50 năm thành lập Liên hiệp các Hội Đồng Giám mục Á châu

0
1645

Cách đây 50 năm, 180 giám mục Á châu đã họp tại Manila, từ ngày 23 đến 29 tháng 11 năm 1970, với sự hiện diện của thánh Giáo hoàng Phaolô VI, đánh dấu sự thành hình của Liên hiệp Hội đồng các Giám mục Á châu (FABC). Chúng ta hãy ôn lại những cuộc gặp gỡ chuẩn bị cũng như thành quả 50 năm qua của Tổ chức này.

Nguồn: Thời sự thần học số 90 (tháng 11/2020), trang 191-209.

——————-

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập FABC, chúng tôi xin trính dịch hai bài viết liên quan đến lịch sử của tổ chức này, được đăng trên mạng, ở địa chỉ: https://www.fabc2020.org/

Bài thứ nhất mang tựa đề History of the Beginnings of the FABC, ôn lại những chặng đường dẫn đến sự thành lập vào năm 1970. Tiếp đến là bài viết Key contributions  of the FABC to the Churches in Asia, của LM Clarence Devadass, (Executive Secretary, Office of Theological Concerns),

—————

1. LỊCH SỬ NHỮNG BƯỚC HÌNH THÀNH FABC

Năm 2020, chúng ta tưởng nhớ và kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hội đồng Giám mục Á châu (Federation of Asian Bishops’ Conferences – FABC). Vào năm 1970, 180 vị Giám mục của Á châu đã nhóm họp tại Manila trong khoảng thời gian một tuần. Phần cuối của hội nghị có sự hiện diện của thánh Giáo hoàng Phaolô VI. Trong lần họp mặt này, FABC đã được thành lập. Và cũng trong hội nghị, 180 vị Giám mục đã tán thành để thông qua một bản quy chế cho Hội đồng Giám mục Á châu và phê chuẩn các nghị quyết cho quy chế này. Ngay từ lúc đầu, khi nói về FABC, người ta đã tin rằng tổ chức này được khởi phát từ hội nghị năm 1970. Đấy là thời điểm mà chính các vị Giám mục Á châu khởi xướng một tổ chức với tên gọi Liên Hội đồng Giám mục Á châu (Federation of Asian Bishops’ Conferences – FABC).

Việc chúng ta kỷ niệm, nhớ lại giai đoạn đầu hình thành, không chỉ nhắm đến một sự kiện của quá khứ, nhưng còn để làm mới lại FABC, theo tinh thần của những đấng sáng lập. Theo một nghĩa nào đó, điều mà các vị đã làm vào năm 1970, thì chúng ta sẽ thực hiện lại vào năm 2020. Với lòng tri ân quá khứ, chúng ta lên đường để bắt đầu lại trong thời đại của chúng ta, hướng đến tương lai cùng với sự nhiệt tâm của những người sáng lập, được thể hiện trong một cơ cấu phù hợp để các Giám mục Á châu có thể liên lạc, trao đổi, và hợp tác cùng nhau, xây dựng nên Giáo hội tại Á châu.

Đức Cha Oswald Gomis – Tổng Giám mục Colombo, Sri Lanka, đã hiện diện trong cuộc hội nghị năm 1970 tại Manila, và ngài cũng đã lên tiếng từ những ngày đầu tiên tham gia hội nghị. Đức Tổng Giám mục Gomis giữ chức Tổng thư ký (chủ tịch) từ năm 2000 đến năm 2005, khi nhớ về sự kiện năm 1970, đã phát biểu trước Hội nghị khoáng đại FABC lần thứ VIII (năm 2004) như sau:

Hội nghị (năm 1970) tập trung vào nhu cầu cấp thiết, phải thành lập một tổ chức của các Giám mục vùng châu Á, để trợ giúp các ngài cùng hợp tác trong công việc, đặc biệt là sứ vụ truyền giảng Tin mừng và phát triển xã hội… Các giám mục đã bắt đầu hoạch định đường hướng cho tương lai. Bước đầu tiên theo hướng này dẫn đến sự nhất trí thành lập FABC. Tuy nhiên không cần phải đợi đến lúc tổ chức này chính thức ra đời, mà ngay từ trước đó, các giám mục đã cùng nhau hợp tác trong sứ vụ. Bởi ý thức được những đòi hỏi cấp bách trong trách nhiệm mục tử, các ngài đã lượng giá được đâu là những vấn đề ưu tiên cần thực hiện.

Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng thư ký FABC, trong thông điệp tại Hội nghị lần thứ X, năm 2012 đã phát biểu: “Ước mơ này (thành lập một Hiệp hội các Giám mục đến từ Châu Á) đã trở thành hiện thực khi các giám mục gặp nhau tại Manila nhân chuyến viếng thăm Philippines của Đức Giáo hoàng Phaolô VI vào năm 1970. Các giám mục không chỉ nhận được sự khích lệ từ Đức Thánh Cha, nhưng còn nhận được sự hỗ trợ tích cực và định hướng cho tổ chức này”.

Đề cập đến những điều trên nhằm nhấn mạnh rằng: những người sáng lập và các vị lãnh đạo sau này đã không ngừng trở về nguồn, chính là cuộc hội nghị năm 1970, như là khởi điểm của FABC.

Chúng ta sẽ tưởng nhớ và kỷ niệm sự kiện ấy vào năm 2020, nhưng quan trọng nhất là chúng ta cần vạch ra hướng đi của Giáo hội tại Á châu cho những năm sắp tới. Như các vị giám mục trước đó, chúng ta cần nhận định xem đâu là những điều phải được ưu tiên trước nhất. Làm thế nào để Giáo hội tại Á châu tiếp tục mang Tin Mừng trong ánh sáng của những thực tại đang nổi lên? Làm thế nào để Giáo hội trong khu vực của chúng ta góp phần làm cho một Á châu nên tốt đẹp hơn? Làm sao để FABC có thể phục vụ và hỗ trợ các Giáo hội địa phương một cách hiệu quả hơn?

Nhiều người nghĩ rằng nền tảng cơ bản của FABC bắt nguồn từ chính Công đồng Vaticanô II. Chính trong các phiên họp công đồng tại Rôma, lần đầu tiên các giám mục Á châu có thể gặp gỡ nhau. Khoảng thời gian dài cùng nhau tham dự công đồng ở Rôma đã giúp cho các ngài có được tình bằng hữu sâu sắc hơn. Thực tế cho thấy, hầu hết các giám mục Á châu nhận ra rằng: vào thời điểm đó, họ có mối tương quan tốt hơn với các giám mục tại Âu châu, đặc biệt với các giám mục tại Rôma, hơn là với các giám mục, những đồng nghiệp của mình tại Á châu. Rõ ràng, qua nhận thức này, các giám mục đã nói đến việc cần thiết để có một cơ cấu tổ chức giúp họ có thêm sự tương trợ và hợp tác giữa các giám mục tại vùng Á châu.

Thêm nữa, trong những năm đó, việc di chuyển và liên lạc không giống như chúng ta hiện nay. Mãi cho đến những năm 1960 thì hàng không mới trở nên phổ biến hơn.

Thế nên, sự thành hình của Liên hội đồng Giám mục Á châu là việc thực hiện một khát mong đã có từ lâu của các giám mục tại châu lục này. Công đồng Vatican II có thể được gọi là thời kỳ chuẩn bị từ xa cho việc hình thành Liên hội đồng. Các giám mục đã gặp gỡ nhau một cách chính thức như một cuộc nhóm họp các giám mục, 180 vị, vào năm 1970 tại Manila, Phillipines, chỉ 5 năm sau công đồng Vatican II. Hội nghị này diễn ra nhân cuộc viếng thăm của của thánh Giáo hoàng Phaolô VI tại Á châu và đã tạo cơ hội cho các giám mục Á châu có thể gặp gỡ nhau một lần nữa, và đặt một nền tảng vững vàng như chúng ta thấy nơi FABC ngày nay.

Tuy nhiên, năm 1970 lại không phải là lần đầu tiên các giám mục Á châu hội ngộ sau công đồng Vaticanô II. Thực tế, các giám mục đã có rất nhiều buổi hội nghị trước đó để tạo tiền đề, lập kế hoạch và chuẩn bị cho hội đồng Giám mục Á châu năm 1970.

