Các Văn Kiện Cấm Đạo (3)

0
1457


Lm. Mai Đức Vinh

 

 

IV. NHỮNG VĂN KIỆN CẤM ĐẠO CỦA NHÀ NGUYỄN

Nguyễn Phúc Ánh sinh năm Nhâm Ngọ, 1762. Năm 1773, Tây Sơn khởi nghĩa, Nguyễn Phúc Ánh mới 12 tuổi. Năm 1777, thân phụ là Nguyễn Phúc Thuần tử trận tại Quảng Nam. Nguyễn Phúc Ánh một mình chạy ra đảo Thổ Chu, rồi chạy sang ẩn náu bên đất Xiêm, đợi thời cơ khôi phục lại cơ nghiệp của tổ tiên. Tới năm 1792, vua Quang Trung mất, con là Quang Toản còn ít tuổi, nội bộ lục đục không sao chống nổi với sức tấn công của Nguyễn Ánh, có quân Pháp hộ chiến. Năm 1802, Nguyễn Ánh diệt xong nhà Tây Sơn lên ngôi hoàng đế, niên hiệu là Gia Long, đóng đô tại Phú Xuân (Huế).

1. Dưới triều đại vua Gia Long cũng là Thế Tổ, Nguyễn Phúc Ánh (1802-1820)

Đức Cha Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Béhaine) gặp Nguyễn Ánh trong cùng hoàn cảnh trốn quân Tây Sơn. Ngài chia sẻ cơm gạo với tàn quân của Nguyễn Ánh và thành tâm giúp ông khôi phục giang san. Ngài hy vọng: với con người thông minh và biết phục thiện như ông Nguyễn Ánh, sẽ giúp đỡ Giáo Hội sau này. Nguyễn Ánh đã giao hoàng tử Cảnh cho Đức Cha giáo dục. Đức Cha cố thuyết phục những người hảo tâm và một nhóm người Pháp ủng hộ Nguyễn Ánh dần dần lấy lại các phần đất. Dĩ nhiên ông Nguyễn Ánh và Đức Cha Bá Đa Lộc nhiều lần xung khắc về vấn đề tôn giáo. Chúng ta nêu lên dưới đây thái độ của Nguyễn Ánh đối với đạo Công Giáo:

* Những sự kiện chứng tỏ ‘lòng thiện cảm và bênh vực Công Giáo’

1) Không chấp nhận sự vu khống: Một vị quan tố cáo là các thừa sai lấy mắt người chết làm hạt ngọc, rồi nhét bông vào mắt thay thế. Vị quan quả quyết đã thấy trong nhà thờ có nhiều hạt ngọc như thế’. Nguyễn Ánh nói: ‘Nếu quả thật có như vậy, người Công Giáo sẽ bị trừng phạt, ngược lại nhà ngươi sẽ mất đầu’. Vị quan lúng túng ‘thần chỉ nghe nói’. Nguyễn Ánh ra lệnh chém đầu vị quan cáo gian. Đức Cha Bá Đa Lộc đã can thiệp, xin Nguyễn Ánh tha cho vị quan nói gian.

2) Giải cứu thừa sai và cho Công Giáo tự do sống đạo: Khi đánh nhau với Tây Sơn, tiến quân đến đâu, Nguyễn Ánh đều tuyên bố cho người Công Giáo tự do sống đạo và xin cầu cho quân đội. Nguyễn Ánh cũng cho tìm giải cứu các thừa sai đang trốn tránh vì sợ quân Tây Sơn.

3) Bênh vực Công Giáo: Mỗi khi có xích mích và rắc rối giữa các làng lương với làng giáo, nhất là khi làng Công Giáo bị làng lương ức hiếp.

4) Cấp cho các Đức Cha và các linh mục giấy phép tự do truyền đạo và có quyền đem theo 15 người nhà giúp việc.

* Hứa nhưng không làm hay tránh né

1) Nguyễn Ánh đã hứa ra sắc lệnh ủng hộ đạo Công Giáo, nhưng không bao giờ ông làm.

2) Khi Đức Cha Labartette và Đức Cha La Mothe xin với Nguyễn Ánh ra sắc lệnh miễn cho người Công Giáo khỏi phải tham dự vào việc cúng tế thần làng. Nguyễn Ánh tìm cách tránh né, để một năm sau mới giao cho mấy quan đại thần cứu xét: các quan từ chối ‘thay Nguyễn Ánh’, vì đó là ‘tục lệ quốc gia’.

* Những điều trong đạo Công Giáo mà ‘Nguyễn Ánh cho là bất khả kham đối với ông’

1) Việc tôn kính tổ tiên: Vua Gia Long cho rằng, dù rất thiện cảm với đạo Công Giáo, ngài cũng không theo đạo được vì ‘đạo cấm lạy tổ tiên’. Có lần vua đã nói: “Thật là tốt đẹp nếu tập tục này có thể dung hòa với Kitô giáo, vì theo lối nhìn của ta, thực sự không có gì cản trở dân chúng theo đạo. Như ta đã nói trước đây, tập tục này chỉ có tính cách dân sự và chính trị, còn niềm tin tưởng gán cho nó là một lầm lạc của dân chúng. Thái độ của ta như thế không tố cáo các tín hữu và cho phép họ làm theo phong tục… Nếu ta bãi bỏ đi thì càng làm cho người khác nghĩ rằng ta đã thay đổi đạo và không còn theo ta nữa. Ta đã cấm tà thuật, bói toán. Ta coi việc thờ kính các thần là giả dối đáng buồn cười. Nhưng ta coi việc tôn kính tổ tiên là một căn bản của nền giáo dục. Ta muốn mọi người chú ý và để cho người Kitô có thể gần với chúng ta hơn”. Lần khác vua Gia Long nói với các quan Công Giáo: “Ta đã nuôi nấng các ngươi, đã ban bao nhiêu ơn huệ, tại sao các ngươi lại từ chối lạy các tổ tiên của ta? Ta không bắt các ngươi bỏ đạo, cũng không ép các ngươi thờ lạy các thần phật, ta chỉ muốn một điều là các ngươi tôn kính tổ tiên ta một cách công khai. Đó là dấu chỉ lòng biết ơn của ta với các ngài trước mặt mọi người”.

2) Việc ‘một vợ một chồng’: Có lần vua Gia Long đã nói với Đức Cha Bá Đa Lộc: “Đạo của Đức Cha là một đạo tốt lành nhưng nghiêm khắc quá, ai mà có thể giữ được ? Tôi không thể nào chỉ cưới có một vợ!”.

3) Đạo Công Giáo là đạo ngoại lai, dị đoan, ngu dân: Năm 1804, ngay sau khi đại sứ Trung Hoa sang tấn phong, vua Gia Long truyền cho vị khâm sai Bắc Việt viết một sắc lệnh xác định ngày lễ quốc gia trong năm mà dân trong mỗi làng phải đóng góp để tổ chức cử hành trọng thể. Sắc lệnh cũng đề cập đến các tôn giáo, cụ thể là cấm xây thêm chùa để thờ Phật Thích Ca, cấm xây thêm nhà thờ vì đạo Công Giáo là đạo ‘ngoại lai’. Về điểm này, sắc lệnh viết: “Đạo Bồ Đào Nha (đạo Công Giáo) là một đạo ngoại lai đã được truyền bá cách lén lút khắp trong nước và hiện nay vẫn còn, mặc dù chính phủ đã cố gắng hủy bỏ đạo dị đoan này… một số khá lớn dân chúng trong nước bị thấm nhiễm tà đạo và đã quen giữ lề luật một cách mù quáng, thiếu suy nghĩ nên không sao mở mắt họ được. Do đó từ rày về sau trong các tổng và các làng đã có nhà thờ thì cấm sửa chữa hoặc xây dựng lại những nhà thờ đã bị hư nát, còn cất nhà thờ mới ở những nơi chưa có thì tuyệt đối cấm hẳn”.

2. Vua Minh Mệnh cũng là Thánh Tổ, Nguyễn Phúc Đảm (1820-1840)

Hoàng tử Cảnh chết sớm (1801), nên khi vua Gia Long tạ thế (1820), người con thứ là Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi kế vị lấy niên hiệu là Nhân Hoàng Đế hay Thánh Tổ hay Minh Mệnh. Tuy mang những danh xưng thật mỹ miều, nhưng theo nhiều sử gia Minh Mệnh là ‘ông vua độc ác’, và gọi vua là ‘Néron Việt Nam’. Sau đây chúng ta nêu lên Thái độ và hành động của vua Minh Mệnh đối với đạo Công Giáo.

