Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
SỨ MẠNG CỦA THÁNH GIUSE
TRONG CUỘC ĐỜI CHÚA KITÔ VÀ HỘI THÁNH
***
***
CHƯƠNG HAI
THÁNH GIUSE TRONG TRUYỀN THỐNG HỘI THÁNH
Trong chương này, chúng ta theo dõi sự phát triển về thần học và lòng tôn kính Thánh Giuse trong lịch sử Giáo Hội. Trước tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu những lưu truyền về Thánh Giuse nơi các ngụy thư Tân Ước (mục 1). Tiếp đến, chúng ta sẽ điểm qua những đường hướng thần học bàn về Thánh Giuse từ thời Giáo phụ đến thời cận đại, cũng như sự tiến triển của lòng tôn kính Thánh Nhân (mục 2). Sau cùng, chúng ta sẽ phân tích những văn kiện Tòa Thánh trong hai thế kỷ gần đây bàn về vai trò của Đấng được tôn phong làm Quan thầy Giáo Hội (mục 3).
***
MỤC I. CÁC TÁC PHẨM NGỤY THƯ TÂN ƯỚC
Trong chương thứ nhất vừa rồi, khi phân tích các đoạn Tin Mừng nói về Thánh Giuse, chúng ta thấy rằng, các thánh sử không cung cấp một chi tiết nào về cuộc đời của Người: Sinh năm nào? Ở đâu? Đính hôn với bà Maria lúc nào? Qua đời hồi nào? Chôn cất ở đâu?
Đàng khác, chúng ta thấy nhiều bức tranh vẽ hình Thánh Giuse đầu tóc bạc phơ, hoặc cầm cành hoa huệ, hoặc nhắm mắt lìa trần với Đức Mẹ và Đức Giêsu đứng bên cạnh. Các dữ kiện này dựa vào tài liệu nào?
Câu trả lời vắn tắt cho những câu hỏi vừa rồi là: những chi tiết về cuộc đời Thánh Giuse dựa theo những lưu truyền dân gian, được ghi lại trong các tác phẩm ngụy thư Tân Ước. Trước khi đi vào chi tiết, cần xác định ý nghĩa của từ ngữ “ngụy thư”.
I. KHÁI NIỆM
Theo nguyên ngữ Hy Lạp, “Apokryphos” chỉ có nghĩa là “bí mật, giữ kín”, và được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Lúc đầu, nó được dùng để áp dụng cho toàn thể Sách Thánh: cần phải cất giữ các tác phẩm này, không nên để lọt vào tay người ngoại (Ý nghĩa này có lẽ do ảnh hưởng của các nhóm ngộ đạo: chỉ có ai đã được khai tâm thì mới được đọc các sách thiên khải). Sau đó, nó được áp dụng cho những sách chỉ nên đọc tư, chứ không được phép đọc chính thức trong các buổi cử hành phụng vụ. Đến khi sổ bộ “Quy Thư” (libri canonici) được xác định, thì nó ám chỉ những sách nào không thuộc quy thư, vì thế cấm không được đọc công khai. Từ đó, người ta dịch là “ngụy thư” (đối lại với “quy thư”), và mang một ý nghĩa xấu.
Thực ra, các ngụy thư không hẳn lúc nào cũng xấu. Một quyển sách có thể được xếp vào ngụy thư bởi vì không phải là do các Tông đồ viết, mặc dù nội dung của nó rất lành mạnh: thí dụ như “thư của Clemente”, “thư của Barnabe”. Lúc đầu, có giáo đoàn coi đó như là quy thư và sau đó đã loại ra khỏi sổ quy thư (và trở thành ngụy thư). Ngược lại, sách Khải Huyền của Thánh Gioan từng bị coi là ngụy thư, nhưng sau đó được xếp vào quy thư. Ngày nay, các học giả đã dùng nhiều tiêu chuẩn khác nhau để phân loại các “apocrypha” (ngụy thư).
– Một số tác phẩm ra đời vào thời các thánh Tông đồ, đã được vài giáo đoàn nhìn nhận làm Sách Thánh nhưng sau đó bị gạt ra bởi vì không do các Tông đồ viết. Những tác phẩm này được đặt tên là Văn chương Kitô giáo nguyên thủy, đó là: sách Didakhe, thư Clemente, sách Mục tử của Hermas, thư của Barnabe. Ngược lại, một tác phẩm tuy mang danh một tông đồ nhưng sau khi bị lật tẩy thì đương nhiên bị xếp vào hàng ngụy thư, chẳng hạn: thư thứ ba của Thánh Phaolô gửi Corinth, hoặc thư gửi Laodikeia.
– Đa số các ngụy thư ra đời sau thế kỷ II, dựa theo thể văn của các tác phẩm Tân Ước. Mục tiêu của các soạn giả khác nhau. Đôi khi vì muốn thỏa mãn tính tò mò, bằng cách thêu dệt nhiều phép lạ. Đôi khi muốn biện minh cho một học thuyết nào đó (chẳng hạn chủ trương của nhóm ngộ đạo, ảo nhân thuyết). Các tác phẩm này được phân ra bốn loại: Tin Mừng, Hoạt Động Tông Đồ, Thư, Khải Huyền. Nhiều tác phẩm chỉ được biết qua sự trích dẫn của các Giáo phụ chứ không còn được lưu lại nguyên bản.
A. Tin Mừng
Tuy được gom một loại mang danh là “Tin Mừng ngụy thư”, nhưng giá trị của chúng khác nhau xét về lịch sử cũng như đạo lý.
1/. Một số tác phẩm ra đời đồng thời với các Tin Mừng quy điển, và dĩ nhiên là được xếp vào hạng nhất xét về giá trị lịch sử. Trong tiến trình biên soạn các sách Tin Mừng, các thánh sử đã sử dụng những nguồn tư liệu đã được thu thập trước đó, gồm các lời nói (đặc biệt là các dụ ngôn). Vài tác giả đương thời cũng sử dụng những nguồn tư liệu đó và soạn ra tác phẩm song hành. Các sử gia đặt tên cho chúng là “Agrapha” (những lời nói của Đức Giêsu). Thường các lời nói được thuật lại trong bối cảnh của một cuộc đàm thoại với các môn đệ, chẳng hạn như: “Tin Mừng thánh Tôma”, thu thập 114 câu nói của Đức Giêsu, hoặc do tự Người dạy hoặc để trả lời cho câu hỏi mà môn đệ đặt ra; hoặc “Cuộc đàm đạo của Chúa Cứu Thế”, thuật lại cuộc đàm đạo của Chúa Phục sinh với ông Judas và ông Matthew, với thể văn tương tự như cuộc đàm đạo tại nhà Tiệc ly theo Tin Mừng Thánh Gioan.
2/. Hạng thứ hai sử dụng các tư liệu vừa nói để soạn có vẻ những tác phẩm biện minh cho chủ thuyết nào đó, chẳng hạn hoặc phủ nhận nhân tính của Đức Giêsu (thuyết ảo nhân), hoặc phủ nhận thiên tính của Người (các Tin Mừng của người Do Thái).
3/. Hạng thứ ba chỉ mang danh là “Tin Mừng” theo nghĩa là kể lại cuộc đời của Đức Giêsu, nhưng mục tiêu chúng không còn là loan báo Tin Mừng cứu độ cho bằng thỏa mãn tính tò mò. Nội dung xoay quanh hai giai đoạn đặc biệt của cuộc đời của Chúa Cứu Thế, đó là thời thơ ấu và hồi tử nạn Phục sinh.
a/. Một nhóm chú trọng đến nguồn gốc gia thế và thời thơ ấu của Chúa. Nổi tiếng nhất là “Tin Mừng tiên khởi Thánh Jacobe”, mà chúng tôi sẽ trở lại dưới đây. Tác phẩm này ra đời vào khoảng năm 150, và được quảng bá trong nhiều cộng đoàn phụng vụ bên Đông Phương. Cùng với tác phẩm “Cuộc từ trần của Đức Maria” (Transitus Mariae) nó đánh dấu khởi điểm của lòng tôn kính Đức Maria trong các thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội. Nói chung, các Tin Mừng thơ ấu thích kể lại các phép lạ xảy ra lúc Đức Giêsu ra đời, lúc tị nạn bên Ai Cập và thời niên thiếu; chẳng hạn “Tin Mừng thơ ấu của ông Tôma” (khác với Tin Mừng thánh Tôma vừa nói trên).
b/. Một nhóm chú trọng đến cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu: “Tin Mừng ông Nicodemo”, “Tin Mừng thánh Phêrô”.
B. Công vụ các Tông đồ
Nếu muốn theo sát nguyên bản thì phải dịch là “Những hoạt động của các Tông đồ” (Actus apostolorum), chứ không phải là “Công vụ” (Acta). Dù sao, tác giả không chỉ đóng vai trò một ký giả ghi chép các biến cố đã xảy ra trong Hội Thánh nguyên thủy, nhưng còn muốn trình bày một thần học về đường hướng truyền giáo của Hội Thánh.
Các tác phẩm ngụy thư không còn duy trì viễn ảnh thần học, nhưng chỉ thích kể các phép lạ, có vẻ như muốn đề cao các Tông đồ như là các “siêu nhân” hoặc ít là “người hùng” của Kitô giáo. Các tác phẩm này ra đời vào thế kỷ II. Các Giáo phụ nhiều lần nhắc đến các “Hoạt động của ông Phêrô” (soạn khoảng năm 180-190), của “ông Phaolô” (khoảng 185-195), Anrê, Gioan và Tôma. “Hoạt động của ông Tôma” được duy trì trọn vẹn hơn cả trong bộ sưu tập 5 cuốn, lưu hành trong nhóm Manikhe vào cuối thế kỷ IV.
C. Các thư
Ngoài các thư của Thánh Phaolô được nhận vào sổ quy thư, còn một số thư khác được lưu hành giữa các giáo đoàn, chẳng hạn: thư thứ Ba gửi Corinth, thư gửi Laodikeia, thư gửi Alexandria.
D. Khải Huyền
Ngoài các sách Khải Huyền mang danh các thánh Tông đồ (Phêrô, Phaolô, Tôma, Stephano), tại vài nơi còn có các tác phẩm của đạo Do Thái, chẳng hạn: “Sự thăng thiên của ông Isaia”.
Nên biết, vào thời các Giáo phụ, các tác phẩm vừa kể được đánh giá khác nhau. Có những tác phẩm được trích dẫn trong các bài giảng ngang hàng với các quy thư (vào lúc mà sổ quy thư chưa nhất định). Có những tác phẩm khác đã bị gạt bỏ bởi vì chứa đựng đạo lý sai lầm hoặc bởi vì chỉ lưu hành trong các nhóm lạc giáo. Dưới phương diện lịch sử, giá trị của các tác phẩm này tùy thuộc vào những nguồn tư liệu, nghĩa là dựa theo những sự kiện có thể kiểm chứng được, hoặc do óc tưởng tượng bày ra, đó là chưa kể trường hợp sao chép.