Vào năm 1958, lần đầu tiên trong lịch sử, hơn 100 giám mục từ khắp vùng Đông Nam Á, Đông Á và Châu đại dương đã nhóm họp từ ngày 10 đến 16 tháng 12 năm 1958 tại Chủng viện Trung ương của đại học thánh Tôma tại Manila. Hội nghị này được diễn ra trước lễ cung hiến Thánh đường Manila vào ngày 7 tháng 12 năm 1958. Hội nghị này có sự hiện diện của 10 vị Sứ thần Tòa thánh từ Ai Cập đến New Zealand, 16 tổng giám mục và 79 giám mục từ 17 quốc gia khác nhau thuộc vùng châu Á – Thái Bình Dương. Hội nghị này (Conventus Episcoporum Asiae Austro-orientalis) do Đức Hồng y Gregorio Pietro Agagianian, Tổng Trưởng Bộ Truyền bá Đức tin, chủ tọa. Đức hồng y còn là đặc sứ được Đức Giáo hoàng Gioan XXIII chỉ định. Chính Đức Giáo hoàng Pio XII đã đề xuất ý tưởng về một đài phát thanh Công giáo ở châu Á. Sau khi Đức Giáo hoàng Pio XII qua đời, ý tưởng này được xúc tiến bởi thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Vào tháng 12 năm 1958, các giám mục được đề cập ở trên đã đồng tâm nhất trí thành lập một đài phát thanh nhằm phục vụ cho các quốc gia vùng Đông Nam Á. Từ đó, Đài Chân Lý Á Châu ra đời. Đức Hồng y Rufino Santos của Manila đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Đài chân lý Á châu kể từ khi Philippines được chọn làm địa điểm xây dựng đài phát thanh và các trạm phát sóng.

Bắt đầu từ năm 1960, một tập đoàn phi cổ phiếu, phi lợi nhuận, được thiết lập để trở thành chủ sở hữu hợp pháp của đài phát thanh này tại Philippines. Các điều khoản thành lập và các khoản luật của tập đoàn này – Trung tâm Thông tin và Giáo dục Đài phát thanh Philippine (PREIC) – đã được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Philippines xác nhận vào năm 1961.

Sau năm 1961 là khoảng thời gian để tập trung xây dựng các yếu tố về vật chất, tài chính, kỹ thuật và pháp lý cho đài phát thanh này.

Vào tháng 01 năm 1968, khi biết rằng đài sẽ sớm được đưa vào hoạt động, Đức Hồng y Rufino Santos của Manila, thông qua Hội đồng Giám mục, đã mời các đại diện của Giáo hội tại Á Châu tham dự hội nghị để thảo luận về sự cộng tác cách lâu dài và việc đồng sở hữu, trách nhiệm với đài phát thanh. Đài Chân Lý Á Châu là của Giáo hội Á Châu, bởi Giáo hội Á Châu và cho Giáo hội Á châu. Luật pháp Philippines vào thời điểm đó chỉ cho phép số lượng thành viên không phải là công dân của đất nước này chiếm 19% hội đồng quản trị hợp pháp. Trong buổi hội nghị, qua các Hội đồng Giám mục khác nhau đã chọn ra ba giám mục làm thành viên của Hội đồng PREIC với tư cách là đại diện từ những khu vực khác nhau của vùng Á châu.

Bao gồm:

Đức Hồng Y Thomas Cooray, Tổng Giám mục Colombo, Ceylon, là đại diện cho Miến Điện, Sri Lanka, Ấn Độ và Pakistan.

Đức Cha Alain van Gaver, Giám mục Nakhornratchasima, Thái Lan, đại diện cho Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Đức Cha Phanxicô Hsu, Giám mục Hồng Kông với tư cách là người đại diện cho Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, New Guinea, Úc, New Caledonia, New Zealand và Châu Đại Dương.

Lễ khánh thành Đài Chân lý Á châu được tổ chức ngày 11 tháng 4 năm 1969 tại khu phức hợp thành phố Quezon.

Đại diện cho Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Antonio Samoré, Bộ trưởng Bộ Kỷ luật Bí tích. Ngoài ra còn có nhiều vị giám mục Á châu cũng đã có mặt trong sự kiện trọng đại này. Những lời chào mừng của Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã được phát qua Đài Vatican, và Đức Giáo hoàng bày tỏ sự tin tưởng của mình: “Nhờ ơn Thiên Chúa phù trợ, các giám mục Đông Nam Á sẽ giúp cơ quan trọng yếu này đạt được thành tựu viên mãn, qua sự đóng góp vô vị lợi của các giáo sĩ và của mọi người mà chúng tôi đã tha thiết mời gọi cộng tác.”

