Thánh Phanxicô và Thánh Đôminicô

0
1777

 

ngày 4 tháng 10 năm 2013

Lm. Phan Tấn Thành

 

I. Niên biểu

– Cuộc đời

– Sử liệu

II. Những nguồn tài liệu nói đến cuộc gặp gỡ

A. Nguồn Phansinh: ba dịp gặp gỡ

0- Năm 1215. Rôma. Công đồng Latêranô IV (?)

1- Năm 1217. Rôma. Giấc mơ Đức Mẹ can thiệp. Nguồn: Visconti

2- Năm 1218. Assisi (tổng hội dòng Phansinh). Nguồn: Fioretti

3- Năm 1221. Tại Roma (dinh hồng y Hugolinô). Nguồn: Celano II.

B. Nguồn Đaminh: lần gặp duy nhất

1- Năm 1217. Rôma. Nguồn: Gerard de Frachet

III. Tương đồng và dị biệt

A. Nguồn gốc khác biệt

B. Những nét tương đồng và ảnh hưởng hỗ tương

– Thánh Đôminicô được Phansinh hóa: bản di chúc

– Thánh Phanxicô được Đaminh hóa: học hành

IV. Kết luận

– Những bản văn thời danh về tương quan giữa hai dòng: Humberto; Catarina Siena; Bênêđictô XVI

– Đạo Kười

—————-

 

Hôm nay là lễ thánh Phanxicô Assisi. Vị giáo hoàng tiên khởi của dòng Tên đã nhận danh hiệu là Phanxicô (chứ không phải là Inhaxiô), và muốn dành trọn ngày hôm nay để hành hương Assisi. Chúng ta hãy tháp tùng ngài bằng cách khác, đó là tìm hiểu mối tương quan giữa thánh Phanxicô với thánh Đôminicô, đặc biệt trong thời gian chuẩn bị kỷ niệm 800 trăm năm châu phê dòng Anh em Giảng thuyết.

Thánh Phanxicô và thánh Đôminicô. Khi nghe hát kinh cầu các thánh vào dịp lễ khấn dòng, chúng ta nhận thấy rằng trong hàng ngũ các thánh không tử đạo, chỉ có một trường hợp duy nhất liên kết hai vị thánh với nhau, đó là “thánh Phanxicô và thánh Đôminicô” (đang khi thánh Inhaxiô Loyola và Phanxicô Xavier thì lại tách riêng). Tại sao vậy? Hẳn là phải có lý do gì khác thường, khiến cho nhiều họa sĩ đã cảm hứng vẽ lại cảnh hai vị thánh tổ phụ gặp nhau, ôm nhau. Thế nhưng ngày nay có người đặt lại vấn đề: thực sự hai vịcó bao giờ gặp nhau lúc sinh thời hay không? Phải chăng là một chuyện bịa đặt? Câu hỏi được đặt lên bởi vì tác phẩm đầu tiên về tiểu sử thánh Đôminicô (do cha Giorđanô viết) không hề nhắc tới biến cố này.

Chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu vấn đề, với bốn điểm: 1/ Trước tiên, chúng ta hãy ôn lại vài mốc điểm lịch sử của hai vị, để có dịp đối chiếu. 2/ Kế đó, chúng ta đi tìm hiểu những cơ sở của câu chuyện hai vị tổ phụ gặp nhau. 3/ Mở rộng vấn đề: hai vị khác nhau ở chỗ nào và gặp nhau ở chỗ nào? 4/ Để kết luận, chúng ta hãy trưng dẫn vài đoạn văn nổi tiếng về mối tình keo sơn giữa hai vị, mà Đạo Kười không thể nào bỏ qua. (Lưu ý: trong bài này, tên hai vị tổ phụ là Phanxicô và Đôminicô; còn tên hai dòng là Phansinh và Đaminh, hoặc Hèn mọn và Giảng thuyết).

I. Niên biểu

Để mở đầu chúng ta hãy ôn lại niên biểu của những giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của hai vị thánh.

Niên biểu tiểu sử

Năm       Thánh Đôminicô                                                      Thánh Phanxicô

1170      Sinh tại Caleruega

1181                                                                                  Sinh tại Assisi

1202                                                                                  Bị tù ở Perugia

1205       Phái bộ Đan-mạch                                    Tiếng gọi San Damiano. Từ bỏ tài sản

1206       Đan viện Prouilhe

1209                                                   Tòa thánh châu phê Forma vitae anh em hèn mọn

1212                                                                             Lập dòng nữ (cho chị Clara)

1215       Lập cộng đoàn Toulouse. Dự Lateranô IV          Có mặt tại công đồng Laterano IV?

1216       Đức Honoriô III châu phê dòng

1217       Phân tán anh em                                                Tổng hội lần I ở Porziuncula

1220       Tổng hội Bologna

1221       Qua đời tại Bologna (ngày 6/8)         Viết Regula I; rồi Regula II (châu phê 1223)

1224                                                                          Lãnh 5 dấu thánh ở La Verna

1226                                                                          Qua đời tại Assisi (ngày 3/10)

1228                                                                  Được Grêgoriô IX  phong thánh (16/7)

1234       Được Gregorio IX  phong thánh (3/7)

Chúng ta nên ghi nhận một điều quan trọng: thánh Đôminicô chào đời và qua đời trước thánh Phanxicô, nhưng thánh Phanxicô được phong thánh trước, vì thế Kinh cầu các thánh đặt thánh Phanxicô trước thánh Đôminicô.

