Nhân luận thần học – Con Người Với Thiên Chúa – Mục III

0
4837

Dẫn nhập

Mục I.

Mục II.

Mc III. Tình trng sa ngã

Như đã nói trên đây, khi bàn về việc tạo dựng, tác giả Kinh thánh không đứng trong tư thế của một nhà khoa học đi truy tầm sự tiến triển các hành tinh cũng chẳng mang mối bận tâm về căn nguyên hiện hữu như các triết gia Hy lạp, nhưng họ muốn tìm giải đáp cho những câu hỏi hiện sinh luôn ám ảnh mọi người: bởi đâu có sự dữ trên đời này? Không lẽ Thiên Chúa tốt lành lại tạo ra sự dữ? Tại sao con người phải chịu đau khổ?

Dĩ nhiên, không thể nào chấp nhận được Thiên Chúa là nguồn gốc của sự dữ, cũng không thể nào chấp nhận được sự dữ bắt nguồn từ một Ác thần. Câu trả lời chỉ có thể là: sự dữ bắt nguồn từ chính con người khi nó khước từ Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa là Chân lý, là Sự thiện, là Sự sống, cho nên việc chối bỏ Thiên Chúa mang đến những hậu quả trái ngược: sai lầm, độc ác, chết chóc lẻn vào thế giới. Những điểm này được truyền thống thần học giải thích dưới tiêu đề “tội khởi nguyên”, nghĩa là tội do nguyên tổ loài người phạm từ lúc ban đầu, với những hậu quả tai hại cho toàn thể hậu sinh. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu những văn bản Kinh thánh bàn đến “tội khởi nguyên” (peccatum primordiale), mở màn cho sự lan tràn tội lỗi trong lịch sử nhân loại; tiếp đó chúng ta sẽ tìm hiểu sự phát biểu đạo lý về tội nguyên tổ (peccatum originale: tội của nguyên tổ truyền lại hậu thế) cũng như những suy tư thần học hiện đại.

I. Kinh thánh

A. Cu ước

Ta có thể phân tích hai khía cạnh của tội nguyên tổ: nguồn gốc của tội (tội vào thuở ban đầu), và sự bành trướng của tội

  1. Ngun gc ca ti li nhân loi

Chương Một của sách Sáng thế cho thấy rằng con người1 được dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và là một điều rất tốt (1,27-31). Một cách tương tự, chương Hai trình bày con người được dựng nên trong tình nghĩa với Chúa: nó tiếp nhận sinh khí bởi Chúa, được đặt trong vườn Êđen và đối diện với Thiên Chúa (2,7). Mối tương quan thân tình với Chúa được mô tả như cuộc đi dạo trong vườn vào mỗi buổi chiều (xc. 3,8). Ngoài ra con người cũng duy trì tương quan tốt đẹp với vũ trụ: canh tác thiên nhiên được coi như cơ hội thể hiện tài năng (2,15); thú vật tuân theo sự chỉ đạo của loài người (2,19); hai giới nam nữ sống thuận hòa (2,23-25).

Tuy nhiên con người được đặt trước một thách đố lựa chọn, đó là: không được ăn cây “biết tốt xấu” (biết lành biết dữ); việc bất tuân sẽ dẫn đến cái chết (2,17). Việc “biết tốt xấu” được hiểu như là quyền định đoạt điều gì là tốt và điều gì là xấu: tiêu chuẩn này do Thiên Chúa ấn định, chứ không tuỳ thuộc vào con người. Tiếc rằng con người đã chọn lựa đi theo quyết định của mình thay vì tùng phục Thiên Chúa. Thế rồi tai họa đã xảy đến, như ta đọc thấy ở chương Ba (3,14-19). Con người không những mất tình nghĩa với Chúa (bị đuổi ra khỏi vườn), nhưng cũng chẳng còn duy trì các mối tương quan tốt đẹp giữa vợ chồng, hoặc với thiên nhiên (đất đai trở nên gai góc).

  1. Ti li lan tràn

Thiết tưởng nên ghi nhận rằng nguyên tổ không chết tức khắc liền ngay sau khi phạm tội. Điều này đưa các nhà thần học đến sự phân biệt nhiều ý nghĩa của sự “chết”: cái chết th (chấm dứt cuộc sống trên đời) và cái chết tinh thn (mất liên lạc với Thiên Chúa hằng sống).

