Bản Tuyên Bố Chung Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô Và Đức Thượng Phụ Kirill I

0
1440


Vũ Văn An

 

LTS: Sau nhiều tháng thương thuyết khẩn trương trong âm thầm và sau hơn 2 thập niên cởi mở từ phía Tòa Thánh Vatican, cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill I của Giáo Hội Chính Thống Nga, đã diễn ra lúc 2 giờ 15 phút chiều ngày 12-2-2016 tại phòng khánh tiết phi trường quốc tế José Marti ở Havana, thủ đô Nước Cộng Hòa Cuba. Sau khi hội kiến riêng với nhau, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill I đã ký bản tuyên bố chung, trước sự chứng kiến của Chủ Tịch Raul Castro của Cuba. Dưới đây là toàn văn bản bản tuyên bố chung.

***

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga Kirill I

trong cuộc gặp gỡ lịch sử tại Thủ Đô La Habana, Cộng Hòa Cuba

sau gần 1000 năm chia rẽ giữa hai Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo

***

“Ơn Thánh của Chúa Giêsu Kitô,

và tình yêu của Chúa Cha,

và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần,

ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13:13).

 

1. Do ý muốn của Thiên Chúa Cha, mà từ Người mọi ơn phúc đã phát sinh, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần An Ủi, chúng tôi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Kirill I, Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Moscow và Toàn Thể Nước Nga, hôm nay đã gặp nhau tại Havana. Chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa, hiển vinh trong Ba Ngôi, vì cuộc gặp gỡ này, lần đầu tiên trong lịch sử.

Chúng tôi đã hân hoan gặp nhau như anh em trong đức tin Kitô Giáo, những người gặp nhau “để nói với nhau mặt đối đối mặt” (2Ga 12), lòng với lòng, để thảo luận các liên hệ hỗ tương giữa các Giáo Hội, các vấn đề chủ yếu của các tín hữu của chúng tôi, và quan điểm đối với sự tiến bộ của văn minh con người.

2. Cuộc gặp gỡ huynh đệ của chúng tôi diễn ra tại Cuba, ngã ba đường của Bắc và Nam, của Đông và Tây. Chính từ hòn đảo này, vốn là biểu tượng cho các niềm hy vọng của “Tân Thế Giới” và của các biến cố đầy cảm kích của lịch sử thế kỷ XX, chúng tôi muốn ngỏ lời với mọi người dân Châu Mỹ Latin và các lục địa khác.

Quả là một nguồn vui khi thấy đức tin Kitô Giáo đang lớn mạnh một cách năng động tại đây. Tiềm năng tôn giáo mạnh mẽ của Châu Mỹ Latin, truyền thống Kitô Giáo nhiều thế kỷ của nó, đặt cơ sở trên kinh nghiệm bản thân của hàng triệu con người, là một bảo đảm cho tương lai vĩ đại của vùng này.

3. Nhờ việc gặp gỡ cách xa các cuộc tranh cãi lâu dài của “Cựu Thế Giới”, chúng tôi đặc biệt cảm nhận được một cảm thức khẩn thiết phải có sự làm việc chung của người Công Giáo và người Chính Thống Giáo, những người vốn được kêu gọi giải thích bằng một sự hòa nhã và tôn trọng cho thế giới thấy lý do niềm hy vọng của chúng ta (x. 1Pr 3:15).

4. Chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa vì những hồng phúc nhận được từ việc xuống thế của Con Một Người. Chúng tôi vốn có chung cùng một Thánh Truyền thiêng liêng của thiên niên kỷ đầu tiên của Kitô Giáo. Các chứng tá của Thánh Truyền này là Mẹ Cực Thánh của Thiên Chúa, Đức Nữ Trinh Maria, và các Thánh mà chúng tôi vốn tôn kính. Trong số các vị Thánh này, có rất nhiều vị đã tử vì đạo, những vị đã làm chứng cho lòng trung thành của mình với Chúa Kitô và đã trở thành “hạt giống các Kitô Hữu”.