* Vốn không ưa các thừa sai và đạo Công Giáo

Năm 1816 được vua Gia Long đặt làm Thế Tử, thì năm 1817 Hoàng Tử Đảm đã tuyên bố: ‘Nếu các thừa sai muốn giữ đạo thì về Âu châu mà giữ’. Rồi đợi cho tới khi vua Gia Long băng hà, Hoàng Tử Đảm lên ngôi lấy vương hiệu là Minh Mệnh, lúc đó ông mới bộc lộ công khai ‘ý định muốn diệt đạo Công Giáo’. Năm 1819, trước khi mất vua Gia Long để lại một di chúc cho Minh Mạng trong đó khoản 36 viết về các tôn giáo: Đạo Thiên Chúa, đạo Nho, đạo Phật đều tốt cả. Không được phép bách hại đạo nào vì sẽ gây ra các vụ rối loạn trong nước, có khi làm mất nước nữa. Nhưng Minh mệnh bất xét, vì ông đã nghĩ lâu trong đầu: Trong một nước không thể có hai đạo, huống hồ là ba đạo.

* Quyết tâm tiêu diệt với mưu lược khôn khéo

Trước tiên vua khôn khéo dung hòa để củng cố địa vị. Khi đã vững đế rồi, vua mới ra tay, nhưng không trực tiếp ra mặt mà xúi các quan cấp dưới làm kiến nghị. Thực ra đây cũng là ‘chiến lược chung’ chúng ta đã gặp trong các triều chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Có một điều khác biệt, là các quan soạn kiến nghị nhưng vua Minh Mệnh sửa lại cho tới khi ‘đúng tim đen của vua’. Vua Minh Mệnh bộc lộ thâm ý diệt đạo Công Giáo mỗi khi có dịp. Chẳng hạn, năm 1821, khi các quan đề cập đến Hồi giáo Mahômét, Minh Mệnh nói: “Trẫm cũng ghét đạo của người Âu Châu, trẫm sẽ cấm và bắt bớ đạo cho tới khi tận diệt gốc rễ”. Khi các quan trình bày việc bắt đạo bên Nhật, Minh Mệnh cũng nói ngay rằng: “Những cách ấy không khéo, người Annam có cách diệt đạo hay hơn nhiều”. Năm 1822, Minh Mệnh cho phép tàu buôn Anh cập bến với điều kiện “không được chở thừa sai tới”. Kể từ năm 1825, Minh Mệnh thực hiện những điều ông đã nói, là ‘bắt đầu kế hoạch diệt đạo từ từ, mà trước tiên là từ chối không cho thừa sai tới, rồi tập trung các thừa sai đang hoạt động trong nước, ra lệnh kín đáo kiểm soát các hoạt động của thừa sai cách nghiêm nhặt’. Năm 1830 có hai vụ rắc rối tại Mông Phụ (Sơn Tây) và Dương Sơn (Quảng Trị), vua Minh Mệnh đã chuyển mọi lời vu cáo vào tội thực hành đạo Công Giáo và ra lệnh trừng phạt hai họ đạo nói trên.

* 1825: Sắc lệnh riêng cho quan trấn Quảng Nam

Nội dung sắc lệnh:

“Quan Biện Hiệp vâng lệnh Hoàng Thượng truyền rằng: Tà đạo của người Âu châu làm hư hỏng lòng người. Từ lâu các thuyền Âu châu khi đến buôn bán đã để lại nhiều thừa sai trong nước. Những đạo trưởng này dụ dỗ và làm hư hỏng nhân dân, đồng thời sửa đổi và phá đổ các tập tục tốt lành trong nước. Như thế không phải là một cái họa cho chúng ta sao? Chính vì thế, chúng ta cần phải chống lại tệ nạn này để dẫn đưa nhân dân trở về chính đạo. Vì lẽ đó, chúng tôi, các quan hằng tuân giữ các lệnh truyền của hoàng thượng, gửi cho quan trấn thủ Quảng Nam chỉ dụ của vua để khi có tàu Pháp đến thì phải chú tâm xem xét cẩn thận. Hơn nữa, cũng phải canh chừng cẩn thận các quan ải trên núi, dưới đất hay cửa biển hầu ngăn chặn bất cứ đạo trưởng Âu châu nào lén lút xâm nhập để họ không thể trà trộn trong dân chúng và gieo rắc tà đạo trong đất nước. Các đạo trưởng này kế tiếp nhau không gián đoạn và coi đó như là một việc thông thường. Minh Mệnh năm thứ sáu, ngày 1 tuần trăng thứ nhất (12.2.1825)” (DMAH 2 tr.17-18).

Nguyên nhân đặc thù xui khiến:

Nhân vụ tàu buôn pháp La Thétis tới cửa Hàn ngày 12.01.1825 đem theo cha Regéreau. Cha được hai thày giảng lén đưa lên đất liền. Vì thiếu thận trọng, cha đi mở lễ luôn nên bị phát giác. Vua Minh Mệnh ra lệnh bắt cha cho lên tàu về nước ngay. Đồng thời ‘ra lệnh’ cho các quan soạn sắc lệnh này.

Vụ việc nổi bật theo sau:

1) Chiều lòng vua, quan trấn Quảng Nam còn ra thêm một sắc lệnh khác lục soát các họ đạo, tìm bắt các đạo trưởng và cấm giáo dân tụ họp đọc kinh bất cứ nơi nào và dưới hình thức nào.

2) Vụ trồng cây nêu: Vào dịp đầu năm, vua Minh Mệnh cho gọi một quan Công Giáo đến truyền lệnh phải trồng cây nêu. Quan thưa rằng: “Thưa hoàng thượng, dưới thời tiên đế thần chưa bao giờ bị ép buộc làm điều này. Nếu hoàng thượng muốn đánh đòn thì thần xin chịu, nhưng trồng cây nêu thì thần không làm”. Vì quý trọng lòng trung tín và sự khôn ngoan của quan, vua Minh Mệnh dịu giọng: “Ta mến khanh và không bao giờ muốn đánh đòn, nhưng từ nay về sau đừng rước đạo trưởng Âu châu vào trong nước nữa. Những vị đã có mặt thì thôi. Nước chúng ta không phải là một đại quốc gia sao? Khanh làm mất mặt ta khi đi tìm các đạo trưởng Âu châu đến dạy dỗ nhân dân”.

* 1826, kiến nghị thượng quan Lễ Bộ

Nội dung kiến nghị:

“Hết lòng kính sợ, chúng thần khấu đầu dâng kiến nghị này. Dám xin hoàng thượng để tâm đến việc tái lập chính đạo để dân chúng lớn bé được nhờ bởi vì tà đạo lợi dụng và lừa dối dân chúng, làm sai lạc chân đạo tự nhiên. Thật vậy, sách có viết: phải trấn áp tà đạo vừa sai trái vừa nghịch lại với trật tự. Nhân dân phải noi theo điều ngay lẽ phải, phù hợp với đạo tự nhiên. Nhưng trên hết phải cấm tuyệt đối đạo nào ngược lại với đạo thờ ông bà và phải củng cố nhân tâm, vạch ra sai lầm của tà đạo đang khuyến dụ và lừa dối dân chúng. Đạo Đường, đạo Mạc, đạo Lão Quân trước hết chỉ dạy yêu mến và săn sóc chính mình, thứ đến dạy yêu mến tất cả mọi người và sau cùng coi việc khinh chê sự đời là một nhân đức thanh cao. Tuy nhiên các đạo này không dựa trên luật tự nhiên nhưng cũng không trái nghịch luật tự nhiên và không hư hỏng, cũng không làm hại đến phong tục và tập quán như đạo Giatô. Đạo Giatô là đạo giả dối và nghịch lại với đạo thật vì đạo khuyến dụ dân chúng, lừa dối và lạm dụng lòng đơn thành của người dân, dùng những hình phạt hỏa ngục để làm kinh sợ người yếu đuối, dùng niềm vui nước trời để thu hút người khác. Đạo còn xử dụng luật riêng, tòa án riêng xét xử các vụ rắc rối. Những người theo đạo này hội họp nhau cúng tế và thờ lạy, hàng ngàn người nối tiếp nhau vào tôn thờ như tôn thờ chủ tể của quốc gia vậy. Họ công bố con đường họ theo là thánh và tôn vinh những người bước theo đường ấy. Từ khi đạo này xâm nhập vào đất nước, trong khắp các tỉnh có hàng ngàn người tin theo. Những người đã tin theo thì cuồng nhiệt như là mất trí, chạy đi đó đây như là người điên.

