Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Tin Mừng: Mt 24,37-44 [1]
37 “Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. 38 Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. 39 Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. 40 Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; 41 hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại”.
42 “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. 43 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. 44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
***
1.- Ngữ cảnh
Khối diễn từ cuối cùng gồm trọn Chương 23 trong Tin Mừng theo Matthew gọi là: “Những lời nguyền rủa người Pharisee” trước đây vẫn được coi như tách biệt; và phân đoạn Mt 24,1–25,46 gọi là: “Diễn từ cánh chung”. Cả khối từ câu 23,1 đến câu 25,46 làm thành bài diễn từ duy nhất có chức năng nhắc nhở những người trong nhà sống một đời sống trung thực với những hành vi, công bình, nhân ái, dưới ánh sáng của cuộc chiến thắng cánh chung của Thiên Chúa và cuộc phán xét đang đến. Bài Tin Mừng Mt 24,37-44 nằm trong khối diễn từ cuối cùng này.
Phụng vụ cho đọc từ câu 37, nhưng có lẽ nên đọc bản văn ngay từ câu 36, vì:
– 1) Tư tưởng của câu 36 này được trình bày trong câu 37-44;
– 2) Hai từ ngữ “ngày và giờ” trong câu 36 được nhắc lại trong câu 42 và 44 làm thành một lối hành văn “đóng khung”, khiến cả phân đoạn 24,36-44 thành một đơn vị thống nhất.
Các nhà chú giải thường cắt phân đoạn ở câu 36 thay vì ở câu 37 như trong bản văn Phụng vụ.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
– 1) Bài học thời Noé (24,37-39), với công thức “cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy” ở câu 37 và câu 39 đóng khung đoạn văn thành một đơn vị; đơn vị này xoáy vào trọng tâm là “ngày Quang Lâm của Con Người”;
– 2) Cuộc phân rẽ vào ngày Quang Lâm (24, 40-41): Hai câu này vừa là kết luận cho đoạn 37-39, vừa là tiền đề (và cũng là kết luận) cho lời kêu gọi và dụ ngôn ở câu 42-44;
– 3) Bài học về canh thức và sẵn sàng (24,42-44), với dụ ngôn “Kẻ trộm đêm khuya”, được đóng khung thành một đơn vị bằng hai công thức tương tự “ngày Chúa của anh em đến” (câu 42) và “giờ Con Người sẽ đến” (câu 44); đơn vị này xoáy vào hai từ cụ thể được tác giả Matthew dùng để gọi ngày Quang Lâm, “ngày và giờ”.
3.- Vài điểm chú giải
– Thời ông Noé (37): Kinh Thánh kể việc Noé đóng tàu trong sách Sáng Thế (St 6,11-13).[2]
– Quang lâm (37.39); Hy Lạp: “parousía”, nghĩa đen là “sự hiện diện”): Trong Mt 24,29-31,[3] Đức Giêsu cho biết rằng, Người sẽ trở lại “uy nghi” (= với quyền lực), “vinh hiển” (= với vinh quang), “ngự giá mây trời” (= trên mây trời). Các hình ảnh đó cho hiểu Người sẽ trở lại trong tư cách Đấng chiến thắng. Đây là một cuộc khải hoàn.
– Một người được đem đi, một người bị bỏ lại (40.41): Hai động từ của bản văn Hy Lạp ở thái bị động “paralambanetai” và “aphietai” nên phải hiểu chủ ngữ là Thiên Chúa. Dựa theo truyền thống, có thể hiểu: sự kiện các thiên thần “tập hợp những kẻ được [Con Người] tuyển chọn” (câu 31; x. Mc 13,27) [4] cho thấy “paralambanetai” có nghĩa là “được cứu thoát”, nên phải dịch là “được đem đi”; còn “aphietai”, có nghĩa là “bị kết án”, nên phải dịch là “bị bỏ lại”.
– Canh thức (42); Hy Lạp: grégoreò, có nghĩa là “không ngủ”: Đây là thái độ Đức Giêsu yêu cầu phải có nơi những người đang trông chờ Người đến (x. Mt 25,13; Mc 13,33-37; Lc 12,35-40).[5] Sự canh thức, ở trong tình trạng “báo động”, giả thiết phải có một niềm hy vọng vững chắc và đòi hỏi tâm trí luôn sẵn sàng (đây cũng là “sự tiết độ”: 1Tx 5,6-8; 1Pr 5,8).[6]
– Không biết ngày nào (42): Đức Giêsu vừa khẳng định mạnh mẽ rằng Người sẽ lại đến, vừa nhấn mạnh rằng không ai biết được ngày giờ đó (Mt 24,36.42.44). Không ai biết và cũng không ai có thể tính toán để tìm ra ngày giờ ấy cả.
