Thánh Gioan Kim Khẩu

0
5554

Trích ĐGH Bênêdictô XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ (Tp. HCM: Nxb Phương Đông, 2017), tr. 93-111.

Đây là nhà giảng thuyết lẫy lừng xuất thân từ Antiôkhia, người được truyền thống tôn phong danh hiệu “miệng vàng”. Đức Bênêđictô XVI dành hai buổi tiếp kiến chung để nói về thánh Gioan Kim Khẩu:

– ngày 19 tháng 09 năm 2007: giới thiệu những năm thánh nhân hoạt động ở Antiôkhia. Đây là khoảng thời gian ngài có nhiều bài giảng đánh động lòng người.

– ngày 26 tháng 09 năm 2007: giới thiệu hoạt động của thánh nhân ở vùng Constantinopoli. Đây là khoảng thời gian thánh nhân gặp nhiều gian nan thử thách nhất trong cuộc sống. Ngài đã chứng tỏ lòng trung thành với đạo lý chân chính của Giáo hội.

*****

Anh chị em thân mến,

Đã mười sáu thế kỷ trôi qua kể từ khi thánh Gioan Kim Khẩu ly trần. Có thể nói rằng thánh Gioan thành Antiôkhia, biệt hiệu “kim khẩu” (nghĩa là “miệng vàng,” nói lên khả năng diễn giảng tuyệt vời), vẫn sống mãi với chúng ta hôm nay qua rất nhiều tác phẩm ngài để lại. Một người sao chép các tác phẩm của thánh Gioan đã đưa ra một nhận định như sau: “Lời thánh nhân băng qua khắp địa cầu như những tia chớ́p chiếu toả ánh sáng.”

Nếu khi xưa, các tác phẩm của thánh Gioan Kim Khẩu đã giúp cho cộng đoàn tín hữu sống niềm tin ngay cả khi ngài vắng mặt vì bị lưu đày phương xa, thì ngày nay, cũng giúp chúng ta sống đức tin trong hoàn cảnh hiện tại. Đây là điều mà chính thánh nhân đề nghị trong một lá thư được viết ở nơi lưu đày.[1]

1. Những năm ở Antiôkhia

Gioan chào đời khoảng năm 349, ở Antiôkhia, vùng Syria (nay là vùng Antakya ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ). Thánh nhân đã thi hành tác vụ tư tế ở thành phố này khoảng mười một năm, cho đến năm 397, được chỉ định làm giám mục thành Constantinopoli và ngài đã thi hành tác vụ cao cả này trong thủ phủ của đế quốc trước khi bị lưu đày hai lần liên tiếp – khoảng từ năm 403 đến năm 407. Trước tiên, xin được chia sẻ về cuộc đời của thánh nhân những năm sống ở Antiôkhia.

Gioan mất cha lúc còn niên thiếu, nên chỉ sống với mẹ là bà Anthusa. Người phụ nữ này đã gieo vào tâm hồn con mình sự nhạy cảm, tinh tế, và một niềm tin Kitô giáo sâu đậm.

Sau khi hoàn thành những chương trình học vấn sơ khởi và nâng cao, Gioan tiếp tục thành đạt trong những khoá triết học và hùng biện khi thụ huấn dưới sự hướng dẫn của thầy Libanius, một người ngoại giáo và là nhà hùng biện nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Nhờ thầy Libanius chỉ dạy, Gioan trở thành người diễn thuyết vĩ đại nhất cuối thời Hylạp cổ đại.

Gioan lãnh nhận Phép Rửa vào năm 368, rồi được đức cha Meletius huấn luyện, hầu chuẩn bị bước vào đời sống Giáo Hội. Chính đức cha đã cắt cử Gioan giữ chức Đọc sách (lector) vào năm 371. Sự kiện này đánh dấu Gioan chính thức bước vào sinh hoạt (cursus) của Giáo Hội. Từ năm 367 đến năm 372, Gioan tham dự Asceterius (là một chương trình đào tạo linh mục ở Antiôkhia) cùng với một nhóm thanh niên trẻ (vài người trong số họ sau này trở thành giám mục), dưới sự hướng dẫn của nhà chú giải Diodore thành Tacxô, người đã khơi dậy nơi Gioan khuynh hướng chú giải theo nghĩa đen và văn phạm như truyền thống của vùng Antiôkhia.

