Thời Bút Chiến Về Mầu Nhiệm Ba Ngôi: Thánh Augustin – Vị Chủ Chăn Và Tiến Sĩ (354 – 430)

0
2384


GIÁO PHỤ HỌC – PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

***

***

CHƯƠNG IV

THỜI BÚT CHIẾN VỀ MẦU NHIỆM BA NGÔI

(325 – 430)

***

PHẦN II: CÁC GIÁO PHỤ TÂY PHƯƠNG

***

ĐOẠN IV

THÁNH AUGUSTIN: VỊ CHỦ CHĂN VÀ TIẾN SĨ (354 – 430)

 

I. ĐỜI SỐNG

1. Tuổi thanh thiếu niên và nền giáo dục

Augustin sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Thagaste (tức Souk-Arras ở Algérie hiện nay). Có lẽ ngài thuộc dòng giống Bắc Phi (Berbère), nhưng về phương diện văn hóa và ngôn ngữ thì ngài đã hoàn toàn Roma hóa. Gia đình ngài thuộc hàng trung lưu. Ông Patricius Cha ngài là công chức của Thành Phố và chưa có đạo Công giáo, mãi đến năm 371 trước khi chết ông mới chịu phép Rửa tội. Mẹ ngài là Monica lại là một người Công giáo rất đạo đức và thông minh. Hai ông bà sinh được ba người con, hai trai một gái, mà Augustin là anh cả. Cha mẹ đặt nhiều tham vọng vào việc học hành của Augustin.

Ngài theo học cấp sơ đẳng ở Thagaste, cấp trung học ở Madaure một tỉnh tiếp cận với Thagaste. Còn cấp cao đẳng thì ngài bắt đầu học ở Madaure rồi tốt nghiệp ở Carthage, bấy giờ là một kinh thành văn hóa lớn của Phi Châu thuộc Roma.

Ngài đã là một sinh viên tuấn tú: Vir eloquentissimus atque doctissimus. Trước hết, ngài hấp thụ lấy nền văn hóa Latin. Ngài cũng có học Hy ngữ lúc này nhưng chỉ có thể hiểu qua quít mà thôi, chứ không cố gắng học biết thứ tiếng này cho hoàn toàn. Mãi tới khi làm Giám mục, ngài mới miệt mài học thành thạo được thứ ngôn ngữ này để dùng vào việc khảo cứu Thánh Kinh. Ngược lại, ngài học rất kỹ lưỡng những đại văn hào Latin cổ điển: các thi sĩ như Virgile và Térence; những nhà hùng biện, nhất là Cicéron. Đó là chương trình của cấp trung học.

Rồi ngài học khoa khoa tu từ nghĩa là nghệ thuật hùng biện. Khoa này thời đó rất được trọng dụng và là chìa khóa mở cho người ta vào những cơ quan hành chánh và tư pháp. Văn chương là yếu tố căn bản của cái học thời đó. Còn khoa học thì chỉ có một địa vị rất tùy phụ: một chút về toán pháp, sinh lý học và y khoa.

Khi lên 18 tuổi, Augustin có dịp đọc quyển Hortensius của Cicéron, rồi tâm hồn ngài cảm thấy ước ao yêu mến sự khôn ngoan hơn là yêu những lời văn vẻ khéo nói. Việc gặp gỡ với Cicéron này như là tiếng gọi đầu tiên để mời ngài vươn lên đỉnh cao Tinh thần. Nhưng trải qua 13 năm trời, Augustin mới thực hiện được lý tưởng của triết gia mà ngài đã gặp lúc lên 18 tuổi.[1]

Về phương diện luân lý, Augustin cũng sống như các sinh viên ngoại giáo thời đó: xác thịt yếu đuối nên ngài cũng lỗi phạm những điều về tính dục, tuy không đến nỗi trụy lạc quá đáng. Năm 17 tuổi, Augustin đã sống tư hôn với một thiếu phụ và sinh được một con trai: chính là cậu ấm “Adeodat” (Adedatus) “Thiên Tặng”. Ngài sống trung thành với thiếu phụ này 14 năm trời từ quê nhà đến Milan. Rồi vì áp lực của mẹ, ngài từ bỏ nàng. Khi từ giã Milan trở về Phi Châu, nàng đã hứa sẽ ở trung thành với ngài mãi mãi. Những thói tục như thế rất thông thường đối với xã hội không Công giáo thời đó.

Về phương diện tinh thần, Augustin tin dị đoan và theo phái Mani, nhị nguyên thuyết, ngài còn lôi cuốn tất cả bạn bè theo phái đó nữa.[2]

2. Lái buôn lời

Năm 375, Augustin lên 20 tuổi. Cha ngài đã qua đời, ngài phải kiếm kế sinh nhai bằng cách làm giáo sư và giữ chức vụ này 13 năm. Đầu tiên, ngài mở một trường nhỏ tại Thagaste rồi đi Carthage dạy khoa tu từ trong trường công của thành phố. Ngài là một giáo sư lỗi lạc, rất nhiều môn sinh nối kết với ngài mối tình thân mật: Alypius là một thí dụ. Nhưng những đồi phong bại tục của giới sinh viên làm cho Augustin bất bình, đàng khác cũng muốn xa quê nhà để có tự do hơn.

Vì thế năm 383, ngài trẩy đi Roma, và năm sau (384), nhờ có đô trưởng Symmaque là bạn thân giới thiệu, ngài lên giữ ghế hùng biện ở Milan, thủ đô đế quốc Tây Phương. Mẹ ngài tìm đến tận Milan để gặp ngài. Lúc đó, xu hướng triết học của ngài chuyển từ thuyết Mani sang hoài nghi thuyết. Cơn khủng hoảng dục tình cũng đi đôi với khủng hoảng tinh thần. Bà Monica bắt ngài phải bỏ vợ theo mà kết hôn một cách chính thức đàng hoàng. Bà đã dạm hỏi cho ngài một cô gái rất duyên dáng, nhưng còn quá trẻ mới 12 tuổi, phải đợi hai năm mới đủ tuổi để cưới. Trong khi chờ đợi, vì tình dục quá nặng nề, Augustin đã tìm một bạn gái khác thay thế người vợ theo đã bị thải hồi về Phi Châu… Nhưng như thế là chỉ gây thêm xiềng xích và đau khổ!.[3]

Còn về phương diện tôn giáo thì hầu như hơn lúc nào khác ngài rất lãnh đạm với Kitô giáo. Khi ngài còn trẻ, mẹ ngài đã xin ghi tên ngài vào sổ dự tòng, nhưng chưa có rửa tội. Ngài cũng chẳng thèm để ý đến nỗi phiền muộn của mẹ già. Nhưng Chúa Quan Phòng đã can thiệp vào cuộc đời của Augustin nhờ: Ambroise, Tân thuyết Platon và các thư của Thánh Phaolô. Ba động lực này đã lôi kéo ngài từ một tình trạng luân lý và trí thức đen tối đến ánh sáng CHÂN LÝ.[4]

3. Trở lại Kitô giáo

Ba nguyên cớ chính trong việc trở lại này là: tiếp xúc với Đức Giám mục Ambroise, làm quen với triết học phái Platon và đọc Thánh Phaolô. Ngoài ra còn phải kể thêm công đức của mẹ ngài: Bà Monica thánh thiện.

a. Thánh Ambroise

Mùa thu năm 384 Augustin đến Milan, ở đó Đức Giám mục Ambroise rất có uy thế đối với giới trí thức của đô thành. Tuy chưa đi lại trực tiếp và gần gũi ngài nhưng Augustin vẫn chăm chỉ đến nghe ngài giảng. Thoạt tiên Augustin chỉ ưa thích những lời văn hoa và hùng hồn của nhà giảng thuyêt, nhưng không ngờ việc sẽ đi xa hơn. Cách diễn giải Thánh Kinh của Ambroise đã giúp cho Augustin biết chú ý đến Cựu Ước mà từ trước ngài đã không thể có cảm tình. Cũng nhờ Ambroise mà Augustin có dịp làm quen với triết học tân phái Platon.

Đây là một trang nhật ký của Augustin kể lại ảnh hưởng của Đức Giám mục thành Milan đối với việc bỏ thuyết Mani và trở lại Kitô giáo của ngài:

“Tôi không bận tâm tìm hiểu những điều ngài giảng dạy, nhưng chỉ chú ý đến văn thể của bài giảng. Tôi không tin rằng một người có thể tìm ra con đường đưa tới Chúa, thế mà cái thị hiếu văn chương giả trá lại vẫn còn trong tôi. Dầu vậy những điều mà tôi coi thường cũng một trật với những văn từ tôi yêu thích nhập vào tâm trí tôi. Tôi không có thể phân rẽ chúng ra được. Và khi tôi mở rộng lòng để đón nhận kiểu ngài nói văn hoa thì những chân lý ngài giảng cũng len lỏi theo vào trong tôi, đã đành là dần dần từng bước một.

Trước hết tôi nhận ra rằng những điều ngài nói có thể bênh vực được, và đức tin Công giáo có thể chống chọi với những lời công kích của phái Mani mà từ trước tôi vẫn tưởng là vô địch. Tôi càng xao xuyến khi nghe ngài luôn luôn theo ý nghĩa bóng giải quyết những đoạn văn Cựu Ước mà trước kia tôi cứ hiểu theo ý nghĩa đen, tức là giết hại tôi (cf. 2Cor 3, 6). Sau khi đã nghe ngài theo ý nghĩa thiêng liêng mà trình bày nhiều đoạn trong những sách đó (Cựu Ước) thì tôi cảm thấy ý tưởng của tôi đã thất bại, với ý tưởng ấy tôi cho rằng không ai tài nào có thể cãi lại với những kẻ chế nhạo sách Luật và các tiên tri (Cựu Ước).

Dầu vậy, tôi cũng chưa nghĩ rằng tôi phải đi theo đường lối Công giáo ngay, vì tôi cho rằng đạo ấy cũng có thể có những nhà biện hộ thông thái và hùng hồn để phi bác những vấn nạn một cách văn hoa và hợp lý chứ; tôi cũng chưa kết án phái mà tôi vẫn theo từ trước vì tôi cho rằng phái đó cũng có những phần tử biện hộ không thua kém gì đạo kia. Vậy đạo Công giáo đối với tôi tuy không còn là thất bại nhưng cũng chưa phải là toàn thắng. Tôi hết sức tìm chứng cớ chắc chắn để thuyết phục phái Mani là sai lạc. Nếu bấy giờ trí khôn tôi nắm chắc được bản thể tinh thần thì lập tức mọi điều bịa đặt kia phải đổ vỡ và quét sạch khỏi tâm trí tôi; nhưng tôi chưa thể thế được. Song đối với thế giới hữu hình và mọi tạo vật mà giác quan có thể nhận thức được,thì sau khi đã suy xét và so sánh kỹ lưỡng, tôi công nhận rằng những ý kiến của các triết gia rất có lý hơn.

Vậy theo kiểu cách của các nhà hàn lâm (Académiciens) như ai ai cũng công nhận thì sau khi nghi nan và lưỡng lự mọi sự tôi quyết định từ bỏ phái Mani; trong cơn khủng hoảng tinh thần này tôi thiết nghĩ mình không thể ở lại lâu hơn trong một giáo phái mà mình đã thấy là kém giá trị hơn các triết gia. Nhưng tôi từ chối hẳn việc giao phó những bạc nhược của linh hồn tôi cho họ săn sóc, vì họ không biết gì đến danh từ Giêsu, một danh từ cứu sống.

Vậy trong khi chờ đợi có ánh sáng nào chắc chắn soi chiếu và hướng dẫn bước đường của tôi, tôi đã nhất định xin vào sổ dự tòng của Giáo hội Công giáo, Giáo hội mà cha mẹ tôi đã dặn dò tôi.[5]

b. Triết học tân phái Platon

Nhóm trí thức sống chung quanh Đức Giám mục Milan đã Kitô hóa môn triết học tân Platon như sau này Thánh Tôma Aquinô sẽ Kitô hóa hệ thống triết học của Aristote vậy. Việc khám phá thấy triết học tân Platon làm cho Augustin rất hứng thú. Hẳn sau này, ngài sẽ dần dần nhận thấy trong môn triết học ấy cũng có nhiều điểm không thể dung hoà với lý thuyết Công giáo được (ví dụ: thể xác và vật chất bị coi là xấu xa và đáng khinh bỉ; đa số tính là một khuyết điểm tự căn). Nhưng lúc đầu, đặc tính tinh thần cao cả và quan niệm chính đáng về sự CHÂN sự THIỆN của Platon làm cho tâm trí Augustin cháy lên vì say mê. Ta đã biết lúc này ngài không thưởng thức được những tác phẩm Hy ngữ, cho nên phải nhờ có Marius Victorius đã dịch sang La ngữ một vài tác phẩm của Plotin và Porphyre, thì ngài mới đọc được những tác phẩm của các triết gia đó. Cuộc gặp gỡ này đã giải phóng Augustin khỏi ngục thất đen tối của lý thuyết duy vật và hoài nghi.

Chính ngài đã hứng thú kể lại việc vươn lên Anh sáng này như sau:

“Tôi bỡ ngỡ vì đã yêu Chúa, chứ không phải bóng ma nào thay Chúa: dù những vẻ đẹp vô cùng tận của Chúa lôi kéo tôi lên tới Chúa nhưng bỗng chốc sức nặng nề của tôi lại níu tôi xuống xa cách Chúa, tôi ngã gục và rên rỉ. Sự nặng nề ấy chính là thói quen của nhục dục. Nhưng tôi vẫn nhớ Chúa. Tôi đinh ninh tin tưởng rằng có một hữu thể mà tôi phải kết hợp, đã đành tôi chưa đáng kết hợp với bởi vì “thân xác hay hư nát này làm cho linh hồn ra nặng nề và toà nhà tro bụi này làm cho tinh thần suy nhược vì phải lo lắng nhiều sự”.[6] Tôi cũng chắc chắn rằng: “những phẩm tính vô hình của Chúa đã nhờ những vật thụ tạo từ ngày sáng dựng vũ trụ mà trí khôn có thể nhận biết được” (Rom 1,20), cả quyền lực vô biên và thần tính của Chúa cũng vậy. Và khi tìm xem tôi căn cứ vào đâu mà đánh giá cái đẹp của những vật hoặc trên trời hoặc dưới đất, và cái gì làm cho tôi có thể phán đoán một cách chính đáng về những vật biến đổi như khi tôi nói “cái này phải thế này, cái kia phải thế nọ”, đang khi tìm hiểu như thế… thì tôi đã khám phá thấy đặc tính vĩnh cửu bất biến của chân lý, vượt trên tầm trí khôn hay thay đổi của tôi”…[7]

c. Những thư của Thánh Phaolô

Nhưng chất keo khoái lạc của nhục dục và tính kiêu căng còn cản trở ngài trên đường đi tới Chân lý và trở lại hoàn toàn. Chính nhờ việc đọc những thư của Thánh Phaolô mà vào hồi tháng 7 năm 386 Augustin mới nhất định giải phóng mình.

Ngày kia có một người bạn đến đưa tin cho Augustin biết nhà đại hùng biện Marius Victorinus đã trở lại Công giáo, một hôm khác ngài lại nghe rằng có hai công chức trẻ tuổi trong ngành cảnh binh vì đọc truyện Thánh Antôn do Thánh Athanase viết mà trở lại.

Rồi đến lượt ngài cũng trở lại, hồi tháng 8 năm 386. Chúng ta hãy nghe chính ngài thuật lại biến cố đó:

“Chỗ chúng tôi ở có một vườn nhỏ mà chúng tôi được quyền xử dụng như cả nhà, bởi vì chủ nhà cho chúng tôi trọ không ở đấy. Chính trong vườn đó mà lòng tôi đã nổi cơn giông tố, và không ai có thể đến can gián tôi trong cuộc chiến đấu mãnh liệt mà tôi đã xông vào. Lạy Chúa, chỉ mình Chúa biết chứ tôi cũng không biết kết quả của cuộc chiến đấu ấy sẽ đi đến đâu! Nhưng bâý giờ tôi điên dại để đi đến khôn ngoan, tôi cảm thấy chết để được sống; bấy giờ tôi cảm thấy mình xấu xa nhưng không biết rằng chốc lát tôi sẽ được tốt lành.

Vậy tôi đi sâu vào vườn và Alypius theo tôi từng bước. Dù có anh tôi cũng tưởng như có một mình. Và trong lúc như thế anh bỏ tôi sao đành?

Chúng tôi ngồi ở chỗ xa nhà hết sức. Tôi run sợ lẩy bẩy và cả một lớp sóng kinh hoàng bao trùm lấy tôi, là vì tôi chưa theo ý Chúa, chưa kết ước với Chúa, Lạy Chúa tôi, mọi xương trong mình tôi kêu cầu Chúa và cất tiếng ca tụng Chúa đến tận trời xanh. mà đến với Chúa không phải đi bằng thuyền bằng xe, cũng không phải bằng những bước chân mà chúng tôi đã bước từ nhà đến chỗ tôi ngồi. Chẳng những là đi mà còn là đến với Chúa; cả đi cả đến chỉ có nghĩa là muốn đi: muốn mạnh mẽ và hoàn toàn chứ không phải muốn nửa chừng, lưỡng lự bên nọ bên kia, nửa muốn chỗi dậy nửa muốn nằm lì…[8]

Tôi đang nói năng, than khóc với tất cả nỗi cay đắng của lòng tôi tan nát thì thình lình tôi nghe từ nhà bên cạnh vọng lên một tiếng hát của trai hay gái tôi không rõ, lặp đi lặp lại nhiều lần rằng: “Cầm lấy, đọc đi; cầm lấy, đọc đi!”. Lập tức tôi biến sắc mặt, và cố sức nhớ xem có phải là một câu vè mà trẻ con quen đọc chơi không. Tôi không nhớ có thế bao giờ. Tôi cố cầm lại dòng nước mắt và đứng lên; tôi chỉ hiểu những câu đó là một lệnh Chúa truyền cho tôi mở Thánh Phaolô mà đọc ngay đoạn thấy đầu tiên. Tôi đã nghe kể rằng một hôm Thánh Antôn đến nhà thờ đang khi đọc bài Phúc âm có câu rằng: “Hãy về bán mọi sự của bạn đi, hãy cho kẻ nghèo khó và bạn sẽ đuợc kho báu trên trời; Rồi bạn hãy đến theo tôi” thì ngài đã coi như lời đó nói thẳng với mình và lập tức ngài đã trở về với Chúa.

