Mc 10,35-45: Hai Người Con Zebedee: Đời Môn Đệ

0
2286


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Mc 10,35-45[1]

35 Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” 36 Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” 37 Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” 38 Đức Giê-su bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” 39 Các ông đáp: “Thưa được” Đức Giê-su bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. 40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”.

41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. 42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; 44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. 45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

***

1.- Ngữ cảnh

Để hiểu các bản văn Tin Mừng cho đúng đắn, điều cần thiết là không được cứu xét riêng rẽ từng biến cố và từng lời khẳng định, nhưng phải lưu ý đến các tương quan của chúng với nhau và từ đó hiều được ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của chúng. Đức Giêsu không ban cho các môn đệ những chỉ thị riêng lẻ. Các lời Người nói với họ có nền móng là chính đời sống của Người và cách thức Người hành động; các lời ấy diễn tả cho biết cuộc hành trình của Người sẽ đưa lại điều gì cho những kẻ muốn sống hiệp thông với Người. Hoặc là hiệp thông hoàn toàn với Đức Giêsu hoặc là chẳng có hiệp thông gì cả. Chính vì phải sống trọn vẹn với Người, môn đệ không thể loại trừ chuyến đi của Người đến cuộc Thương Khó; đúng ra chính chuyến đi này lại đặc biệt phong phú về hệ quả cho đời môn đệ.

Sau lời loan báo cuộc Thương Khó lần thứ hai và thứ ba, thái độ đối kháng của các môn đệ và giáo huấn mới của Đức Giêsu vẫn cùng một kiểu. Các môn đệ chứng tỏ hết sức bận tâm tìm một vị trí có uy thế và thành công cho bản thân mình (Mc 9,33-34; 10,35-40); Đức Giêsu lại nhắc họ nhớ bổn phận phục vụ (Mc 9,33; 10,41-45).[2]

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

   1/. Đức Giêsu đối thoại với hai con Zebedee (Mc 10,35-40):

         a/. Lời thỉnh cầu (Mc 10,35-37),

         b/. Câu trả lời (Mc 10,38-40);

   2/. Đức Giêsu giáo huấn Nhóm Mười Hai (Mc 10,41-45).

3.- Vài điểm chú giải

– Chúng con muốn (35): Trong Tin Mừng Matthew, không có lời xin của hai anh em, nhưng có chi tiết bà mẹ dẫn hai con đến xin. Có những nhà chú giải nghĩ rằng đây là cách Matthew cố gắng làm giảm thiểu dung mạo tiêu cực của hai anh em bằng cách đổ lỗi cho bà mẹ!

– Bên hữu… bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang (37): Lời xin này liên hệ đến quy chế trong vương quốc tương lai. Khi đó Đức Giêsu hẳn sẽ ngự trên ngai trong tư cách Thẩm phán cánh chung, hoặc như Đấng Mêsia chủ toạ bữa tiệc thiên sai. Chỗ vinh dự nhất là ở bên phải vị chủ toạ, và chỗ kế tiếp là chỗ bên trái.

Hai anh em đã không hiểu ý nghĩa đích thực và kết cục không thể tránh được của cuộc hành trình lên Giêrusalem, cũng như những lời loan báo Thương Khó và cái chết của Đức Giêsu.

– Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống (38): Chén này tượng trưng cho đau khổ, còn được nói đến ở Marcô 14,36 nữa (Xc. Mt 26,39; Lc 22,42).[3] Trong Cựu Ước, từ ngữ này dùng để nói về niềm vui (Tv 22/23,5; 115/116,13)[4] lẫn những đau khổ (Tv 74/75,9; Is 51,17-22; Gr 25,15; Ed 23,31-34).[5] “Thầy (sắp) uống” được dùng ở thì hiện tại,[6] đây là một kinh nghiệm đã bắt đầu. Matthew viết tiếp: egô mellô pinein, “I am about to drink”.

– Phép rửa: Cho dù trong Cựu Ước, từ baptisma không được dùng theo nghĩa đau khổ, ta thường gặp ý tưởng về nước như là biểu tượng của sự phá hủy (Xc. Tv 41/42,7; 68/69,2.15; Is 43,2);[7] còn trong Hy-ngữ thông dụng, từ này có nghĩa là bị lụt, bị ngập, bị bao trùm.[8] Phải chăng Marcô đang ám chỉ đến những tư tưởng của Phaolô về phép rửa Kitô giáo?[9]

– Thưa được (39): Lời đáp của các môn đệ thật khôi hài dưới ánh sáng của cuộc Thương Khó. Đức Giêsu trả lời bằng cách hứa cho các ông được chia sẻ trọn vẹn thân phận của Người.

– Thiên Chúa đã dọn sẵn (41): Động từ Hy Lạp “hêtoimazô” (chuẩn bị) chỉ có ý nói là do ý muốn của Chúa Cha, chứ không có hàm ý tiền định.

– Mười môn đệ kia đâm ra tức tối (41): Chi tiết này nhằm liên kết các giáo huấn về việc lãnh đạo Kitô giáo như là một việc phục vụ với câu truyện trên.

– Những người được coi là thủ lãnh (42): Câu này có giọng điệu khôi hài, mỉa mai.[10]

– Giá chuộc (45): Trong Tân Ước, từ ngữ “lytron” chỉ xuất hiện ở đây và trong Mt 20,28;[11] còn từ “antilytron” thì có trong 1Tm 2,6 với một ý nghĩa tương tự.[12] “Lytron” (lyô: tháo, cởi, giải thoát) là số tiền bỏ ra để mua sự giải thoát cho một tù binh, hoặc để chuộc lại một nô lệ. Đức Giêsu không phải bỏ tiền ra cho bất cứ ai, nên thành ngữ này chỉ có nghĩa là phương thế để cứu chuộc.

– Nhiều người (polloi): không đối lại với “mọi người”, hay hạn hẹp hơn “mọi người” hiểu về số lượng, nhưng ở đây có nghĩa là “mọi người, muôn người”.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Đức Giêsu đối thoại với hai con Zebedee (35-40)

Hai người con ông Zebedee, là Giacôbê và Gioan, đến xin Đức Giêsu một điều cho riêng mình. Lời thỉnh cầu được chuẩn bị tiệm tiến. Công thức mở đầu tổng quát chỉ chứng tỏ là họ chờ đợi nhiều nơi Đức Giêsu. Tác giả Marcô đã chọn cho lời thỉnh cầu này bối cảnh là lời loan báo cuộc Thương Khó. Ngài nhắm cho thấy là các môn đệ càng không hiểu gì khi họ càng đến gần Giêrusalem, nơi mạc khải. Hai môn đệ nghĩ là Đức Giêsu sắp khôi phục vương quốc Israel trần thế, nên họ nhanh chân xin trước hai chỗ danh dự. Lời thỉnh cầu này bỏ qua mạc khải tại Giêrusalem, bỏ qua thập giá.

* Đức Giêsu giáo huấn Nhóm Mười Hai (41-45)

Theo nguyên tắc, Đức Giêsu không từ chối những khát vọng và nỗ lực, vì Người không muốn có những môn đệ mệt nhọc, ươn ái, thiếu năng lực; nhưng Người chỉ cho thấy mục tiêu đúng đắn của các khát vọng, là mục tiêu duy nhất phù hợp với sự hiệp thông đời sống với Người: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (câu 43-44). Tuy đây là câu trả lời cho Giacôbê và Gioan, nhận xét về “người làm đầu” hẳn khiến Phêrô phải suy nghĩ, vì ông đã được Đức Giêsu ban cho chỗ nhất trong Nhóm. Đây là nẻo đường duy nhất đưa tới uy tín và sự cao cả thật sự. Phục vụ là tiêu chuẩn duy nhất giúp đánh giá sự cao cả và thành công đích thựcâu Ai là người tôi tớ của mọi người, tức là phục vụ nhằm mưu ích cho kẻ khác, với trọn tâm hồn, với tất cả sức lực, thì thật sự là người đứng đầu mọi người. “Mọi người” đây là tất cả những ai mà họ có thể phục vụ, tất cả những ai lệ thuộc sự giúp đỡ của họ. Người môn đệ Đức Giêsu không được chọn người để phục vụ theo các mối thiện cảm của mình. Cuối cùng, chính Đức Giêsu khẳng định bổn phận phục vụ dựa trên nền tảng là lối cư xử của Người (câu 45).

