Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Tin Mừng: Mc 7,31-37[1]
31 Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra! 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
***
1.- Ngữ cảnh
Sau khi Đức Giêsu bị dân Nadarét loại trừ (6,1-6a), các môn đệ được sai đi rao giảng sự sám hối và trừ quỷ (6,7-13). Nhưng khi Người đề nghị cho đám đông ăn (6,37), thì các môn đệ sửng sốt, cũng ý như khi họ thấy Người đi trên mặt biển (6,51). Những người nghe đọc Tin Mừng có nắm được tương quan giữa khả năng đi trên mặt nước và khả năng nuôi sống đám đông chăng? Việc Đức Giêsu đi vào vùng Dân ngoại[2], tại đó Người đã chữa con gái một bà gốc Phênixi xứ Xyri (7,24-30) và chữa người vừa điếc vừa ngọng (7,31-37) cũng như hóa bánh nhiều lần thứ hai (8,1-10) hẳn là khích lệ các độc giả gốc Dân ngoại nhiều.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
a/. Hoàn cảnh (7,31);
b/. Đức Giêsu chữa người tàn tật (7,32-35);
c/. Lệnh Đức Giêsu cấm phổ biến và phản ứng của dân chúng (7,36-37).
Tuy nhiên, bản văn có gây ra những thắc mắc: nơi chốn không thể xác định; người tàn tật có vẻ thụ động[3]; vai trò của nước miếng; một lệnh yêu cầu thinh lặng, nhưng không giữ được,…
3.- Vài điểm chú giải
– Bỏ vùng Tia, đi qua… đến… (31): Lộ trình của Đức Giêsu hơi lạ.[4] Có lẽ tác giả Mc muốn mô tả cuộc hành trình xuyên qua một vùng đất phần lớn thuộc Dân ngoại để báo trước sứ mạng của Giáo Hội là phải đến với muôn dân.
– Vừa điếc vừa ngọng (32): Từ ngữ Hy Lạp kôphos (x. 7,37; 9,25) có nghĩa là “điếc”. Còn mogilalos (không phải là alalous, “câm”, c. 37) không có nghĩa là mất tiếng hoàn toàn, chỉ có nghĩa là nói khó khăn.[5]
– Người kéo riêng… (33): Tác giả Mc mô tả phép lạ này theo tập tục thời đó trong thế giới Hy Lạp: tránh những cặp mắt hiếu kỳ, sự đụng chạm bằng tay, dùng nước miếng, nhìn lên trời, thở dài, những lời nói bằng tiếng ngoại quốc. Những chi tiết này phản ánh lối chữa bệnh thời đó, nhưng cũng rất có thể là những quy ước của một thể văn[6].
– Đặt ngón tay vào lỗ tai: Những hành vi biểu tượng của Đức Giêsu, mà những người chữa bệnh Hy Lạp và Do Thái thường làm, gợi ý cho người tàn tật biết rằng anh rất có thể được chữa lành.
– Nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi: Sử gia Pliniô kể rằng hoàng đế Vespasianô đã chữa một người mù bằng nước miếng[7]. Bài tường thuật này, cũng như những bài Mc 8,23 và Ga 9,6, là những dịp trong đó kể rằng Đức Giêsu đã dùng nước miếng. Chúng ta không được biết chắc chắn nước miếng được sử dụng như thế nào. Có những thủ bản cho rằng nước miếng được bôi trên môi, hoặc đặt vào miệng như một cử chỉ tượng trưng; trong khi có những dị bản nói là cả ở trên tai nữa. Bản văn là “nhổ và chạm lưỡi anh”, và Zerwich & Grosvenor giải thích: “bằng nước miếng”. Mann cho rằng các hành vi này chỉ có tính cách tượng trưng mà thôi.
– Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng (34): Những cử chỉ này diễn tả Đức Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa và động lòng thương người tàn tật. Không nên coi các cử chỉ này như là yếu tố của nghi thức ma thuật.
– Ép-pha-tha: Câu “Hãy mở ra” là lời dịch nghĩa từ Hy Lạp “ephphtha”, phiên âm từ A-ram “ippơtah” (hoặc itpơtah), do động từ “phatah” là “mở ra”.