Tôi vội vã trở lại chỗ Alypius đang ngồi, vì khi tôi đứng dậy tôi đã để đấy quyển sách của Thánh Tông đồ. Tôi cầm lấy, mở ra và đọc thầm đoạn mắt tôi thấy đầu tiên: “Anh em đừng sống trong yến tiệc, trong rượu chè say sưa, cũng đừng sống trong khoái lạc bỉ ổi hoặc trong cãi cọ ghen ghét; nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa chúng ta là Giêsu Kitô, và đừng tìm thỏa mãn xác thịt và dục vọng của nó” (Rom 13,13-14). Tôi không muốn đọc thêm, vả lại cũng không cần. Vừa đọc song những dòng đó, trong lòng tôi tràn lan một luồng sáng bình an và làm tiêu tan tất cả những tối tăm của sự lưỡng lự…

Rồi chúng tôi tìm đến mẹ tôi, kể cho người hay: người sung sướng, người đắc thắng, và chúc tụng Chúa, “Đấng quyền năng đã làm quá điều chúng tôi năn nỉ và quá sức tưởng tượng của chúng tôi “ (Ep 3,20), bởi vì người đã thấy Chúa ban cho tôi nhiều hơn là người vẫn khóc lóc đau đớn cầu xin cho tôi. Chúa đã đưa tôi trở về hoàn toàn với Chúa đến nỗi tôi không còn thiết gì vợ con, cũng chẳng thèm gì ở đời này nữa; từ giờ tôi đứng vững trong “lề luật đức tin” mà cách bao năm trước Chúa đã tiên báo cho người biết.[9] Chúa đã đổi tang tóc của người nên nguồn vui chan chứa, mà người không thể ngờ, nguồn vui êm ái thanh khiết làm cho người sung sướng hơn thấy cháu chắt chính thức sinh ra bởi xác thịt tôi”.[10]

Lần này Augustin quyết tâm hoàn toàn từ bỏ trần tục, từ bỏ hôn nhân và nhất định gia nhập Giáo hội Công giáo. Còn vài tuần nữa thì hết năm học nên ngài cứ tiếp tục dạy, rồi đến kỳ nghỉ ngài xin từ chức hẳn. Cùng với mẹ ngài, cậu ấm “Thiên Tặng” (Adeodatus), vài người bạn và mấy môn sinh, ngài đi nghỉ ở Cassiciacum, cách Milan 30 Km. Ở đó trong bầu khí trầm mạc ngài dọn mình chịu phép Rửa tội, và viết những thiên “đàm thoại triết học dialogues philosophiques” đầu tiên. Đến mùa Chay, ngài trở lại Milan để cùng với các anh chị em dự tòng khác sửa soạn và chịu phép Rửa tội đêm vọng Phục sinh 24 – 25 tháng 4 năm 387. Cậu ấm Adeodatus và ông Alypius cũng chịu Rửa tội với ngài. Ta hãy nghe ngài kể lại:[11]

“Đã đến lúc tôi phải ghi tên. Chúng tôi từ bỏ miền quê trở lại đô thành Milan. Alypius cũng muốn được tái sinh trong Chúa cùng lúc với tôi. Anh đã ăn ở khiêm tốn xứng hợp với những nhiệm tích của Chúa; anh nghiêm trị xác anh đến nỗi anh đã đi chân không trên đất Italia phủ đầy băng tuyết; thật là một truyện lạ lùng. Chúng tôi cho con trẻ Adeodato đi theo, đứa con xác thịt của tội lỗi. Chúa đã ban nhiều đặc ân cho con trẻ này. Mới có 15 tuổi mà tài trí đã trổi vượt hơn nhiều người thế giá và thông minh.

Tôi tuyên xưng ân điển của Chúa, Lạy Chúa là Thiên Chúa tôi, Đấng sáng tạo mọi sự và rất quyền năng, Chúa uốn nắn được những dị hình của tôi nên tốt đẹp: bởi vì tôi đã không có gì nơi con trẻ này trừ ra tội lỗi. Nếu tôi giáo dục nó theo quy luật của Chúa thì cũng chính Chúa chứ không ai khác đã cảm kích tôi làm việc đó: tôi ca tụng công ơn của Chúa. Tôi có (viết) một quyển sách nhan đề là “Tôn sư luận – De Magistro”. Trong sách đó chính con trẻ đã đàm luận với tôi. Chúa biết rằng tất cả những ý kiến mà tôi gán cho vai đối thoại với tôi trong sách đều là của cậu, dù cậu mới lên 16 tuổi. Và tôi còn nhận thấy nhiều điều khác lạ lùng hơn nữa của con trẻ này. Tài trí như thế làm cho tôi kinh hoàng. Nhưng ngoài Chúa ra thì còn ai là tay thợ làm được những kỳ công như vậy?

Chúa đã sớm cất cậu khỏi thế gian này, điều đó làm cho tôi an tâm mỗi khi nhớ đến cậu, vì tôi không còn sợ gì cho cái tuổi thiếu niên, thanh niên và tất cả cái bản tính nhận loại yếu đưối của cậu nữa.

Vậy chúng tôi thâu nhận cậu là người đồng niên tuế với chúng tôi trong ân điển của Chúa; tôi đã định giáo dục cậu theo quy luật Chúa. Chúng tôi lãnh nhận phép Rửa tội và nỗi băn khoăn về đời sống quá khứ tan biến khỏi chúng tôi.

Trong những ngày đó tôi không biết chán niềm hân hoan kỳ diệu mà tôi cảm thấy khi suy xét đến ý Chúa thâm sâu đối với sự rỗi của nhân loại. Tôi đã khóc lóc biết mấy khi nghe trong thánh đường của Chúa vang lên những điệu hát ca vãn du dương! Tôi cảm động quá! Những tiếng đó chảy vào tai tôi và làm nhỏ giọt chân lý vào lòng tôi. Tâm tình đạo đức sôi lên trong tôi và dòng lệ cuồn cuộn chảy, nhưng tôi lấy thế làm sung sướng”.

Rửa tội rồi, Augustin nhất định lên đường hồi hương. Ngài nghỉ độ đường ở Roma, rồi ở cửa biển Ostie để chờ tầu. Tại đây một đêm nọ hai mẹ con nhìn qua cửa sổ đã có một cuộc đàm đạo rất sâu sắc về Thiên Chúa và về hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên quốc. Chính Augustin ghi lại kỷ niệm đó như sau:

“Lạy Chúa, ngày đó khi chúng tôi đang ở trong câu truyện nói về những điều ấy thì thế gian này và mọi sự khoái lạc của nó đối với chúng tôi ra xấu xa hèn hạ. Bấy giờ người bảo tôi rằng: “Hỡi con, đối với mẹ, mẹ không còn thiết gì ở đời này nữa. Mẹ không biết còn phải làm gì và tại sao mẹ còn ở đây, nguyện vọng của mẹ ở đời đã được thành tựu rồi. Có một điều làm cho mẹ muốn sống thêm ít lâu ở đời này là trước khi chết mẹ được thấy con thuộc về Chúa Kitô và là người Công giáo. Điều đó Chúa đã ban dư dật cho mẹ rồi, là mẹ thấy con làm tôi Chúa đến nỗi khinh chê sự sung sướng trần gian. Mẹ còn làm gì ở đời này nữa?”.[12]

Không đầy một tuần sau cuộc đàm đạo này thì bà Monica lâm trọng bệnh và phỏng mười ngày sau thì qua đời tại Ostie. Bấy giờ là mùa thu năm 387. Augustin rất đau đớn. Ngài đã ghi lại kỷ niệm này trong chương 11-12, Lib. IX của bộ “Confessions” mà ta phải liệt vào số những trang tuyệt tác nhất của nền văn chương thế giới:

“Sau đó chừng năm sáu ngày thì người bị sốt. Đang khi người lâm bệnh, một ngày kia người bất tỉnh mất một lúc, không còn nhận biết những vật xung quanh. Chúng tôi chạy tới, nhưng người tỉnh lại ngay, người thấy anh em chúng tôi đứng bên thì người nói với chúng tôi như muốn hỏi han điều gì: “Mẹ đang ở đâu?” Rồi nhìn thấy chúng tôi buồn phiền sửng sốt, người nói tiếp: “Hãy chôn cất mẹ chúng con tại đây”. Tôi nín lặng và cầm hãm tiếng khóc. Còn em tôi (Navigius) thì nói đôi lời tỏ ý mong cho người được chết nơi quê cha đất tổ hơn là ở chỗ đất khách quê người. Nghe em tôi nói xong, với vẻ mặt âu lo người đưa mắt trách em tôi vì đã có những ý tưởng như thế, rồi người nhìn tôi bảo: “Xem em con nói như vậy đó”. Đoạn với cả hai chúng tôi người nói: “Thân xác này (nằm) đâu cũng được: chúng con đừng lo gì chuyện đó; mẹ chỉ xin chúng con điều này là bất kỳ chúng con ở đâu cũng hãy nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa”. Sau khi người đã cố gắng giãi bày những lời lẽ đó xong thì người im bặt và cơn bệnh cứ nặng thêm.

Phần tôi, Lạy Chúa vô hình, khi suy đến những ân huệ Chúa gieo vãi vào lòng những tín hữu của Chúa để chúng sinh mùa màng kỳ kiệu thì tôi vui mừng và tạ ơn Chúa; vì tôi nhớ lại và biết rõ (trước kia) mẹ tôi đã nóng lòng lo lắng mãi đến việc mai táng người, người đã dự liệu và sửa soạn công việc đó ở gần xác chồng mình. Người muốn thế theo như tầm trí khôn nhân loại không thích hợp với những điều thần thánh vì hai người đã sống rất hoà hợp với nhau nên thêm vào hạnh phúc đó người muốn được thiên hạ nhắc nhở rằng: sau một cuộc xuất dương lâu dài, thế mà xương cốt của cả hai vợ chồng lại được phủ dưới cũng một nếp đất.

Vậy (điều ước mong) hão huyền ấy nhờ lòng nhân hậu đồi dào của Chúa mà mất đi lúc nào tôi cũng không biết, nhưng điều người vừa tỏ ra đây làm cho tôi vui mừng và bỡ ngỡ. Vả lại, trong câu truyện nói ở cửa sổ, người đã bảo tôi rằng: “Mẹ còn làm gì ở đời này?” tỏ ra người không còn muốn chết ở quê hương nữa. Về sau tôi cũng nghe nói rằng khi chúng tôi đang ở Ostie, một hôm tôi đi vắng, người nói truyện cách thân tín như mẹ con với mấy người bạn của tôi về sự khinh chê đời này và lợi ích của sự chết thì họ ngạc nhiên trước (thái độ) can đảm của một người đàn bà, sự can đảm mà Chúa đã ban cho người, họ hỏi sao người không sợ phải để xác ở một nơi xa bản quán thì người trả lời rằng: “Đối với Thiên Chúa thì không có gì là xa xôi, cũng không nên sợ đến ngày tận thế Chúa không biết chỗ nào mà Phục sinh tôi”.

Vậy người bị bệnh đến ngày thứ chín thì Linh hồn đạo đức thánh thiện ấy ra khỏi xác. Người thọ được 56 tuổi, và năm ấy tôi lên 33.

… Rồi tôi vuốt mắt người. Một nỗi buồn mênh mông tràn ngập tâm hồn tôi và giàn giụa ra hai dòng nước mắt; nhưng với hết nghị lực của ý chí, tôi cầm hãm nguồn nước lại đến nỗi khô cạn. Sự cố gắng đến thế làm cho tôi càng khổ tâm. Người vừa thở hơi cuối cùng thì con trẻ Adeodat khóc nức nở, nhưng tất cả chúng tôi mắng thì cậu lại im, Vậy khi tiếng trẻ con của cậu, tiếng lòng của cậu bị mắng mà im bặt thì cũng làm cho mối cảm xúc trẻ con của tôi chỉ chực khóc cũng tiêu tan. Quả vậy, chúng tôi cho rằng lấy việc khóc than mà cử hành tang lễ này thật không xứng hợp vì người ta thường quen than khóc số phận hẩm hiu của những kẻ qua đời dường như là một sự hoàn toàn tiêu diệt. Còn cái chết của mẹ tôi không có gì đáng thương hại cũng không phải là một cái chết tuyệt vọng. Chúng tôi chắc chắn như vậy vì căn cứ vào bằng chứng đời sống trong sạch, đức tin chân thành của người, và nhiều lý lẽ khác làm chúng tôi không thể nghi nan được.

Đã vậy, tôi còn nặng lòng đau đớn nỗi gì, há chẳng phải một vết thương mới mẻ đột ngột làm tôi mất hưởng cuộc sống chung rất ngọt ngào và rất tình tứ sao? Thật tôi lấy làm sung sướng kể lại bằng chứng của người đối với tôi trong khi người lâm bệnh cuối cùng, là để đáp lại những việc giúp đỡ nhỏ mọn của tôi người đã gọi tôi là “hiếu tử” và với một tình ái rất mãnh liệt người nhắc lại rằng không bao giờ người đã nghe tôi nói một lời nào cứng cỏi vô lễ đối với người.

Dầu vậy, Lạy Chúa tôi, Đấng đã dựng nên chúng tôi, làm sao có thể so sánh lòng kính ái của tôi đối với người và tấm lòng săn sóc của người đối với tôi? Vậy tôi đã mất nguồn yên ủi lớn lao nơi người và linh hồn tôi đã bị thương tích; đời sống tôi như bị xé đôi, đời sống mà từ trước vẫn do sự sống của người và của tôi kết thành một”.

Việc Bà Monica chết hoãn cuộc hành trình của Augustin thêm một năm, ngài nghỉ lại Roma đến mùa thu năm 388 mới xuống tầu. Khi về tới Thagaste ngài tổ chức một nhóm mấy người bạn và học trò cũ sống chung theo kiểu tu viện. Ngài muốn cứ sống mãi trong bầu khí trầm mặc và khổ hạnh như thế để suy niệm triết lý và thần học. Nhưng chỉ được có từ mùa thu năm 388 đến đầu năm 391 là hết.[13]

4. Chịu chức Linh mục và Giám mục

Một ngày kia ngài đến Hippone (hiện nay là Bône), ngài vào thánh đường nhằm lúc Đức Giám mục già cả sở tại là Valerius đang đề nghị với giáo dân chọn một người làm Linh mục có khả năng giúp đỡ người nhất là trong việc giảng thuyết, vì người gốc ở Hy Lạp nên nói La ngữ không được thông thạo lắm. Người ta đều biết Augustin đang có mặt ở đấy nên đồng thanh kêu lên: “Augustin làm Linh mục!”. Dù chối từ và khóc lóc dân chúng cũng bắt ngài phải nhận. Một việc như thế đối với thời đó không có gì lạ. Trường hợp thánh Ambroise được chọn làm Giám mục Milan cũng thế.

Augustin cho việc phải bỏ đời sống trầm mặc để nghiên cứu chân lý và chiêm niệm mà ngài vẫn sống từ khi trở lại là một sự hy sinh rất lớn. Nhưng ngài đã đáp lại tiếng gọi với cả một tấm lòng vị tha, hoàn toàn hiến thân vào việc tông đồ; trái hẳn với thánh Jérome, cũng trong một hoàn cảnh giống thế, vị này chỉ nhận chức linh mục với điều kiện được miễn trừ phận sự chăn chiên. Khi chịu chức Linh mục Augustin đã 36 tuổi (năm 391). Năm năm sau, ngài thụ phong Phó Giám mục, rồi khi Đức Giám mục Valère qua đời ngài lên nối ngôi cầm quyền Địa phận. Trong 40 năm trời, ngài nhiệt thành, tận lực làm việc cho giáo dân của ngài. Hippone bấy giờ là thành phố thứ nhì của Phi Châu (thứ nhất là Carthage). Những cuộc khai quật mới đây giúp ta tưởng tượng được vẻ đồ sộ lộng lẫy của thành phố này.[14] Người ta đã tìm thấy nền móng đại thánh đường Hippone với toà bằng đá ở hậu cung, nơi Thánh Augustin đã ngồi quay mặt xuống phía giáo dân.[15]

Giá trị cá nhân và việc hoạt động của ngài đã làm cho ngài có một địa vị quan trọng đối với hàng giáo phẩm Phi châu: dù mới là Linh mục ngài đã được giảng trước cử toạ Giám mục Phi châu họp hội đồng ở Hippone.[16] Khi đã làm Giám mục ta thấy ảnh hưởng của ngài vượt biên giới địa phận mà lan rộng khắp cả Bắc Phi; ngài giao dịch thư từ với thánh Paulin Giám mục ở Nole thuộc Campanie, với thánh Jérome ở Bethléem với Simplicien ở Milan, liên lạc với các Đức Giáo hoàng và các hoàng đế; thư từ của ngài bay sang tận Gaule, Dalmatie. Danh tiếng của ngài đồn thổi đến cả Đông phương. Ngài đã chết được mấy tuần thì sứ giả của hoàng đế Valentinien III mới tới Hippone để mời ngài đi chủ tọa Công Đồng chung sẽ họp năm 431 ở Ephèse.

Nhưng trước hết và cốt yếu là ngài hoạt động trong địa phận trực thuộc ngài. Làm Giám mục nhưng đồng thời ngài cũng muốn sống như một thầy dòng. Ngài sống gần các Linh mục, phụ tế và giáo sĩ; cùng với họ tổ chức một cộng đồng theo một qui luật chung: ăn chung, cầu nguyện chung. Nhà Giám mục cũng là nhà ở chung cho mọi giáo sĩ. Đời sống chung mà Thánh Augustin đã khởi xướng sẽ được thời Trung cổ bắt chước.[17]

Trong tinh thần tu dòng nhưng lý tưởng của ngài vẫn là việc tông đồ: trước hết ngài lo chu toàn nghĩa vụ một đấng chăn chiên, một nghĩa vụ nặng nề (episcopalis sarcina).

Những nghĩa vụ đó gồm có:

a. – Những việc đạo thuần túy. Thời đó hơn bây giờ, tất cả những lễ nghi phụng vụ đều do vị Giám mục cử hành. Hàng ngày ngài chủ toạ thánh lễ; làm các nhiệm tích. Giáo hội giáo huấn là Giám mục nên ngài giảng các ngày chủ nhật và lễ trọng. Hiên nay ta còn lại hơn 500 bài giảng của ngài.

b. – Đức Giám mục Hippone còn điều khiển việc dạy giáo lý cho tân tòng và chầu nhưng.[18]

c. – Ngài cũng hướng dẫn các linh hồn hoặc bằng cách đối diện đàm tâm, hoặc bằng cách trao đồi thư từ (hàm thụ).

d. – Những công việc bác ái thời đó lại rất quan trọng đối với một vị Chúa Chiên lành. Ngài bênh vực những kẻ hèn yếu và giúp đỡ kẻ ngèo khó.

e. – Ngài cũng phải lo đến công việc quản lý tài sản của địa phận, xử dụng những hoa lợi vào việc thờ phượng và bác ái để tránh những con mắt ghen tương dòm ngó.

f. – Quan án cũng là ngài. Từ đời hoàng đế Constantin, đế quốc công nhận các Giám mục có thẩm quyền tài phán trong những vụ tố tụng dân sự khi một bên mang vụ kiện ra toà Giám mục. Rồi dần dần cả đến lương dân họ cũng thích được Giám mục xử kiện vì họ cho là công bằng hơn. Vậy mỗi buổi sáng lễ xong, ngài ngồi toà để xét đoán những đám kiện, có khi kéo dài mãi đến buổi chiều vì đông quá. Nếu người ta để trí đến tất cả công việc ngài làm cho toàn thể Giáo hội Phi châu: lưu hành hàng vạn cây số, phần nhiều bằng ngựa, giảng thuyết, dự Công Đồng, tranh luận với các giáo phái như Mani, Donat, và Pélage thì người ta dễ hiểu tại sao ngài hay nhắc đi nhắc lại từ ngữ “episcopalis sarcina” trong các thư của ngài.

Dù mắc trở nhiều công việc bề ngoài như thế Thánh Augustin vẫn trung thành với việc trí thức và chiêm niệm. Rồi ta sẽ thấy văn phẩm khổng lồ mà ngài để lại cho ta.