Vừa rồi là niên biểu của những biến cố chính của cuộc đời hai vị thánh. Trước khi đi vào chi tiết, chúng ta cũng cần biết niên biểu của các nguồn tiểu sử của hai vị.

Năm        Đôminicô                                                         Phanxicô

1228                                                           Vita s. Francisci I (Thomas de Celano)

1233      Acta canonizationis

1234      Libellus de principiis (Iordanus)

1235      Legenda (Petrus Ferrandi)

1236      Legenda (Constantinus Orvieto)

1246                                                             Vita s. Francisci II (Thomas de Celano)

1254      Legenda (Humbertus)

1259      Vitae fratrum (Gerald Frachet)

1260                                                                    Legenda maior (Bonaventura)

Nên ghi nhận là tiểu sử đầu tiên của thánh Phanxicô được viết 2 năm sau khi ngài qua đời (do lệnh của đức giáo hoàng Gregôriô IX). Cuốn tiểu sử đầu tiên của thánh Đôminicô được viết 12 năm sau khi tổ phụ qua đời, do lời yêu cầu của anh em. Trên đây là những văn bản chính thức. Bên cạnh đó còn nhiều lưu truyền khác, nhất là bên dòng Phansinh, khiến cho tổng hội 1266 phải truyền tiêu hủy tất cả các tài liệu viết về tổ phụ, sau khi thánh Bonaventura đã xuất bản “chính sử”.

II. Cuộc gặp gỡ hai thánh tổ phụ: nguồn tài liệu

Bây giờ chúng ta đi vào vấn đề: hai vị tổ phụ có bao giờ gặp nhau không? Nếu có, thì dựa vào đâu mà quả quyết?

Cha Guy Bedouelle[1] cho chúng ta biết rằng các tài liệu đã đặt các cuộc gặp gỡ giữa hai vị diễn ra vào ba thời điểm khác nhau (chứ không hẳn là ba lần): năm 1217; 1218; 1221. Điều đáng nói là các tài liệu này đều phát xuất từ dòng Phansinh chứ không phải của dòng Đaminh[2].

1- Người ta có thể dễ hình dung rằng hai thánh tổ phụ gặp nhau lần đầu tiên tại Roma, nhân dịp công đồng Laterano IV. Hồi ấy cha Đôminicô đến xin đức giáo hoàng Innocentê III châu phê dòng của mình. Có lẽ Phanxicô cũng có mặt ở đó. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thiết bởi vì không có bằng chứng cụ thể nào hết. Cuộc gặp gỡ đầu tiên được nói đến là vào năm 1217, nghĩa là hồi thánh Đaminh trở lại Roma lần thứ hai để xin châu phê Dòng, sau khi đã họp bàn với anh em để chọn bản luật thánh Augustinô. Phanxicô cũng đến Rôma với ý định tương tự. (Trước đây đức thánh cha đã châu phê luật sống của Phanxico rồi, nhưng theo ý nguyện của công đồng Laterano IV, cần phải chọn một bản luật cổ).

Cuộc gặp gỡ lần này bắt nguồn từ anh em Phansinh và được Gerard de Frachet ghi trong Vitae Fratrum (bản dịch Việt ngữ: “Đời sống anh em”, trang 32-33). Chúng ta hãy đọc lại câu chuyện:

Một tu sĩ danh giá của dòng Phansinh, là người tháp tùng lâu năm của thánh Phanxicô, đã kể một câu chuyện sau đây cho một số anh em của chúng ta, và một trong số họ đã gửi câu chuyện này tới cha tổng quyền Giorđanô – rằng khi cha Đôminicô đang ở Rôma để xin Thiên Chúa và Đức Giáo hoàng châu phê Dòng của mình, thì một đêm kia người đang cầu nguyện trong nhà thờ như thường lệ, người đã thấy một thị kiến: Chúa Giêsu Kitô hiện ra, tay cầm ba lưỡi đòng toan phóng xuống thế gian. Cùng lúc đó Đức Mẹ quì gối xin Người tỏ lòng thương xót nhân loại mà Người đã cứu chuộc và làm dịu công bình bằng lòng thương xót. Nhưng Đức Giesu thưa với Đức Mẹ rằng: Chẳng lẽ Mẹ không biết rằng thếgian đã phạm biết bao nhiều lỗi phạm đến Con đó sao? Sự công bình của Con không cho phép để cho sự dữ tiếp tục diễn ra mà không bị trừng trị”. Bấy giờ Đức Mẹ đáp lại với Con của mình rằng: “Con ơi, Con biết hết mọi sự, Con biết có một phương thế để chế ngự sự cứng lòng của họ: Mẹ có một người tôi tớ trung tín. Hãy gửi người này đến thế gian đểcông bố Lời của Con. Nhờ đó thế gian sẽ trở về và tìm kiếm Con, Đấng Cứu độ trần gian. Mẹ cũng phái một người tôi tớ khác đến để chung sức làm công tác đó”. Nghe vậy Chúa Con thưa với Mẹ của mình rằng: “Vâng, con sẵn sàng chấp thuận kế hoạch của Mẹ, nhưng xin Mẹ cho con thấy người mà Mẹ đã tuyển chọn vào sứ vụ quan trọng này”. Bấy giờ Đức Mẹ dâng cha Đôminicô cho Chúa Kitô. Chúa đã thưa với Mẹ rằng: Người này sẽ tận tình làm tốt những điều con đã nói”. Rồi Đức Mẹ cũng đưa Phanxicô tới, và Chúa cũng nói những lời tương tự. Trong thị kiến đó, cha Đôminicô quan sát kỹ lưỡng người đồng hành mà mình chưa hề quen biết. Hôm sau, khi cha Đôminicô gặp thấy con người ấy tại nhà thờ, người nhận ra ngay và chạy đến ôm hôn thân tình rồi nói: “Anh chính là người đồng bạn của tôi, chúng ta sẽ chung lưng sát cánh với nhau và sẽ chẳng thu địch nào thắng được chúng ta”. Rồi thánh Đôminicô kể lại thị kiến của mình, và từ đó hai người trở nên “một trái tim một linh hồn trong Chúa” (Cv 4,32), đồng thời hai ngài cũng truyền dạy các con cái của mình giữ tinh thần huynh đệ với nhau mãi mãi.

Chúng ta nên lưu ý: chuyện này do cha Gerard de Frachet viết lại theo lời thuật của một cha dòng Phansinh[3]. Biến cố xảy ra vào năm 1217, nhưng mãi đến 40 năm sau mới công bố. Các nguồn sử đầu tiên của dòng Đaminh không đả động đến chuyện này. Mặt khác, biến cố cũng được kể lại trong một nguồn Phansinh, đó là bài giảng của Federico Visconti, tổng giám mục Pisa (1200-1277). Nhân tiện, xin lưu ý là đừng lẫn lộn các giấc mơ. Chúng ta đang nói đến giấc mơ thấy Đức Mẹ can thiệp với Chúa để phái hai tổ phụ đến thế gian; nó khác với giấc mơ của đức giáo hoàng Innocente III thấy đền thờ Latêranô (nhà thờ chánh tòa Rôma) lung lay và có người đứng ra đỡ. Nguồn Đaminh (Legenda của Constantino Orvieto, năm 1245, cap. 17) thì nói người ấy là thánh Đôminicô, và giấc mơ xảy ra năm 1215; còn nguồn Phansinh (Legenda maior của Bonaventura, năm 1260, cap.3, n.10) thì nói người ấy là Phanxicô, và giấc mơ xảy ra năm 1205. Nghi vấn: nguồn Đaminh ra đời trước, phải chăng nguồn Phansinh chép lại?

2- Một cơ hội gặp gỡ thứ hai diễn ra ở tổng hội dòng Phansinh, ngày 3 tháng 6 năm 1218 (quy tụ 5 ngàn tu sĩ) tại Assisi. Biến cố này được thuật lại trong sách Fioretti (chương 53). Thánh Đôminicô cùng với 7 anh em của dòng Giảng thuyết tham dự buổi họp, và ngài đã chịu ấn tượng lớn bởi yêu sách khó nghèo của thánh Phan-sinh. Từ sau cuộc gặp gỡnày, cha Đaminh đã xét lại việc giữ đức thanh bần trong dòng của mình, nghĩa là siết chặt hơn nữa, khước từ triệt để mọi sở hữu. Tiếc một điều là sách Fioretti do một tác giả vô danh viết ra, có lẽ vào giữa thế kỷ XIV (nghĩa là một thế kỷ sau sự kiện). Tuy nhiên, một nguồn khác của cha Pier di Giovanni Olivi ghi lại lời cha Raymond Barrau kể rằng chính cha Đôminicô đã cho biết Dòng anh em giảng thuyết chấp nhận khước từ sở hữu tài sản sau khi chứng kiến tấm gương phó thác vào Chúa Quan phòng của thánh Phanxicô khi họp anh em ở Assisi[4].