II. NHỮNG NGỤY THƯ LIÊN QUAN ĐẾN THÁNH GIUSE
Trong số những ngụy thư nói đến Thánh Giuse, ta có thể kể:[1]
1/. Hoạt động của ông Pontius Pilate
Từ giữa thế kỷ II, Thánh Justino đã nói đến tác phẩm này. Sang các thế kỷ sau, tên của nó cũng được ông Tertulliano cũng như ông Eusebio Cesarea nhắc đến, nhưng không ai biết nội dung ra sao. Tác phẩm được lưu lại ngày nay là một phiên bản mới, được soạn vào thế kỷ IV, do một tác giả tự xưng là Anania. Tác phẩm mang tính cách hộ giáo, nhằm bênh vực Đức Giêsu trước những lời tố cáo của dân Do Thái trước tòa tổng trấn Pontius Pilate.
Khi bàn về gia đình của Đức Giêsu, chúng ta biết được những sự đàm tiếu và vu khống của người Do Thái thời ấy:[2] họ tố cáo Đức Giêsu là con hoang. Phần biện hộ chứng minh rằng Đức Maria đã lập giá thú với ông Giuse, và hai ông bà là người đức hạnh kính sợ Chúa.
2/. Tin Mừng thánh Philipphe
Tác phẩm này ra đời khoảng đầu thế kỷ III, trong khung cảnh hộ giáo, chống lại lạc thuyết ngộ giáo (không chấp nhận rằng Đức Giêsu có một thân xác con người).
Tác giả khẳng định rằng, Đức Giêsu có thân xác con người. Đức Giêsu có hai người cha: Cha trên trời, và cha dưới đất là ông Giuse. Ông Giuse làm nghề thợ mộc. Ông trồng nhiều cây trong vườn để lấy gỗ. Gỗ thập giá được lấy từ vườn đó, và nhờ cây thập giá mà cửa thiên đàng đã được mở cho nhân loại.
Dù khẳng định rằng ông Giuse đã cấp thân xác con người cho Đức Giêsu, tác giả vẫn bênh vực sự trinh khiết của Đức Maria.
3/. Tin Mừng thánh Phêrô
Ông Origène[3] và Eusebio Cesarea[4] nhắc đến “Tin Mừng thánh Phêrô”, nhưng bản văn không được tồn tại đến nay. Nội dung tường thuật cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu. Vào lúc Chúa bị treo trên thập giá, tác giả không đả động gì đến bà thân mẫu hoặc các phụ nữ khác, ngoại trừ cô Maria Madalena và các anh em của Chúa. Theo ông, các anh em này là con mà ông Giuse đã có với đời vợ trước. Eusebio cho biết giám mục Serapion Antiokia đã liệt sách này vào loại lạc đạo.
4/. Tin Mừng tiên khởi Thánh Jacobe
Tựa đề “Tin Mừng tiên khởi” (hay “Tiền Tin Mừng”: “Protoevangelium”) do ông Guillaume Postel đặt ra khi xuất bản năm 1522 tại Bâle, dựa vào tên của tác giả, tự xưng là Jacobe, một người anh cùng cha khác mẹ với Đức Giêsu. Tựa đề muốn nêu bật là tác phẩm này ra đời trước các quyển Phúc Âm chính quy. Thực ra các thủ bản cổ điển mang tựa đề chính xác hơn “việc sinh hạ Đức Maria” (De Nativitate Mariae = Gennesis Marias) bởi vì nói nhiều đến Đức Maria. Tác phẩm này được viết bằng tiếng Hy Lạp vào hậu bán thế kỷ II, và đã được ông Origène nhắc đến.
Mục tiêu biên soạn có lẽ nhằm chống lại những vu khống của người Do Thái về thân thế của Đức Giêsu, và đề cao việc cưu mang trinh khiết của Đức Maria. Tác giả đưa ra một nhân chứng là Thánh Jacobe, một nhân vật được người Do Thái kính nể.
Phần lớn tác phẩm dành để nói tới nguồn gốc lai lịch của Đức Maria; còn Thánh Giuse xuất hiện vào lúc Đức Maria thành hôn và mang thai. Nội dung gồm 24 chương ngắn, có thể chia làm 3 phần. Phần thứ nhất (gồm 16 chương đầu), kể lai lịch, thời thơ ấu Đức Maria cho tới lúc kết hôn với ông Giuse. Phần thứ hai (từ chương 17 đến 21) thuật lại những phép lạ chung quanh cuộc sinh hạ Đức Giêsu. Phần chót (ba chương cuối từ 22 đến 24) kể chuyện vua Herode tàn sát các thiếu nhi ở Bethlehem.
Tác phẩm mở đầu với cảnh ông Gioakim, một nhà phú hộ và quảng đại, bị một người tên là Rubel chế diễu vì không có con, và không muốn cho ông dâng lễ vật như các tín hữu khác (Nên biết là xã hội Do Thái coi đôi vợ chồng không có con là bạc phước). Ông Gioakim buồn tủi vô hạn, vì thế đã rời bỏ nhà cửa và vào nơi hoang địa, ăn chay 40 đêm ngày, với lòng dốc quyết rằng nếu Chúa không đến viếng thăm thì ông sẽ không trở về nhà. Bà Anna, ở nhà cô quạnh, cũng buồn rầu và than khóc số phận hiếm muộn của mình chẳng khác gì thân phận góa bụa. Bà đã than khóc thảm thiết, vào một ngày lễ của dân tộc, một dịp hân hoan của toàn dân. Trông lên trời thấy những đàn chim bay nhảy, nhìn xuống nước thấy đàn cá bay lội, bà lại càng tủi thân, bởi vì chúng được Thiên Chúa chúc phúc với hậu duệ đông đảo, còn mình thì giống như mảnh đất khô cằn không có sức sống.
Giữa lúc tuyệt vọng như vậy, một thiên sứ hiện đến với bà Anna, báo tin cho biết Thiên Chúa đã nhậm lời của bà, và sẽ ban cho bà một hậu duệ sẽ được muôn đời nhắc đến. Nghe tin đó, bà Anna liền hứa rằng dù sinh con trai hay con gái thì cũng sẽ dâng nó cho Thiên Chúa để phục vụ nhà Chúa trót đời. Thiên sứ cũng hiện ra với ông Gioakim và loan tin như vậy. Ông liền đứng dậy trở về nhà, và truyền giết 10 con chiên, 12 con bò tơ để dâng lễ tạ ơn Chúa, và giết 100 con dê để đãi cả làng.
Câu chuyện vừa rồi nhắc lại những cuộc sinh hạ kỳ diệu nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa mà ta gặp thấy trong Cựu Ước, chẳng hạn như ông Abraham (với bà Sara son sẻ), ông Samson cũng được sinh ra trong hoàn cảnh tương tự, hoặc như ông Samuel. Phép lạ không chỉ chứng tỏ bàn tay đặc biệt của Thiên Chúa, nhưng nhất là cho thấy sứ mạng dành cho người con sắp sinh ra. Tác giả sách Tiền Tin Mừng Thánh Jacobe cũng mang một não trạng đó, nghĩa là ông muốn nêu bật vai trò và sứ mạng mà Chúa sẽ dành cho Đức Maria.
Sau khi sinh con được 14 ngày, bà Anna đặt tên cho cô bé là Maria, một danh tánh khá quen thuộc trong dân Do Thái. Khi cô bé tròn một tuổi, song thân mời các tư tế và toàn dân dự lễ cai sữa; đây là cơ hội để bà Anna dâng lời ca tụng Thiên Chúa vì đã đoái nhìn đến mình và cất đi sự ô nhục vì son sẻ. Đến khi cô bé lên ba tuổi, thì song thân mang lên đền thờ. Cô bé hí hửng ở lại đó chứ không đòi theo bố mẹ trở về nhà.
Khi cô lên 12 tuổi và phải rời đền thờ, thì hội đồng các tư tế bàn định chuyện kết hôn qua một thủ tục diệu kỳ. Nhờ ơn trên soi sáng, thượng tế hô hào các chàng trai tới, mỗi người mang một cái que và đặt trong đền thờ. Sáng hôm sau, thượng tế vào đền thờ cầu nguyện thì thấy các que còn y nguyên như trước, và mỗi chàng lại vác que về nhà. Thế nhưng còn sót lại một que của ông Giuse và chủ nhân được gọi tới; khi ông Giuse vừa lấy lại cây que của mình thì một con chim bồ câu thoát ra từ cây que và đáp xuống trên đầu của ông Giuse. Thật đúng là dấu lạ! Nhưng ông Giuse không dám nhận cô Maria, viện cớ là mình đã già lại phải nuôi nấng một đàn con. Thầy cả phải dọa rằng nếu ai không tuân theo ý Chúa thì sẽ bị trời phạt; ông cụ sợ quá đành rước Maria về nhà.
Đưa cô về nhà rồi, ông Giuse ra đi kiếm việc làm (ông làm nghề xây cất). Đang khi đó, thiên thần hiện đến báo tin cho Đức Maria về việc thụ thai và sinh hạ Đức Giêsu. Sáu tháng sau, ông Giuse trở về nhà thấy bạn mình mang bầu. Khỏi nói ai cũng đoán được tấn bi kịch diễn ra thế nào. May thay, đến đêm thiên thần hiện ra giải thích đầu mối nguyên do. Nhưng đó mới là chuyện nội bộ giữa hai người; đến lượt hàng xóm và nhất là vị Thượng tế trong đền thờ cũng trách móc ông Giuse vì đã xâm phạm tiết hạnh của bà Maria.[5] Cả ông Giuse lẫn cô Maria đều hết sức thanh minh nhưng vô ích. Sau cùng để kiểm chứng, thượng tế bắt cả hai phải uống nước đắng, theo luật của sách Dân số (5, 11-31) đã truyền khi người nào bị tố cáo về tội ngoại tình. Cả hai đều uống nước đắng nhưng không bị tác dụng; cả làng mừng rỡ tung hô Chúa. Ông Giuse đưa Maria về nhà cho tới ngày đi Bethlehem. Còn nhiều phép lạ nữa xảy ra khi Đức Mẹ sinh con tại Bethlehem và khi Herode truy nã các anh hài.
Ảnh hưởng của tác phẩm này trên các Giáo phụ rất lớn: Thánh Giuse được vẽ như một ông lão (góa vợ), mặc dù không thể xác định tuổi tác. Ông đã nghi ngờ vợ mình ngoại tình khi thấy bà mang thai.
Nhiều tác phẩm ngụy thư khác cũng lấy lại dữ liệu của “Tiền Phúc Âm Thánh Jacobe”: “Tin Mừng mạo-Matthew” (“Pseudo Mattheum”, thế kỷ VII-VIII), “Tin Mừng thơ ấu bằng tiếng Arap” (hay: “Tin Mừng thơ ấu tiếng Syriac”, thế kỷ VI-VII), “Tin Mừng thơ ấu tiếng Armeni (khoảng năm 590).
Ngoài những chi tiết liên quan đến Thánh Giuse, thiết tưởng cũng nên ghi nhận những ảnh hưởng khác của tác phẩm đối với phụng vụ, cụ thể là danh tính của thân sinh Đức Maria (ông Gioakim và bà Anna) và lễ Đức Maria dâng mình vào đền thờ.
5/. Cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu theo thánh Tôma
Đừng nên lẫn lộn với “Tin Mừng thánh Tôma” (một hợp tuyển các lời nói của Đức Giêsu, được viết vào tiền bán thế kỷ II). Sách “Cuộc đời thơ ấu” (Ta paidika tu Kyriou) không chứa đựng đạo lý quan trọng, nhưng được viết ra do óc hiếu kỳ. Cậu bé Giêsu, con ông Giuse, thường quấy phá các bạn bè. Được thầy giáo và hàng xóm mách bảo, ông Giuse cũng chỉ trách lấy lệ, chứ không dám làm mạnh tay bởi vì ông biết con mình là một nhân vật khác thường. Trên thực tế, cậu bé làm phép lạ dễ như chơi, dù khi phụ giúp cha trong nghề thợ làm mộc, dù khi chơi giỡn với chúng bạn.
