Siêu Hình Học Là Gì ?

0
15598


Lm. Nguyễn Đăng Tuệ

 

Khoa học và Triết học là hai ngành biệt lập, có đối tượng và phương pháp riêng. Bộ môn khoa học với các ngành như vật lý, sinh vật, địa chất… nhằm nghiên cứu những sự kiện (faits) và khám phá ra những định luật (lois) chi phối các sự kiện ấy. Dầu khoa học đã đạt tới những kết quả kỳ diệu, nhưng nó không thể thoả mãn hoàn toàn trí khôn con người. Còn biết bao vấn đề mà khoa học không thể trả lời; đúng hơn nằm ngoài phạm vi của nó. Ví dụ vấn đề gía trị của nhận thức, nhà khoa học sử dụng những nguyên lý căn bản của lý trí mà không phê bình; vấn đề bản chất của sự vật, nhà khoa học xem xét sự vật như những hiện tượng, nghĩa là như nó xuất hiện ra với chính mình chứ không đặt vấn đề về bản chất của nó; nhà toán học nói đến không gian mà không tìm hiểu không gian tự bản thân nó là gì; vấn đề nguyên lý đệ nhất của mọi vật hoặc vấn đề cứu cánh tối hậu của vạn vật…

Tất cả các vấn đề đó vượt quá phạm vi kinh nghiệm khả giác, nhưng được đặt ra một cách hợp lý đối với trí khôn con người. Đó là những vấn đề thuộc thuộc phạm vi của Siêu hình học. Vậy Siêu hình học là gì ?

I. ĐỊNH NGHĨA

1. Danh từ

Danh từ siêu hình học (métaphysique, metaphysica) dịch từ Hy ngữ Meta ta phusika. Từ này do Andronicos là người xuất bản các tác phẩm của Aristote ở thế kỷ I trước công nguyên đã dùng để gọi tên 14 cuốn sách nhỏ mà ông xếp sau những sách nói về vật lý. Meta ta phusika có nghĩa là những sách đến sau những sách vật lý. Tiếng Latin dịch là Metaphysica Aristotelis hay Libri metaphysicae. Thời kinh viện, các triết gia đã dành cho danh từ metaphysica một ý nghĩa triết học thay vì ý nghĩa thuần tuý lịch sử.

2. Siêu hình học là môn học về hữu thể

Theo nghĩa triết học, metaphysica không có nghĩa là cái đứng sau cái vật lý, cái hữu hình, khả giác, nhưng là cái ‘ở bên kia’, cái ‘vượt lên trên’ cái hữu hình, khả giác gọi là siêu hình.

Từ thời Aristote, Siêu hình học đã được định nghĩa là khoa học về hữu thể (Science de l’Eâtre), nên người ta thường gọi siêu hình học là Hữu thể học. Aristote còn gọi môn học này là triết học đệ nhất (Philosophie première), là khoa học thần linh (Science divine).
Ngày nay, nhiều người đưa ra những định nghĩa khác:

– Siêu hình học là nhận thức các sự vật trong tự thân của chúng, chứ không phải như chúng xuất hiện ra cho ta mà thôi.

– Siêu hình học là khoa học về những nguyên lý đệ nhất và nguyên nhân đệ nhất của mọi thực tại.

– Siêu hình học là phần thiết yếu của triết học liên quan đến những vấn đề về ý nghĩa cuộc nhân sinh. Định nghĩa này có tính hiện đại hơn cả. Trong các thế kỷ trước, siêu hình học nhằm giải thích toàn bộ thực tại, còn ngay nay siêu hình học tập trung vào ý nghĩa của cuộc sống.

3. Khoa học về các nguyên lý và nguyên nhân đệ nhất.

Tại sao Aristote đã đưa ra định nghĩa này ?

Đối với Aristote, ta chỉ có tri thức khoa học khi đạt tới các nguyên nhân và nguyên lý của sự vật. Hữu thể học được Aristote gọi là triết học đệ nhất vì nó tìm hiểu những nguyên lý và nguyên nhân đệ nhất, tối hậu của tư tưởng và của tất cả những cái gì có, trong lúc các ngành khoa học thì tìm hiểu các nguyên lý và nguyên nhân trực tiếp của một số lãnh vực nào đó của thực tại mà thôi. Đối tượng của hữu thể học bao quát nhất, căn bản nhất, còn đối tượng của ngành khoa học luôn luôn có giới hạn.