Năm 72 tuổi, ngài chọn một Linh mục tên là Héraclius giúp đỡ ngài (cũng như ngài đối với Đức Giám mục Valerius xưa). Ngài giao cho cha này phần nhiều các công việc địa phận, để ngài có thể làm vừa ý hai Công Đồng Numidie và Phi châu là mỗi tuần ngài dành riêng năm ngày cho việc viết những tác phẩm thần học.

Mùa xuân năm 430 làn sóng man di Vandales tràn ngập Bắc Phi. Đâu đâu cũng sống trong âu lo. Quân man di bắt đầu vây thành Hippone, đến tháng thứ ba ngài lâm bệnh, và qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430, hưởng thọ 76 tuổi.[19]

II. BẢN SẮC TINH THẦN CỦA THÁNH AUGUSTIN

A. THÂN HÌNH

Dù những người đồng thời với Thánh Augustin nói rất nhiều về ngài nhưng họ đã không tả thân hình của ngài một nét nào. Chúng ta chỉ căn cứ vào bức bích họa đã tìm thấy năm 1900 ở dưới nền đại thánh đường Latran cũ mà phỏng đoán mấy nét. Bức họa này có từ thế kỷ VI, hình dung một người mặc áo “tô”, tóc ngắn và thưa, râu lún phún, mặt gầy gò, đang ngồi trước một án thư, trên án thư có để một quyển sách mở, còn tay trái thì cầm một cuộn giấy.[20] Bên dưới bức họa có đề câu này:

“Diversi diversa patres, s(ed hic) omnia dixit. Romano eloquio mystica sensa tonans” (Các Giáo phụ: đấng nói điều này, đấng dạy điều kia. Còn vị này đã nói hết cả; ngài rao vang ý nhiệm {của Thánh Kinh} bằng tài hùng hồn của người La mã).

Maruchi cho rằng chỉ Thánh Augustin mới đáng được lời đề tặng đó. Dầu vậy ta cũng không biết nghệ sĩ có diễn tả đúng với sự thực chăng hay ông chỉ theo tưởng tượng mà sáng tác!

Về phương diện sức khỏe: dù ngài mắc bệnh phổi (nhiều khi đang giảng thì lên cơn ho phải bỏ dở) và khó ngủ (lúc đó ngài viết thư, dọn bài giảng ) nhưng ngài vẫn làm việc với một sức lực dẻo dai. Chẳng hạn từ mùa xuân đến mùa thu năm 318, ta thấy ngài luôn luôn lưu hành trên những con đường nắng chang chang của Phi châu: chừng 2000 Km, có lẽ bằng ngựa. Đến lúc chết là 76 tuổi các giác quan của ngài vẫn tinh tường chứ không vì già cả mà lẫn cẫn.

B. TÍNH TÌNH

1. Đa cảm

Những nhà tính tình học ngày nay đều đồng ý nhau mà liệt Thánh Augustin vào loại “cảm, hoạt, hậu”. Nhưng theo Marrou thì chúng ta có thể hoài nghi giá trị cách phân loại quá đơn sơ như thế, vì cái đặc sắc của những vĩ nhân thường vượt ra ngoài giới hạn của tính tình khoa. Vậy ta phải nhận rằng tâm lý của Thánh Augustin rất phức tạp và cũng rất phong phú.

Riêng trong phạm vi tính đa tình đa cảm của ngài người ta cũng nhận thấy có sự trái ngược giữa tư tưởng triết học với những phản ứng xúc cảm cụ thể. Nhiễm quan niệm tân thuyết Platon Thánh Augustin cho vũ trụ hữu hình và vẻ đẹp thụ tạo như là một hình bóng thoáng qua và đối với trí tuệ nào muốn vượt lên trên những bóng dáng đó để đạt tới SỰ HỮU VÔ HÌNH thì những cái đó chỉ đáng khinh đáng ghét. Lập trường tinh thần như thế là căn bản nơi Thánh Augustin lại đi liền với một tâm hồn rất giàu tình cảm: rất dễ rung động trước mọi vẻ đẹp của thế giới hữu hình. Có nhiều chỗ trong tác phẩm của ngài làm cho ta thấy rõ ngài rất xúc động trước cái đẹp của thụ tạo: “Cái đẹp của thân thể, nhan sắc chóng qua, vẻ huy hoàng của ánh sáng, điệu mê li của những bản tình ca, hương vị ngọt ngào của bông hoa…”. Bên cạnh tính đa tình đa cảm đó có cái không hay, chính là thú nhục dục: một cản trở lớn trên đường trở lại của Augustin. Nhưng nhờ ơn Chúa và ý chí mạnh mẽ khi ngài đã chế ngự được cái xu hướng tự nhiên của tình yêu xác thịt đó thì ngài chẳng những không bỏ mà vẫn giữ mối tình xúc cảm đó nhưng chỉ siêu việt và trang mỹ hóa. Điệu vãn hát trong thánh đường làm cho ngài cảm động có khi đến phát khóc. nhưng luôn luôn, kể từ ngày trở lại,… Ngài vẫn cho rằng thế giới khả giác này chỉ là bóng mờ và thoáng qua của ánh sáng Chân Lý vĩnh cửu: “Những cái đẹp mà nghệ sĩ truyền từ trí óc ra bàn tay tài tình của người đều do một CÁI ĐẸP tuyệt đối ở trên linh hồn chúng ta, cái đẹp ngày đêm linh hồn tôi hằng ước ao khao khát”. Để nhận thấy rõ hơn cái tổng hợp sâu xa giữa mối tình xúc cảm dồi dào của Thánh Augustin trước thế giới hữu hình với quan niệm siêu hình và thần bí của ngài đối với thể giới thiêng liêng chúng tôi xin trích thêm ra đây một đoạn trong bộ “Những lời TUYÊN XƯNG”.

“… Nhưng khi tôi yêu Chúa thì tôi yêu cái gì? Không phải tôi yêu cái đẹp của thân thể, nhan sắc chóng qua, vẻ huy hoàng của ánh sáng mà mắt tôi vẫn thích, không phải điệu mê li của những bản tình ca, hương vị ngọt ngào của hoa, của trầm, của thuốc thơm, không phải “bánh lạ” và mật ong, cũng chẳng phải cánh tay để ôm ấp theo xác thịt: khi tôi yêu Chúa thì không phải tôi yêu những cái đó. Nhưng khi tôi yêu Chúa tôi lại vẫn yêu một ánh sáng, một âm thanh, một hương vị, một lương thực, một ôm ấp: vì Chúa là ánh sáng là âm thanh, là hương vị, là lương thực, là cái ôm ấp của con người nội tâm tôi. Ở đó ánh sáng ấy soi chiếu linh hồn tôi mà không bị không gian hạn chế, tiếng hát ấy vang dội mà không bị thời gian làm tiêu tan, hương thơm ấy xông lên mà không bị gió thổi bay đi; ở đó người ta thưởng thức một lương thực mà không phải ít đi vì ăn nhiều, và ở đó người ta được ôm ấp mà không sự thoả mãn nào có thể gỡ ra. Khi tôi yêu Thiên Chúa thì tôi yêu cái như thế”.[21]

2. Tình thân hữu

Động từ “yêu” hay danh từ “ái tình” là những từ ngữ có thể gồm tóm hồn của Thánh Augustin một cách đúng hơn cả. Cũng là những từ ngữ mà, theo Batiffol, cây bút của thánh nhân viết đi viết lại nhiều lần nhất. “Thánh Augustin đã hấp dẫn tất cả những ai đã biết rõ ngài, ngài làm cho đời sống họ phải khuynh động, và lôi kéo họ theo mình. Với con tim dồi dào tình cảm ngài đã chứng tỏ mối tình tín nghĩa nồng nàn của ngài với tất cả những ai đã sống sát và suốt cả cuộc đời của ngài: đồ đệ, bạn bè, và sau này các tu sĩ của ngài”.

Để hiểu cường độ tình thân ái của Thánh Augustin đến mực nào thì xin đọc lại đoạn văn tường thuật cái chết của bà Monica, mẹ ngài trên đây.

Khi ngài bắt đầu ra dạy học, ngài có kết thân với một người bạn, chẳng may người đó chết, ngài đã thổ lộ tâm tình bằng những lời lẽ như sau: “Cái chết của anh làm cho lòng tôi nên u ám. Tôi nhìn xem gì, cái ấy cũng là chết. quê hương đối với tôi là khổ hình, gia đình là sầu thảm. Tất cả những gì xưa tôi với anh dùng chung, nay mất anh, đối với tôi chúng trở nên một sự đau xót. Mắt tôi tìm anh khắp nơi, nhưng anh cứ từ chối: tôi chán ghét mọi sự vì mọi sự đều thiếu anh, và mọi sự đều không có thể nói với tôi rằng: “Kìa, anh ấy về đấy” như khi anh còn sống mà đi vắng…

Tôi lấy làm bỡ ngỡ khi thấy những người có thể chết thì đang sống, còn người tôi yêu tưởng không bao giờ chết thì lại chết rồi. Tôi bỡ ngỡ hơn nữa khi thấy anh chết, mà tôi là chính anh thứ hai thì còn sống. Khi nói về bạn mình thi sĩ Horace đã tìm được kiểu nói hay ho biết bao: NỬA LINH HỒN MÌNH – dimidium animae suae. Phải, tôi đã cảm thấy linh hồn anh và linh hồn tôi chỉ là một linh hồn ở trong hai xác; vì thế mà tôi coi đời sống là ghê tởm, tôi không muốn sống có một nửa. Nhưng tôi lại sợ chết, có lẽ tôi sợ người mà tôi yêu dường ấy phải hoàn toàn chết cả chăng?”.[22]

Đó là mối tình tự nhiên vậy. Nhưng Thánh Augustin sau này đã siêu hóa mối tình tự nhiên đó:

“Chỉ có tình thân ái đích thực khi nào Chúa xe kết những người đã khăng khít với Chúa trong tình ái do Thánh Linh ban giàn giụa cho lòng chúng tôi…

Lạy Chúa tôi! Này lòng tôi đây, này nơi sâu kín của lòng tôi! Lạy chúa xin hãy nhìn những kỷ niệm của tôi; Lạy Chúa là hy vọng của tôi, xin Chúa hãy tinh luyện cái uế tạp của những tình cảm như thế, xin hãy hướng dẫn mắt tôi về cùng Chúa và gỡ chân tôi thoát khỏi cạm bẫy”.

Tình thân ái của Thánh Augustin có hai đặc điểm:

Tín nhiệm: hoàn toàn không e dè do dự.

Nhu mì: dù có trí khôn phi phàm, ngài vẫn ăn ở đơn sơ khiêm tốn với bạn hữu, đôi khi còn có phần nhút nhát nữa.

Về điểm này ngài khác hẳn với Thánh Jérome. Vị này rất khó tính với bạn hữu, có khi ngài còn ghét họ nữa là khác. Để rõ tâm tình trái ngược của hai vị ta hãy đọc bức thư 73 của Thánh Augustin trả lời một thư chua chát của Thánh Jérome.

Ai tình thấm nhiễm cả trí khôn và đức tin của Thánh nhân. Ngài tìm hiểu chân lý và ngài yêu chân lý:[23]

– “O Veritas, Veritas, quam intime etiam medullae animi mei suspirabant tibi…” (Ôi Chân lý, Chân 1ý mà tận đáy tâm hồn con đã khao khát ngài biết bao!).

“Quam intendebam aures meas, dulcis Veritas, in interiorem melodiam tuam” ( Ôi Chân lý dịu ngọt, con đã hướng tai biết bao tới điệu du dương của ngài!).

Chân lý đối với ngài không bao giờ là một vật trừu tượng, ngài hằng ra công tìm tòi như một SỰ HỮU.

3. Tài trí

Tài trí của Thánh Augustin siêu quần bạt chúng. Những lời đề tặng ghi cuối bức họa kia đủ cho ta thấy người ta đã khâm phục tài trí đó đến mực nào. “Diversi diversa Patres sed hic. Omnia dixit romano eloquio. Mystica sensa tonans.[24]

Trải qua lịch sử, người ta còn truy tặng ngài nhiều danh hiệu khác: “doctor gratiae”; “inter magistros optimos”; “post Apostolos omnium ecclesiarum magister”; “egregius doctor”.

Trong bốn vị tiến sĩ cả “Majores Doctores” của Tây Phương, thì Thánh Augustin vẫn giữ địa vị ưu tiên. Một bức họa của thế kỷ VII vẽ 3 vị sống đồng thời với nhau: Jérome, Augustin và Ambroise; trong đó ta cũng thấy họa sĩ đã có ý dành chỗ danh dự cho Thánh Augustin, vì chính thánh Jérome đã viết cho Thánh Augustin những lời này:

“Tôi đoan hứa là yêu mến Đức Cha, đón nhận, trọng kính, mừng khen Đức Cha, và bênh vực những ý kiến của Đức Cha cũng như của tôi. Hãy can đảm lên! Đức Cha đã được lẫy lừng khắp hoàn cầu; những người Công giáo kính phục và đón nhận Đức Cha như một vị chấn hưng đức tin cựu truyền, và một điều vinh dự hơn nữa là tất cả bọn dị giáo đều ghét Đức Cha”.

Còn vị thứ tư là Thánh Gregorio ở ba nửa thế kỷ sau (+604), trong một thư phúc đáp cho Innocent là đô trưởng Phi Châu, ngài có viết:

“Nếu ngài muốn được no nê cao lương mỹ vị thì hãy đọc những tác phẩm của Augustin khả kính, đồng hương với ngài, và sau khi đã thưởng thức bột tinh túy của Thánh nhân, ngài dẽ không hỏi đến thứ cám của tôi nữa”.[25]

Thánh Augustin đã dùng tài trí của mình để mài miệt tìm hiểu thấu đáo đức tin Công giáo, bao nhiêu ngài có thể.

Có một giai thoại đã làm đề tài cho các họa sĩ thời Phục hưng[26] và nay còn được dùng làm câu kết luận “khôn vặt” cho bài giáo lý về Thiên chúa Ba Ngôi của phần đông các giảng viên BỔN khoa. Số là: có một lần Thánh Augustin đang dạo mát trên bãi biển thì gặp thấy con trẻ dùng vỏ sò múc nước đổ đi đổ lại vào một lỗ nhỏ dưới cát. Thấy nó cứ làm thế hoài, thánh nhân cho là kỳ quá mới hỏi thì con trẻ tỏ mình là thiên thần và nói với ngài: “Tôi tát cạn nước biển vào lỗ nhỏ này còn dễ hơn ông giải thích được một chút về Thiên Chúa Ba Ngôi”. Đó chỉ là một biến ngôn, một câu truyện thật trái mùa: không hợp với một trí tuệ thông minh và ham chuộng tìm hiểu, nhất là vấn đề Thiên Chúa Ba Ngôi mà thánh nhân đã tiêu hao đúng 20 năm trời để nghiên cứu.[27]

Thánh Augustin thâm tín rằng không gì cao quí cho con người bằng tìm hiểu CHÂN LÝ: “O Veritas, Veritas, quam intime medullae animi mei suspirabant tibi…” “Quid enim fortius desiderat anima quam Veritatem” (Vì chưng có gì đáng cho linh hồn khao khát hơn là Chân lý).[28] Đối tượng của chân lý chính là Thiên Chúa, chính là con người: “Noverim me, noverim te”. Biết Chúa, biết linh hồn mình là đối tượng luôn luôn làm bận trí khôn của Augustin.

Trong một thư gởi cho Consentius, ngài đã viết:

“Chớ gì Thiên Chúa đừng để ta nghĩ rằng ngài ghét cái ở trong ta, tức là vì cái đó mà chúng ta đã được Chúa nâng lên trên mọi vật khác (= Lý trí). Đừng tưởng rằng việc tin ngăn cản không cho chúng ta tìm hiểu lý lẽ điều chúng ta tin, bởi vì chúng ta không thể nào tin được nếu chúng ta đã không có lý trí… Bạn hãy hết sức yêu mến việc tìm hiểu (intellectum valde ama); chính Thánh Kinh dù đã khuyên ta phải tin những điều mạc khải trước khi hiểu cũng sẽ trở nên vô ích nếu chúng ta đã không hiểu Thánh Kinh”.[29]

Thánh Augustin đã có một tài trí suy luận đích thực, có những khả năng của một tư tưởng gia. Ngài đã dùng những di sản của triết học tinh tuyền cổ thời, như triết học của Platon nhưng đặc biệt là ngài đã có một cái nhìn sáng suốt vào chính thực tại nội quan của ngài và hướng dẫn lý trí đi theo ánh sáng đức tin. Vì thế triết học của ngài có giá trị Công giáo, và nhất là nền thần học đã là đuốc soi cho mọi thế hệ về sau, kể cả thời ta ngày nay. Bằng chứng là trong thông điệp “Ad salutem” ngày 20-4-1930, để kỷ niệm thánh nhân qua đời được 15 thế kỷ, Đức Pio XI đã viết: “Chúa quan phòng đã kén chọn Augustin con người ở Thagaste, trước mắt những người đồng hương của ngài, ngài đã là ngọn đuốc trên trụ đèn, ngài đã diệt trừ mọi dị giáo, ngài là vị lãnh đạo đưa đến sự rỗi, trải qua các thế kỷ ngài chẳng những đã dạy dỗ và yên ủi các tín hữu mà ở thời ta ngày nay ngài còn làm cho chân lý sáng tỏ nơi họ và tình bác ái Thiên Chúa bốc cháy trong tâm hồn họ nữa”. Rồi ngày 25-7-1954, trong bức thư gởi cho các Bề trên Tổng Quyền Dòng Augustin, để kỷ niệm sinh nhật của Tổ Phụ Dòng được 16 thế kỷ (13-11-354), Đức Pio XII cũng viết những lời rằng: “Dù Giáo hội không có thói quen mừng ngày sinh của các thánh, trừ ngày sinh của Rất Thánh Đức Mẹ và của vị tiền hô Chúa Cứu Thế như chính Thánh Augustin đã để ý đến. Nhưng sự thánh thiện cao cả của Đức Giám mục Hippone và trí thông minh am hiểu những điều thuộc nhân loại cũng như thuộc Thiên Chúa thật là rực rỡ đến nỗi ngày kỷ niệm người sinh ra đời được XVI thế kỷ không thể qua đi trong im lặng”.

Quả thật, thế giá của Thánh Augustin vẫn tồn tại và sống với Giáo Hội. Các Đức Giáo Hoàng: Innocente I, Célestin I,[30] Gélase I, Hormisdas,[31] Jean II, Adrien I, Clément VIII, Pie VI luôn luôn dựa vào giáo thuyết của Thánh Augustin để quyết định các vấn đề có hệ đến đức tin. Các Công Đồng cũng vậy, thí dụ Công Đồng Orange II và Công Đồng Trente. Bất cứ luận đề nào trong thần học thực nghiệm, ta cũng thấy người ta để một chỗ cho Thánh Augustin.

Đức Lêo XIII, trong thông điệp Aeterni Patris, sau khi đã nhắc đến những vị tiến sĩ của thời trước Thánh Augustin, ngài lại ca tụng những huân công mà vị này đã làm cho nền triết học Công giáo, bằng những lời rằng:

“Nhưng vẻ vang nhất vẫn là Thánh Augustin,tài trí này trổi vượt hơn cả, đã đi sâu vào mọi kiến thức thuộc phạm vi Thiên Chúa và nhân loại; tài trí đó được võ trang bằng một đức tin cao cả và một giáo lý vững chắc đã chiến thắng không sờn mọi lầm lạc ở thời ngài. Còn điểm triết học nào mà vị này đã chẳng xét đến, đã chẳng thâm cứu”.

