Quan Niệm Về Con Người Theo Karl Jaspers

0
4809


 

QUAN NIỆM VỀ CON NGƯỜI THEO KARL JASPERS

 

Tổng hợp: Giuse Phạm Kim Lâm, OP.

 

 

I. Con người – hữu thể bản ngã

1. Quan niệm về hiện sinh

Jaspers cho rằng triết học phải nghiên cứu con người với tư cách là hiện sinh. Hiện sinh rất khác với sinh tồn và chủ nghĩa sinh tồn. Sinh tồn như một thực vật bám chặt vào đất hay như con người chỉ ao ước sống cuộc đời thoải mái, chạy theo những thú vui “rẻ tiền”. Hiện sinh là lúc con người biết ý thức mình sống để làm gì, biết ý thức sâu xa mình là một chủ thể, sống để thể hiện cái định mệnh cao quý và độc đáo của mình, không sống để mà sống. Người hiện sinh luôn biết rõ những khả năng cũng như hạn chế của mình.

Với Jaspers, hiện sinh bắt đầu xuất hiện khi con người ý thức sâu xa rằng mình là một chủ thể, tức là chủ động tạo lấy nhân cách và bản lĩnh của mình. Ở đây, khoa học thực nghiệm hoàn toàn bất lực, vì hiện sinh là một thực tại tinh thần, nên không một máy móc, một công thức nào có thể diễn tả được. Jaspers gọi đây là hiện sinh khả hữu (existence possible) để nói lên vai trò chủ động trong việc xây dựng nhân cách và định mệnh của tôi: Tôi chỉ là cái Tôi do chính tôi tạo nên và tôi chỉ tạo nên cái Tôi trung thực mà thôi, đó là cái Tôi đang trở thành con người trung thực mà bạn và tôi vẫn đang mang sẵn trong người. Trên phương diện hiện sinh, con người tự nhận mình là một chủ thể tự do.

Với tư cách là hiện sinh, tôi là duy nhất không lặp lại. Vì vậy, hiện sinh không bao giờ trở thành đối tượng, đó là nguồn gốc suy nghĩ và hành động của tôi mà hiện nay tôi đang nói về quá trình suy nghĩ. Đó là nơi không có sự nhận thức nào. Hiện sinh là cái quan hệ với chính mình, nhờ đó mà quan hệ với siêu nghiệm của mình[1].

Hiện sinh còn là phần bí ẩn nhất, sâu kín nhất của mỗi cá nhân. Con người luôn lớn hơn những gì anh ta có thể biết về mình. Hiện sinh chính là nguồn gốc suy nghĩ và mọi quyết định của tôi. Hiện sinh của mỗi người như một cái gì đó hết sức độc đáo, không thể nhận thức mà chỉ có thể tiếp cận thông qua sự “minh giải hiện sinh” hay “sáng tỏ hiện sinh” ở những tình huống đặc biệt – tình huống giới hạn. Tình huống giới hạn mà Jaspers nhắc tới là những tình huống đặc biệt hầu như con người khó có thể có sự lựa chọn như: sự cô đơn, sợ hãi, sự đau khổ, tội lỗi, … và đặc biệt là cái chết.

Sau cùng, hiện sinh tự do nhưng không cô lập như với Kierkegaard, mà thiết yếu liên hệ với người khác và thông cảm được với họ vì họ cũng là những con người tự do, cá biệt, độc đáo và duy nhất cũng sống trong những hoàn cảnh và sử tính như vậy.

2. Tự do tính

Theo Jaspers, không phải bất cứ con người nào, bất cứ ai cũng có thể vươn tới cấp độ hiện sinh nhân vị. Từ cấp độ sự vật đến cấp độ hiện sinh, con người luôn cần đến một bước nhảy, một sự vượt bỏ. Đối với ông, con người tuy được sinh ra làm người, nhưng do chưa thực sự vươn tới mức hiện sinh, nên họ vẫn sống chỉ như cây cỏ, cầm thú, sống vô ý thức, vô trách nhiệm, sống nô lệ cho dư luận… và do vậy, họ chỉ như những đơn vị người, chứ chưa phải là những nhân vị tự do và đạt được tự do.

