Đức Cha Giuse Võ Đức Minh
Giám Mục Giáo Phận Nha Trang
Chủ tịch Ủy Ban Thánh Kinh / Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
I. GIỚI THIỆU SÁCH KHẢI HUYỀN
1. Chỗ đứng của Khải Huyền trong bộ Kinh Thánh
Chúng ta đã có dịp làm quen với hầu hết các sách trong Tân Ước. Sau khi đã chia sẻ sự sống và niềm tin của Hội Thánh (Công Vụ), của các giáo đoàn địa phương (Thư thánh Phaolô), để gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc loài người (Tin Mừng), giờ đây chúng ta hãy lắng nghe, hãy đọc lại cuốn sách “Mạc khải của Đức Giêsu Kitô” về “các điều kíp phải xảy đến” (Kh 1,1). Khải Huyền vì thế chính là mạc khải, là “vén bức màn lên”, là thực hiện việc “bóc trần ra điều trước kia vẫn được giấu kín”.
Vậy làm sao có thể xác định được chỗ đứng của Khải Huyền trong Bộ Kinh Thánh? Như chúng ta biết: Kinh Thánh là những bản văn ghi lại Lời Chúa nói với con người, diễn tả mối tương quan chân thật giữa Thiên Chúa với con người – mà ngôn ngữ chuyên biệt của Kinh Thánh gọi là Giao Ước -. Đối với chúng ta, Kinh Thánh gồm Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước làm sống lại tất cả quá trình lịch sử của một dân được tuyển chọn, yêu thương cách riêng, được giáo dục từng bước để có khả năng đón nhận và cưu mang niềm hy vọng của nhân loại. Niềm hy vọng ấy được thực hiện khi thời gian viên mãn, khi Thiên Chúa ban người Con Một cho nhân loại. Người Con Một ấy chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ trần gian.
Tân Ước ghi lại sự sống và niềm tin của Hội Thánh vào Vị Chúa của mình, đồng thời vẽ lại khuôn mặt của Đấng Cứu Thế, vừa là Thiên Chúa vừa là người, để chia sẻ cho xã hội trần gian điều cao quý và hạnh phúc nhất mà mọi người đều được mời gọi tham dự vào: đó là ơn cứu độ.
Cưu mang niềm hy vọng của nhân loại, xác tín về ơn cứu độ mà Thiên Chúa trao ban cho con người qua Đức Giêsu Kitô, Hội Thánh tin tưởng và vững tâm tiến bước. Nhưng trong dòng thời gian, khi va chạm cuộc sống thường nhật với bao thực tế phũ phàng, lắm khi Dân Chúa giật mình, suy nghĩ, đặt vấn đề và có khi khắc khoải lo âu và thậm chí bối rối về niềm tin của mình. Một bên là thâm tín vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, một bên là đồng hành với xã hội loài người mà mình phải yêu thương và phục vụ – nhưng rất thường khi nghi ngờ, chống đối và bách hại mình -, trong bối cảnh đó, người kitô hữu đặt ra nhiều câu hỏi: vậy thì, thế giới loài người sẽ đi về đâu? Và người kitô hữu phải sống như thế nào trong khoảng thời gian chờ đợi ngày Đức Giêsu Kitô trở lại?
Các câu hỏi đó càng trở nên cấp bách, dồn dập, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng, giai đoạn mà Dân Chúa gặp thử thách trầm trọng vì những bách hại bên ngoài và chia rẽ, bất hòa bên trong.
Trước những lo âu khắc khoải đó, sách Khải Huyền – mạc khải của Đức Giêsu Kitô Phục Sinh – vén mở bức màn bí ẩn lên, bày tỏ cho Hội Thánh “thấy” tương lai huy hoàng đang chờ đón những người đã đặt niềm tin và lòng yêu mến nơi Đức Giêsu Kitô, cũng như tương lai xán lạn của nhân loại và của cả vũ hoàn; bởi lẽ quyền lực của tội lỗi đã bị đánh bại và kẻ thù cuối cùng của con người là sự chết sẽ hoàn toàn bị chế ngự. Đó chính là lúc bộ mặt của thế giới này sẽ thay đổi, vì được thấm nhuần ơn cứu độ. Vì các lý do đó, Khải Huyền không phải là cuốn sách dự đoán tương lai, nhưng là sách vạch ra một hướng đi cho Dân Chúa. Hướng đi đó được bảo đảm bởi một quá trình lịch sử lâu dài của Dân Chúa (Cựu Ước), đồng thời tựa trên nền tảng vững chắc là Đức Giêsu Kitô Phục Sinh (Tân Ước).