Các tín đồ của đạo này không tôn kính các thần minh, cũng không cúng tế tổ tiên. Họ giảng đạo, học hỏi và hội họp như là một thói quen. Càng ngày tín đồ đạo này càng đông, họ xây thêm nhiều nhà thờ mới, những cái gai chướng này lan tràn khắp mọi nơi, không có xó xỉnh nào mà không bị tiêm nhiễm. Chính vì lẽ đó, chúng thần ngước trông lên hoàng thượng khẩn xin ngài chữa trị các tệ đoan này. Lời của ngài như ngọn cờ triệu tập hàng hà sa số nhân dân về một mối, từ đó các phong tục và luật lệ quốc gia sẽ thống nhất, và các lời nói hành động sẽ hòa hợp với nhau, tất cả những cái hay cái phải sẽ được tuân theo, và thế hệ hiện tại cũng như mai sau sẽ tuân giữ các lề luật. Như thế những con đường sai trái được uốn nắn, sự dữ được thay thế bằng điều lành. Tất cả sẽ được thu họp về một mối, đó là đạo của vua, của thuần phong mỹ tục và khắp mọi nơi đều khuôn mình theo. Nhưng đạo Giatô là một cản trở cho tất cả những canh tân hoàn thiện, mặc dù đã cấm nhưng không tiêu diệt được. Đạo Khổng đã có từ lâu đời thế mà có nhiều người đang tâm bỏ để theo đạo Giatô là đạo cấm dân chúng theo đạo Khổng.

Chúng thần cũng đã nghiên cứu luật lệ cấm đoán của Trung Hoa viết như sau: Tất cả những người Âu châu ở trong nước đứng đầu giáo phái lừa dối dân chúng thì phạm tội đại nghịch đáng xử giảo. Còn những người không có chức vị hay chức vị thấp thì phải giam tù để xét xử sau. Những người để mình bị lừa dối và tuyên xưng đạo thì phải đày đi làm nô dịch giữa dân mọi rợ. Những người rao giảng khuyến dụ dân theo đường hư hỏng, những người đàn bà bất trị không biết xấu hổ, cũng như những người móc mắt người ốm, nếu bị bắt sẽ phải phạt theo trọng tội. Trên hết các quan văn cũng như võ nếu không trông chừng các quan cấp dưới sẽ bị đưa ra tòa xét xử.

Tất cả những nghiêm cấm trên đây rất đúng và rất đáng khen để ngăn chặn thứ tà đạo, đưa nhân dân về phía thuần phong mỹ tục là điều phải lẽ. Vi thế khi nghiên cứu sự việc, chúng thần xin hoàng thượng ban lệnh cấm đạo tại khắp các làng tỉnh và huyện trong nước để mọi người biết rằng các đạo trưởng và Kitô hữu Âu châu đang ở bất cứ nơi nào đều phải trở về nước của họ. Thời hạn là ba tháng, khi đáo hạn họ không được phép ở lại nữa. Còn về các nhà thờ phải triệt hạ, phải đốt các sách đạo, từ rày về sau cấm dân chúng không được học hỏi tà đạo này nữa. Sau ba tháng, nếu phát giác được người Âu châu còn trốn tránh trong nước thì: người có công tố giác sẽ được hưởng tất cả tài sản của người chứa chấp đạo trưởng Âu châu trong nhà. Ngoài ra, người chứa chấp cũng như lý trưởng sẽ bị khép vào tội đại nghịch. Nếu người Âu châu vẫn lén lút giữa dân chúng và khuyến dụ họ theo tà đạo thì sẽ áp dụng luật của người Trung Hoa. Hơn nữa nếu các quan có lỗi vì biếng nhác sẽ bị đưa ra tòa xét xử như các tội phạm để sự việc được phân minh và mọi việc được tiến hành đồng đều. Vì nếu áp dụng luật nghiêm khắc thì có hy vọng đưa được dân chúng về đường lành và chân đạo được tồn tại. Phần chúng thần là những người kém cỏi đã xét như thế có đúng hay sai, dám xin hoàng thượng cứu xét” (DMAH 2 tr.20-23).

Nguyên nhân đặc thù xui khiến:

1) Vì vụ công tử Ưng Hòa tự ý bỏ hoàng cung trốn đi và các quan vu khống cho rằng các thừa sai ‘bắt cóc’, ‘chứa chấp’ để đưa lên tàu Pháp. Sự thật là hoàng tử chỉ dọn nhà ra ở ngoài thành thôi.

2) Nhân vụ này, người ta đã tiên đoán ‘những vụ cấm đạo nghiêm khắc sẽ diễn ra không sớm thì muộn’.

3) Nhiều người nghĩ rằng: có lẽ chính vua Minh Mệnh đã ‘gợi ý cho’ quan Bộ Lễ viết kiến nghị này để dọn đường cho vua dễ hành động.

Vụ việc nổi bật theo sau:

1) Khi nhận được kiến nghị, vua Minh Mệnh làm thinh, thế nhưng cuối năm 1826, vua ra lệnh triệu tập tất cả các thừa sai về kinh đô nói rằng cần tuyển nhiều thông dịch viên, nhưng thực tế là để kiểm soát và giam lỏng các ngài.

2) Đầu năm 1827 lệnh được công bố tại miền Bắc, nhưng một đàng các thừa sai cho rằng ‘cần các thông dịch viên’ chỉ là mưu độc của vua Minh Mệnh, nên không thừa sai nào ra trình diện. Đàng khác, miền Bắc bấy giờ có giặc Phan Bá Bành rất mạnh, nên các quan dồn sức vào việc dẹp giặc, không quan tâm việc áp dụng ‘sắc lệnh tập trung các thừa sai’.

3) Dẹp xong giặc Phan Bá Bành, triều đình ra ba sắc lệnh vu khống để chống Công Giáo: – Nhiều thừa sai và linh mục bản xứ dính líu với giặc cách bí mật. – Tịch thu được đồ đạo trong trại của địch. – Nhiều lính giặc là người Công Giáo.

4) Nhờ ảnh hưởng của vị tướng lão thành Lê Văn Duyệt (6) mà những thừa sai ở miền Nam được trở về nhiệm sở Đồng Nai, đó là cha Taberd, cha Odorico và cha Gagelin.

* 1829, Kết án giáo dân tại Mông Phụ

Năm 1829 có một người đến làng Mông Phụ (Sơn Tây) nói là mình đưọc lệnh quan trên đến tịch thu các đồ đạo, không có giấy tờ gì. Dân làng nghi ngờ, nên không chịu trao nộp. Vài hôm sau lính kéo đến bắt ba giáo dân đàn anh ra hầu tòa và kết án phải lưu đày chung thân. Vua Minh Mệnh không chấp nhận bản án, bắt ba người phải đợi hơn một năm nữa mới ra án chính thức. Ngày 14.10.1830 vua ra án như sau: “Nhà thờ Mông Phụ phải giỡ và đem về tỉnh làm nhà kho, ba giáo dân bị kết án phải đánh 100 roi, đeo gông và phơi nắng một tháng, sau đó phải phát lưu”. Bản án này được gửi đi các quan tỉnh để làm mẫu mà xử các vụ người Công Giáo (DMAH 2 tr.27-28).

