Vấn Đề Thượng Đế Dưới Nhãn Quan Triết Học (2)

0
5338


Dominican

 

I. VẤN ĐỀ THƯỢNG ĐẾ THEO DÒNG LỊCH SỬ

II. BẢN TÍNH VÀ ĐẶC TÍNH CỦA THƯỢNG ĐẾ

A. Vấn Đề Thượng Đế Hiện Hữu

Thượng Đế như chúng ta đã thấy, là một vấn đề quan trọng của suy tư triết học. Ở trên chúng ta đã lần lượt nhìn qua những giai đoạn triết học đã quan niệm Thượng Đế như thế nào. Mỗi thời kỳ có một cái nhìn riêng, một quan niệm riêng về Thượng Đế. Điều chúng ta làm lúc này là nêu lên lập trường của mình về Thượng Đế không phải bằng bản văn Thánh Kinh dựa trên những chân lý mạc khải, nhưng chúng ta sẽ trình bày lập trường của chúng ta bằng suy lý triết học. Chúng ta sẽ bàn đến sự hiện hữu của Thượng Đế, sau khi nói Thượng Đế hiện hữu chúng ta sẽ đề cập tới bản tính của Ngài. Chúng ta không sợ hạn từ “triết học”, nội dung của từ này thật ra rất đơn giản, bởi vì mọi người chúng ta tất cả đều là triết học. Chúng ta làm triết học ngay khi bắt đầu suy nghĩ và đặt vấn đề về ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa về những kinh nghiệm cụ thể đời sống hằng ngày của mình hay của người khác, của vũ trụ đang bao bọc chung quanh ta, trong đó ta đang sống. Đừng tưởng nói về Thượng Đế theo nhãn quan triết học là một việc không quan trọng, nhưng trái lại nó là một việc vừa khẩn cấp vừa mang tính thời sự, ít nhất vì hai lý do quan trọng sau đây. Thứ nhất vì với tư cách là một con người đi từ kinh nghiệm bản thân, họ không thể không tự suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời và giá trị của câu giải đáp do đức tin mang lại. Thứ đến vì công việc này đáp ứng nỗi trông chờ mãnh liệt của nhiều người ngày nay dù sống trong bầu khí dửng dưng đối với tôn giáo và vô thần, vẫn đặt ra nhiều vấn đề và đang chờ các tín hữu cung cấp thêm một số suy tư. Trong bối cảnh đó chúng ta, những Kitô hữu không thể không lên tiếng. Trước hết chúng ta nói về sự hiện hữu của Thượng Đế. Đây là vấn đề nền tảng để chúng ta đi sâu hơn trong việc tìm hiểu về Ngài. Làm sao có thể nói về bản tính của Thượng Đế nếu như chúng ta không thấy sự hiện hữu của Ngài.

Đối với trí tuệ con người, Thượng Đế không phải là ch6an lý hiển nhiên, nhưng là vấn đề nhức nhối đòi được giải đáp… trong kiên nhẫn và cần cù. Phải kiên nhẫn và cần cù vì đây là một việc quan trọng và khó khăn. Quan trọng vì quyết định ấy kéo theo cả cuộc đời chúng ta. Khó khăn vì trong lúc tự hỏi về ý nghĩa cuộc đời mình con người cũng đồng thời phải chọn lựa một điều cơ bản định hướng cho cả cuộc đời mình: có Thượng Đế hay không.

Khẳng định và phủ nhận Thiên Chúa đều được, và bên nào cũng đưa ra những lập luận nặng ký. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ, không có luận chứng nào có tính cách quyết định cả, không có bên nào bị buộc phải chấp nhận một cách tuyệt đối. Nhưng chính vì khẳng định Thượng Đế và phủ nhận Thượng Đế đều được, nên sự chọn lựa của ta không thể nào là trùng lập, vô tư, hoàn toàn vì tình cờ hay do tuỳ tiện. Và càng không thể như thế được khi ta biết rằng cuộc đời mình có ý nghĩa gì là tuỳ thuộc vào sự chọn lựa này. Thượng Đế phải là nền tảng cho mọi hữu thể cũng như mọi hành động. Một trật Ngài phải là cùng điểm cho mọi suy luận của triết nhân. Tuy nhiên trước khi tới được những câu kết luận đó, lý trí phải trải qua một con đường tìm tòi nhiêu khê, khúc mắc đã khiến nhiều người hoặc thất vọng hoặc trở sang con đường khác không đủ chắc chắn hay không dẫn tới đâu cả.

* Có thể chứng minh Thượng Đế hiện hữu được không?

Ta trả lời rằng có. Trước hết dựa vào thực tế của lịch sử triết học, ta có thể quả quyết rằng người ta có thể chứng minh Thượng Đế hiện hữu. Giả sử các chứng minh đó hoàn toàn vô giá trị thì không thể hiểu nổi tại sao từ cổ chí kim rất nhiều triết gia lỗi lạc vẫn không ngừng tìm ca1ch chứng minh sự hiện hữu của Thien Chúa, và lịch sử triết học vẫn ghi lại các lời chứng minh đó.

Xét về nguyên tắc ta cũng có thể quả quyết rằng: Đã biết là có Thiên Chúa thì cũng có thể chứng minh là có Thiên Chúa, nghĩa là trình bày cho thấy cái cơ sở hợp lý của nhận thức đó. Nếu ta dùng lý trí để đi từ tạo vật là công trình của Thiên Chúa mà nhận biết có Ngài là nguyên nhân, thì ta cũng có thể dựa vào nguyên lý nhân quả để chứng minh Thiên Chúa hiện hữu.

Thánh Toma trong tổng luận thần học đã nêu ra thắc mắc sau đây: Nếu có một chứng minh về Thiên Chúa hiện hữu, thì chứng minh đó phải đi từ hậu quả lên đến nguyên nhân. Mà giữa Thiên Chúa là Đấng vô cùng và tạo vật là hậu quả hữu hạn của công trình sáng tạo, có một khoảng cách vô biên. Vậy làm sao có thể đi từ hữu hạn tới vô hạn được? Như thế không thể chứng minh có Thiên Chúa được.

