Bản Chất Căn Nguyên: Chất Liệu Và Hình Thế

0
2013


SIÊU HÌNH HỌC

Nguyên tác: Tomas Alvira, Luis Clavell & Tomas Melendo, Metafisica

(Bản tiếng Tây Ban Nha – NXB. 1981)

Fr. Luis Supan, Metaphysics

(Bản tiếng Anh – NXB. 1991)

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP.

***

***

PHẦN DẪN NHẬP

PHẦN I: CẤU TRÚC SIÊU HÌNH CỦA HỮU THỂ

PHẦN II: CÁC SIÊU NGHIỆM

***

PHẦN III: CĂN NGUYÊN TÍNH

***

CHƯƠNG I: NHẬN THỨC VỀ TÍNH NHÂN QUẢ ĐÍCH THỰC

CHƯƠNG II: BẢN CHẤT CĂN NGUYÊN TÍNH VÀ CÁC LOẠI CĂN NGUYÊN

CHƯƠNG III: CĂN NGUYÊN CHẤT LIỆU VÀ CĂN NGUYÊN HÌNH THỂ

 

 

Chất liệu và hình thế, xét như những nguyên lý nội tại của mọi thực tại vật thể, được nghiên cứu rộng rãi trong Triết Học về Thiên Nhiên. Chúng cũng được nghiên cứu phần nào trong Siêu hình học khi nghiên cứu về yếu tính những hữu thể vật chất. Những thành tố này giờ đây phải được phân tích từ quan điểm ảnh hưởng căn nguyên tính của chúng. Giờ đây chúng ta phải xem xét ý nghĩa mà trong đó mỗi thứ đều là một căn nguyên, do đó, ta xét đến các loại căn nguyên chất liệu và căn nguyên hình thế, cũng như công hiệu riêng của mỗi thứ.

I. BẢN CHẤT CĂN NGUYÊN TÍNH CHẤT LIỆU

Bất cứ thứ gì mà từ nó hoặc bằng do bởi nó một điều gì đó được tạo nên, đều là căn nguyên chất liệu (“ex qua et in qua aliquid fit”) (Anything out of which and of which something is made is a material cause).[1] Do đó chúng ta nói rằng một cái ghế được làm từ gỗ, hoặc một pho tượng được làm bằng đồng; gỗ và đồng là những căn nguyên chất liệu của mỗi thứ tương ứng. Chúng ta cũng thấy rằng hình thế phụ thể làm cho đồng trở thành một pho tượng, hoặc gỗ thành chiếc ghế, là một điều gì đó ảnh hưởng lên đồng hoặc gỗ; nó bám vào nơi những chất liệu vốn hoạt động như “những chủ thể” của những hình thế phụ thể tương ứng.

Đem so sánh với những loại căn nguyên khác, một căn nguyên chất liệu có thể được coi như: a) một nguyên lý tiềm năng thụ động, b) vẫn tồn tại nơi công hiệu, c) bất định.

1. Một nguyên lý tiềm năng thụ động (a passive potential principle)

Bốn loại căn nguyên trên là những nguyên lý, vì hiệu quả mà chúng làm nảy sinh thì phần nào đến từ mỗi thứ trong chúng, mặc dù mỗi thứ một cách. Căn nguyên chất liệu là một tiềm năng thụ động hàm chứa hiệu quả theo kiểu một tiềm năng hàm chứa hiện thế (The material cause is a passive potency that contains the effect in the way a potency contains its act), có nghĩa là, một cách bất toàn – chỉ là khả năng. Chẳng hạn, một khối đá cẩm thạch, thì có khả năng nhận được hình thù một pho tượng qua tác động của nhà điêu khắc. Hình thù này có thể coi là được “rút ra” (educed) (được đưa vào hiện thế) từ tiềm năng của chất liệu (cẩm thạch) vì chính cẩm thạch có khả năng cho chuyện đó.