* 1830, kết án giáo dân Dương Sơn

Năm 1830 dân làng Cổ Lão lên huyện nằm vạ xin phân xử lấy cho được phần đất của Dương Sơn. Vua Minh Mệnh nghe biết, truyền đưa vụ việc lên xử tại phủ đường kinh đô và cho biết chắc chắn họ sẽ thắng. Hiểu ý vua Minh Mệnh, ba quan tỉnh đã xử phạt làng Dương Sơn rất nặng, là bắt mọi người làng Dương Sơn đi lưu đày. Vua Minh Mệnh không chấp nhận bản án tập thể và quá nặng này vua bắt phải xử lại. Các quan đành bắt 73 người Công Giáo Dương Sơn đánh đòn, đeo gông và ngồi tù với tội danh: ‘theo đạo Giatô và kéo đến đánh dân làng Cổ Lão’. Nội vụ được trao về cho ba quan án tòa hình. Sau đây là kiến nghị bản án đệ lên thỉnh ý vua Minh Mạng: “Chúng hạ thần là Cẩn, Thông và Phan, quan án tòa hình xin đệ trình lên hoàng thượng bản án xử mới để làm sáng tỏ và sửa đổi án cũ về cuộc tranh chấp giữa hai làng Dương Sơn và Cổ Lão. Chúng hạ thần sấp mình xin hòang thượng duyệt xét. Chúng hạ thần đã xem xét bản án do ba quan tỉnh, xử toàn thể làng Dương Sơn, gồm 73 người đàn ông và đàn bà công khai thực hành đạo Giatô và hai người là trùm trưởng đạo này tên là Khoa và Tài. Theo luật nước thì hai ông trùm trưởng bị kết án xử giảo hoặc phát lưu, còn 71 người trong đó có đội Đạo trông đội coi voi, hiện đang ở Bắc Việt phải ra lệnh cho quan sở tại tra hỏi, còn lại 70 người thì theo như án hoàng thượng đã xử tên Quyên, tức là đàn ông phải phục dịch như lính, đàn bà phải làm nô lệ. Tuy nhiên chiếu theo một điều luật quy định rằng: nếu tội nhân nào cải đổi và bỏ tà đạo này bằng cách chà đạp thánh giá thì có thể tha thứ lỗi lầm, nhưng nếu sau này người nào cố chấp bất trị vẫn còn theo tà đạo thì sẽ bị phạt nghiêm nhặt nhất, không cần phải thương xót. Chúng hạ thần chưa tra hỏi xem các phạm nhân có muốn bỏ đạo và đạp ảnh thánh giá không. Ngay khi chúng hạ thần biết được ý của hoàng thượng, chúng hạ thần sẽ thi hành theo. Tội của các quan nhân rất rõ ràng không cần minh chứng, và luật pháp cũng hiển nhiên như đã nói ở trên. Ba quan tỉnh có bổn phận xét xử nội vụ đã không áp dụng đúng mức nghiêm khắc của lề luật, nhưng nội vụ đã được duyệt xét lại, bổ khuyết cho lỗi lầm ấy. Hơn nữa, ba quan tỉnh xét xử vội vàng, đã thay đổi loại hình phạt áp dụng cho phạm nhân, phạm thêm một lỗi lầm khác. Làm sao xét xử khi còn 23 người chưa được tra khảo? Ngoài ra còn một tội nhân tên Sơn, là một sĩ quan trong quân đội thứ tư thuộc đệ nhị hữu đạo quân cũng chưa được xét xử. Viên sĩ quan này phải giáng xuống làm lính thường. Nếu không áp dụng luật pháp nghiêm khắc thì không làm sao giữ dân chúng có ý nghĩ và tòng phục như nhau. Vì những lẽ nêu tên, chúng hạ thần xử khác với ba quan tỉnh để các vị xem lại và thi hành luật pháp theo đúng tinh thần và sự đòi buộc phải có. Nếu chúng hạ thần táo bạo trình lên hoàng thượng một kiến nghị như thế này là vì chúng hạ thần xác tín rằng kiến nghị được dựa trên những lý lẽ vững chắc. Cúi đầu xin hoàng thượng chỉ dụ. Minh Mệnh năm thứ 12, ngày 2 tuần trăng thứ 12 (4.1.1832). Vua Minh Mệnh đã ghi ‘Chuẩn y tấu’.

* Hậu quả theo sau hai vụ Mông Phụ và Lương Sơn:

1) Hai vụ nằm trong hiểm ý cấm đạo của vua Minh Mệnh.

2) Vua đã mở đường cho các quan làm tiền người Công Giáo, cho các làng lương dân sách nhiễu các làng Công Giáo (nhiều vụ tương tự đã xảy ra ở Thanh Hóa, Nam Định và Hà Nội) đòi người Công Giáo đóng tiền vào những lễ cúng tế thần làng. Nếu khlông chịu, họ thưa kiện lên huyện, phủ.

3) Riêng vụ Dương Sơn có liên quan đến cha Jaccard và nhà thờ, trường học. Cha Jaccard bị xử phải lưu đày. Nhưng hoàng thượng ân xá chỉ bắt đi phục dịch như một tên lính thường với lý do cha không phải là một người mọi rợ, không làm gì trái pháp luật, nhưng chỉ đến nước này kiếm kế sinh nhai và lừa dối dân chúng theo tà đạo. Còn nhà thờ và trường học của cha bị tịch thu.

* 1830, Kiến nghị các quan Bộ Hình

Nội dung kiến nghị:

Các quan Bộ Hình dâng kiến nghị xin vua Minh Mệnh cấm đạo và triệt hạ các nhà thờ: “Kính thưa hoàng thượng, trong các đạo ở nước này có đạo Giatô là tệ hại nhất. Đạo Phật và đạo Lão Quan tuy không hay và có nhiều dị đoan nhưng vẫn còn tốt hơn đạo Giatô. Ngày trước hoàng đế Trung Hoa và các tiên vương đã nghiêm ngặt cấm đoán đạo vô luân này, nhưng vì các quan biếng trễ không thi hành lệnh chu đáo và không làm tròn nghĩa vụ khiến đạo này tiếp tục làm hư hỏng và tăng số trong nước. Đây chính là dịp dành cho hoàng thượng tối cao, đầy quyền uy và sáng suốt để tiêu diệt hoàn toàn tà đạo này, một thứ đạo chỉ có hạng người cố chấp và những đàn bà ngu dại nghe theo. Các đạo trưởng phân chia đất nước thành nhiều xứ để cai trị theo ý muốn. Các tín đồ có lòng kính trọng đạo trưởng đến độ vâng lời tối mặt và thông báo tin tức trong nháy mắt từ Bắc xuống Nam. Kính xin hoàng thượng ra chỉ dụ cấm triệt đạo lý sai lầm này. Quốc gia không thể dung thứ được những người mọi rợ đến đây rao giảng đạo. Phải trừng phạt những người cho họ trú ngụ. Cũng phải cấm các sách viết bằng chữ mọi rợ. Phải ra lệnh nộp các sách này cho các quan huỷ đi. Đồng thời cấm các việc đọc kinh dù là âm thầm tại nhà. Ngoài ra phải bắt các thày giảng và trưởng gia đình đạp ảnh. Có làm như vậy họ mới được tha thứ cho lần thứ nhất. Chúng thần là những người hèn mọn thấp trí, dám dâng thư này. Kính mong hoàng thượng chỉ giáo, muôn đời sẽ nhớ ơn và các thế hệ tương lai sẽ xưng tụng danh của đức vua”

Nguyên nhân đặc thù xui khiến:

1) Một hình thức ‘ném đá giấu tay của vua Minh Mệnh’: xúi các quan làm kiến nghị trước rồi ra sắc lệnh hay chỉ dụ cấm đạo sau, để chứng tỏ ‘vua làm theo lòng dân’.

2) Những quan triều ghét đạo có dịp thi công với vua Minh Mệnh.

3) Nội dung kiến nghị là lặp lại những điều xưa cũ, không có nguyên nhân nào đặc thù.

Vụ việc nổi bật đi sau.

1) Khôn khéo của vua Minh Mệnh là ‘nhận được kiến nghị nhưng bề ngoài coi như không có’ và làm ngơ cho các quan ghét đạo làm giả chữ ‘Y nghị’ của vua vào bản tâu mà thẳng tay bách hại đạo.

2) Từ Nam đến Bắc, nhiều nhà thờ Công Giáo đã bị các quan tỉnh, huyện cho làng lương đến phá gỡ hay đòi buộc chính dân Công Giáo phải tự tháo gỡ.