Thánh Toma giải đáp thắc mắc như sau: Đành rằng không có gì chung giữa Thiên Chúa và tạo vật, nhưng điều đó chỉ đưa tới kết luận rằng: Ta không thể biết được đầy đủ bản tính đích thực của Thiên Chúa khi dựa vào tạo vật Ngài đã dựng nên. Song điều đó không cấm ta kết luận là: Ta có thể dựa vào bất cứ hậu quả nào của Thiên Chúa mà chứng minh rằng có Thiên Chúa là Nguyên nhân, vì giữa hậu quả và nguyên nhân bao giờ cũng có một quan hệ.

Ý nghĩa và các giá trị của các chứng cớ về Thiên Chúa.

* Chứng minh là gì?

Là:

– Bằng con đường thí nghiệm, thiết lập sự hiện hữu của một sự kiện hay một sự vật.

– Hoặc bằng lý luận, khởi đi từ những tiền đề đã được chấp nhận để đạt tới một kết luận phát sinh cách tất yếu những tiền đề đó. Điều đặc thù của chứng cứ thuần lý là cho thấy sợi dây tất yếu giữa tiền đề và kết luận.

Dĩ nhiên không thể có chứng cớ về sự hiện hữu của Thiên Chúa theo nghĩa thứ nhất được.

Chứng cứ thuần lý gồm có hai loại: tiên thiên và hậu nghiệm. Chứng cứ tiên thiên khởi đi từ bản chất (yếu tính) của một vật hoặc từ một trong những đặc tính thiết yếu của nó. Ví dụ: Chứng minh rằng con người có tự do vì con người có lý trí. Chứng cứ hậu nghiệm thì khởi đi từ những hậu quả ghi nhận được trong kinh nghiệm. Ví dụ: dùng sự kiện truỷ triều để kết luận rằng có sức hút của mặt trăng.

Các chứng cớ về Thiên Chúa có thể là tiên thiên hay hậu nghiệm.

Như chúng ta sẽ thấy, trong ngũ đạo hay năm chứng cớ về Thiên Chúa của thánh Toma, chứng cứ nào cũng được khởi đi từ một sự kiện chắc chắn (tiền đề), rồi thánh nhân áp dụng nguyên lý nhân quả vào sự kiện đó để cho thấy rằng sự kiện này đòi hỏi phải có một lý do hiện hữu hay một nguyên nhân để cho nó hiện hữu. Lý do đó, nguyên nhân đó là sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đó là kết luận của chứng minh. Sợi dây lý luận nối kết tiền đề và kết quả là nguyên lý nhân quả.

* Chứng cớ về Thiên Chúa có giá trị nào?

Gabriel Marcel đã đưa ra một nhận xét sâu sắc. Một đàng đã có nhiều bộ óc lỗi lạc chứng minh Thiên Chúa hiện hữu và lấy làm hài lòng về các chứng cớ đưa ra. Và quả thật các chứng cớ ấy là những chứng cớ vững chắc về phương diện lý trí. Nhưng chúng lại không có khả năng thuyết phục được người nghe, không đưa người nghe đến chỗ kết luận của chúng. Giải thích thế nào sự kiện đó?

Không thể trả lời một cách đơn giản rằng người nghe thiếu thiện chí. Ta phải kết luận là: Trong lý luận của một chứng cớ về Thiên Chúa hiện hữu, không phải chỉ có yếu lý trí thuần tuý, nhưng còn có những yếu tố “ngoại lý” mà các tác giả không diễn tả hết trong câu văn được. Những yếu tố đó có thể là:

– Yếu tố thuộc tình cảm. Thánh Augustino và Pascal đều quả quyết: Phải yêu mến Thiên Chúa mới biết Ngài được.

– Yếu tố ý chí tự do: ý chí quyết định chọn lựa Thiên Chúa dù các lý lẽ đưa ra không ép buộc ta phải nhìn nhận Thiên Chúa. Đây là ý kiến của Kant, Jaspers, Blondel và Newman.

– Yếu tố tôn giáo: Trước khi người ta chứng minh Thiên Chúa hiện hữu, người ta đã có thái độ cởi mở nào đó rồi, một lời cầu khẩn trước một Ngôi vị tuyệt đối. Marcel nghĩ rằng thực ra những người chứng minh Thiên Chúa hiện hữu đã khẳng định có Thiên Chúa, trước khi họ suy nghĩ về cơ cấu luận lý của khẳng định đó, đến nỗi chứng cớ chỉ có hiệu năng cho những ai vốn không cần đến nó, nhưng lại ít tác dụng đối với những người khác mà nó muốn thuyết phục.

M.Blondel cũng viết: “Các chứng cớ về Thiên Chúa không phải là một cuộc phát minh, nhưng là một kê khai, không phải là một mạc khải, nhưng là một minh giải, một cuộc thanh lọc cho những niềm tin sâu xa của nhân loại”.

Như vậy, các chứng cớ về Thiên Chúa hiện hữu không có tính chất ép buộc, nhưng là những con đường, những hướng nhắm, những mũi tên chỉ. Nó đặt người ta tre6n con đường chấp nhận Thiên Chúa chứ không ép buộc ai phải chấp nhận. Nó sửa soạm cho ý chí có thể chọn lựa bằng cách soi sáng cho lý trí, đối với những người đã tin, nó cho thấy rõ hơn cơ cấu hợp lý của niềm tin mình. Nói chng nó chỉ có giá trị đối với những ai quan tâm đến các vấn đề về ý nghĩa cuộc sống, đau khổ, sự chết… cũng như với những tâm hồn nhạy cảm trước các giá trị luân lý, đạo đức. “Một khi ai đó nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa thì rất khó chứng minh cho họ thấy rằng Thiên Chúa thực sự hiện hữu”.

Vấn đề Thiên Chúa không phải là vấn đề thuần lý, nó động viên toàn thể con người.

Ta sẽ bàn qua những thái độ của con người trong vấn đề đi tìm Thượng Đế. Tiếp đó, trình bày một cố gắng suy luận của thánh Toma Aquino.