4. Môn học về các bản thể tách rời vật chất.

Bản thể tách rời vật chất được gọi là cái vô chất thể (immatériel). Tất cả mọi khoa học đều cần một trình độ tổng quát và trừu tượng nào đó; ví dụ toán học khi nói về đường thẳng; vật lý học khi nói về lực, về nhiệt… Nhờ phương pháp trừu tượng hoá (abstraction), nhà khoa học đạt tới những ý niệm tổng quát như : lực, nhiệt, kim loại, đường thẳng… bằng cách bỏ rơi (bằng trí khôn) những cái đặc thù, để chỉ giữ lại cái chung trong một loạt những sự vật cùng loại.

Trong các khoa học, đối tượng còn lệ thuộc ít nhiều vào vật chất. Ví dụ hữu thể lượng tính (ens quantum) của toán học hoặc hữu thể phẩm tính (ens quale) của vật lý. Còn trong siêu hình học thì đối tượng không hoàn toàn lệ thuộc vật chất nữa, hoặc vì nó hiện hữu không cần vật chất, v/d : Thiên Chúa, linh hồn thiêng liêng; hoặc vì trí khôn đã loại vật chất ra. Đối tượng cao nhất mà siêu hình học đạt tới là đệ nhất động cơ trong triết học của Aristote, hoặc là hữu thể vô cùng (être infini), nguyên nhân của tất cả mọi hữu thể. Chính vì thế mà Aristote gọi siêu hình học là khoa học thần linh (thần học).

5. Trừu tượng hoá hay vô chất hoá trong siêu hình học.

Một cách chung, trừu tượng hoá là bỏ rơi trong trí khôn những phẩm chất, những yếu tố đặc thù, cá biệt để giữ lại những gì chung cho nhiều sự vật; v/d: do trừu tượng hoá mà ta có những ý niệm  về người, ngựa, núi, cây, tam giác, nóng, lạnh…

Trừu tượng hoá có nhiều cấp độ tuỳ theo yếu tố chung mà nó giữ lại là tổng quát hơn hay kém. Chúng ta phân biệt ba loại trừu tượng hoá : vật lý, toán học và siêu hình

– Trừu tượng hoá vật lý : Gọi là trừu tượng hoá bậc nhất : bỏ rơi những phẩm tính (qualité) lệ thuộc không gian và thời gian để giữ lại vật chất khả giác; ví dụ : sức co gĩan (tính đàn hồi) của các vật bằng kim khí. Dĩ nhiên đặc tính này chỉ có trong những sự vật kim loại cụ thể, nhưng nhà vật lý học không cứu xét chúng theo phương diện chất thể của chúng. Vì thế khoa học có tính phổ quát.

– Trừu tượng hoá toán học : loại ra khỏi vật chất những phẩm tính khả giác nóng lạnh, chỉ giữ lại lượng tính, ví dụ : điểm, đường thẳng, tam giác…

– Trừu tượng hoá siêu hình. Gọi trừu tượng hoá siêu hình là trừu tượng hoá bậc ba, vượt lên hai loại trên : bỏ rơi mọi phẩm chất (vật chất khả giác) và lượng tính (vật chất khả niệm) mà chỉ giữ lại hữu thể tức cái gì sâu xa nhất, huyền nhiệm nhất của sự vật, cùng với những ý niệm liên hệ đến hữu thể. Theo Aristote, nghiên cứu về bản tính biệt lập là công việc của đệ nhất triết học. Ý tưởng về hữu thể là trừu tượng nhất, theo nghĩa là phổ quát nhất.