Sau đó, Gioan rút vào nơi hoang vắng, sống đời ẩn sĩ khoảng bốn năm trên ngọn núi Silpius. Ngài tiếp tục chương trình tĩnh tâm và ẩn dật thêm hai năm nữa, đơn độc cư ngụ trong một hang động, dưới sự̣ hướng dẫn của một bậc “ẩn sĩ lão thành.” Trong thời gian đó, ngài tận hiến hoàn toàn cho việc suy niệm về “luật của Đức Kitô,” về các sách Tin Mừng và đặc biệt là các thư của thánh Phaolô Tông đồ. Bị ngã bệnh, Gioan thấy không thể tự chăm sóc sức khoẻ bản thân (vì không có ai giúp đỡ), nên phải quay trở về với cộng đoàn Kitô hữu ở Antiôkhia.[2]

Người viết tiểu sử về thánh nhân giải thích, bấy giờ Thiên Chúa đã can thiệp bằng cách cho phép căn bệnh xảy ra, hầu giúp Gioan theo đuổi ơn gọi đích thực của mình. Thực vậy, sau này chính thánh nhân viết rằng ngài đã phải lựa chọn giữa việc điều hành Giáo Hội với sự ẩn mình trong nếp sống đan tu yên ổn, mà thực sự ngài thích điều đó hơn công tác mục vụ ngàn lần.[3] Chính qua biến cố đau bệnh này, Gioan nhận ra ơn gọi của mình.

Chính tại đây, có một bước ngoặ̣t quan trọng trong hành trình ơn gọi của thánh Gioan: dành trọn thời gian cho công tác mục vụ, chăm sóc các linh hồn! Mối tương quan khăng khít với Lời Chúa, là Lời đượ̣c gieo vào tâm hồn trong những năm Gioan sống ẩn dật, đã thôi thúc thánh nhân đến độ không thể cưỡng lại phải rao giảng Tin Mừng, trao cho người khác những gì chính ngài đã lãnh nhận trong thời gian sống đời chiêm niệm. Thế là, lý tưởng truyền giáo nung nấu tâm hồn, đẩy ngài vào đời sống mục tử, chăm sóc đoàn chiên.

Trong khoảng năm 378 đến 379, Gioan quay trở lại thành phố. Năm 381, Gioan lãnh nhận chức phó tế và sau đó, thụ phong linh mục năm 386, rồi trở thành một nhà giảng thuyết nổi tiếng khắp các Thánh Đường trong thành phố. Thánh nhân có nhiều bài giảng chống lại những kẻ theo bè rối Ariô, nhiều bài chú thích về các vị tử đạo của Antiôkhia và về các cử hành Phụng vụ quan trọng khác. Có thể xem những bài giảng ấy là giáo huấn quan trọng về niềm tin vào Đức Kitô và niềm tin vào ánh sáng soi dẫn nơi các thánh.

Người ta thường gọi năm 387 là “năm anh hùng” của Gioan Kim Khẩu, là năm dấy lên “cuộc khởi nghĩa của các bức tượng.” Năm đó, tựa như một dấu chứng cho thái độ phản kháng chống lại thuế vụ nặng nề của triều đình, dân chúng phá huỷ các bức tượng mang hình ảnh hoàng đế. Chính trong tâm tình của những ngày Chay thánh và cũng vì lo sợ hoàng đế sẽ trả đũa, giết hại dân chúng, thánh Gioan Kim Khẩu đã có hai mươi hai bài giảng về các bức tượ̣ng gây xúc động lòng người. Mục đích của ngài là kêu mời dân chúng hồi tâm và hoán cải. Nhờ thế, mọi chuyện đã tạm ổn và bước vào thời kì thanh bình, thánh nhân tiếp tục chăm sóc mục vụ (387-397).

