180 năm Tây Đàng Trong và Đông Đàng Trong

0
1478

Đào Quang Toản
Ngày 08.12.2023

Năm 2024, chúng ta mừng 180 năm ngày thành lập giáo phận Qui Nhơn và giáo phận Sài Gòn.

Ngày 02 tháng 3 năm 1844, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI ký tự sắc Exponendum nobis curavit chia đôi giáo phận Đàng Trong ra Tây Đàng Trong và Đông Đàng Trong. Như vậy, lịch sử giáo phận Đàng Trong, thành lập ngày 09.09.1659, chấm dứt sau 185 năm hiện hữu.

Người ta còn nhớ công khó vận động của cha Đắc Lộ tại Rôma và tại Paris vào những năm 1649-1654 để xin gửi giám mục tới Việt Nam. Công khó đó đã dẫn tới việc Tòa Thánh lập hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong tại Việt Nam vào năm 1659. Sau 20 năm hiện hữu, năm 1679, giáo phận Đàng Ngoài đã được chia thành hai giáo phận Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài, lấy sông Hồng làm ranh giới. Nay, sau 185 năm hiện hữu, giáo phận Đàng Trong được chia thành hai giáo phận Tây Đàng Trong và Đông Đàng Trong.

Nhân vật then chốt trong việc chia giáo phận Đàng Trong là Đức cha Étienne Cuenot mà người Việt Nam quen gọi là Đức cha Cuenot Thể.[1]

Đức cha Cuenot Thể (IRFA)

 1, Đức cha Cuenot Thể

Năm 1828, lúc 26 tuổi, linh mục Cuenot Thể đặt chân tới chủng viện Lái Thiêu. Nhưng đầu năm 1833, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cấm đạo nên cha Cuenot Thể cùng Đức cha Taberd Từ trốn sang Xiêm La.

Tháng 7, Đức cha Taberd Từ rời Xiêm La sang Singapore. Ngài có bên ngài 10 chủng sinh và chờ thêm 7 hay 8 thầy nữa trước khi đi Penang. Tại đảo Penang, có một chủng viện chung của các thừa sai Pháp cho miền Đông Nam Á[2].

Tại Băng Cốc, vì không được phép nhà vua cho rời khỏi Xiêm La, cha Cuenot Thể phải trốn đi bằng thuyền, đem theo hai linh mục Đàng Trong, năm chủng sinh, hai thầy giảng và ba giáo dân. Sau 31 ngày vượt biển, ngày 09.03.1835, họ tới Singapore[3].

Ngày 03.05.1835, tại Singapore, cha Cuenot Thể được thụ phong giám mục, lúc 33 tuổi. Ngay ngày hôm sau, vị tân giám mục viết về Paris :

“Singapore, ngày 04.05.1835. Kính thưa quý cha, […] Khi Đức cha Isauropolis [Taberd Từ] hay tin tôi đến Singapore, ngài vội vã đến nơi và thánh hiến vị kế nhiệm ngài. Nghi lễ đã diễn ra ngày hôm qua. Tôi để cho ngài lo báo tin cho các cha hay vì những lý do nào mà ngài đã chọn lựa như vậy. Chắc hẳn ngài sẽ làm các cha ngạc nhiên, và chính tôi là người mà ngài đã làm ngạc nhiên trước tiên hết. Nhưng sự đã rồi và chỉ có Đấng có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham [Mt 3, 9] mới có thể đem lại thuốc chữa. Hãy cầu xin Ngài, thưa tất cả quý cha, hãy cầu xin Ngài ban phép lạ thương xót.”[4]

Chưa đầy hai tuần sau khi được thụ phong giám mục, Đức cha Cuenot Thể rời Singapore. Ngài thuật :

“Ngày 15.05, chúng tôi rời Singapore. […] Ngày 30.05, khoảng chiều tối, chúng tôi tới Đà Nẵng.”[5]

Đức cha Cuenot Thể sống ẩn kín tại Đà Nẵng, Quảng Nam, cho tới đầu năm 1838 thì xuống tỉnh Bình Định.