Trên thực tế, các chương kế tiếp của sách Sáng thế nói nhiều về tình trạng cái chết tinh thần của nhân loại, hơn cái chết thể lý, theo nghĩa là sự dữ lan tràn trên mặt đất tiếp theo tội của nguyên tổ. Chương 4 của sách Sáng thế thuật lại việc Cain giết Abel là em mình (St 4,8). Sang đến chương 6, tác giả ghi nhận rằng con người chỉ biết suy tính chuyện độc dữ mà thôi, đưa đến việc trừng phạt Lụt Hồng thủy; và rồi sau đó tội lỗi vẫn tiếp tục, điển hình nơi việc xây tháp Babel ở chương 11.

Vài bản văn Cựu ước cho thấy tình trạng tội lỗi chế ngự toàn thể nhân loại (Tv 14; 53) và thậm chí con người cảm thấy mình mắc tội khi còn ở trong bào thai (Tv 51,7), nhưng không móc nối trực tiếp với tội của nguyên tổ.

Mặt khác, chúng ta nên ghi nhận nơi dân tộc Israel (và nhiều dân tộc cổ truyền2) ý thức về tình liên đới trong gia đình, dòng họ, dân tộc và nhân loại. Hành vi tốt hoặc hoặc xấu của vị trưởng tộc được truyền cho các phần tử cộng đồng: con cháu mang lấy tội vạ và hình phạt của cha ông (Gs 7,24-26; 2Sm 21,5); đối lại, sự chúc phúc dành cho tổ tiên cũng được truyền lại cho con cháu, thí dụ: Abraham (St 12,3), Giacop (St 27-29). Mặc dù, do ảnh hưởng của các ngôn sứ, trách nhiệm cá nhân dần dần được đề cao (xc. Ed 18,1), nhưng tình liên đới chủng tộc vẫn sống mạnh, đến nỗi sang thời Tân ước, các nhà lãnh đạo vẫn còn cam quyết: “máu của nó sẽ đổ xuống trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25).

B. Tân ước

1. Thánh Phaolô đã nói đến nhiều khía cạnh liên quan đến tội của ông Ađam, cách riêng là trong thư gửi các tín hữu Rôma.

– Nguyên nhân của tội ông Ađam là sự bất tuân (không vâng phục), do đó mà tội lẻn vào thế giới, đưa đến hậu quả là cái chết (Rm 5,12). Dĩ nhiên, thánh tông đồ không chỉ nghĩ đến cái chết thể lý nhưng tiên vàn là sự mất tình nghĩa với Thiên Chúa, tình trạng thù nghịch với Đấng là nguồn sự sống.

– Tình trạng tội lỗi lan tràn trên mặt đất được mô tả trong những chương đầu tiên của thư gửi tín hữu Rôma (Rm 1,23-32). Điều này không chỉ hiểu cách tổng quát cho toàn thể nhân loại (“tất cả đều phạm tội”: Rm 3,23), nhưng còn được áp dụng cho mỗi người. Con người chúng ta cảm thấy bị đè bẹp bởi những đam mê dục vọng, đến nỗi ưa chiều theo điều xằng bậy thay vì làm điều tốt. Mỗi người chúng ta mang trong mình bao nhiêu tính mê tật xấu của “xác thịt”. Chúng ta phải làm nô lệ cho tội lỗi (Rm 7,13-14)

– Hai sự kiện vừa rồi được móc nối với nhau. Tội của ông Ađam không những đã mở đường cho sự dữ tràn vào thế giới, nhưng ông còn khiến cho nhân loại trở thành thù nghịch với Thiên Chúa (Ep 2,3), và phải chịu những hình phạt dành cho ông nữa (Rm 5,19). Câu văn được dùng làm cơ sở cho tội nguyên tổ là Rôma 5,12 đọc theo bản dịch Latinh Vulgata: “Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây ra sự chết; như thế sự chết đã lan tràn đến, bởi vì nơi ông (Ađam), tất cả mọi người đã phạm tội” (in quo omnes peccaverunt)3.

Dù sao cần lưu ý rằng trọng tâm của tư tưởng thánh Phaolô không phải là tội của ông Ađam nhưng là công trình cứu độ của đức Kitô. Những cảnh đổ vỡ tan nát do ông Ađam gây ra nhằm làm nổi bật hơn công cuộc hòa giải của đức Kitô (Rm 5,15-21; xem thêm 1Cr 15,45-49). Tất cả chúng ta đều liên đới trong tình trạng tội lỗi của ông Ađam; nhưng tất cả chúng ta cũng liên đới với Đức Kitô trong công cuộc hoà giải. Ở đâu tội lỗi chế ngự thì ở đấy ân sủng cũng chan chứa (Rm 5,20). Một cách tương tự, cảnh sống tháo thứ phóng túng của con người cũ nhắm nêu bật tác động của Thánh linh ở nơi con người mới đã được Chúa Kitô giải thoát (Rm 8,5-13; Gl 5,16-24). Nhận định cuối cùng của thánh Phaolô mang tính lạc quan: “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rm 11,32).

