Lc 15,1-3.11-32: Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa

0
6005


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Lc 15,1-3.11-32[1]

1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng’. Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy’. 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa..’. 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy’. Và họ bắt đầu ăn mừng.

25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ’. 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’

31 “Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy’.”

***

1.- Ngữ cảnh

Đoạn Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay nằm trong phân đoạn độc đáo nhất của Tin Mừng Luca (Lc 9,51–19,27): cuộc hành trình lên Jerusalem. Trong cuộc hành trình này, có đám đông dân chúng đi theo Đức Giêsu.

Sau khi đã giáo huấn đám đông về những điều kiện để làm môn đệ Người (Lc 14,25-35),[2] bây giờ Đức Giêsu dùng một số dụ ngôn mà ngỏ lời với các người Pharisee và các kinh sư, vì họ đã lẩm bẩm trách móc Người khi Người tiếp đón những người thu thuế và tội lỗi, và cùng ăn uống với những người ấy.

Ba dụ ngôn của chương 15 (con chiên bị lạc mất [câu 4-7], đồng bạc bị đánh mất [câu 8-10], người con hư mất [câu 11-32]) đã được gọi là “trái tim của Tin Mừng thứ III” (Romaroson), vì được kết cấu rất nghệ thuật để nêu bật được đề tài duy nhất là tình yêu của Thiên Chúa và lòng thương xót đối với những kẻ tội lỗi qua lời Đức Giêsu kêu gọi hoán cải.

Hai dụ ngôn đầu nói về việc tìm được cái đã mất, dụ ngôn thứ ba cũng triển khai cùng một đề tài, nhưng như một tổng hợp với những hình ảnh được vận dụng rất tài tình. Trước đây dụ ngôn này vẫn được gọi là “Dụ ngôn đứa con hoang đàng”, nhưng nên gọi là “Dụ ngôn người cha nhân hậu” thì hợp lý hơn, bởi vì dung mạo trung tâm của truyện chính là người cha. Hoặc để tương ứng với hai đầu đề của hai dụ ngôn trước, thì có thể gọi là “Dụ ngôn người con hư mất”, nhưng nhớ rằng nhân vật chính là người cha, cũng như trong hai dụ ngôn trước, nhân vật chính là người mục tử và người phụ nữ.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

     1/. Một dẫn nhập (Lc 15,1-3);

     2/. Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (Lc 15,11-32):

          a). Người con thứ (câu 11-24; câu truyện kết thúc với điệp khúc câu 24),

          b). Người con cả (câu 25-32; câu truyện kết thúc với điệp khúc câu 32).

3.- Vài điểm chú giải

– Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi (1): Đây là những người ở bên lề xã hội Do Thái, những kẻ vô đạo, sống vô luân. Họ đến nghe Đức Giêsu như đã từng đến nghe Gioan Tẩy Giả (Lc 3,12-13).[3] Tác giả Luca đã nói quá khi dùng từ ngữ “tất cả”, nhưng mục đích là cho thấy chiều hướng căn bản của sứ điệp và cách xử sự của Đức Giêsu: Người đến để tìm và cứu những gì đã mất, nghĩa là tất cả.

– Lẩm bẩm (2): Cũng như ở câu 5,30 và sau này ở câu 19,7, thì “imperfect” cho chúng ta hiểu đây là thái độ thường xuyên của người Pharisee và các kinh sư.

– Ông này (2): Đại từ chỉ định “houtos” có nghĩa xấu: “tên này”.

– Một người kia có hai con trai (11): Có thể giả thiết đây là một ông chủ trang trại giàu có xứ Palestin.