Để kết luận chúng ta còn phải nghe Đức Piô XI nói câu này:

“Chắc hẳn Thánh Augustin đã đến sau những thánh nhân khác như: Clément de Rome, Irénée, Hilaire, Athanase, Cyprien, Ambroise, Basile, Grégoire de Nazianze và Jean Chrysostome, các vị này cũng là những ngôi sao chói lọi trên nền trời Giáo hội, nhưng Augustin vẫn là một vị thánh mà nhân loại ca tụng hơn cả, phần vì trí minh mẫn và sức mạnh tư tưởng của ngài, phần vì đức khôn ngoan lạ lùng chứa đựng trong những tác phẩm mà hàng ngày suốt gần 50 năm trời ngài đã sáng tác”.[32]

4. Thánh thiện

Sau khi đã nói về thân hình, tính tình và tài trí, bây giờ chúng ta còn phải nói đến sự thánh thiện của vị tiến sĩ ân điển. “Sau khi nhờ nước mắt và kinh nguyện của bà mẹ rất đạo đức, Augustin trở về với Giáo hội Công giáo duy nhất và tinh tuyền, được Thánh Ambroise khuyên nhủ và ơn Chúa hướng dẫn, ngài đã bước rất nhanh trên đường trọn lành phúc âm, và ngài đã tấn tới về mọi phương diện làm cho mọi người đều phải khâm phục và trọng kính”.[33]

Sự thánh thiện của Augustin vẫn cao chót vót nhưng không làm cho ta phải chóng mặt khi nhìn lên, bởi vì thánh nhân rất gần ta, chẳng những gần vì cùng có một bản tính nhân loại mà còn gần vì cùng có tội lỗi như ta.

Đức khiêm nhường và thống hối của Augustin là nền tảng thật vững chắc để đức MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI có thể được xây cao mà không lún. Mỗi trang trong bộ “TUYÊN XƯNG” đều làm bằng chứng như thế. Theo kinh nghiệm bản thân thánh nhân đã biết rõ Thiên Chúa là ai, con người là gì: “Oportet ut oderis in te opus tuum, et ames in te opus Dei”.[34] Lời khuyên đó trước khi giảng cho giáo dân thì đã được thánh nhân nghiền ngẫm đêm ngày. Thánh Augustin là tiến sĩ ân điển, nhưng theo Rondet S. J. thì ngài là tiến sĩ đức khiêm nhường trước:[35] “Magnus esse vis, a minimo incipe. Cogitas magnam fabricam construere, de fundamento prius cogita humilitatis. Et quantum quisque vult et disponit superimponere molem aedificii, tanto altius fodit fundamentum”.[36]

Đức trinh khiết của thánh nhân cũng đáng cho ta soi gương cũng như ngài đã soi gương những người đi trước. Sau khi đã trở về với Chúa, ngài cũng vẫn còn bị thử thách, ta hãy nghe ngài kể kinh nghiệm bản thân của ngài khi bị cám dỗ: lúc đó “đức đoan trang hầu như với giọng mỉa mai mà nói trách với tôi rằng: kìa, ngươi không thể làm một việc mà đàn bà con trẻ đã làm sao? (Tu non poteris, quod isti, quod istae?) Có phải là tự họ chứ không phải là nhờ vào Thiên Chúa mà họ đã có như thế chăng? Chính Thiên Chúa đã ban tôi cho họ. Sao ngươi tự cậy vào mình mà lảo đảo? Hãy ném mình vào Chúa và đừng sợ, Chúa sẽ không trốn đi để người phải sa ngã đâu. Hãy lăn mình vào Chúa, Người sẽ ôm lấy và chữa lành ngươi!”.[37]

Đức khó nghèo của Thánh nhân rập theo kiểu của các Tông đồ và những tín hữu thời đó: trong toà Giám mục của ngài không ai có của riêng.[38] Tâm hồn suy niệm của ngài chính là phương thế hiệu nghiệm để nên Thánh. Tuy ngài không dùng những danh từ “suy niệm, thần bí” như thời thánh Gioan Thánh giá và Têrêsa Avila, nhưng ngài vẫn được thưởng thức thực tại của những danh từ đó. Nhân đức bác ái của ngài, ngay đối với cả thù địch, thật là bao la… Để tóm tắt những điều mà đáng lẽ phải nói rất nhiều cũng chưa chắc có hết chúng tôi xin lấy mấy danh ngôn trong muôn vàn để làm khuôn vàng thước ngọc cho đời sống mến Chúa của ta:

“Sero te amavi, pulchritudo tam antiqua et tam nova! sero te amavi = Tôi đã yêu Chúa trễ quá, hỡi sự đẹp đã rất lâu đời mà vẫn mới! Tôi yêu Chúa trễ quá”.[39]

“Toto vobis figatur in corde, qui pro vobis est fixus in cruce! = Chớ gì Đấng chịu đóng đanh vào thập giá cho chị em cũng được đính chặt vào tất cả trái tim các chị”.[40]

“Quia fecisti nos ad Te et inquietum est cor nostrum, donec requiescat in Te = Chúa dựng nên chúng tôi để qui hướng về Chúa, nên lòng chúng tôi cứ lo âu cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.[41]

“Pondus meum amor meus, eo feror quocumque feror = Trọng lực tôi là tình yêu, tôi hướng về đâu chính là tôi bị tình lực lôi kéo về đấy.[42]

Dưới đây là những lời mở đầu cho một bức thư của Paulin de Nole viết cho Thánh Augustin, đề ngày 15-5- 408, ta dùng để kết đoạn này:

“Lời của Đức Cha luôn luôn là đuốc soi bước tôi đi, là ánh sáng đưa đường dẫn lối. Mỗi lần nhận được thư của Đức Cha rất đáng kính thì tôi cảm thấy những sự đen tối trong trí khôn dốt nát của tôi tan biến đi, và những thư đó tra vào mắt trí khôn tôi một liều thuốc đau mắt mát dịu làm tôi trông rõ hơn. Nó đánh tan đêm đen mê muội và khử trừ mây mù nghi hoặc”.[43]

III. TÁC PHẨM CỦA THÁNH AUGUSTIN

Thánh Augustin đã viết rất nhiều và đủ loại. Người ta có thể phân biệt:

1. Những tác phẩm đặc sắc nhất, và là một loại mới nhất trong văn chương Công giáo, đó là loại văn “tự tình”

– CONFESSIONES: Những lời TUYÊN XƯNG (tự thuật, tự tình, tự thú), gồm 13 quyển viết vào khoảng năm 397-400: 9 quyển đầu kể lại lịch sử đời sống của ngài đến khi bà Monica qua đời. Đây là văn tự ký. Mấy quyển sau suy luận về triết học và sự sáng tạo theo Sáng Thế.[44]

– RETRACTATIONES: TU CHÍNH, viết khi ngài đã già, có ý tu chính lại những điều sai lầm chẳng may đã có trong các sách ngài đã viết trước.

2. Tác phẩm triết học

– CONTRA ACADEMIOS, để phản đối thuyết hoài nghi của hàn lâm tân viện Hy Lạp.

– DE BEATA VITA: bàn về hạnh phúc chính là hiểu biết Thiên Chúa.

– DE ORDINE: Vấn đề Thiên Chúa.

– SOLILOQUIA: Cuốn “Độc thoại” này gồm những suy luận triết học về Thiên Chúa và linh hồn.

– DE IMMORTALITATE ANIMAE: linh hồn bất tử,v.v…

3. Tác phẩm minh giáo

– DE CIVITATE DEI (22 quyển) viết từ năm 413 đến 426, để phi bác những học giả ngoại giáo gán cho đạo Kitô là lý do sự suy tàn của Đế quốc vì quân man di xâm lăng. Thánh nhân trình bày tư tưởng về lịch sử và xã hội. Ngài phân biệt “Civitas Dei” của những người được cứu chuộc với “Civitas terrena” của những người vô tín ngưỡng và phải trầm luân. Quan niệm đó khác với quan niệm của chúng ta: đô thị siêu nhiên và đô thị trần thế.[45]

4. Tác phẩm tín lý

– DE TRINITATE (15 quyển), viết từ năm 399 đến 419: đây là tác phẩm tín lý quan trọng nhất của Thánh Augustin.[46]

5. Tác phẩm bút chiến thần học

A. Phản đối Mani giáo

– De moribus Ecclesiae et de moribus manichaeorum,v.v…

– Nội dung: chỉ Thiên Chúa là nguyên lý chính; sự ác không phải là một yếu tính. Cựu Ước cũng như Tân Ước là tác phẩm của cũng một Thiên Chúa độc nhất và Toàn Thiện. Chúa Kitô là một người thật chứ không phải có hình dáng một người giả.[47]

B. Phản đối thuyết Donat

– De Baptimo Contra Donatistas,v.v…

– Nội dung: Ngài luận về Giáo Hội và các nhiệm tích.

C. Phản đối thuyết Pêlagio

– De natura et gratia.

– De gratia Christi et de peccato originali.

– Contra Julianum,.v.v…

– Nội dung: Luận về bản tính nhân loại, nguyên tội; Rửa tội cho con nít, ơn sủng và vấn đề công chính hóa.

D. Phản đối thuyết Ario

– Contra Maximianum,.v.v…

6. Tác phẩm chú giải Thánh Kinh

– De doctrina christiana: những tôn chỉ để chú giải Thánh Kinh.

– De genesi ad litteram

– Ennarationes in psalmos *

– De consensu evangelistarum

– Questiones evangeliorum.

– Tractatus in Johannis evangelium *

– Tractatus in epistolam Johannis Iam.*,v.v…

7. Tác phẩm mục vụ

– De catechizandis rudibus: viết năm 400 theo lời thỉnh cầu của một thầy phụ tế ở Carthage: Cách dạy giáo lý cho “chầu nhưng”. Một tài liệu bổn khoa rất hay.

8. Những bài giảng

Khoảng chừng 500 bài, hoặc ngài đã viết trước khi giảng, hoặc các nhân viên tốc ký ghi lại. Hơn 450 bài giảng chính thức. Phần nhiều để giảng cho giáo dân Hippone. Có nền tảng tín lý vựng chắc. Văn thể đơn sơ tự nhiên.

9. Thư tín

Hơn 200 bức thư chính thức. Nhiều thư thật là một bài luận về một vấn đề rõ ràng. Thí dụ thư 211 viết cho các nữ tu ở Hippone sau này đã được gọi là “bộ luật dòng của Thánh Augustin”.

IV. NHỮNG LẠC GIÁO CHÍNH MÀ THÁNH AUGUSTIN ĐÃ CHIẾN ĐẤU

Trong lớp thần học và Giáo sử người ta nói dài và rộng về ba lạc giáo: MANI, DONAT VÀ PÉLAGE, ở đây chúng tôi hết sức tóm tắt.

1. Lạc giáo MANI

– Ông Mani sinh khoảng 215-218 ở Ctésiphon thuộc Ba Tư. Chủ trương nhị nguyên thuyết: Thế giới Anh Sáng do Thiên Chúa điều khiển và thế giới tối tăm do Satan quản trị. Ông tự nhận là phát ngôn viên rồi truyền bá tư tưởng của ông cho nhiều nơi ở Á châu, Babylonie. Buộc những tín đồ cuồng nhiệt của ông ba điều luân lý: signaculum oris, phải chay tịnh và kiêng ăn đồ ô uế; signaculum manus, không được rờ mó đến những vật đã cấm; signaculum sinus, không được ăn ở vợ chồng. Ông chết năm 276. Anh hưởng của ông lan rộng cả Đông lẫn Tây phương rất mau.

Thái độ của Thánh Augustin lúc trước ngài sùng mộ lạc giáo này bao nhiêu thì sau đã trở lại ngài ra sức chiến đấu bấy nhiêu. Ngài lột mặt nạ nhân đức giả của lạc giáo và đem những nhân đức thật trong đời sống Kitô giáo mà đối chiếu.

Ngài nhấn mạnh đến sự Thiện căn bản trong mọi tạo vật thiêng liêng cũng như vật chất. Sự ác không phải là một sự hữu có một yếu tính. Vậy trong vũ trụ không có một nguyên lý riêng của sự Ác.

2. Lạc giáo DONAT

– Danh từ do hai vị Giám mục trùng tên là Donat mà đặt ra. Số là, sau cơn bắt đạo của Galère, năm 312 Cécilien được Giám mục Félix d’Aptonge phong làm tổng Giám mục Carthage nhưng người ta phản đối, cho rằng Félix d’Aptonge đã bỏ đạo bằng cách nộp Thánh Kinh trong thời Dioclétien cấm cách (303) nên truyền chức không thành. Giám mục Donat des Cases-Noires liền phong Majorin thay thế cho Cécilien. Năm 315 Majorin chết, Donat le Grand được đồng đảng chọn lên thay. Ông này tổ chức lạc giáo đắc lực.

Lạc giáo này chủ trương:

– 1./ Giáo Hội là cộng đồng những người lành thánh, ai có tội phải loại trừ. Chỉ họ mới thuộc Giáo hội của các thánh Tông đồ.

– 2/. Các bí tích chỉ hữu hiệu khi được cử hành do thừa tác viên thánh thiện mà thôi, nghĩa là thừa tác viên được họ công nhận.

Thánh Augustin để phản đối lạc giáo này, khi còn là Linh mục đã soạn một bài vè dài 240 câu. Khi đã làm Giám mục ngài viết những tác phẩm nhấn mạnh đến hai điểm: Giáo hội có đặc tính phổ cập và phép Rửa tội do người lạc giáo cử hành cũng in ấn tích thiêng liêng. Đáng ghi nhớ nhất là cuộc đấu khẩu ngày 1, 3, 8 tháng 6 năm 411 ở Carthage giữa hai hàng Giám mục: Công giáo và lạc giáo. Thánh Augustin và Giám mục Aurèle thành Carthage dẫn đầu 286 Giám mục Công giáo, còn 279 Giám mục lạc giáo thì do Pétilien và Primien. Rốt cuộc bên Công giáo đắc thắng về mọi điểm.

3. Lạc giáo PÉLAGE

Ông tổ lạc giáo là Pélage một thầy dòng khắc khổ, gốc ở Anh quốc (Grande-Bretagne). Năm 380 đến ở Roma. Năm 410 Alaric vây chiếm thành này thì ông chạy sang Phi châu. Có lẽ ông chết năm 420 ở Ai cập.

Ông chủ trương ý chí con người tự nó có đủ năng lực làm lành tránh dữ, không cần đến ân điển trợ giúp – (Chúng ta lưu ý Pélage là một đan sỹ khổ tu) -. Tội Adam không ảnh hưởng gì đến tính bản thiện của con người. Nếu có thì chỉ là một gương xấu. Vậy phép Rửa tội không cần thiết cho được rỗi. Chúa Giêsu xuống thế chỉ là một guơng lành bề ngoài chứ không có ơn cứu chuộc sâu xa nội tâm. – Chính chủ trương của Pélage đã được Julien d”Éclane đẩy xa đến mức cuối cùng là “duy tự nhiên” (naturalisme) đề cao nhục dục như là dấu hiệu toàn vẹn của bản tính con người -.

Để phản đối mậu thuyết này, Thánh Augustin đã lần lượt viết những tác phẩm: De peccatorum meritis et remissione, De spiritu et littera. De natura et gratia (413) De perfectione justitiae hominis. Lý thuyết của Pélage và sau đó của J. d”Éclane đã bị Công đồng Carthage năm 418 dưới sự chủ tọa của Thánh Augustin lên án.[48]

Thần học của Thánh Augustin về ÂN ĐIỂN rất vững chắc, nhưng tiếc rằng đã bị nhiều người hiểu lầm: họ tưởng ngài quả quyết ở Thiên Chúa có sự tiền định về số mệnh: người được thưởng người phải trầm luân, Thiên Chúa đã định rồi, ai tài giỏi cũng không thể thoát được ; vậy Thiên Chúa không muốn cứu hết mọi người. Để phản đối quan niệm âu- tinh giả danh này mà phát sinh phong trào BÁN PÉLAGE ở các tu viện miền nam xứ Gaule (semi-pélagianisme). Họ nhận có ân điển, nhưng ân điển chỉ hữu hiệu nhờ ý chí của mỗi người. Công đồng ORANGE năm 529 giải quyết vấn đề BÁN PÉLAGE.

V. THÁNH AUGUSTIN VỚI VẤN ĐỀ MỤC VỤ VÀ GIẢNG THUYẾT

A. MỤC VỤ

1. Hiến chương cho đời sống Linh mục: Đức ái mục vụ

Trong cuốn “Civitas Dei” (XIX, 19) Thánh Augustin tìm định nghĩa lý tưởng của đời sống Kitô hữu. Họ đứng trước 2 thực tại: Otium sanctum và Negotium justum. – Otium là đời sống trong yên lặng, an bình, hoạt động tinh thần không bị khuấy động bởi những công việc tay chân quá nặng nhọc, hoặc nhất là bởi những lo lắng về công vụ thế tục. Sau cùng Otium sanctum là việc tìm kiếm và chiêm ngắm Thiên Chúa. Việc này đòi hỏi một sự tự do thiêng liêng cần thiết. Thiên Chúa xét vì là Chân lý phải chiêm ngắm hằng luôn thúc đẩy và đòi buộc mọi Kitô hữu phải có một mức độ Otium sanctum nào đó, nếu không thì họ không còn phải là Kitô hữu nữa. Nhưng đàng khác xét vì Thiên Chúa là tình yêu bác ái thì ngài lại đòi hỏi người Kitô hữu đó một negotium justum trong đời sống của mình, nghĩa là một hoạt động đem lại phần rỗi siêu nhiên cho người khác. Hoạt động đó là chức Linh mục. Kẻ làm Linh mục là làm vì đức bác ái, vì danh Chúa, Đấng đòi buộc họ phải phục vụ anh em mình cách siêu nhiên. Nhưng người Linh mục không bao giờ được quên rằng dịch vụ của mình đối với anh em là đưa họ đến chỗ chiêm ngắm Thiên Chúa, vì thế chính bản thân mình không được vì bất cứ lý do gì bỏ quên việc tìm kiếm Otium trong đời sống. Vậy lòng yêu mến Chân lý (Thiên Chúa) đòi phải tìm Otium sanctum (nhàn cư thánh), nhưng đức bác ái đối với tha nhân buộc phải chấp nhận Negotium justum (kinh doanh, bôn ba chính đáng). Linh mục phải luôn luôn hướng về Thiên Chúa mình chiêm ngắm trong khi không được quên lo lắng về lợi ích thiêng liêng của anh em mình. Thánh Augustin nói chỉ một số ít người đã được Thiên Chúa ban ơn thực hiện hoàn toàn Otium sanctum trong giữa Negotium justum. Ở đây, ngài muốn ám chỉ Thánh Ambroise vậy.[49]

– Chức Linh mục đó người ta phải chấp nhận cho dù có nguy cơ tội lỗi:

– Nguy cơ thứ nhất là kiêu ngạo: dễ kiêu ngạo vì làm mục vụ tốt thì người ta khen, và Linh mục dễ bị cám dỗ muốn người ta để ý đến mình hơn là hướng mọi sự về Chúa Kitô.

