây, Thiên Chúa thiết lập Giao ước với dân Ít-ra-en qua trung gian Mô-sê.

b. Nội dung

Khác biệt hoàn toàn với những giao ước trước đây, Giao Ước tại Xi-nai ghi nhớ việc Gia-vê chính thức nhận Ít-ra-en làm dân riêng của Ngài. Đồng thời, Ít-ra-en nhận Gia-vê là Thiên Chúa độc nhất, chỉ tôn thờ và tùng phục một mình Ngài (x. Xh 19,3-8). Mặt khác, giao ước lần này không còn xuất phát từ một phía, nhưng đòi hỏi một sự trung thành từ hai bên. Vì thế, để giúp họ sống trọn vẹn giao ước đã ký kết, Thiên Chúa đưa ra “Thập điều”, qui định bổn phận dân Ít-ra-en đối với Thiên Chúa và với tha nhân (x. Xh 20,1-17). Hơn nữa, để bảo chứng cho giao ước, Mô-sê đã lấy máu bò đực tơ rẩy phần nửa trên bàn thờ đại diện cho Thiên Chúa; phân nửa kia ông rẩy trên dân (x. Xh 24,6-8).

Yếu tố căn bản của giao ước: Thứ nhất, mối tình liên hệ cha – con; Thứ hai, sự ràng buộc nhau bằng những hành động cụ thể: Thiên Chúa hiện diện giữa dân, và dân sẽ vâng giữ Thánh Ý Thiên Chúa. Lời cam kết này mang tầm quan trọng đối với toàn thể con cái Ít-ra-en. Nó chi phối tất cả đời sống tôn giáo và chính trị của Ít-ra-en. Vận mệnh thịnh hay suy của dân tùy thuộc vào mức độ tuân giữ lời cam kết này.[6]

5. Giao ước với Vua Đa-vít

a. Lý do

Sau khi Mô-sê qua đời tại Mô-áp, Giô-suê – người được tuyển chọn (x. Ds 27,22-23), đã đứng lên dẫn dắt Ít-ra-en tiến vào đất hứa. Trải qua những ngày tháng chiến đấu với dân bản địa, dân Ít-ra-en đã tiến vào và định cư tại đất Ca-na-an. Tại đây, suốt khoảng hai trăm năm, dân Ít-ra-en sống và tổ chức thành một “quốc gia tôn giáo”, được lãnh đạo bởi các thẩm phán; bởi điều duy nhất liên kết các chi tộc con cái Ít-ra-en lại với nhau là Khám Giao Ước, được đặt tại Si-lô (x. Gs 18,1). Đây cũng là khoảng thời gian dân thường xuyên dễ dàng vi phạm giao ước, nhưng Thiên Chúa vẫn tha thứ. Dù vậy, trong những lần bị quân thù xâm đánh, và một trong những lần đó bị thất bại, Khám Giao Ước rơi vào tay quân thù, dân đã đánh mất niềm tin vào Gia-vê. Từ đây, dân đòi có vua để lãnh đạo dân và cuối cùng, qua Sa-mu-en, Thiên Chúa đã chấp nhận và đặt Sa-un làm vua đầu tiên lãnh đạo dân (x. 1Sm 8,19-22). Ban đầu, Sa-un thành công và được lòng Gia-vê; nhưng sau đó, ông lại nghe lời dân chúng hơn lời Thiên Chúa; và cuối cùng hậu quả là ông bị Gia-vê truất phế (x. 1Sm 15,22-23).[7]

Thay Sa-un, Thiên Chúa đã chọn Đa-vít và ông được Sa-mu-en xức dầu tại Bê-lem (x. 1Sm 16,1-13). Sau khi Sa-un tử trận, Đa-vít lên Khép-rôn và tại đây, ông được tấn phong làm vua trên nhà Giu-đa (x. 2Sm 2,1-4). Sau khi thống nhất các chi tộc con cái Ít-ra-en và được tôn phong làm vua, ông tiến đánh người Giơ-vút và chiếm được Giê-ru-sa-lem (x. 2Sm 5,1-7). Tại đây, Đa-vít xây dựng ngai vàng vững chắc qua các mối tương giao với những quốc gia lân bang (x. 2Sm 5,11), đồng thời đưa Khám Giao Ước về thủ đô với ý định xây cho Gia-vê một ngôi đền tương xứng (x. 2Sm 6,1-5.17-18; 7,1-4). Bằng cách này, “Đa-vít làm rạng lên lý tưởng quân chủ thần quyền”. Có nghĩa, “Giê-ru-sa-lem không những là một trung tâm chính trị mà còn cả về tôn giáo”.[8] Thế nhưng, ý định xây đền cho Gia-vê đã không được thực hiện. Qua tiên tri Na-than, Gia-vê bày tỏ cho Đa-vít biết sẽ có người khác làm việc này. Và cũng trong lời sấm ấy, tiên tri Na-than loan báo Thiên Chúa thiết lập giao ước với Đa-vít cùng hậu duệ của ông.

b. Nội dung

Qua trung gian Na-than, Gia-vê thiết lập giao ước với Đa-vít. Giao ước này liên quan trực tiếp đến triều đại Đa-vít và dòng dõi của ông, cũng như toàn thể dân Ít-ra-en. Theo đó, Gia-vê công bố rõ ràng vị trí và quyền hành của Đa-vít là do Ngài, Thiên Chúa của Ít-ra-en, Đấng đã dẫn dắt Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập; và chỉ mình Ngài mới có quyền tuyển chọn, chỉ định và ban cho vương quyền. Như vậy, Vua không có quyền lực tuyệt đối; Ông còn dưới quyền Gia-vê và phải tuân giữ những ràng buộc của giao ước. Hơn nữa, dẫu Đa-vít có bất trung, giao ước này cũng không bị hủy bỏ, bởi được đặt trên nền tảng lời hứa và lòng trung tín của Gia-vê. Do đó, giao ước này có giá trị vững bền mãi mãi (x. 2Sm 7,4-16).

Đa-vít đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử Ít-ra-en cũng như công trình cứu độ của Gia-vê. Ông được Gia-vê tuyển chọn làm vua Ít-ra-en và khởi đầu cho một triều đại được Gia-vê chúc lành. Khi suy nghĩ về lịch sử dưới khía cạnh “quyền bính”, Ít-ra-en thường quy chiếu về Đa-vít, vị thánh vương đã hoàn tất những lời Thiên Chúa hứa với Áp-ra-ham; đồng thời mở ra một thời kỳ mới qua lời tiên báo: “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi, một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi” (2Sm 7,12-13). Gia-vê bằng lòng kết ước với Đa-vít và triều đại của ông với điều kiện duy nhất: giao ước Xi-nai phải được trung thành tuân giữ.

6. Giao ước qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a

a. Lý do          

Đa-vít làm vua được bốn mươi năm (x. 2Sm 5,4-5). Con ông, Sa-lô-môn lên kế vị và dưới triều đại của ông, vị thế vương quốc Do-thái đạt đến đỉnh cao chưa từng có. Tuy vậy, đến cuối đời, Sa-lô-môn đã phản bội lại giao ước với Gia-vê. Hậu quả là sau khi ông chết, vương quốc thống nhất Ít-ra-en bị chia đôi: Miền Nam – quốc gia Giu-đa, với thủ đô Giê-ru-sa-lem – được cai trị bởi Rơ-kháp-am con Sa-lô-môn; Miền Bắc – quốc gia Ít-ra-en, với thủ đô Samari – được cai trị bởi Gia-róp-am (x. 1V 11,1-12,25).

Từ sự chia rẽ về mặt chính trị, dẫn đến việc chia rẽ tôn giáo (x. 1V 12,26-33). Mặc dù vậy, Gia-vê không bỏ rơi dân Ngài đã kết ước. Trong thời gian này, các Ngôn sứ xuất hiện với vai trò phát ngôn viên của Thiên Chúa. Các Ngôn sứ đem đến sứ điệp tinh thần và rõ ràng cho tất cả dân chúng, kể cả nhà vua. Các sứ điệp này đều chất chứa nội dung căn bản: sự thánh thiện trong tâm hồn (giới luật) và thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất chân thật (không được thờ ngẫu tượng). Tuy nhiên, dân đã bỏ ngoài tai, tiếp tục sùng bái tà thần, sống phù phiếm, trác táng; hậu quả: Giu-đa và Ít-ra-en lần lượt sụp đổ, toàn dân phải sống kiếp lưu vong. Trong tình cảnh khốn đốn đó, các ngôn sứ không ngừng cảnh báo, thức tỉnh họ quay trở về với Thiên Chúa. Vì giao ước Xi-nai đã trở nên bất lực trong việc hướng dẫn đời sống đạo đức của dân, nên Giê-rê-mi-a được ủy thác báo trước một giao ước mới (x. Gr 31,31-34) mà Đức Chúa sẽ thiết lập để thay thế giao ước cũ đã bị Ít-ra-en phá hủy.

b. Nội dung

Giê-rê-mi-a nhân danh Gia-vê loan báo về giao ước mới. Giao ước này được viết vào trái tim thay cho giao ước cũ ghi khắc trên đá. Thay vì truyền buộc bên ngoài bằng lời hứa hẹn và đe dọa vật chất, nền tảng giao ước mới sẽ là sự hiểu biết chân tình đối với Thiên Chúa và quyền lợi của Ngài. “Này sẽ đến những ngày, Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31, 31-33).

Giao ước mới này sẽ được ký kết với toàn thể dân Chúa là Ít-ra-en và Giu-đa, và sẽ vững bền mãi mãi. Thiên Chúa sẽ in sâu vào trái tim con người sự hiểu biết và tình yêu của Ngài mà không đòi hỏi điều kiện gì khả dĩ có thể trở nên vô hiệu lực khi điều kiện đó không tuân giữ được: “Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết Đức Chúa”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31, 34).

7. Giao ước mới

a. Bối cảnh

Giao ước Xi-nai đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử Ít-ra-en cũng như lịch sử cứu độ. Đức Chúa – Đấng giải thoát Ít-ra-en ra khỏi cảnh nô lệ Ai-cập và dẫn đưa họ đi vào hành trình sa mạc để về đất hứa – đã hạ cố đón nhận Ít-ra-en làm dân riêng của Ngài qua một nghi thức kết ước long trọng. Qua giao ước này, Ít-ra-en trở nên “phần tử” quan trọng trong tình yêu và ý định cứu độ của Chúa. Họ là dân ưu tuyển giữa các dân. Đặc ân này đáng lẽ là một niềm vinh hạnh lớn lao đối với Ít-ra-en, vì Đức Chúa đã “cất nhắc” họ lên. Nhưng Ít-ra-en lại sớm đánh mất đặc ân ấy bằng chính sự bất trung, bội phản của họ qua việc bái lạy các thần của dân ngoại; và cái giá phải trả cho sự bất kính, bất hiếu, bất trung này là chiến tranh, phân rẽ và lưu đày. Đất hứa và sự phồn vinh của dân tộc trong đất ấy đã bị cất đi khỏi họ và trao cho các dân tộc khác; điều này cho thấy các ân huệ lời hứa của Thiên Chúa với cha ông họ và với chính họ đã bị đánh mất.

