Nhân luận thần học – Con Người Với Thiên Chúa – Mục I

0
3260

 

Dẫn nhập

 

Mc I. Con người là hình nh Thiên Chúa

Con người là gì? Chúng ta đã biết rằng lịch sử triết học đã đưa ra rất nhiều định nghĩa về con người. Dựa theo các bản văn Kinh thánh, các văn kiện gần đây của Giáo hội đã định nghĩa con người, cách riêng trong tương quan với Thiên Chúa, với thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa”. Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” đã sử dụng thuật ngữ này để mở đầu chương nhất, bàn về phẩm giá con người (số 12). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo cũng tiếp tục hướng đi ấy (xc. số 355-361).

Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ này dựa theo bản văn Kinh thánh và truyền thống Kitô giáo, cùng với những áp dụng vào thời đại hôm nay.

I. Văn bn Kinh Thánh

Khi thuật lại công cuộc tạo dựng con người, tác giả sách Sáng thế (1,26-29) viết rằng:

Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ các loài chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống bò dưới đất”. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất”.

Câu văn ngắn ngủi đã gợi lên rất nhiều thắc mắc khi giải thích:

– Thiên Chúa vô hình vô tượng, làm sao có chuyện “hình ảnh” của Thiên Chúa được? Thiên Chúa đã chẳng ngăn cấm tạc tượng đúc hình của Người đó ư (xc. Xh 20,3-4).

– Câu 26 sử dụng hai danh từ: con người là “hình ảnh” (selem) và “giống như” (demut) Thiên Chúa. Hai danh từ ấy có đồng nghĩa không?

– Tại sao bản văn lại nói đến hình ảnh của “chúng ta” (ở số nhiều)?

Khi giải thích đoạn văn này, các tác giả đề nghị nên phân biệt ý nghĩa chính xác của bản văn và những ý nghĩa dựa trên truyền thống của các giáo phụ và các nhà thần học. Chúng tôi muốn đi theo đề nghị ấy. Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của các từ ngữ, lồng trong các mạch văn và lồng trong bố cục của nó.

A. Từ ngữ

Nên lưu ý là tư tưởng “con người là hình ảnh Thiên Chúa” xuất hiện rất ít lần trong Kinh thánh: ở vài chương đầu của Sách Sáng thế (1,26-27; 5,1-3; 9,6) và hai lần trong các sách Khôn ngoan (Kn 2,23-24; Hc 17,1-4). Trong Tân ước, thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa” được thánh Phaolô áp dụng cho Đức Kitô: Người là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo” (Cl 1,15). Một tư tưởng tương tự cũng gặp thấy trong thư gửi Hipri (1,3): “Người là phản ánh vinh quang, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa”.

1/ Hình nh Thiên Chúa

Cựu ước đã để lại nhiều khoản luật ngăn cấm việc tạc hình, tạc tượng Thiên Chúa, có lẽ bởi vì muốn bài trừ tục lệ thờ lạy ngẫu tượng, hoặc bởi vì Thiên Chúa muốn cho dân Israel có một ý tưởng siêu việt về Thiên Chúa: Thiên Chúa hoàn toàn khác biệt với con người; Ngài không có thân thể, không có phái tính, không có những tâm tình ghen tương thù vặt, không bị hạn chế bởi không gian (hiện diện khắp nơi chứ không bị nhốt trong một thánh điện) v.v. Trong bối cảnh đó thực là khó hình dung được một chân dung hay hình ảnh Thiên Chúa.

Một lối tiếp cận hữu ích để hiểu tư tưởng của Kinh thánh là đối chiếu với những văn hóa trong vùng Cận đông. Tại Mêsôpôtamia và Ai-cập, thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa” được hiểu như là đại diện của Chúa, được áp dụng cho nhà vua “thay Trời trị dân”, hành động nhân danh Chúa. Sách Sáng thế mở rộng tầm nhìn: không những nhà vua nhưng tất cả mọi người đều được coi là hình ảnh Thiên Chúa, hành động như đại diện Thiên Chúa. Ngoài ra, quan niệm về hình ảnh Thiên Chúa thường gắn liền với việc phụng tự thần linh. Còn trong Kinh thánh, tư tưởng về “hình ảnh” được nhìn dưới khía cạnh canh tác lao động.