– Kẻ trộm (43): Kinh Thánh dùng hình ảnh tên trộm để nói tới tính bất ngờ của ngày Chúa đến (x. 1Tx 5,2; 2Pr 3,10; Kh 3,3; 16,15).[7]
– Vào canh nào (43): Với người Do Thái, một đêm thường được chia thành bốn canh (Hy Lạp: phylakè): chiều (từ khi mặt trời lặn đến 9g00 tối), nửa đêm (từ 9g00 tối đến 12g00 đêm), khi gà gáy (từ 12g00 đêm đến 3g00 sáng) và sáng (từ 3g00 sáng đến bình minh, khoảng 6g00 sáng). Việt Nam thì chia thành năm canh: Canh 1 (từ 7g00 tối đến 9g00 tối), Canh 2 (từ 9g00 tối đến 11g00 đêm), Canh 3 (từ 11g00 đêm đến 1g00 sáng), Canh 4 (từ 1g00 sáng đến 3g00 sáng), Canh 5 (từ 3g00 sáng đến 5g00 sáng).
– Khoét vách (43): Nhà dân Do Thái thời Đức Giêsu thường được làm bằng đất với cành cây khô, nên kẻ trộm có thể lọt vào nhà bằng cách khoét thủng vách tường đất.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Bài Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay, nếu không được hiểu đúng, sẽ gây khó khăn cho chúng ta.
Trước tiên, cần phải xem Đức Giêsu đang nói về chuyện gì. Tại sao Người đưa vào trong câu chuyện: ông Noé, hai người đàn ông đang làm việc trên cánh đồng, hai người đàn bà đang xay bột, và một tên trộm? Câu trả lời nằm ở đầu Chương 24: ở đây Đức Giêsu đang nói về những dân cư Giêrusalem không muốn hoán cải. Các môn đệ sửng sốt vì những lời Thầy nói, đã hỏi Người hai điều: khi nào chuyện ấy xảy ra và có dấu hiệu báo trước chăng (câu 2-3). Thay vì trả lời họ, Đức Giêsu dạy họ những điều đến hôm nay vẫn còn giá trị: chúng ta phải luôn luôn canh thức. Rồi Người đưa ra ba ví dụ.
* Bài học thời Noé (37-39)
Vào thời Noé, có hai hạng người: những người chỉ biết hưởng thụ cho bản thân và những người tỉnh thức biết lắng nghe các lời lưu ý.
Những người hoàn toàn để mình bị cuốn hút vào trong cuộc sống trần thế, với những sinh hoạt cụ thể và những phương diện bề ngoài ai cũng thấy được (ăn uống, cưới vợ lấy chồng), thì chỉ biết vui hưởng đời này, không muốn quan tâm đến bất cứ điều gì khác nữa. Vả lại, nạn hồng thủy chỉ được loan báo, chứ chưa xảy ra. Cũng thế, cuộc Quang Lâm của Chúa Giêsu cũng chỉ mới được loan báo, chứ chưa xảy ra. Tính cụ thể của các sự việc trần thế và kinh nghiệm hiện tại dường như thực hữu hơn là bản thân Đức Chúa như Người đã loan báo. Do đó, người ta bị hút vào hiện tại và hoàn toàn không màng đến Người, không nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với Người. Dù sao, biến cố quan trọng ấy cũng đã được loan báo, nên chúng ta phải chịu trách nhiệm về tình trạng bản thân khi Người đến. Cần phải luôn canh thức và sẵn sàng.
Bài học là: Vào thời Noé, nhiều người đã bị chết; vậy những kẻ không chấp nhận Đức Giêsu hoặc tuân theo lời Người, cũng sẽ chết khi thành thánh bị tàn phá. Còn những ai đón nhận sứ điệp của Người, sẽ được cứu độ và sẽ trở thành những người đầu tiên thuộc đoàn dân Người.