Như thế, ách nô lệ xưa bên Ai-cập giờ lại tái diễn. Toàn dân Ít-ra-en phải sống kiếp lưu vong, phân tán. Chính lúc này, sứ điệp các ngôn sứ luôn là kim chỉ nam dẫn đường họ trong cuộc sống u tối, giúp họ tìm ra lối thoát khỏi kiếp điêu linh. Giao ước cũ đã bị dân Ít-ra-en phá hủy, nên Giê-rê-mi-a tiên báo về một giao ước mới (x. Gr 31,31-34).[9] Lời tiên báo của Giê-rê-mi-a về giao ước mới được hoàn toàn ứng nghiệm khi Đức Giê-su công bố thiết lập giao ước mới: “chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy” (Lc 22,20).

b. Biểu hiện

Tâm điểm giao ước mới được đặt trong bữa Tiệc Ly – Bữa tiệc sau cùng Đức Giê-su dùng với các môn đệ Ngài. Trong khi đang dùng bữa, Đức Giê-su tuyên bố giao ước mới: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”, và “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước, đã đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,26-29; Mc 14,22-24; Lc 22,19-20; 1Cr 11,23-26). Trong giao ước này, Đức Giê-su chủ động ký kết, các Tông Đồ đóng vai chứng kiến và tham dự.

Đức Giê-su, “Người Tôi Trung đau khổ”, tự do chấp nhận cái chết để cứu chuộc mọi người. Hình ảnh này được diễn lại trong những cử chỉ Phụng Vụ của Giáo Hội. Công đồng Va-ti-can II, sau khi trích dẫn Gr 31,31-34, nói rằng: “Giao ước mới này, chính Đức Ki-tô đã thiết lập, đó là giao ước mới bằng máu của Ngài, Ngài triệu tập một dân từ người Do-thái cũng như từ người ngoại, họp lại thành một khối duy nhất, không phải theo xác thịt nhưng trong Thần Khí, và thành dân mới của Thiên Chúa”.[10]

B. Dấu chỉ và ý nghĩa giao ước

1. Về mặt địa lý – văn hóa – xã hội

Nhìn vào bản đồ vùng Trung Đông, ta thấy dân Do-thái bị bao vây bởi các dân tộc hùng mạnh với những nền văn hóa và văn minh lớn. Đặc biệt hơn, vùng đất dân Do-thái định cư lại nằm trong hành lang chật hẹp giữa Địa Trung Hải và sa mạc Ả-rập, nối liền các dân tộc trong toàn vùng. Do đó, việc giao lưu hay chiến tranh giữa các dân tộc trong vùng hầu như đều tác động, ảnh hưởng và chi phối đến đời sống cũng như ý thức hệ của dân Do-thái. Từ đó, ta hiểu được tại sao trong Thánh Kinh đề cập đến những dấu chỉ của giao ước mà thực ra, nó đã có từ lâu trong nếp sống của người dân hay trong những thần thoại của những dân tộc khác.[11]

Trong trình thuật về giao ước với Nô-ê, cầu vồng được xem là dấu chỉ Thiên Chúa thiết lập giao ước. Cầu vồng không phải hiện tượng mới lạ, nhưng đã có từ bao đời trong trật tự thiên nhiên. Với quan niệm của người xưa, cầu vồng là cây cung;[12] chính Gia-vê chiến đấu, bắn tên và tia lửa trong mưa gió, bão táp (x. Tv 7,13-14; Kb 3,9); sau cơn giông tố, Ngài hạ cung tên xuống, nên nó xuất hiện trên nền trời. Ngoài ra, cầu vồng còn tượng trưng lòng khoan nhân của thần linh sau những lần kinh thiên động địa.[13] Mặt khác, khoa khảo cổ học ngày nay cho thấy: vùng địa dư này thường hay xảy ra những trận lụt lớn, và một trong những trận lụt đó đã gây nên một khúc ngoặt trong lịch sử Lưỡng Hà Địa; sau đó được phóng đại ra làm nguồn gốc cho những truyền kỳ về hồng thủy. Câu chuyện này được phổ biến và người ta cho rằng: trận lụt lạ thường đã tàn phá cả vùng Mê-xô-pô-ta-mi-a là một biến cố lịch sử.[14] Trình thuật hồng thủy trong Sách Thánh có rất nhiều chi tiết giống với anh hùng ca Ghin-ga-mét của Ba-by-lon.

Khác với Nô-ê, việc cắt bì trở thành dấu chỉ Thiên Chúa ký kết giao ước với Áp-ra-ham. Thực ra, cắt bì là một tục lệ cựu trào của người xưa. Có thể tập quán này bắt nguồn từ vấn đề vệ sinh; đặc biệt môi trường sa mạc khiến người dân không thể tắm rửa thường xuyên được. Do đó, cắt bì là phương pháp để giữ vệ sinh, phòng và tránh những bệnh có thể lây lan khi các loại dược phẩm chưa có. Mặt khác, theo tục lệ người xưa, cắt bì còn là nghi thức ghi dấu sự trưởng thành của người thanh niên, bắt đầu gia nhập đời sống cộng đoàn, hay chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân. Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ và nghiên cứu Thánh Kinh cho thấy: Trước khi có dân Do-thái, tục lệ cắt bì rất thịnh hành tại Ai-cập; nhiều khả năng dân Ít-ra-en bắt chước người Ai-cập, rồi qua câu chuyện này gán cho Áp-ra-ham với tính chất tôn giáo. Sau này, dân Ít-ra-en gắn liền với thói tục ấy, và họ coi việc cắt bì như biểu chứng cho sự thuộc về dân của Gia-vê; phân biệt với dân không cắt bì như: dân Ca-na-an, dân Phi-li-tinh,… Nên biết rằng, chỉ có dân Ít-ra-en mới cắt bì cho trẻ thơ.[15]

Tiếp nối giao ước với Áp-ra-ham, giao ước Xi-nai được dân Ít-ra-en coi trọng hơn hết. Trong giao ước này, dấu chỉ được nhắc đến không dừng lại trên những dấu hiệu mang tính tự nhiên (cầu vồng), hay mang tính xã hội (cắt bì); nhưng hoàn toàn mang trọn vẹn tính tôn giáo, được cụ thể hóa bằng bộ luật, nói đúng hơn là Thập Giới và Bộ luật (x. Xh 20,22 – 23,33). Những điều ghi trong bộ luật này không phải đến thời Mô-sê mới có, nhưng thực chất đó là một nền luân lý tự nhiên của nhân loại đã có từ xa xưa, được ghi khắc trong tâm khảm con người, hướng dẫn cuộc sống mọi người. Những giới luật này chỉ là sơ đẳng, được đặt nền tảng trên nhân đức rõ rệt và tự nhiên nhất; đó là sự công bằng, tôn trọng quyền lợi của tha nhân: quyền lợi cha mẹ là phải được con cái tôn kính; quyền lợi của mỗi người đối với tài sản, với vợ chồng và danh giá của mình. Những điều công bình đơn giản như thế đã từng làm nền tảng qua bao nhiêu thế kỷ cho qui ước luân lý cao thượng nhất trên thế giới.[16]

Qua đến giao ước với Đa-vít, trình thuật Thánh Kinh cho thấy đôi nét về bản chất của giao ước vương đế, vì nó đối chiếu “giao ước” với “lời chứng”. Theo kết quả nghiên cứu của các khoa học gia, hai từ ngữ ấy có cùng một ý nghĩa, chúng liên quan đến nghi lễ vương đế (protocole royal) ghi trong các nguồn văn Ai-cập. Đó là “một văn thư” gồm những danh hiệu gán cho vua khi lên ngôi: dòng dõi thần thánh của vua, nhiệm kỳ ngôi báu của vua, lời hứa vua sẽ được cai trị đến muôn đời,… Văn thư ấy do chính Thần Linh viết và được trao lại cho vua khi lên ngôi. Như thế, về hình thức, giao ước với Đa-vít có lẽ đã chịu ảnh hưởng của truyền thuyết này; đồng nghĩa, lời sấm của Na-than cũng chỉ là một loại “nghi lễ vương đế” vì ông là một ngôn sứ triều đình. Ngoài ra, sách Đệ-nhị-luật cũng nói đến “quyền vua” (x. Đnl 17,14-20), nhưng câu này được đọc trong lễ đăng quang của vua mới. Nói cách khác, giao ước với Đa-vít có hình thức giống hệt “chiếu chỉ vương đế” của Thiên Chúa. Tuy vậy, trong thực tế, giao ước này có nghĩa là sự tăng cường ý thức của các vua Giu-đa về tước vị của mình. Nó còn là một lý do quan trọng cho sự mong đợi Đấng Mê-si-a; sự trông đợi này gắn liền với triều đại Đa-vít, nhất là trong thời kỳ Ít-ra-en bị nô lệ chính trị, như khi bị lưu đày ở Ba-by-lon chẳng hạn (x. Is 55,3-5).

2. Về mặt tín ngưỡng tôn giáo

Cần nhắc lại: lịch sử thánh được viết bằng những kinh nghiệm đức tin của dân tộc Do-thái. Khởi đi từ biến cố xuất hành, đặc biệt qua sự kiện ký kết giao ước tại Xi-nai, dân Do-thái tin, tín thác và thề hứa trung thành với Thiên Chúa. Yếu tố niềm tin này ghi khắc vào tâm thức của dân Do-thái trong suốt cuộc đời, qua việc đọc lại bản tuyên xưng đức tin (x. Đnl 26,5-9) mỗi khi dâng của lễ đầu mùa cho Thiên Chúa tại Đền Thánh sau mùa gặt; và điều này cũng chính là trọng tâm của Ngũ Thư. Đây là một xác tín về kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho dân. Ơn gọi của cộng đồng Ít-ra-en xuất phát từ xác tín này. Từ đây, dân Ít-ra-en nhìn lại lịch sử của mình và trở ngược lên tới nguồn cội các tổ phụ, nhân loại và vũ trụ. Do đó, việc ghi chép lại lịch sử của dân Do-thái bị ảnh hưởng nhiều yếu tố, sự kiện thiên nhiên và phong tục xã hội vào thời điểm đó. Nhưng, với niềm tin, dân Ít-ra-en đã biến nó thành những trang sử mang đậm nét tôn giáo. Những nghi lễ thông thường được mặc một ý nghĩa hoàn toàn khác với ý nghĩa ban đầu.

