Lc 9,28b-36: Đức Giêsu Hiển Dung

0
1673


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Lc 9,28-36[1]

28 Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. 29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. 30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. 31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. 32 Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người. 33 Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a”. Ông không biết mình đang nói gì. 34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. 35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” 36 Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

***

1.- Ngữ cảnh

Đây là biến cố cuối cùng trong thời gian Đức Giêsu hoạt động tại Galilee (Lc 3,1–9,50): Người đang ở tại một khúc quanh quan trọng trong sứ mạng; công việc rao giảng tại Galilee đã kết thúc; Phêrô mới đây đã tuyên xưng Người là “Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9,20) và nhân dịp đó, Người đã củng cố thêm hiểu biết của các môn đệ bằng cách loan báo cuộc Thương Khó (Lc 9,22).[2] Cũng giống như ở Mc 9,2-8,[3] truyện Hiển Dung của Đức Giêsu trong Tin Mừng thứ III (Lc 9,28-36) đi theo sát lời Đức Giêsu nói về đời môn đệ, và dường như trả lời một loạt các câu hỏi về chân tính của Đức Giêsu (x. Lc 9,7-9.18-22).[4] Cuộc Hiển Dung cho các môn đệ được thấy trước vinh quang của Đấng Phục Sinh, vinh quang Nước Trời. Truyện giới thiệu tư cách thuộc thiên giới của Đức Giêsu đối lại với hai dung mạo Cựu Ước và thúc bách các Kitô hữu lắng nghe Người như lắng nghe Con Một của Thiên Chúa và cũng là Đấng được Thiên Chúa ưu tuyển.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba đơn vị:

     1/. Hoàn cảnh của cuộc Hiển Dung (9,28);

     2/. Cuộc Hiển Dung (9,29-35):

          a/. Lý do (câu 29-32),

          b/. Cuộc đối thoại (câu 33-35);

     3/. Kết thúc cuộc Hiển Dung (9,36).

3.- Vài điểm chú giải

– Dung mạo Người đổi khác (29): Cụm từ này đã thay thế cho động từ “được biến hình” (Metamorphôthê) trong Marco (9,2) và Matthew (17,2) để tránh những truyện về hóa thân, hóa kiếp trong thần thoại ngoại giáo.

– Có hai nhân vật (30): Vì được giới thiệu là “hai nhân vật, hai người đàn ông” (Andres dyo), ta có thể nghĩ đến “hai người đàn ông y phục sáng chói” trong truyện Phục Sinh (Lc 24,4) hoặc “hai người đàn ông mặc áo trắng” trong truyện Thăng Thiên (Cv 1,10). Như thế, quả thật Moses và Eliah là hai chứng nhân của Đức Giêsu, nhưng ở đây, hai vị có mặt trong tư cách là những nhân vật thuộc thiên giới, nhằm loan báo vinh quang tương lai của Đức Kitô. Và nếu vậy, quang cảnh này trước hết là một hình ảnh báo trước cuộc Lên Trời (x. Cv 1,9: đám mây).

– Xuất hành (31): Rất có thể tác giả Luca coi toàn bộ Thương Khó – Phục Sinh – Thăng Thiên là một cuộc Xuất Hành mới, đi từ Jerusalem cứng tin (# Ai Cập) mà vào Vinh quang của Thiên Chúa (# Đất hứa).

– Ngủ mê mệt (32): Dịch sát là “bị đè nặng trong giấc ngủ” (Bebarêmenoi hypnô).

– Vinh quang (32): Tác giả Luca là tác giả duy nhất sử dụng từ “vinh quang” ở đây. Kiểu ngài nối kết Khổ Nạn với Vinh Quang ở đây rất gần với truyện Ga 12,27-28.[5]

– Thật là hay (33): Hay cho ai? Chúng ta không rõ. Dù sao, ta hiểu là Phêrô không hiểu rõ hoàn cảnh, nhưng cảm thấy vui, nên mơ ước kéo dài tình trạng này.  

