Mở Ra Những Biên Cương Thần Học Á Châu

0
687


Lm. Giacôbê Vũ Thế Hanh, OP.

(Theo C.S.Song, Tell us our names,
story Theology from an Asian Perpective, Satprakashan 1985)

 

Là những Kitô hữu Á Châu, có lẽ mỗi chúng ta đều khát khao kiếm tìm một cách thức riêng, một thần học riêng mang đặm nét Á Châu để trình bày sự quan phòng của Thiên Chúa cho những con người Á Châu trong những hoàn cảnh cụ thể của mình đang sống. Đây cũng là điều Đức Gioan Phaolô hai nhấn mạnh trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu. Thế nhúng ta sẽ khởi đi từ đâu ? Chúng ta phải làm gì ? Đâu là cách thức và nét riêng của thần học Á Châu ?

Chúng tôi xin giới thiệu suy tư của mục sư Choan-Sheng Song (1929). Ông đang sống ở Đài Loan, giảng dạy Cựu Ước và thần học hệ thống trong Giáo hội Trưởng lão tại trường Cao học thần học Đông Nam Á (The South East Asia Graduate School of Theology). Khác với Chang Ch’ung-Shen, ông chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật Giáo. Trong tác phẩm của ông, ông thường sử dụngt lối nói của Phật Giáo : Thiền. Như vậy, thần học của ông không chỉ mang bản sắc Trung Hoa, mà còn đại diện một cách mạnh mẽ cho Á Châu nói chung. Những suy tư của C.S. Song hiện tại có ảnh hưởng rất lớn đến thần học Á Châu.

Thiết tưởng những suy tư của mục sư C.S. Song sẽ gợi mở giúp chúng ta tìm kiếm lời đáp trả cho những câu hỏi đã đặt ra ở trên hầu kiến tạo nền thần học của chúng ta.

Chúng ta bắt đầu những suy tư này bằng câu truyện dân gian Trung Hoa thời Đường (A.D. 618-906). Câu truyện có tựa đề “Chiếc gương”. Truyện thế này :

“Ba Wang là một anh chàng óc đặc. Một ngày nọ, cô vợ muốn anh mua cho mình chiếc lược gỗ. Vì sợ chồng quên nên cô chỉ lên mảnh trăng lưỡi liềm trên bầu trời và nói : – Chàng hãy mua cho em một chiếc lược gỗ giống như mảnh trăng trên bầu trời kia !

Vài ngày sau, khi Ba Wang đi chợ thì trăng tròn chiếu soi mặt đất. Ba Wang nhớ lại lời vợ dặn mua một vật như mặt trăng, thế là anh mua một chiếc gương tròn mang về tặng người vợ trẻ.

Vừa soi thấy bóng mình, cô vợ quăng ngay chiếc gương xuống đất, chạy vội về nhà than thở với mẹ chồng : – Mẹ ơi, chồng con đã có tình nhân !

Bà mẹ cầm gương lên nhìn, thở dài thườn thượt và nói : – Quái lạ thật ! Nó đã có một cô vợ trẻ đẹp thế kia, vậy tại sao nó lại nhăng nhít với một mụ thù thuỷ gớm ghiếc đến như thế kia chứ ?

Thế rồi họ mang chuyện này lên nhờ quan huyện xét xử. Vừa nhìn vào gương, quan huyện quát mắng : – Tại sao các người lại dám cả gan mang trang phục giống như tôi khi các người đến kiện cáo kia chứ ! Thật là điều không chấp nhận nổi !”
 
Câu truyện dân gian trên ít nhiều đã hé mở cho chúng ta những khung cảnh làm thần học Á Châu.

Điểm chủ chốt trong câu truyện là những hình ảnh trong gương. Cô vợ trẻ, bà mẹ chồng và vị quan toà nhìn thấy ảnh mình, thế nhưng họ không biết đó là hình ảnh của họ. Họ vội vã kết luận hình ảnh trong gương là một kẻ khác. Trong sự bực tức sục sôi mãnh liệt, cô vợ gán ngay hình ảnh trẻ đẹp của mình trong gương là hình ảnh tình nhân của chồng. Với thái độ điềm đạm hơn đôi chút, bà mẹ chồng than thở rằng con trai của mình tằng tựu với một mụ phù thủy thật gớm ghiếc. Với tư cách là một người nắm quyền lực, ông quan toà đã tỏ thái độ giận dữ vì những người thưa kiện dám cả gan mặc trang phục giống như ông.

Chúng ta có thể xem câu truyện dân gian này là một dụ ngôn cho thần học Á Châu nói chung và Trung Hoa nói riêng. Chúng ta tạm gọi tấm gương là thần học. Thiên Chúa trao cho chúng ta tấm gương để phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa in sâu trong mỗi người Kitô hữu chúng ta, những người thừa kế nền văn minh của mỗi quốc gia mình đang sống. Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta tấm gương để phản chiếu những hình ảnh khác nhau của Thiên Chúa mà chúng ta đã tiếp thu được từ những miền khác nhau trên trái đất : những điều kiện xã hội, chính trị và văn hoá khác biệt. Thế nhưng, chúng ta lại tìm mọi cách phủ nhận hình ảnh phản chiếu trong tấm gương thần học của chúng ta. Đôi lúc chúng ta cảm thấy bực dọc với hình ảnh trong gương vì chúng ta nghĩ rằng hình ảnh kia là một hình ảnh giả mạo hình ảnh thật Thiên Chúa trao cho chúng ta.

Đôi khi chúng ta càm ràm vì những gì chúng ta nhìn thấy ở trong gương bởi lẽ những hình ảnh đó không tương đồng với những nét đẹp, thế giá và tính cao quý nơi nền thần học truyền thống. Hãy nghĩ đến những tác phẩm của các Giáo Phụ ! Đó là những bộ sách đồ sộ được trình bày theo lối cổ điển và những giải thích Tin Mừng thật uyên thâm dù rằng quá cao siêu khó hiểu. Hãy nghĩ đến Tổng Luận Thần học đồ sộ của thánh Toma Aquino ! Những thành quả đầy thông minh và dứt khoát như thế hẳn rằng đã để lại cho hậu thế một lối trình bày niềm tin mới mẻ. Mười hai bộ Church Dogmatics của Karl Barth, có thể so sánh với bộ Tổng Luận của thánh Toma, cũng là một đóng góp đồ sộ trong lịch sử cho việc suy tư công giáo thời đại. Rõ ràng cả thánh Tôma Aquinô lẫn Barth đã xây dựng thần học của mình từ những vấn đề và những hoàn cảnh xã hội cụ thể mà các vị đã sống. Thế nhưng đã có những người, giống như vị quan toà giận dữ, dựa trên quan niệm thần học truyền thống đánh giá tất cả những khởi đầu kia là sự lừa đảo, là mạo danh vi phạm đến phẩm giá và quyền lợi của thần học truyền thống.

Nhưng trong suốt những thập niên vừa qua, thần học phát triển đến mức không ngờ. Tại Mỹ và Châu phi, thần học da đen đã thực sự hạ bệ tính tự kiêu của thần học da trắng. Thần học da đen đã lên tiếng bênh vực những người không phải da trắng đang hiện diện trên thế giới này. Thần học da đen đang lớn mạnh cả về phương diện địa lý nữa. Thật vậy, thần học Giải phóng Châu Mỹ La-tinh đã mở rộng các biên cương thần học từ Châu Âu và Bắc Mỹ đến Châu Mỹ La-tinh. Trào lưu thần học này đụng chạm đến lịch sử của những dân tộc đang phải vật lộn hầu giải phóng dân tộc mình khỏi sự bất chính từ những lãnh vực chính trị, xã hội, kinh tế và sự ngược đãi. Thực tại này đã cuốn hút những thần học gia trí thức có khả năng nhất suy nghĩ và hành động. Hơn nữa, nền thần học hiện tại cũng đang trở nên lưỡng tính. Mãi tới thời kỳ gần đây, thần học vẫn chủ yếu là đơn tính. Sở dĩ thần học trước kia mang yếu tố đơn tính vì gồm toàn những nam thần học gia. Thần học đơn tính gồm toàn những nam thần học gia dẫn đến quan niệm Thiên Chúa là một vị chuyên chế, nghiêm khắc và đầy sức mạnh. Hiện nay, những nữ thần học gia không chấp nhận loại thần học như thế. Họ không tin rằng Thiên Chúa chỉ làm vinh quang người nam và xem thường người nữ. Họ tôn kính một Thiên Chúa tôn vinh cả nữ giới cũng như nam giới. Họ khó có thể tôn thờ một Thiên Chúa xem nữ giới kém giá trị hơn mam giới. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua có phong trào đòi truyền tác vụ linh mục cho nữ giới. Họ muốn một Thiên Chúa bằng lòng một linh mục nữ cũng như với một linh mục nam.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên thần học thật lý thú ! Những viễn cảnh thần học giới tính, thần học môi trường và thần học luân lý trước tiên không được có ý đồ hạ bệ những nền thần học truyền thống. Nhưng ít nhất, cần làm cho hai tiêu chí sẽ trình bày sau đây trở nên rõ nét.

Theo một bậc cha đáng kính thần học Đức, trước tiên, mỗi hệ thống thần học tuỳ thuộc vào lịch sử và văn hoá và rồi hệ thống thần học đó cũng phải được đánh giá và phê bình trên phương diện lịch sử và văn hóa nơi thần học đó phát sinh. Không thể đòi hỏi một nền thần học tuyệt đối phổ quát. Vì được đâm rễ vào trong những bối cảnh lịch sử và văn hoá khác nhau, mỗi hệ thống thần học cần phải trải qua thời gian thử nghiệm. Một hệ thống thần học và tín ngưỡng không được thử nghiệm thì cũng chẳng khác gì lối học vẹt. Thần học này làm sao có thể đâm rễ sâu vào lòng đất, nơi đức tin nảy mần phát triển.

Thứ nữa, mỗi thần học phải được đánh giá dựa trên giá trị của chính nó chứ không phải đem thần học đó ra so sánh hay cạnh tranh với những hệ thống thần học khác. Nét đặc trưng của Tin Mừng Kitô giáo chính là chuyển trao một sứ điệp đặc biệt trong một hoàn cảnh đặc biệt. Nét đặc biệt này phải là một trong những điểm chính yếu của thần học Kitô giáo. Một khi chúng ta xem thường nét đặc biệt này, lúc đó lưỡi dao sắc bén của Tin Mừng sẽ trở nên cùn và khó sử dụng. Đức Giêsu đã minh chứng điều này thật rõ ràng. Lưỡi dao sắc bén trong tin mừng của Ngài quá sắc đến nỗi Ngài đã kích động một cuộc tranh luận chưa từng có giữa tôn giáo của Ngài với những địch thủ chính trị. Ngài nói : “Tôi đến để cứu chữa những người tội lỗi chứ không phải những người khoẻ mạnh” (Mt 9,13). Người không do dự khi nói rằng : “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa” (Mt 19,24). Đó chính là thần học của Đức Giêsu. So sánh với bề dày thần học truyền thống rabbi và luật sĩ, có lẽ thần học của Đức Giêsu còn mới mẻ và thô sơ. Thế nhưng chính tại đây, chúng ta có Đức Giêsu là một thần học gia của mọi thần học gia. Trong thần học của Ngài, chúng ta có được nền thần học của mọi thần học. Những năm gần đây, không phải là nền thần học truyền thống nhưng là thần học da đen, thần học nữ quyền và thần học giải phóng đã ăn khớp với thần học của Đức Giêsu. Những thần học này toả sáng chói lọi và đáp ứng những thách đố hợp thời.