Chỗ đứng của Khải Huyền trong toàn bộ Kinh Thánh là thế! Sách Khải Huyền rất ngắn, nếu so với các sách của Cựu Ước và Tân Ước. Nhưng Khải Huyền sẽ rất dài, vì đang được sống, đang được thực hiện liên tục bởi toàn thể Dân Chúa trong dòng thời gian và không gian trong cuộc hành trình tiến về Vương Quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa là Trời mới – Đất mới.
2. Bố cục Khải Huyền
Chúng ta có thể chia Khải Huyền thành ba phần:
– Kh 1–3: Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trong xã hội trần gian.
– Kh 4–20: Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô đồng hành với xã hội trần gian. Trong cuộc hành trình này, Đức Giêsu Kitô luôn hiện diện và hướng dẫn Hội Thánh. Hội Thánh chia sẻ “nỗi vui mừng và niềm hy vọng” của mình cho xã hội loài người. Đó là giai đoạn vượt qua sa mạc, vượt qua thử thách để đạt tới niềm vui cứu độ.
– Kh 21–22: Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trở nên Trời mới Đất mới.
3. Hội Thánh của Khải huyền
Thực tại mà Hội Thánh của Khải Huyền đang sống là một thực tại đầy khủng hoảng trong sinh hoạt tôn giáo do các biến cố lịch sử đương thời tạo nên. Tác giả Khải Huyền xác tín rằng, những gì mình ghi lại trong sách là chính “mạc khải của Đức Giêsu Kitô” trong thời đại cánh chung. Vì thế, nội dung mạc khải sẽ còn kéo dài, không những cho Hội Thánh thời bấy giờ, mà còn cho Hội Thánh của các thời đại. Khi gợi lên đời sống cụ thể của 7 giáo đoàn vùng Tiểu Á: Êphêsô (2,1-7); Smyrna (2,8-11); Pergamô (2,12-17); Thyatira (2,18-29); Sarđi (3,1-6); Philađelphia (3,7-13); Laođikêa (3,14-22), tác giả muốn nhìn đến Hội Thánh toàn diện. Đó là hình ảnh của Hội Thánh phổ cập và của mọi thời đại. Bảy giáo đoàn này, trong nhãn quan của tác giả Khải Huyền, chính là tấm gương phản chiếu lại bộ mặt và sinh hoạt của Hội Thánh Chúa Kitô. Đó là một Hội Thánh đang bị bách hại dữ dội từ bên ngoài, và bên trong lòng Hội Thánh những mầm mống chia rẽ xuất hiện do sự hoành hành của các tư tưởng lạc giáo (Kh 1–3).
Nhưng phải chăng cơn gian truân sẽ bóp nghẹt sự sống của Hội Thánh? Khải huyền từ chương 4 đến 20 vẽ lại hình ảnh cụ thể của Hội Thánh và khẳng định đời sống của Hội Thánh Chúa Kitô thường xuyên gặp những xung đột, giằng co trong cuộc sống với xã hội trần gian. Và chính trong giai đoạn này, một đặc điểm mà Khải Huyền lưu ý chúng ta là hình như không thấy bóng dáng Chúa Kitô đâu cả! Thế nhưng, vắng bóng không có nghĩa là không hiện diện! Vì, trong mọi sinh hoạt, mọi biến cố xảy ra trong Hội Thánh, Người vẫn hiện diện và biểu dương sức mạnh của mình. Chính vì thế, hình ảnh Đức Giêsu Kitô đã trở nên niềm hy vọng thật sự của Hội Thánh trong cuộc lữ hành này. Hình ảnh đó lại trở nên lẽ sống của Hội Thánh.
Từ đó, Hội Thánh nhận ra: chính nhờ những xung đột, thử thách mà Hội Thánh tự thanh luyện mình và đồng thời có cơ hội sống ơn gọi cứu thế của mình trong xã hội trần gian. Những xung đột, thử thách tạo nên đau khổ, giống như nỗi đau của người mẹ sinh con. Và đây sẽ là lúc một thế giới mới được sinh ra: thế giới của Trời mới – Đất mới!
Bằng cuộc hành trình đầy thử thách, bách hại, đau khổ, Hội Thánh lữ hành dọn đường cho Chúa Giêsu Kitô trở lại. Lúc đó, Người “lau sạch nước mắt” của Dân Người, vì “sự chết sẽ không có nữa, phiền muộn, kêu gào và khó nhọc sẽ không có nữa” (Kh 21,4).
4. Văn chương Khải Huyền
Vì là sách “bóc trần ra điều trước kia vẫn được giữ kín”, nên tác giả đã sử dụng một lối hành văn đặc biệt mà ta quen gọi là lối văn khải huyền. Lối văn đó có sắc thái riêng của nó, không cùng mẫu số chung với các lối văn thông thường. Vì thế, phải đọc sách Khải Huyền bằng ngôn ngữ, não trạng của khải huyền mới có thể hiểu được Khải Huyền.
a. Hình thức mạc khải
Trong Kinh Thánh, chúng ta thường gặp hai hình thức mạc khải: sấm ngôn và thị kiến. Sấm ngôn là Lời Thiên Chúa được một hay nhiều người gọi là ngôn sứ hay tiên tri truyền đạt lại cho Dân Chúa. Còn thị kiến là việc thấy những bức tranh, bức ảnh chan hòa thực tại Thiên Quốc mà người chứng kiến (thị-kiến-nhân) có nhiệm vụ vẽ lại, tường thuật lại bằng ngôn ngữ, hình ảnh của con người. Thường thì thị-kiến-nhân cảm thấy bất lực trong sứ mạng thông truyền lại sứ điệp mình đã thị kiến; bởi làm sao có thể diễn đạt hoàn toàn và trung thực điều mình đã chứng kiến, mà lại là những điều không bao giờ có trong kinh nghiệm bình thường của con người! Vì thế, tác giả Khải Huyền truyền đạt sứ điệp của mình qua hai giai đoạn: 1/ Mô tả bằng hình ảnh, các từ ngữ biểu trưng điều mình đã thấy; 2/ Rồi cố gắng giải thích những gì mình vừa mô tả, vừa chứng kiến. Đây là lý do khiến chúng ta thấy trong Khải Huyền có hiện tượng hình ảnh lấn át lời nói.
b. Sử dụng các biểu trưng
Nhìn thấy các thực tại Thiên Quốc, quả là một đặc ân! làm sao diễn tả lại cách trọn vẹn bằng ngôn ngữ con người? Điều này buộc tác giả Khải Huyền phải sử dụng lối hành văn bao gồm nhiều từ ngữ và hình ảnh biểu trưng: – Biểu trưng về con số: 7 và 12 chỉ sự hoàn hảo, toàn thiện; số 3, số 5 hoặc 6, phân nửa của 7, hay không phải là số 7 chỉ sự bất toàn, chỉ thời gian thử thách, thời gian bách hại và cũng có khi chỉ kẻ đối địch với Thiên Chúa, với Dân của Người; số 4 chỉ bốn hướng của vũ trụ, tức là hoàn vũ, thế giới… – Biểu trưng về màu sắc: Trắng gợi lên sự chiến thắng, sự tinh tuyền; đỏ gợi ra màu máu mà các chứng nhân của Chúa Kitô phải đổ ra… – Ngoài các biểu tượng trên, tác giả Khải Huyền còn sự dụng một số hình ảnh quen thuộc trong Kinh Thánh: cây hằng sống, suối nước tuôn trào, chiên con đứng như đã bị sát tế…
c. Đối tượng các thị kiến trong Khải Huyền
Trong Ngôn sứ, sứ điệp nhằm đề cao Giao Ước và quy chiếu cái nhìn của Dân Chúa về Giao Ước. Giao Ước trở nên mẫu mực cho mọi suy nghĩ, mọi hành động. Vì thế, sứ điệp của ngôn sứ nhằm hai vấn đề căn bản: hoán cải và trung thành.
Trong Khải Huyền, sứ điệp nhằm trình bày sự khải hoàn của Thiên Chúa xuyên qua những bí ẩn của lịch sử loài người. Vì thế, trọng tâm của sứ điệp Khải Huyền là: kiên trì và sẵn sàng. Từ đó, Khải Huyền trở nên sức mạnh, nguồn an ủi cho Hội Thánh: đối với những người lầm lạc, Khải Huyền đòi buộc họ phải hoán cải nếp sống; đối với người nguội lạnh, Khải Huyền trở nên sứ điệp kích thích lòng can đảm; và đối với những thành phần Dân Chúa đang gặp thử thách vì bách hại, vì khủng hoảng trong cuộc sống, Khải Huyền chính là nguồn hy vọng.
II. ĐỨC GIÊSU – CON NGƯỜI CỦA HY VỌNG
1. Đức Giêsu dưới dạng “Chiên Con đứng như đã bị tế sát”
Trong Khải Huyền, Thiên Chúa và Vương Quốc của Người được phô bày bằng nhiều bức tranh kỳ lạ. Đặc biệt trong chương 4, chúng ta hãy chiêm ngắm một vài nét sau đây: “… một cửa mở ra trên trời…” (4,1). Qua cửa đó, thị-kiến-nhân đã thấy gì? Ông đã thấy “Một ngai đã đặt trên trời và trên ngai có Đấng ngự. Và Đấng ngự đó trông giống ngọc thạch và xích não, và hào quang tỏa quanh ngai trông giống như bích ngọc” (4,2-3). Đấng ngự trên ngai không được mô tả như thế nào, chỉ có vinh quang của Người tỏ rạng mà thôi. Đấng ấy được Kinh Thánh gọi bằng tước hiệu “Đấng đã có, đang có và sẽ đến” (1,8). Đấng ấy không lệ thuộc vào thời gian và không gian, nhưng lại can thiệp và hiện hữu trong thời gian và không gian. Đấng ấy là Chủ Tể của vũ trụ và lịch sử. Bên cạnh ngai có 7 đèn cháy lửa, tức 7 thần khí của Thiên Chúa. Đó là sự hiện diện của Thánh Linh trong sự toàn diện, tuyệt hảo của Người, luôn linh động và nóng sốt như ngọn lửa.
Còn gì nữa? – Quanh ngai có bốn sinh vật hình bò tơ, sư tử, mặt người và phụng hoàng, trước sau đầy những mắt là mắt. Khải Huyền sử dụng lại hình ảnh quen thuộc trong Cựu Ước trích từ ngôn sứ Êzêkiel để biểu trưng cho 4 hướng của vũ trụ, thế giới: ý chỉ mọi tạo vật của Thiên Chúa. Thêm vào đó, có sự hiện diện của 24 lão công. Họ vận áo trắng (phẩm phục của tư tế), đầu đội triều thiên vàng (biểu hiệu của vương đế). Họ là những nhân vật tiêu biểu cho 12 chi tộc con cái Israel trong Cựu Ước và 12 Tông Đồ trong Tân Ước. Trong bức tranh này còn thiếu một nhân vật quan trọng và còn thiếu sự hiện diện của nhân loại. Thị-kiến-nhân đã đau khổ và “khóc nức nở” (4,5). Trước tình trạng đó, một vị lão công đã trấn an và giới thiệu Vị anh hùng chiến thắng “sư tử họ Giuđa, chồi lộc Đavít” (5,5). Vị anh hùng chiến thắng này xuất hiện dưới dạng “Chiên Con đứng như đã bị tế sát” (5,6). Chiên Con này đầy sức mạnh (7 sừng) và đầy Thánh Linh thông hiểu mọi sự (7 mắt). Hình ảnh “Con Chiên đứng (thẳng) như đã bị tế sát” với nguồn gốc là “sư tử họ Giuđa, chồi lộc Đavít” chính là khuôn mặt của Đức Giêsu Kitô Phục Sinh (đứng thẳng) còn mang trên thân mình dấu vết cuộc Khổ Nạn và Tử Nạn (đã bị tế sát). Rồi cùng với sự xuất hiện của Chiên Con, Vương Quốc Thiên Chúa được chan hòa “hương thơm” và vang lừng âm điệu của bài ca mới, bài ca của “mọi dòng họ, tiếng nói và mọi dân mọi nước” (5,9) – (nhân loại được cứu độ). Trong Vương Quốc đó, Khải Huyền cho thấy Đức Giêsu Kitô chiến thắng, nhưng vẫn còn mang dấu vết của cuộc xung đột, giao tranh. Vì thế, trong suốt cuộc hành trình đầy gian khổ của Hội Thánh tiến về Vương Quốc của Thiên Chúa, nơi có Đấng ngự trên ngai tỏa sáng vinh quang, hình ảnh “Con Chiên đứng (thẳng) như đã bị tế sát” đã thực sự trở nên niềm hy vọng cho toàn thể Dân Người.
2. Dân Chúa trên đường tiến về tương lai
Tại sao Hội Thánh lữ hành cần phải có niềm hy vọng ? – Vì trong giai đoạn bình thường, con người sống có thể đặt chương trình, dự tính cho tương lai. Trong bối cảnh đó, các ngôn sứ, các Tông Đồ trong Hội Thánh có thể soi dẫn con người bằng cách giải thích ý nghĩa của cuộc sống, ý nghĩa của lịch sử… nhưng khi Hội Thánh phải sống trong những giai đoạn có thể nói là tuyệt vọng về phương diện nhân loại, giai đoạn mà Hội Thánh xem như bị bế tắc, cảm thấy mình bất lực trong việc xây dựng Nước Trời, thì sứ điệp của ngôn sứ hoặc của Tông Đồ không đủ mạnh để có thể tạo ra nơi tâm hồn tín hữu niềm hy vọng. Bởi lẽ, niềm hy vọng không thể tồn tại mãi với những lời nói, lời hứa – dầu đó là những lời nói, lời hứa có cơ sở vững chắc dựa trên mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô -. Trong bối cảnh đó, niềm hy vọng đòi phải được nhìn thấy, được chạm tới, được bắt gặp điều sẽ xảy ra vào thời cánh chung. Dưới ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh, Hội Thánh đã dựa trên sự trung tín vĩnh cửu của Thiên Chúa, dựa trên quá khứ của chính mình trong tương quan giao ước với Thiên Chúa để mạnh dạn đưa mắt tin tưởng nhìn về tương lai.
Bởi đó chúng ta thấy hầu như những sứ điệp quan trọng của Cựu Ước cũng như Tân Ước đều được cô đọng lại trong Khải Huyền: hình ảnh thời Xuất Hành, thời Lưu Đày luôn hiện diện hầu như trên mỗi trang sách của Khải Huyền; nếu như trong quá khứ, Thiên Chúa đã thương cứu Dân Người, thì trong hiện tại cũng như tương lai chắc chắn Người cũng giải thoát Dân Người; vì Người là Chủ Tể của vũ trụ, đồng thời cũng là Chủ Tể của lịch sử: Người là Đấng luôn trung thành với những gì Người đã hứa.
Xuất phát từ trạng huống cụ thể đó, hình ảnh Đức Giêsu Kitô dưới dạng “Con Chiên đứng (thẳng) như đã bị tế sát” thực sự trở nên niềm hy vọng lớn lao và tuyệt đối cho Dân Chúa. Dầu “bị tế sát”, nhưng vẫn “đứng thẳng”.
Rồi một khi nắm vững niềm tin “Thiên Chúa sẽ ở với con người”: “Họ sẽ là Dân của Người; còn Người, Thiên Chúa ở cùng họ, sẽ là Thiên Chúa của họ” (Kh 21,3); nên dầu gian khổ, dầu gặp bao thử thách, bị giằng co, xâu xé và thậm chí bị bách hại, toàn Dân Thiên Chúa cảm thấy mình như ứa trào sức sống và niềm vui của Đấng Phục Sinh để thốt lên niềm hy vọng của mình: “Marana Tha! Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Kh 22,20).