Từ đầu đến cuối, lịch sử Cựu Ước vẫn chỉ là “một” lời hứa của Thiên Chúa với con người.[17] Từ lời hứa với A-đam và E-và, lịch sử cứu độ chính thức được khởi động; và lời tiên báo về người đàn bà đã được thực hiện nơi Đức Ma-ri-a, và dòng dõi của Bà là Đức Giê-su, Đấng Cứu Chuộc nhân loại qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Qua giao ước với Nô-ê, tác giả Sách Thánh muốn nói tới một vị Thiên Chúa cực thánh và rất công thẳng; Ngài không thể sống chung với tội lỗi và sự ác. Ngài tẩy trừ sự ác, nhưng với bản chất nhân hậu khoan dung và trong sự quan phòng đặc biệt, Ngài đã cứu thoát, chở che và yêu thương người công chính. Chính vì yêu thương, Thiên Chúa đã tái lập một trật tự mới trong thế giới con người; và Nô-ê được xem như điểm khởi đầu của giai đoạn mới ấy. Mặt khác, trong giao ước này, Thiên Chúa không đặt điều kiện tương ứng nơi con người, nhưng Ngài đơn phương ban lời hứa yêu thương. Nói cách khác, giao ước này không phải là sự giao kèo giữa hai bên, vì Thiên Chúa không cần đến giao ước đó. Ngài đã đi bước đầu và có thể nói, đã tự cột mình vào những lời hứa; đây là điểm nổi bật trong tất cả các giao ước Thiên Chúa ký kết với con người.

Giao ước với Áp-ra-ham cho thấy: Áp-ra-ham chấp nhận và tôn kính Gia-vê là Thiên Chúa của ông, đồng nghĩa là Thiên Chúa dòng dõi con cháu ông, và ông đoan hứa tuân giữ lời Ngài. Đối lại, Thiên Chúa chúc phúc cho Áp-ra-ham; và những ai tin nhận Thiên Chúa cũng được kể vào dòng dõi của Áp-ra-ham, tức được thừa hưởng lời hứa và sự chúc lành của Thiên Chúa. Đàng khác, không giống như hai giao ước trước đó, Giao ước với Áp-ra-ham là một giao ước song phương: Thiên Chúa hứa nhưng đồng thời Áp-ra-ham phải giữ luật cắt bì và sống thánh thiện, hoàn hảo trước mặt Ngài. Nếu bên nào lỗi giao ước sẽ phải chịu phân thân giống như những con vật bị xẻ đôi. Tuy thế, trong giao ước này, Thiên Chúa vẫn hoàn toàn chủ động, còn Áp-ra-ham thụ động theo đề nghị của Ngài.

Đối với giao ước Xi-nai, Thiên Chúa cho thấy: Ngài không chỉ là Đấng giải thoát dân khỏi cảnh nô lệ, nhưng còn bày tỏ tình thương vô biên và lòng trung thành của Ngài; biểu hiện qua việc tuyên bố chọn Ít-ra-en làm sở hữu riêng của Ngài, đồng nghĩa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en trở thành một gia đình, gia đình thánh. Qua việc rảy máu tế vật trên bàn thờ và toàn dân, Thiên Chúa chính thức kết giao với dân Ít-ra-en (x. Xh 24,8). Thiên Chúa và dân của Ngài chính thức liên kết với nhau bằng một sợi dây linh thiêng bất khả phân ly (x. Dcr 9,11; Dt 9,16-21); và từ đây, một tôn giáo mới xuất hiện với đầy đủ ý nghĩa của hai từ “Tôn Giáo”.[18] Dầu vậy, xét một mặt nào đó, giao ước Xi-nai chỉ là “điểm dừng” trong ý định cứu độ của Thiên Chúa; qua đó, ý định này vượt thoát để hướng tới đỉnh điểm phổ quát và viên mãn.[19] Tuy nhiên, giao ước Xi-nai đã phần nào diễn tả nét chính thức và song phương. Nét chính thức và song phương này là yếu tố căn bản hình thành dân tộc Ít-ra-en, cũng như nguyên lý hướng dẫn toàn bộ lịch sử dân thánh. Và cũng từ đây, các ngôn sứ loan báo một giao ước mới trọn vẹn, giao ước tình yêu.

Na-than được nhắc đến như người trung gian trực tiếp nối kết giao ước giữa Thiên Chúa và nhà Đa-vít; một sự chuyển dịch dần về ý nghĩa giao ước. Theo lời sấm của Na-than, Gia-vê muốn gắn liền sự hiện diện của Ngài với vương quốc Đa-vít và dòng dõi ông. Nhưng thực ra, vương quốc Đa-vít chỉ là dấu hiệu báo trước một vương quốc mới do chính Gia-vê, Thiên Chúa Ít-ra-en, sẽ thiết lập. Nơi vương quốc ấy, Gia-vê sẽ cho xuất hiện một vị vua, xuất thân từ dòng tộc Đa-vít, đứng lên đánh đuổi quân thù để giải phóng đất nước. Sấm ngôn Na-than cũng đồng thời khai mở cho các ngôn sứ sau này loan báo về một Đấng cứu tinh trỗi dậy từ dòng dõi Đa-vít. Và giao ước của Gia-vê với Đa-vít cũng như dân Ít-ra-en đã được hoàn tất và phổ quát nơi chính Đức Giê-su Ki-tô.

Sau Na-than, các ngôn sứ đều nhắc lại giao ước tại Xi-nai, đồng thời nối kết với lời sấm của Na-than với vua Đa-vít. Nhưng các vị đều cho thấy sự bội tín của dân với giao ước thời Mô-sê và thời Đa-vít, biểu hiện qua việc sùng bái ngẫu tượng, không giữ luật,… Vì thế giao ước này bị hủy bỏ. Dù vậy, Gia-vê vẫn không quay mặt làm ngơ. Giê-rê-mi-a loan báo về một giao ước mới sẽ được thiết lập thay thế cho giao ước Xi-nai (giao ước cũ). Giao ước này sẽ được bảo chứng bằng máu Đấng Mê-si-a, điều này một lần nữa nói lên tình yêu vững bền của Thiên Chúa với dân Ngài. Lời tiên báo của Giê-rê-mi-a còn là lời hứa và sự khẳng định chắc chắn vào một tương lai tươi sáng.

Tương lai chỉ thực sự tươi sáng khi Đức Giê-su, Con Một yêu dấu Thiên Chúa, xuất hiện dưới dáng dấp một con người. Nơi Ngài, giao ước mới được thực hiện. Giao ước mới này cao trọng và mang tính vững bền hơn giao ước cũ; bởi sự cao trọng cũng như vai trò của giao ước mới được đổi bằng chính Mình và Máu Con Thiên Chúa, thay thế thịt và máu chiên bò ở giao ước cũ. Đồng thời, chính Ngài là thượng tế muôn đời không thay đổi, thực hiện cách hữu hiệu sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa Thiên Chúa và con người. Qua cái chết của Đức Giê-su vừa là hy tế vượt qua, hy tế giao ước và cũng là hy tế xá tội, khiến cho giao ước mới mặc lấy những giá trị: Vĩnh viễn, nhưng không, vì thuộc chương trình tặng ban ân sủng của Thiên Chúa, lãnh vực thiêng liêng và bao hàm sự tha thứ tội lỗi. Thiên Chúa sẽ ở giữa con người, thay đổi lòng họ và đặt Thần Khí mới trong họ, đó là giao ước Thần Khí đem lại tự do của con cái Thiên Chúa.

III. TƯƠNG QUAN GIỮA GIAO ƯỚC TRONG CỰU ƯỚC VÀ TRONG TÂN ƯỚC

A. Giao ước trong Cựu Ước tiên báo (hình bóng) Giao Ước trong Tân Ước

Lịch sử cứu độ được khởi đi từ lời hứa tiền tuyên phúc âm (x. St 3,15). Để thực hiện lời hứa đó, Thiên Chúa dần dần đi vào lịch sử nhân loại và mặc khải cách tiệm tiến ý định của Ngài. Không mạnh bạo, không dồn dập, Thiên Chúa tỏ hiện công trình này suốt chiều dài lịch sử dân Ít-ra-en. Một mặt, Ngài cho dân thấy tội lỗi đã làm con người phải chịu cảnh thống trị của tội lỗi; mặt khác, Ngài đưa cánh tay biểu lộ tình yêu kéo con người ra khỏi vũng lầy sự dữ. Do bởi con người không thể hiểu thấu một lúc ý định yêu thương tuyệt đối của Thiên Chúa, nên bằng cách dùng những hình ảnh biểu trưng, Thiên Chúa tỏ hiện cho dân Ngài biết thực tại tình yêu. Không chỉ trong Cựu Ước, nhưng đến thời Tân Ước, cụ thể trước khi Đức Giê-su hiến tế thân mình Ngài, hình ảnh tiên trưng vẫn là lối diễn tả về nước trời, về thời viên mãn được Thiên Chúa sử dụng. Có thể điểm lại một số biểu tượng quan trọng liên quan đến thời điểm Thiên Chúa lập giao ước với con người qua Kinh Thánh:

Trước hết, ta nói đến A-đam, một hình mẫu của con người đầy đủ ngôi vị nhưng chối bỏ những đặc ân Thiên Chúa dành cho và trở thành nguyên nhân của sự tội lan tràn trong thế gian. Hình ảnh con người đã phai mờ trong bóng đêm tội lỗi. Thế nhưng, A-đam mới là chính Đức Ki-tô lại làm cho hình ảnh này rõ nét bằng chính cuộc vượt qua sự chết để tiến vào cõi vĩnh phúc của Phục sinh. Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Rô-ma khẳng định: nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người bị Thiên Chúa kết án phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống (x. Rm 5,15-19). Hình ảnh A-đam khi xưa được thay thế bằng một A-đam mới là chính Đức Ki-tô.