– Tai mở ra, lưỡi hết bị buộc (35): Đây là chi tiết văn chương nhằm nói rằng Đức Giêsu không phải chỉ là một người chữa bệnh; chân tính Người là khác, và người ta chỉ biết được rõ ràng chân tính của Người khi theo Người đến chân thập giá và đến cuộc Phục Sinh.
– Ông làm cho kẻ điếc nghe được, kẻ câm nói được (37): Nhận định này của đám đông nhắc tới Isaia 35,5-6, mà đoạn văn Isaia này là một phần thuộc về cái nhìn tương lai vinh quang của Israel (Is 34–35). Bản văn Cựu Ước này được sử dụng ở đây, điều này chứng tỏ rằng tương lai vinh quang của Israel đã hiện diện trong sứ vụ của Đức Giêsu.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Hoàn cảnh (31)
Có lẽ câu truyện bắt đầu từ c. 32, còn tác giả Mc đã tạo ra c. 31 để cung cấp một cái khung địa lý cho bản văn, vì chúng ta biết rằng Xiđôn đã được nói đến ở 3,8, còn Thập Tỉnh đã được nhắc đến ở 5,20. Vậy c. 31 là câu nối bản văn với phần đi trước. Các chi tiết gom lại ở đây muốn nói đến các miền đất ngoại giáo chung quanh Galilê và nêu bật chủ trương phổ biến Tin Mừng sang đất Dân ngoại.
* Đức Giêsu chữa người tàn tật (32-35)
Cuộc chữa bệnh có những cách thực hành quen thuộc trong các truyện phép lạ thời đó. Đức Giêsu đưa anh bệnh ra riêng. Tất cả chuyện này có ý là giữ bí mật cách trị liệu của vị thầy. Các cơ quan có bệnh được chạm đến. Vị thầy ấn ngón tay trên hai tai điếc, rồi bôi nước miếng lên cái lưỡi ngọng. Ngước mắt lên trời là để xin sức mạnh siêu phàm; thở dài hay rên cũng nhắm như vậy. Tiếng epphatha trong bối cảnh phép lạ Hy Lạp là lời phù chú không ai hiểu được; nhưng trong Mc, từ này đã được dịch ra rõ ràng (tương tự 5,41). Đức Giêsu cho người ta biết rõ ràng quyền lực của Người. Đây là lời Người nói với anh bệnh cho đến lúc này vẫn chưa có khả năng nghe được, chứ không phải là nói với các cơ quan bị bệnh. Tức khắc, anh này được lành; sự kiện anh được lành được nêu ra như một điệp khúc đáp lại lời vừa được truyền ra. Rất có thể chi tiết “lưỡi bị buộc” có ý nói đến tên quỷ của bệnh, mà nay anh này đã được giải thoát khỏi.
* Lệnh Đức Giêsu cấm phổ biến và phản ứng của dân chúng (36-37)
Đức Giêsu truyền cả anh bệnh đã lành cũng như những người có mặt phải giữ im lặng. Nhưng những người đã đón nhận được mạc khải trong phép lạ này không thể giữ kín được. Tác giả Mc muốn nhắc độc giả vừa phải giữ làm sao để người ta khỏi hiểu sai thân thế và sứ mạng của Đức Giêsu, vừa phải nhận ra và giới thiệu Người là Đấng Cứu Thế. Phản ứng hứng khởi của dân cho ta lời giải nghĩa thần học của phép lạ. Nhờ hoạt động của Đức Giêsu, cuộc tạo thành đã hư hỏng nay được tái thiết (x. St 1,31).
