Ga 15, 9-13: Dòng Chảy Tình Yêu Giữa Chúa Cha, Đức GiêSu Và Các Môn Đệ

0
345


Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP.

 

DẪN NHẬP

Tình yêu giữa Chúa Cha và Đức Giê-su, tình yêu giữa Đức Giê-su và các môn đệ, cũng như tình yêu giữa các môn đệ với nhau là đề tài lớn trong Tin Mừng Gio-an. (Xem bài viết: Đề tài tình yêu và tình bạn trong Tin Mừng Gioan). Tình yêu này được diễn tả như thế nào? Các môn đệ đón nhận tình yêu và đáp trả tình yêu này bằng cách nào? Đoạn Tin Mừng Ga 15,9-13, trình bày dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ sẽ giúp trả lời những câu hỏi trên. Để tìm hiểu đoạn văn này, phần sau sẽ trình bày bốn mục: (1) Bản văn và cấu trúc Ga 15,9-13, (2) Hy sinh mạng sống mình vì tình yêu (15,13), (3) Yêu như Đức Giê-su đã yêu (15,12), (4) Dòng chảy tình yêu.

I. BẢN VĂN VÀ CẤU TRÚC Ga 15,9-13

1. Bản văn Ga 15,9-13

Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 15,9-13: “9 Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, như chính Thầy, Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em và niềm vui của anh em được trọn vẹn. 12 Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em. 13 Không ai có tình yêu cao cả hơn người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu của mình.

Ga 15,9-13 được chia làm hai tiểu đoạn: (1) 15,9-11 trình bày tương quan tình yêu và cách bày tỏ tình yêu. Câu kết (15,11) nói về niềm vui của Đức Giê-su nơi các môn đệ là kết luận của tiểu đoạn này. (2) 15,12-13 nói về điều răn yêu thương. Đức Giê-su mời gọi các môn đệ yêu thương nhau như Người đã yêu thương họ. Cách cấu trúc các câu văn liên quan đến tình yêu sẽ giúp mọi người hiểu mặc khải của Đức Giê-su.

2. Cấu trúc Ga 15,9.10

Cấu trúc Ga 15,9.10 cho thấy “hướng đi” của tình yêu. Ga 15,9 trình bày tình yêu từ trên xuống: từ Chúa Cha đến Đức Giê-su và từ Đức Giê-su đến các môn đệ. Ga 15,10 trình bày tình yêu từ dưới lên: từ các môn đệ đến Đức Giê-su, sau đó từ Đức Giê-su đến Chúa Cha.

Cấu trúc Ga 15,9

   15,9a: Tình yêu Chúa Cha dành cho Đức Giê-su:

                “Như Cha đã yêu mến Thầy

   15,9b: Tình yêu Đức Giê-su dành cho các môn đệ:

                 “Thầy cũng yêu mến anh em,

   15,9c: Tình yêu các môn đệ dành cho Đức Giê-su:

                  “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.”

Cấu trúc này làm rõ tình yêu của Đức Giê-su bắt nguồn từ tình yêu Chúa Cha (15,9a) và cũng bằng tình yêu ấy, Đức Giê-su yêu mến các môn đệ (15,9b). Cách thức các môn đệ đáp trả tình yêu của Đức Giê-su là ở lại trong tình yêu của Người dành cho họ (15,9c). Như thế, tình yêu được diễn tả theo chiều đi xuống: Trước hết là “tình yêu của Chúa Cha” kế đến là “tình yêu của Đức Giê-su” và cuối cùng là “tình yêu của các môn đệ.” Hướng đi của tình yêu là Chúa Cha – Đức Giê-su – các môn đệ. Trong câu tiếp theo (Ga 15,10), tình yêu sẽ được trình bày theo hướng ngược lại với những yếu tố mới. Câu này cấu trúc theo dạng song song A, B, A’, B’:

Cấu trúc Ga 15,10

   15,10a: Tình yêu các môn đệ dành cho Đức Giê-su

                  thể hiện qua việc giữ các điều răn.

             A. “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy”

             B. “Anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy,

   15,10b: Tình yêu Đức Giê-su dành cho Chúa Cha

                   thể hiện qua việc giữ các điều răn.

             A’. “Như chính Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy

             B’. và ở lại trong tình yêu của Người.”

