800 Năm Hồng Ân Dòng Giảng Thuyết: Quá Khứ – Hiện Tại – Tương Lai

0
833


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

Dẫn nhập

Thay vì trình bày đề tài “800 năm hồng ân” như ban tổ chức gợi ý, tôi xin mạn phép thu hẹp lại, chỉ giới hạn vào ba điểm mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gợi lên trong tông thư về “Năm Đời Sống Thánh Hiến”: “Nhìn lại quá khứ với lòng biết ơn, sống hiện tại với lòng say mê, nhắm đến tương lai với niềm hy vọng”, và ngài cũng không quên nhắc nhở: “đâu có các tu sĩ thì đấy có niềm vui”. Vì thế bài nói chuyện này sẽ gồm 3 phần:

– Nhìn lại quá khứ, bằng cách đặt câu hỏi: chuyện gì đã xảy ra cách đây 800 năm?

– Sống hiện tại, bằng cách đặt câu hỏi: lễ các Thánh Dòng mà chúng ta mừng hôm nay có ý nghĩa gì?

– Nhắm đến tương lai, bằng cách đặt câu hỏi: Năm toàn xá về “Lòng Chúa Thương Xót” sắp khai mạc có ý nghĩa gì đối với sứ vụ Dòng Giảng Thuyết?

I. QUÁ KHỨ: MỪNG CÁI GÌ CÁCH ĐÂY 800 NĂM?

Nhiều người đã mang trong đầu một ý tưởng đại khái là, chúng ta mừng 800 năm ngày Tòa Thánh châu phê Dòng. Thế nhưng, nghĩ như vậy là không đúng, vì hai lý do:

1/. Dòng không hề được Tòa Thánh châu phê. Danh hiệu chính thức của ngày 22/12/1216 là “Confirmatio” (củng cố, xác nhận) chứ không phải là “Approbatio” (phê chuẩn, châu phê).

2/. Năm Thánh của Dòng kết thúc vào ngày 21/1/2017. Ngày 21/1 có nghĩa gì? Để làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta hãy bắt đầu với câu hỏi: chúng ta mừng 800 năm cái gì? Điều gì đã xảy ra cách đây 800 năm?

Nếu muốn trả lời chính xác cho câu hỏi vừa nêu, thì phải thưa rằng: cách đây đúng 800 năm đang diễn ra Công Đồng Laterano IV. Công Đồng (được Đức Thánh Cha Innocente III triệu tập ngày 19/4/1213) bắt đầu nhóm họp từ ngày 11/11 cho đến ngày 30/11/1215, với sự tham dự của 3 thượng phụ, 412 giám mục, 800 viện phụ. Thánh Đaminh đã có mặt tại Rôma từ hồi cuối tháng 9, tháp tùng Đức Cha Foulques (giám mục Toulouse).

Thánh Đaminh đến Rôma để làm gì: để xin phép thành lập Dòng, hay để xin châu phê Dòng? Xin thưa rằng: không phải để thành lập, bởi vì Dòng đã được thành lập rồi. Ý tưởng lập một đoàn người giảng thuyết đã nảy lên từ năm 1206, khi Cha Đaminh tháp tùng Đức Cha Diego, và nhận thấy ảnh hưởng của nhóm Albigeois tại miền Nam nước Pháp. Cha nhận thấy rằng, để đương đầu với nhóm này, cần phải đào luyện những người thành thạo đạo lý cùng với nếp sống khó nghèo và khiêm tốn. Giấc mơ ấy được nuôi dưỡng và thành hình dần dần.

Từ năm 1206, Cha Đaminh bắt đầu đi giảng ở Prouilhe, Fanjeaux, Carcassone, và từ năm 1215, tại Toulouse ở nhà của Pierre Seilhan. Vào tháng 6 năm 1215, Cha đã được đức giám mục ủy thác sứ mạng “giảng thuyết” trong giáo phận[1]. Có thể coi đây là ngày thành lập Dòng.

Qua mùa thu, Cha Đaminh đi Rôma cùng với Đức Cha Foulques để xin Tòa Thánh “Confirmatio” (xác nhận). Đây là từ ngữ được Cha Giordano dùng (Libellus c.25). Vậy xác nhận cái gì? Theo Cha Vicaire, Cha Đaminh xin xác nhận cho nhóm của mình được mang danh hiệu là “Ordo Praedicatorum” và đi giảng khắp thế giới[2].