Thánh Gioan Kim Khẩu là một trong số những vị Giáo phụ để lại nhiều văn phẩm nhất: mười bảy khảo luận, hơn bảy trăm bài giảng giảng chính thức, các bài chú giải Tin Mừng theo thánh Matthêu và chú giải các thư của Thánh Phaolô (thư gởi tín hữu Rôma, Côrintô, Êphêsô và Hípri) và hiện còn hai trăm bốn mươi mốt lá thư.

Ngài không phải là một nhà thần học chuyên biệt nghiên cứu, nhưng đã biết tiếp nối truyền thống và đạo lý đáng tin cậy của Giáo Hội trong một thời kỳ nổi lên nhiều tranh cãi thần học, trong số đó phải đặc biệt kể đến tư tưởng của nhóm Ariô, muốn phủ nhận thiên tính của Đức Kitô. Có thể nói, thánh Gioan là một nhân chứng tỏ tưởng về bước phát triển tín lý của Giáo Hội từ thế kỷ IV đến thế kỷ V.

Thần học của thánh nhân đích thực là thần học mục vụ, trong đó ngài luôn quan tâm đến sự nhất quán giữa tư tưởng giảng dạy với kinh nghiệm hiện sinh của con người. Điều này hình thành nên chủ đề trọng tâm của những bài giáo lý tuyệt vời mà thánh nhân đã soạn thảo, hầu chuẩn bị cho các dự tòng lãnh nhận bí tích Rửa tội.

Khi sắp qua đời, thánh Gioan Kim khẩu đã viết như sau: giá trị của con người hệ tại ở “sự hiểu biết chính xác về đạo lý chân thực và một lối sống chính trực, ngay thẳng.”[4]Cả hai điều này, hiểu biết chân lý và lối sống chính trực, luôn song hành với nhau. Mọi bài giảng của thánh Gioan đều nhằm mục đích giúp cho các tín hữu ngày càng biết sử dụng trí tuệ và lý trí đúng đắn, ngõ hầu có thể hiểu và đem ra thực hành tất cả những gì niềm tin Kitô giáo đòi hỏi về đời sống tinh thần cũng như luân lý.

Thánh Gioan Kim Khẩu bận tâm đến việc làm cho các tác phẩm của mình giúp ích vào bước phát triển toàn diện trên cả ba chiều kích: thể lý, tri thức và tôn giáo. Những giai đoạn khác nhau trong bước tiến triển của đời ngườ̀i được ví như các vùng biển khác nhau trong một đại dương bao la: “vùng biển thứ nhất là thời thơ ấu.”[5]

Thực vậy, “chính ở thời kỳ thơ ấu mà khuynh hướng nghiêng về nết xấu hay nhân đức được biểu lộ.” Thế nên, lề luật Chúa truyền phải được ghi ấn trên linh hồn ngay từ đầu đời “như ghi ấn trên một miếng sáp.”[6] Thực vậy, đây là thời kỳ quan trọng nhất. Cần biết rằng thời kỳ này cóý nghĩa trọng tâm và nền tảng đến độ mọi định hướng lớ́n, mang lại cho con người một quan điểm thích hợp về cuộc đời, đều đi vào tâm hồn trong giai đoạn thơ ấu.

Do đó, thánh Gioan Kim Khẩu đề nghị: “Ngay từ độ tuổi mềm mỏng nhất này, hãy gìn giữ các trẻ nhỏ bằng thứ vũ khí thiêng liêng và dạy chúng biết dùng tay mình làm dấu thánh giá trên trán.”[7]

Thế rồi, đến độ thiếu niên và tuổi trẻ: “Theo sau thời thơ ấu là vùng biển của thời niên thiếu đầy sóng gió…, vì thói ham mê nhục dục nổi lên trong chúng ta.”[8]

Cuối cùng, đến tuổi trưởng thành và kết hôn: “Là thời kỳ trưởng thành, làm một người biết tuân giữ những cam kết, thề hứa trong đời sống gia đình: đây là thời kỳ tìm kiếm một người vợ.”[9]