+ Kết luận
Đọc lướt qua, chúng ta thấy đây là một bài tường thuật về một phép lạ chữa bệnh về thể lý. Thật ra, bài này, cùng với các bài tường thuật về việc chữa người mù (8,22tt; 10,46tt) là một lời cam kết rằng Đức Giêsu có thể mở tai, tháo lưỡi, mở mắt cho các môn đệ, và là một lời mời gọi các ông tin tưởng vào Người, và để Người giúp các ông. Hãy nhìn nhận sự giải thoát mà Người đã mang lại cho chúng ta. Cũng hãy cố gắng đón nhận sự giải phóng mà Người đang muốn ban cho chúng ta, trên nẻo đường Người đang mở ra trước mắt chúng ta, xuyên qua những ngờ vực và những nỗi sợ hãi, mà tiến về vinh quang của Người.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Các môn đệ của Đức Giêsu cũng phải có tâm tình tha thiết của Người là đưa Tin Mừng đến cho các Dân ngoại. Nếu ngại ngùng vì đường dài, e dè vì những khó khăn có thể gặp về mọi phương diện, các ông sẽ không đi xa được, và sẽ phản bội bản chất của Tin Mừng vì Tin Mừng là ánh sáng cứu độ được Thiên Chúa ban cho mọi người qua trung gian của các ông.
2. Các môn đệ đã không hiểu bản thân và sứ mạng của Đức Giêsu nên đã bị Người trách (7,18; 8,17-21). Sự kiện Đức Giêsu đã mở tai của người điếc cho hiểu rằng Người có thể ban sự hiểu biết cần thiết để người ta sống đức tin. Và chính các môn đệ cũng cần được Người mở tai cho, hầu nghe được và hiểu được những giáo huấn của Đức Giêsu, và nghe ra tiếng kêu la của những con người khốn khổ hôm nay.
3. Theo thánh Bêđa (PL 92,203t), người Kitô hữu nào không lắng nghe Lời Chúa là người điếc và kẻ nào không truyền đạt lời tuyên xưng đức tin cho kẻ khác là người câm. Nước miếng mà Đức Giêsu bôi vào lưỡi anh câm có nghĩa là “sapor Domini sapientiae” (hương vị của sự khôn ngoan của Chúa); còn ngón tay mà Đức Giêsu ấn trên tai anh điếc, tượng trưng ân huệ Thánh Thần (x. Lc 11,20).
4. Giai thoại Đức Giêsu chữa người vừa điếc vừa ngọng này có thể được coi như một dụ ngôn nói về biết bao hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật của chúng ta hôm nay. Đây là những hoàn cảnh ngặt nghèo khiến chúng ta ở xa rất nhiều “điều”, nhưng đồng thời lại cho chúng ta gặp được Chúa tể sự sống. Khi đó, đã được tháo cởi tai và miệng, chúng ta có thể nói: “Ngài làm điều gì cũng tốt cả”, với sự kinh ngạc thấm đẫm tâm tình biết ơn.
5. Khi Đức Giêsu nói “hãy mở ra”, tai anh ta mở ra lập tức và “anh ta nói được rõ ràng”. Đức Giêsu nói ra và điều ấy xảy ra. Hôm nay Đức Giêsu cũng nói Lời Người trên chúng ta, “Hãy mở ra!”. Với đôi tai đã được mở ra, chúng ta không những lãnh nhận lời Người, mà lòng chúng ta cũng được mở ra để đón lấy nữa. Nghe Lời Chúa sẽ biến đổi chúng ta.
“Hãy mở ra!”. Những lời này mở chúng ta ra với lòng nhân từ của Thiên Chúa. Những lời đó cũng mở ra cho chúng ta thấy Thiên Chúa đang ở trong chúng ta, từng ngày, trong các liên hệ giữa chúng ta và các loài thọ tạo. Đó chẳng phải là một bí nhiệm sao: một người trông thấy và nghe được Thiên Chúa trong những biến cố nhỏ bé, thậm chí không đáng kể thuộc đời sống hằng ngày? (Siciliano)
[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh
[2] Địa hạt của thành Tia và Xiđôn
[3] Không có đối thoại, có vẻ các cử chỉ của Đức Giêsu và công thức A-ram quan trọng hơn
[4] Lộ trình Đức Giêsu đi vòng lên phía bắc, rồi quặt xuống phía đông nam, tiếp tục đi xuống phía nam băng qua Xêdarê Philipphê, đi đến phía đông của sông Giođan, và như thế đến gần hồ Galilê về phía nam, trong phần lãnh thổ Thập Tỉnh
[5] Vì thế, đến c. 35: “anh ta nói được rõ ràng”
[6] Xc. K. Kertelge; K. Tagawa; A. Duprez
[7] Hist. nat. 28, 4,7; Tacite, Hist. 6,18