II. PHÂN LOẠI

Siêu hình học gồm có hai phần chính, tuỳ theo người ta xem xét hữu thể nói chung hoặc những hữu thể đặc thù :

1. Siêu hình học tổng quát (Métaphysique générale)

Là khoa học về hữu thể xét như là hữu thể (ens in quantum ens : être en tant qu’être). Vào thời Christian Wolff (triết gia Đức, tk 17), người ta đã sáng chế ra danh từ Ontologia (dựa theo từ Hy lạp : tò òv : hữu thể) để chỉ phần siêu hình học này. Đó chính là môn hữu thể học

2. Siêu hình học đặc thù (Métaphysique spéciale)

Nhằm nghiên cứu những cấp độ hữu thể khác nhau. Môn này gồm ba phần :

– Thượng đế học : hữu thể tối cao là Thượng đế

– Vũ trụ luận (Cosmologie rationnelle) : hữu thể vật chất

– Nhân loại học (anthropologie rationnelle) : hữu thể sống động là con người.

Từ thời E. Kant, người ta còn gắn vào siêu hình học phần khởi đầu là vấn đề giá trị của nhận thức : xem xét giá trị khách quan của lý trí.

III. PHƯƠNG PHÁP

1. Phương pháp thực nghiệm 

Phương pháp thực nghiệm gồm các yếu tố : quan sát – giả thuyết để giải thích – kiểm chứng bằng thí nghiệm.

Một khi giả thuyết được thí nghiệm xác nhận, nhà bác học có thể kết luận bằng cách đưa ra một định luật khoa học có tính chất phổ quát hơn những thí nghiệm đã làm. Từ thí nghiệm đặc thù đến kết luận phổ quát, nhà bác học đã dùng phương pháp quy nạp (Méthode indictive).

Phương pháp thực nghiệm không thích hợp với siêu hình học bởi vì đối tượng của siêu hình học không phải là sự vật khả giác. Dầu vậy, siêu hình học không khởi đầu từ những nguyên lý hay những ý tưởng bẩm sinh, nhưng từ những dữ kiện của kinh nghiệm để tiến tới cái nền tảng sâu xa của thực tại.

2. Phương pháp diễn dịch 

Ngược với quy nạp, phương pháp diễn dịch đi từ cái tổng quát đến cái đặc thù bao hàm trong cái tổng quát đó. Tiêu biểu nhất là toán học. Từ những nguyên lý nền tảng là định nghĩa, định lý, tiền đề, nhà toán học rút ra những hậu quả, xây dựng một công trình không cần quy chiếu về thực tại cụ thể.

Một số nhà triết học cũng đã áp dụng phương pháp này cho triết học của họ, chẳng hạn như Spinoza, Hegel, Hamelin… Họ xây dựng nền siêu hình học của mình trên những ý niệm thuần tuý thay vì trên chính thực tại mà triết gia đạt được trong kinh nghiệm.

Siêu hình học không thể sử dụng phương pháp diễn dịch tiên nghiệm đó. Nhưng tất nhiên nhà siêu hình học cũng dùng lý trí suy luận để rút ra những gì bao hàm trong kinh nghiệm khởi đầu ấy của mình.

3. Đâu là phương pháp của siêu hình học ?

Như vừa nói trên, siêu hình học vừa dựa trên kinh nghiệm, vừa dựa trên hoạt động của lý trí.

a. Dữ kiện khởi thủy

Một hệ thống siêu hình học khởi đi từ một trực giác thuần lý, như một tâm điểm, từ đó triết gia nhìn và giải quyết các sự kiện và thậm chí toàn bộ thực tại theo một hướng nhất định.

Ví dụ : Tôi tư duy vậy tôi hiện hữu (Descartes), cuộc cách mạng Copernic của Kant, thuyết tam trạng của Comte.

Chính cái trực giác khởi đầu ấy quy định toàn bộ hệ thống của một triết gia.

Trong trường hợp của hữu thể học, người ta có thể khởi đầu bằng bất cứ kinh nghiệm nào, bởi vì mọi kinh nghiệm của ta chung quy đều là một kinh nghiệm về hữu thể, tức về cái có. Chẳng hạn ta có thể khởi đi từ sự hiện hữu tại thế của ta (Présence-au-monde, Eââtre-au-monde).