Công Đồng Laterano IV đã ban hành 71 quyết nghị (constitutiones), trong đó có nhiều điều liên quan đến tín lý (chẳng hạn như chống lại thuyết nhị nguyên của phái Cathari; công thức “transubstantiatio” để diễn tả mầu nhiệm Thánh Thể: c.1); trong những điều liên quan đến kỷ luật bí tích, có hai quyết nghị vẫn còn hiệu lực đến ngày hôm nay, đó là: “mỗi năm các tín hữu phải xưng tội ít là một lần và rước lễ trong mùa Phục sinh” (c.21). Có hai điều khoản liên quan cách riêng đến Thánh Đaminh: điều 10 và điều 13.

– Điều 10 buộc các giám mục phải tìm những người có khả năng để trợ giúp trong việc thi hành “officium praedicationis” rao giảng Lời Chúa tại nhà thờ chánh tòa và các giáo xứ (đây là điều mà Đức Cha Foulques đã thực hiện khi đặt Cha Đaminh vào chức vụ này trong giáo phận Toulouse). Phải chăng Công Đồng muốn nới rộng cuộc thử nghiệm ấy?

– Nhưng oái oăm thay, điều 13 lại cấm lập Dòng mới.

Như vậy, dự án của Cha Đaminh bị chặn lại. Thực ra, khoản luật 13 này có thể được giải thích theo nhiều chiều hướng: chỉ cấm lập Dòng mới, chứ không cấm phê chuẩn những Dòng đã có rồi (chẳng hạn như Dòng Anh Em Hèn Mọn). Tại sao Đức Thánh Cha không xác nhận dự án của Cha Đaminh? Có lẽ vì ngài không muốn đi ngược lại quyết nghị của Công Đồng vừa ban hành; nhưng đồng thời Đức Thánh Cha cũng muốn cho Cha Đaminh củng cố thêm cơ sở pháp lý, vì thế ngài đề nghị Cha chọn một bản tu luật đã có sẵn (chẳng hạn Augustino hay Benedicto), và thêm vào ít quy chế kỷ luật tu trì, rồi ngài hứa sẽ xác nhận. Điều này đã xảy ra một năm sau đó, do bởi Đức Giáo Hoàng Honorio III, vào ngày 22/12/1216 (vì Đức Giáo Hoàng Innocente III đã băng hà ngày 16/7/1216, sau 18 năm cai quản Giáo Hội). Duy có điều là, trong Sắc chiếu “Religiosam Vitam”, Đức Thánh Cha chỉ “xác nhận” các tài sản của Dòng ở Toulouse (nhà thờ Saint Romain) và hứa sẽ bảo vệ, nhưng chưa nói lên bản chất của Dòng. Vì thế, Cha Đaminh đã vận động thêm những Sắc chiếu khác để bổ túc. Ngày 21/1/1217, một Sắc chiếu mới, “Gratiarum Omnium Largitori”, xác định hơn đây là Dòng các “Praedicatores”. Như vậy là danh hiệu đã được xác nhận. Từ nay, anh em đã nhận được đặc ân đi rao giảng Tin Mừng khắp thế giới, do chính Đức Thánh Cha cấp ban. Dù sao, chúng ta đừng dừng lại ở khía cạnh pháp lý. Thời nay, người ta thường nói đến “đặc sủng” (charisme) của Dòng; vào thời Trungcổ, thuật ngữ quen thuộc là “ân sủng giảng” (Gratia Praedicationis) bao gồm một ơn gọi cho tập thể cũng như cho mỗi thành viên; ơn gọi phục vụ Lời Chúa.

