10 CÂU TRUYỆN GIÁNG SINH THẾ GIỚI

0
1666

  1. Truyện Đứa Mục Đồng Mù
  2. Chuyến Đi Bêlem
  3. Phép Lạ Đầu Tiên (Azorin, văn hào Tây Ban Nha)
  4. Ông Vua Thứ Tư (Joannes Soergensen)
  5. Sự Tích Con Đom Đóm (Renato Greggi)
  6. Con Chiên Thứ Ba (Mala Powers)
  7. Tên Khổng Lồ Ích Kỷ (Oscar Wilde (1856-1900)
  8. Lễ Giáng Sinh Của Bác May (Guido Gozzano)
  9. Cuộc Tìm Kiếm (Ernest Hello)
  10. Ðâu Có Tình Yêu Thương (Leon Tolstoi)

———————————

1. Truyện đứa mục đồng mù

Hồi ấy gần làng Belem có một em mục đồng tên là Nam. Tuy mù nhưng em rất tài khéo: hằng ngày em theo cha lên đồi để trông coi đàn cừu. Em lại còn chăm sóc một mảnh vườn nhỏ, và khi rau đã xanh tươi, em hái đem ra chợ Belem để bán.

Nhất là em có lòng thương người. Một buổi chiều mùa đông nọ, khi từ chợ trở về với con lừa của mình, em nghe thấy tiếng của một người đàn ông và một người đàn bà đang đi ngược chiều tiến về phía em.

Khi họ đã đi ngang qua rồi, em nghe một tiếng phịch: người đàn bà vấp phải cái gì và té ngã. Em nghe tiếng người đàn ông lo lắng hỏi : Maria, có sao không ?

– Không sao cả, Giuse ạ. Nhưng em sợ không đi nổi nữa. Em mệt quá rồi.

Nam liền quay lại: “Cháu có thể giúp bác được không? Nhà cháu gần đây nè”.

Người đàn bà tuy mệt nhưng cũng nhỏ nhẹ trả lời: “Cháu tốt quá. Nhưng chúng tôi phải tới Bêlem trước khi mặt trời lặn”.

Làn gió bấc thổi rít lên, làm người thiếu phụ run lập cập. Nam cảm thấy thương hại bà ta: “Bác ơi, bác dùng tạm con lừa này đi. Vài bữa nữa bác trả lại cho cháu cũng được”.

Thiếu phụ tươi tỉnh lại: “Xin Chúa chúc lành cho cháu. Nhưng ba má cháu sẽ nói sao đây?”

Nam trả lời: “Không sao cả. Con lừa của cháu mà. Cháu đã mua với số tiền dành dụm được. Ba má sẽ hiểu nếu cháu thưa rằng cháu đã cho một người đàn bà mượn vì bà đang cần. Hai bác khỏi lo. Cháu dò đường về tới nhà được mà”.

Thiếu phụ nhìn chồng và hỏi: “Này Giuse, em bé này mù mắt. Chúng ta có nên nhận không?”

Ông trả lời với giọng ôn tồn: “Có lẽ là một dấu hiệu đấy, Maria ạ”, và quay về phía Nam ông nói: “Xin Chúa chúc lành cho cháu. Cháu thật là một bé ngoan”.

Nam cảm thấy hạnh phúc rạo rực trong tâm hồn. Em trở về nhà trong khi người thiếu phụ cỡi con lừa hướng về Belem.

Ðêm hôm ấy, Nam theo cha lên đồi để coi đàn cừu. Trong khi ngồi xúm quanh với các mục đồng khác, một bầu thinh lặng sâu xa phủ lấy họ. Rồi bỗng nhiên một âm thanh đến phá tan cơn buốc của đêm đông. Các mục đồng cuống quít sợ hãi. Nam nghe thấy tiếng của một thiên sứ : “Này, các mục đồng ơi ! Ðừng sợ. Tôi mang cho các bạn một tin vui cho cả thế giới. Hôm nay trong làng Bêlem, một vị Cứu tinh đã ra đời, tên là Giêsu. Các bạn sẽ thấy một trẻ vấn tã đặt trong máng cỏ”. Tiếp theo tiếng của thiên sứ là một bản hòa ca của ca đòan thiên quốc: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao, và hòa bình dưới trần thế cho những ai được Chúa yêu thương”. Lát sau, tiếng hát tắt dần, chỉ còn để lại một vệt sáng như ngôi sao chỉ đường.

Các mục đồng tiến theo hướng ngôi sao, cho đến một chuồng bò ở Bêlem. Bước vào trong, họ cảm thấy bị thu hút bởi khuôn mặt xinh xắn của em bé.

Nhưng bà Maria chú ý cách riêng đến bé Nam: “Có phải cháu đã cho tôi mượn con lừa hồi chiều không? Lại đây, tôi sẽ cho bế em bé”.

Và khi ôm lấy hài nhi, Nam thấy có gì là lạ: xung quanh có cái gì sáng sáng và ấm ấm. Thế rồi luồng sáng trở thành một hình lờ mờ, và dần dần rõ nét hơn. Nam nhận ra hình dung của em bé Giêsu. Nam vui sướng quá, quay sang nói với bà Maria: “Bác ơi, cháu thấy em bé Giêsu rồi ! Mắt cháu mở rồi ! Cháu đã hết mù !”

Sau cùng, khi các mục đồng ra về, Nam đến nói nhỏ vào tai ông Giuse: “Hai bác có lẽ còn cần đến con lừa. Hai bác giữ nó lại đi. Cháu biếu các bác đấy”.

——————————

2. Chuyến đi Bêlem

Mặt trời đã lên cao. Kor dần dần định thần lại. Tuy chưa tỉnh hẳn nhưng em cũng nghe được giọng nói của một người đàn ông: “Thằng nhỏ còn yếu lắm, chưa đủ sức đi đâu. Ðem nó vào lều của ta”.

Về sau, khi khỏe lại, Kor ngồi dậy và kể chuyện của mình cho Natanael, người thương gia giàu có và đại lượng đã cứu em.

“Con tên là Kor, Con rời xứ Phi châu với ông chủ của con. Tên ông là Rab Casper. Con luôn luôn đi theo ông chủ, nhưng khi đi qua sa mạc, bỗng nhiên một cơn bão cát nổi lên. Thế là con bị lạc, không biết ông chủ đi về hướng nào nữa. Sau đó, con lần mò đi, bị vấp phải hòn đá, té ngã xuống đất và con không nhớ gì nữa hết”.

Natanael ôn tồn trấn an: “Chúc tụng Thiên Chúa, vì ta đã gặp thấy con trong vụng cát này. Ông chủ của con cũng là người da đen hả?”

– “Dạ phải. Ở xứ chúng con, tất cả mọi người đều da đen hết. Ông chủ con thạo chiêm tinh. Ông nói là một ngôi sao lạ đã hiện ra báo tin Con Thiên Chúa đã giáng trần. Vì vậy mà chúng con lên đường về Giêrusalem để đi hỏi thăm các nhà bác học xem Thánh tử ở đâu”.

Người thương gia Do thái nhìn thẳng vào mắt thằng nhỏ. Phải chăng Vị Cứu tinh mà dân của ông trông đợi đã ra đời rồi sao ? Sau một chặp trầm ngâm, Natanael lên tiếng: “Biết đâu đấy … một nhà tiên tri đã đóan là Vị Cứu tinh một ngày kia sẽ ra đời ở Belem trong xứ Giuđêa”.

Kor vội vã chộp lời: “Thế thì con sẽ đi Belem”.

Natanel gật đầu ưng ý, và khi chia tay, ông trao cho Kor một tấm bản đồ nhàu nát và một con lạc đà. Natanel ôm chầm lấy Kor và dặn: “Ta chúc cho con tìm được ông chủ và Thánh nhi. Chúa ở cùng con”.

Kor tiếp tục lên đường, trực chỉ Bêlem. Sau ba ngày ba đêm ròng rã, Kor thấy một giếng nước bên đường. Kor dừng lại nghỉ chân và giải khát. Bỗng nhiên một đòan người dữ tợn ào ra cướp con lạc đà của Kor và toan bắt láy em về làm nô lệ. Nhưng Kor liến thoắng vùng vẫy được và lủi trốn. Nhờ trời tối đen, Kor vụt thóat được, cắm đầu cắm cổ chạy nhanh đến nỗi bọn kia không đuổi kịp nữa. Tuy đã hụt hơi, Kor vẫn cứ chạy, miệng lầm thầm: “Tôi phải tới Belem, tôi phải tới Belem”.

Chẳng may, Kor vấp phải hòn đá và té ngã lăn xuống đất. Lồm cồm bò dậy, Kor cảm thấy đau thấm thía nơi mắc cá và không thể nào đi được nữa. Kor sợ quá: “Làm sao đây? Mình cô thân cô thế, ở giữa đất xa lạ, biết cầu cứu ai?”

Lúc ấy Kor nhớ lại lời ông chủ thường nhắc đi nhắc lại rằng: “Cái sợ này sinh ra cái sợ kia. Nếu mình để cho cái sợ len vào nhà thì nó sẽ lôi theo cả bầy lâu la của nó: luống cuống, mất vía, thất kinh. Bởi vậy, hãy đuổi cái sợ đi! Phải làm chủ căn nhà của mình”.

Kor dõng dạc lớn tiếng: “Ta làm chủ đây”, và lập tức thấy an tâm. Ngó ngang ngó dọc, Kor thấy một cành cây. Kor lượm lấy và dùng làm nạng chống đi đường. Kor vất vả khập khiễng tiến về Belem.

Hôm sau, Kor đi vào một làng nhỏ. Kor gặp thấy một ông lão cũng què, đang ngồi ăn xin bên đường. Kor lễ phép hỏi ông: ” Ông ơi, cháu đang đi tìm một em nhỏ mới sinh tại Belem. Ông có thể giúp cháu được không?”

Ông lão đáp: “Ở đây có nhiều đứa nhỏ mới sinh lắm. Lão chỉ biết một đứa con của hai ông bà quê quán từ Nazareth. Họ đang trọ gần đây”. Và ông lão giơ tay chỉ một mái nhà ở cuối làng. Khi Kor đã đi rồi, ông lão còn nói vọng theo: “Chắc là đứa nhỏ mà mi đang tìm đấy”.

Kor thấy trống tim đập mạnh vì hồi hộp. Liệu có thực là đứa bé đó hay không? Làm sao biết chắc được? Có dấu hiệu gì làm chứng?

Kor tới gần một thiếu phụ đang ngồi ru con. Giọng hát của bà êm dịu làm sao, khiến cho mọi đau khổ và mệt nhọc của Kor đều biến tan hết. Kor hiểu là đọan đường thiên lý đã tới đích rồi. Cặp mắt của em ứa trào giọt lệ, trong khi cặp môi để thóat ra tiếng xúyt xoa vì sung sướng. Người thiếu phụ ngẩng đầu lên, bỡ ngỡ vì thấy trước mặt một thằng nhỏ đen thui, áo quần tơi tả.

Thế rồi bà mỉm cười đưa Hài nhi cho Kor đang trố mắt nhìn. Kor sụp lạy thờ kính Hài nhi. Bà Maria ngạc nhiên hỏi em với giọng nhỏ nhẹ: “Làm sao con biết hài nhi ?”

– Con đến từ mãi tận một xứ xa xôi, cốt để tìm lạy Hài nhi. Nhưng, bà ơi, bà tha lỗi cho con vì con không mang theo một món quà nào hết.

Bà Maria cười sung sướng: “Thôi đừng lo chi. Tất cả nhọc nhằn của con khi trèo non vượt núi để đi tìm ngài là món quà quý báu nhất rồi”.

Kor ở lại trong nhà bà Maria suốt ngày hôm ấy. Ðêm ấy, khi đang ngủ Kor tỉnh dậy vì nghe tiếng trò chuyện trong nhà. Thì ra đó là ông chủ của Kor cùng với hai nhà chiêm tinh khác. Họ đã theo ngôi sao lạ đến đây. Họ đang cung kính tiến dâng phẩm vật lên Hài nhi, kẻ mà bao thế hệ đang mong đợi.

——————————————–

3. Phép lạ đầu tiên

Azorin, văn hào Tây ban nha

Trời đã ngả về chiều. Những tia nắng cuối cùng lọt qua cánh cửa sổ bé nhỏ của quán rượu. Mọi vật đều yên lặng. Lão bắt đầu đếm các đồng tiền nằm trên bàn.