Trước hội nghị năm 1970, các giám mục Á châu đã có một cuộc hội nghị khác diễn ra vào năm 1969. Hội nghị này trước đó đã được tổ chức một lần vào năm 1965. Đó là lúc nhóm Các Linh mục Hoạt động Xã hội tổ chức tại Hồng Kông. Ở đây, 150 linh mục từ khắp Á châu được các giám mục cử tham dự hội thảo đào tạo này để thảo luận những đề tài từ thông điệp “Mater et Magistra” và “Pacem in Terris” của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII. Chính các giám mục cũng sẽ có mặt tại phiên họp cuối cùng của Công đồng Vatican II ngay sau đó. Các chủ đề được thảo luận bao gồm: sự nghèo khổ, dân số, nạn đói, bệnh tật, hợp tác xã, liên đoàn lao động, nghiên cứu nông nghiệp.  Điều này đã giúp xây dựng một mạng lưới hành động xã hội rộng khắp vùng Á châu.

Trong một cuộc họp năm 1969 gồm 40 thành viên tham dự, bao gồm các giám mục, linh mục và giáo dân đến từ Á châu gặp nhau tại Baguio, Philippines đã làm phát triển mạng lưới hoạt động này.

Một mục khác được thảo luận là việc thiết lập văn phòng Hành động Xã hội để phục vụ cho nhiều quốc gia khác nhau. Trong cuộc họp này, 9 giám mục đã gặp gỡ và bày tỏ sự cần thiết phải giữ liên lạc thông suốt giữa họ và các Hội đồng Giám mục tại các quốc gia.

Bên cạnh đó, sẽ có một thư ký làm việc toàn thời gian, điều này đã được quyết định tại Manila bởi Đức Giám mục Julio Labayen của Infanta, Philippines, làm Chủ tịch. Văn phòng này cũng nhằm thúc đẩy nghiên cứu và liên kết hoạt động xã hội với các hoạt động tông đồ khác của Giáo hội.

Vào năm 1969, mối quan tâm của các giám mục Á châu về việc thiết lập một cơ cấu thúc đẩy liên lạc và cộng tác giữa các giáo hội địa phương đã tiến xa hơn. Là một trong những thành quả của công đồng Vatican II, cuộc họp khoáng đại bất thường lần thứ nhất của Thượng hội Đồng Giám mục đã triệu tập một nhóm các giám mục tại Roma, từ ngày 11 đến ngày 28 tháng 10 năm 1969, để thảo luận về vấn đề “Hợp tác giữa Tòa thánh và các Hội đồng Giám mục”. Trong Thượng hội đồng này, các chủ tịch của 13 Hội đồng Giám mục Á châu đã gặp gỡ riêng để thảo luận về ước mong của mình trong việc cùng nhau hợp tác tại Á châu. Ngày 21 tháng 10 năm 1969, tại trường đại học Collegio Filipino, cùng với Đức Hồng y Valerian Gracias ở Bombay, Ấn Độ, các giám mục đã đồng ý một cuộc triệu tập tại Manila, bao gồm tất cả các Hội đồng Giám mục Á châu.

Trong giai đoạn chuẩn bị tiếp theo, 9 vị chủ tịch của các hội đồng Giám mục Á châu đã họp tại Manila, từ ngày 02 đến ngày 04 tháng 4 năm 1970. Cuộc họp kín trong giới hạn với 18 đại diện từ các hội đồng Giám mục khác nhau trong khu vực Á châu. Các hội nghị diễn ra trước đó đã tạo tiền đề cho hội nghị các Giám mục Á châu diễn ra tại châu lục này vào năm 1970.

————–

Liên Hội đồng Giám mục Á châu

Liên Hội đồng Giám mục Á Châu được mô tả như một “hiệp hội tự nguyện” của các hội đồng Giám mục Công giáo La Mã ở vùng Á châu, bao gồm 4 khu vực, được thành lập với sự chấp thuận của Tòa thánh.

  • Nam Á
  • Đông Nam Á
  • Đông Á
  • Trung Á

Mục đích của Liên Hội đồng Giám mục Á châu là củng cố tình liên đới và đồng trách nhiệm giữa các thành viên vì lợi ích của Giáo hội và của xã hội tại vùng Á châu, đồng thời thúc đẩy và bảo vệ những việc phục vụ nhằm lợi ích lớn hơn.

Các quyết định của hiệp hội không có tính ràng buộc pháp lý ; sự chấp thuận biểu hiện cho một tinh thần trách nhiệm của tập thể.

CÁC CHỨC NĂNG CỦA LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU

– Nghiên cứu các cách thức và phương tiện cổ võ việc tông đồ, đặc biệt dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II và các văn kiện chính thức hậu Công đồng, và theo nhu cầu cần thiết của khu vực Á châu

– Hoạt động nhằm thúc đẩy sự hiện diện năng động của Giáo hội, hướng đến sự phát triển toàn diện của các dân tộc Á châu.