6/. Chuyện ly trần của ông Giuse thợ mộc
Nội dung tường thuật những giây phút cuối đời của Thánh Giuse, được Đức Giêsu kể lại cho các môn đệ ở trên núi Cây Dầu.
Có lẽ tác phẩm này xuất phát từ Ai Cập vào khoảng thế kỷ thứ IV-V; ngày nay chỉ còn giữ được thủ bản bằng tiếng Arap và Copto. Một ý kiến khác cho rằng tác phẩm này ra đời sớm hơn nữa, khoảng thế kỷ II, tại Nazareth, để đọc bên mộ Thánh Giuse vào dịp giỗ ngày qua đời (ngày 26 tháng Abib theo lịch Copto, tương đương với ngày 2 tháng 8 dương lịch). Khi các Kitô hữu gốc Do Thái bị hoàng đế Eraclio (610-614) trục xuất khỏi Nazareth, họ di cư sang Ai Cập, mang theo bản văn và dịch ra tiếng địa phương (với nhiều chi tiết được thêm thắt).
Thánh Giuse quê tại Bethlehem làm thợ mộc, nhưng cũng là người học thức. Ông lấy vợ và có 4 con trai: Judas, Giosep, Simon và Jacobe, và hai con gái: Lisia và Lydia.
Ông lấy bà Maria, và bà đã mang thai cách lạ lùng. Một thiên sứ đã hiện ra để giải thích cho ông. Sau khi sinh con, ông phải đưa hài nhi sang Ai Cập lánh nạn, cùng với bà Salome. Sau một năm ngụ cư ở đất khách, ông đưa thánh gia trở về Nazareth. Các đứa con lớn của ông đã lập gia đình, chỉ còn đứa út (Jacobe) ở lại sống chung với cậu Giêsu.
Lúc ông được 111 tuổi và dù sức khỏe còn tốt, một thiên sứ hiện ra báo tin đã tới lúc ly trần. Ông lên đền thờ Jerusalem cầu nguyện, và khi trở về Nazareth thì ngã bệnh. Ông đâm ra bàng hoàng lo sợ, nghĩ tới bao nhiêu tội lỗi đã phạm. Đức Giêsu đã đến bên giường trấn an. Đức Maria cũng ở bên cạnh cùng với các con cái quây quần. Trước khi nhắm mắt, ông đã xin lỗi Đức Maria bởi vì đã có lúc nghi ngờ đức khiết tịnh của bà. Mọi người oà lên khóc. Đức Giêsu đã xin Thiên Chúa sai thiên thần Micael và Gabriel đưa linh hồn ông về trời. Đám tang được tổ chức long trọng ở Nazareth, do Đức Giêsu chủ sự buổi cầu nguyện và hứa không để thân xác ông bị tan rữa.
Ở chương XIV, tác phẩm tóm tắt niên biểu cuộc đời của ông Giuse như sau: lúc 40 tuổi ông lập gia đình với bà Melcha (hay Escha) và sống với bà này được 49 năm, sinh được bốn trai hai gái. Như vậy, khi vợ mất thì cụ đã được 89 tuổi rồi. Một năm sau, cụ được lệnh phải lấy cô Maria (lúc ấy mới có 12 tuổi). Sau đó hai năm, cô Maria có thai, và khi Đức Giêsu ra đời thì cụ đã được 93 tuổi. Cụ qua đời khi Đức Giêsu lên 18 tuổi, hưởng thọ 111 tuổi. Tại sao lại già quá vậy? Theo cha Pierre Benoit O.P., tại vì tổ phụ Giuse trong Cựu Ước qua đời lúc 110 tuổi, nên ông Giuse trong Tân Ước phải được tăng thêm một tuổi!
Sau cùng, thiết tưởng nên ghi nhận lưu truyền về ngôi mộ của Thánh Giuse: một lưu truyền cho rằng ngôi mộ của Người ở Nazareth, một lưu truyền khác cho rằng ngôi mộ ở Jerusalem, bên cạnh thánh Gioakim và Anna.
Kết luận
Đừng kể những chi tiết được thêu dệt để thỏa tính tò mò, ta thấy mối bận tâm chính của các lưu truyền này là bênh vực đạo lý về sự trinh khiết của Đức Maria: Người mang thai do quyền năng Thánh Thần, và suốt đời giữ mình trinh khiết. Tại sao các sách Phúc Âm lại nói đến các anh em của Đức Giêsu? Nhằm trả lời câu hỏi đó, các tác giả sách ngụy thư cho rằng họ là những người con mà Thánh Giuse đã có với một bà vợ trước.
Ngày nay, khoa chú giải Kinh Thánh tìm cách giải thích cách khác (anh em theo nghĩa là anh em họ), nên không cần tới giả thuyết anh em cùng cha khác mẹ nữa. Ngoài ra cũng nên biết là ngay từ thời Trung cổ, Thánh Thomas Aquinas đã bác bỏ những truyền kỳ đó, và quả quyết rằng Thánh Giuse trinh khiết suốt đời. [6] Nhiều bức tranh cũng vẽ Thánh Giuse cầm cây bông huệ tượng trưng sự trinh khiết.
Nên biết là Tông huấn Redemptoris Custos không hề nhắc đến các dữ kiện do các ngụy thư cung cấp: một đàng có lẽ bởi vì chúng không có giá trị lịch sử, đàng khác bởi vì tông huấn muốn chú ý đến mầu nhiệm cứu độ hơn là những chuyện hiếu kỳ.
***
MỤC II. SỰ TIẾN TRIỂN THẦN HỌC VÀ PHỤNG VỤ
Tân Ước để lại cho chúng ta bức chân dung của Thánh Giuse âm thầm phục vụ Đức Giêsu, chứ không nói một lời nào (khác với Đức Maria, mà các thánh sử còn ghi được 6 câu nói). Thánh Giuse trở thành biểu tượng cho sự thinh lặng. Sự thinh lặng này bao trùm cuộc đời của Người lúc sinh tiền và sau khi qua đời. Thực vậy, Thánh Giuse đã bị rơi vào quên lãng, và mãi vào thời cận đại mới xuất hiện trong thần học và phụng vụ. Chúng ta sẽ theo dõi sự tiến triển về tâm thức của Giáo Hội trong thần học và phụng vụ trải qua thời các Giáo phụ, trung đại và cận đại. Nên lưu ý, khi nói đến các tác phẩm thần học về Thánh Giuse, chúng ta nên phân biệt nhiều cấp độ và hình thức: các Giáo phụ đã nói đến Thánh Giuse trong các bài giảng hoặc chú giải Tin Mừng; nhưng phải chờ đến thời cận đại mới thấy xuất hiện những khảo luận thần học hệ thống mạch lạc. Một cách tương tự như vậy, khi nói đến phụng vụ, chúng tôi hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các hình thức tôn kính công cũng như tư.
I. THỜI CÁC GIÁO PHỤ
A. Thần học
Không thể phủ nhận sự kiện nhiều Giáo phụ đã trưng dẫn các tài liệu ngụy thư vừa kể trong các bài giảng về Thánh Giuse.[7] Tuy nhiên, nhiều vị khác cố gắng đào sâu khía cạnh thần học dựa trên các bản văn Kinh Thánh. Chúng ta có thể ghi nhận vài tác giả sau đây:[8]
– Trong các tác phẩm chống lại phái ngộ đạo, Thánh Irénee đã viết rằng: “cũng như Thánh Giuse đã chu toàn bổn phận vào việc dưỡng dục Chúa Kitô và săn sóc Đức Maria thì Người cũng là kẻ giữ gìn và bảo vệ Hội Thánh, mà Đức Maria là hình ảnh”.[9]
– Ông Origène (+255?) đề cao sứ mạng đặc biệt của Thánh Giuse như là kẻ được chọn để thu xếp việc giáng trần của Chúa.[10] Ông cũng cho rằng việc ghi tên Đức Giêsu vào sổ kiểm tra dân số của hoàng đế Roma mang một ý nghĩa nhiệm mầu: Đức Giêsu muốn được kể vào số phần tử nhân loại.
– Thánh Ephrem (+373) định nghĩa Thánh Giuse là “thừa tác viên của nhiệm cục nhập thể”.[11]
– Thánh Ambrosio (+397) khẳng định rằng sự kết hiệp giữa Đức Maria và Thánh Giuse là một giá thú thực sự chiếu theo luật Roma, bởi vì hôn nhân hệ tại giao ước chứ không phải sự ăn nằm.[12] Đồng thời thánh nhân cũng khẳng định đức khiết tịnh của Thánh Giuse, bởi vì Người phải trở nên chứng nhân cho đức trinh khiết của Đức Maria.[13]
– Thánh Gioan Kim Khẩu (+407) tuyên bố rằng, kể từ lúc đón nhận Đức Maria về nhà, Thánh Giuse trở thành “thừa tác viên của nhiệm cục” (totius dispensationis minister).[14]
– Thánh Hieronimo (+419-420) là người đầu tiên chống lại các lưu truyền của các ngụy thư, coi như chuyện điên rồ.[15] Ông quả quyết rằng, “kẻ đáng được gọi là thân phụ của Chúa thì trót đời giữ mình trinh khiết”.[16]
– Thánh Augustino (+430) cho rằng, chân lý đức tin về Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và thuộc dòng dõi David gắn liền với chân lý về hôn nhân thực thụ của Thánh Giuse với Đức Maria. Vì thế trong nhiều tác phẩm,[17] Thánh Augustino đã cố gắng chứng minh rằng: Thánh Giuse là kẻ trinh khiết; hôn nhân với Đức Maria là giá thú thực sự; Thánh Giuse là thân phụ của Đức Giêsu một cách độc đáo. Thánh Giuse là chồng của Đức Maria không phải vì ăn nằm nhưng do tình yêu (non concubitu, sed affectu), không phải vì giao hợp thân xác nhưng là kết hợp tinh thần (copulatione animorum).[18] Hôn nhân của Thánh Giuse và Đức Maria hội đủ ba điều kiện: con cái, chung thủy, bí tích (bonum prolis, fidei, sacramenti): con là Đức Giêsu; chung thủy bởi vì không có ngoại tình; bí tích bởi vì không có ly dị.[19] Thánh Augustino cũng nêu bật đức ái (caritas coniugalis) trong mối tương quan giữa hai vị thánh này.
– Thánh Phêrô Kim Ngôn (+450) coi hôn nhân của Đức Maria với Thánh Giuse như là sự thành tựu của những đôi hôn nhân lý tưởng mà Cựu Ước đề cao, và đồng thời tiên báo cho đôi hôn nhân huyền nhiệm của Chúa Kitô với Hội Thánh.[20] Thánh Giuse hôn phu của Đức Maria cũng là hình ảnh của giám mục hôn phu của Giáo Hội trinh khiết và phong phú.[21]
– Thánh Maximo giám mục Torino khẳng định rằng, Thánh Giuse không phải là một cụ già như tục truyền.[22]
B. Phụng vụ
Thời các Giáo phụ cũng trùng với giai đoạn tiến triển phụng vụ Kitô giáo, cách riêng từ thế kỷ IV, với sự thành hình các chu kỳ năm phụng vụ (mùa Phục Sinh và mùa Giáng Sinh) cũng như các nghi điển. Đối với việc tôn kính các thánh, sau các thánh tông đồ và tử đạo, đến lượt các thánh giám mục và tu hành cũng được kính nhớ. Đối với Đức Maria, lòng sùng kính được phát triển từ sau khi Công Đồng Ephesus tuyên bố tín điều “Thiên Mẫu” (năm 451).