2. Nơi các tác phẩm của thánh Gioan tông đồ, một đàng tác giả muốn sửa lại quan niệm dân gian về việc con cái mang tội lụy của cha mẹ (Ga 9,1), nhưng mặt khác ông mang cái nhìn bi quan về “thế gian”, tượng trưng cho lực lượng chống đối Tin mừng. Thực ra, tiếng “thế gian” có khi được hiểu là “nhân loại” được Thiên Chúa yêu thương đến nỗi đã ban Con Một của Ngài (Ga 3,16), nhưng thường “thế gian” được hiểu theo nghĩa tiêu cực ra như đồng nghĩa với Tối tăm và Sự Dữ (Ga 1,10; 3,19; 12,31; 16,31). Vì thế không lạ gì tác giả đã khuyên các tín hữu rằng: “Anh em đừng yêu thế gian và nhng gì trong thế gian. K nào yêu thế gian thì nơi k y không có lòng yêu mến Chúa Cha, vì mi s trong thế gian: như dc vng ca tính xác tht, dc vng ca đôi mt và thói cy mình có ca, tt c nhng cái đó không phát xut t Chúa Cha, nhưng phát xut t thế gian; mà thế gian đang qua đi cùng vi dc vng ca nó. Còn ai thi hành ý mun ca Thiên Chúa thì tn ti mãi mãi” (1Ga 2,15-17). Bản văn này đã thành cơ sở cho những cuộc tranh luận về sau này, không những về tội lỗi ở trong thế gian (thế gian suy đồi) mà ngay cả nơi các đam mê dục vọng nữa (các đam mê dục vọng là tội lỗi).

II. Lch s đạo lý v ti nguyên t

Việc nguyên tổ đã phạm tội và mất ơn nghĩa với Chúa là một điều được Tân ước nói đến cách rõ rệt. Nhưng việc móc nối tình trạng tội lỗi của nhân loại hiện nay như là hệ quả của tội nguyên tổ là điều được chín mùi trải qua lịch sử thần học và được Hội thánh xác định ở công đồng Trentô.

A. Các giáo ph

Dĩ nhiên các giáo phụ nhiều lần nói đến tình trạng tội lỗi của thế giới khi bàn về công trình cứu chuộc của Chúa Kitô: Người cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi. Nhưng các giáo phụ thường hiểu tội lỗi như là sự xấu do bản thân đã làm, chứ không phải là do cha ông truyền lại. Mặt khác, sự cần thiết lãnh bí tích rửa tội được giải thích như việc tham dự vào đời sống thần linh, hơn là như việc xóa tội nguyên tổ.

Câu chuyện trở thành sôi bỏng nhân cuộc tranh luận về sự cần thiết phải rửa tội cho các nhi đồng đã nhen nhúm từ ông Tertullianô và thánh Cyprianô, và đặc biệt là nhân cuộc tranh luận về ân sủng giữa thánh Augustinô với ông Pêlagiô kể từ năm 411. Ông Pêlagiô chấp nhận tội của nguyên tổ, nhưng ông không nghĩ rằng tất cả mọi người đều mất sự công chính do tội của nguyên tổ. Tội của nguyên tổ để lại sự chết chóc (hiểu như cái chết thể lý) và gương xấu cho hậu thế, nhưng không truyền lại cái “tội” cho con cháu. Đối lại, thánh Augustinô khẳng định rằng tất cả mọi người đều phạm tội và cần được Chúa Kitô cứu chuộc. Các nhi đồng cũng có tội (vì thế cần phải lãnh bí tích rửa tội): tội do tổ tông truyền lại qua đường sinh sản. Thực ra, đó chỉ tóm tắt vấn đề cho gọn, chứ nội dung cuộc tranh luận phức tạp hơn nhiều. Thánh Augustinô cũng thay đổi quan điểm về tội nguyên tổ trải qua các tác phẩm viết vào nhiều giai đoạn (De natura et gratia): từ năm 387 đến 397, từ 397 đến 411; từ 411 đến 4184.