Cũng cần thiết bổ túc thêm hai chi tiết:

1/. Trong khoảng từ năm 1218 đến 1221, Cha Đaminh còn vận động với Tòa thánh để cấp thêm 40 Sắc chiếu nữa, để giới thiệu Dòng với hàng giám mục thế giới, trong đó đặc sủng của Dòng được xác định hơn: Dòng sống lại đời sống các Thánh Tông Đồ (Vita Apostolica), nghĩa là dấn thân rao giảng Tin Mừng trong nếp sống khó nghèo;

2/. Cha Đaminh không xin châu phê Hiến Pháp (khác với Thánh Phanxicô), và cho đến nay; Hiến Pháp của Dòng Anh Em Giảng Thuyết vẫn không được Tòa Thánh châu phê, vì vậy tha hồ sửa đổi. Đó là nói cho vui; một cách nghiêm trang hơn, phải nói rằng, Hiến Pháp Dòng Anh Em Giảng Thuyết không bị đóng khung cứng nhắc, nhưng luôn luôn được thích nghi với những hoàn cảnh mới. Đây là một đặc ân mà có lẽ trong Hội Thánh chỉ có một hoặc hai Dòng được hưởng.

II. HIỆN TẠI: NGÀY HÔM NAY, LỄ KÍNH CÁC THÁNH DÒNG

Như đã nói, chúng ta mừng 800 năm Dòng được “Confirmatio” vào ngày 22/12/1216. Nhưng tại sao năm thánh kỷ niệm bắt đầu từ ngày hôm nay, lễ kính các Thánh Dòng, chứ không phải vào ngày 22/12? Theo tôi nghĩ, khi ôn lại 800 năm lịch sử, có nhiều điểm đáng tạ ơn và tự hào, chẳng hạn như các hoạt động truyền giáo, mục vụ, văn hóa, thần học,.v.v… Tuy nhiên, những thành quả ấy, dù có oai hùng tốt đẹp mấy đi nữa, vẫn chưa làm nổi bật nét riêng của một Dòng tu. Dòng tu được lập ra tiên vàn để giúp cho các thành viên nên thánh, qua việc sống ơn gọi của mình. Kết quả của một Dòng tu cần được đo lường qua những Vị Thánh mà Dòng đã đào tạo. Linh đạo của Dòng cũng cần được hiểu theo nghĩa ấy, nghĩa là những phương thế (đạo là đường) sử dụng để trở thành những tác viên xứng đáng phục vụ Lời Chúa: cầu nguyện, học hành, kỷ luật tu trì.

Dòng Đaminh có bao nhiêu vị thánh? Chỉ có Chúa biết. Riêng về các vị được Giáo Hội tuyên thánh thì ta có thể làm sổ thống kê như sau:

– 67 thánh nam (trong đó 55 vị tử đạo) và 9 thánh nữ (2 tử đạo) = 76 thánh (57 tử đạo);

– 243 chân phúc nam (179 tử đạo), 40 chân phúc nữ (15 tử đạo) = 283 chân phúc (194 tử đạo).

Tổng cộng là 359 vị được đặt lên bàn thờ. Các ngài thuộc nhiều thành phần: Giáo hoàng (3), giám mục, linh mục, trợ sĩ, nữ tu, giáo dân đủ mọi ngành nghề. Xét về tuổi tác, trẻ nhất là chân phúc Imelda (13 tuổi), cao niên nhất có lẽ Thánh Raymonđô (100 tuổi). Trong số những vị được chú ý vào thời đại gần đây ta nên kể đến: chân phúc Pier Giorgio Frassati (1921-1925) một sinh viên giáo dân; Margarita de Città di Castello (bổn mạng những người khuyết tật).

Hôm nay, chúng ta long trọng và thành kính tưởng nhớ các anh chị diễm phúc trong gia đình Đaminh, đã ra đi trước chúng ta, mà còn để lại gương sáng bằng nếp sống, tình thân mật bằng sự hiệp thông, và bằng lời chuyển cầu. Chúng ta hăng say noi gương các ngài để được vững vàng trong ơn thiên triệu (xc. HP số 67, §III). Lễ hôm nay được Đức Giáo Hoàng Clemente X thiết lập ngày 8 tháng 8 năm 1674, theo lời thỉnh cầu của Hồng y Vincenzo Maria Orsini (sau này sẽ là Giáo Hoàng Benedict XIII), bởi vì theo tương truyền, Đức Thánh Cha nói rằng: “nếu muốn dành mỗi ngày cho một vị thánh trong Dòng, thì chắc là phải làm một cuốn lịch riêng”. Dù sao, cũng như đối với lễ toàn thể các thánh trong phụng vụ chung, chúng ta không chỉ kính nhớ những người đã được tuyên thánh mà thôi, nhưng còn biết bao nhiêu anh chị em đã sống trọn lý tưởng của Dòng Anh Em Giảng Thuyết nữa.