– Phần tài sản con được hưởng (12): Theo tập tục xứ Palestin, một người cha có thể định đoạt về của cải của ông hoặc bằng một di chúc (Hy Lạp: diathêkê) được thi hành sau khi ông qua đời (Ds 36,7-9; 27,8-11)[4] hoặc bằng một tặng-dữ ban cho các con trong khi ông còn sống (Hy Lạp: dôrêma; x. Hc 33,19-23).[5] Trưởng nam được hưởng “hai phần sản nghiệp”, nghĩa là gấp đôi phần được ban cho mỗi người con khác (Đnl 21,17).[6] Ở đây, vì chỉ có hai đứa con, người con cả được nhận hai phần ba và người con thứ nhận một phần ba. Khi đó, người con có quyền sở hữu, nhưng quyền thu hoa lợi vẫn thuộc về người cha cho đến khi ông qua đời. Nếu người con bán phần gia sản của mình, người mua chỉ được nhận lấy sau khi người cha chết. Khi làm như thế, người con sẽ không còn có quyền đòi hỏi gì về của cải, cả về vốn lẫn lãi.

– Sống phóng đãng (13): Trạng từ “asôtôs” có nghĩa là “một cách không lành mạnh”. Chúng ta không biết là “không lành mạnh” cụ thể là thế nào; ở câu 30, người anh cả mô tả là “nuốt hết của cải với bọn điếm”, nhưng phải chăng anh đã phóng đại?

– Chăn heo (15): Theo Lv 11,7 (x. Đnl 14,8),[7] con heo, tuy có chân chẻ làm hai móng, nhưng không là loài nhai lại, nên bị coi là “ô uế” đối với người Do Thái. Chi tiết này cho thấy sự sa sút của chàng trai.

– Nhưng chẳng ai cho (16): Thế thì anh ta lấy thức ăn ở đâu, tác giả không nói, bởi vì điều này không quan trọng.

– Chạy ra (20): Chi tiết này diễn tả sáng kiến của người cha, tình yêu bền bỉ của ông đối với đứa con đã bỏ đi.

– Và hôn lấy hôn để (20): Không phải chỉ là để chào đón, nhưng là bày tỏ sự tha thứ (x. 2Sm 14,33).[8]

– Thưa cha… con (21): Người con lặp lại lời thú lỗi đã soạn trước (câu 18-19), nhưng trước khi anh ta kịp nói ra lời thỉnh cầu, người cha đã can thiệp rồi.

– Áo đẹp nhất (22): dịch sát là “chiếc áo thứ nhất”, tức là áo hạng nhất. Như thế, người cha không xử với người con như anh ta yêu cầu (“như người làm công”), nhưng như một người khách được tôn kính.

– Xỏ nhẫn… xỏ dép (22): Nhẫn là dấu chỉ quyền bính (St 41,42; Et 3,10; 8,2);[9] dép là dấu chỉ một con người tự do.

– Đã mất mà nay lại tìm thấy (24): Đây là cụm từ móc nối liên kết dụ ngôn này với hai dụ ngôn trước.

– Con hầu hạ cha (29): Người con cả dùng động từ “douleuein”, “phục vụ”, “hầu hạ”, hàm ý là anh ta không chỉ tự liệt mình vào hạng người làm công (“misthios”), nhưng là hạng nô lệ (“doulos”): “hầu hạ cha trung thành như một tên nô lệ”.

– Chẳng khi nào trái lệnh (29): Anh ta ý thức về sự trung thành của anh, anh nhấn mạnh đến lòng trung thành này, tức nêu bật điều nghịch lý ở đây là nhân đức lại được ban thưởng tồi tệ hơn là tât xấu!

– Một con dê con (29): Chi tiết này cho thấy người con cả không tin tưởng vào cha, anh tính toán, kể công.

– Thằng con của cha đó (30): Người con cả diễn tả mức khinh bỉ cao độ; anh ta không thể chấp nhận nói về người con thứ như là “em con”. Ở đây thêm một lần nữa, tính từ houtos được dùng với nghĩa xấu.

– Lúc nào con cũng ở với cha (31): Người cha không trách móc, than thở, không nói rằng người con cả sai; ông cũng chẳng phê phán thái độ cao ngạo hoặc bình phẩm gì cả. Ông coi mọi chuyện đó là đúng như thế. Nhưng ông chỉ nhấn mạnh trên sự liên kết thâm sâu giữa cha con: “Lúc nào con cũng ở với cha” (= con chưa bao giờ chết; con chưa bao giờ mất).