Đạo lý của huấn quyền được xác định ở các công nghị địa phương và được Toà thánh công nhận như đạo lý phổ quát.

– Công đồng Carthago XVI (năm 418) khẳng định rằng trước khi phạm tội, ông Ađam không phải chết (theo nghĩa thể lý). Các trẻ em cần được rửa tội bởi vì chúng mắc tội nguyên tổ. Đây là lần đầu tiên thuật ngữ “tội nguyên tổ” (peccatum originale) xuất hiện trong văn kiện Huấn quyền.

– Công đồng Orange II (năm 529) nói rằng tội của ông Ađam đã làm hư hoại con người (cả thân xác và linh hồn). Tội ông Ađam có tác dụng đến toàn thể nhân loại, đem lại các chết cho thân xác và linh hồn.

B. Thi Trung c

Thần học kinh viện mang tính cách hệ thống, cũng như đào sâu “bản chất” các vật. Các tác giả không chỉ dừng lại với việc chú giải các đoạn văn Kinh thánh, nhưng còn tìm hiểu bản chất của nó, cũng như ảnh hưởng của nó đối với bản tính con người. Chúng ta có thể lấy một tác giả tiêu biểu là thánh Tôma Aquinô, với bộ Tổng luận thần học.

1. Xét về hệ thống, tội nguyên tổ được bàn trong những phần khác nhau:

– Tình trạng nguyên tuyền trong vườn Địa đàng được bàn trong phần thứ nhất, trong mục về sự tạo dựng (I,q.90-102).

– Bản chất của tội nguyên tổ được bàn trong phần Luân lý tổng quát (I-II, q.81-83), khi xét đến các nguyên nhân tội lỗi. Tội nguyên tổ không phải là sự xấu xét như là hành vi, nhưng là một xu hướng về sự xấu. Nó chi phối toàn thể nhân loại.

2. Xét về bản chất, tội nguyên tổ được nhìn từ hai góc cạnh: a) về mô thức, nó là việc mất sự công chính và ân sủng nguyên thuỷ; b) về chất thể, nó biểu lộ qua các dục vọng.

3. Vào thời Trung cổ, bắt đầu chớm nở cuộc tranh luận về Đức Maria vô nhiễm nguyên tội. Thánh Tôma Aquinô (cũng như đa số các nhà thần học) không chấp nhận điều này, với lý do là nếu Đức Maria không mắc tội thì không cần đến ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Để giải quyết vấn nạn này, Duns Scotus đề nghị rằng Thiên Chúa đã phòng ngừa Đức Maria khỏi tội lỗi, vì nhìn thấy trước công trạng của Chúa Kitô.

C. Công đồng Trentô

Vào thời giáo phụ, ông Pêlagiô có cái nhìn quá lạc quan về bản tính con người, cho rằng con người có thể đạt được cứu rỗi nhờ những công lành phúc đức của mình. Vào thời cận đại, ông Lutêrô chủ trương ngược lại: bản tính của con người hoàn toàn sa đoạ, không làm được cái gì tốt hết. Thực ra, lối tiếp cận của ông Lutêrô mang tính cách thực nghiệm (cảm nghiệm thân phận sa đọa) hơn là tính cách siêu hình.

Đó là bối cảnh của sắc lệnh về tội nguyên tổ của công đồng Trentô ban hành ngày 17/6/1546. Cũng như công đồng Orange năm 529, Trentô lặp lại rằng ông Ađam đã mất trạng thái công chính và thánh thiện; và phải chịu hình phạt là cơn thịnh nộ của Chúa, sự chết. Tuy bản tính con người bị thương tổn, nhưng không hoàn toàn bị huỷ hoại. Công đồng cũng nói rằng tội của ông Ađam liên hệ đến tất cả mọi người, không chỉ liên quan đến cái chết thể lý mà cả cái chết về linh hồn (nghĩa là tình trạng tội lỗi).

Con người có thể được giải thoát khỏi tội tổ tông nhờ bí tích rửa tội. Bí tích rửa tội tẩy sạch tội tổ tông và cho phép con người được hưởng phúc vĩnh kiến. Tuy nhiên, ở nơi người đã được rửa tội, đam mê (hay dục vọng: concupiscentia) vẫn tồn tại: nó là mồi cho tội lỗi (hướng chiều về tội) chứ không phải là tội lỗi. Nó là cơ hội để con người kháng cự và chiến thắng.