Từ lúc tôi có ý thức về mình, tôi nhận thấy mình có mặt trong một vũ trụ, giữa những người khác mà tôi không chọn lựa. Tất cả các thực tại bao la ấy vượt lên tôi, nói cho tôi phát triển và hơn nữa góp phần tạo nên tôi. Sự hiện hữu tại thế của tôi giữa những hiện hữu, đó là dữ kiện khởi thuỷ mà trí khôn tôi suy tưởng.

Tôi nhìn cái bàn này, cái bảng kia, bàn tay của tôi… Những cái ấy có, chúng hiện hữu, chúng đều là hữu thể. Tôi không thể suy tưởng được gì nếu hoàn toàn không có gì, hoàn toàn là hư vô. Cả khi tôi phủ nhận cái gì, thì tôi cũng gián tiếp khẳng định có cái gì, bởi vì không thể có phủ định nếu không có gì để phủ định. Cả khi tôi phủ định tất cả thì vẫn còn có tôi để mà phủ dịnh. Vậy thì hữu thể, chứ không phải hư vô, là sự kiện nguyên thuỷ.

Khởi đầu của hữu thể học là khẳng định có cái gì đó (aliquid est). Câu hỏi căn bản là tại sao có cái gì chứ không phải là hư vô (Pourquoi y-a-t-il quelque chose plutôt que rien?)

b. Suy tư phản tỉnh

Phản tỉnh (réflexion) có nghĩa là suy nghĩ thấu đáo, khảo sát tường tận thay vì chỉ ghi nhận hay chỉ phê phán bộc phát hời hợt. Theo nghĩa hẹp, phản tỉnh là động tác của trí khôn hay của tư tưởng quay về trên chính mình để suy nghĩ về mình, về động tác của mình và nội dung của động tác đó. Ví dụ ta yêu, ta ghét, vui, buồn… suy tư phản tỉnh là ý thức của ta quay lại trên các kinh nghiệm tâm linh đó để phân tích, tìm hiểu,… Khả năng này loài vật không có được.

Chúng ta biết nhà siêu hình học khởi đi từ một kinh nghiệm cụ thể nội giới hay ngoại giới, rồi quay về để phân tích, đào sâu, khai quật những gì bao hàm bên trong, rồi đi cho tận ngọn nguồn gốc rễ. Theo nghĩa đó thì nhà siêu hình học cũng sử dụng một phần phương pháp diễn dịch, dĩ nhiên không phải diễn dịch tiên thiên.

– Gabriel Marcel thường quan sát, mô tả những kinh nghiệm sống động về tình yêu, hy vọng, lòng trung tín, … rồi đào sâu, đưa ra ánh sáng những chiều kích siêu hình hàm chứa trong đó.

– Môn vũ trụ học siêu hình (cosmologie rationelle) khởi đi từ việc quan sát các đặc tính chung nhất của các vật thể trong thế giới vật chất, như lượng tính (số lượng, trương độ, không gian, thời gian ) và các phẩm tính khả giác như màu sắc mùi vị … , từ đó nó tìm cách xác định đâu là bản chất sâu xa mà các đặc tính ấy biểu lộ hoặc đâu là những nguyên lý nội tại làm cho các vật thể ấy là vật thể ? Nhà vật lý thì nghiên cứu các cấu tố của vật thể như phân tử, nguyên tử, điện tử… Chẳng hạn khi ta quan sát và nhận thấy rằng các vật thể có tính đơn nhất. Ta tự hỏi đâu là yếu tố tạo nên tính đơn nhất đó. Nguyên lý túc lý đòi buộc phải có một nguyên nhân giải thích tính chất nói trên. Ta lý luận rằng yếu tố đơn nhất hoá không thể là vật chất sờ sờ trước mắt thuộc phạm vi hiện tượng; vậy thì nó phải là cái gì vô hình, siêu hiện tượng, và người ta gọi nó là mô thể bản thể (forme substantielle).

– Thương đế học. Ta quan sát thấy có những vật bất tất. Áp dụng nguyên lý nhân quả và nguyên tắc túc lý cho thấy vật bất tất đòi phải có một vật tất hữu. Vậy để giải thích vật bất tất mà ta kinh nghiệm, phải kết luận là có vật tất hữu không nằm cùng một bình diện với thế giới khả giác.

