Ga 10,1-10: Đức Giêsu Là Cửa Ràn Chiên

0
4897


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Ga 10,1-10 [1]

1 “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”. 6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

***

1.- Ngữ cảnh

Những biến cố vây quanh Đức Giêsu tại Jerusalem vào dịp Lễ Lều, bắt đầu từ Chương 7, lại tiếp tục ở đây. Người đã dạy dỗ và bằng dấu lạ đưa lại ánh sáng cho anh mù bẩm sinh, nêu rõ rằng: Người đã làm trọn ý nghĩa của Lễ Lều, vì Người ban nước trường sinh và ánh sáng cho thế gian. Bản văn “Đức Giêsu là cửa và vị Mục tử nhân lành”, là bài diễn từ cuối cùng của Đức Giêsu trong thời gian hoạt động công khai; bài này triển khai một đề tài đã được nêu lên ở Chương 9: Đức Giêsu, chứ không phải là các nhà lãnh đạo Do Thái giáo, mới là vị Mục tử đích thật, vị lãnh đạo của Dân Thiên Chúa.

2.- Bố cục

     Bản văn có thể chia thành ba phần:

          1) Ẩn dụ Cửa ràn chiên (10,1-5);

          2) Phản ứng của người Do Thái (10,6);

          3) Đức Giêsu giải thích ẩn dụ Cửa ràn chiên (10,7-10).

3.- Vài điểm chú giải

– Ràn chiên (1): Có nhiều loại ràn chiên. Có khi đó là một mảnh đất vuông bên sườn đồi, có tường đá vây quanh. Ở đây có lẽ là một mảnh sân phía trước một ngôi nhà, chung quanh có tường đá.

– Gọi tên từng con (2): Các mục tử Palestin thường đặt tên cho những con chiên họ yêu quý.

– Chúng sẽ không theo người lạ (5): Điều này khiến chúng ta có thể nghĩ rằng có nhiều đàn chiên trong một ràn, nên mỗi mục tử gọi tên các chiên là để tách chúng khỏi các đàn khác.

– Ẩn dụ (6): Hạn từ Hy Lạp mà Tin Mừng thứ IV dùng là “paroimia”. Bản BJ dịch hạn từ này là “discours mystérieux”.[2] TOB dịch là “parabole” và ghi chú: “Là lời huyền bí hoặc biểu tượng tối tăm, “la parabole” dưới mắt tác giả Gioan là cách mạc khải thuộc về sứ mạng của Đức Giêsu trong thời gian; ta chỉ có thể thật sự hiểu được mạc khải này trong đức tin, dưới ánh sáng của mạc khải cuối cùng, khi Đức Giêsu được giương cao và khi Thần Khí được ban tặng”.[3] NAB dịch là “figure of speech”, và chú thích là từ ngữ này tương tự với “dụ ngôn” của các Tin Mừng Nhất Lãm.[4] R.E. Brown dịch là “picture”, còn Zerwick & Grosvenor dịch là “simile, hidden saying” và cho rằng từ này cùng nghĩa với “parabolé” của Tin Mừng Nhất Lãm (x. Hc 47,17).[5] Vậy đây là một sự so sánh hoặc một dụ ngôn, nhưng nhấn mạnh trên ý nghĩa ẩn giấu. N. Guillemette dịch là “allégorie” (ẩn dụ). Trong bài ẩn dụ, phải chuyển các yếu tố khác nhau sang một trật tự khác các ý tưởng; sự chuyển dịch này được chính ẩn dụ gợi ra. Người ta không bắt đầu một bài tường thuật hay một bài miêu tả bằng câu “Thật, tôi bảo thật các ông…”. Ta có ngay ẩn dụ: ràn chiên gợi đến đoàn chiên của Yhwh (Gia vê), đến dân Thiên Chúa; có những mục tử thật và giả, như Đức Giêsu và các nhà lãnh đạo dân Chúa; và có các con chiên, đó là các tín hữu đang nghe lời của vị mục tử. Vậy mục tiêu của bài ẩn dụ là cho thấy sự tách biệt giữa đoàn chiên chân thật và đoàn chiên giả trá (Xem thêm: Ga 15,1-8).[6]