5. Bất kể Thánh Truyền chung của mười thế kỷ đầu này, trải dài gần một nghìn năm nay, người Công Giáo và người Chính Thống Giáo đã bị tước mất sự hiệp thông Thánh Thể. Chúng ta đã chia rẽ bởi các vết thương gây ra do các tranh chấp cũ và mới, do các khác biệt truyền lại từ cha ông chúng ta, trong việc hiểu và phát biểu đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, duy nhất trong Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta đau đớn vì để mất hợp nhất, hậu quả của yếu đuối và tội lỗi con người, một sự mất mát vẫn xảy ra bất chấp lời khẩn cầu tư tế của Chúa Kitô, Cứu Chúa chúng ta: “Để chúng tất cả nên một như Cha, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha… để chúng nên một, như chúng ta là một” (Ga 17:21).

6. Ý thức được tính lâu dài của nhiều trở ngại, chúng tôi hy vọng rằng, cuộc gặp gỡ của chúng tôi sẽ góp phần vào việc tái lập sự hợp nhất mà Thiên Chúa muốn có và Chúa Kitô từng cầu nguyện cho việc này. Ước mong cuộc gặp gỡ của chúng tôi sẽ linh hứng các Kitô hữu khắp thế giới cầu xin Chúa với một lòng sốt sắng đổi mới cho sự hợp nhất trọn vẹn của mọi môn đệ Người. Trong một thế giới đang khát mong, không những lời nói của chúng tôi, mà còn các cử chỉ trông thấy, ước mong sao cuộc gặp gỡ này trở thành chỉ dấu hy vọng cho mọi người thiện chí!

7. Trong quyết tâm của mình, chúng tôi mong muốn thực hiện mọi điều cần thiết để vượt thắng mọi bất đồng lịch sử mà chúng tôi vốn thừa hưởng. Chúng tôi muốn phối hợp các cố gắng của chúng tôi nhằm làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô và di sản chung của Giáo Hội thiên niên kỷ thứ nhất, cùng nhau đáp ứng các thách thức của thế giới hiện thời. Người Công Giáo và người Chính Thống Giáo phải học cách đồng tâm nhất trí làm chứng tá trong các lãnh vực này khi có thể và cần thiết. Nền văn minh của con người đã bước vào một thời kỳ có những biến đổi có tính thời đại. Lương tâm Kitô Giáo và trách nhiệm mục vụ của chúng tôi buộc chúng tôi không được tiếp tục thụ động trước các thách đố đòi hỏi phải có những đáp ứng chung.

8. Chúng tôi phải chú mục trước nhất vào các vùng thế giới, trong đó, các Kitô hữu đang là nạn nhân bị bách hại. Tại nhiều quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi, toàn bộ các gia đình, các làng mạc và thành phố của anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô đang bị tận diệt. Các nhà thờ của họ đang bị tàn phá, cướp bóc man rợ, các đồ vật thánh của họ đang bị xúc phạm, các đền đài của họ đang bị phá hủy. Chúng tôi đau lòng nhắc đến tình hình ở Syria, Iraq và nhiều quốc gia khác ở Trung Đông, và việc di cư hàng loạt của Kitô hữu ra khỏi mảnh đất, nơi mà đức tin của chúng ta đã được gieo vãi và họ từng sinh sống từ thời các Tông Đồ, cùng với nhiều cộng đồng tôn giáo khác.

9. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp hành động để ngăn chặn việc xua đuổi thêm nữa các Kitô hữu ra khỏi Trung Đông. Khi cất cao tiếng nói của chúng tôi nhằm bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại, chúng tôi muốn nói lên lòng thương cảm của chúng tôi đối với nỗi đau khổ mà tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác đang phải chịu đựng, họ cũng đang trở thành nạn nhân của nội chiến, của hỗn loạn và bạo lực khủng bố.