Với ông, tự do là hành động xuất phát tự trong tâm khảm của ta, “nhân vị tự do thì ý thức về quyền tự do của mình, đồng thời cũng ý thức sâu xa về trách nhiệm làm người của mình. Người tự do và tự chủ phải biết hoàn toàn nắm lấy trong tay tất cả ý nghĩa của cuộc nhân sinh của mình, cho nên người đó phải tự quyết về mình”[2]. Đây thực sự là nghĩa sâu xa của hiện sinh và cũng là đặc tính của hiện sinh.

Con người khác với con vật ở chỗ có tự do. Chính sự tự do ấy sẽ là cơ hội để con người thực hiện những khả năng hiện hữu đích thực của mình. Và cùng với tự do, theo Jaspers con người đã được Thiên Chúa ban cho họ quyền sử dụng cuộc đời của bản thân mình như một chất liệu để thực hiện được hiện sinh đích thực của họ (nghĩa là, quyền tự quyết định số phận của mỗi cá nhân). Do đó, con người không thể trôi dạt trong tự nhiên mà phải được hướng dẫn vì họ có tự do.

Tự do là đặc tính của hiện sinh, nói cách khác Jaspers đồng nhất hiện sinh như là nguyên tính với tự do. Jaspers nói: “tự do là đặc tính của hiện sinh vì, tự do là cái chúng ta có thể chứng nghiệm và không thể giải nghĩa cho người chưa tự do. Nói cách khác, cũng như từ sinh tồn lên tới hiện sinh, có một cái nhảy, nghĩa là có một sự vượt bậc; cũng một lẽ, từ chỗ có quan niệm về tự do đến chỗ thấu hiểu thế nào là tự do, cũng có một cái nhảy, một sự vượt bậc[3].

Jaspers đã xem câu hỏi tự do là gì là một câu hỏi ngây ngô. Tuy nhiên, nếu không có một định nghĩa về tự do thì làm sao hiểu thế nào là tự do? Để giải thích thế nào là tự do, Jaspers đã sử dụng phương pháp của hiện sinh, ông gọi là “soi vào hiện sinh” nghĩa là quan sát từng bước đi của hiện sinh, cũng như soi vào một người đi trong bóng tối để xem họ đi thế nào, nói đúng hơn, ta soi vào họ để giúp họ tìm ra đường mà đi. Soi vào hiện sinh là cố gắng tìm ra một triết lý nhân sinh[4].

Tuy nhiên, theo Jaspers tự do của con người không phải tự do một cách thái quá, phóng túng. Con người chỉ tự do thực sự khi và chỉ khi nó ý thức sâu xa về tính chất giới hạn của tự do hiện sinh: Tự do của hiện sinh trước hết là một tự do bị giới hạn, và bị quy định. Bởi lẽ, chính thân xác cũng bị quy định bởi sức khỏe, bởi sức chịu đựng; bị giới hạn bởi khả năng suy nghĩ, nhớ có hạn, chú ý có hạn, bởi hoàn cảnh… Vì thế, Jaspers khẳng định: “Tự do của con người không thể có khi thiếu ý thức về sự kiện bị giới hạn của hiện sinh”[5].

Jaspers cho rằng, con người càng tự do thì nó càng nhận thấy mình thực sự nhận được sự hướng dẫn của Thiên Chúa, của siêu việt, bởi con người luôn tin rằng cái tự do ấy không tự nhiên mà có, mà đó chính là một sản phẩm do siêu việt ban tặng cho con người, là tiêu chuẩn để con người hiểu mình hơn, hiểu sự hiện sinh Người của mình hơn. Do vậy, với con người thì sự tồn tại, tự do cũng có nghĩa là Chúa dẫn dắt sự tự do ấy. Một khi con người đã nhận thấy những bế tắc của kiến thức khoa học về con người, thì đó cũng là lúc nó đủ sáng suốt tự ủy thác cho một sức nhiệm mầu nào đó hướng dẫn mình bằng chính tự do của mình và khi đó tự do ấy quy hướng về Thiên Chúa. Càng tự do thật sự con người càng tin có Thiên Chúa. Vì khi tự do thật sự ta mới chắc chắn ta không tự do mà có[6].