4.- Ý nghĩa của bản văn

Vào thời ấy, những người chăn chiên không phải là những con người tốt lành, dịu dàng như chúng ta tưởng tượng ra hôm nay. Trái lại, họ là những người khỏe mạnh, thô bạo. Họ bị khinh bỉ do cung cách hoang dại. Họ bị coi là ô uế, bất lương, nên không được làm chứng tại tòa án. Những người chăn chiên Palestin quen quy tụ các đàn vật của họ vào chung một ràn vào lúc tối. Một người chăn bảo vệ, những người khác đi nghỉ. Buổi sáng, khi một mục tử lên tiếng với người giữ cửa, các chiên của người ấy nhận ra tiếng anh và quy tụ lại bên anh. Đây là hình ảnh Đức Giêsu dùng trong dụ ngôn của Người.

* Ẩn dụ Cửa ràn chiên (1-5)

Tác giả Tin Mừng Gioan vẫn tiếp tục mạch tư tưởng của truyện “anh mù” (x. Ga 9,1-41),[7] và tiếp tục triển khai ý chính của bản văn ấy bằng cách chuyển sang ẩn dụ Cửa Ràn Chiên.

Cách duy nhất để đến với con chiên, đó là qua cái cửa được người giữ cửa mở ra. Đây là điểm nhấn mạnh của dụ ngôn. Chính cái cửa xác định ai là kẻ trộm, kẻ cướp, và ai là mục tử. Ai không qua cửa mà vào, nhưng lại trèo qua lối khác mà vào, tức là không đến với đàn chiên một cách chính thức, thì kẻ ấy là kẻ trộm và kẻ cướp. “Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (câu 2).

Đến đây, tương quan mật thiết giữa các con chiên và mục tử được nêu bật. Người dân Arabia du cư trong sa mạc cho chúng ta hôm nay một khái niệm về đời sống của các chi tộc Israel ngày trước: trong xã hội ấy, tương quan giữa mục tử và đàn chiên không phải chỉ theo kiểu kinh tế, dựa trên lợi nhuận mà mục tử có thể rút ra từ các con chiên để nuôi mình và gia đình: xén len, uống sữa, ăn thịt (nướng), bán bớt chiên khi cần tiền, tức là một tương quan “sở hữu”. Đúng ra, đây là một tương quan hầu như riêng tư giữa mục tử và đàn chiên. Chiên và người sống ngày qua ngày với nhau tại những nơi hoang vắng, trong thế “diện đối diện”, không có ai khác ở quanh đó. Cuối cùng, mục tử biết rõ từng con chiên, và mỗi con chiên phân biệt và nhận ra được tiếng của mục tử mình, vì anh nói với chúng thường xuyên. Chúng sẽ đi theo anh đến các đồng cỏ.

Thật ra, Đức Giêsu đang mô tả chính cách thức xử sự của Người, để cho thấy là Người thực hiện tất cả các điều kiện cần thiết về Người Mục tử chân chính của Israel. Để đến với Đàn Chiên của Thiên Chúa, Người đã dùng con đường thông thường, bởi vì Người có đến là vì nhận được tiếng gọi và bài sai của Thiên Chúa, trong biến cố Phép rửa (Ga 1,31-34).[8] Gioan Tẩy Giả đã đóng vai người giữ cửa do bài sai của Thiên Chúa, đã mở cửa cho Đức Giêsu và đã giới thiệu Người cho toàn dân, đặc biệt cho các môn đệ ông (Ga 1,23-31).[9] Tương quan giữa mục tử và chiên là một trong những tương quan chặt chẽ nhất mà người ta có thể nhận thấy trong cuộc sống hằng ngày của một người Israel: chính vì thế, Thiên Chúa đã dùng biểu tượng này để diễn tả tương quan của Ngài với Dân tuyển chọn và với toàn thể nhân loại. Một trong những Thánh Vịnh đẹp nhất mô tả sự an toàn mà dân Chúa cảm nhận khi có Chúa là Mục tử là Tv 23.[10] Nhưng điều này cũng có giá trị cho các tương quan giữa con người với nhau. Do đó, trong Kinh Thánh, danh hiệu mục tử cũng được ban cho tất cả những ai bắt chước sự ân cần, tận tâm của Thiên Chúa để lo cho tình trạng an vui của dân mình. Vì vậy, các vua, các tư tế, và nói chung, mọi vị hữu trách trong dân, cũng được gọi là mục tử.