Sau khi đã mào đầu như vậy, tôi xin vô phép nêu lên một câu hỏi: anh chị em có muốn làm thánh không? Anh chị em cứ ngồi yên, để tôi trả lời thay: KHÔNG!Tại sao? thưa vì ba lý do:

1/. Lý do thứ nhất. Điều kiện tiên quyết để được phong thánh là gì? Thưa là phải chết. Thực vậy, Giáo Hội không tuyên thánh các người còn sống. Nhưng thử hỏi: có mấy người, dù trẻ, dù già, muốn về chầu Chúa? Nói ra thì hơi buồn, hồi còn ở học viện tôi muốn đi tìm một thánh trẻ trong Dòng để làm gương mẫu, nhưng chẳng thấy ai, trong khi đó, Dòng Tên có ba vị thánh trẻ, xếp theo thứ tự năm qua đời. (1) Thánh Stanislao Kotska, tập sinh, người Ba Lan (1550-1568; 18 tuổi). (2) Thánh Lui Gonzaga, tập sinh người Ý (1568-1591; 23 tuổi). (3) Thánh Jan Berchmans, sinh viên người Bỉ (1599-1621; 22 tuổi). Ở đây có ai xung phong muốn làm thánh không?

2/. Lý do thứ hai. Dòng Đaminh không hăm hở với việc tuyên thánh. Bằng chứng có thể trưng dẫn ngay từ Thánh Tổ Phụ. Cha Đaminh qua đời ngày 6/8/1221. Anh em để cho ngài được nghỉ yên, không muốn quấy rầy làm chi. Nhưng, 5 năm sau, Thánh Phanxicô Assisi qua đời (ngày 3/10/1226), và chỉ trong vòng hai năm đã được tuyên thánh (ngày 19/7/1228). Đó là lý do vì sao trong Kinh Cầu Các Thánh, Phanxicô đi trước Đôminicô. Chưa hết, kế đó 4 năm, Dòng Phansinh có vị thánh thứ hai, Antôn Pađôva, được tuyên thánh ngày 30/5/1232 (351 ngày kể từ khi qua đời, ngày 13/6/1231). Thấy người ta có hai vị thánh mà mình chưa được vị nào (2-0), anh em ta đâm hoảng, và cũng do Đức Thánh Cha Gregorio IX thúc đẩy, anh em vội vã xúc tiến việc tuyên thánh cho vị tổ phụ, diễn ra ngày 3/7/1234. Như vậy là gỡ được một bàn (2-1), nhưng phải chờ thêm 20 năm nữa mới gỡ hòa (2-2) khi Thánh Phêrô Verôna được đặt lên bàn thờ vào ngày 9/3/1253 (nghĩa là 354 ngày kể từ khi qua đời, chậm hơn Thánh Antôn Pađôva 3 ngày). Dù sao, qua cơn sốt đợt đầu rồi, anh em lại lơ là. Chỉ cần trưng dẫn vài thí dụ điển hình của các cha anh thuộc thế kỷ thứ nhất của Dòng thì đủ rõ. Thánh Toma Aquino, qua đời năm 1274, tuyên thánh năm 1323 (49 năm sau); Thánh Raymunđô Penafort, qua đời năm 1275, tuyên thánh năm 1601 (326 năm sau); Thánh Alberto Cả, qua đời năm 1280, tuyên thánh năm 1931 (651 năm sau). Nên biết là Thánh Catarina Siena qua đời năm 1380, tuyên thánh năm 1461 (80 năm sau).

May thay, tình hình đã thay đổi từ thế kỷ XIX, với việc mở văn phòng cổ động phong thánh. Nhờ vậy, mà chúng ta thấy rằng tại Việt Nam, trong số 117 thánh tử đạo, 60 vị (quá nửa) thuộc các địa phận Dòng, trong số đó có 6 giám mục, 16 linh mục (11 người Việt), 3 linh mục dòng ba, 12 giáo dân dòng ba. Trong năm 2015 đã có một cuộc tuyên thánh (ngày 17/5) và một cuộc tuyên chân phước (ngày 19/9).