Thánh Giuse xuất hiện trong những bức tranh mô tả cảnh Chúa Giáng sinh, chứ chưa được kính riêng biệt.[23] Một vài nhà khảo cổ cho rằng ngụy thư “Sự ly trần của Thánh Giuse thợ mộc” giả thiết một cuộc tưởng niệm ngày qua đời, được lịch Giáo Hội Copto bên Ai Cập mừng vào ngày 26 tháng Abib (tương đương với ngày 20 tháng 7 lịch Giuliano và ngày 2 tháng 8 theo dương lịch hiện nay). Tuy nhiên, khó xác định từ hồi nào lễ này được cử hành.
II. THỜI TRUNG CỔ
Thời Trung cổ đánh dấu sự tiến triển lòng tôn kính Thánh Giuse khởi đầu từ các Dòng tu, và cũng có thể nói cách tương tự về tư tưởng thần học.
A. Thần học
Đặc trưng của thời Trung cổ là sự xuất hiện các trường phái kinh viện. Tuy nhiên, Thánh Giuse được nói đến trong các bài giảng nhiều hơn là trong các tác phẩm thần học.
1/. Ông Rémi d’Auxerre (+ k. 900) đã xếp Thánh Giuse vào hàng ngũ những cộng sự viên trực tiếp của công trình cứu chuộc nhờ đức vâng phục: “per inobedientiam Adae omnes perditi sumus; per bonum obedientiae Ioseph omnes ad pristinum statum revocamur”.[24]
2/. Thánh Bernardo đã so sánh Thánh Giuse với tổ phụ Giuse trong Cưụ ước về quyền thế bầu cử “Ite ad Ioseph”.[25] Thánh Giuse là tôi tớ trung thành đã được Chúa đặt làm quản gia.
3/. Các nhà thần học đầu tiên của Dòng Đaminh đã nói đến Thánh Giuse khi chú giải những đoạn Tin Mừng Luca, chẳng hạn như Thánh Alberto (+ 1280).[26] Đặc biệt Thánh Giuse được trưng bày như mẫu gương cho các linh mục và mục tử. Trước đây, có người gán cho Thánh Alberto như là soạn giả của bài kinh nguyện về Thánh Giuse (Officium) theo lời yêu cầu của nhiều anh em trong Dòng.[27] Tuy nhiên, khoa phê bình lịch sử đã phủ nhận điều này.
Từ thế kỷ XI, các nhà giáo luật và thần học tranh luận về bản chất hôn nhân của Thánh Giuse với Đức Maria: hôn nhân thành sự hay không? Đâu là yếu tố cốt yếu của hôn nhân? Cuộc tranh cãi này cũng chịu ảnh hưởng của hai quan điểm về hôn nhân: Roma (sự thỏa thuận: pactio coniugalis) và Đức quốc (sự giao hợp: copulatio carnis). Dựa theo quan điểm Roma, ông Petrus Lombardus nhìn nhận hôn nhân của Thánh Giuse là thực hữu; đối lại, vì theo quan điểm Đức quốc, ông Gratianus phủ nhận giá trị hôn nhân của Thánh Giuse.
4/. Thánh Thomas Aquinas (+ 1274) đề cập đến Thánh Giuse trong nhiều tác phẩm.[28] Trong bộ Summa Theologica (Tổng luận thần học), hôn nhân giữa Đức Maria và Thánh Giuse được bàn ở trong phần thứ ba, khi nói đến những mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu Thế.[29] Thánh Thomas khẳng định ba chân lý căn bản về Thánh Giuse:
a/. Hôn nhân với Đức Maria là một giá thú thật sự (chứ không phải giả tạo).[30]
b/. Thánh Giuse đã giữ gìn đức trinh khiết trọn hảo suốt đời.[31]
c/. Đức Maria và Thánh Giuse đã khấn giữ khiết tịnh: trước khi kết hôn, lời khấn có điều kiện (tùy theo ý Chúa), và trở thành tuyệt đối sau khi kết hôn.[32]
Tiếp nhận đạo lý của các Giáo phụ, Thánh Thomas cắt nghĩa rằng, “các anh em của Đức Giêsu” phải hiểu là anh em họ chứ không phải là anh em cùng cha khác mẹ. Cách riêng Thánh Thomas đưa ra những lý lẽ giải thích vì sao đức trinh nữ Maria cần lấy Thánh Giuse làm chồng:
a/. Những lý do về phía Đức Giêsu:
– (i) Để Người không bị thiên hạ khước từ vì lý do là con hoang (Thánh Ambrosio);
– (ii) Để người ta có thể truy cứu gia phả của Người (Thánh Ambrosio);
– (iii) Để hài nhi được che chở khỏi những cuộc tấn công của ma quỷ (Thánh Inhaxio Antiokhia);
– (iv) Để hài nhi có người chăm sóc dưỡng dục.
b/. Những lý do về phía Đức Maria:
– (i) Tránh cho Người khỏi bị ném đá về tội ngoại tình (Thánh Hieronimo);
– (ii) Để gìn giữ sự khiết trinh của Người (Thánh Ambrosio);
– (iii) Để giúp đỡ Người (Thánh Hieronimo).
c/. Những lý do về phía chúng ta:
– (i) Để có người làm chứng về chân lý Đức Giêsu sinh bởi trinh nữ Maria (Thánh Ambrosio);
– (ii) Để xác nhận những lời quả quyết của Đức Maria về sự trinh khiết của mình (Thánh Ambrosio);
– (iii) Để những trinh nữ nào đã vi phạm lời thề không có lý do biện minh cho lỗi của mình (Thánh Ambrosio);
– (iv) Để trở nên biểu tượng cho Hội Thánh tuy là trinh nữ nhưng đã đính hôn với Đức Giêsu (Thánh Augustino);
– (v) Để trong Hội Thánh những trinh nữ và những người kết bạn đều được kính trọng.
Những nguyên tắc vừa nói đã được các nhà thần học và giảng thuyết khai triển thành những sách suy gẫm về vị dưỡng phụ của Chúa Cứu Thế.
5/. Những tác giả khác thời Trung cổ:
– Dòng Đaminh: Thánh Vincente Ferrier (+ 1419), Thánh Anthonio (+ 1459).[33]
– Dòng Phansinh: Thánh Bonaventura (+ 1274), Ubertino de Casale (+ k. 1325). Thánh Bernardino Siena (+ 1444), trong một bài giảng về Thánh Giuse: “Sermo de Sancto Joseph Sponso B. Virginis”, đã chấp nhận rằng, Người đã được sống lại và lên trời với Đức Giêsu.
B. Phụng vụ
Bên Đông Phương, từ thế kỷ X, Giáo Hội Constantinopolis mừng lễ Thánh Giuse chung với các thánh tổ phụ (từ ông Abraham cho đến người hôn phu của Đức Maria) vào ngày 26 tháng chạp; và chung với vua David và tông đồ Jacobe vào chủ nhật trong tuần bát nhật lễ Chúa Giáng sinh.
Có lẽ do ảnh hưởng của các đoàn người hành hương Thánh địa trở về, lòng tôn kính Thánh Giuse được nhen nhúm bên Tây Phương. Ngôi nhà nguyện đầu tiên dâng kính Thánh Giuse được cất tại Parma (Italia) vào năm 1074, và thánh đường đầu tiên được cung hiến cho Người tại Bologna (Italia) năm 1129.
Tên Thánh Giuse được ghi vào Tử-đạo-thư (martyrologium) ở vài nơi bên Đức (Reichenau, Trier) vào ngày 19 hoặc 20 tháng 3 hằng năm. Tuy nhiên, mãi đến thế kỷ XIII mới thấy bài lễ (Officium) được sử dụng tại đan viện Dòng Benedicto tại Liège, nhưng các chứng tích vào thời này vẫn còn hiếm hoi.
Một bước tiến xa hơn được bắt đầu với sự xuất hiện các Dòng Hành Khất. Lễ Thánh Giuse được mừng vào ngày 19 tháng 3 ở trong Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ (quyết định của tổng hội năm 1324), Dòng Phansinh (năm 1399), Dòng Carmelo (cuối thế kỷ XIV). Theo đà đó, năm 1479, Đức Giáo Hoàng Sixto IV (Dòng Phansinh) truyền thêm lễ Thánh Giuse vào sách nguyện và sách lễ Roma; nhưng quyết định chỉ có giá trị cho Giáo phận Roma. Phải chờ đến ngày 8/5/1621, Đức Giáo Hoàng Gregorio XV mới truyền cử hành trong toàn Hội Thánh; thế nhưng nghị định không được chấp hành, và Đức Giáo Hoàng Urbano VIII đã lặp lại vào năm 1642.
III. THỜI CẬN ĐẠI
Các sử gia không nhất trí trong việc ấn định lằn ranh giữa thời Trung Đại và thời Cận Đại. Ở đây, chúng tôi không theo sát tiêu chuẩn của các nhà sử học nhưng chỉ muốn nêu bật sự chuyển hướng về thần học và phụng vụ.
A. Thần học
Theo sự nhận xét của Đức Giáo Hoàng Benedicto XIV,[34] trong số những người tiên phong đã sử dụng ngòi bút để cổ động lòng tôn kính Thánh Giuse phải kể đến hai nhân vật: linh mục Jean Gerson, chưởng ấn đại học Paris (1363-1429) và linh mục Isidoro de Isolanis, Dòng Đaminh (k. 1475 – k. 1528).
1/. Cha Jean Gerson
Tên thật là Jean de Charlier (Gerson là tên của nguyên quán). Là chưởng ấn của đại học Paris từ năm 1395 lúc mới được 32 tuổi, cha dốc hết nhiệt tình vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng của Giáo Hội lúc đó, bị phân chia giữa hai Giáo Hoàng Roma và Avignon.
Cha đã viết nhiều bức thư, bài thơ và bài giảng để ca ngợi sứ mạng và sự thánh thiện của Thánh Giuse cũng như thỉnh cầu giáo quyền thiết lập lễ tôn kính Thánh Cả.[35] Những bài giảng đầu tiên bắt đầu từ năm 1413, đặc biệt với khảo luận bằng tiếng Pháp “Considérations sur saint Joseph”, đưa ra những lý do để cổ động lòng tôn sùng Thánh Nhân. Tác phẩm chính là một trường thi (2957 câu) bằng tiếng Latin tựa đề “Josephina” (khoảng năm 1414-1416), thuật lại cuộc đời của Thánh Giuse kể từ biến cố truyền tin cho đến lúc lìa đời. Sau cùng, trong thời gian họp Công Đồng Constance, cha đã thuyết trình trước nghị phụ một bài giảng nhân lễ sinh nhật Đức Mẹ (08/09/1416) mang tính cách thuyết minh để thúc đẩy việc thành lập lễ Thánh Giuse “Sermo de nativitate gloriosae Virginis Mariae et de commendatione virginei sponsi eius Joseph”. Cha đề nghị thiết lập nhiều lễ kính: ngày ly trần, cuộc thành hôn với Đức Maria, và cha đã soạn sẵn bản văn phụng vụ.