3) Mất cơ sở, các đạo trưởng, thày giảng và giáo dân phải sinh hoạt lén lút…

* 1833, chỉ dụ công khai cấm đạo và mật lệnh gửi các quan trấn thủ

Nội dung chỉ dụ:

Sau nhiều năm chuẩn bị, nay mới là lúc vua Minh Mệnh ban chỉ dụ cấm đạo: “Ta, hoàng đế Minh Mệnh, truyền lệnh như sau: Từ nhiều năm nay, những người Tây phương đến đây truyền bá đạo Giatô làm mê hoặc thường dân bằng lời rao giảng có thiên đàng hạnh phúc và hỏa ngục khổ sở. Chúng không trọng kính đức Phật cũng không thờ cúng Tổ Tiên. Đó là một trọng tội phạm đến chính đạo (Khổng giáo). Hơn nữa, chúng xây cất những nhà thờ, nhà hội to lớn tiếp đón đông đảo dân chúng để dụ dỗ đàn bà và thiếu nữ. Ngoài ra chúng còn móc mắt những người ốm. Không còn gì trái ngược hơn với lý trí và tập tục. Năm ngoái trẫm đã trừng phạt hai làng theo đạo này: Dương Sơn và Mông Phụ với ý định làm cho bá chúng biết rõ ý trẫm muốn họ xa tránh tội ác này mà trở về đường ngay nẻo chính. Và đây là điều trẫm nghĩ: Mặc dù dân chúng ngu dốt theo đạo này đã đông số, nhưng vẫn còn đủ lương tri biết là hợp lý hay không và còn dễ dàng dạy dỗ trở về đàng lành. Vì vậy trước hết phải dùng lời khuyên và dạy dỗ đối với họ, nếu họ bất trị thì mới dùng các hình khổ.

Vậy ta truyền cho tất cả những người theo đạo này, từ quan cho chí đến dân đen phải thực tâm từ bỏ nếu họ nhìn biết quyền uy của ta. Trẫm muốn rằng tất cả các quan hãy tỉ mỉ xem xét có còn người Kitô nào sống trong địa hạt của mình và bắt họ tuân phục mệnh lệnh, bắt họ đạp lên ảnh tượng ngay trước mặt mình. Nếu họ làm theo thì sẽ được ân xá. Đối với các nhà thờ và nhà đạo trưởng các quan phải tịch thu làm kho chung. Từ nay về sau nếu có người nào bị nhận diện hay tố cáo là thực hành những thói tục đáng ghét này sẽ bị trừng trị với hình phạt nghiêm nhặt nhất, ngõ hầu có thể tiêu diệt thứ đạo này tận gốc rễ.

Đó là mệnh lệnh của trẫm, mọi người phải hết lòng tuân giữ. Ngày 12 tháng 11 Âm lịch, Minh Mệnh nguyên niên thứ 13” (DMAH 2 tr. 34-35).

Nội dung mật lệnh:

Nhờ một quan cao cấp ở Phú Yên có thịnh tình với đạo Công Giáo mà mật lệnh này đã tới tay cha Gagelin và các thừa sai: “Đạo Giatô rất đáng ghét, nhưng dân chúng ngu dại tin theo mà không suy xét. Con số đã tăng thêm đông và ở khắp mọi nơi trong vương quốc. Trẫm không thể để mặc cho tín đồ thêm vững mạnh và tăng thêm số. Do đó trẫm đã ban hành chỉ dụ cấm đạo, lấy lòng nhân từ dạy con đường phải theo để sửa đổi. Trẫm cũng nghĩ rằng những người tin theo đạo cũng là nhân dân của quốc gia. Số người càng đông và càng mù quáng cố chấp đến độ mang họ ra khỏi lầm lạc không phải là một việc dễ dàng trong một chốc lát. Nếu cứ phải áp dụng đúng luật thì phải giết hết cả một đám đông. Giải pháp này làm tổn thương đến lòng từ tâm của trẫm đối với dân chúng và rất có thể số đông những người được gọi đến để sửa trị sẽ chìm đắm trong lỗi lầm. Vả lại cần phải hành xử việc này một cách khôn ngoan theo câu cách ngôn: Muốn phá một tục lệ xấu thì phải phá từ từ và muốn nhổ cỏ, phải nhổ tận gốc. Vậy hãy theo lời khôn ngoan của tiền nhân để có thể chắc chắn thành công và không gây đổ vỡ. Trẫm truyền cho các thống đốc và tất cả những quan lại cai trị dân chúng phải:

1) Nghiêm chỉnh chỉ thị cho các quan cấp dưới cũng như dân chúng tự sửa mình và từ bỏ đạo này.

2) Thông báo chính xác các nhà thờ, nhà đạo trưởng hay nhà họ dạy dỗ dân chúng để triệt hạ không trì hoãn.

3) Dùng mưu chước khôn khéo mà bắt đạo trưởng. Các đạo trưởng Tây thì phải giải ngay về kinh đô với lý do theo lệnh vua để dịch các thư từ Âu châu. Với đạo trưởng Việt nam thì hãy giam giữ tại phủ, huyện và canh chừng cẩn thận, không để cho họ trốn thoát hay tiếp tục liên lạc bí mật với tín đồ của họ. Hãy canh phòng cẩn mật và trông chừng các quan cấp dưới để họ không lợi dụng cơ hội bắt bớ những người Kitô mà không phân biệt hay thiếu khôn ngoan, gây ra rối loạn khắp nơi. Điều đó, các quan phải chịu trách nhiệm. Việc này không phải là việc nhỏ nhặt, nhưng nó là nền tảng, vì vậy trẫm mới phải nhắc nhở và luôn để tâm đến. Các khanh là những quan đầu tỉnh, hãy tuân hành đúng lệnh triều đình, hành động cho khôn khéo để khỏi gây xáo động. Nếu xẩy ra điều gì thì các khanh không còn đáng tin cậy nữa. Trẫm cấm không được công bố lệnh này sợ rằng nếu công bố sẽ gây rắc rối, vậy khi nhận được một mình các khanh biết mà thôi” (DMAH 2 tr. 35-37).

Nguyên nhân đặc thù xui khiến:

1) Nguyên nhân đặc thù của chỉ dụ: lòng ghét đạo Công Giáo sẵn có nơi vua Minh Mệnh. Vua đã quy hoạch một chương trình dài hạn thể hiện ‘lòng ghét đạo này qua những vụ việc có trước như vụ Mông Phụ, Dương Sơn’ trước khi ra chỉ dụ. Lão tướng Lê Văn Duyệt đã chết, không còn ai cản được vua.

2) Cũng như các vị chúa Trịnh, chúa Nguyễn, vua nhà Tây Sơn, cho đạo Giatô là tà đạo, là đạo ngoại lai, các thừa sai là những người lừa dối, những người Việt Nam theo đạo là dân ngu dốt, dễ bị khuyến dũ mê hoặc.

3) Vua Minh Mệnh cho Nho Giáo mới là chính đạo, đạo Phật, đạo lão có thể bao dung còn đạo Giatô là đạo Âu châu nhất thiết phải diệt tận gốc.

Vụ việc nổi bật theo sau:

1) Nhiều làng Công Giáo bị xách nhiễu, buộc phải đóng tiền vào các dịp lễ thần làng, hoặc bị dân lương kiện lên quan huyện, phủ tỉnh… Những việc đau buồn này xẩy ra thường xuyên ở Bố Chính, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hưng Yên, Nam Định, Huế,… Mỗi nơi đều có những chứng nhân anh dũng, như chàng thanh niên 21 tuổi ở Bố Chính, 20 giáo dân can trường tại Châu Đốc,…

2) Linh mục Phêrô Lê Tùy chịu xử trảm tại Quan Ban (Hà Đông) năm 1833.

3) Linh mục Phanxicô Gagelin (cố Kính) chịu xử giảo tại Huế năm 1833

4) Quan đội Phaolô Tống Viết Bường chịu xử trảm tại Thọ Đúc (Huế) năm 1833

* 1835, Mười điều huấn dụ

Nội dung 10 huấn dụ:

1) Đôn nhân hậu: Trọng tam cương ngũ thường. Hỡi con người, bản tính của nhân sinh là phải biết có luật vua tôi, có liên hệ máu mủ cha con, có phân biệt vợ chồng, có đẳng cấp huynh thứ, có tin tưởng giữa bằng hữu. Đó là cuộc sống con người và tuân giữ các điều ấy là đạo làm người.

2) Chính tâm thuật: Làm việc gì cũng cốt phải giữ bụng dạ cho chính đính trong sạch. Thật vậy, cái tâm là chính con người, nếu nó ngay thẳng thì vạn sự lành phát xuất như từ nguồn suối, bằng không, nó là lò của trăm sự dữ đổ trên đầu. Đấng Đại Thiên đã in sâu trong tâm hồn mỗi người đạo tự nhiên: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đời sống con người ở tại giữ các nguyên tắc cao cả này. Trẫm ước mong rằng mọi thần dân hãy có tâm hồn tốt, mặc dù hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng tất cả hợp cùng nhau tìm kiếm sự thiện. Người giàu đừng có kiêu căng ngạo nghễ, người nghèo đừng gian tham trộm cướp, ước ao giàu sang vượt quá cấp bậc, để ý nghĩ xấu tiêu hao tìm kiếm.

