Thiên Chúa Trong Isaia: Thiên Chúa Yêu (5)

0
1282


THIÊN CHÚA TRONG ISAIA

GOD IN ISAIAH

Tác giả: Pamela  A. Foulkes

Chuyển ngữ: Piô Phan Văn Tình

***

 

***

THIÊN CHÚA YÊU

 

Israel được các ngôn sứ nhắc lại rằng Thiên Chúa đã mời gọi họ và Ngài đã trung thành với mối tương quan đã được thiết lập xuyên suốt lịch sử của họ. Isaia III giúp họ nhớ lại truyền thống mà họ đã được biết đến về sự giải phóng khỏi ách nô lệ Ai-cập:

“Bấy giờ, dân người nhớ lại
thời quá khứ, thời ông Môsê.
Đâu rồi Đấng đã đưa
vị mục tử đàn chiên của Người lên từ biển?
Đâu rồi Đấng đã đặt nơi ông
thần khí thánh của Người,
Đấng cho cánh tay vinh hiển của Người
đi bên hữu ông Môsê,
Đấng rẽ nước ra trước mặt họ,
để lưu danh muôn đời,
Đấng cho họ đi qua giữa lòng vực thẳm
như ngựa đi trong sa mạc hoang vu?
Họ đã không vấp ngã” (63,11-13).

Để loan báo “tình yêu chung thủy” của Thiên Chúa, ngài đã trình bày:

“Trong mọi cơn quẫn bách.
Không phải một sứ giả
hay một thiên thần đã cứu thoát họ,
nhưng  là chính tôn nhan Người.
Vì yêu mến và thương cảm,
chính Người đã chuộc họ về,
đã vực họ dậy mà mang họ đi
suốt thời gian quá khứ” (63,9).

Với sự hiển nhiên về sự ưu ái của Thiên Chúa dành cho họ trong quá khứ, làm sao họ có thể nghi ngờ rằng họ sẽ tiếp tục được yêu thương và được bảo vệ. Họ cần xây dựng trên nền tảng là niềm tin và sự tín thác.

Như chúng ta đã bắt gặp trong chương trước, mối tương quan thân tình này không phải là cái gì đó Israel tự kiếm được. Đó không phải là một dấu chỉ khiến họ vĩ đại hay quyền lực hơn bất cứ dân tộc nào khác. Môsê nói với dân rằng: “Đó là vì Đức Chúa đã yêu thương anh em” (Đnl7,8). Lời mời gọi của Thiên Chúa ưu ái như phúc lành và món quà thuần khiết xuất phát từ kho tàng thiêng liêng của tình yêu và lòng thương xót bao la.

Sự mật thiết nhất của mối tương quan nhân loại được các ngôn sứ dùng như những hình ảnh của sự ràng buộc vĩnh viễn tồn tại giữa Thiên Chúa và dân Israel. Sách Sáng Thế công bố rằng con người chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa:

“Thiên Chúa sáng tạo con người
theo hình ảnh Mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người
theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St1,27).

Do đó, khi các trước tác Thánh Kinh mong muốn quảng diễn tương quan của họ với Thiên Chúa, thì họ đã khéo léo dùng ngôn ngữ của tương quan nhân loại. Vì kinh nghiệm cơ bản của họ thuộc về tình yêu và sự chăm sóc của Thiên Chúa, nên cũng rất tự nhiên khi họ nói về mối tương quan ấy từ sự hiểu biết của họ về nhiều loại tình yêu giữa người nam và người nữ.

Các ngôn sứ cũng diễn tả kinh nghiệm của mình về Thiên Chúa như là tương quan giữa cha mẹ với con cái vậy:

“Trời hãy nghe đây,
đất lắng tai nào, vì Đức Chúa phán:
‘Ta đã nuôi đàn con, cho chúng nên khôn lớn,
nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta” (1,2).

Sự thân mật trong tương quan ấy cũng được thể hiện dưới hình thức giữa người chồng và người vợ:

“Chẳng ai còn réo tên ngươi: ‘Đồ bị ruồng bỏ!’
Xứ sở ngươi hết bị tiếng là ‘Phận bạc duyên đơn.’
Nhưng ngươi được gọi: ‘Ái khanh lòng Ta hỡi!’
Xứ sở ngươi nức tiếng là ‘Duyên thắm chỉ hồng.’
Vì ngươi sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái,
và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.
Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ,
Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về.
Như cô dâu là niềm vui cho chú rể,
ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (62,4-5).

Trong một thế giới mà chúng ta thường chứng kiến sự bóp méo và tan vỡ nhiều mối dây ràng buộc thân tình của con người, họ như đánh mất đi quyền của họ trở thành những hình ảnh ưu ái của Thiên Chúa. Dân Israel ngày xưa cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, bản chất con người vẫn còn đó sự mỏng dòn yếu đuối. Thực sự Kinh Thánh cũng để lại nhiều câu chuyện trong dân Chúa, họ cũng có nhược điểm và là những chủ thể mang lấy thất bại như chúng ta. Các ngôn sứ là những người luôn giúp chúng ta được lý tưởng hóa cũng như Israel được mời gọi phấn đấu không ngừng. Nếu như tình yêu Thiên Chúa được diễn tả nơi những hình ảnh các mối tương quan nhân loại thì các mối tương quan đó phản chiếu tình yêu thiêng liêng một cách tương xứng. Cũng như con đường mà Chúa Giêsu đã gởi thác cho Thiên Chúa, Đấng đã sai Ngài trong tư cách là “Cha”, điều này sẽ giúp cho chúng ta xác định lại khuôn mẫu Cha của chúng ta trong tình thân ái.

Sách Isaia có rất nhiều kiểu nói diễn tả sự kiên nhẫn chăm sóc mà Thiên Chúa dành cho Israel. Đây là vườn nho thương mến của Thiên Chúa, vườn nho được ưu ái chăm sóc:

“Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh,
chính là Israel đó;
cây nho Chúa mến yêu quý chuộng,
ấy chính là người xứ Giuđa.
Người những mong họ sống công bằng,
mà chỉ thấy toàn là đổ máu;
đợi chờ họ làm điều chính trực,
mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (5,7).

Chúng ta cũng có thể thấy các tác giả đã sống trong một xã hội lệ thuộc vào nền nông nghiệp nghèo nàn, các ngài diễn tả ngôn ngữ kinh nghiệm cá nhân của mình:

“Ngày ấy, các ngươi hãy ca ngợi vườn nho tuyệt diệu.
Chính Ta, Đức Chúa, Ta là người canh giữ vườn nho,
vẫn đều đặn tưới nước;
Ta canh giữ ngày đêm, không cho ai phá hoại” (27,2-3).

Những hoàn cảnh gợi lên hình ảnh về một người trông coi vườn nho, người ấy phải tận tâm và luôn tỉnh thức, luôn cải tạo cho đất màu mỡ.

Đàn chiên được mục tử thiêng liêng bảo vệ, Ngài thi hành nhiệm vụ chăm sóc chúng bằng tình yêu và bảo vệ chúng khỏi mọi nguy hại:

“Như mục tử, Chúa chăn giữ đàn chiên của Chúa,
tập trung cả đoàn dưới cánh tay.
Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,
bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (40,11).

Một lần nữa hình ảnh là sự bảo vệ mang tính cẩn trọng, kết hợp với sự chăm sóc nhẹ nhàng và thương mến. Ngay cả cách dùng hình ảnh của các ngôn sứ cũng bắt nguồn từ tương quan nhân loại, từ đó giúp chúng ta xác định lại cho riêng mình, các ngài cũng sử dụng nhiều hình ảnh thế giới tự nhiên khả dĩ giúp chúng ta lượng định lại con đường chúng ta đi vốn có liên quan đến thế giới quanh chúng ta. Vai trò phân định thiêng liêng của chúng ta cũng giống như những người trông coi công trình sáng tạo, được diễn tả qua sự chăm sóc tương tự như đã được ông chủ thi hành đối với vườn nho mình.

Tương quan giữa Thiên Chúa và Israel là rất thân mật như thể họ được ghi khắc vào tính xác thịt dưới bàn tay cắt tỉa của Thiên Chúa. Suốt những năm tháng lưu đày, dân Chúa kêu trách rằng Thiên Chúa đã bỏ quên họ:

“Si-on từng nói: Đức Chúa đã bỏ tôi,
Chúa thượng tôi đã quên tôi rồi!” (49,14).

Nhưng họ được bảo đảm như sau:

“Có phụ nữ nào quên được đứa con của mình,
hay chẳng thương đứa con mình mang nặng đẻ đau?
Cho dù nó có quên đi nữa,
thì Ta, Ta chẳng quên ngươi bao giờ.
Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi
trong lòng bàn tay của Ta,
thành lũy ngươi, Ta luôn thấy trước mặt” (49,15-16).

Kinh nghiệm của họ về Đấng sáng tạo và bảo vệ thiêng liêng còn thương mến, có thể nói, hơn cả sợi dây ràng buộc giữa một người mẹ với đứa con thơ trong lòng bà. Sự thật họ trở thành một phần hiện hữu thực của Thiên Chúa. Mọi tương quan nhân loại đều có hạn nhưng dù sao chúng ta vẫn có thể hy vọng. Cuối cùng tất cả chúng ta vượt qua mọi ranh giới bao quanh tình yêu mà chúng ta dành cho tha nhân. Sẽ không còn bất cứ giới hạn nào nữa khi chúng ta cùng đi với Thiên Chúa. Israel và cả chúng ta nữa cũng được lôi cuốn đi vào tình yêu vô biên vô tận.

Cũng cần nhắc lại rằng những diễn tả tình yêu thiêng liêng của các trước tác Thánh Kinh nằm ngoài kinh nghiệm riêng của các ngài. Các ngài không chỉ nói về những phạm trù thuộc khả năng tưởng tượng của mình. Đây là Thiên Chúa mà các ngài đã biết, hiện đang hoạt động trên đời sống các ngài; một Thiên Chúa yêu thương và hằng ấp ủ. Chúng ta cũng có thể tiếp tục sử dụng ngôn ngữ tương quan nhân loại này để nói về Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Ngay như các ngôn sứ cũng đã nói theo bối cảnh xã hội của các ngài, thì chúng ta cũng có tự do để tìm kiếm những cách thức khác nhau để nói về kinh nghiệm Thiên Chúa trong xã hội chúng ta.

Các ngôn sứ đã nhận ra rằng tình yêu Thiên Chúa còn đi xa hơn cả sự thấu triệt mang tính con người của chúng ta về thực tại ấy. Cả kinh nghiệm lẫn ngôn ngữ nhân loại đều có giới hạn, và cuối cùng vẫn không thể diễn tả hết được toàn bộ tình yêu thiêng liêng. Sự nhận thức này cung cấp nền tảng cho sự tín thác của Israel vào Thiên Chúa, Đấng đã bày tỏ tình yêu đối với họ trong quá khứ và còn tiếp tục yêu thương họ, dù nhiều lần họ ngoảnh mặt trước tình yêu ấy. Tình yêu này sẽ miên trường và nối dài tới chúng ta hầu chúng ta cũng có thể đặt niềm tín thác vào Người. Dù mối tình của chúng ta còn đó nhiều giới hạn, nhưng Thiên Chúa vẫn mời gọi chúng ta đi vào sự vô biên vô tận của tình yêu.