Văn hóa hòa bình – Giáo huấn của các giáo hoàng qua sứ điệp ngày Hòa bình Thế giới

0
3852

 Juan Del Rio Martin

Trích Thời sự Thần học, Số 81 – tháng 08-2018

Trong bài này, tác giả, Tổng Giám mục Tổng tuyên úy quân đội nước Tây ban nha, muốn phân tích các chủ đề của 50 năm Ngày Thế giới cầu nguyện cho Hòa bình, dựa theo mỗi triều đại Giáo hoàng. Vì khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chỉ chú trọng đến nội dung của các sứ điệp, và bỏ qua phần giới thiệu tiểu sử của các ngài. Nguồn: La cultura de la paz, 50 Aniversario de las Jornadas Mundiales de la Paz. Carta pastoral, Madrid 2017, www.arzobispocastrense.com/images/2017/modulos/right/pastoral

Viết tắt: TGHB Thế giới hòa bình

I. ĐGH Phaolô VI: Một nền nhân bản toàn diện

II. ĐGH Gioan Phaolô II: Giáo hoàng của tự do

III. ĐGH Beneđictô XVI: Đức tin – lý trí và tự do

IV. ĐGH Phanxicô: Niềm vui loan báo Tin mừng

—————————————

Các sứ điệp của Ngày Thế giới hòa bình là một nguồn để khai triển Giáo huấn xã hội của Giáo hội và cho thấy nỗ lực của Giáo hội nhằm xây dựng văn hóa hòa bình. Nền văn hóa này được đặt nền tảng trên những nghĩa vụ công bằng, được nâng đỡ nhờ hy sinh của bản thân và cộng đoàn, và có khuôn mặt là: đối thoại, tôn trọng, hiểu biết, bao dung, tóm lại là tình yêu[1].

Hòa bình không phải là một lý tưởng hão huyền, nó là “một thực tại biến đổi cần phải kiến tạo vào mỗi thời buổi văn minh, cũng tựa như tấm bánh nuôi sống chúng ta, vừa là hoa màu của ruộng đất và Quan phòng, vừa là công lao của người lao động. Hòa bình là một sự thăng bằng được nâng đỡ trong lúc chuyển động và tỏa ra các năng lực của tinh thần và hành động; nó là một sức mạnh thông minh và sống động”[2].

Việc kiến tạo hòa bình nằm trong cốt lõi của sứ điệp Kitô giáo, bởi vì nó dựa trên biến cố cứu độ của Đức Kitô, Đấng được Thiên Chúa sai đến để mang lại hồng ân hòa bình và mời gọi chúng ta hợp tác để ân huệ ấy đạt tới sự sung mãn. Nói đến văn hóa hòa bình là nói đến sứ mạng của Giáo hội trong thế giới, đó là thực hiện cuộc hòa giải của mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô, phá đổ bức tường ngăn cách giữa các dân tộc (x. 2Cr 5,18-19; Ep 2,14). Loan báo Đức Kitô là loan báo hòa bình.

Những điều vừa nói xem ra quá đơn giản nhưng lại thường dễ quên. Lịch sử cho thấy nhân loại đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh thảm khốc, và có nguy cơ sẽ bị diệt vong. Đứng trước nguy cơ này, công đồng Vaticano II không những lên án những cuộc chiến tranh tàn phá toàn diện nhưng còn kêu gọi tránh chiến tranh bằng cách kiến tạo hòa bình (Gaudium et spes 80). Đây là một trách nhiệm của mọi người chứ không chỉ riêng của các chính trị gia. Những nguyên tắc này sẽ được các khai triển qua các sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình.

I. ĐGH Phaolô VI (1968-1978)

Đức Thánh Cha Phaolô VI được bầu vào chức vụ kế vị thánh Phêrô ngày 21 tháng 6 năm 1963. Ngài được tặng nhiều biệt hiệu: giáo hoàng của đối thoại (thông điệp đầu tiên Ecclesiam suam tập trung vào đề tài này), giáo hoàng của công đồng Vaticano II, giáo hoàng của lữ hành, v.v… Ngài đã quyết định thành lập ngày thế giới hòa bình, với hy vọng rằng vào ngày bắt đầu một năm mới (dương lịch) mọi người sẽ suy nghĩ và dự tính một kế hoạch mang lại hạnh phúc. Ngày hòa bình thế giới lần đầu tiên được cử hành ngày 1-1-1968. Trong sứ điệp đầu tiên chỉ là lời mời gọi dành ra một ngày để suy nghĩ và cầu nguyện cho hòa bình, chứ chưa đưa ra một chủ đề cụ thể. Các chủ đề bắt đầu kể từ năm 1969.

Những chủ đề của các sứ điệp của Đức Phaolô VI có thể nhìn dưới quan điểm “nhân bản toàn diện” (humanisme intégral), một tư tưởng của Jacques Maritain mà ngài rất tâm đắc. Thực vậy, năm 1969, đề tài là “Việc thăng tiến các quyền lợi của con người, đường dẫn đến hòa bình”. Việc tôn trọng những quyền lời căn bản là bảo đảm và điều kiện cho một nền hòa bình bền vững trong xã hội, điều này đã được đề cập trong sứ điệp mở đầu cho các ngày TGHB năm 1968: “Chính là nền hòa bình chân thật, hòa bình công bằng và quân bình, hòa bình dựa trên sự nhìn nhận các quyền của con người và sự tôn trọng nền độc lập của mỗi quốc gia mà chúng tôi mời gọi những bậc cao minh và nghị lực hãy dành ra ngày này”.

Sự gặp gỡ giữa con người là bước đầu của con đường sư phạm nhằm giáo dục nền nhân bản toàn diện, từ đó nảy sinh văn hóa hòa bình. Vì thế đề tài năm 1970 là “Giáo dục hòa bình nhờ việc hòa giải”: “Lý tưởng hòa bình cần bắt đầu bằng việc giáo dục. Hòa bình bắt đầu ở trong con tim của con người. Trước tiên, cần phải hiểu biết hòa bình, ước muốn, yêu mến nó; kế đến chúng ta biểu lộ nó và ghi khắc vào cách cư xử, vào triết học, vào xã hội học, vào chính trị… Đã đến lúc mà văn minh lấy cảm hứng bởi một quan điểm khác với đấu tranh, bạo lực, chiến tranh, để đưa thế giới đến một công bình đích thực, đến nền văn minh của tình thương”.

Ngày nay, ý thức về tình huynh đệ đại đồng đã chớm nở trong tâm trí nhiều người, khiến chúng ta nhìn nhận rằng hòa bình là kết quả của tình yêu, công bình và tình huynh đệ. Vì thế, sứ điệp năm 1971 lấy khẩu hiệu là “Mọi người đều là anh em của tôi”: “Đây là tiếng vọng của Bản Tuyên ngôn nhân quyền, tiếng nói phát xuất từ ý thức mới của nhân loại: tất cả mọi ngươi đều sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi, và nhờ có lý trí và lương tâm, họ phải đối xử với nhau như anh em”.

Năm 1972 nhắc nhở chúng ta rằng: “Nếu muốn hòa bình, hãy làm việc cho công lý”. Khi suy tư về hòa bình, ta thấy yêu sách thứ nhất là phải tôn trọng công bình: “Lời mời gọi cử hành Hòa bình cũng là mời gọi thực hành công bình Opus justitiae pax (x. Is. 32, 17). Hôm nay chúng tôi lặp lại điều ấy với một công thức mới và năng động hơn”. Nếu muốn hòa bình, hãy làm việc cho công bình. Lời mời gọi không phải là không biết đến những khó khăn khi định nghĩa cũng như khi áp dụng. Việc thực thi công bình đòi hỏi phải hy sinh tham vọng và danh giá cá nhân. Thực vậy, cần có nhiều nghị lực để chấp nhận công lý và hòa bình, hơn là để áp đặt quyền lợi của mình trên đối phương. Có như vậy, ta mới có thể khẳng định trong năm 1973: “Hòa bình là điều có thể được”, miễn là mỗi người dám dấn thân cho nhiệm vụ của mình: “Hòa bình cũng tùy thuộc vào bạn” (1974).