Thời giờ tiếp tục trôi qua. Trong quán rượu chỉ còn chút ánh sáng lờ mờ. Lão bỏ tiền vào một hòm chắc chắn, khóa cửa lại, và chậm rãi bước lên thang lầu.

Lão đi dọc theo hành lang trong nhà. Lão thấy một cánh cửa hé mở. “Ðã bảo là phải đóng cái cửa này lại cơ mà!” Lão gắt lên, kêu một tên đầy tớ lại. Tên đầy tớ run rẩy, lắp bắp mấy câu xin lỗi. Lão tiếp tục đi, nhưng mới được mấy bước thì dừng lại. Lão thấy mấy mụn bánh rớt trên cái ghế tràng kỷ! Lão không thể nào tin được điều nom thấy trước mắt.

“Tụi nó mưu toan phá họai tao rồi. Ðúng là chúng nó muốn phá tan cơ nghiệp của tao rồi!” Thế là lão la lối um lên. Bà vợ, con cái, gia nhân, tất cả đều xúm lại, hồn vía bay lên mây hết.

Ðã đến bữa cơm chiều rồi. Tất cả mọi người phải đến bá cáo những công việc trong ngày, từ các gia nhân trong nhà đến các tá điền làm ngòai ruộng. Lão muốn biết rành mạch họ đã làm gì, đã tiêu pha thế nào trong ngày. Tất cả bọn chúng đứng trước mặt lão, mặt mày tái mét.

Tối nay chưa thấy tên mục đồng trở về. Thường thường hắn từ ngòai đồng trở về trước khi lão ngồi vào bàn cơ mà. Tên mục đồng chăn đàn dê và cừu trong cánh đồng của lão, và mỗi buổi chiều, hắn phải nhốt bầy vật vào chuồng, rồi về bá cáo cho lão.

Lão đâm sốt ruột. Lão ngồi vào bàn mà trong ruột cồn cào vì không thấy tên mục đồng trở về, Lạ thật. Sao chưa thấy tụi nó bưng canh ra? Trễ mất một phút rồi. Thế là lão nổi sùng quát tháo. Ðứa đầy tới sợ quá làm rớt cái bát, lại càng khiến cho bà vợ với mấy đứa con rối rít hơn. Cái bát mà vỡ thì nhà nầy sắp sập rồi! Quả vậy, cơn lôi đình của lão kéo dài nửa giờ đồng hồ.

Sau cùng, tên mục đồng xuất hiện ở cửa. Lão hỏi: “Có cái gì vậy?”.

Tên mục đồng ấm úng. Hắn ngập ngừng, cầm cái mũ trên tay, mắt nhìn cắm vào lão. “Dạ, …, không có cái gì hết”. Cố gắng mãi, tên mục đồng mới thốt được mấy tiếng.

“Ðiệu mày nói như vậy thì chắc là có cái gì rồi”. Lão thét lên.

“Dạ, … dạ, … có cái gì”. Tên mục đồng ra như cụt hơi

“Ðồ ngu! Ðồ chó chết! Mày không biết nói hả? Bộ mày câm rồi hay sao? Có cái gì? Nói đi”. Lão càng gắt.

Tên mục đồng run run, bắt đầu thưa : “Dạ không có gì cả, Suốt cả ngày không có gì hết. Bầy dê và cừu ra đồng như thường lệ. Bầy dê và cừu đều khỏe tốt, ăn cỏ như mọi khi …”

Lão nhịn hết nổi: “Ðồ ngu, mầy có chịu nói không?”.

Tên mục đồng nhắc đi nhắc lại là không có gì hết. Thực đúng như vậy, suốt cả ngày chẳng có gì hết. Nhưng đến chiều khi trở về chuồng, cái chuồng nằm ở cuối làng thuộc về lão, hắn thấy một chuyện khác thường: hắn thấy có người ở trong chuồng vật.

Nghe tới đây, lão giật nảy người lên. Lão không thể cầm mình được nữa. Ông tiến tới gần tên mục đồng và quát: “Cái gì? Có người ở trong chuồng vật của tao hả? Thiên hạ không còn biết tôn trọng quyền sở hữu của người khác hay sao vậy? Tất cả tụi bây định phá họai cơ nghiệp của tao hay sao?”

Chuồng vật của lão có bốn cái vách đã mục, Cánh cửa cũ rích có thể mở ra dễ dàng. Ở phía sau có một cửa sổ nhỏ thông ra kho rạ.

Có mấy kẻ đã vào chuồng và ngủ đêm tại đó. Biết đâu bọn họ đã ở đây từ mấy bữa rồi! Hừm, láo thật, chúng dám ở trong cơ sở của lão, trên đất của lão, thuộc tài sản thánh thiêng của lão! Cơn giận của lão bốc lên đến tột độ. Ðúng rồi, chúng nó muốn giết lão đây mà! Gan thật, xưa nay đâu có ai dám làm như vật đâu! Vì thế lão muốn đích thân xem xét sự việc thế nào. Lão phải đuổi quân lang thang ra khỏi chuồng vật của lão. Lão hỏi tên mục đồng: -Tụi nó thuộc lọai người nào vậy?

– Dạ… dạ… dạ có một người đàn ông và một người đàn bà. Tên mục đồng thưa.

– Một ông và một bà hả? Rồi tụi nó sẽ biết tay tao!

Thế rồi lão chộp lấy cái mũ, xách cây gậy đi ra ngõ cuối làng, tiến về chuồng vật.

Ðêm nay trời trong suốt, yên tĩnh lạ thường. Trên không trung, các vì sao lấp lánh. Cảnh vật chìm ngập trong thinh lặng. Chỉ có một mình lão đi trên đường cái. Lão giận dữ, chống mạnh cây gậy xuống đất mỗi lần bước đi. Chẳng mấy chốc lão đã tới chuồng vật. Cánh cửa vẫn đóng cơ mà! Lão dừng lại chốc lát, rồi rón rén đi vòng ra phía sau, hé mở cánh cửa sổ nhỏ. Lão thấy một luồng sáng rực rỡ. Lão trầm trồ nhìn mộc lúc, rồi thét lên. Kinh ngạc đã khiến lão bất động. Từ bỡ ngỡ đến chăm chú, từ chăm chú đến sững sờ. Thân lão ra như dính chặt vào vách tường. Hơi thở của lão trở nên dồn dập. Chưa bao giờ lão chứng kiến một cảnh tượng như vậy. Chắc là chưa có cặp mắt trần tục nào có thể nhìn thấy điều mà lão đang trông thấy đây. Cặp mắt lão không rời khỏi cảnh bên trong chuồng vật.

Thời gian cứ thế trôi qua. Nhưng lão đâu cảm thấy gì. Ôi, tuyệt quá, đẹp quá. Ðã bao lâu rồi ? Làm sao có thể tính được giờ khắc trước quang cảnh mê say như vậy được ? Lão có cảm tưởng là hằng giờ, hằng ngày, hằng năm đã trôi qua rồi.. Thời giờ có là gì trước kỳ quan độc đáo này !

Lão lặng lẽ trở về nhà. Gia nhân mở cửa trễ mấy phút, bắt lão đứng chờ ở cửa, nhưng lão không nói gì cả. Vào trong nhà, một đứa tớ gái làm rớt cây đèn khi cô ta lúi húi bật lửa, nhưng lão không một lời trách móc. Lão chầm chậm bước theo hành lang như một chiếc bóng ma, đầu cúi xuống. Bà vợ đang ngồi chờ trong phòng, tiến ra đón lão.

Chắc bà buồn ngủ lắm, đi lọang quạng, vấp phải cái bàn, làm đổ bình hoa và mấy cái tượng. Lão không nói gì, khiến bà vợ kinh ngạc. Sao mà bây giờ lão hiền quá vậy. Lão ngồi xuống ghế, cúi gục đầu xuống, trâgm ngâm trong chốc lát, cho đến khi người ta gọi lão. Lão đứng dậy, ngoan ngõan như đứa con nít, để cho người ta dẫn vào buồng ngủ.

Hôm sau, lão tiếp tục im lặng, Một lũ hành khất đến xin lão bố thí; lão cho họ một nhúm đồng bạc. Lão không mở miệng la mắng ai nữa hết. Mọi người đều kinh ngạc: từ bà vợ, con cái, cho tới gia nhân. Không ai có thể tưởng tượng nổi sự thay đổi nơi lão. Lão không còn là một hung thần nữa, nhưng là một trẻ thơ. Chắc hẳn có gì quan trọng đã xảy ra khi lão đi ra chuồng vật. Mọi người đều lo lắng khi quan sát lão, nhưng không ai dám mở miệng hỏi. Còn lão thì im lìm suốt ngày.

Bà vợ đến gần lão, nhưng lão không mảy may tiết lộ gì về bí mật của mình. Gạ gẫm, năn nỉ, dụ dỗ mãi, lão mới kề miệng sát tai bà vợ. Vẻ mặt tái mét biểu lộ nỗi kinh hãi của bà : “Ba ông vua với một đứa nhỏ!” Bà lặp lại y hệt như lời ông nói vì không thể giữ miệng được nữa.

Lão vội lấy tay bịt miệng bà lại. “Ðược rồi, không nói cho ai biết đâu!” Bà hứa vậy, mặc dù trong lòng bà tin chắc rằng ông chồng đã ra điên rồi. Ba ông vua ở trong chuồng với một đứa nhỏ! Chắc ông lão đi đêm gặp phải cái gì trên đương rồi! Thóat chốc cả nhà đều biết là bà vợ đã biết được bí mật của lão. Lũ con đến hỏi má. Lúc đầu bà không nói. Mãi về sau, bà kề sát tai đứa con gái, và tiết lộ bí mật của ông cha của chúng. Ðứa con gái thốt lên: “Ba điên mất rồi. Tội nghiệp ba quá!”.

Lũ gia nhân được tin rằng mấy đứa con đã biết được bí mật của ông chủ, nhưng không ai dám hỏi cả. Mãi sau cùng, một bà vú già đã sống 30 năm trong nhà mới hỏi cô gái. Cô ta kề môi sát tai bà, tiết lộ bí mật của cha mình. Bà vú chắt lưỡi: “Ông ta đâm ra điên rồi. Thật tội nghiệp!”.

Dần dần ai ai trong nhà cũng biết được bí mật của lão, và tất cả đồng ý là lão đâm ra mất trí rồi. Họ lắc đầu tỏ vẻ thương hại: “Ba ông vua với một đứa trẻ ở trong chuồng vật, Tội nghiệp cho lão. Lão đâm ra điên rồi!”.

Rồi từ đó, lão không còn nóng giận, không còn quát tháo, không còn sừng sộ nữa. Gặp người nghèo, lão phân phát tiền của cho. Ai đến hỏi lão, lão nhỏ nhẹ trả lời. Cả nhà nhìn lão cách thương hạii. Ðúng là lão điên rồi. Ba ông vua ở trong chuồng vật.
Bà vợ đâm ra lo lắng. Bà cho mời một ông lang nổi tiếng đến. Ông này là một bậc thầy thông kim bác cổ, biết hết mọi điều, từ các lòai đất đá cho đến cỏ cây hoa lá lẫn các giống động vật. Khi thầy thuốc đến, người ta dẫn ngay đến thăm lão. Thầy thuốc bắt đầu chẩn mạch, hỏi han lão đủ điều: lão quen sống ra sao, ăn uống thế nào, xưa này có mắc bệnh tật gì không. Lão mỉm cười trả lời từng câu một.

Sau hàng chuỗi các câu vấn đáp, lão mới tủm tỉm tiết lộ bí mật của mình. Thầy thuốc lắc đầu nói: “Ờ, ờ .. Ba ông vua với một đứa bé ở trong chuồng vật… Ờ nhỉ… Sao lại không thể được. Ờ ờ…”.

Và ông thầy thuốc đành lắc đầu. Ông thầy thuốc nổi danh nhất đến chào bà vợ để ra về. Bà hỏi han với vẻ đăm chiêu lo lắng.

“Ông chồng của bà điên đấy! Nhưng là một thứ điên hiền lành, không có gì nguy hiểm. Bà đừng lo lắng gì. Ðiên đấy, nhưng rất hiền. Không cần thuốc thang gì hết. Chờ mấy bữa nữa xem thế nào…”.