Thánh Phê-rô lại miêu tả chiếc tàu của Nô-ê là hình bóng của bí tích thánh tẩy Ki-tô giáo. Thánh tẩy được Đức Ki-tô khai mở tại sông Gio-đan: khi Đức Giê-su xuống và lên khỏi mặt nước, Ngài đã chiến thắng tử thần và cứu nhân loại đang đắm chìm trong tội lụy thoát khỏi đại họa cánh chung mà lụt hồng thủy là hình bóng (x. 1Pr 3,20-22). Hình bóng chim bồ câu báo hiệu cho Nô-ê biết đã có sự sống mới sau cơn hồng thủy, cũng là biểu trưng của Thần Khí Thiên Chúa làm cho dân mới có sức sống mới, sức sống thần thiêng.[20]

Trong biến cố xuất hành, con chiên hay dê được làm thịt và máu được bôi lên cửa nhà trước đêm vượt qua (x. Xh 12,21-28), đó là biểu trưng cho cuộc hiến tế trong bữa tiệc ly của Đức Ki-tô sau này; Đấng sẽ giải thoát nhân loại ra khỏi tội lỗi và sự chết (x. Ga 1,29; 8,34; 19,36;…). Mặt khác, nếu như dân Do-thái xưa được ăn Man-na và uống nước từ tảng đá chảy ra trong sa mạc do lời chuyển cầu của ông Mô-sê, thì trong cuộc xuất hành mới, dân giao ước mới được dưỡng nuôi bằng chính Đức Ki-tô, là bánh hằng sống từ trời xuống (x. Ga 6,30-58 // Xh 16), và được uống nước hằng sống từ cạnh sườn Ngài vọt ra (x. Ga 7,37; 19,34 // Xh 17,1-7). Thực tại này đã được tiên báo qua phép lạ bánh hoá ra nhiều để nuôi dân chúng (x. Ga 6,1-13). Hơn nữa, nếu như trong cuộc xuất hành xưa, dân được cứu khỏi tai họa rắn độc cắn nhờ nhìn lên con rắn đồng được treo lên trong sa mạc (x. Ds 21,4-9), thì trong cuộc xuất hành mới, nếu bị thương tích vì phạm tội, dân mới sẽ được chữa lành bằng cách ngước nhìn lên Đức Ki-tô, Đấng được treo lên thập giá (x. Ga 3,14; 19,37).

Trong thị kiến của Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa làm cho những khúc xương khô được chắp nối thành bộ, rồi tiếp tục phát sinh ra tủy và thịt, sau đó Ngài thổi sinh khí vào khiến chúng được hồi sinh. Hình ảnh những khúc xương khô này ám chỉ tình cảnh lưu đầy của Ít-ra-en, nhưng cũng chính là tình trạng nô lệ cho sự tội của nhân loại. Thế nhưng, việc Thiên Chúa làm cho những khúc xương này hồi sinh qua việc thổi sinh khí, cũng chính là hình ảnh tiên báo sự phục sinh của dân Ít-ra-en mới, nhờ chính Thần Khí Thiên Chúa tác động.

Đặc biệt, bốn bài ca về “Người Tôi Trung đau khổ” được diễn tả qua ngôn sứ I-sai-a (x. 42,1-9; 49,1-7; 50,4-11; 52,13-53,12), nếu đem qui chiếu với Đức Giê-su, ta sẽ được một lời giải đáp thỏa đáng. Sứ mạng thực hiện giao ước mới, giao ước đời đời cho nhân loại, và nên ánh sáng soi muôn nước, được “Người Tôi Trung” thi hành bằng hai cách: truyền đạo (x. 42,2-4; 50,4-5), nhẫn nại chịu bách hại và khổ hình đến chết để nên giá chuộc cho muôn dân (x. 49,4; 52,13tt; 53,5). Có thể nói: cuộc đời, sứ mạng và đặc biệt là cuộc thương khó của Đức Giê-su bao hàm hết mọi đặc tính vốn có nơi “Người Tôi Trung” của Đức Chúa.

Như vậy, suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa dùng những biểu tượng trong đời sống cũng như trong thị kiến để mặc khải cách tiệm tiến về kế đồ yêu thương của Ngài; và đến thời đã định, mặc khải chung cuộc được tỏ lộ gần như trọn vẹn. Công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa được thực hiện nơi chính con người Giê-su. Chính bởi thế, ta cũng có thể nói những gì được đề cập đến trong Cựu Ước, được tỏ hiện trong Tân Ước; hay nói cách khác, Tân Ước chất chứa nội dung Cựu Ước.

B. Giao ước mới cụ thể hoá và hoàn tất trọn hảo những gì tiên báo trong Cựu Ước

1. Kiện toàn giao ước cũ trong luật Thần Khí

Khi ta nói Tân Ước chất chứa nội dung Cựu Ước, điều đó không có nghĩa: Tân Ước rập khuôn hoàn toàn Cựu Ước. Ngược lại, trong Tân Ước, đặc biệt nơi giao ước mới, Đức Giê-su kiện toàn những gì thuộc giao ước cũ, làm cho trở nên mới hoàn toàn. Nếu như xưa kia, dân Ít-ra-en đặt toàn bộ đời sống vào luật được ký kết tại Xi-nai, thì nay trong giao ước mới, tình yêu hy hiến trở thành điểm cốt yếu, vượt mọi góc độ giới hạn của luật theo trí hiểu nhân loại. Thánh Phao-lô diễn tả cách sâu sắc và cảm động về sự sống sung mãn và phong phú của con người trong giao ước mới dưới tác động của Luật Thần Khí. Thánh Thần luôn tác động, tái sinh và là nguồn sống cho dân giao ước mới. Nhờ tác động này, người tín hữu được gọi là: “tác phẩm”, “bức thư” của Đức Ki-tô; tác phẩm không phải viết bằng mực, nhưng bằng Thánh Thần; không phải viết trên bia đá, nhưng viết trên “bia lòng” (x. 2 Cr 3,2-3). Khi ghi khắc “Luật Thánh Thần trên bia lòng nhân loại”, Thiên Chúa đã tác sinh và thánh hoá các tín hữu để họ trở nên con cái Ngài, trở nên những kẻ thừa kế lời hứa và xứng đáng hưởng gia nghiệp Nước Trời (x. Gl 4,6-7); bởi đã là con, là người thừa kế thì không còn phải là nô lệ nữa, vì “anh em đã được kêu gọi để được hưởng tự do” (Gl 5,13). Chính Thần Khí của Đức Ki-tô Phục Sinh là yếu tố làm cho các tín hữu trở nên con cái tự do đích thực của Thiên Chúa (x. 2 Cr 3,17). Tuy nhiên, để được sống trong giao ước và thực sự sống trong triều đại của Thánh Thần, người tín hữu phải trung thành với Thiên Chúa và yêu thương nhau (x. 1Tx 4,8-9), vì “yêu thương là chu toàn lề luật vậy” (Rm 13,10).

2. Đồng thời khai sinh giao ước mới, khởi đầu công cuộc tạo dựng lại con người

Đức Giê-su Ki-tô là khởi nguyên vũ trụ. Ngài là khởi nguyên không chỉ trong công trình tạo dựng (x. Cl 1,16), mà cả trong công trình cứu độ, tức là sự tạo dựng mới (x. 2 Cr 5,17). Với chủ đề giao ước, vai trò và chức năng của Đức Giê-su được mô tả như Mô-sê mới dẫn đưa dân mới là Giáo Hội vào cuộc xuất hành mới, đồng thời thiết lập với họ một giao ước mới bằng cuộc vượt qua của Ngài. Hơn nữa, trong cuộc thương khó của Đức Giê-su, thánh Gio-an diễn tả cái chết của Ngài như hy tế của lễ Vượt Qua. Đức Giê-su là Chiên Vượt Qua, chiên của giao ước mới. Chính nhờ máu Ngài đổ ra, giao ước mới được thiết lập, mọi người nhờ đó được tái sinh, và hệ quả là sự sống mới, là được tái sinh bởi nước và Thần Khí (x. Ga 3,3-6; Tt 3,5); Thiên Chúa khởi sự cho việc tạo dựng lại con người mới.

Điểm đặc biệt nơi con người mới được tái sinh này chính ở việc Thiên Chúa đích thân tuyển chọn mọi người (x. Ga 13,18) cách nhưng không (x. Ga 15,16). Những con người mới này được hướng dẫn bởi bộ luật mới tóm gọn trong hai điều: “Mến Chúa, Yêu Người” (x. Mt 22,37-40; Mc 12,33; Lc 10,27). Để giữ trọn điều luật này, điều tất yếu và trên hết con người phải có lòng mến (x. Ga 14,15.21); và chính Thánh Thần, Đấng đem bình an đến cho mọi người (x. Ga 20,19-22) sẽ khơi dậy lòng mến trong lòng nhân loại. Đằng khác, không giống dân Ít-ra-en xưa, con người mới biết rõ Đấng tác tạo nên mình, tức đi sâu vào mối tương quan với Thiên Chúa, qua Đức Giê-su, nhờ Thánh Thần (x. Ga 17,3). Động từ “biết” tất nhiên không thể chỉ hiểu theo nghĩa thuần lý, nhưng còn mang sự biết của con tim, của cả con người, bao hàm một sự thông hiệp và dấn thân; nghĩa là cái biết dựa trên lòng mến chứ không phải chỉ dựa trên đức tin. Hiệu quả của sự biết đặt con người vào vị trí “ngang hàng” với Đức Giêsu (x. Ga 15,15); đồng thời đem lại sự sống đời đời cho con người. Tương quan này không hề có đối với dân của giao ước cũ.

3. Qua việc thiết lập một Ít-ra-en mới mà biểu trưng là mười hai tông đồ

Nhờ sự hiến thân hoàn toàn của Đức Ki-tô, Hội Thánh được khai sinh. “Sự khai nguyên và triển nở của Hội Thánh được biểu thị bằng máu và nước trào ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Ki-tô bị đóng đinh”. “Chính từ cạnh sườn của Đức Ki-tô chịu chết trên thập giá đã phát sinh bí tích kỳ diệu là toàn thể Hội Thánh”.[21] Hội Thánh, dân mới được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn và thay thế Ít-ra-en (dân cũ). Dân mới không giới hạn trong một dân tộc, nhưng mở rộng cho mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ (x. Kh 5,9). Do bởi thay thế dân Ít-ra-en xưa kia, nên các mối tương quan thân tình giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en giờ đây được chuyển sang cho Hội Thánh (x. Kh 7,3-9.9-15). Hội Thánh trở thành vương quốc Thiên Chúa, là dân Tư tế của Ngài (x. Kh 1,6; 5,10; 7,15; 20,4-6); và Hội Thánh trung thành với Đức Ki-tô, nên trở thành Hiền thê của Ngài (x. Kh 19,7-9). Với tư cách là thân thể Đức Ki-tô được đầy tràn Thánh Thần và được Thánh Thần làm sống động, dân giao ước mới cũng có những “tông đồ”“ngôn sứ” để dẫn dắt (x. Ep 2,20); có luật mới (x. Rm 8,2; Gl 6,2) để chỉ đạo mình, một “Vua” lãnh đạo và một Xi-on (Giê-ru-sa-lem) mới. Có thể nói, nơi đó là trung tâm tinh thần của tất cả Dân Mới.