2. Một nguyên lý vẫn tồn tại nơi hiệu quả (It is also a principle which remains within the effect)

Một cách nào đó thì điều này có thể được coi như hậu quả cho tính cách ở trên. Vì là một tiềm năng thụ động, chất liệu đóng vai trò một chủ thể đón nhận hình thế. Cũng như chính hình thế, chất liệu vẫn nằm ở hiệu quả như một điều gì nội tại với hiệu quả, vì cả chất liệu lẫn hình thế đều là những nguyên lý cấu thành hiệu quả.

Căn cứ vào hai đặc điểm trên (một nguồn tiềm năng và một chủ thể), Aristotle định nghĩa căn nguyên chất liệu như “điều mà từ nó, xét như một yếu tố cấu thành, một điều gì đó được sản sinh” (that from which, as a constituent, something is generated).[2]

3. Chất liệu cũng là bất định (Matter is also indeterminate)

Đây là một nét đặc trưng khác của căn nguyên chất liệu, đồng thời cũng gắn bó chặt chẽ với việc là một tiềm năng thụ động. Vì là một điều gì đó còn trong tiềm năng, chất liệu là bất toàn, bất định và mở ra trước nhiều khả thể khác nhau. Bản chất bất định này của chất liệu được giũ bỏ bởi hình thế vốn thực hữu hóa một trong những khả tính đó. Chẳng hạn bao lâu một khối cẩm thạch mới chỉ được chạm trổ theo tiềm năng, thì nó có thể đón nhận nhiều hình dạng khác nhau, và như vậy có thể trở thành bất cứ một pho tượng nào. Cẩm thạch còn bất định đối với chúng. Điều đó cũng đúng đối với gỗ được làm thành nhiều kiểu đồ gỗ khác nhau, hoặc đối với đồng được chế tạo thành bồn nước, cái chuông, hoặc một thứ gì trang trí.

II. NHỮNG LOẠI CĂN NGUYÊN TÍNH CHẤT LIỆU KHÁC NHAU

Những nét đặc trưng của căn nguyên tính chất liệu được tìm thấy theo nhiều cách. Trước hết chúng ta có thể phân biệt hai kiểu căn nguyên chất liệu theo nghĩa chặt: chất liệu đệ nhất và chất liệu đệ nhị.

1. Chất liệu Đệ nhất (Prime Matter)

Chất liệu Đệ nhất (Prime Matter) có những đặc trưng của một căn nguyên chất liệu theo nghĩa đầy đủ nhất. Nó là một chủ thể vốn còn lại nơi mỗi thay đổi bản thể mà trong đó một hình thế bản thể mới được đón nhận vào. Nó là một tiềm năng thụ động thuần túy, nơi nó chưa có một hiện thế hoặc hoạt động nào. Do đó, nó rất bất toàn và không thể tồn tại trừ phi được thực hữu hóa bởi một hình thế nào đó vốn phân biệt khỏi nó. Nó cũng là bất định (indeterminate) và do đó, có thể là một thành tố (component) của bất kỳ loại hữu thể vật thể nào: cấu hình của nó lệ thuộc vào hình thế bản thể mà nó tiếp nhận. Nó là một nguyên lý hay căn nguyên cho mọi hữu thể vật thể bởi vì, như đã thấy, để đứng lập hữu, những hình thế bản thể không thiêng liêng cần có sự đón đỡ của một tiềm năng phân biệt, tiềm năng đó chính là chất liệu đệ nhất. Đặc tính căn nguyên của chất liệu đệ nhất có thể thấy rõ khi ta quan sát thấy rằng những thụ tạo chỉ có thể tạo ra một hiệu quả chất liệu bằng cách tác động lên một chất liệu nhất định nào mà trong đó hiệu quả kia đã có trước cách nào đó.

2. Chất liệu đệ nhị (secondary matter)

Chất liệu đệ nhị (secondary matter) cũng chính là bản thể, vốn thể hiện căn nguyên tính chất liệu đối với những hình thế phụ thể mà nó có khả năng tiếp nhận. Trong trường hợp tấm kiếng, chất liệu đệ nhất là căn nguyên chất liệu cho việc nó là kiếng. Nhưng chính kiếng, xét như một thực tại đứng riêng, chính là căn nguyên chất liệu cho nhiều phụ thể khác nhau, chẳng hạn màu sắc hoặc hình thù. Bản thể được gọi là chất liệu đệ nhị bởi vì nó đã giả định chất liệu đệ nhất.