– Giúp nghiên cứu các vấn đề phổ biến đang được quan tâm của Giáo hội Á châu, nghiên cứu những khả năng đa dạng, hầu đưa ra hướng giải quyết và hành động phù hợp.

– Thúc đẩy trao đổi thông tin liên lạc và hợp tác giữa các Giáo hội địa phương và các giám mục Á châu.

– Phục vụ các Hội đồng Giám mục ở Châu Á, giúp các ngài đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Dân Chúa.

– Giúp các tổ chức và phong trào trong Giáo hội ở quy mô quốc tế được phát triển một cách trật tự hơn.

– Củng cố sự trao đổi, hợp tác đại kết và liên tôn.

————–

2. NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG CỦA LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU
CHO GIÁO HỘI Ở CHÂU LỤC NÀY

Clarence Devadass

—————————-

Nội dung

1. Vai trò của FABC

2. Tầm quan trọng của các hội nghị khoáng đại

3. Những điểm nổi bật của các hội nghị khoáng đại

4. Thần học của FABC: Những đặc điểm & điểm nhấn

5. Thần học của FABC: Phương pháp luận

6. Các cột mốc của FABC

7. Các định hướng cho tương lai

———————————

I. VAI TRÒ CỦA FABC

FABC muốn xây dựng một Giáo hội địa phương thực sự “nhập thể” trong lòng dân tộc, một Giáo hội mang đậm bản sắc địa phương, có sự hội nhập văn hóa, một Giáo hội liên tục đối thoại trong yêu thương với những truyền thống, văn hóa và tín ngưỡng sống động.

Hội nghị khoáng đại FABC # 1, 1974 Đài Bắc, Đài Loan

FABC là một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy ý thức về vai trò mục tử và tình đoàn kết trong cộng đoàn dân Chúa toàn Á châu… nhắm đến sự hợp nhất các tín hữu trong Giáo hội như một cộng đoàn hiệp thông.

ĐHY. Lourdusamy

– Hội nghị khoáng đại FABC # 2, 1978 – Calcutta, Ấn Độ

FABC cung cấp cho các giám mục cơ hội để “cùng nghiên cứu, hợp tác và đồng trách nhiệm” trong sứ vụ của Giáo hội.

Felix Wilfred

– Hội nghị khoáng đại FABC # 5, 1995 – Manila, Philippines

II. TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI

Hội nghị khoáng đại FABC là một công cụ hữu hiệu và là cơ sở để cùng nhau tìm kiếm và phân định “hướng đi” cho các Giáo hội ở Á châu.

Mục đích của Hội nghị khoáng đại là tìm kiến những ý nghĩa và những nỗ lực mới, vượt qua mọi thế lực phá hoại, định hình một sự hội nhập mới, đọc dấu chỉ của thời đại và phân định đâu là điều cần phải thúc đẩy, đâu là điều cần bác bỏ, chối từ.

Hội nghị khoáng đại FABC # 1, 1974 – Taipei, Đài Loan

“Hội nghị khoáng đại thực sự là cơ hội để sống như Giáo hội hiệp thông, và để sống trong Giáo hội, nơi đó hội tụ các dân tộc từ nhiều khu vực tôn giáo khác nhau và từ các vị trí địa lý khác nhau.”

Edmund Chia

III. CÁC HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI FABC (1974 – 2016)

PHƯƠNG PHÁP LUẬN

Trao đổi những câu chuyện, chia sẻ thành tựu và thách thức, phân định hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của người Á châu.

Những cách thức khác được thực hiện bên ngoài hội nghị: ý kiến của các giám mục, hội thảo chuyên đề, hội nghị…

FABC đã dành một diễn đàn hiệu quả để chia sẻ lối suy tư và việc áp dụng Tin Mừng của Chúa Giêsu cho tất cả các dân tộc Á châu theo cách thức của người Á châu.