3- Thời điểm gặp gỡ thứ ba là tại Roma, ở dinh của hồng y Hugolino (tức là vị giáo hoàng tương lai Grêgôriô IX), vào khoảng năm 1221. Câu chuyện này do cha Tôma Celano kể lại (Vita secunda, chương 109-110). Đề tài cuộc trao đổi là các tu sĩ của hai dòng hành khất có nên nhận chức giám mục không. Cả hai vị tổ phụ đều khiêm tốn từ chối. Chúng ta hãy nghe tác giả đề cao đức khiêm nhường của hai đấng:[5]

(Về sự khiêm hạ của ngài đối với Thánh Đa Minh và thái độ tương ứng của Thánh Đa Minh, về lòng mến của hai đấng đối với nhau).

148. Thánh Đa Minh và thánh Phanxicô, hai ngọn minh đăng của thế giới, ngày kia có mặt ở Rôma cùng lúc với Đức Giám Mục giáo phận Ostia, đấng sau này sẽ trở thành Giáo Hoàng. Hai đấng đang nói cho nhau nghe những lời ngọt ngào về Chúa, thì Đức Giám Mục lên tiếng: “Trong thời Hội Thánh sơ khai, các chủ chăn của Hội Thánh đều là những người nghèo, và đầy lòng bác ái yêu thương, chứ không háo hức lửa tham lam. Vậy sao ta không lựa trong hàng ngũ các anh em của hai vị những người trổi vượt về học thuyết và đạo hạnh để nâng lên làm giám mục và giáo sĩ cao cấp?” Lúc ấy giữa hai thánh nẩy sinh bất đồng về việc trả lời, không ai muốn nói trước, người nào cũng muốn nhường cho người kia, thậm chí ép buộc người kia lên tiếng. Cả hai đều hơn nhau vì cả hai đều hết lòng cung kính nhau. Sau cùng, đức khiêm hạ chiếm được Phanxicô vì ngài không lên tiếng trước, nhưng đức khiêm hạ cũng chiếm được Đa Minh, vì sở dĩ ngài lên tiếng trước là do khiêm hạ vâng lời.

Vậy đấng vinh phúc Đa Minh trình Đức Giám Mục: “Kính thưa Đức Cha, nếu hiểu đúng thì các anh em của con đã được nâng lên một địa vị khá cao quý rồi, và trong mức độ thẩm quyền của con, con sẽ không cho phép họ nhận lấy một chức vụ cao trọng nào khác.”

Sau lời đáp ngắn gọn ấy, đấng vinh phúc Phanxicô nghiêng mình trước đức giám mục, thưa rằng: “Kính thưa Đức Cha, sở dĩ các anh em của con mang danh là ‘hèn mọn’ chính là để ngăn ngừa họ đừng có tham vọng trở thành ‘chức sắc cao cấp’. Tên gọi dạy cho họ ở lại chỗ đất bằng mà đi theo vết chân Chúa Kitô [x.1Pr 2,21] khiêm hạ. Việc này lại cho họđược nên cao trọng hơn nhiều kẻ khác trước mặt các thánh.[x. Kn 3,13] Nếu như Đức Cha muốn họ sinh nhiều hoa trái trong Hội Thánh của Chúa, xin Đức Cha giữ họ lại trong địa vị y như khi họ mới được gọi. Xin Đức Cha kéo họ trở về đất bằng, ngay cả khi họ không muốn. Vì vậy con nài xin Đức Cha đừng bao giờ cho phép nâng họ lên chức vụ giáo phẩm, nếu không họ chỉ càng cao ngạo vì đã nghèo hơn, và do đó mà tỏ ra khinh mạn người khác.” Đấy là lời hai vị thánh thưa lại.

149. Hỡi con cái của các thánh nhân, quí vị nói gì đây? Lòng ganh tị ghen ghét là bằng chứng cho thấy quí vị đã thoái hóa, lòng ham muốn chức tước vinh hoa chứng tỏ quí vị là những đứa con hoang. Anh em cắn xé nhau,[x. Gl 5,15] và xảy ra giành giật và tranh chấp xảy chỉ vì anh em nhiều tham vọng. Lẽ ra các anh phải chiến đấu chống lại các thế lực của bóng tối, một cuộc chiến gian khổ chống lại các đạo binh của ma quỉ, thế mà anh em đã quay khí giới chống lại nhau. Các đấng tổ phụ đầy ơn thông hiểu đã nhìn nhau trong tình thân ái, mặt hướng về nắp Xá Tội[6].[354] Trái lại, con cái của hai đấng lại đầy lòng đố kỵ, nhìn mặt nhau cũng thấy khó. Xin hỏi, thân thể sẽ làm gì khi trái tim bị phân chia? Chắc chắn lời dạy đạo đức sẽ sinh hoa trái dồi dào hơn trên khắp hoàn vũ nếu như sợi dây bác ái liên kết chặt chẽ hơn lời giảng của các tôi tớ Chúa. Tất cả những gì chúng ta nói hoặc giảng dạy đều trở thành hết sức khả nghi, vì có những dấu hiệu hiển nhiên cho thấy có men hận thù bên trong chúng ta. Tôi biết điều này không liên can đến những người tốt ở cả hai bên, nhưng liên quan đến những thành phần bất hảo là những kẻ, theo thiển ý tôi, cần được loại trừ kẻo người thánh thiện bị lây nhiễm.