Thánh nhân nhắc nhớ mục đích của hôn nhân, là làm phong phú cuộc sống của đôi bạn – chủ yếu là giúp đôi bạn sống đức hạnh và tiết độ – với đa dạng, phong phú các mối tương quan ngôi vị. Vì thế, đôi bạn nào đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hầu tránh tình trạng ly dị, chia rẽ, thì mọi thứ sẽ diễn ra với niềm vui sướng, và con cái có thể được giáo dục lành mạnh. Thế rồi, khi đứa trẻ đầu tiên được sinh ra, nó “tự̣a như một chiếc cầu nối trong gia đình; cả ba người (chồng – vợ – con cái) trở nên một thân thể, vì đứa trẻ liên kết đôi bạn,”[10] và cả ba người tạo thành một “gia đình, một Giáo Hội thu nhỏ.”[11]

Việc giảng thuyết của thánh Gioan Kim Khẩu thường diễn ra trong suốt thời gian Phụng vụ, là “không gian” mà cộng đoàn được xây dự̣ng bằng Lời Chúa và Thánh Thể. Cộng đoàn quy tụ ở đây diễn tả một Giáo Hội duy nhất,[12] cùng một lời đượ̣c gởi đến mọi nơi cho tất cả mọi người,[13] và đón rước Mình Thánh Chúa là dấu chỉ hữu hiệu của sự hiệp nhất.[14]

Dự phóng mục vụ của thánh Gioan Kim Khẩu luôn gắn kết chặt chẽ với đời sống Giáo Hội, trong đó người giáo dân đảm nhận chức vụ tư tế, vương đế và ngôn sứ khi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Thánh nhân nói với các tín hữu rằng: “Phép Rửa cũng sẽ làm cho anh chị em trở thành vương đế, tư tế và ngôn sứ.”[15]

Từ quan điểm này, phát xuất sứ mạng căn bản của người tín hữu, đó là mỗi người đều có trách nhiệm với ơn cứu độ của tha nhân: “Đây là nguyên lý trong đời sống xã hội. Chúng ta… không chỉ quan tâm đến chính mình mà thôi!”[16] Tất cả điều này diễn ra giữa hai cự̣c điểm: một bên là Giáo Hội toàn thể và một bên là “Giáo Hội thu nhỏ,” tức là gia đình trong một mối liên hệ hỗ tương.

Anh chị em thân mến, như chúng ta thấy, giáo huấn của thánh Gioan Kim Khẩu về sự hiện diện đúng nghĩa của Kitô giáo qua người tín hữu nơi gia đình và xã hội vẫn còn giá trị đến ngày hôm nay. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho mỗi Kitô hữu biết ngoan ngoãn vâng theo giáo huấn của vị thầy dạy đức tin vĩ đại này.

  1. Những năm ở Constantinopoli

Bây giờ, tôi xin tiếp tục vài điểm quan trọng nữa về thánh Gioan Kim Khẩu. Sau thời gian sống ở Antiôkhia, năm 397, thánh nhân được chỉ định làm giám mục thành Constantinopoli, thủ phủ của đế quốc Rôma phía Đông. Ngay từ đầu, Gioan đã có kế hoạch cải tổ cộng đoàn Giáo Hội của ngài: tính nghiêm ngặt của toà giám mục phải là gương mẫu cho tất cả mọi người, cho hàng giáo sĩ, đan sĩ, goá phụ, quan chức và kể cả những kẻ giàu có, quý tộc nữa. Thật không may mắn, nhiều kẻ bị thánh nhân lên tiếng phê bình, đã tự tách biệt khỏi vị giám mục của họ. Phần thánh nhân, ngài luôn để tâm lưu ý đến những kẻ nghèo khổ, nên còn được gọi là “người phân phát lương thự̣c” cho dân chúng. Thực vậy, như một nhà quản trị đầy lòng quan tâm, thánh Gioan thiết lập những tổ chức bác ái, được đánh giá rất cao.

