Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Tin Mừng: Lc 22,1-23,54 [1]
22 1 Lễ Bánh Không Men, cũng gọi là lễ Vượt Qua, đã đến gần. 2 Các thượng tế và kinh sư tìm cách thủ tiêu Đức Giê-su, vì họ sợ dân.
3 Xa-tan đã nhập vào Giu-đa, cũng gọi là Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai. 4 Hắn đi nói chuyện với các thượng tế và lãnh binh Đền Thờ về cách thức nộp Người cho họ. 5 Họ rất mừng và đồng ý sẽ cho hắn tiền. 6 Hắn ưng thuận và tìm dịp tiện để nộp Đức Giê-su cho họ, lúc không có đám đông.
7 Đã đến ngày lễ Bánh Không Men, ngày phải sát tế chiên Vượt Qua. 8 Đức Giê-su sai ông Phê-rô với ông Gio-an đi và dặn: “Các anh hãy đi dọn cho chúng ta ăn lễ Vượt Qua”. 9 Hai ông hỏi: “Thầy muốn chúng con dọn ở đâu?” 10 Người bảo họ: “Này, khi vào thành, các anh sẽ gặp một người mang vò nước. Cứ đi theo người đó, người đó vào nhà nào, 11 thì các anh vào thưa với chủ nhà: “Thầy nhắn ông: Căn phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?” 12 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một căn phòng rộng rãi trên lầu, đã được trang bị: các anh hãy dọn ở đó”. 13 Các ông ra đi, thấy mọi sự y như Người đã nói, và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
14 Khi giờ đã đến, Đức Giê-su vào bàn, và các Tông Đồ cùng vào với Người. 15 Người nói với các ông: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. 16 Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa”.
17 Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. 18 Bởi vì, Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến”.
19 Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. 20 Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.
21 “Nhưng này bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy. 22 Đã hẳn Con Người ra đi như đã ấn định, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người”. 23 Các Tông Đồ bắt đầu bàn tán với nhau xem ai trong Nhóm lại là kẻ toan làm chuyện ấy.
24 Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. 25 Đức Giê-su bảo các ông: “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. 26 Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. 27 Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.
28 “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. 29 Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, 30 để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en”.
31 Rồi Chúa nói: “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. 32 Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh”. 33 Ông Phê-rô thưa với Người: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng”. 34 Đức Giê-su lại nói: “Này anh Phê-rô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy”.
35 Rồi Người nói với các ông: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?” Các ông đáp: “Thưa không”. 36 Người bảo các ông: “Nhưng bây giờ, ai có túi tiền thì hãy mang theo, ai có bao bị cũng vậy; còn ai chưa có gươm thì bán áo đi mà mua. 37 Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất”. 38 Các ông nói: “Lạy Chúa, đã có hai thanh gươm đây”. Người bảo họ: “Đủ rồi!”
39 Rồi Người đi ra núi Ô-liu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. 40 Đến nơi, Người bảo các ông: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”.
41 Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: 42 “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha”. 43 Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. 44 Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.
45 Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền, 46 Người liền nói với các ông: “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ”.
47 Người còn đang nói, thì một đám đông xuất hiện, và kẻ dẫn đầu tên là Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn lại gần Đức Giê-su để hôn Người. 48 Đức Giê-su bảo hắn: “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” 49 Thấy việc sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi: “Lạy Chúa, chúng con tuốt gươm chém được không?” 50 Thế rồi một người trong nhóm chém tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải. 51 Nhưng Đức Giê-su lên tiếng: “Thôi, ngừng lại”. Và Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành.
52 Sau đó Đức Giê-su nói với các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục đến bắt Người: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến? 53 Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ, mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm”.