——————————————–

4. Vị Vua thứ tư

Joannes Soergensen

Dựa vào các lưu truyền từ lâu đời, người ta đặt trong hang đá, bên cạnh Mẹ Maria với thánh Giuse, tượng ba nhà đạo sĩ, tục gọi là ba vua từ phương Ðông đến tiến dâng lễ phẩm cho Vua Trời giáng thế.

Gaspar, vua thứ nhất, dâng vàng cùng với một chiếc ly. Có lẽ một thiên sứ sẽ dùng chiếc ly đó trên núi Golgotha để hứng lấy những giọt bửu huyết của Chúa trào ra từ các dấu đinh.

Ðàng sau Gaspar là Melchior trong phẩm phục tư tế, tiến dâng Hài nhi nhũ hương, lặp lại cử chỉ của các Thượng tế tiến hương lên Ðấng Chí Tôn trong đền thờ, kèm theo các lời nguyện về tế phẩm.

Ông vua thứ ba da ngăm đen, có lẽ từ Phi châu hay Ấn độ tới. Ong đã phải băng qua biết bao sa mạc dưới ánh mặt trời thiêu đốt. Balthasar (đó là tên của ông) dâng lên Hài nhi mộc dược. Có lẽ Mẹ Maria đã cất kỹ một nơi để dành một ngày kia, khi tháo xác Chúa khỏi thập giá, Mẹ sẽ thoa xức thân thể bầm tím của Con mình trước khi tẩm liệm.

Tục truyền khi ba vua đến Belem, tìm ra hang đá nơi Chúa sinh ra, họ rón rén bước vào, cung kính đặt lễ phẩm trước mặt Hài nhi và Mẹ Maria. Nhưng Hài nhi không tỏ vẻ hài lòng với các lễ phẩm: Người không rờ khối vàng óng ánh; khói hương làm cho Người ho sặc sụa. Chợt nhìn thấy mộc dược, Người vội ngỏanh mặt đi, che giấu những giọt nước mắt trào ra trên khuôn mặt dịu dàng của thân mẫu.

Ba vua đứng dậy ra về, xem ra hơi ngượng ngịu vì không thấy Hài nhi thỏa mãn với những lễ phẩm. Nhưng khi cái cổ dài của con lạc đà cuối cùng trong đòan tùy tùng của họ biến dạng ở chân trời thì ông vua thứ tư xuất hiện.

Ông từ vịnh Ba tư đến đây. Ông mang theo ba viên ngọc quý giá nhất để tiến dâng Vua Trời mới giáng trần. Ông đến đây vì đã thấy điềm sao trên trời vào một buổi tối khi đang ngồi ngắm trăng trong vườn hồng ở Shiraz. Thế rồi ông đứng phắt dậy, thắng yên cương lên đường, bỏ lại đàng sau ly rượu nồng mới rót, tiếng sáo hót lanh lảnh, tia nước phun long lanh, giọng thỏ thẻ của người đẹp quàng tay vào cổ ông. Ông vụt đứng dậy, vào trong kho bạc lấy ra ba viên ngọc quý giá nhất, giấu trong thắt lưng, và ra đi theo hướng của ngôi sao lạ.

Sau cùng, ông đã tới … Nhưng quá muộn, bởi vì ba vua kia đã đến trước và đã về rồi. Ông này tới trễ quá… Tệ hơn nữa, ông đến với hai bàn tay trắng bởi vì những hòn ngọc không còn nữa.

Ông nâng nhè nhẹ cánh cửa chắn ngòai hang đá nơi Hài nhi cùng với Mẹ Maria và thánh Giuse đang trú ngụ. Ngày đã tàn. Hang đá tối om. Một làn hương nhẹ còn rớt lại như sau buổi kinh chiều trong đền thờ. Thánh Giuse trở lật đám rơm trong máng cỏ, chuẩn bị chỗ nằm cho Hài nhi đêm nay. Mẹ Maria tay bồng Chúa, miệng ngâm na bài hát ru con như người ta vẫn quen nghe ở Nazareth.

Ông vua thứ tư do dự, từ từ tiến lại gần Hài nhi. Ông phục mình xuống dưới chân Chúa Giêsu, và nghẹn ngào kể lể.

Lạy Chúa, con đến đây cũng như những ông vua khác. Họ tới trước và đã dâng cho Chúa lễ phẩm rồi. Con cũng mang theo lễ phẩm đấy chứ: ba viên nọc quý giá, lớn bằng trứng chim câu; ba viên mò được dưới đáy biển Ba tư. Nhưng bây giờ con không còn viên nào nữa hết. Con đến sau ba vua kia. Họ đi trước con bằng lạc đà. Con dừng lại trong một quán trọ bên đường. Nghĩ lại con thấy mình dại dột. Hơi rượu nồng làm con mê man, tiếng oanh hót làm con nhớ quê nhà. Thế là con ngủ đêm tại đó. Khi bước vào phòng dành cho lữ khách, con thấy một cụ già run lập cập vì cơn sốt rét, nằm dài trên chiếc trước lò sưởi. Không ai biết tông tích của cụ già ấy cả. Cái bị của ông rỗng tuếch. Ông lão không có tiền trả cho lương y chạy chữa thuốc thang. Người ta quyết định sẽ quẳng ông ra đường sáng hôm sau nếu trước đó ông ta chưa tắt thở.

Ôi, lạy Chúa tôi, ông lão già, da nhăn nheo, cằn cỗi, với bộ râu lởm chởm. Nhìn đến ông, con nhớ lại ông thân sinh của con. Thế rồi, Chúa ơi, xin tha cho con, con rút ra một viên ngọc và trao cho chủ quán để tìm thuốc thang chữa chạy cho ông lão, và lỡ ông chết thì lo liệu việc khâm táng cho tử tế.

Hôm sau con lên đường. Con phóng ngựa hết nước đại, mong sẽ đuổi kịp ba ông vua kia. Lạc đà của mấy ông đi chậm mà; vì vậy con mong sẽ rượt kịp họ trong chốc lát. Nhưng khi đi ngang qua một cái đèo, giữa những tảng đá nhọn cao vút nhô ra khỏi những rừng thông lá nhọn, con nghe thấy tiếng kêu cứu từ một bụi rậm. Con vội tụt xuống khỏi lưng ngựa. Thì ra một tóan lính dang xúm quanh một cô gái và toan hành hung nàng. Họ đông quá, một mình con làm sao địch lại bọn nó được. Thế rồi, lạy Chúa, xin tha cho con lần nữa, con thò tay vào thắt lưng, rút ra viên ngọc để chuộc người thiếu nữ. Nàng hôn tay con và lủi vào rừng thoăn thoắt như con sóc.

Bây giờ còn có một viên ngọc nữa thôi. Con nhất quyết mang đến dâng cho Chúa. Lúc ấy mới quá trưa một lát. Ðến chiều là con có thể tới Belem để viếng Chúa rồi. Nhưng khi đi ngang qua một làng nhỏ, con thấy các binh sĩ của vua Herot đang châm lửa đốt nhà. Những ngọn lửa đỏ bốc cháy dữ dội dưới ánh mặt trời làm cho không khí ngột ngạt. Các tên lính tuân hành lệnh vua Hêrot tàn sát các nam nhi từ hai tuổi trở xuống. Bên cạnh một căn nhà đang cháy, một tên lính nắm lấy cẳng một đứa trỏ trần truồng, khóc thét, dẫy dụa. Tên lính đu đưa tòn ten và cười ha hả: “Bây giờ tao đếm một hai ba, rồi tao sẽ thảy thằng nhỏ vào lửa thành thịt nướng coi chơi!”. Bà mẹ đứa bé thét lên rồi ngất lịm. Lạy Chúa, xin tha cho con. Con lấy viên ngọc cuối cùng, trao cho tên lính tàn ác để nó buông tha đứa nhỏ, trả lại cho bà mẹ. Bà mẹ ôm chặt đứa con, không kịp nói tiếng cám ơn, lủi thủi chạy đi mất. Lạy Chúa, xin tha cho con, bởi vì thế mà con đến đây với hai bàn tay trắng.

Khi ông vua thứ tư dứt lời, một cảnh yên lặng bao trùm tất cả hang đá. Ông gục mặt xuống đất một hồi lâu. Sau cùng, ông ngẩng mặt lên. Thánh Giuse đã trở rơm xong rồi. Mẹ Maria nhìn Hài nhi nằm trong lòng. Hài nhi ngủ chưa vậy? Nhưng không, Hài nhi không ngủ. Hài nhi mở mắt nhìn ông vua Ba tư. Mắt của Hài nhi sáng lên. Hài nhi giơ hai bàn tay non nớt nắm lấy hai bàn tay của ông Vua, và mỉm cười.

———————————————

5. Sự tích con đom đóm

Renato Greggi

Ðêm hôm ấy, trời tối đen như mực. Những đám mây dầy đặc đã che phủ cả bầu trời, và không một ngôi sao nào chịu hé ra một chút tia sáng. Giữa cảnh thinh lặng nặng nề trên sa mạc, bỗng nhiên người ta nghe thấy tiếng sụt sùi thút thít. Thế là một đàn côn trùng li ti kéo nhau về phía phát ra dấu hiệu duy nhất của sự sống trên cánh đồng vắng lặng.

Một con lừa và một người đàn ông đang ngủ trên mặt cát, kề sát nhau để lấy hơi ấm. Ngồi bên cạnh là một thiếu phụ quấn mình trong chiếc khăn rộng, tay bồng đứa con nhỏ đang ngủ. Chị ta khóc nấc lên. Một con trùng đáp xuống trên chiếc khăn của chị và hỏi: “Tại sao bà khóc vậy?”

Chị ta giật mình, nhưng sau khi thấy mấy con vật nhỏ bé không làm gì hại mình, chị tự trấn an và thuật chuyện cho chúng như sau:

“Ông vua Hêrốt tàn bạo ghét đứa con nhỏ của tôi, và ra lệnh giết nó. Nhưng một thiên thần đã báo tin cho chúng tôi, cho nên chúng tôi đã trốn kịp thời. Tuy vậy, các thuộc hạ của vua đã truy được dấu vết của chúng tôi và đang truy nã chúng tôi. Có lẽ sáng mai họ sẽ đuổi kịp, bởi vì chúng tôi di chuyển chậm chạp còn họ thì phóng ngựa như bay. Vì vậy chúng tôi cố gắng lợi dụng ban đêm để đi xa chừng nào hay chừng đó. Nhưng mà trời tối quá … Chồng tôi và con tôi đang ngủ. Còn tôi vì không thấy mệt lắm, và cứ lo sợ họ bắt được chúng tôi, cho nên tôi không chợp mắt được… Bây giờ tôi sẽ đánh thức chồng tôi dậy và tiếp tục lên đường. Cầu mong sao đừng rơi vào cái hố nào hay đi trật đường! Thật là khó định hướng khi không có ngôi sao hướng dẫn ! Tôi lo không chừng mình lại đi ngược chiều đâm đầu vào chính đồn công an thì tàn đời !

Một con vật lên tiếng thay cho tất cả bọn: “Chúng cháu thấy rõ đường cả lúc tối trời. Chúng cháu sẽ đưa bà đi tới biên giới cách đây không xa lắm đâu. Bà đừng lo: chúng cháu sẽ dẫn hướng cho bà và báo cho bà biết những nguy hiểm dọc đường”.

Người thiếu phụ mừng rỡ : “Ôi may quá. Cám ơn các cháu. Chúa sẽ trả ơn cho các cháu”.

– Nào, chúng ta lên đường. Ý tứ cẩn thận nhé, vì có nhiều gập ghềnh đấy.

Người đàn ông cũng được đánh thức dậy, và sau khi bàn tính về đề nghị của các côn trùng, ông ta vui vẻ nhận lời và thắt yên ngựa lên đường..

Người thiếu phụ bế con cưỡi trên lưng lừa, còn người đàn ông dẫn con vật dựa theo tiếng vo ve của lòai trùng: – Rẽ qua trái !

– Ðường gồ ghề !

– Coi chừng hòn đá !

– Trước mặt có hố !

Sau ba giờ đi bộ giữa đêm tối, họ đã tới con lạch đánh dấu biên giới của vua Hêrốt. Họ lội qua dòng nước và thở ra cái phào nhẹ nhõm. Người thiếu phụ lên tiếng: “Thế là thóat rồi ! Cám ơn các cháu vì đã giúp chúng tôi và bé Giêsu. Chà, giá mà bé tỉnh giấc thì chắc sẽ cám ơn các cháu đấy. Nhưng thôi, để bé tiếp tục ngủ…”

Các côn trùng đáp lại xuống gần em bé. Chúng thấy một khuôn mặt hồng với vài sợi tóc vàng óng ánh. Chúng lần lượt đáp xuống trên mái đàu xinh xinh ấy để tặng một cái hôn trìu mến.