2/ “Hình nh” và “ging như

Có gì khác biệt giữa hai thuật ngữ không (La tinh: imago / similitudo. Anh: image / likeness. Pháp: image / ressemblance)? Kể từ thánh Irênêô, các giáo phụ quen phân biệt ý nghĩa khác biệt của hai danh từ đó khi áp dụng vào tình trạng của con người sau khi phạm tội: con người vẫn còn mang “hình ảnh Thiên Chúa” nhưng không còn “giống” Thiên Chúa nữa. Tuy nhiên, dưới phương diện ngữ học, các học giả cho rằng hai từ ấy không khác biệt về nội dung, mặc dù đôi khi có người (như Gunkel) cho rằng “hình ảnh” muốn nói đến khía cạnh thể lý, còn “giống như” thì áp dụng cho khía cạnh luân lý đạo đức.

Nên biết là ngoài chương Một sách Sáng thế, những đoạn văn khác của Kinh thánh không còn nói đến sự “giống như” nữa.

3/ Hình nh ca chúng ta

Phải hiểu “chúng ta” như thế nào? Đã có nhiều ý kiến được đưa ra. Có người cho rằng đây là một di tích của tín ngưỡng đa thần. Có người cho rằng Thiên Chúa bàn bạc với triều thần thiên quốc. Sau cùng, có người đã muốn nhìn thấy phảng phất mầu nhiệm Chúa Ba ngôi.

B. Ý nghĩa

Bản văn của chương Một sách Sáng thế xem ra nhìn đến “hình ảnh Thiên Chúa” nơi con người ở chỗ được chia sẻ vào việc quản trị vạn vật. Cả hai người nam nữ đều được ủy thác trọng trách này.

Quan điểm nhân học của Do thái không cho phép phân tách linh hồn một bên và thân xác một bên. Vì thế không thể khẳng định rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa bởi vì có hồn thiêng. Mặt khác, xét vì con người được trao một trọng trách cho nên giả thiết rằng hành vi cao quý là sự sử dụng tự do. Tiếc rằng con người đã lạm dụng tự do của mình, muốn đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa, toàn quyền định đoạt “biết lành biết dữ”, và rồi cắt đứt liên lạc với nguồn mạch sự sống.

II. Truyn thng

Trải qua lịch sử Kitô giáo, có bốn khuynh hướng giải thích thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa”.

1/ Một lối giải thích đơn giản hơn hết là con người mang trong mình lòng khao khát hướng về Thiên Chúa (homo capax Dei), tựa như hoa quỳ hướng dương. Thực vậy, bản tính con người là đi tìm Chân-Thiện-Mỹ, muốn biết và yêu mến Đấng Tuyệt đối. Ta có thể nhận thấy khuynh hướng này nơi thánh Augustinô.

2/ Khuynh hướng thứ hai chú trọng đến vài điểm tương đồng giữa con người với Thiên Chúa. Những điểm so sánh có thể tóm lại như sau:

– Con người có lý trí và ý chí, có khả năng định đoạt, có khả năng yêu thương1.

– Con người không chỉ giống Thiên Chúa vì có những khả năng tinh thần, nhưng nhất là khi làm việc tốt.

– Con người được chia sẻ khả năng sáng tạo bằng canh tác lao động và quản lý vũ trụ.

3/ Lối giải thích thứ ba phân biệt các cấp độ của hình ảnh Thiên Chúa. Ta có thể coi thánh Tôma Aquinô như đại biểu cho khuynh hướng này (Summa Theologica I, q.93, a.4). Sau khi giải thích rằng cốt yếu của “hình ảnh Thiên Chúa” ở chỗ biết và mến Chúa, tác giả phân biệt ba cấp độ:

– Cấp một (imago creationis, naturae) có thể áp dụng cho tất cả mọi người, bởi vì bất cứ người nào cũng có khả năng hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa.