Kitô hữu và những thần học gia nói tiếng Trung Hoa và những ngôn ngữ Á Châu đang làm thần học thế nào trong kỷ nguyên lý thú này ? Bầu khí thần học đã thay đổi. Thay vì một nền thần học dự đoán, tách biệt và lặng lẽ, hiện nay chúng ta lại có một thần học không thể dự đoán, một nền thần học đam mê và bực tức. Chúng ta, những thần học gia Trung Hoa nói riêng và Á Châu nói chung vẫn phải dương cao hiệu cờ của chúng ta. Chúng ta vẫn phải biểu lộ những điều đặc biệt chúng ta thích cũng như không thích.

Làm sao chúng ta có thể nhận ra khuôn mặt thật của chúng ta trong chiếc gương ? Làm sao chúng ta có thể trả lời một cách sáng tạo và mãnh liệt trước những thách đố trong thời đại của mình ? Điều quan trọng đối với những thần học gia và những Kitô hữu nói tiếng Trung Hoa và ngôn ngữ Á Châu là phải gieo rắc trên mọi miền thế giới và duy trì căn tính Trung Hoa và Á Châu của mình trong tính cách tinh ròng luân lý chứ không phải là ý nghĩa của dân tộc.

Xin đưa ra mười đặc tính với hy vọng những đặc tính này có thể giúp chúng ta tiến về phía trước để suy tư và hành động.

Đặc tính 1

Toàn bộ cuộc sống này là chất liệu thô sơ của thần học. Thần học liên kết với những vấn đề cụ thể. Những vấn đề này ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống chứ không phải chỉ liên hệ tới những quan niệm trừu tượng, những quan niệm thần học thuộc trí. Chẳng có điều gì liên quan đến con người lại quá tầm thường và quá thấp kém đối với thần học. Thần học phải vật lộn với những sự dưới đất chứ không phải trời cao.

Từ thần học phát xuất từ hai chữ Hylạp : theoslogos – một môn khoa học liên quan đến Thiên Chúa. Có thể nói rằng quan niệm như thế là không đúng nếu không nói là hoàn toàn sai. Thần học liên hệ tới câu hỏi và câu trả lời Thiên Chúa liên đới với con người ra sao chứ không phải là đưa ra câu hỏi con người liên quan với Thiên Chúa như thế nào.

Con người nỗ lực kiếm tìm tương quan với Thiên Chúa và nắm bắt Ngài bằng những huyền thoại, những nghi lễ và tất cả những cách thức tế tự. Từ xưa đến nay, con người kiếm tìm mọi cách để tác động đến một thế lực ở đằng sau hiện tượng thiên nhiên và con người. Nếu trời không mưa, người ta sẽ lập tế đàn xin thần mưa gởi mưa xuống. Khi không có con trai nối dõi tông đường, người ta nài xin vị thần nắm trọng trách sinh sản giúp họ có con trai. Con người xoay sở mọi cách để liên hệ với thần linh theo quan niệm “thần học” xem Thiên Chúa là vị thần nắm trọng trách của mọi ơn phúc.

Thần học Kitô truyền thống đã tạo nên một trọng trách chính yếu giúp nhận biết Thiên Chúa. Suốt những thế kỷ qua, thần học đó đã phát triển những học thuyết công phu tỉ mỉ về Thiên Chúa. Và trong mọi trường hợp, những học thuyết này định vị cho mọi chủ đề thần học tách biệt. Những nội dung chính yếu của thần học Kitô truyền thống không vượt ra khỏi Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo hội, những Bí tích, trách vụ…

Quả thật, kiểu thần học này xem ra rất hạn chế vì phần lớn điều cần phải làm cho đời sống con người hầu như hoàn toàn bị quên lãng. Cuộc sống bị phân chia thành hai phần, một phần thuộc “thần” và một phần thuộc “thế tục”. Dĩ nhiên, phần thế tục là phần lớn hơn nhưng nó chẳng quan trọng. Bằng sự hàm ý, trong thần học và niềm tin, Người Kitô hữu suy nghĩ về Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa, ơn cứu độ và sự xét xử của Ngài. Thế nhưng những vấn đề trên liên hệ đến thực tế khó khăn trong cuộc sống nhân sinh như thế nào lại là chuyện khác. Kitô hữu không nhận ra ý nghĩa “thần học” trong chốn chợ búa ồn ào, nơi người ta đang “cò kè bớt một thêm hai” khi mua một con gà. Người ta cũng chẳng nhận ra những hàm ý “thần học” nơi những người thợ thuyền từ trận chiến Việt Nam thoát khỏi bờ biển khi bước lên đất liền.

Thần học như thế là thuộc loại thần học trừu tượng. Đó là thần học đảo lộn. Thậm chí thần học như thế có thể nguy hại vì Thiên Chúa là sự sống và là sự chết của con người. Thực vậy, Đức Khổng Tử không hoàn toàn sai lạc khi ông khẳng định cuộc sống ngay tại đây, lúc này chính là chủ đề riêng biệt trong câu hỏi thần học của ông. Ông nói : “Nếu chúng ta chưa có thể phục vụ con người thì làm sao chúng ta có thể phục vụ thần thánh” (Analects). Thần học Kitô phải chú trọng nhiều hơn đến những gì đụng chạm đến con người mà những học giả Trung Hoa và Á Châu đã suy nghĩ trước những vấn nạn của cuộc sống và thế giới. Chúng ta không lo sợ cách thức thần học này sẽ giáng thần học xuống mức nhân văn, loại nhân văn biến con người thành thước đo cho tất cả mọi sự.

Nhân văn Kitô giáo chính là nhân văn thần học. Đó là loại nhân văn được đặt nền trên niềm tin của chúng ta : Trong Đức Kitô cứu thế, Thiên Chúa đã hoà nhập với cuộc sống nhân loại. Đó là lý do tại sao trong tất cả mọi phương diện, cuộc sống phải là mối quan tâm hàng đầu của thần học. Chắc chắn rằng cuộc sống của một cá nhân cũng như xã hội, quốc gia và toàn thế giới đều đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta khám phá thần học của chính mình. Chẳng hạn, chúng ta đặt ra những câu hỏi : Chúng ta đã thấy gì nơi những thiếu nhi Việt Nam cũng như Cambodia đang khóc và đang ngấp ngoái trong cuộc chiến đã qua : chúng là nạn nhân của cuộc giải phóng con người hay là nỗi thống khổ của Thiên Chúa trước tội ác của con người ? Chúng ta đã xây dựng cái gì trong việc lên xuống của những triều đại vua chúa trong lịch sử Trung Quốc : chỉ là định mệnh của lịch sử hay Thiên Chúa cũng can thiệp vào những hành động con người chống lại chế độ chuyên quyền ? Thiên Chúa đã chuẩn bị tương lai nào trước một thế giới đang bị vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học tiêu diệt hàng loạt : Tàn phá một thế giới cũ hay kiến tạo một thế giới mới ?

Biên cương thần học đã di chuyển từ nhà thờ và cộng đoàn Kitô giáo đến một sự sáng tạo toàn diện. Với sự đổi thay những biên cương thần học, những đòi hỏi thần học của chúng ta trở nên cụ thể và đặc biệt hơn. Chúng ta không coi Thiên Chúa là một “Ý niệm” như Hegel đã trình bày, làm cho lịch sử nhảy từ tình trạng biện chứng này sang tình trạng khác. Đối với Hegel, sau khi đã khám phá ra Ý niệm này, tất cả những thứ khác đều trở nên rõ mồn một. Tuy nhiên, trong việc thay đổi biên cương thần học từ Thiên Chúa chuyển sang con người, vấn đề thần học không còn được quan niệm như thế nữa. Tại mỗi biến cố trong cuộc sống của chúng ta, tại mỗi và mọi nút của lịch sử, chúng ta phải đưa ra những câu hỏi mang tính thần học với cách thức mới mẻ.

Trong cuốn Thành Đô Thiên Quốc, thánh Augutinh nói với chúng ta điều gì khi người suy tư sâu xa về sự sụp đổ của chế độ Rôma do quân man di từ phía Bắc đến ? Điều thánh nhân đã đề cập có liên hệ chút nào đến câu trả lời của chúng ta khi chúng ta cố gắng tìm kiếm ý nghĩa việc vua Batư trị vì ở Iran bị đám đông vốn được xem là những thần dân trung tín, dễ sai dễ khiến đã giận dữ truất phế ông ? Khi chúng ta run sợ xem việc nổi dậy của những dân tộc đòi quyền lợi của họ, quyền mà Martin Luther, người cải cách vĩ đại đã làm cho đám dân đen thường làm cho chúng ta đau buồn hơn là vui mừng. Và rồi khi chúng ta nhìn xung quanh mình, chúng ta chứng kiến lòng mộ đạo và những tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành xã hội ở Hồng Kông, Đài Loan, những khu vực khác ở Trung Hoa, trong những miền rộng lớn trên thế giới, chúng ta phải thừa nhận rằng điều Karl Barth đã nói về những tôn giáo như không có tín ngưỡng là một chướng ngại hơn là một sự trợ giúp chúng ta. Lý do ở đây quá đơn giản. Chúng ta hiện nay đang phải đối đầu với những hoàn cảnh hoàn toàn khác với những gì thánh Agusting, Martin Luther hoặc Karl Barth phải đương đầu. Vì vậy, chúng ta luôn phải đặt ra những vấn nạn mới mẻ để những nhà tư tưởng Kitô giáo tìm cách trả lời chứ không phải nhặt nhạnh những câu trả lời có sẵn trong kho, rồi chúng ta đem ráp vào thực tại của chúng ta.

Đặc tính 2

Những biên cương thần học của chúng ta phải di chuyển từ lịch sử Israel và lịch sử Kitô giáo ở Tây Phương sang lịch sử Á Châu nơi chúng ta đang sống. Với việc khai hoang chân trời lịch sử này, chúng ta sẽ hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa đang thực hiện trong những quốc gia này một cách sâu rộng hơn.

Lịch sử Israel và lịch sử Kitô giáo đã hình thành nên thần học lịch sử Kitô giáo. Kinh nghiệm lịch sử của Israel và Kitô giáo đã ảnh hưởng rất lớn đến tầm hiểu biết lịch sử của chúng ta. Xin đơn cử thế này, Kitô hữu chúng ta thường quan niệm lịch sử theo chuyển động hướng thượng hầu nhận ra Nước Thiên Chúa như một mục đích tối hậu. Lịch sử đầy tràn ý nghĩa đến độ lịch sử thích ứng với quan niệm vương quốc của Thiên Chúa. Quan niệm này không xa cách với kinh nghiệm lịch sử của chúng ta : trong Israel, chúng ta có một lời hứa chắc chắn về Vương quốc này và trong Giáo hội chúng ta đã thấy lời hứa đó trở thành hiện thực qua Đức Giêsu Kitô. Israel và Giáo hội trở thành một thực tại không thể tách rời. Nếu không có Israel thì không có Giáo hội, nếu không có những cá nhân tội lỗi thì không có Giáo hội, không có Israel. Đây là cách hiểu cô đọng hành động của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Toàn bộ lịch sử nhân loại đã được thu gọn lại trong lịch sử Israel và Giáo hội.

Trong Cựu Ước, các ngôn sức hết sức băn khoăn về hành động của Thiên Chúa nơi các dân tộc. Trong thần học vương giả, những thần học gia tư tế chủ trương và giải thích hầu nhốt sự cứu độ của Chúa chỉ ở nơi dân Israel và vương quốc Thiên Chúa chỉ thực hiện trong vương quốc vua Đavid. Tuy nhiên, các ngôn sứ chống lại nền thần học như thế. Các ngôn sứ không phát triển một nền thần học lịch sử kiên định nơi các dân tộc khác có giá trị như Israel, nhưng các ngôn sứ đã công nhận vai trò độc lập của các dân tộc khác vận hành trong đời sống chính trị thế giới. Ở điểm này, các ngôn sứ đã nhận ra mối tương quan phụ thuộc giữa Israel vào những quốc gia khác.

