Nhân luận thần học – Con Người Với Thiên Chúa – Mục II

6
6220

Dẫn nhập

Mục I

Mc II. S to dng con người

Khi định nghĩa con người là hình ảnh Thiên Chúa, Kinh thánh mặc nhiên móc nối con người với Thiên Chúa: con người cần phải quay về với Thiên Chúa thì mới biết được khuôn mẫu của mình. Nói khác đi, con người bắt nguồn từ Thiên Chúa.

Trong vấn đề nguồn gốc, ta có thể phân biệt hai cấp độ: nguồn gốc của vạn vật nói chung, và nguồn gốc nhân loại nói riêng. Tuy hai cấp độ liên lạc chặt chẽ với nhau trong Kinh thánh (vũ trụ này được tạo dựng cho con người), nhưng mỗi cấp độ hàm chứa nội dung đạo lý độc đáo, cho nên cần được nghiên cứu riêng biệt.

I. Vic to dng vũ tr

Khi bàn về nguồn gốc vũ trụ, các nhà khoa học đi ngược lại dòng thời gian, trở về khởi điểm và tìm hiểu sự tiến triển của nó. Giả như có ai nêu lên câu hỏi: “trước lúc khởi điểm có gì nữa không? Yếu tố nào đã gây ra khởi điểm?” thì họ sẽ không mong gì được trả lời, bởi vì điều này vượt quá tầm khảo cứu của khoa học thực nghiệm. Khoa học chỉ khảo sát cái gì đã có, chứ không đả động đến cái “vô hữu”.

Người tín hữu biết rằng vũ trụ này hiện hữu nhờ sự tạo dựng của Thiên Chúa, theo như câu mở đầu kinh Tin kính: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. Tuy nhiên, trong quá khứ, nhiều lần các nhà thần học chỉ dừng lại ở việc định nghĩa cuộc tạo dựng qua việc sử dụng những phạm trù của siêu hình học: “tạo dựng có nghĩa ban cấp cái hiện hữu, chuyển biến từ hư vô sang hiện hữu”, chứ không đi xa hơn. Thảng hoặc ai muốn thêm chút màu mè lịch sử thì sẽ tán giải cuộc tiến triển của công trình tạo dựng diễn ra trong sáu ngày, như đọc thấy ở đầu sách Sáng thế.

Vào thời cận đại một lý do gây ra sự xung khắc giữa đức tin và khoa học nằm ở chỗ đôi bên không ý thức sự khác biệt về ngôn ngữ (hay bình diện) khi cùng đề cập một vấn đề. Khoa học thực nghiệm khảo sát cái gì có thể quan sát đo lường, chứ không quan tâm đến những lãnh vực siêu hình. Đối lại, cũng sẽ là một sự sai lầm nếu thần học coi Kinh thánh như quyển sách lý giải về tiến trình của công cuộc tạo dựng. Ngày nay, người ta ý thức hơn về sự khác biệt giữa các cấp độ tri thức. Hơn thế nữa, các nhà chú giải Kinh thánh còn lưu ý rằng Kinh thánh bàn về việc tạo dựng không theo lối nhìn của khoa học thực nghiệm, cũng không theo lối nhìn của triết học, nhưng theo một đường hướng khác; ngoài ra, không nên giới hạn câu chuyện tạo dựng vào những chương đầu của Cựu ước nhưng cần phải mở rộng sang Tân ước nữa.

A. Cu ước

Khi nói đến việc tạo dựng, dân Israel có lối tiếp cận khác với các triết gia Hy lạp. Các triết gia Hy lạp thiên về suy tư trừu tượng, với những câu hỏi siêu hình liên quan đến “thực hữu/ vô hữu”. Dân Israel mang một não trạng cụ thể thực tế hơn: họ không khởi đầu với việc truy tầm nguồn gốc hiện hữu của vạn vật1, nhưng từ một cảm nghiệm tiếp xúc với Thiên Chúa, đó là họ được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn qua một giao ước (xc. Các bản tuyên xưng đức tin ở Đnl 26,5-9; Xh 20,2; Gs 24,16-18). Rồi từ đó dần dần họ mới đặt lên câu hỏi: phải chăng Thiên Chúa chỉ yêu thương dân tộc mình mà thôi, hay là Ngài yêu thương cả nhân loại nữa? Câu trả lời là: Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi loài chúng sinh; thật vậy, Ngài đã làm nên muôn vật vì yêu thương. Nói cách khác, Kinh thánh không bàn về sự tạo dựng theo phạm trù “hiện hữu – vô hữu” cho bằng theo phạm trù của giao ước tình thương. Thiên Chúa đã biểu lộ tình thương và quyền năng khi giải phóng Israel ra khỏi Ai-cập cũng giống như lúc tạo dựng trời đất; cả hai công trình này mang tính cách liên tục và trở nên đối tượng cho lời chúc tụng cảm tạ: “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136 bản Hipri).