– Cấp hai (imago recreationis, gratiae) chỉ có ở nơi những người sống trong tình trạng ân sủng, nghĩa là khi họ thực sự hiểu biết và yêu mến Chúa. Sự khác biệt giữa hai cấp nằm ở chỗ là ở cấp một, hết mọi người đều có kh năng hiểu biết và yêu mến Chúa; còn cấp hai nói đến những người thc hin sự hiểu biết và yêu mến Chúa.

– Cấp ba (imago similitudinis, gloriae) dành cho các thánh nhân trên trời, bởi vì họ hiểu biết và yêu mến Chúa cách trọn hảo.

4/ Khuynh hướng thứ bốn giải thích thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa” theo một nghĩa năng động, đặt trong bối cảnh của lịch sử cứu độ. Một đặc trưng của quan điểm thần học về con người là nhìn nhận tình trạng tội lỗi của con người. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng con người đã được dựng nên trong tình nghĩa với Thiên Chúa. Tiếc rằng mối tương quan ấy đã bị sứt mẻ do tội lỗi của con người. Sự rối loạn trong tương quan với Thiên Chúa cũng lôi theo những rối loạn của các tương quan khác: giữa người nam với người nữ, giữa con người với thiên nhiên, đó là chưa nói đến sự rối loạn ngay trong nội tâm của mình, khi các đam mê thoát ra khỏi tầm kiểm soát của lý trí và ý chí (xc Rm 7,14-15).

a) Thánh Irênê đã diễn tả tình trạng méo mó do tội lỗi gây ra bằng sự phân biệt giữa hai ý tưởng “hình ảnh” và “giống như” (Adversus haereses V, 6,1; V, 8, 1; V, 16,2). Ý tưởng “Hình ảnh” nói lên một sự thông dự về hữu thể, còn ý tưởng “giống như” hàm ngụ tính cách luân lý. Con người tội lỗi vẫn là “hình ảnh” Thiên Chúa, nhưng không còn “giống” Thiên Chúa nữ Tiến trình cứu độ và thánh hóa nhằm giúp cho con người được trở thành “giống” Thiên Chúa hơn, hay nói theo thánh Irênê, nhằm giúp cho con người được “thần hóa” (divinisatio). Đó là mục tiêu của cuộc Nhập thể: “Thiên Chúa trở nên người để con người trở nên Thiên Chúa”2.

b) Nhờ sự phân biệt giữa “hình ảnh” và “giống như”, thánh Irênê cho rằng tội lỗi không phá hủy hoàn toàn hình ảnh Thiên Chúa nơi con ngườ Ông Lutêrô thì bi quan hơn, bởi vì ông cho rằng tội lỗi đã phá hủy bản tính con người, nghĩa là “hình ảnh Thiên Chúa” đã bị xóa nhòa. Quan niệm này giải thích lý do vì sao thần học Tin Lành ít sử dụng thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa”.

c) Quan điểm của thánh Irênê cũng là quan điểm của Giáo hội công giáo. Thiết tưởng cũng nên nói thêm rằng tuy hình ảnh Thiên Chúa đã được đức Kitô tái tạo nơi những ai tin vào Người và lãnh bí tích rửa tội, nhưng hình ảnh này chỉ đạt tới mức hoàn hảo khi con người được chiêm ngưỡng nhan Chúa trên thiên quốc (xc. Cl 3,3-4). Trong hiện tại, chúng ta vẫn còn mang vết tích của “con người cũ” cần được hủy diệt, để làm sáng tỏ “con người mới”.

III. Thn hc hin đại

Vào những thập niên gần đây, “hình ảnh Thiên Chúa” đã trở thành một đề tài nghiên cứu của môn “nhân luận thần học” (Anthropologia theologica). Chúng tôi chỉ muốn giới hạn vào hai văn kiện tiêu biểu: một văn kiện của Ủy ban thần học công giáo (Communion et service: L’homme créé à l’image de Dieu, phát hành ngày 23/7/2004) và một văn kiện của Ủy ban thần học “Faith and Order” thuộc Hội đồng đại kết các Giáo hội (Christian Perspectives on Theological Anthropology, Genève 2004).

Cả hai văn kiện không dừng lại ở việc giải thích nội dung của hạn từ “hình ảnh Thiên Chúa”, nhưng còn rút ra những hệ luận thực hành trong đời sống hằng ngày cho các tín hữu cũng như cho các Giáo hội.

