Thời Bút Chiến Về Mầu Nhiệm Ba Ngôi: Thánh Grégoire Giám Mục Thành Nysse (331? -394)

0
1181


GIÁO PHỤ HỌC – PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

***

***

CHƯƠNG IV

THỜI BÚT CHIẾN VỀ MẦU NHIỆM BA NGÔI

(325 – 430)

***

PHẦN I: CÁC GIÁO PHỤ ĐÔNG PHƯƠNG

***

ĐOẠN II

CÁC GIÁO PHỤ CAPPADOCE

THÁNH GRÉGOIRE GIÁM MỤC THÀNH NYSSE (331 ? – 394)

 

Người ta không biết nhiều về cuộc sống riêng tư của Grégoire, em trai Basile. Grégoire de Nazianze là mẫu người đễ thân tình bao nhiêu thì Grégoire de Nysse này lại ít bạn hữu, ít có những tương giao bên ngoài gia đình bấy nhiêu. Gia đình của Ngài trước tiên phải kể đến Basile le Grand – Basile Cả, mà tầm vóc lớn lao thành như bóng che. Một bóng che thành che khuất: rồi tới chị cả Macrine, sớm phụ trách một nữ tu viện mà sau này Grégoire có ghi lại nếp sống và thuật lại cuộc đàm luận cuối cùng, theo kiểu của Platon, trong cuốn “Về linh hồn và sự phục sinh” (Sur l’âme et la résurrection). Hai nhân vật này dường như có hơi che lấp mất Ngài. Tuy nhiên, dẫu kém hoạt động, người em này vẫn không thiếu uy lực hay nghị lực như có đôi lần Ngài tỏ cho anh mình thấy điều đó. Riêng con người của ngài, Ngài vừa có óc phương pháp vừa có óc trực giác, như Ngài sẽ phát huy trong một tác phẩm đántg kể sau này, một khả năng mắm bắt các vấn đề hết sức khác nhau và có thể thực hiện tổng hợp dưới góc độ đức tin. Năng lực của Ngài về suy lý và về siêu hình vượt trổi các đồng liêu Cappadoce, và có lẽ hơn hết các Giáo phụ Hy Lạp.

I. MỘT CUỘC ĐỜI KHÔNG NGỜ, MỘT CÔNG TRÌNH LỚN LAO

1. Một cuộc đời bắt đầu ở tuổi 40

Giai đoạn đầu của cuộc đời Ngài không có vẻ hướng Ngài theo chiều này, khiến người ta đánh dấu hỏi. Ngài sinh sớm nhất là vào năm 331; người ta không thấy Ngài theo học các lớp “đại học”. Ngài chỉ học với Basile và Macrine. Tuy nhiên, người ta nhận thấy Ngài có một kiến thức rất quảng bác. Trong số những người cùng thời, không ai am tường Platon, Plotin, Prophyre, Jamblique, Philon như Ngài, Ngài chịu ảnh hưởng rõ ràng của Aristote và phái Khắc kỷ. Ngài thán phục Libanus, một bậc thầy ngoại giáo ở Antioche. Ngài đã từng đọc Irénée, Méthode d’Olympe, Athanase, Marcel d’Acyre và nhất là Origène. Ngài tranh biện, bất luận là với các nhà chuyên môn về y học, toán học, hay thiên văn học.

Vì rất sành về các phương pháp, kỹ thuật của trào lưu Ngụy biện thứ (Seconde Sophistique, phát triển vào thế kỷ II) và am hiểu khoa tu từ, biện chứng (dialectique = thuật đối thoại), Ngài được bổ làm thầy dạy khoa tu từ, sau một thời gian giữ chức đọc sách (lecteur) trong Giáo hội. Sở dĩ như thế là vì Ngài muốn chọn theo một sự nghiệp ngoài đời, không chấp nhận sống đơi đan tu, một đời sống mà, vào những năm 355, gia đình Ngài rất ưa chuộng. Hơn thế nữa, mặc dù sau này Ngài sẽ là một nhà thần học lớn nhất về Đức Trinh khiết và sẽ là người đem lại cho đời sống đan tu một khoa thần bí chói ngời nhất, nhưng Ngài lại kết hôn, chắc là với Theobise – và có lẽ sống với bà cho đến lúc bà qua đời (385), tuy nhiên điều đó không làm cho Ngài có thái độ mềm dịu hơn so với các đồng liêu của Ngài đối với đời sống hôn nhân “được bày ra nhằm khuây khỏa trước cái chết”. Là Kitô hữu rất nhiệt thành, thời gian sống của Ngài được chia ra vừa cho những bận tâm của nghề nghiệp, vừa làm việc trí thức và dường như Ngài còn dành thời gian sống ẩn cư tại đan viện Iris để nghiên cứu. Theo yêu cầu của anh và chị Ngài vào năm 371, Ngài soạn một khảo luận về “Đức Trinh khiết” (Sur la Virginité).

2. Một Giám mục tốt lành

Cũng vào khoảng thời gian đó (371-372), Basile áp đặt cho Ngài tòa Giám mục ở Nysse, một “hoang mạc” và là nơi Basile chôn mất sự phấn khởi của Ngài. Tại nơi ấy, Ngài đã nên một Giám mục tốt lành, gần gũi dân chúng, nhưng, nếu đúng như lời của thầy Basile, Ngài lại ngây thơ và quyết đoán công việc cách vụng về.

Phe Arius, là phe Ngài chống lại trong tư thế nhà thần học, đã kết án “kẻ theo Nicée cách xác tín” (nicéen convaicu) tội biển thủ (malversation), Ngài bị truất quyền năm 376, và được phục hời lúc Valens băng hà (378).