D. Thi cn đại

Tuy Huấn quyền không đưa ra định tín nào mới về tội nguyên tổ, nhưng có những cơ hội lên tiếng liên quan đến vài chi tiết của vấn đề

– Tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội (8/12/1854). Đức Maria được Thiên Chúa giữ gìn (phòng ngừa) không mắc tội tổ tông truyền, “nhờ công nghiệp sẽ chịu chết sau này”.

– Đức Piô XII. Những cuộc tranh luận về thuyết tiến hóa đã đặt lên vấn đề: nhân loại có một hay nhiều tổ tiên? Thông điệp Humani generis (12/8/1950) lưu ý rằng quan điểm đa tổ khó dung hợp với đạo lý về tội tổ tông.

– Công đồng Vaticanô II. Trong hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, công đồng nhiều lần nói đến cảm nghiệm về những đổ vỡ tan nát trong thâm tâm con người (số 13) hoặc trong các tương quan với thế giới (số 37).

– Đức Gioan Phaolô II, giải thích tội nguyên tổ trong loạt bài huấn giáo vào thứ tư hàng tuần, từ ngày 10/9 đến 8/10 năm 1986.

– Sách Giáo lý Hội thánh công giáo, số 374-379; 385-412.

III. Thn hc

Truyền thống thần học phân biệt hai khía cạnh của tội nguyên tổ: một đàng là tội của nguyên tổ (do nguyên tổ phạm và chịu trách nhiệm: peccatum originale originans), đàng khác là những hệ quả xấu mà con cháu phải hứng chịu (tội tổ truyền: peccatum originale originatum). Hai khía cạnh có liên quan với nhau nhưng không hoàn toàn đồng nhất.

A. Ti ca nguyên t

1. Bản chất

Các bản văn Kinh thánh mô tả việc nguyên tổ phạm tội như là một hành động bt tuân phc, nghĩa là không vâng lời Thiên Chúa. Ý tưởng này được thánh Phaolô khẳng định rõ rệt (Rm 5,19). Có tác giả giải thích bản tính của tội nguyên tổ là sự kiêu ngo (con người muốn coi mình như Thượng đế) và như vậy cũng đúng thôi. Tội th ngu tượng cũng nằm trong chiều hướng đó, khi một thụ tạo chiếm vị trí dành Đấng Tạo hóa. Nhưng nếu ai muốn tán giải theo chiều hướng tham ăn hoặc dâm ô thì có lẽ đã đi quá xa.

Mặt khác, phần nào tội của ông Ađam cũng giải thích bản chất của tất cả mọi thứ tội lỗi, đó là khi con người tự ý định đoạt cái gì là tốt cho mình, bất chấp trật tự (ordo rerum) mà Thiên Chúa đã xếp đặt. Cũng nên lưu ý rằng sách Sáng thế nói đến sự cám dỗ của con rắn, nhưng chính quyết định của con người mới là yếu tố cấu thành của tội.

2. Hậu quả

Nhằm làm nổi bật tai họa của tội nguyên tổ, thần học từ thời Trung cổ quen đối chiếu giữa tình trạng trước và sau khi nguyên tổ phạm tội: trước đó là tình trạng nguyên tuyền (status iustitiae originalis); sau đó là tình trạng suy đồi (status naturae lapsae). Nói cách khác, tình trạng suy đồi là mặt trái của tình trạng nguyên tuyền: vì tội lỗi, nguyên tổ đã mất đi những ân huệ được lãnh nhận trước đó.

2.1. Tình trạng nguyên tuyền

Dựa trên Kinh thánh, thần học kinh viện đã trình bày những ân huệ mà Chúa cho nguyên tổ dưới hai cấp độ: siêu nhiên và ngoại nhiên.

– Những ơn siêu nhiên vượt khỏi những đòi hỏi của bản tính con người: tình nghĩa với Chúa, hạnh phúc được chiêm ngưỡng Chúa.

– Những ơn ngoại nhiên được ban để củng cố nếp sống tự nhiên: sự trường sinh bất tử, ổn định luân lý (không bị các đam mê thao túng), kiến thức phú bẩm.

Hai cấp độ ấy được sách Giáo lý Hội thánh Công giáo tóm lại ở các số 374-379.