Thái độ bất cập và thái quá: Trong việc đi tìm Thượng đế, nhiều học giả đã gán cho lý trí một vai trò hoặc bất cập hoặc thái quá, trong lúc Giáo Hội công giáo luôn luôn phòng thủ vai trò chiết trung, theo sát với bản tính con người, là một tinh thần nhập thể. Thuyết bất khả tri dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể phân làm hai loại:

– Thái độ bất khả tri vô thần: Thuyết này phủ nhận giá trị lý trí con người trong việc tìm ra Thượng Đế cũng như không công nhận một con đường nào khác để chứng minh Thượng Đế. Nói khác đi, khi con đường lý trí bị cắt, thì người ta phải theo một hậu kết luận lý học, nó sẽ dẫn tới vô thần hay nói trắng ra là không có Thượng Đế.

– Bất khả tri dẫn tới vô thần: hình thức này rất phổ cập trong hàng ngũ triết gia hiện đại. Thực ra những ai chỉ tin tưởng vào khả năng tri thức hạ đẳng của con người hay đối tượng tri thức con người không thể vượt qua giới hữu hình, thuyết của họ đều dẫn tới thuyết vô thần, dầu tác giả muốn hay không muốn. Trong số những thuyết đó ta phải kể đến thuyết duy thực nghiệm và duy cảm giác.

Thuyết bất khả tri hữu thần: Kant phủ nhận siêu hình học qua việc phủ nhận giá trị nhận thức sâu xa của lý trí suy lý hau thuần lý. Trên những đổ nát của trí năng, ông xây dựng một tài năng khác đối lập, tức là lý trí thực tiễn, cơ quan của luân lý tính con người. Tài năng này nhiều lần ông gọi là ý chí. Yù chí điều khiển đời sống nhân loại, cần phải có ba định đề bất biến: tự do con người, linh hồn bất tử và Thượng Đế hiện hữu.

1. Quan niệm của Thuyết Vô Thần

Như chúng ta đã khẳng định việc chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế là một công việc rất khó khăn. Bàn đến sự hiện hữu của Thượng Đế, người ta thấy xuất hiện hai trường phái đối lập nhau: vô thần và hữu thần. Trước hết chúng ta sẽ xem những người vô thần chủ trương như thề nào và lý do nào làm cho họ chối bỏ Thượng Đế.

“Chủ nghĩa vô thần hiện nay dù có nhiều khác biệt về nội dung lý thuyết cũng như về kiểu cách phản ứng, vẫn có một sắc thái riêng, có thể nhận ra ngay, đó là cho rằng: khi chối bỏ Thượng Đế với thái độ đắc thắng hay tuyệt vọng, là đã khẳng định con người ở mức toàn diện, chủ nghĩa vô thần ấy sẽ tự nhận mình là một chủ nghĩa nhân bản, đã giúp con người thể hiện tối đa những khả năng của họ; ngược lại tin vào Thượng Đế là một cách làm con người trở thành phi nhân. Và ở đây chúng ta chỉ xét tới điểm chung của mọi chủ nghĩa vô thần hiện nay”. Đặc điểm của quan niệm này là nhân danh con người để chối bỏ Thượng Đế một cách thẳng thắn, nhưng đó dĩ nhiên là một Thượng Đế phủ nhận tự do của con người. Vấn đề rốt cuộc là ta hiểu thế nào về sự sáng tạo của Thiên Chúa. các triết gia vô thần, điển hình Sartre, đã hiểu rất sai ý tưởng sáng tạo này, cho rằng nếu Thượng Đế đã sáng tạo thế giới, thì chỉ có thể sáng tạo ra những hữu thể hoàn toàn lệ thuộc vào Người, thiếu hẳn mọi tự do. Nếu quả như thế, con người sẽ hoàn toàn nằm gọn trong tay Thượng Đế mặc cho Ngài xoay sở, vì Ngài đã thấy trước tất cả.

Trong khi đó cái nhìn của Kitô giáo về sự sáng tạo của Thiên Chúa, như chúng ta vừa xem qua thì khác hẳn. Thay vì là kẻ lèo lái con người, thay vì là bạo chúa như người ta rất thường hiểu lầm, Thượng Đế đã sáng tạo con người không những như một hữu thể có tự do và có trách nhiệm hoàn toàn đối với cuộc sống của mình, mà còn là một hữu thể có khả năng sáng tạo nữa.

Hạn từ “tự do” là một từ rất hàm hồ. Nó có thể mang nhiều ý nghĩa hàm hồ khác nhau, thậm chí ngược nhau. Ở đây, việc tìm kiếm xem người ta hiểu ý nghĩa “tự do” như thế nào là điều rất quan trọng. Nó quan trọng vì từ quan niệm sẽ dẫn đến chối bỏ hay đón nhận Thượng Đế . Trước tiên có thể nghĩ rằng tự do đơn giản chỉ là không bị áp lực nào, có thể làm điều mình muốn, theo cách mình thích và vào lúc mình thích. Bên ngoài có vẻ là hiển nhiên rồi, nhưng thực ra định nghĩa này không thoả đáng chút nào. Bởi lẽ một đàng, chúng ta bị giới hạn rất nhiều và một cách hết sức cụ thể. Đàng khác và có lẽ là lý do đáng kể hơn hết, định nghĩa ấy chưa lưu ý tới khía cạnh căn bản nhất này: con người là một hữu thể có ý thức, một hữu thế có dự phóng được phú ban khả năng suy nghĩ và có trách nhiệm về việc mình làm.

Như vậy, tự do đối với con người không thể chỉ là được sống theo bản năng, theo những xung động hay theo dục vọng của mình. Mà tự do thật sự là làm được điều mà mình nghĩ là tốt nhất. đành rằng điều tốt nhất này thay đổi theo cá nhân, tuỳ theo những giá trị mà mỗi cá nhân đề xuất. Tuy nhiên điều quan trọng ở đây là trừ khi có một cung cách cư xử phi nhân, thiếu tình người trong bất cứ chọn lựa, quyết định và hành động nào của mình, con người cũng không thể không dựa trên ý thức, suy nghĩ và trách nhiệm của mình.