Cấu trúc trên cho thấy tình yêu được trình bày theo hướng từ dưới lên trên: từ tình yêu các môn đệ dành cho Đức Giê-su đến tình yêu Đức Giê-su dành cho Cha của Người. Cách đáp trả tình yêu của các môn đệ và của Đức Giê-su giống nhau. Đó là “giữ các điều răn” và “ở lại trong tình yêu”. Không phải chỉ có các môn đệ “giữ các điều răn” của Đức Giê-su và “ở lại trong tình yêu” của Người mà chính Đức Giê-su cũng đã “giữ các điều răn” của Chúa Cha và “ở lại trong tình yêu” của Người.

Cấu trúc Ga 15,9.10 trên đây cho thấy chỉ có một tình yêu duy nhất. Tình yêu này nối kết Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ lại với nhau. Điều này làm thành dòng chảy tình yêu giữa các nhân vật trên. Tình yêu đó bắt nguồn từ Chúa Cha đến với các môn đệ qua trung gian tình yêu của Đức Giê-su. Các môn đệ đáp trả tình yêu Chúa Cha dành cho họ cũng qua trung gian tình yêu của Đức Giê-su. Như thế Đức Giê-su giữ vai trò trung gian giữa Chúa Cha và các môn đệ theo cả hai hướng: trung gian tình yêu theo hướng đi xuống và trung gian tình yêu theo hướng đi lên. Dòng chảy tình yêu này chỉ thực sự trọn vẹn với tình yêu giữa các môn đệ với nhau trong điều răn yêu thương ở 15,12-13.

3. Cấu trúc Ga 15,12-13

Sau khi mặc khải tình yêu theo chiều dọc (chiều đi xuống và đi lên), tiểu đoạn thứ hai (15,12-13) trình bày đề tài tình yêu theo chiều ngang: đó là tình yêu giữa các môn đệ. Đức Giê-su mời gọi các môn đệ yêu thương nhau như Đức Giê-su đã yêu thương họ. Cấu trúc Ga 15,12-13 gồm hai ý: (1) Điều răn của Đức Giê-su (15,12) và (2) Tình yêu của Đức Giê-su (15,13).

Cấu trúc Ga 15,12-13

         (1)  15,12: Điều răn của Đức Giê-su:

                            “Đây là điều răn của Thầy:

                             Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em.

         (2) 15,13: Tình yêu của Đức Giê-su:

                            “Không ai có tình yêu cao cả hơn

                            người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu của mình.”

Cấu trúc trên làm rõ hai điều (1) “Điều răn của Đức Giê-su” chứ không phải của ai khác (15,12), (2) Cách thức Đức Giê-su yêu thương là “hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu của mình” (15,13). Ở đây các môn đệ được gọi là “bạn hữu.” Đề tài “bạn hữu của Đức Giê-su” sẽ được triển khai trong tiểu đoạn tiếp theo (15,14-15).

II. HY SINH MẠNG SỐNG MÌNH VÌ TÌNH YÊU (15,13)

Theo thần học Tin Mừng Gio-an, “hy sinh mạng sống mình” (15,13c) là cách Đức Giê-su bày tỏ “tình yêu cao cả” (15,13b) với những kẻ thuộc về Người và đó là tình yêu “không ai có” (15,13a). Trong thực tế, đã có những tình yêu hy sinh mạng sống mình vì người khác, chẳng hạn cha mẹ hy sinh mạng sống vì con, vợ chồng hy sinh mạng sống cho nhau, bạn hữu hay những người làm nhiệm vụ cứu giúp người, có khi họ đã hy sinh mạng sống mình vì người khác. Đó là tình yêu lớn lao và hy sinh cao đẹp. Tuy nhiên, theo thần học Tin Mừng Gio-an, tình yêu cao cả giữa con người với nhau và tình yêu cao cả của Đức Giê-su dành cho các môn đệ không ở trên cùng một bình diện, bởi vì không ai có thể so sánh được với cương vị và nguồn gốc của Đức Giê-su.

Đức Giê-su là Đấng hy sinh mạng sống mình và sau đó lấy lại mạng sống ấy như Người đã nói với những người Pha-ri-sêu ở 10,17-18: “17 Vì điều này mà Cha yêu mến Tôi: Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại nó. 18 Không ai lấy nó khỏi Tôi, nhưng chính Tôi tự mình hy sinh nó. Tôi có quyền hy sinh nó và Tôi có quyền lấy lại nó. Tôi đã nhận mệnh lệnh này từ nơi Cha của Tôi.” Không một ai ở trần gian có thể khẳng định như Đức Giê-su: “Tôi xuống từ trời” (6,38a); “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì có sự sống đời đời, và Tôi sẽ làm cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (6,54); “Tôi và Cha, Chúng Tôi là một” (10,30); “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (14,9b)… Căn tính và nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su là duy nhất, nên tình yêu hy sinh mạng sống của Người cũng duy nhất, vì thế mà “không ai có tình yêu cao cả hơn” tình yêu của Đức Giê-su (15,13).