Ơ kìa, lạ chưa: khi cất cánh bay lên không trung, thì phần thân thể của chúng đã chạm vào mái tóc óng ánh của bé Giêsu trở nên sang lung linh như những tia sáng của các vị sao trên bầu trời còn tối đen.

Người đàn ông hỏi chúng: “Các cháu tên gì? Tôi muốn biết tên các cháu để sau này kể ơn các cháu cho thiên hạ biết”.

Bọn côn trùng rầu rĩ thưa: “Chúng cháu thân sâu bọ thấp hèn quá, cho nên chẳng ai đóai hòai đặt tên cho chúng cháu cả”.

Người thiếu phụ xen vào: “Ðược rồi, tôi sẽ đặt tên cho. Các cháu sẽ mang tên là con đom đóm: các cháu sẽ mang tia đóm của sao trên trời xuống trên mặt đất này nhé”.

———————————

6. Con chiên thứ ba

Mala Powers

Làng Fals trong miền cao nguyện nước Áo chuyên về nghề đẽo tượng bằng gỗ. Ðiểm đặc biệt của họ là họ chỉ đẽo các tượng đặt trong hang đá Sinh nhật chứ không dám đẽo hình tượng nào khác. Chẳng may gặp một thời làm ăn khó khăn: không ai đặt hàng mua tượng nữa. Chẳng mấy chốc mà dân làng trở thành nghèo và đói.

Một buổi chiều kia, ông Tâm, một tay thợ đẽo gọt có tiếng của làng, đi vào xưởng làm việc. Ông bắt gặp một em bé tóc vàng đang giỡn chơi với những con vật đang quỳ bên cạnh hang đá Chúa Hài đồng. Ông Tâm ngạc nhiên bởi vì ông không hiểu vì sao em bé khôi ngô như vậy, tuy quần áo rách rưới, mà không được ai dạy dỗ cho biết các tượng trong hang đá đâu phải là đồ chơi trẻ con.

Như đoán được ý của ông Tâm, em bé nâng bổng một con chiên, ôm sát ngực và thưa với ông: ” Chúa Hài đồng sẽ không giận đâu. Chúa biết rằng cháu không có đồ gì để chơi cả”.

Ông Tâm nghẹn ngào : “Ðược rồi, bác sẽ đẽo cho cháu một con chiên nhé, một con chiên biết lúc lắc cái đầu. Sáng mai cháu trở lại đây mà lấy. À này, nhà cháu ở đâu, sao bác không hề thấy cháu bao giờ?”

“Ðằng kia kìa !”. Vừa nói em bé vừa chỉ tay về phí trên cao chóp núi. “Cháu ở với ba cháu”.

Hôm sau, trước khi ăn trưa, ông Tâm đã đẽo xong con chiên rồi. Ông đang định đóng cửa đi ăn thì một thiếu phụ bồng con đến xin bố thí. Ông Tâm buồn rầu vì không có gì để cho hai mẹ con. Trong khi đó, thằng bé vơ lấy con chiên vừa mới đẽo, và khi ông tìm cách lấy lại thì nó khóc thét lên.

Vốn có lòng tốt, ông Tâm trao lại con chiên cho nó, và nó cười khóai trí khiến cả xưởng đều vui lây.

“Thôi cũng được”, ông Tâm tự nhủ, “ta sẽ đẽo con chiên khác thay thế”.

Chiều tối đến, ông Tâm vừa đẽo xong con chiên thứ hai thì thằng Hòang, một đứa trẻ mồ côi, đến thăm ông. “Ôi con chiên đẹp quá ! Bác cho cháu đi, Ngày mai cháu vào cô nhi viện, và cháu muốn mang theo con chiên này cho có bạn”.

Ông Tâm tử tế đáp: “Ừ, thì lấy đi, Hoàng. Bác sẽ đẽo con chiên khác”.

Ông Tâm đẽo con chiên lần thứ ba. Nhưng em bé tóc vàng vẫn không thấy trở lại. Con chiên cứ nằm trên ngăn kệ của xưởng làm việc.

Tình trạng của làng Fals càng ngày càng tệ. Lần đầu tiên ông Tâm nghĩ đến việc đẽo các thú vật và đồ chơi cho các em bé để chúng quên đi cái đói cào ruột.

Thế rồi một hôm, có một người lái buôn đi ngang xưởng làm việc của ông Tâm. Gã đề nghị mua hết tất cả các món đồ chơi mà ông Tâm đã chế ra. Nhưng ông từ chối bởi vì ông không muốn đẽo để lấy tiền. Người lái buôn trước khi ra đi còn nói thêm: “Tôi còn ở lại đây mấy ngày nữa, trọ ở quán đầu làng. Nếu bác thay đổi ý kiến thì cứ đến báo tôi”.

Ông Tâm thẳng thắn trả lời: “Không bao giờ tôi đổi ý đâu, trừ khi Chúa gửi đến một điềm lạ”.

Một lát sau, cha xứ trong làng đến xưởng ông Tâm để xin ông ta con chiên thứ ba còn nằm trên ngăn kệ. Cha muốn xin cho bé Dung đang đau nặng. Ông vui vẻ đáp : “Ðược rồi, chính con sẽ mang nó đến tận nhà em bé Dung”.

Khi ông Tâm từ nhà bé Dung trở lại xưởng, ông đi ngang một cánh đồng phủ đầy tuyết. Thình lình em bé tóc vàng xuất hiện ngay trước mặt ông. Ông Tâm thốt lên: “Bé ơi, bác đã giữ con chiên thứ ba cho đến mãi hôm nay. Sao cháu không tới ? Thôi, bác sẽ đẽo con chiên khác”.

Nhưng em bé lắc đầu: “Không, cháu không cần con chiên khác. Những con chiên mà bác đã biếu hai mẹ con xin bố thí, hoặc biếu cho thằng Hòang, hoặc cho bé Dung là bác biếu cho cháu đấy”.

Rồi em bé xòa bày tay ra. Từ ánh sáng lung linh tỏa chiếu từ em bé, ông Tâm thấy bóng một cây thánh giá trên mặt tuyết. Ông chợt hiểu và quỳ gối xuống.

Em bé mỉm cười nói tiếp : “Này bác Tâm, bác biết không ? Ðẽo một đồ chơi cũng có thể làm vinh danh Thiên Chúa như khi đẽo các tượng thánh đặt trong hang đá nhà thờ. Tiếng cười nắc nẻ của một em bé thơ ngây cũng làm vui tai Thiên Chúa như ca đoàn hợp tấu của các thiên sứ vậy”. Trong nháy mắt, em bé biến mất.

Tối hôm ấy, ông Tâm ra quán trọ đầu làng để gặp gã lái buôn.

– Ðược rồi, tôi sẽ đẽo đồ chơi mà bác muốn.

– Thế là bác đổi ý rồi chứ ? Gã lái buôn hỏi lại.

– Không. Tôi đã nhận được điềm từ trời.

Ðôi mắt ông Tâm ngấn lệ.

—————————————

7. Tên khổng lồ ích kỷ

Oscar Wilde (1856-1900)

Mỗi buổi sáng, khi tan lớp học, bầy trẻ ùa vào khu vườn của chàng khổng lồ. Ðó là một khu vườn rộng mênh mông, với lớp cỏ xanh rì và mịn màng, với những bông hoa thấp thó đây đó tựa hồ những ngôi sao lấp lánh. Ðó là chứ nói đến những cây đào với cành hoa màu hồng vào mùa xuân và mang lại những chùm trái ngọt khi bước sang thu. Thỉnh thỏang, những đàn chim đáp xuống trên ngọn cây, cất giọng hát líu lo, kéo chú ý của cả đàn trẻ đang nô đùa, khiến chúng nín lặng để nghe chim ca.

Bỗng một hôm tên khổng lồ trở về nhà. Hắn đi vắng từ bảy năm nay, đi thăm ông Chằng Mập Thù lù, bạn của hắn. Sau khi đã nói hết những chuyện phải nói rồi, hắn trở về lâu đài của mình, và quyết định sẽ không bao giờ ra khỏi nơi này nữa. Về tới nhà, hắn thấy trong vườn của hắn có một bọn con nít nô đùa. Hắn tức giận la hét: “Tụi bây làm gì trong khu đất nhà tao vậy?”

Bọn trẻ sợ hãi, chạy trốn hết. Hắn được dịp nạt thêm: “Vườn nhà tao là của tao, không được đứa nào lui tới, nghe rõ chưa ? Tao sẽ xây bức tường thật cao và viết rõ bản cấm vào”.

Bọn trẻ buồn hết chỗ nói. Tên khổng lồ ích kỷ quá. Từ nay bọn trẻ hết chỗ chơi rồi. Ðường sá thì bụi bặm và lởm chởm đá sỏi. Mỗi lần tan học, đi ngang qua bức tường vây quanh khu vườn của tên khổng lồ, bọn trẻ không ngớt tiếc xót: “Chà, trước đây tụi mình chơi giỡn trong đó thật là thích”.

Thế rồi mùa xuân đến. Cánh đồng lại trổ bông, Ðàn chim lại trở về trên các ngọn cây. Nhưng trong khu vườn của tên khổng lồ thì mùa đông vẫn kéo dài. Ðàn chim không đáp xuống ca hát vì không thấy trẻ em; các cành đào cũng quên trổ bông nữa.

Một bữa nọ, một nụ hoa vừa ló đầu khỏi mặt đất, chợt thấy bản cấm mà tên khổng lồ đã treo, thì nó vội chui tụt xuống đất và ngủ tiếp. Duy chỉ có bà Tuyết với ông Băng là khóai chí: “Chà, nàng Xuân đã quên khu vườn này rồi. Tụi mình có thể ở lại đây suốt năm luôn”.

Thế là ông Băng tiếp tục phủ các cành cây, còn bà Tuyết thì trải lớp thảm trắng che cả cánh đồng cỏ. Chúng còn mời thêm cả cơn gío bấc rít lên dữ dội cả ngày, và rủ mưa đá đập bể các cửa sổ, gạch ngói.

Tên khổng lồ rét run, sợ hãi khi nhìn qua cửa sổ: “Không hiểu tại sao năm nay không thấy mùa xuân đến. Mong sao cho thời tiết khá hơn một tí, chứ cứ điệu này thì chết mất !”. Nhưng mùa xuân rồi đến mùa hè vẫn không tới. Khi trong thôn xóm, mùa thu đã làm chín các trái cây, thì khu vườn của tên khổng lồ vẫn chìm dưới tuyết, băng, gió bấc và mưa đá.

Một buổi sáng nọ, tên khổng lồ thức giấc và nghe thấy một điệu nhạc rất êm dịu: “Cái gì vậy kìa? Dàn nhạc của nhà vua chăng?”

Nhưng không, đó là tiếng hát của chim sơn ca. Ðã từ lâu lắm tên khổng lồ không còn nghe chim hót, nên hắn không còn biết phân biệt các điệu nhạc nữa.

Lạ chưa! Vừa nghe tiếng chim ca, gió bấc không còn gào thét nữa, mưa đá không đập vào mái nhà nữa. Tên khổng lồ mừng rỡ: “Mùa đông đã qua rồi!”. Hắn nhảy phóc xuống giường, nhìn ra cửa sổ. Hắn thấy cảnh tượng lạ lùng. Một bầy trẻ đã xuyên thủng bức tường, và lọt vào khu vườn. Chúng leo trèo trên các cành cây. Nghe tiếng trẻ nô đùa, các cây cỏ tươi tỉnh lại, phủi hết lớp tuyết trên đầu. Các bông hoa cũng chui ra nhỏen nụ cười với bầy trẻ. Ðàn chim cũng không chịu thua: chúng thi nhau trổ những giọng líu lo du dương nhất.

Duy có một góc vườn vẫn còn mùa đông. Ðó là một góc vườn xa nhất. Một em bé tí hon đang loay hoay đi vòng quanh một cây cổ thụ phủ đầy tuyết. Gío bấc thổi từng tràng khiến cây cổ thụ run lập cập với các cành lá cứ trĩu xuống mặt đất. Cây cổ thụ rên siết van lơn em bé tí hon: “Bé ơi, ráng chạm đến ta đi, bám vào ta đi !”.