54 Họ bắt Đức Giê-su, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phê-rô thì theo xa xa. 55 Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phê-rô đến ngồi giữa họ. 56 Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!” 57 Ông liền chối: “Tôi có biết ông ấy đâu, chị!” 58 Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!” Nhưng ông Phê-rô đáp lại: “Này anh, không phải đâu!” 59 Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Ga-li-lê”. 60 Nhưng ông Phê-rô trả lời: “Này anh, tôi không biết anh nói gì!” Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. 61 Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần”. 62 Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
63 Những kẻ canh giữ Đức Giê-su nhạo báng đánh đập Người. 64 Chúng bịt mắt Người lại, rồi hỏi rằng: “Nói tiên tri xem: ai đánh ông đó?” 65 Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Người.
66 Khi trời sáng, đoàn kỳ mục trong dân, các thượng tế và kinh sư nhóm họp. Họ điệu Người ra trước Thượng Hội Đồng 67 và hỏi: “Ông có phải là Đấng Mê-si-a thì nói cho chúng tôi biết!” Người đáp: “Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; 68 tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời. 69 Nhưng từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng”. 70 Mọi người liền nói: “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?” Người đáp: “Đúng như các ông nói, chính tôi đây”. 71 Họ liền nói: “Chúng ta cần gì lời chứng nữa? Chính chúng ta vừa nghe miệng hắn nói!”
23 1 Toàn thể cử toạ đứng lên, điệu Đức Giê-su đến ông Phi-la-tô.
2 Họ bắt đầu tố cáo Người rằng: “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa”. 3 Ông Phi-la-tô hỏi Người: “Ông là Vua dân Do-thái sao?” Người trả lời: “Chính ngài nói đó”. 4 Ông Phi-la-tô nói với các thượng tế và đám đông: “Ta xét thấy người này không có tội gì”. 5 Nhưng họ cứ khăng khăng nói: “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giu-đê, bắt đầu từ Ga-li-lê cho đến đây”. 6 Nghe nói thế, ông Phi-la-tô liền hỏi xem đương sự có phải là người Ga-li-lê không. 7 Và khi biết Người thuộc thẩm quyền vua Hê-rô-đê, ông liền cho áp giải Người đến với nhà vua lúc ấy cũng đang có mặt tại Giê-ru-sa-lem.
8 Vua Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. 9 Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả. 10 Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội. 11 Vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô. 12 Ngày hôm ấy, vua Hê-rô-đê và tổng trấn Phi-la-tô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù.
13 Bấy giờ ông Phi-la-tô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại 14 mà nói: “Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo. 15 Cả vua Hê-rô-đê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các ngươi thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. 16 Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra”. 17 Vào mỗi dịp lễ lớn, ông Phi-la-tô phải phóng thích cho họ một người tù. 18 Nhưng tất cả mọi người đều la ó: “Giết nó đi, thả Ba-ra-ba cho chúng tôi!” 19 Tên này đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người.
20 Ông Phi-la-tô muốn thả Đức Giê-su, nên lại lên tiếng một lần nữa. 21 Nhưng họ cứ một mực la lớn: “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!” 22 Lần thứ ba, ông Phi-la-tô nói với họ: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra”. 23 Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.
24 Ông Phi-la-tô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu. 25 Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giê-su thì ông trao nộp theo ý họ muốn.
26 Khi điệu Đức Giê-su đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su. 27 Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. 28 Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. 29 Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: “Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!” 30 Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! 31 Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?” 32 Có hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết cùng với Người.
33 Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. 34 Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.
35 Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” 36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống 37 và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” 38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái”.
39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” 40 Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! 41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” 42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” 43 Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
44 Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. 45 Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. 46 Đức Giê-su kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở.
47 Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính!” 48 Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về.
49 Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê; các bà đã chứng kiến những việc ấy.
50 Khi ấy có một người tên là Giô-xếp, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. 51 Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành A-ri-ma-thê, một thành của người Do-thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa. 52 Ông đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. 53 Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. 54 Hôm ấy là áp lễ, và ngày sa-bát bắt đầu ló rạng.
