Tìm Hiểu Vài Nét Về Các Giáo Hội Đông Phương

0
5035


Lm. Thêophilô

 

Trong thập niên vừa qua, khi theo dõi tình hình thế sự chúng ta chắc cũng đã có lần nào nghe nói tới những trận chiến tranh khốc liệt đã xảy ra trong các nước Li-ban, I-ran, I-rak. Riêng cuộc chiến giữa khối Ả-rập và Do thái đưa chúng ta làm quen với nước Sy-rie, Ai-cập và dân không đất là Palestine. Và gần đây hơn nữa, trận động đất kinh khủng lại xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ (Turquie). Tất cả những nước vừa nêu trên vì một lẽ lý do khốn khổ hay đau thương nào đó đã trở nên thời sự cho chúng ta được biết tới. Thế nhưng, ít ai lại để ý tới để biết rằng trong các nước này cũng có một thiểu số người Kitô giáo thường được gọi là người Kitô hữu Ðông Phương.

Các Giáo Hội Ðông Phương là những cộng đoàn Kitô hữu được hình thành nằm ở phía Ðông của đế quốc La-mã. Phần lớn dân vùng này theo văn hóa Hy-lạp nhưng được trộn lẫn vào đó những nền văn hóa địa phương như A-ra-mê và Ai-cập. Giáo Hội Ðông Phương vì thế rất xưa cũ, và ta có thể nói lịch sử của họ bắt đầu từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Thật vậy, tất cả đều ra từ một suối nguồn Tin Mừng của Ðức Giêsu rao giảng tại Palestine, và sau đó được chính các Tông đồ đem đi truyền rao đến khắp cùng cõi thế giới. Từ đó cho đến lúc Kitô giáo bị ly khai ra thành hai nhánh “Công Giáo” và “Chính Thống” thì các Giáo Hội Ðông Phương cũng dần dà thành hình xuất phát từ hai nhánh đó. Tiếp nối theo 20 thế kỷ dòng lịch sử, khi các nước này bị nhiều biến cố nên dân cư cũng bị di chuyển nên ngày nay hầu hết chúng ta thấy các Giáo hội Ðông Phương đều có mặt phần lớn ở miền Trung Ðông.

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ NGUỒN GỐC LY KHAI

Giêrusalem là điểm khởi đầu Giáo Hội được hình thành sau biến cố Hiện Xuống, nhưng Giêrusalem chỉ là một thành phố nhỏ, và Tin Mừng chỉ đóng khung trong nhóm nhỏ người Do thái. Lời Chúa không chỉ dành riêng cho người Do thái, vì vậy theo sách Công vụ các Tông đồ thì rất nhanh sau đó Tin Mừng được gửi đến dân ngoại và thành Antioche sớm trở thành trung tâm truyền giáo ra phía Ðông phương (Cv chương 13). Thành Antioche là thành phố thứ ba của đế quốc La-mã tức là đứng sau thành Rôma và thành Alexandrie. Ðây cũng là nơi đầu tiên người tín hữu được gọi là Kitô hữu. Tại đây thánh Phaolô và thánh Barnabê đến rao giảng cho dân ngoại mà không bắt họ phải cắt bì như luật Mô-sê. Thành Giêrusalem cũng mất dần ảnh hưởng, nhất là sau hai cuộc nổi dậy của người Do thái ở năm 70 và năm 135. Tháng 7 năm 70, tướng La-mã Titus tấn công chiếm thành Giêrusalem và tháng 9/70, ông thiêu hủy thành phố và Ðền thờ. Sau này, người Do thái lại nổi dậy chống quân chiếm đóng La-mã, nhưng vào năm 135 cuộc nổi dậy hoàn toàn thất bại, và Ðền thờ bị san bằng thành bình địa. Từ đó Giêrusalem không còn được coi là trung tâm điểm nữa. Mặt khác, bên Ai-cập thành Alexandrie là một thành phố lớn, nơi được coi là trung tâm trí thức của thời đó. Theo truyền thống thì chính thánh Mác-cô đã đến rao giảng Tin Mừng tại Alexandrie, rồi từ đó nơi đây bắt đầu trở thành trung tâm qui tụ người Kitô hữu phương Ðông, như Kinh thành Rôma của người Kitô hữu ở Âu Tây. Sau này Rôma chiếm ưu thế vì hai khuôn mặt lớn của Giáo Hội là thánh Phêrô và thánh Phaolô đã tử đạo tại đó.