A. Vn đề gii thích

1/ Cần phải hiểu con người là hình ảnh Thiên Chúa theo nghĩa toàn diện, bao trùm toàn thể con người: cả linh hồn cũng như thể xác đều là hình ảnh Thiên Chúa (chứ không riêng một khía cạnh nào chẳng hạn như linh hồn hoặc lý trí). Dĩ nhiên, cả người nam cũng như người nữ đều mang hình ảnh Thiên Chúa.

2/ Hình ảnh Thiên Chúa nơi con người đã bị sứt mẻ vì tội lỗi. Đức Kitô đã tái tạo hình ảnh đó nhờ công trình cứu độ. Nói cách khác, đức Kitô trở nên khuôn mẫu hoàn hảo của “hình ảnh Thiên Chúa” (Cl 1,15), và việc trở nên giống Thiên Chúa (Imago Dei) cũng đồng nghĩa với việc trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (Imago Christi xc. Rm 8,29; 2 Cr 3,18) nhờ quyền năng của Thánh Linh (Rm 8,23). Tuy rằng đây là một lý tưởng mà các tín hữu đặt ra cho sinh hoạt của mình, nhưng lý tưởng này chỉ đạt được hoàn toàn trong sự phục sinh toàn thể nhân loại vào thời cánh chung, khi Đức Kitô trở nên tất cả trong mọi sự (1Cr 15,49).

B. Nhng áp dng vào thi nay

Khi trình bày đạo lý cổ truyền về con người là hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta không thể nào không lưu ý đến nhận xét mỉa mai của ông Ludwig Feuerbach, theo đó Thiên Chúa là hình ảnh của con người chứ không phải ngược lại. Vì thế một đàng ta cần phải đề phòng những giải thích lệch lạc, đàng khác cần ý thức những thách đố mới của thời đại.

1/ Những viễn tượng mới

Chắc chắn rằng ta không thể nào so sánh con người với Thiên Chúa, hoặc Thiên Chúa với con người dưới phương diện bản thể. Tuy nhiên, ta có thể dựa trên bản văn Kinh thánh để nêu bật vài nét tương đồng đáng được khai triển, chẳng hạn như sự “thông hiệp”.

Khi thuật lại việc tạo dựng loài người, sách Sáng thế viết rằng Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Người “có nam có nữ”. Điều này không chỉ muốn nói loại trừ việc kỳ thị phụ nữ (“nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”) bởi vì phụ nữ cũng là hình ảnh Thiên Chúa, nhưng ra như còn muốn nói rằng hình ảnh Thiên Chúa được biểu lộ qua mối tương quan nam nữ. Điều này có thể được giải thích theo nhiều hướng.

– Có thể hiểu như là không phái nào riêng rẽ (dù nam dù nữ) diễn tả được hình ảnh Thiên Chúa, nhưng tất cả hai phái họp nhau lại mới thành “loài người” (xc. St 2,20-25) và diễn tả trọn vẹn hình ảnh Thiên Chúa.

– Có thể hiểu về chính sự kết hợp phối ngẫu giữa nam nữ như là biểu lộ hình ảnh Thiên Chúa, bởi vì nhờ đó nảy ra một mầm sống mới: vợ chồng thông dự vào việc tạo dựng của Thiên Chúa3.

– Có thể mở rộng nhãn giới hơn nữa, đi từ tương quan nam nữ (vợ chồng) đến tất cả mọi mối tương quan nhân bản. Con người được sinh ra không phải để sống như một ốc đảo nhưng là để sống với người khác. Hình ảnh Thiên Chúa được biểu lộ nơi sự “thông hiệp”, họa theo mối thông hiệp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Hiểu như vậy, tất cả mọi mối tương quan giữa con người (vợ chồng, cha mẹ con cái, bằng hữu v.v.) đều là phản ánh của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Đây là một sứ mạng của các Kitô hữu: họ phải làm cách nào xây dựng các mối hiệp thông giữa lòng nhân loại. Một cách đặc biệt, Giáo hội phải biểu lộ mình như là sự thông hiệp giữa các phần tử thuộc nhiều thành phần khác biệt, nhưng đã được quy tụ nên một nhờ Lời Chúa, Mình Chúa, dưới tác động của Thánh Linh.