Như dân Ít-ra-en trong giao ước cũ có mười hai tổ phụ chi tộc, Giáo hội cũng có mười hai tổ phụ của mười hai chi tộc nơi mười hai Tông đồ (x. Kh 21,14). Các vị này sẽ ngồi trên mười hai ngai mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en khi Đức Ki-tô trở lại ngày cánh chung (x. Mt 19,28). Cũng như các tổ phụ của Ít-ra-en, các Tông đồ được chính Đức Ki-tô tuyển chọn vào chức vị độc nhất trong vương quốc Thiên Chúa thuộc Giao Ước Mới (x. Lc 6,13; Ga 6,70). Hơn nữa, trong giao ước xưa, Thiên Chúa đã chọn cách riêng một trong số mười hai chi tộc để đặt thánh điện của Ngài và để thánh điện ấy được xây dựng tại Sion, đó là chi tộc Giu-đa (x. Tv 78,67-69). Cũng thế, Đức Giê-su đã chọn một trong số mười hai Tông đồ làm “đá tảng” và thủ lãnh Giáo hội Ngài (x. Mt 16,18). Mặt khác, vai trò “Người Tôi Trung của Đức Chúa” được loan báo trong Cựu Ước phải hiến mạng sống mình để phục vụ “số đông dân chúng”, thì nay qua thực tại cuộc sống và viễn cảnh cuộc thương khó, Đức Ki-tô làm rõ nét vai trò này. Khi trao hiến thân mình, Ngài làm toát lên vẻ đẹp tình yêu hy hiến và kêu mời các Tông đồ gia nhập vào mầu nhiệm của Người tôi tớ Thiên Chúa (x. Ga 13,5-14); không những chỉ nơi nhóm nhỏ mười hai, nhưng tiếp tục trải rộng khắp mọi vùng trái đất (x. Mt 28,16-20; Mc 16,15).[22]

4. Giao ước mới này không kết thúc ở sự phục sinh của Đức Ki-tô, nhưng còn tiếp tục kéo dài mãi đến thời viên mãn

Nếu trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa thường phải lặp lại việc ký kết giao ước với dân, thì giao ước mới thời Tân Ước mang tính cách kết giao vĩnh viễn. Tuy nhiên, giao ước mới chỉ thực sự hoàn trọn vào ngày cánh chung. Sách Khải Huyền cho thấy, Đức Giê-su đã sống lại và trở thành Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, đồng thời được phong làm Chủ Tể mọi loài thụ tạo (x. Kh 1,5). Ngài “là khởi đầu và là cùng đích” (Kh 1,17). Chính trong ý nghĩa này, Đức Ki-tô sẽ can thiệp mạnh mẽ và bằng sức mạnh Thần Khí mới, Ngài triệt hạ vĩnh viễn các quyền lực bóng tối. Nhờ vậy, vương quốc mới và tối hậu của Thiên Chúa tỏ hiện; trong đó giao ước mới đạt tới mức hoàn hảo cuối cùng.[23]

Đức Ki-tô, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết (x. Kh 5,5; Cv 1,18), là Con Chiên vượt qua không tì vết đã đổ máu ra để cứu muôn người (x. Ga 1,29.36; 1 Pr 1,18; Cv 8,3). Vượt thắng sự chết và qua sự Phục sinh, mọi quyền lực trên vũ trụ đều được thâu nạp nơi Ngài (Mt 28,18). Ngài là “Lời Thiên Chúa”, mang “Danh Hiệu” vượt trên mọi danh hiệu, là Vua trên các vua và Chúa trên các chúa; đồng thời “ngày của Thiên Chúa” sẽ được thực hiện và hoàn trọn cũng chính nơi Ngài (x. Kh 19,11-16). Vì đầy quyền năng Thần khí và thấu suốt mọi sự (x. Kh 5,6), nên Ngài lãnh nhận và mở ấn niêm phong nơi cuốn sách mà Cựu Ước không ai xứng đáng để mở (x. Kh 5,1.7). Ngài là sư tử nhà Giu-đa (x. St 49,9-10), là chồi non nhà Đa-vít (x. Is 11,1-10; Gr 23,5). Qua Ngài, Thiên Chúa thực hiện và hoàn tất ý định cứu độ nhân loại trong tình yêu (x. Ep 1,4-14).

Như vậy, ta có thể thấy mối liên hệ giữa giao ước cũ và giao ước mới qua ba điểm:

– Cũng như giao ước cũ, giao ước mới là mối dây liên hệ giữa Thiên Chúa và con người. Đức Giê-su, Đấng Thiên Sai và là Con Thiên Chúa đóng vai trò quyết định chiều kích niềm tin.

– Giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ, vì giao ước cũ chỉ là hình bóng. Trong giao ước mới, Đức Giê-su vừa là tư tế, vừa là hy tế. Chỉ nhờ và qua Ngài, nhân loại được xóa tội, được hiệp nhất với Thiên Chúa.

– Giao ước mới được khai mở nơi Đức Ki-tô và chỉ thực sự hoàn tất trong ngày cánh chung, với viễn cảnh hôn lễ Chiên Thiên Chúa và Giáo Hội là hiền thê.

IV. NƠI ĐỨC GIÊ-SU – THIÊN CHÚA KẾT ƯỚC VĨNH VIỄN VỚI NHÂN LOẠI

A. Đức Giê-su – Dấu chứng lòng chung thủy của Thiên Chúa với con người

Lịch sử các giao ước nói lên lòng yêu thương của Thiên Chúa bao nhiêu, thì cũng bộc lộ sự bất trung, tội lỗi của con người bấy nhiêu. Ít-ra-en, dân được tuyển chọn làm dân riêng, được Ngài yêu thương, nâng niu, bảo vệ như thể con ngươi mắt Ngài (x. Đnl 32,10). Không phải do công nghiệp riêng, nhưng do tình yêu, họ được Thiên Chúa ban nhưng không vô số ân huệ (x. Đnl 7,7-8; 9,4t; Ed 16,2-5). Ngài giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ, đưa họ ra khỏi miền đất tội lỗi, và đặc tuyển họ làm “trưởng tử” của Ngài, rồi hạ cố “kết duyên” với họ bằng việc thiết lập giao ước. Qua giao ước, Thiên Chúa chính thức trở thành Cha của họ và họ chính thức trở thành con Thiên Chúa.

Thế nhưng, Ít-ra-en là một dân tộc cứng đầu, bất tuân và bội ước. Kinh Thánh cho thấy, ngay khi vừa đồng thanh thưa với Thiên Chúa: “mọi điều Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành”, thì lập tức họ đã bội phản, quay lưng lại với Thiên Chúa để hướng về ngẫu tượng (x. Xh 32,1-4). Giao ước Thiên Chúa thiết lập đã bị chính họ phá vỡ; và hậu quả đắt giá: Thiên Chúa ruồng bỏ, dân ngoại giày xéo, lưu đày vong thân. Đất nước, gia nghiệp Chúa ban bị “sang tên” cho dân ngoại, vương quyền Đa-vít bị bãi bỏ, Đền Thờ đổ nát… Thế nhưng, họ vẫn không hề thức tỉnh, mặc dù Thiên Chúa đã cho xuất hiện các ngôn sứ để cảnh tỉnh họ. Thay vì dựa vào giao ước với Thiên Chúa làm nền tảng, họ lại nại đến sự tính toán chính trị quá “loài người” (x. Is 8,6; 30,1; Ed 17,19tt); thay vì xây dựng sự hiệp nhất huynh đệ cộng đồng, họ lại sử dụng bạo lực, xảo trá và tham ô để gây chia rẽ, chà đạp lẫn nhau (x. Is 1,23; 5,8tt; Ed 17,19tt); tội thờ ngẫu tượng và vô luân vẫn tràn lan (x. Gr 5,19; Ed 22). Họ đã biến Giê-ru-sa-lem, thành đô của Chúa, thành nơi xấu xa. Họ vẫn cố tình chọc giận Thiên Chúa của họ.

Trước sự bội ước, bất trung và bạo loạn của Ít-ra-en, Thiên Chúa không quay mặt đi, nhưng bộc lộ rõ nét khuôn mặt tình yêu và sự tín trung của Ngài. Kinh Thánh cho thấy bằng chứng hiển nhiên: chính dân chối bỏ Thiên Chúa, còn Thiên Chúa thì không. Lưu đày, phân tán,… là hậu quả việc dân từ khước Thiên Chúa; đàng khác, đó cũng là “biện pháp giáo dục” của Thiên Chúa chứ không phải Ngài đã quên giao ước. Bản chất Thiên Chúa là trung tín (x. Xh 34,6), nên tất cả những gì Ngài đã kết ước chắc chắn sẽ được thực hiện. Vì lẽ đó, xuyên suốt lịch sử, sự trung thành của Thiên Chúa không hề thay đổi, mặc dầu con người thường xuyên bất trung và nổi loạn chống lại Ngài. Dân được chọn luôn sa đi ngã lại vì tội bất trung, nhưng Ngài vẫn luôn hiện diện, yêu thương và che chở họ (x. Tl 2,11-19). Đặc biệt, ngay khi niềm tin và hy vọng của Ít-ra-en trở nên mong manh hơn bao giờ hết trong cảnh lưu đầy, Thiên Chúa vẫn nhắc lại lời đã hứa (x. Ed 36,24.28).

Sự trung thành rõ nét nhất khi Ngôi Lời mặc lấy xác phàm đến trong trần gian, chính thức khai mở triều đại mới hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Chính nơi Đức Ki-tô, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thành tựu (x. Cv 2,23), và mọi lời hứa cũng sẽ được hoàn tất (x. 2Cr 1,20). Bằng cả cuộc sống, con người, và đỉnh cao là sự tự hiến thân mình trong bữa tiệc ly cũng như trên thập giá, Đức Ki-tô cụ thể hóa các lời hứa, đồng thời biểu đạt đến cùng tình yêu và lòng thành tín của Thiên Chúa với dân Ngài. Đất hứa không còn là Ca-na-an, nhưng là Nước Trời – triều đại Thiên Chúa. Dòng dõi Áp-ra-ham giờ đây bao gồm mọi kẻ tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Nhờ Đức Ki-tô, Thiên Chúa ban phúc lành cho toàn thể vũ trụ, biến đổi và làm cho nó trở nên trời mới đất mới. Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đưa con người vào sự viên mãn, sự hoà giải và sự bình an (x. Cl 1,19-20); đồng thời, kế hoạch của Thiên Chúa về con người cũng được mặc khải (x. Ep 1,4-10).