Giáo Hội đã đi ra khỏi mảnh đất Palestine và phát triển mạnh mẽ về hai phía Ðông và Tây: phía Tây tức là những dân tộc theo bờ biển Ðịa Trung hải cũng như những quốc gia thuộc đế quốc La-mã theo hai truyền thống văn hóa La tinh và Hy lạp; phía Ðông tức là những nước thuộc não trạng Sê-mít như Sy-rie và Irak.

Khi Ðế quốc La mã dần tan rã từ lúc hoàng đế Théodose I (346-395) băng hà vào năm 395. Suốt thời kỳ này điều đáng ghi là đế quốc La mã bị sắc dân gọi là “Man di” xâm lăng. Năm 476, hoàng đế cuối cùng bên Tây phương bị tướng man dân Odoacre truất phế. Từ đó, đế quốc La mã Tây phương hoàn toàn biến mất. Bên Ðông phương, đế quốc còn cầm cự được thêm một thời gian, nhưng thành Byzance trở nên quan trọng được coi như là thủ đô của đế quốc mới và được đổi tên thành Constantinople tức là thành Rôma thứ hai. Ðây là vấn đề nghiêm trọng, vì trước đây công đồng Nicée (325) đã ấn định ba tòa thượng phụ là Rôma, Alexandrie và Antioche. Cho nên vấn đề đưa Constantinople lên hàng thứ hai hiển nhiên Alexandrie bị kéo xuống và Antioche cũng bị mất dần ảnh hưởng. Tất cả những tranh chấp này cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều trong các cuộc tranh luận về giáo thuyết ở suốt thế kỷ như công đồng Êphêsô (431) và Chalcédoine (451). Lằn ranh giới phân chia Ðông phương theo dần nghi thức Hy lạp và Tây phương theo nghi thức La-tinh mỗi ngày càng rõ rệt hơn. Hai công đồng ở thế kỷ thứ 5 nhóm họp để giải quyết vấn đề tín lý nhưng lại là cơ hội cho những ly khai đầu tiên trong giáo Hội.

II. CÔNG ĐỒNG EPHÊSÔ (431) VÀ SỰ KHAI SINH LY GIÁO NESTÔRIÔ

Công đồng Nicée (325) khẳng định Ðức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng vấn đề đặt ra là phải hiểu Ðức Giêsu cũng là một con người thế nào. Giám mục Apollinaire thành Laodicée tìm cách giải quyết cho rằng linh hồn nơi Ðức Giêsu được Ngôi Lời đảm nhiệm, tức là Ngài không hoàn toàn là một con người. Lý thuyết này bị lên án nặng nề nhất là những Kitô hữu Syriaque nhìn nhận Ðức Giêsu mang bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người như nhau. Năm 428, một đan sĩ ở thành Antioche tên Nestoriô được bầu lên làm thượng phụ thành Constantinople. Ông chủ trương gọi Ðức Maria là mẹ Chúa Kitô và cấm các tín hữu khẩn cầu Ðức Maria như Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Ðức Maria chỉ là mẹ nhân vật Giêsu. Ðức Giêsu chỉ là một người mặc lấy thiên tính và thân thể ngài trở nên đền thờ của Ngôi Lời. Ðức Giêsu mang hai ngôi vị vì Nestoriô phân tách Ngôi Lời ra khỏi Ðức Kitô. Thuyết của thượng phụ Nestoriô gây tai tiếng trong dân chúng. Thánh Cyrille thành Alexandrie liền viết thư cho Ðức Giáo hoàng Celestin I kết án Nestoriô. Ông Nestôriô cũng viết thư cho Ðức Celestin I. Cuối cùng một công đồng được triệu tập nhóm họp tại thành Êphêsô vào năm 431. Chỉ trong một ngày, công đồng truất chức Nestoriô và tái khẳng định tín điều Mẹ Thiên Chúa. Nestoriô bị lưu đày và chết năm 440 trên một ốc đảo xứ Libye, nhưng nhóm người theo ông vẫn còn và họ hiển nhiên ly khai với Giáo Hội. Lần ly khai này mặc nhiên có những ý tưởng tranh chấp chính trị giữa thành Alexandrie và Constantinople, và sự khác biệt giáo thuyết đã cắt đứt hẳn giữa hai nhóm. Từ đó xuất hiện Giáo Hội Nestoriô hoặc Giáo Hội Assyrô. Ngày nay các Giáo Hội xuất từ nguồn gốc Assyrô gồm có:

(1) Giáo Hội Chaldée có mặt nhiều nhất tại xứ Irak. Họ về hiệp nhất với Rôma vào năm 1551, được kết thành Tòa Thượng phụ vào năm 1830. Hiện thời có khoảng 410.000 tín đồ. Tòa Thượng phụ đặt tại thành phố Bagdad (Irak) mang tước hiệu Babylone.