Em bé cố gắng vươn lên để chạm cành cây cổ thụ, nhưng với mãi không tới. Tên khổng lồ cắm mắt nhìn cảnh tượng ấy, lòng bồi hồi cảm động; “Bây giờ ta đã hiểu rồi. Ta ích kỷ quá … Ðược rồi, từ nay mùa xuân phải trở về trên khu vườn của ta. Ta sẽ đặt em bé tí hon trên cành cây, rồi ta sẽ đạp đổ bức tường. Vườn của ta sẽ mãi mãi thuộc về đàn trẻ thơ”.

Tên khổng lồ từ từ bước xuống thang lầu và tiến ra mở cánh cổng của lâu đài, Vừa thấy hắn, bọn trẻ hỏang sợ chạy tán lọan.

Khu vườn trở lại mùa đông giá. Nhưng em bé tí hon trong góc vườn không nhích gót, bởi vì em không thấy tên khổng lồ. Hắn tiến lại gần em bé, và nhẹ nhàng nâng bổng em lên, đặt êm trên một cành cây.

Bỗng nhiên, các cành cây đều nở rộ bông hoa, các đàn chim kéo đến ca hát, em bé tí hon quàng tay lên cổ tên khổng lồ và tặng hắn một cái hôn yêu mến.

Khi các đứa trẻ thấy tên khổng lồ không còn dữ tợn nữa, chúng lại trở vào vườn, và mùa xuân cũng chạy theo chúng.

“Từ nay vườn này thuộc về các cháu”, vừa nói tên khổng lồ vừa đạp đổ bức tường.

Ðến trưa, các bà mẹ đi chợ về có thể thấy tên khổng lồ đang đùa giỡn với các thiếu nhi trong khu vườn đẹp nhất trên thế giới.

Chiều đến, tất cả các thiếu nhi đến từ gĩa tên khổng lồ. Tên khổng lồ nhìn trước nhìn sau nhưng không thấy em bé tí hon, em bé đã hôn chàng.

“Em bé tí hon đâu mất rồi ? Em bé mà ta đã đặt trên cành cây ấy mà ?”

Các em trả lời: “Chúng cháu cũng không biết nữa. Chắc nó về nhà rồi”.

Tên khổng lồ nhắn các em: “Nhắn em ấy trở lại đây ngày mai nhé”.

Nhưng không ai biết em bé tí hon ở đâu, bởi vì trước đó chưa ai thấy các em cả. Tên khổng lồ buồn lắm. Mỗi ngày, khi tan học, các em nhỏ vào chơi trong vườn, nhưng không thấy em bé tí hon đâu. Tên khổng lồ dò hỏi tin tức của em, mong muốn gặp em, nhưng không cách nào tìm ra chỗ em ở.

Năm tháng trôi qua.Tên khổng lồ trở nên già. Hắn không thể đùa giỡn với các thiếu nhi nữa. Mỗi ngày hắn chỉ ngồi trên ghế để xem các chạy nhảy tung tăng trong vườn. Hắn ngẫm nghĩ: ” Vườn ta lắm hoa thật, nhưng không hoa nào đẹp cho bằng các nhi đồng”. Bây giờ hắn không còn sợ mùa đông nữa, vì hắn biết rằng vào mùa ấy, nàng Xuân đi ngủ một giấc, các bông hoa cũng xả hơi nhưng rồi sẽ tới lúc xuân thức giấc và hoa lại nở.

Bỗng nhiên, tên khổng lồ dụi mắt và trân tráo nhìn thẳng về đàng trước: có cái gì lạ thường quá! Trong góc vườn xa tít nhất, có một cây phủ đầy hoa trắng tinh. Từ những cành cây bằng vàng óng ánh, những trái bằng bạc buông thõng xuống. Dưới các cành cây là em bé tí hon mà tên khổng lồ tìm kiếm bao nhiêu năm nay. Hắn liền xuống thang lầu, mở cửa lâu đài và tiến nhanh về phía em bé tí hon ấy. Nhưng khi đến gần em bé, hắn liền nổi sùng trừng trộ: “Ai đã làm hại em bé này vậy?”.

Thực ra hai bàn tay của em mang vết thương còn đỏ máu và đôi chân xinh xắn của bé có dấu đinh đâm thủng. Tên khổng lồ hét lớn: ” Ai cả gan làm em bé bị thương thế này? Nói cho ta biết, và ta sẽ lấy gươm phanh thây nó ra!”.

Nhưng em bé trả lời nhỏ nhẹ: “Không có ai hết. Ðây là những vết thương của tình yêu thương”.

“Thế thì em là ai vậy?” Tên khổng lồ?hỏi lại. Bỗng nhiên hắn thấy sờ sợ, và quỳ phục xuống đất.

Em bé mỉm cười: “Bữa nọ, ngươi đã cho ta được giỡn trong vườn của ngươi. Hôm nay, ngươi sẽ được vào vườn của ta tức là Thiên đàng”.

Chiều hôm ấy, sau lúc tan học, khi các trẻ em trở lại khu vườn để nô đùa, chúng thấy tên khổng lồ nằm chết dưới cây, mình phủ đầy hoa trắng.

————————————–

8. Lễ Giáng sinh của bác May

Guido Gozzano

Ngày Chúa Giêsu ra đời, ở một xứ xa xăm kia có một nông dân kia tên là May. Vợ bác đã mất, để lại cho bác một bầy con nheo nhóc.

Hôm ấy là ngày áp lễ Chúa Giáng sinh. Bác May đứng ở thềm cửa, mắt đăm chiêu với bao mối ưu tư. Tiền không có, việc làm cũng không: biết lấy gì nuôi đàn con nhỏ dại đây ?

Bỗng nhiên bác nghe thấy một tiếng thét trong nhà: bọn trẻ rú lên. Bác định chạy vào xem có chuyện gì xảy ra thì thấy một kẻ vô danh đứng cản trước mặt: “Này bác May, bác đang nghĩ cái gì đó ? Sao vẻ mặt buồn thế ?”

Bác May ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của người lạ mặt. Nhưng bác đã sớm định thần lại và đáp: “Thưa ông, tôi buồn đâu phải không có lý do. Mấy đứa con tôi đang đói mà trong nhà không còn một mẩu bánh. Tôi thì thất nghiệp. Biết làm sao đây?”

– Nếu bác chịu làm việc cho tôi, tôi sẽ trả lương bội hậu cho bác.

– Thế thì còn gì hơn nữa!

– Ðược rồi, ngày mai bác lên trên đồi phát hết đám cỏ tranh kia, rồi tới chiều tôi sẽ trả công cho.

– Nhưng mai là lễ Chúa Giáng sinh, lễ trọng nhất trong năm. Ông quên rồi sao ? Ðể tới sau ngày lễ tôi sẽ bắt đầu.

– Như vậy là bác đâu có thiếu tiền như bác đã than đâu ?

– Này, có Chúa làm chứng, tôi đang chết đói đây nè !

– Vậy bác cứ làm theo như tôi đã chỉ.

Lúc ấy bác May nghe tiếng khóc rên của lũ trẻ từ bên trong nhà ra như hối thúc ông quyết định mau lẹ.

– Thôi được. Tôi sẽ làm như ông bảo, bởi vì mấy đứa con nhỏ. Chúa thấy hết mọi sự. Chắc Ngài sẽ tha thứ cho tôi.

– Rồi nhé ? Sáng mai ra gặp tôi trên đồi, và đến chiều tôi sẽ trả tiền công.

Nói xong người lạ mặt biến mất.

Sáng hôm sau, bác May dậy rất sớm. Sau khi đọc kinh sáng như thường lệ, bác chấm tay vào nước thánh làm dấu thánh giá. Bác còn dừng lại ở cửa, ngần ngừ đôi chút. Sau cùng, bác xách liềm lên ngọn đồi, và bắt đầu phát cỏ.

Bác làm việc suốt ngày. Thỉnh thoảng luồng gió thổi đến, mang theo tiếng ngân của hồi chuông giáo đường giục giã báo tin ngày đại lễ.

Bác May tiếp tục phát cỏ, miệng lâm râm mấy câu kinh, và thỉnh thỏang lẩm nhẩm: “Chúa thấy rõ mọi sự. Ngài sẽ tha thứ cho tôi”.

Vào mùa đông, mặt trời sớm lặn. Bác May ngừng tay lại, ngồi nghỉ giây lát trên một phiến đá, thấp thỏm chờ đợi. Sao người lạ mặt không thấy tới nhỉ ?

Bỗng nhiên bác nghe tiếng lách tách. Quay mặt lại, bác thấy tất cả đám tranh bốc lửa cháy hết. Trong phút chốc chỉ còn đám tro tàn. Bác May òa lên khóc.

– Thôi thế là công toi rồi. Tôi đã làm việc suốt ngày, bụng đói. Bây giờ thì chỉ còn lại bàn tay trắng. Ôi, tội cho tôi quá !

– Kìa, bác May. Có gì mà khóc lóc om sòm vậy ?

Bác May dụi mắt ngẩng đầu lên và thấy lờ mờ bóng của một người lạ mặt khác. Bác kể lể sự tình : – Tôi biết là tôi có tội vì đã lỗi ngày lễ trọng. Nhưng đàn con tôi đang đói nheo nhóc… biết làm sao được ?

Người lạ mặt tiến lại gần, cầm tay bác, ôn tồn an ủi: “Ðừng lo gì. Bác May ạ. Tôi sẽ trả công cho bác bội hậu. Bác về nhà đi và sẽ thấy phần thưởng. Nhưng bác phải sử dụng khôn khéo gia tài của bạn nhé. Bác đừng bao giờ đóng cửa nhà hay đóng túi tiền trước mặt người bất hạnh”.

Rồi người lạ mặt biến mất.

Bác May vội vã trở về nhà. Bác dụi mắt mấy lần vì cứ tưởng mình đang mơ. Căn nhà tồi tàn không còn nữa. Giữa một lùm cây cổ thụ hiện ra một ngôi biệt thự với cửa sổ sáng choang của buổi dạ hội. Các con cái đứng chờ bác ở cửa, mặt mày hớn hở, xúng xính trong bộ đồ mới. Chúng níu tay bác, lôi vào nhà, tới trước bàn tiệc thịnh sọan. Bức tường dơ bẩn trước kia giờ đây đã được sơn quét lại. Màng nhện, mồ hóng biến đi hết. Trên tường chỉ còn lại cây thánh giá: cây gỗ thánh giá xưa nay dùng làm bàn thờ cầu nguyện. Bác May xúc động quỳ gối trước cây thánh giá, nghẹn ngào không tả nổi hết sự sung sướng.

Kể từ đó, bác May thay đổi nếp sống. Bác tậu thêm những mẩu ruộng của người láng giềng. Dần dần cơ nghiệp của bác cứ nới rộng cho đến tận chân trời. Thiên hạ đều sửng sốt trước sự giàu sang của bác, và đóan rằng bác mới đào được một kho tàng ẩn giấu đâu đó.

Về phần bác May, bác giữ lời hứa với người ân nhân vô danh. Khong kẻ bạc phước nào đến gõ cửa nhà bác mà không nhận được một lời an ủi và ít tiền độ đường.

Nhưng rồi tính tình bác dần dần thay đổi. Tiền bạc khiến con tim thành chai đá. Bác quên thân phận long đong trước đây. Chung quanh bác chỉ còn những đứa nịnh bợ, tâng bốc. Bác cũng chỉ muốn làm quen với người quyền thế. Bác May đại-phú-gia không mấy chốc biến thành kiêu căng ngạo nghễ.

Thóat chốc một năm trôi qua. Lễ Giáng sinh đã đến, ngày lễ trọng đại đã làm thay đổi cuộc đời bác từ năm ngoái. Bác May mở tiệc thịnh sọan, mời hết các phú gia và thân hào trong xứ. Trên tường phòng ăn, bác ra lệnh cất cây thánh giá đi. Bác cùng ra lệnh cho gia nhân không được để tên hành khất nào lai vãng đến lâu đài. Hai võ sĩ lực lưỡng được đặt ở cổng để ngăn cản những ai không có thiệp mời khỏi bén mảng tới buổi hội.

Tuy vậy, khi các thực hành sắp sửa ngồi vào bàn tiệc, không hiểu bằng cách nào mà một lão hành khất lọt được vào sân. Bọn gia nhân tức tối, xúm lại lôi xếch lão ra cổng: “Ai cho mày vào đây, cút đi!”