Trước hết, “Tình trạng công chính nguyên thủy” (iustitia originalis) hệ tại sự thánh thiện và được thông dự vào sự sống Thiên Chúa (theo công đồng Trentô và Vaticanô II)

Những khía cạnh khác của con người được tăng cường nhờ sự lan tỏa của hồng ân vừa nói. Bao lâu con người sống trong tình nghĩa với Chúa, thì con người không phải chết (xc St 2,17; 3,19); không phải đau khổ (St 3,16). Sự công chính nguyên thủy cũng bao hàm sự hoà hợp nội tâm, sự hoà hợp giữa người nam với người nữ (xc St 2,25), sự hoà hợp giữa nguyên tổ với vạn vật. Con người làm chủ được mình, không bị khống chế bởi ba thứ dục vọng (xc. 1Ga 2,16) khiến cho nó bị lệ thuộc vào khoái lạc giác quan, tham lam của cải, khăng khăng tự quyết không đếm xỉa đến lý trí.

2.2. Sự mất mát

Sau khi phạm tội, nguyên tổ đã mất đi những ân huệ vừa nói, quen được phân tích thành hai cấp độ: những ơn siêu nhiên và những ơn ngoại nhiên.

a) Trên bình diện siêu nhiên, con người mất tình nghĩa với Chúa, mất sự sống vĩnh cửu, mất ơn phúc kiế Sự mất tình nghĩa với Thiên Chúa diễn ra không chỉ vào lúc con người bị đuổi ra khỏi vườn, nhưng liền sau khi phạm tội: con người trốn tránh Thiên Chúa.

b) Sự tước mất các đặc ân ngoại nhiên có thể nhìn thấy nơi bản án sau khi phạm tội: vì mất tình nghĩa với Thiên Chúa cho nên cũng mất hoà hợp với tha nhân và vũ trụ.

B. Ti truyn th (ti t tông truyn li cho chúng ta)

Việc giải thích tội của nguyên tổ tương đối không khó khăn; nhưng khi phải giải thích sự truyền thụ tội lỗi cho hậu thế thì khá nhiều vấn nạn được nêu lên.

– xét về bản chất: tại sao gọi là tội? Tội là một hành vi xấu do chủ thể tự ý thực hiện. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, chứ không thể bị quy trách về những tội của cha ông hay của láng giềng!

– xét về cách thức truyền thụ. Tội được truyền lại từ ông Ađam đến con cháu như thế nào: phải chăng là qua đường truyền sinh, hay qua sự bắt chước, hay qua sự đồng tình ưng thuận?

Chúng ta thử xem người ta giải thích thế nào.

1. Bản chất

a) Thế nào là tội?

Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo (số 404) lưu ý rằng ở đây tội cần được hiểu theo nghĩa loại suy. Tội ở nguyên tổ được hiểu theo nghĩa chặt (tội cá nhân, một hành vi sai quấy); còn nơi chúng ta “tội” được hiểu như là tình trạng (état) suy đồi. Ta có hiểu như là tình trạng không phù hợp với chương trình của Chúa. Thiên Chúa muốn cho nhân loại sống thân tình với mình, muốn cho họ trở nên dưỡng tử của mình trong đức Kitô (xc. Ep 1,4), nhưng điều ấy đã bị ngăn cản.

b) Hậu quả

Bản chất của tội có thể được phân tích theo bộ mặt trái của nó, nghĩa là hậu quả tiêu cực gây ra cho con người: sự mất mát hoặc thiếu sót. Thần học phân biệt hai cấp độ: siêu nhiên và tự nhiên.

– Điều mất mát quan trọng nhất là “ân nghĩa siêu nhiên” (ơn thánh hoá): tình nghĩa với Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, điểm này đã gây ra nhiều thắc mắc hơn cả: tại sao một em bé mới chào đời, chưa làm điều gì xấu xa mà đã mất ơn nghĩa với Chúa? Để giải quyết sự bế tắc đó, trước đây các nhà thần học đã tạo ra tình trạng “lâm-bô” (gốc La tinh: limbus puerorum, limbus có nghĩa là bờ rìa, lằn ranh), nằm lưng chừng ở giữa thiên đàng và hỏa ngục. Tuy không phải chịu hình phạt do tội lỗi, nhưng các em không được hưởng hạnh phúc siêu nhiên: các em không được hưởng nhan Chúa (visio beatifica: phúc kiến). Nói cách khác, các em chỉ được hạnh phúc “tự nhiên” mà thôi. (Tình trạng cũng giống như những người công chính trong Cựu ước). Tuy nhiên, ngày nay, quan điểm này đã bị Uỷ ban thần học quốc tế bác bỏ, trong một tài liệu phát hành ngày 19/1/2007 (Hy vọng cứu độ cho những hài nhi chết khi không được rửa tội).