TGM Michael Rosario – Kỉ niệm 25 năm FABC, 1995 – Manila, Philippines

Năm

Địa điểm

Nội dung

1974 Đài Bắc Truyền giáo ở Á châu Thời Hiện đại.
1987 Calcutta Cầu nguyện: cuộc sống của Giáo hội Á châu
1982 Bangkok Giáo hội: Một cộng đoàn Đức tin tại Á châu
1986 Tokyo Ơn gọi & Sứ vụ của người giáo dân trong Giáo hội
1990 Bandung Cùng tiến đến Thiên niên kỷ III
1995 Manila Tông đồ của Chúa tại Á châu: Phục vụ đời sống
2000 Samphran Một Giáo hội được đổi mới tại Á châu: Sứ mạng yêu thương và phục vụ
2004 Deajeon Gia đình Á châu: Hướng đến văn hóa sống tình liên đới
2009 Manila Sống trong Bí tích Thánh thể tại Á châu
2012 Xuân Lộc 40 năm FABC – Đáp lại những thách đố tại Á châu
2016 Colombo Gia đình Công giáo tại Á châu: Giáo hội trong quốc gia của người nghèo thực thi Lòng Xót Thương.

NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT

HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI #1 – ĐÀI BẮC NĂM 1974

Sự nhận biết và công cuộc nhập thể của Thân Mình Đức Kitô trong dân tộc, địa điểm và giai đoạn đã được ấn định, qua việc đối thoại các vấn đề (văn hóa, tôn giáo, người nghèo).

HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI #2 CALCUTTA NĂM 1978

Lời cầu nguyện của người Kitô hữu là trọng tâm của việc phát triển Giáo hội tại Á châu… hướng tới một cộng đoàn cầu nguyện sâu lắng, sự chiêm niệm trong cầu nguyện được thêm vào trong bối cảnh văn hóa của chúng ta.

HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI #3 BANGKOK 1982

Hiệp thông trong đức tin là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt Giáo hội với các tổ chức khác ở Á châu. Giáo hội địa phương làm chứng tá trong nhiều lĩnh vực chung và tiến bước trong sứ vụ của mình.

HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI #4 TOKYO 1986

Giáo hội cần người giáo dân trong những lãnh vực thuộc về đời sống con người để tạo nên sự khác biệt. Họ phải là những cộng tác viên vui tươi và năng động.

HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI #5 BANDUNG 1990

Cần một con đường mới cho Giáo hội hiện tại và tương lai ở Á châu, và cũng cần có một linh đạo để nói về điều này.

HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI #6 MANILA 1995

Năm ưu tiên mục vụ đã được xác định (gia đình, phụ nữ và trẻ em gái, thanh niên, sinh thái học, người tị nạn)… cần tập trung mục vụ cụ thể.

HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI #7 MANILA 2000

Trong buổi bình minh của thiên niên kỷ mới, những phương tiện hiệu quả nhất trong việc rao giảng Tin mừng và phục vụ … tiếp tục trở thành chứng nhân giữa đời. Vì vậy, cần có một cách tiếp cận toàn diện cho sứ vụ.

HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI #8 DAEJEAON 2004

Gia đình là trung tâm của đời sống con người tại vùng Á châu và gia đình phải được trao quyền để trở thành những người truyền bá Phúc Âm. Mục vụ gia đình cách toàn diện là điều rất cần thiết.

HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI #9 MANILA 2009

Phương thức đặc trưng trong sự tồn tại của Giáo hội Á châu được thể hiện qua việc đối thoại – sự sống và tình yêu. Sự hiện diện của Chúa Kitô phải được nhìn thấy nơi những người nghèo khổ, nơi mọi thụ tạo và trong dòng chảy lịch sử.

HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI #10 XUÂN LỘC 2012

Sứ mạng khó khăn của Giáo hội Á châu là rao truyền Chúa Giêsu Kitô giữa những thay đổi nhanh chóng tại châu Á. Chúng ta cần trở thành một cộng đoàn có cảm nghiệm về Đức Kitô, noi gương Đức Kitô… trở thành những người truyền bá Phúc Âm được canh tân vì công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng.

HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI #11 COLOMBO 2016

Bộ mặt thay đổi của Á châu đang ảnh hưởng đến các gia đình và do đó Giáo hội cần hướng tới một ‘linh đạo của gia đình’ được thiết lập dựa trên cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu.

IV. THẦN HỌC FABC: ĐẶC ĐIỂM & NHẤN MẠNH

1. Cách Tiếp Cận Quy Nạp Và Phương Pháp Luận Hình Xoắn Ốc

Thần học FABC bắt đầu trong bối cảnh cụ thể, khám phá các thực tại của cuộc sống như là cơ sở của việc làm thần học.

Phương pháp Tiếp cận Mục vụ Toàn diện Châu Á (AsIPA: Asian Integral Pastoral Approach).