Những bản trình thuật ở đầu sách Sáng thế được viết ra theo sườn của trình thuật thiết lập giao ước. Dĩ nhiên, điều này được áp dụng cách riêng cho trình thuật tạo dựng loài người (Sáng thế chương 2-3) như sẽ nói sau. Điều đáng nêu bật ở đây là Kinh thánh quan niệm sự tạo dựng như một công trình vĩ đại của tình thương, vì thế khi nhìn ngắm vũ trụ, con người hãy nâng tâm trí lên để ca ngợi Chúa. Câu chuyện tạo dựng trời đất trong vòng 6 ngày ở đầu sách Sáng thế mang thể văn phụng vụ: mỗi công trình mở đầu với lời loan báo “Chúa phán thế này” và kết thúc với điệp khúc tung hô “Chúa làm ra mọi sự tốt lành”.

Dù sao, đề tài tạo dựng không chỉ xuất hiện ở những chương đầu sách Sáng thế nhưng được thuật lại ở những tác phẩm khác của Cựu ước, với nhiều bối cảnh khác nhau.

– bối cảnh của vịnh ca chúc tụng, chẳng hạn như các thánh vịnh 104; 136; 148, hoặc sách Huấn ca 16,24-17,12.

– bối cảnh của huấn giáo, thúc đẩy người tín hữu hãy tin tưởng vào Chúa quan phòng, Đấng ban cơm bánh nuôi dưỡng sinh linh (Tv 136,25; 145,15; 147,8)

– bối cảnh của lòng khâm phục sự Khôn ngoan Thượng trí của Thiên Chúa (Cn 3,19-20; G 36,22-41,25).

– bối cảnh hộ giáo, khuyến khích chư dân hãy tôn thờ Chúa tể trời đất thay vì bái lạy ngẫu tượng (Is 45,20-25; Gr 10,10-16; Kn 13,1-9).

Ngoài ra đề tài “tái tạo” (tạo dựng mới) xuất hiện không những ở những đoạn viết về chung cục lịch sử, nhưng còn ở các lời hứa khôi phục Israel đã bị tan nát nơi lưu đày (Is ch.65-66; xc. Ed 37,1-14). Các ngôn sứ khuyến khích Israel hãy tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa: chuyện tái thiết dân tộc Israel đâu có gì khó khăn đối với Đấng tạo dựng trời đất?

B. Tân ước

Nơi các sách Tân ước, ta gặp lại niềm tin cổ truyền về việc Thiên Chúa là Đấng chủ tể vạn vật và là Cha tốt lành săn sóc con cái. Tuy nhiên, Tân ước mở ra vài viễn tượng mới:

– Đức Kitô là Lời hằng hữu, trước khi vạn vật được tạo thành. Dựa theo ý tưởng về Đấng Khôn ngoan trong Cựu ước (Cn 8,22; Hc 24,1-9), thánh Gioan tông đồ tuyên bố rằng Đức Kitô đã tham gia vào công cuộc tạo dựng (Ga 1,3.10). Hơn thế nữa, Đức Kitô là Lời điều khiển lịch sử cứu độ, đã ban Lề luật cho Môsê, đã cắm lều giữa chúng ta, đem đến sự sung mãn của ân sủng và chân lý. Nói khác đi, cuộc tạo dựng là khởi đầu của lịch sử cứu độ, và sẽ kết thúc nơi cuộc tái tạo “Trời mới Đất mới” (Kh 22,5).

– Sách Khải huyền gán cho Đức Kitô tước hiệu “khởi đầu và tận điểm” (Alpha – Omega) của vạn vật (21,6; 22,13). Tư tưởng này cũng gặp thấy nơi thánh Phaolô. Đức Kitô là Đấng Khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,24.30), là nguyên uỷ, trung tâm và cùng đích của sự tạo dựng “trong Người muôn vật được tạo thành… tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16; xc. 1Cr 8,6).