Như vậy, có thể nói, tự do hiện sinh của Jaspers khác với tự do sinh tồn, tự do bừa bãi; khác với tự do tiêu cực của những kẻ yếu hèn. Tự do hiện sinh là trách nhiệm và lo âu của con người tự giác và dám tự quyết. Nhân vị tự do là ý thức về quyền tự do của mình, đồng thời cũng ý thức sâu xa về trách nhiệm làm người của mình. Nhưng, rốt cuộc, tự do theo quan điểm của Jaspers vẫn chỉ là tự do theo chân Chúa. Chính ông đã lập luận: Con người không tự sáng tạo nên mình và do vậy, tự do của con người là một tặng phẩm do Chúa ban cho, tự do của con người không phải là sự tuyệt đối, mà là một khả năng hữu hạn, một tự do hữu hạn vì chính con người là hữu hạn. Hữu hạn tính của con người không khép kín lại như nơi con vật.

Jaspers coi tự do là chính hiện sinh: “khi tự quyết, tôi đã thực sự nghiệm thấy sự tự do của tôi: tôi không quyết định về một sự vật nào hết, nhưng quyết định về chính mình tôi. Tôi hoàn toàn là tôi trong sự quyết định đó. Cho nên tự do đồng nghĩa với tự chọn.”[7] Nói cách khác, muốn tự do phải lựa chọn nhưng đây không phải là lực chọn phóng đáng, vô lối mà là sự lựa chọn gán với trách nhiệm và có sự soi sáng của lương tâm (tính thánh thiện, trong sáng vốn có của con người). Lương tâm chỉ “gào thét”, kêu gọi trong những hoàn cảnh đặc biệt khi con người đối diện với đau khổ, cô đơn, sợ hãi, sự chết …

3. Thông giao

Con người không thể đơn độc tiến tới hiện hữu. “Tôi chỉ sống khi sống với người khác. Một mình tôi không là gì cả”[8]. Hiện sinh là trở thành cái mình muốn bằng con đường tự chọn. Nhưng sự trở thành không bao giờ có, nếu không có sự hiện hữu của tha hữu, tôi sẽ không là gì cả, nếu tôi chỉ là tôi. Tôi cũng chỉ có thể thực hiện viên mãn hiện hữu của tôi bằng cách thực hiện nó trong tương quan với người khác. Tắt một lời, không ai có thể sống một mình, do đó không ai được sống cho mình, nhưng tất cả là sống với tha nhân và vì thế, cũng phải sống cho tha nhân, đó là sống mối tương quan bằng hữu, huynh đệ. Theo Jaspers, thông giao là điều kiện của hiện sinh, thiếu thông giao đích thực thì không thể có hiện sinh đích thực và thông giao với tha nhân là khát vọng cuối cùng của triết học.

Nhìn vào xã hội, chúng ta thường thấy những hình thức giả tạo của thông giao. Trước hết là những xã hội trong đó mỗi người chỉ là đơn vị giống hệt những đơn vị khác; rồi cũng là hình ảnh những xã hội chưa trưởng thành, những xã hội bộ lạc chẳng hạn. Đặc tính của những xã hội này là: Mỗi người làm cái mà mọi người khác làm, tin những điều mà mọi người đều tin, suy tưởng đúng như mọi người cùng suy tưởng. Như thế làm gì có thông giao? Mỗi người có chi để thông cho người khác đâu? Mà làm gì có con người trong những xã hội đó? Những người sống trong các loại xã hội đó được coi như những đơn vị, và thực ra chỉ là những sự vật: hai người đặt gần nhau cũng như hai sự vật được kê sát nhau. Kế sát nhau nhưng không thông giao với nhau[9].

Hiện sinh là một độc đáo, riêng biệt nhưng không phải là cô độc. Hiện sinh tôi phải hoà hợp với các hiện sinh khác mà đồng thời tôi vẫn luôn là tôi. Nếu như hiện sinh độc đáo của tôi chỉ là một đơn vị (unité), để cạnh tranh một đơn vị khác, thì không có thông giao. Jaspers diễn tả thông giao là “hiện sinh với” (miteinandersein), hiện sinh với một hiện sinh khác. Cả hai đều đã vươn tới mức hiện sinh trung thực, tự do và độc đáo cả; cả hai đều là những hiện sinh không thể thay thế được[10].