10. Hàng nghìn nạn nhân đã được xác nhận trong cảnh bạo lực ở Syria và Iraq, một bạo lực đã khiến hàng triệu người khác không nhà hay phương tiện sinh sống. Chúng tôi thúc giục cộng đồng quốc tế tìm cách chấm dứt bạo lực và khủng bố; đồng thời, qua đối thoại, đóng góp vào việc mau chóng phục hồi hòa bình dân sự. Sự trợ giúp nhân đạo với quy mô lớn phải được bảo đảm cho những người dân đang thống khổ và cho nhiều người tỵ nạn đang tìm an ổn tại các lãnh thổ lân bang.

Chúng tôi kêu gọi tất cả những ai có thể gây ảnh hưởng tới số phận những người bị bắt cóc, trong đó có các vị Tổng Giám mục của Aleppo, Paul và John Ibrahim, những vị bị bắt từ tháng Tư năm 2013, hãy hết sức cố gắng để bảo đảm cho những người này được mau chóng thả tự do.

11. Chúng tôi dâng lời cầu nguyện của chúng tôi lên Chúa Kitô, Cứu Chúa của thế giới, xin cho hòa bình, “hoa trái của công lý” (Is 32:17), trở lại với Trung Đông, để sự sống chung huynh đệ giữa các sắc dân, các Giáo Hội và tôn giáo được củng cố, giúp các người tỵ nạn khả năng hồi hương, các vết thương lành lại, và linh hồn các nạn nhân bị giết được nghỉ ngơi trong an bình.

Với lời kêu gọi tha thiết, chúng tôi ngỏ lời với mọi bên có liên hệ với các tranh chấp hiện nay hãy chứng tỏ thiện chí và ngồi vào bàn thương thuyết. Đồng thời, cộng đồng quốc tế phải thực hiện mọi cố gắng có thể có để chấm dứt chủ nghĩa khủng bố bằng một hành động chung và phối hợp. Chúng tôi kêu gọi mọi quốc gia can dự vào cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố hãy có những hành động có trách nhiệm và khôn ngoan. Chúng tôi khuyên mọi Kitô hữu và mọi người tin vào Thiên Chúa, hãy cầu nguyện sốt sắng cùng Đấng Quan Phòng đã tạo nên thế giới, che chở tạo thế của Người khỏi họa diệt vong, và đừng cho phép một thế chiến mới. Để bảo đảm một nền hòa bình vững chắc và lâu dài, các cố gắng chuyên biệt phải được thực hiện để tái khám phá các giá trị chung vốn hợp nhất chúng ta, dựa trên Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

12. Chúng tôi cúi đầu trước phúc tử đạo của những vị đã dùng chính giá chuộc đời mình mà làm chứng cho chân lý Tin Mừng, thà chết hơn chối bỏ Chúa Kitô. Chúng tôi tin rằng, những vị tử đạo thời chúng ta này, những người thuộc các Giáo Hội khác nhau nhưng cùng hợp nhất với nhau bằng các đau khổ chung của mình, là một bảo đảm cho sự hợp nhất các Kitô hữu. Chính với anh chị em, những người chịu đau khổ vì danh Chúa Kitô, mà Thánh Tông Đồ đã ngỏ những lời này: “Anh em thân mến,… anh em hãy vui mừng vì đã dự phần vào các đau khổ của Chúa Kitô, để khi vinh quang của Người mạc khải ra, anh em cũng được vui mừng hớn hở” (1Pr. 4:12–13).

13. Cuộc đối thoại liên tôn là điều không thể miễn chước trong thời nhiễu nhương này. Các dị biệt trong việc hiểu các chân lý tôn giáo không ngăn chặn người thuộc các tín ngưỡng khác nhau sống hòa bình và hòa hợp. Trong bối cảnh hiện nay của chúng ta, các nhà lãnh đạo tôn giáo có trách nhiệm đặc biệt phải giáo dục các tín hữu của các vị về tinh thần tôn kính đối với các xác tín của những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Các mưu toan dùng các khẩu hiệu tôn giáo để biện minh cho các hành vi tội ác là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Không một tội ác nào được vi phạm nhân danh Thiên Chúa cả, “vì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của sự vô trật tự mà là của hòa bình” (1Cr 14:33).