(2) Giáo Hội Syrie-Malabar (Công giáo) tại tiểu bang Kerala bên Ấn Ðộ. Những người trong Giáo hội này thuộc nguồn gốc Nestoriô nhưng vào thế kỷ thứ 16, đa số trở về nhập lại với Giáo Hội Công giáo. Họ vẫn giữ lễ nghi Chaldée.

(3) Giáo Hội Syrie Mar Thoma de Malabar (Chính Thống giáo): Tại Ấn Ðộ có khoảng 2 triệu tín đồ, theo lễ nghi Chaldée dùng ngôn ngữ Syriaque và ngôn ngữ địa phương.

III. CÔNG ĐỒNG CHALCÉDOINE (451) VÀ LY GIÁO ÐỨC KITÔ CHỈ MỘT THIÊN TÍNH

Nestoriô bị kết án nhưng vẫn không vừa lòng những thành phần cực đoan giữa hai phe Alexandrie và Constantinople. Viện phụ Eutychès ở Constantinople lên tiếng giảng rằng nơi Ðức Kitô, thiên tính bao trùm nhân tính đến độ chỉ còn bản tính duy nhất là Thiên tính (monophysite). Cuộc tranh chấp giữa hai phe chống đối và theo Eutychès lại nổi lên. Cuối cùng hoàng đế Marcianus lại triệu tập một công đồng tại Chalcédoine năm 451. Công đồng khẳng định Ðức Kitô mang một ngôi vị và hai bản tính. Eutychès và thuyết Ðức Kitô chỉ một thiên tính bị kết án. Công đồng Chalcédoine lại đưa đến những ly khai khác. Người Kitô hữu Ai-cập phủ nhận những khẳng định của công đồng, cũng như một số đông Kitô hữu gốc miền Tây Syrie và nhất là những Kitô hữu thuộc miền Arménie. Từ đó khai sinh:

(1) Giáo Hội Copte (Chính Thống Giáo) hay Giáo Hội Ai-cập: Liban, Âu châu, Mỹ châu và Úc châu dành cho những di dân Ai-cập theo truyền thống Copte. Ngày nay Giáo hội Copte có khoảng 8 triệu tín đồ.

(2) Giáo Hội Syrie hay là Jacobite do đan sĩ Jacques Baradée phục hưng: Giáo hội này một thời bị người Hồi giáo đánh phá nên ngày nay chỉ còn khoảng 150.000 tín đồ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Irak và Syrie, Hoa Kỳ. Họ theo lễ nghi Syrie, giữ ngôn ngữ Syriaque và Ả-rập. Tòa Thượng phụ ở Damas (Syrie).

(3) Giáo Hội Arménie: Xứ Arménie trở lại đạo khoảng năm 295. Năm 374 họ tự đòi tự trị và cuối cùng đi theo bè phái nhìn nhận Ðức Kitô chỉ một Thiên Tính. Ngày nay họ có khoảng 6 triệu tín đồ sống rải rác ở Liban, Arménie.

(4) Giáo Hội Ethiopie do thánh Frumentius và Aedesius thành lập thế kỷ thứ 4, trực thuộc và theo Giáo thuyết Alexandrie.

Ngày nay, trong 4 Giáo Hội ly khai trên, đều còn có một thiểu số giữ theo truyền thống Công giáo. Giáo Hội Copte theo truyền thống Công giáo có khoảng 200.000 tín đồ chia thành 7 giáo phận và một Thượng phụ do Thượng Hội đồng với 6 giám mục bầu lên với sự chấp thuận của Tòa Thánh La-mã. Giáo Hội Syrie (Công giáo) về hiệp nhất với Rôma năm 1662 có khoảng 96.000 giáo dân, vẫn giữ nghi lễ Syriaque và Tòa Thượng phụ đặt ở thành Beyrouth (Liban). Giáo Hội Arménie (Công giáo) về hiệp nhất lại với Rôma vào năm 1742, có khoảng 152.000 giáo dân. Tòa Thượng phụ với danh hiệu Cilicie đặt tại Beyrouth. Giáo Hội Ethiopie (Công giáo) nối lại hiệp nhất với Rôma ở thế kỷ thứ 16, có khoảng 100.000 giáo dân.