Tóm lại, trong Kinh thánh, việc tạo dựng không chỉ là một hành động ban cấp sự hiện hữu cho vạn vật, diễn ra vào lúc khởi nguyên, nhưng là hành vi đầu tiên bày tỏ tình thương cứu độ của Thiên Chúa kéo dài suốt dòng lịch sử và sẽ đạt đến viên mãn vào thời Cánh chung. Nói cho cùng, xem ra tác giả Kinh thánh không quan tâm đến trời đất trăng sao hoặc cỏ cây hoa lá, cho bằng chú trọng đến loài người, bởi vì đó mới là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Như sẽ thấy sau, Kinh thánh cho thấy sự liên đới chặt chẽ giữa con người với vũ trụ: tội lỗi của con người cũng lôi kéo vũ trụ vào vòng sa đoạ; đối lại, sự giải phóng con người khỏi tội lỗi cũng mang theo sự tái tạo vạn vật.

C. Truyn thng thn hc

Trải qua lịch sử thần học, đề tài tạo dựng đã được trình bày dưới nhiều bối cảnh khác nhau.

– Khi đối thoại với triết học Hy lạp, các giáo phụ sử dụng những khái niệm: “tạo dựng từ hư vô”, hoặc phạm trù “nguyên nhân” để giải thích tương quan giữa Đấng Tạo hoá và loài thọ tạo. Tuy nhiên, các giáo phụ không bỏ qua bối cảnh của lịch sử cứu độ.

– Có lúc người ta nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa Thiên Chúa với vũ tru, để chống lại các thuyết “nhất nguyên” (monismus) đồng hoá vũ trụ với Thiên Chúa; hoặc thuyết “phiếm thần” (pantheismus) coi vũ trụ vật chất như Tuyệt đối (Spinoza, Hegel, Marx).

– Có lúc người ta nhấn mạnh đến vũ trụ vật chất này do Thiên Chúa làm ra, để chống lại các thuyết nhị nguyên (dualismus), chủ trương rằng vật chất là đồ xấu xa do một Ác thần làm ra (nhóm Manikê, Cathari, Albigeois).

– Có lúc người ta nhấn mạnh đến khả năng của lý trí có thể nhìn nhận sự hiện hữu của Đấng Tạo Hoá nhờ việc tìm hiểu nguyên nhân của các thọ tạo (xc. Ngũ đạo của thánh Tôma; công đồng Vaticanô I).

– Có lúc người ta nhấn mạnh đến khái niệm “tạo dựng liên tục” (creatio continua) để nêu bật rằng Thiên Chúa tạo dựng muôn vật và tiếp tục bảo trì chúng. Mặt khác, tuy rằng vũ trụ (thọ tạo) khác biệt Thiên Chúa (Tạo hóa), nhưng cũng có thể nói rằng vũ trụ hiện hữu “ở trong” Thiên Chúa và chứa đựng rất nhiều mầm mống của Chân-Thiện-Mỹ.

– Có lúc người ta nhấn mạnh đến những “định luật tự nhiên” để nêu bật những quy tắc vận hành trong nội tại các vật, tuy vẫn duy trì liên quan với Căn nguyên đệ nhất. Công đồng Vaticanô II gọi đó là “sự tự trị chính đáng của các thực tại trần thế” (de iusta rerum terrenarum autonomia, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 26).

– Thần học cận đại còn muốn nói đến việc tạo dựng như là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa (Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo số 290-292). Trước đó, thánh Tôma Aquinô đã quan niệm rằng việc tạo dựng kéo dài ra bên ngoài cuộc “xuất phát” (processiones) của việc hiểu biết và thương yêu nội tại của Ba Ngôi.

II. Vic to dng loài người

Như vừa nói trên đây, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ vì muốn biểu lộ tình thương và quyền năng của Người. Thần học thường phát biểu rằng mục tiêu của công trình tạo dựng là “vinh quang Thiên Chúa”. Tuy nhiên, dưới một khía cạnh nào đó, ta cũng có thể nói được rằng Thiên Chúa tạo dựng vạn vật vì con người. Vũ trụ được nhìn như là một quà tặng cho con người. Chúng ta đã thấy điều đó khi phân tích thuật ngữ “con người là hình ảnh Thiên Chúa”: con người được đặt lên thay mặt Thiên Chúa để cai quản vũ trụ.

A. Cu ước

  1. Trình thuật sách Sáng thế về việc tạo dựng con người có vài đặc điểm như sau:

– Ở chương 1, việc tạo dựng con người là chóp đỉnh của công trình sáng tạo, một việc “tuyệt vời” (St 1,26-28). Con người được dựng nên có nam có nữ; cả hai đều là “hình ảnh Thiên Chúa”. Chúng ta đã có dịp phân tích ý nghĩa của thuật ngữ này rồi.