Kết luận : Những ví dụ trên cho thấy siêu hình học không lý luận viễn vông, nhưng bắt rễ trong thực tế và khởi đầu bằng kinh nghiệm. Nhưng kinh nghiệm chỉ là bậc thang đầu. Chính lý trí với những đòi hỏi chính đáng của nó sẽ đi xa hơn để tìm hiểu những nguyên lý sâu xa giải thích sự hiện hữu của những sự vật nơi thế giới hữu hình.

IV. LỊCH SỬ SIÊU HÌNH HỌC

1. Giai đoạn I

Từ thời Thượng cổ, các triết gia đã trực giác được tính duy nhất của thực tại dưới muôn hình vạn trạng : tất cả chỉ là một, và họ mải miết đi tìm hiểu tính duy nhất đó. Do đâu mà có tính duy nhất của các thực tại ? Tư tưởng siêu hình phát sinh từ câu hỏi này. 

Trong Triết học Tây phương, vào thế kỷ VI tcn, những triết gia Hy lạp vùng Ionie, là những người đầu tiên say mê đi tìm thực tại căn bản uyên nguyên của vạn vật.

Thalès cho đó là nước, hình ảnh nói lên cái uyên nguyên của vạn vật. Theo ông, tất cả đầy thần linh, nghĩa là vạn vật có một sức sinh hoá không ngừng.

Héraclite gọi là lửa. Lửa tượng trưng cho sự linh hoạt biến dịch không ngừng, nói lên tính chất động của vạn vật : Tất cả đều biến dịch (không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông). Sự tương tranh là cha sinh vạn vật (biện chứng).

Những tư tưởng siêu hình trên đây còn mang bộ mặt vật lý.

Cuối thế kỷ VI, Pythagore và trường phái ở Ý chủ trương bản chất của vạn vật là lượng số : vũ trụ này là kết quả của sự hoà hợp giữa các lượng số. Vật lý học hiện đại diễn tả thực tại vật chất bằng những công thức toán học, cho thấy trực giác của Pythagore rất sâu xa.

Đồng thời với Pythagore, Parménide nhận ra tính cách tuyệt đối của hữu thể. Lần đầu tiên tư tưởng triết học mang tính chất siêu hình thực sự. Oâng nhận thấy sự khác biệt sâu xa giữa hai loại nhận thức : nhận thức bằng trí khôn và bằng giác quan. Trước bất cứ dữ kiện nào, nếu ta tư duy bằng trí tuệ, ta sẽ thấy nó là hữu thể. Mọi sự đa tạp biến mất để chỉ còn lại hữu thể. Hữu thể không đối lập với cái gì, hữu thể luôn đồng nhất và bất biến; biến dịch chỉ là ảo ảnh. Người ta cho Parménide là nhà sáng lập thuyết nhất nguyên tuyệt đối (monisme absolu).

Thế kỷ V, Leucipe và Démocrite sáng lập chủ nghĩa nguyên tử (atomisme). Đây là một nổ lực dung hoà giữa Héraclite và Parménide. Thực tại được cấu tạo bởi những yếu tố đồng loại, không thể phân chia và vĩnh cữu ; đó là nguyên tử. Các nguyên tử chuyển động không ngừng và do những hình thức kết hợp khác nhau mà làm nên mọi sự vật.

Anaxagore tiến xa hơn khi cho rằng nguyên lý tổ chức các nguyên tử là một Trí tuệ vô chất và vĩnh cữu.

Những cố gắng của các triết gia đi trước bị nhóm ngụy biện (Sophiste) làm tiêu tan trong thuyết hoài nghi, hoặc thuyết tương đối của họ.

Socrate xuất hiện trả lại gía trị cho những suy tư triết học. Nhưng tư tưởng của ông thiên về luân lý đạo đức hơn là siêu hình, dọn đường cho Platon và Aristote.