Sau khi phục sinh và lên ngự bên hữu Thiên Chúa, Đức Ki-tô qui tụ nhân loại đã được cứu chuộc để làm thành dân mới (x. Ga 12,32), và tuôn đổ tràn đầy Thần Khí trên dân mới này (x. Ga 7,39; 20,22tt; Cv 2,33). Thánh Thần chính là phúc lành, và cũng là sợi chỉ hồng nối kết nhân loại vào kế đồ của Thiên Chúa, qua Đức Ki-tô – Đấng là miêu duệ đích thật của Áp-ra-ham, và đồng thời cũng là Đấng thâu tóm toàn bộ lịch sử Cựu Ước. Hơn nữa, trong cuộc sống trần gian, Đức Giê-su là “con người Thần Khí”, thì khi trao ban Thần Khí cho dân mới là Hội Thánh sau Phục sinh, Ngài cũng làm cho Thần Khí bao trùm toàn thể dân mới này. Từ đây, Thánh Thần là “hồn sống” của dân mới, và cũng chính Ngài làm thể hiện cách trọn vẹn lời Chúa đã phán xưa: “Các ngươi sẽ là dân của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (x. Lv 26,12; Gr 31,33; 2Cr 6,16; Dt 8,10; Kh 21,3). Như vậy, có thể nói: mọi tước hiệu của Ít-ra-en xưa nay được chuyển giao cho Hội Thánh: dân riêng của Thiên Chúa (x. Tt 2,14; Đnl 7,6), dòng giống được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân thánh (x. 1Pr 2,9; Xh 19,5; Is 43,20tt), hiền thê của Chúa (x. Ep 5,25; Kh 19,7; 21,2).[24]

B. Đức Giê-su – Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người

“Không ai có thể đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Câu khẳng định tuyệt nhiên cho ta thấy vai trò trọng yếu của Đức Ki-tô. Ngài mang trọng trách thiết lập sự hợp nhất giữa hai thực tại cách biệt, Thiên Chúa và con người. Nói cách khác, Ngài không những là người bắc cầu, nhưng còn là cây cầu nối kết Thiên Chúa và con người.

Nền tảng của vai trò trung gian của Đức Kitô hữu-tô chính là mầu nhiệm ngôi hiệp, bởi trong Ngài mang hai bản tính: Thiên Chúa và con người. Xét về nhân tính, Đức Ki-tô mang trong mình tất cả mọi chất tố của một con người, chỉ trừ tội lỗi. Xét về thiên tính, Đức Ki-tô chính là Thiên Chúa. Như vậy, nơi bản thân Đức Ki-tô hoàn toàn có thể và xứng đáng thực hiện việc hiệp nhất và hòa giải con người với Thiên Chúa. Từ đó, ta thấy vai trò trung gian của Đức Ki-tô trong giao ước mới mang hai ý nghĩa: ý nghĩa theo chiều đi lên, xét vì Ngài dâng lên Thiên Chúa Cha tâm tình thờ lạy, lòng tri ân, sự đền bù cho tội lỗi nhân thế, và sự khẩn cầu thay cho con người; ý nghĩa theo chiều đi xuống, xét vì Đức Ki-tô chuyển thông cho con người tất cả những ân huệ của Thiên Chúa, tất cả những ân sủng cứu độ.[25]

Đó mới chỉ là cách nhìn khái quát về vai trò trung gian của Đức Ki-tô. Điều cần đào sâu ở đây là vai trò trung gian được thể hiện qua hành động cụ thể và ý nghĩa đặc biệt của hành động này.

1. Thượng tế độc nhất của Thiên Chúa

Phẩm vị tư tế nổi bật của Đức Ki-tô là phẩm vị tư tế độc nhất. Chức tư tế của Ngài không do thừa kế, nhưng mang tính độc nhất. Tác giả thư Do-thái nêu rõ: “Còn Đức Giê-su, chính vì Ngài hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Ngài tồn tại mãi mãi. Do đó, Ngài có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Ngài mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Ngài hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7,24-25). Qua đó, mọi chức tư tế nơi giao ước cũ là hình bóng chức tư tế của Đức Ki-tô trong giao ước mới; đồng thời, bất kỳ chức tư tế nào trong Tân Ước đều chỉ là một sự tham dự vào chức tư tế độc nhất của Đức Ki-tô, thông qua sự đồng dạng, đồng hóa hay mặc lấy chính thực tại Đức Ki-tô, vốn được thực hiện qua các bí tích.

Tính độc nhất của chức tư tế nơi Đức Ki-tô có liên hệ mật thiết đến một trong những đặc tính được thư Do-thái nêu ra, theo cùng một chiều hướng với thánh vịnh 110: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế, theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Tv 110,4; Dt 5,6). Men-ki-xê-đê được Sách Thánh mô tả: không cha – mẹ, không gia phả, cuộc đời không khởi đầu cũng không có kết thúc. Như thế ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế (x. Dt 7,3); chỉ có điều, chức tư tế của Đức Ki-tô được khởi đầu bằng cuộc nhập thể và sẽ tồn tại mãi. Và cũng có thể nói rằng: chức tư tế của Đức Ki-tô là vĩnh cửu do bởi những công hiệu của nó, tức vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ cho nhân loại, đụng chạm đến toàn bộ lịch sử và lưu tồn vạn đại.[26]

2. Mình và Máu Đức Ki-tô: hy tế xứng hợp nhất không gì có thể thay thế

Cùng với chức vụ tư tế cao cả trong giao ước mới, Đức Giê-su cũng chính là vật hy tế trên bàn thờ. Giá trị này trổi vượt hơn bất kỳ một hy tế nào khác không chỉ vì tư cách của vị tư tế dâng lễ, nhưng còn bởi vì hiến vật được tiến dâng mang một giá trị vô biên, được kết hợp hoàn hảo trong cùng một chủ thể, cả vị tư tế dâng lễ lẫn lễ vật được dâng tiến. Sự đồng nhất này cho phép có được sự duy nhất giữa hy lễ ngoại tại và hy lễ nội tâm, và hiện thực hóa việc tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4,23); điều này không hề thấy ở bất cứ một giao ước nào trước đó, và sau này cũng không có giao ước nào thay thế. Qua việc trao hiến Mình và Máu làm nguồn sống mới cho dân mới là Hội Thánh, chức tư tế của Đức Ki-tô đã phô bày chính bản thân Ngài như một hiến vật: sự kiện ấy chứng tỏ mức độ hoàn hảo chức tư tế của Đức Ki-tô, bởi ở đó sự duy nhất hoàn hảo giữa vị tư tế và hiến vật, giữa hy lễ nội tâm của vị tư tế và hy lễ bên ngoài. Bằng cách này, Đức Ki-tô đã đóng ấn trên giao ước mới, và vì thế Ngài trở thánh Đấng trung gian duy nhất của giao ước mới (x. Dt 9,15).

Khi Đức Ki-tô hiến dâng chính bản thân mình lên Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần, đó là sự quy chiếu mặc nhiên về hy lễ phượng tự. Trong các hy lễ Cựu Ước, tế vật dâng tiến được ngọn lửa thiêu đốt, cũng vậy, hy lễ của giao ước mới được thực hiện do Đức Ki-tô, nhờ vào Chúa Thánh Thần, ngọn lửa của tình yêu vô biên. Trong giao ước cũ, hiệu quả tế tự đặt Dân Chúa trong sự tinh luyện, được tha thứ… nhưng tất cả chỉ mang tính nhất thời, dân không thể đến cùng Thiên Chúa cách trọn vẹn bởi tất cả những yếu tố cấu thành việc phụng tự chỉ là thụ tạo bất toàn. Trong khi đó, việc tế tự trong giao ước mới mang tính phổ quát, vượt mọi rào cản, bởi chính Đức Ki-tô, Đấng Thiên-Nhân, trở thành yếu tố nền tảng cho nền phụng tự trong giao ước mới.[27] Điều này được nhận thấy nơi sơ đồ tế tự của giao ước mới: Giữa lễ vật hy sinh và Thiên Chúa, Đức Ki-tô chính là lễ vật duy nhất và xứng đáng (x. Dt 9,14); Giữa lễ vật hy sinh và tư tế, Đức Ki-tô hiến dâng chính mình Ngài (x. Dt 9,14-15; 5,7-8); Giữa Dân Chúa và tư tế, cái chết của Đức Ki-tô làm trung gian (x. Dt 2,17-18; 4,15; 9,15).

Đức Giê-su hoàn toàn chủ động trong việc dâng hiến mạng sống Ngài cho nhân loại. Qua việc dâng hiến đó, Ngài trở nên hy lễ xá tội, và đồng thời cũng là hy lễ hiệp thông; nghĩa là vừa dâng hiến cho Thiên Chúa, vừa dâng hiến cho anh em đồng loại. Trong hành vi tế lễ ấy, Ngài vừa kết hợp làm một với Đấng sẽ chiếu nhận hy lễ được Ngài dâng hiến, đồng thời, Ngài cũng nên một với những kẻ mà Ngài đại diện để dâng hy lễ; chính Ngài vừa là người dâng hy lễ, vừa là lễ vật được tiến dâng. Như vậy, toàn bộ giao ước mới được tập trung nơi một con người, là Đức Giê-su Ki-tô. Ngài chính là giao ước mới, là Trung Gian, là của lễ hoàn thành giao ước; đồng thời cũng là Tư Tế và là Luật của giao ước mới.

C. Đức Giê-su – Đấng hợp nhất nhân loại trong các tương quan

Trong những chương đầu sách Sáng Thế, Kinh Thánh trình thuật Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ vạn vật, trong đó có con người. Con người là thụ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ. Mỗi con người đều mang hình ảnh Thiên Chúa và hình ảnh ấy rực sáng trong sự hiệp thông ngôi vị, giống sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa.[28] Qua đó, ta thấy bản chất con người ngay từ đầu là một ngôi vị. Ngôi vị con người được biểu hiện qua việc dùng ý chí, lý trí để hiểu biết: Thiên Chúa, bản thân, tha nhân và vũ trụ; đồng thời có quyền tự do trong hành động, nhưng đi kèm luôn là câu trả lời về trách nhiệm các hành vi của mình trong sự tự do đó.[29]

Tiếc thay, con người lại dùng chính sự tự do của mình để làm mất tương quan ngôi vị với Thiên Chúa; đồng nghĩa việc tự đánh mất sự thánh thiện nguyên thủy, yếu tố để được thông hiệp vào sự sống Thiên Chúa. Song song đó, con người cũng không còn khả năng điều khiển, kết hợp hài hòa trong các mối tương quan: chính mình, tha nhân và vũ trụ; thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con người. Vì con người, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo (x. Rm 8,20), và hậu quả cuối cùng là sự chết đã xâm nhập vào lịch sử nhân loại (x. Rm 5,12). Sự liên lụy của tội đã lan rộng khắp cả nhân loại, bởi toàn thể nhân loại đều ở trong con người đầu tiên như một thân thể duy nhất của một con người duy nhất. Tuy thế, bản tính con người chỉ bị thương tổn trong các khả năng tự nhiên: mê muội, đau khổ, và phải chết.[30]

Để giải thoát nhân loại khỏi tội, Con Thiên Chúa đã xuất hiện trong thế gian. Là con người hoàn hảo, Ngài trả lại hình ảnh Thiên Chúa nơi con người đã bị nguyên tổ làm sai lệch. Bước vào thế gian, một cách nào đó Con Thiên Chúa đã kết hợp với nhân loại trong sự duy nhất về ngôi vị; đồng nghĩa Thiên Chúa thông ban chính bản thể của mình cho thụ tạo. Nơi Con Một Yêu Dấu, bản tính nhân loại được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt, nên khi tháp nhập vào Ngài, bản tính nhân loại nơi con người được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt; tức không những lấy lại chính ngôi vị thủơ ban đầu đã bị đánh mất, mà còn được trở nên “tử hệ thần linh của Thiên Chúa”.[31] Trong danh phận đó, con người xứng đáng liên kết và tạo ra các tương quan, không phải trong hệ lụy, nhưng là tương quan trong sự công bằng, tự do và phẩm vị.