Đối với một vài nhân vật, dường như những việc khởi xướng của thánh Gioan Kim Khẩu trong nhiều lãnh vực khác nhau đã khiến cho ngài trở thành một đối thủ nguy hiểm, nhưng vì thánh nhân đích thực là một vị Mục tử của đoàn chiên Chúa, nên vẫn cư xử với hết thảy mọi người một cách ôn hoà, chứa chan tình phụ tử. Nhất là, ngài luôn nói chuyện tử tế với chị em phụ nữ và tỏ ra quan tâm đặc biệt đến đời sống hôn nhân, gia đình. Ngài muốn mời gọi tất cả các tín hữu tham dự đời sống Phụng vụ, mà với nhiều sáng kiến, ngài đã làm cho nó trở nên sống động, huy hoàng và lôi cuốn.

Thánh Gioan Kim Khẩu là người có lòng lương thiện. Ấy vậy mà, cuộc sống của ngài lại lắm nỗi truân chuyên. Giữ chức giám mục thành Constantinopoli, coi sóc vùng thủ phủ của đế quốc, thánh nhân thấy mình thường bị vướng vào những vấn đề chính trị, bởi phải giữ mối liên hệ thường xuyên với các quan chức và các thiết chế dân sự. Thế rồi, trong nội bộ Giáo Hội, sau khi cách chức sáu vị giám mục ở vùng Asia năm 401, do những vị này được bầu chọn không thích hợp, thánh Gioan bị tố cáo là đã vượt quá thẩm quyền của mình, và vì thế, dễ dàng trở thành mục tiêu của những lời kết án. Ngoài ra, còn có một lời tố cáo khác chống lại thánh Gioan Kim Khẩu liên quan đến sự hiện diện của một vài đan sĩ Ai Cập. Đức Thượng Phụ Theophilus thành Alêxandria đã tuyên bố rút phép thông công các đan sĩ này và họ đang tìm cách ẩn trú, ở lại thành Constantinopoli.

Thế rồi, lại có một tranh luận gay gắt nổi lên, khi thánh Gioan Kim Khẩu lên tiếng chỉ trích hoàng hậu Eudoxia và những cận thần của bà ta. Họ phản ứng lại bằng cách đặ̣t điều và chửi mắ́ng thánh nhân, rồi mưu tính loại trừ ngài ra khỏi một Hội nghị do Đức Thượng phụ Theophilus tổ chức năm 403, dẫn tới việc kết án thánh Gioan và đẩy ngài đi lưu đầy lần thứ nhất trong một thời gian ngắn. Sau khi thánh Gioan trở về, ngài lại tiếp tục phản đối những hoạt động tôn sùng hoàng hậu, vì đó là những cuộc mừng lễ xa xỉ như dân ngoại, đồng thời ngài còn sa thải, trục xuất những linh mục nào đảm trách các nghi lễ Rửa Tội đêm canh thức Phục Sinh năm 404. Sự kiện này dấy lên cuộc bách hại đối với thánh Gioan Kim Khẩu và nhóm các môn đệ của ngài, mà người ta gọi là nhóm “thân Gioan.”

Thế rồi, thánh Gioan viết một lá thư gởi cho vịgiám mục thành Rôma, đức Innôcentê I, để tố cáo những chuyện sai trái ở Constantinopoli, nhưng đã quá muộn màng. Năm 406, một lần nữa, ngài phải chịu lưu đày, và lần này bị tống khứ đến vùng Cucusus ở Armenia. Đức giáo hoàng tin rằ̀ng Gioan Kim Khẩu hoàn toàn vô tội, nhưng cũng bất lực và không thể trợ giúp thánh nhân. Ở̉ Rôma, đức giáo hoàng mong muốn tổ chức một Công đồng để xây dựng hoà bình giữa hai miền đế quốc và hai cộng đoàn Giáo Hội, tiếc rằng điều đó không thể thực hiện. Thánh Gioan phải di chuyển từ Cucusus đến Pityus xa xôi, chủ đích là để ngăn chặn không cho các tín hữu đến thăm nom và phòng ngừa xảy ra các cuộc kháng cự, đào tẩu. Thực tế, đoạn đường này là một hành trình dài khá cam go, khiến kẻ lưu đày phải mệt nhoài, kiệt sức (ngài không thể đến được nơi này): hình phạt đi lưu đày lần hai là một bản án tử hình đối với Gioan! Thánh Gioan Kim Khẩu viết nhiều lá thư rất cảm động trên đường đi lưu đày, thể hiện tâm tình của người mục tử, hết sức quan tâm, lo lắng cho các môn đệ đang phải chịu liên luỵ với thầy.

