Tương Quan Giữa Tu Hội Đời Với Giám Mục Giáo Phận – Vấn Đề 114

0
736


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC TU HỘI ĐỜI

(Điều 710 – 730)

***

VẤN ĐỀ 114

TƯƠNG QUAN GIỮA TU HỘI ĐỜI VỚI GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

(đ. 594 – 596)

 

Hai điều luật này chỉ liên hệ đến các Tu Hội Giáo phận. Tuy vẫn duy trì quyền tự trị nội bộ (đ. 586), các Tu Hội Giáo phận được đặt dưới sự săn sóc mục vụ của Giám Mục của Giáo phận tại nơi mà họ cư ngụ (đ. 594).

Đức Giám Mục tại nơi đặt trụ sở Tu Hội có một vai trò đặc biệt. Điều này đôi khi đặt ra một vấn đề đặc biệt cho những Tu Hội Đời không có trụ sở thật sự: trước khi được thành lập, họ phải chọn một Giáo phận được coi như nơi bám rễ của họ trong Giáo Hội, và Đức Giám Mục để quy chiếu. Đó có thể là Giáo phận nơi thành lập Tu Hội, hoặc nơi họ có hoạt động chính, hoặc nơi đặt trụ sở. Về sau này, họ có thể xin một Giám Mục làm Giám Mục của Tu Hội nếu có những lý do chính đáng và nếu được sự ưng thuận của Đức Giám Mục trước. Đức Giám Mục này có hai nhiệm vụ chính:

a. Phê chuẩn bản hiến pháp và những sửa đổi nếu có, trừ khi nào Tòa Thánh đã đặt tay can thiệp vào: dù sao phê duyệt (nihil obstat) của Roma vẫn cần thiết.

b. Xử lý những công việc quan trọng vượt quá quyền hành nội bộ của Tu Hội.

Trong tất cả các việc này, Đức Giám Mục phải tham khảo ý kiến của các Giám Mục khác nơi mà tu hội có cơ cở. Điều này đặt ra một vấn đề tế nhị: khi nào Tu Hội được coi là đã được thành lập tại một Giáo phận? Theo lý thuyết, khi có một người gia nhập một Tu Hội Đời thì phải thông báo cho Đức Giám Mục của mình biết, nhưng nhiều khi vì muốn giữ kín đáo, các thành viên tỏ ra dè dặt. Nhưng điều cần là các vị phụ trách Tu Hội phải thông báo cho Đức Giám Mục (hoặc vị đại diện của ngài) biết sự có mặt của các thành viên, đồng thời cho ngài biết bản hiến pháp và những phê chuẩn đã nhận được (đ. 595 §2). Đức Giám Mục Giáo phận có thể miễn chuẩn về hiến pháp đối với những trường hợp cá biệt (đ. 596 §2).