Cuối cùng thì tôi phải nói gì về những người ao ước những chuyện cao sang? Các vị tổ phụ đã đạt tới Nước Trời bằng con đường khiêm hạ, chứ không phải bằng con đường cao vọng, nhưng con cái thì lại luẩn quẩn trong cái vòng danh lợi và không chịu tìm đường về chốn thành thị dân cư.[x. Tv 107,4] Chúng ta mong được gì? Nếu không đi theo con đường các thánh tổ phụ, chúng ta sẽ không đạt tới vinh quang của các ngài! Xin Chúa chữa chúng con cho khỏi sự ấy! Xin Chúa làm cho các môn đệ trở nên khiêm hạ dưới cánh các vị thầy khiêm hạ của họ. Xin làm cho những người anh em trong tinh thần biết đối xử thân ái với nhau, và nguyện xin Chúa cho bạn được thấy đàn con lũ cháu. Nguyện chúc Israel vui hưởng thái bình! [x.Tv 128,6]

(Chương 110. Cách hai đấng thánh xin người kia nhớ đến mình)

150. Nghe hai vị tôi tớ của Chúa trả lời, như đã tường thuật ở trên, Đức Giám Mục giáo phận Ostia cảm thấy thêm lòng sốt sắng rất nhiều và khi hai vị dứt lời thì ngài không ngớt dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Lúc hai vị rời khỏi nơi ấy, đấng vinh phúc Đa Minh ngỏ lời xin Thánh Phanxicô vui lòng cho mình sợi dây thừng mà vị thánh nghèo đang thắt ngang lưng. Phanxicô do dự; vì lòng khiêm hạ, ngài từ chối không trao điều mà vị kia xin vì lòng yêu mến. Cuối cùng nhiệt tình hân hoan của người xin đã thắng, và Thánh Đa Minh sùng kính mang sợi dây được tặng vào bên dưới áo trong của mình. Hai ngài nắm tay nhau, và người này thắm thiết xin người kia nhớ đến mình. Vị thánh này nói với với vị thánh kia: “Anh Phanxicô, tôi mong ước sao Hội Dòng anh và Hội Dòng tôi có thể sáp nhập làm một, ngõ hầu chúng ta cùng chung một lối sống trong Hội Thánh.” Khi hai ngài đã mỗi người một ngả, Thánh Đa Minh nói với những người đang có mặt ở đó: “Tôi nói thật với anh em, hết thảy các tu sĩ khác phải noi gương con người thánh thiện Phanxicô này, vì sự thánh thiện nơi ngài thật là hoàn hảo.”

 Nên ghi nhận là đoạn văn này kể lại một chuyện xảy ra hồi năm 1221, nhưng có lẽ đã được biến báo cho hợp với tình hình vào lúc xuất bản cuốn sách (1246). Giữa hai dòng đang có những cuộc tranh chấp, và các cấp lãnh đạo cố gắng tìm cách tạo bầu khí hòa giải. Tổng quyền Gioan Teutonicus đã viết cho anh em giảng thuyết như sau: “Hãy tỏ lòng thân ái đặc biệt với các Anh em Hèn Mọn. Hãy tỏ ra hòa nhã với họ, vì Hội Thánh đã cưu mang trong lòng cùng lúc hai đứa con và đã cho chào đời hai đứa con sinh đôi trong ánh sáng của muôn dân. Hãy cẩn thận hơn để tránh mọi cử chỉ gây hấn, hãy cất đi mọi cớ gây giận dữ. Nếu có điều gì có thể gây khó chịu, nếu không trái với các luật lệ của Dòng chúng ta, anh em hãy lưu tâm gạt bỏ đi.”[7]

Trong giờ kinh Sách ngày 4/10, phụng vụ dòng Đaminh cho đọc lại thư chung của hai vị tổng quyền Humberto de Romans OP và Gioan de Parma OFM khuyến khích các tu sĩ hai dòng hãy duy trì hòa khí với nhau. Lá thư này viết năm 1255.

