" Khỉ " Thành Người Không Phải Do Bởi "Tiến Hóa"

0
1120


Hoành Sơn, S.J.

(Bài này rút từ chương hai của tập sách CON NGƯỜI)

 

Khoa học xem ra không sai khi chủ trương có tiến hóa từ con khỉ, thậm chí từ Quantum sơ thủy (initial), đến con người. Nhưng nay thì phải chỉnh lại tí ti : Không phải tới con người, mà tới gần con người thôi. Bởi nếu như trên, thì con người thuộc hoàn toàn về guồng máy và bị chi phối bởi phần cứng (hardware) là cấu trúc mạng thần kinh, đâu còn tự do để sáng tạo, nhờ đó định đoạt về mình và thay đổi luôn luôn cách sống của mình, nhờ đó có lịch sử và văn hóa?

Chính từ phi biệt định mới có con người

Biến hóa trong khoáng giới xem ra đáng mặt tiến hóa nhất. Chứ sang đến sinh giới, thì biến hóa giàu tính ngẫu hứng hơn. Nếu tương quan trong khoáng giới được quy định dễ dàng trong hệ thống và quy luật, với quy luật có thể được biểu diễn bằng những công thức toán, thì sự sống lại trình bày một bộ mặt phóng khoáng và linh hoạt khác hẳn, khi mà mỗi sinh vật quy kết vào mình mọi chức năng và hoạt động trong tiến trình cá thể hóa, khiến nó có khả năng tự sống và trao đổi với môi trường, rồi tự nhân bản (auto-réplique) và truyền sinh trong tiến trình bảo vệ mình và giống nòi của mình. Vâng, không như khoáng vật bị tổ chức từ ngoài mình, và cũng chỉ phản ứng do tác động từ ngoài luôn, thì sinh vật trái lại, tự tổ chức và tự sống cho mình và vì giống nòi của mình.

Con người càng là một với mình hơn nữa khi nó có khả năng hành động tự do,  nhờ đó tự định đoạt lấy mình. Không phải nó chỉ định đoạt hành vi và cách sống của nó, mà còn tự lập trình cho cách sống người và hiện hữu người ấy.

Quả thế, lối hiện hữu người khác hẳn cách hiện hữu thú. Hiện hữu của thú được quyết định trước bởi bản năng, nghĩa là bởi lập trình di truyền giống loại hoàn toàn, nhưng cũng nhờ thế mà trao đổi của nó với môi trường thành ổn định. Trái lại, hiện hữu đích thực con người vuột ra khỏi chu trình Lặp lại (repetition) đơn điệu nói trên, để ngỏ cửa 180o cho vô hạn những khả thể ở tương lai phía trước. Cũng là ngỏ cửa cho cả những dự án lẫn đe dọa bất ngờ, và sự bấp bênh ấy là số phận, cái số phận nó đi đôi với phẩm giá.  Để rồi chính sự mò mẫm tự mình để giải quyết các vấn đề của mình ấy sẽ lập trình dần cho hiện hữu người của nó, cho hiện tại lẫn tương lai xa xăm của con cháu nó. Loài người vì thế biến hoá mãi mãi, vô kỳ tận, biến hóa không phải để không còn là người, mà để luôn còn là người. Vâng, con người không thuần là kết quả của biệt định do thiên nhiên, cũng không thuần là đích và đỉnh của tiến hóa thiên nhiên : con người còn là tác giả của chính mình, bên cạnh những gì nó đón nhận từ thiên nhiên ấy.

Quả thật, không như J.-B. Robinet chủ trương, rằng  con người là đỉnh tiến hóa của thiên nhiên, E. Kant (đồng thời với  ông)  đã trả về cho con người cái triều thiên mà Robinet đặt lầm trên đầu của thiên nhiên ấy. Vâng theo Kant, cái cao quý của con người không do biệt định bởi thiên nhiên, mà giải định :

–“Sự giải phóng (ấy) gỡ con người ra khỏi lòng mẹ thiên nhiên, và đây là niềm kiêu hãnh nó đi đôi với cơ nguy. Bởi lẽ thiên nhiên đã đẩy con người ra khỏi cuộc sống thơ ngây bình hòa của một đứa trẻ, như thể ra khỏi khu vườn trong đó nó gặp thấy trong vô tư những gì giúp nó tồn tại dễ dàng, để rơi vào một thế giới mênh mông với biết bao ưu tư, lao khổ và tai ương không lường trước đón chờ nó.”[1]

Quả thật, bước tiến từ con thú sang con người không thể hiểu trong ngôn từ của Liên tục cho bằng của Cắt đứt (rupture), nghĩa là Trần trụi nguyên thủy (manque originaire). Đúng như Nietzche nói:

–“Ở chính chỗ là sinh vật dang dở, mà con người mang lấy trong mình cái khả thể làm người.”