14. Khi khẳng định giá trị hàng đầu của tự do tôn giáo, chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa vì sự canh tân đức tin Kitô Giáo chưa từng có hiện nay ở Nga, cũng như ở nhiều nước khác ở Đông Âu, trước đây dưới sự thống trị hàng mấy thập niên của các chế độ vô thần. Ngày nay, xiềng xích của chủ nghĩa vô thần đấu tranh đã bị bẻ gãy và tại nhiều nơi. Các Kitô hữu có thể tự do tuyên xưng đức tin của mình. Hàng nghìn nhà thờ mới đã được xây dựng trong một phần tư thế kỷ vừa qua, cũng như hàng trăm đan viện và định chế thần học. Các cộng đồng Kitô hữu đang đảm nhiệm những công trình đáng kể trong lãnh vực trợ giúp bác ái và phát triển xã hội, cung cấp nhiều hình thức trợ giúp đa dạng cho người thiếu thốn. Người Công Giáo và người Chính Thống Giáo làm việc bên cạnh nhau. Bằng cách làm chứng cho các giá trị của Tin Mừng, họ chứng thực sự hiện hữu của các nền tảng thiêng liêng chung cho việc sống chung của con người.

15. Đồng thời, chúng tôi cũng quan tâm tới tình hình tại nhiều quốc gia, trong đó, các Kitô hữu đang càng ngày càng phải đương đầu với nhiều hạn chế về tự do tôn giáo, về quyền làm chứng cho các xác tín của mình và quyền được sống phù hợp với các xác tín này. Cách riêng, chúng tôi nhận thấy rằng, việc biến đổi tại một số quốc gia trở thành các xã hội tục hóa, xa lìa hẳn mọi tham chiếu về Thiên Chúa và chân lý của Người, đang tạo ra một đe dọa trầm trọng đối với tự do tôn giáo. Một nguồn gây lo ngại cho chúng tôi là việc hiện nay có sự tước đoạt các quyền lợi của Kitô hữu, nếu không muốn nói họ bị kỳ thị thẳng thừng, khi một số lực lượng chính trị, bị một ý thức hệ duy tục thường hết sức hiếu chiến hướng dẫn, đang tìm cách đẩy họ ra ngoài cuộc sống cộng đồng.

16. Diễn trình hội nhập Âu Châu, một diễn trình khởi sự sau nhiều thế kỷ tranh chấp đẫm máu, được nhiều người đầy lòng hy vọng hoan nghênh, như là bảo đảm cho hòa bình và an ninh. Tuy nhiên, chúng tôi mời gọi mọi người cần hết sức tỉnh táo chống lại thứ hội nhập không hề tôn trọng các căn tính tôn giáo. Dù vẫn tiếp tục cởi mở trước sự đóng góp của các tôn giáo khác vào nền văn minh của chúng ta, chúng tôi vẫn xác tín rằng, Âu Châu phải tiếp tục trung thành với các cội rễ Kitô Giáo của nó. Chúng tôi kêu gọi các Kitô hữu của cả Đông Âu cũng như Tây Âu hợp nhất lại trong việc làm chứng chung cho Chúa Kitô và Tin Mừng, để Âu Châu bảo tồn được linh hồn của nó, vốn đã được truyền thống Kitô Giáo của hai nghìn năm nay khuôn đúc.

17. Cái nhìn của chúng tôi cũng hướng về những ai đang gặp các khó khăn nghiêm trọng, đang sống trong thiếu thốn và cảnh nghèo khổ cùng cực, dù của cải vật chất của nhân loại mỗi ngày mỗi gia tăng. Chúng tôi không thể tiếp tục dửng dưng đối với số phận của hàng triệu di dân và tỵ nạn đang gõ cửa các quốc gia giàu có. Chủ nghĩa duy tiêu thụ không thương xót của một số quốc gia phát triển hơn đang dần dần làm tiêu hao các tài nguyên của hành tinh chúng ta. Sự bất bình đẳng mỗi ngày một lớn hơn trong việc phân phối của cải vật chất đang làm tăng cảm thức bất công nơi trật tự quốc tế đã và đang xuất hiện.