Sự thông giao cá sinh mà ông đề cập tới thì khác hẳn với cuộc cạnh tranh sinh tồn mà Sartre diễn tả. Jaspers đã biểu thị tính chất của nó như một “cuộc chiến đấu yêu thương” trong đó mỗi người tìm cách không phải để bắt nhau luỵ thuộc vào nhau hay là đồng hoá nhau, nuốt chửng nhau, nhưng là để chinh phục một cuộc sống đích thực cho mình. Sự đòi hỏi cá sinh được phát biểu như sau: “đừng theo tôi, anh hãy tự theo anh”. Jaspers nói rằng: “chính vì Nietzsche đã không nhắm hữu thể của tha nhân như trên, nên dù ông có muốn thông cảm thế nào chăng nữa, không bao giờ ông đặt được thông cảm thực sự.” [11]

Paul Ricoer nói: “Nếu tha nhân vâng phục tôi, nếu tha nhân chỉ là tiếng vọng của tôi, thì tôi không thể trở thành tôi trung thực được. Cần tha nhân phải là nhân vị thực thụ, tự do và đầy tư cách, thì tôi mới là tôi đích thực và sự thông giao mới có được” như thế có nghĩa là: chỉ có thông giao giữa những con người biết sống theo hiện sinh trung thực, những con người biết trọng nhân cách của tha nhân.

Theo ý này, Jaspers cho rằng những kẻ khinh người và độc tài là những kẻ tự khinh mình. Những hạng đó tỏ ra chưa vươn tới bình diện của nhân vị hiện sinh; họ coi tha nhân là sự vật, không đáng cùng họ đối thoại, cho nên họ cư xử đối với tha nhân như cư xử với sự vật; tuy nhiên, họ không ý thức rằng làm như vậy họ đã từ chối thông giao: bị coi như sự vật, tha nhân cũng lì ra như sự vật cho họ coi, và như vậy họ càng bị cô đơn[12].

Chúa Giêsu đã nói: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên.”(Lc 12,49) Đúng thế, chân lý đích thực sẽ phân tách con người. Không thể có sự yêu thương mà trong đó vẫn còn sự vị nể, không dám đối diện với chân lý. Jaspers cũng đã xác định sự thông giao như thế, thông giao không cho phép một trong hai người, hoặc cả hai người thoái vị làm người hiện sinh. Nhường nhịn chưa phải là thông giao; nhường nhịn thụ động còn là phản thông giao nữa, vì người nhường nhịn đã tỏ ra tiêu cực, và người được nhường nhịn chỉ đối diện với một cái không, một thái độ vắng mặt của người kia[13].

Chúng ta không làm triết lý trong cô lập mà trong sự cảm thông. Là một khởi điểm nó cần thiết cho chúng ta cư xử như là người với người, như là một cá thể với một cá thể. Không thể triết lý nếu không có cảm thông và một tư tưởng được coi là chân thật trên phương diện triết học khi nào nó giúp sự cảm thông đi đến chỗ toàn vẹn; chân lý triết học có căn nguyên và thực tại của nó trong cảm thông. Lý do thật là hiển nhiên, làm triết lý là một hành vi của hiện hữu, mà hành vi đó lại bắt rễ trong cảm thông. Bởi thế, không có hệ thống triết học nào đứng lên như một chân lý cứu cánh, vì ngay cả hệ thống chân lý cũng chỉ đang tự thể hiện châm chạp qua tiến trình tự thành và không thể được chu toàn cho đến ngày chót hết khi mà thời gian và tiến hành dừng lại [14].