Để thấy rõ hơn chân lý ấy, có thể xem xét hai yếu tố người ta quen đánh giá là vật báu chúng đặc điểm hóa con người : cấu trúc đặc biệt não bộ và ngôn ngữ.

Những thoái lui cần thiết cho phát sinh hình thái não người

Xưa kia, để giải thích cho khả năng tư tưởng, người ta nhấn vào tầm vóc não bộ : Não đã lớn dần lên, từ cá đến người, nhất là ở phía trán. Có điều, não người phát triển chủ yếu ở những vùng thần kinh, mà rất nhiều vùng như thế, ở đó các chức năng để ngỏ, nghĩa là “để giấy trắng”, không biệt định gì trước. Như thế để chính hoạt động sau đó sẽ tạo hình, nghĩa là vẽ nên đường nét và xác định hướng đi. Và như thế để cái sản nghiệp hình thái (morphologic) não không phải là quà tặng của thiên nhiên cho bằng sản phẩm của cha ông chúng ta.

Quả đúng là những vùng bỏ ngỏ về chức năng ấy đã phát triển  và góp phần chính yếu vào sự nở lớn khối não hôm nay. Còn phần không phát triển là phần thiên nhiên lập trình sẵn cho các chức năng nhất định, với thần kinh kết nối vô cùng chặt chẽ với nhau và với toàn cơ thể. Đó cũng là vùng mà ta có chung với con thú, vùng dành cho các chức năng thực vật, chức năng cơ động và tiếp nhận cảm giác…

Nói cách khác, không phải mạng lưới thần kinh do tiến hóa sự sống làm thành đã cho phép các ký hiệu tư tưởng chạy trên , mà chính các ký hiệu tư tưởng chạy trên đã dệt nên mạng lưới thần kinh ấy, đồng thời xác định và ổn định trên đó chức năng của từng vùng. Đúng như J.-P. Changeux nói :

–“Tổng thể di truyền cung cấp một mạng lưới với đường nét lờ mờ, mà hoạt động sau đó sẽ vạch rõ những góc cạnh.”[2]

Ngày nay, tuy hình thái và chức năng xác định rồi, nhưng đường nét tuy đã rõ mà vẫn còn mờ đủ, để cho phép khám phá và những hướng đi mới, khiến con người có khả năng học tập suốt đời và canh tân luôn mãi, qua các thế hệ. Cái khả năng học tập đến vô tận ấy khiến con người là loài trưởng thành rất chậm, và ngày càng chậm thêm (trước kia ở tuổi 15, rồi 18, 21, và bây giờ là 25…).

Và như thế, ở bộ não con người, có một sự dung hợp và bổ túc cho nhau giữa một bên là các yếu tố tiên thiên của biệt định di truyền, bên kia là các yếu tố hậu thiên của thủ đắc từ mọi thứ ứng phó và sống nghiệm. Những ứng phó, học tập và thử nghiệm ấy sẽ tạo sinh và củng cố cho những kết nối (synapse) thần kinh mới, đồng thới biến đổi các allen di truyền, khiến cho lập trình ngày càng đa dạng và tinh tế thêm, trong đó kỳ diệu nhất có lẽ là ngôn ngữ.

Từ  kẽ hở của tự nhiên mà ngôn ngữ khai sinh

Hẳn ta sẽ bỡ ngỡ khi biết rằng học nói có một “trần” (plafond) thời gian cho nó : Nếu không được học nói   (và có môi trường “người” để  học)  trước lúc lên tám, đứa bé sẽ mất phần lớn khả năng để học. Và đây là trường hợp , vô cùng hiếm hoi, của những “đứa bé sói”.