18. Các Giáo Hội Kitô Giáo được kêu gọi bênh vực các yêu sách của công lý, tôn trọng các truyền thống của các dân tộc, và tình liên đới chân chính đối với tất cả những ai đang đau khổ. Kitô hữu chúng ta không thể quên rằng: “Nhưng chính những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan; và những điều thế gian cho là ti tiện, là không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn, những điều không không, để hủy ra không những điều có, ngõ hầu đừng có xác phàm nào dám vênh vang trước mặt Thiên Chúa” (1Cr 1:27-29).

19. Gia đình là tâm điểm tự nhiên của sự sống và xã hội con người. Chúng tôi quan tâm tới cuộc khủng hoảng trong gia đình tại nhiều quốc gia. Người Công Giáo và người Chính Thống Giáo có chung cùng một quan niệm về gia đình, và được mời gọi làm chứng điều này: nó là con đường dẫn tới sự thánh thiện, chứng thực cho lòng trung thành của vợ chồng trong hành động hỗ tương của họ, chứng thực cho sự cởi mở đón nhận sự sinh sản và nuôi dạy con cái, cho tình liên đới giữa các thế hệ và cho việc tôn trọng người yếu đuối nhất.

20. Gia đình đặt căn bản trên hôn nhân, một hành vi của yêu thương tự hiến và trung thành giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Đây là một tình yêu đóng ấn cho sự kết hợp của họ và dạy họ chấp nhận lẫn nhau như một hồng phúc. Hôn nhân là một trường dạy yêu thương và trung thành. Chúng tôi tiếc rằng, các hình thức sống chung khác đã được đặt ngang hàng với sự kết hợp này, trong khi ý niệm làm cha và làm mẹ, một ý niệm được thánh hiến trong truyền thống Thánh Kinh, như là ơn gọi khác biệt của người đàn ông và của người đàn bà trong hôn nhân, đã bị loại ra ngoài lương tâm cộng đồng.

21. Chúng tôi kêu gọi mọi người tôn trọng quyền sống bất khả nhượng. Hàng triệu người đang bị từ khước quyền được sinh vào đời. Máu của trẻ chưa sinh đang kêu thấu tới Thiên Chúa (x. St 4:10).

Việc ra đời của điều tự gọi là “an tử” đang khiến nhiều người cao niên và khuyết tật bắt đầu cảm thấy mình là gánh nặng của gia đình và của xã hội nói chung.

Chúng tôi cũng quan tâm trước sự phát triển kỹ thuật y sinh (biomedical) trong việc sinh sản, vì việc thao túng sự sống con người là biểu tượng của “một cuộc tấn công vào chính các nền tảng căn bản sự hiện hữu của con người, vốn được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa”. Chúng tôi tin rằng, bổn phận của chúng ta là cần phải nhắc nhớ tính bất di bất dịch trong các nguyên tắc luân lý Kitô Giáo, đặt căn bản trên lòng kính trọng phẩm giá cá nhân được mời gọi vào sự hiện hữu theo kế hoạch của Tạo Hóa.

22. Hôm nay, chúng tôi ngỏ lời một cách đặc biệt với giới trẻ Kitô Giáo. Các bạn trẻ thân mến, các bạn có trách vụ không được giấu tài năng của mình dưới đất (x. Mt 25:25), nhưng phải sử dụng mọi năng khiếu Thiên Chúa đã ban cho các bạn để xác nhận chân lý của Chúa Kitô trong thế gian, nhập thân trong chính cuộc sống các bạn các lệnh truyền Tin Mừng là phải yêu Thiên Chúa và người lân cận của mình (x. Mc 12,28b-34). Các bạn đừng sợ phải đi ngược giòng, bênh vực chân lý của Thiên Chúa, chân lý mà các qui phạm thế tục hiện thời thường rất không vâng theo.