– Đám mây (34): Phải chăng đám mây bao phủ cả các môn đệ, nên các ông mới sợ (sợ chết?)? Có bao phủ ba nhân vật kia không? Nhưng bản văn lại nói là “từ đám mây có tiếng phán ra”. Vậy có lẽ các môn đệ ở ngoài đám mây. Nhưng dù thế nào, đám mây thường đi liền với cuộc thần hiển (x. Xh 16,10; 19,9.16; 24,15-16; Lv 16,2; Ds 11,25) và được coi như nơi ở (shơkinâh trong sách Talmud, có nghĩa là “sự hiện diện của Thiên Chúa”) của Thiên Chúa. Khi thấy đám mây xuất hiện và dường như còn bao trùm lấy mình, các môn đệ kinh hãi.

– Người được Ta tuyển chọn (35): Xem các “Bài ca về Người Tôi Trung” (Is 42,1; 49,7).

– Trong những ngày ấy (36): nghĩa là trong thời gian Đức Giêsu đi hoạt động. Công thức này đối lại những gì được kể sau này, sau khi Đức Giêsu đã sống lại.

4.-Ý nghĩa của bản văn

Khung cảnh của bản văn này như sau: Ngay trước bài tường thuật này là các giáo huấn về đời môn đệ (Lc 9,23-27) và ngay sau bài, là truyện Đức Giêsu chữa lành một em bé bị quỷ ám (9,37-43). So với các Tin Mừng khác, ta thấy tác giả không kèm theo mẩu đối thoại giữa Đức Giêsu và các môn đệ trong khi các ngài xuống núi (x. Mc 9,9-10; Mt 17,9), cũng không có lời nói về ngôn sứ Eliah (x. Mc 9,11-13; Mt 17,10-13).

Độc giả đã thấy giáo huấn về đời môn đệ “vác thập giá” và thị kiến về “vinh quang” được nối kết chặt chẽ trong kinh nghiệm về cuộc Hiển Dung. Không thể hiểu được ý nghĩa của biến cố huyền nhiệm này nếu không đặt nó vào bên trong hai chiều tư tưởng thần học chủ đạo: sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu, yêu cầu đi theo Người trên con đường thập giá, và ánh sáng vinh quang của sự phục sinh của Người.

* Hoàn cảnh của cuộc Hiển Dung (28)

Chỉ tác giả Luca xác định biến cố xảy ra vào “khoảng tám ngày sau khi (Đức Giêsu) nói những lời ấy” (câu 28), tức là các giáo huấn về đời môn đệ (câu 23-27). Cả ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê vừa chứng kiến Đức Giêsu làm cho con gái ông Gia-ia sống lại (Lc 8,51-56), nay Người đưa các ông đi ra khỏi tình trạng ồn áo huyên náo của cuộc sống thường ngày và đưa các ông lên núi (không được xác định), biểu tượng của thế giới Thiên Chúa. Mới trước đó, Người yêu cầu “vác thập giá mà theo” Người, bây giờ Đức Giêsu quyết định “đem theo” ba môn đệ và kết hợp các ông vào sứ mạng của Người, để các ông có thể chia sẻ kinh nghiệm vinh quang nhằm đi tới chỗ hoàn tất trong Ngày Phục Sinh.

Điều đáng ghi nhận: tác giả cho biết mục tiêu Đức Giêsu nhắm không phải là tỏ mình ra cho các môn đệ, nhưng là “cầu nguyện”. Việc cầu nguyện được đặc biệt nêu bật trong Tin Mừng thứ III.

* Cuộc Hiển Dung (29-35)

Đang khi Người cầu nguyện, thì “dung mạo Người đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa” (câu 29): cuộc hiển dung xảy ra như là kết quả của việc cầu nguyện. Tác giả không dùng động từ metamorphousthai (= biến hình) có trong Marco và Matthew (x. Mc 9,2; Mt 17,2). Theo một vài nhà chú giải, tác giả Luca muốn tránh làm cho độc giả hiểu đây giống như những cuộc hóa thân của thần thánh ngoại giáo; có những tác giả khác lại cho rằng đây là một gợi nhắc đến biến cố Moses đã trải qua trên núi Sinai (Xh 24,12-18):[6] trong bản văn này có nói rằng dung mạo Moses phản ánh vinh quang của Đức Chúa. Tầm quan trọng được gán cho biến cố huyền nhiệm này đưa độc giả đến chỗ nghĩ rằng Đức Giêsu đang tự mạc khải ra như là Đấng sống lại và đang ở trong thế giới siêu việt và vinh quang của Thiên Chúa.