– Nguy cơ thứ hai là đưa tới sai lầm: Trong khi rao giảng về Thiên Chúa Linh mục có thể làm giáo dân hiểu sai lời ngài, ví dụ câu Thánh Vịnh “Tu m’as pris par ta main droite” (Tay hữu Chúa nâng đỡ con). Có thể làm người ta hiểu Thiên Chúa là vật chất…

– Nguy cơ thứ ba nằm trong tính cách nhất thời của sinh hoạt mục vụ. Linh mục chuyển trao lời giảng và bí tích là những điều nhất thời chóng qua… mà nhiều khi quên mất điều thiết yêu là chính mình phải là một Kitô hữu vững chãi căn bản. Vì con người có thể được cứu rỗi không cần đến hàng giáo sĩ, nhưng sẽ không được cứu rỗi nếu không là Kitô hữu (Rửa tội) Thánh Augustin nói: “điều tôi là cho anh em (Giám mục) làm tôi run sợ, nhưng điều tôi là với anh em (Kitô hữu) làm tôi an lòng (Ce que je suis pour vous (évêque) m’effraie, mais ce que je suis avec vous (chrétien) me rassure).

Về cuối đời ngài Thánh Augustin đã kết hợp được hoạt động mục vụ với đời sống Kitô hữu trong cái chết của vị Chúa chiên cho đoàn chiên.

2. Phương thức mục vụ[50]

“Chữa trị con mắt của tâm hồn (l’oeil du coeur) để nhìn thấy Thiên Chúa” là điều mà mọi tín hữu đều phải làm; nhưng Linh mục có đặc trách về điều này. Vậy trong khi cử hành các bí tích cũng như lúc giảng dạy Linh mục luôn luôn phải nhằm chữa trị con mắt tâm hồn của giáo dân. ngài phải tự làm mình phai mờ đi sau Chúa Kitô và Giáo Hội. Chính Chúa Kitô mới là giảng viên (Prédicateur) đích thực, Linh mục chỉ là người “hộ sinh” (sage-femme). “Trong nội tâm, chúng ta hết thảy đều là thính giả, người rao giảng và thầy dạy đích thực là chính Chúa Kitô”. Những kẻ đã không được Chúa Thánh Thần dạy bảo thì ra về mà không lãnh hội được gì hết. Không ai dạy bảo được người khác, họ chỉ có thể thức tỉnh người khác cho hoạt động của Thánh Thần.

Một ví dụ: Thánh Augustin muốn chữa trị con mắt tâm hồn của giáo dân Hippone để họ phải đầu hàng trước Thiên Chúa và có một cái nhìn Kitô giáo về biến cố quan trọng là sự thất thủ của Roma năm 410-411 trước sức tấn công của quân man di. Ngài đã chọn lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô năm 411 để nói về biến cố này và đưa ra tất cả những vấn nạn của người Kitô giáo cũng như của lương dân coi việc Roma thất thủ là điều không thể chấp nhận:

Vấn nạn:

– Di hài của Phêrô và Phaolô ở Roma thế mà Roma lại bị tàn phá!

– Dĩ nhiên phải có những tại họa nhưng tại sao chúng lại đổ xuống trên người Kitô hữu là những kẻ thờ phượng Thiên Chúa. Thế thì lại chẳng tệ hơn trước (khi họ còn là lương dân) sao?

Trả lời:

– Tất cả những cái đó chỉ là để nhắc lòng trí chúng ta lên cùng Thiên Chúa và đời sống mai hậu. Chính Thiên Chúa đã muốn (Roma bị thất thủ) như thế và ta phải sẵn lòng chấp nhận thánh ý ngài: “Bạn sung sướng gì khi chống lại Thiên Chúa để bênh vực một thành trì (Roma) đã có thói quen phát hoả? (Đây là lần thứ ba Roma bị thiêu hủy: Lần thứ nhất do quân Gaulois (Vercingétorix 72 AC – 46 PC), lần thứ hai dưới triều Néron, lần thứ ba này với người Kitô hữu dưới sự xâm lăng của quân man di: – Câu này để trả lời cho lương dân). Thà bị đánh phạt bằng roi vọt còn hơn là bị trầm luân. Thế gian này là chốn tạm bợ chóng qua (Roma thất thủ) làm chúng ta cũng phải khao khát hưởng kiến Thiên Chúa trên quê hương vĩnh cửu là Thiên quốc.

B. GIẢNG THUYẾT

1. Vấn đề trình độ văn hóa Kitô giáo cần thiết để giảng thuyết

Thánh Augustin đã biên soạn cuốn “De doctrina christiana” hay “Văn hóa Kitô giáo” để mọi giáo sĩ phải học biết hầu có thể rao giảng lời Chúa cách xứng hợp. Cần có một đời sống gương mẫu đi kèm theo một kiến thức nghiêm túc. Kiến thức hay khoa học đó chính yếu là kiến thức Thánh Kinh. Thánh Augustin cũng rất coi trọng khoa học đời gồm sự hiểu biết về ngôn ngữ Hy bá và Hy Lạp. Ta cần chú ý: Trong một thời gian khá lâu người ta đã nói là Thánh Augustin không biết đủ Hy ngữ nên chỉ đọc Thánh Kinh qua các bản dịch La ngữ. Đây là một điều sai lầm. Nếu quả thực trong buổi thiếu thời Augustin đã chẳng ưa thích gì Hy ngữ, thì một khi làm Giám mục ngài đã miệt mài học đến thông thạo thứ ngôn ngữ này, và đã hiệu chính các tác phẩm của ngài theo bản Bảy Mươi (LXX) là cuốn Thánh Kinh chính thức của Giáo hội. Ngài chủ trương khi phải hiệu chính bất cứ bản dịch La ngữ nào đều phải đem đối chiếu với bản LXX. Ngài tôn trọng bản LXX đến độ có phần khinh miệt nguyên tắc “Veritas hœbraica”, và chỉ đến cuối đời ngài mới dùng những bản dịch của Thánh Jérome giai đoạn 3. Với ngài Khoa Hùng biện rất quan trọng và hữu ích nhưng không tối cần đối với một Kitô hữu có trình độ, người Kitô hữu có thể đắc thủ một nền văn hóa đích thực nguyên chỉ nhờ tiếp xúc với cuốn Thánh Kinh và các Danh Sư Kitô giáo. – Riêng về kiến thức Thánh Kinh, phải có một sự hiểu biết khoa học về Sách Thánh kèm theo một sự hiệu chính khi cần thiết. Người quảng diễn Thánh Kinh có thể hiểu khác ý của tác giả Thánh mà không đưa thính giả đến lầm lẫn, nếu đã đưa được họ tới đức ái (đây là một con đường tắt). Nhưng nếu nhà giảng thuyết nhìn thấy sự sai lầm của mình thì buộc phải sửa chữa lại.

2. Vấn đề ngôn ngữ

“Thà chịu các văn phạm gia chỉ trích còn hơn là để dân chúng không hiểu được ngôn ngữ của mình” (chú giải Thánh Vịnh 138,20). Đó là chủ trương của Thánh Augustin. Ngài luôn dùng lời lẽ đơn sơ đôi khi sái văn phạm nữa, để nói với dân chúng. Bài giảng 184 về lễ Giáng sinh hầu hết là bằng vè (thơ bình dân) để thính giả dễ nhớ. Ngài còn dùng những kiểu nói bình dân và chơi chữ nữa: tiếng “Caritas” chỉ đời sống đắt đỏ (‡‡ = đức ái) đã giúp ngài nói: “Tiền bạc quý giá (đắt đỏ, caritas), nhưng có điều còn quý giá (caritas) gấp bội phần đó là Thiên Chúa, vì “Deus Caritas est” (Thiên Chúa là đức ái ). Ngài còn có biệt tài sửa chữa những lúc lỡ lời, ví dụ câu: “anh em là súc vật (animaux) trước mặt Thiên Chúa”! “Ước gì Thiên Chua cho anh em trở nên con vật (son animal) của ngài, tôi muốn nói, con chiên trong đàn của ngài”.

3. Mầu nhiệm của lời giảng thuyết

Ba vai trò của lời giảng nơi Thánh Augustin:

a. Lời rao giảng đối với các nhiệm tích

Lời rao giảng có một vai trò lưỡng diện:

– Làm cho khao khát nhiệm tích và

– Mạc khải nhiệm tích.

* Làm cho khao khát nhiệm tích: Ở đây lời rao giảng giữ vai trò của kỷ luật “bí nhiệm” (l’archane)[51] kỷ luật “bí nhiệm” thời Thánh Augustin (khác với thời bắt đạo có ý giấu kín những mầu nhiệm về đạo không cho kẻ bách hại biết) có mục đích che giấu những thực tại thần bí thiêng liêng để dùng lời giảng bảo đảm cho giáo hữu và tân tòng khao khát những thực tại đó. Đây là một phương pháp sư phạm quen thuộc trong các tôn giáo bí nhiệm (religions à mystères).

* Mạc khải nhiệm tích: Lời giảng còn phải mạc khải chính thực tại mầu nhiệm thiêng liêng (“res”) mà bí tích che dấu nữa.

b. Lời rao giảng đối với chính Giáo hội

– Đối với Thánh Augustin lời rao giảng và những việc lành của các tín hữu là mặt nổi của mầu nhiệm Giáo hội. Chính việc rao giảng luân lý sẽ thúc đẩy tín hữu làm chứng về Giáo Hội và dẫn đưa lương dân đến mầu nhiệm Giáo Hội.[52] Lời giảng mạc khải điều mà các bí tích che dấu.[53] Hình ảnh cây Thánh Giá (=): Bí tích Rửa tội và Thánh thể là những phần bị che dấu (rễ) của cây Thánh giá, những phần sâu xa nhất cắm ngầm dưới đất và từ đó mọi cái khác đều tùy thuộc; Cái khác đó là những việc lành phúc đức mà các Kitô hữu bày tỏ cho lương dân thấy.

c. Lời rao giảng đối với Thánh Kinh

– Lời rao giảng nhân thừa Thánh Kinh. Trường hợp của Tin Mừng Thánh Gioan trong Tân Ước song hành với cuốn Thánh Vịnh trong Cựu Ước.

– Cuốn Thánh vịnh quan trọng ở chỗ vừa là Lời Thiên Chúa (mạc khải) vừa là Kinh nguyện của Giáo hội (lời trả đáp). Tin Mừng Thánh Gioan vừa là một lời của Thiên Chúa, vừa là một ẩn dụ (parabole), một lời Chúa phán (Oracle) nhưng cũng là một bài diễn giải (discours) của tác giả. Thánh Kinh là thế, vì vậy mà giảng viên có phận sự trong khi thuyết giảng phải làm cho Lời Chúa đem lại kết quả. Ta có thể trưng một tỉ dụ: một cuốn phim hay rút ra từ một quyển tiểu thuyết tốt (hay). Cuốn phim không đem lại gì cho cuốn tiểu thuyết, nhưng nó làm cho cuốn tiểu thuyết in sâu vào tâm khảm của khán giả. Điều này đưa chúng ta ta đến hai định đề sau đây:

ĐỊNH ĐỀ I:

– Thánh Kinh được linh ứng: Chính tác giả Thánh được linh ứng, tuy nhiên cả cuốn Thánh Kinh cũng tràn đầy Chúa Thánh Thần, nghĩa là được linh hứng đến độ trở thành linh hứng cho người đọc bằng cách chiếu giãi ánh sáng Thánh Thần vào lòng họ. Thánh Kinh là một mầm mống làm nẩy sinh Thánh Thần, và việc rao giảng có nhiệm vụ làm nẩy sinh Chúa Thánh thần hiện diện sau mặt chữ của Thánh Kinh.

ĐỊNH ĐỀ II:

Sức ảnh hưởng của giảng viên trên thính giả chỉ là sự đồng tình của cả đôi bên với Thánh Thần. Nhà giảng thuyết công bố và chú giải Lời Chúa chỉ có thể làm cho Thánh Kinh thấm nhập vào tâm hồn tín hữu nếu có Chúa Thánh Thần làm việc đó với ngài và qua ngài. Vì thế để lời rao giảng có công hiệu, giảng viên phải thực sự trở thành “đồng lõa” với Thánh Thần; đòi hỏi này cũng thật về phía thính gỉa nữa.

VI. MỘT ÍT VẤN ĐỀ XUNG QUANH VIỆC TRỞ LẠI CỦA THÁNH AUGUSTIN

A . VẤN ĐỀ TÀI LIỆU

Chính Thánh Augustin đã tâm sự với chúng ta về việc ngài trở lại trong cuốn “Les Confessions” “tuyên xưng” (tự thuật, tự thú). Cuốn sách này đặt ra cho chúng ta hai vấn đề:

– a/. Đây có đích thực là một cuốn tâm sự không?

– b/.Phải chăng cuốn “tuyên xưng “ chỉ là một lời nói dối?

1. Cuốn “Tuyên xưng” có đích thực là một cuốn tâm sự không?

– Theo ý nghĩa mới ngày nay thì không. Thánh Augustin đã không viết nhật ký và cuốn “tuyên xưng” không thuộc loại văn nhật ký. Đây có thật là một lời tự thú không? Không, càng không phải là một cuộc “bày hàng’ hay triển lãm những điều ô nhục của tuổi thanh xuân. Cũng không phải là một cuộc thẩm vấn lương tâm hay xét mình. Nếu phải xếp loại cuốn “Tuyên xưng” thì ta phải nói đây là một cuốn sách tán dương (apologie) không phải Giám mục thành Hippone mà tán dương Thiên Chúa về Giám mục thành Hippone mà đời sống quá khứ đã là đối tượng của biết bao ngạc nhiên với các tín hữu và gương mù nơi người lạc giáo và lương dân.

Ý nghĩa tổng quát thời Thánh Augustin đã được chính người ghi lại trong “Tract. in Joannem XXVI, 2” như sau: “Hoc est enim confiteri dicere quod habes in corde”. Thánh Augustin nói những điều ngài có trong tâm hồn nhưng không phải về mình mà về Thiên Chúa. Đấng tâm phúc duy nhất. Như vậy, “Những lời tuyên xưng là chính cuốn đàm thoại với Thiên Chúa thấm nhuần lòng khiêm nhường và biết ơn”. Phân tích tiếng “Confiteri” trong tiếng Latin Kitô giáo gợi lên ý nghĩa đầu tiên là “Tuyên xưng ca ngợi (1)” (Confession de louange): Đây là lời ngợi khen Thiên Chúa, theo kiểu nói của Thánh Vịnh: “Confitemini Domino quoniam bonus (est)”. Nhưng những lời ca ngợi này Thánh Augustin đã xướng lên bởi nhận biết mình là người tội lỗi vì thế đây cũng là một lời “xưng thú tội lỗi (2)” (Confession de péchés). Và lời xưng thú này sau cùng đã trở thành một lời “Tuyên xưng Đức Tin (3)” (Confession de Foi). Đó là ba ý nghĩa của tiếng “Confiteri”: ca ngợi Thiên Chúa vì đã cứu Augustin khỏi con đường tội lỗi, đã làm cho người biết xưng thú tội lỗi mình và sau cùng biết tuyên xưng lòng tin nơi Thiên Chúa. Đây là một lời tuyên xưng theo nghĩa Kinh Thánh: Ngợi khen, thú tội và tuyên tín. Thánh Augustin đã có thiên tài biến nó thành lời tâm sự không phải để thổ lộ tội lỗi mà để tiết lộ tâm hồn cầu nguyện của ngài khi đối diện với Thiên Chúa.[54] Đây là một lời ngợi khen gắn liền với một lời cầu nguyện (đạo đức) cá nhân… đã làm nên tâm hồn tôn giáo trải qua các thế hệ đặc biệt là thời Trung cổ.

Ở đây Augustin đã khám phá ra cách cầu nguyện của Thánh Vịnh: đây đúng thật là một người thổ lộ tâm hồn, nhưng để làm việc này họ lại mượn lấy chính lời của các Thánh Vịnh. Đúng thật là một lời tuyên xưng cá nhân, nhưng lại được diễn đạt bằng lời Kinh của Giáo Hội.[55]

Chính vì vậy mà cả những khi Augustin nói về tội lỗi, lời lẽ ngài đã không bao giờ thô bỉ sống sượng mà còn hoàn toàn đượm mầu đạo đức nữa.

2. Phải chăng cuốn “Tuyên xưng” chỉ là một lời nói dối, nói xạo?

Đây là một lời tuyên chứng của Augustin về việc trở lại của ngài. Nhưng lời tuyên chứng này khá muộn mằn (năm 396-397), nghĩa là phỏng 10 năm sau ngày Augustin trở lại (24/25-4-387) và tác giả bây giờ là một Giám mục Công giáo viết về quá khứ của Thanh niên Augustin với cái nhìn của một thần học gia. Chính Augustin đôi khi cũng nói cho chúng ta là: “dĩ nhiên là những sự việc không xẩy ra hoàn toàn như vậy”.

Thế nên nhiều học giả đã đặt nghi vấn về sự thành thực của cuốn “Tuyên xưng”, trong đó phải kể Harnack, Schmid, Becker, Alpharic và đặc biệt là Picagnol. Nhưng Courcel trong cuốn sách rất thế giá của ông nhan đề là “Recherche sur les Confessions” đã dựa trên các tác phẩm khác của Augustin để minh chứng và kết luận về sự thành thật của ngài, và nhờ ông ngày nay người ta thừa nhận là: nói một cách tổng quát (chứ không phải theo từng chi tiết) cuốn “tuyên xưng” đã phản ảnh một cách trung thực cuộc hành trình thiêng liêng của Augustin. Sự thật tổng quát đây là một sự thật xét về chiều sâu và liên hệ đến nội dung tinh thần của những sự việc hay biến cố cụ thể trong đời sống của Augustin. Cuốn “tuyên xưng” với ý nghĩa Thánh Kinh là một lời tâm sự tôn giáo với những lời lẽ của Thánh Vịnh có mục đích diễn đạt nội dung thiêng liêng của những sự kiện cụ thể. Vì thế chúng ta có thể sử dụng nó như một lời tuyên chứng về bề sâu của Thánh Augustin nói về việc trở lại của chính ngài.

B. AUGUSTIN LÀ MỘT NGƯỜI “TRỞ LẠI” (CONVERTI) THEO Ý NÀO?

Augustin là một người đã chịu phép Rửa tội muộn và trong điều này ngài cũng giống rất nhiều Giáo phụ khác; nếu nói về đời sống tội lỗi thì cũng thế.[56] Vậy ngài không phải là một lương dân tòng giáo mà chỉ là một người Rửa tội muộn, vì trong thời gian sống tội lỗi ngài là một người “dự tòng” (Cathéchumène),[57] mà người dự tòng đã là một Kitô hữu (chrétien ) rồi, mặc dầu cần phải có bí tích Rửa tội mới biến họ thành một tín hữu (fidèle) đích danh.

Ta có thể tóm lược việc “trở lại” của Augustin như sau: đó là cuộc trở lại từ một sự xa lìa về lý tưởng (un éloignement d’idéal), một sự xa lìa về tinh thần (un éloignement intellectuel), và một sự xa lìa về Tôn giáo (un éloignement religieux):

1. Xa lìa về lý tưởng:[58]

Tôi mài miệt theo đuổi danh vọng, tiền tài lợi lộc thế tục, và chạy theo hôn nhân.

2. Xa lìa về tinh thần:[59]

Khước bỏ cuốn Kinh Thánh (Cựu Ước): Thánh Kinh đối với tôi lúc đó không xứng đáng được đặt ngang hàng với phẩm giá của Cicéron (triết học).