– Ở chương 2 (do một bàn tay khác viết ra), Thiên Chúa đã tự tay nhào nặn lên con người và thổi sinh khí vào mũi ban cho nó sự sống (2,7): đây là điều khác với động vật. Con người làm chủ muôn vật bởi vì đã đặt tên cho chúng, nhưng chỉ gặp được tác nhân đối thoại ở người đồng loại (2,20).

– Dù sao, điều quan trọng đáng chúng ta lưu ý là khung cảnh của chương 2 và 3 của sách Sáng thế mang nhiều nét tương đồng với lễ nghi thiết lp giao ước trong các chương 19-34 của Sách Xuất hành. Tác giả cho thấy rằng Thiên Chúa đến thăm viếng loài người, đối thoại với họ như những bạn hữu thân tình. Hơn thế nữa, qua khung cảnh thiết lập giao ước, Thiên Chúa ra như muốn đối xử với con người như kẻ ngang hàng: Ngài tôn trọng tự do của con người. Con người có thể định đoạt để chấp nhận duy trì tình nghĩa với Chúa hay không. Lịch sử cứu độ là lịch sử của tự do giữa đôi bên, tuy rằng con người không luôn luôn ý thức được hậu quả tai hại của sự lựa chọn điên rồ của mình.

2. Nhiều thánh vịnh đã chúc tụng Thiên Chúa vì công trình vĩ đại thực hiện nơi con người: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,4-7)

B. Tân ước

Tân ước đọc lại việc tạo dựng con người vào lúc nguyên thuỷ cùng với sự tan vỡ tương quan với Thiên Chúa. Chính trong khung cảnh đó mà đức Kitô được trình bày như ông Ađam mới, tái lập mối tương quan vừa nói. Đức Kitô trở nên nguyên tổ của một nhân loại mới, đưa nhân loại đến sự sống bất diệt. Chúng ta sẽ trở lại đề tài trong mục tới. Ở đây thiết tưởng nên nêu bật thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa” được thánh Phaolô áp dụng cho Đức Kitô (Cl 1,15). Thuật ngữ này được hiểu không những theo nghĩa là Người đã tái tạo hình ảnh đã ra méo mó do tội của ông Ađam, nhưng là theo nghĩa Đức Kitô phản ánh Thiên Chúa cách trổi vượt hơn cả: chính Người đến để mạc khải chân dung đích thực của Thiên Chúa (xc. Ga 1,18; 14,9; Dt 1,3).

Mặt khác, tuy dù vì tội lỗi, con người đã làm xáo trộn các mối tương quan với Thiên Chúa và vạn vật, nhưng Tân ước vẫn khẳng định chỗ đứng ưu việt của con người trong vũ trụ. Chúa Giêsu nói với các biệt phái: “Ngày sabat được làm cho con người, chứ không phải con người được làm cho ngày sabat” (Mc 2,27). Thánh Phaolô viết rằng: “Tất cả thuộc về anh em; dù là Phaolô, Apôlô, Kêpha, thế giới, sự sống, sự chết, hiện tại, tương lai: tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1Cr 3,21-23).

C. Truyn thng Giáo hi

Khá nhiều vấn đề được đặt lên cho thần học trong việc trình bày đạo lý về sự tạo dựng con người.

1. Trước tiên là về cấu tạo con người. Kinh thánh nói đến “xác – hồn – khí” nơi con người, nhưng đó là ba chiều kích của con người chứ không phải là ba thành phần riêng rẽ. Đến khi tiếp xúc với văn hoá Hy lạp, các giáo phụ mới bắt đầu sử dụng sự phân tích hai thành phần “hồn” và “xác” cấu thành nên con người. Thân xác là yếu tố vật chất và “sẽ trở về với bụi tro”, còn linh hồn thì thiêng liêng và bất tử. Tuy nhiên, các giáo phụ đã chống lại những lạc thuyết hạ giá thân xác, bởi vì thân xác là đền thờ của Chúa Thánh Linh và sẽ được phục sinh. Mặt khác, theo đạo lý Giáo hội công giáo, linh hồn con người (của mỗi người) do Thiên Chúa tạo dựng chứ không do cha mẹ sinh ra.