Và họ còn giơ gậy lên để dọa nạt lão, bất chấp tiếng van lơn: – Vì lòng Chúa nhân từ, xin ngài hãy cứu giúp kẻ bất hạnh này!

– Không được. Hôm nay là ngày lễ. Mai trở lại, người ta sẽ cho.

Nhưng lão cứ năn nỉ, la lớn tiếng ra như muốn cho những thực khách cũng nghe thấy. Quả vậy, bác May đã nghe thấy. Bác mở cửa sổ, tức giận vì những tiếng om sòm đã làm khuấy động bữa tiệc đang vui. Bác quát: “Tao đã bảo là phải ngăn cản hết những tên ăn mày. Ðuổi thằng đó ra. Nếu nó không chịu nghe, thì sổ chó dữ ra đuổi”.

Bọn gia nhân thả bầy chó bẹc-giê ra. Nhưng mấy con chó chỉ liếm tay lão. Lão buồn rầu, lắc đầu và rút lui.

Bác May trở vào bàn tiệc, tiếp tục ăn uống, cười nói hả hê.

Một lát sau, một cỗ xe lộng lẫy với bốn con bạch mã tiến vào sân lâu đài. Nhìn qua cửa, người ta thấy một ông hòang với bộ y phục óng ánh kim cương.

Lũ gia nhân đến báo cho ông chủ. Bác May rời bàn tiệc, tiến ra cửa để đón tiếp thượng khách. Bác May cúi rạp mình xuống đất, miệng ấp úng vì được ông hòang chiếu cố đến thăm bác. Nhưng ông hòang từ chối.

– Cám ơn, tôi không vào. Hồi nãy tôi tới đây như một kẻ hành khất, các người xịt chó đuổi tôi. Bây giờ tôi đến trong y phục một ông hòang thì các người cúi rạp xuống đất. Mời ông lên xe đi với tôi một lát, vì tôi có chuyện cần phải nói.

Bác May theo ông hòang đến tận chân đồi, nơi mà năm ngóai ông đi phát cỏ tranh.
– Này bác May. Bác quên lời hứa cách đây một năm rồi ư? Một năm giàu sang phú quý đã đủ để biến một con người đạo đức thành một tên kiêu căng. Tài sản đã làm con tim thành chai đá. Ðã thế thì sự khó nghèo sẽ làm con người trở lại đạo hạnh.

Người lạ mặt biến mất. Bác May quay trở lại lâu đài. Nhưng lâu đài không còn nữa. Tuyết phủ đầy cảnh vật. Ðàng sau lùm cây, bác thấy một mái nhà điêu tàn như hồi xưa, với ngọn đèn dầu leo lét. Về gần tới nhà, bác nghe tiếng mấy đứa nhỏ khóc vì bụng đói.

Lâu đài, gia nhân, bàn tiệc biến đâu hết rồi. Bác May cảm thấy sự xúc động trở lại trong con tim. Thế là bác trở về với cuộc đời khó nghèo, cuộc đời tìm sự cứu độ.

Ngày lễ Giáng sinh. Chúa Giêsu xuống thế dưới những bộ mặt khác nhau để răn bảo người đời.

———————————–

9. Cuộc tìm kiếm

Ernest Hello

Ông ta là Hòang Ðé vĩ đại nhất trong thiên hạ thời đó. Sánh với ông, các vương tước chỉ xếp ngang hàng với xã trưởng. Mỗi chiếc cột trong sân cung điện của ông là một di tích lịch sử mang dấu kinh đô của các cường quốc trên thế giới.

Lũ bầy tôi mỗi lần đến phục dịch đều sấp mặt sát đất khi tới gần ông ta. Và họ làm một cách tự phát chứ không do ai cưỡng bách cả, bởi vì họ thấy bị đè bẹp trước vẻ oai phong lẫm liệt của ông.

Bên cạnh vẻ uy nghi giàu sang như vậy, chắc hẳn ông hạnh phúc lắm. Ðến nỗi thần dân không hề dám nói “sướng như đức vua” bởi vì sợ làm giảm giá hạnh phúc của ông khi mang so sánh với các vật phàm khác. Nhân dân xem ra hãnh diện vì được một ông vua như vậy. Người ta nói rằng chỉ cần thấy vua hạnh phúc là mình cũng đủ sướng rồi.

Thế nhưng từ ít lâu nay trời có vẻ tối sầm lại. Mặt trời hình như đã bớt sáng, nhân dân cũng bớt vui. Nhưng không ai dám hỏi xem phải chăng đã có làn mây nào đã thóang qua vầng trán của nhà vua chăng. Thật vậy, trên vầng trán của nhà vua một làn mây đã cả gan dám bay qua.

Thường thường nhà vua ít khi xuất hiện lắm. Ông ngủ tận trong thâm cung. Ông chỉ tiếp những cận thần nào mà ông ngỏ ý muốn thấy mặt. Ai vô lễ dám nhìn vua mà không được chính thức được triệu đến hay ban phép thì sẽ bị xử tử tức khắc.

Một bữa kia, vua triệu tập các quan đại thần và các học sĩ và hỏi: “Tâm thần ta đang bị một đòi hỏi mới ám ảnh và dày vò. Danh giá của ta là một gánh nặng; việc cai trị đối với ta đã nhàm chán. Ta muốn biết Thượng đế ở đâu. Ta muốn biết danh tánh của Ngài”.

Mỗi quan đại thần và học sĩ lần lượt nêu lên một danh tánh. Ðang giữa buổi triều yết trang nghiêm như vậy bỗng có tiếng xôn xao náo động ngòai sân đình. Nhà vua hỏi : – Cái gì vậy?

– Tâu thánh thượng, xin Ngài đừng bận tâm. Ðó là một con chó mà hạ thần muốn đuổi đi đấy thôi !

Nhưng thực ra đâu phải là một con chó, mà là một người hành khất. Duy có điều là cả nước đều biết tên hành khất đó. Người ta gọi hắn là Thằng Chó, vì thấy hắn khốn nạn lắm. Sánh với hắn, các người hành khất khác xứng với hàng quan lại. Người ta nói rằng hắn đi bốn cẳng giống như con chó vậy. Vì thế không biết có phải là người hay là con chó hiện thân nữa !

Buổi triều yết cứ tiếp diễn. Cuộc thỉnh vấn kéo dài khá lâu, vì nhiều bậc thông thái góp ý đôi khi dài như một bài diễn văn vậy.

Thế rồi từ sau buổi họp đó, vầng trán của đức vua càng ngày càng tối sầm, làn mây trở thành dày đặc hơn. Thật ra buổi tối hôm nọ, trong hòang cung người ta cũng cảm thấy đôi phút giải trí. Ðó là khi thắng Chó đến xin yết kiến đức vua, mà như ai cũng đã biết, ngài là Hòang đế oai phong nhất thiên hạ. Quả là một ý tưởng không ai dám mơ đến. Hơn thế nữa, hắn lại lựa vào lúc đức vua bận rộn nhất để bày tỏ ý nghĩ ngông cuồng ấy mới tức cười chứ!

Trong khi ấy, vầng trán đức vua cứ tối sầm mãi. Ông triệu tập lần thứ hai tất cả các đại thần, học sĩ, và truyền gọi thêm các nhà chiêm tinh chuyên nghiên cứu các tinh tú trên trời. Khi bá quan đã tề tựu đông đủ, nhà vua đứng lên và thổ lộ cách thảm đạm rằng : – Ta vẫn không được bằng an. Ai trong các ngươi biết Danh của Thượng đế Thiên hòang ra sao không?

Mỗi người lần lượt lên tiếng. Họ trổ hết tài uyên bác của mình để dọn các bài diễn văn kỹ lưỡng hơn lần trước. Họ tự nhủ thầm: “Giả như mình mách được cho đức vua biết tên của Chúa Tể Thiên Hòang thì ắt chỉ có Chúa với đức vua biết được khối gia tài đồ sộ sẽ rơi vào tay ta, và thêm biết bao ngai báu nữa!”

Ðang khi ấy, lại có tiếng xôn xao trong dinh. Thằng Chó lại đến. Và người ta lại phải xua đuổi nó lần nữa. Những tiếng cười đắc chí pha lẫn lời sỉ vả mắng nhiếc. Hắn nằng nặc cứ đòi yết kiến đức vua cho kỳ được. Những tiếng chửi rủa cùng với những hòn gạch thi nhau rơi vào mặt hắn, để đáp lại lời van xin điên rồ của hắn. Nhà vua từ trên cửa sổ nhìn thấy cảnh tượng ấy. Vầng trán của vua thóat chốc trở nên bớt căng thẳng hơn khi thấy một vật, không hiểu là người hay là chó nữa, dám đòi yết kiến ông. Ông bật lên cười. Bá quan và các nhà chiêm tinh nãy giờ theo dõi sự việc nhưng không dám hé răng, bây giờ thấy nhà vua bật cười, thì họ coi như được phép để bộc lộ tất cả nỗi khóai trá của mình thành trận cười dòn dã.

Nhưng sự hả hê chỉ kéo dài chốt lát. Nỗi buồn kế tiếp tang thương đến mỗi mọi ngôn từ tắt ngụm trên môi bá quan học sĩ. Họ lần lượt ra vềm trong lòng chất nặng nỗi kinh hãi cũng ngang với niềm kiêu hãnh khi họ được triệu đến, bởi vì họ lo sợ nhà vua có thể nổi cơn thịnh nộ trước sự bất tài của họ.

Rồi từ đó, ai ai đi ngang hòang cung đều cảm thấy như có một tấm màn đen viền vàng treo trước cổng. Cái chết của nhà vua trở thành đầu đề cho các cuộc bàn tán mỗi ngày. Giấc ngủ đã lánh khỏi chăn nệm của nhà vua, cũng tựa như nụ cười đã trốn thóat đôi môi của ông. Ðức Vua cũng truyền lấy một tấm mành che giấu bức chân dung của mình. Nhìn mình đã mệt, nhà vua cũng chán nhìn bức hình của mình.

Một buổi triều yết lần thứ ba được triệu tập. Lần này quan Tể tướng dùng hết mọi biện pháp để cái trò của Thằng Chó không tái diễn. Trong khi đó, người tâ cho mời các chiêm tinh từ khắp năm châu đến. Mỗi quốc gia cử đến những đại biểu cừ khôi nhất. Các nhà bác học, các nhà thông thái từ khắp bốn phương lũ lượt kéo về. Khi đã đến giờ hội kiến, tất cả các quân vương, nhân tài đều sấp mặt xuống đất bởi vì họ đang giáp mặt với Hòang đế vua các vua cơ mà!

Thế nhưng khuôn mặt của đức vua xanh xao tệ. Giấc ngủ không thuộc vào sổ thần dân của ông nữa; giấc ngủ cũng không tuân hành lệnh của ông. Khi vua truyền nó đến, nó không chịu đến. Ai ai cũng tùng phục vua, chỉ trừ giấc ngủ, khiến vua tức giận hết chịu nổi: dụ nạt nộ, dù van lơn, nó vẫn cứ trơ trơ ra đấy thôi.

Từ khi quan Tể tướng ra lệnh ngăn cấm Thằng Chó không được lai vãng khu vực hòang cung, ra như người ta sợ nó làm mất giấc ngủ của nhà vua, thì cũng từ hôm ấy giấc ngủ đã trốn khỏi cung điện của vua. Giấc ngủ, tiếng cười và quên lãng: ra như ba tên lính đào ngũ, trốn vượt khỏi hàng rào của dinh, và lần lẫn cũng ra khỏi các mái nhà của nhân dân nữa. Bệnh mất ngủ, buồn rầu và ưu tư đến trấn đóng trên thềm các dinh thự, và sai bầy tôi đến xâm nhập cả các mái nhà tranh vách đất. Chính vì vậy mà nhà vua trở nên xanh xao khi các quân vương và bác học từ năm châu đến, mang theo đòan tùy tùng cùng với vàng bạc châu báu. Nhưng mặt mày nhà vua hốc hác, liếc nhìn các phẩm vật cống hiến cách mệt mỏi, ra như muốn hỏi: “Thế có ai mang đến cho ta giấc ngủ hay không? Có ai biết danh tánh của Thượng đế là gì không?”

Các nhà bác học và chiêm tinh được dịp dốc hết kho tàng kiến thức của họ và trổ tài uyên bác hùng biện trong chính cung điện của Hòang đế Vua các vua. Sau đó họ nhìn lên vầng trán của vua và nhìn nhau cách kiêu hãnh. Ai nấy hy vọng rằng giải đáp của mình là tuyệt hảo nhất, vì vậy mà mỗi người đều muốn đọc thấy vẻ đắc thắng trên trán của nhà vua.