3. Xa lìa về tôn giáo:[60]

Augustin đã theo phái Mani, theo ngài nói thì vì phái này đã giải thích vấn đề sự dữ (duy lý?). Nhưng có lẽ ngài đã xa lìa Kitô giáo để theo Mani giáo là vì lạc giáo này luôn luôn nói đến Thiên Chúa, đến Đức Kitô và đến Đấng Paraclet (Chúa Thánh Thần): “Một sự pha trộn được làm thành bởi những vần của Tên Chúa, của đấng Paraclet và của Đức Giêsu Kitô, những tên đó họ (những người theo Mani thuyết) luôn luôn có trên miệng”.

C. NHỮNG NGƯỜI ẢNH HƯỞNG

Những nhân vật đương thời đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc trở lại của Augustin là:

1. Thánh Ambroise

Vai trò của ngài quan trọng nhất và có giá trị quyết định trong việc trở lại của Augustin. Chính ngài đã phá vỡ mọi trở ngại trước đây đã làm Augustin lùi bước trước Kitô giáo:

a/. Lời giảng dạy của Thánh Ambroise đã làm Augustin nhận ra phẩm giá của Kitô giáo:[61] Augustin cho là Thánh Kinh (Cựu ước) có giọng nói quá bình dị và dùng những hình ảnh quá sỗ sàng về Thiên Chúa. Đàng khác còn bảo “con người là hình ảnh của Thiên Chúa” vậy chẳng hóa ra Thiên Chúa là vật chất hay sao? Những bài giảng của Ambroise đã giải thích phải hiểu con người là hình ảnh của Thiên Chúa theo nghĩa nào và nhờ đó Augustin đã nhận ra phẩm giá đích thực của Kitô giáo.

b/. Thánh Ambroise đã mở toàn bộ Thánh Kinh Cựu ước cho Augustin, đã cho ngài một chìa khóa để đọc Thánh Kinh Cựu ước theo ý nghĩa thiêng liêng:[62] Thế là không còn tiếng nào trong Cựu ước gây trở ngại cho ngài nữa.

c/. Thánh Ambroise sẽ dạy cho Augustin một giáo lý Kitô giáo đượm mầu Tân thuyết Platon. Ngoài ra ngài còn luôn động viên và an ủi bà Monica trong việc cố gắng đưa con mình (coi ở trên) về đàng ngay nẻo chính: “một đứa con của bằng ấy nước mắt không thể nào hư mất được!”.

2. Thánh Simplicien[63]

Nhân vật thứ hai là thánh Simplicianô, người đã dạy đạo cho Thánh Ambrosiô, rồi khi ngài làm Giám mục lại trở thành cộng tác viên và thầy dạy thần học cho ngài; sau cùng đã kế vị ngài làm Giám mục Milan. Augustin đã đi lại với Simplicien và ngày kia được ngài cho biết là nhà hùng biện Marius Victorinus tại Roma đã tòng giáo, việc này đã ảnh hưởng không ít đến việc trở lại của Augustin. Linh mục Simplicien cũng là con người thấm nhuần tân thuyết Platon: “Tất cả đều làm ta nghĩ tới Thiên Chúa và ngôi Lời của ngài”.

3. Người ta (Courcel) còn nói đến một nhân vật thứ ba là Théodorus. Thánh Augustin không nói đến người này, có lẽ vì ông đã bỏ đạo và theo lạc giáo (?).

D. VẤN ĐỀ ƠN KÊU GỌI CỦA AUGUSTIN

– Một trật với phép Rửa tội, Augustin đã chấp nhận sống trinh khiết trọn vẹn. Ngài cảm thấy được gọi để làm tôi Chúa trong bậc tu trì chiêm niệm và khó nghèo, nhưng không hề nghĩ đến việc làm Linh mục. Tuy nhiên đời sống ẩn dật của ngài đã chỉ kéo dài không đầy 4 năm, thì như bị Chúa bắt cóc, qua “vox populi” phải miễn cưỡng chấp nhận trở thành Linh mục rồi Giám mục. Dầu sao suốt đời giữa trăm ngàn công việc mục vụ ngài vẫn thèm khát và cố gắng giữ được nếp sống của những người sống trong bậc tu dòng.[64]

***

PHỤ TRƯƠNG

THÁNH AUGUSTIN

 

1. – Con kiếm cho mình một người đàn bà khác…

Tuy nhiên tội lỗi con ngày càng chồng chất. Khi người phụ nữ đã quen chung chăn sẻ gối với con [việc chung sống là một tình trạng gần như đã được nhìn nhận và sự chung thủy của bà ta là một á nhân đức (semi-vertu)] bị giựt khỏi con như một trở ngại cho cuộc hôn nhân, thì điều đó khiến cho trái tim con, trái tim mà cô ta từng gắn bó, tan nát, mang lấy vết thương và cứ mãi rướm máu. Nàng trở về Phi châu khi đã hứa với Chúa sẽ không biết một người đàn ông nào khác và để lại cho con đứa con sinh ra từ cuộc sống chung ấy.

Nhưng con, trong nỗi bất hạnh của mình, con đã không thể theo gương người phụ nữ. Vì con chẳng phải là người yêu thích hôn nhân cho bằng là tên nô lệ lạc thú, con không thể chịu đựng nổi cái kỳ hạn theo đó hai năm sau con mới cưới người phụ nữ con mong ước, nên con đã kiếm cho mình một đàn bà khác, không hề là vợ, để một cách nào đó nuôi dưỡng và kéo dài cơn bệnh của tâm hồn con, một cơn bệnh vẫn còn y nguyên,hay đã nặng thêm, do một thói quen con còn giữ mãi cho đến khi cưới. Nhưng điều đó không thể chữa lành vết thương sâu nặng mà sự giựt bỏ ngày trước gây ra: sau cơn đau cháy bỏng và dữ dội, vết thương đã mưng mủ và niềm đau như càng thêm băng giá và tuyệt vọng hơn.

Xin chúc tụng Chúa, xin tôn vinh Danh Ngài, lạy nguồn mạch xót thương. Phần con, con đã trở nên khốn khổ hơn, còn Chúa lại gần gũi hơn. Giữa lúc đó cánh tay phải của Ngài ở đó giựt thoát con khỏi bùn nhơ và rửa sạch, nhưng con lại không hay biết. Chỉ có nỗi sợ hãi trước cái chết và sự phán xét mai sau của Chúa mới khiến con tránh rơi sâu hơn vào hố thẳm của thú vui xác thịt, một nỗi sợ hãi vẫn hằng canh cánh bên lòng qua bao nhiêu bước đường lầm lạc rõ ràng trong tư tưởng của con.[65]

2. – Từ tác phẩm Hortensius đến Plotin

Từ tuổi 19, sau khi đọc một tác phẩm của Cicéron mà người ta gọi là “Hortensius” tại trường của nhà tu từ, lòng tôi cháy bừng ngọn lửa yêu mến đối với triết học, đến nỗi tôi dự tính sẽ miệt mài với nó, không trì hoãn. Nhưng con đường tìm kiếm của tôi không thiếu mây mù làm lạc lối. Phải thú nhận rằng trong một thời gian dài, tôi đã để mình bị dẫn dắt trong lầm lạc, khi dán mắt vào các vì sao băng mình trong khoảng mênh mông. Quả vậy, một nỗi ngại ngùng trẻ con khiến tôi thấy sợ sự tìm kiếm đích thực, Khi tôi chỗi dậy và xua tan những bóng tối đó, tôi cảm thấy xác tín rằng, phải tín nhiệm những người dạy dỗ hơn là những người áp đặt. Tôi rơi vào tay những người nắm giữ thứ ánh sáng mà người ta nhìn thấy bằng mắt, đôi mắt được xem như xứng đáng với sự phụng thờ dành cho các thực tại tối cao và thần linh. Tôi không tán thành, nhưng tôi nghĩ rằng họ che giấu sau những bức màn đó một điều gì đó lớn lao mà họ sẽ đến vén mở. (Ở đây, Augustin gợi lại kinh nghiệm về thuyết Manichée của Ngài trước khi nói về những người theo triết thuyết Platon). Nhưng, khi đã hiểu rõ họ, tôi trốn thoát ra đi, nhất là khi băng qua biển cả, chính những người theo thuyết Platon đã kìm giữ bánh lái thuyền tôi giữa trùng khơi, phải chống chọi với muôn sóng gió.

Sau đó, tôi đã đến miền đất tôi đang ở. Tại đây tôi học biết phải tín thác vào ánh sao nào. Thật vậy, qua những cuộc trao đổi với Đức Giám mục của chúng ta, cũng như qua một vài lần nói chuyện với Ngài (Augustin nói với Mallius Théodorus, một lãnh sự, là Kitô hữu, chịu ảnh hưởng triết Platon), tôi hiểu ra rằng Thiên Chúa chỉ có thể quan niệm như là Đấng vô hình vô thể (incorporel), linh hồn cũng vậy, và trong số các hữu thể, chỉ có linh hồn là gần với Thiên Chúa hơn. Nhưng xin thú nhận rằng, lúc đó sự lôi cuốn của đàn bà và danh vọng đã ngăn cản tôi lao nhanh vào khung trời triết học. tôi dự tính đạt cho được những lợi thú đó trước rồi cuối cùng, như một số kẻ đã no đầy có thể thực hiện, tôi sẽ hết sức giương cánh buồm, tung cánh, bay vào cảnh vực triết học và an nghỉ trong đó.

Nhưng, sau khi đọc một ít sách của Plotin mà tôi biết ngài cũng rất ham thích, sau khi đã hết sức đối chiếu và dựa vào thẩm quyền của những người đã trao cho chúng ta các mầu nhiệm thánh, thì lòng tôi như thiêu đốt, đến nỗi tôi muốn cắt bỏ mọi dây neo ràng buộc, nếu như lòng quí mến của tôi đối với một số người không làm tôi băn khoăn nghĩ ngợi.[66]

3. – Từ Plotin tới thánh Phaolô

Thế rồi, một cuốn sách thật tràn đầy, nói như Cellinus, đã đổ trên chúng tôi những hương thơm của xứ Ả rập và nhỏ xuống trên ngọn lửa bé nhỏ này những giọt tinh dầu quí giá. Thật không tin nổi, thưa Ngài Romanianus, thật không tin nổi, và vượt xa những gì Ngài có thể tưởng về tôi. Biết nói sao nữa? Đối với tôi, đối với con người tôi, đám lửa sáng rực mà những giọt tinh dầu đó làm bừng lên, thật không tin nổi. [Những cuốn sách được đề cập ở đầu đoạn là những tác phẩm của những người theo triết thuyết Platon. “Ngọn lửa bé nhỏ” là sở thích triết học, nay có phần phai lạt, đã từng sưởi ấm Augustin trước khi Ngài khám phá ra Plotin. Ở đây, Ngài bộc lộ niềm hứng khởi của mình với Romanianus, bạn và là ân nhân của Ngài. Trong cuốn “Rétractations”, sự ngưỡng mộ này giảm đi ]. Từ nay, có thứ danh dự, danh vọng thế nhân nào, có thứ thèm khát nào, có thứ vinh hoa phù phiếm nào, có thứ quyến rũ, quyến luyến nào trong cõi đời này có thể chạm đến tôi được? Ngay lập tức, tôi vội vã trở về với lòng mình. Thú thực rằng, tôi chỉ liếc nhìn qua cái tôn giáo vốn đã được cấy trồng trong tôi từ thuở ấu thơ, và như đã ăn sâu đến tận xương tủy, chính tôn giáo đó mới là điều lôi cuốn tôi mà tôi nào có hay. Và thế là, tôi lảo đảo, hết sức vội vàng nhưng cũng thật do dự, cầm lấy sách Tông đồ Phaolô, tôi tự nhủ, những người này hẳn không thể làm những việc lớn lao đến thế, không thể sống như họ chắc chắn đã sống, nên Thánh Kinh và giáo thuyết của họ laị mâu thuẫn với một sự thiện lớn lao dường ấy. Tôi đã đọc trọn cuốn sách một cách rất chăm chú và với tâm hồn hết sức trong sáng.[67]

4. – Lòng khao khát chiêm ngắm

2. Ôi Thiên Chúa Đấng sáng tạo vũ hoàn. Xin ban cho con, trước hết, được biết nguyện cầu cùng Ngài cho nên,cho con xứng đáng được nhận lời và sau cùng xin cho con được giải thoát (…). Ôi Thiên Chúa, người Cha của chân lý, của khôn ngoan, người Cha của sự sống đích thật và tối thượng, người Cha của chân hạnh phúc, của Thiện và Mỹ, người Cha của ánh sáng khả tri, của sự thức tỉnh và giác ngộ của chúng con, người Cha của những lời hứa khiến chúng con dạn dĩ trở lại cùng Ngài.

3. Con cầu khấn cùng Ngài, Ôi lạy Thiên Chúa chân lý; trong Ngài, vì Ngài và nhờ Ngài mà tất cả những gì chân thật là chân thật, Thiên Chúa khôn ngoan, trong Ngài, vì Ngài và nhờ Ngài, tất cả những gì khôn ngoan là khôn ngoan (…) Thiên Chúa mà vương quốc của Ngài là tất cả thế giới mà giác quan chúng con không hay biết (…). Ôi lạy Thiên Chúa, Đấng mà nếu quay lại với Ngài chúng con sẽ chỗi dậy, lưu lại trong Ngài chúng con sẽ đứng vững. Thiên Chúa, Đấng mà nếu rời bỏ Ngài chúng con sẽ chết, trở lại cùng Ngài, chúng con sẽ sống lại và cư ngụ nơi Ngài chúng con được sống. Ôi Thiên Chúa, Đấng mà chẳng ai mất Ngài nếu đã không lầm lạc, Đấng mà không ai tìm kiếm nếu không được Ngài đón trước, và không ai gặp được nếu đã không nên thanh sạch tinh tuyền. Oi Thiên Chúa, từ bỏ Ngài và chết, chỉ là một. Hướng về Ngài và yêu Ngài, chỉ là một. Lạy Thiên Chúa, niềm tin thúc đẩy chúng con đến với Ngài, niềm hi vọng nâng chúng con lên cùng Ngài và niềm yêu mến liên kết chúng con với Ngài (…).

5. Này đây, con yêu Ngài, chỉ mình Ngài mà thôi. Con theo Ngài, chỉ mình Ngài mà thôi, con tìm kiếm Ngài, chỉ một mình Ngài; vì chỉ mình Ngài mới đúng là vị Tôn sư. Con khao khát tùy thuộc vào Ngài (… ) Xin xua trừ sự điên rồ khỏi con để con được nhận biết Ngài. Xin nói cho con phải quay về đâu để khám phá ra Ngài và con hi vọng sẽ chu toàn tất cả những gì Ngài truyền phán (…).

6. (…) Ôi lạy Cha, xin cho con tìm kiếm Ngài và giải thoát con khỏi lầm lạc. Ước gì trong cuộc tìm kiếm, ngoài Ngài ra con không tìm kiếm bất cứ điều gì khác. Nếu quả con không khao khát gì ngoài Ngài thì, ôi lạy Cha, con nguyện xin Ngài cho con được tìm thấy Ngài. Và nếu trong con còn đọng lại niềm khao khát vô ích nào đó, thì xin chính Ngài hãy gột bỏ khỏi con và làm cho con có thể nhìn thấy Ngài.[68]

N.B.: Lời cầu nguyện tốt đẹp này, được dâng lên Thiên Chúa của các triết gia, hãy cònnặng màusắc của triết Platon. Tuy nhiên, một vài đề tài Kitô giáo và thậm chí đặc thù của Augustin đã xuất hiện: những nhân đức chính (bản đức), việc tìm kiếm Thiên Chúa, vai trò của ân sủng..

5. – Nội tâm hoá: “Điều tôi yêu khi tôi yêu Thiên Chúa”

Lạy Chúa, con ý thức chắc chắn chứ không nghi ngờ rằng con yêu Ngài. Chúa đã đánh động trái tim con bằng Lời của Chúa và con đã yêu Chúa. Nhưng bầu trời, trái đất và mọi điều chúng chứa đựng, tất cả đều nói với con: Hãy yêu Ngài, chúng không ngừng nói điều đó với tất cả mọi người để họ không còn lời bầu chữa…

Nhưng con yêu gì khi yêu Ngài? Đó không phải là vẻ đẹp của một thân hình, không phải sự quyến rũ của một khoảnh khắc, không phải vẻ huy hoàng của một làn ánh sáng, vốn thân quen với con mắt con, cũng chẳng hải sự dịu dàng của những giai điệu trữ tình được hát trên mọi cung bậc, không phải hương của hoa, của dầu hay hương liệu, chẳng phải man na, chẳng phải mật ông, cũng không phải những tay chân khéo léo trong vòng ôm xác thịt, không, đó không phải là điều con yêu khi con yêu Chúa của con. Nhưng dầu vậy con vẫn yêu một làn ánh sáng, một giọng nói, một hương thơm, một của ăn, một xòng tay ôm nào đó khi con yêu Chúa của con; ánh sáng, giọng nói, hương thơm, của ăn, vòng tay ôm của con người nội tâm của con, nơi rực sáng trên tâm hồn con điều mà không gian không chứa đựng, nơi ngân vang điều thời gian không cướp mất, nơi tỏa ngát điều hơi gió không làm tan bay, nơi được thưởng nếm thứ của ăn mà sự nghiến ngấu không làm vơi cạn, nơi nới vòng tay ghì siết mà sự thỏa mãn không làm buông lơi. Đây là những gì con yêu khi con yêu Thiên Chúa của con.[69]

Tất cả được nội tâm hoá trong “lâu đài của ký ức” và con người tìm thấy mọi sự ở trong mình cùng với Thiên Chúa.

6. – Bản “Qui luật Đan Viện” Thagaste

Anh em rất thân mến,trước tiên chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa, và rồi, hãy yêu mến anh em như vậy, bởi đó là những giới luật đầu tiên được ban cho chúng ta.

Đây là cách chúng ta phải cầu nguyện hay đọc Thánh vịnh. Buổi sáng, chúng ta sẽ đọc ba thánh vịnh: 62, 5 và 89 (…)

Sẽ làm việc từ sáng tới Kinh giờ thứ Sáu trưa (Sexte), từ giờ kinh trưa đến Kinh giờ thứ chín (None) chúng ta đọc sách (…).

Đừng ai đòi điều gì như của riêng mình, – đừng đòi áo cũng đừng đòi bất cứ vật gì, vì chúng ta đã chọn sống cuộc đời tông đồ (Cv. 4,32).[70]

7. – Qui luật của Đan Viện Hippone

(Đan viện của giáo dân theo Possidius)

Sau khi thụ phong Linh mục, Augustin đã sớm thiết lập một đan viện trong khuôn viên nhà thờ và bắt đầu sống với những tôi tớ Chúa theo đời sống và những thể thức được thiết lập dưới thời các Tông Đồ: Trước hết, trong cộng đoàn này không ai sở hữu bất cứ điều gì làm của riêng, nhưng với họ tất cả là của chung và được phân chia cho từng người theo nhu cầu của họ (Cv. 4, 32 và 35) đó là điều mà chính Ngài đã thực hiện trước tiên, khi Ngài từ hải ngoại trở về với phần sản nghiệp của mình.[71]

8. – “Chỉ thị” (Instruction)

Đây là những điều chúng tôi truyền cho anh em là những người đến ở trong đan viện phải tuân giữ.