4. Cảnh huống giới hạn

Như ở trên đã trình bày những tình huống giới hạn của con người là cô đơn, sợ hãi, tội lỗi, đau khổ và đặc biệt là cái chết. Jaspers cho rằng con người cần đối mặt với những tình huống giới hạn với đôi mắt mở to, thì mới có thể hiểu bản thân mình và vươn tới siêu nghiệm. Siêu nghiệm, theo Jaspers là cái vượt lên trên cả lý tính và lý trí của con người. Jaspers cho rằng siêu nghiệm (Thiên Chúa) vừa khả nghiệm vừa bất khả nghiệm. Con người không có khả năng bắt gặp siêu nghiệm (Thiên Chúa – Thượng Đế) một cách rõ ràng và phân minh giống như mọi đối tượng khác trong thế giới. Con người chỉ có thể bắt gặp siêu nghiệm trong suy tư hiện sinh.

Khi con người đối diện với những tình huống giới hạn thì chắc chắn con người sẽ trải qua những khủng hoảng cả về thể chất lẫn tinh thần. Sau những khoảng thời gian khủng hoảng như thế, con người sẽ dần hồi tâm và sẽ hiểu mình là ai, hiểu được cái mỏng manh, cái giới hạn của thân phận con người là chi.

Giới hạn về đau khổ luôn khiến con người phải khiếp sợ và dùng mọi cách thức có thể để tránh đau khổ nhưng thân phận làm người của chúng ta lại không bao giờ cho phép ta thoát đau khổ. Đau khổ đó có thể là sinh lý, tinh thần; đau khổ của bản thân ta, của thân nhân, đau khổ của nhân loại. Kinh nghiệm hằng ngày cho ta thấy, nhiều khi ta có thể chịu đựng được những đau khổ của bản thân mình nhưng không thể nào chịu nổi khi nhìn người thân yêu giẫy giụa trong bệnh tật và buồn tủi. Trong những hoàn cảnh đó chúng ta hoàn toàn bất lực, mọi lời biện hộ trở nên vô nghĩa.

Khi vấp vào mũi nhọn của đau khổ, con người thường có hai thái độ: thái độ phản kháng điên cuồng và thái độ suy tư trầm ngâm. Kẻ phản kháng điên cuồng kêu lên như Nietzsche rằng không có Thượng Đế, đây là một thái độ tiêu cực và nghĩ rằng đau khổ không có ý nghĩa gì. Thành thử chỉ có thái độ của những người suy nghĩ thận trọng mới đúng nẻo nhân sinh, vì những người suy tư trầm ngâm này coi đau khổ là giới hạn mà con người không thể vượt quá, càng muốn vượt qua thì càng va đầu vào giới hạn đó, cho đến khi con người tự nhận mình là hữu thể bị giới hạn bởi siêu việt. Việc nhận mình bị giới hạn bởi siêu việt không làm hạ giá hiện sinh trái lại nó làm nâng cao giá trị hiện sinh, đặt hiện sinh trực tiếp tương quan với siêu việt.

Giới hạn về đau khổ đã khủng khiếp là thế, thì giới hạn khi đối diện sự chết càng cay nghiệt hơn đành rằng kinh nghiệm đã không ngừng cho chúng ta biết người sinh ra để mà chết, người không sống mãi ở trần gian này. Biết vậy, nhưng khi thần chết đến, thì mấy ai lại không có thái độ van xin của lão tiều phu La Fontaine? Cái chết là một sự đe doạ tuyệt đối cho cuộc sống duy nghiệm của tôi, cái chết của tôi thực là một việc duy nhất mà không ai có thể làm thay tôi được[15].

Dù biết là con người thì phải chết nhưng tôi không xác định được giờ chết của tôi. Cái chết không đứng ở đoạn đường chót của cuộc đời tôi, nhưng nó hiện diện mỗi lúc trong cuộc sống của tôi, ngay trong lúc tôi đang sống cuộc sống này. Tôi cố tìm cách để quên nó đi, trốn chạy nó, hoặc lấy vui chơi giải trí hoặc tỏ thái độ lãnh đạm hoặc dùng các huyền thoại tôn giáo để hoá trang nó đi nhưng cái chết vẫn đến với tôi lúc nào mà tôi không biết[16]. Tuy nhiên, Karl Jaspers xác quyết đối với cuộc sống siêu việt thì cái chết đành bất lực. Và do đó, chết không phải là hết mà chết là một thách đố, là một thử thách chua xót nhất, đau thương nhất của hiện sinh. Ông quan niệm nếu càng đau khổ, càng bị thử thách, đời càng có ý nghĩa, thì chết phải là một cơ hội kết liễu, kiện toàn ý nghĩa của cuộc đời.