Như trường hợp hai bé gái, Amala và Kamala, tìm thấy bên Ấn giữa bầy sói ngày 4 tháng 11 năm 1920 . Chúng chỉ có thể tru như đồng bạn sói, chứ phát thành âm thanh (son) thì không. May vì còn bé, nên sau này đứa sống sót là Kamala học nói và hội nhập xã hội gần như người thường được (Science et Vie , Avril 1994, tr.70-71).

Tại sao thế ?

Nếu bảo học nói được là do bản tính, thì sao khả năng ấy lại không lớn lên ở tuổi trưởng thành, với bộ não đã phát triển đầy đủ? Vâng, tại sao cấu trúc não bộ lại chỉ dành những “lỗ châu mai” cho học bắn trong ngôn ngữ? Và tại sao những “bé sói” nói trên, cùng với những ai khác cũng trục trặc về khả năng ngôn ngữ, lại cùng với trục trặc này, còn mắc thêm một trục trặc khác : khả năng giao lưu (với loài người) ? Để cái biến chủng “người rừng” ấy “không những đưa họ xuống cuối hạng giống người, mà còn cuối thang giống vật luôn”[3], khi mà con thú sinh ra có ngay đầy đủ khả năng giao lưu với đồng loại, chứ không phải tự thủ đắc lấy như con người.

Hãy trở về với Học nói.

Nói, đứa bé không chỉ lặp lại giáo trình như con vẹt, mà còn cấu hợp các từ bằng ngàn cách khác nhau, đồng thời nối ký hiệu với bề sâu của nó là ý nghĩa. Phải chăng ngữ pháp là bẩm sinh, như Noam Chomsky nghĩ ? Và cái gọi là bẩm sinh ấy được lập trình bởi gen?

Năm 1998, người ta đã định vị được một gen : SPEECH ONE trên cánh tay dài của nhiễm sắc thể số 7. Lại trước đó, nghiên cứu một gia đình (đánh dấu bằng ký hiệu KE) bị rối loạn di truyền về ngôn ngữ, người ta nhận ra rất nhiều suy sụp :

dyspraxie: khó phát ra âm và lời

dysphasie: Khó lập câu, nên liên quan đến ngữ pháp

thêm suy yếu trí tuệ : của phân nửa thành viên  gia đình

Cũng năm 1998, tạp chí Nature Neuroscience phát hiện qua nghiên cứu : những đứa bé hai tuổi  chậm nói, nếu song sinh, thì tác nhân môi trường chỉ chiếm 18% ( tức cốt yếu là do gen) , trong khi tỷ lệ ấy là 69% (nên cốt yếu là do môi trường) ở những đứa bé không song sinh. Điều này cho thấy vấn đề học nói vừa là của gen, vừa là của môi trường luôn. (Xx. Science et Vie, Mars 2000, tr.89-99).

Vâng, do gen (người) mà đứa bé học nói dễ , học tiếng Baba, Mama  ngay khi mới đẻ , để rồi từ tháng 28,  học và nhớ các từ rất mau. Chẳng những học từ và hiểu nghĩa, mà về quy tắc đặt câu thì dù chẳng được dạy, nó vẫn làm chủ được chúng chỉ trong 36 tháng.

Còn tại sao khả năng ngôn ngữ  lại đi đôi với và phụ thuộc vào khả năng giao tiếp ?

Xem ra nằm sâu dưới khả năng ngôn ngữ, có một cấu trúc  hướng về giao lưu và truyền thông, từ đó làm vọt lên những cố gắng về mã hóa ký hiệu trong ngôn ngữ, khiến chức năng ngôn ngữ chỉ hiển động được giữa một môi trường người. Vâng, ngôn ngữ là một chức năng, chứ không phải một cơ quan. Cơ quan trong ngôn ngữ, chỉ có những cơ quan hữu ích cho việc phát âm, âm chứ chưa phải lời, và đó là phổi, thanh quản, vòm miệng, lưỡi, mũi. Còn bộ não, kể cả bán não trái, cũng chỉ là điểm tựa cho chức năng ngôn ngữ thôi. Chính sự truyền thông, được điều khiển từ những nguyên lý tổ chức ngôn ngữ,  đã biệt định (tức cài chương trình) trên bộ não, khiến đứa trẻ sinh ra có thể học nói ngay và học giữa môi trường người. Vâng, chính ngôn ngữ nó tạo sinh chính mình trên hệ thần kinh của chúng ta.