Năm 1975, Đức Thánh Cha trở lại đề tài hòa giải nhân dịp Năm Toàn xá: “Hòa giải, con đường đến hòa bình”: “Dập tắt chiến tranh, ngưng chiến, xác định biên giới, tạo thêm bang giáo, trừng trị để dằn mặt… tất cả vẫn chưa đủ để đưa đến hòa bình. Một thứ hòa bình áp đặt chỉ có giá trị tạm thời. Cần phải nhắm đến hòa bình trong tự do, huynh đệ, nghĩa là dựa trên sự hòa giải huynh đệ”. Những suy tư ấy được tiếp nối vào năm 1976 “Những khí cụ đích thực của hòa bình”: cần phải làm thế nào để tăng sức mạnh cho các khí cụ tinh thần, củng cố luật quốc tế, bắt đầu bằng việc tôn trọng các hiệp định “ngõ hầu cuộc đàm phán giữa các quốc gia được hữu hiệu, và công bình giữa các dân tộc được vững bền”.

Đức Phaolô VI đã cung cấp những yếu tố căn bản cho một nền hòa bình bền vững: hòa giải, tình huynh đệ, sự hợp tác, loại trừ bạo lực. Những ai chống lại chiến tranh và bạo lực thì hãy chọn lựa hòa bình, tôn trọng sinh mạng, chấp nhận con người với những đòi hỏi sâu thẳm nhất của chân lý. Vì thế sứ điệp năm 1977 mang tựa đề: “Nếu muốn hòa bình, hãy bảo vệ sự sống”.

Năm cuối cùng của triều giáo hoàng (1978) mang tựa đề: “Nói KHÔNG với bạo lực, nói CÓ với hòa bình”. Như chúng ta sẽ thấy, đề tài sẽ tái xuất hiện vào lúc kỷ niệm 50 năm ngày TGHB. Để kết luận, ra như lời kêu gọi của Đức Phaolô VI tại diễn đàn Liên hợp quốc năm 1965: “Đừng bao giờ có chiến tranh nữa!” được lặp lại: “Đừng bao giờ có bạo lực nữa!” bởi vì bạo lực cũng là một hình thức chiến tranh. Không thể có hòa bình nếu người ta còn muốn phô trương lực lượng để thị uy. Bạo lực làm hạ giá con người và đe dọa sự sống chung trong xã hội.

II. ĐGH Gioan Phaolô II (1978-2005)

Vị giáo hoàng này đã từng nếm cảnh chiến tranh và các chế độ độc tài ngay trên quê hương của mình. Ngài muốn trở thành một ngôn sứ rao giảng hòa bình và bênh vực các quyền lợi của con người, qua những cuộc công du, các thông điệp xã hội (Sollicitudo rei socialis, 30-12-1987; Centesimus annus, 1-5-1991), và các sứ điệp ngày HBTG. Những sứ điệp này một đàng tiếp tục đường lối của vị tiền nhiệm, đàng khác đào sâu thêm chiều kích triết học về con người, một chuyên ngành trong những năm ngài dạy học ở Cracovia.

Sứ điệp đầu tiên, năm 1979, khẳng định rằng “Để đạt được hòa bình, cần giáo dục hòa bình” mời gọi tất cả mọi người, bất kỳ có tín ngưỡng hay không, hãy đọc lịch sử theo chiều hướng lạc quan tích cực, bỏ qua một bên tiếng ồn của vũ khí và gánh nặng của hận thù.

Ngày THHB của năm kế tiếp, 1980, mang chủ đề: “Chân lý là sức mạnh của hòa bình”. Con người sống trong sự dối trá của lịch sử, của tâm tình, không thể nào đạt được hòa bình. Đề tài của năm 1981 “Để phục vụ hòa bình, chúng ta phải tôn trọng tự do”. Do kinh nghiệm, Đức thánh cha đã biết giá đắt của tự do, vì thế ngài viết: “Chúng ta đừng hy vọng một thứ hòa bình do sự cân bằng giữa hai thế lực khủng bố… Chúng ta không thể chấp nhận bạo lực như là con đường đưa tới hòa bình… bởi vì chúng không thể dung hợp với nhau”. Vì vậy, năm 1982, Ngài trình bày nguồn mạch của tự do: “Hòa bình, ân huệ của Thiên Chúa được ký thác cho loài người” như sau: “Hòa bình bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là nền tảng cuối cùng của hòa bình… Chỉ duy Thiên Chúa là bảo đảm của tất cả các quyền lợi căn bản của con người”. Tuy vậy, Thiên Chúa đã tự định nghĩa như là Đấng luôn đối thoại với các thụ tạo; từ đó chủ đề được chọn cho năm 1983 là “Đối thoại hòa bình, một thách đố cho thời đại chúng ta”, nhắc nhở rằng hòa bình không phải là chuyện “không tưởng”. Đứng trước vũ lực của khí giới, con đường, con đường lựa chọn duy nhất là sự đối thoại, và lịch sử cho thấy hiệu lực của nó: “Sau bao nhiêu đau thương và tàn phá của chiến tranh, con người đã ngồi lại đối thoại, bởi vì chiến tranh chẳng giải quyết gì hết”. Trong sứ điệp năm 1984, Đức thánh cha thêm một ý tưởng nữa vào loạt bài suy tư về hòa bình: “Hòa bình phát sinh từ trái tim mới”; những trở ngại của hòa bình nằm ở trong con tim của con người, vì thế, nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta cần nhổ bật chúng ra khỏi đó bằng sự hoán cải.

Tuy nhiên, từ năm 1985, Đức Gioan Phaolô II bắt đầu chú ý đến những nhân tố có ảnh hưởng đến hòa bình: “Hòa bình đồng hành với giới trẻ”. Hòa bình không chỉ là lãnh vực chuyên môn của các nhà ngoại giao, chính trị, chiến lược mà thôi. Các thế hệ trẻ được mời gọi xây dựng một thế giới mới, không còn chi những khối tiền khổng lồ vào khí giới, đang khi hằng triệu sinh linh lâm cảnh đói kém; các thế hệ trẻ hãy kiến tạo một thế giới không còn bị chia rẽ bởi những khối ý thức hệ nữa.

Năm 1986, một năm bất ổn giữa các hệ thống chính trị quân sự trên hoàn cầu, giữa những khối Bắc và Nam bán cấu, Đức thánh cha chọn đề tài như sau: “Hòa bình là một giá trị không biên giới giữa Bắc-Nam, Đông-Tây: chỉ có một nền hòa bình duy nhất”. Tất cả nhân loại làm nên một gia đình. Sứ điệp này được gắn liền với năm 1987, nhân kỷ niệm 20 năm thông điệp “Phát triển các dân tộc” của vị tiền nhiệm, kêu gọi mọi người hãy góp phần cụ thể cho việc phát triển, bởi vì: “Phát triển và liên đới; hai chìa khóa cho hòa bình”.