Vậy, vẻ rạng rỡ của dung mạo và nét trắng tinh chói lòa nơi y phục của Người cho biết Người thông dự vào đời sống của Thiên Chúa, Người có bản tính Thiên Chúa, và báo trước cuộc Phục Sinh. Các môn đệ nhận ra rằng dung mạo quen thuộc con người trần gian của Đức Giêsu lâu nay không diễn tả hết tất cả thực tại của Người; các ông hiểu rằng Người không bị khóa kín trong những giới hạn của thực tại trần gian. Đàng sau dung mạo phàm trần của Đức Giêsu, có ẩn giấu thực tại siêu phàm thần thiêng của Người.

Không những các giới hạn của thực tại trần thế bị vượt quá, các biên cương của thời gian cũng bị lướt qua. Bên cạnh Đức Giêsu, xuất hiện hai ông Moses và Eliah, hai dung mạo nổi bật trong lịch sử dân Israel (câu 30-31). Moses nhà giải phóng Dân tộc, cũng là trung gian đón nhận Luật Sinai. Eliah là vị ngôn sứ đã bảo vệ tôn giáo độc thần và tái lập giao ước của Thiên Chúa với Dân. Các ngài đại diện cho mối quan tâm săn sóc của Thiên Chúa và cuộc chiến đấu của Người cho dân tộc này. Các ngài cũng chia sẻ kinh nghiệm bị từ khước và bị bách hại. Nay hai ngài đàm đạo với Đức Giêsu về “cuộc xuất hành” Người sắp hoàn thành tại Jerusalem (câu 31). Tác giả Luca coi toàn bộ Thương Khó – Phục Sinh – Thăng Thiên là một cuộc Xuất Hành mới, đi từ Jerusalem cứng tin (# Ai Cập) mà vào Vinh quang (# Đất hứa). Nhưng toàn bộ cuộc Xuất Hành mới này liên hệ đến lịch sử Israel (đại diện bởi Moses và Eliah); Đức Giêsu sẽ đưa lịch sử của những mối quan tâm săn sóc của Thiên Chúa đối với Dân Người đến chỗ hoàn tất.

Đáng tiếc là các môn đệ nặng nề trong giấc ngủ (câu 32). Khi Thầy làm phép lạ, hoặc khi đám đông hoan hô Người, các ông thức, nhưng khi Người bắt đầu nói đến chương trình của Thiên Chúa, việc hiến dâng mạng sống, phục vụ người nghèo, thì họ từ khước hiểu biết, họ nhắm mắt lại và ngủ. Sau này, tại núi Ôliu, các ông cũng ngủ (Lc 22,45), bởi vì các ông chờ đợi được vỗ tay hoan hô và tôn vinh, chứ không hiểu vai trò của thập giá mà Thầy đang đi tới. Tuy nhiên Phêrô còn tìm ra sức mà lên tiếng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều…” (câu 33). Ông mong muốn kéo dài mãi mãi kinh nghiệm về vinh quang này, tương quan đặc biệt này giữa thiên quốc và trần gian, một nếm cảm trước sự viên mãn cánh chung, thiết lập tức khắc Triều Đại Thiên Chúa trên mặt đất (G. Rossé). Chi tiết “dựng ba cái lều” vừa có tính lịch sử[7] vừa mang tính phụng vụ (Lễ Lều: Lv 23,42; Dcr 14,16-19).[8] Thật ra, “ông không biết mình đang nói gì” (câu 33). Ông chỉ dừng lại với một khoảnh khắc sống ở bình diện cá nhân chứ không nghĩ đến được số phận cánh chung của toàn thể Dân Giao ước. Ông không hiểu giá trị của cuộc Hiển Dung trong chương trình cứu độ phổ quát.