***
1.- Ngữ cảnh
Đức Giêsu đã chấm dứt chuyến đi lên Jerusalem kéo dài 10 chương (Lc 9,51–19,27). Hành vi Người vào Jerusalem long trọng được mô tả trong phân đoạn Lc 19,28-43. Phân đoạn Lc 19,45–21,38 được dành để nói về hoạt động rao giảng của Đức Giêsu tại Jerusalem. Bây giờ, tác giả Luca bắt đầu một phần quan trọng khác của Tin Mừng: Đức Giêsu sẽ đi đến đỉnh cao của cuộc “xuất hành” (x. Lc 9,31), vì Người bắt đầu cuộc “đi lên” với Chúa Cha. Bài tường thuật cuộc Thương Khó bắt đầu với Lc 22,1-2, “Lễ Bánh Không Men, cũng gọi là lễ Vượt Qua, đã đến gần. Các thượng tế và kinh sư tìm cách thủ tiêu Đức Giêsu, vì họ sợ dân”.
2.- Bố cục
Có thể nói, Bài Thương Khó bắt đầu với Lc 22,1 và kết thúc với Lc 23,54, nghĩa là từ khi Đức Giêsu chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua cho đến khi Người được an táng trong mộ; các câu Lc 23,55-56 là những câu chuyển mạch đưa sang truyện Phục Sinh. Như thế, Bài Thương Khó Lc 22,1–23,54 có thể chia thành hai phần:
– 1/. Đêm hôm trước – Đức Giêsu bị bắt (Lc 22,1-65);
– 2/. Ngày hôm sau – Đức Giêsu bị kết án và bị xử tử (Lc 22,66–23,54).
3.- Vài điểm chú giải
– Lễ Vượt Qua (22,1): Lễ Vượt Qua được cử hành vào lúc mặt trời lặn đánh dấu ngày 15 Nisan, là tháng đầu năm theo lịch Babylon/Do Thái (tháng Ba/Tư; tên cũ là tháng Aviv: x. Đnl 16,1). Dịp này người ta giết chiên Vượt Qua vào chiều ngày 14 Nisan, nướng lên và ăn trong gia đình vào lúc mặt trời lặn (Lv 23,6). Tất cả những gì có men đều phải loại ra khỏi nhà trước khi giết chiên (Đnl 16,4). Không những hôm ấy, người ta phải ăn với bánh không men (Xh 12,8), mà con tiếp tục ăn như thế bảy ngày sau đó (Xh 12,17-20; 23,15; 34,18). Thời gian bảy ngày này được gọi kiểu chuyên môn là “Lễ Bánh Không Men”. Tuy nhiên, với thời gian, “Lễ Vượt Qua” trở thành tên gọi cho cả Bảy hoặc Tám ngày (Đnl 16,1-4; Ed 45,21-25). Dường như trước khi có Israel, lễ Vượt Qua là mộtlễ của dân du mục (Xh 5,1; 10,9), còn lễ “Bánh Không Men” là lễ của dân định cư nguồn gốc nông dân (Xh 23,15-16).
– Ngày phải sát tế chiên Vượt Qua (7): Động từ “dei” – “phải”, thường diễn tả ý muốn của Thiên Chúa, chứ không chỉ nhắm đến quy định của luật là phải sát tế một con chiên để ăn lễ Vượt Qua. Điều này càng đúng với Tin Mừng thứ III, vì tác giả cho thấy Đức Giêsu thấy cuộc đời, hoạt động và cuộc Thương Khó của Người được điều hành bởi ý muốn của Thiên Chúa, và ý muốn này được diễn tả trong Kinh Thánh.
– Satan (22,31): Ngoại trừ Ga 13,27, Satan chỉ xuất hiện trong bài tường thuật Thương Khó trong Tin Mừng Luca. Rất có thể Luca đã làm như thế để tạo một kết nối trực tiếp với Lc 22,3 và xa hơn với Lc 4,13, cũng như tiên báo Lc 22,53.
– Các môn đệ cũng theo Người (22,39): Chi tiết này cho hiểu là đến lúc này, các môn đệ vẫn trung thành với tư cách của mình và tỏ ra là sẵn sàng chia sẻ định mệnh của Thầy.