Trường hợp nổi trội nhất là Isaia đệ nhị. Ông đã gọi Cyrus, vua của Persia là mục tử của Thiên Chúa, vị được xức dầu của Thiên Chúa. Thậm chí cả ngôn sứ Giêrêmia cũng đã công khai khen ngợi Nabucôđônôso vua Babilon, người đã chiếm đoạt Giêrusalem, là tôi tớ của Thiên Chúa (Gr 27,5-6). Ngôn sứ nhấn mạnh rằng đầu hàng là phương thế duy nhất để tồn tại. Giêrêmia biết rất rõ khi hành động như thế ông đang chống lại tình cảm dân tộc ở nơi mình. Như vậy, ngay từ xưa, niềm tin vào Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của Israel đã mất chỗ, vì những người biết nhìn xa trông rộng như Giêrêmia chẳng hạn, đã được soi sáng hầu nhận ra rằng Thiên Chúa cũng là Chúa của người Babilon nữa. Và nếu như qua Babilon, Thiên Chúa đang hành động để chống lại Dothái thì điều cần thiết không phải là dân tộc Dothái đầu hàng Babilon hay sao ?

Điều tôi muốn đặt ra ở đây là ngoài lịch sử Kitô-Dothái và lịch sử thế giới còn có những quốc gia và lịch sử của những người không liên hệ trực tiếp đến lịch sử Kitô-Dothái. Không am hiểu về lịch sử, thậm chí không am hiểu thần học lịch sử Kitô giáo người ta vẫn có thể đánh giá được lịch sử thể giới một khi quan tâm đến chúng. Phớt lờ lịch sử thế giới xem ra là cách thích hợp trước một vấn đề cực kỳ phức tạp. Chính vì vậy người ta bị cám dỗ loại bỏ vấn đề hóc búa này bằng một thanh gươm thần học hết sức sắc bén. Thế nhưng đó không phải là cách Thiên Chúa liên hệ với những quốc gia khác và những con người ở những quốc gia khác này.

Đặc tính 3

Theo quan điểm Kitô giáo, nhân tố quyết định trong thần học lịch sử là Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập thể là tâm điểm của thần học hướng dẫn suy nghĩ và hành động thần học của chúng ta trong viễn cảnh Á Châu. Vì trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa tham dự vào hành động thần học với con người.

Trong những bối cảnh Á Châu, đời sống và lịch sử không trực tiếp ảnh hưởng những truyền thống Kitô-Dothái đang là một thách đố lớn cho thần học Kitô giáo. Chúng ta đã nhấn mạnh điểm quan trọng này ở trên. Có những người cho rằng làm như thế cũng chỉ là hướng thần học vào một môn học muôn thuở, là thay thế chiều kích niềm tin từ trên xuống bằng một thực tại hoàn toàn xa vời và làm mất đi nhãn giới về một Thiên Chúa đi tìm mối liên hệ với nhân loại. Tôi rất ý thức về những chỉ trích như thế, nhưng tôi cảm thấy những chỉ trích đó bắt nguồn từ sự yếu kém.

Chúng ta đang tiến tới tâm điểm niềm tin Kitô giáo, đó là tin vào Đức Giêsu Kitô, đặc biệt là tư tưởng thần học sâu sắc trong Gioan 1,14 : Lời thành xác phàm. Hạn từ trọng tâm ở đây là chữ “trở thành” (egeneto). Từ này liên hệ giữa Lờixác phàm. Hạn từ này biểu hiện một hành động rất đặc biệt. Đặc biệt vì hành động đã làm thay đổi chủ thể của hành động đó. Tâm điểm niềm tin Kitô giáo chuyển động quanh sự thay đổi thực sự này. Sự thay đổi này cuộn vào Thiên Chúa. Vì trục của niềm tin là Lời trở thành xác phàm nên chân lý niềm tin Kitô giáo chính là Thiên Chúa trở thành một người trần, đấng thánh trở thành phàm nhân, đời sống và lịch sử Thiên Chúa trở thành đời sống và lịch sử của nhân loại. Niềm tin của chúng ta xoay quanh sự chuyển động của Thiên Chúa về phía nhân loại, xoay quanh việc Chúa chấp nhận sống cuộc sống và lịch sử của nhân loại.

Điều này không phải là hoạt động thần học bắt đầu và được thể hiện trong lĩnh vực nhân học sao ? Chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa ở một nơi nào khác ngoài tâm hồn con người, ngoài cộng đoàn con người thiết lập, ngoài lịch sử họ đã tạo thành ? Thật vậy, nếu chúng ta sống một cuộc sống nghiêm túc, chúng ta vẫn có thể gặp gỡ Thiên Chúa ở nơi sâu thẳm hồn ta. Thần học Kitô giáo, đặc biệt là thần học Tin Lành đã dạy chúng ta tránh đi việc quá chú trọng đến mình và thúc đẩy chúng ta hoài nghi về sự hiểu biết thầm kín về Thiên Chúa như là một thứ gì đó thuộc chủ thể và một thực tại bị nhét vào trong tâm hồn. Thần học này đã thúc dục chúng ta tin tưởng vào những biểu hiện khách quan của niềm tin được ghi chép thành ngôn từ, trong các tín điều. Bằng một xác tín bệnh hoạn, thần học này nhấn mạnh uy thế giảng dạy như là một thực tại đối chọi với những viễn tượng ngắm nhìn. Trong cuộc chạm trán với Zwinglu về vấn nạn sự hiện diện của Đức Kitô trong sự Siêu Việt của Thiên Chúa, Martin Luther giận dữ quát lên : “Từ ngữ, từ ngữ, từ ngữ và từ ngữ !”. Mặt khác, điểm nhấn mạnh của Tin Lành về phương diện nghe đối nghịch với phương diện nhìn ngắm đã dẫn đến rất nhiều hậu quả ngược lại. Việc bài trừ thánh tượng diễn ra tại Geneva trong suốt thời kỳ Cải Cách là một ví dụ điển hình. Ngôi nhà thờ phượng đã bị lột hết ảnh tượng. Niềm tin bị giam hãm vào ngôn từ và văn bản. Quan niệm này đã biến nhiều nhà thờ Tin Lành trở thành nơi tín đồ đến để nghe lời Chúa qua những lời của giảng sư. Niềm tin đã trở thành vấn đề của cái đầu hơn là quả tim. Ở điểm này, lối thể hiện tâm linh của Công Giáo đã dạy chúng ta nhiều điều. Cách trình bày ảnh thánh của Giáo hội Công Giáo tạo hứng khởi cho việc nhìn để nghe. Phụng vụ Giáo Hội Công Giáo được biểu hiện để dẫn tín hữu cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa hơn là để hiểu về sự hiện diện của Người.

Tôi xin được lặp lại : thần học của chúng ta phải bắt đầu với con người và tất cả những gì có ý nghĩa, vì tất cả những gì có ý nghĩa đều ở trong nhân loại, tạo vật được Thiên Chúa kết ước một cách thần học. Con người và thần học cũng giống như cá và nước. Cá sẽ chết khi ra khỏi nước. Thần học cũng sẽ chết khi tách khỏi đời sống và lịch sử nhân loại. Bằng cách này cách khác, thần học của chúng ta phải trở thành chứng tá cho nỗi thống khổ của Thiên Chúa trong nỗi thống khổ của con người. Thần học của chúng ta phải biểu lộ niềm hy vọng của Thiên Chúa trong niềm hy vọng của con người, phải truyền đạt nỗi thống khổ của Thiên Chúa trong nỗi thống khổ của con người và phải biểu lộ sự giận dữ của Thiên Chúa trong nỗi giận dữ của con người. Thần học của chúng ta cũng phải làm vang vọng tiếng cười của Thiên Chúa trong tiếng cười của con người. Tôi thấy cần phải nhấn mạnh điểm cuối cùng này.

Trong bối cảnh thần học thế giới, thần học Thế Giới Thứ Ba xuất hiện như một thần học tức giận. Thần học này tức giận trước sự bất chính và đàn áp. Thần học của chúng ta phải là một thần học khóc than. Chúng ta chứng kiến quá nhiều nỗi đau quằn quại quanh chúng ta sau những cuộc chiến, sự nghèo đói tột cùng và sự đàn áp hết sức dã man. Chúng ta nghe thấy tiếng Chúa khóc lóc, than vãn và thì thào. Thế nhưng cũng có những lúc chúng ta thấy Chúa cười : bà mẹ cười khi sinh hạ một đứa con, khi những kẻ thù bắt tay nhau hòa hợp, khi người ta thể hiện những nghĩa cử nho nhỏ biểu lộ tình liên đới yêu thương sưởi ấm lòng những người đang trong tình trạng khó khăn gian khổ. Bất chấp tất cả sự đau đớn, vất vả và khổ đau, Thiên Chúa luôn cười tươi rạng rỡ. Thế thì thần học của chúng ta cũng phải là thần học vui tươi. Chúng ta cần một Thiên Chúa cười tươi, chúng ta cần có một Đức Kitô vui tươi, chúng ta cần những cộng đoàn Kitô vui tươi. Chúng ta cần tiếng cười ròn rã trong cuộc đối đầu nghiêm trọng với sự ác vây quanh chúng ta.

Thần học của chúng ta phải là thần học nhân loại (human theo-logy). Chúa không mong chúng ta làm thần học cho Chúa. Chúa muốn chúng ta làm thần học cho con người. Chúa muốn chúng ta chiến đấu với vấn đề phá thai, vì đó là vấn đề của chúng ta và cũng là vấn đề của Chúa. Chúa muốn chúng ta đương đầu với sức mạnh vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học vì đó là vấn đề của chúng ta và cũng là vấn đề của Chúa. Thiên Chúa không để cho chúng ta ra đi bao lâu chúng ta còn phải đối mặt với nền kinh tế bất chính và sự đàn áp chính trị trong thế giới hiện tại của chúng ta, vì đó chính là vấn nạn của cả Thiên chúa lẫn chúng ta. “Lời thành xác phàm” không chỉ là một hình thức thần học tuyệt đẹp. Nhưng “Lời thành xác phàm” còn xác định trận chiến thần học của Thiên Chúa được liên kết ở đâu và cũng xác định xem câu đáp trả thần học nhân loại của chúng ta có vị thế ở chỗ nào.

Là những thần học gia nói tiếng Trung Hoa, nói tiếng Hàn Quốc, nói tiếng Việt Nam, chúng ta phải bày tỏ câu trả lời thần học của chúng ta không phải chỉ dành riêng trong tương quan với lịch sử Israel hoặc lịch sử Kitô giáo ở Tây Phương nhưng là trong tương quan với lịch sử lâu đời, hấp dẫn nhưng ngoằn nghèo của Trung Hoa, lịch sử mờ mịt của Hồng Kông, tương lai không mấy chắc chắn của Đài Loan và những cộng đoàn khác nhau Đông và Tây, nơi chúng ta đột nhiên tìm thấy chính mình.

Tất cả những gì liên quan đến đời sống con người đều là chủ đề liên quan đến thần học của chúng ta. Theo nghĩa này thì thần học không có biên giới được định trước. Ngược lại, thần học phải là một miền đất không có rào chắn.

Đặc tính 4

Thần học là thần học văn hoá và lịch sử chứ không phải là thần học trung lập. Thần học trung lập là thần học vô gia cư. Thực ra, thần học nghiêm túc phải là thần học xác định được nhà của mình và khám phá được mình thuộc về đâu.

Bây giờ chúng ta bàn đến mối tương quan giữa thần học và văn hoá. Hạn từ “văn hoá” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng. Văn hoá là tất cả những gì đã biểu hiện rõ nét cũng như còn ẩn tàng trong mọi hoạt động của con người, mọi hoạt động tạo nên cuộc sống và lịch sử. Như chúng ta đã bàn thảo, thần học là một hoạt động của con người trong thế giới này khởi đi từ sáng kiến của Thiên Chúa. Chính vì vậy, thần học hay Kitô giáo có nhiều điểm chung với những hoạt động lịch sử, văn hoá và con người ở những miền khác nhau. Người ta xác định hầu hết những ai gặp gỡ Thiên Chúa đều công nhận chính tôn giáo đã giúp họ có được cảm nhận đó.