3) Vụ bản nghiệp: Giữ bổn phận, chăm nghề nghiệp của mình. Phải bằng lòng với cuộc sống của mình, đừng than thân trách phận trời đã sinh ra ta. Hãy làm trọn bổn phận với niềm vui, hãy làm việc hăng hái và bằng lòng. Tất cả, người nông dân, thủ công, thương gia, binh sĩ hãy bằng lòng mãn nguyện.

4) Thượng tiết kiệm: chuộng đường tiết kiệm. Hãy xử dụng của trời cách tiết độ, đừng như người hoang phí tiêu thụ tất cả những cái có, rồi phải đói trong suốt năm. Ham mê các thú chơi làm nẩy sinh nghèo đói, trộm cắp và loạn tặc.

5) Hậu phong tục: Giữ phong tục cho thuần thục.

6) Huấn tử đệ: Phải dạy bảo con em. Giáo dục gia đình là nền tảng xã tắc.

7) Sùng chính học: Tránh học thuyết xấu và học hỏi cái hay. Trẫm khuyên đừng để ngày nào qua đi mà không đọc sách hay học hỏi, cũng như phải coi chừng học thuyết sai lầm. Tất cả lý thuyết sai lầm của đạo Giatô đều đi ngược với lý trí và nguy hại cho thuần phong mỹ tục. Những người theo phái này, đàn ông đàn bà sống chung với nhau như những người man rợ (muông thú), nhiều người đã phải đóng vào việc thờ phượng, gieo rắc sự bất hòa khắp nơi, điên rồ tôn kính người phải chết, hủy hoại lời dạy phải lẽ và có hại cho nhân loại. Vậy không thể tin vào đạo như thế. Những người đi lang thang khắp nước truyền bá, hãy từ bỏ sớm hết sức. Trái lại mọi người hãy giữ cẩn thận tập tục tiền nhân: các lễ phép thông thường trong việc cưới xin cũng như tang chế, trong việc thờ phượng ông bà cũng như thần làng.

8) Giới dâm thắc: Đừng giữ những điều gian tà dâm dục. Người có công giữ nhân đức tiết hạnh sẽ được thưởng, trái lại ai lỗi phạm sẽ bị trừng phạt. Có thể, trẫm sẽ lập nhà riêng cho họ, có thể trẫm ban bằng khen thưởng để làm gương cho những người khác.

9) Thận pháp thủ: Cẩn thận giữ luật pháp. Đặc biệt là việc nộp thuế.

10) Quảng thiện hạnh: Rộng rãi làm việc lành (DMAH 2 tr. 64).

Nguyên nhân đặc thù xui khiến:

1) Vào những năm cuối đời vua Minh Mệnh lo ngại trước sự xa đoạ của xã tắc: trong làng nhiều kẻ cường hào trái phép, nhiều thần dân biếng nhác, chỉ cờ bạc rượu chè…

2) Nhiều quan lại tham làm tiền bạc, ham mê tửu sắc,…

3) Có nhiều giặc giã nổi lên: giặc Vành, giặc Nồng Văn Vân, giặc Lê Văn Khôi,…

4) Vẫn tiếp tục ghét đạo và cấm đạo…

Vụ việc nổi bật theo sau:

1) Các làng đón rước 10 chỉ dụ và các quan về làng giảng huấn…

2) Binh sĩ Anrê Trần Văn Trông, Thọ Đúc, Huế bị xử trảm năm 1835

3) Thừa sai Giuse Marchand (Du) bị xử bá đao tại Huế năm 1835.

* 1836, Kiến nghị xin cấm đạo

Nội dung kiến nghị:

“… Các thừa sai dùng bánh nhiệm mầu để mê hoặc dân chúng và làm cho họ cố chấp giữ đạo. Các thừa sai còn lấy mắt người chết pha lẫn vào hương để làm thuốc chữa bệnh. Trong khi cử hành hôn phối, đạo trưởng bắt làm những điều đồi bại. Thừa sai Marchand đã thú nhận tất cả những đồi bại này. Vì thế cần phải đặt ra những biện pháp mới chống lại các đạo trưởng Tây phương. Rõ ràng năm 1826 hoàng thượng đã công bố chỉ dụ rất khôn ngoan để ngăn cấm các đạo trưởng xâm nhập quốc gia, nhưng mặc dầu vậy, Marchand đã lén vào được trong nước và ẩn trốn nhiều năm. Có lẽ nhiều thừa sai khác nữa cũng còn ẩn trốn trong nước. Vì thế ngước trông hoàng thượng công bố những biện pháp sau đây: cấm các tàu buôn mọi rợ không được đến các cửa biển ngoại trừ cửa Hàn. Quan coi cửa biển này phải nghiêm mật trông chừng tất cả mọi người nước ngoài đến đây buôn bán. Phải có phép quan trước mới được xuống đất để buôn bán và suốt trong thời gian này phải có người theo dõi, không được tách rời dù trong bất cứ nhà đặc biệt nào. Khi họ đã buôn bán xong phải kiểm điểm số người trước khi dẫn lên tàu. Nếu có người nào tìm cách trốn ở lại sẽ bị bắt ngay và phải xử tử. Còn các tàu buôn người Trung Hoa có thể đến tất cả các cảng khác, nhưng vừa tới sẽ bị khám xét ngay và nếu trên tàu có đạo trưởng Âu tây sẽ bị bắt và xử tử. Các đạo trưởng Âu tây bắt được trên đất liền cũng phải xử tử. Người oa trữ cũng bị một hình phạt như thế. Các quan cũng sẽ bị trừng phạt xử tử nếu đạo trưởng bị bắt trong địa hạt của họ, vì đã không chịu lùng soát cho kỹ để bắt” (DMAH 2 tr.86-87).

Nguyên nhân đặc thù xui khiến:

1) Thực ra đây không phải là sắc lệnh của vua Minh Mệnh, nhưng là kiến nghị các quan đã soạn theo ý của vua. Đúng theo kế hoạch ‘ném đá giấu tay’ vốn có của nhà vua.

2) Vì thế đầy tràn những ‘nguyên nhân’ vu khống, vô căn cứ… kể cả những điều ‘thú nhận’ đã gán cho thừa sai Marchand.

3) Vì những biện pháp ‘bắt các đạo trưởng Tây phương’ trước đây chưa nghiêm khắc đủ hoặc các quan lơ là, chỉ lợi dụng sắc luật để làm tiền… nên kiến nghị lần này nghiêm khắc hơn cả, đối với các đạo trưởng cũng như đối với các người oa trữ đạo trưởng và các quan lại chểnh mảng: tất cả đều bị án xử tử.

Vụ việc nổi bật theo sau:

1) Lại một phen các giám mục, thừa sai linh mục bản xứ, các thày giảng, chủng sinh và những người Công Giáo nhiệt tình… phải sống trốn tránh, cực khổ… và do đó, công việc truyền giáo bị đình trệ…

2) Thừa sai J.B. Cornay (Tân) bị bắt và bị xử lăng trì tại Sơn Tây năm 1837.

3) Thày giảng Phanxicô Xavier Cần bị bắt năm 1836 và bị xử giảo tại Hà Nội năm 1837

4) Thấy các quan chưa ‘hung hăng đủ’ để bắt các đạo trưởng, đặc biệt tổng đốc Trịnh Quang Khanh ở Nam Định, vua Minh Mệnh liền triệu Trịnh Quang Khanh về Huế khiển trách và hạ xuống làm quan huyện.

* 1838, lệnh tàn sát đạo Công Giáo

Nội dung sắc lệnh:

Tuy vắn nhưng thật hung dữ, chỉ dụ vua Minh Mệnh gửi cho các quan đầu tỉnh. Vua Minh Mệnh hạ lệnh thẳng thừng: “Hãy bắt bớ, đánh đập không thương tiếc. Hãy tra tấn. Hãy ra lệnh xử tử tất cả những người từ chối đạp ảnh thánh giá. Hãy biết rằng từ chối đạp ảnh là trở thành người phản nghịch. Không cần xét xử, hãy lấy gươm, búa, giáo, tất cả những gì có trong tay mà tiêu diệt những kẻ mù quáng và cố chấp, đừng để một người nào thoát chạy…” (DMAH 2 tr.115-116).