Ngoài những động lực dựa trên các nhân đức của Thánh Giuse (khiêm tốn, hiền hòa, tận tâm phục vụ), cha Gerson thâm tín rằng, Thánh Nhân là người có thế lực để chuyển cầu cho Hội Thánh đang trải qua thời kỳ phân ly. Cha lập luận rằng, Thánh Giuse là gia trưởng ở Nazareth, và được Đức Maria và Đức Giêsu suy phục. Uy tín này vẫn còn được duy trì ở trên trời. Cha Gerson, một nhà thần học bênh vực đạo lý Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, cũng muốn cho Thánh Giuse được thánh hóa từ lòng mẹ giống như Thánh Gioan Tiền Hô. Đường hướng thần học của cha là học hỏi Thánh Giuse dựa theo thần học về Đức Maria, xét về các nhân đức và đặc ân.[36] Một hình ảnh khác cũng được phổ biến nhờ cha Gerson là “tam vị ở dưới trần” (Đức Giêsu, Đức Mẹ, Thánh Giuse) được trình bày như phản ánh mầu nhiệm “tam vị” ở trên trời.
2/. Cha Isidoro Isolani
Chúng ta không biết chắc chắn về năm sinh và năm chết của cha Isidoro Isolani.[37] Chỉ biết rằng, cha làm bề trên tu viện St. Maria delle Grazie tại Milan (nơi có bức họa nổi tiếng Bữa Tiệc ly của Leonardo Vinci) vào năm 1528.
Trước đó, từ năm 1517, cũng tại Milan, cha đã xuất bản tác phẩm thần học “De imperio militantis Ecclesiae”. Nhiều tác phẩm khác được phát hành tại Pavia vào những năm kế tiếp (chẳng hạn những khảo luận chống lại Luther (“Disputationes catholicae quinque”, 1522), cho thấy cha đã được thuyên chuyển đây đó để dạy học. Cũng vào năm 1522 tại Pavia, cha cho phát hành cuốn tổng luận thần học về Thánh Giuse, tuy cha bắt đầu biên soạn quyển này từ năm 1514, tại Fontanellato, cạnh tu viện có nhà thờ dâng kính Thánh Giuse. Có lẽ cha chỉ dừng lại tu viện Fontanellato chừng hai ba năm, bởi vì vào năm 1517 cha đã trở về Milan rồi. Cha qua đời khoảng năm 1528.
Như đã thấy trên đây, những bài giảng, suy niệm hoặc khảo luận về Thánh Giuse đã ra đời từ thời các Giáo phụ. Tuy nhiên, cha Isolani là người đầu tiên biên soạn một quyển sách thần học trình bày mạch lạc về người dưỡng phụ của Đức Giêsu, với tựa đề “Summa de donis S. Joseph”. Lúc xuất bản tại Bologna (nơi cha đang làm giám học “magister studii”) năm 1522, cha Isolani đã đề tặng tác phẩm lên Đức Giáo Hoàng Adriano VI.
Tác phẩm được chia thành bốn phần, giống như bốn mùa trong năm. Mỗi phần được chia thành nhiều chương, mỗi chương là một đề tài được trình bày theo lối văn của “Summa Theologica”, nghĩa là: vấn nạn; thân bài; giải đáp.
a/. Phần thứ nhất gồm 17 chương, bàn về các hồng ân mà Thánh Giuse đã lãnh nhận trước khi kết hôn với Đức Maria.
– Trước hết (ch.1-2), tác giả phân tích sáu nhân đức dựa theo danh tánh (danh là người) I.O.S.E.P.H., đó là: iustitita (công chính), oboedientia (vâng lời), sapientia (khôn ngoan), experientia (kinh nghiệm), patientia (nhẫn nhục), humilitas (khiêm nhường).[38] Dù sao, tác giả không quên ý nghĩa của danh từ Iôsef trong Cựu Ước có nghĩa là “Gia-vê ban thêm” (Iehôsef, augmentum, dựa theo sách Sáng Thế 30,24).
– Thêm vào đó là các hồng ân: xứ sở (ch.3), dòng dõi (ch.4-8), sự thánh thiện ngay từ trong lòng mẹ (ch.9-10). Theo tác giả, sự thánh thiện được ban nhằm đến chức vụ sẽ đảm nhận trong tương lai. Nếu ta chấp nhận được ông Jeremia và ông Gioan Tiền Hô được thánh hóa ngay từ lòng mẹ bởi vì họ được tuyển chọn làm tiên tri cho Đấng Cứu Thế sẽ đến, thì tại sao lại không thể nghĩ đến một đặc ân tương tự cho Thánh Giuse là kẻ đã ẵm bế, che chở, nuôi dưỡng Chúa Kitô?[39]
– Hai chương 11-12 bàn đến hồng ân duyên dáng (pulchritudo: đẹp trai?). Không thể nào hình dung một người luôn sống bên cạnh Đức Giêsu và Mẹ Maria mà dung mạo xấu xí, già khụ! Người ta sẽ đàm tiếu chết! Sau khi nói đến ơn đồng trinh (ch.13-14), ơn nghề thợ mộc (ch.15), tác giả kết thúc phần thứ nhất với hồng ân các nhân đức trong cuộc đời Thánh Giuse: prudentia (khôn ngoan), iustitita (công chính), pietas (đạo đức), thanh khiết, đầy tình mến thương, thanh bần (ch.16-17).
b/. Phần thứ hai, gồm 15 chương, bàn đến những hồng ân mà Thánh Giuse nhận được sau khi kết hôn với Đức Maria. Đứng đầu là hồng ân được kết duyên với Đức Maria (ch.1-2), rồi đến tuổi tác (ch.3) và các đức tính do cuộc hôn nhân: bảo vệ Đức Maria và Hài nhi, dưỡng phụ Đức Giêsu, ơn công chính (ch.4-5), ơn được chứng kiến cuộc gặp gỡ của Đức Maria với bà Elisabeth (ch.6), được thiên sứ truyền tin (ch.7-8), được Đức Maria yêu quý (ch.9), được thờ lạy Chúa giáng sinh (ch.10), được đặt tên cho Hài nhi (ch.11), được thiên thần năng hiện đến (ch.12), được sống kề bên Chúa Cứu Thế và thánh mẫu (ch.13), được tìm thấy Hài nhi trong đền thánh (ch.14) và sau cùng là ơn mến Đức Giêsu hết lòng (ch.15).
Đây là phần súc tích nhất về thần học, khi tác giả phải bảo vệ hôn nhân đích thực của Đức Maria với Thánh Giuse đồng thời với đức trinh khiết của hai vị. Nên biết là khi nói về tuổi tác vào lúc kết hôn, tác giả cho rằng Thánh Giuse không trẻ lắm nhưng cũng không già lắm. Người thuộc tuổi trung niên, chín chắn, để có thể cáng đáng chức vụ dưỡng phụ Chúa Cứu Thế.
c/. Trong phần thứ ba (22 chương), tác giả dành ra 9 chương đầu để đối chiếu Thánh Giuse với những phúc lành (Benedictiones) được Chúa ban cho các tổ phụ (Adam, Noe, Jacob, Giuse, Balaam, Moses).
Hơn các thánh tổ phụ của Cựu Ước, Thánh Giuse còn được lãnh nhận các hồng ân thời Tân Ước: ơn được lãnh bí tích rửa tội (ch.10), ơn thanh tịnh (ch.11), bảy ơn Chúa Thánh Thần (ch.12), hồng ân bảy mối phúc thật (ch.13-16).
Sau cùng, tác giả so sánh Thánh Giuse với các thánh tông đồ, các ngôn sứ, thánh sử, mục tử (ch.17-22).
d/. Phần thứ bốn bàn về những ơn của thánh nhân khi chết và ơn được vinh hiển hồn xác trên trời. Tuy thú nhận là một vấn đề khó khăn, nhưng tác giả đã dành ra 10 chương để bàn về lúc từ trần (ch.1), về việc xuống ngục tổ tông (limbô, ch.2), về sự vinh quang cả hồn lẫn xác (ch.3), về ba triều thiên (tử đạo, đồng trinh, tiến sĩ, ch.4), và ơn các hoa trái (ch.5). Ba chương 6-8 bàn về lễ phụng vụ kính Thánh Giuse. Chương 9 lược thuật tiểu sử Thánh Giuse dựa theo bài đọc của phụng vụ Đông Phương (dịch từ tiếng Do Thái sang tiếng Latin năm 1340), nơi mà Thánh Giuse được kính hằng năm vào ngày 20 tháng 7. Chương chót kể lại phép lạ một người có lòng sùng kính Thánh Giuse được thánh nhân đón tiếp vào thiên đàng.
Kết luận là bài lễ phụng vụ (officium sancti Ioseph) do tác giả soạn và được Đức Giáo Hoàng Adriano VI châu phê. Nên biết là từ năm 1508, Dòng Đaminh đã mừng kính Thánh Giuse trong lịch phụng vụ, nhưng các bản văn kinh nguyện lấy từ phần chung (Commune confessorum). Cha Isolani soạn thêm phần riêng.
Tất cả các sử gia đều nhìn nhận tác phẩm của cha Isolani như nền tảng cho sự phát triển thần học về Thánh Giuse,[40] một thứ thần học đúng nghĩa, dựa trên Kinh Thánh, các Giáo phụ, các tiến sĩ Giáo Hội, các luận cứ (chứ không phải theo truyền kỳ hay cảm tình ướt át).
Những tác phẩm của cha Gerson và Isolani đã trở nên nguồn tài liệu dồi dào cho các nhà giảng thuyết và thần học trong các thế kỷ kế tiếp.
– Thánh Francois de Sales (1567-1622), Sur les vertues de st Joseph. Les vrais entretiens spirituels n. 19.
– Giám mục Bénigne Bossuet (1627-1704) với hai bài giảng: “Depositum custodi” và “Quaesivit sibi Deus”.
Trong số những người nhiệt thành cổ động lòng sùng kính Thánh Giuse vào thời cận đại, chúng ta không thể nào bỏ qua thánh Teresa Avila (1515-1582). Tên Thánh Giuse được đặt cho đan viện cải tổ ở Avila năm 1562, và 11 đan viện khác (trong số 17 đan viện được thiết lập).[41] Dù sao, tất cả đan viện Carmelo đều đặt tượng Thánh Giuse cũng với châm ngôn “Ite ad Joseph” (do sáng kiến của cha Jeronimo Gracian).
Nhiều Dòng tu ra đời vào thời cận đại cũng nhận Thánh Giuse làm quan thầy, như sẽ thấy trong chương tới.
B. Phụng vụ
Những lễ kính Thánh Giuse bắt đầu từ vài Giáo phận hay Dòng tu, dần dần được đưa vào lịch phụng vụ phổ quát:
– Ngày 8/5/1621, Đức Giáo Hoàng Gregorio XV truyền mừng lễ Thánh Giuse vào ngày 19 tháng 3, như là lễ buộc trong toàn Hội Thánh. Ngày 4/2/1714, Đức Giáo Hoàng Clemente XI phê chuẩn bản kinh mới cho Sách nguyện với ba thánh thi: “Te Ioseph, Caelitum Ioseph, Iste quem laeti”.