Công trình kiến trúc nhà thờ là một ví dụ điển hình. Chẳng hạn lòng mộ đạo, thần học và lịch sử của giáo hội Kitô Giáo được cất giữ trong lối kiến trúc nhà thờ cũng như thánh đường khắp Châu Âu. Nét đẹp đẽ nhất trong nhận thức của con người, nét lộng lẫy nguy nga nhất trong nỗ lực của con người hầu đạt tới mầu nhiệm bao trùm trong cuộc sống và có lẽ cả nỗi sợ hãi tồi tệ nhất phát xuất ở bên ngoài sự nhận thức có giới hạn của con người đã tạo nên một quang cảnh đầy kinh ngạc trong kiến trúc thánh đường Châu Âu. Chắc rằng không phóng đại khi nói rằng mỗi khía cạnh tài năng của con người được đánh thức, mỗi phương diện tưởng tượng của con người được thể hiện và mỗi chiều kích của sự hiểu biết đều được tận dụng để hình thành một kiến trúc như thế. Khi ngắm nhìn những bức tranh, những pho tượng và sự bài trí trong một thánh đường như thế, chúng ta sẽ liên tục ngạc nhiên sửng sốt. Thật vậy, không một ai rời khỏi đền thánh Phêrô ở Rôma mà không cảm động sâu xa. Cũng vậy, La Pietá, kiệt tác của tôn sư Michelangelo đã nhận người ta chìm sâu vào nỗi thống khổ của Thiên Chúa và mang người ta tiến đến chiều cao của niềm hy vọng. Tất cả những biểu hiện nghệ thuật của niềm tin này không thể tìm đâu ngoài những truyền thống lịch sử và văn hoá Châu Âu.

Đối với tôi, thật là phù phiếm khi chúng ta tranh luận xem thần học có liên quan đến văn hoá hay không. Ngấm ngầm trong một cuộc tranh luận như thế là cho rằng chỉ có một nền văn hoá chịu ảnh hưởng Kitô giáo cách sâu xa mới có thể có một vị trí đúng đắn trong thần học Kitô giáo. Không cần phải nói ra cũng biết đó là một nhận thức sai trái. Tất cả mọi văn hoá và mọi lịch sử đều liên quan đến thần học Kitô giáo. Thiên Chúa đã mang lấy vóc dáng con người trong một người Dothái đặc biệt. Người đã sống và đã chết trong xã hội văn hoá Dothái. Mối tương quan của Thiên Chúa với nền văn hoá và lịch sử Dothái không thể gần kề hơn được nữa. Tuy nhiên, tương quan của Thiên Chúa với thế giới này không chỉ dừng lại ở văn hoá Dothái. Thiên Chúa cũng thiết lập mối tương quan khắng khít với văn hóa và lịch sử Trung Hoa, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam… Văn hoá và lịch sử mỗi quốc gia Á Châu không thể không có Thiên Chúa. Văn hoá và lịch sử của mỗi quốc gia Châu Á không thể là nền văn hoá và lịch sử không Thiên Chúa. Thậm chí ngay cả nền văn hoá và lịch sử hình thành dưới những hệ thống chính trị vô thần vẫn không thể là một nền văn hoá và lịch sử không Thiên Chúa.

Thế thì, văn hoá và lịch sử ở quốc gia nơi ta đang sống tuyệt nhiên đã có tính thần học rồi. Tôi xin ví dụ như thế này : Phải chăng thế lực chính trị của Đảng Cộng Sản Trung Hoa không phải là mối quan tâm thần học của chúng ta trong khi đảng Chilean lại là mối quan tâm thần học của chúng ta vì rằng những nhà lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Hoa thì vô thần còn những người lãnh đạo của đảng Chilean có quan hệ khắng khít với Rôma ? Dĩ nhiên, chúng ta không thể trả lời câu hỏi này một cách xác đáng. Chúng ta không thể minh chứng vấn nạn trên một cách thần học được. Điều cần thiết hơn là hãy nhìn vào trong bản chất của quyền lực và những thực hành trong Trung Hoa cũng như Chile và bất kỳ nơi nào khác, vì chẳng có sức mạnh chính trị nào lại ở bên ngoài tương quan của Thiên Chúa cả.

Điểm yếu của môn phê bình Kitô giáo Tây Phương về quyền lực trong các quốc gia cộng sản là đã đưa ra hai viễn tượng mâu thuẫn : một đàng coi những nước cộng sản như là thế lực của ma quỷ chống lại sức mạnh của Thiên Chúa ; một đàng lại xem đảng cộng sản là một thế lực không thể tháp nhận luân lý Kitô giáo. Đó là lý do dẫn đến việc phê bình thế lực cộng sản với thái độ vừa khó chịu vừa tự mãn. Thái độ tự mãn thông thường lại đi kèm với một luận điệu được gọi là bóng cánh không thành kiến (liberal wing) của Kitô giáo. Tôi không thể chấp nhận quan niệm cho rằng quyền lực được thể hiện trong những quốc gia cộng sản là lưỡng luân lý. Mặt khác, quan niệm cho rằng không tìm được gì trong các quốc gia cộng sản ngoại trừ sự dữ là một quan niệm thần học hết sức ngây ngô. Quan niệm này đã hoàn toàn bác bỏ sự cứu chuộc của Thiên Chúa cũng đang hoạt động trong những quốc gia đó. Giống như những đảng khác, đảng cộng sản không giới thiệu cho những người Kitô hữu chúng ta một hoàn cảnh “hoặc cái này, hoặc cái kia” nhưng giới thiệu cho chúng ta một hoàn cảnh có “cả cái này và cả cái kia nữa”.

Những điều vừa trình bày trên nói lên điều gì ? Chúng ta có thể học hỏi từ đó điều gì ? Ngôi nhà thần học của chúng ta là văn hoá và lịch sử, là tất cả những gì chúng ta liên hệ qua việc chúng ta chào đời và tất cả những tương quan của chúng ta. Đó chính là nơi chúng ta phải làm thần học. Thần học Á Châu của chúng ta là thần học vô gia cư (homeless theology) vì chúng ta đã thề hứa từ bỏ ngôi nhà của chúng ta. Thế nhưng trong những ngôi nhà xa lạ, những mơ mơ màng màng mang tính thần học của chúng ta đang đi đến hồi kết cuộc. Những cuộc đấu tranh nhân quyền đang giữ vị thế trong những vùng đất Á Châu. Khát vọng tự do và dân chủ không phải là một thứ quyền chính trị chỉ dành riêng cho cái được gọi là dân chủ Phương Tây, nhưng cũng là quyền chính trị ở Châu Á nữa. Đối với niềm tin chúng ta, thách đố vô thần không chỉ đến từ một mình con gấu địa cực, nhưng còn đến từ con sư tử đang ngái ngủ, con sư tử này bị đánh thức dậy để thay đổi tận căn những luật lệ mờ ảo nơi những thế lực chính trị thế giới. Có nhiều nhân tố gọi mời người Kitô hữu nói tiếng Trung Hoa và những người Á Châu khác từ bỏ những thứ đã từng bị coi là ghẻ lạnh để quay trở lại với văn hoá và lịch sử. Đây là điều sẽ gây hoang mang, gây cảm hứng và còn là cái gì đó làm cho khiếp hãi nữa. Thật vậy, chúng ta phải tái khám phá những cội rễ thần học của chính chúng ta. Chính ở nơi đó, thần học nhân loại của chúng ta phải được thực hiện.

Đặc tính 5

Đúng ra, Giáo hội không có sứ vụ của riêng mình. Chỉ có một sứ vụ : sứ vụ của Thiên Chúa. Giáo hội hiện hữu để phục vụ sứ vụ của Thiên Chúa. Phận vụ của nền thần học Thế Giới Thứ Ba là trợ giúp những Giáo hội truyền thống mở rộng tầm nhìn của mình về sứ vụ của Thiên Chúa.

Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu rằng không phải Giáo hội, nhưng chính Thiên Chúa đã khởi phát sứ vụ trong thế giới này. Sứ vụ là của Thiên Chúa chứ không phải là của chúng ta. Đây không phải là điều “Lời trở thành xác phàm” đã nói với chúng ta sao ? Sứ vụ của Thiên Chúa nơi việc nhập thể không do khởi phát nơi con người cũng chẳng dính líu gì đến Giáo hội. Đó là lời Thiên Chúa đáp trả trước sự khẩn nài trợ giúp của nhân sinh, là hành động của Chúa đáp lại niềm hy vọng của con người. Thế giới này đã là cánh đồng sứ vụ của Thiên Chúa trước khi Giáo hội được gọi mời để phục vụ sứ vụ đó. Và thế giới này không ngừng là cánh đồng sứ vụ của Thiên Chúa sau khi Giáo hội đã đến để chia sẽ sứ vụ này. Giáo hội không thay thế Thiên Chúa. Sứ vụ của Giáo hội không làm cho sứ vụ của Thiên Chúa trở thành thừa thãi vô dụng. Nếu suy nghĩ khác đi sẽ có nguy cơ biến Giáo hội thành một thực tại kênh kiệu kiêu kỳ.

Việc Giáo hội góp phần vào sứ vụ của Thiên Chúa thậm chí còn làm cho Thiên Chúa trở thành bận rộn hơn. Một mặt, Thiên Chúa phải tiếp tục bù đắp sứ vụ của mình trong thế giới này và đặc biệt là ở những nơi mà tại đó Giáo hội đang bị cấn đoán hoặc bắt bớ. Mặt khác, Thiên Chúa phải nâng đỡ Giáo hội khi sứ vụ của Giáo hội có hiệu quả và củng cố khi Giáo hội trở nên yếu nhược. Thiên Chúa còn phải sửa chữa tình huống khi mà sứ vụ trở nên phản tác dụng. Hẳn rằng đôi khi, Giáo hội xuất hiện trước Thiên Chúa như là trẻ thơ muốn giúp đỡ cho cha mẹ của mình, thế nhưng điều đó chỉ làm cho hoàn cảnh trở nên tồi tệ hơn mà thôi.

Trung Hoa đã cung cấp cho chúng ta một bài học cụ thể tuyệt vời và thậm chí còn là bài học đáng tiếc nữa. Từ giữa cái mà Latourette gọi là “Đại Kỷ Nguyên ở Bắc Phi và Châu Á những năm 1800 đến 1914”, (đây là một chủ đề trong quyển thứ sáu bộ Một lịch sử về sự bành trướng của Kitô giáo), Trung Hoa đã trở thành cánh đồng sứ vụ của Giáo hội Tinh Lành cũng như Giáo hội công giáo ở Châu Âu. Người ta nghĩ rằng nếu Trung Hoa theo Kitô giáo thì phần còn lại của Châu Á cũng sẽ theo Kitô giáo nhiều hơn. Thời gian đã chín muồi : đế chế Trung Hoa rộng lớn đã bị suy xụp do sự thối rữa và mục nát từ phía bên trong. Lúc này, Tin Mừng đã được trình bày trên một phương diện rộng lớn. Nền y khoa hiện đại và giáo dục Tây Âu được trình làng. Không còn nghi ngờ gì nữa về tính ngay thật sâu sắc của hầu hết những giáo hội Tây Âu. Phải nói đến những cống hiến to lớn của những nhà truyền giáo. Những vị này đã hy sinh cả tiện nghi, và trong nhiều trường hợp họ hy sinh cả cuộc sống của mình. Thế mà những cống hiến của các vị đã không được đặt thành vấn đề. Thật vậy, Kitô hoá lục địa rộng lớn này là mục đích tối hậu.