Như thế, khác với các chức năng khác, như chức năng thực vật đã được di truyền cài sẵn một cách nhất định, không thay đổi, ngôn ngữ  giả thiết một phi biệt định về chức năng, ngỏ cửa cho những biệt định hay chương trình sẽ được cài. Và như thế có một liên hệ vòng tròn giữa một bên là phần não bỏ ngỏ về chức năng, bên kia là hoạt động nó biệt định chức năng, đồng thời hình thái hóa phần não ấy. Hình thái hóa bằng cách tạo ra hay làm mất đi những kết nối (synapse, có từ 1000 đến 100.000 kết nối cho mỗi nơ-ron). Hình thái hóa nữa, có lẽ bằng tạo ra hay diệt đi những allen cho mỗi gen, đồng thời biến đổi cách thể hiện (nổi hay chìm…) của chúng.

Phải chăng sự ngỏ cửa về chức năng của phần não nói trên nhất định sẽ dẫn đến phát minh ngôn ngữ ? Hay ngôn ngữ chỉ là phát minh tình cờ do thúc bách của truyền thông và của hoàn thiện truyền thông ? Chỉ biết rằng, để tư tưởng và tiến hóa lớn như ngày nay, con người không thể thiếu ngôn ngữ, kể cả nói lẫn viết. Mà ngôn ngữ, thì không dân tộc nào là không có, khiến ngôn ngữ hình như đi đôi với con người, là yếu tố không thể thiếu để chúng ta sống cho ra người.

Có điều nó do con người tạo nên bằng  kinh nghiệm và lao tác phối hợp của cả một dân tộc xuyên qua nhiều thế hệ, để rồi với đứa bé học nói, nó phải dựa vào thông tin trong giao lưu , vào giáo dục trên cơ sở của một di sản và hệ thống văn hóa. Di sản ấy, từ cha ông nhiều đời để lại, nó kết đọng trong truyền thống bên ngoài và di truyền bên trong, giúp cho đứa bé giữa môi trường đó học  tiếng mẹ đẻ rất nhanh, như một tiềm năng bẩm sinh vậy.

Sự tiến hóa của ngôn ngữ giữa giống người là vô tận, cũng vô tận như sự tiến hóa của loài người dựa vào ngôn ngữ.  Mà sự tiến hóa này diễn ra đồng thời trên cả hai mặt chủng loại (philogeny) và cá thể (ontogeny).

Kỹ tác nói chung với tự nhiên

Ngôn ngữ không phải là tạo sinh của thiên nhiên, mà kỹ tác (artefact) của con người. Kỹ tác cơ bản vào bậc nhất, nhưng không phải duy nhất. Vậy kỹ tác là gì và chúng đóng vai trò gì trong hiện hữu người chúng ta?

Như chúng ta thấy, con thú sinh ra từ thiên nhiên, nên ngụp lặn thong dong giữa thiên nhiên bởi được tự nhiên nơi nó (tức bản năng) hướng dẫn và chỉ huy, mà tự nhiên này lại là thành phần của thiên nhiên ấy. Chứ con người thì không được ưu đãi như vậy. Nếu con dê sinh ra đã biết đi và gặm lá, con ong sinh ra mấy ngày đã biết bay, gom phấn hoa và làm tổ… , thì để hội nhập vào môi trường, con người cần thời gian, phải học  tập nhiều và học tập với đồng loại. Mau lắm cũng phải “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò”, rồi chập chững học đi, bập bẹ học nói, mà đấy mới chỉ là “khai vị” cho cuộc sống thôi. Còn phải luyện suy tư đi đôi với trau dồi kiến thức, tập giao tiếp và đối xử từ trong gia đình ra ngoài xã hội…Vì lắm thứ để chuẩn bị làm người và vào đời như thế, nên con người trưởng thành rất chậm, tới cả vài chục năm, chứ không như con vật chỉ mấy ngày hay dăm bảy tháng.