Đặc điểm thần học Tin Mừng Gio-an là Đức Giê-su chết vì yêu thương những kẻ thuộc về mình cho đến cùng như người thuật chuyện khẳng định ở 13,1: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết rằng giờ của Người đã đến để ra khỏi thế gian này mà về với Cha. Đã yêu mến những kẻ thuộc về mình ở trong thế gian, Người đã yêu mến họ đến cùng (eis telos êgapêsen autous).” Yêu đến cùng ở đây được hiểu theo hai nghĩa: (1) Đến cùng về thời gian: Đó là tình yêu chung thủy và bền bỉ, yêu cho đến chết. (2) Đến cùng về mức độ: đó là tình yêu cao cả, tình yêu chưa ai có.

III. YÊU NHƯ (kathôs) ĐỨC GIÊSU ĐÃ YÊU (15,12)

Đức Giê-su ban điều răn yêu thương cho các môn đệ hai lần trong Tin Mừng Gio-an (13,34; 15,12) với những yếu tố bổ túc cho nhau. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 13,34; 15,12: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến anh em anh em hãy yêu mến nhau” (13,34); “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em” (15,12). Có bốn chi tiết khác nhau giữa điều răn yêu thương trong Tin Mừng Gio-an và điều răn yêu thương ở Lv 19,18b: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”

(1) Đây là điều răn của Đức Giê-su chứ không phải của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa ban điều răn yêu thương cho dân Ít-ra-en, còn trong Tân Ước, Đức Giê-su ban điều răn yêu thương cho các môn đệ của Người (Ga 13,34; 15,12).

(2) Trong Tin Mừng Gio-an là “yêu thương lẫn nhau” giữa các môn đệ của Đức Giê-su (Ga 13,34), trong khi ở Lv 19,18b là “yêu thương người thân cận”, là người thuộc về dân Ít-ra-en.

(3) Cách thức yêu thương khác nhau. Trong Tin Mừng Gio-an là yêu thương nhau “như (kathôs) Đức Giê-su đã yêu thương” (Ga 13,34; 15,12), còn trong Lv 19,18b là “yêu thương người thân cận như chính mình” (Lv 19,18b). Từ “như”, tiếng Hy Lạp: “kathôs”, ở Ga 13,34; 15,12 không chỉ là so sánh bình thường mà có ý nghĩa thần học quan trọng. “Kathôs” ở đây khẳng định tình yêu của Đức Giê-su dành cho các môn đệ là nguồn gốc và là nền tảng của tình yêu giữa các môn đệ dành cho nhau. Nói cách khác, tình yêu giữa các môn đệ sẽ không còn là tình yêu của “điều răn mới” nếu như tình yêu này không bắt nguồn từ tình yêu Đức Giê-su dành cho họ.

(4) “Yêu thương ĐỨC CHÚA” (Đnl 6,5) và “yêu thương người thân cận” (Lv 19,18c) là các điều răn của Cựu Ước, Do Thái giáo giữ những điều răn này. Còn trong Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ “yêu mến Người” và “giữ các điều răn của Người” (Ga 14,15-23). Đức Giê-su gọi điều răn yêu thuơng trong Tin Mừng Gio-an là “điều răn mới” (Ga 13,34a) và là điều răn của Đức Giê-su (Ga 15,12a). Từ nay Đức Giê-su trở thành Đấng trung gian duy nhất về tình yêu giữa Thiên Chúa và con người.  Các môn đệ trở thành những người được Chúa Cha yêu mến với điều kiện là họ yêu mến Đức Giê-su (Ga 14,21a.23a; 16,27b). (Xem bài viết: “Ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh”). Vai trò trung gian của Đức Giê-su được nhấn mạnh trong dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ.

IV. DÒNG CHẢY TÌNH YÊU

Những phân tích trên cho thấy đoạn văn Ga 15,9-13 trình bày dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ, có thể minh hoạ dòng chảy tình yêu này bằng sơ đồ:

Dòng chảy tình yêu ở Ga 15,9-13 làm thành một vòng tròn TÌNH YÊU. Trong đó xuất hiện ba tương quan tình yêu theo cả hai chiều:

(1) Chúa Cha yêu mến Đức Giê-su và Đức Giê-su yêu mến Chúa Cha,

(2) Đức Giê-su yêu mến các môn đệ và các môn đệ yêu mến Đức Giê-su,

(3) Các môn đệ yêu mến nhau như Đức Giê-su đã yêu thương họ. Tình yêu thương lẫn nhau giữa các môn đệ đặt nền tảng trên tình yêu của Đức Giê-su, nên tình yêu này chỉ dành cho các môn đệ (những người tin).