Quang cảnh hiển vinh đột nhiên bị một đám mây che phủ. Khi đi vào trong hoàn cảnh mới này, các môn đệ hoảng sợ (câu 34), điều này cho hiểu là con người mỏng dòn đang tiếp cận với mầu nhiệm của sự thánh thiêng. Đám mây là sự chấm dứt kinh nghiệm về vinh quang, vừa là nơi phát ra tiếng nói thiên quốc. Đây là vai trò biểu tượng của đám mây (x. Xh 19,9.16; 24,15-18; 40,34t; 2 Mcb 2,8; Cv 1,9). Tiếng nói bảo: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (câu 35). Khẳng định được liên kết với mạc khải trong Phép Rửa (Lc 3,22), nhưng khác biệt ở chỗ tại Phép Rửa, tiếng nói ngỏ lời trực tiếp với Người Con, còn ở đây, mạc khải được gửi đến các môn đệ, với lệnh vâng nghe lời Người.[9] Mạc khải từ trời đã tổng hợp hai trích dẫn: Tv 2,7 nhằm nói về tư cách Con Thiên Chúa của Đức Kitô, và Is 42,1 nhắc đến sứ mạng ngôn sứ của Người Tôi Tớ Đức Chúa, phải chịu đau khổ khi loan báo Lời Chúa.[10] Đức Giêsu vừa có tư cách vừa mang sứ mạng được hai bản văn này giới thiệu. Mạc khải kết thúc với lời kêu gọi rút từ Đnl 18,15 nhắc đến việc nghe lời ngôn sứ Moses (x. Cv 7,37).[11] Từ nay, không còn phải là Moses hoặc các ngôn sứ mà các môn đệ phải vâng lời, nhưng là chính Con Thiên Chúa, Đấng có uy quyền vượt xa uy quyền của mọi người từ xưa cho đến tận thế. Cách nào đó lời này phi bác ý muốn của Phêrô là thiết lập ngay từ bây giờ Nước Thiên Chúa trên mặt đất. Cần phải hiểu là sứ mạng Messiah của Đức Giêsu vượt quá những nỗi niềm chờ mong Đấng Messiah của dân Israel và những nguyện vọng trần tục của các môn đệ.

Thế rồi bản văn Luca kết thúc đơn giản, so với Marco (Mc 9,8). Tiếng nói đã ngưng, các nhân vật Moses và Eliah không còn ở đó nữa, chỉ còn lại Đức Giêsu và các môn đệ (câu 36). Tác giả không nhắc đến lệnh im lặng Đức Giêsu truyền cho các môn đệ (x. Mc 9,9; Mt 17,9), nhưng ghi nhận rằng các ông “nín thinh”. Đây là hậu quả của một kinh nghiệm đã ghi dấu sâu sắc trong lòng ba chứng nhân, họ nội tâm hóa biến cố này, họ không để lộ ra bên ngoài bao lâu Đức Giêsu còn ở với họ (“Trong những ngày ấy”).

* Kết thúc cuộc Hiển Dung (36)

Sau đó, các môn đệ giữ thinh lặng, không tiết lộ gì về những chuyện đã xảy ra trên núi. Ghi nhận sự thinh lặng này đúng ra là một câu tóm truyện Marco (Mc 9,9-13).[12] Các ông cứ giữ thinh lặng như thế cho đến khi Đức Giêsu đã sống lại.

+ Kết luận

Biến cố Hiển Dung là trạm trung chuyển giữa ánh sáng loé lên quá mau của Phép Rửa và ánh sáng chói lọi của sáng ngày Phục Sinh. Trong cuộc hành trình lên Jerusalem, Đức Giêsu thấy mình được tiếng Chúa Cha chuẩn nhận trong sứ mạng Messiah chịu đau khổ: Người sẽ thực hiện chương trình cứu độ qua thân phận bị sỉ nhục và thất bại. Nhưng qua lời giới thiệu của Chúa Cha, chúng ta biết Đức Giêsu là Lời mà ta phải lắng nghe, là vị hướng đạo chắc chắn trong cuộc Xuất Hành cuối cùng đưa đến cuộc sống viên mãn. Điều này được làm rõ ở cuối biến cố, khi tác giả nói là “chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu”: Mục tiêu của Cựu Ước là dẫn chúng ta đến với Đức Giêsu, Đấng hoàn toàn vâng phục chương trình cứu độ của Chúa Cha. Sau Phục Sinh, biến cố Hiển Dung sẽ có một vị trí quan trọng trong truyền thống Hội Thánh, vì được coi là một trong những khoảnh khắc có ý nghĩa nhất trong kinh nghiệm Kitô hữu (x. 2 Pr 1,16-28).[13]