– Năm 1725, lễ hôn phối của Thánh Giuse được Đức Giáo Hoàng Benedicto XIII cho phép cử hành (vào ngày 23 tháng giêng) trong toàn Giáo Hội. Cũng chính vị Giáo Hoàng này ghi tên Thánh Giuse vào “Kinh Cầu Các Thánh” (liền sau tên Thánh Gioan Tiền Hô) do sắc lệnh ngày 19/12/1726.
– Ngày 10/9/1847, Đức Giáo Hoàng Piô IX ấn định lễ Thánh Giuse bảo trợ toàn thể Giáo Hội được cử hành vào ngày thứ Tư tuần thứ ba sau lễ Phục sinh. Ngày 8/12/1870, ngài tôn Thánh Giuse làm bảo trợ Hội Thánh.
IV. KẾT LUẬN
Trong mục này, chúng ta đã theo dõi sự tiến triển về tư tưởng thần học và lòng tôn kính Thánh Giuse trải qua lịch sử. Đó là những dữ kiện sẽ được các văn kiện Tòa thánh sử dụng như sẽ thấy trong mục tới. Trước khi kết thúc, chúng ta hãy lượt qua vài đường hướng thần học về Thánh Giuse trong những thế kỷ gần đây.
Từ sau Công Đồng Trento, thần học Công Giáo bắt đầu phát triển nhiều thiên độc lập tựa như: thần học hộ giáo (Apologetica), Giáo Hội học (Ecclesiologia), Thánh mẫu học (Mariologia). Theo đà đó, cũng có người muốn phát triển bộ môn thần học về Thánh Giuse (Josephologia). Giữa hai mốc điểm đó, chúng ta hãy rảo qua vài đường hướng:
– Nói chung, Thánh Giuse được nhắc đến khi bàn về Mầu nhiệm Nhập thể (De Verbo Incarnato), nay gọi là Kitô học (Christologia). Dĩ nhiên, bối cảnh thích hợp hơn cả là Thánh mẫu học (Mariologia), khi nói đến sự trinh khiết trọn đời của Đức Maria.
– Tuy nhiên, cũng có vài tác phẩm được dành riêng cho Thánh Giuse, chẳng hạn như: P. Morales, In cap. I Matth., de Christo, S.ma Virgine… veroque eius Sponso,2 voll., Paris 1869;, G. M. Schenck, De s. Ioseph,Augsburg 1850; P. V. Mercier, St Ioseph d”après l”Ecriture et la tradition,Paris 1895; C. H. Jamar, Theologia s. Ioseph,Louvain 1897; G. Sinibaldi, La grandezza di san Giuseppe, Roma 1927: L. E. Dubois, St Joseph,VII ed., Paris 1929; A. H. Lépicier, Tractatus de s. Ioseph,III ed., Roma 1933; D. Buzy, St Joseph (Cahiers de la Vierge, 19),Paris 1936; J. Mueller, Der hl. Joseph,Innsbruck 1937; U. Holzmeister, De s. Ioseph quaestiones biblicae,Roma 1945. B. Llamera, Teologia de san José, Madrid 1953.
Các tác giả thường có khuynh hướng trình bày Thánh Giuse với những ân huệ được ban kèm theo ơn gọi, cũng tựa như Đức Maria: trinh khiết, vô nhiễm nguyên tội, hồn xác lên trời.
Kể từ Công Đồng Vatican II, người ta chú trọng hơn đến vai trò phục vụ ơn cứu độ. Điều này giả thiết một sự thay đổi phương pháp, dựa trên Kinh Thánh và Thánh Truyền hơn là các suy diễn. Việc nghiên cứu thần học được thực hiện cách riêng do những trung tâm sau đây:
– Tây Ban Nha: Sociedad Espanola Josefina do cha J.A. Carrasco, O.C.D. thành lập ngày 30/8/1951 tại Valladolid, sau đó đổi tên thành Sociedad Ibero-americana de Josefolofia. Tạp chí nghiên cứu: Estudios Josefinos.
– Canada: Bên cạnh đền Thánh Giuse ở Montréal, trung tâm nghiên cứu Centre de Recherche et de Documentation được thiết lập từ năm 1952, và xuất bản tạp chí Cahiers de Joséphologie từ năm 1953 (đổi tên thành Cahiers de l?Oratoire Saint-Joseph từ năm 1996).
– Italia: Centro studi San Giuseppe (Viterbo), Movimento Giuseppino (Roma).
– Mexico: Centro de Documentacion y Estudios Josefinos de Mexico
– Balan: Polskie Studium Jozefologiczne (Kaliszu)
– Đức: Arbeitskreis fuer Josefstudien (Kevelaer)
Thêm vào đó, nhiều Hội nghị thần học quốc tế về lịch sử lòng tôn kính Thánh Giuse trải qua các thời đại, được tổ chức tại Roma (1970), Toledo (1976), Montréal (1980), Kalisz (Ba lan, 1985), Mexico (1989), Roma (1993), Malta (1997), San Salvador (2001), Kevelaer (2005).
***
MỤC III. HUẤN QUYỀN
Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, trong các tín biểu (Kinh Tin kính), Giáo Hội đã tuyên xưng chân lý đức tin về Đức Maria thụ thai Đức Giêsu do quyền năng Thánh Thần, và thực sự là thân mẫu của Con Thiên Chúa nhập thể (Công Đồng Ephesus năm 431). Những chân lý này nằm trong truyền thống các thánh tông đồ. Vào thời cận đại, huấn quyền đã tuyên bố tín điều “Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội” (1854) và “Hồn Xác Lên Trời” (1950).
Tuy nhiên, Huấn quyền không tuyên bố tín điều nào về Thánh Giuse, tuy một cách gián tiếp, thánh nhân được nhắc tới trong tín điều về Đức Maria thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần, và tín điều về “Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh”.
I. NHỮNG VĂN KIỆN
Huấn quyền giữ thái độ im lặng đối với Thánh Giuse mãi đến những thế kỷ gần đầy khi thánh nhân được suy tôn làm Đấng Bảo trợ của Hội Thánh,[42] bắt đầu từ Đức Thánh Cha Piô IX. Trước tiên, chúng ta sẽ điểm qua những văn kiện chính, sau đó chúng ta sẽ dừng lại phân tích Tông huấn Redemptoris Custos.
1/. Đức Giáo Hoàng Piô IX (1846-1878)
– Sắc lệnh của Bộ Nghi lễ Inclytus Patriarcha Joseph (10/9/1847), mở rộng ra toàn thể Giáo Hội lễ kính Thánh Giuse bảo trợ (trước đây đã được cử hành tại vài địa phương và Dòng tu), được cử hành vào thứ Tư tuần thứ Ba sau lễ Phục sinh. Đây là lần đầu tiên, một văn kiện Tòa Thánh trình bày những nguyên tắc thần học về Thánh Giuse.
– Sắc lệnh Quemadmodum Deus (8/12/1870) tuyên bố Thánh Giuse bảo trợ Hội Thánh, đáp lại lời thỉnh cầu của Công Đồng Vatican I.[43] Tổ phụ Giuse trong Cựu Ước là hình ảnh của Thánh Giuse, được đặt lên làm quản trị tài sản hoàng gia và phân phát lương thực; Thiên Chúa cũng trao cho Thánh Giuse việc chăm sóc những nhu cầu của Hội Thánh.
2/. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII (1878-1903)
– Quan trọng nhất là Thông điệp Quamquam pluries (15/8/1889). Trình bày những lý do vì sao Giáo Hội nhận Thánh Giuse làm bảo trợ. Lý do thứ nhất bởi vì thánh nhân được chia sẻ vào những ân huệ và phẩm giá của Đức Maria, nhờ mối dây hôn nhân. Lý do thứ hai là bởi vì mối tương quan hiền phụ với Đức Giêsu: thánh nhân luôn luôn được Đức Giêsu tỏ lòng tôn kính vâng phục. Lý do thứ ba là những đức tính của Thánh Giuse trong việc chu toàn trách nhiệm với Đức Mẹ và Đức Giêsu. Người vẫn tiếp tục vai trò bảo vệ Thánh gia được nối dài nơi Hội Thánh. Tất cả mọi tầng lớp xã hội đều có thể chạy đến Thánh Giuse: các gia trưởng, các đôi bạn, các người trinh khiết, các giới thượng lưu cũng như giới lao động. Thông điệp kèm theo kinh khẩn cầu Thánh Giuse che chở Hội Thánh, được đọc trong tháng Mười cùng với kinh Mân Côi.
– Tông thư Neminem fugit (14/6/1892) thiết lập hiệp hội các gia đình được dâng hiến cho Thánh Gia.
3/. Đức Giáo Hoàng Piô X (1901-1914)
Lòng tôn kính Thánh Giuse của vị Giáo Hoàng này phần nào bắt nguồn từ tên riêng của mình (Giuseppe Sarto). Ngài phê chuẩn kinh cầu Thánh Giuse (18/3/1909).
4/. Đức Giáo Hoàng Benedicto XV (1914-1922)
– Phê chuẩn kinh Tiền tụng Thánh Giuse trong Sách Lễ Roma (9/4/1919)
– Tự sắc Bonum sane (25/7/1920), nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thánh Giuse được tôn phong Bảo trợ Hội Thánh. Nhắc lại tầm quan trọng của việc cầu khẩn Thánh Giuse để đáp lại những nhu cầu của thế giới sau thế chiến thứ nhất. Ngoài mẫu gương nhân đức cho giới lao động, Thánh Giuse còn được giới thiệu như là bảo trợ những người sắp qua đời.
5/. Đức Giáo Hoàng Piô XI (1922-1939)
– Huấn dụ ngày 19/3/1935, nêu bật mối liên hệ của Thánh Giuse với sự hiệp nhất ngôi vị (unio hyposthatica) của Ngôi Lời nhập thể.
– Thông điệp Ad sacerdotii catholici (20/12/1935) nói đến Đức Giêsu đã được đào tạo ở Nazareth bởi Đức Maria và Thánh Giuse, cả hai người đều trinh khiết.
– Thông điệp Divini Redemptoris (19/3/1937) trình bày Thánh Giuse như khuôn mẫu cho giới lao động.
6/. Đức Giáo Hoàng Piô XII (1939-1958)
Thiết lập lễ Thánh Giuse lao động, và phê chuẩn những bản văn phụng vụ dùng vào dịp lễ (ngày 1/5/1955). Lễ này thay thế lễ Thánh Giuse bảo trợ Hội Thánh.
7/. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (1958-1963)
Hơn một lần, ngài đã nhắc nhớ rằng, Giuse là tên thứ hai của mình (Angelo Giuseppe Roncalli). Hai sự kiện đáng ghi nhớ:
– Tông thư Le voci triệu tập Công Đồng Vatican II (19/3/1961) đặt Công Đồng dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse. Nhắc lại giáo huấn của các vị tiền nhiệm về vai trò của Thánh Giuse đối với Giáo Hội.
– Sắc lệnh Bộ Nghi lễ (13/11/1962), ghi tên Thánh Giuse vào Lễ quy Roma.
8/. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1963-1978)
Nhiều lần nói đến Thánh Giuse trong các bài giảng hay huắn từ nhân lễ kính thánh nhân ngày 19/3 và 1/5. Nổi tiếng là bài suy niệm tại Nazareth (5/1/1964) nhân dịp hành hương kính viếng Thánh địa (được trích dẫn trong bài đọc Giờ Kinh Sách lễ Thánh gia).