1. Tương quan giữa con người với Thiên Chúa

“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng gọi anh em là bạn hữu” (x. Ga 15,15); “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17). Qua sự khẳng định này, Đức Ki-tô đặt con người trong vị thế “ngang hàng” với Ngài; tức trở nên con Thiên Chúa Cha. Tiếp nối ý tưởng trên, thánh giáo phụ Irênê xác quyết: “Thiên Chúa làm người để con người trở thành Thiên Chúa”; và sau này, Clê-men-tê thành A-le-xan-ri-a, O-ri-giê-nê, A-tha-na-xi-ô, Au-gút-tin,… tiếp tục triển khai để làm nổi bật việc nhân hóa Thiên Chúa và thần hóa con người.[32] Qua Đức Ki-tô, con người được lãnh nhận ân sủng trong Thánh Thần; trở nên xứng đáng trong tương quan ngôi vị với Thiên Chúa. Có thể nói, lúc này Thiên Chúa không còn là nguyên lý siêu hình, nhưng là ngôi vị, được mặc khải qua dung mạo và con người Giê-su, “vừa tầm” để con người kết giao tương quan.

Trong chiều kích tương quan ngôi vị với Thiên Chúa, con người hoàn toàn được tự do trong suy nghĩ và hành động. Nhưng bản chất là bất toàn, nên ngay từ khi tạo dựng, Thiên Chúa là “chủ thể đối thoại” của con người, và Ngài vẫn mãi như thế cho dù con người có muốn hay không. Con người là người trong mức độ nhìn nhận phẩm giá của mình, sống trong thái độ tuân phục và qua đó thực hiện tương quan đối thoại với Thiên Chúa như với một chủ thể thân thương. Như vậy, một mặt, tự do là dấu chỉ cao cả nhất về hình ảnh Thiên Chúa trong con người; mặt khác, con người vẫn cần có sự kết hợp với Thiên Chúa để tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc, tức một sự lệ thuộc. Nhưng nhờ sự kết hợp với một Giê-su mang bản tính Nhân-Thần, con người dễ dàng thực hiện việc hướng về Thiên Chúa cách hoàn toàn sống động, đồng thời bảo đảm bản chất tự do của ngôi vị.

2. Tương quan giữa con người với tha nhân

Tự bản chất, con người là hữu thể xã hội. Ngay khi tạo thành, con người được dựng nên có nam, có nữ; cộng đoàn tính đầu tiên của nhân loại.[33] Vì cùng được tác thành bởi Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, con người tương quan hệ lụy với nhau. Con người là hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,27), nên tương quan giữa con người với tha nhân cũng phản ánh chính mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Hai chiều hướng đó thật cần thiết, và hơn nữa, không phải đối nghịch nhưng bổ túc cho nhau.

Sống trong xã hội, tương quan đích thực chỉ có thể có được khi hai chủ thể bình đẳng với nhau, khi không người nào đánh mất phẩm giá của mình; nói cách khác, tương quan giữa mọi người với nhau phải là tương quan ngôi vị.

Thực thế, chiều kích nhân vị nơi Đức Giê-su biểu lộ một sự liên kết, hay nói đúng hơn là sự hệ lụy ngay trong bản tính nhân loại của Ngài. Mỗi nhân vị đều có trách nhiệm liên đới trong mối dây đức ái, đặc tính và cũng là dấu chỉ căn cốt đạo lý Ki-tô giáo (x. Ga 13,35). Mặt khác, chiều kích phổ quát của giao ước mới qui hướng nhân loại về một điểm duy nhất: Đức Giê-su Ki-tô; trưởng tử giữa đàn em đông đúc. Trong sự qui hướng cùng đích này, làm nên sự hiệp nhất ngôi vị; qua đó, con người hiểu được mặc khải trung tâm điểm Ki-tô giáo: mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, trong đó, mỗi Ngôi là Một, nhưng cả ba đều hiệp nhất với nhau.

3. Tương quan giữa con người với vũ trụ

Trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, thánh Phao-lô nhìn nhận: muôn vật hữu hình và vô hình đều do Thiên chúa sáng tạo nhờ Đức Ki-tô – nguyên nhân tác thành, cho Đức Ki-tô – nguyên nhân cùng đích, và trong Đức Ki-tô – nguyên nhân mẫu mực (x. Cl 1,16). Các bản văn Ga 1,1-4; Dt 1,3; 1Cr 1,24 cũng đều xác quyết: muôn vật bước vào hiện hữu nhờ Đức Ki-tô; Ngài là nguyên nhân phổ quát và duy nhất; nhờ đó Thiên Chúa làm phát sinh và bảo tồn vạn vật.

Mặt khác, nếu như “muôn vật được tạo thành nhờ Ngài (Đức Ki-tô) và cho Ngài” (Cl 1,16), và nếu như “cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ muôn vật phải bái quỳ” khi nghe danh thánh của Đấng Phục Sinh (x. Pl 2,10), thì nhân loại không thể được hiểu cách giới hạn sự hiện diện của Đức Ki-tô chỉ nơi loài người mà thôi. Tác giả thư Ê-phê-xô nhấn mạnh: thiên ý nhiệm mầu của Thiên Chúa là “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1,10). Cha Teilhard de Chardin đã nói tới “Đức Ki-tô của vũ trụ” như là cùng đích cuộc tiến hóa tự nhiên của vũ trụ; đồng nghĩa Đức Ki-tô là nguyên lý, cùng đích và lý do tồn tại của vạn vật. Do đó, con người cần phải sống hiệp thông với Ngài qua cả vũ trụ này nữa.[34]

Như vậy, tương quan không thể nào biến mất khỏi vũ trụ. Tất cả mọi thụ tạo trên thế giới được gộp vào một mối tương quan. Nếu ta coi thế giới như một thứ ngôn ngữ: đó chính là nơi bắt đầu thành hình cuộc đối thoại. Thế giới là ngôn ngữ Thiên Chúa dùng, là lời Thiên Chúa nói với con người. Sự vật là những lời Thiên Chúa nói với thọ tạo, được yếu tính chi phối để họ nhập cuộc vào tương quan “đối thoại” với Thiên Chúa. Con người được đặt trên mặt đất là để lắng nghe thứ ngôn ngữ vốn là chính thế giới, mà con người cũng phải là kẻ đáp lại. Qua con người, mọi sự phải trở về với Thiên Chúa như một lời đáp lại.[35]

Kết luận

Hành trình cuộc đời mỗi người, mỗi dân tộc luôn là một sự biến chuyển không ngừng. Lịch sử được xem như dấu tích ghi lại những gì con người đã từng hiện hữu, bởi con người luôn mang trong mình lịch sử tính. Cũng vậy, không chỉ con người, nhưng tất cả mọi sinh thể xuất hiện trong vũ trụ đều được mặc cho một hình thế hiện hữu. Nhờ đó, trong sự vận hành của tự nhiên, mọi sinh thể mặc nhiên viết tiếp vào những trang sử của thế giới. Trong ý hướng này, khi bước vào lịch sử nhân loại, Thiên Chúa như thể uốn mình theo sự tiến triển của con người. Ngài tự mặc khải chính mình trong lịch sử ấy theo chiều hướng tiệm tiến.

Lịch sử các giao ước là những lần Thiên Chúa đến tỏ mình ra và kết buộc mình với con người. Trong tất cả mọi giao ước, chính Thiên Chúa là người khởi xướng. Ngài tự chọn cho mình đối tác và lập với họ một hợp đồng. Hợp đồng này bao gồm những quyền lợi phát sinh từ lời hứa của Thiên Chúa. Như vậy, các giao ước xuất hiện không do công trạng hay ý muốn của con người, nhưng là do ý định yêu thương của Thiên Chúa. Do đó, con người có quyền tùy nghi chấp nhận hay không chấp nhận sự kết ước với Ngài. Chính vì vậy, các yếu tố cấu thành giao ước được sắp xếp theo biểu đồ: Sáng kiến của Thiên Chúa = tuyển chọn + hợp đồng + lời hứa. Đây cũng chính là điều làm cho các giao ước mang đặc tính tôn giáo, và khác xa với mọi khế ước của người đời.

Hơn nữa, các giao ước là một tiến trình trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, giữa chúng có một mối tương quan gắn kết với ba yếu tố: sự liên tục, sự khác biệt và sự trổi vượt. Về sự liên tục: các giao ước Cựu Ước (giao ước cũ) là nền tảng giải thích và làm cho người ta có thể hiểu được giao ước mới. Nếu không có mối liên hệ này, các giao ước sẽ chỉ là những sự kiện rời rạc, không nói lên được ý định cứu độ của Thiên Chúa xuyên suốt trong lịch sử thánh. Tuy nhiên, trong mối tương quan giữa giao ước mới và giao ước cũ cũng cần phải có sự khác biệt và sự vượt trội; nếu không, hy lễ của Đức Ki-tô cũng chẳng khác gì những hình thức lễ tế trong giao ước cũ, cũng chỉ là việc diễn lại cử chỉ vô hiệu mà thôi. Và như vậy, làm sao ta có thể nói đến sự hoàn tất nhờĐức Ki-tôvà trong Đức Ki-tô! Chính nhờ mối tương quan giữa ba yếu tố kể trên, người ta có thể nhận thấy giá trị vô song của giao ước mới. Giao ước mới là sự hoàn tất viên mãn của giao ước cũ. Còn giao ước cũ là hình bóng phản chiếu giao ước mới và được nên trọn trong giao ước mới.

Mặt khác, lịch sử các giao ước cho thấy tính chất các lần giao ước được sắp xếp theo một tiến trình: Phổ quát (giao ước với ông Nô-ê) – đặc thù (giao ước với ông Áp-ra-ham và giao ước Xi-nai) – phổ quát (giao ước mới). Tiến trình này xem ra có sự đi xuống, rồi lại trở về chỗ cũ; nhưng thực ra, nó được cấu trúc theo một trình tự rất lô-gích, được sắp xếp như một hình xoắn ốc theo chiều đi lên, và giao ước mới là điểm hoàn thành viên mãn của tiến trình này.