5.- Gợi ý suy niệm

1. Tác giả Tin Mừng thứ III cho biết vì sao Đức Giêsu lên núi: để “cầu nguyện” (câu 28). Người dành nhiều thì giờ mà cầu nguyện. Chỉ nhờ thế, Người mới dần dà hiểu được những gì sẽ xảy ra, đâu là nơi Cha Người đang dẫn Người đến. Giống như ba môn đệ ngày hôm ấy, chỉ khi để cho Đức Giêsu dẫn đưa vào nơi thanh vắng và đến gần Thiên Chúa, chúng ta mới ở trong hoàn cảnh thích hợp, thuận lợi, mà hiểu rõ hơn mầu nhiệm bản thân Đức Giêsu và chương trình của Thiên Chúa. Nhờ có Người làm trung gian, chúng ta biết mọi điều mà Thiên Chúa có ý làm cho chúng ta và chúng ta biết cách xử sự với Thiên Chúa.

2. Trong khi cầu nguyện, dung mạo của Đức Giêsu “đổi khác” (câu 29). Tác giả không nói là “biến hình” như các Tin Mừng khác. Điều xảy ra trong truyện này không nhắm trước tiên cho Đức Giêsu, nhưng là cho ba môn đệ. Không phải Người là Đấng phải thực hiện một kinh nghiệm hoặc phải biết một điều gì mới, nhưng chính các ông mới phải tiến tới trong việc hiểu biết Người và tin tưởng vào Người. Ánh sáng trên dung nhan Đức Giêsu cho chúng ta hiểu, trong khi cầu nguyện, Người đã hiểu chương trình cứu độ của Cha Người và đã chấp nhận chương trình đó. Hy sinh của Người sẽ không phải là một thất bại, mà là một bước tiến tới sự phục sinh và vinh quang.

3. Sự kiện Đức Giêsu xuất hiện giữa Moses và Eliah và hai ông đàm đạo với Người cho các môn đệ một bằng chứng nữa để có thể nhận ra Đức Giêsu là ai: Người thuộc về thế giới Thiên Chúa. Nhưng Người cũng thuộc về lịch sử dân Chúa, một lịch sử được Thiên Chúa hướng dẫn. Người phải đưa sứ mạng của Moses và Eliah đến chỗ hoàn tất; Người cũng đáng được trân trọng và nhận biết như hai người tôi tớ vĩ đại này. Đức Giêsu không xuất hiện bất ngờ như một sao băng không hề có liên hệ gì với quá khứ, nhưng Người tháp vào trong lịch sử dài gồm những săn sóc ân cần của Thiên Chúa đối với dân Ngài, và đưa lịch sử này đến chỗ hoàn tất.

4. Quan hệ của Đức Giêsu với Thiên Chúa không phải là một vấn đề lý thuyết, không quan trọng gì bao nhiêu đối với đức tin và lối sống Kitô hữu. Phải nói là chính trong tương quan này mà bản chất của tương quan của Người đối với loài người chúng ta cũng được làm sáng tỏ, cả ý nghĩa của Người đối với chúng ta, những chờ đợi mà chúng ta có thể có nơi Người, những bổn phận phát xuất từ tương quan này đối với chúng ta.

5. Cho tới nay, Israel đã nghe lời Moses và Eliah, nay họ phải nghe lời Đức Giêsu. Tất cả Sách Thánh của Israel đều dẫn tới Đức Giêsu. Bằng bản thân, bằng Lời Chúa hoạt động và bằng lời nói của Người, Đức Giêsu đưa đến cho dân chúng sứ điệp chung kết của Thiên Chúa. Cựu Ước không có ý nghĩa nếu không có Đức Giêsu, còn chính Người, nếu không có Cựu Ước, thì chỉ là một mầu nhiệm đối với chúng ta. Vào ngày Phục Sinh, để cho các môn đệ có thể hiểu ý nghĩa của cái chết và sự sống lại của Người, Người sẽ phải giải thích Cựu Ước cho họ (x. Lc 24,17).