Có những lúc mục đích này không còn là một viễn mơ nhưng đã trở thành hiện thực. Feng Yu-hsiang, một pháp sư đầy sức mạnh, đã hoán cải và theo đạo Kitô. Ông trở nên “một người Kitô hữu điển hình”. Trước kia ông đã là người nắm trọng trách hướng dẫn chính phủ và quân đội trong suốt thời kỳ trận chiến Trung Hoa Nhật Bản. Sun Yat-sen, một nhà cách mạng đã lật đổ chính phủ Mãn Châu, thành lập nên Chế Độ Cộng Hoà năm 1911 và đã được phong là cha đẻ của quốc gia này cũng theo niềm tin Kitô. Những sự kiện này và những nhân tố khác nữa khiến người ta hy vọng rằng Trung Hoa sẽ theo Kitô giáo. Kitô hữu ở bên trong cũng như bên ngoài Trung Hoa đều xem trận chiến giữa Đảng Chủ Nghĩa (Nationalist Party) và Đảng Cộng Sản là một trận chiến giữa con cái ánh sáng và con cái bóng tối.

Đến năm 1949, khi tấm mạng phủ trên cuộc đấu tranh mãnh liệt bên trong được lật lên, trước sự rùng rợn của mình, thế giới Kitô giáo mới học được ai là người chiến thắng. Sứ điệp bành trướng tại Trung Hoa khép lại. Nhiều người Kitô hữu buộc lòng phải suy nghĩ rằng đó cũng là kết cuộc sứ điệp của Thiên Chúa thực hiện tại Trung Hoa. Nhưng đó là một kết luận quá giản lược, một kết luận được đặt nền trên một niềm tin nghèo túng và trên một giả định rằng sứ vụ của Giáo hội đại diện cho toàn thể sứ vụ của Thiên Chúa. Thế nhưng những người khát khao kiếm tìm vẫn có thể nhận ra những dấu hiệu chứng tỏ sức mạnh cứu chuộc của Thiên Chúa vẫn không ngừng hoạt động trên dân tộc Trung Hoa. Hình ảnh những người đang chiến đấu cho nhân quyền dưới thế lực chính trị độc đoán kia không phải là một ví dụ điển hình khơi gợi cho chúng ta nhận ra ơn cứu độ của Chúa đang thực hiện hay sao ?

Sứ điệp Thiên Chúa trong Trung Hoa từ cổ chí kim là một câu truyện giữa muôn vàn câu truyện thuật lại việc Thiên Chúa đã dùng Giáo hội và không dùng Giáo hội ra sao khi Người thực hiện công việc của mình. Mỗi quốc gia đều có những câu truyện kể về hành động Thiên Chúa thực hiện trên mình một cách riêng biệt để chia sẻ cho người khác. Mỗi câu truyện lại hoàn toàn khác nhau ở cốt truyện, cấu trúc và tính mãnh liệt dữ dội. Thế nhưng hoặc qua Giáo hội hoặc bên ngoài Giáo hội, mỗi câu truyện đều làm chứng rằng Thiên Chúa đang đau khổ với thế giới và Thiên Chúa luôn liên lỉ yêu thương vũ trụ này. Điều chúng ta rút ra ở đây là Giáo hội không có quyền hành trên vận mệnh thế giới. Vận mệnh thế giới này nằm trong bàn tay Thiên Chúa. Chúng ta cần đón nhận quan niệm này bằng niềm tin khi suy nghĩ về sứ vụ Kitô giáo.

Đặc tính 6

Phận vụ thần học Kitô giáo có liên hệ đến những nền văn hoá, lịch sử và những tôn giáo trái với những phạm trù thần học truyền thống sẽ không thể đưa ra câu trả lời “Kitô giáo” cho những vấn nạn “không Kitô giáo”. Và phận vụ của thần học Kitô giáo cũng không phải là hướng những vấn nạn “không Kitô giáo” vào trong những câu trả lời “Kitô giáo”. Ở đây, thần học phải là thần học không bị giới hạn vì Thiên Chúa là một Thiên Chúa không bị giới hạn.

Trong phương cách kiếm tìm thần học, chúng ta cần ghi nhớ rằng việc gán kết cái nào phù hợp với “Kitô giáo” và cái nào “phi Kitô giáo” là điều không dễ dàng. Không hẳn mọi thứ nằm bên trong những cánh cửa đều là Kitô giáo : cuộc đàm thoại Kitô giáo, cuộc gặp gỡ Kitô giáo, thờ phượng Kitô giáo và thậm chí cả cuộc cãi vã Kitô giáo nữa và cũng không phải mọi thứ nằm ngoài những cánh cửa kia đều được xem là “phi Kitô giáo”, nó là thứ lạc loài và phải “rửa tội” để trở thành “Kitô giáo”. Tuy nhiên, đây lại là cách chúng ta quen suy nghĩ.

Ở đây, chúng ta không tìm hiểu nhiều đến việc Đức Giêsu đã nghĩ gì về điều này. Dù Ngài không cho chúng ta những hướng dẫn chi tiết cụ thể, chúng ta vẫn có thể nhận ra vài lời ám chỉ khá rành mạch khi Ngài chống lại những quan niệm rập khuôn về sự vật cũng như con người. Điều này thể hiện rõ nét khi Ngài nói đến sự tương phản giữa cách dạy của luật Tora với lối giải thích của mình. Ngài nói với những thính giả đang bị chìm ngập trong những giáo huấn tôn giáo của luật Tora rằng : “Anh em đã nghe luật Mosê dạy rằng… Còn tôi, tôi nói với anh em rằng…” (Mt 5). Nói cách khác, điều được đánh giá là sự thật, là giá trị thậm chí ngay cả trong một truyền thống niềm tin thánh thiêng nhất đi chăng nữa vẫn không tự động có giá trị cho chúng ta, những người đang sống trong một tình huống, hoàn cảnh hoàn toàn khác. Luôn có một khoảng trống giữa quá khứ và hiện tại. Khoảng trống này không do sức mạnh truyền thống tạo nên nhưng do sự phê phán chỉ trích hình thành. Chính hành động phê phán chỉ trích làm cho hiện tại trở thành hiện tại đúng nghĩa. Trong suốt cuộc đời mình, Đức Giêsu không bao giờ rời khỏi điều này. Thiên Chúa, Đấng Đức Giêsu đã cảm nhận, kinh nghiệm và tin tưởng là Thiên Chúa gợi mở. Thiên Chúa của Ngài là Thiên Chúa mở toang đến độ Ngài cảm nhận mạnh mẽ Thiên Chúa hiện diện ở trong Ngài, trong hình thức nhân loại. Thiên Chúa gợi mở thì thật đến độ Đức Giêsu có thể cầu nguyện với Người vào phút giây cùng cực nhất trong cuộc đời của Ngài : “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha” (Mt 26,39).

Chúng ta thừa nhận rằng tôn giáo có khuynh hướng bảo vệ quan niệm đời sống và thế giới bị đóng kín. Khi Giáo hội quyết định mặt trời quay xung quanh trái đất và không ngược lại, thì đó phải là sự thật cả về phương diện niềm tin cũng như về thế giới vật lý. Galileo Galilei thầm thì với chính mình rằng trái đất này đang quay xung quanh mặt trời khi ông bị những người cầm quyền Giáo hội ép buộc từ chối khoa học “lạc giáo” của ông. Không ai có thể chống lại chân lý của Giáo hội mà không chịu thiệt hại. Chúng ta cũng có thể tìm thấy điểm tương tự nơi những tôn giáo khác. Có tôn giáo nào lại không từng đe doạ tín đồ của mình bằng những vũ khí chính thống kia chứ ?

Sẵn lòng tiếp thu cái mới có thể là việc hết sức rủi ro nguy hiểm – thậm chí ngay cả khi chẳng có lý do gì phải khiếp sợ một cuộc khủng bố sẽ xảy ra. Về cơ bản, sẵn lòng tiếp thu cái mới nghĩa là chấp nhận một sự thua lỗ đáng kể do sai lỗi về phía chúng ta và cũng phải đón nhận một vài mức độ chân lý nơi ngôn từ và niềm tin của người khác. Hẳn rằng đối với chúng ta, việc sửa chữa và thay đổi một vài quan niệm nền tảng là một thách đố quá lớn. Đây là khía cạnh cam go nhất để chúng ta tiếp thu cái mới. Tôi đã xem xét chế độ kinh tế thế giới bất chính. Hệ thống này khai thác hai phần ba dân số thế giới hầu mang lại lợi tức cho một phần ba dân số còn lại. Việc người giàu thỉnh thoảng làm công tác từ thiện bác ái không thể nào ngăn cản được những tiếng thét gào kêu la của những người cùng khổ. Điều này đòi hỏi sự thay đổi tận căn trong lối sống của người giàu và cơ cấu nền tảng của thế giới cũng như những ngành kinh tế thuộc cấp quốc gia. Đối với những người giàu có, thế giới này sẽ hết sức đau thương và họ thường xuyên không muốn nhìn thấy điều đó xảy ra ; nhưng họ cũng luôn luôn không muốn mở rộng lòng mình. Đó chính là lý do khiến người nghèo gia tăng.

Mở lòng đón nhận cái mới không có nghĩa là ước muốn làm tổn thương sự thật. Sự thật rất khó nắm giữ. Có những khi chúng ta ngỡ mình nắm giữ được sự thật thì sự thật lại tuột khỏi tay chúng ta. Hay đúng hơn là chúng ta chỉ chộp được những hình thù lờ mờ của sự thật khi chúng ta cho rằng điều chúng ta nghĩ và tin đã được kiểm nghiệm. Sự thật không giống như một cái gì hoa mĩ đẹp đẽ bị giam hãm trong những bản văn giáo điều cứng ngắc hoặc trong một tài liệu giáo huấn không thể sai lầm. Có lẽ đúng hơn, sự thật đồng hành trên từng bước chân của mỗi người. Bổn phận chúng ta không phải là bảo vệ sự thật. Đúng hơn, phận vụ của chúng ta là phục vụ sự thật dù bất cứ ở đâu, chỗ nào sự thật được tìm thấy.

Khổng Tử nói rằng một khi đã có được sự thật thì hãy hân hoan và tạ ơn Thiên Chúa. Nếu chúng ta nghe thấy tiếng kêu gào của một dân tộc đòi tự do và công lý, hoặc lời kêu gào đó đến từ những quốc gia dân chủ hay đến từ những xã hội bị đàn áp, chúng ta hãy cố gắng lắng nghe tiếng kêu gào của Thiên Chúa ở trong đó. Thậm chí khi những người theo niềm tin khác bắt bớ chúng ta cách bất ngờ do biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta hãy nói như Đức Kitô đã nói : “Tôi chưa từng thấy người Israel nào có niềm tin như thế” (Mt 8,10). Chúng ta phải chống lại cám dỗ hầu trở thành “Kitô hữu” đích thực ngay ở những gì chúng ta nhìn thấy và đụng chạm. Thật vậy, dù chúng ta đang ở trong tình trạng đối phó với sức mạnh cơn cám dỗ, sức mạnh cơn cám dỗ đó vẫn có khả năng làm cho chúng ta nhìn thấy nỗi thống khổ Thiên Chúa trong nỗi thống khổ con người và niềm vui Thiên Chúa trong niềm vui con người. Có lẽ đối với tôi, đây là điều cốt yếu nhất nơi Tin Mừng Đức Giêsu.

Đặc tính 7

Ơn cứu độ của Thiên Chúa không còn được giải thích bằng những hạn từ của một lịch sử di chuyển theo một đường thẳng duy nhất. Như vậy, giải thích ơn cứu độ của Thiên Chúa là một giải thích luôn thay đổi. Thiên Chúa di chuyển theo mọi phương hướng : Người di chuyển về phía trước, Người cũng di chuyển bên phải, bên trái và thậm chí Người còn lùi lại. Có lẽ Thiên Chúa cũng di chuyển theo hình chữ chi. Dường như Thiên Chúa thích tạo dựng những khung cảnh rõ ràng và giản đơn ở những nơi Người chọn. Thiên Chúa đến bất cứ nơi nào đang gọi mời sự hiện diện cứu chuộc, trong Á Châu, Phi Châu cũng như Israel và phương Tây.