Trong chiều hướng này, khi một ngôn sứ như Ezekiel nhắc đến các thủ lãnh của dân, ngài đã gọi họ là mục tử. Tuy nhiên, ngài gọi như thế không phải là để nhắc đến hình ảnh người che chở mà lẽ ra họ phải nêu ra, nhưng là để nhắc đến tình trạng thực của họ: những thủ lãnh vô trách nhiệm, thậm chí bất lương, vì đã lợi dụng địa vị của họ để bóc lột và áp bức. Họ đã tự đặt mình làm thủ lãnh và người hướng dẫn thiêng liêng của đàn chiên, mà chẳng thông qua Người giữ cửa tối cao, không hề nhận bài sai từ Thiên Chúa cho sứ mạng đó. Như những tên trộm cướp, họ đã chiếm lấy Dân Chúa vì ham vinh quang và quyền lực hơn là vì quan tâm đến đời sống thiêng liêng của Dân (các câu 8 và 10).

* Phản ứng của người Do Thái (6)

Phản ứng của các chiên tương tự phản ứng của người mù sơ sinh. Khi nghe Đức Giêsu, mặc dù bị người Pharisee ngăn chặn, con người phát xuất từ Dân Chúa đó đã phân biệt được người mục tử với quân trộm cướp. Các kinh sư và người Pharisee bị trách không phải là đã không biết giữ cửa, nhưng đã xử với đàn chiên như những kẻ trọm, kẻ cướp. Nhưng họ đã không hiểu các lời Đức Giêsu nói. Do đó, Đức Giêsu đã giải thích các dụ ngôn Cửa ràn chiên và Người mục tử. Họ không hiểu: đây không phải là một vấn đề trí thức, nhưng là một thái độ không muốn đáp trả thách đố của các dụ ngôn. Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, thách đố này xoáy vào đề tài Nước Trời; trong Tin Mừng thứ IV, thách đố này lại tập trung nơi Đức Giêsu.

* Đức Giêsu giải thích ẩn dụ Cửa ràn chiên (7-10)

Đức Giêsu tuyên bố: “Thật, tôi bảo thật các ông: Chính tôi là cửa cho chiên ra vào” (câu 7). Người không xác định cửa này phải chăng chỉ dành cho chiên ra vào, hay là cũng dành cho mục tử ra vào. Nhưng dựa vào câu nói tiếp theo: “Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp” (câu 8) và đối chiếu với dụ ngôn trên đây (Ga 10,1-5), ta hiểu là cửa này cũng để cho mục tử ra vào nữa. Như vậy, đã có những kẻ không qua cửa mà đến với đàn chiên, nhưng đã trèo qua lối khác. Những người này là ai? Phải chăng là những messiah giả hiệu thời Đức Giêsu? hay là chính vị Thầy dạy Đường công chính của Qumran? Tuy nhiên, gần với bản văn nhất, là chính các người Pharisee và Sadoc; giọng điệu của Đức Giêsu ở đây cũng rất gần với Tin Mừng Mt 23.