Bước sang năm 1988, thánh Gioan Phaolô II vạch ra một khía cạnh mới trong việc kiến tạo hòa bình: “Tự do tín ngưỡng là điều kiện cho việc chung sống hòa bình”. Ngài viết: “Tự do tín ngưỡng là một yêu sách thánh thiêng của phẩm giá con người, là một viên đá tảng của các nhân quyền, vì thế là một nhân tố không thể nào thiếu đối với các cá nhân và xã hội… Tự do của mỗi người và mỗi cộng đồng được tuyên xưng và thực hành tín ngưỡng của mình là một yếu tố hòa bình giữa con người với nhau”.

Thập niên 90 đi vào các đề tài đặc thù, chẳng hạn năm 1989: “Để xây dựng hòa bình, hãy tôn trọng các nhóm thiểu số”, và nhắc lại một lần nữa rằng hòa bình không chỉ là không có chiến tranh. Năm 1990, chúng ta gặp thấy một đề tài mới và rất hiện đại: “Hòa bình với Thiên Chúa, hòa bình với vạn vật”: “Ngày nay, chúng ta lo lắng bởi vì hòa bình thế giới bị đe dọa bởi việc thi đua vũ trang, bởi những cuộc xung đột tại nhiều vùng, bởi những bất công xảy ra giữa các dân tộc và quốc gia; nhưng cũng có những mối đe dọa mới phát xuất từ việc thiếu tôn trọng đối với thiên nhiên, bởi sự khái thác bừa bãi các nguồn nhiên liệu, bởi sự sút giảm phẩm chất của cuộc sống”. Năm 1991, đề tài liên quan đến phạm vi rất tư riêng: “Nếu muốn hòa bình, hãy tôn trọng lương tâm của mỗi người”. Ý tưởng này giống như năm 1988, khi mời gọi suy nghĩ về mối liên lạc chặt chẽ giữa các nhân quyền và tự do tín ngưỡng: “Sự bảo đảm cho sự hiện hữu của chân lý khách quan ở nơi Thiên Chúa là chân lý tuyệt đối, và sự tìm kiếm chân lý được đồng hóa, dưới khía cạnh khách thể, với việc tìm kiếm Thiên Chúa”. Vì lý do ấy, năm 1992, trùng với kỷ niệm 25 năm thành lập ngày TGHB, Đức thánh cha tuyên bố một niềm xác tín mới nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trình lâu dài này: “Tín đồ các tôn giáo đoàn kết trong việc xây dựng hòa bình”. Năm sau, khi nhìn đến các mục tiêu và tác nhân của hòa bình, đề tài mời gọi hãy tôn trọng những người nghèo, những người không được bảo vệ: “Nếu muốn hòa bình, hãy đi gặp gỡ người nghèo”.

Hòa bình nằm trong kế hoạch của con người hướng đến việc phát triển và chung sống lâu bền. Sứ điệp của năm 1994 cho thấy rằng gia đình là nơi bắt đầu thể hiện kế hoạch đó và là nền tảng của hòa bình giữa các dân tộc, quốc gia và các nền văn hóa: “Từ gia đình phát sinh hòa bình của gia đình nhân loại”. Năm 1995, năm của Hội nghị về phụ nữ do Liên hợp quốc tổ chức tại Bắc Kinh, đề tài là “Phụ nữ, nhà giáo dục hòa bình”: “Ước gì các phụ nữ hãy trở thành những nhà giáo dục hòa bình bằng tất cả cuộc sống và hành động; ước gì họ trở thành những chứng nhân, sứ giả, cô giáo của hòa bình trong tương quan giữa các cá nhân và các thế hệ, trong gia đình, trong đời sống văn hóa, xã hội và chính trị của các quốc gia, đặc biệt trong những tình cảnh xung đột và chiến tranh”. Đề tài được tiếp nối vào năm 1996, liên quan đến các nhi đồng: “Chúng ta hãy để lại cho các nhi đồng một tương lai hòa bình!” Đức thánh cha viết: “Vào đầu năm mới, tâm trí tôi nghĩ tới các nhi đồng và khát vọng của các em được hưởng tình yêu và sự thanh thản. Cách riêng tôi cảm thấy bổn phận phải nhắc đến các em bé đang phải chịu đau khổ vì chiến tranh, những em chưa bao giờ có cảm nghiệm về hòa bình”. Năm 1997, khởi đầu kế hoạch tam niên tiến đến năm 2000, đề tài là: “Nếu muốn hòa bình, hãy biết tha thứ”, nhấn mạnh một lần nữa rằng hòa bình phát sinh từ trái tim con người, từ khả năng yêu thương và hòa giải.

Năm 1998 mời gọi chúng ta cử hành ngày hòa bình với một khẩu hiệu khá khiêu khích: “Từ công bình của mỗi người, phát sinh hòa bình cho mọi người”. Sứ điệp này bàn về sự chung sống trong công bình, và coi đó như là điều kiện tiên quyết để bảo đảm hòa bình cho tất cả mọi người. Nói cách khác, bên cạnh sự công bình mà chúng ta đòi hỏi ở người khác (cá nhân hay đoàn thể), còn có sự công bình mà mỗi người chúng ta cần mang lại cho người khác; nghĩa là bên cạnh quyền đòi hỏi công bình còn có bổn phận thực thi công bình. Một người cư xử bất công không thể nào đòi hỏi người khác phải xử công bình với mình, bởi vì có một sự liên hệ hỗ tương trong cách xử sự: “Đâu có công bình thì ở đấy có hòa bình, và ở đâu mà bất công ngự trị thì ở đấy không thể có hòa bình”.

Bí quyết của hòa bình nằm ở chỗ tôn trọng các quyền lợi con người”. Sứ điệp viết rằng: “Lịch sử cận đại đã cho thấy mối nguy của việc lãng quên sự thật về con người. Mọi người đã chứng kiến những hậu quả của các ý thức hệ như là thuyết mác-xít, quốc xã, phát-xít cũng như những huyền thoại về sự kỳ thị chủng tộc, quốc gia, bộ tộc. Cũng tai hại không kém, mặc dù ít khi nhận ra, những hậu quả của chủ nghĩa hưởng thụ duy vật trong đó người ta đề cao cá nhân và những thỏa mãn bản thân như là mục tiêu của cuộc đời. Trong một viễn tượng như vậy, người ta không đếm xỉa đến những thiệt hại gây ra cho tha nhân. Thế nhưng, cần phải nhấn mạnh rằng: không được nhắm mắt trước những vi phạm nhân quyền, dù bắt nguồn từ đâu và dưới hình thức nào. Năm 1998 là tròn 50 năm ra đời của bản tuyên ngôn về những quyền lợi của con người. Văn kiện này được gắn liền với Hiến chương Liên hợp quốc, vì cả hai cùng phát sinh từ một hứng khởi như nhau. Bản Tuyên ngôn nhân quyền mở đầu với lời tuyên bố rằng sự nhìn nhận phẩm giá bẩm sinh của tất cả mọi thành phần gia đình nhân loại, cũng như sự bình đẳng và bất khả nhượng của các quyền lợi con người, là nền tảng của tự do, công bình và hòa bình trên thế giới. Tất cả mọi văn kiện quốc tế tiếp theo về nhân quyền đều lặp lại chân lý ấy, khi nhìn nhận và khẳng định rằng chúng bắt nguồn từ phẩm giá gắn liền với nhân vị.