Tuy nhiên Hoàng đế đứng dậy không nói một lời nào. Ông cũng chẳng tha thiết đảo mắt nhìn họ nữa, dù chỉ là một cái nhìn khinh bỉ cũng không. Hòang đế đứng lên và biến mất. Cánh cửa đóng sập lại và không ai dám theo ông. Sau giây lát ngỡ ngàng, người ta bắt đầu hỏi nhau: “Ðức Vua đâu rồi?”, và thay vì câu trả lời họ chỉ thấy câu hỏi được truyền đi từ miệng này sang miệng khác: Ðức Vua đâu rồi?”.

Ðêm đã về như thường lệ, nhưng không thấy đức vua đâu cả. Ðến lượt bọn gia nhân cũng đâm hoang mang. Ai biết được vua đi đâu rồi. Người ta bắt đầu lục lọi, khám xét, từ các hành lang, cầu thang, các ngóc ngách trong vườn, kể cả những nơi kín đáo nhất chưa hề có ai đặt chân tới. Thế nhưng vẫn không thấy đức vua đâu cả. Suốt đêm hôm đó, người ta đi tìm kiếm nhưng vô ích. Bao nhiêu giả thuyết, lý lẽ được đặt ra. Kẻ chạy xuôi, người chạy ngược. Triều đình thật không khác một nhà thương điên.

Trong khi đó một đòan lữ hành lên đường hướng về phương Ðông. Từng đòan xe ngựa và lạc đà chở khách trên mình. Các lữ hành chuyện trò vui vẻ, kể cho nhau mục tiêu chuyến đi của mình. Duy một người cứ thinh lặng. Tướng mạo người đo hơi khác thường: y phục lộng lẫy, với một lũ gia nhân không cùng một xứ sở. Mặc dù họ phục dịch ông ta từ chặng khởi hành nhưng không ai biết tên của ông, bởi vì ông không tiết lộ cho ai hết. Vầng trán của ông có vẻ hào hùng; gậy của ông giống như vương trượng. Ông bảo người ta cứ kêu ông là kẻ lữ hành. Ai hỏi ông đi đâu thì ông trả lời: “Tôi cũng chẳng biết nữa”.

Ðến đâu có tên một vĩ nhân để lại một dấu vết gì đó thì kẻ lữ hành dừng lại. Ông ta trải qua hằng giờ, nghiên cứu địa hình, dò hỏi dân cư, lục lọi bút tích. Hoặc giả như một vĩ nhân đã lưu vết trên bãi cát nào đó thì kẻ lữ hành ra ngòai bãi biển, ngồi trên mỏm đá, chống tay lên trán. Khi mặt trời lặn chìm xuống đáy nước, hoặc khi mặt trăng nhô lên từ cuối chân trời, kẻ lữ hành ngồi đó, trơ trơ như bức tượng đá, ôn lại những gì đã nghe, đã thấy, đã tìm, đã học.

Chẳng mấy chốc kẻ lữ hành đã viếng hết các lăng tẩm, các đền thờ, các bia đá kỷ niệm các bậc hiền nhân quân tử. Kẻ lữ hành trầm ngâm, suy tư, ra như muốn thấm nhập với linh hồn của các vị cao minh ấy.

Tuy nhiên trong suốt cuộc tìm kiếm, kẻ lữ hành không bao giờ dành lấy một phút cho người nghèo, kể cả trong các giấc mơ của mình. Quả vậy, kẻ lữ hành đã mơ màng đến nhiều chuyện và nhiều người: các đại đế, võ vương, những phong cảnh hùng vĩ, những kiến trúc đồ sộ. Ðôi lúc kẻ lữ hành mơ thấy chính mình: Hòang đế vua muôn vua. Chỉ có người dư thừa quyền lực và tiền của mới có thể chu du tìm kiếm như ông. Ông ta đi lục lọi, khảo cứu khắp hang cùng ngõ hẻm, chất vấn hết mọi thức giả. Nhưng ông không hề băn khoăn thăm hỏi các bà vợ chạy ngược chạy xuôi để kiếm bát cháo cho người chồng hấp hối. Ông cũng chẳng buồn nhớ tới bao thần dân tất tưởi đói rách trong chính vương quốc của ông.

Cuộc hành trình có dài mấy thì cũng tới lúc chấm dứt. Chẳng bao lâu ông ta đi hết vòng địa cầu và trở về chính hòang cung của mình.

Một bữa kia, người ta thấy nhà vua trở lại cung điện. Thật là khó tả nổi tâm trạng của triều đình lúc ấy. Kẻ rối rít lăng xăng, người thất kinh run rẩy. Dĩ nhiên là có nhiều người phải trốn núp vì quá sợ hãi. Ai biết được cuộc hành trình của nhà vua đã mang lại điều hay hoặc điều dở? Và dĩ nhiên, ông là Hòang đế Vua muôn vua, bá chủ hòan cầu cơ mà. Ông đâu cần hỏi ý kiến của ai, và ai dám mở miệng phê bình ông?

Nhà vua băng qua vườn ngự uyển, tiến vào hành lang tráng lệ, và sau cùng đi vào hậu cung. Lũ quần thần nhìn nhau yên lặng và sợ sệt. Họ mong được thấy nở trên môi nhà vua một nụ cười.

Nhà vua bước lên lầu, ngả người xuống. Mọi người trố mắt quan sát từng cử chỉ của nhà vua. Tóc ông đã bạc. Vầng trán ngạo nghễ đã điểm những làn nhăn. Cặp mắt lạnh lùng, bất động. Một niềm kiêu hãnh còn ín vết trên nét mặt: kiêu hãnh vì vừa thực hiện một cuộc tìm kiếm, tuy là hòan tòan vô ích; kiêu hãnh vì một Ðại vương lớn nhất hòan cầu, dám coi đời không ra gì hết, tuy một nỗi tuyệt vọng đang lớn dần trong tâm can của ông.

Môi nhà vua vẫn không nở nụ cười. Làn mép của vua chỉ hơi xếch đi một tí. Ra như vua nhìn thấy sự trống rỗng của mọi vẻ huy hòang vây quanh mình, hoặc như vua muốn nói với quần thần rằng :- Ta vẫn chưa tìm thấy danh tánh của Thượng đế. Giả như có thể được, tasẽ bắt đầu đi tìm kiếm lần nữa !

Bỗng nhiên vua buông ra một tiếng thở dài, rồi gục đầu xuống, lăn nhào xuống tấm thảm ở dưới ngai.
Triều thần đứng yên bất động. Duy có quan Thái y dám tới gần, rờ vào mạch và tuyên bố: “Ðức Vua đã băng hà”.

Các vua chúa khắp nơi cùng với đòan xa giá kéo nhau về dự lễ an táng Hòang đế vua muôn vua. Thằng Chóa được lệnh quan Tể tướng không được lai vãng tới hòang cung. Hắn ra ngồi ngòai cửa nghĩa trang.

Khi đòan linh cữu đã qua rồi, người thấy Thằng Chó còn quỳ gối ở cửa nghĩa trang.

Hắn chìa ra một cái đĩa bằng gỗ, trên mặt có viết hàng chữ : DANH TÁNH THƯỢNG ÐẾ.

———————————————

10. Ðâu có tình yêu thương…

Leon Tolstoi

Ở một làng kia, có một người làm nghề vá giày tên là bác An. Xưởng làm việc của bác là một cái hầm ở dưới mặt đường. Chỉ có cái cửa sổ để lọt ánh sáng từ ngòai đường vào. Qua khung cửa sổ ấy, bác chỉ thấy những bước đi và nhìn vào những đôi giày, bác có thể đóan được những người ấy là ai. Thật vậy, hầu như người nào trong làng cũng đã từng một hai lần đem cho bác các đôi giày của họ để nhờ bác khâu lại chỗ giày há mõm hoặc thay đế. Chính vì thế mà bác chỉ cần nhìn đôi giày là biết chủ nó là ai. Bác An nay đã già. Bác cảm thấy đời đã xế chiều và sắp đến ngày về với Chúa. Vợ của bác đã qua đời.

Các con của bác cũng lần lượt bỏ bác theo mẹ khi còn trẻ măng. Bác còn nhớ ngày đứa út chết, bác đã nguyền rủa trời đất và bỏ không thèm đi nhà thờ nữa. Bác hòan tòan tuyệt vọng. May thay một bữa nọ, bác gặp một nhà đạo sĩ đi ngang qua làng. Bác chặn lại và kể lể tâm sư : – Thầy coi, tôi không còn muốn sống nữa! Tôi mất hết hy vọng rồi. Tôichỉ còn muốn chết thôi.

Ðạo sĩ trả lời: – Sao bác lại nói thế? Chúng ta là ai mà dám đóan xét việc Thiên Chúa làm. Duy có Chúa mới biết được việc Ngài. Nếu Ngài định cho con bác phải chết mà bác còn sống thì ắt là bởi vì Ngài xét điều này là tốt cho bác. Sở dĩ bác thất vọng là tại vì bác muốn sống cho bác, tìm thỏa mãn cho bản thân mình mà thôi.

Bác An ngắt lời : – Thế thì người ta sống để làm gì?

Ðạo sĩ đáp : – Chúng ta sống cho Thiên Chúa. Ngài đã ban cho ta sự sống thì chúng ta hãy sống cho Ngài. Chừng nào bác bắt đầu sống cho Chúa thì bác sẽ không còn biết sầu muộn là gì nữa, hoặc là bác sẽ dễ dàng chấp nhận nó.

Trầm ngâm một lát, bác An hỏi tiếp : – Làm thế nào để sống cho Chúa?

Ðạo sĩ trả lời : – Làm thế nào để sống cho Chúa ư? Ðó là điều mà Chúa dạy cho chúng ta. Bác có biết đọc sách không? Bác hãy tìm Phúc âm mà đọc, rồi bác sẽ biết làm thế nào để sống cho Chúa.

Những lời đó thấm nhập vào tận thâm tâm bác An. Ngay hôm ấy bác đi tìm mua ngay một quyển Tân ước. Thế rồi mỗi tối, sau khi đóng cửa, bác mở Sách Thánh ra đọc. Dần dần bác không còn than van khi nhớ đến đứa con út nữa. Thay vào đó, bác thốt lên: “Lạy Chúa, vinh danh Chúa, bởi vì ý Chúa đã muốn như vậy”.

Dần dần bác bỏ thói quen la cà các quán rượu vào các ngày Chúa nhật và dành thời giờ nhàn rỗi vào việc đọc Sách Thánh. Một hôm, bác mở cuốn Phúc âm theo thánh Luca, đọc đến đọan kể lại Chúa Giêsu sinh ra ở Belem trong một hang bò lừa vì các quán trọ từ chối. Bác thầm nghĩ: “Tội nghiệp Chúa vì không ai đón tiếp Ngài khi giáng trần. Nhưng liệu tôi có tiếp Ngài hay không?” Mãi ngẫm nghĩ một hồi lâu, bác An ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Bỗng một tiếng kêu làm bác giật mình thức dậy : – Bác An, bác An.

– Ai đấy ?

Quay ngang quay dọc, bác không thấy ai cả. Sau một chặp, bác ngủ tiếp. Ðược một lát, bác lại nghe một tiếng rõ ràng hơn: “Bác An, bác An, này, ngày mai tôi đến thăm bác đất”.

Bác hòang hồn đứng dậy, dụi mắt, không biết là mơ hay thực. Sau cùng, bác tắt đèn và đi ngủ tiếp.

Hôm sau, khi thức dậy, bác đọc kinh sáng. Kế đó, bác nhóm lửa, đặt nồi cháo lên bếp và bắt đầu làm việc. Trong khi đôi tay bận bịu với kim chỉ thì đầu óc của bác cứ bị giấc mơ đêm qua ám ảnh. Bác cứ phân vân không biết đó là mơ hay thực. Dù sao, thỉnh thỏang bác vẫn đưa mắt nhìn qua cửa sổ để xem có ai đến thăm hay không. Bác đã thấy nhiều đôi giày qua lại: một người lính đi ngang, rồi mấy người xác nước, và rồi đến ông lão Hiếu tiến chậm chạp từng bước, tay cầm chổi quét đường. Bác An nghĩ thầm: “Hơi đâu mà ngắm người qua kẻ lại. Thôi, chú ý mà làm việc đi chứ”.