Đến đây, Đức Giêsu lại nhắc lại: “Chính tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (câu 9). Ở đây, Người là cửa dẫn đến ơn cứu độ, không phải là cửa cho mục tử mà là cửa cho con chiên. Tư tưởng này rất giống với Ga 14,6 và Tv 119,20.[11]

Trong Ga 4 và 6, chúng ta đã nghe Đức Giêsu tuyên bố rằng, Người là Đấng cung cấp nước hằng sống và bánh ban sự sống; bây giờ Người ban đồng cỏ đưa lại sự sống, có thể hiểu là sự sống viên mãn. Món quà đưa lại sự sống này đối lập lại với việc “giết hại và phá hủy (thysé kai apolesé [do động từ apollymi])” của kẻ trộm. Trong bài diễn từ dịp Lễ Lều (Ga 8,44),[12] Đức Giêsu cho biết ma quỷ là kẻ sát nhân; như thế, sự đối lập giữa kẻ trộm và người mục tử là phản ánh sự đối lập giữa Satan và Đức Giêsu. Kẻ trộm đến là để “phá hủy” (apollymi); ở Ga 3,16,[13] Đức Giêsu nói rằng, Thiên Chúa ban Con Một để bất cứ ai tin vào Người thì “khỏi phải diệt vong (= khỏi bị phá hủy [apolétai, do động từ apollymi])” nhưng được sự sống đời đời (x. Ga 6,39).[14] Chỉ mình Đức Giêsu có thể đưa các tín hữu đi vào trong không gian ban sự sống mà Thiên Chúa đã thiết lập, bằng cách giúp họ sinh vào sự sống nhờ nước và Thánh Thần (Ga 3,3-6),[15] và đó chính là ơn cứu độ đích thực (Ga 3,16-17).[16] Các tín hữu đã được cứu có thể “ra vào”: đã được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và ma quỷ, nhờ Đức Giêsu, họ được hưởng tự do đích thực của các con cái trong nhà Cha (Ga 8,34-44).[17] Nơi Người, họ sẽ tìm được đồng cỏ rất bổ dưỡng, đó là bánh và nước hằng sống, có khả năng thỏa mãn vĩnh viễn cơn đói khát thiêng liêng của con người (Ga 6,35; 4,14).[18]

Vì dường như các câu 8 và 9-10 là hai cách giải thích Đức Giêsu là cửa (mà câu 8 thì gần với dụ ngôn trên hơn), ta không cần phải nghĩ rằng kẻ trộm và kẻ cướp ở câu 8 (và câu 1) cũng là các nhân vật của câu 10. Kẻ trộm của câu 10 đến chỉ là để ăn trộm, giết hại và phá huỷ, thì giống với “kẻ nhân danh mình mà đến” ở Ga 5,43,[19] tức là một một đại diện tổng quát của bóng tối đối nghịch với Người Con.

+ Kết luận

Trong lòng Israel cũng như giữa lòng Hội Thánh, có hai hạng người: những người thực sự thuộc về người mục tử và chỉ đáp lại tiếng người ấy gọi mà thôi, và những người không đáp lại tiếng mục tử gọi vì chưa bao giờ thuộc về người ấy.

Đức Giêsu chỉ có một mối bận tâm duy nhất, đó là làm cho các con chiên sống bằng sự sống của Thiên Chúa, ngày càng dồi dào phong phú hơn. Người chính là người Mục tử chân thật đã được Thiên Chúa giao phó đàn chiên cho. Cũng có những mục tử giả hiệu, chỉ tìm giết con chiên, theo sự thôi thúc của Satan, tên sát nhân. May mắn là các con chiên chân thật không nghe và đi theo các mục tử giả này, vì chúng không nhận ra lời họ nói chính là Lời Nói của vị Mục Tử tối cao.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Người Pharisee cho rằng họ hướng dẫn những người khác nhân danh Thiên Chúa; họ rất ghen tị về sự tín nhiệm dân chúng dành cho Đức Giêsu, khiến họ bị mất uy tín thiêng liêng. Vậy giữa họ và Đức Giêsu, có một xung đột về ảnh hưởng. Qua các lời được bài Tin Mừng hôm nay ghi lại, Đức Giêsu xác định cho họ biết đâu là ảnh hưởng mà người Pharisee đang tạo ra trên đàn chiên Israel và đâu là ảnh hưởng mà chính Người đang tạo ra.