– Hôn (22,47): Động từ “philein” là “yêu mến”, nhưng cũng được dùng theo một nghĩa cụ thể là “hôn”, hành vi diễn tả lòng yêu mến.
– Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy (22,56): Đại từ chỉ định “houtos” có sắc thái coi thường hoặc khinh bỉ, “cái ông này / tên này” (x. Lc 23,2). Dựa vào kiểu nói này, có thể cho rằng đây là một lời kết án (khác với Ga 18,17).
– Ta không tìm thấy lý do nào để kết tội người này (23,4): Độc giả của Tin Mừng Luca nhìn nhận sự thật của kết luận này: Đức Giêsu và các môn đệ Người không phải là mối đe dọa cho quyền bính Rôma.
– Đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giêsu (23,26): Tuy không nói ông Simon Kyréne là một môn đệ, tác giả Luca mô tả ông có thái độ của người môn đệ Kitô hữu (x. Lc 9,23; 14,27).
4.- Ý nghĩa của bản văn
Trong Bài Thương Khó, tác giả Luca cho thấy Đức Giêsu hiểu rõ những gì Người sắp trải qua, đặc biệt tác giả không bao giờ bỏ lỡ cơ hội nào mà không nêu bật lòng từ bi của Người.
* Đêm hôm trước – Đức Giêsu bị bắt (22,1-65)
Được đóng khung bởi các chi tiết về thời gian, bản văn mở ra với một quy chiếu về lễ Vượt Qua (đang đến gần; Lc 22,1.7) và khép lại với những quy chiếu về ngày áp lễ và ngày Sabát sắp bắt đầu (Lc 23,54). Như vậy đoạn văn có một cái khung phụng vụ: Những gì Đức Giêsu sống trong các chương này, cũng như trọn cuộc đời của Đức Giêsu, đều nhắm đi theo thánh ý của Thiên Chúa và thờ phượng Người. Điều này được ghi nhận từ động từ “phải” – “dei”: “Phải sát tế chiên Vượt Qua” (Lc 22,7) bởi vì “Con Người ‘phải’ (‘dei’) chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22) để thực hiện chương trình cứu độ đã được Thiên Chúa thiết lập. Điều đáng chú ý nữa là sau Lc 22,7, bản văn không còn nói đến con chiên Vượt Qua nữa: từ bây giờ, chương trình của Thiên Chúa sẽ được thực hiện trọn vẹn bằng việc sát tế Đức Giêsu, là chiên Vượt Qua chân thật. Đức Giêsu Phục Sinh cũng đi theo chiều hướng ấy khi nói với các môn đệ Emmau: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26).
Một chi tiết tạo sự thống nhất cho bản văn nữa, là động từ “paradidonai” – “bị trao nộp” (Lc 22,4.6.21.22.48) nói về việc Judas Iscariot nộp Đức Giêsu cho các thượng tế và kinh sư, và Pontios Pilatos trao nộp Đức Giêsu theo ý họ (Lc 23,25). Đề tài Vương Quốc cũng xuyên suốt bản văn (Lc 22,16.18.29.30; 23,42.51). Lời sấm “Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp” (Lc 22,37) nên ứng nghiệm khi Đức Giêsu bị điệu đi hành quyết cùng với các tên gian phi và bị đóng đinh giữa hai tên gian phi (Lc 23,32-33; 23,39-43).