3/. Hai lý do vừa kể trên đây thuộc về quá khứ. Lý do thứ ba thuộc về hiện tại. Xin đặt câu hỏi như thế này: liệu chúng ta có muốn chấp nhận các thánh trong cộng đoàn của mình không? Một lần nữa, xin thưa rằng KHÔNG! Chúng ta muốn chấp nhận trong cộng đoàn có Thánh Toma Aquino, cả ngày cứ ngồi viết sách chứ không chịu đi làm việc mục vụ không? Chúng ta muốn chấp nhận Thánh Vincente Ferrier, một người đi giảng mút chỉ, cả mấy năm mới về lại tu viện một lần: ai sẽ làm chủ tuần, ai giữ côrô đây? Chúng ta muốn chấp nhận Thánh Martino Porres (mới vừa mừng lễ cách đây 3 ngày): Thánh nhân cứ đưa các bệnh nhân vào phòng riêng để băng bó; chưa hết, ngài còn mang cả chó, mèo, chuột,… vào tu viện nữa; tu viện đâu có phải là chuồng thú? Dĩ nhiên, tôi chỉ nói đến các anh trong các cộng đoàn nam tu sĩ, chứ không đụng đến các nữ tu. Tuy vậy, cũng xin hỏi: liệu chúng ta muốn thấy một Catarina Siena vào thời đại chúng ta không? Cô bé mới độ 30 tuổi, chẳng đi học thần học và giáo luật, thế mà dám gửi thư cho Đức Giáo Hoàng, các hồng y và giám mục, để yêu cầu cải tổ Giáo Hội! Nghĩ đến những điều này, chắc chúng ta phải thầm thĩ cầu xin: “Xin Chúa cứu chữa chúng con khỏi mấy ông thánh bà thánh ấy, kẻo cộng đoàn chúng con bị hỗn loạn!”.

Tóm lại, chúng ta chưa muốn vội làm thánh, cũng chẳng muốn thấy các thánh trong cộng đoàn của chúng ta. Chúng ta bước sang phần thứ ba.

III. HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI: NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

Tôi không có thẩm quyền để vạch ra hướng đi cho Dòng trong những năm tháng sắp tới. Tôi chỉ nghĩ đến Năm Thánh về Lòng Thương Xót Chúa sẽ được khai mạc vào tháng tới (ngày 8 tháng 12). Biến cố này có liên quan gì đến Dòng không?

Thưa rằng có, và liên quan nhiều lắm. Mỗi lần nghĩ đến Dòng Đaminh, chúng ta liên tưởng ngay đến khẩu hiệu “Chân lý” (Veritas), chứ chẳng hình dung khẩu hiệu “Thương xót” (Misericordia). Sự thực thì ngược lại. Khi gia nhập Dòng (qua nghi thức mặc áo và nghi thức khấn Dòng), bề trên hỏi: “anh xin gì?”, chúng ta không thưa: “con xin chân lý”, nhưng là “con xin lòng thương xót của Chúa và của Dòng”. Như vậy, Dòng Đaminh là “Dòng Chân Lý” hay là “Dòng Thương Xót”? Xin thưa rằng, hai bên không tương phản nhau mà còn chung sống với nhau nữa. Các Giáo phụ thường trích dẫn câu 11 của Thánh vịnh 84: Misericordia et veritas obviaverunt sibi: justitia et pax osculatae sunt; dịch sát là: “lòng thương xót và chân lý gặp gỡ nhau, công lý và hòa bình hôn nhau” (Còn theo bản dịch của nhóm giờ kinh phụng vụ: “tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên”).

Thời gian ngắn ngủi không cho tôi khai triển đề tài Dòng Đaminh với lòng thương xót. Ở đây tôi chỉ muốn lướt qua kinh nghiệm của ba vị thánh, được ví như Tam Vị (Trinity) của Dòng: Thánh Đaminh, Thánh Toma Aquino, Thánh Catarina Siena.