Về tín lý, không phải lúc nào hai anh em cũng hoàn toàn nhất trí với nhau. Khi Giám mục Césarée qua đời (1/1/379) và ngay sau đó, Macrine cũng theo chân thì cậu em mới tỏ rõ con người mình. Ngài lập tức xuất bản ba hay bốn cuốn sách, Ngài được các đồng sự tại Thượng hội đồng Antioche (379) và ngay cả Théodose tín nhiệm. Người ta vẫn muốn giữ Ngài ở lại Sébaste, nhưng Ngài lập em của Ngài là Pierre làm Giám mục ở đó (380). Ngài giữ một vai trò quan trọng tại Công đồng Constantinople (381), và cùng năm ấy, theo ý của hoàng đế, Ngài được đặt làm người giám sát về giáo lý chính thống cho địa phận Pont.

Chắc hẳn Ngài có đi đây đó ngang qua Jérusalem, nhờ đó mà chúng ta có được một bức thư phê bình khá nặng nề về thánh địa và về việc hành hương. Ngài lao vào nhiều cuộc bút chiến lớn chống lại Eunome, và đó là cơ hội Ngài thực hiện một tổng luận thực sự của thần học Cappadoce và chống lại bè Apollinaire, mà theo ý kiến của Ngài, người ta đã chống một cách quá yếu ớt. Là nhà thuyết giảng lừng danh, Ngài thường được mời đến Constantinople nhằm can thiệp những vụ đặc biệt, chẳng hạn, về thần tính của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần (383), hoặc để giảng thuyết tùy hoàn cảnh, chẳng hạn những bài diễn văn (385) về công chúa Pulchérie, con gái của Théodose, chết lúc lên sáu, hay về hoàng hậu Flacella, Grégoire là một loại cố vấn của Hoàng đế. Đây cũng là thời đương lên của ngôi sao Jean, sau này sẽ là “Chrysostome”; vả lại khỏang năm 387, khi hoàng đế dời về Milan, gần chỗ Ambroise, thì Grégoire cũng rút lui. Ngài còn việc khác phải làm: theo đuổi công trình lớn về thần học và thần bí của mình. Vào năm 394, Ngài có trở lại Contantinople nhân dịp Thượng hội đồng, rồi sau đó biệt tăm.

3. Một công trình không ngờ

Theo nhiều người, trong số ba vị Cappadoce, Grégoire de Nysse là vị để lại công trình quan trọng hơn cả: tất cả các trước tác, trừ khảo luận “Sur la Virginité” (371), đều xuất hiện từ năm 379 trở về sau. Công trình vừa đa diện, vừa dồi dào gồm những bài trình bày giáo lý, các bài bình giảng (commentaires exégétiques), khảo luận về tu đức, các bài giảng (homélies), và diễn từ (discours), chúng ta có thể phân loại như thế, nhưng nội dung không hề bị hạn chế bởi các thể loại văn chương. Trong Kitô giáo cổ thời Grégoire de Nysse không được truyền bá và phiên dịch như các vị Cappadoce khác. Bù lại, từ khỏang nửa thế kỷ này, Ngài lại là một Giáo phụ, được nghiên cứu nhiều hơn hết, dựa trên cơ sở một bản văn được bình chú (texte critique) mà W. Jacger và H. Langerbeck đã góp phần xây dựng, và có thể nói, nhuận sắc lại nữa. Ở Pháp, dưới sự thúc đẩy có lẽ là của Hans Urs Von Balthasar và nhờ chỗ dựa vững chắc, nhất là về khoa ngữ văn học (philologie) của Cha Aubineau, Daniélou đã sớm đi sâu vào cuộc tái khám phá này.

II. SƠ LƯỢC VỀ TÁC PHẨM

Các tác phẩm của Ngài thường khó xác định ngày tháng, dài ngắn rất khác nhau, nội dung pha trộn rất phức tạp. Ở đây, chúng ta phân chia một bên là các tác phẩm triết học và thần học, một bên là các tác phẩm tu đức và chú giải. Cũng nên biết rằng sự phân chia này hoàn toàn tương đối, phỏng chừng.

A. CÁC BẢN VĂN TRIẾT HỌC VÀ THẦN HỌC

1. Thiên về Triết học

a/. Contre le destin (Chống lại định mệnh): Một tranh luận ngắn với người ngoại giáo về sự Quan phòng.

b/. AuxGrecs, à partir des notions communes (Với người Hy Lạp, khởi đi từ những khái niệm chung): Hướng về Chúa Ba Ngôi.

c/. Sur l’âme et la résurrection (Về linh hồn và sự sống lại): Mang đậm mầu sắc triết thuyết Platon và thần bí.

2. Thiên về Luân lý

Các bài giảng về “Yêu người nghèo” “chống lại cho vay nặng lãi” (“Sur l’amour des pauvres” et “Contre les usuriers”).[1]

3. Thiên về Thần học

a/. Contre Eunome (380-383) (Chống lại Eunome) là một khảo luận dài chiếm 1/4 bộ sách, được W. Jacger sắp xếp lại theo thứ tự niên biểu, bao gồm “La Réfutation de la profession d’Eunome” (Bác bỏ tuyên tín của Eunome).

b/. A Théophile contre les apollinaristes, (Gởi Théophile, chống phái Apollinaires): Một bài trình bày ngắn.

c/. Antirhéticus contre Apollinaire (Phản bác chống Apollinaire): Có những trích dẫn quan trọng phong phú.

d/. Bài giảng “Sur le Saint-Esprit contre les macédoniens pneumatomaques” (Về Chúa Thánh Thần, chống lại phái Macédonius – những kẻ chống Thánh Thần).

e/. Thư gởi cho Eustathe (= Lá thư số 189 của Basile) nhằm bênh vực Chúa Thánh Thần.

f/. Qu’il n’y a pas trois dieux et autres opuscules (Không có ba Chúa và các tập sách nhỏ khác).

g/. Bài giảng về “Quand il se sera soumis toutes choses” (1 Cor. 15, 28) (Khi mọi sự phục quyền Ngài), nói về ngày tận thế hay ngày Phục Sinh toàn thể nhờ Ơn Cứu Chuộc.