2. Vào thời Trung cổ, thánh Tôma đã áp dụng triết học Aristote để nói về sự kết hợp giữa linh hồn với thân xác: hai yếu tố được ví như “mô hình” và “chất thể” hợp thành nên con người. Ngoài ra, khi suy tư về cứu cánh của con người, thần học Kinh viện còn nói đến hai cấp độ: cấp độ “tự nhiên” (naturalis) bao gồm những yếu tố cấu thành bản tính (natura) con người; cấp độ “siêu nhiên” (supernaturalis) gồm những gì được ban cấp thêm. Dưới viễn ảnh đó, việc con người được mời gọi vào sống thân mật với Thiên Chúa được xếp vào “cứu cánh siêu nhiên” của con người. Mặt khác, “bản tính” (natura) con người cũng là nền tảng cho luật luân lý tự nhiên (lex naturalis): con người cần phải hành động phù hợp với bản tính của mình, nghĩa là loài có lý trí (xc. Summa Theologica, I-II q.94; GLCG số 1954-1960)

3. Vào thời cận đại, Giáo hội phải đương đầu với nhiều thách đố mới:

– Thuyết duy vật phủ nhận sự hiện hữu của linh hồn. Không lạ gì mà thuyết tiến hoá cho rằng con người tiến hóa từ động vật, chứ không phải do Chúa dựng nên.

– Thuyết vô thần chủ trương rằng con người là chúa của vũ trụ. Việc nhìn nhận một Đấng Tạo hóa chủ tể vạn vật sẽ làm giảm giá trị của tự do con người.

Trong bối cảnh ấy, ta hiểu được những lời khẳng định của công đồng Vaticanô II, theo đó việc nhìn nhận Thiên Chúa không hạ giá nhân phẩm nhưng ngược lại: con người được gọi vươn lên chiều kích siêu việt, chứ không bị đóng khung trong thế giới vật chất này (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 21). Trong chương trước, chúng ta đã có dịp đề cập những đường lối khác nhau khi trình bày về “phẩm giá con người”. Ở đây chỉ nên ghi nhận rằng bản tính con người cần được nhìn trong các mối tương quan: với Thiên Chúa, với tha nhân đồng loại, với vũ trụ và thế giới. Ngoài ra, Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” (số 22) còn trình bày đức Kitô như mẫu người lý tưởng: Người đã mạc khải mầu nhiệm của con người cho con người. Một điểm mới mẻ của bản văn này ở chỗ khẳng định rằng Đức Kitô qua việc Nhập thể ra như đã kết hiệp với từng người. Ta có thể nói ngược lại rằng nhờ việc Nhập thể, mỗi người đã trở nên Kitô hữu rồi.

Phải chăng đây là một ý tưởng táo bạo của Giáo hội thời nay? Không hẳn như vậy đâu. Có những cơ sở Kinh thánh cho phép công đồng đi đến kết luận ấy.

– Đoạn văn của thánh Gioan ở Tự ngôn: “Ngôi Lời là ánh sáng thật chiếu soi mọi người đến trong thế gian” (1,5) đã chẳng hàm ngụ rằng hết mọi sinh linh đều nhận được ảnh hưởng của Ngôi Lời đây sao? Thánh Phaolô đã chẳng quả quyết rằng Đức Kitô đã chết cho hết mọi người đấy ư (xc. 1Tm 2,6)?

– Cách riêng, người ta đọc lại những đoạn văn nói về sự “tiền định” ở trong Tân ước. Đề tài đã trở thành đầu mối của một cuộc tranh luận gay cấn: phải chăng Thiên Chúa đã định cho một số người lên thiên đàng và một số người xuống hoả ngục? Đây là một mầu nhiệm mà không ai trả lời nổi. Nhưng có lẽ người ta cũng đã đặt sai vấn đề. Thánh Phaolô đã dùng từ “tiền định” theo một ý nghĩa khác, rất là tích cực: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân phụ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta… Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,3-4). Tất cả đều nói đến kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã có từ muôn thuở: do tình thương hải hà, Thiên Chúa đã tuyển chọn, đã tiền định để cho chúng ta được chia sẻ hạnh phúc với Người. Như sẽ thấy sau, kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Kitô là Con của Người; vì thế nhân loại được gọi trở nên giống như Đức Kitô. Nói cách khác, sự “tuyển chọn” và “tiền định” đều bao hàm ý tưởng yêu thương. Đó là điều mà thánh Phaolô muốn nói (xc. 1Cr 1,27-29; Rm 8,28-30; Ep 1,3-14; 3,8-12; 1 Tx 5,9; 2Tx 2,13; 1Pr 1,2). Đây là một lý do để nuôi dưỡng niềm hy vọng của các tín hữu.

—————————

Mục III.

Mục IV.

 

—————————

1 Thuật ngữ “tạo dựng bởi hư vô” (productio ex nihilo) xuất hiện vào cuối các sách Cựu ước: 2 Mcb 7,28.

6 COMMENTS

  1. Thưa người quản lý trang Web, Xin cho con hỏi tên tác giả của cuốn sách: “Nhân luận thần học – Con Người với Thiên Chúa” được không ạ?

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here