Lúc này, cuộc bắt đạo của vua Minh Mạng vẫn đang diễn ra rất tàn bạo, có nhiều người bị chết vì đức tin. Mặc dầu vậy, vài thừa sai đã lén lút vào được Đàng Trong. Đặc biệt trong số này có cha Dominique Lefebvre (mà tín hữu Việt Nam gọi là Đôminicô Ngãi).

Cha Đôminicô Ngãi cập tới bến cảng Đà Nẵng ngày 01.09.1836. Tại Đà Nẵng, sau khi ở với Đức cha Cuenot Thể ít lâu, cha Đôminicô Ngãi rời sang một họ đạo khác. Tại đây, cha Đôminicô Ngãi lập ra một chủng viện nhỏ mà cha đặt tên là chủng viện Giáng Sinh. Cha sống ở đây sáu năm liên tục.[6]

Ngày 20.01.1841, vua Minh Mạng từ trần, vua Thiệu Trị lên nối ngôi. Cuộc bắt đạo có phần dịu xuống.

Vào kỳ đó, giáo phận Đàng Trong được tin Đức cha chính Taberd Từ đã qua đời ngày 31.07.1840 tại Calcutta (Ấn Độ). Đồng thời, Đức cha phó Cuenot Thể, nay thành Giám mục Đại diện Tông tòa giáo phận, nhận được sắc chỉ của Tòa Thánh cho phép ngài chọn một giám mục phó với quyền kế vị. Ngài chọn cha Đôminicô Ngãi làm giám mục phó, hiệu tòa Isauropolis. Lễ truyền chức diễn ra tại Gò Thị, ngày 01.08.1841, đúng ngày sinh nhật 31 tuổi của Đức cha Đôminicô Ngãi. Sau đó, công đồng Gò Thị được cử hành, gồm hai Đức cha Cuenot Thể và Đôminicô Ngãi, thừa sai Miche mới đến và 13 linh mục Việt Nam trong số 30 linh mục của giáo phận. Công đồng kéo dài khoảng 15 ngày, rồi Đức cha Đôminicô Ngãi trở lại Quảng Nam.

Trong lúc đó, tại Nam Kỳ Lục Tỉnh, thừa sai Jeanne bị chứng bệnh tâm thần. Do vậy, cả miền Nam không còn thừa sai nào nữa. Đức cha Cuenot Thể bèn sai Đức cha phó xuống đó. Đức cha Đôminicô Ngãi rời Quảng Nam và ngày 01.02.1842 thì đặt chân bình an tới Cái Nhum.

Năm 1843, Đức cha Cuenot Thể xin Tòa Thánh chia giáo phận Đàng Trong.

2, Tại sao phải chia giáo phận ?

Khi mới được thành lập, giáo phận Đàng Trong là phần đất Việt Nam chạy dài từ sông Gianh xuống tới con sông Phan Rang. Giám mục đầu tiên của giáo phận là Đức cha Lambert de la Motte, cai quản với tư cách Đại diện Tông tòa. Và ngài chỉ đặt chân tới giáo phận lần đầu tiên vào tối ngày 01.09.1671 tại Lâm Tuyền. Tuy nhiên, ngay từ năm 1663 tại Xiêm La, khi sai cha De Bourges về Âu châu, ngài đã xin Tòa Thánh quyền cai quản thêm Chiêm Thành và Cam Bốt. Ngày 13.01.1665, Thánh bộ Truyền bá Đức tin đã đồng ý ban cho ngài quyền Đại diện Tông tòa trên hai xứ này[7].

Về địa lý, năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu xâm chiếm trọn vẹn nước Chiêm Thành, xứ Đàng Trong nới rộng tới Bình Thuận. Từ năm 1698, nhà chúa lại mặc nhiên lấy đất Đồng Nai và đất Gia Định của Cam Bốt như đất Đàng Trong.[8]

Về giáo phận, theo thống kê tháng 01 năm 1844 của Đức cha Cuenot Thể gửi Tòa Thánh :

– tại ba tỉnh miền Bắc Đàng Trong, có 21.660 Kitô hữu,

– tại miền Trung (Quảng Nam tới Bình Thuận), có 24.676 Kitô hữu,

– tại miền Nam (Biên Hòa tới Hà Tiên), có 19.774 Kitô hữu,

– tại Cam Bốt, có 200 Kitô hữu.[9]