Vì khái niệm chất liệu kéo theo sự bất toàn, hoặc là chủ thể cho một hiện thế, và như vậy là ở trong tiềm năng đối với hiện thế, nên bất cứ điều gì có những đặc điểm như vậy đều có thể được gọi là một căn nguyên chất liệu, mặc dù thuật ngữ này nhiều khi chỉ được áp dụng theo một nghĩa không chặt chẽ. Do đó, chúng ta có thể gọi các bản thể tinh thần là “căn nguyên chất liệu” đối với các phụ thể của chúng, vì các bản thể đó được hoàn thiện bởi các phụ thể đó. Thậm chí chúng ta có thể nói đến các phụ thể như “những căn nguyên chất liệu” trong mức độ chúng sắp đặt bản thể (trong vai trò chủ thể gần của những phụ thể khác) để (bản thể) trở thành chủ thể của những hoàn bị phụ thể khác nữa, chẳng hạn như lượng đối với màu sắc, hoặc như trí khôn đối với những tập tính hoặc những hoạt động trí tuệ.

III. CĂN NGUYÊN HÌNH THẾ

Một căn nguyên hình thế là một hiện thế hoàn bị nội tại nhờ đó một sự vật là bất cứ điều gì, trong lãnh vực bản thể cũng như phụ thể (A formal cause is an intrinsic act of perfection by which a thing is whatever it is, either in the realm of substance or of accidents). Điều khiến cho một con người là người, nói cụ thể là linh hồn con người, chính là một hình thế, và những gì khiến cho con người là trắng (màu da của anh ta) hoặc khiến cho con người là nặng (lượng của anh ta), hoặc khiến cho anh ta là tốt (nhân đức),.v.v… đều là hình thế cả.

Bất cứ hình thế nào cũng là căn nguyên đối với chất liệu mà nó “định dạng” (in-forms), vì nó đem lại cho chất liệu đó tính thực hữu của một cách hiện hữu xác định. Hình thế mà nếu không có nó thì một hữu thể không là gì cả, (hình thế đó) sẽ được gọi là hình thế bản thể (substantial form). Những hình thế nào ảnh hưởng lên hữu thể thực hữu bằng cách đem lại cho nó những xác định thì được gọi là những hình thế phụ thể (accidental forms). Hình thế bản thể đem lại cho một vật cách thức hiện hữu cơ bản, khiến cho nó là một bản thể: một người là một con người và do đó anh ta hiện hữu, nhờ có linh hồn. Trái lại, hình thế phụ thể chỉ đem lại cho một bản thể những cấu hình thứ yếu, mà hiển nhiên chỉ có thể ảnh hưởng lên một vật nào đó vốn đã là một bản thể rồi.

Hình thế bản thể là hiện thế của chất liệu đệ nhất, chất liệu này là chủ thể tiếp nhận hình thế bản thể. Những hình thế phụ thể định cách (modify) cho bản thể cáng đáng chúng (chất liệu đệ nhị).

Căn nguyên tính Gương mẫu (Exemplary Causality)

Căn nguyên Gương mẫu chiếm một tầm quan trọng đặc biệt, nó là mẫu mực hướng dẫn một tác nhân thi hành công việc của mình. Trong những hoạt động nghệ thuật, thủ công, kỹ thuật hoặc những hoạt động tương tự, đồ án được quan niệm trong trí tuệ của tác nhân, hay một hình ảnh bên ngoài giúp người đó ngẫu hứng, những thứ đó ấn định loại cũng như đặc điểm của hiệu quả sẽ có. Tác nhân hướng đến việc tạo dáng cho một chất liệu cụ thể (chất liệu đệ nhị), chiếu theo một dạng mẫu đã được quan niệm trước. Theo mức độ này, căn nguyên gương mẫu tương đương với căn nguyên hình thế nội tại, mặc dù nó luôn nằm bên ngoài một khách vật. Nhận thấy rằng Thiên Nhiên trong toàn tính của nó thì không khác gì một công trình nghệ thuật của Đấng Tạo Hóa, chúng ta phải kết luận rằng trong Trí của Thiên Chúa phải có những ý tưởng mẫu hoặc những kiểu dáng của mọi sự vật thụ tạo, cũng như một nghệ sĩ có nơi trí của mình những kiểu mẫu cho các tác phẩm của ông ta.