Tư tưởng của Platon bắt đầu bằng sự ghi nhận một đàng cảm giác thì chủ quan và hay thay đổi, đàng khác tư tưởng thì chắc chắn, không thay đổi. Nhận thức bao giờ cũng có một nội dung, một đối tượng. Biết là biết một cái gì. Ai cũng đồng ý có một chân lý bất biến. Vì chân lý không thay đổi, cho nên biết đích thực là biết cái gì đó cũng không thay đổi. Làm sao ta có thể tư tưởng được nếu không có một thế giới khả niệm vượt trên thế giới khả giác ? Đó mới là thế giới đích thực, bất biến, vĩnh cửu. Platon gọi đó là thế giới của các Ý tưởng. Các Ý tưởng liên hệ với nhau theo một trật tự mà trên hết là sự Thiện (Le Bien). Thiện Hảo là lý do tồn tại và nguyên nhân tối cao của các ý tưởng. Thế giới khả giác chỉ là cái bóng của thế giới các Ý tưởng (huyền thoại cái hang). Chính các Ý tưởng là mô hình, điển hình mà các sự vật khả giác tham dự vào.

Platon đã cố gắng hoà hợp hai thực tế mâu thuẩn là thế giới khả giác và thế giới các Ý tưởng. Ông cố gắng dung hoà Héraclite (biến dịch) và Parménide(tất cả chỉ là hữu thể duy nhất bất biến). Nhưng thuyết của Platon chỉ là một thuyết nhị nguyên siêu hình mà về cuối đời ông hồ nghi.

Aristote đề nghị một giải thích khác. Cái mà Platon gọi là Ý tưởng và đặt vào thế giới siêu việt, thì Aristote gọi là “mô thể” và đưa ngay vào trong sự vật khả giác. Nhờ lý thuyết về mô thể, Aristote xây dựng một hệ thống siêu hình học rất phong phú. Những ý niệm do ông phát minh, như tính loại suy của ý niệm hữu thể, hiện thể, tiềm thể, khả hể, các loại nguyên nhân… có tầm quan trọng quyết định trong sự phát triển của triết học và có ảnh hưởng lớn trong thần học công giáo.

Nhưng siêu hình học của Aristote vẫn thiếu sót vì ông không tìm ra căn nguyên làm cho thực tại thống nhất. Đối với ông, vũ trụ này có một nguyên nhân tối cao, đó là Đệ nhất Động cơ (Premier Moteur); nhưng Đệ nhất Động cơ không phải là nguồn sáng tạo của vạn vật và không giải thích trật tự phổ quát của thế giới, mà chỉ giải thích sự chuyển động của vũ trụ. Vì thế, siêu hình học của Aristote cũng chỉ là một siêu hình học về chuyển động chứ chưa phải là siêu hình học về hữu thể.

Aristote cho rằng có ba loại hữu thể có từ muôn đời :

– Các bản thể vô chất, bất biến, biệt lập với thế giới khả giác.

– Các thiên thể, khả giác bất diệt

– Chất thể của các vật thể dứơi thế, khả giác khả diệt.

2. Giai đoạn II

Những thế kỷ đi liền trước kỷ nguyên Kitô giáo đánh dấu sự hưng thịnh của chủ nghĩa Duy vật, chủ nghĩa Khắc kỷ (stoicisme), chủ nghĩa Khoái lạc (Epicurisme), chủ nghĩa Nguyên tử của Democrite. Nhưng sau đó siêu hình học lại được thịnh vượng với chủ nghĩa Tân Platon (néo-platonisme) của Plotin và hai môn đệ nổi danh là Porphyre và Proclus.

Plotin suy nghĩ lại tư tưởng của Platon, dựa vào sự đóng góp của các triết gia mới và đặc biệt của Kitô giáo. Ông cắt nghĩa thực tại như sau : Trước hết là Nhất thể (L’Un) siêu việt và vô cùng. Nhất thể sinh ra Trí Tuệ vô cùng (Intelligence hay Logos). Chính trí tuệ là nguyên lý của thế giới các Ý tưởng. Trí tuệ sinh ra Hồn vũ trụ (Âme du monde) làm nguyên lý của mọi linh hồn. Nhất thể, Trí tuệ và Hồn vũ trụ tạo nên thế giới thần linh. Vật chất là do Hồn vũ trụ mà  có.