Theo phúc trình tháng 12 năm 1844 mà Đức cha Cuenot Thể gửi về Pháp, dân số Đàng Trong gồm 8.000.000 người ngoại giáo và 70.000 Kitô hữu ; nhân sự giáo phận gồm : 6 thừa sai, 30 linh mục bản xứ, 21 thầy giảng hạng một, 35 thầy giảng hạng hai và 2.000 thầy giảng hạng ba. Có 4 chủng viện tại giáo xứ và 16 nhà dòng Mến Thánh Giá với khoảng 250 nữ tu.[10]

Tại sao phải chia giáo phận ?

Đầu năm 1840, sau khi viết thư gửi Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI về chuyện điều tra các vị tử đạo Đàng Trong, Đức cha Cuenot Thể viết về chủng viện Hội Thừa Sai Paris rằng :

“Hãy gửi cho chúng tôi các thừa sai và các người có khả năng. Các cha biết là tôi xin chia giáo phận. Do vậy, chúng tôi phải có các giám mục phó, các cha quyền đại diện và các người có khả năng thay thế chúng tôi ngay khi cần tới. […] Chúng tôi xin các cha hãy hết sức thúc đẩy việc phân chia giáo phận Đàng Trong. Không một ai trong các thừa sai của chúng tôi lại không cảm thấy việc này là tuyệt đối cần thiết. Nếu có ai có thể có những lý do ngăn cản việc này thì hẳn là tôi. Nhưng tôi sẽ cẩn thận giữ mình để không hy sinh lợi ích chung vì tự ái cá nhân của tôi và vì một chút hư danh hão huyền. Người ta có thể phản đối chúng tôi rằng hoàn cảnh hiện nay không thuận lợi. Xin người ta đừng phải lo tới những khó khăn, vì điều đó thuộc về chúng tôi. Chỉ mong người ta xin được việc phân chia này, và chúng tôi sẽ gánh vác chuyện còn lại.”[11]

Sau khi Đức cha Đôminicô Ngãi đã xuống định cư tại miền Nam[12], trong một lá thư khác đề ngày 14 tháng 01 [năm 1843], Đức cha Cuenot Thể cho Thánh Bộ biết những nguyên do sau đây về việc xin phân chia giáo phận :

1° Trong vòng năm tháng mỗi năm, việc giao thông bằng đường biển gần như không thể nào được giữa miền Nam Đàng Trong và các miền khác. Giao thông bằng đường bộ cũng rất khó khăn, các con đường phải qua thì dài, phải đi ngang những vùng khô cằn và hoang dã, chỉ có lính tráng hay nhân viên triều đình sử dụng mà thôi.

2° Giáo phận có tới 400 dặm chiều dài, từ Bắc xuống Nam và sang Tây, điều này khiến việc điều hành rất gian nan. [Do vậy,] xảy đến ngay cả chuyện rằng nhiều điều cần thiết nơi này nơi nọ không được vị Đại diện Tông tòa biết tới. Hơn nữa, các linh mục, các người phụ tá các ngài, chỉ có thể phúc trình công việc cho vị Đại diện Tông tòa một cách họa hiếm, đến nỗi chính vị Đại diện Tông tòa đôi khi chỉ biết họ qua tên tuổi mà thôi.

3° Khoảng cách 400 dặm phải trải qua này là nguyên nhân khiến vị Đại diện Tông tòa gần như không thể lo cho người ngoại giáo được, vì ngài hoàn toàn bị cuốn hút vào việc lo cho các người có đạo rồi.