II. Con người tương quan với Siêu Việt

1. Con người tự do vươn tới Siêu Việt

Trước tiên ta phải hiểu siêu việt là gì theo quan điểm của Karl Jasper. Trong bộ danh từ của ông, chữ “siêu việt” được dùng một cách rất năng động. Siêu việt có thể là khi tôi vươn tới mức hiện sinh, bỏ được cách sống tầm thường của một người chỉ sống để mà sống như cầm thú, để từ nay sống như một nhân vị tự ý thức và tự trách nhiệm về mình. Hay vũ trụ cũng là siêu việt đối với tri thức của tôi, khi tôi tìm hiểu vũ trụ, tôi thấy rằng càng thấy càng biết nhiều về vũ trụ, tôi càng thấy vũ trụ bao la huyền nhiệm.

Theo Jasper nếu con người chỉ đơn thuần dừng lại ở quan niệm về tự do bản thân của mình không thì chưa đủ, con người chưa đạt được sự tự do đích thực. Do đó, để có được sự tự do trọn vẹn và đầy đủ con người phải hướng đến Siêu Việt (Thiên Chúa).

Coi sự siêu việt là đích hướng của hiện sinh, triết học hiện sinh của Jaspers đã hướng tới siêu việt như hướng về đích tối hậu của nó. Đây là phần đặc sắc nhưng cũng là phần khó hiểu nhất trong triết học Jaspers, khi mà ở đó, hiện sinh và siêu việt luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau tới mức, nếu không nắm được mối liên hệ này thì hiện sinh không còn đáng được coi là hiện sinh trung thực nữa. Trong mối tương quan này, Jaspers đã trình bày quan điểm của ông về thế giới, về hiện sinh.

Triết học Jaspers là sự kết hợp tinh tế và sâu sắc triết học Kierkegaard với triết học Nietzsche, cộng với một tinh thần năng động của truyền thống và hiện đại, nhưng lại khác với đường lối tiêu cực của Sartre. Trong triết học Jaspers, người ta nhận thấy tinh thần hiện sinh khá sâu sắc, khi ông tha thiết với tất cả mọi hình thái hiện sinh của con người trong không gian và thời gian. Và, khi bác bỏ những luận điểm về con người của Plato, Comte, Hegel, Nietzsche…, ông cho rằng, những quan niệm này nhất định sẽ đưa con người tới chỗ tự tôn mình làm Thượng đế và do vậy, sẽ đưa con người tới những cái điên rồ vô lý.[17]

Với quan niệm này, Jaspers đi tìm cái siêu việt qua chủ nghĩa vô thần và tôn giáo. Theo ông, cái vô thần và tôn giáo có thể tìm thấy bằng phương pháp “soi vào hiện sinh” để nhận ra hiện sinh trung thực qua những hình thức sinh hoạt được mệnh danh là tự do. Coi đây cũng là phương pháp “suy tư” để nhận định đâu là siêu việt đích thực, ông đã chỉ ra những khiếm khuyết của Nietzsche trong quan niệm về con người, khi đặt con người ngang hàng với Thượng đế. Theo Jaspers, con người là hữu hạn, con người không tự sáng tạo ra mình và do vậy, tự do của con người là một tặng phẩm do Thượng đế ban tặng. Tự do của con người là không tuyệt đối; nó chỉ là một tự do hữu hạn, vì bản tính con người là hữu hạn.