2. Nhãn quan của Đức Giêsu về Vương quốc Thiên Chúa trong bối cảnh Á châu

Tìm kiếm Triều đại Thiên Chúa trong những kinh nghiệm cụ thể về bối cảnh xã hội, chính trị, kinh tế, tôn giáo và văn hóa của Á châu.

Làm cho sứ điệp của Đức Giêsu được người châu Á chấp nhận… Bộ mặt Á châu, khái niệm, thuật ngữ, biểu tượng …

3. Giáo hội địa phương là tác nhân chính

Nhiệm vụ chính yếu của rao giảng Tin mừng là xây dựng một Giáo hội địa phương… hiện diện cách cụ thể và có sự hội nhập văn hóa.

Hỗ trợ các Giáo hội địa phương sống và hoạt động trong sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ.

4. Đối thoại như phương thức để hiện diện trong bối cảnh Á châu

Đối thoại là biểu hiện chân thật của việc rao giảng Tin mừng của Giáo hội.

Thúc đẩy cuộc đối thoại bằng nếp sống như phương thức sinh hoạt của các Giáo hội tại Á châu

5. Chiều sâu nội tâm và động lực cho sứ vụ

Có một chiều sâu tâm linh nơi Giáo hội Á châu.

Động lực truyền giáo được đặt nền tảng nơi lòng biết ơn, sứ vụ, đức tin, phép rửa, và men của tự do.

6. Loan báo về thân thế và các lời hứa của Đức Kitô

Loan báo về Đức Giêsu Kitô là trung tâm của việc rao giảng tin mừng.

Tại châu Á, loan báo về Đức Kitô trên hết là việc sống như Người.

Loan báo theo “cách thức đối thoại”.

7. Vai trò của người giáo dân theo cách thức mới của việc thuộc về Giáo hội

Ơn gọi và sứ mệnh của người giáo dân đối với Giáo hội được hình thành trong sự hiệp thông của các tín hữu.

Việc phân định “các dấu chỉ của thời đại” là trách vụ của toàn thể Dân Chúa

8. Việc cộng tác chung và rao giảng Tin mừng của các nền văn hóa

Sự hội nhập văn hóa trong đời sống và sứ điệp Tin mừng đòi hỏi tôn trọng văn hóa và truyền thống của các dân tộc.

Đối thoại Đức tin-Văn hóa là then chốt cho công cuộc tái truyền giảng Tin mừng.

9. Dấn thân vào cuộc giải phóng xã hội theo động lực đức tin

Giáo hội Á châu phải là một Giáo hội cho “người nghèo”… để chăm lo các nhu cầu xã hội cho phần lớn các dân tộc tại lãnh thổ Á châu.

Những người bị đặt bên lề xã hội phải được quan tâm một cách đặc biệt.

10. Thúc đẩy những công tác mục vụ mới

Giáo hội cần “canh tân” trong một số tác vụ chuyên biệt.

Một cuộc thảo luận đang diễn ra nhằm giúp các Giáo hội Á châu mang lấy bản sắc thật của mình trên tất cả mọi phương diện.

V. FABC THẦN HỌC: PHƯƠNG PHÁP LUẬN

1) “ĐẶC TÍNH Á CHÂU” TRONG GIÁO HỘI Ở CHÂU LỤC NÀY

FABC ngay từ lúc thành lập đã nỗ lực thúc đẩy quá trình hội nhập văn hóa để giúp các Giáo hội Á châu thực sự được bén rễ sâu trong vùng Á châu này.

Giáo hội tích hợp, đón nhận nhãn quan và giá trị sống của Á Châu.

2) TÌM KIẾM SỰ HÀI HÒA VỚI NHỮNG YẾU TỐ THỰC TIỄN KHÁC CỦA CHÂU Á

Một lối tiếp cận toàn diện đòi hỏi nhân đức hài hòa với các yếu tố khác biệt giữa các truyền thống và văn hóa tại Á châu.

Đặc tính “chung sống”  được xây dựng trên nền tảng các mối quan hệ và sự tương tác.

3) NHỮNG CÁCH THỨC TRUYỀN GIÁO CỦA VÙNG CHÂU Á

Phương thức loan báo Tin mừng của vùng Á châu: con đường đối thoại và hành động.

Truyền giáo nhờ đời sống cầu nguyện, phục vụ và nêu gương sáng, Giáo hội làm chứng về Đức Giêsu Kitô.

4) BA CHIỀU KÍCH ĐỐI THOẠI CỦA VÙNG CHÂU Á

Đối thoại với các tôn giáo, các nền văn hóa và các người nghèo như cách thức của người Á châu trong việc xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa.