Bản Tuyên ngôn nhân quyền rất là rõ ràng về điều này: văn kiện chỉ nhìn nhận và công bố chứ không ban cấp những quyền ấy, bởi vì chúng gắn liền với nhân vị và nhân phẩm. Từ đó ta phải khẳng định rằng không ai được phép tước đoạt những quyền ấy khỏi một con người, dù họ thế nào đi nữa, bởi vì trái ngược tự nhiên. Tất cả mọi con người, không trừ ai, đều bình đẳng về phẩm giá. Cũng vì lý do đó, các quyền lợi ấy đi theo hết mọi chặng của cuộc đời và trong bất kỳ bối cảnh chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa nào. Chúng hợp thành một toàn bộ duy nhất, nhằm thăng tiến mỗi một khía cạnh của điều thiện của con người và của cả xã hội”.

Thiên niên kỷ mới được bắt đầu với chủ đề trích từ Tin mừng: “Hòa bình trên trái đất cho những người mà Thiên Chúa yêu thương”. Đức thánh cha viết: “Đây là lời loan báo của các thiên sứ đi kèm theo việc Chúa Giêsu ra đời cách đây hai ngàn năm (x. Lc 2,14), và chúng ta sẽ được hoan hỉ lắng nghe vào đêm lễ Giáng sinh, khi khai mạc Năm Toàn xá. Sứ điệp hy vọng phát ra từ hang Be lem … Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người trên địa cầu và ban cho họ một niềm hy vọng vào một thời đại mới, thời đại hòa bình. Tình thương của Thiên Chúa, được tỏ bày nơi Thánh tử làm người, là nền tảng của hòa bình phổ quát; nếu tình thương ấy được đón nhận sâu thẳm tận đáy lòng, sẽ hòa giải mỗi người với Thiên Chúa và với chính mình, đổi mới các mối tương quan giữa loài người, và gợi lên lòng khát khao tình huynh đệ có khả năng đuổi xa cám dỗ của bạo lực và chiến tranh. Tôi xin thưa với quý vị là hòa bình có thể có được. Hòa bình là một ân huệ của Thiên Chúa mà ta khẩn xin, nhưng hòa bình cũng cần được kiến tạo, ngày qua ngày, bằng những việc công bình và yêu thương. Với chiến tranh, chính nhân loại làm mất nó. Trong thế kỷ vừa trôi qua, nhân loại đã bị thử thách nặng nề vì một chuỗi những chiến tranh, xung đột, diệt chủng, gây ra biết bao đau khổ khôn tả: hằng triệu người tử vong, các gia đình và xứ sở tan nát; vô vàn người phải di cư, chịu đói khát, bệnh tật… Cội rễ của những đau thương ấy là logic của bạo lực, được nuôi dưỡng bởi ý muốn thống trị và bóc lột người khác, bởi ý thức hệ bá quyền, bởi chủ nghĩa quốc gia quá khích, bởi những mối thù chủng tộc truyền kiếp. Đôi khi, để kháng cự lại vũ lực muốn thống trị hoặc đô hội các dân tộc, người ta buộc phải sử dụng vũ khí để tự vệ”.

Năm 2001 trở về với một đề tài thân thương của Đức Phaolô VI: “Đối thoại giữa các nền văn hóa hướng đến một nền văn minh của tình thương”. Sứ điệp viết: “Đối thoại là một phương tiện tuyệt vời nhất để thực hiện nền văn minh của tình thương và hòa bình, mà vị tiền nhiệm của tôi, Đức Phaolô VI, đã vạch ra như một lý tưởng cần thấm nhuần vào đời sống văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế thời này. Vào lúc bắt đầu thiên niên kỷ thứ ba, cần phải đề nghị một lần nữa con đường đối thoại cho một thế giới mang nhiều dấu tích của xung đột và bạo lực, và lắm khi không còn khả năng nhận ra những chân trời hy vọng và hòa bình”.

Đề tài của năm 2002 thật là súc tích: “Không có công bình thì không có hòa bình, không có tha thứ thì không có công bình”. Đề tài này được gợi lên sau cuộc tấn công của quân khủng bố vào Tòa nhà tháp đôi ở New York ngày 11 tháng 9 năm trước, gây thiệt mạng cho hằng ngàn người. Sứ điệp viết: “Trong hoàn cảnh này, làm thế nào nói đến công bình và tha thứ như điều kiện của hòa bình? Tôi xin thưa rằng, có thể và cần phải nói đến nó, bất chấp nhiều khó khăn trong đó, bởi vì người ta thường tách rời công bình và tha thứ thành hai thực thể đối nghịch. Tuy nhiên, sự tha thứ đối lại oán hận báo thù chứ không đối lại công bình”.

Đề tài năm 2003 muốn nhắc lại giáo huấn của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII nhân dịp kỷ niệm 40 năm ban hành thông điệp về hòa bình: “Pacem in terris. Một nhiệm vụ trường kỳ”. Sứ điệp muốn đọc lại bốn điều kiện cơ bản của hòa bình vào thời buổi hôm nay, đó là: chân lý, công bình, yêu thương và tự do”.

Tựa đề của năm 2004 “Một cuộc dấn thân luôn hiện thực: giáo dục hòa bình” trở lại với đề tài của sứ điệp đầu tiên của triều giáo hoàng: “Trong suốt 25 năm giữ chức vụ lãnh đạo Giáo hội, tôi không ngừng lên tiếng, trước mặt Giáo hội và thế giới, để kêu gọi những tín đồ cũng như những người thiện chí hãy quan tâm đến vấn đề hòa bình, góp phần vào việc thực hiện điều thiện hảo cơ bản nhất, ngõ hầu bảo đảm cho thế giới một kỷ nguyên mới, trong sự sống chung an lành và tôn trọng lẫn nhau”.

Vài tháng trước khi băng hà, năm 2005, Người đã chọn đề tài lần cuối: “Đừng để cho sự dữ vượt thắng, nhưng hãy thắng sự dữ bằng sự thiện”, và viết: “Hòa bình là một sự thiện thúc đẩy điều thiện: nó là một điều thiện cho cá nhân, gia đình, các quốc gia, và cho toàn thể nhân loại, nhưng là một sự thiện cần được gìn giữ và ủng hộ nhờ các dự án và công việc tốt lành. Nhờ thế ta hiểu được châm ngôn của thánh Phaolô: “Đừng lấy ác báo ác” (Rm 12,17). Cách thức duy nhất để thoát ra khỏi vòng xoắn của sự dữ là làm theo lời khuyên của thánh Tông đồ: “Đừng để cho mình bị thắng bởi sự ác; trái lại, hãy thắng sự ác bằng sự thiện” (Rm 1,1). Lời này ra như tóm lại sứ điệp của những ngày HBTG dưới triều tại của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

III. ĐGH Bênêđictô XVI (2006-2013)

  • Những chủ đề của ĐTC Bêneđictô XVI dựa trên ba tư tưởng chủ đạo: “Đức tin, lý trí và tự do tín ngưỡng”, mà ngài đã có dịp trình bày trong bài thuyết trình tại đại học Regensburg ngày 12-9-2006. Chúng ta cần đọc lại trong bối cảnh lịch sử của nó.
  • Cuộc tranh luận giữa các tôn giáo và bạo lực đã được khơi lên sau cuộc tấn công ở New York ngày 11-9-2001. Nhiều người buộc tội cho tôn giáo là nguyên nhân gây ra bạo lực, khủng bố và chiến tranh. Nhiều hành động khủng bố đã xảy ra dưới bóng lá cờ của Nhà Nước Islam (IS); tuy nhiên đó là cuồng tín, bóp méo tôn giáo, vì tách rời niềm tin ra khỏi lý trí. Khi nào thiếu sự quân bình giữa hai yếu tố đó, thì bất cứ tôn giáo nào cũng có thể bị lạm dụng và lôi cuốn vào bạo lực.
  • Đàng khác, niềm tin mà thiếu lý trí thì dễ đưa đến chủ nghĩa bảo căn (fundamentalism), còn lý trí mà thiếu niềm tin thì cũng sinh ra sự độc tài của chủ nghĩa duy-tương-đối (relativism), như đã xảy ra dưới nhiều chế độ cách mạng muốn bứng nhổ tôn giáo ra khỏi lương tâm và xã hội, chẳng hạn như cách mạng Pháp năm 1789 hoặc những chế độ cộng sản ở Đông Âu. Điều trớ trêu là, như Karl Barth đã nhận xét, khi trên trời Thiên Chúa bị trục xuất, thì dưới đất đầy dẫy các thần tượng[3], trong đó phải kể đến thần tượng chiến tranh. Đối lại, tôn giáo chân chính là nguồn mạch của sự hòa hợp giữa các dân tộc, và bài thuốc chữa trị bạo lực[4]. Niềm tin vào Thiên Chúa là nguồn mạch của hòa bình, chứ không phải của chiến tranh. Vì thế, ĐTC Bênêđictô XVI muốn cho thấy rằng tôn giáo gắn liền với lý trí: bạo lực là sự phủ nhận lý trí và sự thánh thiêng. Tuy nhiên, nếu hạn chế hoặc phủ nhận tự do tôn giáo thì sẽ không có hòa bình giữa các quốc gia và dân tộc.

Sứ điệp đầu tiên của triều đại giáo hoàng của ngài (2006) mang chủ đề là “Trong chân lý, hòa bình”. Điều này muốn nói rằng vào thời buổi hôm nay, văn hóa của sự dối trá đã sản sinh mọi thứ bạo lực, bởi vì đàng sau nhiều cuộc chiến tranh, ta chỉ thấy sự dối trá và lèo lái các sự kiện nhằm phục những lợi ích của ý thức hệ, chính trị hoặc kinh tế: “Ngày hôm nay, chân lý của hòa bình đang bị khủng hoảng hoặc phủ nhận do nạn khủng bố, với những đe dọa và hành động độc ác, khiến cho thế giới sống trong hồi hộp bất an… Chủ trương dùng vũ lực bắt buộc người khác phải chấp nhận điều mà mình cho là chân lý là một sự vi phạm phẩm giá con người, và nói cho cùng, xúc phạm đến Thiên Chúa, mà con người là hình ảnh”.

Gợi hứng từ các nhi đồng, sứ điệp năm 2007 mang tựa đề: “Nhân vị, con tim của hòa bình”. Đức thánh cha xác tín rằng “Tôn trọng nhân vị là cổ vũ cho hòa bình, và kiến tạo hòa bình là đặt nền tảng cho một nền nhân bản toàn diện. Như thế là chuẩn bị một tương lai an lành cho các thế hệ trẻ”. Sứ điệp gồm chín đoạn, bàn về quyền sống, tự do tín ngưỡng, sự bình đẳng giữa con người, môi sinh hòa bình, những quan niệm hẹp hòi về con người, những quyền lợi của con người và các tổ chức quốc tế, luật quốc tế về nhân đạo và luật quốc nội, và cuối cùng, Giáo hội bảo vệ chiều kích siêu việt của con người như thế nào.

Năm 2008 nhấn mạnh đến một trong những mối bận tâm nhất của mọi thời đại: “Gia đình nhân loại, cộng đồng hòa bình”: “Quả vậy, trong một gia đình lành mạnh, người ta cảm nhận được vài yếu tố cốt yếu của hòa bình: công bình và yêu thương giữa các anh chị em, uy quyền của cha mẹ, việc phục vụ ân cần dành cho các thành phần yếu ớt, những người bé nhỏ, già lão và bệnh tật, sự nâng đỡ lẫn nhau khi cần thiết, sự đón nhận lẫn nhau và sự tha thứ nếu cần. Vì thế, gia đình là nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế của hoà bình”. Khởi đi từ tế bào căn bản của xã hội, Đức thánh cha móc nối với môi trường, kinh tế, luật luân lý, và kết thúc bằng việc kêu gọi giải trừ khí giới hạch nhân, nhằm bảo vệ đại gia đình nhân loại: “Vào lúc tiến trình không bành trướng vũ khí hạch nhân đang bế tắc, tôi thấy có nhiệm vụ khuyến khích các chính quyền hãy tiếp tục đàm phán, với một ý chí cương quyết hơn nhằm giảm bớt các vũ khí hạch nhân. Tôi chắc rằng khi lặp lại lời kêu gọi này là tôi nói lên khát vọng của biết bao người đang quan tâm đến tương lai của nhân loại”.

Những chủ đề kế tiếp không mới lạ gì, nhưng được đặt lại trong một bối cảnh xã hội và văn hóa mới. Chủ đề của năm 2009 “Chống lại nghèo khó, xây dựng hòa bình” đã được ĐTC Gioan Phaolô II đề cập năm 1993, nhưng được nhìn dưới khía cạnh của luật luân lý và hiện tượng toàn cầu hóa: “Tự nó, việc toàn cầu hóa không có khả năng tạo ra hòa bình; ngược lại nhiều khi lại sản sinh ra những chia rẽ và xung đột. Đúng ra việc toàn cầu hóa nêu bật một nhu cầu, đó là hướng đến tình liên đới sâu xa, nhắm đến điều tốt của mọi người và của từng người. Theo nghĩa này, cần phải coi đó như là một cơ hội thuận tiện để thực hiện một điều gì quan trọng trong việc chống lại cảnh nghèo nàn, và mang lại cho công lý và hòa bình những nguồn lợi chưa từng được nghĩ đến”.

Qua năm 2010, nội dung là mối tương quan giữa môi sinh và hòa bình: “Nếu muốn hòa bình, hãy bảo vệ vạn vật”. Điều này đòi hỏi phải bắt đầu bằng việc thay đổi não trạng và nếp sống đối với thiên nhiên: “Càng ngày ta càng thấy sự suy thoái của môi trường chất vấn lối cư xử của mỗi người chúng ta, các lối sống và các kiểu tiêu thụ và sản xuất hiện hành, thường là không thể chấp nhận được dưới khía cạnh đời sống xã hội, môi trường và thậm chí kinh tế nữa”.

Tự do tín ngưỡng là một mối ưu tư được nhiều giáo hoàng nhắc đến trong các sứ điệp ngày TGHB, nhưng đối với đức thánh cha Bênêđictô XVI, đã đến lúc phải đề cập trong khung cảnh sự sống chung hòa bình trong xã hội. Bởi vậy, đề tài của năm 2011 là “Tự do tín ngưỡng, con đường dẫn đến hòa bình”. Bản văn rất minh bạch, tố giác những cuộc tấn công chống lại tự do tín ngưỡng của các cá nhân và đoàn thể, và kết luận như sau: “Tự do tín ngưỡng là một khí cụ chính đáng của hòa bình, với một sứ mạng lịch sử và ngôn sứ. Thực vậy, nó đánh giá và phát triển những đức tính và tiềm năng sâu xa nhất của con người, có khả năng làm thay đổi và cải tiến thế giới. Nó cho phép hy vọng vào một tương lai của công lý và hòa bình, ngay cả khi đứng trước những cảnh bất công và tang thương vật chất và tinh thần. Mong sao cho tất cả mọi người và mọi dân tộc, trong hết mọi hang cùng ngõ hẻm của địa cầu, sớm được cảm nghiệm tự do tín ngưỡng, là con đường đưa tới hòa bình”.

Để đạt tới điều này, cần phải giáo dục các thế hệ trẻ. Đề tài của năm 2012 là “Giáo dục tuổi trẻ về công lý và hòa bình”, muốn kêu gọi các bạn trẻ hãy luôn nuôi dưỡng các lý tưởng, “để trở thành những kẻ xây dựng hòa bình, họ cần được giáo dục về lòng trắc ẩn, tình liên đới, sự hợp tác huynh đệ; họ hãy trở thành chủ động trong các cộng đồng, biết thức tỉnh lương tâm trước những vấn đề quốc gia và quốc tế, cũng như tầm quan trọng của việc tìm ra những cách thức tái phân phối tài sản, sự hợp tác vào việc phát triển và giải quyết các mối tranh chấp”.

Năm 2013, Đức thánh cha Bênêđictô XVI quay về với bài giảng trên núi: Phúc thay những kẻ tìm kiếm hòa bình. Năm mươi năm sau thông điệp Pacem in terris của thánh Gioan XXIII, cũng như của công đồng Vaticanô II, Giáo hội được kêu gọi thúc đẩy văn hóa hòa bình: “Chính vì vậy, Giáo hội thâm tín rằng sự cấp bách phải loan báo Chúa Giêsu Kitô, nhân tố đầu tiên và chính yếu của việc phát triển toàn diện các dân tộc cũng như của hòa bình. Thực vậy, Chúa Giêsu thực sự là hòa bình, công lý và hòa giải của chúng ta (x. Ep 2,14; 2Cr 5,18). Kẻ hoạt động cho hòa bình, theo mối phúc thật của Chúa Giêsu, là người đi tìm điều thiện của tha nhân, điều thiện về linh hồn và thể xác, hôm nay và ngày mai”.

IV. ĐGH Phanxicô

Được bầu làm người kế vị thánh Phêrô ngày 13-3-2013, hồng y Giorgio Bergoglio vị tổng giám mục Buenos Aires, đến từ miền Nam bán cầu, đã chọn danh hiệu là Phanxicô vì muốn gần gũi và phục vụ những người nghèo, những kẻ khiếm tốn. Khác với vị tiền nhiệm, thuộc miền Bắc Âu và là một nhà thần học, đức đương kim giáo hoàng sử dụng một ngôn ngữ đơn sơ, gần gũi với dân chúng.

Nguyên lý chỉ đạo mục vụ của đức đương kim Giáo hoàng là niềm vui loan báo Tin mừng. Người thâm tín rằng việc loan báo Tin mừng mang lại hòa bình cho tâm hồn con người và cho các dân tộc. Chủ đề của năm 2014 là: “Tình huynh đệ, nền tảng và con đường của hòa bình” và sứ điệp mở đầu như sau: “Trong sứ điệp ngày TGHB lần đầu tiên của tôi, tôi cầu chúc cho tất cả mọi người và mọi dân tộc được cuộc sống đầy vui tươi và hy vọng. Trái tim của mỗi người chất chứa niềm hy vọng một cuộc sống tròn đầy, hòa thuận với hết mọi người, thấy nơi khuôn mặt của tha nhân những người anh chị em để yêu thương và đón nhận, chứ không phải những kẻ thù địch”.

Với một ngôn từ khác với các vị tiền nhiệm, tuy vẫn duy trì sự liên tục tư tưởng với các thông điệp xã hội (Populorum progressio của ĐTC Phaolô VI, Sollicitudo rei socialis của ĐTC Gioan Phaolô II, Caritas in veritate của ĐTC Bênêđictô XVI), sứ điệp đề cập đến tình huynh đệ khởi đi từ đoạn sách Sáng thế (4,1-16), khi việc Cain giết Abel đã đánh dấu việc khước từ ơn gọi làm anh em. Vì thế, ngày nay, đứng trước những cảnh chiến tranh, bạo lực khủng bố, cần phải tái khám phá tình huynh đệ: “Tình huynh đệ cần được tái khám phá, yêu mến, cảm nhận, loan báo và làm chứng. Tuy nhiên, duy chỉ tình yêu do Thiên Chúa ban mới cho phép chúng ta đón nhận và sống tình huynh đệ”.

Đứng trước sự gia tăng tệ nạn con người bóc lột con người, giày đạp các quyền lợi căn bản, hủy diệt tự do và nhân phẩm, là điều đe dọa hòa bình, Đức thánh cha Phanxicô nhận thấy cần phải suy nghĩ sâu xa hơn về tình huynh đệ trong sứ điệp năm 2015 với chủ đề: “Không phải là nô lệ nhưng là anh em”. Kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại là tình huynh đệ chứ không phải là thù địch. Sứ điệp khởi đi từ thư của thánh Phaolô gửi ông Philemôn, rồi đi tới việc mô tả các hình dạng nô lệ vào thời này, cũng như phân tích những nguyên nhân sâu xa của nó; để rồi đi đến quyết tâm bài trừ tệ nạn này, và thay vào đó là cổ võ tình huynh đệ thay vì thống trị người khác.

Đối với Đức thánh cha, chúng ta đang sống “thế chiến thứ ba diễn ra từng hồi”. Chúng ta không thể dửng dưng trước những cảnh tàn ác đang xảy ra: chiến tranh, tấn công khủng bố, bắt cóc, bách hại vì lý do chủng tộc hoặc tôn giáo, những sự tàn phá đang tăng gia ở nhiều miền trên thế giới.

Trước những thảm cảnh ấy, chúng ta không được ngoảnh mặt đi, hoặc rơi vào tâm trạng bi quan. Ở vào thời điểm lịch sử này, chúng ta không nên mất niềm hy vọng vào khả năng con người có thể, nhờ ơn Chúa, vượt thắng sự ác, chứ không chịu buông xuôi hoặc dửng dưng. Vì thế sứ điệp năm 2016 là lời kêu gọi xây dựng văn hóa hòa bình: “Thắng sự dửng dưng, chinh phục hòa bình”. Nhiều câu hỏi được đặt lên: chúng ta muốn sống trong một thế giới như thế nào? Chúng ta muốn để lại gia tài gì cho các thế hệ tương lai? Những câu hỏi này đưa chúng ta đến chỗ vượt thắng sự dửng dưng bằng cách thay lòng đổi dạ, thăng tiến tình liên đới, nuôi dưỡng lòng trắc ẩn với tha nhân. Đó là con đường dẫn tới hòa bình cá nhân, xã hội và quốc tế.

Năm 2017 kỷ niệm 50 năm ngày TGHB với chủ đề: “Sự bất bạo động: một đường lối chính trị nhắm đạt hòa bình”. Nội dung của văn kiện này dựa trên tư tưởng của các vị tiền nhiệm từ Đức Phaolô VI cũng như hiến chế Gaudium et spes của công đồng Vaticano II. Sứ điệp nêu bật rằng bạo lực và hòa bình là hai cách thức tương phản nhau để xây dựng xã hội, và mời gọi các nhà chính trị hãy cố gắng đi vào con đường đàm phán hòa bình, ngay cả bề ngoài xem ra không thể thực hiện được. Nhờ vậy sự bất bạo động mang một ý nghĩa rộng hơn: nó không chỉ là ước muốn loại trừ bạo động, những bản năng hủy hoại. Bất bạo động không có nghĩa là một quốc gia giữ thái độ dửng dưng trước những thảm trạng của quốc gia khác, nhưng là nhìn nhận sự ưu tiên của đường lối ngoại giao hơn là tiếng súng. Đây là một đường lối chính trị đề cao sự thượng tôn pháp luật, nghĩa là bảo vệ các quyền lợi của mỗi người, không phân biệt hay kỳ thị ai. Nói khác đi, đó là nhìn nhận sức mạnh của luật, chứ không phải luật của sức mạnh. Cần phải sử dụng tất cả mọi đường lối hợp pháp, trước khi sử dụng chiến tranh.

Kết luận

Chủ đề của 50 ngày TGHB[5] không đi theo một thứ tự mạch lạch. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể xếp đặt lại cách hệ thống, dựa theo những ý tưởng chủ đạo của thông điệp Pacem in terris của Đức thánh cha Gioan XXIII[6], phân làm ba mục chính: 1/ bản chất của hòa bình. 2/ những con đường. 3/ xây dựng hòa bình.

A. Bản chất

1/ Hòa bình với nhân quyền

Thông điệp Pacem in terris đã liên kết hòa bình với nhân quyền. Điều này được nhắc đến trong sứ điệp năm 1969. Hòa bình có liên lạc chặt chẽ với việc nhìn nhận các quyền lợi con người trên lý thuyết và thực tế. Cả hai hỗ trợ lẫn nhau.

Đề tài được lặp lại năm 1974 nhân dịp kỷ niệm 25 năm bản Tuyên ngôn nhân quyền. Đức Gioan Phaolô II đã dành hai năm liên tiếp (1998 và 1999) để trình bày nền tảng, ý nghĩa của các quyền lợi con người: nó gắn liền với phẩm giá của con người. Khi các quyền lợi này không được tôn trọng, tất nhiên sẽ sinh ra tình trạng bất ổn, và bạo động. Đối lại, việc tôn trọng nhân quyền là dụng cụ kiến tạo hòa bình.

Trong số những quyền lợi căn bản của con người, các sứ điệp nhấn mạnh đặc biệt đến quyền tự do tín ngưỡng, bởi vì nó đụng đến khía cạnh thâm sâu nhất của phẩm giá con người (năm 1988; 2011). Tự do tín ngưỡng gắn liền với tự do lương tâm, nơi mà con người thể hiện tự do của mình trong việc đi tìm chân lý, và mở lòng đến điều thiện.

2/ Bốn cột trụ của hòa bình: chân lý, công bình, yêu thương, tự do

Việc thể hiện một nền văn minh các nhân quyền là cốt tủy của trật tự hòa bình thế giới. Nền văn minh này được xây dựng trên bốn giá trị làm trụ cột cho đời sống xã hội, đã được nêu lên trong thông điệp vừa nói.

a) Chân lý. ĐTC Phaolô VI đã cảnh giác những quan niệm sai lạc về hòa bình, làm méo mó hình ảnh về hòa bình. Chẳng hạn các nhà chính trị bị cám dỗ muốn áp đặt một nền trật tự bằng sức mạnh (năm 1972). Một sự sai lạc khác thường xảy ra là người ta đòi hỏi quyền lợi nhưng lại không chịu đảm nhận nhiệm vụ (năm 2003). Chỉ nhấn mạnh đến quyền lợi mà không quan tâm đến nghĩa vụ của mình là hiểu sai hòa bình, bởi vì nó mời gọi tất cả mọi người phải tạo ra những tương quan thành thực, trong sáng trong các cuộc đàm phán, và trung tín giữ lời hứa (năm 2006). Ý thức đứng đắn về mối tương quan này đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận mọi người là anh chị em; nếu thiếu điều này thì sẽ không có hòa bình vững bền (năm 2014).

Mối liên hệ giữa chân lý và hòa bình dựa trên niềm xác tín rằng có một trật tự luân lý do Thiên Chúa thiết lập. Sự tôn trọng trật tự này mang lại hạnh phúc cho cá nhân cũng như cho xã hội. Có hai chủ trương đi ngược lại với điều xác tín này: một bên phủ nhận chân lý (thuyết hư vô: nihilismo), một bên chủ trương áp đặt chân lý bằng vũ lực (thuyết bảo căn: fundamentalism). (năm 2006).

b) Công bình. Nhiều sứ điệp đã nêu bật tương quan giữa công bình và hòa bình. Thực vậy, công bình là “nhân đức bảo vệ phẩm giá cao quý của con người, và đảm nhận công ích của xã hội” (sứ điệp 1998). Công bình là nguyên lý điều khiển trật tự xã hội. Hòa bình là kết quả của tình trạng trong đó phẩm giá của mỗi người được bảo vệ, và những quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người được liên kết hài hòa với nhau.

c) Yêu thương là men của hòa bình, nếu người ta cảm thấy các nhu cầu của tha nhân như là của mình, và chia sẻ với tha nhân cái mà mình có (sứ điệp 2003). Đối với trật tự xã hội, tình yêu mang một hình thù đặc biệt là nhân đức liên đới, là ý muốn dấn thân phục vụ điều thiện của mọi người và của mỗi người, tỏ lòng trắc ẩn với những người yếu kém và san sẻ nguồn lợi của mình cho họ.

d) Tự do nuôi dưỡng hòa bình, khi con người được hướng dẫn theo lý trí và đảm nhận trách nhiệm về những hành vi của mình (sứ điệp 2003).

Tất cả bốn cột trụ này được Đức Bênêđictô XVI lặp lại trong sứ điệp năm 2013, nhân kỷ niệm 50 năm thông điệp Pacem in terris.

3/ Hòa bình: một khả thể và một nhiệm vụ

Liên quan đến bản chất của hòa bình, các sứ điệp muốn nêu lên hai đặc tính, nuôi dưỡng niềm hy vọng và quyết tâm của con người. Hòa bình “có thể đạt được” (sứ điệp 1973), chống lại những tâm thức buông xuôi. Hơn nữa, không chỉ hòa bình có thể đạt được mà cần phải đạt được: đó là một nghĩa vụ (sứ điệp 1974). Đây là một niềm hy vọng nằm trong thâm tâm mỗi người (sứ điệp 1977), và chúng ta hy vọng rằng nằm trong khả năng của con người, nhờ ơn Chúa giúp đỡ (sứ điệp 2016). “Hòa bình có thể đạt được, cần phải đạt được”: châm ngôn này được lặp lại nhiều lần (sứ điệp 2004; 2013). Đức Phanxicô cũng họa lại điều ấy khi nói đến sự bất bạo động trong sứ điệp năm 2017.

B. Những con đường

Sứ điệp năm 2005 mở đầu như sau: “Hòa bình là một điều thiện cần được cổ vũ bằng điều thiện”. Đây là sự lật ngược lại phương châm cổ điển “Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh” (Si vis pacem, para bellum). Đâu là những điều thiện cần cổ vũ?

Trên đây chúng tôi đã nhắc đến một vài điểm nằm trong chính bản chất của hòa bình: tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của con người, tỏ tình liên đới với những người nghèo. Các sứ điệp còn muốn khai triển thêm ba điểm:

1/ Hòa bình và phát triển sánh đôi với nhau (sứ điệp 1985). Ngân sách khổng lồ dành cho quân sự là lấy đi biết bao nguồn lực dành cho sự phát triển. Đây là điều lưu ý dành cho các siêu cường quốc cũng như các quốc gia nhược tiểu (sứ điệp 1973). Đứng trước các nhu cầu của các nước nghèo, việc thi đua vũ trang là một điều ô nhục (sứ điệp 1982; 2006). Tương quan giữa việc giải trừ binh bị và sự phát triển được đề cập trong sứ điệp năm 2009 và 2017.

2/ Hòa bình và công ích được bàn trong sứ điệp năm 2013. Công ích đòi hỏi một thẩm quyền hướng dẫn các hoạt động bảo đảm thịnh vượng cho mỗi người. Điều này cũng được đặt ra trên bình diện quốc tế, là một điều chưa thực hiện được. Đang khi đó, người ta chứng kiến một thứ dửng dưng toàn cầu trước những vấn đề xã hội, cách riêng là đối với hòa bình (sứ điệp 2015; 2016).

3/ Một yếu tố thứ ba trong con đường dẫn đến hòa bình là sự tha thứ (sứ điệp 1970). Nhiều lần, các thứ đình chiến, hòa bình là do áp lực vì thế không bền vững. Cần phải có sự tha thứ và hòa giải nữa (sứ điệp 1997). Hòa bình đòi hỏi sự tôn trọng trật tự luân lý và sự tha thứ (sứ điệp 2002). Hận thù cần được thay thế bằng công bình và tha thứ, là một điều khó thực hiện ngay trước mắt, nhưng mang lại hậu quả lâu bền (sứ điệp 2014; 2016).

C. Xây dựng hòa bình

Trong quá khứ, để hạn chế chiến tranh, thần học công giáo ra như chỉ nghĩ đến “chiến tranh công bình”, bằng cách đạt ra những điều kiện cho chiến tranh diễn ra trong khuôn khổ của luân lý. Nhưng ngày nay, người ta cảm thấy cần phải làm cái gì tích cực hơn nữa, qua việc bất bạo động tích cực, bằng cách thấm nhuần vào lương tâm nhân loại sự cần thiết phải xây dựng hòa bình (sứ điệp 2017), dựa trên khát vọng hòa bình chất chứa trong thâm tâm của mỗi người. Những điều vừa kể trên đây muốn khai triển các chi tiết của nỗ lực này, qua việc phân tích những thành tố của nó: công bình và phát triển, yêu thương và liên đới. Chúng ta nhận thấy rằng các sứ điệp của ngày HBTG đã cung cấp một thần học và linh đạo về hòa bình.

Phụ thêm. Chủ đề các ngày hòa bình thế giới

  1. (1968). Ngày hòa bình thế giới
  2. (1969). Việc thăng tiến nhân quyền, con đường dẫn đến hoà bình
  3. (1970). Tự giáo dục về hoà bình qua việc hòa giải
  4. (1971). Mỗi người là anh em của tôi
  5. (1972). Nếu muốn hoà bình, hãy làm việc cho công lý
  6. (1973). Hoà bình là điều có thể được
  7. (1974). Hoà bình cũng tùy thuộc ở bạn nữa
  8. (1975). Hòa giải, con đường dẫn đến hoà bình
  9. (1976). Những khí cụ thực sự của hoà bình
  10. (1977). Nếu muốn hoà bình, hãy bảo vệ sự sống
  11. (1978). KHÔNG với vũ lực. CÓ với hoà bình
  12. (1979). Giáo dục hoà bình, để đạt được hoà bình
  13. (1980). Chân lý như là sức mạnh của hoà bình
  14. (1981). Để phục vụ hoà bình, hãy tôn trọng tự do
  15. (1982). Hoà bình quà tặng của Thiên Chúa được ủy thác cho loài người
  16. (1983). Đối thoại hoà bình, một thách đố cho thời đại chúng ta
  17. (1984). Hoà bình nảy sinh từ một con tim mới
  18. (1985). Hoà bình đồng hành với giới trẻ
  19. (1986). Hoà bình là giá trị không biên giới. Bắc-Nam, Đông-Tây: một hoà bình duy nhất
  20. (1987). Phát triển và liên đới, những chìa khóa của hoà bình
  21. (1988). Tự do tín ngưỡng, điều kiện cho sự sống chung hòa bình
  22. (1989). Để xây dựng hòa bình, tôn trọng những nhóm dân thiểu số
  23. (1990). Hoà bình với Thiên Chúa tạo thành, hoà bình với tất cả mọi thụ tạo
  24. (1991). Nếu muốn hoà bình, hãy tôn trọng lương tâm mỗi người
  25. (1992). Các tín đồ tôn giáo đoàn kết trong việc xây dựng hoà bình
  26. (1993). Nếu bạn tìm hoà bình, hãy đi gặp những người nghèo
  27. (1994). Từ gia đình phát sinh hoà bình của gia đình nhân loại
  28. (1995). Phụ nữ: nhà giáo dục hoà bình
  29. (1996). Chúng ta hãy cho các thiếu nhi một tương lai hoà bình
  30. (1997). Hãy trao ban tha thứ, hãy đón nhận hoà bình
  31. (1998). Từ đức công bằng của mỗi người nảy sinh hoà bình cho tất cả mọi người
  32. (1999). Bí quyết của hoà bình chân chính nằm ở việc tôn trọng các nhân quyền
  33. (2000). Hoà bình dưới thế cho những con người được Chúa yêu thương!
  34. (2001). Đối thoại giữa các văn hóa để đạt tới một nền văn minh tình thương và hoà bình
  35. (2002). Không thể có hoà bình nếu không có công bằng, không có công bằng nếu không có tha thứ
  36. (2003). “Pacem in terris”: một nhiệm vụ trường kỳ
  37. (2004). Một cuộc dấn thân luôn hiện thực: giáo dục hoà bình
  38. (2005). Đừng chịu thua sự ác, nhưng thắng sự ác bằng sự thiện (Rm 12,21)
  39. (2006). Hoà bình trong chân lý
  40. (2007). Nhân vị là trọng tâm của hoà bình
  41. (2008). Gia đình nhân loại: cộng đồng hoà bình
  42. (2009). Chống lại sự nghèo khó, xây dựng hoà bình
  43. (2010). Nếu muốn vun trồng hoà bình, hãy giữ gìn tất cả thụ tạo
  44. (2011). Tự do tín ngưỡng, con đường đến hoà bình
  45. (2012). Giáo dục thanh thiếu niên về công lý và hoà bình
  46. (2013). Phúc cho những ai xây dựng hoà bình
  47. (2014). Tình huynh đệ, nền tảng và con đường hoà bình
  48. (2015). Không còn là nô lệ, nhưng là anh em
  49. (2016). Thắng dửng dưng và chinh phục hoà bình
  50. (2017). Bất bạo động: một đường lối chính trị nhắm đạt hòa bình
  51. (2018). Di dân và tị nạn: những người đi tìm hòa bình

Tài liệu đọc thêm

Kenneth Himes OFM, «Papal Thinking about Peace since Pacem in Terris: The World Day of Peace Messages, 1967-2013», in: Journal of Catholic Social Thought, 1 (2014) 9-32.

Peter Kodwo Appiah Turkson, «I messaggi per le Giornate Mondiali della Pace, 1968-2017. I papi tracciano la via per la pace», in: M. D’Avino – U. De Siervo (edd.), La pace necessaria, AVE, Roma 2017, 17-36,

[1]  X. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội, số 520.

[2] ĐGH Phaolô VI, Sứ điệp ngày Thế giới hòa bình lần thứ XI, (1-1-1978).

[3]  Được trích dẫn do R. Cammilleri, Los monstruos de la Razón, Rialp, Madrid 1995, 18.

[4] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Sứ địêp ngày thế giới hòa bình lần thứ XXV, 1-1-2002, số 14.

[5] Bài này chỉ giới hạn vào các chủ đề từ năm 1967 đến 2017. Chủ đề của năm 2018 là “Di dân và tị nạn: những người đi tìm hòa bình”.

[6] Peter K. A. Turkson, La via tracciata dai papi in cinquant’anni di Messaggi per la pace, in “Aggiornamenti sociali” (aprile 2017), http://www.aggiornamentisociali.it/articoli/la-via-tracciata-dai-papi-in-cinquant-anni-di-messaggi-per-la-pace

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here