Với phương pháp “soi vào hiện sinh”, Jaspers đã vạch rõ, vô thần là con đường cùng (impasse), là giới hạn của hư vô, là lời cảnh báo, mách bảo chúng ta là không thể đo lường vô thần để đạt tới siêu việt. Và, khi sử dụng phương pháp “soi vào hiện sinh” để dõi theo sinh hoạt của con người tôn giáo, ông đã nhận ra ở đó những ưu điểm lớn, nhưng cũng cảnh báo những nguy hiểm mà các hình thức tôn giáo có thể mang lại cho hiện sinh. Ông phê phán tôn giáo và khước từ tôn giáo vì hai lẽ: Đức tin tôn giáo thường là sự yên nghỉ và đức tin tôn giáo có thể sinh ra mê tín. Theo ông, sự khiếp nhược và lười biếng đã sinh ra tôn giáo. Do vậy, khi “soi vào hiện sinh”, ông cho rằng, ít ra là ở điểm này, tôn giáo không đưa tới siêu việt, mà chỉ đưa tới những thần tượng, tức những siêu việt giả hiệu mà thôi. Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ vai trò của tôn giáo và không khước từ tôn giáo như đã khước từ vô thần: “Tôn giáo đã thực hiện tất cả những gì là lợi ích và vững bền trong lịch sử nhân loại”[18].

Với quan niệm như vậy về tôn giáo, Jaspers đặt câu hỏi: Vậy, có nên duy trì tôn giáo hay không, hay là bác bỏ nó như một quá trình mà nhân loại đã bước qua? Để trả lời câu hỏi này, ông đưa ra khái niệm “niềm tin triết học”. “Niềm tin triết học”, theo ông là một hình thức tín ngưỡng, là yếu tính của tương quan giữa ta và siêu việt. “Niềm tin triết học là niềm tin của con người vào những khả năng của mình. Niềm tin này nói lên tự do tính của con người”.[19] Quan niệm này cho thấy, với Jaspers thì niềm tin triết học không phải là tri thức, mà là vô thức, tức là một đức tin; nó không có mục đích thay thế đức tin tôn giáo, mà chỉ có ý nghĩa củng cố cho đức tin đó tự vượt lên chính mình; nó là “một hành vi hiện sinh, khi hiện sinh tự ý thức rằng mình sống trong tương quan với siêu việt, trong thực tại của siêu việt”.[20]

Jaspers không đưa ra một định nghĩa cụ thể về siêu việt. Ông mới chỉ cho chúng ta thấy mối tương quan giữa con người và siêu việt. Theo ông, con người không có khả năng bắt gặp siêu việt thể một cách rõ ràng và phân minh. Siêu việt chỉ là đối tượng của hiện sinh, nghĩa là kinh nghiệm sống, chứ không phải là đối tượng của tri thức. Do vậy, siêu việt thể vừa là khả nghiệm, vừa bất khả nghiệm; con người chỉ có thể bắt gặp Thượng đế trong sinh hoạt tinh thần, chứ không không thể bắt gặp Ngài trong những luận lý khách quan. Hơn nữa, con người cũng bất khả ngôn về vấn đề này, vì Thượng đế “vượt quá bình diện khả nghiệm”[21]. Và, với tư cách vừa là khả nghiệm, vừa là bất khả nghiệm, siêu việt chính là đối tượng của hiện sinh, tức là kinh nghiệm sống, chứ không phải là đối tượng của tri thức.

2. Con người tự do sống dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa

Chúng ta tin tưởng rằng: Thiên Chúa hướng dẫn ta. Nhưng trong thực tế làm thế nào lại như thế được, vì Thiên Chúa không hiện hữu trong trầng gian như một vật hữu hình và Ngài không hề hiện diện một cách minh bạch? Hay cho rằng: Thiên Chúa hướng dẫn con người đi nữa nhưng làm sao con người nhận ra được Thiên Chúa muốn gì? Con người có bắt gặp được Thiên Chúa bao giờ không? Và gặp gỡ làm sao?… Thánh Tôma cũng đã nói: “Con người chỉ biết có Thiên Chúa, còn không chỉ biết Ngài là gì”[22].