h/. Discours catéchétique hay Grande catéchèse, là một tiểu luận về thần học có hệ thống (Ba Ngôi, Nhập thể, Cứu chuộc, phép Rửa và phép Thánh Thể), dựa nhiều vào Origène.[2]

B. CÁC BẢN VĂN CHÚ GIẢI KINH THÁNH VÀ TU ĐỨC

1. Chú giải Thánh Kinh khá sát nghĩa (nghĩa đen)

a/. Sur la création de l’homme (SC no 6) (về việc sáng tạo con người).

b/. Explication apologétique de l’Hexaéméron (Giải thích hộ giáo về Hexaéméron – tức là về Sáu ngày theo tạo dựng), gồm hai cuốn viết năm 373, có liên quan mật thiết với tác phẩm của Basile vì nó bổ túc và sửa chữa các bài giảng của Basile về Sáu ngày Tạo dựng (Hexaéméron).

2. Chú giải Thánh Kinh theo nghĩa ẩn dụ và thiêng liêng

a/. Về các tựa đề của các Thánh vịnh và về Thánh vịnh 6

b/. Về sách Giảng viên

c/. Về Kinh Lạy Cha

d/. Về thư I Côrinthô

3. Chú giải Thánh Kinh theo nghĩa ẩn dụ, chủ yếu mang tính chất thần bí

a/. Vie de Môsê (Cuộc đời Môsê) (SC 1bis)

b/. Các bài giảng về Sách Diễm Tình Ca (15)

c/. Các bài giảng về các Mối Phúc (8)

4. Về Tu đức nói riêng

a/. De la Virginité (Về đức Trinh khiết): là bài ca ngợi về đức trinh khiết nội tâm, đồng thời bênh vực một cách nàođó thân xác và hôn nhân, chống lại những người quá nghiêm khắc[3]

b/. De la perfection (Về sự hoàn thiện)

c/. De la profession du chrétien (Về việc tuyên xưng đức tin của Kitô hữu)

d/. De la règle chrétienne (De instituto christiano) (Về qui luật Kitô giáo). Tác phẩm này đã được W. Jaeger khôi phục lại nguyên vẹn. Tác phẩm này liên hệ mật thiết với cuốn “La Grande lettre de Macaire” và đang bị tranh cãi rất nhiều.[4]

C. MỘT THẦN HỌC UY MÃNH

1. Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và công trình sáng tạo của Người: Lỗi phạm của con người

Tất cả giáo thuyết của Grégoire chỉ có thể hiểu được, khởi từ Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối, đó là chìa khóa tư tưởng của ngài. Đấng tự yếu tính là vô hạn và bất biến, thượng trí và tuyệt đối tự do. Ngược lại, mọi thụ tạo – theo định nghĩa – đều hữu hạn và biến đổi: vì hiện hữu của thụ tạo là từ “vô” (non-être) chuyển sang “hữu” (l’être), nên tự bản chất, tạo vật bao hàm sự đổi thay. Tạo vật được phân chia thành những thực tại “siêu vũ trụ” (réalités hypercosmiques), là những thực tại được tham dự “khả tri tính” (intelligibilité) của Thiên Chúa, và thành các “Hữu Thể vũ trụ” (être cosmiques) là những Hữu Thể vật chất và khả giác. Tinh thần không thể bị giản lược vào vật chất.

Nhưng sau đó, con người xuất hiện, nơi con người Đấng sáng tạo thực hiện sự hỗn hợp giữa “khả tri và khả giác” (l’intelligible) (et le sensible). Nơi con người, tinh thần được kết với một thể xác phàm trần, không phải vì “sự sa ngã” (chute) nào đó của linh hồn như Origène dưới ảnh hưởng của Platon đã nghĩ, nhưng đó là do thánh ý Thiên Chúa, do “nhiệm cục” (économie) của Thiên Chúa, nói theo ngôn ngữ Cappadoce. Vì tự yếu tính là đổi thay như mọi thụ tạo khác, con người nằm trong thời gian, thời gian ở đây chỉ là “hiện hữu trải dài của nhân loại” (durée de l’humanité), và con người theo đuổi vận hành của mình trong lịch sử, một vận hành có thể có tiến bộ nhờ không ngừng vươn tới một “hiện hữu sung mãn hơn” (passage perpétuel à plus d’être). Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nhờ Người và cho Người, con người bảo đảm sự hiện diện của tinh thần ở nơi vật chất, và ngược lại. Con người còn được thông phần tự do của Thiên Chúa và toàn bộ những ưu phẩm của Người, nếu không thì không còn là hình ảnh nữa. Được dựng nên theo ý của Thiên Chúa, con người sống trong một trạng thái như Thiên Thần. Tuy nhiên, thân xác có chỗ đứng như thế nào trong trạng thái này thì không được xác định rõ lắm, vì con người ấy sinh sôi nẩy nở mà không sử dụng đến phái tính. Con người là một “hữu-thể-biên” (un être frontière), tiếp giáp với thần linh, nhưng vẫn biến đổi trong tự do của mình, vì tự do cũng được tạo dựng, không ngừng phải chọn lựa giữa thiện và ác và luôn luôn có nguy cơ đánh mất sự duy nhất của mình. Như thế con người là tất cả (hay hầu như vậy) và không là gì cả (hay hầu như vậy) và Grégoire rất thích nói về “huyền nhiệm” này.