Trong liên hệ với âm mưu của giới lãnh đạo, toàn bản văn rất thống nhất. Các thượng tế và kinh sư được giới thiệu ở Lc 22,2a là đang tìm cách thủ tiêu Đức Giêsu nhưng lại bị khựng vì dân chúng (Lc 22,2b; x. Lc 20,19). Được Satan thúc đẩy, Judas Iscariot cung cấp một phương thế giúp vượt qua trở ngại này (Lc 22,3-6a), nhưng ngay cả với hắn, đám đông vẫn là một vấn đề phải quan tâm (x. Lc 22,6b). Điểm này làm gia tăng sự căng thẳng trong bài tường thuật. Chi tiết “Satan đã nhập vào Judas gọi là Iscariot” (Lc 22,3) gợi đến một đề tài lớn của Tin Mừng thứ IV, đó là Đức Giêsu, “Đấng mạnh hơn” (Lc 11,14-22; x. Lc 3,16), đã chiến thắng Satan khi nó cám dỗ Người trong hoang địa (Lc 4,1-13), cũng như đã nhiều lần xua đuổi quỷ (x. Lc 6,18; 8,2.26-39; 9,37-43; 11,14; 13,16.32). Đức Giêsu không bị Satan cám dỗ trong thời gian Người hoạt động công khai. Nhưng nó đã trở lại tấn công nhằm tiêu diệt Đức Giêsu khi tạo điều kiện thuận lợi cho các thủ lãnh Do Thái hãm hại Người (x. Lc 22,2-6). Tuy nhiên, chiến thắng bề ngoài của nó chỉ là nhất thời, vì cuộc Phục Sinh sẽ làm cho cuộc thất bại bề ngoài của Người trở thành một chiến thắng mới nữa, một chiến thắng đã được tiên báo trước khi Người chết nơi sự cố người gian phi sám hối (x. Lc 23,40-43) và bởi phản ứng của những người có mặt tại Đồi Golgotha (x. Lc 23,47-48).
Để lại đó Judas Iscariot còn đang chờ đợi một cơ hội thuận tiện, tác giả kể lại việc chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua (Lc 22,7-13), rồi chính cuộc cử hành (Lc 22,14-23) và lời từ biệt của Đức Giêsu (Lc 22,24-38). Các sinh hoạt này cũng như mọi chi tiết nằm trong Lc 22,7-65 đều xảy ra ban đêm. Đức Giêsu bắt đầu bằng lời tuyên bố: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình” (Lc 22,15). Rồi Người báo cho các ông biết là Người sẽ không ăn lễ Vượt Qua nữa cho đến khi Nước Thiên Chúa đến (Lc 22,16-18). Sau khi Người lập Bí tích Thánh Thể (Lc 22,19-20), có một điểm phức tạp được đưa vào với lời tiên báo Phêrô sẽ chối Thầy (Lc 22,31-34). Lời tiên báo này tạo một khoảng cách giữa Đức Giêsu và các môn đệ (họ “bàn tán với nhau”) và giữa họ với nhau (“cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất”).
Sang Lc 22,39, khung cảnh chuyển sang Núi Olives; tình hình căng thẳng thêm. Tác giả cho thấy Đức Giêsu cầu nguyện rất nghiêm túc trước khi thử thách xảy đến. Tại đây, đề tài quan trọng trong Tin Mừng thứ IIIlà sự trung thành của Đức Giêsu với chương trình của Chúa Cha lại được nêu bật đặc biệt trong cơn hấp hối: “Xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42). Ngay khi còn thơ bé, Đức Giêsu đã ý thức rằng mình phải chu toàn chương trình của Cha Người với đau khổ (Lc 2,49). Dọc theo thời gian hoạt động công khai, Người đã đưa chương trình hành động công bố tại Nadarét ra thực hiện (Lc 4,18-22; x. Is 61,1-2). Sự trung thành của Đức Giêsu với sứ vụ của Người được chứng tỏ đặc biệt rõ ràng qua việc Người chấp nhận định mệnh bi thương của các ngôn sứ (x. Lc 9,22.31.44.51; 13,33; 18,31-33; 22,42.53b; 23,46).