Về tương quan tình yêu giữa Chúa Cha và các môn đệ trong sơ đồ trên, chỉ có một mũi tên mô tả tình yêu Chúa Cha dành cho các môn đệ mà thôi, không có chiều ngược lại, bởi vì không có chỗ nào trong Tin Mừng Gio-an nói là các môn đệ trực tiếp yêu mến Chúa Cha. Đây là chi tiết đáng lưu ý trong thần học Tin Mừng Gio-an về tương quan tình yêu. Với sự xuất hiện của Đức Giê-su, các môn đệ của Người chỉ có thể bước vào tương quan tình yêu với Chúa Cha bằng con đường duy nhất: yêu mến Đức Giê-su. Đức Giê-su khẳng định rằng Chúa Cha yêu mến các môn đệ là vì các môn đệ đã yêu mến Đức Giê-su. Người nói với các môn đệ ở 16,27a: “Chính Cha thương mến anh em, vì anh em đã thương mến Thầy.” Khi các môn đệ yêu mến Đức Giê-su và giữ các điều răn của Người thì họ được Chúa Cha yêu mến. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,21b.23b: “Ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến” (14,21b); “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời của Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy” (14,23b).

Theo sơ đồ trên, tình yêu giữa các môn đệ là một phần trong dòng chảy tình yêu, nghĩa là tình yêu giữa các môn đệ không thể tồn tại nếu không có tình yêu của Đức Giê-su dành cho họ (15,10). Trong viễn cảnh này, sống “điều răn yêu thương” (13,34; 15,12) là điều thiết yếu cho đời sống bên trong cộng đoàn các môn đệ cũng như trong tương quan với bên ngoài: (1) Bên trong cộng đoàn, sống điều răn yêu thương cho phép các môn đệ bước vào tương quan “tình yêu” với Đức Giê-su và với Chúa Cha (15,9-10). (2) Đối với bên ngoài cộng đoàn, sống điều răn yêu thương là dấu chỉ để mọi người nhận ra họ là môn đệ của Đức Giê-su (13,35). Hai đặc điểm trên của “điều răn mới” giúp các môn đệ giữ vững niềm tin vào Đức Giê-su trong mọi khủng hoảng đến từ bên trong, cũng như từ bên ngoài cộng đoàn.

Như thế, tình yêu biểu tượng bằng vòng tròn, nhưng không phải là tình yêu khép kín. Dòng chảy tình yêu trong Tin Mừng Gio-an vừa là lời chứng trước tất cả mọi người về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, vừa là lời mời gọi mọi người tin vào Đức Giê-su để bước vào tương quan tình yêu với Đức Giê-su, với Chúa Cha và với nhau.

KẾT LUẬN

Dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ là một trong những đề tài độc đáo riêng của thần học Tin Mừng Gio-an. Trong đó, toàn bộ sứ vụ của Đức Giê-su là  nhằm bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian nhân loại như Đức Giê-su đã nói ở 3,16: “Thiên Chúa đã quá yêu mến thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Người thì không hư mất, nhưng có sự sống đời đời.” Cuối sứ vụ công khai, Đức Giê-su đã trung tín đến cùng trong tình yêu dành cho những ai thuộc về Người như người thuật chuyện cho biết ở 13,1: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết rằng giờ của Người đã đến để ra khỏi thế gian này mà về với Cha. Đã yêu mến những kẻ thuộc về mình ở trong thế gian, Người đã yêu mến họ đến cùng.” Đức Giê-su bày tỏ tình yêu này bằng cách “hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (15,13b). Đó là tình yêu duy nhất, chưa hề có và là tình yêu đến tận cùng, yêu cho đến chết trên thập giá và đó là tình yêu tột đỉnh, tình yêu cao cả nhất chưa từng có.

Đề tài dòng chảy tình yêu trong Tin Mừng Gio-an mời gọi độc giả tin vào Đức Giê-su, trở thành môn đệ của Người để bước vào tương quan tình yêu lớn lao, để đắm mình trong dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ. Đó là tình yêu làm nẩy sinh sự sống đời đời ngay bây giờ và mang lại sức sống cho cuộc đời trần thế. Ước mong “dòng chảy tình yêu” này không ngừng tuôn chảy trong cuộc sống và làm chúng ta lớn lên và đào sâu tương quan tình yêu với Đức Giê-su, với Thiên Chúa và với anh chị em mình./.