– Tất cả những gì của cha đều là của con (31): nghĩa là tất cả của cải (x. câu 12), những gì còn lại sau khi người con thứ đã lấy đi phần của anh ta; tất cả những thứ này sẽ thuộc về người con cả, sau khi cha chết.

– Em con (32): Câu trả lời của người cha làm vọng lại công thức của người anh, và là một cách sửa chữa.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Một dẫn nhập (1-3)

Các câu mở đầu (câu 1-3) đưa chúng ta trở lại với lời các kinh sư nhắc nhở: “Đừng có một ai đi với những kẻ gian ác, cho dù để tìm cách thuyết phục họ đi theo lề luật của Thiên Chúa”. Những người thu thuế và tội lỗi không được thuộc về cộng đoàn, vì Thiên Chúa đã ngoảnh mặt đi tránh họ; do đó, Israel cũng phải làm như thế. Như thế, cấm không được nhận lời mời đến ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi. Vậy mà Đức Giêsu lại đón tiếp họ! Đã thế, Người lại còn ăn uống với họ, tức là làm một việc đáng trách hơn nữa, vì ăn uống với ai là kết giao, chia sẻ tình bạn, tình liên đới với người ấy. Cách xử sự này khiến người Pharisee và các kinh sư rất khó chịu. Họ không chống Đức Giêsu bởi vì Người thương xót kẻ tội lỗi, nhưng bởi vì Người ăn uống với kẻ tội lỗi.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đến để cứu tất cả mọi người; những người thu thuế và tội lỗi phải đến với Người bởi vì họ không gặp được ở nơi nào khác lời đưa lại niềm hy vọng và sự tiếp đón ân cần nhưng-không.

Dẫn nhập này đưa lại cho [các] dụ ngôn một đặc tính là biện hộ, là bào chữa cho cách xử sự của Đức Giêsu đối với người tội lỗi. Người giải thích không phải là cho những kẻ tội lỗi, nhưng cho những người “công chính” đã vấp phạm vì Người. Qua cách xử sự này, Đức Giêsu cho thấy là sự hoán cải không là điều kiện tiên quyết người ta phải có để được Thiên Chúa đón tiếp; trái lại Thiên Chúa đã thực hiện “sự hoán cải” trước, để người ta có thể lại đi vào quan hệ an bình với Ngài.

* Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (11-32)

Cả hai người con được nói tới chỉ là để cho người cha có cơ hội diễn tả các tâm tình của ông ra.

a/. Người con thứ

Sau khi đã nhận đủ phần gia tài, người con thứ đi đến một xứ xa xôi, hẳn là một miền đất dân ngoại. Tại đó, anh đã xài hết tiền của. Rơi vào tình trạng khốn đốn, anh phải chăn heo: đây là sự sa cơ thất thế cùng cực! Anh ta suy nghĩ. Nhưng không phải là hối hận về lối sống, không phải là tiếc nuối vì đã làm cho cha đau buồn. Anh ta chỉ tự trách là ngu ngốc chịu đói chịu khát ở đây trong khi các tôi tớ ở nhà có ăn dư thừa. Thế là để có thể trở về và được nhạn vào nhà như người làm công, anh chuẩn bị một bài “diễn từ cảm đông” để mong cha nguôi giạn: các lời lẽ hối tiếc không đi đôi với các tâm tình của anh.

Quả thật hình ảnh này không tôn vinh kẻ tội lỗi chút nào. Đây đúng là chân dung mà người Pharisee chờ đợi.

b/. Người con cả

Lúc người con thứ trở về, người con cả đang làm việc ngoài đồng. Khi trở về, anh nhận ra trong nhà có chuyện lạ. Sau khi hỏi một người đầy tớ, anh ta hiểu chuyện; anh không thể chấp nhận được, anh nổi giận. Ta thông cảm với anh. Vì anh không chịu vào nhà, người cha đã ra gặp. Thế là anh cho tuôn ra hết những gì vẫn chất chứa tận đáy lòng: anh nói với giọng chua cay, nhưng kể ra đúng các sự việc. Theo anh, đúng là người cha đã xử sự bất công! Những người Pharisee và các kinh sư cũng nghĩ rằng họ có lý khi tỏ ra khó chịu với Đức Giêsu.