23. Thiên Chúa yêu thương mỗi người các bạn và trông mong các bạn trở thành môn đệ và tông đồ của Người. Các bạn hãy là ánh sáng thế gian, để những ai ở chung quanh các bạn nhìn thấy việc làm tốt lành của các bạn mà vinh danh Cha trên trời của các bạn (x. Mt 5:14,16). Các bạn hãy dưỡng dục con cái các bạn trong đức tin Kitô Giáo, truyền thụ cho chúng viên ngọc vô giá là đức tin (x. Mt 13:46) mà các bạn từng nhận được từ cha mẹ và tổ tiên các bạn. Các bạn hãy nhớ rằng: “Các bạn đã được mua bằng một giá rất đắt” (1Cr 6:20), bằng chính cái giá chết trên thập giá của Chúa Giêsu Kitô, Đấng vừa là người vừa là Thiên Chúa.

24. Người Công Giáo và người Chính Thống Giáo hợp nhất không những nhờ ThánhTruyền chung của Giáo Hội thiên niên kỷ thứ nhất, mà còn nhờ sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô cho thế giới ngày nay. Sứ mệnh này bao hàm việc tôn trọng hỗ tương đối với thành viên các cộng đồng Kitô Giáo và loại bỏ bất cứ hình thức cải đạo (proselytism) nào.

Chúng ta không phải là những người cạnh tranh mà là anh em, và ý niệm này phải điều hướng mọi hành động hỗ tương của chúng ta cũng như các hành động hướng ra thế giới bên ngoài. Chúng tôi thúc giục người Công Giáo và người Chính Thống ở mọi quốc gia học cách sống chung với nhau trong hòa bình và yêu thương, và sống “hòa hợp với nhau” (Rm 15:5). Thành thử, không thể chấp nhận được việc này: sử dụng các phương thế bất trung để xúi giục các tín hữu từ Giáo Hội này chạy qua Giáo Hội nọ, chối bỏ quyền tự do tôn giáo và các truyền thống của họ. Chúng ta được kêu gọi đem ra thực hành lời khuyên của Thánh Tông Đồ Phaolô: “Tôi chỉ giảng giải Tin Mừng ở đâu Danh Ðức Kitô chưa dội đến, để khỏi đi xây trên nền móng kẻ khác đã đặt” (Rm 15:20).

25. Chúng tôi hy vọng rằng, cuộc gặp gỡ của chúng tôi cũng sẽ góp phần vào việc hòa giải ở bất cứ nơi nào có các căng thẳng giữa người Công Giáo và Chính Thống Hy Lạp. Ngày nay, điều rõ ràng là phương pháp “duy hợp nhất” (uniatism) của quá khứ, hiểu như sự hợp nhất của một cộng đồng vào một cộng đồng khác; tách biệt cộng đồng này khỏi Giáo Hội của nó, không phải là cách để tái lập hợp nhất. Tuy nhiên, các cộng đồng Giáo Hội từng phát sinh trong các hoàn cảnh lịch sử này có quyền hiện hữu và thực hiện tất cả những gì cần thiết để thỏa mãn các nhu cầu thiêng liêng của tín hữu họ, trong khi vẫn tìm cách sống hòa bình với các người lân cận của họ. Người Chính Thống Giáo và Công Giáo Hy Lạp cần sự hòa giải, cũng như các hình thức chung sống hai bên cùng chấp nhận với nhau.