+ Kết luận

Nhằm tạo sự hài hòa thân ái trong cộng đồng Hội Thánh sơ khai, Marcô đã rút từ Kinh Thánh ra hình ảnh Người Tôi Tớ đau khổ để giải thích cho các Kitô hữu đôi chút về mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng đã dâng hiến mạng sống mình, tự hạ đến chết đẫm máu trong thập giá để cứu độ nhân loại. Bắt nguồn từ hy sinh của Đức Giêsu, cộng đoàn Kitô hữu phải luôn luôn kiểm chứng xem cách hành xử của mình có phù hợp với cách hành xử của Đấng Sáng Lập không, nghĩa là mình có phục vụ và dâng hiến trọn vẹn bản thân không?

5.- Gợi ý suy niệm

1/. Vì quan tâm đến thành công và danh giá, người ta nuôi những khát vọng không kềm chế, hoàn toàn lấy mình làm trung tâm. Giacôbê và Gioan đã chấp nhận tất cả những gì Thầy yêu cầu: họ chấp nhận những gì Người nói về đời sống hôn nhân; họ đã bỏ mọi sự để bước theo Người, nhưng khi đến lúc phải bỏ đi quyền lực trên những người khác, họ bị mất hướng! Phải chăng hôm nay chúng ta thường bị ám ảnh, có thể là vô ý thức, bởi ước muốn là được người khác coi mình là tốt hơn đám đông còn lại, để rồi khi nghe dạy phải sống như người khác, sống thấp hơn người khác, chúng ta không chịu được?

2/. Đức Giêsu không coi thường khát vọng được thành công, được trọng vọng, nhưng Người chỉ cho các môn đệ còn đường đúng đắn đưa tới đó: phục vụ. Sự đối lập giữa “làm đầy tớ”“làm đầu” đòi hỏi một sự hoán cải trọn vẹn. Các môn đệ muốn làm đầu; tức khắc, Đức Giêsu bảo: Người ta chỉ có thể làm đầu nếu người ta nhận chỗ của những người cùng rốt, bằng cách làm tôi tớ phục vụ mọi người. Việc phục vụ đây không phải là công việc nô dịch của người nô lệ, chỉ chu toàn bề ngoài. Đây là việc phục vụ của người hiến dấng bản thân, của người quan tâm đến kẻ khác vì yêu thương: là người phục vụ chẳng hạn với thái độ của bà mẹ vợ Simôn và các người đồng bàn.[13] Đây là việc phục vụ nhằm mưu ích cho người khác.

3/. “Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy”. Câu nói này của Đức Giêsu cho hiểu rằng cuộc sống Kitô hữu phải tuân theo một thứ logic khác, chứ không theo khuôn phép xử sự thông thường của loài người. Bài Tin Mừng hôm nay không chỉ ngỏ lời với những người có quyền, nhưng với mọi môn đệ của Đức Giêsu. Khuôn mẫu để chúng ta bắt chước là chính gương sống và phục vụ của Đức Giêsu. Nếu chúng ta muốn bước theo Thầy Giêsu, chúng ta phải trở nên như tôi tớ. Một hành trình sống đạo như thế chắc chắn không thể tránh khỏi thập giá.

4/. Câu trả lời của Đức Giêsu về cách “làm lớn”“làm đầu” được dành cho mọi môn đệ của Đức Giêsu, nhưng nhắm trước tiên những người đứng đầu các tập thể trong Hội Thánh. Đây là những tiêu chuẩn mà các vị hữu trách tương lai của Hội Thánh phải theo mà sinh hoạt.

 

 


[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Mc 9,33-34: Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.

[3] Mc 14,36: Người nói: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn”.

Mt 26,39: Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”.