Nhưng rồi, con người đã sử dụng tự do của mình để “nhìn về đất”; đó không phải lỗi của Thiên Chúa! “Khi ánh dương bừng chiếu” (…) nếu ai đó tự ý nhắm mắt không muốn nhìn, thì mặt trời đâu chịu trách nhiệm về việc người ấy không trông thấy”; ấy là nguyên tội. Grégoire không hoàn toàn lập lại lý thuyết của Origène về sự tiền hữu của các linh hồn và của một tội phạm trước, ngài nói đến tội Ađam phạm, nhưng không nhấn mạnh trên sự kiện độc nhất. Ngài nói đến tội của “những người đầu tiên”, đồng thời cũng nói đến tội của tất cả bản tính nhân loại, bắt đầu nơi Ađam, tiếp diễn trong tội riêng của từng người, với trách nhiệm như nhau. Dầu sao, lỗi phạm đầu tiên này cũng gây ra một “xáo trộn phổ quát” thay vì trạng thái thơ mộng lúc ban đầu của vương quyền, của cái đẹp, của tính cách làm chủ tuyệt đối, của sự tự lập. Khi con người, do ngộ nhận đã sa xuống dưới, sa vào trong sự dữ, vào trong sự phi lý; bấy giờ cuộc tạo dựng thứ hai xảy đến: Con người, từ nay, là nam là nữ. Khi đã được mặc cho “bộ da” của thân phận loài vật và có phái tính, thì liền bị xâu xé giữa một bên là những đam mê của cảm tính thống trị và bên kia là khát vọng say mê của bản tính nguyên sơ, là bản tính vẫn tiếp tục vươn về Thiên Chúa một cách vô vọng. Ác thần giam hãm nhân loại cho đến thời cứu chuộc; đây là hồi kêt thúc màn khiêu vũ với các thiên thần, kết thúc bản “giao hưởng thần hứng” của vũ trụ đồng thanh.

2. Con người trước Đấng khôn tả: Tri thức về Thiên Chúa

a. Thiên Chúa “ở bên kia mọi danh xưng”

Tội lỗi, hiển nhiên, chỉ là khơi rộng thêm cái khỏang cách mà Grégoire, trên bình diện Hữu Thể luận đã đặt giữa Đấng sáng tạo và con người thụ tạo. Vô hạn – theo định nghĩa – là cái bất khả đạt thấu, “bên kia mọi danh xưng”. Tri thức mà chúng ta tưởng có được về Đấng vô hạn thực ra là “vô tri” (inconnaissance). Trí năng của chúng ta “chỉ đạt tới chỗ nắn ra một ngẫu tượng về Thiên Chúa”. Các hoàn cảnh xảy đến đã khiến cho quan điểm triết học này của Grégoire càng cứng rắn hơn. Sau Basile, Ngài đụng độ với Eunome de Cyzique, một người thuộc bè Arius, thấm nhiễm luận lý của Aristote đã xác quyết rằng trí tuệ con người có thể thấu suốt yếu tính của Thiên Chúa, Thiên Chúa là tác giả của ngôn ngữ và là vị đặt tên cho vạn vật ngay cả trong sự đa phức của chúng; Người thông tri những điều ấy cho những tôi tớ được linh hứng của Người. Lẽ nào họ lại không diễn tả Người một cách thích đáng được? Grégoire đối lại: Thiên Chúa tự mạc khải qua những điều Người tỏ lộ, nhưng chính Hữu Thể của Người thì không bao giờ thấu đạt được. Ngài thêm rằng, dù sao, ngôn ngữ vẫn là sản phẩm của loài người. Ngay cả ngôn ngữ của Thánh Kinh cũng bị giới hạn vào những biểu tượng vay mượn ở thế giới khả giác: ngôn ngữ không đủ để diễn đạt sự vô hạn của Thiên Chúa, Đấng thực sự là khôn tả. Người ta chỉ có thể nói về Thiên Chúa điều người không là (ce qu’il n’est pas). Đây là điều mà người ta gọi là thần học phủ định (théologie négative).

b. Tri thức về điều bất khả tri ( l’inconnaissable)

Nhưng Grégoire không dừng lại ở đó, ngay trong khảo luận đầu tiên của Ngài “De la Virginité”, Ngài có viết rằng, linh hồn, một khi đã được giải thoát khỏi những đam mê thì lại có thể nhận biết Thiên Chúa, được kết hợp với Chúa Kitô trong hôn phối thiêng liêng và hầu như được phục sinh vậy. Suốt khỏang 15 năm trong nhiều tác phẩm khác nhau, Ngài đã minh xác lộ trình đi lên của một tri thức nào đó, cố nhiên, lộ trình này không hoàn toàn mạch lạc, đặc biệt trong những ẩn dụ được sử dụng nhằm diễn tả những thực tại phần nào vượt quá lý trí; Ánh sáng, đám mây, bóng tối,… thật là bước đi lên kỳ lạ đối với cái nhìn của người phàm tục, tuy nhiên đây là một bước đi lên khá vững chắc, vì đựa trên triết thuyết Platon đã được Kitô hóa đúng mức và dựa trên một bậc thầy là Origène. Các chặng đường đi lên, tuy chưa được rõ lắm về các điểm chuyển tiếp, nhưng chỗ nào người ta cũng có thể nhận ra ba chặng mà Ngài vạch trong cuốn “Cuộc đời Môsê” (Vie de Moise).

Chặng đầu tiên là một hình thức dự bị và chủ yếu thuộc bình diện luân lý. Đây là chặng khổ chế, nhằm đạt đến trạng thái không còn những đam mê, dục vọng, đây là trạng thái “apatheia” nổi tiếng mà phái Khắc Kỷ minh họa và được tất cả nền luân lý của các Giáo phụ lấy lại với những sắc thái và những dè dặt khác nhau. Đây là giai đọan siêu vượt thân xác, là con đường thanh luyện (thanh đạo, voie purgative), nó là điều kiện của bước đi lên (la montée) chứ chưa thật sự là đi lên.