***

MỤC TỪ NGỮ

– agapaô, đt., yêu mến

– agapê, -ês, hê, dt., tình yêu

– phileô, đt., yêu thương

– philos, -ou, ho, dt., bạn hữu

1. agapaô, đt., yêu mến (37 lần)

Động từ “agapaô” xuất hiện 37 lần, trong đó:

+ Ga 1–12: 7 lần với nghĩa tích cực (5 lần: 3,16.35; 8,42; 10,17; 11,5) và nghĩa tiêu cực (2 lần: 3,19; 12,43).

+ Ga 13–17: 25 lần, trong đó:

   – Ch. 13: 6 lần: 13,1a.1b; 13,23; 13,34a.34b.34c.

   – Ch. 14: 10 lần trong 14,15-31:

                   14,15.21a.21b.21c.21d.23a.23b.24.28.31.

   – Ch. 15: 5 lần, trong 15,9-17: 15,9a.9b.12a.12b.17.

   – Ch. 16: động từ này không xuất hiện.

   – Ch. 17: 4 lần trong 17,23-26: 17,23a.23b.24.26.

+ Ga 18–21: 5 lần, 3 lần nói về môn đệ Đức Giê-su yêu mến (19,26; 21,7.20); 2 lần Đức Giê-su hỏi Phê-rô: “Anh có yêu mến Thầy không?” (21,15.16).

2. agapê, -ês, hê, dt., tình yêu (7 lần)

Danh từ “agapê” xuất hiện 7 lần ở Ga 5,42; 13,35; 15,9.10a.10b.13; 17,26.

Trong phần đầu Tin Mừng (Ga 1–12), chỉ có 1 lần danh từ “agapê” ở 5,42. Còn 6 lần khác ở trong Ga 13–17. Danh từ “agapê” xuất hiện lần thứ hai ở 13,35. Đoạn văn 15,9-13 có 4 lần từ “agapê” ở 15,9.10a.10b.13. Trong đó, 3 lần trong kiểu nói “ở lại trong tình yêu” (15,9.10a.10b).

Tóm lại, danh từ “agapê” và động từ “agapaô” xuất hiện chủ yếu trong Ga 13–17 và tập trung vào 4 đoạn văn:

– 13,34-35:     3 lần “agapaô”, 1 lần “agapê”.

– 14,15-31:     10 lần “agapaô”.

– 15,9-17:       5 lần “agapaô”, 4 lần “agapê”.

– 17,23-26:     4 lần “agapaô”,  1 lần “agapê”.

3. phileô, đt., thương mến (13 lần)

Động từ “phileô” xuất hiện 13 lần. Trong đó,

– 11 lần có nghĩa tích cực: Ga 5,20; 11,3.36; 16,27a.27b; 20,2; 21,15.16.17a.17b.17c (5 lần trong đoạn văn 21,15-17).

– 2 lần có nghĩa tiêu cực: 12,25 (yêu mạng sống mình) và 15,19 (thế gian yêu thích cái thuộc về nó).

Cùng gốc với danh từ “philos” (bạn hữu), động từ “phileô” có nghĩa: “thương”, “thương mến” trong tình bằng hữu (aimer d’amitié). Tùy theo văn mạch và âm điệu câu văn, động từ “phileô” có thể dịch sang tiếng Việt: “thương mến” (11,3), “thương”(11,36), “yêu” (12,25) hay “yêu thích” (15,19).

4. philos, -ou, ho, dt., bạn hữu (6 lần)

Danh từ “philosxuất hiện 6 lần trong Tin Mừng Gio-an:

– 3,29: Gio-an Tẩy Giả là bạn của chú rể.

– 11,11: La-da-rô bạn của Đức Giê-su và các môn đệ.

– 15,13.14.15: Các môn đệ là bạn hữu của Đức Giê-su.

– 19,12: Bạn của Xê-da.

***

Bài viết về đề tài tình yêu:

1Đề Tài “Tình Yêu” Và “Tình Bạn” Trong Tin Mừng Gioan.

2Ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh.

3- Ga 15,9-13: Dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ.

4- Ga 14,15-24: Đặc Ân Dành Cho Ai Yêu Mến Đức Giê-Su Và Giữ Các Điều Răn Của Người