Vẽ Thiên Chúa trong một phong thái tiến thẳng về phía trước có lẽ không thích hợp với lối vận hành của Thiên Chúa. Chúng ta thử suy nghĩ về câu chuyện người Samari tốt lành Đức Giêsu đã nói với nhà thông luật. Đối với nhà thông luật, Thiên Chúa phải hợp với một hệ thống tư tưởng. Thiên Chúa của thày tư tế và Lê-vi, những người đã làm ngơ trước cảnh thoi thóp của nạn nhân bị cướp bóc, là Thiên Chúa tiến thẳng về phía trước. Họ đang phải thi hành trọng trách tôn giáo hết sức quan trọng và đang phải bận tâm thi hành luật lệ tôn giáo hết sức khắt khe. Họ luôn phải thực thi mọi luật lệ trong truyền thống tôn giáo lâu đời của mình. Thiên Chúa phải đồng tình với họ, và như thế, quay trở lại với nạn nhân có nghĩa là lỗi phạm niềm tin vào Thiên Chúa. May thay, người Samari không phải bận tâm đến luật lệ như vậy. Không đắn đo gì hết, ông đã ra tay trợ giúp nạn nhân xấu số kia. Kể câu chuyện này, Đức Giêsu hẳn muốn nói rằng Thiên Chúa của Người là Thiên Chúa có khả năng đi rẽ sang một hướng khác. Thiên Chúa có khả năng ngừng lại bất kỳ một cuộc hành trình và có khả năng tạm hoãn lại bất kỳ một trách vụ hết sức quan trọng nào.

Trên hành trình cứu độ, Thiên Chúa chẳng có lịch trình cứng ngắc. Thiên Chúa không đưa ra sắc lệnh rằng, vì lịch trình cứu độ thế giới phải được hoàn tất vào năm 2500, nên làm gì có thời giờ dành cho những người chủ tâm theo niềm tin không phải là Kitô giáo và những người vô thần ngoan cố, những con người góp phần vào việc tàn phá hoà bình thế giới. Hẳn rằng kiểu mẫu của Thiên Chúa cũng không phải là tiến thẳng từ Israel sang Giáo hội Kitô giáo và sau đó mang Israel cũng như Giáo hội tiến đến đích điểm của sự viên mãn. Nói như thế, Thiên Chúa cũng chấp nhận “những người bên ngoài”, những người quan tâm liên đới trong hành trình này. Như vậy, phần nào chúng ta đã có chứng cớ để nói rằng đúng hơn chuyển động của Thiên Chúa là một chuyển động hết sức bất ngờ không thể đoán được. Dường như Thiên Chúa hứa hẹn kiếm tìm con người ở bất kể hang cùng ngõ hẻm nào, giống như ông vua, trong một dụ ngôn Đức Giêsu đã kể, tập hợp tất cả những ai ông tìm thấy trên đường phố vào dự tiệc đám cưới con trai mình (Mt 22,1-10).

Là những thành viên thuộc Thế Giới Thứ Ba, chúng ta bị thần học biểu đồ (schematic theology) làm cho chúng ta sai lạc rất nhiều vì thần học này không giải thích cho chúng ta biết Thiên Chúa đang hoạt động thế nào giữa những người thân cận, những người đang cùng chúng ta chia sẻ cùng một bối cảnh lịch sử, một nền văn hoá và một bản chất con người. Kiểu thần học này không dạy cho chúng ta cách kiến tạo cảm thức mang tính thần học nơi tiếng thét gào và nỗi thống khổ trong tâm hồn đầy phiền muộn của một người chòm xóm. Thần học này đã không có khả năng làm chúng ta cười hân hoan với những người có được bát cơm sau khi đã lê lết trong nỗi thất vọng. Và rồi hành động của Thiên Chúa nơi người chòm xóm láng giềng của chúng ta và lịch sử của chúng ta không chỉ là những giọt nước mắt và những nụ cười mà trong đó còn có cả mồ hôi và máu nữa.

Quả thật, rõ ràng có cả máu nữa ! Điều này gợi cho tôi nhớ tới những lời trăn trối của Nhất Chi Mai, một ni-cô đã tự thiêu thân mình dâng hiến cho nền hoà bình tại cuộc chiến tranh Việt Nam :

“Ôi Việt Nam, Việt Nam,
Xin lắng nghe lời trối trăn của một con người yêu mến Việt Nam.
 Tôi đang ở bên cạnh những vị tiền bối cách mạng của mình.
Tôi đang ở bên cạnh thế hệ trẻ, ở bên cạnh tất cả những ai đang đau thương : con côi, mẹ goá và những người ở chốn lưu đầy.
Tôi đang ở quê hương này.
 Tôi than khóc kêu gào vì máu đổ, vì cả sự đơn sơ vô tội và sự ác độc xấu xa…”

Những Kitô hữu chúng ta làm gì trước tiếng kêu gào này, lời kêu gào của một ni-cô tự hy sinh tính mạng cho nền hoà bình và công cuộc hoà giải cho tổ quốc của mình ? Chúng ta tự hỏi xem Thiên Chúa đã hành động thế nào trong trường hợp như thế ? Ai có thể nghĩ Thiên Chúa đã lắng nghe tiếng khóc than ai oán của Israel thuở xưa bên Ai Cập và đã làm một điều gì đó cho dân tộc đau thương này qua một nhân vật gọi là Môsê ? Ai có thể hình dung ra rằng ngay cả những quốc gia “ngoại đạo như Assyria và Babylon không bị ngăn chặn khỏi liên hệ với Đấng Giavê, Thiên Chúa của Israel ? Chân thành mà nói, ai là người dám chấp nhận hoà hợp với Thiên Chúa Đấng “đã không miễn thứ cả người Con duy nhất của mình” (Rm 8,32) và bỏ rơi Người trên cây thập tự ? Nhưng nếu đó là Thiên Chúa chúng ta cậy trông, lẽ nào chúng ta lại không nhận ra lòng trắc ẩn của Thiên Chúa đang thể hiện ngay trong những lời trăn trối của ni-cô Nhất Chi Mai ?

Chúng ta phải làm thế nào để Thần học không bị giới hạn vào những dữ liệu có sẵn và làm sao để thần học không phải rập khuôn theo những giải thích chuẩn mực theo những dữ liệu đó. Trong Thế Giới Thứ Ba, chúng ta có hằng hà sa số những dữ liệu mới mẻ để kiểm nghiệm những ý tưởng thần học của chúng ta, thách thức những huấn lệnh thần học của chúng ta và đảo lộn luật lệ của khoa học mang tính thần học. Thậm chí, được hoán chuyển theo những hoàn cảnh của chúng ta, Kinh Thánh toát ra những nhận thức mới mẻ, nhưng mãi đến nay những nhận thức mới mẻ kia vẫn còn bị vùi kín trong những lược đồ thần học truyền thống khiến chúng ta khó có thể nhận diện. Hiện tại, thế giới này đang dang tay chào đón những thần học gia Thế Giới Thứ Ba, những người đang nỗ lực mở rộng nhãn giới thần học nơi những gì còn xa lạ đang xảy ra ngay xung quanh họ. Nếu không làm như thế chúng ta sẽ nghĩ sao về một Thiên Chúa luôn hiện hữu, một Thiên Chúa rộng mở, sáng tạo và liên tục làm mới mảnh đất này ?

Công cuộc cứu độ của Thiên Chúa giống như trò chơi ráp hình. Chúng ta, những Kitô hữu và những thần học gia không thể có “bức tranh tinh ròng” trong tâm trí chúng ta. Thậm chí ngay cả Đức Giêsu cũng không biết, vì Người cảnh báo các môn đệ của mình rằng : “Về ngày giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24,36). Chỉ Thiên Chúa Cha mới có “bức tranh tinh ròng” đó. Trọng trách của thần học là chỉ ra và nhặt nhạnh những mẩu hình có vẻ thuộc về bức tranh. Trọng trách của thần học gia là tìm cách liên đới với Thiên Chúa để ráp những mẩu hình kia cách tốt nhất. Trò chơi ráp hình của ơn cứu độ Thiên Chúa là một trò chơi đầy hứng thú. Đó có thể là một trò chơi làm chúng ta giật mình thót tim. Thế nhưng đây lại là một trò chơi phần thưởng vì còn gì vui tươi và ngạc nhiên hơn là đạt được một vài nét thoáng hiện của Thiên Chúa tại Việt Nam, Trung Hoa, Hồng Kông cũng như bất cứ nơi nào !

Đặc tính 8

Thần học phục vụ cho tương lai phải bắt nguồn từ hiện tại. Tương lai ở đây là một tương lai đúng nghĩa, một tương lai không thể chịu nổi trước những điều kiện hiện tại của con người, đặc biệt đối với những người đang sống trong cảnh khó nghèo, bị đàn áp và bị xem thường. Thiên Chúa là một Thiên Chúa của tương lai vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của hiện tại. Đó là lý do tại sao chúng ta ca tụng sự hiện diện thực sự của Đức Giêsu nơi Thánh Thể. Trong Đức Kitô, tương lai của Thiên Chúa trở thành hiện tại của con người.

Đối với chúng ta, “tương lai” và “hiện tại” nghĩa là gì ? Nó có quá trừu tượng ? Có phải nó chỉ là khái niệm gây trở ngại cho chúng ta ? Xin trả lời cách dứt khoát : không ! Ý nghĩa của tương lai và hiện tại chỉ trở thành trừu tượng khi nó trở thành một thực tại lịch sử bị biến dạng, khi bị thay đổi và điều khiển trở thành những thực tại trên trời chứ không phải những thực tại dưới đất.

Đối với nhiều Kitô hữu, vấn đề nằm ở chỗ tương lai định vị là một tương lai “thuần tuý”. Họ cầu xin Thiên Chúa bảo đảm cho họ một vị thế trong nước trời. Họ mong đợi Đức Giêsu gặp họ và gọi họ khi Người trên mây trời ngự đến vào lúc chung cuộc. Họ động viên và lôi kéo người khác hãy can đảm vì có một tương lai chói ngời đang đợi chờ họ. Tắt một lời, họ quan niệm niềm tin Kitô như là một vé sẽ có khả năng giúp họ vượt qua hiện tại tiến đến tương lai.

Những Kitô hữu khác lại khẳng định tin là tin vào một tương lai được đề cập trong đoạn thư Dothái thời danh : “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Đoạn thư Roma 8,24 cũng đã chẳng nói cho chúng ta rằng “nếu thấy điều mình trông mong thì không còn là trông mong nữa : vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi” đó sao ? Tuy nhiên, đối với thánh Phaolô, hy vọng cái không nhìn thấy được không có nghĩa là tách khỏi những thực tại chúng ta vẫn nhìn thấy. Đối với thánh nhân, hy vọng tương lai liên hệ khắng khít với nỗi thống khổ thực tại. Theo tác giả khác, tác giả của bức thư gởi cho tín hữu Dothái thì tương lai là một lời gọi mời niềm tin không dừng lại ở hiện tại, nhưng là tạo thành một hành trình tiến vào một thực tại thực sự trong tương lai. Hai ý tưởng thánh Phaolô cũng như tác giả thư Dothái nói đều hàm ý nhắn nhủ chúng ta phải nỗ lực kiến tạo tương lai ngay trong thực tại đời thường.

Nhìn từ viễn cảnh này, Thánh Kinh khơi gợi cho chúng ta một sứ điệp mới mẻ. Đất mới và trời mới được định hình trong chương 21 sách Khải Huyền sẽ không phải là một sự hủy bỏ đất cũ và trời cũ ! Trời mới và đất mới được tái tạo từ trời cũ đất cũ. Theo quan niệm Kitô giáo đúng nghĩa thì lịch sử là công việc Thiên Chúa đã hứa hẹn hầu tái tạo thế giới này. Mọi nỗi thống khổ chúng ta nhìn thấy và cảm nghiệm cũng như mọi niềm hy vọng cúng ta đang ấp ủ và giữ gìn phải là những mảnh rời có vị thế quan trọng trong bức tranh lịch sử mới mẻ của Thiên Chúa.