Nguyên nhân đặc thù xui khiến:

1) Có lẽ vua Minh Mệnh thấy các quan không quan tâm đủ những sắc lệnh hay chỉ dụ cấm đạo vua đã ban hành. Trường hợp cụ thể là quan tổng trấn Trịnh Quang Khanh ở Nam Định.

2) Có lẽ vua Minh Mệnh thấy 10 huấn dụ vua ban bố năm 1835 không mang lại hiệu quả, từ quan chí dân chỉ nghe mà không thực hành.

3) Đang khi đó vua giận dữ khi thấy đạo Công Giáo mỗi ngày một phát triển cả về số đạo trưởng, thày giảng, họ đạo, cơ cấu tổ chức…

Vụ việc nổi bật theo sau:

1) Thày giảng Phanxicô Chiểu bị bắt và bị xử trảm tại Nam Định năm 1838.

2) Đức Giám Mục phó Dominique Henares (Minh) dòng Daminh bị bắt và bị xử trảm tại Nam Định năm 1838.

3) Linh mục Vincentê Đỗ Yến o.p. bị bắt và bị xử trảm tại Hải Dương năm 1838.

4) Thày giảng Giuse Nguyễn Đình Uyển bị bắt và chết rũ tù tại Hưng Yên năm 1838

5) Linh mục Phêrô Nguyễn Bá Tuần bị bắt và chết rũ tù tại Nam Định năm 1838.

6) Đức Giám Mục Inhaxiô Delgado (Y) o.p. bị bắt và chết rũ tù tại Nam Định năm 1838

7) Linh mục Guise Fernandez (Hiền) o.p. bị bắt và bị xử trảm tại Nam Định năm 1838.

8) Linh mục Bênađô Vũ Văn Duệ bị bắt và bị xử trảm tại Ba Tòa năm 1838.

9) Linh mục Dominicô Nguyễn Văn Hạnh o.p. bị bắt và bị xử trảm tại Ba Tòa năm 1838.

10) Linh mục Giacôbê Năm (Mai Ngũ) bị bắt và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1838.

11) Ông Micae Lý Mỹ (Nguyễn Huy Diệu) bị bắt và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1838

12) Ông trùm Antôn Nguyễn Đích bị bắt và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1838.

13) Linh mục Giuse Đặng Đình Viên bị bắt và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1838.

14) Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tự o.p., bị bắt và bị xử trảm tại Bắc Ninh năm 1838

15) Y sĩ Giuse Hoàng Lương Cảnh bị bắt và bị xử trảm tại Bắc Ninh năm 1838

16) Linh mục Francis Jaccard (Phan) m.e.p. bị bắt và bị xử giảo tại Quảng Trị năm 1838.

17) Chủng sinh Toma Trần Văn Thiện bị bắt và bị xử giảo tại Nhan Biều năm 1838

18) Đức Giám Mục Pierre Borie (Cao) m.e.p. bị bắt và bị xử trảm tại Quảng Bình năm 1838.

19) Linh mục Phêrô Võ Đăng Khoa bị bắt và bị xử giảo tại Quảng Bình năm 1838.

20) Linh mục Vinhsơn Nguyễn Thế Điểm bị bắt và bị xử giảo tại Đan Sa năm 1838.

21) Thày giảng Phaolô Nguyễn Văn Mỹ bị bắt năm 1837 và bị xử giảo tại Sơn Tây năm 1838.

22) Thày giảng Phêrô Nguyễn Văn Đường bị bắt năm 1837 và bị xử giảo tại Sơn Tây năm 1838.

23) Thày giảng Phêrô Vũ Văn Truật bị bắt năm 1837 và bị xử giảo tại Sơn Tây năm 1838

24) Đó là chưa kể những vụ việc khác, như vụ Đức Cha Havard phải trốn lên rừng Bạch Bát (Ninh Bình) với hai thày giảng. Ba cha con sống dưới hầm và chỉ ăn gạo sống… Sau mười mấy ngày Đức Cha ngã bệnh và chết trên rừng…

25) Nhìn chung lại năm 1838, chúng ta thấy lời của cha thừa sai Delamotte bấy giờ sống lẩn trốn tại Nhu Lý thật xác đáng. Ngài viết: “Năm 1838 là một năm khốn nạn, và bắt bớ tại Bắc Việt và Trung Việt. Lưỡi gươm bắt đạo đã mặc sức chém giết, nhưng nước trời lại thêm đông số các Đấng Tử Đạo…”

* 1839, hai sắc dụ

Nội dung sắc dụ ‘mạt sát đạo Giatô’ và ‘trừng trị các binh lính Công Giáo’, ban hành 29.7.1839

Đây chỉ là bản tóm lược: Sắc dụ gồm sáu phần: 1 – Vua kể ra các lời buộc tội Công Giáo là không tuân giữ luật nước, đầy dẫy giả dối, giảng dạy những điều phi lý như thiên đàng, thánh giá, nước thánh, các đạo trưởng móc mắt người chết, dụ dỗ đàn bà con gái. 2 – Vua kể ra những việc đã làm để tận diệt đạo này. 3 – Liệt kê các hình phạt áp dụng cho binh lính. 4 – Nêu lên những lý do các quan có thể dùng để khuyến dụ binh lính bỏ đạo Giatô mà theo đạo nhà nước. 5 – Giải thích bổn phận hiếu đễ với cha mẹ để được giàu có và danh giá, người không chịu bỏ đạo Giatô sẽ bị trừng phạt và làm nhục nhã cha mẹ. 6 – Truyền cho tất cả các quan trong nước phải tận tâm giảng dạy các huấn dụ của vua. Người nào chối đạo rồi thì không phải đến nghe giảng nữa, người nào không chối đạo sẽ bị xử tử. Người nào chưa có thể bỏ đạo thì phải đưa đến trước mặt quan để đạp ảnh rồi mới được để cho yên, bằng không phải thọ hình.

Nội dung của sắc dụ ‘cáo tội các đạo trưởng và giáo dân mê muội’ và bắt họ phải ‘dựng miếu tại làng để cúng tế tổ tiên và thần làng’, ban hành 03.10.1839:

“Tất cả các quan đầu tỉnh phải chỉ thị cho các quan cấp dưới sai các cai tổng, lý trưởng những làng có người Công Giáo để dạy dỗ và xóa bỏ những sai lầm. Sau đây là những điều cốt yếu phải giảng dạy: 1 – Ông Giatô, ông tổ đạo của các ngươi là một người ở nước xa xôi và thuộc về một giống khác lạ với các ngươi. Nếu đạo lý của ông ta thật củng cố lòng trung với vua, hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em thì có ai bắt các ngươi về tội theo đạo đâu?. 2 – Còn đối với các thừa sai giảng dạy về một thánh giá trên đó có treo một đứa trẻ thì hoàn toàn không thể hiểu được. Tốt hơn hết là đừng tin tưởng vào đó. 3 – Còn nếu các ngươi nói rằng theo đạo Giatô để được lên thiên đàng sau khi chết ư? Nhưng các ngươi hãy xem sự gì xảy ra cho linh mục Marchand, Cornay, cho trùm Hiền (cha Fernandez), trùm Hai (Đức Cha Henares). Không phải là họ đã chết khốn nạn sao? Hình khổ của họ không phải là một điều ghê sợ sao? Hẳn thật bốn thừa sai này đã giữ đạo hoàn hảo hơn tất cả dân chúng, đạo đã không ngăn cản cho họ khỏi chết, cũng như sau khi hành quyết đầu của bốn người tách rời khỏi xác. Xem đấy, chính họ đã kể lể những cái đẹp đẽ sau khi chết, cái chết của họ đã lật tẩy những lời xảo ngôn. Làm sao có thể lên trời khi người ta không còn sống được nữa? Trái lại, các ngươi hãy xem gương các cha Việt Nam Duyệt và Kiên. Bây giờ những người đã đạp ảnh thì đều được tự do và sống an bình cho tới ngày cuối đời chờ đợi nước trời dành cho họ. Hãy nói những niềm vui thiên đàng ở về phía nào và những hình khổ hỏa ngục về phía nào?. 4 – Nếu các ngươi không nhạy cảm về các điều suy nghĩ trên và nếu các ngươi tiếp tục hội họp để cầu kinh bí mật, các ngươi có bằng chứng là điên rồ và cố chấp trong tội ác. 5 – Đó là những ý tưởng lớn cần phải quảng diễn cho người Công Giáo để soi sáng và dẫn dụ họ trở về. 6 – Theo lòng nhân từ sẵn có, trẫm cho triển hạn một năm để những người có trách nhiệm phổ biến những huấn thị này, hầu qua những lần dẫn giải, dần dần họ đã bị thấm nhiễm tinh thần của tà đạo, soi sáng họ hối hận về quá khứ và quyết tâm sửa đổi trong tương lai. 7- Cũng phải thúc ép các người tín hữu dựng chùa miếu lại mỗi làng để cứ thời hạn đã định cúng tế tổ tiên và thần làng. Chính nhờ làm trọn những nghĩa vụ này mà họ thâu hồi những quyền lợi và được mọi người kính trọng và tỏ ra xứng đáng trong thời đại thái bình của triều đại trẫm. 8 – Nếu sau khi đã công bố sắc lệnh mà các quan không tận tình ép buộc được các cai tổng và lý trưởng để thi hành lệnh, và nếu những cai tổng và lý trưởng không nhiệt tâm giáo huấn dân chúng, thì hết thời hạn định, sẽ bị trừng trị về tội chểnh mảng. 9 – Sau cùng, nếu các người Công Giáo phản nghịch trong nước, không có dấu hiệu phục tòng bên ngoài nghĩa là ban ngày là lương, nhưng ban đêm lại thực hành đạo và truyền đạo, thì khi ấy phải trừng phạt không thương tiếc, họ là những người Công Giáo bất trị” (DMAH 2 TR; 289-291).

Nguyên nhân đặc thù xui khiến:

1) Sau khi xử hai binh sĩ Augustinô Phan Viết Huy và Nicola Bùi Đức Thể (cùng bị lăng trì ngày 12.6.1839) trung kiên giữ đức tin và anh dũng chịu chết vì Chúa Giêsu, vua lên cơn giận và ra hai sắc dụ này.

2) Cũng vì có nhiều tố cáo và vu gian của lương dân và những quan lại ghét đạo thúc đẩy vua.

3) Nhiều đơn của làng lương đòi người Công Giáo đóng góp tiền ‘sửa sang chùa miếu và tổ chức lễ cúng bái thần làng’.

Vụ việc nổi bật theo sau:

1) Linh mục Dominicô Tước o.p. bị bắt và đánh chết tại Nam Định năm 1839.

2) Binh sĩ Dominico Đinh Đạt bị bắt năm 1838 và bị xử giảo tại Nam Định năm 1839.

3) Linh mục Toma Đinh Viết Dụ o.p. bị bắt và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1839.

4) Linh mục Dominicô Nguyễn Văn Xuyên o.p. bị bắt và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1839.

5) Thày giảng Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu bị bắt 1838 và bị xử giảo tại Cổ Mê năm 1839.

6) Nông dân Stêphanô Nguyễn Văn Vinh bị bắt năm 1838 và bị xử giảo tại Cổ Mê năm 1839.

7) Thày giảng Dominicô Bùi Văn Úy bị bắt năm 1838 và bị xử giảo tại Cổ Mê năm 1839.

8) Giáo dân Augustinô Nguyễn Mới, bị bắt 1838 và bị xử giảo tại Cổ Mê (Thái Bình) năm 1839.

9) Giáo dân Toma Nguyễn Văn Đệ bị bắt năm 1838 và bị xử giảo tại Cổ Mê năm 1839.

10) Linh mục Anrê Trần Anh Dũng (Lạc) bị bắt và bị xử trảm tại Ô Cầu Giấy năm 1839.

11) Linh mục Phêrô Phạm Viết Thi bị bắt và bị xử trảm tại Ô Cầu Giấy năm 1839.

* 1840, Cấm đạo năm cuối đời của triều Minh Mệnh

Tuổi già sức yếu, vẫn cấm đạo gay gắt:

Hai chỉ dụ của vua Minh Mệnh 1838 và 1839 vẫn còn nóng hổi cho tới lúc vua băng hà vì ‘ngã ngựa’ cuối năm 1840 (7). Trong năm này, mặc dầu tuổi già sức yếu, vua vẫn hung hăng diệt đạo Giatô.

Nguyên nhân đặc thù xui khiến:

1) Ngoài những lý do chúng ta đã thấy: vua tôn sùng đạo Nho và triệt hạ đạo Giatô mà vua cho là đạo giả dối, ngoại lai, trái với đạo thật là đạo Nho…

2) Có một lý do lớn khác và mỗi ngày một trầm trọng: dã tâm xâm lược nước Việt Nam của các cường quốc Âu châu và cách riêng là nước Pháp.

Vụ việc nổi bật tiếp diễn:

1) Linh mục Phaolô Phạm Khắc Khoan bị bắt năm 1837 và bị xử trảm tại Ninh Bình năm 1840

2) Thày giảng Gioan Baotixita Đinh Văn Thành bị bắt năm 1837 và bị xử trảm tại Ninh Bình năm 1840.

3) Thày giảng Phêrô Nguyễn Văn Hiếu bị bắt năm 1837 và bị xử trảm tại Ninh Bình năm 1840.

4) Linh mục Giuse Đỗ Quang Hiển bị bắt năm 1839 và bị xử trảm tại Nam Định năm 1840.

5) Linh mục Luca Vũ Bá Loan bị bắt và bị xử trảm tại Hà Nội năm 1840

6) Tu sĩ Toma Toán o.p. bị bắt năm 1839 và bị bỏ đói chết tại Nam Định năm 1840.

7) Ông trùm Antôn Nguyễn Hữu Năm (Quỳnh) bị bắt năm 1838 và bị xử giảo tại Đồng Hới năm 1840.

8) Thày giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự bị bắt năm 1838 và bị xử giảo tại Quảng Bình năm 1840.

9) Linh mục Dominicô Trạch (Đoàn) o.p. bị bắt và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1840.

10) Linh mục Giuse Nguyễn Đình Nghi (Kim) bị bắt và bị xử trảm tại Nam Định năm 1840.

11) Linh mục Phaolô Nguyễn Ngân bị bắt và bị xử trảm tại Nam Định năm 1840.

12) Linh mục Martino Tạ Đức Thịnh bị bắt và bị xử trảm tại Nam Định năm 1840.

13) Ông trùm Martino Thọ (Nho) bị bắt và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1840.

14) Lý trưởng Gioan Baotixita Cỏn (Bốn) bị bắt và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1840.

15) Y sĩ Simon Phan Đắc Hòa (Thu) bị bắt năm 1839 và bị xử trảm tại Huế năm 1840.

* Một nhận định ngắn:

Chúng ta có thể phân cuộc bách hại đạo Công Giáo thành hai giai đoạn: Giai đoạn I (1820-1833), khi chưa nắm vững ngai vàng vì còn nhiều cựu thần và giặc giã, vua còn nhẹ tay đối với đạo Công Giáo. Giai đoạn II (1833-1840) đã có lớp quan trung thành và giẹp xong giặc, vua quên lời dạy của Tiên đế, mạnh miệng lên án đạo Công Giáo, kể cả những vu khống ấu trĩ và thẳng tay ‘tàn sát không thương tiếc’. Phương pháp bách đạo của vua Minh Mệnh là ‘xúi dân hoặc các quan trung thành làm kiến nghị theo ý vua’ để tránh bị tiếng là ‘một hôn quân bạo chúa’. Sau đó dựa trên những kiến nghị ra những sắc chỉ hay chỉ dụ ‘nghiêm khắc, tàn sát không thương tiếc’. Trong các quan trung thành và hung dữ của vua Minh Mệnh là quan tổng trấn Trịnh Quang Khanh vùng Nam Định. Cụ thể là trong số 58 thánh tử đạo dưới thời vua Minh Mệnh đã có 24 vị trong vùng Nam Định do quan Trịnh Quang Khanh quản nhiệm. Thật đáng tiếc cho một vị vua ‘quá thâm Nho’ nên ‘từ trái tim đến khối óc’ đã mất tầm nhìn xa thấy rộng của một vị hoàng đế!