9/. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005)
– Nhiều lần đề cập đến Thánh Giuse trong các bài giảng nhân dịp lễ vào ngày 19 tháng 3, nêu bật vai trò của Người trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (1982) và trong Hội Thánh (năm 1993 và 2001; 26/3/2003), cũng như những nhân đức nổi vượt, tựa như tín thác (1980), tin và cầu nguyện (1983). Thánh nhân cũng trở nên mẫu gương cho đời sống gia đình (năm 1981, 1987, 1993, 1999).
– Thánh Giuse được nhắc đến trong nhiều văn kiện: Thông điệp Redemptor hominis (4/3/1979), số 9; Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981), số 26; Tông huấn Familiaris consortio (22/11/1981), số 86; Thông điệp Dominum et vivificantem (18/5/1986), số 18 và 49; Thông điệp Redemptoris mater (25/3/1987), khi ôn lại các biến cố thời thơ ấu của Đức Giêsu; Tông huấn Christifideles laici (30/12/1988); Tông huấn Vita consecrata (25/3/1996), số 28.
– Văn kiện quan trọng nhất là Tông huấn Redemptoris Custos sẽ được trình bày dưới đây.[44]
10/. Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI (2005-2013)
Tên riêng là Joseph Ratzinger. Ngài đã dành một suy niệm ngắn về Thánh Giuse trong huấn từ chúa nhật thứ IV mùa Vọng năm 2005 (19/12) về sự thinh lặng, và nhân ngày lễ kính thánh nhân 19/3/2006.
II. TÔNG HUẤN REDEMPTORIS CUSTOS
Văn kiện quan trọng nhất của Tòa Thánh từ sau Công Đồng Vatican II là Tông huấn Redemptoris custos của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, được ban hành ngày 15/8/1989, để kỷ niệm 100 năm Thông điệp Quamquam Pluries của Đức Thánh Cha Lêô XIII (15/8/1889). Chúng tôi xin giới thiệu những nét đại cương.
A. Chiều hướng: Chương trình cứu độ
1/. Tựa đề của văn kiện này là “Redemptoris Custos” (Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế) gợi lên nhiều văn kiện khác của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng mang danh từ “Redemptor”: Thông điệp Redemptor hominis (3/3/1979), về Chúa Kitô; Thông điệp Redemptoris Mater (25/3/1987) về Đức Maria; rồi sau đó là Thông điệp Redemptoris Missio (7/12/1990) về hoạt động truyền giáo.[45]
2/. Phụ đề của Tông huấn “về dung mạo và sứ mạng của Thánh Giuse trong cuộc đời của Đức Giêsu và của Hội Thánh” xác định rõ hơn viễn tượng của văn kiện này, đó là tìm hiểu vai trò của Thánh Giuse trong kế hoạch cứu độ được thực hiện nơi Đức Kitô và tiếp tục nơi Hội Thánh.
3/. Những tư tưởng then chốt. Kế hoạch cứu độ nhân loại của Chúa Cha được thực hiện qua mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua của Đức Kitô. Mầu nhiệm Nhập Thể là nền tảng cho mầu nhiệm Vượt Qua. Do sự gắn bó chặt chẽ của các mầu nhiệm đó trong nhiệm cục cứu độ cho nên tuy Thánh Giuse tham dự vào mầu nhiệm Nhập Thể hơn là mầu nhiệm Vượt Qua nhưng Người cũng đáng được mang danh hiệu là “Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế” và “thừa tác viên của ơn cứu độ” (redemptoris custos, minister salutis).[46] Người đã cộng tác vào việc thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể bằng việc đảm nhận chức vụ làm chồng của Đức Maria và cha của Đức Giêsu. Nhằm chu toàn sứ mạng đó, Thánh Giuse đã được chuẩn bị tâm hồn với những nhân đức thích ứng, cách riêng là yêu thương, tận tụy, chiêm niệm. Thánh Giuse vẫn còn tiếp tục sứ mạng của mình trong Hội Thánh. Mặt khác, Hội Thánh cũng nhận thấy nơi Người tấm gương trong việc thực thi cùng một sứ mạng là phục vụ nhiệm cục cứu độ.
B. Bố cục
Tông huấn gồm nhập đề và 6 chương. Chương Một và Chương Hai có thể coi như một thứ “Lectio divina”, suy gẫm những đoạn văn Tân Ước bàn về Thánh Giuse. Những chương kế tiếp đào sâu vài chủ đề về hôn nhân gia đình (ch.3), lao động (ch.4), lắng nghe tiếng Chúa (ch.5).
– Nhập đề (số 1): Giải thích lý do ban hành Tông huấn
– Chương Một: Khung cảnh của Tin Mừng
Phân tích cảnh truyền tin của sứ thần (Mt 1,18-25), khởi đầu của sứ mạng Thánh Giuse: chồng của Đức Maria thân mẫu của Đức Giêsu (số 2-3). So sánh với cảnh truyền tin cho Đức Maria, chúng ta nhận thấy điểm tương đồng là sự tuân phục lời Chúa bằng đức tin.
– Chương Hai: Người được ký thác mầu nhiệm của Thiên Chúa
Vai trò của Thánh Giuse đối với Đức Maria và Đức Giêsu dựa theo các trình thuật Phúc Âm (số 7-8), được ví như “hành trình đức tin” (số 4-6), trải qua những chặng đường của Chúa Cứu Thế: về Bethlehem để kiểm tra dân số (số 9), Chúa Giáng sinh (số 10), cắt bì và đặt tên cho Hài nhi (số 11-12), dâng Hài nhi vào đền thánh (số 13), lánh nạn sang Ai Cập (số 14), tìm lại Hài nhi lạc trong đền thánh (số 15), trở về Nazareth (số 16).
Thánh Giuse hiện diện bên cạnh Chúa Cứu Thế như một kẻ phục vụ ơn cứu độ trong cương vị người làm cha.
– Chương Ba: Người công chính – vị hôn phu (số 17-21)
Chương này phân tích mối tương quan của Thánh Giuse với Đức Maria. Hôn nhân giữa hai vị làm nổi bật yếu tính của hôn nhân là “ý hợp tâm đầu” (liên kết tinh thần hoặc liên kết tâm hồn).
– Chương Bốn: Lao động, biểu hiện của tình yêu
Ý nghĩa của lao động như là biểu hiện của tình yêu và phương tiện nên thánh: Thánh Giuse trở nên mẫu gương cho những người làm môn đệ Chúa qua công việc thầm lặng thường nhật (số 22-24).
– Chương Năm. Ưu tiên của đời sống nội tâm
Giữa công việc hàng ngày, Thánh Giuse vẫn duy trì được sự thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa. Người trở nên gương mẫu của đời nội tâm (số 25-27), như thánh Têrêsa Avila đã lưu ý.
– Chương Sáu. Đấng Bảo trợ Hội Thánh thời nay
Vào buổi khó khăn của thời cận đại, các Đức Giáo Hoàng Piô IX, Lêo XIII, Phaolô VI đã xin Thánh Giuse bảo trợ Giáo Hội. Thánh nhân luôn là kẻ che chở Hội Thánh trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng.
C. Nhận xét về những nguồn dữ liệu
Những suy tư của tông huấn dựa trên những dữ kiện của Kinh Thánh và Thánh Truyền được trưng dẫn nhiều lần.
1/. Kinh Thánh
– Nói chung: trưng dẫn minh thị 80 lần trong bản văn, 4 lần gián tiếp trong các chú dẫn
– Cựu Ước: 2 lần minh thị: St 17,13 (số 11, đối chiếu giao ước với Abraham và giao ước mới của Đức Kitô); Hs 11,1 (số 14, lấy lại của Mt 2,14-15); 2 lần ám tàng: St 3,1-24 (Đối chiếu Adam – Eva với Maria – Giuse, ở số 7); tổ phụ Giuse (chú dẫn số 4).
– Tân Ước: Nhiều nhất là Luca (30 lần) và Matthew (21 lần). Các tác phẩm khác: Ep (6 lần), Rm (4 lần), Cv (2 lần), Dt (2 lần), 1Cr (2 lần) và 2Cr (2 lần), Gl – Pl – 1 Pr – 2Pr (1 lần).
Các bản văn Phúc Âm được trích dẫn nhiều hơn cả ở chương Hai (30 lần), chương Một (12 lần), chương Ba (11 lần), chương Sáu (3 lần), chương Năm (2 lần), chương Bốn (1 lần).
2/. Giáo phụ và Tiến sĩ
– Thánh Augustino 9 lần ở số 7 liên quan đến hôn nhân của Đức Mẹ và Thánh Giuse
– Origène: 2 lần ở số 8 và 9 (nota 27; 28).
– Thánh Irénee và Thánh Gioan kim khẩu được trưng dẫn gián tiếp ở số 1 (nota 1+ 4).
– Thánh Thomas Aquinas (được trưng dẫn 4 lần).[47] Đạo lý của vị này được coi như tổng hợp của truyền thống Kitô giáo về các chân lý căn bản liên can đến hôn nhân giữa Thánh Giuse và Đức Maria (nota 15),[48] kèm theo các tác phẩm của Thánh Augustino. Đặc biệt ở chương Năm, “Ưu tiên của đời sống nội tâm”, Thánh Thomas được trưng dẫn 3 lần (nota 38, 39, 41), để trình bày:
a/. Khái niệm về lòng đạo đức,[49] hệ tại tâm tình sẵn sàng phục vụ Chúa;
b/. Sự tiếp xúc với nhân tính Đức Kitô dẫn đưa tới sự kết hiệp với thiên tính;[50]
c/. Sự hài hòa giữa lòng yêu mến chân lý (caritas veritatis) với đòi hỏi của lòng yêu mến (necessitas caritatis).[51]
3/. Phụng vụ
– Lịch sử các lễ kính Thánh Giuse: số 6; 16; 21; 22; 29.
– Bản văn phụng vụ lễ kính Thánh Giuse và lễ ngoại lịch: số 8; 31.
– Bản văn lễ Đức Mẹ (mầu nhiệm Nazareth): số 20
4/. Huấn quyền
Tông thư trích dẫn các văn kiện của Công Đồng Vatican II,[52] của các Giáo Hoàng tiền nhiệm, hoặc những văn bản chính thức [53] hoặc những huấn từ, bài giảng,[54] và kể cả vài văn kiện của chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Dù sao, nên lưu ý là Tông thư không hề nhắc tới các lưu truyền từ các ngụy thư, lại càng không trích dẫn các thứ “mạc khải tư”.
Đó cũng là những chỉ dẫn quý báu cho công cuộc nghiên cứu thần học trong chương tới.
[1] J.M. Canal Sanchez, San José en los apocrifos del Nuevo Testamento, in: AA.VV., San Giuseppe nei primi quindici secoli della Chiesa, Lib. Ed. Murialdo, Roma 1971, 123-149.
[2] Theo sách Talmud, bà Maria có con với chàng “Pandera”, một tên lính Roma. Có lẽ người ta muốn chế nhạo, bằng cách cắt nghĩa tính từ Hy Lạp “parthenos” (đồng trinh) là tên riêng của một người đàn ông: không phải là sinh bởi mẹ “đồng trinh” nhưng là bởi “Pandera”. Chưa hết, khi lớn lên, chàng Giêsu sang Ai Cập để học nghề phù thủy. Đó là nguồn gốc các “phép lạ” sau này.
[3] In Mattheum 10,17: PG 13, 876-877.