* Cuộc phân rẽ vào ngày Quang Lâm (40-41)
Với ví dụ thứ hai rút ra từ cuộc sống thường ngày, Đức Giêsu cho thấy rằng mọi người bình đẳng trong các sinh hoạt trần thế, và không một hoàn cảnh bên ngoài nào bảo đảm cho người ta có một tư cách xứng đáng cả. Về bề ngoài, không có nét nào phân biệt giữa hai người đàn ông đang làm ruộng, hoặc hai người đàn bà đang kéo cối xay. Tuy nhiên, khi Đức Giêsu quang lâm, sẽ xảy ra một cuộc phân rẽ tận căn: những ai đã sẵn sàng với Người thì được đón vào sống hiệp thông với Người, còn những người khác thì bị loại trừ. Số phận vĩnh viễn của mỗi người tùy thuộc cách thức mỗi người sống với Người trong thời gian này. Từ chỗ thấy rằng mọi người đều có phần công việc và lao khổ, hạnh phúc và bất hạnh, đau khổ và niềm vui, sống và chết, người ta dễ rơi vào ảo tưởng là sự vâng phục hoặc bất phục tùng đối với Thiên Chúa, sự ngay thẳng hay gian tà không hề quan trọng gì cả, là mọi sự đều như nhau, chẳng có ý nghĩa gì, bởi vì mọi sự sẽ kết thúc giống nhau cho mọi người! Đức Giêsu điều chỉnh lối suy tư sai lạc này.
Bài học là: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (câu 42).
* Bài học về canh thức và sẵn sàng (42-44)
Đến đây, Đức Giêsu cho ví dụ thứ ba. Nếu chúng ta biết ngày giờ Chúa đến, hẳn là chúng ta sẽ chuẩn bị và chờ đợi. Nhưng Đức Giêsu dùng dụ ngôn kẻ trộm đêm khuya để báo cho chúng ta rằng Người sẽ đến thật bất ngờ, chúng ta không thể tiên liệu. Do đó, chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng, từng giờ từng phút: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (câu 44).
Tất cả những lời kêu gọi tỉnh thức này có ý nghĩa gì đối với chúng ta hôm nay? Phải chăng Thiên Chúa thật sự đến như một kẻ trộm, và gọi người ta đến mà xét xử vào lúc họ ít sẵn sàng nhất? Thật khó mà đặt lòng tin vào một vị Thiên Chúa như thế! Nếu đây là cách giải thích đúng các lời nói của Đức Giêsu, hẳn là chúng ta sẽ không có một sứ điệp cứu độ, mà chỉ có một lời đe dọa ác độc. Thật ra điều Người muốn nói với chúng ta hoàn toàn khác hẳn.
Trong mỗi khoảnh khắc, chúng ta phải sống một cuộc sống phù hợp với ý muốn của Người và có thể lãnh trách nhiệm trước mặt Người. Chính vì Người không cho thấy tất cả ý định của Người mà chúng ta phải hiểu rằng chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Người. Sự kiện lúc này Người còn đang ẩn mình và rất “ở yên” không được khiến chúng ta bị lừa. Như thế, điều Đức Giêsu muốn nói với chúng ta hôm nay là Người luôn luôn muốn cứu chúng ta, làm cho chúng ta hạnh phúc, nhưng chúng ta phải luôn ý thức về sự hiện diện của Người.
+ Kết luận
Theo kinh nghiệm thông thường, người ta cho rằng chính loài người và các sức mạnh thiên nhiên qui định dòng lưu chuyển của từng số phận con người và toàn thể lịch sử nhân loại. Quan niệm này khiến người ta nghĩ rằng sự việc vẫn cứ tiếp tục như thế, trừ phi là xảy ra một tai họa trên toàn thể vũ trụ. Nhưng Đức Giêsu lại đến loan báo rằng, Nước Trời đã gần kề, có nghĩa là Thiên Chúa dứt khoát quyết định bung mở quyền Chủ Tể của Ngài ra cho nhân loại được biết (x. Mt 4,17).[8] Điều này sẽ được thể hiện khi Con Người đến với quyền lực và vinh quang Thiên Chúa (Mt 24,30).[9] Khi Người tỏ mình ra vĩnh viễn cho hết mọi người với quyền lực thần linh của Người trước toàn thể thế giới, mỗi người sẽ xuất hiện ra trước mặt Người trong chiều hướng và giá trị đã đạt được. Với biến cố Đức Giêsu đến vĩnh viễn, mỗi người cũng sẽ đạt tới ánh sáng trong bản chất thâm sâu của mình. Mỗi người bị liên kết sâu xa với ngày Đức Giêsu trở lại, do đó phải sống trọn cuộc đời trong chiều hướng này. Và bởi vì không một ai biết chính xác ngày giờ Người trở lại (Mt 24,36.42.44), mỗi người cần luôn luôn sống trong tư thế sẵn sàng đón Người khi Người lại đến.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đức Giêsu khẳng định là không một ai có thể biết được ngày giờ Người trở lại trần gian và tính toán để tìm ra ngày giờ ấy. Do đó, điều hết sức hệ trọng là luôn sẵn sàng cho biến cố ấy, tức là lưu ý đến tính bất xác, tính bất khả tri và bất khả tiên liệu của ngày giờ đó, hầu tránh được lối sống mù quáng. Chúng ta vẫn đang hy vọng Người trở lại. Nhưng đây không phải là một nỗi niềm chờ mong khắc khoải, mà là một xác tín rằng Người cũng là Đấng đã đến và đang đến sống giữa chúng ta: chính Người đang và sẽ đưa lại ý nghĩa chân thật cho cuộc đời và vũ trụ chúng ta.