1/. Thánh Đaminh được ca ngợi như là “kẻ rao giảng lòng thương xót” (praedicator gratiae) cũng như là “thầy dạy chân lý” (doctor veritatis). Theo như Cha Giordanô kể lại rằng, khuôn mặt của ngài luôn vui tươi bình thản, nhưng ngài xúc động mạnh trước nỗi khổ của tha nhân, đặc biệt khi đêm về, ngài đã khóc lóc to tiếng than thở với Chúa: “Lạy Chúa, số phận các tội nhân sẽ ra sao đây?”. Lòng say mê phần rỗi các linh hồn là động lực thúc đẩy ngài thành lập Dòng Giảng Thuyết để đưa những kẻ lầm lạc trở về với Thiên Chúa.

2/. Một tư tưởng của Thánh Toma Aquino đã được Đức Thánh Cha Phanxicô trích dẫn trong Sắc chiếu “Misericordiae vultus” (số 6): Thiên Chúa bày tỏ quyền năng qua lòng thương xót[3]. Vị Tiến sĩ Thiên Thần đã chứng tỏ sự dung hợp giữa lòng thương xót với quyền năng, cũng như giữa lòng thương xót với sự công bình, giữa lòng thương xót và chân lý. Về điểm cuối cùng, Cha Cormier đã giải thích thế này: yêu ai là nói cho nhau biết sự thật (caritas veritatis). Con người có hai nhu cầu căn bản: muốn biết sự thật và muốn được thông cảm yêu thương. Nói lên sự thật không đối chọi với tình yêu nhưng là một cách bày tỏ tình yêu.

3/. Tôi muốn dừng lại lâu hơn với Thánh Catarina Siena, mà năm nay chúng ta mừng kỷ niệm 45 năm được tôn phong Tiến sĩ Hội Thánh. Đừng kể những công tác bác ái mà ngài đã thực hiện (giúp đỡ người nghèo người bệnh; hoà giải các dân tộc), đề tài lòng thương xót của Chúa đã trở thành chủ đề căn bản của tác phẩm chính, Sách Đối Thoại, dựa trên bốn lời cầu khẩn: a) xin thương xót bản thân (ch.2-16); b) xin thương xót thế giới (ch.17-109); c) xin thương xót Hội Thánh (ch.110-134); d) lòng thương xót của Chúa quan phòng (ch. 154-165).

Tôi muốn đọc lên lời nguyện ở chương 30, khi thánh nữ nhìn thấy toàn thể chương trình cứu độ tràn ngập lòng thương xót.

Ôi, lòng thương xót vô biên, Chúa che đậy lỗi lầm nơi các thụ tạo của Ngài! Con không ngạc nhiên nữa, khi Chúa nói với những kẻ bước ra khỏi đường tội lỗi và trở về với Ngài, rằng: “Cha, Cha sẽ không còn nhớ đến các tội chúng con đã xúc phạm đến Cha nữa” (Xc. Ez 18:21-22). Ôi, lòng thương xót khôn tả, con không bỡ ngỡ nữa, khi Cha cũng nói như thế với các kẻ bước ra khỏi đường tội lỗi, như con đã từng nghe Cha nói về các kẻ bách hại Cha, rằng: Cha muốn các con cầu nguyện cho chúng, để Cha thương xót chúng. Ôi, lòng thương xót phát ra từ bản tính thần linh của Đấng Tối Cao, Đấng Quyền Năng cai trị cả vũ trụ! Bởi lòng thương xót của Ngài, mà chúng con được tái tạo trong Máu Con của Ngài! Chính lòng thương xót của Ngài bảo tồn chúng con! Chính lòng thương xót của Ngài đã để cho Con Ngài hấp hối và bị bỏ rơi trên Thánh giá, trong cuộc vật lộn với thần chết. Khi ấy, sự sống đã chiến thắng sự chết của tội lỗi, và sự chết của tội lỗi đã cướp đi sự sống thân xác của Con Chiên vẹn sạch. Ai thua? Sự chết. Đâu là nguyên nhân của chiến thắng? Lòng thương xót.

Lòng thương xót của Chúa đã làm dịu đức công minh của Ngài. Chính Chúa đã thanh tẩy chúng con trong Máu của Con Chúa. Do lòng thương xót mà Chúa đã muốn ở với các thụ tạo của Ngài. Ôi, Chúa đã như điên rồ vì yêu chúng con. Chúa nhập thể làm người chưa đủ, Chúa còn muốn chết vì chúng con. Chết vẫn chưa cho là đủ, Chúa còn xuống âm phủ để giải thoát các tổ phụ, để hoàn tất sự thật về Ngài và lòng thương xót của Ngài. Chúa tốt lành đã hứa thưởng công cho những ai phục vụ Ngài cách trung thành, Chúa nhân lành đã xuống âm phủ, để giải thoát các tôi tớ trung thành của Ngài khỏi cơ cực, đợi mong, và đền đáp những công việc họ đã làm.