Nhưng khâu được độ mười lăm mũ kim thì bác lại ngẩng đầu lên ngó qua cửa sổ. Ông lão Hiếu không còn quét đường nữa. Ông dựng cây chổi vào tường và đứng thở hổn hển. Bác An tự nhủ: Tội nghiệp ông lão già. Chắc là hết sức rồi. Trời lạnh thế này, hẳn là đôi tay run lắm đây”. Nghĩ thế, bác An liền đến bếp, rót ly trà nóng rồi ghé đến bên cửa sổ mời ông Hiếu: – Mời ông uống ly nước trà cho ấm bụng. Ông lạnh lắm phải không?

– “Chúa ôi, lạnh tới thấu xương”. Ông Hiếu đáp.

Và ông lão lập cập phủi chân, cố gắng gạt bớt lớp tuyết bám ở đôi giày kẻo làm dơ nhà. Nhưng bác An nói : – Ông đừng lo, cứ vào nhà đi. Lát nữa tôi sẽ quét. Ngồi nghỉ một tí đi.

Ông Hiếu bước vào nhà, cầm ly trà nóng hổi, uống một hơi đến hết. Thấy vậy bác An rót tiếp mời : – Bác dùng thêm nữa đi.

Bác An vừa rót nước mời khách, vừa nói chuyện, nhưng cặp mắt vẫn cứ đảo qua cửa sổ. Thấy vậy ông Hiếu hỏi: – Bác đang chờ ai đấy?

– Chờ ai hả? Nói ra thì cảm thấy thẹn. Không biết có nên chờ hay không, nhưng có một tiếng nói cứ văng vẳng bên tai tôi… không rõ là mơ hay thực nữa. Thú thực với ông, số là hôm qua, tôi đọc Phúc âm và thấy Chúa Giêsu khi đến cõi thế này, sinh ra ở Belem nơi hang lừa vì không ai tiếp. Và tôi nghĩ: giả như Ngài tới nhà tôi thì không hiểu tôi sẽ tiếp Ngài thế nào. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Thế rồi bỗng dưng một tiếng nói đánh thức tôi dậy và gọi đích danh tôi: “Này bác An, ngày mai tôi sẽ tới thăm bác”. Tiếng đó còn lặp lại hai lần nữa, và cho đến lúc này vẫn còn ám ảnh tôi.

Ông Hiếu trầm ngâm không nói gì. Bác An rót thêm ly nữa cho khác và nói : – Uống thêm miếng nước nữa cho ấm bụng. Tôi nghĩ rằng Chúa đến trần gian, Ngài không bỏ ai hết. Ngài luôn đến với người nghèo, kẻ khiêm tốn, những người tội lỗi, những người lao động như chúng ta. Ngài đã rửa chân cho các môn đệ, và nói: “Ai là kẻ lớn nhất thì phải phục vụ mọi người”.

Ông Hiếu ngẹn ngào ứa nước mắt. Uống hết ly thứ ba, ông đứng dậy và nói: – Cám ơn lòng tốt của ông đã sưởi ấm cả hồn lẫn xác của tôi.

– Không dám. Tôi rất vui mừng khi có người đến thăm.

Khi ông Hiếu đi rồi, bác An uống nốt phần trà còn lại trong ấm và tiếp tục làm việc. Tay bác xỏ kim kéo thoăn thoắt nhưng mắt thì cứ gắn chặt ở khung cửa sổ, đăm đăm chờ xem chừng nào Chúa đến. Hai người lính đi ngang qua, rồi đến người bán bánh. Lát sau, một thiếu phụ bồng đứa con nhỏ đi ngang qua cửa sổ. Bà đứng nép vào tường, cố che cho đứa bé bồng trên tay khỏi gió, tuy dù trên thân mình chỉ có tấm áo mỏng. Bác An nghe rõ tiếng khóc của đứa bé và lời dỗ dành của bà mẹ. Bác mở cửa nhà và nói : – Này bà, vào đây. Sao đứng ngòai gió lạnh như vậy?

Người thiếu phụ quay lại, thấy một ông già đeo kính ngoắt tay vẫy gọi. Bà bồng con theo ông lão vào nhà. Ông đưa bà xuống hầm, kế bên lò sưởi: – Bà sưởi cho ấm, rồi cho con bú nhé.

Nhưng người mẹ buồn bã nói: – Tôi không còn sữa nữa. Vả lại tôi chưa ăn uống gì.

Bác An lắc đầu ngẫm nghĩ. Bác đi lấy khúc bánh mì và múc một bát cháo đặt lên bàn: – Bà ăn đi. Ðưa cháu đây tôi bế cho. Tôi cũng đã từng có con và biết cả cách giữ trẻ nữa, bà ạ.

Trong khi thiếu phụ ăn nghiến ngấu, bác An bồng đứa bé. Lúc đầu nó cứ khóc mặc dù bác dọa nó với cặp mắt nghiêm nghị. Nhưng khi bác dơ ngón tay đùa với nó thì thằng bé nín bặt và bắt đầu cười giỡn với bác, khiến bác cũng vui lây.

Người đàn bà lạ mặt bắt đầu kể: – Chồng tôi đi lính đã tám tháng nay và tôi không được tin tức gì nữa. Tôi đi làm bếp cho người ta. Nhưng tới khi sinh con thì họ không nhận tôi nữa. Khi tiêu hết những gì đã dành dụm được, tôi xin đi làm vú nuôi, nhưng lại bị chê là quá gầy ốm. Tôi xin một chân bán hàng, người ta hứa sẽ nhận nhưng bảo tôi phải chờ đợi. Ngày nào tôi cũng phải lê lết đi tìm việc làm, khiến tôi kiệt sức.

Bác An thở dài : – Sao trời lạnh thế này mà bà mặc đồ mỏng như vậy?

– Dạ đâu có. Hôm qua tôi đã đi cầm chiếc khăn san cuối cùng với giá hai chục đồng.

Bà ta tới cạnh giường và ẵm lấy đứa bé, toan bước ra cửa. Bác An lục lọi trong rương, lôi ra một áo chòang và trao cho người mẹ: – Bà cầm lấy đi. Tuy không đẹp lắm nhưng sẽ che cho bà đỡ gió.

Bà rụt rè cầm chiếc áo và nói: – Xin Chúa chúc lành cho cụ. Ðúng là Chúa đã đưa cháu tới cửa sổ của cụ. Giả như không có cụ, chắc là mẹ con cháu đã chết cóng rồi. Chúa đã thương và dun dủi để cụ nhìn thấy cháu qua cửa sổ.

Bác An mỉm cười : – Ðúng thế đấy, chính Chúa đã soi sáng cho tôi. Không phải vì lơ đãng mà tôi nhìn ra cửa sổ đâu.

Thế rồi bác An kể lại giấc mơ của mình. Người đàn bà theo dõi câu chuyện cách chăm chú và kết luận :- Mọi sự đều có thể xảy tới, cụ ạ! Thôi, cám ơn cụ rất nhiều.

Bà bồng con ra đi, Bác An dúi vào tay bà tấm giấy 20 đồng để chuộc lại chiếc khăn san. Sau đó, bác An tiếp tục làm việc. Tay làm mà mắt cứ nhìn qua khung cửa sổ. Một bà già đi ngang, tay xách một giỏ táo. Chắc là bà đã bán gần hết rồi. Bà đeo trên lưng một bó củi mà có lẽ bà mót được ở xóm nào gần đây. Ði ngang qua cửa sổ nhà bác An, bà dừng lại, thả bó củi xuống đất để nghỉ ngơi đôi phút và để đổi tay.

Bỗng nhiên một thằng nhỏ không biết từ đâu chạy lại, giật ngay trái táo và định vụt thóat. Không may cho nó, bà lão níu được tay nó. Thằng nhỏ cố vũng vẫy gỡ ra nhưng bà nắm nó thật chặt. Bác An vội bỏ kim chỉ qua một bên, mở cửa chạy ra. Bà lão vẫn còn níu chặt thằng bé, vừa mắng vừa dọa sẽ dẫn ra công an. Thằng nhỏ phân bua : – Ơ hay, cái bà này. Tôi làm gì mà bà đánh tôi.

Bác An can thiệp với bà già: – Tôi xin bà tha cho nó, vì lòng mến Chúa.

– Không có tha với thứ gì hết. Tôi đưa nó tới công an để họ trị nó. Như thế nó mới chừa.

– Thôi mà, bà tha cho nó đi. Nó không dám tái phạm nữa đâu. Tha cho nó đi, nhân danh Chúa.

Bà lão nới tay. Thằng bé toan chạy, nhưng bác An tóm nó lại: – Xin lỗi bà đi, và đừng bao giờ làm như vậy nữa. Ta thấy mi ăn cắp trái táo mà.

Thằng bé òa lên khóc và xin lỗi bà già. Bác An lấy một trái tráo trong giỏ và trao thằng bé. Ông nói với bà: – Tôi sẽ đưa tiền cho bà.

Bà già lẩm bẩm:- Ông chỉ làm hư thằng nhỏ mà thôi. Lũ đó cần phải trừng trị thẳng tay mới được.

– Thôi mà bà. Chúng ta xét đóan như vậy, nhưng Chúa nghĩ khác. Nếu chúng ta thẳng tay trừng trị nó vì đã ăn cắp một trái táo, thì Chúa sẽ trừng trị chúng ta như thế nào vì những tội lỗi của chúng ta?

Bà lão không nói gì. Bác An kể lại cho bà nghe dụ ngôn ông chủ nợ tha cho kẻ thiếu nợ, và sau đó y đã đến giết chết vị ân nhân của mình. Bà ta đứng yên và nghe. Cả thằng nhỏ cũng chăm chú theo dõi nữa. Bác An tiếp: – Chúa đã dạy chúng ta phải tha thứ, nếu không thì Chúa sẽ không tha cho chúng ta. Phải tha thứ cho hết mọi người, nhất là những người không biết việc họ làm.

Bà lão gật đầu: -Ðúng thế, nhưng phải sửa dạy tụi trẻ, bởi vì chúng dễ làm bậy lắm.

– Ðó là bổn phận của chúng ta, phải chỉ vẽ cho chúng thấy điều tốt lành.

– Tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi sinh được bảy đứa con, nhưng chỉ còn một đứa gái còn sống …

Thế là bà bắt đầu kể chuyện con gái bà, nó ngoan như thế nào, nó săn sóc bà ra sao mỗi lần bà đi bán hàng về. Và bà quay lại nhìn thằng nhỏ: – Thôi cháu dại dột. Xin Chúa gìn giữ cháu.

Bà ta đặt bó củi lên vai để đi về nhà. Nhưng thằng nhỏ vội vàng thưa : – Bà để cháu xách cho, cháu cũng về đường này.

Bà già gật đầu, đồng ý cho nó xách giỏ. Hai bà cháu đi song đôi với nhau. Bà ta quên cả việc đòi tiền trái táo. Bác An nhìn họ đi một quãng đường xa, rồi trở vào nhà. Làm việc thêm một chặp nữa thì trời đã tối. Bác đứng lên đốt đèn. Khâu xong chiếc giày, bác thu dọn đồ đạc, và rút quyển Phúc âm ra đọc. Vừa mở sách ra, bác nhớ lại giấc mơ hôm trước. Bác tưởng chừng như có bóng người và có ai kêu bác: – Bác An, bác An, bác không nhận ra tôi ư?

– Ai đấy, bác An hỏi.

– Tôi đây mà. Ông Hiếu từ trong bóng tối bước ra mỉm cười rồi biến đi.

– Cả tôi nữa. Một thiếu phụ bồng con nhỏ tiến tới, mỉm cười rồi biến mất.

– Còn tôi nữa. Một bà già xuất hiện với thằng nhỏ cầm trái táo. Cả hai cùng cười rồi biến đi.

Bác An cảm thấy niềm vui dạt dào trong lòng. Bác làm dấu Thánh giá, đeo cặp kính vào đọc Phúc âm ở trang đã lật: “Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn. Ta khát các ngươi đã cho uống. Ta là người xa lạ, các ngươi đã đón tiếp Ta … Ðiều gì các ngươi làm cho kẻ bé nhỏ nhất của Ta là các người làm cho Ta vậy”.

Bác An hiểu rằng giấc mơ đã không lừa gạt bác. Chính Chúa Cứu thế đã đến với bác ngày hôm nay. Và chính bác đã đón tiếp Ngài.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here