Căn nguyên tính gương mẫu được tìm thấy nơi mọi tiến trình kiến tạo: tuy nhiên, nó không được coi là loại căn nguyên thứ năm, nhưng phải được coi là một loại căn nguyên hình thế và như một điều kiện quan yếu để cho một tác nhân thực sự trở thành một căn nguyên (Exemplary causality is found in all causal processes: however, it should be seen, not as a fifth kind of cause, but as type of formal cause and as an essential condition for an agent to be really a cause). Nhất nữa, không tác nhân nào có thể tạo nên một hiệu quả mà nó không chiếm hữu sẵn nơi chính bản chất của mình, mặc dù nó có thể chiếm hữu hiệu quả theo một cách khác (không ai cho điều gì mình không có). Như vậy, mỗi căn nguyên tác nhân cân xứng và phù hợp (không phải là những căn nguyên per accidens) thì cũng là căn nguyên gương mẫu cho những hiệu quả của nó. Điều này diễn ra theo hai kiểu:

1/. Những căn nguyên tự nhiên (Natural causes) chiếm hữu một hoàn bị mà chúng thông chia theo cách tự nhiên. Một cơ thể sống chẳng hạn, thông chuyển loại của mình, chứ không thể tạo nên một hiệu quả nào vượt lên trên hoàn bị thực thể của nó.[3]

Dĩ nhiên, những căn nguyên tự nhiên có thể sản sinh những hiệu quả cao hơn khi chúng tác động như những dụng cụ của những căn nguyên cao cấp hơn. Các nguyên tố vật lý và hóa học của cơ thể chẳng hạn, đã làm phát sinh hoạt động của sự sống, vì chúng tác động trong một lệ thuộc năng động vào linh hồn.

2/. Những căn nguyên trí tuệ (Intelligent causes), theo cách ý hướng hoặc tinh thần, chiếm hữu hoàn bị mà chúng sản xuất ra: hoàn bị này  là “gương mẫu” hay “kiểu mẫu” được quan niệm bởi tác nhân trí tuệ. Kiểu mẫu đó được gán vào một chất liệu nào đó (trong trường hợp tác nhân thụ tạo) hoặc tuyệt đối được tạo dựng (trong trường hợp Thiên Chúa, Đấng là Đệ Nhất Căn Nguyên).

IV. TƯƠNG QUAN GIỮA CĂN NGUYÊN CHẤT LIỆU VÀ CĂN NGUYÊN HÌNH THẾ

Như đã thấy, chúng ta có thể diễn tả mối tương quan giữa chất liệu và hình thế tương ứng của nó bằng cách phát biểu rằng: “chất liệu là tiềm năng đối với hình thế, và hình thế là hiện thế của chất liệu” (matter is potency with respect to form, and form is the act of matter). Giờ đây chúng ta cần khảo sát xem chúng là những căn nguyên hỗ tương của các hữu thể vật thể ra sao. Dĩ nhiên, khi nghiên cứu vấn đề này, chúng ta vẫn ở trong lãnh vực các bản thể vật thể, vì chỉ chúng mới có căn nguyên chất liệu theo nghĩa chặt.

1. Chất liệu và hình thế là những căn nguyên của một bản thể vật thể (Matter and form are causes of a corporeal substance)

Sự lệ thuộc chặt chẽ của một bản thể vật thể vào những nguyên lý nội tại của nó sẽ cho ta thấy rõ rằng chất liệu và hình thế là những căn nguyên của toàn bộ bản thể nơi một hữu thể vật thể.