Đức cha Cuenot Thể kết luận rằng cần chia ra hai giáo phận. Một là Tây Đàng Trong, gồm miền Tây và miền Nam, với xứ Cam Bốt ; một là Đông Đàng Trong, gồm miền Bắc và miền Đông, với vô số những bộ lạc phía Tây. Do đó, ngài xin ngay rằng Đức cha Đôminicô Ngãi lo phần thứ nhất, và ngài, phần thứ hai ; và xin được quyền chọn các vị giám mục phó kế nhiệm giữa các thừa sai người Pháp tại Đàng Trong hay tại Đàng Ngoài. »[13]

Sáng kiến và thư thỉnh nguyện của Đức cha Cuenot Thể xin chia giáo phận được gửi về Rôma. Thánh bộ Truyền bá Đức tin duyệt xét, chấp thuận và đệ trình lên Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI. Ngày 02.03.1844, vị giáo hoàng lúc này đã 79 tuổi, ký tự sắc Exponendum nobis curavit phân chia giáo phận Đàng Trong theo lời xin của Đức cha Cuenot Thể[14]. Nhưng trước khi Đàng Trong nhận được tự sắc này, Đức cha Đôminicô Ngãi bị bắt và bị đưa về nhà tù tại Huế.

Giáo phận Đàng Trong (1659-1844)

3, Việc chia giáo phận

“Các ngày 28.01.1845 và ngày 20.05 cùng năm đó, Đức cha Cuenot Thể nhận được từ vị Hồng y tổng trưởng Thánh Bộ […] tông sắc chia giáo phận Đàng Trong, về mọi điểm, theo những sắp đặt mà ngài đã chỉ định. Không may, Đức cha Đôminicô Ngãi lúc đó đang trong các nhà tù tại Huế[15]. Ngài đã rơi vào tay những kẻ bắt đạo vào tháng 10 năm 1844, với một thầy giảng và ba ông chức việc tại ngôi làng nơi ngài lẩn trốn.”[16]

Về phần Đức cha Đôminicô Ngãi, ngài sẽ tìm lại được tự do nhờ can thiệp của Đô đốc Cécille với vua Thiệu Trị. Đô đốc Cécille, người điều khiển hải quân Pháp tại vùng biển Ấn Độ và Trung Hoa, đang ở Singapore. Nghe tin Đức cha Đôminicô Ngãi bị bắt vào tù tại Huế, ông sai chỉ huy trưởng Fournier-Duplan đem tàu chiến Alcmène đến dâng thư lên vua Thiệu Trị xin trả tự do cho Đức cha Lefebvre [Đôminicô Ngãi], nhân danh nhà vua Pháp[17]. Sáng sớm ngày 16.05.1845, tàu Alcmène rời Singapore và tới Đà Nẵng ngày 31 cùng tháng. Vua Thiệu Trị nhận thư của Đô đốc Cécille và ngày 12 tháng 6, trả tự do cho Đức cha Đôminicô Ngãi.[18]

Tàu Alcmène đem Đức cha Đôminicô Ngãi thẳng sang Manila[19]. Ngài ở lại Manila khoảng hai tháng, rồi sang Macao. Một tháng sau, ngài sang Singapore, vì muốn thăm chủng viện Penang[20]. Tại Singapore, ngài mới biết tin Tòa Thánh đã chia giáo phận Đàng Trong ra hai và đặt ngài làm Đại diện Tông tòa giáo phận mới Tây Đàng Trong[21].

Việc phân chia giáo phận được thực hiện vào khoảng mùa hè năm 1845, giữa hai vị Đại diện Tông tòa, Đức cha Cuenot Thể và Đức cha Đôminicô Ngãi. Đức cha Cuenot Thể cho biết :

“Việc phân chia giáo phận đã được thực hiện, tôi đề nghị với Đức cha Lefebvre [Đôminicô Ngãi] để lại cho ngài một phần ba tất cả những nguồn tài sản mà tôi có sẵn trước đây. Đối với cha Miche, đề nghị này là chính đáng, với cha Chamaison thì hơi mạnh. Chính Đức cha Lefebvre [Đôminicô Ngãi] trả lời với tôi rằng ngài đồng ý nhận những sắp đặt do tôi đề nghị. Quả thật, ngài còn kết luận rằng tôi có lòng rộng rãi khi đề nghị như vậy. Đức cha Isauropolis [Đôminicô Ngãi] chỉ có 20.000 hay 22.000 giáo hữu, và tôi thì từ 50.000 tới 55.000 giáo hữu. Địa hạt mà các giáo hữu của ngài sinh sống chưa bằng một phần ba địa hạt các giáo hữu Đông Đàng Trong. Thiếu nhiều, không cân xứng. Các giáo hữu miền Hạ Đàng Trong dễ điều hành hơn hẳn các giáo hữu miền Trung và miền Thượng Đàng Trong. Tôi có gần 300 họ đạo, trong khi tại miền Hạ Đàng Trong, nhiều nhất là 80. Xứ của tôi nghèo nàn ; xứ của ngài thì giầu có.”[22]