Thuyết Plotin nghiêng về chủ nghĩa Phiếm thần (panthéisme) : vận vật lưu xuất từ Nhất Thể. Con người có thể trực giác được Nhất Thể và kết hợp với Nhất thể.  Ảnh hưởng của ông rất lớn ngay trong thế giới Kitô giáo (đối với Augustin, Jean Scot Erigène) và thế giới Ả rập (Avicenne, Avicebron).

Phải đợi đến Tôma mới có một tổng hợp triết học xứng đáng. Tôma đã làm cho thới Trung cổ điều mà Aristote đã làm cho thế giơí Hy lạp xưa. Tôma suy nghĩ lại để sử dụng trong tổng hợp của mình nền triết học Aristote, Tân Platon, Triết học Ả rập và lẽ tất nhiên chịu ảnh hưởng của Kitô giáo.

3. Giai đoạn III

Thế kỷ XIII là cao điểm của triết học Kinh viện. Sau đó bắt đầu thời kỳ suy tàn, siêu hình học rơi vào tình trạng xuống dốc trầm trọng với sự phát triển mau lẹ của thuyết Duy Danh (Nominalisme) vào thế kỷ XIV.

Thuyết Duy Danh đưa tới thuyết Duy Nghiệm và thuyết Bất Khả Tri. Trước đó Aristote hoặc Tôma cho rằng các ý tưởng giúp ta biết thật các sự vật, dù không trọn vẹn, các nhà Duy Danh coi các ý tưởng chỉ là những dấu hiệu hay những từ ngữ suông. Trí khôn ta không thể biết chính yếu tính của sự vật. Thuyết Duy Danh lơ là siêu hình học chỉ chú trọng Luận lý học.

Dòng tư tưởng duy nghiệm phát sinh từ Anh với những nhà đại diện J. Locke, G. Berkeley, J.S Mill, Ch. Darwin; ở Pháp với Voltaire, Diderot; ở Mỹ với W.James. Phái duy nghiệm luôn chống đối siêu hình học.

Thế kỷ XVII, Descartes mở đầu thuyết duy lý hiện đại, là một phản ứng chống lại duy nghiệm và hệ luận của duy nghiệm là thuyết Bất khả tri. Triết duy lý của Descartes xây dựng trên nền tri thức luận có tính duy tâm. Theo ông, các ý tưởng siêu hình là những ý tưởng bẩm sinh, rõ ràng, phân minh. Chúng cho ta biết bản chất của thực tại. Ý tưởng thứ nhất là ý tưởng về hữu thể hoàn hảo vô cùng. Ý tưởng đó bảo đảm rằng hữu thể ấy có thực bởi vì nó thiết yếu bao hàm sự hiện hữu. Thiên Chúa là hữu thể tuyệt đối, tự hữu (causa sui), là chân lý vĩnh cửu và bất di bất dịch, làm nền tảng và bảo đảm cho chân lý của các ý tưởng. Hai ý tưởng khác chi phối toàn bộ siêu hình học của Descartes đó là : ý tưởng về cái tôi tư duy (Cogito) và về trương độ tức bản thể của sự vật có hình thể (être corporel). Toàn bộ thế giới vật chất và tinh thần phối hợp giữa hai ý tưởng này. Nhưng tự thân đó là hai ý tưởng đối nghịch nhau, nên hệ thống tư tưởng của Descartes là một hệ thống nhị nguyên.

Từ chủ thuyết của Descartes phát sinh những dòng tư tưởng khác biệt nhau :

– Malebranche nhấn mạnh học thuyết Augustin nơi Descartes và chủ trương thuyết duy hữu thể (Ontologisme). Ông cho rằng trí khôn con người có trực giác về các ý tưởng của Thiên Chúa hoặc về bản tính của Thiên chúa, xét như là kiểu mẫu cho các thụ tạo tham dự vào. Tư tưởng sáng tạo của Thiên Chúa là mẫu mực trực tiếp và là bảo đảm cho tư tưởng của ta. Về hành động cũng vậy :vì hành động thuộc về hữu thể, nên chỉ có Thiên Chúa mới tạo nên hành động được, còn tạo vật chỉ là cơ hội cho Thiên Chúa là nguyên nhân tác thành hành động.
 