26. Chúng tôi lấy làm tiếc tình trạng thù địch tại Ukraine, một tình trạng từng tạo ra nhiều nạn nhân, gây ra nhiều vết thương vô kể trên các cư dân hòa bình và đẩy xã hội vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo sâu xa. Chúng tôi mời gọi mọi bên có liên hệ tới cuộc tranh chấp hãy khôn ngoan, có tình liên đới xã hội và hành động nhằm xây dựng hòa bình. Chúng tôi mời gọi các Giáo Hội tại Ukraine làm việc hướng tới hòa hợp xã hội, tự chế việc dự phần vào tranh chấp, và đừng hỗ trợ bất cứ sự phát triển tranh chấp nào nữa.

27. Chúng tôi hy vọng rằng, sự ly giáo giữa tín hữu Chính Thống Giáo tại Ukraine sẽ được vượt qua nhờ các qui định giáo luật hiện hành, mọi Kitô hữu Chính Thống Giáo của Ukraine được sống trong hòa bình và hòa hợp, và các cộng đồng Công Giáo của xứ sở góp phần vào việc này một cách khiến cho tình anh em Kitô Giáo trở nên mỗi ngày một hiển hiện hơn.

28. Trong thế giới hiện nay, một thế giới vừa đa hình vừa hợp nhất bởi một số phận chung, người Công Giáo và người Chính Thống Giáo được mời gọi làm việc với nhau một cách huynh đệ trong việc công bố Tin Mừng cứu rỗi, cùng nhau làm chứng cho phẩm giá tinh thần và quyền tự do chân chính của con người “để thế gian có thể tin” (Ga 17:21). Thế gian này, một thế gian mà trong đó các cột trụ thiêng liêng chống đỡ hiện sinh con người đang từ từ mất đi, đang chờ đợi nơi chúng ta một chứng tá Kitô Giáo có sức thuyết phục trong mọi lãnh vực của đời sống bản thân và đời sống xã hội. Phần lớn tương lai của nhân loại sẽ tùy thuộc ở khả năng của chúng ta trong việc cùng nhau làm chứng cho Thần Khí Sự Thật trong những lúc khó khăn này.

29. Ước mong việc làm chứng can đảm của chúng ta cho chân lý Thiên Chúa và cho Tin Mừng cứu rỗi được Thiên Chúa Làm Người Giêsu Kitô, Chúa và là Cứu Chúa của chúng ta, nâng đỡ; Người là Đấng làm chúng ta vững mạnh với lời hứa không sai này: “Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, các con đừng sợ hãi nữa, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con” (Lc 12:32)!

Chúa Kitô là nguồn suối hân hoan và hy vọng. Đức tin vào Người đã hiển dung sự sống nhân bản làm nó đầy ý nghĩa. Đây là xác tín phát sinh từ kinh nghiệm của tất cả những ai từng được Thánh Phêrô ngỏ trong các lời lẽ sau: “Xưa kia, anh em không phải ‘là dân’, nhưng nay anh em là dân của Thiên Chúa; anh em không được thương xót, nhưng nay đã được xót thương” (1Pr 2:10).

30. Với lòng biết ơn đầy ân thánh vì hồng phúc hiểu nhau biểu hiện trong cuộc gặp gỡ của chúng tôi, chúng ta hãy hy vọng hướng về Mẹ Cực Thánh của Thiên Chúa, khẩn cầu ngài bằng những lời lẽ của lời kinh xưa: “Lạy Mẹ Thánh Thiên Chúa, chúng con tìm ẩn náu dưới sự che chở của lòng thương xót Mẹ”. Xin Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, qua lời cầu bầu của ngài, linh hứng tình huynh đệ nơi mọi người tôn kính ngài, để họ được tái hợp nhất vào thời điểm Thiên Chúa muốn trong hòa bình và hòa hợp trong một dân duy nhất của Thiên Chúa, vì vinh quang của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh và bất khả phân chia!

 

Làm tại La Habana, Thủ Đô Cộng Hòa Cuba,

Ngày 12 Tháng 02 Năm 2016

 

+ FRANCISCUS

Giám mục Thành Rôma

Giáo Hoàng Giáo Hội Công Giáo

+ KIRILL

Thượng Phụ Moscow

Giáo Chủ Giáo Hội Chính Thống Toàn Nước Nga