Sau lễ Hiện Xuống 1846, Đức cha Đôminicô Ngãi rời Singapore với thừa sai Duclos để trở lại Nam Kỳ Lục Tỉnh. Nhưng về tới sông Sài Gòn thì con thuyền chở các ngài bị bắt. Cả hai bị giam trong nhà tù Sài Gòn, bị canh giữ bởi 50 sĩ quan và binh lính. Tuy vậy, Đức cha Đôminicô Ngãi cũng viết gửi được hai mảnh thư cho thừa sai Miche đang ẩn trốn bên ngoài, bổ nhiệm vị thừa sai này làm giám mục phó. Đức cha Đôminicô Ngãi nói :

“Chỉ vào lúc đó việc phân chia giáo phận mới này với giáo phận Đông Đàng Trong mới thành hiện thực.”[23]

Thừa sai Duclos chết trong nhà tù Sài Gòn, Đức cha Đôminicô Ngãi bị giải ra Huế. Cuối cùng, triều đình vua Thiệu Trị đem giao ngài cho chính quyền Singapore. Được tự do, từ Singapore, Đức cha Đôminicô Ngãi lại tìm cách trở về giáo phận. Và chuyến trở về năm 1847 này của ngài được thành công.

*

Đức cha Cuenot Thể chết trong tù ngày 14.11.1861 và xác bị quan quân ném xuống biển mất tích. Ngài được phong hiển thánh tử đạo ngày 19.06.1988.

Năm 1864, Đức cha Đôminicô Ngãi từ chức. Ngài từ trần khi vừa trở về tới Pháp, ngày 30.04.1865, và được an táng tại nghĩa trang Saint Pierre của thành phố Marseille.

Đức cha Đôminicô Ngãi từ trần (IRFA)

Năm 1960, Tòa Thánh đổi tên Đông Đàng Trong thành Qui Nhơn và Tây Đàng Trong thành Sài Gòn.

Hôm nay, từ phần đất giáo phận Đông Đàng Trong, đã sinh ra các giáo phận : Huế (thành lập năm 1850), Kon Tum (1932), Nha Trang (1957), Đà Nẵng (1963), Buôn Ma Thuột (1967) và Phan Thiết (1975).

Từ phần đất giáo phận Tây Đàng Trong, đã sinh ra các giáo phận Vĩnh Long (1938), Đà lạt, Mỹ Tho và Long Xuyên (1960), Xuân Lộc và Phú Cường (1965) và Bà Rịa (2005).

Tin mừng Đức Giêsu Kitô được loan truyền tại đất nước Việt Nam, giải thoát con người khỏi mọi tăm tối ngăn cản cuộc sống. Biết bao nhiêu Kitô hữu, từ giám mục tới giáo dân, đã hiến dâng chính mạng sống mình để, người này thì trồng, người kia thì tưới. Nhờ vậy, Thiên Chúa đã có thể làm lớn lên một đời sống mới nơi các người đồng hương của chúng ta.

< >

———————————

[1] Bài viết này được trích ra từ Lịch Sử Giáo Phận Đàng Trong (1659-1844), xuất bản năm 2023, 612 trang.

[2] Tháng 12.1765, chủng viện chung di tản từ Xiêm La sang Hòn Đất (Hà Tiên). Tháng 12.1769, di chuyển sang Pondichery (Ấn Độ). Năm 1783, đóng cửa. Năm 1808, tái lập tại Penang (Mã Lai) (xem Paul Destombes, Le Collège Général, Hong Kong, Nazareth, 1934, 147 trang). Lưu ý : Vào thời đó, người ta gọi là « Pinang », nay là « Penang ».

[3] Xem thư của cha Cuenot Thể ngày 17.03.1835 trong APF, số 45, tome 8, 1836, tr. 382-383. (APF : báo Annales de la Propagation de la Foi, Lyon).

[4] Thư ngày 16.06.1835 trong APF, số 45, tome 8, 1836, tr. 387-388.

[5] Như trên, tr. 388-389.

[6] Xem Vie de Dominique Lefebvre… trong AMEP, tập 773, tr. 47-48 và 50. Tài liệu này là tập tiểu sử tự thuật của Đức cha Đôminicô Ngãi và là một bằng chứng rõ ràng cho chúng ta hiểu chủng viện do cha Đôminicô Ngãi điều khiển lúc đó nằm tại Quảng Nam, chứ không phải tại miền Nam Đàng Trong. Năm 1885, không một bằng chứng nào, cha Louvet đã viết rằng cha Đôminicô Ngãi ở Cái Nhum và lập một chủng viện tại đây. Đó là một sai lầm, bị lập đi lập lại nơi nhiều tác giả Việt Nam. (Xem La Cochinchine Religieuse, tập 2, tr. 100).

[7] Xem Adrien Launay, Documents historiques relatifs à la Société des Missions Étrangères, Paris, 1904, tr. 41.

[8] Xem Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, USA, Antôn & Đuốc Sáng, 2017, tr. 18-20.

[9] Xem AMEP, tập 749, tr. 972-973. (AMEP : Archives des Missions Étrangères de Paris).

[10] Xem AMEP, tập 749, tr. 1051.

[11] Jean Chevroton, Vie de Mgr Cuenot, Paris, P. Lethielleux, 1870, tr. 197-199.

[12] Ngày 01.02.1842.

[13] J. Chevroton, sđd, tr. 199-200.

[14] Hình như tự sắc quan trọng này chưa hề được xuất bản nơi nào. Do vậy, chúng tôi đã cho xuất bản trong Lịch Sử Giáo Phận Đàng Trong, sđd, phần Phụ Lục, trang 575-577.

[15] Theo chính Đức cha Đôminicô Ngãi, ngài « không ở trong các nhà tù tại Huế », chỉ ở Trấn Phủ, vì ngài kể : « Khoảng đầu tháng 6, bản án sau cùng đã được tuyên bố về các tù nhân. Họ bị án tử hình, nhưng nhà vua treo việc thi hành bản án cho tới khi có lệnh mới. Do vậy, các tù nhân phải được chuyển từ Trấn Phủ sang Khám Đường hay ngục thất dành cho những ai mà tội ác đã được công nhận. Các tù nhân đã đi được nửa quãng đường, nhưng ông Tham Thiện được tháo xiềng vì đang bị bệnh, cái sai về thủ tục này đã khiến họ không được các quản tù nhà giam tiếp nhận, và họ phải quay trở lại Trấn Phủ » (Vie de Dominique Lefebvre…, AMEP, tập 773, tr. 77).

[16] J. Chevroton, sđd, tr. 200.

[17] Lá thư của Đô đốc Cécille gửi vua Thiệu Trị được xuất bản trong báo L’Ami de la Religion, tome 126, 1845, tr. 747-748. (Lưu ý : cũng có nơi gọi là Chuẩn Đô đốc Cécille, le Contre-Amiral Cécille).

[18] Đức cha Đôminicô Ngãi được trả tự do. Còn ông Tham Thiện và Thầy Phước vẫn ở tù cho tới năm 1848 mới được thả ra, nhờ ân xá của tân vương Tự Đức, lên ngai tháng 10 năm Đinh Mùi (tức tháng 11 năm 1847). (Xem APF, tome 22, 1850, tr. 381-382).

[19] Xem « Délivrance de Mgr Lefebvre » trong báo L’Ami de la Religion, tome 128, 1846, tr. 61-64.

[20] Xem Vie de Dominique Lefebvre…, AMEP, tập 773, tr. 82-84.

[21] Theo A. Launay, Mémorial, « Lefebvre, Dominique ».

[22] J. Chevroton, sđd, tr. 219.

[23] Vie de Dominique Lefebvre…, AMEP, tập 773, tr. 88.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here