Hành trình lưu đày của thánh Gioan đã dừng lại ở Comana, vùng Ponto. Người ta thấy ngài kiệt sức, hấp hối, nên mang đến Nhà nguyện thánh Basiliscus tử đạo và chính tại đây, thánh nhân đã phó dâng linh hồn trong tay Chúa vào đúng ngày 14 tháng 09, lễ Suy Tôn Thánh Giá, năm 407. Người ta chôn cất thi hài thánh nhân và dân chúng xem ngài là một vị tử đạo, bên cạnh vị tử đạo được kính nhớ trong nhà nguyện này.[17] Đến năm 438, hoàng đế Theodosius II đã phục hồi thanh danh cho thánh nhân. Các di tích của vịgiám mục thánh thiện này mới đầu được đặ̣t ở nhà thờ̀ Các Tông Đồ ở Constantinopoli, nhưng sau đó, năm 1204, chuyển đến Vương cung Thánh đường Constantino ở Rôma, và ngày nay được đặt ở giữa cung nguyện của các kinh sĩ trong Vương cung Thánh đường thánh Phêrô. Ngày 24 tháng 08 năm 2004, đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gởi một phần lớn các thánh tích ấy cho đức thượng phụ Batôlômêô I của Giáo Hội Chính thống ở Constantinopoli. Phụng vụ kính nhớ thánh nhân vào ngày 13 tháng 09. Đức giáo hoàng Gioan XXIII đã tuyên phong thánh Gioan Kim Khẩu là vị Bảo trợ của Công đồng Vatican II.

Người ta nói rằ̀ng khi thánh Gioan Kim Khẩu được đặ̣t trên ngai của thành Constantinopoli, Thiên Chúa đã làm cho mọi người phải tôn kính ngài, xem ngài như một Phaolô Tông đồ thứ hai, một vị tiến sĩ của vũ hoàn. Thực vậy, nơi thánh Gioan Kim Khẩu, người ta thấy tính nhất quán trong tư tưởng và hành động, ở Antiôkhia cũng như ở Constantinopoli. Thứ duy nhất thay đổi đó là vai trò mà thánh nhân đảm nhận, cộng với bối cảnh cuộc sống. Trong bài chú giải sách Sáng Thế, khi suy niệm về tám hành động của Thiên Chúa trong sáu ngày tạo dựng, thánh Gioan Kim Khẩu muốn khôi phục lại tư tưởng con người từ công trình tạo dựng vươn tới Đấng Sáng Tạo: “Thật tuyệt vời làm sao khi chúng ta biết rằng thụ tạo xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành.” Thánh nhân nói đến vẻ đẹp của công trình tạo dựng và sự nguyên tuyền của Thiên Chúa trong công trình vĩ đại Người đã thực hiện. Công trình ấy trở thành một “chiếc thang” dẫn đưa chúng ta lên trời cao, vươn tới Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ đến bước thứ hai mà thánh Gioan diễn tả: Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, cũng là một Thiên Chúa khoan hồng, độ lượng. Chúng ta là những kẻ yếu hèn đang “leo lên” và mắt chúng ta lờ̀ mờ̀, nhìn không thấy rõ. Vì vậy, Thiên Chúa đã khoan dung, ban cho loài người sa ngã này một bức thư ân tình, đó là Kinh Thánh, ngõ hầu công trình tạo dựng và Kinh Thánh có thể bổ túc, hoàn thiện cho nhau. Loài người chúng ta có thể giải mã công trình tạo dựng trong ánh sáng Kinh Thánh, bứ́c thư ân tình Thiên Chúa gở̉i trao. Thiên Chúa đượ̣c gọi là “người cha hiền hậu,” hay vị “lương y của các linh hồn,”[18] Thiên Chúa cũng là một người mẹ, một người bạn biết cảm thông, yêu thương.[19]