Đó chính là lý do tại sao chúng ta cử hành sự hiện diện của Đức Kitô trong Thánh Thể. Trong Thánh Thể, Đức Kitô hiện diện dưới hai hình thức : người tôi trung đau khổ và Đấng cứu độ vinh quang. Chính tại đây, nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta tưởng niệm mầu nhiệm thập giá. Làm sao chúng ta dám và làm sao chúng ta quên được sự đau đớn và tủi hổ của cây thập giá ? Thậm chí ngay cả sự phục sinh cũng không thể làm chúng ta quên được thực tại đau đớn đó. Phục sinh là niềm vinh thắng tủi nhục, đau khổ và cái chết mà thập giá đã giáng xuống trên Đức Giêsu. Thập giá xác định sự phục sinh là gì. Và sự phục sinh lại biến thập giá thành công cụ chữa lành và phương tiện cứu chuộc. Trong Thánh Thể, sự sống tiêu diệt cái chết và tương lai cư trú trong hiện tại.

Chúng ta không chỉ giới hạn Thánh Thể vào việc cử hành Bữa Tiệc Vượt Qua của thiên Chúa trong nghi thức phụng tự. Cuộc sống cũng là Thánh Thể. Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều phải chạm trán với nỗi tủi nhục, khổ đau và cái chết trên thập tự, nhưng chính lúc đó chúng ta cũng cảm nghiệm vinh quang, niềm vui hân hoan và sự phục sinh. Chúng ta mang cả thập giá và sự phục sinh trong thân xác và tâm hồn của mình. Một khi đã cảm nhận được sự phục sinh, tương lai sẽ đi vào thực tại của chúng ta và rót đầy vào thực tại đó một sức mạnh chống lại thủ lãnh sự chết. Chúng ta không thể hiện diện trong một thực tại thiếu vắng tương lai. Một thực tại thiếu vắng tương lai là một thực tại tràn ngập tủi hờn và khổ ải. Đây chính là bút pháp tôn giáo của Gautama, đức Phật. Đức Phật đã loại trừ khổ lụy tận gốc tại vòng quay không ngừng của luôn hồi. Một khi vòng quay bị phá vỡ thì cõi niết bàn trở thành một thực tại hiện thời. Bồ tát là người sống trong hiện tại bất diệt : tương lai đã bẻ quặt vào thực tại và vĩnh cửu vượt thắng sự chết.

Chúng ta phải tìm cách chuyển những tư tưởng trên vào đời sống thường ngày của mình. Vào thời hoàng kim của công cuộc truyền giáo Trung Hoa, người ta dùng hạn từ “Kitô hữu gạo” nhằm hạ nhục những Kitô hữu nhỏ bé, những con người cần gạo nuôi sống thể xác hơn là nuôi dưỡng linh hồn. Đối với việc trở thành những Kitô hữu, động cơ thúc đẩy của họ bị đặt vấn đề hết sức gắt gao. Thế nhưng ngoài động cơ sai trái đáng ngờ nơi một vài Kitô hữu như thế, hạn từ “Kitô hữu gạo” chứa đựng một ý nghĩa hết sức quan trọng. Tại Á Châu, đối với những người sống nhờ gạo thì tương lai không có gạo là một tương lai vô nghĩa. Thiếu gạo có nghĩa là thiếu sự sống, và mất hoàn toàn gạo dẫn đến việc mất toàn bộ sự sống, là cái chết. Ngược lại, đầy đủ gạo nghĩa là có đầy đủ sức sống và dư giả gạo cũng dẫn đến một đời sống đầy dư. Đối với họ, chiến đấu cho sự sống tức chiến đấu để có cơm gạo. Gạo định đoạt hiện tại và tương lai của họ.

Gạo là nội dung cụ thể diễn tả tương lai, thế giới đang đến và vương quốc Thiên Chúa. Với những người sống nhờ gạo, có thể có một tương lai không có gạo hay chăng ? Có thể có một thế giới đang đến mà tại nơi đó họ lại phải một lần nữa chiến đấu để có cơm gạo chăng ? Có thể có một vương quốc của Thiên Chúa bị phiền muộn vì thiếu cơm gạo hay không ? Hiểu gạo theo cách này thì những Kitô hữu Trung Hoa sẽ được tôn trọng trong hạn từ “Kitô hữu gạo”. Họ sẽ công bố tính chất “Kitô giáo gạo” này cho những người đồng bào đang sống trong cảnh thiếu gạo. Những nhà giảng thuyết sẽ loan giảng “những bài giảng gạo” cho những thính giả đang đói lả. Có lẽ những nhà giảng thuyết Kitô giáo và những nhà truyền giáo hẳn sẽ cảm thấy bớt tội lỗi sau khi sự tiếp quản của cộng sản Trung Hoa vào năm 1949 nếu họ loan giảng một “Tin Mừng gạo”. Đối với hàng triệu người Trung Hoa đang ngấp ngoái thì một tương lai không có gạo là một tương lai vô nghĩa và hết sức hão huyền. Những giáo hội tại Á Châu không được phép lặp lại sai lầm đó. Tại Á châu, nơi mà phần lớn dân số thế giới đang sống trong cảnh đói nghèo vào thời buổi hôm nay, thần học phải giới thiệu một Thiên Chúa hiện tại, một Thiên Chúa luôn mang bên mình chiếc bị đầy gạo. Khi diễn giải viễn ảnh vương quốc Thiên Chúa, những thần học gia phải canh phòng những cuộc đấu tranh chính trị, xã hội của các dân tộc như là canh phòng những nhu cầu tâm linh của mình vậy.

Đặc tính 9

Thần học đại kết biểu hiện tính phong phú cao cả. Thần học này chỉ đạt được nét phong phú một khi kín múc những nguồn mạch đa dạng từ những hoàn cảnh chính trị, xã hội, văn hoá đặc trưng, nơi mà đức tin đâm rễ và triển nở. Thần học đại kết không phải là một tổng hợp hay một bộ sưu tập những thần học đặc trưng. Thần học đại kết là thần học cưu mang trong mình những thần học đặc trưng khác.

Một trong những điều Kitô hữu hôm nay quan tâm nhất là sự hiệp thông giữa các giáo hội, sự hiệp thông giữa Kitô hữu và thần học gia. Ai cũng phải công nhận khoa học và kỹ thuật đã biến thế giới thành một ngôi làng toàn cầu. Những quốc gia và những dân tộc trở nên gần gũi với nhau cả về tâm lý lẫn thể lý. Chỉ cần một cái ti-vi hoặc một thiết bị rađiô nhỏ chúng ta có thể biết được những gì đang xảy xảy ra cách chúng ta vạn dặm. Chúng ta bị bão hoà trước vô vàn thông tin đến từ mọi miền thế giới. Chúng ta đã chứng kiến một sự đâm thủng khủng khiếp vào trong sự hiệp thông của nhân loại.

Đáng tiếc thay, cũng không thể chối cãi rằng sự no đầy thông tin không tất yếu giúp cho những cá thể và những quốc gia hiểu biết nhau nhiều hơn. Thông tin chúng ta nhận được thường rất khó hiểu và sự khó hiểu làm cho niềm tin vào những người khác bị lay động và khiến niềm tin của chúng ta nơi các quốc gia khác cũng bị xói mòn. Người ta nhận thấy mình đã đính ước vào trò chơi phỏng đoán và hành động khôn ngoan cao cả hệ tại ở chỗ làm thế nào vượt trội hơn địch thủ của mình. Thế giới này đã đi đến chỗ hoà giải với thuyết đa nguyên, một thuyết được xem là nền tảng cụ thể để người ta dựa vào thuyết này kiến tạo những cách thức tốt hơn nhằm hiểu biết qua lại và hiệp thông với nhau.

Có lẽ những gì đang diễn ra trong thế giới này thì cũng xuất hiện trong Kitô giáo. Kitô giáo trở thành một thực tại đa dạng hoá. Đây là thời kỳ đa nguyên trong Giáo hội cũng như nền thần học của Giáo hội. Người ta đã thực hiện một cách thức thật ý nghĩa để làm sao những giáo hội và những giáo phái cùng nhau kiếm tìm sự hiệp nhất. Đây là trách nhiệm chính của phong trào đại kết. Ở đây, tôi cũng muốn nói đến việc nỗ lực phát triển một loại thần học viết cho những người nói tiếng Trung Hoa chẳng hạn. Như tôi đã đề cập ở trên, chúng ta chậm như rùa trong việc trình bày một trọng trách thần học như thế. Gần đây, tôi đã nói đến thần học giải phóng, thần học phụ nữ và thần học da đen. Chúng ta không thể hiểu được từng loại thần học kể trên nếu tách chúng ra khỏi hoàn cảnh lịch sử và văn hoá của chúng. Hơn nữa, một khi chúng ta không mắc míu gì đến cuộc đấu tranh chính trị xã hội, cuộc đấu tranh làm nảy sinh ra một nền thần học đặc thù, thì chúng ta chỉ hiểu một cách mù mờ hời hợt.

Người ta không coi nét đặc thù là nguyên nhân làm nên sự rạn nứt trong tính giao thoa thần học. Trên thực tế, chính bản chất của tính giao thoa này lại thúc đẩy tìm kiến sự thật trong mớ bòng bong hỗn độn. Gia đình là nhân tố đặc thù của một xã hội. Trật tự xã hội có được duy trì hay không phụ thuộc vào việc người ta tôn trọng sự liêm chính của gia đình công dân như thế nào. Cũng giống như thế, tính giao thoa thần học chỉ giữ đựơc vị thế của mình một khi người ta tôn trọng sự liêm chính của mỗi ngôi nhà thần học khác nhau.

Xin lấy thần học phụ nữ làm ví dụ minh hoạ. Suốt hai ngàn năm qua, Kitô hữu, cả nam lẫn nữ chẳng mảy may bận tâm đến việc thờ phượng Thiên Chúa là Cha chứ không phải là Mẹ. Quan điểm này luôn được duy trì vì từ xưa đến giờ quyền hành giáo hội là một đặc quyền dành riêng cho nam giới. Thế nhưng những năm gần đây, phong trào nữ giới đã giúp chúng ta nhận thấy trên thực tế thần học và Giáo hội lấy nam giới làm trọng tâm phần nào do quan niệm xã hội và lịch sử đặt trọng tâm vào nam giới sản sinh ra. Nhiều thế lực khác nhau đã toa rập lại hạ phụ nữ xuống hạng thứ yếu. Chính thần học truyền thống cũng góp phần tạo nên khuynh hướng này và tạo sự bất công với nữ giới. Thần học nữ giới tiến triển đã giúp Kitô hữu cũng như thần học gia ngộ ra cần phải có một thay đổi tận căn trong quan niệm thần học. Họ bắt đầu ghĩ rằng chẳng có nền tảng thâm sâu nào xác định Thiên Chúa trong hạn từ người cha. Chúng ta đã đánh mất một ưu điểm quan trọng khi chúng ta quan niệm Thiên Chúa không phải là người mẹ. Đến nay, chúng ta nhận thấy nữ thần học gia có thể mang đến cho chúng ta những quan niệm mới trong sứ điệp Tin Mừng. Đây là khởi điểm giúp ta khẳng định thần học đại kết có tính khả thi.