– Trên bình diện tự nhiên, tội nguyên tổ đã để lại những hậu quả gì? Có nhiều ý kiến bất đồng giữa Tin Lành và Công giáo.

(i) Dĩ nhiên là con người không còn được hưởng những ơn “ngoại nhiên” như nguyên tổ trước khi phạm tội (ơn bất tử; làm chủ các đam mê; tri thức phú bẩm).

(ii) Tội nguyên tổ có làm huỷ hoại bản tính con người không? Thần học Công giáo nói rằng bản tính con người (lý trí và ý chí) vẫn còn được bảo tồn tuy bị thương tổn. Thần học Tin lành cho rằng bản tính con người đã bị hư hỏng hoàn toàn. Thiết tưởng cả đôi bên đều nghĩ đến sự hư hỏng không phải về mặt tâm lý cho bằng về mặt tinh thần. Sự thương tổn hoặc hư hỏng cần được nhìn trong tương quan với chân lý và sự thiện. Dưới khía cạnh tâm lý, chúng ta có thể nói đến tình trạng “lành mạnh” hay “quân bình”, hoặc “tâm bệnh”. Dưới khía cạnh tinh thần, ta có thể nói đến lý trí sáng suốt hay mù quáng, ý chí (hay con tim) ngay thẳng hoặc lành mạnh. Còn trong lãnh vực đang bàn, cần phải nói đến khả năng của lý trí để khám phá chân lý (Thiên Chúa) và ý chí tự do để chọn lựa điều thiện. Tiếc rằng kinh nghiệm cho thấy rằng những khả năng ấy chịu rất nhiều giới hạn.

– Dù sao đi nữa, ta có thể nhận thấy một hậu quả của tội nguyên tổ ở nơi sự rối loạn các tương quan của con người đối với tha nhân (vợ chồng), xã hội và thiên nhiên: không còn bầu khí hoà hợp nữa; thay vào đó là xung đột đàn áp, khai thác bóc lột.

2. Cách thức truyền thụ

Quan niệm cổ truyền cho rằng tội ông Ađam được truyền lại cho hậu thế qua việc sinh sản. Điều này gặp khó khăn vào thời nay.

– Quan niệm cổ điển giả thiết rằng tất cả nhân loại đều do một gốc tổ (ông Ađam và bà Eva). Tuy nhiên giả như nhân loại không chỉ có một tổ nhưng nhiều tổ thì sao?

– Việc truyền thụ tội tổ tông qua sự sinh sản sẽ đưa đến kết luận rằng sự sinh sản là điều xấu xa. Trên thực tế, ít là đã có giáo phụ nghĩ rằng giả như nguyên tổ không phạm tội thì có lẽ không có chuyện giao hợp vợ chồng, sinh con đẻ cái!

Để giải quyết những vấn nạn đó, người ta đề nghị những lối giải thích khác.

– Không nên quan niệm tội tổ tông như một thứ bệnh gia truyền. Trước kia, ông Pêlagiô quan niệm sự lan rộng tình trạng tội lỗi như là sự bắt chước đồng lõa (imitatio), và ý kiến của ông đã bị Augustinô bài bác. Ngày nay, có người giải thích theo chiều hướng tình liên đới nhân loại trong điều tốt cũng như điều xấu. Nên biết là bản văn của công đồng Trentô (canon 3: DS 1513) dùng từ “lan rộng” (propagatio) chứ không dùng từ “sinh sản” (generatio). Dù sao, nó là cái gì gắn với bản tính con người (nghĩa là chung cho nhân loại).

– Gần đây, một ý kiến giải thích tội tổ tông như là những cơ cấu lệch lạc của xã hội, được đặt tên là “tội xã hội”: chúng không những ngăn cản cho người hướng về điều tốt nhưng còn đun đẩy con người đến hành vi gian ác nữa (xc. GLCG số 1869, trích dẫn tông huấn Reconciliatio et poenitentia số 16 của đức Gioan Phaolô II; xem thêm thông điệp Sollicitudo rei socialis số 36). Đây cũng là một cách giải thích tương tự như “tội của thế gian” nói trong Tin mừng thánh Gioan 1,29 (xc. GLCG số 408). Tuy nhiên, trong hai văn kiện vừa trích dẫn, đức Gioan Phaolô II cũng nhấn mạnh nguyên nhân của tội lỗi là con người chứ không phải là cơ cấu, và con người phải tìm cách cải tiến các cơ cấu xã hội.