Ở cấp tiếp theo, Grégoire cho thấy Ngài không chút nghi ngờ khả năng của chúng ta có thể biết được điều gì đó về Thiên Chúa. Kitô hữu có thể vận dụng tinh thần nhằm tự gỡ mình khỏi cái khả giác và đọc ra ý nghĩa của các dấu chỉ, các biểu tượng tức là những tia sáng còn tạm bợ, và đó là những tỏ hiện của Thiên Chúa, những “thần hiển” (théophanie): vũ trụ tạo thành biểu lộ cho Kitô hữu sự cao cả của Thiên Chúa; còn lịch sử cứu độ, nhiệm cục (économie) thì mặc khải cho Kitô hữu đặc biệt về lòng “nhân ái” (philanthropie) của Thiên Chúa. Như vậy Kitô hữu đạt tới các “danh xưng” và các ưu phẩm của Thiên Chúa, tức thế giới khả niệm của Platon (monde intelligible), đối tượng của sự chiêm ngắm (theoria) hay của tri thức (gnose). Đằng sau những sự kiện thấy được, và đó là những phản ánh (reflets) của ý định Thiên Chúa, Kitô hữu thấu triệt các Hữu Thể, cho đến tận biên giới tiếp giáp với Thiên Chúa, thấu triệt các định luật cũng như các mối dây tất yếu nối kết chúng (akolouthia), và chính những định luật, những mối dây liên kết đó biện chính cho việc “hệ thống hóa thần học”. Một cách nào đó có thể nói đây là con đường soi sáng (minh đạo – voie illuminative) và là cấp đọ của các giáo thuyết thần học.

Chúng ta còn phải vượt qua thế giới của tinh thần của những ý niệm, phải từ bỏ thế giới đó và, qua đêm tối của trí tuệ, đạt tới thế giới của Nhất thể (l’Un) mà Plotin đã đoán ra, nhờ một “kinh nghiệm siêu lý” (suprarationnelle), trong sự hiển lộ lặng im của sự hiện diện thần linh. Đây là con đường “kết hiệp” (voie unitive) con đường thần hiệp mà sau này sẽ được xác định rõ hơn (mystique).

D. MỘT LUÂN LÝ THỰC TẾ

Tư tưởng của Grégoire tự căn bản là qui hướng về Thiên Chúa. Hiển nhiên Ngài chủ yếu không phải là nhà luân lý, Thế nhưng cả những luận đề quan trọng cũng như những áp dụng cụ thể đều được Ngài đề cập đến. Nếu ta thu tập lại tất cả những gì mà Ngài đã viết về các dục vọng đam mê kể từ khảo luận đầu tiên “De Virginité” của Ngài thì hẳn không phải là điều vô ích, và người ta có thể lấy làm mừng với việc Augustin hẳn đã không biết đến phần mà “nhà thần học của tự do” dành cho sáng kiến của con người, tất nhiên nhà thần học này nhìn vấn đề trong một viễn tượng khác.

Dù sao, Grégoire de Nysse trong tư cách là mục tử, đã biết làm một con người thực tế như các đồng sự của Ngài. Trong hai bài giảng “về lòng yêu thương người nghèo” (sur l’amour des pauvres)“chống những kẻ cho vay nặng lãi” (contre les usuriers), Ngài đã tìm lại được nguồn cảm hứng và lý tưởng của họ. Để lên án việc cho vay lấy lãi, Ngài dựa hẳn “vào Cha Basile thần thánh của chúng ta” (là anh cả thôi), trong khi khiêm tốn lấy làm tiếc vì “chưng ra một chiếc cộ do lừa và bò kéo, bên cạnh những chiếc mã uy phong của Người”. Cũng như Basile, Ngài tố giác chế độ cho vay là trái nghịch với luật của Thiên Chúa; chế độ này, thay vì phá bỏ nghèo đói, lại chỉ làm cho trầm trọng thêm. Ngài phác họa chân dung của kẻ cho vay nặng lãi với khuôn mặt lo lắng chẳng kém gì La Bruyère và mô tả về cái chết bất đặc kì tử của hắn như một ngụ ngôn báo trước “anh nông phu và bầy con” (Le laboureur et ses enfants). Xoay quanh sự nghèo khổ, Ngài khai thác thần học về con người, hình ảnh Thiên chúa: “Chớ khinh bỉ người nghèo (…) hãy tự hỏi họ là ai và bạn sẽ khám phá ra sự cao cả của họ: họ có khuôn mặt của Đấng Cứu Thế… Cảm thương và chia sẻ là những điều Thiên Chúa ưa thích, người mang những tâm tình như vậy sẽ được chính những tâm tình đó thần hóa (…) làm cho người ấy nên hình ảnh của Hữu Thể uyên nguyên vĩnh hằng. Đấng siêu vượt mọi trí tuệ”. Đặc biệt đối với những người phong cùi “những kẻ sinh ra theo hình ảnh Thiên Chúa và được ủy thác việc cai quản trái đất”, Grégoire đòi cho họ quyền thuộc về nhân loại: “Đừng xé mất sự duy nhất mà thần khí đã đặt vào thế giới: tức là, chớ coi những Hữu Thể cùng mang bản tính như chúng ta là những kẻ xa lạ”, và Ngài miêu tả cảnh tượng “đã từng đánh động mình đến ứa nước mắt”. Ngài miêu tả còn sống sượng hơn cả Grégoire de Nazianze nữa.

Trong cuốn “Chú giải sách giảng viên” (commentaire de l’Ecclésiaste) có lẽ Ngài đẩy xa hơn anh của Ngài luận đề về cộng đồng nguyên thủy, Ngài liên kết luận đề này với vẻ huy hoàng của hình ảnh Thiên Chúa có nơi mỗi người, trong khi sự phân biệt giữa “cái của tôi và cái của anh” lại xuất phát từ sự sa đoạ ban đầu (déchéance originelle). Cũng trong tác phẩm này Ngài tố giác cách riêng chế độ nô lệ: Vì, con người tự yếu tính thông phần tự do của Thiên Chúa, bắt con người làm nô lệ, là hủy họai con người. Lối lập luận này có lẽ là lối lập luận đặc trưng của Ngài.

E. MỘT THẦN HỌC MANG TÍNH TRIẾT LÝ

Dầu sao Grégoire trước hết vẫn là một nhà thần học lớn về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và về Mầu nhiệm Nhập thể Cứu chuộc (Incarnation rédemptrice). Những qui luật đức tin cho giáo lý chính thống của Ngài đó là Thánh Kinh, được giải thích rất rộng rãi, và “Truyền thống mà chúng tôi đã lãnh nhận từ các Thánh phụ”. Nhưng để đào sâu đức tin, để diễn đạt và thông truyền đức tin, Ngài mạnh dạn suy tư trên những khái niệm mà ở chặng sau, Ngài đòi phải bỏ để kết hợp với Thiên Chúa. Trong lập luận táo bạo nhất của Ngài tất nhiên là ở những lãnh vực mà ngài hiểu là không đòi buộc tin, cùng với Grégoire de Nazianze, Ngài đòi ngay cả quyền đưa ra giả thuyết, hiểu như là “khỏang không gian tự do” mà một số thần học gia ngày nay mơ ước tới, và Ngài đã vui sướng lao vào những “khỏang không gian tự do” đó.

F. THIÊN CHÚA BA NGÔI VÀ MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

Cùng mang danh Cappadoce, Ngài tuyên bố thần tính của Chúa Thánh Thần, trong diễn từ về Chúa Thánh Thần, mà Ngài được mời đọc tại Constantinople; nhưng, nhất là Ngài bảo vệ sự duy nhất về bản tính Thiên Chúa Ba Ngôi trong tiểu luận “Qu’il n’y a pas trois dieux” (Không có ba Thiên Chúa). Chỗ khác Ngài khẳng định sự tương hướng của Tam vị về Nhất thể (la conspiration de trois vers l’un). Sự phân biệt các ngôi vị chỉ là do tương quan giữa các vị, chỉ duy Ngôi Cha là nguyên ủy và hai Ngôi kia là do nguyên ủy – Ngôi con là và mãi mãi là Con Một, còn Thánh Thần xuất bởi Ngôi Cha qua Ngôi Con; từ đây điều này sẽ trở thành giáo huấn thông thường của Giáo Hội Đông phương.

Khi áp dụng cho Đức Kitô những từ ngữ “bản tính” (nature)“ngôi vị” (personne): Grégoire không lưu tâm đến sự chính xác chặt chẽ như nêu trên nữa. Ngài nhắc đến “Ngôi vị (prosôpon) duy nhất”. Ngài thường nhấn mạnh đến hoạt động của Ngôi Lời hơn, “Đấng đã phối hợp với bản tính của chúng ta, ngõ hầu, nhờ sự phối hợp với thần tính, nhân tính có thể trở nên thần tính được gìn giữ khỏi sự chết và được giải thoát khỏi sự thống trị, áp bức của kẻ thù”. Tuy nhiên, để chống lại những người theo Apollinaire, Ngài làm nổi bật sự toàn vẹn của bản tính nhân loại của Đức Kitô (Ngôi Lời) “trở thành người, Ngài mang lấy tất cả con người, tất cả bản tính chúng ta”, bản tính đó đã trở thành như thế nào thì Ngài mang lấy như vậy, nghĩa là “với tấm áo da của nó”. Cách riêng Ngài “đã mang lấy cái tâm tình (passion) của chúng ta”, “mang lấy ý chí nhân loại”, mà Người đã đặt trong sự tùng phục thánh ý Chúa Cha, (xem Lc 12, 42), nhằm cứu độ nhân loại.

G. ƠN CỨU ĐỘ PHỔ QUÁT

Mặc dầu bảo toàn trọn vẹn nhân tính của Đức Kitô, thậm chí Ngài còn cho rằng nhân tính đó có một sự độc lập nào đó, Grégoire vừa nhấn mạnh đến sự duy nhất về Ngôi vị, và cũng như nơi Grégoire de Nazianze, điều này kéo theo khẳng định về “chuyển thông các đặc tính” (communication des idiomes) và về mẫu tính thần linh của Đức Maria (maternité divine). Tuy nhiên, chính thần tính mới giữ vai trò làm chủ và xuyên qua nhân tính của Đức Giêsu, thần tính còn “tái lập nhân loại trong bình an và tự do của Ngài, sau khi đã triệt hạ kẻ thù truyền kiếp”. Cuộc khải hoàn của Ngài từ sự chết đã là sự trở về với đời sống vĩnh cửu của nhân loại. Đức Giêsu đưa nhân loại trở lại hình ảnh của Thiên Chúa và kết nhập vào thân mình Ngài, vì “con người – mà nơi con người đó, Thiên chúa đã nhập thể” – không ngừng nên một với nhân loại. Khi chú giải 1Cr 15,28 Grégoire viết: “Nhờ sự thông phần mà hết thảy chúng ta được hiệp nhất với thân mình Chúa Kitô, chúng ta trở nên một thân mình duy nhất và là thân mình của Người. Khi nào hết thảy chúng ta được nên hoàn hảo và được hiệp nhất với Thiên Chúa, thì khi ấy toàn thể thân mình Đức Kitô sẽ tùng phục quyền năng tác sinh. Sự tùng phục của thân mình này được gọi là sự tùng phục của chính Chúa Con, vì Người tự đồng hóa với thân mình Người là Giáo Hội”. Chính mỗi người sẽ phải đi lại con đường của Thiên Chúa, bằng cách kết hiệp với cái chết của Đức Kitô nơi bí tích rửa tội, bí tích Thánh Thể, nơi đời sống Phụng vụ của Giáo Hội. Tuy nhiên, vì luôn luôn nhạy cảm với khía cạnh phổ quát hơn là khía cạnh cá nhân, Grégoire nhìn thấy mọi linh hồn được phục hồi tình trạng giống Thiên chúa nhờ ân sủng của Đức Kitô, được trở nên Thiên Chúa, được thần hóa, được vươn tới Thiên Chúa trong sự siêu thăng thần bí, trong khi chờ đợi hạnh phúc vĩnh cửu. Như vậy, “thân phận phải chết, hữu hạn (mortalité) cũng nên thiện ích cho chúng ta: khi linh hồn lìa khỏi xác, cũng là lúc chấm dứt tội phạm, nhờ được khôi phục bởi sự phục sinh, con người lại trở nên vẹn tuyền”. Còn hơn thế nữa, vì bản tính nhân loại của Đức Kitô thuộc về thế giới như thành phần thuộc về toàn thể, nên toàn thế giới cũng được biến đổi trong nhân tính hiệp nhất với Ngôi Lời, chính Ngôi Lời thông ban mầm mống phục sinh của Người cho thế giới trong mầu nhiệm Giáo Hội, vũ trụ tìm được chỗ đứng của mình trong bản giao hưởng phổ quát. Tuy không hoàn toàn đồng nhất với Origène, Grégoire chấp nhận luận đề về “apocatastase”, về sự phục hồi toàn thể thụ tạo trong Đức Kitô, kể cả các tội nhân và thậm chí cả ma quỷ nữa. Hết thảy mọi người lại trở về với sự tinh tuyền, với sự duy nhất nguyên sơ của mình. Sự dữ, tội lỗi và sự chết, vì xuất hiện với thời gian và gắn liền với thời gian, tất cả cũng phải biến mất với thời gian.

III. MỘT LỐI CHÚ GIẢI THẦN BÍ

Khi đã được phục hồi nhờ công trình cứu độ của Đức Kitô, từ nay, giữa lòng đời sống Giáo Hội, một đời sống luôn hiện diện nơi Grégoire, con người có đủ khả năng vượt qua giai đoạn suy tư về các dữ kiện Đức tin (để cảm nghiệm [tiếp cận] sự hiện diện của Thiên Chúa trong tin yêu thuần khiết). Hình ảnh của Thiên Chúa siêu vời nơi con người, một thời gian bị che khuất bởi sự tà vạy của tội lỗi, đã được bóc khỏi lớp rỉ sét, nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Con người phải góp phần vào việc thanh tẩy hình ảnh ấy. Ý tưởng này là trọng tâm của tất cả các tác phẩm riêng về tu đức của Grégoire: nếu con người đã tìm lại được hình ảnh đầu tiên thì: “khi nhìn vào mình, con người sẽ thấy Đấng mà mình tìm kiếm” (Rm 6, 5).

Ý tưởng này giải thích được tầm quan trọng của sự “nhập thần” (l’instase), vào trong chính mình, luân phiên với sự “xuất thần” (l’extase) ra khỏi chính mình. Một khi linh hồn đã được nên đồng hình với Thiên Chúa thì linh hồn hiểu biết, một cách nào đó, Đấng Tạo dựng nên mình, sự hiểu biết này vượt trên sự chiêm ngắm các “Danh hiệu”, vì ở đây linh hồn cảm nghiệm sự hiện diện của Người nơi mình, và sống sự hiện diện đó trong niềm tin thuần khiết và trong tình yêu. Đây chính là cấp độ thứ ba của tri thức về Thiên Chúa đã được nói ở trên. Grégoire là người đầu tiên mô tả chính xác sự tiếp cận siêu lý này (suprarationel); đây là lối tiếp cận phong phú hơn rất nhiều so với sự tiếp cận bằng suy tư, nhưng phân biệt với “hưởng kiến chung cuộc” (vision finale), vì lối tiếp cận siêu lý này vẫn luôn tăm tối, vẫn luôn là khôn tả.

Ngài thực hiện sự tiếp cận đó trong các khảo luận về đời sống Tâm linh của Ngài, nhưng nhất là xuyên qua phép ẩn dụ (l’allégorisme) trong lối chú giải của Ngài. Sách Diệu Ca nghiễm nhiên trở thành con đường siêu thăng (đi lên: ascension) của linh hồn. Do biến cố nhập thể, linh hồn “chịu lấy mũi tên của Thiên Chúa,… bị thương đến chí mạng bởi tình yêu, nhưng vết thương lập tức biến thành niềm vui hôn lễ”. Nhưng sách Diễm Tình Ca cũng ca ngợi sự kết hiệp của Giáo Hội với Đức Kitô, vị hôn phu của mình; ý tưởng này gợi nhớ lại Origène, và báo trước thánh Bernado. Khi đề cập đến Môsê, Grégoire sử dụng ý của Origène, và cả của Philon là tác giả của cuốn “Cuộc đời Môsê” viết theo lối ẩn dụ, nhằm suy diễn ra lịch sử của mọi người qua các biến cố của Kinh Thánh: những dữ kiện đặc thù phải được nâng lên tới tầm mức của những biểu tượng phổ quát nhờ lối ẩn dụ: lối này giúp hiểu ra ơn gọi của Abraham, hay nơi hành trình trong sa mạc là những dấu chỉ của linh hồn hay của cả đoàn dân trên đường tiến về Thiên Chúa. Grégoire không chối thực tại của sự kiện lịch sử nhưng sự kiện lịch sử thì cụ thể, cá biệt, hạn chế, Thánh thần mới là Đấng hiện tại hóa và phổ quát hóa sự kiện. Ngài cho thấy nơi sự kiện đó cuộc xuất hành của toàn Giáo Hội, và cách riêng của mỗi linh hồn hướng về Ngôi Lời, hướng về Thiên chúa là Đất hứa vĩnh cửu, không khi nào đạt tới miền đất mà mỗi bước tới gần lại khơi lên niềm khao khát thêm một lần bưóc tới. Môsê khát mong lên cao mãi: “Kẻ bước lên thì không bao giờ dừng lại”, đối với người ấy, mọi nghỉ ngơi đều cần đến vận động, mọi giếng nước đều cần tới dòng sông. Mọi khám phá đều nảy sinh niềm hy vọng khám phá được tính vô hạn của sự thiện. Ta đạt tới Thiên Chúa bao giờ cũng là từ sau lưng, và mãi mãi ta khao khát thánh nhan Người: “Tìm thấy Thiên Chúa là tìm kiếm Người không ngơi (…) mối lợi của tìm kiếm là chính sự tìm kiếm”. Thấy Thiên Chúa là khao khát Người không bao giờ thỏa, khát mong Người trong từng khỏanh khắc đầy ứ lại làm nẩy sinh một niềm khao khát mới. chẳng bao giờ no thỏa, ngay cả “trong đêm tối nơi Thiên Chúa hiện diện”: Thiên Chúa thông ban cho linh hồn “những giọt đêm lăn chảy từ lọn tóc (Người)” “từ sự sung mãn của Người, Người tưới xuống linh hồn Thần trí của những tư tưởng tinh tế, thâm u”; Và này linh hồn để mình được đưa vào kho túy lúy yêu thương, nhưng “khi đã vào rồi, linh hồn lại lao lên cao hơn nữa” mỗi lúc một lớn thêm và không ngừng tăng trưởng. “Sự thông dự vào viên mãn thần linh” không ngừng làm cho linh hồn thêm phú túc và sức chứa đựng của linh hồn tăng theo sự dồi dào các điều thiện hảo. Vì Thiên Chúa tự biểu lộ qua sự tặng ban (don) và thông dự (participation). Người được biết nhiều hơn, nhưng đồng thời Người tỏ mình càng là Đấng bất khả tri, và vô hạn hơn, khiến cho niềm khao khát càng lúc càng thẳm sâu, không bao giờ bị thất vọng và vẫn mãi mãi là khôn thỏa.

Ở cấp độ này, Grégoire là một người được thần hứng, một ngôn sứ. Văn phong của Ngài mà người ta thường nói là nhạt nhẽo, bỗng chất đầy những hình ảnh rực chói. Đấng vĩnh cửu, Đấng làm cho Ngài ngất say, đã khiến cho ngòi bút của Ngài đượm nét mới mẻ, hiện đại đến không ngờ.

Nhân vật thật kỳ lạ! Đi vào cuộc đời có vẻ như quá muộn màng, không đạt tới tầm vóc của Basile, anh cả của Ngài, nhưng có một thời Ngài từng là con người hoạt động vẻ vang, ngay tận chốn cung đình. Cùng với Basile và Grégoire de Nazianze, Ngài là một nhà thần học, thậm chí còn vượt qua họ cả về khối lượng tác phẩm cũng như về chiều sâu triết lý trong tư tưởng của Ngài. Nhưng nhất là, và còn hơn cả họ, Ngài là một bậc thầy về chiêm niệm. Basile đã có công lớn trong việc thiết lập các cấu trúc chế độ đan viện – mặc dầu không quá nhấn mạnh đến việc đó, còn Grégoire de Nysse dầu không hề thuộc vào một cộng đoàn nào, nhưng đã cung cấp cho cộng đoàn đan tu cũng như cho mọi Kitô hữu một linh đạo cao vời khôn sánh. Nếu Grégoire Nhà thần học (Grégoire de Nazianze) không ngừng làm cho giáo lý của mình mang đầy sức sống của một nhiệt hứng tâm linh mãnh liệt, thì Grégoire này, theo sau, ngất say với một lối ẩn dụ táo bạo đã nối dài giáo lý vào trong đời sống thần bí, một đời sống dừng lại hầu như nơi ngưỡng cửa của thần linh. Evagre le Pontique, Pseudo-Denys và Maxime le Confesseur chịu ảnh hưởng của Ngài rất nhiều. Tuy thế, kẻ bị Thiên Chúa ám ảnh này, với cái nhìn đăm đăm hướng về Đấng chí cao (R. Mhubner) vẫn không kém chú tâm tới con người và nỗi khốn cùng của con người.

Kiểu nói “Các vị Cappadoce” (Les Cappadociens) luôn luôn là chỉ đến bộ ba: Basile và hai Grégoire. Bộ ba này đã củng cố giáo lý Kitô học được định tín tại công đồng Nicée, đã làm cho thần học về Chúa Thánh Thần và về Ba Ngôi phát triển đáng kể, dù gắn liền hay không với Ngôi vị Chúa Cha phụ tính thần linh, (paternité divine), các vị cũng đã xây dựng một linh đạo thần bí hầu như đạt tới tột đỉnh, dựa trên Origène và lối chú giải ẩn dụ của ông (exégère allégorique). Tuy nhiên, không chỉ có ba, cùng trong một môi trường và ngay trong thời kỳ này còn có Amphiloque d’Iconium, làm Giám Mục Iconium vào năm 373 và Tổng Giám Mục của Licaonie theo đề cử của Basile. Dường như vị này có xác định hai bản tính của Chúa Kitô, thần tính đồng bản thể với Chúa Cha và nhân tính đồng bản thể với nhân tính của chúng ta: hai bản tính phối hợp với nhau mà không lẫn lộn trong chỉ một ngôi vị. Sự thua kém chắc chắn của vị này là ở chỗ đã để lại phần chính tác phẩm của mình qua những mảnh rời rạc. Cappadoce của hậu bán ehế kỷ IV rõ ràng là một trung tâm thần học hoạt động mạnh mẽ. Trong rất nhiều lãnh vực, nó đã nâng khuynh hướng chiêm niệm của trường phái Alexandrie lên đến tầm mức cao nhất trong đường lối chính thống.

 

 


[1]A. G. Hamman, Riches et Pauvres dans l’Église ancienne, no 6, Paris, 1962

[2]Coll. Les Pères dans la foi, 1978

[3] SC no 119

[4] Những vấn đề tranh cãi xung quanh tác phẩm này như: tác phẩm này được biên soạn trước hay sau Grande lettre của Macaire? Có chính thức là của Grégoire de Nysse không?