Trước hết hãy đồng lòng ở trong một nhà (Ps 67, 7) và hãy có chỉ một tâm hồn, chỉ một tấm lòng hướng về Thiên Chúa (Cv. 4,32) bởi chính vì đó mà anh em tập hợp thành cộng đoàn.

Anh em đừng nói: cái này thuộc về tôi; nhưng chớ gì giữa anh em, mọi sự đều là của chung. Vị huynh trưởng của anh em phải phân phát cho từng người trong anh em cơm ăn và áo mặc, không phải mọi người đồng đều với nhau, nhưng đúng hơn, cho mỗi người theo nhu cầu của họ vì không phải tất cả anh em đều có sức khỏe như nhau. Thật vậy, đó là điều anh em đọc thấy trong sách Công vụ: “Giữa họ, tất cả là của chung, và người ta phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 4, 32 và 35).

Những ai có chút của cải gì lúc còn ở ngoài đời, thì khi vào đan viện họ sẽ tự nguyện để điều đó trở nên của chung cho mọi người.

Về phần những ai không có của cải gì, thì họ đừng tìm kiếm trong đan viện điều mà ngay ở ngoài đời họ đã không thể có được. Nhưng người ta sẽ phân phát điều cần thiết cho sự yếu nhược của họ, dẫu rằng, vì nghèo túng họ không được điều đó lúc còn ở ngoài đời. Chỉ cần họ tránh đừng tự coi là mình hạnh phúc vì đã có được một chế độ ăn uống và những áo quần mà họ không thể tìm được ở bên ngoài (…).

Nhưng mặt khác, những ai được trọng vọng lúc còn ở thế gian thì đừng khinh thị những người anh em mình đã từ trong nghèo khó đến với cộng đoàn thánh thiện này. Họ hãy cố gắng lấy làm vinh dự về cộng đoàn những anh em nghèo, hơn là vinh quang về chức vị của cha mẹ giầu sang (…)

Vậy tất cả anh em hãy sống trong sự đồng tâm và hoà hợp, và anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa ở trong nhau, vị Thiên Chúa mà anh em đã trở nên đền thờ của Người (1Cr 3, 16…) (…)

Nếu người ta có dành một chế độ ăn uống đặc biệt cho những người bị suy yếu đi do những thói quen ngày truớc của họ thì chớ gì những người khỏe mạnh hơn nhờ những thói quen khác đừng lấy làm khó chịu hay cảm thấy bất công. Và chớ gì họ đừng coi những người khác là hạnh phúc hơn vì được nhận điều mà chính họ không nhận, đúng hơn, họ hãy lấy làm vui mừng vì sức khỏe mà những anh em khác không được hưởng.[72]

9. – Chỉ thị và việc sửa đổi cho thích hợp với phụ nữ (thư 211).

“CHỈ THỊ” đã được chép lại nguyên văn cho các phụ nữ lúc Thánh Augustin còn sống. Hình thức cuối cùng của bản này không còn như bản nguyên thủy, nó đã có thêm một số điểm bổ túc, biến cải.

“CHỈ THỊ”

Sao cho y phục của anh em đừng lôi kéo sự chú ý; đừng nhắm làm vui lòng người bằng áo quần nhưng bằng cách sống của anh em.

Khi anh em đi đâu, hãy đi chung với nhau; khi anh em đến nơi mình muốn tới, hãy ở chung với nhau (…)

Tình thương mến ở giữa anh em phải là tình thương mến thiêng liêng chứ không phải tình thương theo xác thịt.[73]

THƯ 211

Sao cho y phục của chị em đừng lôi kéo sự chú ý. Đừng nhắm làm vui lòng người bằng áo quần nhưng bằng cách sống của chị em. Voan trùm đầu của chị em đừng mỏng manh quá đến nỗi còn thấy được phía dưới mạng che. Bất cứ ở đâu cũng đừng để tóc lộ ra; đừng vì cẩu thả mà để tóc xoà ra bên ngoài, cũng đừng sắp xếp nó cách giả tạo.

Khi chị em đi đâu, hãy đi chung với nhau; khi chị em đến nơi mình muốn tới, hãy ở chung với nhau (…)

Tình thương mến ở giữa chị em phải là tình thương mến thiêng liêng chứ không phải tình thương theo xác thịt. Thật vậy, điều mà người ta làm, quên cả ngượng ngùng ngay cả giữa phụ nữ với phụ nữ, về những chuyện đùa cợt không xứng đáng, những trò chơi giỡn, thì không chỉ các goá phụ và những nữ tì hoàn toàn trong trắng của Chúa đã sống trong lời tuyên thệ thánh thiện phải tránh mà nói chung ngay cả các phụ nữ có chồng và các thiếu nữ sẽ tiến tới hôn nhân.[74]

10. – Trách nhiệm và lòng khiêm hạ của một Giám mục: Mục tử và con chiên, Thầy và môn đệ

“Cho anh em, tôi là Giám mục, với anh em tôi là Kitô hữu”

Nếu theo cái nhìn vật chất bên ngoài thì các Giám mục được đặt ở một vị trí trên cao, nhưng đó là để các Ngài có thể chăm chú “chăm nom”, và có thể nói, để bảo vệ dân (…). Đối với chúng tôi, ngồi ở vị trí cao trọng như vậy, sẽ có điều hết sức nguy hiểm là chúng tôi phải trả lẽ về việc, khi ngồi chỗ cao, chúng tôi có luôn mang tâm tình khiêm hạ, đặt mình dưới chân anh em, khẩn xin cho anh em trong kinh nguyện của chúng tôi, xin Đấng thấu suốt lòng dạ để chính Ngài gìn giữ anh em… Vậy chúng tôi bảo vệ anh em như thế nào? Như con người thực của chúng tôi, nghĩa là hết sức chúng tôi, hết những gì chúng tôi đã lãnh nhận để chu toàn trách vụ đó. Và bởi vì chúng tôi bảo vệ anh em với con người thực của chúng tôi, và vì chúng tôi lại không thể là những người bảo vệ hoàn hảo, vậy phải chăng đó là lý do khiến anh em không có người bảo vệ? Lạy Chúa, đâu phải như vậy! Nếu thế thì Đấng mà có lời nói về Ngài: “Thành kia mà Chúa không gìn giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm” (Tv. 126, 1). Ngài sẽ ở đâu? chúng tôi làm việc để bảo vệ, nhưng lao khổ của chúng tôi cũng hoài công nếu Ngài, Đấng thấu suốt tư tưởng anh em, lại không gìn giữ. Nhưng, dù anh em thức hay dù anh em ngủ, Ngài vẫn hằng canh giữ anh em.

Thật vậy, Ngài đã ngủ một lần trên thập giá, và Ngài đã phục sinh. Tư nay, Ngài không còn ngủ nữa. Anh em hãy là Israel: “Vì Đấng canh giữ Israel không chợp mắt, và cũng chẳng ngủ quên” (Tv. 120,4). Vậy thưa anh em, nếu chúng ta muốn được gìn giữ “dưới bóng cánh” của Ngài (Tv. 16, 8), chúng ta hãy trở nên Israel.

Chúng tôi quả là người bảo vệ anh em, xem đó như là bổn phận nằm trong trách vụ của chúng tôi, nhưng chúng tôi muốn chính mình cũng được gìn giữ cùng với anh em. Theo một nghĩa, quả thực chúng tôi là mục tử cho anh em, nhưng dưới cây gậy của cùng một vị Mục tử, thì chúng tôi là con chiên cùng với anh em. Theo một nghĩa, từ chỗ đứng này, chúng tôi là những người giảng dạy cho anh em, nhưng dưới sự hướng dẫn của vị Thầy độc nhất, thì tại đây, chúng tôi ở dưới cùng một mái trường với anh em, và chúng tôi là bạn đồng môn với anh em.[75]

[ Ý tưởng cùng đi với các tín hữu, cùng ở dưới một mái trường, cùng có chung một vị Thầy ở trên trời, còn trở lại trong các “Bài giảng” (Les Sermons, 198, 5, PL 38, 1367, cf 261, 2, PL 38, 1203). Cũng ở đó, thánh Augustin nói Ngài là Giám mục cho các tín hữu và cùng với họ Ngài là Kitô hữu (Những bản văn này được Césaire d’Arles lấy lại) ]

Từ khi Thiên Chúa đặt trên vai tôi một gánh nặng thật khó chu toàn, lòng tôi rất âu lo khi nghĩ đến vinh dự đó.

Vậy điều gì khiến chúng tôi sợ hãi trong trách vụ Giám mục? Chúng tôi sợ bị lôi cuốn trước một mối nguy, khi cho mình được vinh dự, hơn là trước điều sinh ích lợi, khi mang ơn cứu độ đến cho anh em (…). Điều tôi là cho anh em làm tôi kinh hãi, điều tôi là cùng với anh em, lại khiến tôi được an ủi: vì cho anh em, tôi là Giám mục, cùng với anh em tôi là Kitô hữu. Tước hiệu thứ nhất là của trách vụ đã lãnh nhận, tước hiệu thứ hai là của ân sủng. Tước hiệu đầu nói lên mối nguy hiểm, tước hiệu sau nói lên ơn cứu độ.[76]

11. – Hai khía cạnh của thuyết Manichée

Mani khẳng định hai nguyên lý, khác biệt nhau và đối lập với nhau, nhưng cùng là vĩnh cửu và đồng vĩnh cửu, nghĩa là đã luôn luôn hiện hữu. Ong cũng đưa ra hai bản tính hay hai bản thể của Thiện và Ac, và về điều này, ông theo những lạc giáo ngày xưa. Theo giáo thuyết của họ, các bản thể này chống lại nhau và lẫn lộn với nhau, sự thiện tự thanh tẩy khỏi sự ác, nhưng phần sự thiện nào không thể tự thanh tẩy khỏi sự ác thì bị kết án cùng với sự ác đến muôn đời. Đấy là những khẳng định của họ, họ bịa ra bao nhiêu là chuyện hoang đường (…).

(Họ nói rằng) Vị Thiên Chúa đã ban lề luật qua Môsê và đã phán qua miệng các tiên tri Do Thái không phải là Thiên Chúa thật, nhưng là một trong số các ông hoàng của tối tăm. Còn về các sách Tân ước, họ đoc, nhưng đã bị bóp méo đi, đến nỗi họ chỉ chấp nhận những gì họ yêu thích và loại bỏ những gì không vừa ý : họ thích các ngụy thư hơn là các Sách Thánh, như thể chúng chứa đựng tất cả các chân lý. Họ khẳng định lời hứa của Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, về Chúa Thánh Thần, Đấng Bầu Chữa, đã được hoàn thành nơi ông tổ Mani của họ (…).[77]

12. – Câu trả lời của Augustin

Đức tin Công giáo dạy rằng, chỉ duy có Thiên Chúa là bản tính (nature) phi nguyên lý, nghĩa là sự Thiện tối cao và bất biến(…), tiếp đến, đức tin dạy rằng, từ sự thiện tối cao và bất biến này, vũ trụ và mọi sự tốt lành đã được sáng tạo, dầu rằng, chúng không ngang hàng bằng với Đấng sáng Tạo, vì chúng đã được tạo dựng từ hư không và do đó chúng biến dịch… Như vậy, hoàn toàn không một bản tính nào mà lại không phải, hoặc là chính Thiên Chúa, hoặc do Người sáng tạo, đến nỗi không một hữu thể nào, xét theo bản tính, mà lại không tốt lành.[78]

Nếu ông muốn vâng nghe thế giá của Thánh Kinh, là sách mà người ta phải coi trọng trên tất cả, thì ông hãy vâng nghe thế giá mà từ thời Đức Kitô còn sống, qua thừa tác vụ của các Tông đồ và qua sự kế tục của các Giám mục trên những ngai toà do các Tông đồ để lại, đã được bảo tồn cho đến ngày nay, trên toàn thế giới, được quý trọng và suy tôn. Thực vậy, trong đó ông sẽ thấy rằng, ngay cả những đoạn dù là tối tăm của Cứu Ước cũng được soi sáng và những lời tiên báo của Cựu Ước được viên thành.[79]

13. – Chính lý do mới làm nên vị tử đạo

Tất cả những người lạc giáo cũng chịu đau khổ, nhưng họ chịu vì sai lầm chứ không vì công lý, bởi họ đã nói dối chống lại chính Đức Kitô. Tất cả những người ngoại giáo chịu mọi đau khổ vì sai lầm, trong sự vô đạo của họ. Vậy, đừng ai tự đề cao hay vinh vang vì đau khổ của mình, nhưng trước hết anh ta hãy chứng tỏ chân lý bằng lời nói. Anh, anh chỉ cho tôi hình khổ, còn tôi, tôi muốn hỏi lý do? Anh, anh nói: tôi chịu đau khổ, còn tôi, tôi nói: anh chịu đau khổ vì lẽ gì? Vì nếu chúng ta chỉ xét đến đau khổ, thì những tên cướp cũng có được triều thiên của chúng (…) Nếu phải vinh vang về đau khổ của mình, thì chính quỉ dữ cũng có thể tự vinh vang. Hãy nhìn những đau khổ lớn lao của nó: khắp nơi đền thờ của nó bị lật đổ, ngẫu tượng bị đập tan, các tư tế và những kẻ thuộc về nó bị tàn sát. Nhưng như vậy phải chăng nó có thể nói: cả ta nữa, ta cũng là tử đạo, vì ta đã chịu những đau khổ rất lớn lao? Trước hết, người của Chúa hãy chọn cho mình một lý do và hãy bình thản tiến tới khổ hình. Nếu anh em tiến đến khổ hình vì một chính nghĩa, thì sau khi chịu khổ hình, anh em cũng sẽ lãnh nhận được triều thiên.[80]

[Khi ca tụng sự nhẫn nại thánh thiện của vị tử đạo Vincent, Ngài cũng nói: Chính “lý do” phân biệt vị tử đạo với sự chịu đựng hay đúng hơn, phân biệt với sự tàn nhẫn của những tên gian ác. Hình khổ thì như nhau, nhưng lý do thì không (…) (Vincent) đã chiến đấu vì chân lý, vì sự công chính, vì Thiên Chúa, vì Đức Kitô, vì đức tin, vì sự duy nhất của Giáo Hội, vì đức ái không phân chia.[81]]

14. – Chấm dứt chiến tranh bằng thương thuyết

Năm 429, Darius, vị bá tước trẻ tuổi được giao trách nhiệm giải hoà Boniface với giới cầm quyền Roma, Boniface là vị tướng phản loạn, đã lôi kéo quân Vandales kéo sang Phi Châu.

Thật vĩ đại và vinh quang thay, không những, những chiến binh can trường, mà cả những chiến sĩ rất mức trung thành, có thể nói đó mới là công trạng thực sự của họ, qua bao khó khăn, hiểm nguy và với sự trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng trợ lực và bảo vệ, đã chiến thắng một kẻ thù bất trị đem lại yên ổn cho các tỉnh, yên hàn cho đất nước. Thế nhưng, dùng lời nói mà chấm dứt được các cuộc chiến tranh thì vinh quang hơn những người làm điều đó bằng gươm giáo, và càng vinh quang hơn khi đạt được hay duy trì hoà bình bằng hoà bình chứ không phải bằng chiến tranh. Thực vậy, những người chiến sĩ, nếu là người ngay, thì chắc chắn họ tìm kiếm hoà bình, nhưng có điều phải ngang qua máu. Còn Ngài, Ngài được phái đi mà người ta không tìm kiếm máu của ai cả. Như thế, với những người khác là chuyện tất yếu, còn với Ngài lại là diễm phúc lớn lao.

Vậy, thưa Ngài, một người thật lừng danh và rất mực hào hiệp, một người con rất yêu dấu trong Chúa Kitô, hãy vui mừng vì điều tốt lành rất lớn lao và chân thực đó và hãy vui hưởng nó trong Chúa,Đấng mà Ngài phải biết tạ ơn vì đã được như thế và vì đã được nhận những sứ mạng vinh quang như vậy. Xin Chúa củng cố điều Người đã thực hiện nơi Ngài.[82]

15. – Xin ban cho con điều Chúa truyền và xin truyền cho con điều Chúa muốn

Và cho con đặt trọn niềm hi vọng duy nơi lòng thương xót thật bao la của Chúa. Xin ban cho con điều Chúa truyền và xin truyền cho con điều Chúa muốn. Chúa truyền cho chúng con giữ đức Thanh khiết. Vì con biết, như người ta nói: chẳng ai có thể thanh khiết nếu không do ân huệ Chúa ban, và ngay cả việc nhận thức được ân huệ đó tùy thuộc vào ai cũng đã là hoa quả của đức khôn ngoan rồi. Quả vậy, nhờ đức thanh khiết, chúng con được thu họp lại và đưa về hiệp nhất, một sự duy nhất mà từ đó chúng con đã tuôn ra muôn ngả. Quả thực, kẻ nào yêu Chúa đồng thời lại yêu một điều gì khác, và cũng không phải yêu vì Chúa, thì người đó đã yêu Chúa ít. Ôi tình yêu luôn thiêu đốt và không bao giờ lịm tắt, ôi Đức ái, Thiên Chúa của con, xin thắp sáng con! Chúa truyền giữ thanh khiết: xin ban cho con điều Chúa truyền và xin truyền cho con điều Chúa muốn.[83]

16. – “Ôi kẻ nghèo khổ, trước cửa nhà vị Thiên Chúa rất giàu sang, nỗi khao khát nào đã khiến bạn van xin?”

(Đứng truớc lòng kiêu ngạo nguyên thủy và sự khiêm hạ của Chúa Kitô, Thánh Augustin đã luôn cho rằng trên tất cả, chính sự kiêu ngạo đã cầm giữ Ngài xa khỏi Thiên Chúa. Ngài nhấn mạnh đến lòng khiêm tốn, và điều này phản ảnh quan niệm của Ngài về ân sủng. Ở đây, Ngài dạy cho một sinh viên trẻ tuổi hay quấy rầy và cao ngạo một bài học. Nhưng lời giáo huấn không vì thế mà kém nghiêm túc.)