IV. GIÁO HỘI MARONITE

Chúng ta thấy sau công đồng Chalcédoine có một số Kitô hữu miền Tây xứ Syrie bỏ đi lập Giáo Hội khác, thì cũng còn lại một thiểu số chấp nhận tín điều của Chalcédoine. Những người này kết hợp lại sống chung quanh tu viện thánh Maroun thuộc thành Homs ở Syrie. Họ sống tự trị suốt thời kỳ vùng đất Syrie bị quân Hồi giáo xâm chiếm. Sau này khi vùng đất được giải thoát do các đạo quân thánh giá, họ liên lạc lại với Rôma và chấp nhận vào hiệp thông với Ðức giáo hoàng. Ðó là Giáo Hội Maronite. Hiện nay có khoảng 5 triệu tín đồ trên thế giới với 1,2 triệu tín đồ tại Liban. Phụng vụ bằng tiếng Syriaque và Ả-rập. Tòa thượng phụ với tước hiệu Antioche.

V. CÁC GIÁO HỘI CHÍNH THỐNG GIÁO

Hố ngăn cách giữa hai Giáo Hội Ðông phương và Tây Phương mỗi ngày một sâu đậm từ sau đế quốc La-mã sụp đổ. Mầm mống phân ly bắt nguồn từ hồi thế kỷ thứ V, và những lý do đưa đến cuộc ly giáo năm 1054 mang màu sắc chính trị, văn hóa và tín lý.

– Về phương diện chính trị, Giáo hội bên Ðông phương gắn bó vào đế quốc Byzantin. Hoàng đế là người cất chức hay đặt để các thượng phụ thành Constantinople. Bên Tây phương, một khi đế quốc được tái lập trên lãnh thổ, các giáo hoàng thuộc giáo triều Roma cũng tách dần ra khỏi ảnh hưởng của đế quốc Byzantin.

– Về phương diện văn hóa, cả hai giáo hội càng ngày càng không còn hiểu nhau được. Tây phương dùng La tinh và Ðông phương dùng tiếng Hy lạp.

– Về phương diện tín lý, cả hai giáo hội cũng mang mầm mống khác biệt về phụng vụ và giáo thuyết. Theo người Hy lạp, lễ điển chính là đức tin được diễn đạt ra bằng hành động; vì vậy thay lễ điển là thay đổi đức tin. Ðối với người Tây phương, lễ điển và giáo thuyết là hai điều hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, người Hy lạp không chấp nhận thêm vào kinh Tin Kính (Credo) đặt thời Công đồng Nicée – Constantinople, câu nói về hành động nhiệm xuất của Chúa Thánh Thần từ Chúa Con mà ra (Le Filioque).

“Le Filioque” là nguồn gốc tranh chấp tín lý giữa giáo hội Ðông phương và Tây phương. Trong kinh Tin Kính (Credo) theo Công đồng Nicée-Constantinople năm 381 tuyên xưng “Chúa Thánh Thần bởi Ngôi Cha mà ra”; và không nói gì đến mối tương quan giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Sau đó, một số nhà thần học bên Tây phương dựa vào một số văn bản bản Tân ước như Tin Mừng Gioan 16,13-15; thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 8,9; thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát 4,6, và họ kết luận “Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra” (Filioque). Tư tưởng này được thêm vào Kinh Tin Kính do quyết định của Công đồng địa phương ở Tolède năm 589 bên Tây Ban Nha để chống lại bè lạc giáo A-ri-ô thuộc Man dân Wisigoth. Sau này, hoàng đế Charlemagne áp đặt Kinh nguyện này trên toàn lãnh thổ hồi thế kỷ thứ IX. Các Ðức giáo hoàng dù chấp nhận tư tưởng thần học nêu ra ở trên, nhưng cũng không đưa vào Phụng vụ cho tới thế kỷ thứ XI để không muốn gây thêm khó khăn trong mối liên lạc mong manh với giáo hội Ðông phương. Thật vậy, giáo hội Ðông phương cho rằng “Filioque” là một tư tưởng lạc giáo. Năm 897, Ðức thượng phụ Constantinople, Phobius, đã lên án giáo hội Tây phương không hiểu là Thiên Chúa Cha là nguồn gốc duy nhất, và ngài căn cứ vào Kinh Thánh minh thị Chúa Thánh Thần phát xuất từ Thiên Chúa Cha như ghi trong Tin Mừng Gioan 15,26).