Tại Núi Olives, đám đông không có mặt. Vậy, thời cơ của Judas Iscariot đã đến. Sự căng thẳng gia tăng với sự kiện giới chức Do Thái đến do Judas Iscariot dẫn đường (Lc 22,47a), kế đó là hành vi phản bội (Lc 22,47b-48), sự cố cái tai bị chém (Lc 22,49-50) và các lời Đức Giêsu nói về việc người bắt Người (Lc 22,51-53a). Đức Giêsu biết đã đến giờ Người đi vào cuộc Thương Khó (Lc 22,53b), nên Người để cho người ta bắt Người (Lc 22,54). Phần thứ nhất của âm mưu hãm hại Đức Giêsu (x. Lc 22,5-6) đã được thực hiện. Chi tiết phức tạp được đưa vào ở Lc 22,31-34 (Phêrô sẽ chối Thầy) được giải quyết ở Lc 22,55-62 với việc Phêrô chối Thầy (chuyện bắt đầu khi ông “cũng ngồi chung với họ”: y như ông muốn đổi phe!); độc giả cũng ghi nhận là Phêrô chỉ hành động trong phần đêm của ngày lễ. Quang cảnh Đức Giêsu bị chế nhạo và bị đánh đòn ở Lc 22,63-65 là một chỗ nghỉ ngắn trong bài tường thuật: kết thúc một đêm đau đớn của Đức Giêsu và chuẩn bị đi vào ngày hôm sau.
* Ngày hôm sau – Đức Giêsu bị kết án và bị xử tử (22,66–23,54)
Trong Lc 22,66–23,54, mọi sự xảy ra ban ngày, nhưng đây là một ngày bị ám ảnh bởi bóng tối, bởi vì “kể từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất…” (Lc 23,44-45).
Khi trời sáng (Lc 22,66a), ta thấy cuộc âm mưu lại tiếp tục. Cuộc tra hỏi vào lúc sáng sớm trước Thượng Hội Đồng (Lc 22,66-71) cung cấp lý do để buộc tội (x. Lc 22,70-71) nên đã cho phép họ điệu Đức Giêsu đến trước Pontios Pilatos (Lc 23,1-5). Các lời tố cáo dồn dập khiến Pontios Pilatos phải lên tiếng hỏi (Lc 23,3) và rồi câu chuyện trở thành phức tạp khi Pontios Pilatos tuyên bố Đức Giêsu vô tội. Một lời tố cáo tiếp đến nhắc đến miền Galilee (Lc 23,5) gợi cho Pontios Pilatos chuyển Đức Giêsu sang cho vua Herod (Lc 23,6-12); vị tiểu vương này đã làm cho các sự việc thêm phức tạp khi tỏ ra đồng ý với phán quyết của Pontios Pilatos (Lc 23,9).
Tình hình càng trở nên căng thẳng khi Pontios Pilatos lại phải đối diện với một quyết định ở Lc 23,13-25. Ông càng khẳng định rằng: Đức Giêsu vô tội (Lc 23,14.15.22) và càng ra sức muốn thả Người đi (Lc 23,16.20.22) thì tất cả mọi người lại càng ra sức đáp lại bằng cách la hét phản đối (Lc 23,18.21.23). Ý muốn của giới lãnh đạo Do Thái giáo được biểu lộ bằng cuộc la hét ầm ĩ (Lc 23,23) cuối cùng đã cất đi trở ngại là xác tín của Pontios Pilatos; thế là Đức Giêsu bị trao nộp theo ý muốn của họ (Lc 23,25). Một điểm căng thẳng đã được giải quyết.
Cuộc âm mưu bây giờ chuyển nhanh tới kết cục khi Đức Giêsu bị điệu đi (Lc 23,26-32) và bị đóng đinh (Lc 23,33). Tuy nhiên, các ánh sáng vẫn có đó nơi bóng dáng vô vàn môn đệ: Simôn đã vác thập giá “theo sau” Đức Giêsu (Mc và Mt không nói như thế); dân chúng (hẳn là có các tông đồ và môn đệ, vì Tin Mừng thứ III không nói rằng các môn đệ bỏ “Người mà chạy trốn hết” như Mc 14,50 và Mt 26,56) và nhiều phụ nữ. Tại Đồi Golgotha, lại có một chút căng thẳng do những lời chế nhạo của các thủ lãnh Do Thái (Lc 23,35), bọn lính (Lc 23,36) và tên gian phi “xấu” (Lc 23,39). Nhưng như những tia sáng làm dịu bức tranh quá tàn nhẫn và đẫm máu, là lời Đức Giêsu xin Thiên Chúa tha thứ cho những kẻ hãm hại Người (Lc 23,34) và ơn cứu độ ban cho người gian phi sám hối (Lc 23,39-43). Rồi như đã được báo trước ở Lc 23,42-43 (x. Lc 22,37), cái chết của Đức Giêsu cuối cùng đã đến ở Lc 23,46; nhưng cái chết này không phải là một định mệnh khắc nghiệt, mà là dấu ấn đóng trên một cuộc đời hoàn toàn sống cho Thiên Chúa là Cha (Lc 23,46).