Trước tiên người con cả nói về chính mình: “Bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh”. Chắc chắn đấy cũng là lý tưởng của người Pharisee và các kinh sư: “phục vụ” Thiên Chúa bền bỉ, và rất chú ý để không bao giờ vi phạm một điều răn nào.

Sau đó, người con cả nói về em với giọng hết sức khinh bỉ. Anh không gọi là “em con”, nhưng nói là “thằng con của cha đó”. Điều này cũng giống như người Pharisee trong dụ ngôn Lc 18,10-14 nói đến “tên thu thuế kia” với giọng miệt thị.[10]

Như thế, Đức Giêsu đã ngỏ lời với những người vẫn nghĩ rằng mình là những tôi tớ tốt lành, luôn quan tâm để không bao giờ thiếu sót một điều răn nhỏ. Khi đó, họ nghĩ họ có nhiều quyền; họ tỏ ra khó chịu, không phải đối với người tội lỗi, nhưng đối với chính Thiên Chúa vì Ngài đã đối xử với kẻ tội lỗi như vậy: Nếu như thế, sống đạo đức còn ích lợi gì? Nếu như thế, sống trung thành và vâng phục Thiên Chúa còn có ý nghĩa gì nữa?

c/. Người cha

Người cha tôn trọng tự do của các con, ông đã chia gia tài cho các con và để chúng tự do định liệu. Ông không ép người con thứ ở lại nhà. Ông cũng không tìm cách kéo nó trở về. Ông chỉ trông mong người con từng ngày, nên ngay khi anh còn ở đàng xa, ông đã trông thấy. Ông vội vã chạy ra đón con, ông cuống quýt thúc đầy tớ chuẩn bị lễ mừng. Ông chẳng màng đến bài diễn từ bần tiện của anh ta. Ở nhà có con bê béo, ông quyết định cho giết ngay để ăn mừng. Rõ ràng trong lòng ông, niềm vui đang bùng nổ. Ông chưa bao giờ thôi thương yêu con. Nó đi xa, nó đã mất; nay nó lại được tìm thấy. Quá khứ không còn gì đáng kể, Điều quan trọng là nó đã trở về!

Đã không muốn nghe lời hối lỗi của con thứ, nay người cha lại để cho người con cả tha hồ nói lên những tâm tình chua chát. Sau đó, ông đã trả lời với giọng dịu dàng âu yếm. Qua lời ông nói, người con cả chẳng còn lý do gì mà nói rằng cha xử bất công với mình nữa. Nhưng ông tế nhị điều chỉnh: “vì em con đây…”. Nếu cha đã sung sướng đến thế khi gặp lại con, lẽ nào người anh lại không vui sướng khi gặp lại em?

Chúng ta không bao giờ biết được phản ứng sau đó của người con cả (nghe theo đề nghị của cha? Đi vào nhà và chào em? Đi vào ăn tiệc chung vui?). Chúng ta cũng không biết người con thứ được sống theo chế độ nào, anh ta sẽ đáp lại thế nào. Dù sao, toàn chương 15 giống như một bài ca chan hòa niềm vui được tấu lên để mừng niềm hạnh phúc của người đã tìm lại được điều mà họ đã mất.

+ Kết luận

Bản văn giới thiệu người cha như một biểu tượng về chính Thiên Chúa. Tình thương vô điều kiện và lòng thương xót của Ngài được tỏ ra không những đối với người tội lỗi hoán cải mà cả đối với kẻ chỉ trích vì không hiểu biết và thiếu thông cảm. Thiên Chúa mời gọi mọi người hoan hỷ khi người tội lỗi trở lại. Bởi vì lời mời gọi này được Đức Giêsu truyền đạt, và chính Người đã đón tiếp những người tội lỗi, ta hiểu là Người mời gọi mọi người hoan hỷ với Người. Nếu dụ ngôn nói với chúng ta về niềm vui của Thiên Chúa, thì lại chính là Đức Giêsu phác ra trong dụ ngôn đó cách thức hành động của chính Người. Có một sự đồng hóa ngầm giữa hành vi của Thiên Chúa và của Đức Giêsu. Trong khi thi hành sứ vụ, Đức Giêsu chính là Đấng đã diễn tả niềm vui và lòng thương xót của Thiên Chúa ra cho loài người.