Kết lun

Những suy tư về thần học tội nguyên tổ vẫn còn tiếp tục với nhiều viễn ảnh.

1/ Trước đây, thần học kinh viện đã tranh luận về giả thuyết: “giả như ông Ađam không phạm tội thì tình hình sẽ như thế nào?”

– Ông có phải chết không, hay là cứ sống mãi? Vài nhà thần học nghĩ rằng ông cũng phải chết, nhưng cái chết được đón nhận cách vui vẻ bình thản chứ không bi đát như hiện nay!

– Giả như ông Ađam không phạm tội thì Chúa Giêsu có giáng trần chuộc tội không? Thánh Tôma trả lời rằng không, bởi vì kinh Tin kính nói rằng “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”. Trái lại, dựa trên những bản văn Tân ước nói về vai trò của Đức Kitô trong kế hoạch tạo dựng, Duns Scotus cho rằng Thiên Chúa đã nghĩ đến cuộc Nhập thể trước khi xảy ra tội nguyên tổ.

2/ Ngày nay, người ta cho rằng thay vì đặt ra những giả thuyết theo óc tưởng tượng, chúng ta nên dựa theo lịch sử cứu độ. Kinh thánh cho biết rằng thực sự nguyên tổ đã phạm tội, nhưng Kinh thánh không dừng lại ở các hậu quả tai hại của tội nguyên tổ. Cách riêng Tân ước đã cho thấy đức Kitô đã mang lại cho nhân loại những hồng ân có lẽ còn quý giá hơn những gì ông Ađam đã làm mất. Đó là lý do phụng vụ đêm Vọng Phục sinh đã ca ngợi rằng “tội ông Ađam thật là hồng phúc” (O felix culpa). Hơn thế nữa, Tân ước cho thấy nhân loại có hai ông tổ: ông tổ Ađam đưa nhân loại đến chỗ diệt vong, nhưng ông tổ Kitô đưa con người đến địa vị làm con Chúa. Tại sao cứ nghĩ đến sự diệt vong mà không nghĩ đến vinh dự được làm con Chúa? Chúng ta hãy nhìn mặt phải hơn là mặt trái, ánh sáng hơn là tối tăm.

3/ Dù sao, khi nhìn lại lịch sử của cuộc tranh luận về tội nguyên tổ, với hai chủ trương đối nghịch của ông Pêlagiô và của ông Lutêrô, chúng ta có thể rút ra một hệ luận quan trọng cho đời sống tâm linh. Đạo lý về tội nguyên tổ giúp chúng ta một cái nhìn quân bình về thực trạng con người: một đàng xin đừng vội lạc quan nghĩ rằng “nhân chi sơ tính bản thiện” cho nên cứ sống thoải mái chiều theo các đòi hỏi của dục vọng, không cần biết đến khổ chế; đối lại cũng xin đừng bi quan trước những rối loạn nội tâm, bởi vì đó là thân phận của con người, nhưng mà nhờ ân sủng ta có thể vượt qua được. Điều này đưa chúng ta sang mục kế tiếp: “ân sủng cứu độ”.

——————————

Mục IV.

——————————

1 Nên biết là trong nguyên bản Do thái, “Ađam” có nghĩa là “con người” nói chung, và đôi khi là tên riêng của ông Ađam (St 4,25; 5,1.3.4.5).

2 Thí dụ những tục ngữ ở Việt Nam: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, nhưng “một con sâu làm rầu nồi canh”. Hình luật cũng dự trù hình phạt tru di tam tộc.

3 Các nhà chú giải đưa ra những cách giải thích khác dựa theo nguyên bản Hy-lạp. Thay vì đọc “nơi ông (in quo) tất cả đều phạm tội”, nghĩa là chúng ta mắc tội ở nơi ông Ađam, thì đọc “bi vì”, nghĩa là: bởi vì tất cả các tội lỗi (tội của ông Ađam và tội của tất cả mọi người) cho nên sự chết đã chi phối mọi người; hoặc “xét vì tình trạng do tội của ông gây ra”.

4 Vittorino Grossi, “Dogma e teologia del peccato originale. Il Concilio di Cartagine del 418: Agostino d’Ippona” in: Ignazio Sanna (a cura di), “Questioni sul peccato originale”, Ed. Messaggero, Padova, 1996, pp. 169- 199.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here