Vì thế đối với chúng ta, tự do không phải là cư xứ thất thường, thiếu suy nghĩ. Nói tóm lại là thiếu trách nhiệm. Ngược lại, tự do là hành động như một hữu thể được ban cho lý trí. Tự do đó đối với con người là có những lựa chọn thực tế, hợp lý và có trách nhiệm, tuỳ theo hoàn cảnh, trong những điều kiện đa tạp của mình (giáo dục, lịch sử của bản thân và tập thể, tính tình, hoàn cảnh nghề nghiệp và xã hội…)

Một Thượng Đế theo kiểu bạo chúa và áp bức hình thành dần dà trong tâm thức dân gian đã bị các triết gia vô thần chống đối kịch liệt. Họ đã suy tư hệ thống hoá và lập luận để cuối cùng loại bỏ Thượng Đế thẳng tay nhân danh con người và tự do của con người.

a. Nguồn gốc của sự đảo lộn: Descartes và Kant

Tuy nhiên để hiểu rõ hết tầm mức cũng như nét độc đáo của các quan điểm vô thần trong việc nỗ lực suy tư về Thượng Đế chúng ta cần nỗ trở về quá khứ để thấy làm sao các triết gia hữu thần đặc biệt là Descarte và Kant, đã vô tình tạo điều kiện cho chủ nghĩa vô thần hiện nay thực hiện hai điều: tục hoá và phủ nhận Thượng Đế. Hai triết gia này đã đánh đổ cái nhìn cổ điển của triết học, và như thế gián tiếp đánh đổ những cái nhìn của thần học bằng cách nhấn mạnh đến chính con người chứ không nhấn mạnh đến thiên nhiên và Đấng Tạo Thành, tức là Thượng Đế.

Nói chung cho đến thời Descartes các triết gia và thần học gia vẫn quan tâm trước nhất đến Thượng Đế và thiên nhiên, tức công trình sáng tạo của Người, con người chỉ là sinh vật đến sau rồi hoà nhập vào đó.

Descartes đã làm một cuộc “cách mạng kiểu Copernic” khi ông khẳng định rằng con người phải cậy dựa duy nhất vào sức mạnh của lý trí để nhận biết sự thật. Như vậy, ông đã lật ngược truyền thống (lúc đó người ta thường tin những gì truyền thống để lại). Descartes đã khai trừ tất cả những gì là thành kiến, những gì được gọi là chân lý mà không thể chứng minh đồng thời ông kêu gọi hãy vận dụng lý trí và khả năng nhận thức của mình.

Descartes cố gắng đi tìm một chân lý đệ nhất làm nền tảng. Ông hoài nghi mọi sự, hoài nghi những giáo thuyết, kiến thức khoa học, ông hoài nghi ngay cả những gì hiện hữu xung quanh. Hoài nghi của ông đẩy đến tột điểm khi ông thắc mắc về chính sự hiện hữu của ông. Khi hoài nghi mình có hiện hữu hay không thì lúc đó Descartes đã khám phá ra chân lý là “cogito” (tôi suy tư, tôi hiện hữu).

Với lối suy tư này, Descartes đã đẩy con người lên một vị trí tiên phong, Kant chỉ làm đậm thêm điều ấy bằng cách cũng cho thấy tầm quan trọng của chủ thể tư duy trong lãnh vực tri thức, đồng thời nhấn mạnh đến phẩm giá của chủ thể và tầm quan trọng của tự do con người – kẻ duy nhất có thẩm quyền để tổ chức vũ trụ là sở hữu củ mình.

Như vậy khi đề cao lý trí chủ thể suy tư, Descartes đã mở ra một con đường cho việc suy tư về Thượng Đế đồng thời cũng mở lối cho hiện tượng tục hoá từ đó dẫn đến trường phái vô thần.

b. Sự tự trị của con người: Một yêu sách của thuyết vô thần hiện nay

Thuyết vô thần chối bỏ sự hiện hữu của Thượng Đế. Đối với họ, nếu con người hiện hữu thì Thượng Đế không thể hiện hữu, vì nếu Thượng Đế hiện hữu thì con người không là mình nữa vì đã lệ thuộc vào Thượng Đế, Thượng Đế là tất cả, con người không là gì hết. Vì vậy con người phải loại trừ Thượng Đế.

Các nhà vô thần cho rằng, con người cần phải vượt qua niềm tin vào Thượng Đế. Chỉ khi nào thoát ra khỏi điều này con người mới có thể đạt được sự trưởng thành. Đối với họ, Thượng Đế là một bạo chúa, là ông chủ độc ác lấy hết tự do của con người làm con người trở nên nô lệ. Con người chỉ thực sự tự do khi Thượng Đế chết.

Rõ ràng Thượng Đế giống như những gì các nhà vô thần gán cho thì chúng ta cũng sẽ chối từ Ngài. Thượng Đế mà chúng ta tin thì khác hẳn. Ngài là một Thiên Chúa yêu thương, nhân từ, tôn trọng tự do của con người và con người khi biết cậy dựa vào Ngài sẽ phát triển một cách sung mãn con người của mình. Thượng Đế theo các nhà vô thần không phải là một Thượng Đế đích thực, nhưng đó chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng và khát vọng của con người. Chúng ta sẽ thấy điều này rõ hơn qua một vài lập trường của một số nhà vô thần tiêu biểu.

c. Một số triết gia tiêu biểu

– Ludwig Feuerbach: “Thượng Đế là một sản phẩm của trí tưởng tượng con người và của khát vọng nơi con người”.

Theo Feuerbach, con người được sinh ra để hiểu biết, yêu thương và hành động, nhưng con người bị hạn chế rất nhiều, luôn hiểu biết, hành động, yêu thương một cách bất toàn. Ngoài ra, con người còn đương đầu với biết bao đau khổ, bệnh tật, lũ lụt, sự dữ và rốt cuộc sẽ phải chết.

Con người xác tín rằng mình không có khả năng tự vượt qua những giới hạn ấy. Bởi đấy con người cố gắng tìm cho được một giải đáp thỏa đáng nhằm đáp ứng và bù đắp chỗ thiếu hụt ấy bằng cách nghĩ ra một hữu thể hoàn hảo và toàn năng có đủ mọi phẩm chất và không phải chịu đựng sự dữ, đau khổ cũng như sự chết. Khi phóng lên trời hữu thể mà gọi là “Thượng Đế”, hữu thể có đầy đủ sự hoàn mỹ mà con người đang cảm thấy thiếu thốn quay quắt, con người chỉ trốn chạy trong ảo ảnh thôi. Thượng Đế chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng cuồng nhiệt, là ảnh của con người phóng to tới mức quá khổ và được lý tưởng hoá. Thực ra, những thuộc tính mà tôn giáo gán cho thần linh như tri thức, tình yêu, khôn ngoan, công bình… đều là những đặc tính của loài người. Khi chiêm ngưỡng Thượng Đế, thực ra con người chỉ chiêm ngắm mình.

Thượng Đế đó không hề có thật. Ngài chỉ là kết quả của những ý muốn hoàn thiện nơi con người. Con người đã dùng cách đó để diễn tả những khát vọng của chính mình. Theo Feuerbach, khi làm thế, con người chỉ thực hiện một giấc mơ không tưởng: “Tôn giáo chỉ là giấc mơ của trí khôn con người”.

Feuerbach tiếp tục phân tích và quả quyết rằng con người không chỉ tự tha hoá mình ở chỗ phóng chiếu mình lên thành Thượng Đế mà có lẽ còn tự tha hoá mình nhiều hơn nữa khi chấp nhận Người qua những nguyên tắc tôn giáo cũng do trí tưởng tượng của mình đẻ ra. họ đã đánh mất tự do hai lần vì một Thượng Đế tưởng tượng mà họ làm nô lệ.

Tình trạng nô lệ ấy không thể kéo dài bất tận. Rố cuộc con người cũng phải trở nên trưởng thành và vất bỏ Thượng Đế. Đó là vấn đề sống còn đối với họ, bởi vì đối tượng trước nhất của con người chính là ocn người.

Đây là điểm nồng cốt của Feuerbach và cũng như những triết gia theo sau ông: “Quy luật tối thượng và hàng đầu phải là tình yêu của con người dành cho con người. Đó là nguyên lý thực hành tối thượng, đó là bước ngoặc của lịch sử thế giới”. Feuerbach còn xác định rõ: “Tôi chối bỏ Thượng Đế, điều đó có nghĩa là tôi không chịu được sự phủ nhận con người… vấn đề Thượng Đế có hiện hữu hay không đối với tôi chính là vấn đề con người có hiện hữu hay không”.

– Sartre: “Nếu Thượng Đế hiện hữu, thì con người chỉ là hư vô”

Sartre đã thẳng thừng chối bỏ Thượng Đế. Đối với Sartre, nếu Thượng Đế hiện hữu thì tôi là hư vô. Sartre cho rằng tôi không thể là đối tượng của một chủ thể, vì nếu tôi trở thành đối tượng thì tôi không còn là tôi nữa. Cũng theo Sartre tha nhân là địa ngục vì tha nhân biến tôi thành đối tượng và lúc đó tôi thuộc về tha nhân mất. Cũng vậy, nếu Thượng Đế hiện hữu, thì Người sẽ thống trị thế giới từ trên cao, nơi đó Người thấu suốt mọi sự, am tường tất cả, tiên liệu tất cả. Và như thế, Thượng Đế tiêu diệt tự do của con người. Cho nên ngay cả ý tượng về Thượng Đế cũng phải phủ nhận vì Người chẳng qua chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng hoang đường.

Sartre đã loại trừ Thượng Đế vì muốn con người là kẻ duy nhất tạo ra cuộc đời mình nhân danh tự do và trách nhiệm của chính mình, cũng như họ phải là kẻ sáng tạo ra những giá trị để dựa theo đó mà hành động. “Tự mình tôi quyết định điều dữ; cũng tự mình tội tạo ra điều thiện”.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng, những triết gia này hoàn toàn có lý khi chối bỏ Thượng Đế… hay đúng hơn chống lại các khuôn mặt méo mó hợm hĩnh của Thượng Đế mà họ đã trình bày cho chúng ta, chống lại những thần minh chuyên chế, võ đoán, bạo tàn, thậm chí tàn ác và đồi bại.

Tuy nhiên, như ta thấy, nếu có một ý tưởng đúng đắn về Thượng Đế, thì không cần phải phải “giết Thượng Đế” để cứu lấy tự do của con người. Không những không cần giết mà ngược lại còn cần phải khẳng định Người hiện hữu tới mức Người là kẻ duy nhất bảo đảm cho sự tự do của con người.

– Marx và Engels:

Marx nói: “Một hữu thể chỉ cho mình là độc lập khi là chủ nhân của chính mình; nhưng nó chỉ là chủ nhân của chính mình khi hữu thể ấy hiện hữu do chính mình… Chủ nghĩa vô thần là một sự khẳng định từ chối Thượng Đế, và nhờ chối từ như thế đã giúp con người hiện hữu”.

Engels nói: “Tôn giáo nào cũng chỉ là phản ảnh trong tâm trí con người những sức mạnh bên ngoài đang thống trị cuộc sống hàng ngày, những sức mạnh ấy đã được cho mang dáng dấp của những sức mạnh thượng giới”.

– Nietzche:

Nietzche đã viết: “Sau khi biết Thượng Đế đã chết, chúng ta cảm thấy như mình vừa được một ánh bình minh mới chiếu rọi, tâm hồn chúng ta ngập tràn biết ơn, ngỡ ngàng và hồi hộp… Thế là cuối cùng dẫu chưa sáng tỏ, chân trời một lần nữa được rộng mở, rốt cuộc con tàu của chúng ta lại rời bến và tiếp tục ngao du trước mọi hiểm nguy… Đại dương, đại dương của chúng ta một lần nữa lại mở rộng thêng thang”.