2/ Những thách đố mới

– Công đồng Vaticanô II đã dùng thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa” để trình bày phẩm giá con người. Điều này không những đề cao thiên chức của con người, nhưng còn bao hàm việc tranh đấu để bảo vệ sự tôn trọng con người, loại trừ tất cả mọi hình thức kỳ thị về phái tính, màu da chủng tộc, điều kiện chính trị xã hội.

– Trong một nền văn minh muốn đặt con người làm trung tâm vũ trụ, thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa” muốn nhắc nhở rằng sự cao quý của con người nằm ở chỗ mở rộng đến chiều kích Siêu Việt. Việc nhìn nhận Thiên Chúa không làm suy giảm phẩm giá con người. Ngược lại, sự cắt đứt chiều kích Siêu việt sẽ gây ra cảnh ngột ngạt bế tắc: con người bị đóng khung trong thế giới vật chất và cùng mang số phận tàn tạ như loài cỏ cây.

– Con người vượt lên trên các thụ tạo khác ở chỗ có lý trí và tự do. Dưới khía cạnh này, sự giải thích của thần học cổ truyền về hình ảnh Thiên Chúa vẫn còn giá trị. Tuy nhiên, chúng ta có thể bổ túc thêm rằng bởi vì lý trí và ý chí không biệt lập khỏi cảm giác và cảm xúc, linh hồn không biệt lập khỏi thân xác, cho nên con người vượt lên trên thú vật kể cả xét về thân xác nữa. Nói cách khác, toàn thân con người là hình ảnh Thiên Chúa. Ngoài ra, “hình ảnh Thiên Chúa” không chỉ hiểu về “bản tính” nhưng còn về “hoạt động” nữa.

– Vì là hình ảnh Thiên Chúa, con người được đặt làm “bá chủ” vũ trụ. Đây là một danh dự và cũng là trọng trách. Con người chỉ là “quản lý” vũ trụ chứ đâu phải là chủ nhân? Vì thế con người cần đối xử với vũ trụ phù hợp với luật thiên nhiên, hợp với lý trí và ý chí, chứ không theo đam mê dục vọng. Con người không được phép khai thác vũ trụ vô điều độ, đến nỗi phá hủy vũ trụ. Cũng như Thiên Chúa, con người có nhiệm vụ bảo vệ sự sống chứ không được hủy diệt sự sống.

Dù được hiểu theo chiều hướng nào đi nữa, ta thấy rằng “hình ảnh Thiên Chúa” không chỉ mô tả một phẩm tính nhưng còn bao hàm một nỗ lực nhằm đạt đến một lý tưởng. Người Kitô hữu tuy đã được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, nhưng vẫn còn phải chiến đấu với những đam mê dục vọng trong bản thân mình (xc. Ep 6,10-20). Còn phải nói gì đến các lực lượng của sự dữ, hận thù, chết chóc đang hoành hành trên thế giới? Dù sao, người Kitô hữu tin rằng họ không hoạt động đơn độc nhưng cùng cộng tác với người đồng loại, và được sự hỗ trợ của ân sủng.

Đó là những nét mà chúng tôi sẽ khai triển trong những mục tiếp theo: tạo dựng, sa ngã, cứu chuộc.

——————————————-

Mục II.

Mục III.

Mục IV.

—————————————–

1 Thánh Augustinô so sánh ba quan năng tinh thần của con người (ký ức, trí hiểu và ý chí) với Ba ngôi Thiên Chúa.

2 Adversus haereses, III, 19,1; IV, 33, 4; V, 1,1. Xc. Đời sng tâm linh tập V, trang 188-198.

3 Cựu ước đã dùng hình ảnh hôn nhân để diễn tả giao ước giữa Thiên Chúa với dân Israel (xc Is 54,5; Ed 16,8-14; Hs 2,14-16). Tân ước cũng diễn tả tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội thánh dưới hình ảnh vợ chồng (2Cr 11,2; Ep 5,21-33; Kh 19,2.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here