[4] Historia Ecclesiastica: PG 20, 217.269-271.
[5] Xem ra tác giả mẫu thuẫn: bởi vì một đàng ông Giuse lấy bà Maria làm vợ (VIII, 3), cho nên chuyện có thai phải kể là thường tình; tuy nhiên đàng khác, khi thượng tế trao Maria cho Giuse, thì ông được dặn dò là bà Maria được giao cho ông trông nom mà thôi (IX 3; XV,1-4).
[6]St. Thomas Aquinas, Summa Theologica, III, q.28, a.3, ad. 5m.
[7] Thí dụ Clemente Alexandria (+216) chấp nhận những người “anh em” của Chúa Giêsu là con cùng cha khác mẹ với Người (Hypotyposeis, fragm. 24). Thánh Pacomio (+ k. 346) cũng theo ý kiến này.
[8] G.M. Bertrand et G. Ponton, Textes patristiques sur S. Joseph, in: Cahiers de Joséphologie 3 (1955) – 10 (1962. J. T. Lienhard, S.J., St. Joseph in Early Christianity: Devotion and Theology. A Study and an Anthology of Patristic Texts. Philadelphia: Saint Joseph’s University Press, 1999.
[9] Adv. Haereses IV,23.
[10] Hom. XIII in Lucam: PG 13, 1832.
[11] Commento al Diatesseron, I, 26.
[12] De institutione virginis, 6, 41: PL 16, 316.
[13] Exp. Ev. Luc 2,: PL 5, 55.
[14] In Matthaeum, 5,3: PG 57, 57-58.
[15] In evang. Matt., II,12,49-50: PL 26,88.
[16] Adversus Helvidium, 19: PL 23,213.
[17] Bối cảnh là những cuộc tranh luận với nhóm Pelagio và nhóm Manikhe. Xc. T. Stamare, San Giuseppe nel pensiero di Sant’Agostino. L’unione coniugale, in: Temi di Predicazione n. 98 (2006) p. 127-130.
[18] Contra Faustum 23,8: PL 42,470: cf. Contra Iulianum, 5,12: PL 44,810.
[19] De nuptiis et concupiscentia 1,11,13: PL 44,421.
[20] Sermo 146: PL 52,592.
[21] Sermo 175: PL 52,657-658.
[22] Sermo 53: PL 57,639.
[23] Nhiều nhà sử học nhận xét rằng những bức tranh cổ thời vẽ Thánh Giuse như một thanh niên trẻ trung. Nhưng từ thế kỷ IV, Thánh Giuse xuất hiện như một cụ già. Tại sao có sự thay đổi như vậy? Có lẽ vì vào thời ấy nổi lên nhiều nhóm lạc giáo chống lại đạo lý về sự trinh khiết của Đức Maria. Nhằm bảo vệ đạo lý đức tin, người ta vẽ Thánh Giuse già đi để tránh dị nghị và cũng để giải thích vấn nạn liên quan đến các?anh em của Chúa Giêsu?.
[24] Homilia 4: PL 131,889.
[25] Homilia II super Missus est: PL 183,69s
[26] E.P. Dunne, Albert the Great?s Theology of St Joseph, in: Cahiers de Joséphologie 7 (1959) 223-262; 8 (1960) 113-130.
[27] Joachim Joseph Berthier, trong bài tựa khi tái bản quyển Summa de Donis Sancti Ioseph ở Roma năm 1887, p.v-vii.
[28] Ngoài Summa Theologica (III, qq. 28-29 và 35-37), Thánh Giuse được đề cập ở In IV Sententiarum, d. 30, Catena Aurea, Lectura super Evangelium S. Matthaei. Ai muốn nghiên cứu thêm vấn đề có thể tham khảo: J.J. Davis, A Thomistic Josephology, in: Cahiers de Joséphologie 9 (1961) 167-197; 10 (1962) 59-114.251-285; 11 (1963) 25-42.211-232; 12 (1964) 73-94.253-267; 13 (1965) 87-120.273-303; 14 (1966) 315-351.
[29]St. Thomas Aquinas, Summa Theologica, III, qq. 28-29.
[30]St. Thomas Aquinas, Summa Theologica, III, q. 29, a. 2; IV Sent., dist. 30, q.2, a.2.
[31] Ad Galatas, c. 1. lect. 5; Super Mt. 12,46 ss; Super Io. c. 2; Summa Theologica, III q. 28, a. 3, ad 5.
[32]St. Thomas Aquinas, Summa Theologica, III, q. 28, a. 4.
[33] M. García Miralles, Doctrina josefina en S. Vicente Ferrer, in: San Giuseppe nei primi quindici secoli della Chiesa, Roma 1971, p. 396-406. T.M. Sparks, St Antoninus of Florence on Saint Joseph, in: op.cit. p. 429-455.
[34] De servorum Dei beatificatione, Lib. XIV, Pars II, cap. XX, n. 17: Inter eos autem qui scriptis maximopere laboraunt pro amplificatione cultus S. Ioseph, omitti nullo modo possunt Ioannes Gerson, Cancellarius Parisiensis, qui obiit anno 1429, et Isidorus de Isolanis, theologus Ordinis Praedicatorum, in Summa de Donis Sancti Ioseph, Hadriano VI Summo Pontifici dicata: quos alii deinde subsecuti sunt.
[35] P. Glorieux, Saint Joseph dans l?oeuvre de Gerson, in: AA.VV. San Giuseppe nei primi quindici secoli della Chiesa, cit. p. 414- 428. P. Payan, Pour retrouver un père. La promotion du culte de saint Joseph au ttemps de Gerson, in: Cahiers de recherches médiévales n.4 (1997), htttp:// crm.revues.org/document1959.html.
[36] Đương thời với cha Gerson, Hồng y Pierre d’Ailly (+1420) cũng viết một tác phẩm tựa đề Tractatus de duodecim honoribus Sancti Joseph.
[37] L.A. Redigonda, La Summa de donis Sancti Joseph di Isidoro Isolani, in: Cahiers de Josephologie 25 (1977) 203-221. Xem thêm G.M. Bertrand, La Summa de donis Sancti Joseph d?Isidore de Isolanis, o.p., in: Cahiers de Joséphologie 8 (1960) 219-249.
[38] Virtutes vero signantur congruenter et quam ordinatissime in litteris nominis IOSEPH. Iustitia quidem in Davi, qui etiam prius ponitur, ut mysterium mysterio copuletur. Obedientia in Abraham, Sapientia in Salomone, Experientia exilii in Iechonia, Patientia in Zorobabel, Humilitas in ultimis patribus, qui infimae fuerunt conditionis (I pars, cap.5).
[39] Vào thế kỷ XVII, đang khi các trường phái thần học còn tranh luận về đặc ân vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria, thì cha Isolani đã mở một mặt trận mới, nghĩa là bênh vực luôn cả đặc ân vô nhiễm nguyên tội cho Thánh Giuse nữa.
[40] Bonifacio Llamera O.P., Teologia de San José, BAC Madrid 1953. Tác phẩm của Isolani được in kèm với nguyên bản Latin và bản dịch Tây Ban Nha từ trang 363 đến trang 652.
[41] Avila (1562), Medina del Campo (1567), Malagón (1568), Toledo (1569), Salamanca (1570), Segovia (1574), Beas de Segura (1575), Sevilla (1576), Caravaca (1576), Palencia (1580), Burgos (1582).
[42] B. Burkey, Pontificia Josephina. Documents of the Holy See concerning St Joseph and his Cultus, in: Cahiers de Joséphologie, vol. X (1962)
[43] Các nghị phụ đã trình hai thỉnh nguyện (postulatum), một mang chữ ký của 153 giám mục, một mang chữ ký của 43 Bề Trên Tổng Quyền Dòng tu. Cũng nên biết là cha Marie Jean Joseph Lataste O.P. (1832-1869), – vị sáng lập Dòng các nữ tu Béthanie chuyên về mục vụ các thiếu nữ lạc đường-, đã tình nguyện hiến dâng mạng sống để xin đức Giáo Hoàng Piô IX tôn phong Thánh Giuse làm quan thầy Hội Thánh. Lúc ấy, Bề Trên Tổng Quyền của Dòng là cha A.J. Jandel. Cha có ký thỉnh nguyện lên công đồng cùng với các nghị phụ, nhưng không biết đến sáng kiến của cha Lataste. Mãi sau này cha Jandel mới được Đức Thánh Cha thông tri. T. M. Sparks, Devotion to St. Joseph in the Dominican Family in the 19th century, in: Cahiers de Joséphologie 43 (1995) p. 290
[44] Trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, chúng ta gặp thấy nhiều nhân vật mang tên Giuse: tổ phụ Giuse trong Cựu Ước (số 312), ông Giuse người anh em họ với Chúa Giêsu (số 500), ông Giuse Aritmatêa (số 595). Thánh Giuse được nói đến trong phần Một, về mầu nhiệm Nhập thể: khi nói đến danh tánh Giêsu (437; 1846); trong cảnh thiên sứ truyền tin cho Đức Maria (số 488) và cho Thánh Giuse (số 497; khi nói về cuộc đời ẩn dật của Chúa Giêsu (số 534; 564), cảnh tìm lại trong đền thờ (534). Thánh Giuse cũng được nhắc đến như bằng chứng của việc Chúa Giêsu tuân giữ luật Môsê. Trong phần II, khi nói đến bí tích hôn nhân, mẫu gương thánh gia được đề cao như Giáo Hội gia thất (số 1655).. Sách Giáo lý nhắc đến lễ Thánh Giuse được kể vào số các lễ buộc (số 2177).
[45] Lưu ý: từ ngữ “Cứu độ” trong tiếng Việt dùng để dịch hai từ ngữ khác nhau trong tiếng Latinh: 1/. Salvator (Pháp: Sauveur; Anh: Saviour); 2/. Redemptor (Pháp: Rédempteur; Anh: Redeemer). Từ thứ nhất (salvare) nói lên sự “cứu” khỏi cơn lâm nguy; từ thứ hai (redimere) gợi lên ý tưởng “chuộc” (mua lại).
[46] Redemptoris Custos: kẻ giữ gìn (hộ thủ) Đấng Cứu thế. Minister salutis: người thừa tác (phục vụ) ơn cứu độ (xc. số 8). Diễn ngữ này đã được Thánh Gioan Kim Khẩu sử dụng.
[47] Tarcisio Stramare, La presenza di san Tommaso nell’esortazione apostolica Redemptoris Custos, in: AA. VV. S. Tommaso Teologo, Libreria ed. Vaticana 1995 (Studi Tomistici, vol.59), p. 310-319. Fernando Soria Heredia, Presencia de Santo Tomás en la Redemptoris Custos, in: Estudios Josefinos 44 (1990), 195-203.
[48] St. Thomas Aquinas, Summa Theologica, III, q. 29, a. 2.
[49]Devotio: II-II, q. 83, a. 3, ad 2m.
[50] St. Thomas Aquinas, Summa Theologica, III, q. 8, a. 1, ad 1m.
[51]Được Thánh Thomas đề cập ở Summa Theologica, II-II, q. 182, a.1, ad 3m.
[52] Hiến chế Lumen Gentium, Hiến chế Dei Verbum.
[53]Thông điệp Quamquam Pluries, Sắc lệnh Quemadmodum Deus.
[54]Của Đức Giáo Hoàng Piô XII (nota 26); Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (nota 35); Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (nota 16, 22, 36, 47).