 

 


[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Xc. Lc 9,20-27: 20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”. 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. 22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. 23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? 26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần. 27 “Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa”.

[3] Mc 9,2-8: 2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a”. 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

[4] x. Lc 9,7-9.18-22: 7 Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy”. 8 Kẻ khác nói: “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại”. 9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su. 18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” 19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”. 20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”. 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. 22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”.

[5] Câu truyện này vốn dĩ vẫn được coi như tương tự với truyện Hiển Dung trong các Tin Mừng Nhất Lãm. Ga 12,27-28: 27 “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. 28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!”.

[6] Xh 24,12-18: 12 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Hãy lên núi với Ta và ở lại đó; Ta sẽ ban cho ngươi những bia đá: luật và mệnh lệnh Ta đã viết ra để dạy dỗ chúng”. 13 Ông Mô-sê đứng lên cùng với người phụ tá là ông Giô-suê, rồi ông Mô-sê lên núi của Thiên Chúa. 14 Ông nói với các kỳ mục: “Các ông đợi chúng tôi ở đây cho đến khi chúng tôi trở lại với các ông. Đây có ông A-ha-ron và ông Khua ở với các ông. Ai có việc gì, cứ đến với hai ông ấy”. 15 Ông Mô-sê lên núi. Bấy giờ mây bao phủ núi. 16 Vinh quang ĐỨC CHÚA ngự trên núi Xi-nai và mây bao phủ núi sáu ngày. Đến ngày thứ bảy, từ giữa đám mây, Người gọi ông Mô-sê. 17 Vinh quang ĐỨC CHÚA xuất hiện trên đỉnh núi trông giống như ngọn lửa thiêu, trước mắt con cái Ít-ra-en. 18 Ông Mô-sê vào giữa đám mây và đi lên núi. Ông Mô-sê ở trên núi bốn mươi ngày bốn mươi đêm.

[7] Nhà Tạm của Hòm Bia Chứng Ước trong cuộc xuất hành qua sa mạc.

[8] Lv 23,42: Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải ở trong lều bằng cành cây; mọi người bản xứ tại Ít-ra-en phải ở trong lều bằng cành cây. Dcr 14,16-19: 16 Sau đó, mọi người còn sót lại từ mọi dân tộc đã tiến đánh Giê-ru-sa-lem, hằng năm sẽ lên thờ lạy Đức Vua, tức là ĐỨC CHÚA các đạo binh, và mừng lễ Lều. 17 Thị tộc nào trong các thị tộc trên cõi đất không lên Giê-ru-sa-lem thờ lạy Đức Vua, tức là ĐỨC CHÚA các đạo binh, thì sẽ không có mưa cho chúng. 18 Nếu thị tộc Ai-cập không lên và không đến thì nó sẽ phải chuốc lấy tai ương mà ĐỨC CHÚA đã giáng xuống các dân tộc không lên mừng lễ Lều. 19 Đó sẽ là án phạt dành cho Ai-cập và án phạt dành cho mọi dân tộc không lên mừng lễ Lều.

[9] Autou akouete: lưu ý vị trí nhấn mạnh của đại từ. Diễn ra như sau: “Chính Người, anh em hãy nghe lời!”.

[10] Tv 2,7: Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của CHÚA, Người phán bảo tôi rằng: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con. Is 42,1: Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng,       Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.

[11] Đnl 18,15: Từ giữa anh (em), trong số các anh em của anh (em), ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh (em); anh (em) hãy nghe vị ấy. Cv 7,37: Chính ông Mô-sê đó là người đã nói với con cái Ít-ra-en: Từ giữa đồng bào của anh em, Thiên Chúa sẽ cho đứng lên một ngôn sứ như tôi để giúp anh em.

[12] Mc 9,9-13: 9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì. 11 Các ông hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước?” 12 Người đáp: “Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê? 13 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông”.

[13] 2Pr 1,16-28: 16 Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. 17 Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến”. 18 Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người. 19 Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em. 20 Nhất là anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. 21 Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa.