Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP.
I. DẪN NHẬP
Thư thứ nhất Gio-an có tương quan với Tin Mừng Gio-an, nhưng Tin Mừng Gio-an và ba thư Gio-an được viết trong những bối cảnh khác nhau. Thư thứ nhất Gio-an mô tả tình trạng của cộng đoàn đang bị chia rẽ, vì tác giả viết ở 1Ga 4,2-3: “2 Trong điều này, anh em nhận biết thần khí Thiên Chúa: Mọi thần khí nào tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến trong thân xác, là bởi Thiên Chúa; 3Mọi thần khí phân chia Đức Giê-su, thì không bởi Thiên Chúa; đó là thần khí của phản Ki-tô. Anh em đã nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi.”
Có thể trong bối cảnh chia rẽ và nguy cơ sai lạc về đạo lý trong cộng đoàn, mà tác giả thư thứ nhất Gio-an mời gọi cộng đoàn hiệp thông ngay trong lời tựa (1Ga 1,1-4) của lá thư: “Điều chúng tôi thấy và chúng tôi nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em, để chính anh em cũng có sự hiệp thông với chúng tôi. Sự hiệp thông của chúng tôi với Cha và với Con của Người, Đức Giê-su Ki-tô” (1Ga 1,3).
Bài viết này sẽ tìm hiểu tình trạng của cộng đoàn và mục đích của lá thư qua đề tài: “Chia rẽ và hiệp thông” – “sự thật và dối trá” trong thư thứ nhất Gio-an. Nội dung bài viết gồm các mục: (1) Dẫn nhập, (2) Quan sát từ ngữ, (3) Phân rẽ giữa cộng đoàn, (4) Sự thật và dối trá, (5) “Thần khí sự thật” và “thần khí sai lầm”, (6) Mời gọi “hiệp thông” và “làm sự thật”, (7) Kết luận.
II. QUAN SÁT TỪ NGỮ
Phần sau sẽ quan sát các từ ngữ liên quan đến đề tài của bài viết trong cả ba thư Gio-an. Trong đó, thư 1Ga dài nhất, gồm 5 chương. Hai thư còn lại rất ngắn: Thư 2Ga chỉ có 13 câu và thư 3Ga chỉ có 15 câu. Các từ ngữ “tích cực” được trình bày trước, kế đến là các từ “tiêu cực”. Trong đó, danh từ “thần khí” (pneuma) vừa tích cực: “thần khí sự thật” vừa tiêu cực: “thần khí sai lầm”.
– “Hiệp thông” (koinônia), danh từ này xuất hiện 4 lần: 1Ga 1,3a.3b.6.7. Cụ thể là hai lần trong lời tựa (1Ga 1,1-4): 1Ga 1,3a.3b; và 2 lần trong phần mô tả cách sống của người có sự hiệp thông (1Ga 1,5–2,28): 1Ga 1,6.7.
– “Sự thật”, các thư Gio-an dùng bốn từ liên quan đến đề tài này:
a) Quan trọng nhất là danh từ “sự thật” (alêtheia), xuất hiện 20 lần trong ba thư Gio-an. Cụ thể là 9 lần trong 1Ga (1Ga 1,6.8; 2,4.21a.21b; 3,18.19; 4,6; 5,6); 5 lần trong 2Ga (2Ga 1a.1b.2.3.4) và 6 lần trong 3Ga (3Ga 1.3a.3b.4.8.12).
b) Tính từ “thật”, “đích thực” (alêthinos) xuất hiện 4 lần trong 1Ga: 1Ga 2,8; 5,20a.20b.20c.
c) Tính từ “thật”, “đúng” (alêthês) xuất hiện 3 lần: 1Ga 2,8.27; 3Ga 12.
d) Trạng từ “một cách đích thực” (alêthôs) xuất hiện 1 lần ở 1Ga 2,5.
– “Thần khí” (pneuma), danh từ này xuất hiện 12 lần trong 1Ga (1Ga 3,24; 4,1a.1b.2a.2b.3.6a.6b.13; 5,6a.6b.8). “Thần khí” (pneuma) là đề tài quan trọng và khá phức tạp trong các thư Gio-an. Đề tài này có thể phân tích trong một bài khác.
– “Sai lầm” (planê), danh từ này xuất hiện 1 lần: 1Ga 4,6.
– “Dối trá” (pseudos), danh từ này xuất hiện 2 lần: 1Ga 2,21.27.
– “Kẻ dối trá”, “kẻ nói dối” (pseustês), danh từ giống đực xuất hiện 5 lần: 1Ga 1,10; 2,4.22; 4,20; 5,10.
– “Ngôn sứ giả” (pseudoprophêtês) xuất hiện 1 lần: 1Ga 4,1.
– “Phản Ki-tô” (antikhistos) xuất hiện 5 lần. Cụ thể là 4 lần trong 1Ga (1Ga 2,18a.18b.22; 4,3); 1 lần trong 2Ga (2Ga 7).
Danh từ “chia rẽ” (skhisma) không xuất hiện trong ba thư Gio-an, nhưng phân tích sau đây cho thấy có sự phân rẽ trầm trọng ngay giữa cộng đoàn thư thứ nhất Gio-an.
III. PHÂN RẼ GIỮA CỘNG ĐOÀN
Tác giả thư thứ nhất Gio-an cho biết tình trạng phân rẽ trong cộng đoàn như sau: “Mọi thần khí nào phân chia Đức Giê-su thì không bởi Thiên Chúa, đó là thần khí của tên phản Ki-tô mà anh em đã nghe là nó đang tới và hiện nay nó ở trong thế gian rồi” (1Ga 4,3). Sự phân rẽ được diễn tả qua tiêu chuẩn: “Phân chia Đức Giê-su thì không bởi Thiên Chúa” đây là lập trường sai lạc của những kẻ “phản Ki-tô”.
Động từ “phân chia” (luô) trong cụm từ “phân chia Đức Giê-su” (1Ga 4,3) có dị bản là “tuyên xưng” (homologeô). Xem chọn lựa dị bản “phân chia” (luô) trong bài viết: Tổng quát về Ba thư Gio-an. Những cách hiểu khác nhau về vai trò và sứ vụ của Đức Giê-su dẫn đến một số thành viên của cộng đoàn phân rẽ làm thành một nhóm đối lập với cộng đoàn của tác giả thư thứ nhất Gio-an. Tác giả thư 1Ga cho biết những kẻ đối lập là phản Ki-tô, họ đã từng là thành viên của cộng đoàn, nhưng đã tách ra khỏi cộng đoàn và không thuộc về cộng đoàn của tác giả thư 1Ga nữa (1Ga 2,18-19). Họ đã hiểu sai căn tính của Đức Giê-su. Họ đã không tuyên xưng “Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến trong thân xác” (1Ga 4,2). Họ đã phân chia Đức Giê-su (1Ga 4,3), nghĩa là đã tách rời nhân tính và thiên tính của Người. Họ trở thành những kẻ mà tác giả thư 1Ga gọi là “phản Ki-tô”, “ngôn sứ giả” (1Ga 4,1), “kẻ dối trá” (1Ga 2,4.22), “kẻ chối Cha và Con” (1Ga 2,22) và “không có sự thật nơi mình” (1Ga 2,4).
IV. SỰ THẬT VÀ DỐI TRÁ
Sự phân rẽ giữa cộng đoàn tạo nên sự đối lập giữa “sự thật” (alêtheia) và “dối trá” (pseudos). Tác giả thư 1Ga viết cho cộng đoàn như sau: “Tôi đã không viết cho anh em là anh em không biết sự thật, nhưng vì anh em biết sự thật và vì mọi sự dối trá thì không thuộc về sự thật” (1Ga 2,21). Câu 1Ga 2,21 thuộc đoạn văn 1Ga 2,18-28, đây là đoạn văn mô tả lập trường của các phản Ki-tô. Tác giả thư 1Ga cho biết lập trường của hai bên:
a) Về phía những kẻ đối lập với cộng đoàn, tác giả viết: “Ai là người dối trá, nếu không phải là người chối bỏ và cho rằng Đức Giê-su không phải là Đấng Ki-tô? Người ấy là tên phản Ki-tô, là kẻ chối bỏ Cha và Con” (1Ga 2,22).
b) Về phía cộng đoàn của tác giả, tác giả viết: “Phần anh em, điều anh em đã nghe từ khởi đầu ở lại trong anh em. Nếu điều anh em đã nghe từ khởi đầu ở lại trong anh em, thì chính anh em sẽ ở lại trong Con và trong Cha” (1Ga 2,24).
Tác giả kết luận: “Tôi viết cho anh em những điều này về những kẻ làm cho anh em lạc đường” (1Ga 2,26). Như thế, cộng đoàn đang bị những kẻ phản Ki-tô lôi kéo, dẫn đến nguy cơ đi vào con đường sai lạc. Tác giả viết thư dặn dò để cộng đoàn không lạc lối bởi “những kẻ làm cho anh em lạc đường” (1Ga 2,26). Định nghĩa về “người dối trá” ở 1Ga 2,22 như trên đã đặt “những kẻ phản Ki-tô” về phía “dối trá”. Đối lập giữa “những người thuộc về sự thật” và “những người thuộc về sự dối trá” (phản Ki-tô) trong thư thứ nhất Gio-an cho thấy những tranh luận và chia rẽ trong cộng đoàn liên quan đến những cách hiểu khác nhau về vai trò và sứ vụ của Đức Giê-su. Tác giả trình bày đạo lý chính thống và giải thích cho cộng đoàn biết đâu là niềm tin đích thực để không bị các ngôn sứ giả lôi cuốn vào con đường sai lạc.
V. “THẦN KHÍ SỰ THẬT” VÀ “THẦN KHÍ SAI LẦM”
Làm thế nào để phân biệt “sự thật” và “dối trá”? Tác giả thư 1Ga mời gọi cộng đoàn “thẩm định các thần khí” để biết đâu là “thần khí sự thật”, đâu là “thần khí sai lầm”. Tiêu chuẩn để thẩm định các thần khí được trình bày ở 1Ga 4,1-3: “1 Anh em thân mến, anh em đừng tin vào mọi thần khí nhưng anh em hãy thẩm định các thần khí xem thần khí nào bởi Thiên Chúa, vì nhiều ngôn sứ giả đã đến trong thế gian. 2 Trong điều này, anh em biết thần khí của Thiên Chúa: Mọi thần khí tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến trong thân xác là bởi Thiên Chúa. 3 Mọi thần khí nào phân chia Đức Giê-su thì không bởi Thiên Chúa, đó là thần khí của tên phản Ki-tô mà anh em đã nghe là nó đang tới và hiện nay nó ở trong thế gian rồi.”
Tác giả thư 1Ga khẳng định rằng cộng đoàn của tác giả là “những người thuộc về Thiên Chúa”. Tác giả viết ở 1Ga 4,6: “Còn chúng ta, chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Ai biết Thiên Chúa thì nghe chúng ta. Ai không thuộc về Thiên Chúa thì không nghe chúng ta. Từ điều đó, chúng ta nhận biết thần khí sự thật và thần khí sai lầm.” Như thế, tiêu chuẩn để nhận biết “thần khí sự thật” và “thần khí sai lầm” là “thuộc về Thiên Chúa” hay “không thuộc về Thiên Chúa”. Điều này bộc lộ ra bên ngoài bằng khả năng “nghe”. Theo tác giả thư 1Ga: “Ai nghe chúng ta thì biết Thiên Chúa” và “ai không nghe chúng ta thì không thuộc về Thiên Chúa” (1Ga 4,6).
Các trích dẫn trên thuộc đoạn văn 1Ga 4,1-6. Đoạn văn này bắt đầu với lối xưng hô: “Anh em thân mến…” (1Ga 4,1a), sau đó tác giả mời gọi cộng đoàn thẩm định các thần khí dựa trên hai tiêu chuẩn: (1) “Tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến trong thân xác là bởi Thiên Chúa” (1Ga 4,2); (2) “Thuộc về Thiên Chúa” (1Ga 4,6). Đoạn văn 1Ga 4,1-6 trình bày đối lập giữa “thần khí sự thật” và “thần khí sai lầm” (1Ga 4,6), song song với “thần khí bởi Thiên Chúa” và “thần khí của phản Ki-tô” (1Ga 4,2-3). Như thế, mạch văn cho phép hiểu thần khí bởi Thiên Chúa là thần khí sự thật, còn thần khí của phản Ki-tô là thần khí sai lầm.
Từ “thần khí” (pneuma) dùng ở số nhiều: “Thẩm định các thần khí” (1Ga 4,1), “mọi thần khí” (1Ga 4,2.3). Số nhiều này chỉ về thần khí (tâm trí) con người. Thần khí người nào thuộc về Thiên Chúa thì có “thần khí sự thật”, thần khí người nào không thuộc về Thiên Chúa thì ở trong “thần khí sai lầm.”
VI. MỜI GỌI “HIỆP THÔNG” VÀ “LÀM SỰ THẬT”
Những phân tích trên cho thấy thư thứ nhất Gio-an mô tả khủng hoảng trầm trọng ngay giữa cộng đoàn, liên quan đến các xu hướng Ki-tô học khác nhau. Vì thế, trong lời tựa thư thứ nhất Gio-an, tác giả khẳng định mạnh mẽ niềm tin chính thống của cộng đoàn và kêu gọi sự “hiệp thông” (koinônia). Tác giả viết ở 1Ga 1,1-4: “1 Điều có từ khởi đầu, điều chúng tôi nghe, điều chúng tôi thấy tận mắt của chúng tôi, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến về lời sự sống – 2 Sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy, chúng tôi làm chứng và chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời, sự sống ấy ở với Cha và đã được tỏ bày cho chúng tôi –. 3Điều chúng tôi thấy và chúng tôi nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em, để chính anh em cũng có sự hiệp thông với chúng tôi. Sự hiệp thông của chúng tôi với Cha và với Con của Người, Đức Giê-su Ki-tô. 4 Những điều này, chúng tôi viết cho anh em để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn.”
Sự hiệp thông theo thư 1Ga hàm ẩm lựa chọn “bước đi trong ánh sáng” và “làm sự thật”. Tác giả thư 1Ga định nghĩa “hiệp thông với Thiên Chúa” và “hiệp thông với nhau” như sau: “5Và đây là lời loan báo mà chúng tôi nghe từ nơi Đức Giê-su Ki-tô, chúng tôi loan báo lại cho anh em rằng: Thiên Chúa là ánh sáng, và không hề có bóng tối nơi Người. 6 Nếu chúng ta nói rằng: Chúng ta có sự hiệp thông với Người mà chúng ta đi trong bóng tối, là chúng ta nói dối và không làm sự thật. 7 Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng như chính Người ở trong ánh sáng, thì chúng ta có sự hiệp thông với nhau, và máu Đức Giê-su, Con của Người, thanh tẩy chúng ta khỏi mọi tội” (1Ga 1,5-7).
Tóm lại, trong hoàn cảnh xảy ra những sai lạc về Ki-tô học trong cộng đoàn. Tác giả thư thứ nhất Gio-an trình bày đạo lý chính thống mà tác giả đã đón nhận từ khởi đầu (1Ga 1,1). Từ đó, tác giả mời gọi cộng đoàn đứng về phía sự thật, và bước đi trong ánh sáng để được hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau.
VII. KẾT LUẬN
Những phân tích về đề tài “chia rẽ và hiệp thông”, “sự thật và dối trá” trên đây cho phép tóm kết lập trường của hai nhóm đối lập nhau trong thư thứ nhất Gio-an:
1) NHÓM CHÍNH THỐNG: tác giả và cộng đoàn độc giả.
2) NHÓM SAI LẠC: “những kẻ phản Ki-tô”.
Bảng trên cho thấy sự đối lập rõ ràng giữa nhóm chính thống và nhóm sai lạc. Nhóm sai lạc này phát xuất từ giữa cộng đoàn của tác giả thư thứ nhất Gio-an (1Ga 2,19a). Đây là tranh luận và chia rẽ liên quan đến cách hiểu về vai trò và sứ vụ của Đức Giê-su. Bảng trên cho thấy lập luận của tác giả thư 1Ga mang màu sắc nhị nguyên (dualisme), nhằm mục đích trình bày cách rõ ràng “lập trường chính thống” và “lập trường sai lạc”.
Trong bối cảnh một số thành viên trong cộng đoàn đã lạc đường, tách khỏi cộng đoàn và lôi cuốn cộng đoàn theo họ, tác giả 1Ga viết thư cho cộng đoàn để củng cố niềm tin của cộng đoàn, đồng thời đưa ra những tiêu chuẩn giúp cộng đoàn thẩm định các thần khí, phân biệt “sự thật” và “dối trá”, để nhờ đó cộng đoàn giữ vững niềm tin chính thống, sống trong ánh sáng và làm theo sự thật./.