Đấy mới chỉ là cá thể người, nói chi đến giống người. Để trưởng thành như giống người, tiên tổ chúng ta đã trải qua gần triệu năm mò mẫm, để chỉ cách đây mấy chục hay trăm ngàn năm, nó mới bắt đầu biết đẽo đá làm công cụ, biết nguệch ngoạc  trên vách hang thành mấy hình thú để yểm. Còn biết nói và suy tư, biết trồng trọt, chăn nuôi và đúc đồng làm khí giới,v.v., thì chỉ mới đây, mấy ngàn năm nay thôi.

Số là vì, giữa con người và thiên nhiên có một khoảng cách, và khoảng cách ấy ngày càng lớn thêm với những kỹ tác phát minh giúp chúng ta sống xứng như những con người. Vâng, chính nhờ khoảng cách ấy mới có những khe hở (của tự nhiên nơi thân xác chúng ta) trong biệt định chức năng, để rồi bằng mò mẫm và hoạt động của mình, chúng ta lập trình cho cơ thể, cũng là biệt định cho lối sống của chúng ta, cho lối sống ấy ngày càng nhân văn thêm mãi mãi.

Kỹ tác chúng giúp ta giữ một khoảng cách với thiên nhiên, kỹ tác ấy bắt đầu với chế tác công cụ, với sự thuần hóa cây cỏ trong canh nông và thuần hóa thú vật trong chăn nuôi. Từ nguyên liệu là thiên nhiên, chúng ta đang biến chế thiên nhiên vì một cuộc sống tốt đẹp hơn của chính mình.

Công cụ bắt đầu với vật cầm tay, để thay thế cho tay mà nắm bắt, đánh đập xa hơn và khéo, mạnh hơn, công cụ thủ công ấy rồi sẽ được thay thế bởi bán tự động bằng then máy (mecanism), toàn tự động bằng máy no, và siêu tự động với hướng dẫn từ xa (tele-guide), điều khiển từ xa (tele-command) và điều khiển gián tiếp bằng những chương trình cài đặt trước.

Kỹ tác với cuộc sống người rồi ra sẽ phát triển thành những hệ thống và guồng máy, như hệ thống viễn thông, bộ máy truyền hình cáp. Thậm chí còn làm nên những thế giới, như thế giới điện ảnh trong đó những con người trong ngành tương tác với máy và sống với nhau bằng luật sống riêng, ngôn ngữ riêng.

Không những kỹ tác làm thành các tổ chức như trên, chúng còn bao trùm loài người dưới bóng, tác động vào tâm tư và cuộc sống của họ, khiến sống hiện nay với họ không thể thiếu thực phẩm chế biến và nước uống tinh chế; không thể thiếu nhà bêtông cao tầng cùng với điện, truyền hình; không thể thiếu xe hơi, điện thoại di động, cùng với máy tính và internet. Vâng, đời sống tràn ngập bởi kỹ tác và nhu cầu kỹ tác, khiến con người như thở hít chúng và bị chúng đeo cứng lấy. Vâng, người ta bắt gặp chúng mọi nơi, trong ngôn ngữ, ước mơ và ham muốn, trong hành động và suy tư của mình. Và như thế, kỹ tác vừa người-hóa chúng ta khi đưa chúng ta vượt lên trên thiên nhiên, vừa phi người-hóa chúng ta khi đưa máy móc vào thế chỗ thiên nhiên trên bàn thờ tâm hồn.

Theo Auguste Comte, nhờ Khoa học mà Nhân loại (Humanité) đang thế chỗ quỷ thần  của hiện tượng thiên nhiên trong một thứ Tôn giáo mới. Thế mà giờ đây, lại chính là Kỹ thuật và Kỹ nghệ cùng với Hưởng thụ vô giới hạn mà nó cung cấp đang thống trị loài người và tha-hóa chúng ta. Và cùng thống trị với nó là tinh thần Xảo. Ngày xưa, điểm quy chiếu cho cách nhìn đời là Thiên nhiên và Tự nhiên. Ngay cả Lễ và Nhạc, Đức Khổng cũng quy chúng về lẽ vận hành của Trời đất : Lễ thì phân ra theo trời đất cho có trật tự, Nhạc thì hợp lại như trời đất để có hòa an (Nhạc giả thiên địa chi hòa dã, Lễ giả thiên địa chi tự dã; Nhạc giả vi đồng, Lễ giả ư dị: Lễ ký). Và để càng hợp hơn với cách làm của Trời đất, Lão tử  đề nghị một Hóa dân (cải hóa dân chúng) bằng Vô vi (Đạo thường vô vi), giúp dân sống sao cho Thuần phác, Tự nhiên, tránh xa những gì là Xảo (Tuyệt xảo : Đạo đức kinh XIX).