Một hữu thể vật thể lệ thuộc vào chất liệu đệ nhất và hình thế bản thể của mình về mặt hiện hữu và về cấp độ loại biệt trong đó nó có việc hiện hữu (A corporeal being depends on its prime matter and on its substantial form for its act of being and for the specific degree in which it has the act of being). Do đó, nếu ta lấy đi chất liệu hoặc hình thế, thì những sự vật thôi hiện hữu, còn nếu có một sự thay đổi hình thế bản thể, thì nó trở nên một loại bản thể khác. Chẳng hạn, dĩ nhiên không một con vật nào hiện hữu độc lập ngoài thân xác nó và nó sẽ không còn là chính nó nữa khi nó mất đi hình thế bản thể của mình.

Có thể nói đến điều gì đó tương tự đối với sự tương tác chặt chẽ giữa bản thể (căn nguyên chất liệu) và các phụ thể của nó. Để cho một hoàn bị phụ thể được tồn tại, phải có bản thể  phù hợp (chất liệu đệ nhị) và đó cũng là việc hình thế phụ thể ấn định bản thể. Chẳng hạn, các giác quan là những hình thế phụ thể chỉ có ở nơi các động vật. Xét về yêu cầu thứ yếu, chẳng hạn chúng ta lưu ý rằng việc bốc hơi là một đặc điểm của các bản thể lỏng, chúng ta nói là đó là một hình thế phụ thể riêng biệt của các chất lỏng, cho dù không phải mọi chất lỏng đều bốc hơi.

2. Chất liệu và hình thế là những căn nguyên hỗ tương

Cũng như một hữu thể không thể hiện hữu độc lập bên ngoài những thành tố nội tại của nó, thì chất liệu và hình thế bản thể của những bản thể vật thể cũng không thể tồn tại tách rời nhau. Chúng có tính nhân quả hỗ tương. Chất liệu được coi là căn nguyên của hình thế trong mức độ hình thế không hiện hữu, ngoại trừ nơi chất liệu. Tương tự như vậy, hình thế là căn nguyên của chất liệu theo nghĩa là chất liệu không có một tính thực hữu nào trừ phi nhờ hình thế.[4] Như vậy, một cách nào đó, chất liệu là căn nguyên của hình thế, và hình thế là căn nguyên của chất liệu, mặc dù những vai trò căn nguyên tương ứng của chúng thì phân biệt nhau:

a/. Trong trường hợp chất liệu đệ nhất và hình thế bản thể, hình thế là căn nguyên của chất liệu trong mức độ nó đem lại cho chất liệu một sự tổ chức loại biệt và làm cho chất liệu hiện hữu (the form is the cause of matter insofar as it gives it a specific organization and confers being on it), tức là, theo mức độ nó đem lại cho vật phức hợp việc hiện hữu mà nhờ đó cả chất liệu và bản thể mới hiện hữu độc lập được. Chất liệu, trái lại, không đem lại hiện hữu cho hình thế, nhưng chỉ cáng đáng nó (Matter, in contrast, does not give being to the form, but only supports it). Nơi các bản thể vật chất, hình thế vì là bất toàn nên không thể thông dự việc hiện hữu trừ phi nó được đón nhận bởi một chất liệu nào đó. Từ quan điểm này, ta thấy chất liệu làm cho hình thế được hiện hữu, và như vậy là tạo nên nó (causes it).

Vì lẽ chúng nắm những vai trò khác biệt nhau trong việc cấu tạo hữu thể, nên cần phải nói rằng chất liệu là do hình thế và vì hình thế, chứ không còn cách nào khác (matter is by the form and for the sake of the form, and not the other way around).[5] Điều này cũng giúp chúng ta thấy được lý do tại sao các hình thế tinh thần, vốn hoàn bị hơn các hình thế vật thể, lại có thể tồn tại mà không cần phải được tiếp nhận vào trong chất liệu (các thiên thần) hoặc tồn tại độc lập khỏi vật chất mà chúng tạo hình (linh hồn con người). Vì nhờ hình thế mà chất liệu đón nhận hiện hữu xác định và thực hữu (tức là được giới hạn vào một cách hiện hữu loại biệt), và không còn kiểu nào khác, nên không có gì lại ngăn cản một số hình thế nào đó tiếp nhận esse nơi chúng chứ không phải nơi một chủ thể phân biệt khỏi chúng. Vì một căn nguyên không lệ thuộc vào hiệu quả, ngược lại là đằng khác.[6]