III. Những tương đồng và dị biệt

Không rõ vì ý đồ gì mà các trình thuật về cuộc gặp gỡ giữa thánh Phanxicô và thanh Đôminicô đều phát xuất từ nguồn Phansinh. Xem ra dòng Đaminh coi nhẹ chuyện này. Nên ghi nhận là các nguồn bàn về chuyện này được xuất bản khá lâu năm sau biến cố. Phải chăng câu chuyện được dựng lên vào một thời điểm xảy ra nhiều chuyện tranh chấp giữa hai dòng, nhằm khuyến khích các con cái của hai dòng hãy cố gắng giữ hòa khí theo gương của các đấng tổ phụ? Chúng tôi không muốn đi sâu vào giả thiết này, nhưng xin đặt câu hỏi cách khác: cuộc gặp gỡ này có ảnh hưởng gì đến hướng đi của mỗi vị không? hay là sau đó “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi”, và chỉ nhớ nhau trong lời cầu nguyện? Thiết tưởng có thể trả lời như thế này: giữa hai bên có sự chia sẻ lý tưởng, đến độ có lúc xem ra khó phân biệt đặc sủng của mỗi dòng; có lẽ đó là sự gặp gỡ mà các bản văn muốn nói tới. Để chứng minh, chúng ta hãy đi từ khởi điểm khác biệt của mỗi vị tổ phụ, rồi sau đó xét đến điểm đồng quy vào lúc cuối đời.

A. Những nét cá biệt của mỗi vị tổ phụ

Hai vị sống trong môi trường xã hội khác biệt[8]:

1- Thánh Phanxicô.

– Phanxicô sống ở thành thị, vào một thời buổi mà xã hội đang chuyển mình: sự phát triển của giới tư sản và thương gia tại Italia. Phanxicô phản đối một xã hội làm giàu nhờ buôn bán.

– Phanxicô là một giáo dân; mãi sau này mới làm phó tế.

– Phanxicô là con người ít đi lại (ngoại trừ một lần đi truyền giáo ở đất thánh)

– Phanxicô có tâm hồn nghệ sĩ, gần gũi với thiên nhiên

– Phanxicô đã để lại nhiều bài thi ca, cũng như nhiều bức thư

2- Thánh Đôminicô

– Đôminicô sống trong một xã hội nông nghiệp cổ truyền. Tuy thuộc gia đình quý tộc, nhưng Người sống kham khổ.

– Đôminicô là một giáo sĩ, và được huấn luyện thần học tại Palencia và Osma.

– Đôminicô đi lại nhiều nơi lên tới miền Bắc Âu, và nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo.

– Đôminicô có đầu óc tổ chức, tinh thần pháp luật

– Đôminicô không để lại bút tích nào, ngoại trừ bản hiến pháp cùng soạn với anh em, (và một lá thư gửi cho các nữ đan sĩ ở Madrid).

B. Những nét tương đồng và ảnh hưởng hỗ tương

Mặc dù sinh ra và lớn lên trong những môi trường khác nhau, và đã chọn những lãnh vực hoạt động khác nhau, nhưng người ta vẫn nhận thấy nhiều nét chung trong cuộc đời của hai vị tổ phụ: sự khó nghèo; tinh thần đền tội; tinh thần phục vụ Giáo hội; lòng sùng kính Đức Mẹ Maria (dòng Giảng thuyết được khai sinh tại nhà thờ kính Đức Mẹ ở Prouilhe, dòng Hèn mọn được khai sinh tại nhà thờ Đức Mẹ các thiên thần ở Assisi).

Những điểm tương đồng này có thể giải thích là do cả hai vị thánh đã nắm bắt những “dấu chỉ thời đại” của thế kỷ XIII: lòng khát khao trở về với Tin mừng, được biểu lộ nơi nhiều phong trào giáo dân, nhưng vì không được hướng dẫn cho nên dễ rơi vào lạc giáo. Điều mà tôi muốn lưu ý là mỗi vị đã đưa vào dòng của mình điều hay điều tốt mà mình khám phá nơi dòng anh em. Xin tạm gọi là thánh Đominicô được Phansinh-hóa về tinh thần khó nghèo; và thánh Phanxicô được Đaminh-hóa khi chú trọng đến việc học.

1/ Thánh Đôminicô được Phansinh-hóa

Thánh Đôminicô lập dòng giảng thuyết. Sự khó nghèo chỉ là một điều kiện cho việc rao giảng Lời Chúa hữu hiệu, chứ không phải là mục tiêu. Thánh Tôma sẽ nói rõ điều này: sựtrọn lành hệ tại đức ái chứ không hệ tại sự khó nghèo. Vì thế dòng Đaminh không gặp những cuộc tranh chấp nội bộ như dòng Phansinh bắt nguồn từ việc giải thích nếp sống khó nghèo. Tuy vậy, khi đọc di chúc của thánh Đominicô, ta không khỏi ngạc nhiên vì thấy giọng điệu sao mà giống thánh Phanxicô đến thế: “Anh em rất thân mến, đây là những điều cha trối lại như gia sản cho con cái: hãy có lòng bác ái, hãy giữ đức khiêm nhường, hãy chiếm hữu sự khó nghèo tình nguyện”. Rồi ngài còn nghiêm khắc ngăn cấm không được du nhập quyền sở hữu tài sản vào dòng, cũng như ngài chúc dữ cho bất cứ ai lấy bụi bặm tài sản mà làm lu mờ vẻ sáng ngời của Dòng. Lạ thật, thánh Đôminicô chẳng khuyến khích anh em chuyên cần học hành, sốt sắng cầu nguyện, nhiệt thành rao giảng gì cả! Tôi không muốn bình luận điều này, bởi vì đã viết trong sách Tìm hiểu dòng Đaminh rồi (chương 15)!

2/ Thánh Phanxicô được Đaminh-hóa

Chắc hẳn sự thay đổi căn tính quan trọng nhất của dòng Hèn mọn là chuyển từ dòng giáo dân sang dòng giáo sĩ, từ chỗ giảng thuyết bình dân sang giảng thuyết hàn lâm; nói cách khác, từ dòng nông dân sang dòng trí thức. Nhiều nhân tố đã góp phần vào việc biến hình đổi dạng ấy, đứng đầu là các giáo sĩ và giáo sư gia nhập dòng (được gọi làsapientes), chẳng hạn như thánh Anton Padova, và cách riêng là do ảnh hưởng của đức hồng y Hugolinô, đấng bảo trợ của dòng và là giáo hoàng tương lai Grêgôriô IX. Việc học được đưa vào đời sống của anh em hèn mọn. Như chúng ta đã biết, từ năm 1236, Alexander de Hales, giáo sư thần học tại Paris gia nhập dòng Hèn mọn, và nhờ vậy mà dòng Hèn mọn có một ghế dạy học ở Paris, rồi sau đó, nhường lại cho Jean la Rochelle (1238-44), và 10 năm sau Bonaventura giữ ghế này (1254-57). Dòng Đaminh thì đã giữ hai ghế từ năm 1229. Tại đây hai dòng đã hợp lực để đương đầu với sự chống đối của hàng giáo sĩ triều, nhưng sau đó lại bất hòa vì dòng Đaminh thiên về triết học Aristote, còn dòng Phansinh vẫn giữ triết học Platon

IV. Kết luận

Đã đến lúc phải kết luận. Đã có nhiều trang đẹp ca ngợi sự đóng góp của hai vị thánh này cho Giáo hội. Chỉ cần trưng dẫn chương 158 trong sách Đối thoại của thánh Catarina Siena, viết vào thế kỷ XIV. Gần hơn nữa là bài huấn dụ của đức thánh cha Bênêđictô XVI vào dịp tiếp kiến chung ngày thứ tư 13/1/2010. Đó là những trang đáng nghiền ngẫm.

Tình huynh đệ giữa hai dòng được biểu lộ đặc biệt trong phụng vụ. Vào lễ thánh Đôminicô, vị bề trên (tu viện, tỉnh dòng, toàn dòng) của anh em Hèn mọn chủ sự thánh lễ tại nhà thờ dòng giảng thuyết và ngược lại. (Ở Việt Nam chưa có tục lệ này). Bản văn phụng vụ lễ kính thánh Phanxicô được lấy lại trong phần riêng của anh em giảng thuyết, và ngược lại. Vào dịp lễ của hai thánh tổ phụ, đôi bên cùng xướng bài hát: Seraphicus Pater Franciscus et apostolicus Pater Dominicus, ipsi nos docuerunt legem tuam, Domine.

Dĩ nhiên, giữa hai dòng không thể nào thiếu những chuyện châm chọc của Đạo Kười. Tôi chỉ xin chọn một bản văn thuật lại cuộc đối thoại giữa hai vị thánh diễn ra tại Roma. Đôminicô nói trước, Phanxicô đáp lại.

Đôminicô. Chào anh. Tôi là người nước Tây-ban-nha. Từ thuở bé, tôi đã theo đuổi việc học hành. Tại đại học Palencia, tôi đã khám phá những chân lý sâu xa của thần học, vẻ đẹp của triết học. Tôi đã đi ngang qua miền nam nước Pháp, và đã chứng kiến những lạc giáo. Tôi nghiệm thấy rằng sự dữ của thời đại này là tội kiêu ngạo và dốt nát, khiến cho lý trí ra mù quáng và nô lệ. Duy chỉ có chân lý mới mang lại tự do đích thực. Còn anh thì sao?

Phanxicô. Tôi là một thương gia, một con người mê thế gian, và một người tội lỗi. Tôi chẳng học hành cao siêu gì cả. Mấy cuốn sách tôi đọc toàn là chuyện kiếm hiệp và các bài ca trữ tình. Thế rồi một ngày kia Chúa nhân từ đã gọi tôi, và dạy tôi hãy đọc cuốn sách là Thánh giá. Tôi chưa gặp người lạc giáo nào, nhưng tôi đã gặp nhiều người phong cùi. Thế rồi Chúa đã giao cho tôi các tu sĩ. Chẳng ai chỉ dẫn cho tôi cách thức phải điều hành cộng đoàn ấy ra sao, nhưng chính Đấng Tối cao đã mạc khải cho tôi biết rằng cần phải sống theo Tin mừng.