Dioscore của tôi, tôi muốn anh nghe theo con đường này với tất cả lòng nhiệt thành của anh, Trong nỗ lực đạt tới và gìn giữ chân lý, anh đừng chọn cho mình con đường nào khác ngoài con đường mà Đấng thấu suốt nỗi yếu hèn trong bước chân của chúng ta – bởi Ngài là Thiên Chúa – đã dọn cho anh. Con đường đó trước hết là lòng khiêm tốn, thứ đến là lòng khiêm tốn và thứ ba là lòng khiêm tốn. Nếu anh có hỏi tôi bao nhiêu lần thì tôi cũng vẫn nói như thế, chẳng phải vì không còn lề luật nào khác được khẳng định, nhưng vì nếu lòng khiêm tốn không đi trước tất cả những gì chúng ta làm cách tốt đẹp, không đi kèm và không đi theo sau nó, nếu lòng khiêm tốn không được đưa ra cho chúng ta chiêm ngắm, giới thiệu cho chúng ta gắn bó và áp đặt để chúng ta khép mình vào, thì lập tức, lòng kiêu ngạo sẽ tước mất tất cả khỏi tay chúng ta, khi chúng ta lấy làm vui thích vì một hành vi tốt nào đó. Sở dĩ như thế là vì các nết xấu khác đáng sợ trong hành vi tội lỗi còn lòng kiêu ngạo lại đáng sợ ngay trong hành vi tốt, nếu người ta không muốn những hành động được thực hiện một cách đáng khen bị mất đi vì sự khát khao chính lời khen ngợi. Vì thế, cũng như nhà diễn thuyết rất nổi tiếng nọ lúc được hỏi, theo ý kiến ông, điều gì phải giữ truớc nhất trong số những qui tắc của thuật hùng biện, nghe nói ông đã trả lời: cách diễn đạt; về điều phải giữ tiếp theo, ông trả lời: cũng chính là cách diễn đạt, và thứ ba, ông cũng không trả lời gì khác hơn là cách diễn đạt, nếu anh có hỏi tôi bao nhiêu lần về những qui tắc của Kitô giáo, tôi cũng sẽ không trả lời gì khác hơn là lòng khiêm tốn, ngay cả khi tình cờ buộc tôi phải nói điều khác. [84]

17. – Đức bác ái? “Tốt hơn là đừng có ai phải đói”

Chúng ta quả không nên mong ước có những người bất hạnh để có cơ hội làm việc từ thiện. Bạn cho người đói bánh ăn ư: tốt hơn là đừng có ai đói và bạn không còn ai để cho. Bạn mặc cho kẻ trần truồng ư: Lạy Chúa! mong cho tất cả đều có áo mặc và đừng quá thiếu thốn. Bạn chôn xác kẻ chết ư: Lạy Chúa! chớ gì đời sống ấy đến, một đời sống trong đó không có ai phải chết nữa! Bạn dàn hoà những mối tranh chấp ư: Lạy trời! mong ngày kia hoà bình của Jêrusalem vĩnh cửu sẽ ngự trị, và trong đó, chẳng còn ai bất hòa. Tất cả các việc bạn làm quả có đáp ứng lại những nhu cầu cần thiết. Nhưng hãy làm cho không còn người bất hạnh; việc thiện sẽ chẳng còn. Việc thiện không còn, vậy phải chăng lòng bác ái nhiệt thành sẽ chẳng còn. Việc thiện không còn, vậy phải chăng lòng bác ái nhiệt thành sẽ lịm tắt? (không phải thế) Tình yêu mà bạn đem đến cho một người hạnh phúc, một người chẳng cần đến những ân ban của bạn thì chân thực hơn; tình yêu đó sẽ tinh ròng và cũng chân thành hơn. Vì khi giúp đỡ một người bất hạnh,có thể bạn muốn đưa mình lên cao truớc mặt anh ta và muốn anh ta là người phải mang ơn bạn. Anh ta túng thiếu, bạn cho một phần tài sản: vì là người cho, bạn có vẻ ở trên người được cho. Hãy ước mong cho anh ta được ngang hàng với bạn: sao cho cả hai người đều tùy thuộc vào Đấng mà không ai có thể cho Ngài điều gì.[85]

18. – Ngài là con đường của họ (…) họ, những kẻ chết, bước đi cùng với sự sống

Về các môn đệ trên đường về Emmaus (Lc. 24, 13-31).

2. Vậy bài đọc này đem lại cho chúng ta điều gì? Một chân lý lớn lao, nếu chúng ta biết lắng nghe. Chúa Giêsu xuất hiện: Ngài tỏ mình trước mặt các ông nhưng không để mình bị nhận ra. Vị Thầy cùng đi với họ, và chính Ngài là con đường của họ. Nhưng họ còn chưa ở trên đường; Chúa Giêsu gặp họ còn cách xa con đường.

Trước khi chết, lúc còn ở với họ, Ngài đã báo trước cho họ tất cả: Ngài sẽ chịu đau khổ, sẽ chết và ngày thứ ba Ngài sẽ phục sinh. Ngài đã báo trước mọi sự. Nhưng cái chết của Ngài đã khiến họ quên mất tất cả. Họ kinh hoàng thảng thốt khi nhìn thấy Ngài bị đóng đinh trên thập giá, đến mức không còn nhớ gì đến lời Ngài dạy, không chờ mong Ngài phục sinh và không còn giữ trong lòng lời Ngài hứa. Họ nói:”Chúng tôi đã hi vọng rằng chính Ngài là Đấng sẽ giải thoát Israel”. Ôi các môn đệ! Các vị đã hi vọng ư? Thế sao bây giờ các ông không còn hi vọng nữa? Này, Đức Kitô đang sống còn niềm hi vọng thì lại chết trong lòng quí vị! Vâng, Đức Kitô đang sống. Nhưng Đức Kitô đang sống đã gặp thấy cõi lòng đã chết của các môn đệ Ngài. Ngài đã hiện ra trước mặt họ nhưng không hiện ra cho họ. Ngài vừa hữu hình, vừa ẩn giấu. Vì nếu Ngài đã không tỏ hiện làm sao các môn đệ có thể nghe và trả lời câu hỏi của Ngài? Ngài cùng đi đường với họ, như một bạn đồng hành, và Ngài lại là hướng đạo của họ. Họ trông thấy Ngài rất rõ, nhưng đã không nhận ra Ngài: “Mắt họ bị ngăn không nhận ra Ngài”, như chúng ta đã nghe. Họ không bị ngăn nhìn thấy Ngài nhưng “họ bị ngăn không nhận ra Ngài”.

3. Vậy, thưa anh em, Chúa đã tỏ mình ra khi nào? Khi bẻ bánh. Nơi chúng ta, không có gì phải bối rối lo lắng: chúng ta bẻ bánh và chúng ta nhận ra Chúa. chỉ nơi đây Ngài mới để cho chúng ta nhận ra Ngài, chúng ta, những người không tìm thấy trong xác thịt nhưng lại được ăn chính xác thịt Ngài. Hỡi bạn là người tin vào Ngài, người không mang danh Kitô hữu cách luống công, người không tình cờ đi vào Giáo Hội, người nghe lời Thiên Chúa trong niềm kính sợ và trong hi vọng, dù bạn là ai, bạn hãy an tâm trong việc bẻ bánh này. Sự vắng mặt của Chúa không phải là vắng mặt đâu. Hãy tin, và (bạn sẽ thấy) Ngài đang hiện diện với bạn, dù bạn không thấy Ngài. Các môn đệ đã chẳng có đức tin khi Chúa nói với họ. Họ đã không tin rằng Ngài đã phục sinh, họ không tin rằng người ta có thể sống lại. Họ đã mất đức tin. Họ đã mất niềm hy vọng. Họ, những kẻ đã chết, bước đi với Đấng đang sống, họ, những kẻ chết, bước đi cùng chính sự sống. Sự sống bước đi với họ. Nhưng trong lòng họ, không một chút sự sống nào đã hồi sinh.

Còn bạn, bạn có khát khao sự sống không? Hãy làm những gì họ đã làm và bạn sẽ nhận ra Chúa. Họ đã dâng cho Ngài lòng hiếu khách. Chúa làm như thể còn phải đi xa hơn, nhưng họ đã giữ Ngài lại. Và lúc đến cuối cuộc hành trình, họ nói với Ngài: “Xin lưu lại với chúng tôi, vì ngày đã xế”. Hãy giữ người khách lạ ở lại, nếu bạn muốn nhận ra Cứu Chúa của mình. Điều mà nỗi hoài nghi đã lấy mất của họ, thì lòng hiếu khách đã trả lại cho họ. Chúa đã tỏ mình ra trong việc bẻ bánh. anh em hãy học cho biết phải tìm Chúa ở dâu, hãy học cho biết phải chiếm hữu Chúa ở đâu, và nhận ra Ngài ở đâu: khi ăn.[86]

19. – Phải tìm Chúa Kitô trong chính Giáo Hội Ngài

Đấng cư ngụ chốn vô hình trên cõi cao xanh, cũng có một chiếc lều trên trái đất. Lều của Ngài đó là Giáo Hội còn đang lữ hành, Chính đó là nơi phải tìm kiếm Ngài, vì trong căn lều, người ta tìm thấy con đường dẫn tới nơi Ngài ở. Thật vậy, khi tôi thả hồn, bay cao lên khỏi chính mình để vươn tới Thiên Chúa, tại sao tôi làm thế? (…) “Vì tôi sẽ tiến vào nơi nhà lều (tabernacle), nhà lều kỳ diệu, đến tận nhà Thiên Chúa” (…). Nhà lều Thiên Chúa trên mặt đất được làm nên bằng những con người trung tín (…).

Tiên tri (David) đã bước vào lều và từ đó, Ngài đạt tới tận Nhà Thiên Chúa. Trong khi Ngài chiêm ngưỡng những thành phần (membres) của nhà lều, Ngài đã được dẫn tới nhà Thiên Chúa, bị lôi cuốn bởi một niềm dịu ngọt nào đó, một sự quyến rũ thâm sâu bí ẩn, như thể từ nhà Thiên Chúa vẳng lên những âm thanh ngây ngất mê lòng của một nhạc cụ nào đó. Ngài bước đi trong nhà lều và khi nghe thấy tiếng nhạc trầm sâu quyến rũ, Ngài bắt đầu cất bước dõi theo (…) và Ngài đã tới tận nhà Thiên Chúa (…) Ngài đã vào tận trong niềm bí ẩn của nhà Thiên Chúa như thế nào? Ngài trả lời: “giữa những tiếng hát hân hoan chúc tụng, giữa muôn hoà tấu đàn ca, mừng các ngày đại lễ (…)”. Trong nhà Thiên Chúa là cả một ngày lễ triền miên bất tuyệt. Bầu khí lễ hội, đó là ca đoàn các Thiên Thần, là Dung nhan Thiên Chúa tận mắt nhìn ngắm, tạo nên niềm vui không bao giờ phai nhạt. Ngày lễ này không có khởi đầu cũng không có kết thúc. Từ buổi lễ triền miên vĩnh cửu thoát ra một thứ âm thanh nào đó, mà tôi không rõ, một âm thanh ngân dịu dàng vào đôi tai của tâm hồm miễn là đừng có một tiếng động nào của phàm nhân xen lẫn vào đó. Khúc thần nhạc của ngày lễ khiến người ta bước đi trong căn lều say mê lắng nghe và chiêm ngắm những kỳ công Thiên Chúa thực hiện để cứu chuộc các tín hữu và khiến nai vàng quay gót về nguồn suối trong.[87]

20. – Những chi thể của Chúa Kitô đã trải rộng trên Thế giới

8. Hãy trải rộng Đức Ai trên toàn thế giới, nếu bạn muốn yêu Chúa Kitô: vì những chi thể của Đức Kitô giang rộng trên toàn thế giới. Nếu bạn chỉ yêu một phần thân thể Đức Kitô, thì bạn bị phân chia; nếu bạn bị phân chia, bạn không còn ở dưới ảnh hưởng của Đầu.

Tin có ích gì nếu cùng lúc đó bạn lăng nhục? Bạn tôn thờ Ngài ở nơi đầu, nhưng lại lăng nhục Ngài nơi thân thể Ngài. Còn Ngài, Ngài yêu thân thể mình. Nếu bạn, bạn tự tách khỏi thân thể, thì đầu không tự tách lìa khỏi thân mình. Từ cõi trời cao đầu kêu lên với bạn: Ngươi tôn kính ta vô ích, ngươi tôn kính ta vô ích. Điều bạn làm cũng giống như kẻ muốn ôm hôn bạn ở đầu trong khi lại đạp lên chân bạn: lúc muốn ôm lấy đầu bạn để hôn, biết đâu hắn chẳng nghiền nát chân bạn bằng những đôi giầy sắt. Chẳng lẽ bạn lại không la lên để chấm dứt những kiểu biểu lộ lòng kính trọng như thế: khốn khổ! anh làm gì vậy, anh nghiền nát chân tôi rồi! (…)

9. Và đó là lý do tại sao Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, khi Ngài lên trời bốn mươi ngày sau khi phục sinh, đã gởi gắm cho chúng ta thân thể còn lưu lại dưới thế của Ngài. Ngài đã thấy rằng nhiều người tôn vinh Ngài vì Ngài đã lên trời; và Ngài đã thấy vinh dự đó sẽ vô ích, nếu để người ta đừng lầm lẫn, đừng tôn thờ đầu ở trên trời trong lúc người ta nghiền nát chân dưới đất, Ngài đã nói rõ các chi thể Ngài ở đâu.[88]

 

 

 


[1] Xc. Phụ trương số 2.

[2] Xc. Phụ trương số 11-12.

[3] Xc. Augustin, Confessions, lib. VI (cuốn), Comment vivre sans femme? Projet de mariage, La compagne renvoyée: nouvelle chaĩne. Xem Phụ trương số 1.

[4] Xc. Phụ trương số 2-4.

[5] Conf. Lib. V, Cap. 14.

[6] Sap. IX,15

[7] Conf. Lib. VII, Cap. 17.

[8] Conf. Lib. VIII, Cap. 8.

[9] Cf. Conf. Lib. III, Cap. 11: giấcmộng của bà Monica

[10] Conf. Lib. VIII, Cap. 12.

[11] Conf. Lib. IX, Cap. 6.

[12] Conf. Lib. IX, Cap. 10-11.

[13] Xc. Phụ trương số 6.

[14] Xem những ảnh trong sách của H. Marrou, Saint Augustin et l’augustinisme, Paris, Seuil, coll. Maîtres spirituels, 1955, tr. 35-43.

[15] Ibid., tr. 40-41.

[16] Nên nhớ lại địa vị thầy phó tế Athanase ở Công đồng Nicée.

[17] Xc. Phụ trương số 7-9.

[18] Xem “De Catechizandis rudibus”

[19] Xc. Phụ trương số 10,15,16.

[20] Xem những ảnh trong sách của H. Marrou, Saint Augustin et l’augustinisme, Paris, Seuil, coll. Maîtres spirituels, 1955, tr. bìa, 4 và 60.

[21] Conf. Lib. X, Cap. 6.

[22] Conf. Lib. IV, Cap. 4.

[23] Conf. Lib. III, Cap. 6.

[24] Xem những ảnh trong sách của H. Marrou, Saint Augustin et l’augustinisme, Paris, Seuil, coll. Maîtres spirituels, 1955, tr. 154.

[25] Epist. X, 16.

[26] Xem những ảnh trong sách của H. Marrou, Saint Augustin et l’augustinisme, Paris, Seuil, coll. Maîtres spirituels, 1955, tr. 144.

[27] De Trinitate, 399-419.

[28] Tract. 23 in Joan.

[29] Epist. 120

[30] Denz. 128.

[31] Denz. 173a.

[32] Đức Giáo Hoàng Piô XI, Thông điệp Ad Salutem.

[33] Thư của Đức Giáo Hoàng Piô XII, 25-7-1954.

[34] Tract. in Jn. 12

[35] St Augustin, parmi nous, p. 204

[36] Serm. 70, 2.

[37] Conf. Lib. VIII, Cap. 11.

[38] Cf. Serm. 355 và 356: Giảng về đời sống của các giáo sĩ.

[39] Conf. Lib. X, Cap. 40.

[40] De sacre virginitate, Cap. 55, n. 56.

[41] Conf. Lib. I, Cap. 1.

[42] Conf. Lib. XIII, Cap. 9.

[43] Epist. 94. Collect. Vivès, tome IV, p. 667.

[44] Xc. Phụ trương số 26.28-33.

[45] Xc. Phụ trương số 22-25.34.

[46] Xc. Phụ trương số 21.27.

[47] Xc. Phụ trương số 11-12.

[48] Xin tra trong sách của Marrou trang 183-185 sẽ thấy những tác phẩm Thánh Augustin đã viết năm nào để phản đối 3 lạc giáo trên đây.

[49] Cf. Thư 10, 23 và thư 48. Tratatus in Johannem, 57,3.

[50] Bài giảng 88, 5, 5.

[51] Cf. Hom. Về Thánh Gioan 93,3.

[52] Bài giảng 3 về Thánh Vịnh 103,25.

[53] Chú giải Thánh Vịnh 102,29.

[54] Conf. I, 5, 5.

[55] Cf. Kinh Magnificat sánh với Cựu Ước nơi gồm chứa mọi từ ngữ của nó (Cantique d’Anne) nhưng không phải vì vậy mà nó đã không là một Kinh hết sức cá nhân của Đức Trinh Nữ Maria.

[56] Cf. Jérome.

[57] Conf. Lib. III, Cap. 4,8; Conf. Lib. V, Cap. 14,25.

[58] Cf. Conf. Lib. VI, Cap. 6,9.

[59] Conf. Lib. III, Cap. 5,9.

[60] Conf. Lib. III, Cap. 6,10.

[61] Conf. Lib. VI, Cap. 3,45

[62] Conf. Lib. VI, Cap. 4,6.

[63] Conf. Lib. VIII, Cap. 2.

[64] Cf. Conf. Lib. VIII, Cap. 10,43.

[65] Confessions VI, 15, 25-16, 26, texte CUF 1925, p. 141-142, trad. personnelle

[66] Du Bonheur I, 4, Bibl. aug. IV, 1, R. Jolivet, 1948, p. 227-229 et J. Daignon, ibid., 1986, p. 55-59 trad. modifiée.

[67] Contre les académiciens II, II, 5, Bibl. aug IV, 1, 1948, 69, trad. inspirée de R. Jolivet.

[68] Soliloques,I,1, 2-6. Bibl. aug. V, 1939, p.27-35, trad. personnelle.

[69] Confessions X, 6,8, CUF, 1926, p. 245-246, trad. personnelle.

[70] 1,4 PL 32, 1449-1450, trad. Desprez, Règles monastiques d’Occident IVè– VIè siècles. D’Augustin à Ferréol, Abbaye de Bellefontaine, Vie monastique, n0 9, 1980, pp.68-80.

[71] Vie d’Augustin, V, PL 32, 37.

[72] I, 1-5 et 8 et III, PL 32, 1377-1380, trad. V. Desprez, Règles monastiques d’Occident, IVè-VIè siècles. D’Augustin à Ferréol, Abbaye de Bellefontaine, Vie monastique, n09, 1980, pp. 73-75 và 77.

[73] IV, 1-2 và VI,3, PL. 32,1380 và 1384, trad. V. Desprez, p 79 và 86

[74] 10 và 14, CSEL 57, 362, 10-416, 4; 369, 16-21.

[75] Expl. des Psaumes 126, 3 CSSL 40, 1855, 21-1859, 46 trad. A.MANDOUZE.

[76] Bài giảng 340, PL 38, 1483.

[77] Traité des Hérésies, 46 PL 42, 34 và 39 = CCSL 46, 313, 7-14 và 318, 158-165.

[78] Contre Julien 1, 8, 36-37 PL 44 666-667.

[79] Contre Fauste, XXXIII, 9, PL 42, 517-518.

[80] Bài giảng 328, IV, 4, PL 38, 1453.

[81] Bài giảng 274, PL 38, 1253

[82] Thư 229, 2 CSEL 57, 497, 18-498, 13

[83] Confessions, X, 29, 40, CUF 1926, pl. 270, trad. personnelle.

[84] Thư 118, 22, CSEL 34, 685, 9-686, 3.

[85] Sur la Ière Ep. de Saint Jean, VIII, 5, SC n0 75, pp. 348-349, trad. P. Agaesse.

[86] Bài giảng 235, 2-3, PL 38, 1118-1119.

[87] Exposé des psaumes 41, 9, CSEL, 38, 466, 1-467, 62, trad. O. Clément revue.

[88] Sur la Ière Ep. de Saint Jean X, 8-9 SC no 75, pp. 431, trad. P. Agaesse.