Lòng thương xót của Chúa còn thôi thúc Ngài làm nhiều hơn nữa cho loài người. Chúa đã ban mình làm lương thực, để đem lại sức mạnh cho sự yếu đuối của chúng con, và với kỷ niệm kỳ diệu này, chúng con không thể quên những ân huệ của Ngài, dầu chúng con ngu muội và vong ân. Bởi vậy, hàng ngày Chúa ban Mình cho con người nơi bí tích của bàn thờ, trong nhiệm thể của Hội Thánh. Ai làm bấy nhiêu điều đó? Chính lòng thương xót của Chúa.

Ôi, lòng thương xót vô biên của Chúa! Trái tim con bốc lửa khi nghĩ đến Ngài! Tâm trí con quay đi quay lại về phía nào cũng chỉ thấy lòng thương xót của Ngài. Lạy Đấng Hằng Hữu! Xin tha thứ sự ngu muội của con, nếu con dám cất tiếng nói trước nhan Ngài! Nhưng lòng nhân hậu và tình thương xót của Chúa sẽ miễn chấp cho con.

Cần thêm một tư tưởng quan trọng của Thánh Catarina là: tội nặng nhất của các linh hồn trong hỏa ngục là tội thất vọng, không tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa. Họ chỉ nhìn thấy tội của mình quá lớn lao nhưng không tin rằng lòng thương xót của Chúa còn lớn gấp bội (Xc. chương 37, và chương 132).

Kết luận

Thật là một sự trùng hợp may mắn. Năm thánh của Dòng Giảng Thuyết trùng với Năm thánh về lòng thương xót của Giáo Hội. Chúng ta hãy ngợi khen chúc tụng lòng thương xót Chúa (laudare, benedicere) giống như Thánh Catarina, chúng ta hãy rao giảng (praedicare) “Tin Mừng của lòng thương xót” không chỉ bằng lời nói, nhưng là bằng các “công việc thương xót” (opera misericordiae), về phần xác (cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống,v.v…) cũng như về phần hồn (khuyên răn kẻ nghi nan, dạy dỗ kẻ dốt nát, khuyến cáo kẻ tội lỗi, an ủi kẻ buồn phiền, tha thứ kẻ xúc phạm, chịu đựng những kẻ quấy rầy, cầu nguyện cho người sống và kẻ chết,…).

Ở đầu tôi đã nói rằng, bài nói chuyện này được chia làm ba phần: quá khứ, hiện tại, tương lai, dựa theo bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các tu sĩ, với lời nhắn nhủ: “Đâu có các tu sĩ thì có niềm vui”. Trong sách Đối thoại (chương 158), Thánh Catarina Siena đã mô tả Dòng Đaminh như là “vườn hoa vui tươi”. Còn chân phúc Reginalđô, trước khi qua đời đã thốt lên: “Tôi không có công trạng gì để được sống trong Dòng này, vì tôi đã gặp thấy quá nhiều niềm vui”.[4]

 

(Bài thuyết trình ngày khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 800 năm thành lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết, 7/11/2015, tại Thánh Đường Giáo xứ Đaminh – Ba Chuông)

 


[1] “Nhằm bứng nhổ sự tàn phá của bè rối, săn đuổi các tật xấu, dạy quy luật đức tin và thâm nhập tinh thần tốt lành, chúng tôi thiết lập Cha Đaminh và các anh em đồng bạn làm những giảng viên trong giáo phận, mà tôn chỉ là ra đi rao giảng lời chân lý Tin Mừng trong tinh thần tu trì và sự khó nghèo Phúc Âm”.

[2] Xc. M. H. Vicaire, Histoire de Saint Dominique, vol. II, Cerf, Paris 1982, p.20-21.

[3] Summa Theologica, II-II, q.30, a.4.

[4] Theo lời kể của cha Giorđanô, Libellus de principiis Ordinis Praedicatorum, n.58.