– Spinoza là nhà duy lý quyết liệt và chủ trương một siêu hình học phiếm thần, cho rằng tất cả mọi sự đều là những phẩm tính của Thiên Chúa xuất hiện dưới những hình thái hữu hạn

– Leibnitz thì cho rằng mỗi vật là một bản thể toàn vẹn được Thiên Chúa dựng nên. Mỗi sự vật là một tiểu thế giới trong đó phản ảnh mọi sự hoàn thiện của Thiên chúa theo những mức độ khác nhau. Giữa các thế giới nhỏ này, Thiên chúa đa 4định sẵn một sự hoà hợp kỳ diệu.

– E. Kant tuy cũng là nhà duy lý nhưng xây dựng một triết học khác. Ông muốn vượt qua thuyết Duy nghiệm cũng như duy lý giáo điều, bằng cách phê bình những kảh năng của lý trí và cho biết trong những điều kiện nào thì có một nhận thức khoa học đích thực. Theo Kant, trí khôn chỉ có khả năng biết được những hiện tượng, còn thực tại sâu xa bên kia các hiện tượng thì không biết được. Nhưng đó là đối tượng của siêu hình học. Do đó với trí khôn thuần tuý ta không thể biết gì về các thực tại như Thiên chúa, linh hồn, tự do. Với lý trí thực tiễn trong đời sống luân lý, ta phải nhìn nhận các thực tại ấy những những hệ luận.

– Học thuyết của Kant đẩy thuyết duy lý tới cùng, xoá bỏ sự vật tại thân (en soi) và lấy trí khôn làm chủ thể sáng tạo nên chính đối tượng cho mình : đó là thuyết duy tâm siêu nghiệm (idéalisme transcendantal). Tư tưởng và hữu thể thì đồng nhất với nhau. Tư tưởng con người gắn liền với tư tưởng tuyệt đối, do đó nó có thể ý thức về hoạt động của chính tư tưởng tuyệt đối sáng tạo vũ trụ.

– Fichte, Schelling và Hegel, mỗi người một cách đều chủ trương học thuyết tổng quát này.

– Thế kỷ XVIII-XIX các tiến bộ của khoa học đa 4làm nảy sinh ra chủ nghĩa khoa học, coi khoa học là vạn năng và là nguồn chân lý duy nhất. Đây là thời kỳ siêu hình học hầu như bị dẹp bỏ hoàn toàn.

– Vào cuối thế kỷ XIX. Đức Giáo hoàng Léo XII trong thông điệp Aeterni Patris cổ võ việc phục hưng học thuyết Tôma. Tân học thuyết Tôma chủ trương xây dựng một thuyết duy thực siêu hình (réalisme métaphysique) lấy lại những gì chính đáng trong học thuyết duy nghiệm (sự cần thiết của kinh nghiệm khả giác và tâm linh) và trong thuyết duy tâm (vai trò chủ động của trí tuệ trong nhận thức).

– Khoảng giữa thế kỷ XX phái tân duy kiện (néo-positivisme) và phân tích ngôn ngữ hoàn toàn phủ nhận mọi nhận thức siêu hình. Thế nhưng bên cạnh đó người ta lại thấy rộ lên tư tưởng siêu hình ở Tây phương với Bergson, Blondel, Sartre, Heidegger, Jaspers, G. Marcel…). Siêu hình học không nhằm giải thích vũ trụ như xưa, nhưng hướng về con người và ý nghĩa cuộc đời. Chiến tranh lần thứ nhất chấm dứt thái độ lạc quan của chủ nghĩa khoa học. Đến chiến tranh lần thứ hai thì con người bị mất phương hướng và quay trở về với thân phận bi đát của mình (thuyết hiện sinh).

Cái nhìn chung lịch sử trên đây chỉ có mục đích cho thấy những thăng trầm của bộ môn về hữu thể và những thái độ chính đối với môn học này. Các thái độ đó luôn được chi phối bởi quan niệm về tri thức. Còn việc gỉai quyết vấn đề căn bản của siêu hình học, tức vấn đề giải thích bản chất của sự vật thì đi theo hai hướng chính : hữu thần hoặc phiếm thần tuỳ theo chỗ người ta quan niệm tuyệt đối thể là siêu việt hay nội tại trong thế giới.