5.- Gợi ý suy niệm

1/. Thiên Chúa thương tất cả mọi người và muốn cho mọi người đều được cứu độ. Nhưng “tất cả” không có nghĩa là một khối người tương đối đông, mà là “từng người”. “Tất cả”“từng người” trong thế giới, không bỏ sót một ai. Thiên Chúa chiếu cố đến từng con người y như chỉ có một mình người ấy trên đời.

2/. Chúng ta có thể thấy mình như người con thứ: không phải là tên ăn cắp, chỉ lấy đúng phần mình; chúng ta cũng còn biết nói “thưa cha!”, nhưng không hề vui thích được ở với cha, mà chỉ muốn ra đi “ăn chơi” cho thỏa thích. Và mỗi khi gặp khó khăn, thì chỉ dâng lên Thiên Chúa một lời cầu nguyện đầy vụ lợi, tính toán. Người con thứ không biết nghĩ rằng xin làm một “người làm công”, thì sỉ nhục cha quá nặng nề, bởi vì cha vẫn chỉ mong đón mình về để làm “con”. Nay được cha đón vào nhà rồi, anh có biết đáp lại tình cha không? Phần này, chính chúng ta sẽ phải viết tiếp bằng đời sống thực tế của mình.

3/. Chúng ta cũng có thể thấy mình như người con cả, không bao giờ trái lệnh cha, nhưng cũng chẳng thích ở với cha; trái lại chỉ tính toán, mong có ngay “thoát ly” để đi vui chơi với bạn bè. Đã thế, chúng ta lại tỏ ra khinh bỉ, miệt thị những kẻ bị coi là “tội lỗi”. Nay đã được cha ra gặp để tâm sự rồi, anh có vào nhà để chung vui không? Phần này, chính chúng ta cũng sẽ phải viết tiếp bằng đời sống thực tế của mình.

4/. Vì không hiểu tình yêu của cha, cả hai người con, đặc biệt anh cả, không hiểu tiếng gọi kèm theo sự hiểu biết đó: anh chỉ thực sự là con của cha, khi yêu thương anh em mình. Ta không thể phục vụ Thiên Chúa như Ngài muốn nếu không yêu mến Ngài và thông chia tình yêu của Ngài cho anh chị em mình, cho dù họ thế nào. Làm sao có thể tự nhận là môn đệ của Đức Giêsu, khi khinh bỉ quay mặt tránh người anh em đang ở trong tình trạng bần khốn nhất, do tội lỗi gây nên?

5/. Dụ ngôn này thích hợp nhất cho Mùa Chay. Một số người chúng ta đã thực hiện “cuộc hành trình lớn” rời khỏi sự yêu thương bao bọc của Thiên Chúa. Một số khác thì cần mẫn và chú tâm những công việc của mình, nhưng có lẽ không xem trọng những gì chúng ta đang có. Nhưng dù sao đi nữa, cánh cửa luôn được mở ra cho chúng ta vào dự tiệc với Thiên Chúa. Chúng ta bước vào Thánh lễ để cử hành tình yêu ngờ ngệch và kỳ lạ của Thiên Chúa dành cho chúng ta – tất cả chúng ta – dù là lúc này chúng ta đang trở lại, hay chúng ta đang hiện diện ở đây, nhưng miễn là chúng ta ở trong “ngôi nhà của sự biết ơn” (Câu thơ của Mary Oliver ám chỉ điều này: “chốn ta muốn về”) (Siciliano).

 

 

 


[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Lc 14,25-35: 25 Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ: 26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. Từ bỏ hết những gì mình có 28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? 29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: 30 ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc’. 31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? 32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được. 34 “Muối quả là một cái gì tốt. Nhưng chính muối mà nhạt đi, thì lấy gì ướp nó cho mặn lại? 35 Dùng nó để bón ruộng hay trộn phân đều không thích hợp, nên người ta quăng nó ra ngoài. Ai có tai nghe thì nghe”.