Bài tường thuật tiếp tục bằng cách cho thấy, trước cái chết của Đức Giêsu, có các phản ứng của viên sĩ quan (Lc 23,47), đám đông (Lc 23,48), các người quen biết Người (Lc 23,49a), các phụ nữ đã đi theo Người từ Galilee (Lc 23,49b), và Joseph Arimathea, một thành viên của Thượng Hội Đồng và là người an táng thi thể Người (Lc 23,50-53). Hai chi tiết về thời gian ở Lc 23,54 đánh dấu một điểm dừng trong bài tường thuật và cung cấp một kết luận thuyết phục không những cho truyện mai táng mà còn cho toàn đơn vị Lc 22,1–23,54.
Hai câu Lc 23,55-56 có vẻ như kết thúc tất cả: nhắc lại đời môn đệ của các phụ nữ; xác định ngôi mộ đã có thi hài Đức Giêsu; việc các bà chuẩn bị hương liệu để tẩm liệm lại thi hài. Nhưng đoạn văn ngắn này cũng là phần chuyển mạch đưa sang biến cố Phục Sinh.
+ Kết luận
Toàn bài tường thật khiến độc giả nhớ đến lời cụ Simêôn nói với Đức Maria về số phận của Đức Giêsu khi Người được cha mẹ đưa lên Jerusalem đến tiến dâng cho Thiên Chúa: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng” (Lc 2,34-35).
“Bị loại trừ / được đón nhận”, đây chính là số phận của Đức Giêsu. Ngay trong Lc 4,14-44, hai đề tài này đã được phác ra. Trong việc dân Nadarét tìm cách tiêu diệt Người ở Lc 4,29, câu truyện Đồi Golgotha đã xuất hiện tại chân trời cuộc đời Người. Trong thời gian Đức Giêsu hoạt động công khai, thái độ tiêu cực của các kinh sư và người Pharisees (x. Lc 5,21.30; 6,7.11) tương phản lại với thái độ tích cực của các môn đệ, những người dân Do Thái và cả những người ngoại (x. Lc 5,1.15.26.28; 6,17; 7,1-10; 8,1-3.26-39). Đây là một sự “căng thẳng” chạy xuyên suốt cuộc đời trần thế của Đức Giêsu. Cái khung “loại trừ / đón nhận” này vẫn được vận dụng trong phân đoạn tường thuật chuyến đi lên Jerusalem,[2] nhưng có sự phân biệt rõ ràng giữa các thủ lãnh Do Thái và dân chúng (x. Lc 19,47-48). Khi Đức Giêsu đã đến Jerusalem, hai đề tài này vẫn có đó.[3] Nhưng sự phân biệt giữa hai đề tài đó đã mờ đi vào lúc Pontios Pilatos quyết định trao nộp Đức Giêsu cho các thủ lãnh Do Thái (x. Lc 23,24-25) đưa đến khổ hình thập giá và chóp đỉnh của việc con người loại trừ Đức Giêsu.
Tin Mừng Luca bắt đầu với Đức Giêsu ở giữa những người nghèo nhất, những người bị khinh bỉ nhất tại Israel, đó là những người chăn chiên. Tác giả tiếp tục cho chúng ta thấy Đức Giêsu sống với những người thu thuế, những kẻ tội lỗi, những cô gái điếm. Thế rồi Tin Mừng đã kết thúc với việc Đức Giêsu chết không phải giữa các bạn bè (hai người bạn của Người đã làm điều rất xấu), mà là giữa những tên gian phi. Và Người đã trở về với Cha Người, cùng với một người tượng trưng cho tất cả chúng ta, một người tội lỗi, vừa được tình yêu của Người thu phục.
5.- Gợi ý suy niệm
Đây là một bài tường thuật dài. Ta có thể dừng lại với nhiều đoạn để suy niệm. Chẳng hạn:
1. Cuộc chiến đấu của Đức Giêsu để trung thành với chương trình của Thiên Chúa (Lc 22,41-44):
Đứng trước cuộc Thương Khó ghê rợn sắp xảy tới, Đức Giêsu sợ hãi, Người bi cám dỗ rút lui. Người đã xin với Thiên Chúa: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cất chén này xa con”. “Xin Cha cất chén này xa con”, nhưng với điều kiện là “nếu Cha muốn” và “xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha”. Ý Chúa Cha và ý con người không mấy khi trùng hợp. Nhưng ý Chúa Cha là nhắm ban ơn cứu độ cho con người.
2. Phêrô chối Thầy (Lc 22,54-62)
Phêrô đã hùng hổ tuyên bố về lòng dũng cảm: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22,33), nhưng ông đã chối Thầy. Lần thứ nhất, Phêrô chối liên hệ giữa mình và Đức Giêsu (một người rất thân thiết). Lần thứ hai, ông chối liên hệ giữa mình và anh em (một nhóm người thân thiết). Lần cuối cùng, ông chối liên hệ giữa mình với quê hương (một nhóm người ít nhiều quen biết). Khi chối Đức Giêsu, người ta cũng chối anh em xa gần.
3. Đời môn đệ
Đi theo Đức Giêsu bằng đôi chân lên Núi Olives (Lc 22,39), nhưng không hiệp thông với Người (“các ông ngủ”, Lc 22,45-46), thì không ích gì. Đi theo Đức Giêsu dù xa xa, như Phêrô (Lc 22,54), nhưng sẵn sàng bỏ rơi Người vì không dám chối mình, thì không ích gì. Simon Kyréne, không biết có phải chăng là môn đệ Đức Giêsu, vác thập giá theo sau Người (Lc 22,26): ông đúng là người môn đệ. Các phụ nữ, những người không được xã hội Do Thái trân trọng, đã đi theo Đức Giêsu từ Galilee và có mặt để hiệp thông với Người trong cuộc Thương Khó, và còn đi đến tận mộ (Lc 23,55b), đấy là những người môn đệ.
4. Thái độ bình thản và từ bi của Đức Giêsu
Đức Giêsu biết giờ chết đau thương đã tới, Người vẫn bình tĩnh giáo huấn và tiến tới. Đứng trước Thượng Hội Đồng và trước tòa Pontios Pilatos, Người đã nói những gì cần nói, đúng chiều hướng của giáo lý Người rao giảng lâu nay. Không một đe dọa nào có thể làm cho Người lạc hướng.
Trên đường lên Núi Sọ, Người đã đứng lại để an ủi các phụ nữ Jerusalem (Lc 23,28-31). Ở trên thập giá, Người đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ sát hại Người (Lc 23,34). Người cũng ban ơn cứu độ cho người gian phi sám hối (Lc 23,43). Cuộc đời của Người Con, ngay từ thuở có trí khôn, đã sống cho Cha (Lc 2,49), giới thiệu tình yêu của Chúa Cha (x. Lc 15,1-32), nay đã trọn: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh
[2] Loại trừ: 9,53; 11,53; 13,17a.34; 14,24; 19,11-28.47; đón nhận: 9,57.61; 10,38-42; 11,27; 13,17b; 17,16-18; 18,15.43; 19,1-10.48.
[3] Loại trừ: 20,2.19.20.26; 22,2-6.47-71; 23,2.10.35; đón nhận: 20,19.26; 21,38; 23,27.35.42.48.