2. Đức Giêsu là cửa. Người không loại trừ ai khỏi ơn cứu độ, “Người đã đến là để cho mọi người được sống dồi dào”, kể cả những người Pharisee đang tìm cách loại trừ Người. Khi khẳng định như vậy, Người muốn cho biết rằng chỉ mình Người mới có thể thông ban ơn cứu độ. Người ta không thể đi vào cạnh tranh với Người. Người là cửa duy nhất đưa đến ơn cứu độ mà tất cả phải chấp nhận đi qua, không ai được miễn chuẩn, dù là những người có một uy quyền hay một thẩm quyền thiêng liêng trong cộng đoàn tín hữu.

3. Xét lại lối sống của chúng ta hôm nay, chúng ta có yên tâm rằng chúng ta đang đi theo Đức Giêsu, vị Mục Tử duy nhất? Và những tiêu chuẩn để xét lại đời sống là: nhận biết tiếng Người và đi theo Người, không nhận biết tiếng mục tử lạ và tránh xa mục tử ấy, đi qua cửa ràn chiên, đang nhận sự sống do chính Mục Tử chân chính cung cấp. Là con chiên, các Kitô hữu cũng là mục tử trong tương quan với người khác: phải giúp người khác tìm được hạnh phúc trong đời họ, phải dấn thân bảo vệ các quyền căn bản của con người.

4. Hôm nay chúng ta cũng cầu nguyện để Thiên Chúa ban thêm cho có những mục tử xứng đáng thay mặt Đức Giêsu, Vị Mục Tử chân thật. Các ngài rao giảng về Chúa Kitô và ơn cứu độ, các ngài nói về và bảo vệ nhân quyền. Để có thể là một mục tử xứng đáng, một vị lãnh đạo trong Hội Thánh cũng phải sống tư cách con chiên của Đức Giêsu, cũng ra vào qua cửa ấy và nhận được lương thực nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình.

 

 

 

 

 


[1] Bản Thánh Kinh Việt Ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Bản “La Bible de Jérusalem”, viết tắt là BJ, là bản dịch bộ Kinh Thánh bằng tiếng Pháp do các nhà nghiên cứu Công Giáo Dòng Ðaminh tại trường Kinh Thánh Jerusalem thực hiện. Từ bản tiếng Pháp trên, bản dịch tiếng Anh (cũng viết tắt là JB) được xuất bản lần đầu tiên năm 1966 và phiên bản kế tiếp “New Jerusalem Bible” (viết tắt là NJB) được xuất bản năm 1982. Bản dịch Anh ngữ này dựa trên nguyên bản tiếng Do Thái, Aram và Hy Lạp và đối chiếu với bản dịch Pháp ngữ. Văn bản đầy tính thơ. Bộ Kinh Thánh Công Giáo này được ca ngợi là đầy đủ tham chiếu và trích dẫn.

[3] Bản “Traduction Oecuménique de la Bible”, viết tắt là TOB, là bản dịch Kinh Thánh được sự hợp tác giữa nhóm chuyên viên của: Tin Lành, Công Giáo, Chính Thống Giáo; và do đó thường gọi là Bản Kinh Thánh Đại Kết. Công việc này được khởi sự từ năm 1960, bởi nhà xuất bản “du Cerf”“Hội Kinh Thánh Pháp Bibli’O”. Cho đến nay, qua các cuộc đối thoại đại kết giữa các Giáo Hội Kitô khác nhau cũng như với Do Thái Giáo, bản Kinh Thánh này dần tiếp tục được hoàn thiện cách tốt nhất trong cách nhìn nhận về ngữ nghĩa và sử dụng ngôn ngữ phù hợp nhất đối với sự phát triển của ngành chú giải Kinh Thánh. Phiên bản Kinh Thánh Đại Kết mới nhất được xuất bản vào ngày 18/11/2010.