“Thượng Đế đã chết: hỡi những người con ưu việt, Thượng Đế ấy đã từng là mối nguy lớn nhất cho các bạn. Các bạn chỉ có thể tái sinh khi Thượng Đế ấy nằm xuống. Chỉ đến lúc này chính ngọ mới xuất hiện, chỉ đến lúc này con người ưu việt mới là chủ nhân! Hỡi anh em, anh em có hiểu điều này không?… Này những con người ưu việt! Chỉ đến lúc này ngọn thái sơn của tương lai mới khai hoa nở nhuỵ. Thượng Đế đã chết: bây giờ chúng ta muốn con người siêu đẳng hãy sống”.

– Freud:

Freud, một trong số những nhà vô thần cũng đã viết: “Tôi không đồng ý với ông khi …, bảo rằng con người không thể bỏ qua niềm an ủi do cái ảo tưởng của tôn giáo mang lại, rằng không có sự an ủi đó họ không thể chịu đựng nổi gánh nặng của cuộc sống của thực tế khắc nghiệt… Nhưng giai đoạn ấu trĩ của nhân loại không phải đang chờ để vượt qua sao? Nhân loại không thể mãi mãi cứ là trẻ con… Ông bạn e ngại rằng con người sẽ không chịu đựng nổi thử thách cay nghiệt đó à? Dầu sao ta hãy cứ hy vọng. Biết mình phải vận dụng lấy sức lực của mình đã là một điều đáng kể rối. Có thể con người mới học cách sử dụng sức lực ấy sao cho thích hợp. Con người đâu có mất hết các khả năng. Kể từ đại hồng thuỷ, sự hiểu biết của họ đã dạy họ nhiều điều và tiếp tục làm tăng quyền lực của họ hơn nữa. Còn đối với những điều tất yếu bao hàm trong số mạng của họ, những điều tất yếu không cách nào thoát được, thì con người sẽ tập nhẫn nhục chịu đựng… Như thế bằng cách thu hồi những niềm hy vọng mà con người đã gửi gắm ở thế giới bên kia hoặc bằng việc tập trung hoàn toàn năng lực đã được giải phóng cho cuộc sống trên trái đất này, chắc chắn con người sẽ thành công để làm cho cuộc sống trên trái đất trở nên dễ chịu đối với mọi người và văn minh sẽ không còn chà đạp ai nữa. Khi ấy con người có thể không hối tiếc gì để nói theo một trong những người cùng chia sẻ sự vô thần của chúng ta như sau: “ Chúng tôi xin để lại thiên đàng cho các thiên thần và chim sẻ”.

2. Những Cố Gắng Của Lý Trí Trên Đường Tìm Thượng Đế

Vừa rồi chúng ta đã tìm hiểu một cách tổng quát lập trường của một số triết gia chủ trương vô thần. Rõ ràng với cái nhìn bi quan, yếm thế, hận thù như vậy về Thượng Đế thì thật khó có thể chấp nhận Thượng Đế ấy hiện hữu. Nhưng nói thế nào thì nói, một Thượng Đế toàn năng chắc chắn phải hiện hữu. Thượng Đế hiện hữu có thể chứng minh được. Để chứng minh, các triết gia đã đưa ra nhiều phương pháp. Những phương pháp này có thể liệt vào hai loại tổng quát: Phương pháp tiên thiên và phương pháp hậu nghiệm.

a. Phương pháp tiên thiên

Những phương này không cần gì đến kinh nghiệm cả. Những người chủ trương cho rằng chỉ phân tích một ý niệm nào đó là có thể khám phá ra rằng Thượng Đế hiện hữu. Thuộc loại tiên thiên có chứng cứ hữu thể học và nhiều chứng cứ khác thuộc ý tưởng hữu thể học.

– Chứng lý hữu thể học

ý niệm chung về chứng lý này là khái niệm hay ý tưởng về một hữu thể bao hàm sự hiện hữu của hữu thể đó. Hữu thể đã hoàn toàn mà lại không hiện hữu là một điều mâu thuẫn. Vì thế, phải có những hữu thể toàn hảo. Nói khác đi câu phán đoán “Hữu thể toàn hảo” là một câu phán đoán phân tích, chỉ cần hiểu những thành phần của câu phán đoán đó là tìm ra sự thật. Bảo không có hữu thể toàn hảo tức là bảo nó vừa có vừa không, vì cái có là một trong những hoàn hảo, và thiếu cái có tức là mất toàn hảo rồi. Danh từ chứng lý hữu thể học là do Kant đặt ra. Nhưng công thức của nó được thánh Anselmo ấn định rồi, tức Thượng Đế phải là hữu thể mà người ta không thể tư tưởng một hữu thể khác nào lớn hơn.

Tiếp theo, Descartes cho một hình thức toán học: “ Trở về việc khảo sát ý tưởng tôi sẵn có về hữu thể toàn hảo, tôi thấy rằng sự hiện hữu được bao hàm trong ý tưởng đó như trong ý tưởng về một hình tam giác có bao hàm ý niệm này là tổng số các góc bằng hai góc vuông .. .”

Leibnitz lấy lại cốt yếu chứng cớ của Descartes nhưng bổ túc thêm. Ông viết rằng, trước khi trình bày chứng cớ của Descartes, cần phải chứng minh rằng ý tưởng Thiên Chúa (tức là ý tưởng về một hữu thể toàn hảo) là một khả hữu thể và không bao hàm một mâu thuẫn nào. Nếu Thiên Chúa là khả hữu, Ngài phải hiện hữu cách tất yếu. Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng toàn hảo. Nơi Ngài không có một giới hạn nào, một mâu thuẫn nào, không có gì giới hạn bản chất (yếu tính) Ngài được. Vì ý tưởng Thiên Chúa không có gì mâu thuẫn, nên Thượng Đế là khả hữu. Đã khả hữu thì tất yếu Ngài hiện hữu bởi vì Ngài là một khả hữu thể toàn hảo.

Để hiểu rõ Leibnitz, nên biết lý thuyết của ông về các khả hữu thể. Đối với ông khả hữu thể không phải là một ý niệm trừu tượng, không phải là hư vô, nhưng nằm giữa hư vô và hiện hữu. Các khả hữu thể có xu hướng tiến về hiện hữu và hơn nữa có một thứ quyền hiện hữu. Có thể nói nó đã hiện hữu ở một trình độ nào đó rồi. Các khả hữu thể hướng về hiện hữu theo một tỷ lệ mức hoàn hảo của chúng, mà các hữu thể toàn hảo là một hữu thể hoàn hảo. Một khả hữu thể toàn hảo đương nhiên phải hiện hữu. Chính sự hoàn hảo của bản chất (hay yếu tính) của nó lôi kéo theo sự hiện hữu của nó.