Liên hệ tới điều này, tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta phải hết sức cẩn thận khi áp dụng những tiêu chuẩn thần học đặc thù vào thần học của chúng ta. Sai lỗi chung thường mắc phải là do chúng ta lấy những xác quyết, những kết luận của những thần học gia tây Phương uyên thâm đưa ra và áp dụng kết luận đó một cách thiếu hiểu biết vào dữ liệu thần học chúng ta đang thực hiện trong những hoàn cảnh đặc biệt của mình. Làm như thế không những chúng ta bóp mép những dữ liệu đang được bàn đến mà còn rút ra những kết luận sai. Tôi không có ý nói rằng chúng ta khoanh tay ngồi nhìn những hệ thống thần học khác bị đào thải. Chúng ta phải nỗ lự tìm hiểu những dữ liệu chúng ta đang dựa vào để tìm ra cách thức thần học của chính chúng ta. Cái chúng ta đang cần tìm nhất là cảm quan thần học của riêng mình. Với những cảm quan thần học của riêng mình, chúng ta có thể khởi đầu để tương tác với những hệ thống thần học khác. Thần học đại kết sẽ là sản phẩm của những sự tương tác qua lại như thế. Hãy tin rằng một khi chúng ta nắm bắt những tình huống chính trị, xã hội, lịch sử của chúng ta một cách thật nghiêm túc là chúng ta đang kiến tạo tính khả thi cho thần học đại kết. Những gì chúng ta làm để dựng xây trong hoàn cảnh của mình không là một chướng ngại nhưng là góp phần xây dựng những liên quan thần học rộng lớn hơn.

Đặc tính 10

Đối với chúng ta, những con người đang sống trong những hoàn cảnh tôn giáo và văn hoá Á Châu, thần học đại kết phải mang một ý nghĩa rộng lớn hơn. Đây là một oikoumene Á Châu, một thế giới rộng lớn mênh mông gồm vô vàn vô số con người Á Châu cư ngụ với lịch sử, văn hoá và tôn giáo của họ. Đây phải là chủ đề thần học của chúng ta. Những cộng đoàn Kitô hữu phải thể hiện tính thần học đại kết theo ý nghĩa rộng lớn này.

Chúng ta phải đi xa hơn chút nữa để tìm kiếm ý nghĩa thần học đại kết. Trong những nhóm thần học Kitô giáo, thần học đại kết thường được hiểu là một thần học quan tâm đến những tầm quan trọng, những cuộc tranh luận và những xác nhận của những truyền thống bất đồng và những trường thần học. Thần học đại kết là một thần học lắng nghe tiếng nói của những cộng đoàn Kitô hữu trong những miền khác nhau trên thế giới rộng lớn này. Chúng ta không dám chắc người ta đã đánh giá đúng mức tầm quan trọng và những nỗ lực của thần học đại kết, thần học hướng về phía Đông tìm hiểu những hỗ tương qua lại trong những giáo hội. Chúng ta, những người sống trong Thế Giới Thứ Ba có thể hãnh diện vì phần nào những giáo hội của chúng ta đóng vai trò quan trọng mang quan điểm đại kết vào trong quan niệm của những giáo hội, những cộng đoàn Kitô giáo cũng như toàn thể thế giới, đặc biệt là ở phương Tây. Chúng ta cần phải nhớ rằng Hội Nghị Truyền Giáo Thế Giới (International Missionary Conference) tại Edinburgh năm 1910 đã đánh dấu một khởi điểm cho cuộc tranh luận đại kết giữa các Kitô hữu với nhau trên mặt trận truyền giáo. Cuộc tranh luận này đã gây xì-căng-đan, dẫn đến tình trạng chia năm xẻ bảy giữa các giáo hội tuyên bố chỉ có một Đức Giêsu trong những xứ sở quen gọi là ngoại đạo, những xứ sở đã thúc giục những giáo hội ở phương Tây tìm kiếm sự tiếp cận và chiến lược. Là những người sống trong Thế Giới Thứ Ba, chúng ta phải tiếp tục chiến đấu với những xu hướng không đại kết và những xu hướng chống lại đại kết, những khuynh hướng gây đau buồn nơi trái tim Thiên Chúa cũng như nơi những trái tim của những Kitô hữu biết nghĩ suy.

Những cố gắng Kitô đại kết đã ảnh hưởng sâu xa đến đời sống, sứ vụ và thần học những giáo hội Kitô giáo : Tin Lành, Công Giáo cũng như Chính Thống. Dù tương lai của phong trào đại kết, tương lai kiếm tìm xa hơn nữa nguyên nhân của Tin Mừng Kitô giáo trong những chiều kích đa dạng của niềm tin, sứ vụ và phục vụ có ra sao mặc lòng, chúng ta luôn ghi nhớ kỷ nguyên Kitô giáo chúng ta là một kỷ nguyên đại kết, chúng ta khắc ghi những nỗ lực táo bạo khơi gợi quan niệm đại kết cho những giáo hội và những cộng đoàn Kitô giáo.

Nhãn giới đại kết phải tiến xa hơn nữa. Kitô hữu chúng ta ngày càng nhận thức rõ ràng những tác động đang diễn ra trên thế giới để tạo nên dòng lịch sử và gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống nhân loại. Chúng ta không thể đóng góp được nhiều cho lịch sử thế giới nhưng chúng ta nhận thấy tầm nhìn đại kết của chúng ta đang được mở rộng. Tại Phương Tây, nhãn giới đại kết như vậy đã có một khởi đầu đau thương nơi Dietrich Bonhoeffer, người đã nhìn thấy một giáo hội cơ cấu hóa bất lực trước sức mạnh mãnh liệt của chủ nghĩa Hít-le. Trong xà lim tù đầy, Bonhoeffer đã trình bày một Kitô giáo phi tôn giáo (non-religious Christiannity). Ông đi trước thời đại của mình rất xa. Sức mạnh thế tục hoá, sức mạnh đã nhận chìm Phương Tây trong suốt những thập kỷ vừa qua đã chứng minh ông đúng. Thần học Kitô giáo phải lường trước những đổi thay sâu sa mà thế tục hoá đã gieo vào trong cách hiểu cuộc sống và lịch sử của chúng ta.

Thần học giải phóng tại Mỹ Châu Latinh cũng là một ví dụ cho thần học đại kết, một thần học không tự giam hãm chính mình trong những tương quan liên giáo hội (inter-ecclesial concerns). Một vài thần học gia Mỹ Châu Latinh đã dũng cảm tiến bước và đã mang thần học vào oikoumene Mỹ Châu Latinh. Họ đã làm cho thực tại lịch sử Mỹ Châu Latinh thành nền tảng để suy tư và hành động trong thần học mình. Đó là lý do tại sao phương pháp phân tích xã hội chính trị của Mỹ Châu Latinh đã thực sự trở thành nền tảng phương pháp và nội dung thần học. Không biết có gì sai trái không khi họ sử dụng chủ nghĩa Mác-xít làm dụng cụ phân tích. Họ không phải là những người đầu tiên dùng những hệ thống triết học và những ý thức hệ khác hỗ trợ cho thần học. Chúng ta đều biết rằng Plato và Aristotle, hai triết gia Hylạp đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thần học Phương Tây.

Thay vì khiển trách, những thần học gia Mỹ Châu Latinh đã tìm hiểu công cụ phân tích xã hội của chủ nghĩa Mác-xít, một ý thức hệ chính trị gây nhiều lo ngại cho những quốc gia tư bản, để làm thần học. Chúng ta sẽ thắc mắc tại sao lại là những mẫu thức (models) chứ không phải là sự đấu tranh giai cấp đã làm sai lệch lối giải thích và thay đổi những tội ác chính trị và xã hội trong Châu Mỹ Latinh. Điều đơn giản là do thần học được trình bày dưới bóng cánh cơ cấu kinh tế của tư bản chủ nghĩa, thần học này tạo nên giáo hội và những Kitô hữu không có khả năng nhận ra rõ nét bản chất thực sự của những vấn đề chính trị xã hội trong xã hội Mỹ Châu Latinh tại tai ương kia. Dĩ nhiên, thần học truyền thống vẫn trình bày mối liên hệ khắng khít với người nghèo. Nhưng những người nghèo kia chỉ được xem như là những đối tượng của việc bác ái từ thiện chứ không phải là một sức mạnh đang kêu gào phải thay đổi nền chính trị xã hội.

Trên nền tảng phân tích xã hội chính trị không mang thái độ gay gắt, các thần học gia giải phóng đã thành công khi nhận ra người nghèo là tầng lớp xã hội bị một tầng lớp xã hội nhỏ hơn có sức mạnh chính trị, xã hội đàn áp. Trong bối cảnh Mỹ Châu Latinh, giải phóng nghĩa là giải phóng những người nghèo khổ bị áp bức thoát khỏi ách của những kẻ áp bức kinh tế chính trị đang đè nặng trên họ.

Thần học Mỹ Châu Latinh là thần học giải phóng người bị áp bức. Chúng ta biết rằng khoảng 75% sản lượng kinh tế thế giới nằm trong tay khoảng 18% dân số thế giới. Điều này có nghĩa là hai phần ba dân số đang chịu cảnh đói nghèo do hệ thống kinh tế thế giới bóc lột gây nên. Hơn nữa, hai phần ba dân số đói nghèo này phần lớn nằm trong những quốc gia thuộc Thế Giới Thứ Ba.

Nói như thế không có nghĩa thần học giải phóng là con đường thần học cho Á Châu. Tuy nhiên, cách thức, sự đột phá và luận điệu của thần học giải phóng đã dạy chúng ta nhiều điều, chẳng hạn như một cách thần học, chúng ta tiếp cận với những nguồn mạch xã hội, văn hoá giàu có đã chất chứa trong lịch sử của Trung Hoa và các quốc gia Á Châu mà phần lớn các thần học gia Á Châu chưa đề cập tới. Điều quan trọng chúng ta cần thực hiện ở đây không phải chỉ dừng lại ở những bài giảng, những cuộc tranh luận, những học thuyết Trung Hoa và thần học Kitô giáo. Mối quan tâm thần học của chúng ta sinh nở khi chúng ta nhận thức được sức mạnh của sự khác biệt, những sức mạnh tạo nên nét đặc trưng văn hoá, những thực hành tôn giáo và những hoạt động chính trị.

Để nhận biệt những sức mạnh đó, chúng ta cần tham khảo cách thức phân tích xã hội chính trị mà các thần học gia Mỹ Châu Latinh đã ứng dụng vào những hoàn cảnh của họ. Công cụ chúng ta dùng để phân tích có lẽ phải khác. Công cụ đó khác như thế nào hệ tại ở sự tìm tòi của mỗi chúng ta. Tôi xin mạo muội đưa ra một đề nghị, rất có thể chúng ta sẽ chạm trán với sức mạnh của những người bị lãng quên, những người đưa lịch sử Trung Hoa tiến tới như ngày hôm nay. Nhìn nhận tôn giáo và văn hoá mà lại bỏ quên những nhân vật này là điều không thể chấp nhận. Văn hoá và tôn giáo đó sẽ không trình bày cho chúng ta một lịch sử tròn đầy. Thần học phải tìm kiếm câu truyện này trong văn hoá và tôn giáo. Lịch sử Israel không phải là một lịch sử tìm mọi cách để biểu hiện sức mạnh của mình trên thế lực mạnh mẽ của những tổ chức tôn giáo chính trị, những tổ chức cố gắng thu hẹp Israel thành con số không đó sao ?
 
Với mười đặc tính vừa trình bày, chúng ta vẫn chưa thể nhìn thấy rõ nét khuôn mặt thật đang phản chiếu trong bức gương thần học của chúng ta. Những đặc tính này chỉ là sự gợi ý để chúng ta bắt đầu. Ít nhất, bây giờ chúng ta đều nhận thấy rằng người vợ năng động, bà mẹ chồng thất vọng và vị quan toà giận dữ đã sai lầm một cách trầm trọng. Những thần học gia Á Châu và những thần học gia nói tiếng Trung Hoa không muốn ở trong đôi giày của họ. Hẳn rằng câu truyện ngụ ngôn “Chiếc gương” đã gợi cho chúng ta nhiều yếu tố mang tính thần học. Không đúng như thế sao ?