Đôminicô. Các anh em tôi cũng sống theo Tin mừng. Họ cầu nguyện và học hành để hiểu biết các mưu mô thế gian mà chống trả.

Phanxicô. Các anh em tôi thì dốt nát mù chữ, và họ chẳng có cuốn sách nào ngoài cây thánh giá.

Đôminicô. Các anh em tôi không sở hữu gì khác, ngoài cái nhà cộng đoàn và căn phòng mà hôm nay họ đang ở nhưng ngày mai có thể đã chuyển đi chỗ khác.

Phanxicô. Các anh em tôi chẳng có lấy một nơi gối đầu; trái tim của tôi trở thành căn phòng của họ.

Đôminicô. Anh Phanxicô ơi, làm thế nào mà một cộng đoàn có thể đứng vững nếu chẳng ai chăm lo những nhu cầu tối thiểu của thân xác?

Phanxicô. Anh Đôminicô à, Chúa đã mặc khải cho tôi biết rằng nếu mình ôm ấp Bà Chúa Nghèo, thì thế gian sẽ chu cấp những điều cần thiết cho chúng ta, bởi Chúa đã đặt một hợp đồng giữa chúng tôi với thế gian: chúng tôi lo làm gương sáng cho thế gian, và Thiên Chúa sẽ lo liệu những sự cần thiết cho chúng tôi.

Đôminicô. Chúng tôi cũng sống nghèo đấy chứ. Chúng tôi là những con chó của Chúa, miệng ngậm bó đuốc đức tin, xông vào đàn sói lạc giáo để xua đuổi chúng.

Phanxicô. Chúng tôi là những nhóm du ca, với khuôn mặt luôn hớn hở vui tươi kể cả lúc gặp gian truân. Chúng tôi muốn loan báo cho người đời biết rằng phụng sự Thiên Chúa là cai quản, và phải phụng sự ngài trong hân hoan.

Đôminicô. Chúng tôi đập tan các thứ cỏ lạc giáo, và bứng cả hết các cỏ dại làm ô nhiễm đất đai.

Phanxicô. Chúng tôi không có sức mạnh để nhổ cỏ, nhưng có can đảm để chịu chết vì đạo, bởi vì nếu hạt giống mà không chết đi thì sẽ không mang lại hoa trái.

Đôminicô. Thiên Chúa là chân lý; do sự u mê dốt nát mà sinh ra tội lỗi.

Phanxicô. Thiên Chúa là tình yêu; bởi thiếu tình yêu cho nên đâm ra u mê dốt nát.

Đôminicô. Anh Phanxicô ơi, tôi ước mong sao cho hai dòng chúng ta nhập làm một, và mong sao cả hai cùng giữ một luật lệ như nhau.

Phanxicô. Không được đâu, anh Đôminicô à! Chúng ta là hai cái bánh xe của một cỗ xe; bánh xe của chúng em mãi mãi vẫn là nhỏ bé hèn mọn!

Khỏi nói ai cũng đoán được xuất xứ của đoạn văn này.

Tu viện Mân côi Gò vấp, ngày 4 tháng 10 năm 2013.

**********************************

[1] Guy-Thomas Bedouelle, Saint Francois et saint Dominique, Conference 4 Octobre 2010, đăng trên mạng:http://www.freres-capucins.fr/Notre-pere-saint-Francois-et-notre.html

[2]Theo cha Pietro Lippini O.P., cha Pietro Calò (+1348) ghi lại một cuộc gặp gỡ vào khoảng năm 1220 tại Cremona. Cha Đaminh chúc lành cho một giếng nước của anh em Hèn mọn, Storie e leggende medievali, Edizioni Studio Domenicano Bologna 1988, p.24. Như vậy là có bốn lần gặp gỡ.

[3]Cha Bedouelle cho biết rằng câu chuyện cũng được thuật lại trong một bài giảng của Federico Visconti, tổng giám mục Pisa (1200-1277), một người đã quen biết thánh Phanxicô từ năm 1222. Xc. François d’Assise, Écrits, Vies, témoignages, Cerf Paris 2010, p. 3099.

[4]Xem Fonti Francescane, Padova 1997, số 2706

[5]Bản dịch tiếng Việt lấy từ mạng của tỉnh dòng Phanxicô http://ofmvn.org/linh-dao/tai-lieu-nguon/53-tac-pham-ve-thanh-Phanxicô-assisi/647-hanh-thanh-Phanxicô-ii-celano

[6]Câu này lấy điển từ sách Xuất Hành 21,20. Thánh Phanxicô và Thánh Đa Minh được ví như hai thần Hộ giá đặt hai bên Hòm Giao Ước. Nắp Xá Tội là biểu tượng của Chúa Kitô. (Lời chú của người dịch).

[7]Litterae Encyclicae Magistrorum Generalium’, Monumenta Ordinis Fratrum Praedicatorum Historica V, Roma, 1900, 7-9.

[8]Tư tưởng này lấy lại của cha Bedouelle.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here