Ngoài ra, thánh Gioan Kim Khẩu còn nhắc đến bước thứ́ ba nữa, ngoài hai bước kể trên (bước một, thế giới thụ tạo là “chiếc thang” vươn lên tới Thiên Chúa, bước hai, Thiên Chúa trao bức thư ân tình là Kinh Thánh): chính Người đã từ trời cao xuống với mỗi người chúng ta, mặc lấy xác phàm, thực sự trở nên một “Thiên Chúa ở cùng chúng ta,” trở nên một người anh em của chúng ta, đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá. Cuối cùng, phải kể đến bước thứ tư ngoài ba bước trên (bước một, có thể thấy Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo; bước hai, Thiên Chúa gởi cho chúng ta một lá thư; bước ba, Thiên Chúa từ trời cao xuống thế, trở thành một người như chúng ta và ở̉ giữa chúng ta): trong cuộc đời cũng như hành động của người Kitô hữu, nguyên lý cho sự sống và sự vận động của chúng ta chính là Thần Khí, Đấng biến đổi mọi thực tại của thế giới này. Qua Thần Khí, Thiên Chúa đi vào sự sống của chúng ta và biến đổi con tim của chúng ta.

Từ nền tảng này, chính tại Constantinopoli, thánh Gioan Kim Khẩu đã tiếp tục bản “Chú Giải Sách Công Vụ Tông Đồ,” đưa ra mô hình lý tưởng của cộng đoàn Giáo Hội thời sơ khai (Cv 4,32-37), làm gương mẫu cho đời sống xã hội, phát triển một xã hội “lý tưởng” (gần như là một “thành phố lý tưởng”). Thự̣c thế, vấn đề ở đây là phải mang đến cho thành phố lý tưởng này một linh hồn, một diện mạo Kitô giáo. Nói cách khác, thánh Gioan Kim Khẩu đã nhận thức rằng: nếu chúng ta chỉ đơn thuần bố thí, tặng quà, cứu giúp những người nghèo khổ theo từng đợt rời rạc, lác đác, thì vẫn chưa đủ; cần phải tạo ra một cấu trúc mới, một khuôn mẫu cho xã hội, dựa trên nền tảng Tân ước. Đó làm một thành phố mới, được biểu lộ nơi một Giáo Hội đã tái sinh.

Với tư tưởng này, thánh Gioan Kim Khẩu trở thành một trong những vị Giáo phụ vĩ đại, nổi bật về giáo huấn xã hội: quan niệm cổ xưa về một “thành bang” Hylạp đã được thay thế bằng một thành phố mới được xây dựng theo niềm tin Kitô giáo. Cùng với thánh Phaolô Tông đồ,[20]giám mục Gioan đã ủng hộ quan điểm phải ưu tiên cho cá nhân tín hữu, ưu tiên cho con người, thậm chí cho cả những người nô lệ và những kẻ nghèo khổ. Ý định của ngài là hiệu chỉnh lại nhãn quan Hylạp truyền thống về “thành bang” (trong đó phần lớn các thành phần dân chúng không có quyền công dân), đang khi đó, trong thành phố lý tưởng Kitô giáo, tất cả mọi người là anh chị em quyền lợi ngang nhau.