– Những ý kiến phê bình

Chứng cứ của thánh Anselmo đã bị thánh Toma phê bình. Thánh Toma nói: Thánh Anselmo đã lẫn lộn hai trật tự luận lý và hữu thể học. Người ta không được đi từ ý niệm đến thực tại. Yù niệm về một Đấn toàn hảo bao gồm ý tưởng rằng hữu thể ấy phải hiện hữu nhưng không bao hàm rằng Đấng ấy có thật. Thánh Toma nói tiếp: người ta không có một ý tưởng tiên nghiệm kha1ch quan về Thiên Chúa. Yù tưởng Thiên Chúa cũng như mọi ý tưởng khác, để có giá trị phải lệ thuộc vào những điều kiện của kinh nghiệm. Bao lâu ta chưa chứng minh nó một cách hậu nghiệm, nghĩa là dựa vào một thực nghiệm, thì nó chỉ là một yếu tính không có thực chất đối với ta, và không có giá trị thực tế. Mệnh đề Thiên Chúa hiện hữu là hiển nhiên, nhưng hiển nhiên theo bản chất của nó (nghĩa là bản chất của Thượng Đế bao hàm sự hiện hữu một cách tất yếu), nhưng mệnh đề ấy không hiển nhiên đối với chúng ta, bởi vì ta không biết được bản chất của Thượng Đế một cách tiên nghiệm. Trước thánh Toma, đã có tu sĩ Gaunilon phê bình thánh Anselmo. Ông viết một cách mỉa mai “những hòn đảo đầy vàng đang hiện hữu thì tốt hơn những hòn đảo đầy vàng không hiện hữu”. Kết luận đó không có giá trị. Ta có thể quan niệm những hòn đảo đầy vàng, nhưng từ quan niệm ta không thể đi tới thực tại. Đâu phải vì ta quan niệm chúng thì chúng sẽ có. Kant cũng đã phê bình lý luận của thánh Anselmo và cho rằng ở đây có sự lẫn lộn giữa trật tự luận lý và trật tự hữu thể học.

b. Phương pháp hậu thiên

Muốn việc chứng minh Thượng Đế có giá trị, không thể bắt đầu bằng những lý chứng tiên thiên được. Phải bắt đầu bằng phương pháp hậu thiên, nghĩa là khởi điểm từ một kinh nghiệm, rồi dùng nguyên tắc tối sơ để đi đến kết luận. Theo chỗ khởi điểm, có thể phân thành ba loại chứng lý dựa vào phương pháp hậu nghiệm: Chứng lý vũ trụ học, chứng lý tâm lý và chứng lý luận lý học.

– Chứng lý vũ trụ học

Loại lý chứng này khởi điểm từ những sự kiện thuộc kinh nghiệm ngoại giới. Được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau, những lý chứng này có một ý tưởng chung, là những hiện tượng vật lý xảy ra chung quanh chúng ta, đòi phải có một nguyên nhân đệ nhất đó là một tất hữu. Luận lý như thế, là luận lý theo nguyên nhân tác thành. Tiếp đến cũng những hiện tượng ở trên có thể dẫn ta tới Thượng Đế theo con đường nguyên nhân – mục đích.

Đây có lẽ là những bằng chứng xưa nhất. có thể nói chúng có mặt trong suốt dòng liuch sử nhân loại dưới nhiều hình thái rất khác nhau, từ những phát triển có tính huyền thoại đến những diễn đạt chính xác của triết học. Chúng giải đáp cho những vấn đề muôn thuở… và luôn luôn thời sự: vũ trụ của chúng ta tự mình mà có hay là kết quả sáng tạo của Thượng Đế? Tại sao nó có vẻ tổ chức (ngay cả khi tổ chức ấy không hoàn hảo: sự dữ chẳng hạn)?… Dưới ánh sáng của mạc khải, những bằng chứng này đã được các nhà thần học và triết học Kitô giáo tiên khởi, các giáo phụ lấy lại, trước khi được thánh Toma Aquynô trình bày chính xác và hệ thống vào thế kỷ 13.

– Thượng Đế, nguyên nhân của thế giới

Đi từ nhận định đầu tiên là mọi hiện hữu trong thế giới này đều có một nguyên nhân, ta rút ra kết luận: nếu vũ trụ hiện hữu thì nó cũng có một nguyên nhân. Trong trường hợp này nguyên nhân ấy chỉ có thể là hữu thể toàn năng, tức là Thượng Đế, vì chỉ có một mình Người mới có thể tạo dựng cái vũ trụ kỳ vĩ này. Ngoài ra vũ trụ này đang tiến hoá liên tục và nơi vũ trụ luôn có sự thay đổi và chuyển động này, nếu không phải là động cơ ban đầu của vũ trụ (nói theo Aristote), tức là chính Thượng Đế?

Cuối cùng khi thấy vũ trụ này là bất tất nghĩa là tự nó không có lý do hiện hữu, ta có thể tự hỏi phải chăng Thượng Đế chính là giải đáp cho ẩn số này. Quả vậy, Thượng Đế là hữu thể tất yếu, nơi đó thế giới tìm ra được lý do biện minh và hiện hữu của mình.

– Thượng Đế, nguồn gốc trật tự của thế giới

Đây là bằng chứng dựa vào cứu cánh, gọi là lý chứng cứu cánh luận. Lý chứng này bắt đầu từ trật tự (dù chưa hoàn hảo) đang có trong thế giới, từ sự kinh ngạc pha lẫn thán phục mà ta có thể cảm thấy khi nhìn vào thiên nhiên, từ sự ghi nhận rằng càng ngày thiên nhiên càng trở nên phức tạp hơn theo thời gian để sinh ra sự sống và cuối cùng sinh ra con người. Từ đó nảy ra câu hỏi phải chăng thế giới này là công trình của một trí thông minh thượng đẳng.