Như đã đề cập ở phần tự do tính, một khi con người nhận thấy những bế tắc của kiến thức khoa học về con người, thì đó cũng là lúc nó đủ sáng suốt tự ủy thác cho một sức nhiệm mầu nào đó hướng dẫn mình bằng chính tự do của mình và khi đó tự do ấy quy hướng về Thiên Chúa[23]. Đây chính là “niềm tin triết lý”, để từ đó lại đặt ra vấn đề là, làm thế nào để chúng ta nhận ra được siêu việt hiện hữu đang hướng dẫn chúng ta? Jaspers đã giải quyết vấn đề này bằng một ví dụ rất cụ thể như sau: “Mỗi ngày Kierkegaard đều phải tự vấn và phó thác mình cho Thiên Chúa hướng dẫn. Như vậy ông luôn luôn cảm thấy mình sống trong bàn tay Thiên Chúa… Nghĩa là Thiên Chúa hướng dẫn ông, nhưng không phải theo một lối hữu hình, cũng không phải bằng những mệnh lệnh hiển nhiên mà là bằng chính tự do của ông. Nên tự do ấy quyết định gì cũng đều quyết định trong sự liên hệ với căn cơ siêu việt”[24].

Như vậy, ở đây Jaspers đã cho chúng ta thấy, tự do của con người luôn được dẫn dắt bởi Chúa với tư cách “Siêu việt thể” bằng một đường lối khác hẳn đường lối của trần gian, nghĩa là bằng duy có tự do của ta”[25]. Rằng, Thiên Chúa hướng dẫn con người bằng chính phán đoán của con người về bản thân mình, về những lý do, những động lực thúc đẩy con người hành động, được tự do và thành thật tự vấn, tự phê phán mà trong các phán đoán ấy, con người gián tiếp nhận thấy sự phán đoán của Thiên Chúa – một phán đoán quan trọng, quyết liệt và không bao giờ nghe thấy trong trần gian. “Vì vậy tuy không phải hoàn toàn đúng y hệt, nhưng cũng có thể gọi sự giao dịch giữa Siêu việt thể và con người cũng là một sự giao dịch giữa nhân vị và nhân vị”[26], tức là con người xem mình với Thiên Chúa như một ngôi vị của sự kính trọng, đồng thời nâng mình lên cho xứng đáng với những gì Siêu việt thể đã ban tặng để có thể ứng xử và thông giao với Chúa.

 


[1] Nguyễn Vũ Hảo – Đỗ Minh Hợp, Giáo trình Triết học Tây phương hiện đại, tr. 183.

[2] x. Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, (Nxb Văn học, Hà Nội, 2008), tr.194 – 195.

[3] x. Trần Thái Đỉnh, sđd, tr. 209.

[4] x. Trần Thái Đỉnh, sđd, tr. 210.

[5] Jaspers, Foi philosophique, p.86.

[6] Karl Jasper, Triết học nhận môn, nd. Lê Tôn Nghiêm, Nxb Thuận Hoá, tr.126.

[7] x. Trần Thái Đỉnh, sđd, tr. 214.

[8] Karl Jasper, sđd, tr.72.

[9] x. Trần Thái Đỉnh, sđd, tr. 215.

[10] Nguyễn Trọng Viễn, Lịch sử Triết học Tây phương, tập IV, 1998, tr.157.

[11] x. P.Foulquié, Chủ nghĩa Hiện sinh, Thụ Nhân dịch, tr.151-152.

[12] Trần Thái Đỉnh, sđd, tr. 218.

[13] Trần Thái Đỉnh, sđd, tr. 217.

[14]I.M Bochenshi, Triết học Tây phương Hiện đại, tr. 307.

[15] x. E. Mounier, Những chủ đề triết hiện sinh, dg Thụ Nhân, Nxb Nhị Nùng, 1970, tr. 69.

[16] x. E. Mounier, sđd., tr. 70.

[17] Trần Thái Đỉnh, sđd, tr.221.

[18] Trần Thái Đỉnh, sđd, tr.241.

[19] Trần Thái Đỉnh, sđd, tr.242.

[20] Trần Thái Đỉnh, sđd, tr.242.

[21] Trần Thái Đỉnh, sđd, tr.247.

[22] Trần Thái Đỉnh, sđd, tr.254.

[23] Karl Jaspers, sđd, tr.128.

[24] Karl Jaspers, sđd, tr.129 – 130.

[25] Karl Jaspers, sđd, tr. 130.

[26] Karl Jaspers, sđd, tr.135.