Lc 22,42: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha”.

[4] Tv 23,5: “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa”.

Tv 116,13: “Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ, và kêu cầu thánh danh ĐỨC CHÚA”.

[5] Tv 75,9: “Vì này tay CHÚA cầm chén rượu, chén rượu đầy mùi vị đắng cay, rót cho bọn gian ác trên đời, tất cả đều phải uống, uống không chừa cặn”.

Is 51,17-22: “Thức dậy, thức dậy đi, đứng lên nào, Giê-ru-sa-lem hỡi! Từ tay ĐỨC CHÚA, ngươi đã nhận, đã uống chén lôi đình, ngươi đã cạn chén nồng choáng váng. Trong số con cái nó đã sinh ra, chẳng đứa nào dắt nó; trong số con cái nó đã sinh thành dưỡng dục, không đứa nào cầm tay nó. Ngươi đã lâm cảnh hoạ vô đơn chí, nhưng nào có ai đã cảm thương? Tan hoang và điêu tàn, đói khổ và gươm giáo: nào có ai an ủi? Con cái ngươi bất tỉnh hôn mê, nằm đầu đường xó chợ như sơn dương mắc bẫy; chúng ngất ngư vì cơn lôi đình của ĐỨC CHÚA, vì lời đe dọa của Thiên Chúa ngươi thờ. Vậy hãy nghe đây, hỡi người khốn khổ, hỡi kẻ say li bì mà không phải là say rượu. Đây là lời Chúa Thượng của ngươi, lời ĐỨC CHÚA và Thiên Chúa của ngươi, Đấng biện hộ cho dân Người, Người phán như sau: Này Ta cất khỏi tay ngươi chén nồng choáng váng; chén lôi đình của Ta, ngươi sẽ không còn phải uống nữa”.

Gr 25,15: “Thật vậy, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa Ít-ra-en, phán với tôi như sau: Ngươi hãy cầm lấy từ tay Ta chén rượu tức là cơn lôi đình, và ngươi hãy bắt mọi dân tộc mà Ta sai ngươi đến phải uống chén ấy”.

Ed 23,31-34: “Ngươi đi theo đường lối của chị ngươi. Ta cũng sẽ trao chén của nó vào tay ngươi. ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Ngươi sẽ uống chén của chị ngươi; chén ấy vừa sâu lại vừa rộng. Ngươi nên trò cười, thành đề tài nhạo báng, vì chén ấy chứa được quá nhiều. Ngươi sẽ đầy ứ say sưa và phiền muộn. Đó là chén đựng hoang tàn và đổ nát, chén của Sa-ma-ri, chị ngươi. Ngươi sẽ uống, sẽ dốc cạn chén ấy rồi gặm những mảnh sành, rạch nát cả đôi vú của ngươi. Quả thật, chính Ta đã phán – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng”.

[6] Mann đề nghị dịch sát là “I am drinking”

[7] Tv 42,7: “Lạy Chúa, con chìm sâu trong phiền muộn, nên chi từ giải đất Gio-đan, cũng như rặng Khéc-môn cao ngất, và núi nhỏ Mi-xa, con tưởng nhớ đến Ngài”.

Tv 69,2.15: “Lạy Chúa Trời, xin cứu vớt con, vì nước đã dâng lên tới cổ. Xin Ngài kéo con lên cho khỏi lún xuống chỗ sình lầy, cho con thoát tay thù, thoát dòng nước thẳm”.

Is 43,2: “Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi, ngươi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn; ngươi có đi trong lửa, cũng chẳng hề hấn gì, ngọn lửa không thiêu rụi ngươi đâu”.

[8] Với Lc 12,50, ta cũng hiểu theo nghĩa này. Lc 12,50: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!”

[9] Chẳng hạn như Rm 6,3: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?”.

[10] Xc. Lc 22,25 được trình bày với giọng khôi hài rõ hơn nữa. Lc 22,25: “Đức Giê-su bảo các ông: Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân”.

[11] Mt 20,28: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

[12] 1Tm 2,6: “Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người. Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi”.

[13] Mc 1,31: “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”.