Lý chứng này có thể phát biểu theo tam đạo luận như sau: cứu cánh tính hay trật tự đang có giả thiết phải có một bộ óc làm nguyên nhân. Vậy mà trong thế giới này có cứu cánh tính và trật tự. Vì vậy thế giới này giả thiết phải có một bộ óc làm nguyên nhân. Nguyên nhân đó chỉ có thể là hữu thể Toàn năng, tức là Thượng Đế. Do đó Thượng Đế có thật.

– Nhận xét về những bằng chứng này

Đã có thời gian dài xem ra không ai có thể phi bác những bằng chứng ấy. Đến nỗi ta cảm thấy rất khó chịu khi có kẻ nào cho bằng chứng đó là hiển nhiên. Nhưng ngày nay người ta vui vẻ nhận ra rằng tự riêng mình những bằng chứng đó không thể buộc ta chấp nhận Thượng Đế tất yếu phải hiện hữu. Ngay từ thế kỷ 17, Pascal đã từng nói rằng thật là ngây thơ và hoài công khi nói với những người không có đức tin rằng “họ chỉ nhìn một vật nhỏ nhất trong số vạn vật đang ở quanh mình là sẽ khám phá ra Thượng Đế”. Thật ra, theo lời một linh mục cũng là một nhà khoa học, “đối với não trạng con người ngày nay vũ trụ càng ngày càng ít là dấu chỉ của Tạo Hoá: nếu có ý nghĩa nào đó đối với con người ngày nay, thì đó chínnh là con người có quyền lực đến nỗi có thể đọc được các huyền nhiệm của vũ trụ, và khoa học có giá trị ở chỗ có thể diễn tả được cho chúng ta những gì trí tuệ đã nhận ra”.

– Chứng lý tâm lý học

Xét tới cùng, hai con đường nguyên nhân tác thành vànguyên nhân mục đích ở trên có thể khởi điểm từ tiểu vũ trụ tức là con người. Thực ra trừ luồng tư tưởng Aristote tiếp tục ngày nay trong Giáo Hội, có một luồng tư tưởng khác, bắt nguồn ở Socrate và Platon, lấy phương pháp nội quan làm chính, lấy sự quan sát tâm hồn làm hệ trọng hơn. Do đó nẩy ra những chứng lý thuộc t6am lý học, dựa trên những sự kiện tâm linh hay nội giới.

Dựa trên những sự kiện ý tưởng học (thuộc cuộc sinh hoạt trí thức) lúc đó ta cũng có ý tưởng về hữu thể hoàn hảo, về những chân lý tối sơ, khẩn thiết. Nhưng theo con đường hậu thiên và luận lý, chứ không theo con đường tiên thiên như đã nói trên. Nghĩa là tất cả những chân lý làm nền tảng cho cuộc sinh hoạt lý trí đều là tham phần vào chân lý đệ nhất là Thượng Đế. Hoặc dực trên những sự kiện của ý chí là hướng tới hạnh phúc. Con người tự nhiên tìm đến cái Thiện Tuyệt Đối. Nhưng một khuynh hướng như thế không thể không có đối tượng tương đương, nghĩa là không thể thành vô hiệu được. Vậy phải có Thượng Đế để lấp đầy cái hố ước vọng của con người.

Về giá trị những chứng lý thuộc tâm lý này, nhất là dưới hình thức ý tưởng học, không được các nhà thần học, trường thánh Toma thích lắm, vì họ theo quan niệm Aristote về quá trình tri thức của con người, bao giờ cũng bắtt đầu bằng ngũ quan. Họ không bao giờ ưa phương pháp nội quan. Trái lại luồng tư tưởng lấy thánh Augustinô và xa hơn, Platon làm nguồn, lại cho là có giá trị: ý thức nhân loại không phải chỉ bắt nguồn do ngũ quan mà còn khởi điểm từ ý thức tâm lý nữa.

– Chứng lý luận lý học

Chứng lý này dựa trên nghĩa vụ và những hiệu quả nghĩa vụ con người. Thánh Toma không nói tới một cách minh nhiên. Ngày nay theo gót Kant, nhiều nhà thần học và triết học thích, nếu không phải chỉ là thích loại chứng này. Đây là câu tam đạm luận: lương tâm buộc ta phải làm cái này, đừng làm cái kia, nhưng ta chỉ bị một người (một Đấng) ở trên ta buộc được thôi. Vậy phải có một Đấng đó, tức là Thượng Đế. Giá trị của những chân lý này, tuỳ mỗi người quan niệm nền tảng cưỡng bách luân lý làm sao. Nếu cần phải biết một cách minh nhiên có Thượng Đế, mới có sự bắt buộc luân lý, lúc đó chứng lý này không thể đem ta tới chỗ biết Ngài. Nhưng có một đường chiết trung: người ta có thể cảm thấy mình bị bó buộc mà không cần có một kiến thức minh nhiên về Thượng Đế. Thế nhưng sự bó buộc chỉ có lý do tồn tại (nguyên tắc túc lý), trong trường hợp nhận (ít nhất là cách mặc nhiên) có một Đấng lập luận ở trên nhân loại. Trong trường hợp này, chứng lý trên có giá trị minh chứng, và đó là ý kiến phần đông của các nhà triết học.

Như thế, chúng ta thấy các nhà tư tưởng đã đưa ra hai phương pháp là tiên thiên và hậu thiên để chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế. Mỗi phương pháp có giá trị riêng của chúng, phần chúng ta, thành phần của Giáo Hội, chúng ta khẳng định lập trường chứng minh của mình như thế nào? Trong việc chứng minh có Thượng Đế, Giáo Hội muốn dựa vào những chứng lý của thánh Toma, người ta quen gọi là ngũ đạo. Thật ra ngài là một trong những triết gia công giáo quyết nhận giá trị của lý trí trong việc nhận thức về mọi vấn đề của thế giới tự nhiên. Xây trên những tiền đề rất khắt khe, chứng lý đó qua bao nhiêu thời đại vẫn đứng vững trước bao nhiêu hoài nghi, bất khả tri và vô thần.