5) VƯƠNG QUỐC THIÊN CHÚA RỘNG LỚN HƠN GIÁO HỘI.

Con đường tập trung vào Vương Quốc Thiên Chúa của Giáo hội tại Á châu có thể vươn tới các vấn đề xã hội – chính trị, văn hóa và tôn giáo của châu lục này.

6) THẦN HỌC TRONG BỐI CẢNH MỤC VỤ

Khởi điểm cho suy tư thần học là bối cảnh mục vụ.

Bối cảnh, các nguồn lực châu Á, huấn quyền, áp dụng mục vụ.

VI. NHỮNG CỘT MỐC QUAN TRỌNG

1. 1974 (Đài Bắc, Đài loan)

Hội nghị khoáng đại lần thứ nhất

Ba chiều kích đối thoại: Đối thoại với các tôn giáo, các nền văn hóa và  người nghèo.

“Để Giáo hội ở châu Á thực sự khám phá ra bản sắc riêng của mình, Giáo hội phải liên tục tham gia vào “cuộc đối thoại với ba chiều kích”:  với các dân tộc (đặc biệt là người nghèo), các nền văn hóa và tôn giáo của Châu Á. Đây là một viễn cảnh được mở ra theo kế hoạch… xây dựng tình đoàn kết và một cộng đoàn trong bối cảnh của Á châu. (Fr James Kroeger, MM)

2. 1982 (Bangkok, Thái lan)

Hội nghị khoáng đại lần thứ ba

Giáo hội là một cộng đồng thể hiện sự hiệp thông và sứ vụ trong bản chất và đời sống của mình, và  trong tương quan với các cộng đồng khác.

Hội Thánh tại Á châu phải lắng nghe Thần Khí đang tác động trong cộng đoàn của những đang sống và cảm nghiệm đức tin của họ ; họ chia sẻ và thể hiện đức tin của mình trong chính bối cảnh xã hội, văn hóa và lịch sử tôn giáo… các cộng đoàn của Tin mừng phải đồng hành với những người ấy trong cùng một cuộc lữ hành.” (FABC III, art. 8.2)

3. 1990 (Bandung, Indonesia)

Hội nghị khoáng đại lần thứ năm

“Cách thức mới để thể hiện Giáo hội” đòi hỏi một cách tiếp cận mang tính toàn diện trong việc  loan báo Tin mừng.

“Hội nghị Bandung” có thể được coi là “điểm chuyển tiếp” / “thời kỳ trưởng thành”.

“Có lẽ Hội nghị khoáng đại lần thứ năm đã đưa ra quan điểm về cách thức của FABC đối với sứ vụ truyền giáo ở Á châu. Hội nghị này tóm kết tất cả các mối quan tâm trước đây của Hội đồng và yêu cầu một “cách thức hoàn toàn mới để thể hiện Giáo hội”. (- Edmund Chia)

4. 2012 (Xuân Lộc, Việt Nam)

Hội nghị khoáng đại thứ 10

Để được canh tân với tư cách là những người loan báo Tin mừng, chúng ta phải đáp lại Thánh Thần đang hoạt động trong thế giới, trong sâu thẳm con người… chúng ta cần sống trong tinh thần Loan báo Tin mừng cách mới mẻ.

“Sứ mệnh tái truyền giảng Tin mừng, có sự dấn thân, phương pháp và cách diễn đạt mới mẻ, sứ mệnh Loan báo Tin mừng cách mới mẻ còn là một vấn đề cấp bách. Nó đòi hỏi những người loan báo Tin Mừng một linh đạo được đổi mới, linh đạo của sự hiệp thông, của sứ vụ… [trong] sự phù hợp với ý định của Đức Kitô” (Sứ điệp của Hội nghị khoáng đại lần thứ 10)

VII. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI

Đối thoại với ba khía cạnh -> Đối thoại với bốn khía cạnh?

Sứ vụ -> môn đệ được sai đi?

Những ưu tiên mục vụ -> những ưu tiên truyền giáo?

——————–

Nguồn:

FABC Paper 139: A Brief History of FABC (Vimal Tirimana ed., 2013).

FABC Paper 106: Thirty Years of FABC: History, Foundation, Context & Theology (Edmund Chia, 2003).

  •  A New Way of Being Church in Asia: The FABC at the Service of Life in Pluralistic Asia (Jonathan Yun-Ka Tan, 2005).
  •  An “Asian” Dialogue Decalogue. (James Kroeger, MM, Theological Forum at LST, 2011)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here