b/. Những vai trò làm căn nguyên hỗ tương giữa bản thể và các hình thế phụ thể có một số nét đặc trưng tương tự như những đặc trưng của chất liệu đệ nhất và hình thế bản thể. Trong cả hai trường hợp, hình thế là một hiện thế và làm cho chất liệu tương ứng của nó được thực hữu. Nhưng đang khi hình thế bản thể làm cho một điều gì đó hiện hữu theo nghĩa tuyệt đối và có chủ thể là tiềm năng thuần túy, thì hình thế phụ thể lại không làm cho một điều gì đó hiện hữu tuyệt đối, nhưng chỉ là hiện hữu theo kiểu này kiểu kia, tức là theo cách thứ yếu (ví dụ có một lượng, một phẩm chất), vì chủ thể của nó đã là một hữu thể thực hữu rồi (bản thể). Hơn nữa, các phụ thể hiện hữu nhờ việc hiện hữu của bản thể, cho dù các phụ thể có đem lại một số định cách (modifications) mới mẻ cho bản thể.

Do đó, “bởi lẽ điều kém ưu tiên thì tồn tại vì điều ưu tiên hơn, nên chất liệu (chất liệu đệ nhất) tồn tại vì hình thế bản thể; đang khi trái lại, hình thế phụ thể tồn tại vì sự hoàn bị của chủ thể (chất liệu đệ nhị)” (matter (that is, prime matter) therefore exists for the sake of the substantial form; while on the contrary, the accidental form exists for the sake of the perfection of the subject (secondary matter)).[7]

***

SÁCH ĐỌC THÊM

 

J. GOHEEN, The Problem of Matter and Form in “De ente et essentia” of Thomas Aquinas, Cambridge (Mass) 1940.

I. HUSIK, Matter and Form in Aristotle, Berlin 1912.

 

 

 

 


[1] Cf. Aristotle, Physica, Bk. II, Ch 3, 194b 24. Aristotle was the first philosopher to give the notion of matter a metaphysical meaning. Nonetheless, some of his predecessors like Plato had also taken the same line of thought. Plato, in his work Timaeus, made a distinction between being that has always been, and is unchangeable, and that being that constantly changes and is temporal (Cf. Timaeus, 49A.). He considered matter as the “receptacle” (jora) of all forms, (Ibid., 51 A) but at the same time, a certain non-being. This is so because being – according to Plato- belongs only to the forms or “Ideas”. Another characteristic of matter emphasized by Plato is its changeability – it continually undergoes change without any order or measure -, and its capacity to be perceived by the senses (Ibid. 30A). In contrast, forms never change, and they are purely intelligible.

[2] Aristotle, Metaphysica, Bk. II, ch.2, 1013a.

[3] Evolutionist theories have failed to explain adequately how superior degrees of being can evolve from lower forms of being. (Cf. E. Gilson, De Aristotleles a Darwin y vuelta, EUNS A, Pamplona 1978).

[4] St. Thomas Aquinas, De principiis naturae, ch.1.

[5] Since matter receives its being from the form, it is impossible for it to be without the form. If this dependence on the form were ignored, one would speak of an esse of matter distinct from the esse of the form. This led Scotus and Ockham to affirm that God can create matter without form. (Cf. Scotus, Opus Oxoniense, II, d.12, q.l, n.l; Ockham, Summula- in lib. Physic, I, ch.17). Suarez maintained the same idea (Cf. Disp Metaph., XV, sect. 9, n.3).

[6] St. Thomas Aquinas, De principiis naturae, ch.8.

[7] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I, q.77, a.6,c.