Sau cùng, trong giao ước mới, Thiên Chúa quyết định đi đến mức tuyệt đỉnh nơi con người Giê-su Ki-tô. Chính nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, nhân loại được đón nhận trong một chủ thể ngôi vị hoàn trọn. Con người có quyền thưa với Chúa Cha: Áp-ba! Cha ơi! (x. Rm 8,15). Tuy nhiên, kế đồ cứu độ của Thiên Chúa đã được khởi sự nơi Đức Giê-su, nhưng chỉ thực sự hoàn trọn vào thời viên mãn. Trong khi còn trông đợi “ngày sẽ đến”, con người luôn cần được tháp nhập vào con người Giê-su đời thường trong cuộc sống hiện sinh. Qua đó, con người tiếp nối công trình cứu độ của Ngài trong dòng lịch sử của mỗi cá nhân.

—–o0o—–

THƯ TỊCH

 

Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước. Nhóm CGKPV chuyển ngữ. Tp.HCM: Tòa Tổng Giám Mục Tp.HCM, 1998.

Kinh Thánh. Nguyễn Thế Thuấn chuyển ngữ. Hà Nội: Tôn Giáo, 2003.

Đối chiếu bốn sách Tin Mừng. Nhóm CGKPV chuyển ngữ. Hà Nội: Tôn Giáo, 2004.

Thánh Công đồng chung Vatican II. Phân khoa Thần học – Giáo hoàng Học viện thánh Piô X chuyển ngữ. Đà Lạt: 1972.

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo. Tp.HCM: Tòa Tổng Giám Mục Tp.HCM, 1997.

Các sách Ngôn Sứ – Kinh Thánh Cựu Ước. Nhóm CGKPV chuyển ngữ. Tp.HCM: Tòa Tổng Giám Mục Tp.HCM, 1996.

Vocabulaire de Théologie Biblique. Paris: du Cerf, 1971. Bản Việt ngữ: Điển ngữ Thần học Thánh Kinh. 4 tập. Đà Lạt: Phân khoa Thần học – Giáo hoàng Học viện thánh Piô X, 1973.

Dheilly J. Dictionnaire Biblique. France: Desclée, 1964. Bản Việt ngữ: Từ điển Kinh Thánh. 4 tập. Tp.HCM: Học viện Đaminh, 1993.

Flanagan, Neal M. Salvation History. New York, 1964. Bản Việt ngữ: Lịch sử cứu độ – Dẫn vào Thần học Thánh Kinh. Hà Nội: Sự Thật, 1983.

Krinetzki, Leo. L’alliance de Dieu Avec Les Hommes. Paris: du Ceft, 1970. Bản Việt ngữ: Giao ước của Thiên Chúa với loài người.

Charpentier, Etienne. Pour lire I’Ancient Testament. Paris: du Cerf, 1980. Bản Việt ngữ: Để đọc Cựu Ước. Thiên Bình chuyển ngữ.

Sesboué, Bernard & Joseph Wolinsky. Thiên Chúa cứu độ – Lịch sử tín điều. Nguyễn Văn Chính chuyển ý. Tp.HCM: Đại chủng viện thánh Giuse, 2006.

Ocariz, Fernando, L. F. Mateo Seco & J. Antonio Riestra. Il Mistero di Cristo. Roma, 2000. Bản Việt ngữ: Mầu nhiệm Đức Kitô. Lâm Văn Sỹ chuyển ngữ. Tp.HCM: Trung tâm học vấn Đaminh, 2006.

Nguyễn Ngọc Rao. Tìm hiểu ngũ thư. Tp.HCM: Trung tâm học vấn Đaminh, 2005.

Nguyễn Ngọc Rao. Tìm hiểu các sách Ngôn Sứ.

Võ Đức Minh. Giao ước mới trong Tân Ước. Tp.HCM: Đại chủng viện thánh Giuse, 1990.

Trần Phúc Nhân. Tìm hiểu Cựu Ước. Tp.HCM: 1998.

Nguyễn Văn Trinh. Dẫn nhập vào Kitô học. Tp.HCM: Đại chủng viện thánh Giuse, 2001.

Norberto. Cuộc vượt qua của Đức Giêsu Kitô. 2 tập. In lần thứ ba. Nha Trang: Đại chủng viện Sao Biển, 2001-2002.

Langemeyer, Georg. Anthropologie. Graz Wien Koln: Styria Verlag. Bản Việt ngữ: Nhân văn luận thần học qua các tác giả. Nguyễn Văn Hòa chuyển ngữ. .

Ohlig, Karl-Heinz. Christologie. Graz Wien Koln: Styria Verlag, 1991. Bản Việt ngữ: Kitô học qua các tác giả. Nguyễn Văn Hòa chuyển ngữ.

Niemann, Franz-Josef. Jesus der Offenbarer. Graz Wien Koln: Styria Verlag. Bản Việt ngữ: Đức Giêsu – Đấng Mặc khải qua các tác giả. Nguyễn Văn Hòa chuyển ngữ.

 

 


[1] “Giao ước,” Đại từ điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên, 1999.

[2]Xc. “beriyth,” Bibleworks7 [CD-ROM]. Meaning: 1. covenant, agreement, alliance, pledge. 1a). between men, 1a1). treaty, alliance, league (man to man), 1a2). constitution, ordinance (monarch to subjects), 1a3). agreement, pledge (man to man), 1a4). alliance (of friendship), 1a5). alliance (of marriage); 1b). between God and man, 1b1). alliance (of friendship), 1b2). covenant (divine ordinance with signs or pledges). 2). (phrases), 2a). covenant making, 2b). covenant keeping, 2c). covenant violation.

[3] “Giao ước,” Điển ngữ Thần học Thánh Kinh (Vocabulaire de Théologie Biblique, 1971 ed.), bản Việt ngữ 1973.

[4] Xc. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (Tp.HCM: Tòa Tổng Giám Mục Tp.HCM, 1997), số 356 & 362.

[5] Xc. Neal M. Flanagan, Salvation History (New York: 1964). Bản Việt ngữ: Lịch sử cứu độ – Dẫn vào Thần học Thánh Kinh (Hà Nội: Sự Thật, 1983), tr. 32.

[6] “Giao ước,” Điển ngữ Thần học Thánh Kinh (Vocabulaire de Théologie Biblique, 1971 ed.), bản Việt ngữ 1973.

[7] Xc. Neal M. Flanagan, sđd., tr. 51-55.

[8] “Đa-vít,” Từ điển Kinh Thánh (Dictionnaire Biblique. 1964 ed.). Bản Việt ngữ 1993.

[9] Xc. Các sách Ngôn Sứ – Kinh Thánh Cựu Ước, Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ chuyển ngữ (Tp.HCM: TGM Tp.HCM, 1996), phần chú thích, tr. 329.

[10] Xc. “Lumen Gentium,” Thánh Công đồng chung Vatican II, Phân khoa Thần học – Giáo hoàng Học viện thánh Piô X chuyển ngữ (Đà Lạt: 1972), số 9.

[11] Xc. Etienne Charpentier, Pour lire I’Ancient Testament (Paris: Du Cerf, 1980). Bản Việt ngữ: Để đọc Cựu Ước, Thiên Bình chuyển ngữ, tr. 28.

[12] Xc. Các sách Ngôn Sứ – Kinh Thánh Cựu Ước, Nhóm CGKPV chuyển ngữ, phần chú thích, tr. 53.

[13] Xc. Nguyễn Ngọc Rao, Tìm hiểu Ngũ Thư (Tp.HCM: Trung tâm học vấn Đaminh, 2005), tr. 97-99.

[14] Xc. Trần Phúc Nhân, Tìm hiểu Cựu Ước (Tp.HCM: 1998), tr. 60.

[15] Xc. Nguyễn Ngọc Rao, sđd., tr. 116.

[16] Xc. Neal M. Flanagan, sđd., tr. 35.

[17] Xc. Neal. M. Flagan, sđd., tr. 22.

[18] Xc. Neal. M. Flanagan, sđd., tr. 36.

[19] Xc. “Giao ước,” Điển ngữ Thần học Thánh Kinh, Kinh (Vocabulaire de Théologie Biblique, 1971 ed.), bản Việt ngữ 1973.

[20] Xc. Nguyễn Bá Ân, Chức tư tế (Tp.HCM: Chân lý, 2003), tr. 121.

[21] Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (Tp.HCM: Tòa Tổng Giám Mục Tp.HCM, 1997), số 766.

[22] Leo Krinetzki, L’Alliance de Dieu avec les Hommes (Paris: du Cerf, 1970). Bản Việt ngữ: Giao ước giữa Thiên Chúa với loài người, tr. 111-112.

[23] Xc. Leo Krinetzki, sđd., tr. 116.

[24] Xc. “Dân,” Điển ngữ thần học Thánh Kinh (Vocabulaire de Théologie Biblique, 1971 ed.), bản Việt ngữ 1973.

[25] Xc. Fernando Ocariz, L. F. Mateo Seco & J. Antonio Riestra, Il Mistero di Cristo (Roma: 2000). Bản Việt ngữ: Mầu nhiệm Đức Kitô, Lâm Văn Sỹ chuyển ngữ (Tp.HCM: TTHV Đaminh, 2006), tr. 122.

[26] Xc. Fernando Ocariz, L. F. Mateo Seco & J. Antonio Riestra, sđd., tr. 152.

[27] Xc. “Giao ước,” Điển ngữ Thần học Thánh Kinh (Vocabulaire de Théologie Biblique, 1971 ed.), bản Việt ngữ 1973.

[28] Sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo (Tp.HCM: TTGM Tp.HCM, 1997), số 357;1702-1703

[29] Xc. “Dignitatis Humanae,” Thánh Công đồng chung Vatican II, Phân khoa Thần học – Giáo hoàng Học viện thánh Piô X chuyển ngữ (Đà Lạt: 1972), số 2.

[30] Xc. Sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo (Tp.HCM: Tòa Tổng Giám Mục Tp.HCM, 1997), số 339-405.

[31] Xc. Ibid., số 460.

[32] Xc. Bernard Sesboué & Joseph Wolinsky, Thiên Chúa cứu độ – Lịch sử tín điều, Nguyễn Văn Chính chuyển ý (Tp.HCM: Đại chủng viện thánh Giuse, 2006), tr. 211.

[33] Xc. “Lumen Gentium,” Thánh Công đồng chung Vatican II, Phân khoa Thần học – Giáo hoàng Học viện thánh Piô X chuyển ngữ (Đà Lạt: 1972), số 12,4.

[34] Xc. Norberto, Cuộc vượt qua của Đức Giêsu Kitô, in lần thứ ba (Nha Trang: Đại chủng viện Sao Biển, 2001-2002), tập II, tr. 245.

[35] Georg Langemeyer, Anthropologie (Graz Wien Koln: Styria Verlag). Bản Việt ngữ: Nhân văn luận thần học qua các tác giả, Nguyễn Văn Hòa chuyển ngữ, tr. 220.