2. Vì đã được Đức Giêsu dạy là không thể tìm ra đáp án cho các câu hỏi “khi nào và cách nào”, người Kitô hữu chỉ càng chăm chú sống y như thể ngày đó đang đến rồi. Tuy nhiên, canh thức và sẵn sàng không có nghĩa là cứ đưa mắt nhìn về trời! Lời Chúa mời gọi chúng ta quan tâm đến những nhiệm vụ hằng ngày chúng ta đã và sẽ đảm nhận. Sống và làm việc đúng như Người đã giáo huấn chúng ta, đó là cách thức tốt nhất để đón Người vào ngày Người trở lại. Sự canh thức càng có tính thúc bách khi chúng ta không biết giờ cùng tận. Tiếng hô của bài Tin Mừng: “Anh em hãy sẵn sàng! Hãy canh thức!” phải vang lên trong tim của những người đang chờ mong cuộc gặp gỡ vĩ đại.
3. Nhìn bề ngoài, không có dấu chỉ nào giúp phân biệt người đang sống đúng thánh ý Thiên Chúa và người không sống như thế, khi mà ai nấy đều đang sống chìm vào giữa những thực tại trần gian. Do đó, chúng ta không được nhìn vào người khác để lượng định bản thân và nhất là để mình rơi vào một thứ yên tâm giả tạo. Tốt nhất là hãy nhớ lại các giáo huấn Đức Giêsu đã ban cho chúng ta, rà soát xem chúng ta đã đưa ra thực hành như thế nào. Bài Giảng trên núi trong Tin Mừng theo Matthew chính là một cẩm nang giúp người Kitô hữu sống canh thức và sẵn sàng.
4. Chúng ta nhớ rằng chúng ta luôn luôn lệ thuộc vào Đức Giêsu và chúng ta luôn chịu trách nhiệm trước mặt Người. Đức Giêsu đến vào Ngày Quang Lâm không còn phải là trong tư cách Đấng Cứu thế, nhưng trong tư cách vị Thẩm Phán tối cao. Do đó, ngày Người đến sẽ là ngày giờ của sự thật, bởi vì sẽ là ngày giờ để trả lời (“trả lẽ”) với Người về những nhiệm vụ chúng ta phải chu toàn và là ngày giờ chúng ta được vén mở (= mạc khải) cho hiểu biết mọi sự.
[1] Bản Thánh Kinh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh
[2] St 6,11-13: 11 Đất đã ra hư hỏng trước nhan Thiên Chúa và đầy bạo lực. 12 Thiên Chúa nhìn đất và thấy nó đã ra hư hỏng, vì mọi xác phàm đã theo nếp sống hư hỏng trên mặt đất. 13 Thiên Chúa phán với ông Nô-ê: “Ta đã quyết định giờ tận số của mọi xác phàm, vì tại chúng mà đất đầy bạo lực: này Ta sắp tiêu diệt chúng cùng với đất”.
[3] Mt 24,29-31: 29 “Ngay sau những ngày gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. 30 Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. 31 Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia”.
[4] x. Mc 13,27: 27 Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.
[5] x. Mt 25,13: 13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
Mc 13,33-37: 33 “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. 34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. 35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. 36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. 37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!”.
Lc 12,35-40: 35 “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. 36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. 39 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. 40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
[6] 1Tx 5,6-8: 6 Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ. 7 Ai ngủ, thì ngủ ban đêm; ai say sưa, thì say sưa ban đêm. 8 Nhưng chúng ta, chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ.
1Pr 5,8: 8 Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.
[7] x. 1Tx 5,2: 2 Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm.
2Pr 3,10: 10 Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ.
Kh 3,3; 16,15: 3 Vậy hãy nhớ lại: ngươi đã lãnh nhận và nghe Lời Chúa thế nào; hãy tuân giữ và hối cải! Vậy nếu ngươi không tỉnh thức, thì Ta sẽ đến như kẻ trộm, ngươi chẳng biết giờ nào Ta sẽ đến bắt chợt ngươi. 16 15 “Đây, Ta đến như kẻ trộm. Phúc thay kẻ canh thức và giữ áo mình, kẻo phải đi đứng trần truồng và bị người ta nhìn thấy sự loã lồ của mình!”.
[8] x. Mt 4,17: 17 Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.
[9] Mt 24,30: 30 Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến.