Vấn Đề Thượng Đế Dưới Nhãn Quan Triết Học (3)

0
2709


Dominican

 

I. VẤN ĐỀ THƯỢNG ĐẾ THEO DÒNG LỊCH SỬ

II. BẢN TÍNH VÀ ĐẶC TÍNH CỦA THƯỢNG ĐẾ

A. Vấn Đề Thượng Đế Hiện Hữu

1. Quan niệm của Thuyết Vô Thần

2. Những Cố Gắng Của Lý Trí Trên Đường Tìm Thượng Đế

3. Con đường của Thánh Thomas Aquinas

Để hiểu chứng lý ngũ đạo thánh Toma Aquino, chúng ta lược sơ qua vài nhận xét chung theo hai quan điểm: quan điểm lịch sử và quan điểm giá trị.

a. Quan điểm lịch sử

Ngũ đạo thánh Toma Aquino gồm năm chứng lý, các học giả đồng thời với ngài cũng dùng. Tuy nhiên, ngài có công mang lại cho chúng một bộ mặt luận lý có trật tự và như ta đã thấy nó bao hàm tất cả những chứng lý hậu thiên nào ta có thể tưởng tượng được. Làm công việc đó, ngài múc nguồn cảm hứng từ hai nguồn triết học, từ đời trước chảy lại: Giòng triết học giáo phụ qua những sách của Petrus Lombardus và giòng triết học Ả rập. Giòng triết học giáo phụ đã đem tới cho ngài nhiều tài liệu rải rác ở các sách chú giải Thánh kinh. Những kiến thức tự phát về Thượng Đế ta đã có dịp ghi ở trên, thánh Toma đã góp nhặt tất cả và đem vào phòng “thí nghiệm” triết học, kiểm soát. Hệ thống hoá và trình bày một khuôn khổ chặt chẽ như còn truyền tụng tới ngày nay.

Nhưng còn một giòng triết học nữa ít được ai để ý tới là giòng triết học Ả Rập – Do Thái của những triết gia như: Avicenna; Averroes và Maimonides. Những nhà triết học này đã phổ biến triết học Aristote trong các xứ tây âu thuộc giai đoạn trung cổ, và do đó ảnh hưởng tới thánh Toma.

b. Quan điểm giá trị

Trừ những nhận xét ở trên về giá trị việc minh chứng có Thượng Đế, ở đây ta đặt câu hỏi: những chứng lý hậu thiên cổ điển có giá trị gì không? Có thể trả lời cách tương đối hoặc tuyệt đối.

– Cách tương đối: Trước hết, nên nhớ những chứng lý do một tri thức khoa học không khác những chứng lý do một tri thức tự phát mấy. Do đó, chúng thường không đem lại cho người tri thức cái thâm tín đầu tiên về việc có Thượng Đế. Thực ra biết chắc có Thượng Đế nhiều lúc là một điều dễ dàng, đến nỗi người ta không để ý tới phương pháp luận lý nơi nhận thức đó. Những chứng lý khoa học chẳng qua là để minh nhiên hoá những gì đã biết do tri thức tự phát. Hơn nữa tri thức tự phát này được coi như kiểu minh chứng nhãn tiền ẩn náu tận trong những nếp sâu nhất của lý trí con người. Nhiều khi nó lại đem tới một sự xác định rõ ràng hơn bất cứ một kiểu nhận thức nào có vẻ nhân tạo. Thật ra, về phương diện hộ giáo, những chứng lý này không có cùng một giá trị nơi mỗi một người. Ngày nay, thịnh hành nhất là chứng lý xây trên trật tự vũ trụ, được phát lộ trên những sự kiện thiên văn hay vật lý. Bên cạnh đó, có những chứng lý xây trên sự kiện nội tại, được rất nhiều người trí thức ưa dùng. Sau hết, những trí óc thiên về khoa học, lại phải trình bày cho họ một con đường khác. Tóm lại, về phương diện tương đối, những chứng lý cổ điển cũng chỉ có những giá trị tương đối với mỗi loại người.

– Cách tuyệt đối: Xét một cách tuyệt đối và tại sự, những chứng lý cổ điển tự nó có một gía trị khoa học dựa vào những định luật luận lý khắt khe. Những tiền đề dùng để làm câu tam đạm luận nơi những chứng lý cổ truyền được xây trên những nền tảng xác thực và hiển nhiên: nền tảng thực nghiệm và nền tảng thuần lý.

* Giá trị dựa trên nền tảng thực nghiệm

Nền tảng này gồm những sự kiện kinh nghiệm hiển nhiên, thuộc ngoại giới hay nội giới. Nhờ chúng mà việc minh chứng có Thượng Đế có tính cách khoa học thực nghiệm. Những sự kiện đó kinh viện tóm lại năm:

– Có những chuyển động trong vũ trụ.

– Có những nguyên nhân tác thành nương tựa vào nhau một cách khẩn thiết.

– Có những vật nay có mai mất (bất tất).

– Có những cấp bậc hoàn hảo nơi các vật.

– Có trật tự lạ lùng trong vũ trụ.

* Giá trị dựa trên nền tảng thuần túy

Trong phạm vi triết lý, lớp nền tảng mới can hệ và quyết liệt. Chúng cho phép lý trí đi từ chỗ biết cho tới chỗ chưa biết, đó chính là những nguyên tắc tối sơ của lý trí.

Định nghĩa nguyên tắc tối sơ. Có thể định nghĩa nguyên tắc tối sơ là: toàn thể những chân lý căn bản tự nó hiển nhiên làm nền tảng cho những câu luận lý. Gọi là căn bản, vì nó là nền tảng trong bất cứ một chân lý nào. Những câu quyết đoán thông thường đến đâu cũng không thể hiểu được nếu không có những nguyên tắc đồng nhất hay mâu thuẫn làm cột trụ. Suy xét về nguyên nhân của một biến cố hay về những hiệu quả của một hiện tượng, phải dựa trên nguyên tắc túc lý. Nếu ta không biết rằng mọi vật đều có lý do tồn tại của nó, ta sẽ không tìm hiểu, và như thế trí khôn sẽ hoàn toàn bất động.

Đặc tính nguyên tắc tối sơ theo câu định nghĩa, có thể khám phá ra ba đặc tính của những nguyên tắc tối sơ lý trí. Trước hết, chúng tự mình hiển nhiên rồi, không cần minh chứng. Đằng khác muốn minh chứng chúng không thể được vì phải lại dựa vào chúng. Do đó, không thể minh chứng được chúng không phải là một khuyết điểm, trái lại đó là một hoàn hảo. Đặc tính thứ hai là phỏ biến tính. Chúng được áp dụng cho bất cứ một động tác nào của lý trí. Phổ biến nên vượt hẳn ra ngoài không gian và thời gian, đâu đâu và lúc nào chúng vẫn có giá trị. Đặc tính sau cùng là khẩn thiết tính. Đã là người thì không thể tưởng mà không nhờ đến chúng. Tôi vừa viết vừa không viết một trật, là điều không thể lãnh hội được. Nếu ai bảo có thể hiểu được, thì họ nói đùa hay họ chưa hiểu những tie61ng trong câu đó.

Phân hạng nguyên tắc tối sơ. Có nhiều nguyên tắc tối sơ điều khiển hoạt động của lý trí. Nhưng cách phân hạng và xếp đặt không được hết các triết gia xếp theo một lối. Theo cha Garrigou – Lagrange, có thể đặt ba lớp nền, lớp sâu hơn là nguyên tắc đồng nhất và tương tiêu cực của nó là nguyên tắc mâu thuẫn. Lớp giữa là nguyên tắc túc lý và lớp mặt là nguyên tắc nhân quả. Các nhà triết học ngày nay, thường chỉ nhận hai nguyên tắc trụ là nguyên tắc đồng nhất và nguyên tắc túc lý. Hai nguyên tắc này có ít nhiều nguyên tắc chư hầu. Nguyên tắc đồng nhất có: nguyên tắc mâu thuẫn và nguyên tắc triệt tam. Tuỳ phạm vi áp dụng mà nó có công thức khác nhau. Trong tam đạm luận có công thức này: cái gì ẩn tàng (bao hàm) một cái khác, cũng ẩn tàng cái được bao hàm trong cái khác đó nữa. Trong toán học, công thức hơi khác; hai vật bằng nhau sánh với vật thứ ba, thời cũng bằng nhau lúc sánh với nhau.

Nguyên tắc túc lý có những nguyên tắc này làm phụ: nguyên tắc nhân quả (tất cả mọi cuộc thay đổ phải có nguy6en nhân, mới thực sự có lý do tồn tại mới có đủ túc lý); nguyên tắc mục đích (có một ngoại trương to nhỏ tuỳ ở quan niệm về mục đích nơi các triết gia); nguyên tắc bản thể (mọi hiện tượng đòi hỏi một thực tại thường xuyên gọi là bản thể); nguyên tắc định mệnh (các hiện tượng lệ thuộc vào nhau rất mật thiết, do đó nguyên nhân nào, hiệu quả đấy).

Ngày nay các học giả còn đang tranh luận về việc duy nhất hoá hai nguyên tắc này, nhưng xin miễn bàn nhiều ở đây. Thánh Toma ưa nguyên tắc mâu thuẫn hơn cả. Các nhà triết học hiện đại lại dành chỗ danh dự cho nguyên tắc đồng nhất, là một “đà bẩy phổ biến của tư tưởng”.

* Trình bày chứng cớ

1/. Chứng cớ một

a). Trình bày tóm tắt

Dấu hiệu thứ nhất được chọn lựa để biên hộ sự lệ thuộc của thế giới và sự quy chiếu của nó về Thiên Chúa đó là chuyển động hoặc bất dịch.

Hiển nhiên là có chuyển động trong vũ trụ. Mà vật chuyển động phải do một nguyên nhân ngoài nó tác động. Nếu vật tác động lại cũng vận động nữa thì nó phải do một vật khác làm động cơ tác động lên nó. Mà người ta không thể đi ngược mãi đến vô cùng, không bao giờ ngừng lại, trong chuỗi những động cơ và động tử nguyên nhân và hậu quả, vì nếu thế thì không thể giải thích được chuyển động hiện có như đã khẳng định ở trên.

Vậy, phải dừng lại ở một động cơ thứ nhất bất động, làm nguyên nhân cho toàn bộ chuyển động trong vũ trụ: Đó là Thiên Chúa.

b). Giải thích

Khái niệm chuyển động ở đây hiểu theo nghĩa rộng, tức là sự di chuyển từ tiềm thể đến hiện thể. Định nghĩa này bao trùm mọi loài chuyển động: như thay đổi vị trí, lá xanh trở thành lá vàng, nước biến thành đá, vật sống trở nên xác chết, thanh sắt nguội bị đốt nóng lên.

Một vật chỉ thay đổi trong mức độ nó là tiềm thể. Nó không thể thay đổi xét như là hiện thể.

Tại sao một vật chuyển động phải do một vật khác tác động?

Điều này nằm trong các ý niệm tiềm thể, vì nó chưa có điều mà nó hướng tới, vậy nó không thể cho chính mình điều ấy được. Để tác động, cần ở trạng thái hiện thể. Chỉ một vật nóng mới có thể làm cho nóng.

Quả quyết rằng một vật tự mình mà chuyển động tức là nói: vật ấy vừa là tiềm thể tới một điều nào đó vừa là hiện thể nó đang hướng tới, bởi vì người ta đã giả thiết rằng nó là tác giả của sự chuyển động nơi mình. Đó là mâu thuẫn.

c). Kết luận

Phải có một Đệ Nhất động cơ, một hiện thể thuần tuý, không vướng bóng một tiềm thể nào, nó là vô chất thể và không thay đổi, không ở trong thời gian trôi chảy, tác động của nó vẫn cần thiết hiện nay và mỗi giây phút để giải thiach chuyển động trong vũ trụ.

Đệ nhất nguyên nhân nói đây là một đòi hỏi tuyệt đối của lý luận siêu hình. Nó không nằm trân cùng bình diện với chuỗi các sự vật chuyển động của thế giới khả giác, sự nối tiếp nguyên nhân và hậu quả xảy ra trong thời gian mà Thiên Chúa là vĩnh cửu.

Yù nghĩa của chứng cớ thứ nhất là một vật có thể chuyển động, có thay đổ không thường hằng là một vật lệ thuộc, chứng cớ này không cho biết Nguyên Nhân tối cao là một ngôi vị hay không.

2/. Chứng cớ hai

Chứng cớ 1 đưa tới việc khẳng định một nguyên nhân tác thành tối cao cho mọi chuyên động. Chứng cớ thứ 2 đi tìm nguyên nhân tác thành cho chính hữu thể của các hậu quả. Chứng cớ thứ nhất giải thích được sự chuyển động của sự vật do bởi đâu, nhưng không giải thích bởi đâu các sự vật tồn tại, được bảo đảm trong hiện hữu? đó là sự kiện mới làm khởi điểm cho chứng cớ thứ 2.

a). Trình bày tóm tắt

Trong vũ trụ có một trật tự giữa các nguyên nhân tác thành.

Nhưng một vật không thể là nguyên nhân của chính mình, bởi vì muốn thế, phải có trước đã. Đã có trước khi có là điều phi lý.

Trong trậy tự các nguyên nhân tác thành, nguyên nhân này phải nhờ các nguyên nhân kia. Nếu kể toàn bộ các nguyên nhân, thì nguyên nhân thứ nhất là nguyên nhân của các nguyên nhân trung gian, còn nguyên nhân trung gian là nguyên nhân của hậu quả cuối cùng.

Nguyên nhân tác thành đệ nhất là Thiên Chúa.

b). Giải thích

Trong vũ trụ có một trật tự những nguyên nhân và hậu quả. Đó là điều ta có thể quan sát và khoa học cũng nhìn nhận. Các sự vật, các hiện tượng lệ thuộc lẫn nhau. Sự lệ thuộc này có thể theo chiều dọc có thể theo vòng tròn, điều này vẫn không thiệt hại gì đến luận chứng của chúng ta.

Nguyên lý siêu hình: không vật gì là nguyên nhân của chính mình đã được giải thích trên đây, vũ trụ không thể là nguyên nhân của chính mình. Ở đây ta gặp một khó khăn. Nếu toàn bộ vũ trụ là một hệ thống đóng kín, thì toàn bộ cá yếu tố vũ trụ đều là nguyên nhân cho nhau trong một hệ thống vòng tròn bất tận không cần một nguyên nhân đệ nhất. Cứ cho rằng giả thiết này là đúng, thì vấn đề vẫn còn là: nguyên nhân tính do bởi đâu mà có? Vì giả thiết chỉ cho ta biết nguyên nhân tính được chuyển đi như thế nào mà thôi. Nếu cho rằng nó phát sinh từ vũ trụ xem như là một toàn thể, thì cũng phi lý, vì toàn thể chỉ hiện hữu nhờ được các thành phần cấu tạo. Đệ nhất nguyên nhân mà ta đi tới là nguyên nhân không còn lệ thuộc vào nguyên nhân nào. Nói cách khác nó là hữu thể tự tại. Nó là nguyên nhân tác thành nhưng hoạt động của nó không cạnh tranh với hoạt động tự nhiên, bởi vì hoạt động ấy không thuộc bình diện khả giác mà khoa học khảo sát. Tuy thế, hoạt động ấy là có thật, vì nếu không, toàn chuỗi những nguyên nhân và hậu quả sẽ sụp đổ và hiện tại sẽ không có gì hết.

3/. Chứng cớ ba

a). Trình bày tóm tắt

Chứng cớ được trình bày theo hai giai đoạn:

– Chứng minh có cái tất yếu: Trong thế giới có những vật bất tất. Vật bất tất là vật có thể hiện hữu và có thể không hiện hữu. Quả thật, trong vũ trụ có những vật xuất hiện rồi tan biến đi.

Nhưng có bất tất thì cũng có tất yếu. Bởi lẽ nếu tất cả đều là bất tất hết thì một lúc nào đó đã chẳng có gì hết.

Nếu đã hoàn toàn không có gì vào lúc nào đó thì hiện nay cũng không có gì hết, bởi vì cái gì không hiện hữu thì chỉ bắt đầu hiện hữu nhờ một cái vốn đã hiện hữu. Mà trong giả thiết, tất cả mọi sự đều là bất tất thì có lúc chẳng có gì cả. Mà đã không có gì hiện hữu cả thì cũng không có cái gì để bắt đầu hiện hữu. Và như thế hiện nay vẫn chẳng có gì. Điều đó hiển nhiên là sai.

Vậy trong thực tại không phải chỉ có cái bất tất nhưng còn có cái tất yếu. Cái bất tất là một khía cạnh của thực tại chứ không phải là tất cả thực tại.

– Chứng minh có hữu thể tất yếu do bởi bản thân mình: Một vậy tất yếu thì nhận tính tất yếu nơi vật khác hoặc tự mình là tất yếu. Mà ta không thể đi ngược đến vô tận trong chuỗi những vật tất yếu có nguyên nhân tất yếu nơi vật khác cũng như không thể đi ngược vô tận trong chuỗi các nguyên nhân tác thành, như đã nói ở chúng cớ thứ 2.

Vậy phải có một hữu thể tất yếu tự tại. Chính hữu thể ấy là nguyên nhân của tính tất yếu nơi các hữu thể tất yếu khác. Đó là Thiên Chúa.

b). Giải thích

Vật bất tất có thể có mà cũng có thể không có. Nó đối lập với vật tất yếu. Có hai loại hữu thể tất yếu: hữu thể tất yếu tuyệt đối và hữu thể tất yếu tương đối. Tất yếu tuyệt đối là khi một vật phải hiện hữu trong bất cứ điều kiện nào, còn vật tất yếu tương đối thì chỉ phải hiện hữu trong những điều kiện nhất định mà thôi.

Vậy một vật tất yếu tương đối vẫn là bất tất vì không hiện hữu tự mình.

4/. Chứng cớ bốn:(Dựa vào sự tương đối của vạn vật)

Chứng cớ này đã được Platon trình bày trong cuốn Le Banquet. Con đướng thẳng đưa ta tới tình yêu bắt đầu từ vẻ đẹp ở đời này. Với cái đẹp làm mục tiêu, phải vươn cao không ngừng bằng cách lần theo như những nấ thang, từ một hình thể đạp đến hai hình thể đẹp, từ hai hình thể đến mọi hình thể đẹp, rồi từ những hình thể đẹp đến những việc làm đẹp, tiếp đến những việc làm đẹp là những tri thức đẹp, cho đến lúc tiến thêm nữa, người ta đạt đến cái tri thức mà tôi đã nói, cái tri thức không còn đối tượng nào khác ngoài cái đẹp tự thân.

a). Trình bày tóm tắt

Người ta thấy trong sự vật có những sự hoàn hảo tương đối và giới hạn. Nó kém hơn, và bao hàm cái tuyệt mức trong một loại nào đó. Một sự hoàn hảo được thể hiện theo những mức độ khác nhau nơi nhiều sự vật, thì không sự vật nào tự bản chất giải thích được sự hiện hữu của nó. Nó phải do một nguyên nhân bên ngoài mà có. Nguyên nhân ấy phải là sự hoàn hảo tự tại đồng thời là tất yếu.

Mà vì những hoàn hảo tất yếu như: cái đẹp tự tại, cái tôi tự tại… đều là hữu thể cả, nên phải có một hữu thể tự tại, tất yếu và độc nhất.

Đó là nguyên nhân của sự hiện hữu, của sự tốt lành và mọi hoàn hảo nơi các sự vật: tức là Thiên Chúa.

5/. Chứng cớ năm: (Dựa vào tính cứu cánh hoặc dựa vào trật tự hoàn vũ)

Chứng cớ này có từ thời thượng cổ Hy Lạp và đã trở thành cổ điển trong triết học. Sau này Kant coi là chứng cớ rõ ràng thích hợp với lý trí nhân loại nhất. Thật ra chứng cớ này gặp khó khăn khi đứng trước sự hỗn loạn luân lý và vật lý.

a). Trình bày tóm tắt

Sự kiện khởi đầu: Chúng ta thấy những sự vật không có trí khôn cũng hoạt động vì một mục đích. Dấu hiệu cho ta thấy điều đó là chúng luôn luôn hoặc thường xuyên hoạt động theo cùng một cách để đi tới cái tốt nhất cho chúng. Vậy, hiển nhiên là chúng đạt tới mục đích của chúng không do ngẫu nhiên nhưng do chủ ý.

Áp dụng nguyên lý nhân quả: Cái gì không hiện hữu tự mình thì hiện hữu do một cái khác. Mà những vật vô tri chỉ có thể hướng về một cùng đích khi được điều khiển bởi một vật có trí khôn và hiểu biết, giống như một mũi tên được điều khiển bởi người cầm cung.

Kết luận: Vậy có một hữu thể có trí khôn hướng tất cả mọi vật thiên nhiên về cùng đích của chúng: hữu thể đó, chúng gọi là Thiên Chúa.

b). Giải thích

Người ta gọi chứng cớ này là chứng cớ dựa trên trật tự của vũ trụ. Có một trật tự lớp lang giữa những mục đích theo đuổi và những hành vi nhắm tới mục đích đó. Có trật tự, nghĩa là có một quan hệ trước sau: mục đích có trước trong ý muốn, nhưng là co sau trong thực hiện.

Chúng ta thấy những dấu hiệu đó về một ý hướng trong thiên nhiên: đó là các sinh hoạt tự nhiên thường diễn tiến trong một cách như nhau và đạt tới những hậu quả như nhau ngay trong phạm vi khoáng vật và thực vật. Thiên nhiên tuân theo những định luật nhất định, có định luật bền vững là vì một dữ kiện hay hiện tượng nào đó lúc nào cũng hướng về một hậu quả nhất định nào đó. Hậu quả cố định ấy mang tính cách của một mục đích. Thiếu tính mục đích sẽ không có hiệu quả cố định, hơn nữa các tác nhân sẽ không hoạt động được nữa vì không được quy định bởi hậu quả nào. Thánh Toma viết: “Mọi tác nhân đều hướng về một hậu quả nhất định nào đó mà người ta gọi là mục đích của nó”.

Người ta có thể thắc mắc: có trật tự đều hoà trong vũ trụ không?

Quả thật, mọi sự không phải lúc nào cũng nằm trong trật tự cả. Vẫn có những thất bại, những vô trật tự khiến cho các sinh vật không đạt được cái lợi ích của chúng. Những vô trật tự như thế là có thật nhưng vẫn là tương đối và càng chứng tỏ là có một trật tự bao quát hơn. Nếu không có trật tự, chúng ta sẽ không thể nói tới vô trật tự được. Như thế vẫn có tính cứu cánh trong vũ trụ, tuy nó cũng có giới hạn.

Cái vô trật tự tương đối có thể giải thích được khi chúng ta đặt cá thể vào trong không gian, giữa cộng đồng mênh mông của vạn vật, và trong thời gian, trong từng chặng của một lịch sử rộng lớn. Nhìn tổng quát như thế, thì những cái gọi là ngẫu nhiên và thất bại của sự tiến hoá sẽ được dung nạp vào trong toàn cảnh tức là vào trong một trật tự bao trùm.

Người ta phân biệt hai loại mục đích: nội tai và ngoại tại.

Mục đích nội tại: Hoạt động của sinh vật quy hướng về lợi ích của chính nó.

Mục đích ngoại tại: Một số sự vật hoạt động nhằm lợi ích chung của nhóm lớn hơn.

Sự sống chỉ được duy trì nhờ sự góp phần của những giống loại rất khác nhau. Đàng khác, nhìn toàn bộ, ta không thấy một sự thống nhất giữa các trình độ thiên nhiên: vật chất vô cơ, sự sống, trí khôn dường như có một ý hướng xuyên qua các trình độ ấy, và trình độ này chuẩn bị cho trình độ sau.

Một trình độ có ý hướng giả thiết hànnh động của một trí thông minh. Vì chúng thấy luôn luôn có sự thực hiện một điều ích lợi nghĩa là có một mục đích nhắm tới, nên phải có một trí thông minh điều khiển. Thật vậy, thử lấy một sự kiện nào đó và một hậu quả nào đó mà ta hướng tới. Mục tiêu mà sự kiện ấy nhắm tới chưa có trong thực tế nên kho6ng thể tác động một cách bề ngoài trên nó được; mục tiêu ấy chỉ có thể hiện diện trong một trí khôn có khả năng vượt lên trên thời gian và hiên diện như một ý hướng. Chỉ có trí khôn mới biết được mục đích và sắp xếp các hoạt động có khả năng thực hiện mục đích. Con vật có thể tập hợp lại trong một lúc nhiều dữ kiện và thực hiện một loạt những động tác nối tiếp nhau để vồ mồi. Tuy thế, không có gì cho thấy rằng nó có khả năng trừu tượng hoá, nghĩa là tách mục đích ra khỏi khoảnh khắc mà mục đích được thực hiện, cũng như khỏi những phương tiện vật chất đưa tới mục đích đó. Chỉ có trí khôn mới có thể vượt ra khỏi cái cụ thể, vật chất. Chỉ có trí khôn mới quan niệm một mục đích, mà không lệ thuộc vào thời gain và không gian bị bó buộc phải chọn một phương tiện nào đó nhất định; trí khôn có khả năng thấy trước một loạt những phương tiện khác nhau để đạt tới cùng một mục đích.

Quan hệ giữa phương tiện và mục đích thuộc trật tự của trí khôn, chứ không thuộc trật tự vật lý. Vậy nếu quan hệ đó trong thực tại thì nó phải lệ thuộc trí khôn ở đó. Cái ý hướng mà chúng ta thấy trong vạn vật là dấu hiệu về một trí khôn làm phát sinh ra nó.

Kết luận: Vì vũ trụ này là một, nên phải có một trí khôn tối cao, duy nhất điều khiển mọi sự.

* Nhận xét chung

Tất cả năm luận chứng của thánh Toma đều sử dụng nguyên lý lý do tồn tại (mọi vật đều có lý do hiện hữu của nó hoặc nơi mình hoặc nơi một vật khác). Mỗi luận chứng áp dụng nguyên lý đó vào những lãnh vực khác nhau của kinh nghiệm. Từ khởi điểm nào đi nữa ta đều thấy thế giới này không có lý do tồn tại nơi chính mình, nhưng cần có Thiên Chúa làm nguyên nhân. Tuỳ theo từng khởi điểm mà nguyên nhân đệ nhất xuất hiện dưới hình thức Động cơ, Nguyên Nhân tác thành, Hữu thể tất yếu, Hữu thể hoàn hảo Trí Tuệ vô biên. Nhưng tất cả các khía cạnh đó của nguyên nhân Đệ nhất đều tổng hợp lại trong ý niệm “Hữu thể tự tại” tức Hữu thể mà bản chất là hiện hữu.

4. Giáo Lý Của Giáo Hội

Phong trào phê bình do Kant khởi xướng suốt hơn thế kỷ đã đè bẹp lý trí con người dưới nhiều hình thức. Thái độ bi quan đó đã đẩy nhiều người tới vị trí đối lập, tới chỗ phóng đại quá trớn khả năng của lý trí. Đến lúc Giáo Hội cần phải lên tiếng để bảo vệ giáo lý cổ truyền.

a. Công Đồng Vatican (1870)

Sau khi đã định tín sự hiện hữu của Thượng Đế. Công Đồng chỉ định phương tiện chính yếu con người dùng để tìm thấy Ngài. Công đồng viết: “… cũng một Giáo Hội chủ trương và dậy rằng, dùng ánh sáng tự nhiên của lý trí con người, từ những vật thụ tạo, có thể biết đích thực Thượng Đế là nguyên nhân mọi vật. Vì từ tạo thiên lập địa những sự hoàn hảo vô hình của Ngài được trí khôn loài người biết đến, nhờ những vật Ngài sáng tạo nên”. Rồi với một giọng nghiêm trọng, Công Đồng tuyên một tín khoản “ Nếu ai bảo Thượng Đế độc nhất và chân thật, Đấng sáng tạo nên chúng ta và là Chúa chúng ta, không thể được ta biết đích thực bằng ánh sáng tự nhiên của lý trí con người nhờ những vật Ngài sáng tạo nên, bị tuyệt thông”.

Có thể nói, mục đích của Công Đồng là thủ tiêu những người chủ trương hoặc bất cập hoặc thái quá đối với giá trị thật của lý trí. Nhưng Công Đồng cũng nhấn mạnh một số điểm sau đây:

– Năng lực thực sự của lý trí: Con người với một năng lực thực sự đi tới chỗ biết được Thượng Đế. Cần phải nhấn mạnh hai chữ có thể. còn trong thực tế người này người nọ có đi tới hay không, Công Đồng không đề cập tới. Theo Công Đồng, ai ai đã đến tuổi khôn – bất cứ với những điều kiện nào – đều có năng lực để tiến tới Thượng Đế nhờ có các tạo vật làm bàn đạp.

Năng lực lý trí được Công Đồn định tín không thể hiểu được là sự bất tri trong thực tế. Thoạt đầu xem ra Công Đồng công nhận như thế vì ngay liền sau đó Công Đồng công nhận sự khẩn thiết của việc mạc khải. Nhiều học giả – nhất là những người theo học thuyết Jasenius – bị Công Đồng lên án đã hiểu như vậy. Nhưng đọc kỹ, ta thấy hai câu định tín không cùng đối tượng. Câu định tín về năng lực lý trí liên can tới vấn đề Thượng Đế hiện hữu, và ít nhiều nghĩa vụ của con người đối với Ngài. Còn câu nói về sự khẩn thiết của mạc khải có một phạm vi rộng hơn. Thực ra Công Đồng muốn nói cần phải có một mạc khải, nhân loại mới có thể biết toàn thể những chân lý thuộc phạm vi tôn giáo và luân lý, và biết một cách dễ dàng, đích thực, không một chút do dự hay sai lầm nào. Hơn nữa con người được nói trong câu định tín trên là con người cách chung, là bản tính nhân loại theo quan niệm triết học, chứ không phải con người lịch sử hiện có.

– Lý trí phải cố gắng: Công Đồng không có định tín rằng, năng lực lý trí nói trên có thể thực hiện một cách dễ dàng. Tuy nhiên chân lý có thể coi như một chân lý cận tín. Thực ra theo Thánh Kinh, biết chắc chắn có Thượng Đế là một việc dễ dàng. Như ta sẽ thấy, tác giả sách thượng trí nói “ Nhìn cảnh đẹp của thụ tạo, người ta có thể nhìn, xem thấy Đấng Tạo Hoá”. Chỗ khác tác giả thêm, biết Thượng Đế còn dễ hơn biết thế giới. Thánh Phaolô dùng danh từ Conspiciuntur: nhìn thấy, để áp dụng vào sự nhận thức những hoàn hảo của Thượng Đế.

– Biết cách gián tiếp: Sau hết Công Đồng dạy rằng, con người có thể biết được Thượng Đế cách gián tiếp, do những vật thụ tạo. Dì nhiên, Công Đồng không trực tiếp phủ nhận mọi cách biết khác như biết cách trực tiếp hay thực nghiệm, nếu có… nhưng không cho phép ai cho rằng ta chỉ biết Thượng Đế cách trực tiếp mà thôi, và bảo rằng cách biết như thế thuộc bản tính con người. Trái lại, trực tiếp biết Thượng Đế là việc vượt hẳn năng lực tự nhiên. Do đó thuyết hữu thể chủ trương trực giác được Thượng Đế mâu thuẫn với danh từ tự nhiên có trong câu định tín trích ở trên.

b. Thông Điệp Humani Generis

Sau 70 năm, dựa vào những khám phá khoa tâm lý vô – ý – thức hay ngoại lý, các học giả ngoài tôn giáo lại thi nhau phủ nhận hay miệt thị lý trí con người, nhất là trong việc minh chứng có Thượng Đế. Vì thế ngày 12 tháng 8 năm 1950, đức đương kim Giáo Hoàng ra một thông điệp, chữ đầu là Humani generis, xác định một lần nữa lập trường công giáo.

* Khung cảnh triết sử của thông điệp

Thông điệp nhằm lúc người ta say mê triết học hiện đại. Một đàng phản ứng lại thuyết duy lý quá trớn đượm màu duy tâm; một đàng muốn thoát khỏi vòng kiểm toả của thực nghiệm thuyết thiên học, triết học hiện đại triệt để lợi dụng những khám phá sử học, xã hội học, tâm lý học, để làm thành một triết học mới kết tinh trong phong trào hiện sinh thuyết. Thuyết này chỉ nhằm vấn đề nhân sinh cụ thể, được phân tích bằng những phướng pháp hiện tượng luận và phương pháp sử học. Hai phương pháp này chủ ý phân tích thân phận con người với những liên lạc mật thiết với vũ trụ vật chất, với tha nhân. ngoài hai phương pháp trên người ta còn dùng những con đường ngoại lý nếu không là phản lý hay vô lý, để nói triết học. Ba phương pháp nói trên đã chỉ cho phép mô tả sự vật cách chung và nhân sinh ca1ch riêng, chứ không dẫn tới một nhận thức siêu việt nào. Không còn chỗ cho nhận thức cách gián tiếp bằng suy luận, căn cứ vào hai đường loại suy và tuyệt trác. Triết học hiện đại, phần lớn, đã không tiến vào giới siêu việt siêu hình, mà chỉ lẩn quẩn nơi hiện tượng. Dĩ nhiên, có nhiều triết gai nhân giới siêu việt, nhưng hoặc không do đường lý trí mà chỉ do lòng tin như Kierkeggard, hoặc chỉ gán cho lý trí một giá trị hết sức mỏng manh, như Gabriel Marcel.

* Lập trường của thông điệp

Trước sự tấn công mãnh liệt của triết học hiện đại, Đức Giáo Hoàng phải long trọng can thiệp, xác định lại giáo lý của Công Đồng Vaticanô. Ngài phản đốii những lời vu cáo cho rằng triết học cổ truyền trong Giáo Hội có hình thức lạc hậu và kiểu suy luận hoàn toàn duy lý. Ngài phủ nhận sự đối lập giữa đối tượng bất di dịch của triết lý cổ truyền và đối tượng cụ thể uyển chuyển của triết học hiện sinh. Về việc nhận thức của con người. Ngài nêu rõ hai điểm vẫn được công nhận trong Giáo Hội: Vai trò hỗ trợ của các tài năng không trực tiếp có công tác nhận thức và vai trò tích cực và chuyên môn nhận thức của lý trí hay của trí năng. Riêng vấn đề Thượng Đế. Giáo Hội vẫn tộn trọng lý trí, vẫn công nhận giá trị siêu hình học của lý trí, miễn là biết mài dũa và rèn luyện cẩn thận, vì “Ngọc bất trác bất thành khí, và nhân bất học bất tri lý”.

* Quan điểm mạc khải về giá trị của lý trí

Tất cả những điểm vừa giải thích ở trên không phải là không dựa vào giáo lý mạc khải. Thực ra, Thánh Kinh và Thánh truyền dạy rõ chân lý được Công Đồng Vaticanô định tín.

* Thánh Kinh với lý trí con người

Hai điển cứ mạc khải về vấn đề này, đã thành cổ điển. Bản văn Rom 1,18-21 đã khêu gợi ý tưởng trách nhiệm vì không biết Thượng Đế. Có trách nhiệm vì họ đã không muốn biết đến Đấng mà họ có thể biết. Nói cách khác, họ không dùng năng lực lý trí tự nhiên họ có thể tìm ra cho được Ngài. Trách nhiệm và tội là ở chỗ đó.

* Thánh Truyền với lý trí con người

Bản văn trên đã được các giáo phụ chú giải rấtt nhiều. Sống trong cùng một hoàn cảnh xã hội và tôn giáo như tác giả dẫn chứng ở trên, các ngài đã triệt để lợi dụng ý tưởng mạc khải bênh năng lực tự nhiên của lý trí, lấy nó làm điểm tựa cho khoa hộ giáo của các ngài. Quan niệm của các ngài được biểu lộ trong câu đanh thép của nhà giáo hộ Tertulliannus: “không muốn nhận Đấng mà người không thể không biết, thật là gồm hết tội ác”. Nhưng có một điểm là ta nghi ngờ giáo lý chính cống của ngài về giá trị của lý trí, là lúc bàn đến bản tính của Thượng Đế, các ngài đã thỉnh thoảng dùng ngững danh từ có thể hiểu theo nghĩa bất khả tri. Tuy rằng, thuyết bất khả tri này không phải là tuyệt đối, nhưng nó cũng làm luận lý mờ một phần nào giáo lý cổ truyền của Giáo Hội. Đàng khác biết có Thượng Đế, thế nào cũng phải biết qua loa về Ngài. Một khi nói tới lý trí không biết Ngài là gì, là gián tiếp muốn nói lý trí cũng không biết Ngài có hay không. Đây ta tạm thông qua vấn đề về hiệnn hữu hay yếu tính của Thượng Đế và chỉ bàn tới điểm liên can tới năng lực của lý trí cách chung trong việc nhận thức Thượng Đế.

Ít nhiều điển cứ. Có hai loại điển cứ.

Loại hạn chế giá trị của lý trí. Thánh Athanasius: “ Thượng Đế vượt trên mọi bản thể và mọi tư tưởng của con người”. Thánh Basilius: “ Tôi biết Ngài có, nhưng yếu tính Ngài tôi cho là một điều trí khôn không thể hiểu được”.

Giáo phụ Hy Lạp phần nhiều có những câu như thế cả. Joames Damascenus nhắc lại như trên: “ Có Thượng Đế, là điều rõ ràng, nhưng yếu tính Ngài là gì là điều không thể hiểu và không biết được”. Thánh Gioan Kim khẩu có làm hẳn một loạt bài giảng tại Antioclria nhan đề là de incomprehensibili. Các giáo phụ La Tinh cũng một giọng đó. Thánh Hilarius: “Chỉ nhờ Thượng Đế mới có thể hiểu được Thượng Đế”. Thánh Augustinus: “Không lưỡi nào tả được Thượng Đế. Bảo gì không phải là Ngài còn dễ hơn bảo Ngài là gì”.

Loại quyết nhận giá trị lý trí. Trong những trường hợp khác cũng các giáo phụ kể trên lại dạy khác hẳn. Sau khi đã bàn về Thượng Đế không ai hiểu được, thánh Gioan Kim khẩu tự đặt câu hỏi: vậy thì Thượng Đế là Đấng không ai biết tới sao? Quả là không. Tôi biết có Ngài, Ngài nhân từ, Ngài tốt lành, hay thương xót và quan phòng… nơi khác ngài viết: “tôi biết rất nhiều điều về Thượng Đế; nhưng tôi không rõ chúng ở nơi Ngài thế nào. Tôi biết Ngài ở khắp nơi, ở cách nào tôi không biết. Ngài vô thuỷ, Ngài không bị ai sáng tạo. Ngài vĩnh cửu như thế nào tôi không biết”. Ireneous: “Không thể tả được Thượng Đế, nhưng người ta vẫn có thể biết Ngài”.

Phải hiểu thế nào? nhiều nhà thệ phản chủ trương thuyết bất khả tri, đã triệt để lợi dụng loại điển cứ thứ nhất để bảo Thượng Đế – theo các giáo phụ là Đấng ta không thể biết được. Phái hữu thể lại kéo tác giả những câu thuộc loại điển cứ thứ hai về mình. Thoạt đầu,hai loại ý tưởng xem ra mâu thuẫn nhau, nhưng đó chỉ là dáng vẻ. Phương pháp phải theo ở đây; là lấy mỗi một câu đặt vào văn mạch của nó, đặt vào toàn thể đoạn văn xem các giáo phụ muốn nói gì. Thực ra, về bản tính của Thượng Đế, có thể hiểu hai nghĩa: rộng và hẹp. Theo nghĩa rộng, bản tính của Thượng Đế được biểu lộ một phần nào nơi những vật Ngài sáng tạo nên bằng hành động hướng ngoại của Ngài. Về điểm này, lý trí con người có giá trị nhận thức đích thực. Trái lại, lý trí bất lực trước việc hiểu bản tính theo nghĩa hẹp, nghĩa là chính bản tính sâu xa của Thượng Đế, chính những hoạt động hướng nội của Ngài, tận đến những hữu thể vô cùng của Ngài. Bất khả tri ở chỗ này sẽ không thành một tà thuyết. Ngược lại, nói khác đi, lại là một sai lầm lớn trong phạm vi tín lý học.