Hôm nay, Giáo hội La tinh giữ một công thức kết hiệp rõ hơn ý tưởng của hai bên trong câu “Chúa Thánh Thần phát xuất từ Ngôi Cha qua Ngôi Con”. Lối suy diễn này đã được các giáo phụ miền Cappadoce nêu lên cho rằng: Ba ngôi vị liên kết với nhau như vòng xích của một sợi dây xích, vì vậy mặc nhiên có sự tùy thuộc qua Ngôi Con.

Trước khi đi đến ly khai năm 1054, Ðức giáo hoàng Léon IX và Hoàng đế Byzantin, Constantin Monomaque, đã cố gắng dàn xếp hòa giải. Thế nhưng vì sự thiếu khôn ngoan của hồng y Humbert là sứ giả của Rôma, và sự cố tình của vị thượng phụ thành Constan-tinople Michel Cerulaire, đã đưa đến ly giáo Chính Thống. Từ năm 1054, giữa hai giáo hội đào thêm một hố sâu ngăn cách khó hòa giải.

Hôm nay, Chính Thống giáo có khoảng 150 triệu tín đồ với ba tòa Thượng phụ chính là: Giáo Hội Chính Thống Hy-Lạp; Giáo Hội Chính Thống Nga; Giáo Hội Chính Thống Lỗ Ma Ni. Một số tòa Thượng phụ nhỏ như Constantinople, Alexandrie, Antioche, Giêrusalem, Bulgarie, Serbie, Géorgie. Ngoài ra còn một số Giáo Hội Chính Thống tự trị tìm thấy tại xứ Phần Lan, Ba Lan, Hungary…

Trong ba tòa Thượng phụ Chính Thống Alexandrie, Antioche và Giêrusalem cũng có khoảng 400.000 giáo dân Công giáo thường được gọi là “Giáo hội Hy Lạp Công giáo Melkite”. Họ gom lại dưới quyền 1 tòa Thượng phụ Công giáo đặt tại thủ đô Damas và gắn bó với Rôma năm 1724.

KẾT LUẬN

Ðọc sơ qua lịch sử hình thành, chúng ta thấy rằng các Giáo Hội Ðông Phương được khai sinh cùng với những môn đệ đầu tiên của Ðức Kitô. Họ cũng đương thời với thánh Phaolô và họ đã giữ được tiếng nói và tập quán. Hôm nay, dù mang một quá khứ ly khai với Giáo Hội Công Giáo, nhưng các Giáo Hội Ðông Phương cũng còn qui tụ khoảng gần 10 triệu tín đồ và họ ở những nơi còn tranh chấp bạo động thường xảy ra.

Các nghị phụ Công đồng Vaticanô II đã không quên đến các Giáo Hội cùng nguồn gốc này, nên ngày 21 tháng 11 năm 1964 trong khóa V đã công bố một sắc lệnh về các Giáo Hội Ðông Phương (Orientalium Ecclesiarum). Sắc lệnh như lời mời gọi chúng ta cần tìm hiểu rõ về anh chị em Kitô hữu Ðông Phương vì Lịch sử, các truyền thống, và rất nhiều thể chế trong Giáo Hội đều chứng minh rõ ràng các Giáo Hội Ðông Phương có công biết bao đối với toàn thể Giáo Hội” (số 5). Và trong sắc lệnh về Hiệp Nhất (Unitatis Redintegratio), công đồng Vaticanô II còn ghi:

“Thánh Công Ðồng hy vọng rằng, sau khi bức tường ngăn cách Giáo Hội Ðông Tây bị phá đổ, sẽ chỉ còn ngôi nhà duy nhất được củng cố trên đá góc là Chúa Giêsu Kitô, Ðấng sẽ làm cho cả hai nên một” (số 18).