Quả như hiền nhân xưa quen nghĩ, những gì do chế biến mà thành thì thiếu cái khí vị tự nhiên, khiến sống nhiều với kỹ tác thì lòng  bớt đi sự thuần phác và tương giao thiếu chân tình. Chả có thế mà chữ Xảo   vừa có nghĩa là Khéo làm trong Xảo công, Xảo thủ, vừa có nghĩa là Giả dối trong Xảo hoạt, Xảo ngôn.

May mà ngày nay, sau khi đã sản xuất tràn lan, người ta chợt khám phá thấy năng lượng đang thiếu dần cho sự tăng tốc sản xuất, và sự tăng tốc sản xuất đi đôi với tăng tốc tiêu thụ đang làm ô nhiễm bầu khí, đất đai và dòng nước, trong khi tầng áo giáp ô-dôn bị thủng khiến ta đang tiêu diệt chính mình.

Thêm vào đấy, nhờ phát triển kỹ tác khiến khoa học khám phá  được vào chiều rộng của không gian, bề sâu của vật chất và sự sống, mà cái cảm giác yên ổn của thời trung cổ và cận đại đã mất dần trong chúng ta. Vâng, trái đất của chúng ta không là một trung tâm lớn và vững chắc của vũ trụ nữa. Nó chỉ là cục đá nhỏ trong  thái dương hệ, cũng như thái dương hệ này là nắm đá nhỏ  trên lề của giải Ngân hà, và thiên hà trên rìa của một thế giới rộng tới hai chục tỷ năm ánh sáng . Sự sống, có lẽ chỉ xuất hiện ở trái đát nhỏ bé của chúng ta nhờ các điều kiện vật lý hãn hữu riêng của nó, sự sống  ấy cũng “mành treo sợi tóc” trên những điều kiện vật lý rất mong manh, khiến chỉ cần một  “hắt hơi”  của thái dương,  một “nhảy mũi” của mấy hạt cơ bản nhỏ xíu, là nó có thể tan như khói như mây.

Những phát hiện trên khiến con người hôm nay trở lại với lòng tôn quý sự sống và thiên nhiên, lòng tôn quý đã có từ xa xưa nơi cổ nhân Phương đông khi họ cấm làm hại sinh vật với luật Ahimsâ bên Ấn, với quan niệm “Thiên địa chi đại đức viết Sinh” bên Trung hoa, với việc làm nhà dưới bóng cây và dựa vào phong thủy.

Nói thế không phải là chê bai kỹ tác (artefacts), mà muốn đặt kỹ tác vào đúng vị trí của nó là bộc lộ chiều cao của con người, chứ không phải đặt con người dưới bóng nó. Để được như thế, không thể ta không giữ một khoảng cách với máy móc và gần lại với Tự nhiên và Thiên nhiên. Để giữ một khoảng cách với công cụ thì phải từng lúc bất cần chúng, cũng là bất cần đến một số tiện nghi. Còn để gần gũi hơn với thiên nhiên thì phải năng rời thành phố đến nghỉ ngơi ở đồng quê, ven biển, núi rừng.

Một trong những cách gần lại với thiên nhiên, đó là chiêm ngưỡng nghệ thuật. Nếu kỹ thuật cho một cái nhìn thực dụng hay lôdích về thế giới và cuộc sống, thì nghệ thuật lại dựa trên trực  cảm và hướng về tự nhiên , đưa con người gần lại với thiên nhiên.Đặc biệt khi đây là nghệ thuật Đông Á. Bởi, như J. Maritain nghĩ, nói đến Đẹp là nói đến “sự thấm nhập vào nhau giữa thiên nhiên với con người”. “Một cách huyền nhiệm”. Như “phép mầu” ấy ![4]

 

——————————————————————-

[1] Cf. Etudes d’anthropologie phil..tr.11.

[2] Etudes d’anthropologie phiosophique,tr.13.

[3] Op.c.,tr.15,cước chú 22.

[4] L’intuition créatrice dans l’art et dans la poésie, DDB, 1966,tr.3.