Ở đây, cũng phải nói thêm: quan niệm ưu tiên cho con người nơi thánh Gioan Kim Khẩu là hệ quả của một tư tưởng cho rằng, một thành phố được xây dựng từ nhiều cá nhân, chứ không giống như quan niệm của “thành bang” Hylạp xưa kia, vốn ưu tiên cho thành phố và con người phụ thuộc hoàn toàn vào thành phố. Đó chính là một xã hội lý tưởng được xây dự̣ng trên nền tảng Kitô giáo trong quan niệm của thánh Gioan Kim Khẩu. Thánh nhân còn nói rằng: “Thành đô của chúng ta là một thành đô khác, quê hương chúng ta đích thực ở trên trời” (Pl 3,20) và, dù chúng ta đang ở trần thế này, quê hương đó cũng làm cho chúng ta trở thành những anh chị em bình đẳng với nhau, liên kết chúng ta thành một cộng đoàn.

Cuối đời, trên con đường lưu đày tới biên giới Armenia (thời đó được xem là “nơi xa xôi nhất của thế giới”), thánh Gioan Kim Khẩu liên kết với bài giảng điều tiên của ngài năm 386, nói về sự quan phòng của Thiên Chúa, một chủ đề rất thân thương với ngài: đó là “một kế hoạch, một sự quan phòng mà chúng ta không thể diễn tả, cũng không thể thấu hiểu, nhưng chắc chắn Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta theo kế hoạch đó với một tình yêu vô bờ bến.”[21]

Dĩ nhiên, ngày nay chúng ta cũng tin chắc như vậy. Dù không thể thấu tỏ mọi chi tiết trong dòng lịch sử chung của nhân loại cũng như lịch sử riêng của bản thân, nhưng chúng ta vẫn biết rằng kế hoạch của Thiên Chúa được thúc đẩy bởi tình yêu của Người. Vì thế, cho dẫu phải chịu nhiều đau khổ, thánh Gioan Kim Khẩu vẫn luôn khẳng định: Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta bằng một tình yêu vô biên và Người muốn cho tất cả chúng ta được hưởng ơn cứu độ. Phần thánh Gioan, suốt cuộc đời, ngài đã nỗ lực cộng tác với ơn cứu độ này mà chẳng nuối tiếc điều gì. Thực vậy, ngài đã nhìn thấy cùng đích sự sống là vinh quang Thiên Chúa. Ngay trong giây phút lâm chung, ngài để lại di chúc cuối cùng: “Xin tôn vinh Thiên Chúa vì tất cả mọi sự.”[22]

[1]Gioan Kim Khẩu, Lá thư, 8, 45.

[2] Palladius, Dialogue on the Life of St John Chrysostom, 5.

[3]On the Priesthood, 6, 7.

[4] Gioan Kim Khẩu, Lá thư từ nơi lưu đầy.

[5] Gioan Kim Khẩu, Bài giảng về Tin Mừng Mátthêu,81, 5.

[6] Gioan Kim Khẩu, Bài giảng về Tin Mừng Gioan, 3, 1.

[7] Gioan Kim Khẩu, Bài giảng về Thư thứ nhất Côrintô, 12, 7.

[8] Gioan Kim Khẩu,Bài giảng về Tin Mừng Mátthêu,81, 5.

[9]Ibid.

[10] Gioan Kim Khẩu, Bài giảng về Thư Côlôsê, 12, 5.

[11] Gioan Kim Khẩu, Bài giảng về Thư Êphêsô,20, 6.

[12]Gioan Kim Khẩu, Bài giảng về Thư Rôma, 8, 7.

[13] Gioan Kim Khẩu, Bài giảng về Thư thứ nhất Côrintô,24, 2.

[14] Gioan Kim Khẩu, Bài giảng về Tin Mừng Mátthêu, 32, 7.

[15] Gioan Kim Khẩu, Bài giảng về Thư thứ hai Côrintô,3, 5.

[16] Gioan Kim Khẩu, Bài giảng về Sách Sáng Thế,9, 2.

[17] Palladius, Bàn về cuộc đời của thánh Gioan Kim Khẩu, 119.

[18] Gioan Kim Khẩu, Bài giảng về Sách Sáng Thế, 40, 3.

[19] Gioan Kim Khẩu, Về sự quan phòng,8, 11-12.

[20]x. 1Cr 8,11

[21] Gioan Kim Khẩu, Về sự quan phòng, 2, 6.

[22] Palladius, op. cit., 11.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here