[3] Lc 3,12-13: Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” 13 Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh”.

[4] Ds 27,8-11; 36,7-9: 8 Và ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en: ‘Khi một người nào chết mà không có trai, thì anh em sẽ chuyển gia nghiệp của người đó cho con gái người đó. 9 Nếu người đó không có con gái, anh em sẽ trao gia nghiệp cho anh em của người đó. 10 Nếu người đó không có anh em, thì sẽ trao gia nghiệp cho anh em của cha người đó. 11 Còn nếu cha người đó không có anh em, thì sẽ trao gia nghiệp cho thân nhân gần nhất trong thị tộc; người này sẽ làm chủ gia nghiệp đó’. Đối với con cái Ít-ra-en, đó sẽ là một quy tắc pháp lý, như ĐỨC CHÚA đã truyền cho ông Mô-sê”. 367 Như thế, gia nghiệp con cái Ít-ra-en sẽ không chuyển từ chi tộc này sang chi tộc khác, nhưng mỗi người con cái Ít-ra-en sẽ gắn bó với gia nghiệp của chi tộc cha ông mình. 8 Trong các chi tộc con cái Ít-ra-en, người con gái nào hưởng gia nghiệp, thì phải lấy chồng thuộc một trong các thị tộc của chi tộc cha mình, để mỗi người trong con cái Ít-ra-en giữ được gia nghiệp cha ông mình. 9 Không gia nghiệp nào được chuyển từ chi tộc này sang chi tộc khác, nhưng mỗi chi tộc con cái Ít-ra-en sẽ gắn bó với gia nghiệp của mình”.

[5] Hc 33,19-23: 19 Xin hãy nghe tôi, thưa quý vị quan chức trong dân; xin lắng tai để ý, thưa quý vị lãnh đạo cộng đoàn. 20 Bao lâu con còn sống, đừng để vợ con, anh em, bạn bè điều khiển con. Đừng trao của cải cho người khác, kẻo rồi lại tiếc xót mà phải xin lại. 21 Bao lâu còn sống, còn chút hơi tàn, đừng phó mặc thân con cho người nào bất cứ. 22 Vì thà để con cái nài xin con, còn hơn con phải ngóng trông bàn tay chúng. 23 Trong mọi việc con làm, hãy nắm quyền điều khiển, đừng để thanh danh con bị lu mờ.

[6] Đnl 21,17: Trái lại người đàn ông ấy phải nhìn nhận đứa con của người vợ không được yêu là trưởng nam, mà chia cho nó hai phần sản nghiệp: nó là hoa quả đầu đời trai tráng của người ấy, nên nó được quyền trưởng nam.

[7] Lv 11,7: Con heo, vì nó có chân chẻ làm hai móng, nhưng không nhai lại: các ngươi phải coi nó là loài ô uế. ; Đnl 14,8: Con heo, vì nó có móng chẻ hai, nhưng không nhai lại: anh em phải coi nó là loài ô uế. Thịt của chúng, anh em không được ăn, xác chết của chúng, anh em không được đụng đến.

[8] 2Sm 14,33: Ông Giô-áp vào gặp vua và báo cho vua biết. Vua cho gọi Áp-sa-lôm. Y vào gặp vua, sấp mặt xuống đất trước mặt vua mà lạy. Vua hôn Áp-sa-lôm.

[9] St 41,42: Pha-ra-ô rút nhẫn ra khỏi tay mình và xỏ vào tay ông Giu-se, mặc cho ông y phục vải gai mịn, và đeo vào cổ ông chiếc vòng vàng.; Et 3,10; 8,2: 10 Bấy giờ, vua tháo bửu ấn ở tay ra trao cho cừu địch của người Do-thái là ông Ha-man, con ông Hăm-mơ-đa-tha, người A-gác. 82 Chiếc bửu ấn đã lấy lại của Ha-man, vua rút ra trao cho ông Moóc-đo-khai. Còn bà Ét-te thì đặt ông coi sóc tài sản của Ha-man.

[10] Lc 18,10-14: 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con’. 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’. 14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.