[4] Đây là bản Kinh Thánh do hội “New American Bible” (1952-1970) thực hiện, viết tắt là NAB. Phiên bản mới đã hiệu chỉnh với sự chuẩn xác và cập nhật trong ngôn ngữ của bản NAB là “New American Bible with Revised New Testament and Psalms” (viết tắt là NAB-RNT), và hiện là ấn bản tiêu chuẩn của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ về Kinh Thánh. Bản dịch này hiện đang chính thức được sử dụng trong phần Phụng Vụ Lời Chúa tại các thánh đường Công Giáo Hoa Kỳ và nhiều quốc gia sử dụng Anh ngữ khác.

[5] x. Hc 47,17: 17 Các bài ca, châm ngôn và dụ ngôn cũng như các lời giải thích của ngài khiến mọi xứ phải trầm trồ khen ngợi.

[6] Ga 15,1-8: 1 “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. 5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

[7]x. Ga 9,1-41: 1 Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. 2 Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”. 3 Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. 4 Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. 5 Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian”. 6 Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, 7 rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là:người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. 8 Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?” 9 Có người nói: “Chính hắn đó!” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!” Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây!” 10 Người ta liền hỏi anh: “Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?” 11 Anh ta trả lời: “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: ‘Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa’. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy”. 12 Họ lại hỏi anh: “Ông ấy ở đâu?” Anh ta đáp: “Tôi không biết”. 13 Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. 14 Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát. 15 Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy”. 16 Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”; kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. 17 Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp: “Người là một vị ngôn sứ!”. 18 Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. 19 Họ hỏi: “Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?” 20 Cha mẹ anh đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. 21 Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được”. 22 Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. 23 Vì thế, cha mẹ anh mới nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”. 24 Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi”. 25 Anh ta đáp: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!” 26 Họ mới nói với anh: “Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?” 27 Anh trả lời: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?” 28 Họ liền mắng nhiếc anh: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. 29 Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến”. 30 Anh đáp: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! 31 Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. 32 Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. 33 Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì”. 34 Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?”. Rồi họ trục xuất anh. 35 Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” 36 Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?”. 37 Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. 38 Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin”. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người. 39 Đức Giê-su nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!”. 40 Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?” 41 Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn!”.

[8] Ga 1,31-34: 31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước”. 32 Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. 33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. 34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.

[9] Ga 1,23-31: 23 Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. 24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. 25 Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?” 26 Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. 27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. 28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa. 29 Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. 30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. 31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước”.

[10] Tv 23: 1 CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. 2 Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành 3 và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. 4 Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. 5 Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. 6 Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.

[11] Ga 14,6: 6 Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.

Tv 119,20: 20 Hồn con những khát khao mòn mỏi, hằng chờ mong quyết định của Ngài.

[12] Ga 8,44: 44 Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối.

[13] Ga 3,16: 16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

[14] x. Ga 6,39: 39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.

[15] Ga 3,3-6: 3 Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”. 4 Ông Ni-cô-đê-mô thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?” 5 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. 6 Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.

[16] Ga 3,16-17: 16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

[17] Ga 8,34-44: 34 Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. 35 Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. 36 Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. 37 Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. 38 Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói”. 39 Họ đáp: “Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham”. Đức Giê-su nói: “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. 40 Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. 41 Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm”. Họ mới nói: “Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!” 42 Đức Giê-su bảo họ: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi. 43 Tại sao các ông không hiểu lối nói của tôi? Là vì các ông không thể nghe lời tôi nói. 44 Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối.

[18] Ga 6,35; 4,14: 14 Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. 6 35 Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

[19] Ga 5,43: 43 Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận.